Tag Archives: tản mạn

mây bay là bay rồi – Trưng bày của Linh San tại Á Space Hà Nội (12/2022)

Trưng bày của Linh San nằm trong chuỗi dự án “Vật chất nhiễu” (Maternal Dispersal) do Hoàng Châu làm giám tuyển. Chất liệu chính mà Linh San làm việc là sứ – thứ tưởng như chỉ có thể làm ra những đồ vật thiết thực hoặc mang tính trang trí. Trưng bày của Linh San thể hiện được phẩm chất mơ mộng đầy quyết liệt của một nghệ sĩ khi tư duy về chất liệu: thực hành nghệ thuật là cách mở ra các khả thể cho chất liệu, để tạo tác nên những gì ta vốn ngỡ người ta không thể làm với nó. Như cách Linh San biến sứ thành giấy, thành những tấm chăn hay cổ áo, tay áo của mẹ. Quá trình giải phóng chất liệu ấy cũng là quá trình người nghệ sĩ soi ngắm lại bản ngã, suy tưởng lại những gì đã cấu thành nên mình, nói ra những điều cần phải nói nhưng lại không thể nói bằng bất cứ cách thức nào đã sẵn có. Chất liệu sứ, tại trưng bày này, trở nên mềm, mỏng, gần với da thịt vốn cũng nhạy cảm, dễ tổn thương, dễ vỡ nhưng đồng thời cũng rất thanh thoát, nhẹ nhõm. Như tên gọi của triển lãm này: “Mây bay là bay rồi”.

Tên gọi của triển lãm này làm tôi không khỏi nhớ đến bài thơ của Joseph Brodsky, “Mây bay qua”, trong đó, nhân vật trữ tình trong bài thơ say mê ngắm nhìn những đám mây trên trời, ngưỡng vọng sự nhẹ nhõm, cao cả cứ như thể bông đùa với bao nặng nề của kiếp người, để rồi “chỉ biết khóc và chỉ biết hát”. Nó cũng làm tôi nhớ đến “Những đám mây” của Wislawa Szymborska, một bài thơ cũng gợi nhắc về sự nhẹ nhõm đáng thèm khát trong sự làm người của con người. Tôi đã nhìn những tác phẩm bằng sứ của Linh San trên gác thượng của Á Space trong buổi chiều mùa đông đẹp đẽ, đọc những ghi chú của cô về ý tưởng của mình: “Ngói xi măng làm từ đất, xếp chồng lên nhau. Mưa nắng sẽ làm rữa chống ngói một cách tự nhiên trong suốt thời gian triển lãm”. Sự bình thản như một đứa trẻ nghĩ ra một trò chơi mới, chẳng để lưu lại cái gì, chỉ để mọi thứ tan ra… làm tôi thật sự xúc động bởi điều tôi vốn thấy ít ỏi trong các thực hành nghệ thuật ở Việt Nam chính là sự điềm tĩnh, trầm lắng mà vẫn cứ trong trẻo thế này. Không cần phải tỏ ra là một thiền sư, một triết gia, chỉ cần là một người lắng nghe nội tâm mình một cách ân cần, thấu đáo, nghệ thuật như vậy sẽ có sự kết nối tự nhiên với công chúng.

Tôi đã mường tượng Linh San nghĩ gì trong suốt hơn một năm ngồi làm những tờ giấy sứ mỏng, trắng tinh, gửi cho người cha đã qua đời cách đây hơn 12 năm của cô – những tờ thư không chữ, không mảnh nào giống nhau. Tôi nhìn thấy nhiều điều dồn nén được trải ra dẫu vô ngôn nhưng có sức lay động. Linh San vốn bắt đầu đến với nghệ thuật từ thơ ca; triển lãm này tưởng như là một thể nghiệm, rằng liệu cô có thể biểu đạt mình bằng những gì ngoài ngôn từ hay không. Nhưng ngay cả khi không có chữ nào trên giấy sứ thì đó vẫn cứ là một thứ ngôn từ đặc biệt, một thứ ngôn từ ở phần thẳm sâu nhất của nó: im lặng.

Những tác phẩm mô phỏng lại chiếc áo bay của mẹ, nơi những vệt mồ hôi còn đọng lại nơi cổ áo hay 12 chiếc chăn từng bao bọc lấy Linh San từ lúc sơ sinh… làm tôi nghĩ đến ý nghĩa của nghệ thuật như là sự cưu mang những gì nhỏ nhặt đến nỗi chúng thường xuyên bị bỏ lại, lãng quên đi như thể đấy là thứ cần bị quên đi. Điều đáng nói là Linh San không trình hiện những gì gắn bó với cô theo cách trưng bày hiện vật. Tất cả các phần trưng bày này đặt trong bố cục của triển lãm giống như một tác phẩm tự thuật nhiều khoảng lặng. Tôi đã không khỏi nghĩ đến tác phẩm Trắng của Han Kang – một tiểu thuyết sắp đặt (nếu có thể dùng sự cộng hưởng giữa các loại hình nghệ thuật này làm tên gọi tiểu thuyết này): một tác phẩm mỏng, đầy những khoảng lặng, gợi ra những điều khó nói hơn sau những gì buộc phải hiện lên bằng lời nói.

Là người biết đến con người đam mê nghệ thuật của Linh San khá sớm, với triển lãm này, tôi thật sự tin rằng nghệ thuật đương đại chính là hành trình mà cô có thể tự tin dấn thân. Dù trên con đường này, người nghệ sĩ không phải chỉ làm việc với những chất liệu vật chất mà còn cả với chính cõi tinh thần của mình, nơi người ta sẽ phải đối diện với sự thật của bản ngã, nơi thường trực xảy ra những khủng hoảng. Và thứ người nghệ sĩ làm ra thì nếu thiếu sự tinh tế, người ta rất dễ làm vỡ nó. Linh là người có đời sống nội tâm dồi dào để làm chất liệu và tôi tin, sự lặng lẽ, thâm trầm của cô là biểu hiện của một bản lĩnh cần thiết để đi xa trên hành trình nghệ thuật này.

Nguồn ảnh: https://www.facebook.com/a.experimental.art

Nhật ký đọc sách: “Một chỗ trong đời” và “Hồi ức thiếu nữ” (Annie Ernaux)

Những bóng ma mải miết tìm kiếm sự tồn tại - Sách hay

Phải thú nhận tôi đọc Annie Ernaux theo trào lưu. Chỉ khi bà được đồn đoán như một ứng cử viên tiềm năng nhất của giải Nobel văn chương năm nay, tôi mới chạm vào hai cuốn sách mỏng của bà đã được dịch sang tiếng Việt – “Một chỗ trong đời” (La Place) và “Hồi ức thiếu nữ” (Mémoire de Fille). Trong đó, cuốn đầu tiên – tác phẩm được giải Renaudot năm 1984 – đã nằm im trên kệ sách của tôi 5 năm rồi.

Annie Ernaux có phải là nhà văn làm tôi kinh ngạc, sững sờ về tầm vóc tư tưởng hay sự khai phá một thẩm mỹ mới, một lối viết tiểu thuyết như một lễ hội ngôn từ? Không. Nếu chiều mai, bà không phải là nhân vật thu hút sự chú ý của toàn bộ những người quan tâm đến văn chương trên thế giới, tôi không lấy làm thất vọng. Và nếu bà có được trao giải thưởng danh giá này, đối với tôi, đó trước hết là sự tôn vinh một giá trị mà tưởng như nếu nhắc đến thì dễ bị xem là sến súa: sự thành thực.

Đọc Ernaux, tôi có cảm giác văn chương là một cái gì đó rất gần gũi, viết là một hành động rất giản dị và thiết thân. Nhưng cũng là một việc đòi hỏi sự can đảm lớn khi người ta không được phép tự đánh lừa mình ở khoảnh khắc soi vào ký ức. “Một chỗ trong đời” là cuốn sách Ernaux dựng lại chân dung người cha của bà, mà qua đó, bà đối diện với quá khứ xuất thân, với những gì đã làm mối quan hệ của bà với gia đình mình có một khoảng cách mà bà cần thiết phải miêu tả (chứ không phải để biện minh, phân trần). Động cơ khiến bà cần phải viết một cuốn sách mà cha mình – một người đàn ông xuất thân từ tầng lớp lao động, cố gắng làm mọi việc để con gái mình được học hành tử tế, được vươn lên địa vị cao hơn, nhưng đồng thời ông lại luôn thấy cái thế giới, nơi con gái của ông thuộc về, là thế giới từng khinh miệt ông. Người cha ấy, trong cuốn “Hồi ức thiếu nữ”, có thể giữ tờ báo thông báo con ông thi đỗ thứ hai trong kỳ thi đại học nhưng rồi lại vẫn cứ có cảm giác giữa mình giữa mình và con gái là một hai mặt phẳng không có nhiều điểm giao cắt. Một lão Goriot ít ảo tưởng và nhiều mặc cảm, vừa cả đời làm lụng vì con gái, vừa muốn đẩy nó khỏi cuộc đời mình, vừa gia trưởng và vừa tự ti cùng lúc. Chẳng phải vô cớ đây lại là nhân vật trong một tác phẩm văn học được nhắc đến đầu tiên ở “Một chỗ trong đời”.

Động cơ để Ernaux viết “Một chỗ trong đời” chính là khoảnh khắc bà nhìn thấy cha mình lần cuối, lúc ông qua đời, trong hình hài trần trụi, cảm thấy mùi thối từ thi thể của ông vương vất trong tâm trí. Ở những trang cuối cuốn sách, Ernaux miêu tả những ngày cuối cùng của cha mình khi ông lâm bệnh nặng, toàn bộ trạng thái cơ thể không kiểm soát nổi nhưng vẫn người cha vẫn khăng khăng tự mình làm được mọi việc, không phiền đến con gái. Văn của Ernaux vốn rất lạnh, tiết chế cảm xúc y như Nguyễn Huy Thiệp trong “Tướng về hưu” nhưng khi bà viết: “Tôi đã dám thực sự nhìn ông”, tôi đã gai người. Bởi đấy là lúc tôi đã nghĩ mình cũng cần phải viết một cuốn sách nào đó về mình, về mối quan hệ giữa mình với người thân, của một đứa con gần như đã thuộc về một tầng lớp khác, không có nhiều chuyện để nói với những người trong gia đình mình vốn là những người xuất thân trong tầng lớp lao động. Đã bao lâu rồi, tôi đã không còn biết nói chuyện gì với cha mình và nhiều khi tự biện minh: bố mình giờ nghe khó rồi, có nói bố mình cũng không hiểu gì. Mà mình thì có gì để nói, chẳng nhẽ nói con vừa đọc một cuốn sách hay?

Ernaux là kiểu nhà văn lớn mà tôi thấy gần gũi với những trải nghiệm của mình, là nhà văn phát lộ cái khó của việc làm người hóa ra lại nằm trong những chuyện thường nhật nhỏ nhặt, dù người ta có đọc bao sách vở rồi cũng vô hiệu khi phải loay hoay, xoay sở để làm sao có thể hiểu được nhau. Nhưng bà cũng là một nhà văn không dễ đọc – tôi tin vậy, nhất là với những độc giả nam giới. Ernaux có thể không phải là nhà văn cho họ. Trong “Hồi ức thiếu nữ”, một tác phẩm mà Ernaux tự phân hóa mình ra để quan sát và phân tích chính mình, bà một lần nữa lại thắng nỗi sợ hãi khi đối diện với sự thật của bản thân, một người phụ nữ cận kể tuổi 80 sẽ nhìn lại và nghĩ gì về chính mình lúc còn là một cô gái 18 tuổi. Khoảng cách giữa “Một chỗ trong đời” và “Hồi ức thiếu nữ” là 32 năm và cuốn sách thứ hai này sẽ bổ sung nhiều bí mật mà “Một chỗ trong đời” bỏ ngỏ. Bởi đây là cuốn sách Ernaux lấy bà làm nhân vật trung tâm.

Một cô gái 18 tuổi, ý thức được hoàn cảnh xuất thân của mình, muốn nổi loạn để định vị chính mình bằng những trải nghiệm đầu tiên về tình dục, nơi cô gái rơi vào những trạng thái đầy băn khoăn về chính cơ thể của mình. Một cô gái đôi khi muốn làm phép thử đối với các khuôn phép xã hội bằng cách đồng lõa với bạn mình để ăn cắp. Một cô gái sẽ làm thế nào để thích ứng với một cái nghề nhiều tính khuôn mẫu bậc nhất – giáo viên? Câu chuyện về một người đàn bà một ngày muốn tìm lại tung tích người đàn ông đầu tiên mình có quan hệ tình dục… có thể sẽ không phải là một cốt truyện gợi nhiều hứng thú với nam giới (cũng như tôi chẳng thể nào nhớ có tác phẩm nào của nam giới mà nhân vật nam nhớ lại trải nghiệm tình dục đầu tiên của đời mình). Đó cũng không phải là một cốt truyện dễ được diễn giải ra thành những thông điệp nữ quyền lồ lộ. Đọc Ernaux, hay trước đó đọc Alice Munro, tôi tin rằng các nhà văn nữ thường không triết lý về nữ quyền để từ đó những nhà hoạt động, nhà tư tưởng nữ quyền vin vào đó biến thành các khẩu hiệu hành động. Họ, bằng khả năng ngôn ngữ của mình, làm người đọc cảm được những gì mà nếu thiếu văn chương, cùng lắm, người ta chỉ có thể biết. Họ cho thấy những ngóc ngách nội tâm sâu thẳm của người phụ nữ, những cảm giác tinh vi của cơ thể, những ám ảnh của ký ức có thể bị điều kiện hóa bởi xã hội, bởi văn hóa như thế nào. Những gì nằm ở sâu nhất là những gì quẫy đạp dữ dội nhất đối với xã hội.

Ernaux bảo bà biết ơn Simone de Beauvoir, cái tên được nhắc đến trong cả hai tiểu thuyết của bà được dịch sang tiếng Việt. Beauvoir là người làm cho phụ nữ nhận thấy người ta không sinh là đàn bà, người ta trở thành đàn bà và con đường trở thành ấy, mỗi cá nhân vừa chịu sự chi phối của những nhân tố văn hóa chính trị nhất định, lại vừa có thể hoàn toàn có thể giải cấu trúc những nhân tố ấy để tạo ra những khả thể đa dạng của việc trở thành đàn bà. Đọc Ernaux, các vấn đề về căn tính giới không trỗi lên thành một luận đề dễ nắm bắt nhưng sự tra vấn chính mình bằng một giọng điệu lạnh, nghiêm (nhưng không khắc nghiệt) khiến bà không rơi vào một thứ chủ nghĩa ái kỷ tự luyến (dù điều này cũng có sức hấp dẫn, như trường hợp Marguerite Duras).

Annie Ernaux – tôi không đặt cược bà cho giải Nobel Văn học ngày mai sẽ được trao. Nhưng cuộc gặp gỡ với bà làm tôi thật sự tin mình cũng có thể có một cuốn sách của mình. Có dám can đảm để thành thực không thôi?

Đọc “Vết nhơ của người” (Philip Roth)

Mọi năm, tôi đều khai bút bằng một bài dịch nào đó. Dịch thuật vẫn là công việc chữ nghĩa tôi muốn theo đuổi nhất nhưng mấy năm nay đều không có tiến triển gì.

Năm nay, tôi khai bút bằng một bài đọc sách. Tôi viết về cuốn sách như một người đọc bình thường. Tôi nghĩ, điều tôi muốn làm nhất năm nay là trở thành một người đọc chuyên cần, cố gắng viết ra những gì mình nghĩ về tác phẩm mình đã đọc, cố gắng thoát khỏi những cách nghĩ, cách diễn đạt mà bản thân tôi giờ cũng thấy sáo.

Làm người đọc không dễ. Vẫn mong viết được hay dịch được cái gì. Nhưng viết lại sự đọc của mình là việc tôi muốn làm hơn cả vào ngày đầu năm này.

 

Vết-nhơ-của-người-T5-1024x1024

Nguồn ảnh: Nhã Nam

*

Cảnh tượng đầu tiên gây ám ảnh đối với tôi khi đọc cuốn tiểu thuyết này là cảnh ông giáo sư ngữ văn 71 tuổi Coleman Silk ngắm nhìn Faunia Lesley – cô lao công 34 tuổi, không biết đọc, người tình bí mật của ông, lặng lẽ, cần mẫn vắt sữa bò trong ánh sáng và hơi nóng của buổi chiều hè chạng vạng. Đó cũng là cảnh tượng gây băn khoăn cho Nathan Zuckerman – người kể chuyện được xây dựng một cách đặc biệt trong “Vết nhơ của người”, một dạng người kể chuyện biết hết nhưng không mang thẩm quyền của Thượng đế. Nathan Zuckerman thấy gì? Sự bất tương xứng, sự lệch lạc của một cặp đôi đang cùng phải lãnh nhận một mệnh lệnh: phải sống: “phải tiếp tục nhận, cho, vắt sữa, chấp nhận hết lòng, cái bí ẩn như nó vốn thế, sự ý nghĩa đến vô nghĩa của việc sống…”. Cảnh tượng ấy là ma lực để khiến tôi không thể bỏ cuốn sách lại, dù văn chương của Roth thật sự không là thứ văn chương an ủi khi con người gặp khủng hoảng.

Tôi cho rằng tiêu điểm của nghệ thuật tiểu thuyết chính là những cảnh tượng ngỡ như vặt vãnh như thế. Những cảnh tượng ấy làm ngôn ngữ mô tả của chúng ta thường xuyên bất lực bởi sự dễ sáo mòn và cằn nghĩa của nó. Tiểu thuyết phơi bày sự sống, túm lấy những gì ngoại biệt, làm ta từ bỏ việc muốn nhìn nhận nó trong tính chất dễ chịu và dễ phân loại. Tiểu thuyết thật ra dành cho một phần nhân loại thường rơi vào trạng thái “khó ở”.

Hạt nhân sự kiện của “Vết nhơ của người” là một bí mật mà Coleman Silk – nhân vật trung tâm trong tiểu thuyết – đã cố giấu chặt: gốc gác da màu của bản thân. Từ bí mật của một cá nhân, lịch sử của những thân phận riêng lẻ, tiểu thuyết của Philip Roth là một sự nhìn lại với ý thức chất vấn riết róng về lịch sử nước Mỹ, nơi vấn đề căn tính luôn ràng rịt với chính trị. Để xác lập một vị trí được thừa nhận trong xã hội Mỹ, giáo sư Coleman đã tự thanh tẩy gốc gác của mình bằng một nỗ lực duy ý chí đến mức sẵn sàng bước ra khỏi luân lý qua việc từ chối liên hệ đối với người mẹ da màu của mình. Từng bước khẳng định mình là từng bước Coleman cố gắng thích ứng với những chuẩn xã hội Mỹ, để rồi vươn lên vị thế có thể thách thức lại nó bằng hệ giá trị cá nhân của mình. Nói như bình luận của Nathan, con người ấy đâu chỉ vừa lòng với việc làm người da trắng. Coleman muổn trở thành con người do chính mình tạo nên. Theo nghĩa ấy, Roth đã tạo nên một hình tượng hiện sinh, một cá nhân dám thách thức định mệnh. Đó có lẽ cũng là chủ đề bề sâu kết nối tiểu thuyết này với bi kịch “Oedipes làm vua” của Sophocles mà Roth có trích lại làm lời đề từ cho “Vết nhơ của người”.

Định nghĩa “mình là ai?”, trên thực tế, là một nỗ lực quẫy đạp đúng tinh thần Sisyphus trong mạng lưới chằng chịt của những diễn ngôn lịch sử và căn tính tập thể. Không chỉ Coleman, các nhân vật khác trong tiểu thuyết này đều rơi vào tình thế quẫy đạp ấy. Căn tính của Les Farley – người chồng cũ của Faunia – bị đập vỡ bởi những chấn thương dai dẳng sau cuộc chiến Việt Nam, cuộc chiến mà nước Mỹ dấn thân vào với tham vọng xác lập biểu tượng về chính mình. Thường xuyên bị kích động bởi bạo lực, lẫn lộn quá khứ và hiện tại, Les sống trong hoang tưởng dai dẳng với một bản thể vỡ vụn (khác với Coleman, người chủ động chặt đứt quá khứ khỏi đời mình, tự ý thức đưa bản thân vào một quá trình gần giống như “cải đạo”). Ở một khía cạnh khác, nữ giáo sư Delphine Roux cũng tự thanh tẩy chính mình khi cố gắng cải biến bản thân để thích nghi với môi trường học thuật nước Mỹ, một nỗ lực giúp cô củng cố địa vị trong giới hàn lâm song cũng làm cô không tránh khỏi cảm giác tự phản bội chính mình, phản bội truyền thống học thuật của châu Âu lục địa. Với cá nhân tôi, những mâu thuẫn bên trong Delphine là điều làm tôi đồng cảm: Delphine hồ nghi vào việc soi mói văn chương từ những góc độ lý thuyết thời thượng như nữ quyền hay chủng tộc, song cô lại cũng không thể tiếp nối truyền thống ngữ văn học của Coleman, người tiền nhiệm của mình. Faunia tương phản với những nhân vật này ở chỗ cô từ chối thanh tẩy mình. Cô nổi giận khi Coleman đọc cho cô nghe câu chuyện về scandal liên quan đến tổng thống Bill Clinton, cô từ chối học đọc: người phụ nữ bị lạm dụng, bị bỏ rơi khi còn nhỏ, bị bạo hành, bị khinh miệt, trải qua những chấn thương khốc liệt chỉ còn sống với phần bản năng hoang dã, trần trụi nhất của mình. Cô chỉ tìm thấy sự cảm thông với loài vật, thay vì con người. Trường đoạn Faunia vắt sữa bò và nói chuyện với quạ có lẽ những trường đoạn mà văn chương của Roth giảm thiểu tối đa sự khắc nghiệt của mình trong những miêu tả về con người.

“Trần truồng” có thể xem là một từ khóa của cuốn tiểu thuyết này. Hẳn đây là một dụng ý của Roth: đó là trạng thái đối lập với “vết nhơ”. “Vết nhơ” tưởng như là thứ ngoại hiện, nằm trên màu da, thân xác, giới tính của con người. Nhưng hóa ra chính những ý nghĩa được gán cho nó, được củng cố bởi những giá trị văn hóa trung tâm, từ đó trở thành những diễn ngôn thao túng con người mới là vết nhơ thực sự. Vết nhơ ấy là thứ lịch sử nước Mỹ vốn giấu che, khỏa lấp và tiểu thuyết thì tin rằng nhiệm vụ của nó là bóc trần bí mật ấy của lịch sử. Bởi thế, những cảnh tượng xác thân trần trụi giữa Coleman và Faunia, theo tôi nghĩ, lại là những cảnh tượng không hề xấu hổ hay trơ trẽn, dù Roth mô tả rất phản thi vị, gần với khiêu dâm. Đó, đơn giản, là những cảnh tượng của sự sống. Cũng như cảnh Coleman nhìn Faunia vắt sữa bò.

Những quy chiếu liên văn bản tới “Oedipus làm vua” hiển lộ rõ nét trong “Vết nhơ của người”. Điểm quy chiếu quan trọng nhất có lẽ nằm ở chỗ: Nếu Oedipus trong bi kịch của Sophocles cưỡng lại định mệnh để đi tìm nguồn gốc của mình, để biết mình là ai thì Coleman Silk cũng cưỡng lại thứ định mệnh tưởng như gắn liền với màu da của mình, khước từ gốc gác. Cả hai sau khi tưởng như có thể bướng bỉnh thách thức được định mệnh cuối cùng vẫn mắc vào bẫy mà định mệnh giăng ra. Oedipus giết cha và lấy mẹ ruột; Coleman bị cáo buộc là phân biệt chủng tộc – một cáo buộc thể hiện rõ sự đạo đức giả của giới học thuật nước Mỹ, bị con trai của mình cự tuyệt khi nó muốn truy nguyên nguồn cội của mình, bị xa lánh bởi mối quan hệ người ta khó hình dung được giữa một ông giáo sư và một cô gái thất học… Nhưng cũng như nhân vật trong bi kịch cổ đại, ta đều không thể coi những kẻ phạm lỗi ấy như là những nhân vật phản diện hay để phê phán. Tham vọng trở thành con người do chính mình tạo nên của Coleman trong tiểu thuyết này (mà người ta có thể nghĩ đó là ngông cuồng, kiêu mạn, thế nào cũng được) thực ra là điều chúng ta vẫn thầm ấp ủ. Dám đi đến cùng cái tham vọng đó phải trả giá. Nghĩ đến điều ấy, ta đành bỏ cuộc. Chẳng phải chúng ta đều che đậy vết nhơ của người theo những cách khác nhau đó sao? Và trong những khoảnh khắc nào đó, khi sống theo những chuẩn tắc nào đó của đời sống để được công nhận mình thuộc về nó, ta bỗng mệt mỏi, ta muốn tung hê, ta lại chỉ có thể mở tiểu thuyết ra để nhận ra có những người đã can đảm trả giá hơn ta. Họ không đáng để nhạo báng hay phê phán, cũng chẳng cần ta thương xót: họ ở đó để nói với ta về toàn bộ sự khốc liệt của việc làm người. Thế thôi.

Nhật ký đọc sách: “Beloved” (Toni Morrison)

leahhoelscher_beloved

1. Nhà văn Nga Mikhail Prishvin từng có một suy tư làm tôi ngỡ ngàng vì độ sâu sắc của nó. Ông bảo, chúng ta vẫn hay nghĩ trên đời này còn có gì xinh đẹp hơn, tự do hơn một chú chim. Ta vẫn ngước nhìn với niềm ngưỡng vọng hình ảnh một con chim sải cánh giữa bầu trời khoáng đạt kia như là sự phóng chiếu của khát khao lớn nhất trong ta. Nhưng có ai để ý rằng dưới đôi cánh của con chim ấy là những chỗ sưng u đau đớn. Tự do, để có nó, phải trải qua đau đớn, phải chấp nhận giá của nó luôn là cái giá nghiệt ngã nhất. Và bởi thế lựa chọn tự do của con người luôn là sự lựa chọn nhọc nhằn và đồng thời cao cả hơn hết thảy.

Văn chương không chỉ ngợi ca tự do, nó tìm cách để ta thấy được nỗi đau đớn để được tự  do và cả sự can đảm tột cùng khi dám đau đớn, thậm chí, dám chết, để tự do.

2. Có đến ba bản dịch Beloved (1988) của Toni Morrison ở Việt Nam với cách đặt tựa khác nhau ít nhiều: Người yêu dấu (bản dịch sớm nhất, của Nguyễn Hải Hà – Nguyễn Thanh Tâm), Thương (bản dịch của Hồ Như) và Yêu dấu (bản dịch của Thiên Nga). Đáng ra sự xuất hiện của bà ở Việt Nam cũng là một đề tài thú vị cho giới nghiên cứu: hình ảnh người da đen trong văn chương Mỹ được dịch, được dẫn nhập như thế nào vào trong ngữ cảnh Việt Nam hẳn hàm chứa những tự sự nhỏ, thú vị, và đương nhiên phức tạp, về cách mà người Việt chúng ta hình dung về lịch sử nước Mỹ. Nhưng câu chuyện học thuật luôn là câu chuyện không thể nói đôi ba câu trên mạng là xong xuôi.

Ở lần đọc lại thứ hai cuốn tiểu thuyết này, sau khi nghe tin nhà văn qua đời, tôi mới thật sự có cảm xúc về nó, chứ không chỉ dừng lại ở việc có thêm một ý niệm về Toni Morrison. Beloved là thứ văn chương coi việc gây nhức nhối cho người đọc là trách nhiệm của nó. Nó là thứ văn chương nhìn thấy những tình huống khốc liệt nhất mà con người – hay đúng hơn, theo tôi nghĩ, việc làm người – bị đặt vào. Ở trong tác phẩm này, câu hỏi đó không phải là sự lựa chọn giữa sống và chết, cũng không phải là sự lựa chọn giữa việc phải sống thế nào – xét đến cùng, khi còn bị đối diện với những câu hỏi như thế, con người còn chưa bị chạm đến đáy của sự thống khổ của việc làm người. Câu hỏi đặt ra ở đây, cay đắng hơn nhiều, bởi nó là câu hỏi về sự lựa chọn “Con người được chết như thế nào?”. Nói như lời của Sethe – nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết – với đứa con gái mà chị từng giết: “Nếu mẹ không giết con thì con sẽ chết ra sao?” Câu hỏi nghịch lý ấy là câu hỏi buốt nhói nhất khi tôi đọc Beloved, ở cả lần thứ nhất lẫn lần thứ hai này.

3. Beloved, như chia sẻ của Toni Morrison, là cuốn tiểu thuyết khởi sinh từ nỗi ám ảnh của nhà văn về một câu chuyện có thật, về  Margaret Garner, một người phụ nữ da đen đã giết chết con gái mình còn hơn để nó quay trở lại với thân phận nô lệ. Câu chuyện có thật rất khốc liệt này là chất liệu để văn chương đặt ra câu hỏi về khả năng cảm thông của chúng ta. Và câu hỏi mà “Beloved” buộc độc giả của mình phải đối diện là câu hỏi không hề dễ dãi. Cả trong Mắt biếc (The Bluest Eye) và Beloved – hai cuốn tiểu thuyết của Toni Morrison được dịch ở Việt Nam tính đến thời điểm này – đều cho thấy Morrison là ngòi bút lách rất sâu vào những mặc cảm tội lỗi của con người: những ám ảnh, những sự rối trí,  sự kiệt quệ khi con người không thể cắt đứt quá khứ để sống trong hiện tại. Nỗi quằn quại khổ đau ấy là trạng thái vực thẳm tinh thần mà Morrison không cho phép ngòi bút của mình được khoan nhượng. Và  nghệ thuật kể chuyện của bà còn phức tạp hơn những gì tưởng như đã rất hợp lý trong kết luận của tòa án về vụ việc của Garner, theo đó, việc Garner được miễn tội trong vụ giết đứa con hàm ý bà đã bị xử không phải như một con người kèm theo những trách nhiệm của mình. Nhưng thực chất khó thể coi đó là một phiên tòa công lý bởi xét đến cùng, dù thế nào Garner cũng chết: “chết sớm như một kẻ giết người hoặc chết chậm như một nô lệ bị đổi xử tàn ác” (trích Nguồn gốc của ngoại tộc, Toni Morrison, bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Tiến Văn, Tao Đàn, & NXB Hội nhà văn 2018). Phiên tòa ấy, trên thực tế, cũng ném trả Garner về lại kiếp sống nô lệ cho đến khi bà bị qua đời vì bệnh thương hàn vào năm 1858. Điều mà Morrison muốn làm gợn lên ở người đọc còn là liệu có chăng khả năng cảm thông nào dành cho Beloved – đứa bé bị giết chết, quay trở lại ám mẹ nó, vắt kiệt mẹ nó, và bị cộng đồng da đen ấy nhìn như một hình tượng nghịch dị, một con quỷ “trần truồng”, “khoác lấy hình hài của một phụ nữ có thai”, “mỉm cười tươi rói”…

Nhưng Beloved không chỉ là một tác phẩm đào sâu vào thế giới tinh thần của những thân phận thống khổ. Điều làm nó là cuốn tiểu thuyết đáng để đọc lại để nghĩ cùng với những câu hỏi mà Toni Morrison nêu lên thông qua số phận của Sethe đấy chính là sự chất vấn lịch sử. Nước Mỹ vốn được hình dung là xứ tự do, song thứ tự do đã trở thành biểu tượng của đất nước này phải chăng luôn làm mờ đi những dấu tích bạo lực trong lịch sử đã hằn lên thân phận người da đen? Như tấm lưng của Sethe mà trên đó những vết đòn roi tra tấn đã tượng hình thành một cái cây kỳ lạ. Có một thứ mà cái giá trị của văn hóa trung tâm luôn cố gắng tích trữ và bơm vào tâm trí của con người hiện thời, nhờ đó, những bóng ma của quá khứ có thể bị đuổi xua, bị gạt mãi ra bên lề là sự quên lãng. Tiểu thuyết của Toni Morrison làm tôi nhớ đến Những đứa con của nửa đêm của Salman Rushdie khi cả hai tác phẩm đều chia sẻ nỗi lo âu trước nguy cơ lịch sử bị giản lược bởi sự lãng quên. Tiểu thuyết, trong tình thế này, phải coi chống quên lãng như một trách nhiệm của mình.

Sự kéo dài của tình trạng phân biệt chủng tộc ở nước Mỹ cho đến giữa thế kỷ XX và việc bạo lực tái phát từ nguyên nhân này trong những năm gần đây cho thấy đây chính là vết thương chưa bao giờ được chữa lành trong lịch sử quốc gia này. Trong “Nguồn gốc của ngoại tộc” – cuốn tiểu luận của Morrison vừa được dịch sang tiếng Việt gần đây, có thể thấy rõ hơn cái nhìn thấu đáo của nhà văn về một “truyền thống”  phi nhân hóa “Kẻ khác” là nguồn cơn của bạo lực được duy trì trên đất nước vốn được xem là biểu tượng của quốc gia tự do. Thiết nghĩ, với Beloved, Toni Morrison đã không chỉ đứng ngoài các đại tự sự về lịch sử quốc gia, bà còn điềm tĩnh tách khỏi đại tự sự của cộng đồng da đen về lịch sử của mình. Không phải vô cớ, “Beloved” – tên của đứa bé bị mẹ giết, hồn ma ấy mới trở thành tên của cuốn tiểu thuyết, thay vì Sethe – nhân vật có nguyên mẫu trong lịch sử. Câu chuyện về Beloved có thể cũng bị cộng đồng da đen lãng quên như một cơn ác mộng cần phải quên, song nhà tiểu thuyết vẫn phải là kẻ điềm tĩnh hơn cả. Để trụ lại. Nhìn xuyên qua cơn ác mộng ấy. Lắng nghe một tiếng nói có vẻ như rất dễ chìm dần theo thời gian. Một tiếng nói cầu xin một nụ hôn. Cho Yêu Dấu.

Nhật ký đọc sách: “Những đứa con của nửa đêm” (Salman Rushdie)

000nhungduacon.jpg

(Nguồn ảnh: http://mannup.vn/nhung-dua-con-cua-nua-dem/)

1. Làm thế nào để nói rằng mình đã đọc một cuốn sách? Là mình đã đủ kiên nhẫn để đi đến trang cuối cùng của nó và có thể nhớ được một vài ý tứ (nếu là sách học thuật), hay nắm bắt được cốt truyện (nếu đó là tiểu thuyết)? Là mình có thể đúc kết cho bản thân một thông điệp, một bài học nào rút ra từ đó, có thể đưa ra đánh giá nó hay – dở, thú vị – nhạt nhẽo? Là khi đóng lại sách rồi, vẫn chưa thể dứt ra khỏi nó với hàng loạt các câu hỏi không chỉ chất vấn những điều mình từng tin về thế giới, mà chất vấn ngay chính sự đọc của mình? Làm thế nào để sự đọc không chỉ là sự “giả vờ đọc” – một căn bệnh mà một blogger quyền lực về sách vở trên mạng mỉa mai (và có lý khi mỉa mai điều ấy)?

2. Những đứa con của nửa đêm (Salman Rushdie) là cuốn tiểu thuyết chất vấn chính sự đọc của tôi. Tôi biết về nó, nghe về nó nhiều hơn việc đọc nó – bởi chỉ đến mùa hè năm nay, từ một lựa chọn ngẫu nhiên khi tìm một cuốn sách nào đó còn im lìm trên giá sách nhà mình, tôi mới đọc nó liền mạch trong suốt mấy ngày. Cho dù đây là một kiệt tác về nghệ thuật kể chuyện nhưng đúng như là giới thiệu trên bìa 4 cuốn sách (Nhã Nam & NXB Hội nhà văn, 2014),  tiểu thuyết này của Rushdie vẫn cứ là một thách đố đối với ngay cả những độc giả dày dạn. Bởi lẽ ngay từ những trang đầu tiên, Những đứa con của nửa đêm đã cuốn người đọc vào một mạch tự sự cuồn cuộn, hầu như không có khoảng nghỉ: đầy “âm thanh và cuồng nộ”, đầy những hoạt cảnh nổi tiếp nhau, đầy những sự dị kỳ, nghịch lý không cần biện giải cứ hiển lộ ngồn ngộn, đầy những chi tiết nhỏ nếu chỉ vô tình lướt qua sẽ khó tìm được sự kết nối của nó với những chi tiết khác… Tiểu thuyết của Rushdie là một cái gì đó rất hỗn độn song đồng thời lại cũng rất mạch lạc, phóng túng quá đỗi mà cũng nghiêm ngặt quá đỗi. Bản dịch của Nham Hoa đã rất kỳ công khi tái tạo trong tiếng Việt một thứ văn chương đầy chất sống của khẩu ngữ, của nghệ thuật kể chuyện rong mà Rushdie đã kế thừa từ truyền thống tự sự dân gian Ấn Độ lai ghép với nhiều mạch nguồn tiểu thuyết khác – Dickens, Rabelais,  Austen…

3. Tôi tìm thấy gì khi đã không bỏ cuộc với cuốn sách không khỏi có lúc làm mình hoa mắt hay thấy ù tai bởi cái rậm rạp và náo động của nó?

Tôi cho rằng sẽ là đơn giản nếu nghĩ cuốn tiểu thuyết này là một hình thức dụ ngôn để nói về một giai đoạn lịch sử của Ấn Độ hiện đại, với những trang bi thảm và đen tối. Chỉ đến khi đọc cuốn này, tôi mới thực sự phải tra cứu về sự kiện chia cắt Ấn Độ và bàng hoàng bởi những sự kiện từng bị so sánh như một phiên bản tồi tệ , tàn bạo không kém Thế chiến II. Thú thực, dù được học về văn học Ấn Độ thời đại học, nhưng Ấn Độ mà tôi được biết đến (thậm chí từng say mê) luôn luôn là một xứ sở lung linh, kỳ ảo, ngay cả sự phức tạp của nó cũng không gợi lên điều gì nhức nhối. Những đứa con của nửa đêm ở phương diện này có thể so sánh với Cái trống thiếc  của Gunter Grass trong việc ghi lại những kinh nghiệm lịch sử tàn khốc mà chỉ ngôn ngữ nghệ thuật mới nêu được. Bởi với nghệ thuật, những kinh nghiệm lịch sử luôn là cái gì đó sâu xa hơn các thông tin, luôn là cái gì đó cụ thể hơn những gì bị trừu tượng hóa thành các con số hay dữ kiện… Nó là những thứ có khi cần phải cảm nhận bằng mùi hay bằng da thịt, như cách của Saleem Sinai – nhân vật trung tâm của tiểu thuyết này.

Quá khứ chia cắt của Ấn Độ, những di sản hậu thực dân mà đất nước này trải qua không khỏi làm ta liên hệ với chính lịch sử hiện đại của Việt Nam mà có lẽ văn chương chúng ta còn thiếu sòng phẳng để nhìn lại nó. Lịch sử, trong văn chương của Rushdie, với tất cả sự ngẫu nhiên, khôn lường của nó, thực sự là trò chơi, là ảo thuật và vì thế, một thứ ngôn ngữ giàu tính trò chơi theo phong cách hiện thực thần kỳ là phương thức phù hợp hơn cả để bóc mẽ nó. Tính tượng trưng, ẩn dụ đậm đặc của văn chương hiện thực thần kỳ gia tăng bề dày của nhiều trường đoạn trong tiểu thuyết, nhân bội sức gợi của chúng, làm chúng đa nghĩa không kém gì văn bản thánh kinh. Có lẽ gây ấn tượng mạnh nhất với tôi là chương “Trong rừng Sundarbans”, khi Saleem cùng ba người đồng đội trong tiểu đội biệt kích của mình, đột nhiên bị cuốn vào một hành trình bất định, lạc mất mục tiêu và bị vây hãm trong khu rừng già. Phải là một thứ ngôn ngữ tượng trưng mới có thể đồng hiện được cái bi thảm, cái kinh dị, cái thống khổ… của con người khi bị cái gọi là lịch sử cuốn phăng mình đi để rồi đến một lúc nào đó, đột nhiên thấy toàn bộ sự tồn tại của mình trở nên phi lý, trở nên vô nghĩa đến cùng cực.

4. Nhưng Những đứa con của nửa đêm thực ra có nói được một điều gì đó rất riêng tư với tôi? Đây là kỳ vọng của tôi khi đọc một tác phẩm văn chương: tôi chờ đợi cuốn sách nói với tôi một điều gì đó thật đúng lúc.

Những đứa con của nửa đêm làm tôi nhớ đến bộ phim Bá Vương biệt Cơ  của Trần Khải Ca hay Phải sống của Trương Nghệ Mưu – những bộ phim cũng nói về những thân phận bé nhỏ trong lịch sử, chẳng nuôi một mộng tưởng nào khác hơn việc chỉ muốn sống một cuộc đời bình thường.  Nhưng những con người chỉ mong được sống cái thân phận nhỏ bé của mình một cách bình thường ấy lại thường là những con người mà chính trị, lịch sử dễ nghiền nát hơn bao giờ. Và nó thường có những cái cớ rất vĩ mô, đôi khi rất đẹp, để biện minh cho việc nghiền nát ấy. Sau tất cả những màn hí kịch báng bổ, giễu cợt, châm biếm rất Rabelais, Những đứa con của nửa đêm vẫn lắng lại trong những nỗi đau đáu về cái riêng tư bị nghiền nát bởi chính trị này: “Chính trị, hỡi những đứa trẻ: khi đẹp trời nhất vẫn là điều bẩn thỉu. Đáng lẽ ta nên tránh xa nó, đáng lẽ tôi không nên mơ tưởng về mục đích; tôi đi đến kết luận rắng sự riêng tư, cuộc sống cá nhân nhỏ bé của mỗi con người, quan trọng hơn tất cả cái hoạt động vĩ mô bị thổi phồng này.”

Cuốn tiểu thuyết của Rushdie kết lại bằng những suy tư u ám song vẫn là một hiện thực đang diễn ra toàn cầu nơi cái cá nhân vẫn bị xoay vần và bị nghiền nát trong nhiều ngữ cảnh chính trị và văn hóa khác nhau. Điều đáng nói hơn nữa là sức đề kháng của nhân loại với những sự phi nhân trong lịch sử có thể sẽ ngày càng yếu khi cùng với virus lạc quan chưa bao giờ không bị phát tán trong xã hội, còn có một thứ hội chứng nữa cũng lây lan không vấp phải cản trở nào: quên lãng. Quá khứ dẫu có đau thương thì cũng chỉ cần nhớ về nó như một giai thoại, một hình ảnh được du lịch hóa như Wislawa Szymborska từng viết trong bài thơ “Trại đói ở Jaslo“: ta chỉ có thể nói về nó như những gì người ta muốn ta nói, ta chỉ có thể nhớ về nó như những gì người ta muốn mình nhớ. Nhớ, thực chất, là quên.

Tiểu thuyết của Salman Rushdie, vì thế, như một tuyên ngôn của nhà văn: Tôi chống lại sự quên lãng con người, quên lãng cái riêng tư, cái nhỏ bé của con người mà lịch sử hay chính trị cho phép. Và có lẽ thái độ đó của ông làm tôi thấy ông, dù sắc sảo đến khắc nghiệt, vẫn cứ là người gần gũi với mình.