Tag Archives: tâm sự

Chimamanda Ngozi Adichie – Vật quấn quanh cổ mi

Truyện ngắn này tôi dịch cách đây gần 10 năm (đăng trên Yahoo 360 ngày 24-7-2007),  khoảng thời gian mà cuộc sống riêng của tôi trải qua một biến cố rất lớn. Tôi đã luôn nghĩ nhiều về khoảng thời gian ấy, về việc tại sao lúc ấy mình vẫn có thể dành thời gian để dịch những câu chuyện như thế này, dù nó không đem lại tiền bạc hay uy tín gì (mà khi ấy thật ra tôi rất cần tiền). Tôi vẫn tự cho phép mình dành một quỹ thời gian trong ngày, tìm đọc và dịch những nhà văn mà ở Việt Nam khi đó rất ít người biết đến, với một cảm giác khoái thú của một kẻ chơi một trò chơi ít người biết. Vậy thôi. Giờ, nghĩ lại, tôi thấy tôi đã mất đi nhiều sự trong sáng của mười năm ấy.

Bản dịch truyện ngắn này khi đó được đăng trên Da Màu. Cũng không mấy ai chú ý. Nhưng  Chimamanda Ngozi Adichie (sinh năm 1977), nhà văn gốc Nigeria này, thì  đã trở thành một cái tên khá nổi bật của văn chương Mỹ đương đại, khi tác phẩm của cô đã được nhận nhiều giải thưởng uy tín. Tiểu thuyết “Half a Yellow Sun” của cô cũng đã được dịch sang tiếng Việt, mà chính tôi cũng là người đề xuất một nhà sách mua bản quyền dịch cuốn sách này. Cuốn tiểu thuyết này giờ đây cũng rất khó tìm.

Hôm nay trên facebook nhắc lại một sự kiện làm tôi cảm động. Cách đây một năm, khi giới thiệu bài hùng biện của Chimamanda Ngozi Adichie trên TED, anh Lê Hồng Lâm có nhắc đến truyện ngắn mà tôi đã dịch này. Khi đó, tôi rất xúc động và giờ vẫn thế. Trò chơi văn chương với tôi giống như một thứ trò chơi một mình; tôi luôn hoài nghi mình làm điều gì đó có ý nghĩa với ai khác ngoài bản thân. Nhưng vì thế khi được một người chưa từng gặp ngoài đời nhắc đến nó, tôi đã thật sự thấy hạnh phúc. Tôi đã khóa lại blog cũ nên hôm nay giới thiệu lại truyện ngắn này ở đây. Thực sự tôi cũng mong mình có thể vứt bỏ nhiều thứ đi, những nợ nần, áp lực, để tiếp tục những trò chơi một mình. Như tôi đã chơi,trong hoàn cảnh tưởng chừng không thể chơi nổi, cách đây 10 năm.

18733444-African-women-isolated-over-white-background-Stock-Vector-african-art-africa

*

Mi nghĩ ở Mỹ ai cũng có một chiếc xe hơi và một khẩu súng ngắn, các ông cậu bà mợ của mi cũng nghĩ vậy. Sau khi mi nhận được tấm thẻ xanh, cô dì, chú bác, anh em họ của mi bảo rằng, chỉ trong một tháng, mi sẽ có được một chiếc xe hơi. Rồi chẳng mấy chốc, một ngôi nhà. Nhưng đừng có mua một khẩu súng giống như bọn Mỹ.

Họ lũ lượt kéo đến ngôi nhà lụp xụp của gia đình mi ở Lagos, họ phải đứng dựa vào những bức tường kẽm đóng đinh vì nhà không đủ ghế. Họ chào tạm biệt mi rất to nhưng lại nhỏ giọng nói với mi, rằng họ muốn mi gửi cho họ những gì. So với một chiếc xe hơi lớn và một ngôi nhà, (và có lẽ một khẩu súng nữa), những thứ họ muốn quả là nhỏ – túi xách, giày dép, nước hoa, quần áo. Mi bảo được, không vấn đề gì.

Ông cậu ở Mỹ nói mi có thể ở cùng với nhà ông ta cho đến khi nào tự lập được. Ông đón mi ở sân bay và mua cho mi một cái hot dog1 với mù tạt vàng khiến mi thấy buồn nôn. Giới thiệu với mi về nước Mỹ, ông ta cười lớn. Ông sống tại một thị trấn nhỏ của dân da trắng ở Maine, trong ngôi nhà nằm bên một cái hồ. Ông ta bảo với mi rằng cái công ti mà ông ta làm việc trả cho ông hơn ngàn đô la, thêm cả cổ phiếu vì họ muốn công ti mình trông có vẻ đa dạng văn hóa. Họ đưa hình ảnh của ông ta vào tất cả những cuốn sách quảng cáo của công ti, kể cả những cuốn chẳng dính dáng gì đến công việc kỹ sư. Ông ta cười phớ lớ, bảo rằng cái việc chỗ đó tốt, cũng đáng để sống trong một thị trần toàn bọn trắng, cho dù vợ ông ta phải mất một tiếng đồng hồ để tìm tiệm làm đầu chăm sóc cho người da đen. Bí quyết để hiểu nước Mỹ là: hãy nhớ, Mỹ là đất nước sòng phẳng. Mi phải từ bỏ nhiều nhưng thu nhận về cũng lắm.

Ông ta hướng dẫn mi làm thế nào để xin được chân thu ngân ở một tram gas ở Maine Street và ghi danh cho mi vào một trường đại học cộng đồng, nơi mà mấy đứa con gái cứ trố mắt ra nhìn tóc của mi: Tóc mày có dựng lên khi mày tháo những sợi dây tết ra không? Dựng hết cả lên hả? Như thế nào? Sao lại thế? Mày có dùng lược không?

Mi mím miệng cười khi người ta đặt những câu hỏi ấy. Ông cậu bảo mi cứ chờ đợi điều đó đi; một pha trộn giữa sự ngu ngốc và ngạo mạn, ông ta gọi điều đó như thế. Rồi ông ta kể với mi chuyện những người hàng xóm đã đồn rằng từ khi ông ta chuyển nhà đến đây, lũ sóc bắt đầu biến mất. Họ nghe đâu bọn Phi châu ăn thịt tất cả những loài thú hoang.

Mi cười với ông cậu và cảm thấy thoải mái như ở nhà mình khi ở trong nhà của ông; vợ của ông ta gọi mi là nwane, em gái, hai đứa con đang độ tuổi đi học của ông ta gọi mi là cô. Họ nói tiếng Igbo và ăn trưa với món garri2, như ở quê nhà vậy. Cho đến khi ông ta mò vào tầng hầm chật chội, nơi mi nằm ngủ với những chiếc hộp cũ và sách vở, rồi vạch ngực mi ra, như thể đang vặt những trái xoài và rên rỉ. Ông ta thực ra không phải là cậu mi, mà là một người anh em họ xa của ông chồng bà mợ mi, không có liên hệ ruột thịt.

Đêm đó, khi mi gói ghém hành lý, ông ta ngồi trên giường mi, mìm cười bảo rằng giờ mi chẳng có nơi nào để đi cả. Nếu mi chiều ông ta, ông ta sẽ làm nhiều thứ cho mi. Những phụ nữ thông minh bao giờ cũng làm thế. Mi nghĩ thế nào về những người phụ nữ trở về Lagos với những nghề nghiệp thu nhập rất khá cũng đã làm cái việc đó? Kể cả phụ nữ ở New York nữa?

Mi khóa chặt mình trong phòng tắm và sáng hôm sau, mi ra đi, bước trên con đường dài quanh co, mi ngửi thấy mùi những con cá con trong hồ. Mi nhìn thấy ông ta lái xe qua, trước đó, bao giờ ông ta cũng thả mi xuống ở Maine Street, và giờ thì ông ta chả buồn bóp còi. Mi băn khoăn không hiểu ông ta sẽ gì với vợ mình, rằng vì sao mi lại bỏ đi. Và mi nhớ ông ta đã từng nói, Mỹ là đất nước sòng phẳng.

Rồi thì mi dừng lại ở Connecticut, lại một thị trấn nhỏ nữa, bởi vì đó là điểm dừng cuối cùng của chuyến xe bus mà mi đi. Mi bước vào một nhà hàng gần đó và nói với ông chủ nhà hàng rằng mi sẵn sàng làm việc với mức lương thấp hơn hai đô la so với những người bồi bàn khác. Ông chủ tên Juan, có mái tóc đen như mực, mỉm cười để lộ một chiếc răng vàng chóe. Ông ta bảo ông chưa từng có một nhân viên nào là người Nigeria nhưng bọn dân di cư, thằng nào cũng làm việc chăm chỉ cả. Ông ta hiểu, ông ta cũng đã từng ở đó. Ông ta trả mi ít hơn một đô la so với các nhân viên khác nhưng một cách bí mật, ông ta không thích tất cả những thứ thuế má mà người ta bắt ông phải đóng.

Mi không đủ tiền để đến trường, vì bây giờ mi phải trả tiền thuê căn phòng nhỏ như lỗ mũi với tấm thảm dơ dáy. Hơn thế, cái thị trấn nhỏ ở thị trấn Connecticut không có đại học cộng đồng, mà một tín chỉ ở trường đại học của bang lại quá đắt. Vì vậy, mi đến thư viện công cộng, tìm kiếm những chương trình học trên mạng của các trường và đọc vài cuốn sách. Đôi khi, mi ngồi trên chiếc giường đơn trong phòng, chiếc giường có trải tấm nệm nhiều chỗ đã phồng lên, mà nghĩ về quê nhà, cha mẹ, cô chú, anh em họ, bạn bè. Những người chẳng kiếm được là bao gì từ những trái xoài và món akara3 mà họ phải đến từng nhà để chào mời, nhà của họ chỉ được làm bằng những tấm kẽm được ghép tạm thời bằng cách vít đinh vào, cứ mùa mưa là lại vỡ thành từng mảnh. Những người đã đến để chia tay mi, để chúc mừng mi và để thú nhận sự ghen tị thèm muốn vì mi đã có được tấm thẻ xanh. Những người đã gửi con cái mình đến những trường phổ thông mà ở đó, giáo viên sẽ cho điểm A nếu như có ai đó giúi cho họ những chiếc phong bì màu nâu.

Mi chưa bao giờ phải đút lót để có điểm A, chưa bao giờ phải dấm dúi chiếc phong bì màu nâu cho một ông thầy nào ở trường. Tuy nhiên, mi vẫn chọn một chiếc phong bì dài màu nâu để gửi về cho cha mẹ mi một nửa số tiền mà mi kiếm được trong tháng; bao giờ mi cũng dùng những tờ bạc mà Juan đưa cho mi, vì chúng là những tờ bạc còn mới cứng, không giống như những tờ tiền boa. Mi không viết thư. Mà có gì để viết.

Nhưng những tuần đầu tiên thì mi muốn viết, vì mi có những câu chuyện muốn kể. Mi muốn viết về sự thoải mái đáng ngạc nhiên của những người Mỹ, họ đã cởi mở như thế nào khi kể về người mẹ đang phải chống chọi với bệnh ung thư của họ, về đứa bé bị đẻ non của bà chị dâu – những chuyện mà người ta nên giấu hay chỉ nên tiết lộ với người trong nhà mà thôi, những người mong mọi sự sẽ tốt đẹp. Mi muốn viết về cái cách người ta để thừa lại quá nhiều thức ăn trên đĩa và vò mấy tờ đô la để xuống dưới, như thể đấy là món tiền để biếu, để chuộc lỗi vì chỗ thức ăn thừa. Mi muốn viết về đứa trẻ chỉ vừa mới khóc và dứt mái tóc vàng của mình thì cha mẹ nó đã cuống quýt dỗ dành, nài nỉ nó đừng khóc, rồi tất cả đứng lên và rời khỏi nhà hàng.

Mi muốn viết về những người Mỹ giàu có nhưng lại mặc những bộ quần áo tồi tàn và đi những đôi giày đế mềm đã tã tời, trông không khác những người gác đêm trước những khu vực rộng lớn có hàng rào vây quanh ở Lagos. Mi muốn viết về những người nghèo béo phì và những người giàu gày nhom. Và mi muốn viết rằng ở Mỹ không phải tất cả mọi người đều có nhà lớn, xe to, dù mi vẫn không chắc về những khẩu súng bởi biết đâu họ để chúng trong túi xách hay túi quần.

Không phải mi chỉ muốn viết cho cha mẹ mình, mà còn cho cả những người bạn, anh em họ, cô dì chú bác. Nhưng mi vẫn không đủ tiền để mua nước hoa, áo quần, túi xách cho tất cả và vẫn phải làm cái nghề bồi bàn để trả tiền thuê nhà, vì thế mi không viết cho ai cả.

Không ai biết mi đang ở đâu vì mi không nói với ai hết. Đôi lúc, mi cảm thấy mình vô hình và cố gắng xuyên qua bức tường trong phòng để ra phòng trước rồi mi vập vào tường, việc đó để lại trên tay mi những vết bầm tím. Một lần, Juan hỏi mi có phải mi có một anh chàng nào đó và gã ta đã đánh mi không, Juan hỏi vậy vì ông có thể coi chừng gã kia cho mi và mi đã cười lớn, một tiếng cười bí ẩn. Đêm đêm, có một vật gì đó quấn quanh cổ mi, một vật gì đó gần như thít chặt lấy cổ mi cho đến khi mi choàng dậy.

Một vài người cứ nghĩ mi đến từ Jamaica vì họ cho rằng mọi đứa da đen nói nhấn trọng âm đều là dân Jamaica hết. Hoặc cũng có vài người đoán mi là dân Phi thì hỏi mi có biết cái này cái kia ở Kenya hay ở Zimbabwe không bởi vì họ nghĩ châu Phi là một xứ sở mà mọi người đều biết lẫn nhau.

Vì thế lúc hắn hỏi mi, trong không gian mờ tối của nhà hàng sau khi mi đọc bản tin đặc biệt hàng ngày, rằng mi đến từ nước châu Phi nào, mi trả lời: Nigeria và chờ đợi hắn hỏi tiếp xem mi có biết người bạn nào mà hắn đã quen ở Senegal hay Botswana không. Nhưng hắn lại hỏi mi là người Yoruba hay Igbo, vì khuôn mặt mi trông không giống người Fulani. Mi ngạc nhiên – mi nghĩ hắn phải là giáo sư ngành nhân chủng học, hơi trẻ một chút, nhưng biết đâu đấy? Igbo, mi đáp. Hẳn hỏi tên mi và khen cái tên Akunna của mi đẹp. Hắn không hỏi cái tên ấy có ý nghĩa gì, may thay, vì mi đã mệt bởi cái kiểu người ta hỏi, Con gái rượu của cha à? Thế có nghĩa là cha cô thật sự sẽ bán cô cho một anh chồng nào đó hả?

Hắn đã từng đến Ghana, Kenya và Tazania, hắn đã đọc về tất cả các nước châu Phi khác, về lịch sử cũng như những vấn đề phức tạp của những quốc gia ấy. Mi có cảm giác khinh bỉ, mi muốn biểu thị điều đó cho hắn thấy khi mang món hắn gọi ra, vì những kẻ da trắng cực kỳ mê châu Phi và những kẻ da trắng chả ưa nó đều như nhau cả – đều mang một thái độ hạ cố của kẻ bề trên mà thôi. Nhưng hắn không tỏ ra là mình biết nhiều, không lắc đầu kiểu trịch thượng như ông giáo sư ở đại học cộng đồng Maine một lần khi nói về Angola, hắn không có chút gì tỏ ra hạ cố cả. Ngày hôm sau, hắn lại đến, vẫn ngồi ở cái bàn cũ và khi mi hỏi hắn thấy món gà thế nào, hắn đã hỏi mi điều gì đó về Lagos. Ngày thứ ba, hắn đến và nói chuyện rất lâu – thỉnh thoảng hắn lại hỏi mi chẳng lẽ mi không nghĩ tiếng Mobutu và Idi Amin là giống nhau? – mi đã phải nhắc hắn nói chuyện lâu với thực khách như thế này là trái với quy định của nhà hàng. Hắn chạm nhẹ bàn tay mi khi mi đặt tách cà phê xuống. Sang đến ngày thứ tư, mi nói với Juan mi không muốn phục vụ cho cái bàn ấy nữa.

Sau cái ngày mi đổi ca đó, hắn đứng đợi mi ở bên ngoài, dựa người vào cột đèn, hắn mời mi đi chơi vì tên mi vần với “hakuna matata”4 và “Vua sư tử” là bộ phim sướt mướt duy nhất mà hắn thích. Mi thì không biết “Vua sư tử” là cái gì. Mi nhìn hắn trong ánh đèn sáng rõ và nhận ra mắt hắn có màu của một thứ dầu ô liu cực kỳ tinh khiết, một màu vàng pha lục. Thứ dầu ô liu cực kỳ thuần khiết ấy là thứ duy nhất mà mi yêu thích, yêu thích thật sự ở cái nước Mỹ này.

Hắn là sinh viên lớn tuổi ở trường đại học của bang. Hắn nói với mi tuổi của hắn và mi hỏi hắn tại sao vẫn chưa tốt nghiệp. Xét cho cùng, đây là nước Mỹ, không phải như đất nước của mi, nơi các trường đại học thường xuyên đóng cửa đến nỗi người ta phải thêm ba năm vào một khóa học bình thường và các giảng viên thì bãi công liên tục mà vẫn không được thanh toán tiền lương. Hắn kể rằng hắn đã dừng học một hai năm sau khi xong trung học để khám phá bản thân mình và đi du lịch, chủ yếu là đến châu Phi và châu Á. Mi hỏi hắn, vậy thì cuối cùng hắn đã tìm thấy mình ở đâu. Hắn cười. Mi thì không cười. Mi không biết những người có thể lựa chọn việc không đến trường một cách đơn giản, những người có thể bắt cuộc đời này viết theo những gì mà họ đọc ra. Mi thì đã quen với việc chấp nhận những gì mà đời cho mình, và viết theo những gì mà cuộc đời đọc cho mình.

Ba ngày sau, mi vẫn nói không với lời mời của hắn, vì mi không nghĩ làm thế là đứng đắn, vì mi thấy không thoải mái với cái cách hắn nhìn mi, với cái kiểu bật cười dễ dàng của mi trước những gì hắn nói. Rồi đến đêm thứ tư, mi bỗng thấy hoang mang khi không thấy hắn đứng đợi trước cửa nhà hàng sau ca làm của mi. Mi đã cầu nguyện một hồi lâu cho đến khi hắn xuất hiện từ phía sau mi, chào một tiếng “hey”, và mi, mi đã nói, vâng, tôi muốn đi với anh, thậm chí trước cả khi hắn ngỏ lời mời.

Ngày hôm sau, hắn đưa mi đến chỗ của Chang và trong chiếc bánh quy may mắn của mi có kẹp hai dải giấy. Cả hai đều không có gì.

Mi biết, mi đã thấy thoải mái hơn ở bên hắn khi mi thú thật với hắn lý do thực sự mi xin Juan chuyển sang phục vụ bàn khác chính là vì chương trình Jeopardy5. Khi xem chương trình Jeopardy qua chiếc ti vi trong quán, bao giờ mi cũng cổ vũ người chơi theo thứ tự ưu tiên này: trước hết là phụ nữ da màu, rồi đến đàn ông da đen, phụ nữ da trắng và cuối cùng là đàn ông da trắng – nghĩa là mi không bao giờ ủng hộ đàn ông da trắng cả. Hắn cười và bảo mi: hắn đã quen không được ủng hộ rồi, mẹ của hắn dạy ngành Phụ nữ học.

Và mi biết, mi đã trở nên thân thiết với hắn khi mi nói với hắn rằng cha của mi không phải là thầy giáo ở Lagos, ông chỉ là một người lái taxi. Và mi đã kể cho hắn về câu chuyện trên đường ở Lagos ngày hôm ấy, khi mi ngồi trong chiếc xe của cha mi; hôm đó, trời mưa và chỗ của mi bị ướt bởi nước mưa dột xuống qua những lỗ thủng trên mái xe do gỉ sắt ăn mòn tạo thành. Đường sá ở Lagos rất lầy lội, lúc nào cũng lầy lội, và khi mưa xuống thì thật kinh hoàng. Hệ thống tiêu thoát nước ở đây tệ hại tới mức vài chiếc xe ô tô bị mắc kẹt trong những ổ gà ngập bùn và mấy người anh em họ của mi phải trả tiền để người để đẩy xe ra khỏi chỗ ổ gà đó. Cơn mưa và con đường ngập ngụa bùn ấy – mi nghĩ – đã làm cho cha mi hôm đó nhấn phanh quá muộn. Mi nghe thấy một tiếng va đụng mạnh trước khi cảm thấy nó. Chiếc xe của cha mi đã đâm vào một chiếc xe to, ngoại nhập, màu xanh sẫm, có đèn pha màu vàng như mắt mèo. Cha của mi đã khóc lóc trước cả khi chui ra khỏi xe và nằm phủ phục trên đường, khiến giao thông bị đình lại. Xin lỗi ngài, xin lỗi ngài, ngài có bán tôi và cả gia đình tôi cũng không đủ tiền mua một cái lốp xe của ngài đâu ạ, cha mi khẩn nài như thế. Xin lỗi ngài.

Người đàn ông to béo ở đằng sau xe vẫn ngồi yên, chỉ có gã tài xế của ông ta bước ra, xem xét chiếc xe hư bị hỏng thế nào, gã nhìn trộm cha mi đang nằm rạp trên đường như thế lời cầu xin của cha mi là một bài hát mà gã phải ngượng ngùng thú thực là mình thích nghe. Cuối cùng, gã tha cho cha mi. Vẫy tay xua ông đi. Các xe khác bóp còi và tài xế thì chửi. Khi cha mi chui vào xe, mi đã không muốn nhìn ông vì ông chẳng khác gì những con lợn vẫn hay lạch bạch ở những chỗ lầy bùn quanh chợ. Cha của mi trông như một cục phân. Mẹ kiếp! Sau khi mi nói với ông điều đó, ông nắm lấy bàn tay mi và bảo ông hiểu. Mi giằng tay mình ra khỏi tay ông, bực bội, bởi ông nghĩ thế giới này là thế, hẳn đầy những người như ông. Mi bảo ông rằng chẳng có gì để hiểu cả, thế giới này là thế đấy.

Hắn không ăn thịt, vì hắn nghĩ cái cách người ta giết thú vật là sai, hắn bảo người ta đã phun những độc tố đáng sợ vào các con thú và những độc tố này, đến lượt chúng, sẽ khiến con người ta mắc chứng hoang tưởng. Ở quê, miếng thịt mi ăn, khi mà có thịt để ăn, chỉ bé bẳng nửa ngón tay. Nhưng mi không nói điều đó với hắn. Mi cũng không nói với hắn mẹ của mi đã nấu tất cả các món với hột dawadawa6, bởi vì cà ri và cỏ xạ hương quá đắt, cái hột đó có chứa chất MSG7, chúng chính là chất MSG. Hắn bảo chất MSG gây ung thư, đó là lý do hắn thích quán của Chang; Chang không dùng chất MSG khi nấu ăn.

Một lần, ở quán Chang, mi nói với người bồi bàn mi đã từng sống ở Thượng Hải một năm, rằng mi có thể nói được vài câu tiếng Quan thoại. Người bồi bàn nhiệt tình hẳn và bảo hắn món soup nào là ngon nhất, rồi hỏi hắn: anh có bạn gái ở Thượng Hải à? Hắn mỉm cười, không nói gì.

Mi đã mất cảm giác thèm ăn, vùng bên dưới ngực mi như bị tắc lại, ở bên trong. Đêm ây, mi không cất tiếng rên rỉ khi hắn vào trong cơ thể mi, mi cắn chặt môi và giả vờ như mi không đến trạng thái cực khoái vì mi biết, làm thế, hắn sẽ thấy lo lắng. Cuối cùng, mi nói với hắn vì sao mi buồn, bởi cái gã người Hoa ấy cho rằng mi không thể trở thành người yêu của hắn được, và khi ấy hắn đã cười, không nói gì. Trước khi hắn xin lỗi, hắn chằm chằm nhìn mi với ánh mẳt trống rỗng, và mi biết hắn không hiểu.

Hắn mua tặng mi những món quà và khi mi hỏi về giá tiền, hắn bảo hắn có một khoản ngân quỹ được ủy thác, thế nên không có vấn đề gì cả. Những món quà của hắn làm mi bối rối. Một quả cầu bằng nắm tay mà khi mi lắc nó, mi thấy cảnh tuyết rơi xuống một ngôi nhà nhỏ hoặc một vũ nữ ballet xoay tròn. Một hòn đá sáng bóng. Một chiếc khăn đắt tiền của Mexico có hoa văn được vẽ bằng tay mà mi không bao giờ dám quàng vì màu của nó. Cuối cùng, mi bảo hắn, dài giọng ra tỏ ý mỉa mai, rằng ở các nước thứ ba, quà tặng bao giờ cũng phải là thứ hữu ích. Viên đá, chẳng hạn, có ích nếu người ta dùng nó để nghiền thứ gì đó, hay có thể đem mài nó. Hắn cười dài và nặng nề nhưng mi thì không cười. Mi nhận ra trong đời hắn, hắn có thể mua những mòn quà thuần túy là quà, chứ không phải là cái gì khác. Khi hắn bắt đầu mua tặng mi giày dép, áo quần, sách vở, mi đã bảo hắn đừng làm thế nữa, mi không muốn bất kỳ một thứ quà tặng nào cả.

Tuy nhiên, mi không tranh cãi. Thực ra thì cũng không phải vậy. Mi tranh cãi rồi mi lại làm hòa, và làm tình với hắn, mi lùa tay vào tóc mình và tóc hắn, mái tóc vàng mềm mại lòa xòa như cờ ngô mới trổ, còn tóc của mi thì sẫm và đàn hồi như thứ để nhồi gối. Mi cảm thấy an tâm trong vòng tay hắn, giống như cảm giác mà mi có được khi còn ở nhà, trong ngôi nhà lụp xụp được ghép lại bằng những tấm kẽm của gia đình mi, như khi mi nhận ra da của hắn bởi rám nắng quá nhiều đã ngả sang màu dưa hấu chín, mi đã hôn lưng hắn trước khi thoa kem lên đó. Hắn tìm thấy một cửa hàng Châu Phi trên Những trang vàng trong danh bạ điện thoại Hart Ford và lái xe chở mi đến đó. Chủ cửa hàng, một người Ghana, hỏi hắn có phải là người châu Phi không, giống như những người da trăng ở Kenya hay Nam Phi, hắn cười lớn, bảo: phải, nhưng hắn đã ở Mỹ một thời gian dài rồi và giờ thì hắn nhớ những món ăn thuở nhỏ của mình. Hắn không nói với người chủ rằng hắn nói đùa. Mi nấu cho hắn, hắn thích món cơm trộn jollof8 nhưng sau khi ăn garri và súp onugbu9, hắn đã ọe ra trong bồn rửa của mi. Nhưng mi không bận tâm, bởi vì giờ mi đã có thể nấu súp onugbu với thịt.

Cái vật quấn quanh cổ mi, gần như lúc nào cũng muốn thít chặt lấy cổ mi trước khi mi ngủ ấy, đã bắt đầu nới lỏng ra, buông mi ra.

Mi biết, người ta cho mi là một đứa không bình thường, qua cách mà họ phản ứng, xử sự với mi- những kẻ đê tiện thì quá đê tiện còn những người tử tế lại quá tử tế. Những phụ nữ da trắng già nhìn hắn trừng trừng và lầm bầm, những người đàn ông da đen nhìn mi lắc đầu, còn đàn bà da đen thì tỏ ra đau lòng vì sự thiếu tự trọng của mi. Lại có những người phụ nữ da đen nhìn mi nhoẻn cười kín đáo thể hiện một sự gắn kết, những người đàn ông da đen phải hết sức cố gắng để có thể tha thứ cho mi, chào hắn bằng một tiếng “hi” rõ ràng, hay những người phụ nữ da trắng nhìn mi và hắn nói to: một cặp xứng đôi vừa lứa đấy, như thể muốn chứng tỏ sự độ lượng của họ với chính bản thân mình.

Nhưng cha mẹ của hắn thì khác; họ gần như khiến mi nghĩ tất cả đều rất bình thường. Mẹ hắn nói hắn chưa từng giới thiệu một cô gái nào với cha mẹ cả, ngoại trừ một cuộc hò hẹn trong một buổi dạ hội ở trường trung học, hắn cười một cách không tự nhiên lắm và nắm lấy tay mi. Tấm khăn trải bàn che bàn tay mi đang nắm chặt. Hắn siết lấy tay mi và mi cũng siết tay hắn, mi băn khoăn không hiểu vì sao cặp mắt có màu dầu ô liu cực kỳ tinh khiết của hắn trở nên tối lại khi hắn nói chuyện với cha mẹ mình. Mẹ hắn hỏi những vỏ ốc màu được xâu qua những sợi dây tết tóc trên đầu mi có phải là vỏ ốc thật không và mi đã đọc Simone Beauvoir và Nawal El Saadawi10 chưa. Bố hắn thì hỏi mi thức ăn Ấn Độ giống thức ăn Nigeria như thế nào, ông nói đùa, bảo mi thanh toán khi người ta đưa hóa đơn đến. Mi nhìn họ với một nỗi hàm ơn khi họ đã không săm soi mi như một đồ lưu niệm ngoại lai hay một chiếc ngà voi.

Sau buổi đó, hắn có tâm sự với mi những vấn đề của hắn với cha mẹ mình, rằng họ đã chia phần tình yêu như người ta cắt một chiếc bánh sinh nhật và hắn sẽ nhận được phần lớn hơn chỉ khi nào hắn theo học trường luật. Mi muốn cảm thông. Nhưng thay vào đó, mi lại nổi giận.

Mi càng giận dữ hơn khi hắn kể hắn đã từ chối đi Canada cùng với cha mẹ mình một hai tuần, đến ngôi nhà nghỉ hè của họ ở miền nông thôn Quebec. Thậm chí họ đã bảo hắn đưa mi đi cùng. Hắn cho mi xem bức ảnh chụp ngôi nhà của gia đình hắn và mi không hiểu nổi tại sao nó lại được gọi là ngôi nhà thôn dã cơ chứ, trong khi ở quê mi những tòa nhà lớn xung quanh chỗ mi sống đều là các ngân hàng và nhà thờ. Mi đánh rơi chiếc ly cầm trên tay, chiếc ly đập xuống nền gỗ cứng của nhà hắn, vỡ tan. Hắn thảng thốt hỏi mi có chuyện gì và mi nói, không, không có gì hết, mặc dù mi nghĩ có quá nhiều điều sai lầm. Tất cả thế giới của mi đều sai lầm, tất cả.

Rồi sau đó, dưới vòi tắm, mi bắt đầu khóc, mi nhìn thấy nước từ vòi tắm làm loãng đi nước mắt của mình và mi không hiểu vì sao mi lại khóc.

Cuối cùng thì mi viết thư gửi về nhà, khi cái vật quấn quanh cổ mi gần như đã tự tháo bỏ hoàn toàn. Gần như thế. Một lá thư ngắn ngủi gửi cho bố mẹ, anh chị em, kẹp vào giữa là thư là những đồng bạc còn mới cứng, và mi cũng ghi luôn địa chỉ của mình. Chỉ mấy ngày sau, mi nhận được hồi âm qua người đưa thư. Mẹ của mi đã tự viết thư, mi nhận ra điều ấy qua lối văn phong rối rắm, qua những từ ngữ sai chính tả.

Cha mi đã chết; ông ấy đã đập đầu vào bánh lái của chiếc taxi. Chuyện xảy ra cách đây năm tháng, mẹ của mi viết như thế. Gia đình mi đã sử dụng một phần số tiền mi gửi về để làm một đám tang tử tế cho ông ấy. Họ đã giết một con dê để mời khách khứa và chôn ông trong một tấm quan tài đàng hoàng chứ không phải mấy tấm gỗ ghép lại.

Mi cuộn mình trên giường, áp đầu gối thật chặt lên ngực và khóc. Hắn ôm lấy mi khi mi đang khóc, hắn vuốt tóc mi và ngỏ ý muốn đi cùng mi, trở về Nigeria. Mi bảo không, mi cần đi một mình. Hắn hỏi mi liệu có trở lại và nhắc mi rằng mi có thể mất tấm thẻ xanh hạn nếu không quay lại trong một năm, hiểu chứ? Mi có trở lại, có trở lại không?

Mi quay đi, không nói gì và khi hắn chở mi ra sân bay, mi đã ôm hắn thật chặt, mi ghì lấy cơ lưng hắn cho đến khi mi thấy đau nơi mạn sườn. Và mi nói: Cảm ơn.

Chú thích:

  1. hot dog: xúc xích nóng kẹp với bánh mì.
  2. garri: một món ăn phổ biến ở Tây Phi, đặc biệt là ở Nigeria và Ghana, được làm từ sắn.
  3. akara: món ăn của người Nigeria được làm từ đậu đen nghiền, nặn thành cục và đem chiên với dầu cọ.
  4. hakuna matata: một thành ngữ của người Swahili, có nghĩa đen là: “Ở đây không có nỗi lo lắng nào”, “không có gì phải lo”, “không vấn đề gì”. Cụm từ này trở nên phổ biến khi bộ phim hoạt hình của Walt Disney “Vua Sư tử” được công chiếu rộng rãi. Trong phim, hai chú cầy bốn ngón và lợn lòi là đã dùng cụm từ này để khuyên chú sư tử Simba quên đi những ký ức đau buồn trong quá khứ, chỉ cần sống cho hiện tại. Cụm từ này trong bộ phim còn hàm ý nói đến một cuộc sống vứt bỏ mọi tham vọng. “Hakuna matata” còn là tên một bài hát trong phim do Elton John viết nhạc, lời của Tim Rice.
  5. Jeopardy: một show game đố vui kiến thức trên truyền hình rất nổi tiếng của Mỹ.
  6. dawadawa: một loại hạt phơi khô cho lên men được lấy từ một từ một loại bồ kết của châu Phi có tên khoa học là Parkia biglobosa
  7. MSG: chất dùng làm mì chính, bột ngọt.
  8. cơm jollof: một món ăn phổ biến ở Tây Phi gồm có cơm, cà chua, cà chua xay, hành, muối, hạt tiêu và một số rau, gia vị khác trộn lẫn với nhau.
  9. súp onugbu: một loại súp rau ở Tây Phi (chưa tra cứu được chính xác).
  10. Simone de Beauvoir (1908-1986): nhà văn Pháp, nhà đấu tranh cho nữ quyền tiên phong. Nawal El Saadawi (1931): nhà văn theo chủ trương nữ quyền người Ai Cập.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Chimamanda Ngozi Adichie, “The Thing Around Your Neck”, Prospect Magazine, Issue 99, September, 2004.

(Dịch trong những ngày rất nhiều điều phải lo nghĩ. Dịch chỉ để quên đi ý nghĩ của mình bằng cách nhìn vào ý nghĩ của người khác)

Đọc “Nhật ký chuyên văn” (Nhiều tác giả Văn Ams 92-95)

1. Tôi muốn bắt đầu từ những trang cuối cùng của cuốn sách, bằng những dòng mà Nguyên – một trong “ba con chim quý” của lớp 12 Văn khóa 92-95 – viết về ông thầy của mình. Nguyên, như những dòng tự bạch, là cậu bé sớm không vừa khuôn với thực tại, không chấp nhận mọi sự chật chội, bưng bít, hay nói như lời của chính ông thầy, “sớm có mầm nổi loạn”.  Không quá lời khi nói rằng cậu bé 15 tuổi ấy đã may mắn khi gặp được một người thầy như thầy Hùng, một người thấy đủ nhạy cảm để sớm nhận ra sự khác biệt của cậu học trò, nhìn thấy những mầm mống nổi loạn ấy không phải như những nhân tố tiêu cực để trấn áp, ngăn ngừa mà trái lại, như những dấu hiệu của tương lai. Một cậu bé như thế, hoặc sẽ rất dễ khủng hoảng tâm lý, dễ bị tổn thương, hoặc ở cực khác, sẽ trở nên vĩ cuồng, ảo tưởng nếu như không có một người đủ tin cậy để chia sẻ, một người có thể điềm tĩnh lắng nghe và cố gắng để hiểu, để cảm thông và khích lệ. Người thầy ở đây đã trở thành một người bạn xuất hiện đúng lúc.

Không hiểu sao, trong trường hợp này, không chỉ cậu học trò thấy may mắn, mà chính cả người thầy có lẽ cũng là người may mắn. Một thời gian tuy chưa thật dài gắn bó với phổ thông, làm công việc dạy văn, tôi cảm thấy một trong những điều thú vị nhất là môn học này giúp tôi nhận ra được những cá tính đặc biệt của học trò. Phải, cái môn học tưởng như đang bị thất thế ở thời điểm mà các giá trị thực dụng trong xã hội áp đảo, nơi hình mẫu của những người thành đạt mới là cái hấp dẫn cả phụ huynh lẫn học sinh thì chính qua môn văn, chính qua những trang sách văn chương, ta mới có thể nhận diện được tâm hồn của những người trẻ tuổi, những cậu bé, cô bé đã không khước từ nổi hồ nghi, băn khoăn, ngờ vực trước những gì đã và đang hiện diện như một đặc trưng tâm lý lứa tuổi. Chỉ ở những bài làm văn, người giáo viên mới phát hiện ra được những người học trò “cá biệt” bởi sớm nhìn ra những khoảng không gian khác bên ngoài những trang sách, những bức tường của gia đình, của trường lớp mà nhiều người cho rằng chúng thực hiện chức năng bảo vệ thay vì che chắn nhận thức cho học trò. Những đứa học trò cá biệt ấy vừa là niềm hạnh phúc của người dạy văn, vì các em luôn có khả năng đưa đến những bất ngờ trong nhận thức, vì các em nhạy cảm hơn, sớm già dặn hơn và do đó có thể chia sẻ phần nào đó thế giới tinh thần của người thầy bên ngoài giờ học, vừa là nỗi lo lắng khi các kỳ thi, với tính chất trường quy, với áp lực của bệnh thành tích, luôn dễ trở thành “nạn nhân” của nền giáo dục đáng kết án này. Không dễ để làm bạn với những học trò như thế, nhưng làm bạn được với họ – cuộc đời của người giáo viên sẽ có nhiều câu chuyện để nhớ lại, để suy nghĩ hơn là những chuỗi công việc lặp lại dễ nhàm của nghề dạy học.

Người dạy văn, may mắn hơn giáo viên những bộ môn khác, là dễ nhìn thấy được tâm hồn của học trò. Nhưng cái khó cũng là ở chỗ đó: bảo vệ, nuôi dưỡng thế giới tâm hồn đó không hề đơn giản. Bởi lẽ đó, trong nhiều câu chuyện về giáo dục, tôi vẫn hay bắt gặp những ký ức buồn của những người học trò về những ông thầy văn đã vô tình hay hữu ý làm tổn thương thế giới tâm hồn của họ. Tôi không biết nói gì với những người đã kết án nền giáo dục nặng nề nhất thông qua hình ảnh của người dạy văn: những người bắt học sinh chép văn mẫu, những người ghi những lời phê vô cảm trông những bài kiểm tra, những người dễ dàng có khả năng nói năng nghiệt ngã với học trò… Tất cả những điều đó là có thật, tôi không bao giờ dám chắc mình chưa từng làm học trò nào thất vọng, tổn thương. Kể cả chưa từng thì tôi cũng không tự tin là mình sẽ không bao giờ phạm vào điều ấy.

2. Nguyên viết về thầy Hùng: “1995, thầy vẫn trong chốn vô minh cùng xã hội. Thầy chỉ có một lỗ nhìn ra ngoài. Như cái lỗ mình đục trên tường nhà. Cái tủ sách văn. Mục trường của cái lỗ ấy nhỏ đến mức không nhìn thấy cái gì rõ nét.  Chỉ là một niềm tin mơ hồ: ngoài kia còn gì đấy nữa. Thầy biết thế, nên thầy biết mình. Và biết coi học trò là bạn…”

Đó là những dòng làm tôi xúc động nhất, thực sự là tôi đã khóc khi đọc những dòng ấy. Khác với nhiều đồng nghiệp thường tự hào về nghề dạy học, từ rất lâu, tôi đã luôn nghĩ cuộc đời của người thầy, về cơ bản, là nhàm chán hơn nhiều so với cuộc đời của những học trò. Chúng tôi sẽ không thể đi xa, đi nhiều hơn những gì mà các em có thể đi. Kiến thức trường học, nhất là thứ văn chương sách giáo khoa này, còn có ích gì cho các em khi vào đời. Người thầy, cùng lắm, nhưng cũng là điều có ý nghĩa hơn hết thảy, chỉ nói được với các em rằng: còn có gì khác nữa, ở ngoài kia, bên kia những gì đang che chắn, bên kia những gì đang bao bọc và trao cho ta một cảm giác an toàn nhưng đồng thời làm chúng ta chỉ biết chịu đựng và cam phận.

Trong ký ức về ông thầy, Nguyên nhớ đến những cuốn sách của Kafka, của Camus, nhớ đến những lời thầy giảng về Bakhtin khi cậu mới 16 tuổi. Kafka, Camus, Bakhtin…không có trong sách giáo khoa, đương nhiên sẽ chẳng bao giờ có trong nội dung thi cử. Những cuốn sách ấy gợi cho ông thầy một cái gì đó thật khác và đồng thời nó đánh thức trong cậu học trò nhạy cảm niềm tò mò và cả niềm tham vọng muốn nhìn thật rõ cái khác đó là gì. Phải, dạy học, nhất là dạy văn, chẳng đem được đến cái gì thực dụng đâu. Nhưng trách nhiệm lớn nhất của dạy văn là gợi ra được ý niệm về cái gì đó khác ở học trò. Người thầy không phải là người hiện hữu trước mắt học trò với những trang phục xa hoa, với những câu chuyện về hạnh phúc gia đình mình như một niềm hãnh diện, hay những câu chuyện đùa vui làm quà. Người thầy chỉ có thể đem đến ý niệm về cái gì đó khác. Tôi lại nhớ đến buổi học cuối cùng kỳ vừa rồi với các em sinh viên K63, cái lớp mà có thể tôi chỉ dạy một kỳ duy nhất, rằng những gì tôi giảng có thể sai, có thể hời hợt, nhưng những cuốn sách tôi đã có lần nói với các bạn, những tác phẩm của Cervantes, Tolstoy, Dostoevski, Kafka, Szymborska… các bạn hãy dành thời gian mà đọc. Để 4 năm sinh viên đi qua, mình còn có vài cuốn sách quý đồng hành. Đừng nhớ nhiều đến những gì thầy cô giảng… Có lẽ nhiều em sẽ chỉ nghĩ tôi hay nói cực đoan và khó hiểu. Nhưng nếu như tôi đã làm được một chút gì trên con đường học hành thì cũng là vì những người thầy dạy tôi đã là những người nói với tôi về những cuốn sách mở ra những khoảng trời khác. Tôi nhớ đến thầy mình qua những cuốn sách ấy.

Nguyên khi nhớ về thầy Hùng, nghĩ về cuốn sổ mà ông thầy trao cho đám học trò từ ngày đầu vào lớp 10 để làm nhật ký, đã thấy: cuốn sổ ấy, hơn cả một cuốn nhật ký, nó là thế giới của tự do. Với tôi, đây là thông điệp có ý nghĩa nhất khi đọc cuốn nhật ký này từ góc độ của một người giáo viên. Hãy trao cho học trò tự do, hãy gợi cho học trò biết rằng ngoài trời còn có trời. Chúng ta đi làm nghề dạy học vì đa phần yêu sự ổn định, thích sự an phận, nhưng chúng ta không thể dùng sự ổn định, an phận ấy như một thứ đạo đức để kìm hãm học trò được. Đừng nghĩ tự do là cái gì trừu tượng: tự do có thể bắt đầu bắt cách chúng ta hãy để các em được hồn nhiên, vô tư, được nghịch ngợm, được bất mãn, được nhận thức ngay cả những gì phi lý. Đừng biến lớp học thành không gian đóng. Những bài hát, những bài thơ chế…trong cuốn sách này cho thấy năng lực biết cười, biết khôi hài của những con người tuổi trẻ. Biết cười, biết khôi hài…cũng là năng lực của những con người tự do.

3. Tôi học sau của những nhân vật trong cuốn nhật ký này hai khóa. Ở mức độ nào đó, cuốn nhật ký nào cũng là những hồi ức của tôi 20 năm trước.  Cách đây 20 năm, khi không khí xã hội đã cởi mở hơn một phần nào đó, khi ý niệm về thế giới khác bên ngoài đến với chúng tôi chủ yếu qua những bài hát, những cuốn sách dịch, xã hội khi ấy đang sống lại một bầu không khí hơi giống những năm đầu thế kỷ: bọn trẻ con được quyền mơ mộng hơn, được phép vu vơ, lãng mạn, được tỏ ra cá tính… Nói không quá, thời ấy, ở nhưng trường chuyên, lớp chuyên văn thường là bộ mặt tinh thần của nó. Hai mươi năm sau, những nhân vật trong sách đã bước sang một giai đoạn khác trong đường đời. Tôi không rõ họ đã và đang làm gì, có địa vị nào trong xã hội. Nhưng việc cái tập thể lớp đó thống nhất công khai cuốn nhật ký này thành sách, với tôi, có cái gì đó vừa can đảm vừa mơ mộng. Nó làm tôi rưng rưng khi nhớ đến một chi tiết mà tôi không biết, thầy tôi – thầy Vũ Xuân Túc còn nhớ hay không?

Năm lớp 10, buổi đầu tiên khi thầy gặp mặt cả lớp, chúng tôi phải làm một bản điều tra cá nhân. Trong số các câu hỏi của thầy, có một câu hãy nên tên một tác phẩm của một nhà văn Việt Nam mà mình yêu thích nhất. Khi ấy, tôi có ghi tác phẩm mà tôi thích nhất là “Hoàng hôn màu cỏ úa” của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ. Tôi, khi ấy, một đứa trẻ khó ưa, đanh đá và thích chơi trội, tôi đã muốn ghi một tác phẩm mà trong lòng thầm đoán chả đứa nào trong lớp biết. Nhưng thực tình, đó cũng là tác phẩm ấn tượng với tôi nhất vào thời điểm đó. Câu chuyện ấy Nguyễn Thị Thu Huệ viết về buổi chiều chia tay cấp 3 trên bãi sông Hồng của đám học trò. Vào một khoảnh khắc bất ngờ, hoàng hôn ngả sang màu cỏ úa, cậu lớp trưởng khi ấy nói một điều gì đó với cả lớp. Rất dài, giờ tôi không nhớ chính xác, nhưng có đại ý lớp mình sau này, cuộc đời có thế nào, thì chúng ta cũng phải sống với nhau tử tế. Rồi hẹn nhau, cứ ngày này, hàng năm, lại gặp mặt. Cái lớp cấp ba ấy rồi tan tác, rồi chả mấy ai còn nhớ lời hẹn lúc hoàng hôn năm ấy. Số phận mỗi người cũng khác: có người tù tội, đứa hay khóc nhất lớp thì trở thành tú bà, có người thì số phận dường như chỉ là chuỗi dài của thất bại. Nhân vật người kể chuyện khi ấy nhận ra hình như vì tất cả chúng ta đều bị đời sống cuốn đi, chúng ta đã không nhớ gì đến khoảnh khắc trong sáng đẹp đẽ cao cả nhất của tuổi học trò. Chúng ta đã không nhớ gì hết. Và vì thế, chúng ta đã không nhìn vào nhau, không nhìn thấy nhau để thấy phải sống tự trọng, phải sống tử tế với nhau và với đời…

Tôi khi ấy ghi truyện ấy vào trong phiếu điều tra chỉ vì thời đó, tôi còn đang thích viết truyện đăng trên các báo tuổi mới lớn. Sau này, khi học hành văn vẻ ở cấp đại học, đọc lại thì thấy truyện cũng thường thôi về kỹ thuật, về văn chương. Nhưng nỗi xúc động của câu chuyện thì thỉnh thoảng vẫn trở lại. Tôi ít khi tụ tập với bạn bè thời đi học. Tôi cũng ít bày tỏ tình cảm trực tiếp với những người thầy của mình. Vì nhiều lý do. Có thể rất dở hơi. Thậm chí, tôi luôn tránh những màn ôn lại kỷ niệm tập thể. Nhưng một cách thật lòng, những lúc tôi cảm thấy cuộc sống chỉ đáng để căm ghét, xung quanh chỉ toàn là sự giả dối, người ta rất dễ trở nên hèn hạ, v.v…, tôi đã thường nén lại cảm xúc tiêu cực ấy khi bỗng nhiên tôi đã nhớ đến những người bạn của mình, những người bạn đôi khi gọi giật tên tôi trên phố, nhớ đến những đứa bạn gái cấp ba thi thoảng vẫn có thể tao-mày, tôi đã nhớ đến cái thời mà sự mơ mộng của mình không phải là tội lỗi… Những điều đẹp đẽ nho nhỏ ấy đã làm tôi dịu lại trong khoảnh khắc, để bình tâm hơn. Tôi đã nhớ đến lời nhận xét mà cũng là lời động viên của thầy tôi trên bài kiểm tra văn cuối cùng, rằng tôi phải giữ cái giọng riêng của mình trên đời viết còn dài của mình. Đó là lời động viên có sức nặng nhất đối với tôi. Nói lời cảm ơn với thầy, với các bạn sẽ là cái gì đó rất hình thức ở đây. Chỉ biết là ở thời điểm này, muốn nói với thầy, với các bạn: em vẫn ổn, vẫn cố gắng sống tử tế. Dù không đơn giản, thật không đơn giản…

Nói với em về…lý luận văn học

1. Tôi dạy lý luận văn học ở một trường đại học. Chiều nay là kỳ học mới của sinh viên và tôi bắt đầu phải lên lớp cho các em học phần đầu tiên của bộ môn này. Tôi không háo hức, không kỳ vọng gì nhiều vào bài giảng của mình, vào sự chờ đợi của sinh viên. Biết nói gì với các em về bộ môn này, ở thời điểm này?

Chẳng lẽ nói: lý luận văn học là bộ môn chịu nhiều định kiến nhất trong các môn học của chuyên ngành ngữ văn? Định kiến phổ biến đầu tiên: nó là môn học không thực tế, chẳng áp dụng được gì nhiều ở trường phổ thông – nơi đa số sinh viên sẽ làm việc sau này. Các ông thầy thường dẫn câu nói của quỷ Mephisto trong kịch Faust: “Lý thuyết thì xám xịt, chỉ cây đời mãi mãi xanh” như để nhấn mạnh đến tính vô dụng của môn học. Nếu nổi nóng khi muốn bảo vệ cho chuyên ngành của mình, có thể tôi sẽ nói: môn học nào ở trường đại học không vô dụng và xám xịt? Nhưng sự nổi nóng luôn làm người ta không tỉnh táo.

Định kiến thứ hai: lý luận văn học là thứ mang tính chất trang sức, thậm chí là thứ trang sức nhập ngoại nên thường bị “hải quan” trong ngành nghiên cứu văn chương Việt Nam này săm soi. Nếu có thời gian, em hãy thử đi nghe seminar một số luận văn, luận án ở các bộ môn khác, sẽ thấy một than phiền phổ biến: luận án quá nặng về trình bày khái niệm, dẫn giải lý thuyết, mà mình làm luận án chuyên ngành văn học Việt Nam, văn học nước ngoài cơ mà…? Lý thuyết là thứ bị xem đối lập với văn học sử, cho đến giờ vẫn là trục chính để kiến tạo toàn bộ khung chương trình ngữ văn ở bậc đại học. Đã thế, nếu một luận văn thể hiện sự hào hứng với lý thuyết mới, người nghiên cứu cặm cụi sưu tầm tài liệu, dịch thuật…thì thay vì được trân trọng, có lẽ họ sẽ nhận về những thái độ hà khắc: em chưa đủ khả năng “tiêu hóa” lý thuyết mới đâu, em viết như dịch, em vọng ngoại quá. Và mệnh đề kinh khủng nhất: lý thuyết đó có phù hợp với Việt Nam đâu mà theo đuổi? Rất nhiều lý do để nản lòng với môn học này.

Định kiến thứ ba: lý luận văn học, mà lại còn ở Việt Nam à, mà lại trong giáo trình đại học à, không khác gì một thứ pháo đài kiên cố để bảo vệ những gì cũ kỹ, thủ cựu nhất. Mở giáo trình ra mà xem, chúng ta đã đi hết một thập niên của thế kỷ XXI, vậy mà vẫn có những mục như thế này trong bài học: “Đấu tranh từ hai mặt xung quanh vấn đề tính giai cấp”, “Chống lại xu hướng”, “Chống các biểu hiện của chủ nghĩa sùng ngoại và bài ngoại”… Lại “chống”, lại “đấu tranh”… Sinh viên đã học đủ các môn triết học, đường lối…trước khi học môn này rồi còn gì? Nhưng này em, trong không khí của những ngày ta đang sống, những từ vựng ấy lại càng rắn lại, hóa thạch lại và thậm chí chúng làm ta sợ. Lý luận văn học là môn dạy người ta phải sợ.

2. Còn nhiều định kiến có thể liệt kê ra nữa. Thực ra, chính tôi cũng hơn một lần chất vấn về ý nghĩa của bộ môn mình học và giảng dạy. Khi có điều kiện tìm hiểu các luận án tiến sĩ ở mỹ qua cơ sở dữ liệu Proquest, tôi đã rất ngạc nhiên khi những luận án mà subject là “literary theory” không quá nhiều như tôi vốn hình dung. Dù sao thì Mỹ vẫn là nơi các lý thuyết phát triển năng động nhất.

Là một kẻ tự học, tôi dần dần mày mò tìm hiểu và có lẽ tôi hiểu được phần nào lý do của hiện tượng trên. Không phải ở Mỹ, lý thuyết văn học cũng là thứ trang sức, lộ ra ngay bên ngoài như người ta thấy ở Việt Nam. Lý thuyết là điểm tựa tư duy, nó ẩn trong cái nhìn của người nghiên cứu về các hiện tượng trong đời sống. Mọi luận án, xét đến cùng, đều phải xử lý một vấn đề lý thuyết nào đó, nhưng nó được xử lý từ dưới lên, từ những quan sát rất nhỏ. Lý thuyết không phải là cái mà người ta học được; nó là cái mà người ta làm. Làm lý thuyết tức là luôn phải chất vấn lý thuyết, luôn phải băn khoăn về những khái niệm, công cụ sẵn có trước đó được trao cho ta. Cái cảm giác phải chất vấn lý thuyết đó ở ta cũng có…nhưng nó biến tướng thành những trạng thái tâm lý khá buồn cười thay vào đó: sự nghi kỵ, sự cảnh giác. Tức là người ta vẫn bắt đầu từ nỗi sợ để nhìn lý thuyết. Mà có tự do tư duy nào sinh ra từ sợ hãi? Lý thuyết không phải là những khung kiến cố, những bộ quy tắc để ta áp dụng vào từng trường hợp văn học giống như đem áp dụng công thức toán lý để giải các bài tập. Chúng khiến ta phải hỏi, phải hồ nghi, phải băn khoăn nhiều hơn. Và trong khi chúng ta còn chưa thật sự nắm bắt được những gì đang diễn ra trong đời sống học thuật thế giới, trong khi rất ít các giáo sư tiến sĩ trong nước thực sự hiểu được những học giả có ảnh hưởng lớn về tư duy lý thuyết trong học thuật đương đại thì chúng ta lại có vẻ đang dư dả các công trình tổng kết các khuynh hướng của lý thuyết phương Tây và kết luận được nhiều người đắc ý hơn cả: phải thận trọng, phải thận trọng. Đúng, phải thận trọng, nhưng đó phải là sự thận trọng khi các lý thuyết mới được nghiên cứu một cách sâu sắc. Thêm nữa, lý thuyết giờ cũng giải đại tự sự, không một khuynh hướng nào tự cho nó có thể bao quát được toàn vẹn thực thể văn học hay đời sống, mỗi người chỉ có thể chiếm lĩnh được một phần nhỏ trong cái mênh mông đó mà thôi. Lý thuyết văn học đã từ bỏ những phán quyết chắc nịch, theo kiểu văn học là gì là gì. Nó nhìn văn học trên những đường biên, trên những bình địa mấp mô. Chính trên những lằn ranh động đó, văn học không còn là một thực thể tĩnh tại. Với một thực thể không tĩnh tại như thế, lý thuyết giờ xa lạ với những phán xét, nó xa lạ với những cái nhìn giáo điều. Tôi đã từng rất khổ sở khi đọc lý thuyết nước ngoài khi không tìm thấy được, vậy thì rốt cục, bản chất của vấn đề này là gì? Tôi chỉ nghe thấy những đối thoại không ngừng xung quanh những vấn đề đó. Tôi chỉ nghe thấy những câu hỏi mà không biết đấy là điều mà lý thuyết cho mình, chứ không phải một định nghĩa sau cùng, chắc nịch.

3. Môn học chúng ta sẽ học là lý luận văn học. Ở tiếng Anh, chắc là không có sự phân biệt rạch ròi lý thuyết văn học với lý luận văn học. Ông Jonathan Culler trong cuốn “Literary Theory: A Very Short Introduction” có nói thực ra từ thập niên 90 thế kỷ trước, người ta đã không nói nhiều đến lý thuyết văn học nữa, mà chỉ là lý thuyết thôi. Đối tượng của lý thuyết là mọi hình thức văn bản: không chỉ ngôn từ mà đó còn là điện ảnh, hội họa, thời trang, thân thể… Tinh thần chung của lý thuyết là chất vấn những giá trị mặc định, phản biện những gì được xem là tự nhiên, vốn dĩ. Theo đó, lý thuyết luôn mang tính khiêu khích, hình thức của nó thường là một cái gì đó trái chiều, phủ định, gai góc, thậm chí đôi khi khá điên rồ. Còn gì điên rồ hơn khi nói rằng ngay cả màu da, giới tính chúng ta…hóa ra là những thứ được “văn bản hóa” (textualized) hơn là những thứ “tự nhiên”?

Bởi lẽ đó, thực ra, trong giờ học, tôi muốn thầy trò sẽ cùng thảo luận về những vấn đề hình như chẳng văn học gì hết? Chúng ta sẽ nghĩ gì về vụ khủng bố tòa sọa tờ báo châm biếm Charlie Hebdo? Chúng ta sẽ nghĩ gì khi nhân trường hợp một phụ nữ Việt Nam bị xử tử hình ở Indonesia vì buôn ma túy, có người đã đề nghị cần phải thúc đẩy hơn nữa việc xóa bỏ án tử hình? Đó là những case rất hay để thầy trò chúng ta cùng hình thành tư duy phản biện, cùng suy ngẫm về những giới hạn và khả năng của con người, của đời sống. Chúng ta có thể cùng hỏi nhau những câu hỏi thế này về cái chết:

http://thegioitiepthi.net/gia-dinh/cai-chet-va-triet-hoc/

Nhưng hôm trước thôi, tôi nghe thấy các bạn sinh viên khi mượn máy chiếu của khoa để chiếu phim “Boyhood”, có thầy đã nhắc nhở không được chiếu những phim có những cảnh nhạy cảm. Trước đó nữa, nghe nói một hội thảo mà khoa định tổ chức về đổi mới giảng dạy và nghiên cứu ngữ văn, trong phần xác định mục tiêu của hội thảo có mấy chữ đại ý nhắm phát triển tư duy phê phán cho sinh viên, hội thảo đó đã tạm thời bị xếp lại.

Vậy còn lý do gì để chúng ta học môn này nữa chứ?

Nhưng thôi em ạ. Hãy luôn nghĩ thực ra khi đã là sinh viên rồi, không ai dạy được em hoàn toàn hết. Nếu em nghĩ, mình cần tư duy độc lập, mình cần hình thành một quan điểm cho riêng mình, mình không thích những gì đã được dọn sẵn, hãy học lý thuyết. Học một cách rất thực tế: tập nhìn đời sống, tập suy ngẫm, chiêm nghiệm, chân thành và rốt ráo. Lý thuyết không bao giờ đi đồng hành với nỗi sợ cả.

Thế nhé.

 

 

Còn thấy mặt người

Bài đã đăng trên báo Phụ Nữ TP. Hồ Chí Minh. Post lại như bài cuối cùng của một năm đã cố gắng nhiều hơn trong viết lách.

http://nhac.vui.vn/con-thay-mat-nguoi-khanh-ly-m63211c80p955a3542.html

*

Humans NY

Mỗi ngày, khi vào facebook của mình, tôi vẫn thường dành thời gian để lướt qua trang “Humans of New York” (Người New York). Tôi là một trong số chín triệu người đăng ký theo dõi blog ảnh này trên facebook. Được lập nên bởi Brandon Staton, “Humans of New York” đã được nhận rất nhiều giải thưởng, danh hiệu trong lĩnh vực truyền thông. Ảnh hưởng của nó lớn đến mức đã hình thành cả một trào lưu blog ảnh tương tự. Năm 2013, tạp chí Time đã bình chọn Brandon Staton là một trong số 30 người dưới độ tuổi 30 đang làm thay đổi thế giới.

Vậy blog ảnh của Brandon Staton, người nghệ sĩ nhiếp ảnh sinh năm 1984 và mới chỉ bắt đầu dấn thân vào sự nghiệp nhiếp ảnh từ năm 2010, sau khi mất việc trong lĩnh vực kinh doanh trái phiếu, lại có sức lan tỏa lớn lao như thế? Những bức ảnh đăng trên blog này đều chỉ chụp những con người bình thường, vô danh ở những khoảnh khắc rất đời thường, không gắn với những biến cố, những “lịch sử” lớn nào. Đi kèm với chúng là những mẩu chuyện ngắn, những tâm sự, những đối thoại nhiều khi ngẫu hứng, vơ vẩn. Tại sao chúng lại có khả năng truyền cảm hứng cho nhiều người đến vậy?

Tôi nghĩ mình chưa đủ khả năng để phân tích những bức ảnh trên trang “The Humans of New York” từ góc độ kỹ thuật. Nhưng tôi thường dừng lại khá lâu trước chân dung của những người vô danh xa lạ ấy, không phải vì họ đẹp, họ lập dị, họ phi thường. Mà vì ánh mắt của họ, thần thái của họ, cử chỉ của họ… dường như luôn gợi ra một câu chuyện nào đó sâu xa hơn những phần ngoại hiện. Và ngay cả những tâm sự, những mẩu đối thoại của các nhân vật có lẽ cũng là những lát cắt tự sự, cô đọng những cảm xúc, suy tưởng có khi từng đeo đẳng, từng ám ảnh họ rất lâu. Thậm chí đôi khi chúng gói ghém một triết lý nào đó được biểu đạt bằng một thứ ngôn ngữ đời thường.

Một ông già trên đường phố Odessa, Ukraine – một đất nước đang là điểm nóng thời sự trên bản đồ chính trị thế giới, ăn vận giản dị, dáng vẻ không có điểm gì đặc biệt ngoại trừ sự minh mẫn toát lên từ ánh mắt. Sẽ rất ít người biết rằng ông già ấy chính là một giáo sư chuyên ngành sinh vật biển. Hơn 64 năm làm việc trong lĩnh vực này, khi được hỏi “Điều gì làm ông ngạc nhiên nhất khi gần như đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu đại dương?”, vị giáo sư già chỉ trả lời rất ngắn gọn: “Nó thật bao la”. Câu trả lời ấy, với tôi, đơn giản, nhẹ nhõm nhưng đồng thời cũng sâu sắc như một triết lý thực sự. Nó cho thấy vẻ đẹp của trí tuệ không nằm ở sự kiêu ngạo, đắc thắng mà ở sự khiêm tốn chân thành bởi ý thức được tính hữu hạn của nhận thức khi đối diện với cái mênh mông biển cả, ở khả năng ngạc nhiên mà vị giáo sư vẫn không ngừng nuôi dưỡng cho mình. Chẳng phải tri thức mà chính sự khiêm tốn và sự ngạc nhiên ấy mới là điều mà ông truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất.

Lại có những bức ảnh khác tự nó giống như một tự sự bỏ ngỏ. Bức ảnh bên dưới là hình ảnh một người đàn ông ở Sài Gòn với câu chuyện đi kèm: “Khi con trai tôi ra đời, đó là thời điểm suốt mấy tháng, tôi không kiếm được một công việc nào. Tôi tìm việc ở mọi nơi. Đầu óc tôi rối bời. Tôi cảm thấy giận dữ với mọi thứ. Khủng hoảng nhất là khi con trai tôi bị chẩn đoán suy dinh dưỡng. Tôi thấy căm ghét bản thân.”

Một câu chuyện thực ra chưa có gì đặc biệt. Tất cả chúng ta có lẽ ít nhất đều một lần phải đối diện với tình huống điển hình này khi cuộc sống đột nhiên trở nên khắc nghiệt, tàn nhẫn, dồn dập các thử thách để đo khả năng chịu đựng, đương đầu của mỗi người. Nhưng gương mặt của người đàn ông, ánh mắt, điếu thuốc trên môi anh còn nói với ta điều gì nữa? Anh đã đi qua giai đoạn chạm đáy tuyệt vọng đó chưa? Hay với riêng tôi là nỗi băn khoăn: Anh đã hết chán ghét chính mình?

Đúng như một ẩn dụ mà người ta thường dùng để nói về thế giới mạng, trên “xa lộ” facebook không bao giờ ngớt sự tấp nập, mỗi một bức ảnh được chia sẻ trên “Humans of New York” có thể nhận được cả hàng trăm bình luận. Chính ở đây, ta có thể nhận thấy sự chuyển động trong ý thức của công dân toàn cầu hôm nay khi va chạm, tiếp xúc với những kẻ KHÁC. Có những câu chuyện của kẻ khác hấp dẫn ta, làm ta bất ngờ, ngỡ ngàng nhận ra một điều gì đó, một kinh nghiệm nào đó về đời sống mà nếu chỉ nhìn theo cái nhìn của đám đông sẽ rất khó thấy. Lại có những câu chuyện của kẻ khác làm người ta băn khoăn, nghi ngại. Tất nhiên, vẫn luôn có những bình luận mang giọng điệu phán xét nhưng thường những bình luận ấy nhận được những phản hồi đề nghị một cái nhìn thận trọng, kỹ lưỡng hơn.

Có lẽ chính ở đây, ta có thể hiểu vì sao blog ảnh của Brandon Staton lại có thể tạo ra sự thay đổi của thế giới? Trong thế giới đương đại nơi mọi thứ đang trượt đi với tốc độ nhanh hơn tất cả tưởng tưởng của những thế kỷ trước, nơi mạng internet có thể xóa nhòa cá nhân, làm mỗi cá nhân tan vào đám đông đang mải mết, những bức ảnh của Brandon tách những nhân vật của mình ra khỏi dòng chảy ào ạt ấy, tách họ ra khỏi những lịch sử lớn đầy náo động của thời cuộc, để làm chính chúng ta, những người xem, cũng trở nên chậm lại, nhìn kỹ hơn gương mặt của kẻ khác. Để nhận ra đăng sau gương mặt, ánh mắt của những con người vô danh ta vốn chẳng thân quen kia, những câu chuyện có thể rất gần với mình, rất cần với mình. Những câu chuyện không để răn dạy gì ai, cũng không mong được phán xét mà chỉ cần được lắng nghe. Không có ai là hời hợt, không số phận nào không hàm chứa những chuyện kể nào đó. Chỉ cần chậm lại một chút, yên tĩnh một chút, để lắng nghe.

Chợt, tôi hiểu tại sao trong những năm tháng cuộc chiến Việt Nam trở nên ác liệt, căng thẳng nhất, Trịnh Công Sơn đã viết những ca từ này như một khao khát nhân bản:

Từng ngày thấy mặt trời
thấy mọi người lòng đã thấy vui
từng đêm tối ngồi chờ đợi
từng đêm tối ngồi chờ đợi
chờ từng sớm mai thấy lại mặt người

Giữ lấy những mặt người để nhìn ngắm. Như có người từng nói với tôi, sự nhìn ngắm là nguồn cội của tình yêu.