Tag Archives: triết học

Costica Bradatan – Trong tay của kẻ làm mọi thứ đảo điên (Về Simone Weil [1909-1943])

…Đời sống, tuy nhiên, luôn có thói quen là làm lắng mọi thứ xuống, đưa chúng vào các khuôn thức. Thậm chí đến cả những hành động bộc phát và sáng tạo nhất của chúng ta cuối cùng cũng có thể biến thành thói thường. Những dòng nham thạch nóng nhất, lỏng nhất rồi cũng thành đá. Điều ấy vừa không tránh được mà cũng vừa tốt nữa. Chúng ta sẽ chẳng đi được đến đâu nếu như không hình thành các thói quen, các thường lệ, những thứ giúp chúng ta định hướng những cố gắng của mình tốt hơn, khiến sự nếm trải thế giới của chúng ta bớt khó khăn hơn một chút. Song nếu có quá nhiều thói quen trong đời sống của chúng ta và có quá ít những thứ khuấy đảo chúng ta, rốt cục chúng ta rồi sẽ chết ở bên trong. Và cái chết ngay khi còn sống là hình thức chết tồi tệ nhất vì nó có khía cạnh quái đản: đó là tình trạng không phải sống mà cũng chưa phải chết. Một đời sống hiện sinh được dẫn dắt và biến thành thói quen quá nhiều không những khốn cùng mà còn cực kỳ tồi tệ. Bạn không sống một đời sống như thế, bạn để nó dẫn dắt, đến chỗ không đâu.

Đó là lý do tại sao chúng ta lại rất cần có một người như Simone Weil. Người ấy không dạy chúng ta nhiều về cách thoát khỏi đời sống (sự biến mất của Weil là một hành động độc đáo, chỉ riêng bà làm được), nhưng lại dạy chúng ta cách làm thế nào để sống tốt – trên phương diện tinh thần: nghĩa là, người ấy chỉ ta cách làm thế nào để phá vỡ các khuôn thức chết cứng mà cuộc sống này không ngừng muốn ràng buộc ta vào. Chúng ta cần Weil để cho ta biết cách giữ sự mẫn tiệp của tâm hồn bằng việc hướng đến một đời sống nhiều thách thức hơn là một đời sống dễ chịu- bằng việc dám liều lĩnh, dám thực hiện những bước nhảy trong niềm tin, dám dấn những bước đi mạo hiểm hơn là đặt mình yên vị trong những thói quen đem đến nhiều thoải mái. Bà nghiệt ngã với chính bà, và chúng ta cũng nên ứng xử với bản thân như thế nếu muốn có những bước tiến về tinh thần. Một sự nghiệt ngã như thế không là gì khác hơn một hình thức bậc cao của sự tử tế.

Weil chính là kẻ vĩ đại làm mọi thứ đảo điên theo truyền thống của Augustine, Pascal, Kierkegaard, Nietzsche và Cioran. Câu chuyện của bà minh họa cho một triết lý cổ xưa mà chúng ta dường như đã lãng quên:  để cứu rỗi đời mình, chúng ta lúc nào cũng phải sẵn sàng, trong bất kỳ khoảnh khắc nào, từ giã nó. Đối mặt với vực thẳm, nhìn thẳng vào nó và xử sự như thể đây là thứ tự nhiên nhất trong thế giới này. Chính xác là trong những thời khắc như thế, trong tâm thế sẵn sàng như thế và nhờ vào sự khiêm hạ hoàn toàn mà nó khơi dậy, bạn đang ở đỉnh cao nhất của sự sống…

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Costica Bradatan, In Praise of Failure – Four Lessons in Humility, Harvard University Press, 2023, trang 54-5.

Costica Bradatan – Cách để bơi ngược dòng. Về Diogenes

Diogène
Họa sỹ Junes Bastein-Lepage (1848-1884)
Sơn dầu trên vải (1873) (lưu giữ tại Musée Marmottan Monet, Paris)

Một lần, Diogenes[1], nhà tư tưởng theo chủ nghĩa yếm thế[2], đến nhà hát lúc một vở diễn đã hạ màn, thậm chí mọi người khác còn đang ra về. Khi có người, bởi khó hiểu vì hành động này, hỏi ông tại sao làm vậy, Diogenes đã đáp: “Đây là việc mà cả đời tôi đã làm.” (Câu chuyện này là một trong số nhiều giai thoại mà Diogenes, nhà Khuyển nho, đóng vai chính, được kể lại bởi Laertius[3] trong tác phẩm Cuộc đời của các triết gia lỗi lạc.)

Như mọi “giai thoại” (trong tiếng Hy Lạp cổ là chreia) về các triết gia yếm thế, có nhiều lớp nghĩa dồn nén trong đó.

Trước hết, đó là quan điểm về việc làm triết học như một màn trình diễn sống mà Diogenes là đại diện tiêu biểu, bên cạnh một số ít các nhà tư tưởng cổ đại và hiện đại. Theo quan điểm này, triết học không phải là một công việc lý thuyết thuần túy, một công việc suy tư và biểu hiện ra bằng những biệt ngữ khó hiểu, mà đúng hơn là một cách nhập vai hay tồn tại.

Khi muốn chứng minh một luận điểm triết học nào đó, Diogenes không chỉ sử dụng lời nói mà cả toàn bộ cơ thể của ông, sự hiện diện cảm tính của ông trong thế giới này. Để đưa ra một luận điểm, bạn cần phải thực hiện một bước đi- đôi khi theo nghĩa đen của từ này.

Một câu chuyện khác kể lại, khi có một triết gia cố gắng chứng minh trước một công chúng dễ bị đánh lừa, rằng “chuyển động không hề tồn tại,” Diogenes không nói không rằng mà “đứng lên và đi quanh” – đấy là phản đề tốt nhất có thể có được trình bày theo cách tiết kiệm nhất.

Rồi một dịp khác, ông ngang nhiên xin bố thí từ một pho tượng. Khi được hỏi tại sao làm vậy, ông đáp: “Để thực hành việc bị bác bỏ.” Khi đồng loại của chúng ta lạnh lẽo như những pho tượng ở Athens vào mùa đông, bạn có thể cho họ biết điều gì đó về lòng hảo tâm bằng cách giả vờ mong đợi nhận được nó từ đá.

Một phần quan trọng trong sự trình diễn của Diogenes chính là việc vứt bỏ nỗi ngượng ngùng một cách có tính toán. Ông làm những việc mà phần lớn người ta phải tìm mọi cách để giữ riêng tư ngay giữa nơi công cộng, một cách hân hoan, gây hiệu quả mạnh về phương diện tu từ, chẳng hạn như: khạc nhổ, gãi, đại tiện, tiểu tiện, thủ dâm. Không phải Diogenes là kẻ mắc chứng phô dâm nhưng hẳn là ông đã thấy đó là một chiến lược hiệu quả để nhạo báng những tập tục, quy ước của xã hội và phô bày tính chất phản tự nhiên của chúng (một nguyên lý trung tâm của triết học Yếm thế luận).

Tại một bữa tối mà Diogenes tham dự, “một vài vị khách đã quẳng vào chỗ ông mấy khúc xương, như cách người ta cho chó ăn.” Các quý ngài lịch lãm hẳn đã có dịp hả hê khi làm bẽ mặt nhà Khuyển nho. Tối ấy, khi đã muộn, “theo cách của một con chó,” chuyện kể lại, vị triết gia này “đã đái vào đám khách khứa lúc ông ta ra về.” Hãy cẩn trọng với những ẩn dụ mà bạn sử dụng vì chúng có thể ám quẻ bạn.

Việc chúng ta còn bàn về ý nghĩa của những hành động gây scandal của ông sau 23 thế kỷ cho thấy Diogenes có nhiều điều nghiêm túc đáng để suy nghĩ hơn là chỉ đơn thuần có mục đích gây sốc. Động cơ của Diogenes ban đầu có thể là tạo ra scandal, nhưng hóa ra nó lại dẫn đến những hệ quả sâu xa hơn.

Về phương diện này, Diogenes, dù không cố ý, đáng được coi là người sáng lập nên một trường phái vĩ đại về sự ngu ngốc hiền minh với những tên tuổi lừng lẫy đi theo gồm các ẩn sĩ Cơ đốc giáo, các sheikh trong Sufi giáo, và các thiền sư. Khi một kẻ “khờ ngu thần thánh” người Sufi, Nasreddin Hoja[4], một lần ngồi xoay lưng trên thân lừa, mọi người thắc mắc, lời đáp của ông như thể lặp lại lời của Diogenes: “Không phải tôi đang ngồi xoay lưng trên thân lừa mà con lừa đang nhìn nhầm đường đó mà thôi.”

Bằng cách thực hành triết học một cách đầy nhiệt hứng như vậy, Diogenes đã xác lập vị trí của mình trong dòng mạch mà Pierre Hadot[5] gọi là “triết học như cách sống.” Triết học cổ đại, theo Hadot, không phải là hoạt động tạo lập và truyền bá các văn bản mà đúng hơn là một quá trình chuyển hóa bên trong mà người học triết sẽ nếm trải khi họ cam kết với các ý tưởng.

Khi Hegesias[6] hỏi xin Diogenes một trong số ghi chép của ông, nhà Khuyển nho đã đáp: “Cậu đúng là con lừa, Hegesias! Vì cậu đã không chọn những trái vả được vẽ ra mà đòi trái thật; thế nhưng cậu lại quên đi cách rèn luyện thật sự, thay vào đó, lại đi đòi đọc sách vở này nọ.”

Không còn một văn bản viết nào của Diogenes (giả định là có thứ như vậy), điều dường như lại hợp lý. Quả thực, một Diogenes không để lại sách vở gì đã tỏa ra cùng một thứ hào quang và vẻ đẹp u sầu của những pho tượng cổ đại mất đầu hoặc các chi vốn vẫn luôn hấp dẫn chúng ta. Có gì đó đáng ngờ, nếu không muốn nói rõ ràng là giả dối, nếu ta nhìn một pho tượng cổ được bảo tồn hoàn hảo. Một Diogenes mà sách vở có thể lấp đầy kệ sách cũng có thể đáng ngờ như thế. Chính phần vắng mặt mới là thứ tạo ta cảm giác trọn vẹn ở đây.

Ở một cấp độ sâu hơn, những gì mà ta nhận thấy ở giai thoại Diogenes đi xem kịch chính là hình tượng một triết gia chuyên làm điều trái khoáy. Socrates sinh thời vốn nổi tiếng là người hay phản đối nhưng Diogenes thì có đi xa hơn thế. Không có gì làm ông có nhiều khoái cảm hơn là làm ngược lại tất cả những gì mà mọi người khác đều làm. Không có gì ngạc nhiên khi một lần được hỏi, “Thứ gì là tuyệt vời nhất trên thế giới này,” Diogenes đã trả lời: “Tự do ngôn luận.”

Trong thời đại của chúng ta, một thời đại của chủ nghĩa tuân thủ không có gì phải day dứt và xu hướng bầy đàn trở nên phổ biến, một ý thức dám làm những chuyện ngược đời như thế có thể chính là điều có thể cứu rỗi đời sống của chúng ta – về chính trị, văn hóa, tri thức và tinh thần. Thứ chủ nghĩa ngược đời này cho thấy còn có nhiều cách khác để hành động và sống trong thế giới này. Trong bất cứ xã hội nào, cũng phải có một vài người dám đi ngược dòng chảy của những lời đạo đức giả.

Chúng ta cũng có thể thấy ở vị triết gia Yếm thế luận này hình ảnh của một con người phi quyền lực. Đó là Diogenes, kẻ chịu lưu đày – một con người không quê hương, không có bất cứ quyền lợi và sự bảo vệ nào. Sau một vụ scandal liên quan đến tiền nong mà gia đình ông có lẽ đã dính líu, Diogenes bị trục xuất khỏi xứ Sinope-quê hương của ông và sống cả đời về sau tại Athens và Corinth. Ông luôn ứng xứ cứ như thể ông chẳng muốn bận tâm gì nữa. Khi có người nhắc ông về vụ scandal đó, ông bảo: “Nhưng nhờ vậy, anh bạn khờ khạo ạ, tôi mới trở thành triết gia!”

Khi người ta hỏi ông từ đâu đến, ông đáp lại hãnh diện: “Cosmopolites” (“Tôi là công dân của thế giới này”). Ông ta đã tạo ra từ ấy bằng cách trả lời như vậy.

Tuy nhiên, một câu chuyện khác kể với chúng ta nhiều hơn. Bất kể bao nhiêu chuyện oái oăm nực cười của ông, Laertius viết, người dân Athen vẫn dành một sự ngưỡng mộ đối với vị triết gia chuyên làm những điều trái khoáy ngụ cư tại thành bang của mình. Đó là lý do vì sao, “khi một cậu bé đập vỡ chậu rửa của Diogenes, họ đã cho cậu nhóc vài roi và tặng Diogenes chiếc chậu mới.” Không khó để hình dung vị triết gia này đã trở thành đối tượng của sự giễu cợt, tâm điểm của những chuyện đùa ngớ ngẩn, mục tiêu của những kẻ say sưa lúc đêm muộn – và ngay cả những cậu nhóc thành Athens cũng làm trò ác ý vô cớ đối với ông. Ông lúc nào cũng ở trong tình trạng của một kẻ đã sẵn sàng bị hiến tế. Bất chấp tất cả những gây hấn mà ông tạo ra, Diogenes là một kẻ không có gì để hộ thân.

Sự dễ tổn thương của Diogenes cũng là sự dễ tổn thương của bản thân triết học, khi nó được thực hiện một cách đúng đắn. Nó có thể trưng ra một diện mạo bướng bỉnh và hành động như thể chẳng bận tâm đến việc gì cả, nhưng về sâu xa, triết học cũng dễ vỡ như chiếc chậu của Diogenes. Và nếu tình trạng không có gì để hộ thân của Diogenes đã không ngăn ông dấn mình vào những hành động mạo hiểm để giáo dục công chúng thì cấu tạo mong manh của triết học cũng chẳng phải là lý do để nó ngừng châm chích đời sống này.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Costica Bradatan, “How to Swim against the Stream. On Diogenes, https://lareviewofbooks.org/article/how-to-swim-against-the-stream-on-diogenes/


[1] Diogenes (412 [404] – 323 trước Công nguyên), người được coi là triết gia sáng lập trường phái triết học Yếm thế.

[2] Cynic: Ở Việt Nam, “Cynic” có thể được dịch là nhà tư tưởng theo chủ nghĩa yếm thế (Yếm thế luận) hoặc các nhà khuyển nho. Trong bài dịch này, tôi sử dụng cả hai cách dịch để tạo sự sinh động cho hành văn. Yếm thế luận có thể được hiểu một cách cơ bản là một trường phái trong triết học cổ đại Hy Lạp. Các nhà tư tưởng theo trường phái này (Các nhà Khuyển nho) chủ trương mục đích của đời sống là đức hạnh, hướng tới sự hòa thuận với tự nhiên. Họ cho rằng con người có thể đạt được hành phục bằng hình thức trau dồi bản ngã một cách nghiêm khắc, dũng cảm vứt bỏ các khao khát thông thường của người đời về sự giàu có, quyền lực, danh tiếng, thậm chí công khai chế nhạo các quy phạm xã hội ấy. Đời sống mà họ hướng đến là một đời sống đơn giản, phi sở hữu.

[3] Laertius (chưa xác định năm sinh, năm mất), người ghi ghép tiểu sử của các nhà triết học Hy Lạp cổ đại.

[4] Nasreddin Hoja được biết đến như một sáng tạo của văn hóa folklore Hồi giáo từ vùng Balkan đến Trung Hoa, người nổi tiếng với những mẩu chuyện khôi hài, châm biếm. Mặc dù vậy, vẫn có ý kiến cho rằng ông là một nhân vật có thật trong lịch sử, sinh năm 1208, mất năm 1285, hiện còn di tích bia mộ ở Thổ Nhĩ Kỳ.

[5] Pierre Hadot (1922-2010), triết gia người Pháp, chuyên gia về triết học cổ đại.

[6] Hegesias (không rõ năm sinh, năm mất), tương truyền là một học trò của Diogenes.

Costica Bradatan – Lời nói đầu “Ngợi ca sự thất bại: Bốn bài học về đức khiêm hạ” (Harvard University Press, 2023)

Phần trích dịch dưới đây là lời nói đầu của Costica Bradatan trong cuốn sách mới nhất của ông In Praise of Failure: Four Lessons in Humility do Harvard University Press xuất bản năm 2023. Tương tự như Dying for Ideas, Bradatan tiếp tục đưa người đọc của ông trực diện với những khủng hoảng hiện sinh của sự làm người, kể lại cách mà các triết gia giúp ta hiểu ý nghĩa của những khủng hoảng này như thế nào. Nhưng như một người kể chuyện giỏi, cuốn sách hứa hẹn những kiến giải bất ngờ về chủ đề thất bại bằng một lối hành văn giàu tính thẩm mỹ.

Tôi rất mong năm nay có thể đi tới cùng dự án dịch thuật này. Bài dịch này cũng là một cố gắng để quay trở lại công việc dịch thuật, chống lại cảm giác chai mòn chữ nghĩa đã làm tê liệt sự viết lách của tôi trong mấy tháng trở lại đây.

*

Hãy hình dung bạn đang trên một chuyến bay, ở một độ cao lớn. Một trong các động cơ của máy bay bốc cháy, những bộ phận khác tình hình cũng không khả quan, và phi công buộc phải hạ cánh khẩn cấp. Rơi vào một tình huống như vậy chắc chắn là bất an cực độ nhưng đó cũng là khoảnh khắc khải thị. Đầu tiên, giữa tiếng la hét ở xung quanh và khi phải nghiến chặt răng lại, bạn không thể nghĩ được cái gì bình tĩnh, khách quan cả. Bạn phải chấp nhận nó, bạn đang bị tê liệt bởi nỗi sợ chết, giống như mọi người khác. Cuối cùng, máy bay hạ cánh an toàn, không ai bị hề hấn gì. Khi có thể định thần, bạn có thể nghĩ lại một chút rõ ràng hơn về sự cố vừa xảy ra. Và bạn bắt đầu nghiệm thấy được điều gì từ đó.

Chẳng hạn, bạn nghiệm thấy sự hiện sinh của con người là cái gì đó xảy ra, rất ngắn ngủi, giữa hai trực quan về hư vô. Hư vô thứ nhất – dày đặc, không thể thẩm thấu. Rồi có một sự rung lên. Rồi sau đó lại là hư vô, vô tận. “Một chớp sáng lóe lên chốc lát giữa hai vĩnh cửu của bóng tối,” mượn lời của Vladimir Nabokov. Đây là những thực tế tàn nhẫn của thân phận con người – thứ còn lại chỉ là sự thêm thắt. Dẫu ta có lựa chọn việc tái định khung hay kể lại các dữ kiện thì khi chúng ta nghĩ cái gì có trước mình và cái gì tiếp theo mình, chúng ta sẽ nhận ra mình không có nhiều thứ để nói. Chúng ta kề cận với hư vô – đấy là thực tế. Và phần lớn những gì chúng ta làm trong đời, dù ý thức được hay không, là nỗ lực để giải quyết cảm giác buồn nôn khi nhận thức được tình trạng kề- cận -với- hư- vô này. Huyền thoại, tôn giáo, tâm linh, triết học, khoa học, tác phẩm văn chương nghệ thuật – tất thảy đều tìm cách để chúng ta kham được dù chỉ một chút thực tại khó chịu đựng nổi này.

Một cách để né tránh là phủ nhận hoàn toàn tình trạng nan giải này. Đó là cách nhắm mắt lại để lạc quan. Hoàn cảnh của chúng ta, theo như hướng suy nghĩ này, rốt cục không đến nỗi bấp bênh như thế. Trong một số tự sự huyền thoại, chúng ta đã sống ở đâu đó trước khi mình được sinh ra ở đây, và rồi chúng ta sẽ được đầu thai sau khi chết. Một vài tôn giáo đi xa hơn nữa, hứa hẹn với chúng ta về đời sống vĩnh hằng. Hiển nhiên, đó là công việc kinh doanh tốt bởi bên cầu chưa bao giờ thiếu bên cung. Gần đây hơn, cái được gọi là chủ nghĩa xuyên nhân loại (transhumanism) cũng đã gia nhập thị trường đông đảo này. Các tu sĩ của giáo phái mới này đã thề thốt, rằng với các thiết bị điện tử thích hợp và sự điều chỉnh công nghệ (cùng với tài khoản ngân hàng dư dả), đời sống con người có thể được kéo dài vô tận. Những dự án khác về sự bất tử cũng có vẻ như đang làm điều tương tự, vì các vấn đề liên quan đến sự hữu tử của chúng ta khó mà giải quyết được.

Tuy nhiên, cho dù có bao nhiêu người trong chúng ta bị thu hút bởi những hứa hẹn của tôn giáo về đời sống vĩnh hằng, lúc nào cũng vẫn còn một vài người không cảm thấy bị thuyết phục. Về phía những người theo thuyết xuyên nhân loại, họ có thể biết được tương lai nhưng họ hầu như lại vô tri về quá khứ: những sản phẩm “cải thiện con người”, dưới những cái nhãn khác nhau, đã tồn tại trên thị trường ít nhất kể từ cái chết của Enkidu trong sử thi Gilgamesh. So với những gì mà các nhà giả kim thời trung cổ đem đến, các mặt hàng của những tư tưởng gia theo thuyết xuyên nhân loại có lẽ còn khá nhạt nhẽo. Dẫu vậy, những nỗ lực kéo dài đời sống cả ngàn năm cũng không khiến cái chết trở nên mất việc. Ngày nay, ta có thể sống lâu hơn nhưng cuối cùng ta vẫn cứ phải chết.

Một cách khác để đối phó với tình trạng kề-cận-hư-vô của chúng ta là trực diện nó, theo cách đấu bò, không có đường thoát, không có lưới an toàn, không có bất cứ một sự bao bọc nào. Bạn chỉ còn cách buộc phải tiến lên, mắt mở to ra, lúc nào cũng phải nhận thức rất rõ cái gì ở đó: không gì cả. Hãy nhớ những sự thật trần trụi về hoàn cảnh của chúng ta: không có gì trước mặt và không có gì sau lưng. Nếu bạn có vẻ quá ám ảnh về tình trạng kề-cận-hư-vô của mình và không bị thuyết phục bởi những lời hứa hẹn của tôn giáo về đời sống vĩnh hằng hay đủ điều kiện để chi trả cho việc kéo dài tuổi đời bằng công nghệ sinh học, thì đây chính là cách dành cho bạn. Chắc chắn, đấu bò là việc không hề dễ dàng, cũng chẳng nhẹ nhàng – đặc biệt là về phía con bò.  Bởi rốt cục, đấy mới là chúng ta: con bò đợi đến lúc bị làm cho kiệt sức, chứ không phải hiệp sĩ đấu bò, kẻ nghiền nát đối thủ và đi tiếp con đường của mình.

“Con người được huấn luyện đến nỗi,” triết gia Simone Weil từng viết, “kẻ nghiền nát không cảm thấy gì hết mà chính kẻ bị nghiền nát mới thực sự cảm nhận được chuyện gì đang diễn ra.” Nghe có vẻ bi quan nhưng có lẽ chẳng có hình thức nào của tri thức nhân loại cao hơn thứ tri thức cho phép chúng ta hiểu chuyện gì đang diễn ra – nhìn thấy mọi thứ như chúng là, đối lập với cách chúng ta muốn chúng là. Bên cạnh đó, một chủ nghĩa bi quan không khoan nhượng là một triết lý vô cùng khả thi. Với lời răn đầu tiên của kẻ bi quan (“Hễ khi nào nghi hoặc, hãy giả định về điều tồi tệ nhất!”), ta sẽ không bao giờ quá ngỡ ngàng. Bất cứ chuyện gì xảy ra trên đường, dù tệ hại đến đâu, sẽ không làm ta mất cân bằng. Vì lý do này, những người tiếp cận tình trạng kề-cận-hư-vô của mình với con mắt mở sẽ biết cách sống một cách điềm tĩnh, bình thản và hiếm khi than phiền. Điều tồi tệ nhất có thể trút xuống họ chính là thứ mà họ đã hình dung từ trước.

Trên hết, cách tiếp cận bằng con mắt mở cho phép chúng ta tự tháo gỡ bản thân trong ý thức về lòng tự trọng khỏi những mối ràng buộc của đời sống hiện sinh. Đời sống là một căn bệnh mãn tính, gây nghiện và chúng ta thì khẩn thiết muốn có một phương thức chữa trị.

Phương thức trị liệu bằng sự thất bại mà tôi trình bày trong cuốn sách này có thể gây nhạc nhiên. Sau quá nhiều tôn thờ đối với sự thành công, sự thất bại trở thành một giá trị đáng vứt bỏ. Không còn gì tồi tệ hơn ở đời này bằng sự thất bại – ốm đau, xui xẻo, kể cả sự ngu độn bẩm sinh cũng không thể so sánh được với nó. Nhưng sự thất bại xứng đáng được trân trọng hơn. Trên thực tế, có nhiều điều để ta có thể dành sự ngợi ca cho nó. 

Sự thất bại cần thiết đối với chúng ta, trong tư cách con người. Cách chúng ta hiểu về thất bại xác định nên chúng ta, trong khi thành công chỉ mang tính chất bổ trợ, phù du, và không phát lộ được gì nhiều. Chúng ta có thể sống mà không thành công, nhưng chúng ta sẽ không biết sống để làm gì nếu không biết chấp nhận sự bất toàn, sự bấp bênh, sự hữu tử của mình, mà tất cả những điều này đều là linh hiện của thất bại.

Khi nó xảy ra, thất bại tạo một khoảng cách giữa chúng ta và thế giới, giữa bản ngã chúng ta với người khác. Khoảng cách này cho ta một cảm giác rất rõ rệt rằng mình không vừa khớp, mình bị lệch pha với thế giới và người khác, và có một cái gì đó không ổn ở đây. Tất cả điều này khiến ta phải nghiêm túc chất vấn vị trí của ta trong đời sống này. Và đó có thể là điều tốt nhất xảy ra đối với chúng ta: sự tỉnh thức mang ý nghĩa hiện sinh này chính xác là những gì ta cần nếu ta muốn hiện thực hóa chính mình. Không có cách chữa lành nào sẽ đến trừ khi bắt đầu bằng sự thức tỉnh này.

Nếu bạn trải nghiệm sự thất bại và bị xâm chiếm bởi những cảm xúc như thấy mình bất toàn, không -thuộc- về -đâu, thì đừng kháng cự chúng- mà hãy đi theo chúng. Chúng sẽ nói với bạn rằng bạn đang đi đúng đường đấy. Chúng ta có thể ở trong thế giới này nhưng không thuộc về thế giới này. Hiểu biết này là khởi điểm của tỉnh thức và nó đặt sự thất bại vào trọng tâm của một cuộc truy cầu tinh thần quan trọng, dù có thể vị trí này của sự thất bại cũng khiêm nhường thôi.

Vậy thất bại có thể cứu rỗi đời ta không? Bạn có thể chất vấn. Phải, nó có thể. Miễn là bạn sử dụng nó một cách khéo léo. Làm thế nào mà thất bại lại trở thành thứ có công dụng tốt – đấy là câu chuyện mà cuốn sách này muốn kể. Như bạn sẽ nhận thấy khi đi hết cuốn sách, hoàn toàn không phải là một thảm họa mà những kẻ căm ghét nó hay mô tả, thất bại là thứ có thể rất hiệu nghiệm cho việc con người hiện thực hóa bản ngã, chữa hàng và khai sáng. Dù rằng nó sẽ không dễ chịu bởi thất bại vốn dĩ là câu chuyện phức tạp.

Thất bại giống như tội lỗi nguyên thủy trong Kinh Thánh: ai cũng có nó. Bất kể giai cấp, tầng lớp, chủng tộc, phái tính, chúng ta đều sinh ra để thất bại, Chúng ta còn thất bại chừng nào còn sống và chúng ta trao truyền nó lại cho người khác. Giống như tội lỗi, việc thừa nhận sự thất bại có thể khiến người ta có cảm thấy ô nhục, hổ thẹn và lúng túng. Và tôi đã nói đến sự “xấu xí” chưa nhỉ? Thất bại cũng xấu xí nữa – xấu xí như tội lỗi, người ta vẫn nói vậy. Thất bại có thể tàn bạo, buồn nôn và mang tính hủy hoại như bản thân đời sống.

Tuy nhiên, với tất cả tính phổ quát của nó, thất bại nhìn chung lại chẳng được nghiên cứu, nó bị quên lãng hoặc bị coi thường. Tệ hơn: nó hóa thành một thứ thời thượng bởi các bậc thầy self-help, các phù thủ trong lĩnh vực marketing, các CEO nghỉ hưu quá dư thừa thời gian. Tất cả bọn họ đều chế nhạo sự thất bại, mà không có bất cứ sự châm biếm nào, bằng cách đóng nhãn lại cho nó và bán nó như là một bước đệm để đi đến thành công vậy.

Những kẻ bán dạo thất bại-như-là-thành công này đã tìm cách, trong nhiều việc khác mà họ đã làm, để làm xơ xác câu nói u ám nhưng sâu sắc, mình triết của Samuel Beckett – bạn có lẽ biết ông. Thứ mà họ luôn không nhắc đến là, ngay ở câu kế tiếp, sau cụm từ mà họ hay trích lại đến phát ngán, Beckett đã nói về một thứ còn tốt hơn cả “thất bại tốt hơn” (“failing better”) – thất bại tệ hơn (failing worse): “Hãy thứ lại lần nữa. Thất bại lần nữa. Thất bại tốt hơn. Hay thất bại thế hơn. Thất bại tệ hơn lần nữa. Rồi vẫn tệ hơn nữa. Đến khi phát bệnh mãi mãi. Buồn nôn mãi mãi.”

Không phải vô cớ mà Beckett lại làm với Cioran. Một lần, ông đã viết cho bạn mình: “Giữa những đổ nát của anh, tôi cảm thấy mình như thể ở nhà” (“Dans vos ruines je me sens à l’aise”). “Phát bệnh mãi mãi”, “buồn nôn mãi mãi” – khó tìm được cách diễn đạt nào tốt hơn miêu tả tình thế hiện sinh gian nan của chúng ta. Với Beckett, chính thất bại đã đến đến sự hiện thực hóa bản ngã, sự chữa lành căn bệnh bản thể gắn liền tình trạng kề-cận-hư-vô của chúng ta. Theo ý nghĩa ấy, Ngợi ca sự thất bại mà một cuốn sách mang tinh thần của Beckett.

Và bạn cũng có thể đặt câu hỏi, làm thế nào để chúng ta phân biệt thất bại đích thực và thất bại giả tạo, thứ mà các bậc thầy self-help vẫn rao bán? Đơn giản thôi: thất bại luôn khiêm nhường. Nếu không vậy, nó không phải là thất bại đích thực, nó chỉ là “bước đệm để đi đến thành công” – một sự tự lừa dối trong một tên gọi khác.

Ngợi ca sự thất bại không nói về sự thất bại vì chính nó, nó nói về sự khiêm hạ mà thất bại sinh ra, quá trình chữa lành mà nó khởi sự. Chỉ sự khiêm hạ, “một thái độ vô ngã đối với hiện thực,” như Iris Murdoch định nghĩa, mới cho phép chúng ta nắm bắt cái gì đang diễn ra. Khi đạt đến sự khiêm hạ ấy, chúng ta sẽ biết mình đang trên hành trình phục hồi, vì chúng ta bắt đầu gỡ mình khởi những ràng rịt của cuộc hiện sinh.

Thế nên, nếu bạn theo đuổi sự thành công mà không biết đến sự khiêm hạ, bạn hoàn toàn có thể làm ngơ trước cuốn sách này. Nó không giúp gì cho bạn – nó chỉ có thể dẫn bạn đi chệch đường.

Vì thất bại vốn vô biên và những biểu hiện của nó cũng vậy, nên miêu tả nó chi tiết không khác gì việc cậu bé trong giai thoại mà thánh Augustine kể: dùng vỏ sò múc nước từ biển để đổ vào cái hố nhỏ mà cậu đào trên bãi biển. Cố gắng ấy rõ ràng là vô vọng nhưng đó không phải là điều đáng bàn: vẻ đẹp điên rồ của cố gắng ấy mới là cái chúng ta theo đuổi.

“Dẫu điều này điên rồ, nhưng ta có thể nhìn thấy được phương pháp ở đó”, đó là nhận xét của Hamlet, một hình tượng đại diện cho sự thất bại mang tính bi kịch nhất trong văn chương nhân loại. Vì thất bại bao quanh, vây bủa chúng ta, sẽ không phải vô lý khi hình dung nó đến như những vòng tròn: những vòng tròn đồng tâm với ta, dần dần co thắt lại, dồn ép ta ngay tại trung tâm – y như trong tâm bão vậy.

Trong nghiên cứu về sự thất bại này, phương pháp của tôi là bắt đầu từ vòng ngoài và lần lượt từng vòng một, tiếp cận hình thức thất bại gần gũi nhất, mật thiết nhất với chúng ta. Tôi bắt đầu từ vòng ngoài cùng, thất bại mang tính vật chất, thứ mà tôi cho rằng xa xôi nhất. Từ “xa xôi” ở đây không mang nét nghĩa chỉ khoảng cách không gian, nó gợi ra những nhức nhối tinh thần nhiều hơn: chúng ta rất khác với các sự vật, dẫu cho chúng ta sống giữa chúng, sử dụng chúng và phụ thuộc vào chúng. Sự thất bại của các sự vật ảnh hưởng đến chúng ta và sự hoàn thiện của chúng cũng vậy, thứ có thể phi nhân hóa chúng ta. Ở vòng này, tôi sẽ xem xét cách mà Simone Weil cảm nhận về tình trạng không thể thích nghi và “không thuộc về” thế giới đã dẫn đến việc bà xây dựng nên một dự án kéo dài cả đời về sự siêu vượt bản ngã và giải vật chất hóa bản ngã. Cuộc đời của Weil là một nghiên cứu về sự khiêm hạ tột cùng: bà thà xóa bỏ sự hiện hữu hơn là xúc phạm Thượng đế bởi chính sự hiện hữu của mình. Cuối cùng, quay lưng lại với thế giới, bà tự gỡ mình ra khỏi những ràng buộc hiện sinh theo cái cách kín đáo nhất mà bà có thể làm. Khi kỵ sĩ đấu bò xuất hiện, anh ta không thể tìm thấy bà: bà đã hoàn toàn tan biến.

Tiếp đó là vòng tròn của sự thất bại về chính trị. Chính trị liên đới đến tất cả chúng ta ở một mức độ nhất định, ngay cả những người lãnh đạm nhất với chính trị trong chúng ta; thật ra, đứng ngoài chính trị tự nó đã là một quyết định mang tính chính trị rồi. Vòng tròn của sự thất bại về chính trị còn gần với chúng ta hơn cả vòng tròn trước đó bởi chính trị không nằm ngoài chúng ta, nó là một phần của chúng ta. Thậm chí những kẻ nổi loạn và vô chính phủ đều có mối liên hệ với một cộng đồng chính trị nào đó và định nghĩa bản thân như là kẻ chống lại nó. Mahatma Gandhi, người ta mà ta làm quen ở vòng này, đã loay hoay mắc kẹt trong bầu không khí chính trị của thời đại mình, cùng lúc ấy, ông chưa bao giờ ngừng tìm kiếm sự thuần khiết. Từ một thôi thúc mãnh liệt hướng đến cái thuần khiết và hoàn thiện (điều đưa ông và thế nguy hiểm tương tự như với Robespierre và những người chủ trương theo đuổi sự thuần khiết về chính trị), Gandhi đôi khi đã thể hiện hành vi bất toàn đáng lo ngại. Thứ cứu chuộc ông, cuối cùng, có thể lại là chiều kích trần thế khác ở nhân cách ông. Khi kỵ sĩ đấu bò xuất hiện, anh ta gặp khó khăn để định vị Gandhi – vị Thánh dường như lúc nào cũng đã thuộc về một lãnh địa khác.

Vòng tròn tiếp theo là sự thất bại về mặt xã hội. Ngay cả khi chúng ta quyết định sống một mình, cách xa bất kỳ sự gắn kết với bất cứ con người nào, xã hội vẫn cứ là thứ day dứt trong ta – nó ám ảnh tâm trí và ngôn ngữ của ta. Chúng ta lúc nào cũng bị ràng buộc về phương diện xã hội và chính trong sự ràng buộc này, chúng ta trải nghiệm một hình thức đặc biệt phổ biến  của sự thất bại. Để trực tiếp đương dầu với thất bại về mặt xã hội, một số người đã quyết định xem nó như một thiên hướng cá nhân. E.M.Cioran, người mà phần lớn chương ba sẽ xoay quanh, đã dành cả đời mình để chủ động không làm gì cả, tạo nên một sự châm biếm toàn diện với những huyền thoại nền tảng của xã hội bị ám ảnh bởi sự giàu có và lấy sự làm việc làm trung tâm của chúng ta. “Bất cứ cái gì tốt đẹp mà chúng ta có thể có đều đến từ sự biếng lười của chúng ta, từ sự mất khả năng hành động, thực thi các dự án và kế hoạch của chúng ta,” ông viết. Cioran quan niệm chính sự không hành động này là phản ứng hữu lý duy nhất đối với một sự tồn tại vô nghĩa. Khải thị về sự vô nghĩa mang tính phổ quát chính là tôn giáo mà triết gia vô thần này dành trọn thời gian và tâm trí để sống với nó. Khi kỵ sĩ đấu bò xuất hiện, Cioran khiến anh ta phải cười lớn vì ngay từ đầu, anh ta đã quên mất lý do vì sao mình lại đến đây. Và dĩ nhiên Cioran cũng vậy,  – nhờ căn bệnh Alzheimer mà ông mắc.

Cuối cùng, vòng tròn gần với ta hơn cả: vòng trong của sự thất bại về mặt sinh học– sự hữu tử của bản thân ta. Dù chúng ta cố chạy xa đến đâu khỏi cái chết, rồi nó tất yếu cũng tóm kịp ta. Tuy vậy, nếu sự hữu tử có được ghi chép vào trong DNA của chúng ta đi nữa, ta vẫn thấy khó sống cùng nó. Nghĩ về cái chết là “nghĩ về cái không thể nghĩ”, Vladimir Jankélévitc đã nói vậy. Có lẽ như một lối thoát, các triết gia cổ đại như Seneca đã bận tâm về cái chết như là một vấn đề liên quan đến thực hành hơn là một vấn đề lý thuyết: họ tin rằng làm chủ nỗi sợ chết sẽ giúp ta có thể sống một đời sống tốt đẹp hơn. Tôi sẽ xem xét ở đây trường hợp lạ lùng của Yukio Mishima, người đã cố gắng thiết kế và thực hiện cái mà ông nghĩ là “một cái chết đẹp,”, người đã tự đặt bản thân một cách chắc chắn vào trong truyền thống về cái chết cao cả trong văn hóa Nhật Bản. Để đánh bại kỵ sĩ đấu bò, Mishima tự biến chính ông thành kỵ sĩ đấu bò.

Ngợi ca sự thất bại sẽ làm việc với một định nghĩa được khai triển dần dần – hay thực chất, được mở rộng – về sự thất bại. Bất kể khái niệm thành công được định nghĩa là gì thì thông thường nó vẫn hàm ẩn nét nghĩa về một “sự nối tiếp” các sự kiện, tình trạng (từ này bắt nguồn từ từ sucedere, trong tiếng Latin, có nghĩa là “theo sau”). Khi một cái gì đó thất bại, sự tiếp diễn sẽ không xảy ra nữa, theo sau đó là một cảm giác về sự trống rỗng. Thất bại là bất cứ điều gì mà chúng ta trải nghiệm như là một sự gián đoạn, khi một cái gì đó không tồn tại, hoạt động hay xảy ra như nó được kỳ vọng. Khi chúng ta trải qua những vòng tròn thất bại của mình – hoặc trực tiếp, như một kinh nghiệm đau thương, hoặc gián tiếp, thông qua tưởng tượng và trầm tư – chúng ta sẽ nhận thức ngày càng nhiều hơn về sự gián đoạn, đổ vỡ và khó chịu này. Và một trạng thái như vậy là xuất phát điểm tốt nhất cho bất kỳ hành trình nào của sự hiện thực hóa bản ngã.

Chúng ta vô cùng cần đến việc tích lũy kinh nghiệm về sự gián đoạn, đổ vỡ và khó chịu này nếu ta muốn đi đến chỗ chấp nhận tình trạng kề-cận-hư-vô của mình. Vì chỉ trong thử thách gắt gao của kinh nghiệm này, chúng ta mới đạt đến sự khiêm hạ – điều trao cho chúng ta cơ hội để có thể chữa được sự kiêu mạn và tư tưởng lấy chính mình làm trung tâm, sự tự ảo tưởng và tự đánh lừa bản thân của chúng ta, sự điều chỉnh vụng về của chúng ta đối với thực tại. Tiến trình đi qua bốn vòng tròn thất bại này không phải là một hành trình bình thường: nó là một hành trình thanh lọc (cathartic). Nếu đọc cuốn sách này, bạn cảm thấy bị hoang mang, điều đó có nghĩa là tôi đã không hoàn toàn thất bại. Vì thất bại là một kinh nghiệm gây hoang mang sâu sắc – hoang mang như bản thân đời sống này.

Trong mọi hành trình, hành trình kiếm tìm bản ngã là hành trình khó khăn nhất, lâu dài nhất mà ta phải thực hiện. Thế nhưng bạn đừng quá lo lắng: coi sự thất bại làm người dẫn lối, bạn có cơ hội, dẫu xa xôi, để đi tới cùng hành trình này. Sau cùng thì, những bác sĩ giỏi nhất vẫn luôn bảo chúng ta rằng: thứ hủy hoại ta cũng có có thể chữa lành ta. Nọc rắn chẳng phải vừa là thuốc độc mà cũng lại vừa là thuốc đó thôi.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Costica Bradatan, In Praise of Failure: Four Lessons in Humility, Harvard University Press, 2023.

bell hooks – Lời giới thiệu bản dịch “Nữ quyền cho tất cả mọi người” (NXB Phụ Nữ, 2022)

bell hooks (tác giả chủ ý không vết hoa) là bút danh của Gloria Jean Watkins (sinh năm 1952), giáo sư ngành Nhân văn và Nghệ thuật từng làm việc ở nhiều đại học danh tiếng của Hoa Kỳ, nhà tư tưởng nữ quyền, nhà giáo dục học, nhà hoạt động xã hội vì quyền của người da màu và tầng lớp lao động, một tác giả với 30 đầu sách đã được xuất bản, từ các công trình học thuật đến những tác phẩm dành cho thiếu nhi. Đấy là chưa nói đến một số vai trò khác của bà như làm diễn giả, viết kịch bản phim… Tạp chí The Atlantic Monthly đã khẳng định bà là “một trong những tri thức công chúng có sức ảnh hưởng lớn nhất nước Mỹ”.

Chính trị nữ quyền nằm ở trung tâm các hoạt động tri thức và xã hội của bell hooks. Từ thời sinh viên, bà đã viết cuốn sách đầu tay Ain’t I a Woman? Black Women and Feminism (Tôi có phải là một phụ nữ không? Phụ nữ da đen và nữ quyền luận) (1981). Nhan đề của cuốn sách láy lại tên bài diễn thuyết nổi tiếng “Ain’t I a Woman?” của Sojourner Truth (1797-1883), một phụ nữ da đen vốn xuất thân từ tầng lớp nô lệ ở nước Mỹ, người không biết chữ nhưng có thể dùng năng lực kể chuyện và hùng biện của mình để khẳng định giá trị và đấu tranh cho quyền của phụ nữ da màu. Trong sự nghiệp của mình, bell hooks luôn nhắc đến Truth như một nguồn ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng và cách dấn thân cho nữ quyền của bà, theo đó, cuộc đấu tranh nữ quyền không tách rời với cuộc đấu tranh giai cấp và chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

Cuốn Feminism is for Everybody (Nữ quyền luận cho mọi người) được bell hooks cho ra mắt vào năm 2000, sau một thời gian dài bà nghiên cứu nữ quyền luận trong khu vực học thuật hàn lâm với những công trình gây nhiều tiếng vang cũng như đã tham gia vào phong trào nữ quyền như một nhà hoạt động xã hội hăng hái. Cuốn sách còn có một tiêu đề phụ, theo đó, nữ quyền luận được hiểu như một đường lối chính trị nhiệt thành, say mê, “Passionate Politics”. Với một dung lượng không quá đồ sộ, cuốn sách của bell hooks nhìn lại những chặng đường thăng trầm mà phong trào nữ quyền luận ở Hoa Kỳ đã trải qua, từ làn sóng thứ nhất bắt đầu vào cuối thế kỷ XIX với những cuộc đấu tranh mở đường để phụ nữ tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội, giáo dục, khẳng định năng lực và giá trị của bản thân đến những động hướng của nữ quyền luận đương đại bắt đầu từ cuối thập niên 1980. Không thể phủ nhận, phong trào nữ quyền đã thúc đẩy việc gia tăng địa vị và quyền năng của người phụ nữ trong xã hội Mỹ, đem đến cho họ nhiều sự bình đẳng nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề của phụ nữ chưa được nhận thức thấu đáo và giải quyết, dẫn đến những ngộ nhận và cả những chia rẽ nội bộ. Thực tiễn ấy thôi thúc bell hooks viết Nữ quyền luận cho mọi người, một cuốn sách có tính chất như một cẩm nang bỏ túi về phong trào này, được viết bằng một thứ văn phong bình dân, dễ tiếp cận, thay vì mang tính chất kinh viện. Mục đích của bà là lan tỏa rộng rãi những nhận thức đúng đắn về nữ quyền luận, khiến trào lưu này không chỉ là đối tượng quan tâm của giới học thuật hay của phụ nữ thuộc tầng lớp đặc quyền, từ đó, thách thức lại những hình ảnh bị bóp méo của phong trào được truyền thông đại chúng dòng chính của xã hội gia trưởng tư bản thượng tôn da trắng đưa ra cho công chúng.

Việc đầu tiên mà bell hooks làm rõ trong cuốn sách này là đưa ra một định nghĩa cô đọng nhất, bản chất nhất về phong trào nữ quyền. Theo đó, nữ quyền luận là một phong trào tư tưởng và xã hội nhằm chấm dứt tất cả những hình thức của định kiến giới, bóc lột và đàn áp giới. Phạm vi vấn đề mà cuốn sách thảo luận rất rộng, từ chính trị, kinh tế, giáo dục, văn hóa cho đến những khía cạnh thuộc về đời sống riêng tư, cá nhân như tình dục, việc làm mẹ, quan niệm về vẻ đẹp thể chất của phụ nữ… Có thể thấy, mọi vấn đề của đời sống, dù ở cấp độ xã hội hay cá nhân, đều nên được tham chiếu từ lăng kính nữ quyền luận. Bởi những gì mà nữ quyền luận quan tâm cũng là những gì mà mọi người đều cần quan tâm, chúng thiết thân với cuộc sống của tất cả mọi người, dù thuộc giới nào đi nữa. Đó là những vấn đề mà con người cần phải đối mặt để tìm cách cùng tháo gỡ, giải quyết những khúc mắc, mâu thuẫn để hướng tới việc chung sống hài hòa trong cõi sống này. Nữ quyền luận, trong tầm nhìn của bell hooks, hoàn toàn không phải việc đảo ngược lại thế đối lập nhị nguyên giữa nam giới và nữ giới, biến nam giới thành mục tiêu công kích và giành lấy địa vị cho nữ giới như một hình thức soán ngôi. Theo bell hooks, đối tượng mà nữ quyền luận phải đấu tranh để xóa bỏ là chế độ gia trưởng, đặc biệt là hình thái tư bản thượng tôn da trắng của nó. Chính nó đã áp đặt lên những ràng buộc và khuôn mẫu cho cả nam giới và nữ giới, cấu trúc nên tình trạng bất bình đẳng và đặc biệt biến những sự bất bình đẳng này thành một tình trạng đương nhiên, miễn trừ sự chất vấn. Nữ quyền, vì thế, là nhân quyền; phong trào nữ quyền không chỉ nhằm giải phóng phụ nữ mà giải phóng con người nói chung, xây dựng nên những mối quan hệ của con người trong đời sống trên nền tảng nhân văn mới.

Có thể thấy lập trường nữ quyền luận của bell hooks mang tinh thần Marxist rõ nét. Ngay từ cuốn sách đầu tiên của mình, bell hooks đã nhận thức rõ: các vấn đề nằm trong nghị trình của nữ quyền luận đan cài một cách phức tạp với các vấn đề về giai cấp và chủng tộc. Những hạn chế của phong trào nữ quyền ở Mỹ, theo phân tích của bà, một phần quan trọng nằm ở việc các nhà tư tưởng và hoạt động chưa ý thức được sâu sắc sự đan cài này, từ đó dẫn đến những hệ lụy nhất thiết phải khắc phục sớm. Chẳng hạn, nữ quyền luận dường như được hình dung là một phong trào do phụ nữ da trắng, thuộc tầng lớp đặc quyền trong xã hội nắm lấy ngọn cờ và do vậy, chỉ tập trung vào những đòi hỏi của bộ phận đặc quyền này nhằm gia tăng địa vị của mình, trong khi đó, bộ phận phụ nữ da màu, phụ nữ nghèo, phụ nữ thuộc tầng lớp lao động – những đối tượng mà đáng ra phong trào nữ quyền phải bảo vệ, bênh vực trước hết lại bị vô hình hóa. Chủ nghĩa cơ hội trong phong trào nữ quyền ở Mỹ là một thực tế khi những nhà tư tưởng và hoạt động nữ quyền da trắng không đặt mình vào vị thế của những người phụ nữ thuộc nhóm thiểu số và yếu thế trong xã hội để cất liên tiếng nói đòi bình đẳng. bell hooks không hài lòng với cách tiếp cận theo khuynh hướng cải lương của các nhà nữ quyền thế hệ trước và cùng thời với bà bởi theo bà, cách tiếp cận này không thúc đẩy những chất vấn cần thiết, mang tính hệ thống đối với các cấu trúc duy trì nền văn hóa gia trưởng tư bản thượng tôn da trắng, không tạo ra những thay đổi mang tính bản chất về cơ sở hạ tầng và ý thức hệ để giải phóng phụ nữ thực sự. Phong trào nữ quyền, vì thế, vẫn để số đông phụ nữ phải đương đầu với nhiều áp lực và chịu đựng nhiều bất công, chẳng hạn, phải cân đối việc phát triển sự nghiệp và chăm sóc gia đình, phải chấp nhận mức lương thua thiệt so với nam giới khi đi làm trong khi hệ thống phúc lợi xã hội vẫn chưa quan tâm đúng mức đến điều kiện sức khỏe, điều kiện sống của họ… Điều này khiến cho nữ quyền luận ở Mỹ vẫn chưa trở thành một phong trào quy tụ rộng rãi quần chúng như nó được kỳ vọng: nó thiếu tiếng nói cần được lắng nghe nhất từ phía những phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi nhất trong chế độ gia trưởng tư bản thượng tôn da trắng, nó chưa có được sự liên minh với nam giới, những người ý thức được sự cầm tù của khuôn mẫu gia trưởng đối với sự phát triển tự do và toàn vẹn của chính mình, nó đang nói một thứ ngôn ngữ kinh viện, nhiều biệt ngữ và ít khả năng lay động.

Mặt khác, cũng có lý khi Jennifer Hockenbery Dragseth[1] xếp bell hooks vào những nhà nữ quyền hiện sinh, những người coi giới là một phạm trù văn hóa và giải phóng khuôn mẫu giới đòi hỏi phải giải phóng các cơ chế của văn hóa đóng khuôn những hình dung về phụ nữ, nữ tính. Vốn xuất thân là người theo học văn chương, bell hooks nhận ra một trong những định kiến sâu sắc nhất mà văn hóa gia trưởng duy trì dai dẳng là việc xem thường các giá trị văn hóa do phụ nữ sáng tạo. Bà nhìn vào hệ thống điển phạm văn chương phương Tây nơi các đại diện của phụ nữ luôn chỉ được nhìn nhận như những nét chấm phá. Và càng hiếm hoi hơn nữa là những sáng tạo văn hóa của phụ nữ da màu được thừa nhận về giá trị. bell hooks cũng phân tích thuyết phục cơ chế quỷ quyệt của văn hóa gia trưởng khi nó biến phụ nữ từ chỗ là nạn nhân của những định kiến mà nó hun đúc đến chỗ biến họ trở thành đồng lõa với những định kiến ấy, trở thành những người áp đặt logic thống trị của nam giới lên những phụ nữ khác, lên chính con em của họ. Những phân tích của bà về bạo lực gia trưởng ngay ở phụ nữ thể hiện một cái nhìn nghiêm khắc nhưng xác đáng đối với những vấn đề còn tồn tại mà bản thân phụ nữ phải nhận ra và thay đổi. Tất nhiên, ngoài sự thay đổi tự giác ở mỗi cá nhân, cần thiết phải xóa bỏ các thiết chế văn hóa gia trưởng vốn luôn tìm cách đồng hóa phụ nữ vào trong logic của chúng.

Nữ quyền luận cho mọi người không chỉ là một tập tản văn chính luận mà còn mang tính tự sự rất đậm. bell hooks viết cuốn sách này không chỉ như một nỗ lực nhận diện và phê bình phong trào nữ quyền ở Mỹ; cuốn sách còn là sự nhìn lại chính mình như một phụ nữ da màu dấn thân vào phong trào. Và ở đây, có thể thấy rõ ở bà hình ảnh của một trí thức trung thực khi bà không ngần ngại nói về những thời điểm nhận thức của mình còn chưa chín, chưa cặn kẽ. Khi phê bình giới hạn của phong trào, bell hooks đồng thời thực hiện việc phê bình chính những giới hạn của bản thân. Phải nói thêm, đọc Nữ quyền luận cho mọi người, ta có thể hiểu hơn tầm quan trọng của ý thức phê phán. Theo đó, mục đích chính của phê phán không phải là tấn công, đả kích mà hơn hết, phê phán gợi mở những hình thức can thiệp. Nói khác đi, phê phán mở ra khả thể. Tính khai phóng của nữ quyền luận trong tư cách một trào lưu tư tưởng cần được hiểu như thế.

Việc dịch và giới thiệu cuốn sách này trong bối cảnh hiện nay của Việt Nam, theo tôi, có nhiều ý nghĩa. Lịch sử hiện đại của Việt Nam gắn liền với nhiều phong trào xã hội, trong đó có làn sóng nữ quyền nổi lên từ đầu thế kỷ XX, nơi phụ nữ dấn thân, cất tiếng nói đòi hỏi sự tôn trọng về nhân cách, tài năng, thân thể và các quyền làm người cơ bản.Tuy nhiên, phong trào nữ quyền trong lịch sử Việt Nam hiện đại phần nào cũng vẫn là một lịch sử bị ngoại biên hóa, có những gián đoạn, thăng trầm trong sự phát triển của nó. Những thảo luận về bình đẳng giới nổi lên trên truyền thông đại chúng gây cảm giác về một sự trở lại (hoặc cũng có thể nghĩ như một làn sóng mới) của nữ quyền trong xã hội Việt Nam đương đại. Tuy nhiên, liệu nữ quyền luận ở Việt Nam đã thoát khỏi những nghi kỵ, định kiến về nó như là một trào lưu Tây học, một cuộc nổi loạn của những phụ nữ thuộc tầng lớp đặc quyền trong môi trường thị dân phá vỡ truyền thống hay một xu hướng gây hấn với nam giới hay chưa? Những hình thức đóng khung phụ nữ, “vật hóa” phụ nữ vẫn đang diễn ra công khai trong đời sống, từ trong những lời bông đùa cho đến những hình ảnh phổ biến trong quảng cáo, truyền thông, phim ảnh, văn chương ở Việt Nam. Những vấn đề về bạo lực gia đình, quấy rối tình dục mà phụ nữ là nạn nhân, những điều kiện cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội vẫn còn quá nhiều bất cập đối với phụ nữ… không phải chưa từng được phản ánh, được nêu lên trước công luận nhưng có lẽ “nữ quyền luận” vẫn đang được hình dung như một khuynh hướng tư tưởng trưởng giả hay một thứ lý thuyết kinh viện, không có nhiều giá trị thực tiễn. Cuốn sách của bell hooks là một tham khảo cần thiết đối với những nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam để cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới thật sự có những bước đột phá.

Nhưng sẽ là phiến diện nếu nghĩ Nữ quyền luận cho mọi người chỉ là sách dành cho những nhà hoạt động xã hội. Trong chương cuối của cuốn sách, khi nói về tầm nhìn của nữ quyền luận, bell hooks cho rằng cốt lõi của nữ quyền luận chính là tình yêu, là sự cảm thông và tôn trọng giữa người với người, vượt qua những khác biệt về giai cấp, chủng tộc, khuynh hướng tính dục. Tinh thần của nữ quyền luận còn là nền tảng của một đạo đức nhân văn mới, một đạo đức của tinh thần biết chăm sóc, nuôi nấng sự sống, hướng tới thấu hiểu và tôn vinh các giá trị đa dạng, thay thế cho nền tảng đạo lý lấy sự thống trị và phục tùng mà văn hóa gia trưởng xem là hạt nhân trung tâm. Hơn cả một trào lưu, một làn sóng, tinh thần của nữ quyền cần phải là chất men thiết yếu để gắn kết con người với con người, con người với thế giới, xây dựng nên một trạng thái chung sống hài hòa trên cõi sống này, vươn đến sự tự do đích thực – “tự do cùng nhau”. Tất nhiên, để trở thành chất men như thế, nữ quyền luận luôn phải chống lại việc trở nên xơ cứng và giáo điều, không gắn với những điều kiện lịch sử, chính trị, văn hóa đặc thù của từng bối cảnh. bell hooks không trình bày về nữ quyền luận như một dự án không tưởng; bà tin vào tính khả thi của nó cũng như tin vào việc con người có khả năng thay đổi để làm cho cõi sống này thực sự đáng sống, dẫu rằng hành trình để hiện thực hóa dự án này nhọc nhằn và dài lâu. Nhưng những gì đẹp đẽ nhất xưa nay vẫn luôn đòi hỏi sự nhẫn nại, bền bỉ, nỗ lực của con người. Nữ quyền luận, vì thế, là một tư tưởng lạc quan hiểu theo nghĩa ấy.

Trần Ngọc Hiếu


[1] Jennifer Hockenbery Dragseth,

Thinking Woman: A Philosophical Approach to the Quandary of Gender, The Lutterworth Press, 2016.

Byung-Chul Han – “Tôi làm triết học như làm nghệ thuật”

Sinh năm 1959, Byung-Chul Han – triết gia người Đức gốc Hàn Quốc – được xem là một trong những triết gia năng động nhất, giàu tính khiêu khích nhất và được giới nghệ thuật đặc biệt quan tâm.

Bài phỏng vấn dưới đây do Gesine Borcherdt, nhà văn, biên tập viên, nhà giám tuyển người Đức thực hiện đăng trên tạp chí ArtReview (Liam Tickner dịch sang tiếng Anh) nhân dịp Byung-Chul Han ra mắt cuốn sách mới nhất của ông Undinge (tạm dịch Các phi vật thể).

Mái vòm nhà thờ San Bernardo alle Terme, Rome. Photo: Architas / Wikimedia Commons

*

Art Review: Cuốn sách Undinge (Phi vật thể) của ông xoay quanh sự mất kết nối của chúng ta với các sự vật trong bối cảnh thông tin số lên ngôi. Vậy các vật thể có đặc điểm gì mà các công nghệ mới không có?

Byung-Chul Han: Undinge cho rằng thời đại của các vật thể đã qua. Trật tự địa hình, trật tự của Trái Đất, bao gồm các vật thể có một hình thức bền vững và cung cấp một môi trường ổn định cho sự cư ngụ của con người. Giờ đây, trật tự địa hình đã bị thay thế bởi trật tự số. Trật tự số làm cho thế giới mất tính khả xúc nhiều hơn bằng việc biến nó thành thông tin. Các phi vật thể giờ đây đang xâm nhập vào môi trường chúng ta từ mọi phía và thay thế  các vật thể.

Tôi gọi là các phi vật thể là thông tin. Ngày nay, chúng ta đang trong giai đoạn quá độ từ thời đại vật thể sang thời đại của các phi vật thể. Thông tin, chứ không phải vật thể, giờ mới là thứ xác định môi trường của chúng ta. Chúng ta không còn chiếm lĩnh mặt đất và bầu trời mà là Google Earth và Đám mây Điện toán. Thế giới ngày càng mất đi tính khả xúc và trở nên phù vân hơn, ma mị hơn. Chẳng có gì mang tính hữu thực cả. Điều này gợi tôi nhớ đến tiểu thuyết Cảnh sát Ký ức (The Memory Police) [1994] của nhà văn Nhật Bản Yoko Ogawa. Cuốn tiểu thuyết kể về một hòn đảo vô danh nơi các vật thể – dây nơ, mũ nón, tem, kể cả hoa hồng và chim chóc – điều biến mất không thể vãn hồi được. Cùng với các vật thể, ký ức cũng biến mất. Mọi người sống trong một mùa đông vĩnh cửu của sự quên lãng và mất mát. Mọi thứ đều nằm trong một quá trình tăng tiến của sự tan rã. Mọi bộ phận của cơ thể biến mất. Cuối cùng, chỉ còn những giọng nói bị tách lìa khỏi cơ thể, bồng bềnh trong không khí.

Ở khía cạnh nào đó, hòn đảo của những ký ức bị thất lạc này giống hệt như hiện tại của chúng ta. Thông tin làm cho hiện thực bị giải thể, điều này cũng mang tính chất ma mị như những giọng nói bị lìa khỏi cơ thể. Quá trình số hóa đã giải hủy tính vật chất, giải hủy tính hiện thân và cuối cùng lột bỏ tính hữu thực của thế giới của chúng ta. Nó cũng loại bỏ các ký ức. Thay vì lưu dấu ký ức, chúng ta tích lũy dữ liệu và thông tin. Chúng ta đều trở thành những kẻ nghiện thông tin. Chứng nghiện này làm cho các vật thể biến mất. Điều gì xảy ra đối với các vật thể khi chúng bị bão hòa bởi thông tin? Quá trình thông tin hóa thế giới ta đang sống biến các vật thể thành các “tin-tố”, tức các nhân tố của quá trình xử lý, khai thác thông tin. Cái điện thoại thông minh không phải là một vật thể mà là một tin tố, thậm chí như một kẻ cung cấp thông tin, nó giám sát và chi phối ta.

Các vật thể không theo dõi chúng ta. Đó là lý do vì sao ta tin vào chúng, theo cái cách mà chúng ta không dành cho cái điện thoại thông minh.  Mọi bộ máy, mọi kỹ thuật thống trị nào cũng đều sinh ra những vật thể hiến thân cho chúng, những vật thể được sử dụng để thúc đẩy sự phụ thuộc. Chúng kiên cố hóa quyền lực của kẻ thống trị. Cái điện thoại thông minh là vật thể hiến thân cho triều đại thông tin-số này. Như là một công cụ trấn áp, nó đóng vai trò như một chuỗi tràng hạt mà người ta cầm trên tay. Bấm “like” tức là cầu nguyện theo cách số hóa. Chúng ta tiếp tục đi thú thội. Chúng ta tự nguyện bộc bạch, thế nhưng chúng ta không cầu sự tha thứ nữa, mà thay vào đó là sự chú ý.

AR: Undinge nhấn mạnh các ý tưởng vốn có thể tìm thấy trong nhiều cuốn sách của ông, rằng thay cho việc xây dựng các mối quan hệ với cái khác/kẻ khác, loài người lại không ngừng soi gương chính mình. Tuy vậy, con người vẫn phải sống trong các mối quan hệ và thậm chí bây giờ vẫn còn gắn với những vật thể mà họ không muốn vứt đi. Vậy sự khác biệt giữa trước đó và bây giờ là gì – “trước đó” tức là khoảng thời gian trước toàn cầu hóa và số hóa

BCH:  Tôi không biết liệu những người dành cả thời gian để nhìn điện thoại thông mình có còn sở hữu hay cần những vật thể gần với trái tim họ không. Các vật thể đang khuất dần khỏi tầm chú ý của chúng ta. Tình trạng siêu lạm phát các vật thể như ta thấy hiện nay, thứ dẫn đến việc chúng được sản xuất một cách bùng nổ, chỉ tô đậm sự thờ ơ mỗi lúc một gia tăng của chúng ta đối với chúng. Chúng hầu như đang chết non.

Nỗi ám ảnh của chúng ta không còn là nỗi ám ảnh dành cho các vật thể mà là thông tin và dữ liệu. Giờ đây, chúng ta tiêu thụ thông tin nhiều hơn là vật chất. Chúng ta thật sự phấn khích bởi các hoạt động thông tin. Những năng lượng dục tính ở trong ta giờ đã bị điều hướng từ vật thể sang phi vật thể. Hậu quả là chứng nghiện thông tin. Chúng ta giờ đều là những kẻ nghiện thông tin. Chủ nghĩa bái vật gắn với các vật thể có lẽ đã hết thời. Chúng ta đang trở thành những tín đồ sùng bái thông tin và dữ liệu. Giờ, thậm chí người ta còn nói tới nhục cảm dữ liệu (datasexuals). Bấm và lướt chiếc điện thoại thông minh gần như là một động tác mang tính nghi lễ, và nó gây ra hiệu ứng rộng lớn đối với các mối quan hệ của chúng ta đối với thế giới. Thông tin không gây chú ý đối với ta sẽ bị lướt trôi. Nội dung mà ta thích thú, mặt khác, sẽ nhận được sự chú ý, chúng ta dùng ngón tay mình để giữ chúng lại. Chúng ta có thể nắm lấy thế giới này theo đúng nghĩa đen. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào ta mà thôi.

Đấy là cách mà chiếc điện thoại thông minh khuếch đại bản ngã chúng ta. Chúng ta bắt thế giới phải phục tòng các nhu cầu của mình chỉ với một vài động tác. Thế giới hiện ra trước chúng ta trong ánh sáng số của tính tiện nghi tuyệt đối. Tính bất tiện chính xác là thứ khiến cái khác thành “khác”, và do vậy nó phải biến đi. Bị tước đoạt đi thứ làm nên sự khác của mình, cái khác/kẻ khác giờ đây chỉ còn đơn thuần là thứ có thể tiêu thụ được. Tinder biến kẻ khác trở thành một vật thể gợi ham muốn tình dục. Dùng cái điện thoại thông minh, chúng ta rút vào một khối cầu của chủ nghĩa ái kỷ, nơi người ta giải phóng khỏi những sự không biết về cái khác/kẻ khác. Nó khiến cái khác/kẻ khác thành thứ dễ đạt được bằng cách vật hóa cái khác/ kẻ khác ấy. Nó biến BẠN (you) thành NÓ (it). Sự biến mất của cái khác/kẻ khác lý giải vì sao cái điện thoại thông minh lại làm ta thấy cô đơn.

AR: Ông viết, ‘Các vật thể là những điểm dừng cho đời sống”, ý rằng chúng được gán cho ý nghĩa. Ông dẫn ra chiếc máy hát tự động như một thí dụ, đồ vật mà đối với ông dường như có một quyền năng kỳ diệu. Ông sẽ đáp lại thế nào khi ai đó bảo rằng ông là kẻ hoài cổ?

BCH: Trong bất cứ trường hợp nào tôi cũng muốn ngợi ca những đồ vật vang bóng một thời. Nghe có vẻ rất không triết học ở đây. Tôi nói các vật thể là những điểm dừng cho đời sống vì chúng làm đời sống con người mang tính ổn định. Cùng một cái ghế ấy, một cái bàn ấy, trong tính chất không đổi của chúng, chúng trao cho đời sống của con người – vốn dĩ phù du, biến thiên – có một cái gì đó ổn định và mang tính tiếp nối. Chúng ta có thể mân mê các vật thể. Tuy nhiên, chúng ta lại không thể làm thế với thông tin.

Nếu muốn hiểu chúng ta đang sống trong xã hội kiểu gì đây, chúng ta phải hiểu thông tin là gì. Thông tin hầu như rất ít tính đáng tin. Nó thiếu tính ổn định về thời tính bởi nó sống trong sự hưng phấn của nỗi ngạc nhiên. Bởi tính không ổn định về thời tính này, nó phân mảnh sự tri nhận. Đó là lý do vì sao nó khác với các vật thể. Thông tin đặt bản thân hệ thống tri nhận vào trong một tình trạng âu lo. Chúng ta tiếp xúc thông tin với sự ngờ vực, rằng liệu nó có thể dễ dàng là một thứ khác không. Đi cùng với nó là một sự bất tín cơ bản. Nó củng cố tính hên xui.

Tin giả hiện thân cho một hình thức nâng cao của tính hên xui vốn là đặc điểm nội tại của thông tin. Và thông tin, bởi tính phù du của nó, khiến các hoạt động tri nhận đòi hỏi phải bỏ nhiều thời gian như kinh nghiệm, ký ức hay hình dung biến mất. Vì thế những phân tích của tôi không có gì dính dáng đến tâm lý hoài cổ cả.

AR: Trong các công trình của mình, ông thường xuyên trở đi trở lại với luận điểm quá trình số hóa làm cho cái khác/kẻ khác biến mất và dẫn đến sự trỗi dậy của xu hướng ái kỷ cũng như dễ dàng khiến người ta tự bóc lột chính mình một cách tự nguyện trong thời đại của chủ nghĩa tân tự do. Ông đã bắt đầu hình dung về những chủ đề như thế nào? Có khía cạnh cá nhân nào ở đây chăng?

BCH: Trong các cuốn sách của tôi – The Burnout Society [Xã hội kiệt sức, 2010] và Psychopolitics [Chính trị tâm lý, 2017], tôi có nhấn mạnh một ý rằng phân tích của Foucault về xã hội kỷ luật đã không còn giải thích được cho tình trạng hiện tại của chúng ta nữa. Tôi phân biệt thời đại của các thiết chế kỷ luật và thời đại của chủ nghĩa tân tự do. Xã hội kỷ luật làm việc bằng các mệnh lệnh và sự câu thúc. Nó mang tính áp chế. Nó trấn áp tự do. Xã hội tân tự do, ngược lại, không mang tính trấn áp, mà nó quyến rũ và rộng rãi. Nó bóc lột tự do thay vì kìm nén nó. Chúng ta tự giác và say mê bóc lột bản thân với niềm tin rằng mình đang thỏa mãn chính mình.

Vì vậy, chúng ta không sống trong một xã hội kỷ luật mà là trong chủ nghĩa xứng đáng (meritocracy). Foucault đã không nhìn ra điều ấy. Chủ thể của xã hội tân tự do theo tinh thần chủ nghĩa xứng đáng đã tin rằng mình là kẻ tự do nhưng thực sự lại chỉ là những kẻ phục dịch. Họ là những kẻ phục dịch toàn phần, tự bóc lột mà không có ông chủ nào giám sát. Tự bóc lột còn hiệu quả hơn cả bị bóc lột bởi kẻ khác vì nó đi liền với một cảm giác về tự do. Kafka đã biểu đạt thứ tự do nghịch lý này của kẻ phục dịch bằng một ngụ ngôn hết sức thích đáng: “Con thú giật lấy sợi dây roi từ chủ nhân của nó và tự quật vào mình để trở thành ông chủ.”

Cái cách tự quật vào mình liên tục này mệt mỏi và gây ức chế. Bản thân công việc, bất kể nhọc nhằn thế nào, không dẫn đến sự mệt mỏi ghê gớm này. Công việc đến lúc nào đấy có thể kết thúc. Áp lực phải trình diễn mà chúng ta tự trút vào mình, ngược lại, còn kéo dài quá cả thời gian làm việc. Nó tra tấn ta trong giấc ngủ và thường xuyên làm chúng ta trằn trọc hàng đêm. Có thể hồi sức sau công việc. Nhưng không thể phục hổi nổi khỏi áp lực phải trình diễn.

Chính cái áp lực nội tại này, cái áp lực phải trình diễn và tối ưu hóa, khiến chúng ta mỏi mệt, u uất. Do đó, không phải sự trấn áp mà là sự trầm uất mới là dấu hiệu về căn bệnh của thời đại chúng ta. Chỉ những thiết chế trấn áp mới kích thích sự phản kháng. Thiết chế xã hội tân tự do, vốn không đàn áp mà bóc lột tự do, không vấp phải sự phản kháng. Quyền uy được bảo toàn khi nó ngụy trang như là tự do. Đó là những luận điểm trọng tâm trong những tiểu luận phê bình xã hội của tôi. Chúng có thể được tóm tắt lại là: cái khác/kẻ khác biến mất.

AR: Ông không ngại những từ như thần kỳ và bí ẩn. Ông có tự xem mình như một người lãng mạn chủ nghĩa?

BCH: Đối với tôi, mọi thứ hiện hữu đều bí ẩn và kỳ diệu. Võng mạc của chúng ta hoàn toàn bị che bởi giác mạc, thậm chí bị phủ kín, khiến ta không còn nhận biết điều này nữa. Tôi muốn nói tôi không phải là một kẻ lãng mạn chủ nghĩa mà là một nhà hiện thực, người hình dung thế giới như nó là. Điều này bao hàm cả sự thần kỳ và bí ẩn.

Trong hơn ba năm qua, tôi đã gây một khu vườn trồng hoa mùa đông. Tôi cũng viết một cuốn sách về nó có nhan đề Praise to the Earth [Ngợi ca Trái Đất, 2018]. Nhận thức của tôi từ việc làm vườn là: Trái Đất thật kỳ diệu. Bất cứ ai khẳng định khác đi đều mù lòa. Trái đất không phải một thứ tài nguyên, không phải đơn thuần là một phương tiện để con người gặt hái những gì mình muốn. Mối quan hệ của chúng ta với tự nhiên ngày nay đã không còn được xác định bởi sự quan sát trong ngạc nhiên nữa mà chỉ bằng những hành động mang tính công cụ. Kỷ nhân sinh (Anthropocene) chính xác là hệ quả của sự nô dịch hóa Trái Đất/Tự nhiên, ràng buộc nó vào những luật lệ của hành động con người. Nó bị quy giản thành một tổ hợp hành động của con người. Con người đã hành động vượt quá phạm vi liên cá nhân để can thiệp vào tự nhiên bằng cách bắt nó phải phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của y. Theo cách ấy, y mở toang các quá trình vốn dĩ sẽ không xuất hiện nếu không có sự chan thiệp của ý và dẫn đến một sự mất kiểm soát hoàn toàn.

Vẫn là chưa đủ khi chúng ta giờ đây phải cẩn thận hơn với Trái Đất như một nguồn tài nguyên. Đúng hơn, chúng ta cần một mối quan hệ rất khác với Trái Đất. Chúng ta nên trả lại nó sự kỳ diệu của nó, chân giá trị của nó. Chúng ta nên học để lấy lại sự ngạc nhiên trước nó. Các thảm họa tự nhiên là hậu quả của những hành động tuyệt đối do con người gây ra. Hành động là động từ cho lịch sử.  Thần hộ mệnh lịch sử của Walter Benjamin phải đối mặt với những hậu quả thảm họa của hành động con người. Trước y, đống đổ nát của lịch sử chất cao đến tận trời. Nhưng y không thể di dời nó được bởi cơn bão từ tương lại được gọi là tiến bộ sẽ cuốn y đi. Con mắt và cái miệng mở lớn của y phản ánh tình trạng phi quyền lực của y. Chỉ một thần hộ mệnh bất hoạt (inaction) mới có thể bảo vệ y trước cơn bão.

Chúng ta cần phải phát hiện lại năng lực bất hoạt này, năng lực không hành động. Vì vậy, cuốn sách mới của tôi, cuốn sách mà tôi đang viết ngay lúc này có tên là Vita contemplativa or of inactivity (Đời sống suy tư hay về tính bất hoạt). Nó là một đối âm, đối chọi lại cuons sách của Hannah Arendt Vita activa or of the active life (Vita activa hay về đời sống hành động, 1958) vốn tôn vinh hành động của con người.

AR: Trong Undinge, ông viết, “Chúng ta lưu giữ hàng đống dữ liệu thế nhưng chúng ta sẽ không bao giờ quay về với các ký ức. Chúng ta có cả hàng đống bạn bè và người theo dõi nhưng lại không gặp gỡ với kẻ khác.” Những sấm truyền tương tự đã từng vang lên vào thời in ấn được phát minh và sau này là báo chí và truyền hình… Có khi nào ông đang thảm họa hóa hiện trạng này không?

BCH: Mục đích của tôi không phải là thảm họa hóa thế giới mà là soi thấu nó. Nhiệm vụ của tôi trong tư cách một triết gia là giải thích về kiểu xã hội chúng ta đang sống. Khi tôi nói chế độ tân tự do bóc lột tự do của con người thay vì áp chế nó, hay cái điện thoại thông minh là vật hiến thân cho chế độ thông tin-số, điều ấy không liên quan gì đến việc rêu rao sự u ám. Triết học là công việc nói lên sự thật.

Trong những năm gần đây, tôi đã nghiên cứu về hiện tượng học thông tin để có thể hiển được thế giới hôm nay. Trong Undinge, tôi đã nêu luận điểm rằng ngày hôm nay chúng ta hiểu hiện thực trước hết như là thông tin. Hiện thực bị tước đoạt tính hiện diện của mình. Chúng ta không còn tri nhận nó trong những rung chấn vật lý. Lớp thông tin bao phủ các vật thể như một lớp màng đã che chắn sự tri nhận về những độ căng (intensities). Tri nhận, khi bị quy giản thành thông tin, làm tê liệt cảm quan của chúng ta về trạng thái và không khí. Các căn phòng mất đi tính thơ. Chúng phải nhường chỗ cho những mạng lưới network không cần căn phòng vật chất nào cả mà từ đó thông tin trải rộng. Thời gian số, với việc dồn trọng tâm vào cái hiện tại, cái khoảnh khắc, đã giải thể hương thời gian. Thời gian bị nguyên tử hóa thành một chuỗi các hiện tại bị cô lập. Các nguyên tử thì không có hương vị.

Chỉ một thực hành tự sự về thời gian mới tạo sinh những phân tử mang hương thời gian. Quá trình thông tin hóa hiện thực, bởi vậy, dẫn đến sự mất mát không gian và thời gian. Điều này không liên quan gì đến việc rêu rao sự u ám. Đó là vấn đề hiện tượng học.

AR: Hiện tại ông đang ở Rome, nơi thu nhỏ của một chốn gắn với những đồ vật xưa cũ và lịch sử, nơi đời sống diễn ra trên hè phố, ăn uống với bạn bè và gia đình là điều quan trọng và Vatican thì hiện diện mọi  nơi.  Ông không có cảm giác rằng sự nuối tiếc của mình về sự cô lập của con người và những sự thỏa mãn được thay thế trong thời đại số chỉ làm bận tâm một số nhóm, một số cảnh huống nhất định mà thôi sao?

BCH: Đâu là ý nghĩa của việc người ta gặp nhau nhưng hầu như chỉ dán mắt vào điện thoại? Bất chấp thế giới giờ đây mang tính kết nối và được bao trùm bởi truyền thông, con người lại thấy cô đơn hơn bao giờ. Chúng tôi biến “bạn” thành một “vật” sẵn tiện, có thể tiêu thụ được. Thế giới giờ đang cạn kiệt cái thực thể “bạn” mang tính người. Điều này khiến ta rơi vào cô đơn.

Nhìn theo khía cạnh ấy, không có sự khác biệt giữa Rome, New York hay Seoul. Rome gây ấn tượng với tôi theo một nghĩa khác. Để hạnh phúc, chúng ta cần một cái khác thôi thúc sự hướng thượng. Số hóa loại bỏ bất kỳ sự đối âm, sự kháng cự, bất kỳ một cái khác nào. Nó ủi phẳng nhẵn mọi thứ. Sở dĩ cái điện thoại được xem là thông mình vì nó làm cho mọi thứ trở nên tiện lợi và dỡ bỏ mọi sự kháng cự. Rome là thành phố rất dồi dào những cái khác khơi dậy cảm xúc hướng thượng.

Bây giờ, tôi lại đạp xe quanh thành phố, thăm thú vô số các nhà thờ. Tôi đã phát hiện một nhà thờ rất đẹp đem đến cho tôi một trải nghiệm về sự hiện diện mà giờ đây đã trở nên rất đỗi hiếm hoi. Nhà thờ này khá nhỏ. Khi bạn vào đó, bạn sẽ lập tức thấy mình ở dưới một mái vòm. Mái vòm được trang trí theo các hoa văn tám cạnh. Càng gần về phía trung tâm của vòm, các hoa văn này lại giảm dần kích cỡ, điều này tạo nên một lực hút thị giác mạnh mẽ hướng lên cao. Ánh sáng xuyên qua các cửa sổ vây quanh đỉnh vòm, nơi có hình một con chim câu bằng vàng đang bay. Tôi đã cảm thấy choáng ngợp. Đó là lúc tôi hiểu thế nào là cái thiêng. Nó chính là cái khác. Đó là một trải nghiệm hưng phấn, trải nghiệm về sự hiện hữu ngay bên trong một vật thể linh thiêng.

AR: Trong ý kiến của ông, cần phải làm gì để thế giới một lần nữa lại bận tâm với những vật thể có thật, chất chứa sự sống – và hơn hết, là với những người khác? Làm thế nào để chúng ta có thể xoay xở với những nan đề của thời đại mình đang sống?

BCH: Mọi cuốn sách của tôi đều kết thúc bằng một đối- tự sự không tưởng (utopian counternarrative). Trong The Burnout Society, tôi đối lập cái tôi mỏi mệt, rã rời, dẫn đến sự trầm uất, bằng cái Ta-mỏi mệt, điều sẽ làm xuất hiện cộng đồng. Trong The Expulsion of the Other [Sự trục xuất Cái/Kẻ khác], tôi đối lập chủ nghĩa ái kỷ ngày càng gia tăng với nghệ thuật lắng nghe. Trong Psychopolitics, tôi đề xuất hình tượng một kẻ khờ như một hình tượng không tưởng, tương phản với tính chất kết nối liên thuộc và sự giám sát toàn diện. Một kẻ khờ là một kẻ không làm việc trong mạng lưới. Trong The Agony of Eros [Sự thống khổ của dục tính, 2012], tôi cho rằng chỉ Dục tính (Eros) mới có thể đánh bại được sự trầm cảm. Cuốn The Scent of Time [Hương thời gian, 2014] trình bày ý tưởng về nghệ thuật của sự tiếp xúc với sự vật theo cách mân mê, tỉ mẩn. Các cuốn sách của tôi phân tích các căn bệnh của xã hội chúng ta đang sống và đề xuất các khái niệm để có thể khắc phục chúng. Vâng, chúng ta phải xây dựng những cách sống mới và những tự sự mới.

AR: Một cuốn sách khác của ông có nhan đề The Disappearance of Rituals [Sự biến mất của các nghi thức, 2020]. Làm thế nào các nghi thức, con người và vật thể lại giúp chúng ta cắm rễ vào cuoocj đời này? Chúng ta không thể tự xoay xở được sao?

Các nghi thức là các kiến trúc của thời gian, chúng cấu trúc nên đời sống và làm đời sống ổn định, và chúng đang suy tàn. Đại dịch này đã làm tăng tốc sự biến mất của các nghi thúc. Lao động cũng có khía cạnh nghi thức của nó. Chúng ta đi làm vào những khung giờ nhất định. Công việc diễn ra trong một cộng đồng. Khi làm việc tại nhà, nghi thức của công việc hoàn toàn biến mất. Ngày ta sống mất đi nhịp điệu và cấu trúc của nó. Điều này, theo cách nào đó, khiến ta mỏi mệt và u uất.

Trong cuốn Hoàng tử bé [1943] của Saint-Exupéry, hoàng tử bé đề nghị con cáo ngày nào cũng đến thăm chính xác vào một thời điểm để việc đến thăm này trở thành một nghi thức. Hoàng tử bé giải thích cho con cáo nghi thức là gì. Mối quan hệ giữa nghi thức và thời gian giống như các buồng trong một căn hộ. Chúng khiến thời gian trở thành thứ dễ hiểu, có thể tiếp cận được như một ngôi nhà. Chúng tổ chức thời gian, sắp xếp nó. Bằng cách này, bạn có thể làm cho thời gian trở thành thứ có vẻ có ý nghĩa.

Thời gian giờ đây thiếu một cấu trúc chặt. Nó không phải là một ngôi nhà mà là một dòng sông thất thường. Sự biến mất của các nghi thức không có nghĩa là chúng ta đang có nhiều tự do hơn. Sự linh động hoàn toàn thoải mái của đời sống cũng đem đến cả sự mất mát. Các nghi thức có thể giới hạn tự do nhưng chúng cấu trúc và làm cho đời sống ổn định. Chúng neo lại các giá trị và các hệ thống tượng trưng trong cơ thể, giúp củng cố lại cộng đồng. Trong các nghi thức, chúng ta trải nghiệm tính cộng đồng, sự gần gũi giữa người với người về mặt thể chất.

Số hóa đã lột bỏ tính vật chất của thế giới. Rồi đại dịch xảy ra. Nó làm trầm trọng hơn nữa sự mất mát trải nghiệm mang tính vật chất về cộng đồng. Bạn có thể hỏi: chẳng nhẽ chúng ta không thể tự làm điều này sao? Ngay nay, chúng ta từ chối các nghi thức, xem chúng như những thứ ngoại tại, mang tính hình thức và do đó không thực chất. Chủ nghĩa tân tự do tạo ra một nền văn hóa của sự thực chất – sự thực chất được hiểu rất thô sơ – đặt bản ngã con người vào trung tâm. Văn hóa của thực chất đẩy mạnh sự ngờ vực đối với các hình thức tương tác mang tính nghi thức. Chỉ có những cảm xúc bộc phát, những trạng thái chủ quan mới được xem là chân thực. Các hành vi bị khuôn mẫu hóa, chẳng hạn các phép lịch thiệp, được đánh dấu là giả tạo hay không chân thực. Sự sùng bái theo khuynh hướng ái kỷ đối với sự thực chất thô sơ này phải chịu một phần trách nhiệm đối với mức độ gia tăng của sự thô bạo trong xã hội.

Trong cuốn sách của mình, tôi muốn lập luận để phản biện lại sự tôn thờ tính xác thực, nhân danh đạo đức của các hình thức đẹp. Các phép lịch thiệp không phải là trò giả tạo. Triết gia người Pháp Alain từng nói các phép lịch thiệp có thể có một quyền năng lớn đối với ý nghĩ của chúng ta. Nếu ta thể hiện sự tử tế, thiện chí và niềm vui, thực hiện các nghi thức như cúi chào, tất cả những điều này có thể giúp ta chống lại những tâm trạng bế tắc cũng như chứng đau dạ dày. Thường cái bên ngoài có khả năng gây ảnh hưởng mạnh hơn cái bên trong.

Blaise Pascal từng nói thay vì tuyệt vọng cho sự mất mát đức tin, người ta đơn giản hãy đến buổi lễ mi-xa và tham dự vào các nghi thức như cầu nguyện và hát, nói cách khác là diễn các nghi thức ấy, bởi vì chính điều này sẽ đem đức tin quay về. Cái ngoại tại chuyển hóa cái nội tại, làm xuất hiện những điều kiện mới. Ở đó ta thấy được quyền năng của các nghi thức. Và ý thức của chúng ta giờ đây không còn cắm rễ trong các vật thể. Những thứ bên ngoài này có thể có thể rất hiệu năng trong việc củng cố ý thức. Điều này rất khó đối với thông tin, vì nó thật sự phù du và có một phổ tương thích rất hẹp.

AR: Ông thích ngôn ngữ Đức theo cái cách thích mổ xẻ phân tích nó tỉ mỉ và đề cao một bút pháp ưa dùng các cấu trúc đẳng lập, điều này khiến ông có một giọng điệu độc đáo trong phê bình văn hóa đương đại. Nó giống như một sự pha trộn giữa Martin Heidegger và Thiền. Mối liên hệ giữa ông và những tư tưởng triết học này là gì?

BCH : Một nhà báo từ tuần báo tiếng Đức Die Zeit từng nói tôi có thể thâu tóm các kiến tạo tư tưởng soi rọi đời sống hàng ngày ta đang sống chỉ trong vài câu văn. Tại sao lại viết cả cuổn sách nghìn trang nếu bạn có thể khai sáng thế giới chỉ bằng mấy chữ? Một cuốn sách nghìn trang có thể giải thích thế giới là gì có lẽ lại không thể biểu đạt nhiều bằng một bài thơ haiku có thể: “Buổi sáng tuyết đầu mùa– những cánh tuyết nhỏ- bám trên lá thủy tiên” hay “Chuông chùa tan dần – Hương hoa đào buổi tối – Vẫn còn vang ngân”

Trong các trang viết của mình, thực chất tôi đã khai thác hiệu quả này của thơ hai-ku. Tôi nói: Nó-là-thế. Điều này tạo nên một hiệu hứng về sự hiển nhiên khiến ai cũng có thể hiểu. Một nhà báo từng viết các cuốn sách của tôi mỗi một lúc lại mỏng hơn đến nỗi tới một lúc nào đó, chúng sẽ biến mất hoàn toàn. Tôi có thể nói thêm rằng tư tưởng sẽ hòa vào không khí. Mọi người đều có thể hít chúng vào bằng hơi thở.

AR:Ở phần cuối cuốn Undinge, nơi ông trích dẫn Hoàng tử Bé, ông cho rằng các giá trị như sự tin cậy, tính cam kết và trách nhiệm đang lâm nguy. Song chẳng phải những giá trị con người mang tính cốt lõi ấy vẫn sống sót qua bất kỳ thời đại nào – thậm chí trong các thể chế độc tài hay qua các cuộc chiến đó sao?

BCH: Ngày nay, tất cả các hoạt động đòi hỏi thời gian như niềm tin, sự trung thành, tính cam kết và ý thức trách nhiệm đang biến mất. Mọi thứ đều ngắn hạn. Chúng ta bảo chính mình rằng ta sẽ có nhiều tự do hơn. Song bản chất ngắn hạn này làm đời sống chúng ta trở nên bấp bênh. Chúng ta có thể ràng buộc với các vật thể nhưng không phải với thông tin. Chúng ta chỉ ghi chú thông tin ngắn gọn. Sau đó, Sau đó, nó giống như thông điệp “đã nghe” trên các máy trả lời tự động. Nó hướng đến sự lãng quên.

Tôi nghĩ tin cậy là một thực hành xã hội và giờ đây nó đang bị thế chỗ bởi sự trong suốt và thông tin. Sự tin cậy cho phép ta xây dựng các mối quan hệ tích cực với người khác, dù có thể thiếu những hiểu biết nhất định. Trong một xã hội trong suốt, ngay lập tức người ta đòi hỏi thông tin từ kẻ khác. Lòng tin như một thực hành xã hội trở nên thừa thãi. Tính trong suốt và xã hội thông tin thúc đẩy một xã hội của sự bất tín.

AR: Các cuốn sách của ông được đọc rộng rãi hơn trong ngành nghệ thuật hơn là trong triết học. Ông giải thích điều này thế nào?

BCH: Thực tế là nhiều nghệ sĩ đọc sách của tôi hơn là các triết gia. Các triết gia không còn hứng thú nhiều nữa vào cái hiện tại. Foucault từng nói triết gia là một ký giả nắm bắt cái bây giờ bằng ý niệm. Đó là việc tôi làm. Hơn nữa, các tiểu luận của tôi đang trong hành trình đến một đời sống khác, một tự sự khác. Các nghệ sĩ cảm thấy tác phẩm của tôi đáng chú ý bởi điều này. Undinge cho rằng thời đại của các vật thể đã qua. Trật tự địa hình, trật tự của Trái Đất, bao gồm các vật thể có một hình thức bền vững và cung cấp một môi trường ổn định cho sự cư ngụ của con người. Giờ đây, trật tự địa hình đã bị thay thế bởi trật tự số. Trất tự số làm cho thế giới mất tính khả xúc nhiều hơn bằng việc biến nó thành thông tin. Các phi vật thể giờ đây đang xâm nhập vào môi trường chúng ta từ mọi phía và thay thế  các vật thể.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Byung-Chul Han, “I Practicse Philosophy as Art”, https://artreview.com/byung-chul-han-i-practise-philosophy-as-art/?fbclid=IwAR2M5T6a9n6qlXFhMOpemf9kuGO3yRkMUSHDubEbk31w6-uLy88gFZYdDNQ