Tag Archives: vản học châu Á

Nhật ký đọc sách: “Những đứa con của nửa đêm” (Salman Rushdie)

000nhungduacon.jpg

(Nguồn ảnh: http://mannup.vn/nhung-dua-con-cua-nua-dem/)

1. Làm thế nào để nói rằng mình đã đọc một cuốn sách? Là mình đã đủ kiên nhẫn để đi đến trang cuối cùng của nó và có thể nhớ được một vài ý tứ (nếu là sách học thuật), hay nắm bắt được cốt truyện (nếu đó là tiểu thuyết)? Là mình có thể đúc kết cho bản thân một thông điệp, một bài học nào rút ra từ đó, có thể đưa ra đánh giá nó hay – dở, thú vị – nhạt nhẽo? Là khi đóng lại sách rồi, vẫn chưa thể dứt ra khỏi nó với hàng loạt các câu hỏi không chỉ chất vấn những điều mình từng tin về thế giới, mà chất vấn ngay chính sự đọc của mình? Làm thế nào để sự đọc không chỉ là sự “giả vờ đọc” – một căn bệnh mà một blogger quyền lực về sách vở trên mạng mỉa mai (và có lý khi mỉa mai điều ấy)?

2. Những đứa con của nửa đêm (Salman Rushdie) là cuốn tiểu thuyết chất vấn chính sự đọc của tôi. Tôi biết về nó, nghe về nó nhiều hơn việc đọc nó – bởi chỉ đến mùa hè năm nay, từ một lựa chọn ngẫu nhiên khi tìm một cuốn sách nào đó còn im lìm trên giá sách nhà mình, tôi mới đọc nó liền mạch trong suốt mấy ngày. Cho dù đây là một kiệt tác về nghệ thuật kể chuyện nhưng đúng như là giới thiệu trên bìa 4 cuốn sách (Nhã Nam & NXB Hội nhà văn, 2014),  tiểu thuyết này của Rushdie vẫn cứ là một thách đố đối với ngay cả những độc giả dày dạn. Bởi lẽ ngay từ những trang đầu tiên, Những đứa con của nửa đêm đã cuốn người đọc vào một mạch tự sự cuồn cuộn, hầu như không có khoảng nghỉ: đầy “âm thanh và cuồng nộ”, đầy những hoạt cảnh nổi tiếp nhau, đầy những sự dị kỳ, nghịch lý không cần biện giải cứ hiển lộ ngồn ngộn, đầy những chi tiết nhỏ nếu chỉ vô tình lướt qua sẽ khó tìm được sự kết nối của nó với những chi tiết khác… Tiểu thuyết của Rushdie là một cái gì đó rất hỗn độn song đồng thời lại cũng rất mạch lạc, phóng túng quá đỗi mà cũng nghiêm ngặt quá đỗi. Bản dịch của Nham Hoa đã rất kỳ công khi tái tạo trong tiếng Việt một thứ văn chương đầy chất sống của khẩu ngữ, của nghệ thuật kể chuyện rong mà Rushdie đã kế thừa từ truyền thống tự sự dân gian Ấn Độ lai ghép với nhiều mạch nguồn tiểu thuyết khác – Dickens, Rabelais,  Austen…

3. Tôi tìm thấy gì khi đã không bỏ cuộc với cuốn sách không khỏi có lúc làm mình hoa mắt hay thấy ù tai bởi cái rậm rạp và náo động của nó?

Tôi cho rằng sẽ là đơn giản nếu nghĩ cuốn tiểu thuyết này là một hình thức dụ ngôn để nói về một giai đoạn lịch sử của Ấn Độ hiện đại, với những trang bi thảm và đen tối. Chỉ đến khi đọc cuốn này, tôi mới thực sự phải tra cứu về sự kiện chia cắt Ấn Độ và bàng hoàng bởi những sự kiện từng bị so sánh như một phiên bản tồi tệ , tàn bạo không kém Thế chiến II. Thú thực, dù được học về văn học Ấn Độ thời đại học, nhưng Ấn Độ mà tôi được biết đến (thậm chí từng say mê) luôn luôn là một xứ sở lung linh, kỳ ảo, ngay cả sự phức tạp của nó cũng không gợi lên điều gì nhức nhối. Những đứa con của nửa đêm ở phương diện này có thể so sánh với Cái trống thiếc  của Gunter Grass trong việc ghi lại những kinh nghiệm lịch sử tàn khốc mà chỉ ngôn ngữ nghệ thuật mới nêu được. Bởi với nghệ thuật, những kinh nghiệm lịch sử luôn là cái gì đó sâu xa hơn các thông tin, luôn là cái gì đó cụ thể hơn những gì bị trừu tượng hóa thành các con số hay dữ kiện… Nó là những thứ có khi cần phải cảm nhận bằng mùi hay bằng da thịt, như cách của Saleem Sinai – nhân vật trung tâm của tiểu thuyết này.

Quá khứ chia cắt của Ấn Độ, những di sản hậu thực dân mà đất nước này trải qua không khỏi làm ta liên hệ với chính lịch sử hiện đại của Việt Nam mà có lẽ văn chương chúng ta còn thiếu sòng phẳng để nhìn lại nó. Lịch sử, trong văn chương của Rushdie, với tất cả sự ngẫu nhiên, khôn lường của nó, thực sự là trò chơi, là ảo thuật và vì thế, một thứ ngôn ngữ giàu tính trò chơi theo phong cách hiện thực thần kỳ là phương thức phù hợp hơn cả để bóc mẽ nó. Tính tượng trưng, ẩn dụ đậm đặc của văn chương hiện thực thần kỳ gia tăng bề dày của nhiều trường đoạn trong tiểu thuyết, nhân bội sức gợi của chúng, làm chúng đa nghĩa không kém gì văn bản thánh kinh. Có lẽ gây ấn tượng mạnh nhất với tôi là chương “Trong rừng Sundarbans”, khi Saleem cùng ba người đồng đội trong tiểu đội biệt kích của mình, đột nhiên bị cuốn vào một hành trình bất định, lạc mất mục tiêu và bị vây hãm trong khu rừng già. Phải là một thứ ngôn ngữ tượng trưng mới có thể đồng hiện được cái bi thảm, cái kinh dị, cái thống khổ… của con người khi bị cái gọi là lịch sử cuốn phăng mình đi để rồi đến một lúc nào đó, đột nhiên thấy toàn bộ sự tồn tại của mình trở nên phi lý, trở nên vô nghĩa đến cùng cực.

4. Nhưng Những đứa con của nửa đêm thực ra có nói được một điều gì đó rất riêng tư với tôi? Đây là kỳ vọng của tôi khi đọc một tác phẩm văn chương: tôi chờ đợi cuốn sách nói với tôi một điều gì đó thật đúng lúc.

Những đứa con của nửa đêm làm tôi nhớ đến bộ phim Bá Vương biệt Cơ  của Trần Khải Ca hay Phải sống của Trương Nghệ Mưu – những bộ phim cũng nói về những thân phận bé nhỏ trong lịch sử, chẳng nuôi một mộng tưởng nào khác hơn việc chỉ muốn sống một cuộc đời bình thường.  Nhưng những con người chỉ mong được sống cái thân phận nhỏ bé của mình một cách bình thường ấy lại thường là những con người mà chính trị, lịch sử dễ nghiền nát hơn bao giờ. Và nó thường có những cái cớ rất vĩ mô, đôi khi rất đẹp, để biện minh cho việc nghiền nát ấy. Sau tất cả những màn hí kịch báng bổ, giễu cợt, châm biếm rất Rabelais, Những đứa con của nửa đêm vẫn lắng lại trong những nỗi đau đáu về cái riêng tư bị nghiền nát bởi chính trị này: “Chính trị, hỡi những đứa trẻ: khi đẹp trời nhất vẫn là điều bẩn thỉu. Đáng lẽ ta nên tránh xa nó, đáng lẽ tôi không nên mơ tưởng về mục đích; tôi đi đến kết luận rắng sự riêng tư, cuộc sống cá nhân nhỏ bé của mỗi con người, quan trọng hơn tất cả cái hoạt động vĩ mô bị thổi phồng này.”

Cuốn tiểu thuyết của Rushdie kết lại bằng những suy tư u ám song vẫn là một hiện thực đang diễn ra toàn cầu nơi cái cá nhân vẫn bị xoay vần và bị nghiền nát trong nhiều ngữ cảnh chính trị và văn hóa khác nhau. Điều đáng nói hơn nữa là sức đề kháng của nhân loại với những sự phi nhân trong lịch sử có thể sẽ ngày càng yếu khi cùng với virus lạc quan chưa bao giờ không bị phát tán trong xã hội, còn có một thứ hội chứng nữa cũng lây lan không vấp phải cản trở nào: quên lãng. Quá khứ dẫu có đau thương thì cũng chỉ cần nhớ về nó như một giai thoại, một hình ảnh được du lịch hóa như Wislawa Szymborska từng viết trong bài thơ “Trại đói ở Jaslo“: ta chỉ có thể nói về nó như những gì người ta muốn ta nói, ta chỉ có thể nhớ về nó như những gì người ta muốn mình nhớ. Nhớ, thực chất, là quên.

Tiểu thuyết của Salman Rushdie, vì thế, như một tuyên ngôn của nhà văn: Tôi chống lại sự quên lãng con người, quên lãng cái riêng tư, cái nhỏ bé của con người mà lịch sử hay chính trị cho phép. Và có lẽ thái độ đó của ông làm tôi thấy ông, dù sắc sảo đến khắc nghiệt, vẫn cứ là người gần gũi với mình.

 

Nguyễn Thị Quỳnh Hương – “Người ăn chay” từ góc nhìn của kẻ ăn thịt

Tiểu luận dưới đây là bài viết của bạn Nguyễn Thị Quỳnh Hương, sinh viên K65 khoa Ngữ văn, Đại học sư phạm Hà Nội. Tiểu luận là câu trả lời cho đề bài mà tôi đặt ra cho các bạn sinh viên đang học học phần về Tác phẩm và Thể loại văn học: Hãy nói về một nhân vật văn học khiến anh/chị phải chất vấn những gì đã hiểu, đã tin hay đã nghi ngờ ở con người.

Tôi rất trân trọng những suy tư độc lập của sinh viên, cho dù không khó để nhìn ra những khía cạnh có thể chưa thuyết phục hay cần đối thoại lại. Với tôi, đấy là điều cần nhất của một người học đúng nghĩa. Vì thế, tôi xin giới thiệu bài viết của Quỳnh Hương về tác phẩm Người ăn chay của Han-Kang.

14051666_1455834591098348_4837787305981866888_n

*

Vì mục đích sinh tồn, con người thường được dạy dỗ để có hiểu biết về thế giới xung quanh nhưng hiếm hoi thay những bài học đào sâu vào nội tại, hướng con người vào những vùng còn tăm tối mênh mông nơi “tiểu vũ trụ” mỗi ngày lại từng bước biến đổi. Nói ra điều này, về cơ bản, không phải đang đổ lỗi. Khám phá cái “tôi” của bản thân có lẽ luôn là (và phải là) một hành trình đơn độc, đầy rẫy những bất an, bất trắc; một hành trình mà ở đó không có bất cứ tiêu chí nào rõ ràng theo kiểu vượt qua một bài test với những tiêu chí đã xác lập. Con người gần như không có khả năng tự thấu tỏ chính mình, nó luôn cần những “tấm gương” – những “kẻ khác”. Xung quanh ta dù không thiếu những “kẻ khác” tuy vậy tốc độ chóng mặt môi trường sống hiện thực khiến chúng ta ít khi dừng lại để đánh giá, để hiểu người đó và hiểu chính mình. Hành động thường xuyên nhất của chúng ta là phán xét. May thay, tồn tại một môi trường nhân tạo đầy đủ những điều kiện tối ưu ủng hộ quá trình nhận thức cá nhân của chúng ta – văn học. Những “kẻ khác” nơi đây – nhân vật văn học, trên bề mặt, nhiều khi xa lạ với chúng ta (hiệp sĩ, kẻ trộm, kẻ điên, người trầm cảm,…) nhưng ở tận sâu, họ có khả năng chạm đến, thậm chí kích động chúng ta đồng thời ở cả phần “con” và phần “người”. Những cuộc đối thoại với họ thường không mấy dễ chịu bởi đó không phải những trao đổi hàng ngày, xã giao mà là những cuộc cật vấn, một nỗ lực không ngừng để hiểu vể con người trong toàn bộ sự sinh động và cụ thể mà nó đa mang. Yeong-hye, nhân vật xuyên suốt liên truyện “Người ăn chay” của Han Kang là một trong số những nhân vật gợi nhiều suy nghĩ.

  • Sống.Tổn thương

Liên truyện “Người ăn chay” được ghép nối từ 3 truyện ngắn: Người ăn chay, Vết chàm Mongolia và Cây pháo hoa. Dù mỗi truyện đều có tính độc lập tương đối, được kể theo những điểm nhìn khác nhau nhưng xuất phát điểm của toàn bộ 3 câu chuyện tựu chung ở sự kiện: đột nhiên một ngày người thân của họ – Yeong-hye quyết tâm không ăn thịt. Chính từ thời điểm này, mọi nề nếp của cuộc sống vốn đang yên bình theo trật tự hoàn toàn bị xáo trộn. Yeong-hye càng ngày càng có những dấu hiệu tệ thêm cả về thể chất và tâm thần. Vấn đề đặt ra là, cái chữ “đột nhiên” ấy có hẳn là đột nhiên thật không? Mọi chuyện bắt đầu từ đâu? Nỗi đau bắt đầu từ đâu? Có lẽ với Yeong-hye, tổn thương gần như không có điểm bắt đầu và càng không có điểm kết thúc. Đó là một chuỗi bao gộp nhiều vết rạch: có những vết rạch toang hoác thời thơ ấu của những trận roi đòn giáng xuống từ người cha, ám ảnh chứng kiến cha giết chóc dã man một con chó đã từng cắn mình và cả những vết rạch nho nhỏ mỗi lúc khứa từng chút từ những người xung quanh (người chồng, người chị, bố mẹ,…). Khi Yeong-hye trở nên kì lạ, từ chối việc ăn thịt, họ cũng hỏi cô nguyên nhân nhưng chính họ lại không chấp nhận câu trả lời ấy để lí giải xa hơn. Thiên truyện đầu tiên là sự đan xen các đoạn kể của hai nhân vật về cùng một hiện thực nhưng giữa những sự kiện bề mặt do người chồng kể và sự kiện tâm lí do Yeong-hye giãi bày lại có độ vênh lớn. Thứ người chồng dành cho Yeong-hye không phải niềm cảm thông như lẽ thường mà là sự ngạc nhiên pha lẫn kinh sợ vì anh ta không hề biết những gì đang diễn ra với vợ mình. Gia đình trong “Người ăn chay” dường như là một thế giới không tình yêu, họ chỉ đơn giản lựa chọn một đối tượng dễ chịu đựng để chung sống, là nơi những người phụ nữ hình như luôn bị chồng mình vì sự nghiệp mà quên lãng. Cứ như vậy tình trạng của Yeong-hye mỗi lúc một thêm nứt toác, nứt toác bởi những giấc mơ – thứ mà những người xung quanh cho là vớ vẩn, xem nhẹ. Giá như ngay khi Yeong-hye hai lần liên tiếp nói “em đã mơ”, người chồng ngồi xuống vỗ về và ngồi xuống hỏi han giấc mơ của cô. Giá như người bố thay vì dùng vũ lực ép Yeong-hye ăn thịt lại lắng nghe cô, chia sẻ với cô. Và giá như hồi Yeong-hye chín tuổi, người chị hiểu được lời khẩn nài “chị em mình đừng quay về nữa” của em mình. Nhưng, chúng ta không có những cái “giá như” ấy, dù tất cả những cái “giá như” đều hội chung ở sự quan tâm và lắng nghe. Những người thân đó đều không hiểu và cũng không cố để hiểu cô. Ngay cả các bác sĩ trong bệnh viện tâm thần, thứ họ gọi là chữa bệnh chỉ là những hành vi kiểm soát hay khống chế, một hành động cưỡng bức sống “không ai chịu tìm hiểu… chỉ bắt uống thuốc, tiêm…”.  Chúng ta vẫn hay phủi tay trước nỗi đau, và đơn giản hóa mọi thứ xung quanh nỗi đau của kẻ khác nhưng ta biết đâu chính thái độ đó lại trở thành một thứ lưỡi hái, tước đi hạnh phúc, thậm chí sinh mệnh của chính những người xung quanh.

Bản thân bi kịch của Yeong-hye còn gợi cho mỗi người đọc suy nghĩ về cách chúng ta ứng xử trước nỗi đau của chính mình. Phần lớn chúng ta mong có thể sống một đời sống bình thường, một mối quan hệ tình cảm ổn định, làm một công việc tàm tạm, mọi thứ tưởng như rất ổn nhưng kì thực, cũng giống như nhân vật Ivan Ilych trong tác phẩm Tolstoy hay như chính nhân vật người chị của Yeong-hye, đó chưa phải là đời sống. Việc đau một nỗi đau lưng chừng cũng nguy hiểm như vậy. Nhìn tư điểm ngoài, kể cả lúc đã vào viện tâm thần, Yeong-hye phần lớn hiện lên với vẻ điềm tĩnh, ít nói nhưng dường như tâm hồn cô là một tấm mạng thâu dính tất cả những tác động ngoại cảnh. Hồi còn nhỏ, khi bị bố đánh Yeong-hye mặc dù không hề kháng cự nhưng lại “tiếp nhận tất cả đến tận xương tủy”. Có lẽ khi những vết rạch kia khứa vào lòng mình, Yeong-hye đã luôn vô thức thâu nhận như vậy. Ngay cả trước cái chết của con chó, cô cũng cảm thấy “không sao cả”. Sự vô cảm với chính bản thân cũng là một nhân tố tạo nên bi kịch của Yeong-hye. Con người thường sợ mình yếu đuối và cố gắng khiến mình thành kẻ mạnh mà ít ai biết rằng, dám đi đến tận cùng mọi sự yếu đuối cũng là một loại dũng cảm lớn.

“Người ăn chay” nói chung và nhân vật Yeong-hye nói riêng mở ra cho người đọc những suy nghĩ về khả năng gây tổn thương của con người. Tồn tại trong thế giới, con người dễ dàng có khả năng làm tổn thương nhau và làm tổn thương chính mình. Yeong-hye dường như ý thức được điều ấy khi nghĩ “Tôi tin vào bộ ngực của mình. Tôi thích bộ ngực tôi. Vì nó không thể giết ai được. Tay, chân, miệng, lưỡi, thậm chí ngay cả ánh mắt, tất cả đều là vũ khí có thể giết chết hay làm hại bất cứ thứ gì” nhưng khi ấy cô cũng cảm thấy ngay cả bộ ngực – thứ đáng tin hơn cả trên cơ thể cũng khiến cô bất an “nhưng sao nó cứ teo dần. Bây giờ nó không còn tròn nữa […] Định đâm gì hay sao mà cứ sắc mỏng đi thế”.

 

  • “Sao, không được chết à?”.Chết, quyền tự do chọn lựa của mỗi cá nhân?

Có lẽ con người là sinh vật duy nhất ý thức được sự hữu hạn của mình. Thông thường, ý niệm về cái chết dẫn tới khuynh hướng phủ nhận cái chết bằng cách nuôi dưỡng những “ảo tưởng lớn”, từ những ảo tưởng này sinh ra “những phương thức bất tử”. Hàng bao nhiêu thế kỉ, chúng ta tự yên ủi mình bằng cách tìm những phương thức kí gửi sự tồn tại của mình vào tiền bạc của cải truyền cho thế hệ sau, vào nghệ thuật, vào niềm tin tôn giáo, vào cộng đồng, dân tộc, đất nước,… Tuy nhiên trong xã hội hiện đại – một xã hội cô đơn và đứt gãy, con người bị tách rời khỏi mọi điểm tựa, dường như quay lại nhìn nhận cái chết một cách bình thản hơn và chân thực hơn. “Sao, không được chết à?” – đó là câu hỏi của Yeong-hye đáp lại sự vô vọng và bất lực của  người chị trước tình trạng của mình. Cô có hay không quyền được đi tới cái chết hay làm bất cứ thứ gì mình muốn? Tôi có quyền hủy hoại bản thân không? Yeong-hye điên hay không điên khi đang chất vấn sự sống của chính mình và cả sự sống chịu đựng lờ đờ của người chị ngay trước mắt để rồi In-Hye cũng nhận ra “Việc sống trên đời thật lạ lùng […] Dù có trải qua bất cứ việc gì, dù việc đó có kinh khủng đến đâu đi chăng nữa thì con người cũng vẫn ăn, vẫn uống, vẫn đi đại tiện, vẫn tắm rửa để tiếp tục sống. Đôi khi vẫn cười thành tiếng”. Cố gắng sống sót và duy trì hơi thở của mình sẽ là điều có ý nghĩa chăng khi mọi thứ chỉ gói vòng trong hai chữ thói quen hay trách nhiệm? Yeong-hye và In-hye là hai nhân vật liên tục soi chiếu nhau, Yeong-hye luôn là một khả thể của In-hye và ngược lại. Điều đó có nghĩa là nếu không có những giấc mơ, có lẽ Yeong-hye vẫn tiếp tục sống giống như người chị của mình và In-hye nếu mơ những giấc mơ như vậy thì sớm muộn một sáng cũng trở thành Yeong-hye. Đáng buồn là cả hai cuộc sống đều u mờ như nhau. Một kiếp người đáng buồn như thế có nên neo giữ lại nữa không? Yeong-hye muốn trở thành thực vật, trở thành một cái cây. Một cái cây thì sẽ mãi xanh và không có hại, và quan trọng nếu là cây thì dường như sẽ không cô đơn “Chị,… tất cả cây cối trên đời này hình như đều là anh em của nhau”. Đó là ước muốn không tưởng nhưng Yeong-hye đã tập trung toàn bộ sức mạnh tinh thần của mình để đạt được điều đó. Từ chối ăn thịt và cuối cùng là từ chối toàn bộ thức ăn, phơi nắng, tạo hình một cái cây, ngưng nói năng và dần dà cả suy nghĩ, Yeong-hye không trở thành cái cây nhưng thân xác cô thu nhỏ thành một đứa trẻ kì dị. Một đứa trẻ thì có vẻ vô hại hơn một người trưởng thành. Yeong-hye đang chết dần trong cảm thức muốn trở thành cây nhưng cuộc sống này liệu có khốn khổ hơn cuộc sống bình thường trước kia cô có không, chúng ta không hề biết.

Rất khó để cắt nghĩa rành mạch những gì nhân vật đã tác động nhưng có lẽ bất cứ ai đọc câu chuyện này đều cảm thấy một tiếng “tách” nhỏ của một thứ rạn nứt trong khoảng mờ mịt của tâm hồn. Yeong-hye, nhân vật mang chứng trầm cảm tưởng như xa lạ mà kì thực tồn tại như một phần khuất lấp của mỗi chúng ta. Với câu chuyện của cô, ý nghĩ làm người thật ra không có gì đáng tự hào và cũng chẳng hạnh phúc đã đập tan biết bao mệnh đề tụng xưng vị trí độc tôn cao giá của con người đồng thời hướng người đọc nhìn sâu vào đời sống cá nhân, thoát khỏi tình trạng vô thức, sống một cuộc đời căng tràn mọi chiều kích, bao gồm cả nỗi đau và cái chết. Tuy nhiên, những tác động và sự giải phóng mà nhân vật mang lại có thể thay đổi cuộc đời chúng ta hay không và nếu có thì điều đó mang tới hạnh phúc hay chỉ làm chúng ta thêm day dứt, đau khổ, đó là những điều chỉ thời gian mới có khả năng hồi ứng.

 

Yoko Ogawa – Nhật ký thai kỳ

Making-Peace-2008-oil-on-canvas-48x40

29 tháng 12 ( Thứ Hai): Hôm nay, chị tôi đến bệnh viện M. Vì chị hầu như chưa gặp một bác sĩ nào khác ngoài bác sĩ Nikaido nên cuộc hẹn làm chị thấy căng thẳng. Chị cứ trì hoãn việc này mãi, khi thì lo lắng về chuyện chọn trang phục, lúc lại băn khoăn không biết nên nói như thế nào với bác sĩ, cho đến ngày cuối cùng trong năm phòng khám bệnh viện làm việc. Sáng hôm nay, chị vẫn còn chưa yên tâm.

“Không biết chị phải cho họ xem biểu đồ thân nhiệt của bao nhiêu tháng nhỉ?” Chị lơ đãng ngước lên khỏi bàn ăn sáng nhưng không hề có động tác gì cho thấy chị muốn đứng dậy.

“Tại sao chị không mang tất cả đi?” Tôi hỏi lại.

“Nhưng như thế thì phải mang biểu đồ của cả hai năm ư?” Chị lên giọng, đồng thời vừa khuấy chiếc thìa trong hũ sữa chua. “Hai mươi tư cái biểu đồ. Trong khi đó, chỉ có mấy ngày là liên quan đến cái bầu. Chị nghĩ mình chỉ đưa cho họ xem biểu đồ của tháng này mà thôi.”

“Vậy suốt hai năm, ngày nào chị cũng đo thân nhiệt để làm gì?”

“Chị không thể nào chịu nổi khi nghĩ rằng có một vị bác sĩ nào đó cứ mân mó những bảng biểu đồ ấy trước mắt mình, cứ như thể ông ta muốn săm soi mọi chi tiết để xem chị đã có bầu như thế nào vậy.” Chị chăm chú nhìn sữa chua dính vào thìa của mình. Những giọt sữa trở nên lờ nhờ, sánh và trắng, rồi rơi trở lại xuống hũ.

“Chị cứ quan trọng hoá vấn đề,” tôi vừa nói vừa đậy hũ sữa chua lại, đem cất vào tủ lạnh. “Chúng chỉ là mấy cái biểu đồ thôi mà.”

Cuối cùng thì chị quyết định đem đến bác sĩ tất cả các biểu đồ nhưng viêc này làm chị phải mất thời gian một chút. Tôi không hiểu sao chị tôi ngày nào cũng cẩn thận đo thân nhiệt vậy mà lại cẩu thả đối với chính những bảng biểu đồ ấy. Những tờ giấy vẽ biểu đồ, đáng ra phải được cất giữ trong phòng ngủ của chị, lại lạc sang tận giá để tạp chí hay bàn điện thoại. Thỉnh thoảng, tôi lại bắt gặp chúng khi lật giở một tờ báo hay lúc gọi điện. Bây giờ tôi mới nhận ra có một cảm giác lạ lùng khi mình tìm thấy những mẩu giấy có đường viền răng cưa này. Những lần ấy tôi thường thầm phỏng đoán: “Hẳn là chị đã đến kỳ rụng trứng” hoặc “ Thân nhiệt bình quân tháng này của chị xuống thấp.”

Chị tôi chọn bệnh viện M vì những lý do tình cảm. Tôi muốn đưa chị đến một bệnh viện nào đó lớn hơn, trang thiết bị tốt hơn nhưng chị tôi đã quyết định chọn bệnh viện này. Chị bảo: “Từ hồi còn nhỏ, chị đã nghĩ rằng sau này nếu có con, nhất định chị sẽ sinh ở đó.”

Bệnh viện M là một bệnh viện phụ sản nhỏ của tư nhân ở gần nhà chúng tôi từ thời ông nội. Khi chị em tôi còn nhỏ, chúng tôi thường lén vào trong vườn bệnh viện chơi. Nhìn từ phía trước, khu nhà gỗ ba tầng của bệnh viện trông thật âm u với những bức tường rêu, một tấm biển đã mờ mất một nửa và những cửa sổ bạc hơi sương. Nhưng nếu đi từ vườn ra phía sau lại thấy khu nhà này sáng sủa, nhiều nắng. Không hiểu sao sự tương phản ấy lại cuốn hút chị em tôi.

Phía sau khu nhà bệnh viện có một bãi cỏ được chăm sóc cẩn thận mà chị em tôi đều thích lăn mình trên đó. Khi tôi lăn mình, những hình ảnh vụt thoáng của bãi cỏ xanh và bầu trời lấp loáng luân chuyển nhau trong mắt tôi rồi nhòa thành một màu ngọc lam nhạt. Trong khoảnh khắc, bầu trời, ngọn gió, mặt đất chợt nhẹ tênh và tôi có cảm giác như đang bềnh bồng trong không gian vậy. Khoảnh khắc đó, với tôi, thật đáng yêu.

Nhưng trò chơi lý thú của hai chị em tôi là khám phá xem chuyện gì đang diễn ra bên trong bệnh viện. Trèo lên những chiếc thùng vốn đựng bông gạc nay đã bỏ không, chúng tôi dòm qua cửa sổ vào phòng khám.

“Chị em mình sẽ gặp rắc rối đấy nếu như người ta bắt được,” tôi nói. Tôi luôn nhát hơn chị mình.

“Yên tâm đi, họ không làm gì đâu. Bọn mình chỉ là trẻ con thôi mà.” Chị vừa nói vừa lẳng lặng lấy gấu áo dụi vào cửa kính để lau đi những chỗ mờ do hơi thở của chúng tôi đọng lại. Áp mặt vào cửa sổ, chúng tôi có thể ngửi thấy mùi sơn trắng còn mới bên trong. Cái mùi ấy, như một chỗ nhức đau nằm sâu trong óc, vẫn làm tôi nhớ đến cái bệnh viện này sau bao nhiêu năm tháng.

Căn phòng luôn không có người vào giữa trưa, trước khi giờ khám buổi chiều bắt đầu và chúng tôi có thể ngắm nhìn nó thoải mái. Một hàng chai lọ được đặt trên một cái khay hình ô van gợi một điều gì đó rất bí ẩn. Chúng không có nắp đậy hay dán tem niêm phong, chỉ có những chiếc nút thủy tinh mà tôi vô cùng muốn được nhấc chúng ra. Những chiếc chai đã ố màu của những dung dịch chứa trong chúng: nâu, tía hoặc đỏ sẫm và khi nắng hắt qua chúng, những chất lỏng ấy dường như long lanh.

Một chiếc ống nghe, mấy cái banh và một máy đo huyết áp nằm trên bàn bác sĩ. Cái ống thanh mảnh, cong cong, cái thiết bị gắn cố định màu xỉn bạc và quả bóp hình trái lê bằng cao su của cái máy đo huyết áp khiến nó trông giống như một con côn trùng lạ lẫm làm tổ giữa những dụng cụ khác.Có một vẻ đẹp kỳ quặc ở những hàng chữ khó hiểu in trên những biểu đồ y học. Một tấm áp phích trên tường có ghi: “Nơi xử lý trường hợp đẻ ngược”. Bức tranh vẽ một phụ nữ gần như nằm sấp, ngực áp xuống sàn nhà. Chị ta mặc một chiếc váy bó chật đến nỗi tưởng như đang trần truồng. Chị ta nằm đấy, trong tấm áp phích đã ngả vàng, mắt nhìn ngây dại về một nơi xa xăm đâu đó. Thế rồi khi tiếng chuông từ một ngôi trường lân cận nào đó vang lên là chúng tôi biết đã đến giờ khám bệnh buổi chiều. Chúng tôi phải rời khỏi nơi này khi nghe thấy tiếng của các y tá trở về sau bữa trưa.

Đôi khi tôi nhìn thấy những người phụ nữ nhìn ra cửa sổ từ tầng ba. Họ dường như mới sinh xong. Họ mặc trên mình tấm áo choàng tắm dày cộm, tóc buộc vổng lên như đuôi ngựa. Không ai trong số họ trang điểm cả. Mấy nhánh tóc của họ lòa xòa bên thái dương và khuôn mặt của họ không một chút biểu cảm. Tôi không hiểu tại sao họ lại không thấy sung sướng hơn khi được nằm ngủ ở tầng trên của một phòng khám đầy những đồ vật thú vị như thế.

Chị tôi trở về trước giờ trưa. Tôi gặp chị ngay ở hành lang trước nhà khi đang chuẩn bị đi làm.

“Họ nói sao?”

“Chị có bầu tháng thứ hai rồi – chính xác là sáu tuần.”

“Họ có thể nói chính xác như vậy ư?”

“Có thể, khi họ xem tất cả các biểu đồ,” chị vừa nói vừa cởi áo khoác, vội vã đi qua tôi. Có vẻ như chị không thật hào hứng với cái tin này. “Bữa tối ăn gì vậy?”

“Súp hải sản,” tôi đáp. “Sò và mực ống đang rẻ mà.”

Chị đổi đề tài nhanh đến nỗi tôi quên hẳn việc phải nói lời chúc với chị. Nhưng rồi sau đó, tôi lại băn khoăn không biết liệu từ “chúc” có thích hợp với đứa trẻ sắp sửa ra đời – kết quả của chị và anh rể – hay không nữa. Tôi tra từ “chúc” trong từ điển: nghĩa của nó là “mong cho ai đó vui vẻ”.

“Chẳng có ý nghĩa gì lắm,” tôi vừa lẩm bẩm vừa dò ngón tay theo những hàng chữ mà bản thân chúng cũng chẳng hứa hẹn điều gì vui vẻ cả.

30 tháng 12 (Thứ Ba), 6 tuần + 1 ngày: Từ hồi còn nhỏ, tôi đã không thích ngày ba mươi tháng mười hai. Bao giờ tôi cũng có thể chịu đựng ngày ba mươi mốt bằng cách tự nhủ mình: cuối cùng thì cũng hết một năm. Nhưng ngày ba mươi, không hiểu sao, cứ luôn rối tung cả lên, không chuyện này thì chuyện khác. Làm bữa cơm truyền thống mừng năm mới, dọn dẹp nhà cửa, đi mua sắm – không việc nào tôi hoàn tất được trọn vẹn.

Khi cha mẹ tôi đau ốm rồi qua đời, người này đi ngay sau người kia thì những việc Tết nhất đối với tôi thậm chí còn sơ sài hơn. Điều này cũng không thay đổi khi anh rể đến ở cùng chúng tôi. Tuy vậy, bữa sáng hôm nay thoải mái hơn một chút so với ngày thường vì tôi không phải đến trường còn văn phòng của anh rể cũng đóng cửa nghỉ tết.

“Khi thiếu ngủ thì ngay cả ánh mặt trời mùa đông cũng làm người ta chói mắt,” anh vừa nói, mắt nheo nheo sau cặp kính, vừa từ từ hạ mình xuống ghế. Nắng từ vườn rọi vào nhà, hắt trên mặt bàn và ba đôi dép đi trong nhà của chúng tôi loang bóng dài trên sàn.

“Hôm qua anh về muộn à?” Tôi hỏi. Hôm qua anh đi liên hoan tất niên của phòng khám nha khoa nơi anh làm việc. Có lẽ tôi đã ngủ khi anh về nhà.

“Anh phải bắt chuyến tàu cuối ngày,” anh rể trả lời. Khi anh nâng tách cà phê của mình lên, một mùi ngòn ngọt thoang thoảng bay ra. Anh cho nhiều kem và đường vào cà phê của mình đến nỗi phòng bếp như có mùi của tiệm bánh ngọt ăn sáng. Tôi vẫn thường tự hỏi làm sao một người chuyên đi làm nẹp răng và răng giả cho thiên hạ lại có thể uống một thứ cà phê ngọt như vậy mà chẳng hề lo gì đến việc bị sâu răng. “Tàu cuối ngày bao giờ cũng tồi tệ hơn giờ cao điểm,” anh nói thêm. “Nó luôn chật cứng và ai cũng say khướt.” Chị tôi lấy dao xắt bơ trát lên miếng bánh mì của mình.

Kể từ buổi gặp bác sĩ phụ khoa hôm qua, việc chị có bầu giờ đây đã rõ ràng nhưng dường như chị chẳng có gì đổi khác. Bình thường, một sự việc nhỏ nhặt nhất như tiệm tóc quen của chị đóng cửa, con mèo giả của nhà hàng xóm chết, vòi dẫn nước chính bị hỏng – cũng đủ làm cho chị thấy bất an và phải chạy đến chỗ bác sĩ Nikaido.

Tôi không hiểu chị tôi đã báo cái tin ấy cho anh rể như thế nào. Tôi thật sự không hiểu họ nói gì khi không có tôi ở bên. Thực ra thì tôi chẳng hiểu gì về các cặp vợ chồng. Đối với tôi, họ như một hiện tượng nào đó ở thể khí không lý giải được – một sự vật không hình dạng, không màu sắc, khó hiểu, bị kẹt trong một chiếc cốc thí nghiệm.

“Món này nhiều hạt tiêu quá,” chị vừa cắm dĩa vào món trứng ốp lết vừa lầm bầm. Bởi chị lúc nào cũng có chuyện để kêu ca về thực phẩm nên tôi cứ vờ như không nghe thấy. Lòng đào trứng rỏ giọt xuống từ đầu dĩa của chị như một dòng máu vàng. Anh rể tôi đang ăn những lát kiwi. Tôi thì không thể chịu nổi trái kiwi – hạt của nó làm tôi liên tưởng đến những con bọ nhỏ màu đen, mà trái kiwi sáng nay lại rất chín và mềm. Những hạt mồ hôi đã tụ lại trên mặt bơ.

Rõ ràng cả hai người đều không tỏ ra lo lắng đem chuyện cái bầu ra bàn nên tôi cũng không nhắc đến nó nữa. Ngoài vườn chim đang hót. Vài gợn mây tan ra phía góc trời xa xa. Tiếng chạm bát đĩa đan xen với tiếng nhai của mọi người.

Không một ai trong chúng tôi ý thức rõ năm cũ đã sắp hết. Không có một cành thông nào để trang trí cửa, cũng không có đỗ đen hay mochi1 trong nhà. “Em nghĩ là ít nhất chúng ta nên dọn dẹp nhà cửa,” tôi nói cứ như chỉ cho riêng mình nghe mà thôi.

“Bây giờ đã có bầu, em không nên làm việc này quá sức,” anh rể vừa nhằn trái kiwi vừa quay sang chị tôi nói. Anh nói một điều hiển nhiên cứ như thể đấy là một chân lý sâu sắc.

8 tháng 1 (Thứ Năm), 7 tuần + 3 ngày:  Chị tôi bắt đầu ốm nghén. Tôi không hiểu vì sao nó lại xuất hiện đột ngột như vậy. Ngay từ đầu, chị đã nói chị sẽ không bị ốm nghén, chị ghét cái tính trạng mỏi mòn ấy. Chị tin chắc những hiện tượng như ngủ nhân tạo hay mất cảm giác chẳng hạn sẽ không có ở chị. Nhưng trưa nay, khi chúng tôi đang ngồi ăn mì ống và pho mát thì bỗng nhiên, chị giơ chiếc thìa của mình lên và trân trân nhìn nó.

“Cái thìa này trông ngộ nhỉ?” chị nói. Tôi thì thấy nó hoàn toàn bình thường.

“Nó có mùi rất kỳ cục,” chị căng lỗ mũi ngửi chiếc thìa và nói.

“Kỳ cục như thế nào?”

“Chị không biết nữa… nó như cát ấy. Khi còn bé, em đã bao giờ ngã vào một hố cát chưa? Như thế đó, khô và ráp.” Chị đặt lại chiếc thìa vào đĩa của mình rồi lau miệng.

“Chị ăn xong rồi à?” Tôi hỏi. Chị gật đầu, rồi vẫn cứ ngồi chống cằm bên bàn. Ấm nước bắt đầu reo trên lò. Chị nhìn tôi nhưng không nói gì nên tôi cứ tiếp tục ăn.

“Chẳng lẽ nước sốt mì không làm em nghĩ đến những loại nước trái cây giúp tiêu hoá hay sao?” Chị thì thào. Chị cúi đầu về phía trước, nhìn tôi chằm chặp, đầu nghiêng về một bên. Tôi gõ chiếc thìa của mình vào đĩa. “Và màu của nó nữa, nhìn có giống mỡ lợn không? Cả những sợi mì cũng lạ. Chúng cứ trôi thun thút vào miệng khiến chị tưởng như mình đang ăn những khúc ruột, những cái ống nhỏ, trơn chứa đầy dịch dạ dày vậy.” Tôi cầm chiếc thìa trên tay, nhìn chị vừa nói vừa ứa nước dãi mà thấy buồn khi chị trở nên như thế này. Chị cứ nói mãi, nói mãi, cho đến khi không còn gì để nói nữa và rồi đứng dậy đi. Món mì ống đã trở thành một cái gì đó bùng nhùng, trắng và lạnh, trên đĩa chị.

28 tháng 1 (Thứ Tư), 10 tuần + 2 ngày: Tình trạng ốm nghén của chị trở nên tồi tệ hơn. Dường như chị tin rằng nó chẳng thể khá lên dần dần, cũng không biến mất hoàn toàn được và điều đó làm chị chán nản. Nài ép thế nào đi nữa, chị cũng không thể ăn được cái gì cả. Tôi gợi ý đủ các món có thể nghĩ ra được nhưng chị đều từ chối. Thậm chí, tôi còn lục tìm tất cả sách nấu ăn trong nhà và cùng chị xem chúng nhưng việc này cũng vô hiệu. Bây giờ tôi mới nhận ra ăn thật sự cũng là một việc không đơn giản.

Tuy nhiên, nếu chị không ăn gì thì ắt sẽ đau bụng vì thế cuối cùng chị cũng bảo chị cần một cái gì đó “để cho vào mồm”. (Chị không thể thốt ra được từ “ăn” nữa.) Chị quyết định chọn một cái bánh sừng bò. Bánh quế hay khoai tây cũng được nhưng một cái bánh sừng bò còn thừa lại sau bữa sáng ló ra từ giỏ bánh mì có lẽ đã lọt vào mắt chị. Chị xé chiếc bánh thành từng mẩu nhỏ, ấn vào miệng, nuốt mà không nhai. Rồi để cho trôi, chị nhấp một ngụm nhỏ nước khoáng, mặt nhăn lại khổ sở khi nuốt mẩu bánh. Chẳng giống như người ta ăn chút nào mà giống như đang thực hiện một nghi thức, nghi lễ thần bí nào đó hơn.

Anh rể tôi mang về nhà mấy bài báo mà anh nghĩ có thể giúp ích: “Làm thế nào mà tôi qua được kỳ ốm nghén” hay “Những ông chồng có thể giúp gì cho các bà vợ đang ốm nghén”. Thật khó tin nhưng cái bầu dường như ảnh hưởng đến cả chuyện ăn uống của anh nữa. Ở bàn ăn, anh chỉ ngồi gẩy thức ăn, hầu như chẳng ăn gì cả. “Anh không thể nào ăn được khi chị đang có cảm giác tiêu cực như thế,”anh thở dài bảo. Có lẽ chị nghĩ anh làm như vậy chỉ cốt để chứng tỏ sự tử tế của mình nhưng tôi để ý thấy lúc xoa lưng cho chị khi chị đang cố nuốt một mẩu bánh, mặt của anh nhợt nhạt khủng khiếp và một tay anh phải bụm miệng lại. Họ ôm lấy nhau rũ rượi như một đôi chim bị thương rồi dìu nhau về phòng ngủ đến tận sáng hôm sau mới thấy mặt.

Tôi thương hại cho anh rể vì anh chẳng có lý do gì để cảm thấy ốm đau như vậy và tức giận bởi những tiếng thở dài, rên rẩm thì thầm của anh. Tự nhiên tôi nghĩ mình sẽ yêu người đàn ông nào có thể chén ngon lành cả một bữa tối kiểu Pháp đủ ba món ngay cả khi anh ta biết rõ tôi đang nằm liệt giường vì ốm nghén.

6 tháng 2 (Thứ Sáu), 11 tuần + 4 ngày: Bây giờ tôi ăn một mình. Tôi cứ vừa nhẩn nha ăn vừa ngắm những luống hoa hay một chiếc xẻng bị bỏ quên trong vườn hay những cụm mây nhởn nhơ bay qua. Tôi thích những khoảnh khắc yên tĩnh như thế, thậm chí thỉnh thoảng, tôi còn uống bia hay hút thuốc trong bữa trưa, điều mà chị tôi vốn rất ghét. Tôi không cô đơn. Ăn một mình có lẽ hợp với tôi. Nhưng sáng nay, khi tôi đang rán thịt muối và trứng thì chị tôi hớt hải chạy xuống cầu thang.

“Mùi gì kinh khủng vậy?” Chị vừa giật tóc mình vừa gào lên. “Chẳng nhẽ em không thể không làm một việc gì đó được sao?” Dường như chị sắp bật khóc. Bàn chân trần lộ ra dưới chiếc quần pijama của chị trông thật lạnh giá và trong suốt tựa thủy tinh. Chị tắt bếp mà cứ như thể muốn giật phăng cái núm điều chỉnh ra khỏi bếp lò.

“Chỉ là thịt muối và trứng thôi mà chị,” tôi nói nhỏ.

“Thế thì tại sao cả nhà này lại lợm cái mùi ghê tởm ấy? Nào bơ, nào mỡ, rồi lại trứng, lại thịt lợn – trời ơi, tôi ngộp thở mất!” Chị gục đầu xuống bàn nức nở. Tôi không biết phải làm gì, đành bật quạt thông gió lên và mở cửa sổ ra.

Lần này chị khóc rất thê thiết. Nhìn chị khóc, có cảm giác như đang xem một cảnh trong một vở kịch vậy. Tóc chị xoà xuống mặt, hai bờ vai cứ run lên. Tôi vỗ vỗ lưng chị để an ủi.

“Em phải làm cái gì đó đi!” Chị nói trong tiếng nghẹn ngào. “Khi tỉnh dậy, cả cơ thể chị như bị ám nhiễm bởi cái mùi khắm lặm đó. Nó ở trong miệng chị, trong phổi chị. Dường như nó xâm chiếm toàn bộ cơ thể bên trong chị.”

“Em xin lỗi,” tôi lí nhí. “Em sẽ cẩn thận hơn.”

“Mà không chỉ thịt muối và trứng thôi đâu. Cả chảo rán, bát đĩa, rồi xà bông trong phòng tắm, màn cửa trong buồng ngủ – tất cả đều dậy mùi. Nó lan khắp cái nhà này như một con a míp khổng lồ ngấu nghiến hết tất cả các mùi khác, cứ thế, cứ thế mãi.” Chị ngồi đó sùi sụt, khuôn mặt đẫm nước tì trên bàn còn tôi thì vẫn chỉ biết đứng đấy, đặt tay lên lưng chị, quan sát những ô kẻ ca rô trên bộ pijama của chị. Tiếng mô tơ của quạt thông gió nghe to hơn bình thường.

“Em biết, em biết rồi,” tôi thì thầm. Tôi hít một hơi thở sâu, nhưng chẳng ngửi thấy gì cả. Vẫn là phòng bếp buổi sáng đấy thôi. Những chiếc tách cà phê được xếp ngăn nắp trong tủ ly. Những chiếc khăn lau bát trắng phơi trên giá. Một mảng trời xanh lạnh lẽo hiện qua cửa sổ.

Tôi không biết chị đã khóc trong bao lâu. Có thể chỉ mấy phút thôi nhưng dường như có cảm giác chị đã khóc lâu hơn thế. Nhưng dù thế nào đi nữa thì chị cũng đã khóc cho đến khi không thể khóc được nữa. Rồi chị hắt một hơi thở dài, chậm rãi và ngước nhìn tôi. Hai má và mi mắt chị đầm đìa nhưng nét mặt chị lại bình thản.

“Từ giờ, em sẽ không sử dụng phòng bếp khi chị ở đây,” tôi nói. Chị gật đầu. Thịt muối và trứng của tôi đã trở nên lạnh tanh, nằm yên trong chảo rán.

10 tháng 2 (Thứ Ba), 12 tuần +1 ngày: Đã mười hai tuần rồi nhưng tình trạng ốm nghén của chị vẫn tồi tệ như trước. Nó dính chặt lấy chị như một chiếc áo cánh ướt nhẹp. Đó có thể là lý do khiến hôm nay, chị đến chỗ bác sĩ Nikaido. Thần kinh, hoóc môn, cảm xúc của chị – dường như tất cả đều có vấn đề không ổn. Như mọi lần trước khi đến chỗ bác sĩ, chị lại bỏ hàng giờ để nghĩ xem nên mặc gì. Chị trải hết áo choàng, váy ngắn, áo len, khăn quàng lên trên giường và ngắm nhìn chúng kỹ lưỡng. Chị cũng mất một hồi lâu để trang điểm. Tôi cứ lo tất cả sự cầu kỳ thái quá này của chị sẽ làm cho anh rể nổi ghen mất. Ốm nghén làm cho hông chị thắt lại, gò má hơi hóp đi, răng như đều hơn; trông chị còn xinh hơn trước. Người ngoài khó mà đoán được là chị đang mang bầu.

Tôi đã từng gặp bác sĩ Nikaido một lần, khi ông ta đưa chị tôi về nhà vào một hôm trời bão. Đó là một người đàn ông trung niên, khuôn mặt không có điểm gì đặc biệt và ông ta chẳng để lại trong tôi một ấn tượng nào cả. Thật sự tôi tuyệt nhiên không thể nhớ nổi một đặc điểm nào ở ông, chẳng hạn như dái tai dày hay những ngón tay cứng cáp. Ông ta đứng yên lặng sau lưng chị tôi, mắt cúi xuống. Có thể là lúc ấy vai và tóc ông đều sũng nước mưa nên trông ông rất buồn.

Tôi không biết phương pháp điều trị của ông là gì; chị tôi có nói đến những bài kiểm tra tâm lý và loại thuốc thang nào đó. Từ hồi học trung học, gặp chuyện  gì, chị cũng tìm đến ông, tính đến giờ đã hơn mười năm, không gián đoạn nhưng tôi không hiểu liệu chị có thật sự khá hơn. Những vấn đề về cảm xúc ở chị có lẽ chưa bao giờ yên ổn cả, chúng như cụm rong biển lênh đênh khắp đại dương, chưa bao giờ thấy một bến bờ nào an toàn để dạt vào. Tuy nhiên, chị bảo rằng khi ở văn phòng bác sĩ, chị thấy tốt hơn nhiều.

“Giống như khi người ta gội đầu cho mình ở tiệm vậy,” chị nói. “Có cảm giác mình được ai đó chăm sóc – thật tuyệt vời.” Chị khoan khoái lim dim mắt, mơ màng nghĩ đến ông bác sĩ.

Nhưng tôi thì thấy thật khó có thể tin bác sĩ Nikaido là một bác sĩ tâm lý giỏi. Dáng ông đứng lặng bên cửa trong cái đêm trời nổi bão đó khiến ông trông giống một bệnh nhân sợ hãi hơn là một bác sĩ.

Mặt trời đã lặn và mặt trăng dát vàng đã nhô lên trên nền trời tối nhưng chị tôi vẫn chưa về nhà. “Đáng ra cô ấy không nên ra ngoài khi trời lạnh như thế này,” anh rể than thở. Khi một chiếc taxi đỗ ngay trước cổng nhà, anh vội chạy ra đón chị. Mắt chị long lanh khi cởi khăn quàng ra và chị có vẻ như đã bình tĩnh hơn nhiều so với buổi sáng. Song cho dù đến bác sĩ Nikaido thường xuyên, tình trạng ốm nghén của chị vẫn tệ như trước.

1 tháng 3 (Chủ Nhật), 14 tuần + 6 ngày: Bỗng tôi nhận ra mình đã chẳng nghĩ gì đến đứa bé cả. Tôi nghĩ đáng lẽ mình phải tò mò xem nó là con trai hay con gái, anh chị tôi sẽ đặt tên cho nó là gì, nên mua loại quần áo trẻ nào. Tôi hình dung người ta thường thích nghĩ đến những chuyện như vậy. Thế nhưng chị tôi và anh rể không bao giờ nói về đứa bé trước mặt tôi. Họ xử sự như thể chẳng có mối liên hệ nào giữa cái bầu với một hài nhi, trên thực tế, đang nằm trong bụng chị. Điều đó có lẽ lý giải vì sao đứa bé ấy không tồn tại một cách cụ thể đối với tôi.

Lúc này, tôi dùng từ “nhiễm sắc thể” để nhắc mình nhớ có một đứa trẻ thật sự đang nằm ở đó. Từ “nhiễm sắc thể” giúp cho tôi có một ý niệm nào đó về hình thức của nó. Tôi đã một lần nhìn thấy hình ảnh về các nhiễm sắc thể trong một tạp chí khoa học. Chúng trông giống như những đôi kén bướm đang xếp hàng. Thân chúng thuôn thuôn, kích cỡ và hình dạng chỉ vừa đủ để có thể lấy ngón tay bấu. Những cặp nhiễm sắc thể này đều khác nhau: có cặp cong cong ở đầu như chiếc ba toong, lại có cặp thẳng đuột và song song, còn có cặp thì quấn vào nhau như một cặp song sinh dính liền thân. Tôi gạt đi trong đầu mình hình ảnh những cặp kén song sinh khi nghĩ đến đứa con của chị.

14 tháng 3 (Thứ Bảy), 16 tuần + 5 ngày: Trông chị không giống người có bầu một chút nào, mặc dù chị đã sang tháng thứ năm. Từ hàng tuần nay, chị chẳng dùng gì ngoài bánh sừng bò cùng nước khoáng và chị đã sụt cân khá nhiều. Ngoài những lần đến bác sĩ Nikaido, cả ngày chị chỉ nằm trên giường như thể đang ốm nặng lắm.

Điều duy nhất mà tôi có thể làm cho chị là tránh tạo ra bất cứ một mùi gì vì thế tôi đã thay tất cả xà bông đang có trong nhà bằng một loại không có hương. Tôi trút tất cả ớt bột, húng tây, xô thơm trên giá để gia vị vào trong một cái hộp thiếc. Tôi mang tất cả đồ trang điểm từ phòng chị sang phòng mình. Và khi chị bắt đầu phàn nàn về mùi của kem đánh răng thì anh rể đi mua về một cái vòi sục răng. Tất nhiên, tôi cố gắng không nấu nướng gì khi chị ở gần. Nhưng nếu cần thiết phải làm một cái gì đó thì tôi mang nồi cơm, lò vi sóng hay máy nghiền cà phê ra ngoài vườn và trải một tấm chiếu xuống đất.

Thật thanh thản khi ăn ngoài trời một mình như thế này, vừa ăn tôi vừa ngước nhìn trời. Thời gian này những buổi tối đã trở nên ấm hơn vì mùa xuân sắp về, không khí cũng đã dịu lại. Tay và chân tôi do tì vào chiếu nên tê đau một chút nhưng mọi thứ khác đều thú vị; bụi bách nhật hồng, hàng gạch viền quanh những luống hoa, những vì sao nhấp nhánh – tất cả đều sắc nét, trong sáng. Ngoại trừ tiếng chó sủa phía xa xa, buổi tối hoàn toàn thanh tĩnh.

Tôi cắm nồi cơm vào một ổ điện nối thêm được kéo ra từ bếp, chẳng mấy chốc, hơi nước đã bốc lên qua lỗ thông hơi và tan vào bóng tối. Một gói nhỏ thịt hầm ăn liền đang chín dần trong lò vi sóng. Thi thoảng, một làn gió nhẹ lướt qua, lay động cây lá, cuốn theo hơi nước bay đi.

Ở ngoài vườn, tôi ăn chậm hơn. Chén, bát bày trên chiếu được tôi xếp ở những góc hơi khác nhau. Tôi rưới nước hầm, cẩn thận để không bị sánh ra ngoài, tự dưng thấy mình như đang chơi đồ hàng vậy. Một ánh sáng mờ mờ được thắp lên bên cửa sổ của phòng chị trên tầng hai. Tôi nghĩ giờ này chắc chị đang cuộn mình trên giường trong sự phủ vây của tất cả những thứ mùi này. Và rồi, tôi há to miệng như muốn cắn cả bóng tối cùng với miếng thịt hầm.

31 tháng 3 (Thứ Ba), 19 tuần + 1 ngày: Hôm nay, tôi dậy sớm vì siêu thị nơi tôi phải đến theo phân công của chỗ làm thêm cách nhà khá xa. Trời đầy sương đến nỗi khi đến nhà ga thì cả hai mí mắt tôi đều lạnh và ướt nhèm.

Công việc này phù hợp với tôi vì mỗi lần nhận nhiệm vụ, tôi lại được sếp điều đến một siêu thị ở một khu vực không mấy quen thuộc trong thành phố và chưa bao giờ tôi phải đến một siêu thị nào tới hai lần. Siêu thị thường được xây trên một khoanh đất nhỏ nằm trước một nhà ga, có vạch sang đường dành cho người đi bộ, có chỗ để xe đạp và một bến xe buýt gần đó. Nhìn người người đi vào cửa hàng, tôi có cảm tưởng như mình đang trong một chuyến tham quan nào vậy.

Ở lối vào dành cho người làm trong siêu thị, tôi chìa thẻ nhân viên của nơi làm thêm ra và viên bảo vệ gật đầu khó chịu..Siêu thị này trông cũng chán khi nhìn ở phía sau với những chiếc hộp, những mảnh vải nhựa ẩm ướt và mấy cọng rau vương vãi trên sàn nhà.  Đèn huỳnh quang thì sáng lờ mờ. Tôi lang thang trong quầy hàng với chiếc túi đựng đầy đồ nghề, tìm một vị trí tốt nhất để thực hiện công việc của mình. Ngày hôm nay, tôi  chọn vị trí ở giữa quầy bán thịt và gian hàng đông lạnh.

Đầu tiên, tôi chất mấy cái thùng bỏ không lấy từ nhà kho lên để dựng một cái bệ. Sau đó, tôi trải lên nó một tấm khăn trải bàn in hoa và bày ra một cái đĩa. Tôi đặt bánh quy lên đĩa rồi lấy một cái máy đánh kem bằng điện từ trong túi ra và bắt đầu đánh kem.

Cửa hàng vừa mới tân trang nên sàn nhà sạch bóng, mọi thứ dường như đều lấp loá. Tôi chấm chỗ kem vừa đánh lên từng chiếc bánh quy và mời khách hàng khi họ đi ngang qua. Tôi cứ phải luôn miệng nói đi nói lại mấy câu chào hàng chính xác y như những gì được in trong sách hướng dẫn của nơi làm thêm: “Xin mời quý khách nếm thử. Hàng mới ra hôm nay. Còn gì xứng hơn với chiếc bánh yêu thích mà quý khách tự làm ở nhà?” Hiếm khi tôi nói thêm một cái gì khác.

Đủ loại người đi qua chỗ tôi đang đứng – một quý bà đi xăng đan, một chàng thanh niên mặc đồ thể thao, một phụ nữ Philipin với mái tóc quăn. Một vài người lấy một chiếc bánh quy tôi bày trên đĩa và ăn. Có người đi qua nhìn với vẻ nghi ngờ. Lại có người lấy một hộp kem cho vào túi mình mà chẳng nói năng gì. Tôi đều mỉm cười với tất cả. Tiền lương của tôi không liên quan đến số lượng hộp kem mà tôi bán được, do đó, tỏ ra niềm nở với mọi người có lẽ là việc dễ dàng nhất.

Những người đi mua sắm đi qua tôi, trên tay là những chiếc giỏ mua hàng, cứ như thể tất cả đang bập bềnh theo một dòng suối hàng hoá. Bỗng nhiên tôi nhận ra gần như mọi thứ ở đây đều có thể ăn được và điều ấy có vẻ thật hiểm độc. Có một nỗi bất an nào đó khi thấy bao nhiêu con người tụ lại một nơi để tìm kiếm thực phẩm. Và rồi tôi nhớ đến chị mình, nhớ đến ánh mắt buồn bã của chị khi nhìn chằm chằm vào một mẩu bánh ngọt nhỏ xíu, nhớ đến hình ảnh chị muốn bật khóc khi cố nuốt và những vụn bánh trắng vung vãi lung tung trên bàn.

16 tháng 4 (Thứ Năm), 21 tuần + 3 ngày: Hôm nay, lần đầu tiên, chị tôi mặc váy bầu. Bụng của chị trông có vẻ lớn hơn nhưng khi chạm vào đó, tôi lại thấy nó chẳng đổi thay gì hết. Tôi thấy khó có thể tin có một sự sống ở dưới tay mình. Chắc chị phải mất một thời gian khó khăn để quen với chiếc váy. Chị cứ ngồi nghịch vơ vẩn mãi với sợi dây thắt lưng.

Nhưng những cơn ốm nghén của chị đã biến mất, cũng đột ngột như khi nó phát bệnh. Từ lúc những cơn buồn nôn của chị bắt đầu xuất hiện, chị đã hoàn toàn tránh xa phòng bếp, vì thế tôi rất bối rối khi thấy chị lại đứng dựa vào bàn làm bếp sau khi tiễn anh rể đi làm sáng nay.

Bởi chúng tôi không nấu nướng gì nên phòng bếp sạch bong. Tất cả đồ làm bếp đã được cất đi, bàn làm bếp sạch sẽ, khô ráo, máy rửa bát để không. Căn phòng lạnh và trang nghiêm như một phòng trưng bày. Chị nhìn quanh một lát rồi ngồi xuống bên bàn ăn. Bình thường thế nào trên bàn cũng ngổn ngang chai lọ mà chúng tôi đã quên cất đi nhưng hôm nay thì chẳng có cái gì ở đó cả. Chị ngước nhìn tôi như muốn nói điều gì. Đường diềm của chiếc váy luấn quấn gót chân chị.

“Chị có muốn một cái bánh sừng bò không?” Tôi hỏi một cách hết sức thận trọng.

“Làm ơn đừng thốt ra cái từ đáng sợ ấy,” chị nói. Tôi gật đầu ngoan ngoãn. “Những chị muốn một cái gì đó khác,” chị nói tiếp, gần như là thì thào.

“Được thôi,” tôi nói rồi vội chạy đến tủ lạnh, chợt nhận ra lần đầu tiên sau bao nhiêu ngày trời, chị tôi mới tỏ ra có chút hứng thú về chuyện ăn uống. Nhưng hoàn toàn không có gì trong tủ, chỉ có một ánh sáng trơ trọi soi rọi sự trống rỗng mà thôi. Tôi đóng cửa tủ lại, thở dài rồi đến chạn tìm, nhưng ở đó cũng không có gì nốt.

“Em không có cái gì sao?” Chị nói với giọng lo lắng.

“Để em xem nào,” tôi vừa nói vừa lục lọi hết các túi, các hộp, các bình. “Có một chút bột làm thạch, nửa gói bột mì, mấy cái nấm khô, phẩm đỏ, men bia, va ni còn thừa…” Tôi nhìn thấy hai cái bánh sừng bò còn sót nhưng nhanh chóng để chúng lại.

“Nhưng chị muốn ăn một cái gì đấy,” chị nói như thể đưa ra một quyết định tức thì.

“Từ từ đã. Chắc phải có thứ gì quanh đây chứ!” Tôi lục lại chạn một lần nữa, từng ngăn một. Ở tận dưới đáy, tôi tìm thấy một ít gạo mà một lần chúng tôi đã mua về để làm bánh.  Nhìn vào đát trên hộp thì thấy chỗ gạo này đã để được hơn hai năm rồi và giờ chúng đã khô khốc như nhãn cầu của xác ướp vậy. “Cái này thì thế nào?” Tôi đẩy cái túi về phía chị hỏi. Chị gật đầu.

Nhìn chị ăn một thứ cứng ngắc như vậy mà nét mặt vẫn ngời lên thỏa mãn thấy thật lạ lùng. Răng hàm của chị đảo liên tục, chị vốc hết nắm này đến nắm khác từ túi ra. Dường như toàn bộ tâm trí và cơ thể chị dồn hết vào mỗi việc ăn. Khi ăn đến những hạt gạo cuối cùng, chị nhìn chúng nằm trong lòng tay giây lát, ngắm nghía nó một cách trìu mến trước khi chầm chậm đưa nó vào miệng. Đến lúc ấy, tôi hiểu rằng chị đã qua kỳ ốm nghén.

1 tháng 5 (Thứ Sáu), 23 tuần + 4 ngày: Mười ngày qua, chị tôi đã lấy lại gần năm ký mà chị đã mất trong suốt 14 tuần ốm nghén. Giờ thì lúc nào chị cũng có một cái gì ăn được trong tay khi không ngủ. Nếu không ngồi ở bàn ăn thì hẳn lúc ấy, chị đang cầm một túi bánh ngọt trên tay hay đang đi tìm một cái mở đồ hộp hay mò mẫm ngăn tủ lạnh. Cứ như thể toàn bộ sự sống của chị giờ đây chỉ còn là việc ăn mà thôi. Lúc nào chị cũng ăn, ăn như phản xạ, ăn như thở. Mắt chị trong veo và vô cảm, đôi mắt như bị dán chặt vào một nơi xa xăm nào đó. Cơ miệng của chị cử động rất khỏe như bắp đùi của vận động viên đang chạy nước rút vậy. Nhưng với tôi thì hầu như không có gì thay đổi. Cũng như khi chị ốm, tất cả những gì tôi có thể làm chỉ là ngồi yên và quan sát.

28 tháng 3 (Thứ Năm), 27 tuần + 3 ngày: Chị càng ăn nhiều thì bụng chị lại càng lớn. Nó phồng căng lên ngay từ dưới ngực đến tận phần bụng dưới. Khi để tôi chạm vào nó, tôi giật mình vì thấy nó cứng đến vậy. Và nó không hoàn toàn cân đối; nó hơi lệch về một bên. Cả điều này nữa cũng đáng ngạc nhiên.

“Giờ đang là thời điểm mà các mí mắt bắt đầu tách ra,” chị bảo tôi. “Nếu bào thai này là con trai thì cơ quan sinh dục ngoài của nó đang bắt đầu hạ xuống từ khoang bụng.” Giọng của chị khi miêu tả đứa bé thật lạnh. Và có cái gì đó không ổn trong những từ mà chị dùng – “bào thai”, “cơ quan sinh dục ngoài”, “khoang bụng” – nó có cái gì đó không thích hợp lắm với một bà mẹ đang đợi đến kỳ sinh nở. Nhìn bụng chị, tôi băn khoăn không biết liệu những nhiễm sắc thể trong đó có bình thường hay không, liệu chúng có ngọ nguậy ở đâu đó bên trong chị không.

Có một sự cố nhỏ xảy ra tại siêu thị nơi tôi làm việc hôm nay. Một cậu nhân viên nhà kho trượt chân bởi một cọng rau diếp và làm đổ cả một xe đầy trứng. Việc xảy ra ngay chỗ tôi đang đứng chào hàng nên tôi thấy rất rõ. Vỏ trứng vỡ và lòng trứng vàng nhớp nháp dây ra khắp sàn nhà. Dấu giày vải của cậu nhân viên còn hằn in trên lá rau diếp. Mấy hộp trứng đổ xuống chỗ bày hoa quả, làm cho những trái táo, trái dưa và chuối lấm lem lòng trứng trắng.

Sau sự cố ấy, người quản lý siêu thị cho tôi một túi bưởi lớn mà ông bảo không thể bán đươc nữa. Tôi hớn hở mang những trái bưởi ấy về nhà vì mấy ngày này, nhà tôi dường như lúc nào cũng không đủ thức ăn. Khi trút túi bưởi ra bàn, tôi ngửi thấy chúng hơi có mùi trứng. Đó là những trái bưởi vàng to được nhập từ Mỹ và tôi quyết định chế biến nó thành mứt.

Bổ những quả bưởi này, lấy phần ruột của nó ra là cả một việc nặng nhọc. Chị và anh rể tôi đã đi ra ngoài ăn đồ Trung Hoa. Đêm xuống, căn nhà hoàn toàn yên tĩnh, chỉ có tiếng dao thỉnh thoảng chạm vào nồi, tiếng một trái bưởi lăn trên bàn hay tiếng ho khẽ của tôi. Ngón tay của tôi dấp dính nước từ trái bưởi. Ánh sáng trong phòng bếp soi rõ cả hàng hạt trong múi bưởi. Những trái bưởi thậm chí trông còn bóng sáng hơn khi lớp đường tôi rắc lên chúng tan đi. Tôi lần lượt cho những tép bưởi xinh xinh hình trăng lưỡi liềm vào trong nồi.

Lớp vỏ dày nằm lăn lóc trên bàn không hiểu sao có cái gì đó rất hài hước. Tôi bỏ lớp cùi đi, xắt vỏ thành những miếng nhỏ trước khi cho vào nồi. Nước bưởi vàng phọt ra khắp nơi, bắn lên lưỡi dao, lên bàn thái thức ăn và vào tay tôi. Cả vỏ bưởi cũng có những đường vân gọn gàng, đều đặn như màng da của con người khi được quan sát dưới kính hiển vi.

Cuối cùng, tôi bật bếp lò lên và ngồi xuống nghỉ ngơi. Tiếng của nồi mứt bưởi sắp chín như bị cuốn đi, chìm vào đêm. Hơi nước chua từ nồi dâng lên. Nhìn trái bưởi đang tan dần, bỗng dưng tôi lại nhớ đến một cuộc hội thảo mà mấy đứa bạn kéo tôi đến dự vài tháng trước. Tên của chương trình hội thảo là: “Nạn ô nhiễm: Trái Đất của chúng ta; Cơ thể của chúng ta.” Không có nhiều người đến dự nhưng những người có mặt ở đây có vẻ là một nhóm bạn thân. Là người bên ngoài, tôi chọn một cái bàn ở góc phòng ngồi xuống và nhìn những hàng dương trong khuôn viên trường qua cửa sổ.

Một phụ nữ gầy gò đeo một cặp kính kiểu cũ thuyết trình về mưa axit rồi sau đó, một vài câu hỏi hóc búa được nêu lên. Tôi vờ như đang tập trung nghe nhưng tay thì sốt ruột lật qua lật lại cuốn sách nhỏ mà người ta đưa cho mình ở lối vào phòng họp. Ở trang đầu tiên có hình một trái bưởi Mỹ với một lời ghi chú được in đậm: “Hãy cảnh giác với trái cây nhập khẩu. Chất chống nấm P.W.H có chứa chất gây ung thư hàm lượng cao và đã cho thấy có thể hủy hoại nhiễm sắc thể của người!” Dòng chữ ấy lúc này lại hiện lên trong đầu tôi khi đang ngồi trong phòng bếp này.

Múi và vỏ bưởi đã tan thành một chất lỏng hiền hòa điểm xuyết những sợi thạch. Tôi vừa tắt bếp lò thì chị tôi và anh rể về đến nhà. Chị đi thẳng vào bếp.

“Mùi gì lạ thế?” chị hỏi rồi ngó vào trong nồi. “ Chà! Mứt bưởi – tuyệt vời quá!” Chị không nói gì tiếp nữa trước khi tìm thấy một chiếc thìa và xúc lên một thìa mứt còn nóng. Vẫn giữ chặt ví trong tay, chị tôi, trong bộ váy bầu mới và đôi khuyên đẹp nhất, cứ thế đứng đưa thìa vào mồm. Anh rể đứng ở cửa nhìn chị.

Chị ăn hết thìa này đến thìa khác. Cái bụng căng vổng lên khiến chị trông có vẻ ngạo nghễ khi đứng bên bếp lò, nuốt từng giọt nước mứt nhơn nhớt xuống cổ họng. Khi nhìn chỗ nước mứt cuối cùng trong còn lại hơi sóng sánh ở đáy nồi, tôi không hiểu liệu cái chất P.W.H ấy có thật sự hủy hoại các nhiễm sắc thể?

15 tháng 6 (Thứ Hai),30 tuần tròn: Gió mùa về. Hầu như ngày nào trời cũng mưa. Không gian sầm sì và ảm đạm khiến chúng tôi phải bật đèn suốt cả ngày. Tiếng mưa cứ rả rích hoài bên tai tôi và trời lại lạnh đến nỗi tôi bắt đầu hồ nghi không biết liệu mùa hè  rồi có đến?

Nhưng bệnh thèm ăn của chị tôi thì chẳng thay đổi gì cả và mỡ đã bắt đầu tích lại ở má, ở cổ, rồi cả ở ngón tay và gót chân của chị nữa. Lớp mỡ dày, mềm.

Và tôi vẫn tiếp tục làm mứt. Bưởi chất đống khắp phòng bếp – trong giỏ trái cây, trên tủ lạnh, gần giá gia vị. Tôi gọt bưởi, lấy phần ruột, rắc đường lên, rồi xào nhỏ lửa. Thế rồi, trước khi tôi lấy mứt đổ vào bát thì chị tôi đã ăn rồi. Chị ngồi ở bàn, ẵm cái nồi trong tay và làm việc với cái thìa. Chị chẳng buồn phết nó lên bánh mì hay cái gì khác nữa. Nhìn chiếc thìa của chị cứ đưa lên đưa xuống, nhìn miệng chị nhai, có lẽ sẽ có người nghĩ hẳn là chị đang ăn món gì đó ngon lành, bổ dưỡng lắm, như cà ri hay cơm chẳng hạn. Thật là một cách ăn mứt kỳ quặc.

Mùi chua của trái bưởi hoà với mùi mưa. Chị dường như chẳng để ý gì tôi nhưng tôi thì vẫn cứ ngồi quan sát chị ăn. “Chị không sợ tức bụng sao nếu ăn nhiều như thế?” Tôi hỏi nhỏ. “Chị vẫn ăn chưa đủ à?” Vẫn không có câu trả lời. Có lẽ giọng nói của tôi đã bị nhấn chìm bởi tiếng mứt đang tan trong miệng chị hay tiếng gõ nhịp của mưa. Khi liếm hết thìa mứt cuối cùng, chị liếc nhìn tôi với một ánh mắt dịu dàng, mơ màng.

“Còn nữa không em?” Chị hỏi.

“Ngày mai em sẽ làm thêm,” tôi đáp với một giọng đều đều, vô âm sắc. Rồi sau đó, khi đã dùng hết số bưởi có trong nhà, tôi lại đến siêu thị nơi mình đang làm việc mua về một túi mới. Lần nào tôi cũng hỏi người bán hàng ở gian hoa quả xem đây có phải là bưởi nhập từ Mỹ không để cho chắc.

2 tháng 7 (Thứ Năm), 32 tuần + 3 ngày: Đã gần chín tháng rồi. Hôm nay, chị tôi có vẻ hơi buồn khi từ bệnh viện M về. Có lẽ người ta đã cảnh báo chị về việc để lên cân quá nhiều.

“Chị không hiểu tại sao ống sinh lại có thể tích mỡ được nhỉ,” chị nói. “Người ta bảo rằng phụ nữ lên cân quá nhiều sẽ sinh khó.” Chị tỏ ra bực bội, lấy ra cuốn sổ mà chị dùng để theo dõi thai. Tôi có thể nhìn thấy một dòng chữ ai đó đã viết bằng mực đỏ trên một trang giấy: “Giới hạn trọng lượng của cơ thể.” “Người ta bảo chị chỉ nên tăng khoảng 10 ký tính đến tháng cuối cùng khi mang bầu. Không nghi ngờ gì nữa, chị có chuyện rắc rối rồi.” Chị luồn tay vào tóc và thở dài. Chị đã lên gần hai mươi ký.

“Em không nghĩ là chị không thể làm được gì”, tôi liếc nhìn những ngón tay múp míp của chị khẽ nói khi đang đi vào bếp làm thêm mứt. Giờ thì đối với tôi, làm mứt bưởi, (gạt đi những ý nghĩ thật sự của tôi về việc này), đã trở thành một cái gì đó gần như là thói quen. Tôi làm mứt và chị ăn mứt, dễ dàng và tự nhiên như việc chải đầu khi thức dậy vào buổi sáng. “Chị thật sự có sợ bị sinh khó không?” Tôi hỏi nhưng không ngước lên khỏi bàn làm thức ăn.

“Dĩ nhiên,” giọng của chị nghe mỏng manh và yếu ớt. “Mấy ngày qua chị đã nghĩ rất nhiều về sự đau đớn – chị đã cố hình dung ra sự đau đớn khủng khiếp nhất mà mình đã từng cảm nhận được, không biết đau đẻ giống đau ung thư giai đoạn cuối hơn hay là giống như khi người ta bị cắt bỏ cả hai chân? Đại loại những thứ như thế đấy. Nhưng thật vô cùng khó để cụ thể hóa được nỗi đau ấy và chẳng vui vẻ gì khi cố hình dung điều đó.”

“Em có thể hiểu,” tôi vừa nói vừa gọt bưởi. Chị nắm chặt cuốn sổ trong tay. Hình đứa bé trên trang bìa trông méo mó; dường như nó đang khóc.

“Nhưng điều đáng sợ hơn là nghĩ đến việc phải đón đứa bé này,” chị nói. Chị đưa mắt nhìn xuống bụng. “Chị không thể tin nổi cái vật nằm trong này thật sự là con của mình. Điều đó dường như vẫn còn mơ hồ và trừu tượng. Nhưng chị không biết làm thế nào để thoát được điều đó. Buổi sáng, khi chị mới thức dậy, luôn có một khoảnh khắc mà chị tin chắc rằng tất cả chỉ là giấc mơ – những cơn ốm nghén, bệnh viện, cái bụng này, tất cả mọi thứ. Khoảnh khắc ấy cho chị một cảm giác tự do kỳ diệu. Nhưng rồi khi nhìn lại mình, chị biết rằng nó là hiện thực. Chị buồn lắm, và chị nhận ra điều làm chị sợ hãi nhất chính là viễn cảnh khi phải đón đứa con của mình.”

Tôi nghe chị nói mà không quay lại nhìn chị. Vặn nhỏ lửa xuống, tôi dùng một cái muỗng khuấy nồi mứt. “Chẳng việc gì mà chị phải sợ như thế. Một đứa bé thì chỉ là một đứa bé mà thôi. Cơ thể của nó mềm mại, nó thích được vuốt ve, những ngón tay nhỏ xíu của nó thì nắm nắm lại và nó khóc nhiều. Vậy thôi.” Tôi nhìn chằm chằm vào chỗ mứt đang quấn quanh chiếc thìa.

“Nhưng không đơn giản như thế. Một khi nó được sinh ra, nó sẽ là của chị, dù chị có muốn hay không. Và chị chẳng thể làm gì được nó cả, kể cả khi nó có vết chàm nửa mặt, hay ngón tay dính vào nhau, hay nó không có não, hay nó là một cặp song sinh liền thân…” Chị tiếp tục liệt kê những khả năng đáng sợ khác thêm một lúc. Chiếc thìa tạo ra một âm thanh đều đều khi tôi vét đáy nồi lúc mứt bắt đầu đông lại.

Tôi chăm chú nhìn vào trong nồi, không biết có bao nhiêu chất P.W.H chứa trong đó. Dưới ánh đèn huỳnh quang, nồi mứt này làm tôi liên tưởng đến một hoá chất, một thứ gì đó chứa trong một chiếc chai trong suốt, hoàn toàn lý tưởng để làm phân rã các nhiễm sắc thể.

“Xong rồi,” tôi nói. Nắm lấy quai nồi, tôi đưa ra trước mặt chị. “Đây, chị ăn thêm đi.” Tôi chìa nồi mứt ra và chị nhìn vào nó một lát. Rồi không nói thêm lời nào nữa, chị bắt đầu ăn.

22 tháng 7 (Thứ Tư), 35 tuần + 2 ngày: Tôi đã cố nghĩ về đứa bé như một điều gì đó có ý nghĩa tích cực đối với chị tôi, anh rể và cả tôi nữa. Nhưng tôi chưa bao giờ làm được.Tôi không thể nào hình dung nổi về ánh mắt của anh rể khi anh bồng đứa trẻ trên tay hay bầu vú trắng nhởn của chị khi chị cho đứa bé bú. Tất cả những gì hiện hình trong tôi chỉ là bức ảnh những nhiễm sắc thể mà một lần tôi đã nhìn thấy trong một tạp chí khoa học.

11 tháng 8 (Thứ Ba), 38 tuần + 1 ngày: Đi làm về, tôi bắt gặp mẩu giấy nhắn anh rể tôi để lại trên bàn: “Chị đã đau đẻ. Anh chị phải đến bệnh viện đây!” Tôi cứ đọc đi đọc lại mấy chữ ấy. Khi liếc chéo ra xung quanh, tôi thấy một cái thìa còn dính mứt nằm trên bàn. Tôi vứt nó vào bồn rửa rồi nghĩ xem nên làm gì. Tôi đọc mẩu giấy nhắn của anh thêm lần nữa rồi rời nhà.

Mọi vật đều chan hoà trong ánh sáng. Những tấm kính chắn gió trên những chiếc xe hơi dường như rực sáng và những tia nuớc từ vòi phun trong công viên trở nên lóng lánh. Tôi rảo bước, vừa đi vừa chăm chú nhìn xuống đường và lau mồ hôi. Hai đứa bé đội mũ rơm chạy ngang qua. Cổng ngôi trường tiểu học đã đóng và sân chơi vắng hoe. Đi tiếp đoạn nữa, có một quầy bán hoa nhỏ nhưng tôi không thấy có người bán hàng hay người mua. Một chùm hoa baby nhỏ được cắm trong một chiếc bình thủy tinh.

Tôi rẽ ở góc phố và cuối cùng đến trước cửa bệnh viện. Đúng như chị tôi đã nói, ở đây, thời gian dường như dừng lại. Bệnh viện vẫn y như những gì còn bảo lưu trong ký ức tôi sau bao năm tháng –  vẫn cây long não to bên cạnh cổng vào, lớp kính mờ sương ở cửa trước, những chữ đã bị bong trên bảng hiệu. Và ở đây cũng không có một ai trong tầm mắt của tôi, ngoài cái bóng của tôi hằn rõ trên đường.

Tôi men theo bức tường vòng ra phía sau khu nhà bệnh viện, lách qua cánh cổng cũ đã hỏng để vào vườn. Tim tôi bắt đầu đập mạnh khi đặt chân lên bãi cỏ được chăm sóc cẩn thận vẫn như ngày nào. Tôi ngước lên nhìn bệnh viện, lấy tay che cho mắt khỏi chói bởi ánh mặt trời phản chiếu trên cửa sổ.

Khi tôi đến gần toà nhà thì mùi sơn bay ra về phía tôi. Không khĩ tĩnh lặng, không có dấu hiệu nào của sự sống ở quanh tôi. Tôi là vật thể duy nhất đang chuyển động trong vườn. Bây giờ tôi đã đủ cao để có thể nhìn vào phòng khám mà không cần phải đứng trên một cái thùng nhưng không thấy bác sĩ hay y tá nào ở trong cả. Phòng khám tối và vắng lặng, như một phòng thí nghiệm khoa học ở trường sau khi giờ học kết thúc. Tôi đứng nhìn những chai thuốc, cái máy đo huyết áp, tấm áp phích vẽ người phụ nữ đẻ ngược, cái máy siêu âm. Kính cửa ấm lên khi tôi tì má vào.

Tôi nghe thấy có tiếng khóc trẻ con ở xa xa. Một tiếng khóc nhỏ, run run, đẫm nước mắt từ nơi đâu bên ngoài khoảng nắng vọng lại. Tiếng khóc ấy dường như trực tiếp ngấm vào màng nhĩ tôi và đầu tôi bắt đầu nhức buốt. Tôi lùi lại và ngước lên nhìn tầng ba. Tôi nhìn thấy một phụ nữ mặc áo ngủ đang nhìn chằm chằm về một nơi nào đó. Tóc chị xòa xuống má và mặt chị nhìn không rõ bởi góc tối bên trong phòng nên tôi không chắc đấy có phải là chị mình không. Môi chị hơi mấp máy và chị đang dụi mắt, giống như người ta thường dụi mắt khi sắp khóc. Tôi định đứng nhìn chị thêm nhưng góc chiếu của mặt trời thay đổi và chị nhòa đi trong ánh phản chiếu ấy.

Theo tiếng khóc của đứa bé, tôi trèo lên lối thoát hoả hoạn. Sàn gỗ dưới chân tôi rung kẽo kẹt. Cơ thể tôi lả đi và nóng lên nhưng bàn tay vịn vào rào chắn và đôi tai đang ngấm tiếng khóc đứa bé, lạ thay, lại lạnh. Khi bãi cỏ lùi xa dần dưới chân tôi, sắc xanh của nó thậm chí lại còn tươi sáng hơn.

Đứa bé tiếp tục khóc. Khi mở cửa tầng ba ra, tôi như bị mù trong giây lát khi mắt còn chưa điều chỉnh kịp để thích nghi với ánh sáng. Tôi đứng đấy, tập trung lắng nghe tiếng khóc của đứa bé cứ ré lên từng đợt cho đến lúc cuối cùng, tôi nhìn thấy một hành lang dẫn vào bóng tối. Tôi chạy về phía phòng của trẻ mới sinh để nhìn mặt đứa con bị hủy hoại của chị mình.

Chú thích

  1. mochi: một loại bánh truyền thống của Nhật Bản được làm từ bột gạo nếp.

 

Đôi nét về tác giả:

Yoko Ogawa sinh năm 1962 tại Okayama, Nhật Bản. Bà được xem là một gương mặt độc đáo của văn học Nhật Bản đương đại. Bà đã từng được nhận giải thưởng Akutagawa- giải thưởng văn học danh giá nhất của văn học Nhật Bản vào năm 1991.

Khác với nhiều nhà văn Nhật Bản cùng thời, thay vì đem vào trong tác phẩm những náo động, cuồng nộ, bạo lực của đời sống hiện đại, Yoko Ogawa lại xây dựng nên một thế giới im lặng, dường như không trọng lượng nhưng đồng thời cũng ẩn chứa nhiều nỗi bất an. “Nhật ký thai kỳ” là một tác phẩm tiêu biểu cho cách tiếp cận hiện thực đời sống của nhà văn.

An Vân dịch

Chuyển ngữ từ bản Anh văn do Stephen Snyder dịch từ tiếng Nhật, “Pregnancy Diary”, đăng trên The New Yorker, ngày 26/12/2005.

Lưu Hiểu Ba – Em đợi anh cùng bụi

Lưu Hiểu Ba (1955), người được giải Nobel Hòa Bình năm 2010 khi đang bị chính quyền Trung Quốc giam giữ trong tù, là nhà bất đồng chính kiến mà tôi muốn tìm hiểu nhất. Tôi trân trọng và nhất là, rất xúc động, khi đọc những bài viết của ông, dù chưa hệ thống, những bài viết đầy tinh thần chất vấn, không cho phép mình đứng cao hơn, đứng bên ngoài những vấn đề nhức nhối của xã hội Trung Quốc. Ông nghiêm khắc, trung thực và can đảm.

Thơ của ông là một góc khác. Thậm chí, tôi cứ nghĩ, tận trong sâu thẳm, ông là một thi sĩ nhiều hơn. Đã có lúc tôi hoài nghi liệu một người tham gia hoạt động chính trị có thể đồng thời là một thi sĩ đúng nghĩa? Sự hội tụ cả hai phương diện tưởng như rất khó hòa giải này có thể được nhìn thấy ở ông.

Trong khi chờ giải Nobel 2016, tôi post lại bài thơ mình dịch đã lâu, biết là bản dịch còn dở, những hôm nay, tôi tự nhiên muốn chia sẻ bài thơ này của ông viết tặng vợ mình, bà Lưu Hà, người cũng đang bị chính quyền Trung Quốc quản chế tại nhà.

liuxiaobo

*

 

Em đợi anh cùng bụi

Tặng vợ tôi, người chờ đợi ngày ngày

Chẳng còn gì còn lại trong tên em, chẳng còn gì

ngoài sự chờ đợi anh, cùng với bụi trong ngôi nhà mình

những lớp bụi

tích tụ, ken dày mọi góc

em chẳng muốn vén rèm cửa sổ

để ánh sáng xáo trộn sự tĩnh lặng của chúng

 

Trên giá sách, những nhãn vở viết tay bám bụi

trên thảm nhà, những hoa văn đóng bụi

khi em viết thư cho anh

tình yêu mà ngòi bút viết ra cũng ám bụi

mắt anh như bị cái gì đó đâm vào đau đớn

 

em cứ ngồi đó, cả ngày dài

không nỡ nhúc nhích

vì sợ rằng bước chân mình sẽ dẫm lên bụi

em cố gắng kiểm soát cả tiếng thở của mình

dùng sự lặng im để kể một câu chuyện

nhiều lúc như thế này

đám bụi làm nghẹt thở ấy

là thứ duy nhất còn giữ sự trung thành

 

cái nhìn của em, tiếng thở và thời gian

ngấm bụi

từ đáy tâm hồn em

một nấm mồ đội lên

từng chút

từng chút

từ dưới chân

chạm đến ngực

chạm đến cổ họng

 

Em biết rằng ngôi mộ ấy

là nơi nghỉ ngơi tốt nhất cho mình

nơi em đơi anh ở đó

nơi không còn sợ hãi

nơi không còn báo động

bởi vì thế mà em yêu bụi hơn

trong bóng tối, trong sự ngạt thở yên lặng

em đợi, em đợi anh

em đợi anh

cùng bụi

 

khước từ nắng và chuyển động của không khí

em hãy cứ để bụi vùi em vào nó

hãy cứ ngủ, kệ bụi kia lớp lớp ken dày

cho đến ngày anh về

và em thức dậy

lau bụi đi khỏi da em và tâm hồn em

 

Đó là điều kỳ diệu làm sao — trở về từ cõi chết.

Tháng Tư, năm 1999

Hải Ngọc dịch

Dịch theo bản tiếng Anh của Zheng Danyi, Shirley Lee and Martin Alexander, tại: https://pen.org/you-wait-me-dust-worldwide-reading-liu-xiaobo

 

 

Đa Đa (Duo Duo – Nhà thơ Trung Quốc) – Đó là lý do để chúng ta bền lòng

Bài viết dưới đây là diễn từ của Đa Đa (Duo Duo, nhà thơ Trung Quốc -1951) tại lễ trao giải thưởng Văn chương Neustadt 2010. Bài này dịch đã lâu, nay mới lục lại được trong thư mục cũ, post lại trên blog này, bởi nhan đề của bài diễn từ cũng là điều mà mình tự nhủ trong những ngày này…

Đa Đa (Duo Duo) là một nhà thơ nổi bật của trào lưu thơ Mông lung, hình thành ở Trung Quốc từ cuối thập niên 1970 thế kỷ trước và đến năm 1980 thì bị cấm. Mặc dù vậy, các nhà thơ trong phong trào này như Đa Đa, Bắc Đảo, Mang Khắc, Cố Thành…vẫn luôn được ghi nhận như những người tạo ra khúc ngoặt lớn của thơ ca đương đại Trung Hoa. Một điều may mắn là trừ Đa Đa, các nhà thơ nổi bật của trường phái Mông lung đều đã được dịch sang tiếng Việt khá nhiều bài, đặc biệt là Bắc Đảo (có thể tìm đọc trên trang Tiền Vệ). Với cá nhân mình, việc đọc các nhà thơ Mông lung đã cho mình một cảm quan rất đặc biệt về văn học đương đại Trung Hoa, điều mà nếu chỉ đọc văn xuôi không thôi, rất có thể mình sẽ có những định kiến phần nào tiêu cực.

Vâng, sau tất cả, vẫn cần một sự bền lòng…

Cay co thu

*

Kính thưa quý vị,

Tối hôm nay, trước tất cả mọi người, tôi muốn trầm giọng mình xuống, để từ “biết ơn” có thể được nghe thấy rõ hơn. Đó là từ tôi nhất định phải nói và đáng lẽ phải được nói ra từ lâu rồi.

Kể từ lần đầu tiên khi được nghe những vần thơ của Baudelaire, Lorca, Tsvetaeva và Ehrenburg, một thế hệ nhà thơ Trung Hoa đã mang một nỗi hàm ơn – bởi nhiệt hứng sáng tạo mà những thi sĩ ấy đã truyền đến chúng tôi trong những tháng năm vô cùng nghiệt ngã. Ngôn từ, trong tay của kẻ đón nhận, lập tức đã trở thành số phận.

Thơ ca đã tác động đến chúng tôi với sức mạnh trực tiếp của nó và tôi tin từ thời điểm tác động, sức mạnh ấy lại được truyền ngược trở ra từ mỗi chúng tôi.

Từ ấy, biên giới của tôi chỉ còn là hai hàng cây.

Ngay lúc này đây, những dư âm của những năm 1970 vẫn còn vang vọng, những âm thanh đã tái tạo tính cách của con người. Một đất nước, một giọng nói – nhà thơ tự trục xuất mình ra khỏi tất cả những điều đó. Từ đấy khởi sự sự viết, từ đấy khởi sự lưu đày. Một vị trí tự nó đã đến gần tôi. Tôi chỉ là một con người. Tôi kiến tạo chính mình trên nền tảng đó. Tôi chỉ là một con người.

Tôi không nói về lịch sử, mà là về con người; sự hiện diện của nó trong từ “lịch sử” từ lâu đã gây tranh cãi. Trong từ này, đời sống được thơ ca dẫn lối để tìm kiếm cái mà như Sylvia Plath nói, “một xứ sở xa xôi như sinh lực.”

Tôi đang nói về sự viết, bản étude đấy khó khăn ấy.

Trong quá trình này, cái phải được nói ra gặp gỡ với cái không thể nói được. Mỗi một từ là một chất xúc tác, đòi hỏi nhà văn phải đột phá mạnh mẽ khỏi những chuyện kể khác, khỏi trại tập trung nguyên thủy, nơi lịch sử, xã hội và chính trị hội tụ với nhau, để chạm đến “cái gì” và “ai”. Chạm được vào đó, nhà văn sẽ thấy những đường biên vô tận của con người được rào kín bằng ngôn từ.

Tại điểm đó, mỗi một từ đều có một nửa đã được viết ra, một nửa có thể hiểu được. Ngữ pháp vẫn đang cân nhắc về nửa còn lại. Mỗi một từ không chỉ là một ký hiệu. Bên trong mỗi từ là khối óc của một đứa bé mồ côi. Không một từ nào có thể trẻ trung hơn, song bên trong từ “chịu đựng” là tất cả những bí mật của việc là-con-người.

Có lẽ sự cân nhắc từ ngữ cũng là một hình thức của sự kiếm tìm lẽ công bằng. Nếu một lời độc thoại có thể mời gọi một dàn đồng ca thì có lẽ nó cũng có thể nói cho những kẻ khác nữa. Thi ca tự đủ trong chính tính chất vô dụng của mình, và bởi thế, nó là một sự khinh thị quyền lực.

Ít nhất, lý tưởng của thi ca yêu cầu điều đó: ngay khi nhà thơ vẫn còn đang tìm cách đuổi bắt thì nó đã phát lộ khía cạnh giá trị nhất của nó. Nó cho phép ánh sáng rọi lên những hoen rỉ, để ánh sáng tỏa rạng và lan ra. Ánh sáng do đó đến nơi con người có thể đến, để một lần nữa lại nhận ra tình yêu.

Thứ khải thị chúng ta là sự do dự, phân vân, vì thế, hành động luôn là thứ đáng kết án; sự tối tăm trở nên hoàn thiện hơn, đến mức nó che lấp tất cả những rạn nứt còn lại mà không biết rằng thực ra ánh sáng khởi nguồn chính từ bên trong bản thân nó. Và đó chính là điều mà ngôn từ phải xuyên thấu.

Cái hiện tại, do đó, thậm chí còn trở nên ẩn mật hơn, thiên thần cũng không thể nói được luật lệ này – một lời phù chú đã được viết xuống.

Khi con đường đã trở thành một từ không nhấn giọng, thậm chí kể cả khi ta truy nguyên phả hệ của nó, cái trở lại chỉ là những vang động của một nền văn minh đặc thù. Vì thế chúng ta dừng lại ở đây, dừng lại nơi ta nghĩ mình có thể trở về và trải nghiệm toàn bộ cuộc hành trình tìm kiếm thứ ngôn từ đã bị vùi sâu dưới lớp quặng cùng với một quá khứ xa xôi đã bất tỉnh – một câu đố bị phong kín thử thách người nghe nó.

Khi nhà thơ lắng nghe, ở những giới hạn của sự thành thật, nơi tận cùng của logic, một “cái gì đó” sẽ được mở ra, “cái gì đó” đó chính là thời khắc hiện tại. Từ cội rễ sâu xa nhất của nó, ngôn từ bật tung ra từ câu đố. Có lẽ chính thứ ngôn từ này là cái đã được phát lộ nhờ các dấu vết: một sự tiệm cận, gặp gỡ, đối thoại.

Con đường chỉ tồn tại trong hiện tại; và chúng ta sử dụng những vang âm như những cột cây số.

Tôi đang nói về việc kinh nghiệm của một nhà thơ được đem vào ngôn ngữ như thế nào.

Sau khi đã phải hứng chịu những tạp âm của cách mạng, sự lật đổ, sự thể nghiệm và giải cấu trúc, nhà thơ vẫn còn có thể nghe được những gì? Chính bên trong cái từ bật ra từ câu đố – sự im lặng – chính là hoàn cảnh chung của chúng ta: trên một thế giới hoàn toàn vật chất, trên bình diện mang tính thể chất của con người thuần túy, chúng ta cho phép một thứ trí tuệ bất bình thường mổ rỉa và gặm nhấm cảnh quan; đó là một sự tiếp tục của các khẩu hiệu; một thứ bạo lực có thể chịu đựng được đang sử dụng ký ức như một loại nhiên liệu và cái được nhân lên phong phú chính là âm vọng từ hoàn cảnh của chúng ta, bởi từ đây, ngôn từ bắt đầu bước vào cuộc lưu đày của mình.

Nhưng từ không gian diễn ngôn được tạo nên bởi điển phạm thơ ca, thứ không ngừng vang động chính là lời nói vốn chưa bao giờ tách lìa khỏi sự im lặng: chỉ có ký ức, không có lãng quên, bởi không có núi, chỉ có những chóp đỉnh…

Ngôi đền các thi sĩ cổ điển Trung Hoa hiện lên, họ đem những rặng núi, những dòng sông, những sức nặng và áp lực theo ngôn từ của mình và giữa những dòng thơ, tất cả, để đến với chúng ta, không phải chỉ ở nơi ngôn từ thoát ra mà còn chính tại những điểm đứt gãy địa hình, chờ đợi chúng ta xới cày nơi chúng dừng lại – một mùa màng bắt đầu trên thảo nguyên cuộc đời. Trong một chuyện khác, trong cùng một dụ ngôn, cách chúng ta trở về với âm thanh của những đứt đoạn ấy cũng là cách ánh sáng tạo nên chân trời của chúng ta.

Chính tại điểm ấy, chúng ta cần đến một giọng nói của một câu chuyện chứa đựng tất thảy cất lên.

Nói về phương Đông – phương Tây, nói đến cái sân khấu chung trên đó, chúng ta, tất cả cùng hiện diện – mặt đấy này, bầu trời đầy sao phía trước, những nơi cư ngụ – những đồng minh của chúng ta trong sự viết, những độc giả của chúng ta –  những thảm cỏ dưới lòng biển.

Thiên nhiên không có một thứ nước hay mực nào khác, nỗi hiểm nguy đã được tìm thấy, thơ ca dạt vào vị trí ngoại biên, và vị trí ngoại biên này gần với quê nhà. Thơ ca coi vị trí ngoại biên này như một diễm phúc và nó tiếp tục mang đến những nghi lễ dành cho những dòng sông đau khổ, những phong cảnh mà trái tim ta có thể đọc ra ý nghĩa của chúng.

Đấy chính là lý do để chúng ta bền lòng.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Duo Duo, “This is the Reason We Peservere”, bản dịch từ tiếng Trung của Mai Mang, World Literature Today, March-April, 2011, p44-47.