Tag Archives: nhật ký đọc sách

Nhật ký đọc sách: “Giấc mơ của bàn tay” (Đinh Trần Phương) & “Thổi hoa về biển” (Đặng Văn Hùng)

1.Giấc mơ của bàn tay là tập thơ thứ hai của Đinh Trần Phương, người vẫn tận tụy và say đắm với haiku – thể thơ cực tiểu trong kho tàng thi ca nhân loại. Song cuốn sách không chỉ tập hợp những sáng tác của Phương (được chia thành ba phần “Tưởng tượng” – “Rung động” – “Im lặng”) mà còn có cả những tiểu luận rất công phu, tích lũy nhiều tri thức và trải nghiệm của Phương khi đọc và viết thể thơ này. Đã có nhiều tác giả Việt sáng tác haiku nhưng hiếm người suy tư về triết lý và mỹ học của nó đạt đến mức độ sâu sắc như Phương.

Haiku có lẽ là thể thơ cổ phương Đông có đời sống thoát khỏi không gian văn hóa truyền thống của nó để lan tỏa và thẩm thấu vào thơ ca hiện đại thế giới. Thậm chí, trong quan sát của tôi, tinh thần của haiku có lẽ trở thành một tinh thần mà nhiều thi sĩ hiện đại trên thế giới hướng đến. Như Octavio Paz, Yves Bonnefoy hay Ko Un… Haiku chứng minh được điều đặc biệt mà chỉ ngôn ngữ thơ ca mới làm được. Nói như lời của Phương, nó nắm bắt một “khoảnh khắc của hiện tại, được nhìn ra, được sáng tạo và được thuần khiết hóa.” Vì những khoảnh khắc được chưng cất và lưu lại ấy trong hình thức tinh giản của ngôn từ ấy, thơ ca cần cho chúng ta.

Phương là người thơ giữ được trong mình sự hồn hậu mà sâu xa của trẻ nhỏ. Phương nhạy cảm trong việc phát hiện thế cân bằng giữa các sự vật hiện tượng trong thế giới. Sự nhẹ nhõm là điều ấn tượng với tôi nhất khi đọc haiku của Phương, kể cả khi Phương viết về những điều buồn:

Chú chim sẻ nhỏ

đơn côi đậu xuống

muộn phiền trong tôi

*

Bên di ảnh mẹ

mấy bông loa kèn

nhụy dậy du dương

*

Qua con chim

chiếc lồng

lên tiếng hót

Tôi vẫn nghĩ để nhẹ như thế chẳng phải là điều dễ dàng. Nó là cả một quá trình đào luyện tâm thức, thanh lọc khổ đau… không phải mấy ai cũng đạt được. Chỉ trong tâm thái “nhẹ” như thế mới trắc ẩn nghe ra cả tiếng hót của “chiếc lồng”. Bài thơ này, với tôi, gây ngạc nhiên bởi cảm quan đạo đức mà nó gợi ra.

2.Thổi hoa về biển là một tập thơ đẹp khác mà tôi được đọc trong năm qua. Cả Đinh Trần Phương và Đặng Văn Hùng đều là những đồng nghiệp của tôi. Phương dạy Vật Lý và Hùng dạy văn. Hùng không sáng tác haiku nhưng có lẽ cả Hùng và Phương đều gần nhau trong tinh thần thơ ca. Họ bị thu hút về phía sự bí ẩn của niềm im lặng và trạng thái nhẹ của sự sống.

Thơ của Hùng nhiều bài tự nó đã có dáng dấp của một bức tranh. Hùng làm thơ rất tự nhiên nhưng bố cục hình ảnh trong thơ của anh là thứ được ý thức rất rõ nét. Bài “Sau khi bước ra từ nhà tắm” cứ làm tôi nghĩ đến tranh của Hopper hay bài thơ văn xuôi “Đàn cá trắng” lại làm tôi liên tưởng đến tranh của Miro và Dali.

Đây là bài thơ mà khi đọc nó, tôi đã thấy hạnh phúc của con người hiện ra nhẹ nhõm, tinh khôi và thơ trẻ như thế này đây:

Tôi nói với bọn trẻ

Phía sau cái cây to đùng ấy

Tôi đã học âm nhạc, hội họa và thi ca

Chúng ồ lên và bất cười

Chỉ có những chú chim, hoa cỏ và ánh sáng thôi

(“Phía sau một cái cây”)

3.Thơ Việt hiện đại vốn dĩ vẫn cứ là nền thơ ca của nhiều giọng nói lớn: khi thì ca tụng, khi thì bất bình; khi thì hùng biện, khi thì bảo ban; khi thì thở than khi thì cười ngạo… Nó không có nhiều những tiếng thơ của niềm im lặng, nhưng thứ thơ ca nhẫn nại giữ lại cho người đời những lát cắt của đời sống mà đôi lúc được nhìn ngắm lại chúng, ta nhận ra sự bí ẩn, sự hài hòa, sự tinh khôi, sự nhẹ nhõm của mọi thứ. Mà rồi cuối cùng, chỉ trong những “lặng yên bất chợt” ấy (chữ của Thanh Thảo), con người mới nhìn ra mình.

Tôi muốn dành bài khai bút đầu năm để cảm ơn Hùng và Phương, những người bạn đã làm tôi biết ơn đời sống này bởi ngôn từ thi ca của các bạn. Thứ ngôn từ thi ca giúp tôi nghe sự im lặng và nâng niu những thứ rất nhẹ ở cõi sống này.

Nguồn ảnh: Từ facebook của Đinh Trần Phương và Đặng Văn Hùng.

NGỌC GIAO VÀ TIỂU THUYẾT “ĐẤT”: VĂN CHƯƠNG NHƯ TIẾNG KÊU THƯƠNG

1. Tiểu thuyết Đất của Ngọc Giao được hoàn thành tại Hà Nội vào mùa đông năm 1949. Nối tiếp Quán Gió (1948), Đất cũng là câu chuyện “những điều trông thấy” về số phận của những con người nhỏ bé trong cơn li loạn thời chiến. “Những điều trông thấy” ấy, với Ngọc Giao, là hiện thực không thể không viết. Hơn cả một nguồn cảm hứng, viết về nó là trách nhiệm của người cầm bút. Nói như chính lời của ông, nếu không ký thác lại những gì mình đã chứng kiến và suy tư thì “chết mất”.

Nếu Quán gió theo dõi bước lưu lạc của một gia đình thượng lưu thất thế trong cơn xoay vần của thời cuộc thì Đất là câu chuyện về hành trình tản cư chạy loạn của những người nông dân từ đồng bằng Bắc Bộ lên miền thượng du. Cuốn tiểu thuyết chủ yếu trần thuật từ điểm nhìn của nhân vật trung tâm – Xã Bèo, con người làng quê mà từ cái tên đã gợi ngay liên tưởng đến sự bé mọn, nổi nênh của thân phận trong thời giặc giã. Từ điểm nhìn của con người mà vì thời thế phải từ bỏ nhà cửa, ruộng đồng, gánh gồng cả gia đình tản cư, đối mặt với bao nhiêu bất trắc, nhọc nhằn lẫn tủi nhục, Đất phơi bày một hiện thực của đời sống thời chiến mà có lẽ chỉ văn chương mới chạm tới được.

Cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất thường được hiểu thống nhất là cuộc kháng chiến chống Pháp. Khoác ý nghĩa của một cuộc chiến tranh vệ quốc, sự kiện này thường được hiểu là một biến cố liên quan đến vận mệnh của cộng đồng, do đó, cá nhân phải chấp nhận hy sinh chính mình như một lẽ tất yếu. Trong văn học kháng chiến chống Pháp, hình tượng người nông dân kháng chiến là những con người giác ngộ lẽ tất yếu ấy. Dù có lúc họ cũng phải đắn đo lựa chọn giữa “làng” và “nước”, giữa gia đình và cách mạng, nhưng cuối cùng những mâu thuẫn trong họ đều được giải quyết nhanh khi nhận ra nước quan trọng hơn làng, cách mạng ý nghĩa hơn gia đình, thời đại lớn lao hơn từng cá nhân. Những mất mát, chịu đựng trong cuộc chiến, vì thế, nếu có được nhắc đến trong văn học, chỉ hiện diện như những chấm phá. Con đường kháng chiến, vì thế, là đường vui, là đường thời đại, nơi cá nhân hòa vào khối toàn dân đông đảo.

Thứ hiện thực mà Ngọc Giao nhận thấy không thể không viết tương phản với bức tranh sử thi ấy. Từ Quán gió, có thể thấy trong quan sát của Ngọc Giao về thời chiến, ông quan tâm đến những con người yếu đuổi, nhỏ bé, những cá nhân bị mắc kẹt trong thời loạn. Tiểu thuyết Đất đào sâu vào tâm lý bất an và tình thế bế tắc của Xã Bèo: dù sống ở làng hay ở nơi tản cư, lúc nào nhân vật cũng phải sống trong nỗi phấp phỏng bởi chiến tranh; dù cố gắng tìm mọi cách để thích nghi với hoàn cảnh mới nhưng rồi vẫn cứ loay hoay và cô đơn để chống chọi. Đời sống người nông dân thời loạn trong tiểu thuyết của Ngọc Giao thực sự là đời sống của “những người khốn khổ” với chất chồng những gánh nặng: Xã Bèo dắt díu lếch thếch cả gia đình – mẹ già, vợ chửa, con dại, thêm cả trâu cày – rời làng đi tản cư rồi lại lầm lụi, tủi cực quay về làng khi nhà cửa trước đó đã bị phá dỡ theo lệnh của ủy ban kháng chiến, trâu cày nay bị lính theo Tây cướp, người đành phải thay trâu vục mặt xuống đất để làm việc đồng. Hơn một lần, nhân vật của Ngọc Giao cám cảnh khi liên hệ thân phận mình với con vật: “Thế là xong! Thằng người  lại trần trụi như con trâu, con bò, con chó. Con vật không biết rằng chúng khổ bởi vì chúng an vui kiếp vật, chứ con người lúc này thấy mình khổ mà không thể nói, kêu nên tự thấy khổ hơn con vật.”

Những “khốn khổ” không thể nói thành lời ấy bị vô hình hóa trong văn học về người nông dân kháng chiến. Trong bức tranh văn học kháng chiến chống Pháp, không có sự hiện diện của những thân phận như Xã Bèo và trong hình dung phổ biến về giai đoạn lịch sử này, những sự chịu đựng của con người như Ngọc Giao khắc họa hầu như không được biết đến, không được nhắc lại. Nhưng chiến tranh, dẫu nhân danh lý tưởng chính nghĩa, vẫn luôn đòi hỏi những sự trả giá khắc nghiệt, do đó, để hiểu về nó, cần thiết phải nghĩ đến cả những cơ cực, cay đắng mà những con người nhỏ bé như Xã Bèo phải gánh chịu, chứ không chỉ những hy sinh vốn đã được cộng đồng ghi nhận và tấn phong như những hành động cao cả. Văn chương Ngọc Giao là một cố gắng “cúi xuống” (mượn chữ của chính ông trong tiểu thuyết Quán gió) để nhìn thấu và nghe thấu những nhọc nhằn và nhục nhằn của những thân phận bé mọn mà nếu chọn một điểm nhìn từ trên cao, người ta có thể không thấy được họ trong khối tập thể của thời đại nơi những cá nhân bị hòa tan trong đó.

2. Đất có thể được định danh là một cuốn tiểu thuyết viết về người nông dân. Không chỉ là tái hiện lại tình cảnh khốn khổ của họ trong thời loạn lạc, giá trị củatiểu thuyết này còn nằm ở những miêu tả và lý giải tâm lý và tính cách của người nông dân trong xã hội Việt Nam truyền thống. Không phải ngẫu nhiên Ngọc Giao lại đặt tên cho tác phẩm là Đất vì mối quan hệ với “đất” chính là yếu tố chi phối tâm lý và những quyết định của nhân vật trong tiểu thuyết.

Xã Bèo – nhân vật của Ngọc Giao – được giới thiệu như là một kẻ xuất thân cùng đinh trong môi trường làng xã nhiều tôn ti và định kiến. Nhờ cật lực lao động và chắt bóp tằn tiện, anh tậu được ruộng, được vườn, cất được nhà. Đối với Xã Bèo, đất trước hết có giá trị thực tế: đất là thứ anh sở hữu được bằng mồ hôi sau bao năm, dẫu chưa phải là cái gì to tát nhưng nó đủ làm dân làng nhìn anh nể trọng hơn, khiến anh có sự kiêu hãnh ngấm ngầm trước kẻ từng khinh miệt mình. Gắn chặt đời mình với đất, Xã Bèo, có lẽ cũng như bao người nông dân khác, chỉ mong cầu một đời sống yên ổn để làm lụng nuôi sống gia đình. Vì thế có thể hiểu nỗi oán hận của anh đối với giặc Pháp khi cuộc sống yên ổn ấy bị phá vỡ và có thể thông cảm cho tâm lý xót xa, tiếc của khi phải dỡ nhà, bỏ vườn, bỏ ruộng đi tản cư.

Sự chăm chỉ, chịu khó là phẩm chất nổi bật của nhân vật. Xã Bèo tương phản với Trương Dần, kẻ từng công khai miệt thị anh, rồi vì cờ bạc nợ nần phải bán đất lại cho anh. Xã Bèo cũng tương phản với Lý Còng, người làng cùng chạy loạn với anh, có thể phó mặc mọi thứ cho thời cuộc. Những trang viết về cảnh làm đồng của gia đình Xã Bèo nơi tản cư và lúc về lại làng có thể nói là những trang viết đi đến cùng hiện thực khốc liệt của cuộc mưu sinh thời loạn. Đất có thể làm ta liên hệ đến Phiên chợ Giát sau này của Nguyễn Minh Châu: cả hai đều là những tác phẩm mô tả công cuộc lao động vắt kiệt sức của người nông dân mà cuối cùng vẫn không thắng được hoàn cảnh khắc nghiệt. Điều đáng nói là tác phẩm của Ngọc Giao gợi lên sự bất an về số phận của Xã Bèo, rằng bất chấp tất cả những khổ nhọc, thậm chí hy sinh của nhân vật cho đất, những gì thuộc về anh lại hoàn toàn có thể bị kẻ khác lấy đi. Những chấm phá về những phần tử cơ hội nơi làng xã trong thời loạn như Trương Dần, cai Quý, Trưởng Nghé hay những chi tiết về những bất công, uất ức mà gia đình Xã Bèo phải chịu khi về làng cho thấy nỗi bất an đó là có cơ sở. Xa hơn nữa, Ngọc Giao, với sự nhạy cảm của mình khi quan sát những diễn biến của thời cuộc, có lẽ đã nhìn thấy những vấn đề sẽ còn trở nên phức tạp hơn ở nông thôn Việt Nam liên quan đến sở hữu đất đai của người nông dân. Những bất cập và hệ lụy của cải cách ruộng đất hay việc tổ chức nền kinh tế nông thông theo mô hình hợp tác xã sau này đều liên quan ít nhiều đến tư duy quan liêu về mối quan hệ của người nông dân với đất từng thống trị một thời. Ở góc độ này, Ngọc Giao đã thực hiện nhiệm vụ cần thiết của một nhà tiểu thuyết, kẻ luôn đề nghị một cái nhìn phức tạp hơn, cận nhân tình hơn so với cách tiếp cận từ nhãn quan giai cấp về các mối quan hệ của con người trong đời sống.

3. Đọc Đất cùng với Quán gióXóm Rá – những tiểu thuyết của Ngọc Giao viết sau 1945, tôi cho rằng việc đánh giá và định vị lại di sản văn học của ông là một đề tài cấp thiết. Thậm chí, nhiều nhận định lâu nay thường được mặc định như là đặc điểm phong cách của ông cũng rất nên được xem lại, chẳng hạn, văn Ngọc Giao đậm chất trữ tình và có xu hướng làm nhòa đi những đường nét trần trụi của hiện thực.

Ba tiểu thuyết này cho phép ta nhìn thấy một khía cạnh khác của văn chương Ngọc Giao. Trong khi vẫn mang chất cảm thương trong giọng điệu, cả ba tiểu thuyết này lại vẫn có sự dữ dội, khốc liệt trong lối trần thuật được đẩy đến độ căng. Cả ba cuốn tiểu thuyết đều kết lại bằng những hành động gây ám ảnh, thể hiện sự quyết liệt trong lựa chọn của nhân vật hoặc sự cùng cực mà con người bị dồn đẩy vào. Trong Quán gió, đó là quyết định của Trâm khi từ bỏ cái thai mình đang mang trong bụng khi biết chồng mình đã giết chết cha mình – người bị coi là kẻ thù của cách mạng. Trong Xóm Rá, đoạn kết là một cảnh tượng vừa khổ đau vừa thách thức khi cô gái điếm sẵn sàng không mặc quần để đưa ma người bạn cùng thân phận như mình như một phản ứng sỗ sàng không khoan nhượng trước xã hội đạo đức giả. Còn ở Đất, cảnh người vợ Xã Bèo, người vừa mới sinh con xong chưa lâu, đã phải thay trâu cùng chồng mình để cày bừa giữa trời gió mạnh lúc tờ mờ sáng là cảnh tượng mà cái khổ, cái nhục của kiếp người tưởng như đã đi đến tột cùng.

Đời người mà như thế này ư!” Tiếng chửi của Xã Bèo kết lại tiểu thuyết Đất cũng là tiếng than ở cấp bi phẫn nhất của nhân vật. Xét đến cùng thì cả ba tiểu thuyết được nhắc đến trên đây đều xoay quanh câu hỏi ấy. Người kể chuyện trong tiểu thuyết của Ngọc Giao đã nương vào điểm nhìn của nhân vật – những con người nhỏ bé bị sỉ nhục, bị chà đạp, bị đọa đày – để cất lên câu hỏi bức bối ấy. Càng trong buổi loạn lạc, càng cần có một thứ văn chương sẵn sàng trở thành tiếng kêu thương của những con người dễ bị tổn thương nhất bởi sự khắc nghiệt và tàn nhẫn của thời cuộc. Chủ nghĩa nhân đạo theo tinh thần Nguyễn Du này, theo tôi, chính là tinh thần chủ đạo trong tiểu thuyết của Ngọc Giao. Tiểu thuyết Đất đáng được đọc lại và cần được ghi nhận không chỉ như một tác phẩm quan trọng trong di sản văn chương Ngọc Giao mà còn cả trong dòng mạch tiểu thuyết về đề tài nông dân bởi sự nhạy cảm của ông khi quan sát thời cuộc và sự thấu cảm mà ông dành cho những con người nhỏ bé, yếu đuối, dễ bị gạt ra bên rìa và bị vô hình hóa trong những đại tự sự về lịch sử.

TRẦN NGỌC HIẾU

Nhật ký đọc sách: “Một chỗ trong đời” và “Hồi ức thiếu nữ” (Annie Ernaux)

Những bóng ma mải miết tìm kiếm sự tồn tại - Sách hay

Phải thú nhận tôi đọc Annie Ernaux theo trào lưu. Chỉ khi bà được đồn đoán như một ứng cử viên tiềm năng nhất của giải Nobel văn chương năm nay, tôi mới chạm vào hai cuốn sách mỏng của bà đã được dịch sang tiếng Việt – “Một chỗ trong đời” (La Place) và “Hồi ức thiếu nữ” (Mémoire de Fille). Trong đó, cuốn đầu tiên – tác phẩm được giải Renaudot năm 1984 – đã nằm im trên kệ sách của tôi 5 năm rồi.

Annie Ernaux có phải là nhà văn làm tôi kinh ngạc, sững sờ về tầm vóc tư tưởng hay sự khai phá một thẩm mỹ mới, một lối viết tiểu thuyết như một lễ hội ngôn từ? Không. Nếu chiều mai, bà không phải là nhân vật thu hút sự chú ý của toàn bộ những người quan tâm đến văn chương trên thế giới, tôi không lấy làm thất vọng. Và nếu bà có được trao giải thưởng danh giá này, đối với tôi, đó trước hết là sự tôn vinh một giá trị mà tưởng như nếu nhắc đến thì dễ bị xem là sến súa: sự thành thực.

Đọc Ernaux, tôi có cảm giác văn chương là một cái gì đó rất gần gũi, viết là một hành động rất giản dị và thiết thân. Nhưng cũng là một việc đòi hỏi sự can đảm lớn khi người ta không được phép tự đánh lừa mình ở khoảnh khắc soi vào ký ức. “Một chỗ trong đời” là cuốn sách Ernaux dựng lại chân dung người cha của bà, mà qua đó, bà đối diện với quá khứ xuất thân, với những gì đã làm mối quan hệ của bà với gia đình mình có một khoảng cách mà bà cần thiết phải miêu tả (chứ không phải để biện minh, phân trần). Động cơ khiến bà cần phải viết một cuốn sách mà cha mình – một người đàn ông xuất thân từ tầng lớp lao động, cố gắng làm mọi việc để con gái mình được học hành tử tế, được vươn lên địa vị cao hơn, nhưng đồng thời ông lại luôn thấy cái thế giới, nơi con gái của ông thuộc về, là thế giới từng khinh miệt ông. Người cha ấy, trong cuốn “Hồi ức thiếu nữ”, có thể giữ tờ báo thông báo con ông thi đỗ thứ hai trong kỳ thi đại học nhưng rồi lại vẫn cứ có cảm giác giữa mình giữa mình và con gái là một hai mặt phẳng không có nhiều điểm giao cắt. Một lão Goriot ít ảo tưởng và nhiều mặc cảm, vừa cả đời làm lụng vì con gái, vừa muốn đẩy nó khỏi cuộc đời mình, vừa gia trưởng và vừa tự ti cùng lúc. Chẳng phải vô cớ đây lại là nhân vật trong một tác phẩm văn học được nhắc đến đầu tiên ở “Một chỗ trong đời”.

Động cơ để Ernaux viết “Một chỗ trong đời” chính là khoảnh khắc bà nhìn thấy cha mình lần cuối, lúc ông qua đời, trong hình hài trần trụi, cảm thấy mùi thối từ thi thể của ông vương vất trong tâm trí. Ở những trang cuối cuốn sách, Ernaux miêu tả những ngày cuối cùng của cha mình khi ông lâm bệnh nặng, toàn bộ trạng thái cơ thể không kiểm soát nổi nhưng vẫn người cha vẫn khăng khăng tự mình làm được mọi việc, không phiền đến con gái. Văn của Ernaux vốn rất lạnh, tiết chế cảm xúc y như Nguyễn Huy Thiệp trong “Tướng về hưu” nhưng khi bà viết: “Tôi đã dám thực sự nhìn ông”, tôi đã gai người. Bởi đấy là lúc tôi đã nghĩ mình cũng cần phải viết một cuốn sách nào đó về mình, về mối quan hệ giữa mình với người thân, của một đứa con gần như đã thuộc về một tầng lớp khác, không có nhiều chuyện để nói với những người trong gia đình mình vốn là những người xuất thân trong tầng lớp lao động. Đã bao lâu rồi, tôi đã không còn biết nói chuyện gì với cha mình và nhiều khi tự biện minh: bố mình giờ nghe khó rồi, có nói bố mình cũng không hiểu gì. Mà mình thì có gì để nói, chẳng nhẽ nói con vừa đọc một cuốn sách hay?

Ernaux là kiểu nhà văn lớn mà tôi thấy gần gũi với những trải nghiệm của mình, là nhà văn phát lộ cái khó của việc làm người hóa ra lại nằm trong những chuyện thường nhật nhỏ nhặt, dù người ta có đọc bao sách vở rồi cũng vô hiệu khi phải loay hoay, xoay sở để làm sao có thể hiểu được nhau. Nhưng bà cũng là một nhà văn không dễ đọc – tôi tin vậy, nhất là với những độc giả nam giới. Ernaux có thể không phải là nhà văn cho họ. Trong “Hồi ức thiếu nữ”, một tác phẩm mà Ernaux tự phân hóa mình ra để quan sát và phân tích chính mình, bà một lần nữa lại thắng nỗi sợ hãi khi đối diện với sự thật của bản thân, một người phụ nữ cận kể tuổi 80 sẽ nhìn lại và nghĩ gì về chính mình lúc còn là một cô gái 18 tuổi. Khoảng cách giữa “Một chỗ trong đời” và “Hồi ức thiếu nữ” là 32 năm và cuốn sách thứ hai này sẽ bổ sung nhiều bí mật mà “Một chỗ trong đời” bỏ ngỏ. Bởi đây là cuốn sách Ernaux lấy bà làm nhân vật trung tâm.

Một cô gái 18 tuổi, ý thức được hoàn cảnh xuất thân của mình, muốn nổi loạn để định vị chính mình bằng những trải nghiệm đầu tiên về tình dục, nơi cô gái rơi vào những trạng thái đầy băn khoăn về chính cơ thể của mình. Một cô gái đôi khi muốn làm phép thử đối với các khuôn phép xã hội bằng cách đồng lõa với bạn mình để ăn cắp. Một cô gái sẽ làm thế nào để thích ứng với một cái nghề nhiều tính khuôn mẫu bậc nhất – giáo viên? Câu chuyện về một người đàn bà một ngày muốn tìm lại tung tích người đàn ông đầu tiên mình có quan hệ tình dục… có thể sẽ không phải là một cốt truyện gợi nhiều hứng thú với nam giới (cũng như tôi chẳng thể nào nhớ có tác phẩm nào của nam giới mà nhân vật nam nhớ lại trải nghiệm tình dục đầu tiên của đời mình). Đó cũng không phải là một cốt truyện dễ được diễn giải ra thành những thông điệp nữ quyền lồ lộ. Đọc Ernaux, hay trước đó đọc Alice Munro, tôi tin rằng các nhà văn nữ thường không triết lý về nữ quyền để từ đó những nhà hoạt động, nhà tư tưởng nữ quyền vin vào đó biến thành các khẩu hiệu hành động. Họ, bằng khả năng ngôn ngữ của mình, làm người đọc cảm được những gì mà nếu thiếu văn chương, cùng lắm, người ta chỉ có thể biết. Họ cho thấy những ngóc ngách nội tâm sâu thẳm của người phụ nữ, những cảm giác tinh vi của cơ thể, những ám ảnh của ký ức có thể bị điều kiện hóa bởi xã hội, bởi văn hóa như thế nào. Những gì nằm ở sâu nhất là những gì quẫy đạp dữ dội nhất đối với xã hội.

Ernaux bảo bà biết ơn Simone de Beauvoir, cái tên được nhắc đến trong cả hai tiểu thuyết của bà được dịch sang tiếng Việt. Beauvoir là người làm cho phụ nữ nhận thấy người ta không sinh là đàn bà, người ta trở thành đàn bà và con đường trở thành ấy, mỗi cá nhân vừa chịu sự chi phối của những nhân tố văn hóa chính trị nhất định, lại vừa có thể hoàn toàn có thể giải cấu trúc những nhân tố ấy để tạo ra những khả thể đa dạng của việc trở thành đàn bà. Đọc Ernaux, các vấn đề về căn tính giới không trỗi lên thành một luận đề dễ nắm bắt nhưng sự tra vấn chính mình bằng một giọng điệu lạnh, nghiêm (nhưng không khắc nghiệt) khiến bà không rơi vào một thứ chủ nghĩa ái kỷ tự luyến (dù điều này cũng có sức hấp dẫn, như trường hợp Marguerite Duras).

Annie Ernaux – tôi không đặt cược bà cho giải Nobel Văn học ngày mai sẽ được trao. Nhưng cuộc gặp gỡ với bà làm tôi thật sự tin mình cũng có thể có một cuốn sách của mình. Có dám can đảm để thành thực không thôi?

Nhật ký đọc sách: Bieguni – Những người không ngừng chuyển động (Olga Tokarczuk)

Thực lòng mà nói, cuốn tiểu thuyết này của Olga Tokarczuk – nhà văn Ba Lan được nhận giải Nobel Văn chương 2018 – không thuộc loại những cuốn sách mà tôi có cảm giác chúng được viết ra để dành cho mình, chúng đến đúng lúc vào một những thời điểm mà chỉ sự đọc mới thật sự kéo tôi ra khỏi những trì đọng hay khủng hoảng nội tâm. Nhưng đó cũng lại là cuốn sách tôi không thể dứt khỏi dù những ngày cuối năm, nhiều áp lực đổ dồn. Bieguni đặt ra quá nhiều thách thức đối với sự đọc của tôi. Vì lì lợm, và cũng vì cố gắng trung thực nhất với bản thân, tôi đã không muốn bỏ cuộc với nó. Tác phẩm của Olga Tokarczuk hỏi tôi: Thật ra thì anh đã biết đọc một tiểu thuyết chưa?

Chưa. Thật buồn là phải nói vậy. Cuốn sách phá vỡ trong tôi ít nhất ba ý niệm. Thứ nhất là tính chỉnh thể của kết cấu một tác phẩm văn học. Bieguni thách đố tôi tìm ra được mối liên kết nào giữa 116 phân mảnh của cuốn tiểu thuyết. Dù trước và sau khi đọc Bieguni, tôi đã biết tính phân mảnh là đặc trưng nổi bật nhất của nó, nhà văn từ chối tạo ra một hệ thống mạch lạc, một sự tính toán để xâu chuỗi lại những gì bị vỡ ra, nhưng tôi vẫn cho rằng dù vỡ đến đâu, dù lỏng đến đâu, vẫn phải có một lực nào đó để thống nhất toàn bộ những phiến đoạn này thành một thế giới nghệ thuật. Bieguni, theo tôi, cực đoan hơn cả Từ điển Khazars của Milorad Pavic hay Thế giới trong một ngày của Oliver Rolin vì cả hai cuốn tiểu thuyết này vẫn cố kết lại trong hình thức của một cái gì đó có ranh giới – một cuốn từ điển, một tờ báo. Bieguni làm người ta liên tưởng đến một một dòng sông chảy ra biển và từ đó, trước nó, chỉ có đường chân trời càng lúc càng xa. Đúng như tên gọi, đó là cuốn tiểu thuyết về trạng thái không ngừng chuyển động, không ngừng biến dịch, phi định hình. Thứ hai, nó thách thức tính tuyến tính của sự đọc, hiểu theo nghĩa đen. Tôi gần như phải tua đi tua lại nhiều đoạn, thay vì lật qua trang này sang trang khác. Vì gần như thiếu vắng một cốt truyện liên tục cùng lúc với sự chêm xen đủ các thể loại văn bản – truyện, tản văn, thông báo, suy tưởng triết lý, lúc nào tôi cũng có băn khoăn là liệu mình có bỏ sót một manh mối nào trước đó, liệu mình có nhận ra sự quay trở lại của một nhân vật, một biểu tượng hay một motif, liệu bỏ một phiến đoạn này hay xáo trộn trật tự của các phiến đoạn thì có điều gì thay đổi không? Sự đọc, vì thế, trở thành loay hoay, và rồi sau một thời gian, đó là cuốn tiểu thuyết trả tôi về với trạng thái nhẩn nha, chậm rãi – một khoái cảm mà theo Milan Kundera thời hiện đại tưởng như đã tước đi ở con người khi cuốn họ vào tốc độ ngày càng gia tăng của đời sống. Thứ ba, xác định người kể chuyện trong tiểu thuyết như thế nào? Nếu căn cứ vào những dấu hiệu trên bề mặt, ngay từ phiến đoạn đầu tiên, có vẻ như dễ xác định sự hiện diện của người kể chuyện ở ngôi thứ nhất. Nhưng rồi rất nhanh chóng, ta nhận ra còn một người kể chuyển ở ngôi thứ ba xuất hiện trong rất nhiều các phiến đoạn, và có vẻ như ngay cả người kể chuyện ở ngôi thứ nhất cũng không đồng chất ở các phiến đoạn khác nhau: khi u hoài, khi bỡn cợt, khi lý tính, khi mơ mộng. Người kể chuyện (dù ở ngôi nào) cũng không hoàn toàn nhìn thấy hết mọi thứ: ngay cả những đoạn dài hơi hơn thì dường như cũng từ chối sự cuối kết.

Tất cả những kỹ thuật phức tạp đó của tiểu thuyết, rốt cục, để làm gì? Có phải chăng là những tiểu thuyết lớn sẽ luôn thách thức các khái quát của lý thuyết tự sự và đó chính là phẩm chất đáng giá của chúng? Với sự bướng bỉnh của mình, tôi đã cố gắng thử tìm những mạch ngầm nào nối tất cả những mảnh rời này lại, tạo thành một kết cấu phản chiếu một nhãn quan độc đáo về thế giới của Olga Tokarczuk. Tôi chú ý đến sự tương phản gần như xuyên suốt cuốn tiểu thuyết khó nắm bắt này: giữa các hành trình, các cuộc di chuyển của mọi sự vật, hiện tượng, nhân vật và hình ảnh của các tiêu bản, các xác ướp, các hiện vật trong bảo tàng – tức là giữa trạng thái chuyển động, trạng thái duy nhất khiến con người có thể trốn tránh được cái xấu, cái ác và trạng thái buộc trở nên ngưng đọng, tĩnh tại, bị biến thành những phiên bản bị dẹt hóa, phẳng hóa của thực tại, của lịch sử, vì thế, trở nên đáng ngờ. Sự tương phản này, tôi nghĩ, là nhịp điệu thống nhất các phân mảnh của tiểu thuyết. Tôi nghĩ đến sự lặp lại của motif về một quyết định ngẫu nhiên, đột xuất, khiến các nhân vật rũ mình khỏi quỹ đạo của những gì đã trở thành thường lệ (tức bị tĩnh dần đi): một anh lái phà đột nhiên đưa hành khách của mình ra biển, thay vì cập bến như đã định; một người vợ đột nhiên mất tích, thoát khỏi mọi sự truy vết; một người vợ khác, một bà mẹ của đứa con tật nguyền, chịu đựng nhiều nỗi éo le, một ngày đột nhiên bỏ đi không đi mục đích để rồi sau đó trở về nhà, từ dưới nhìn lên ô cửa nhà mình với một chút lạ lẫm… Những bất thường ấy có thể điên rồ, vô nghĩa, không đi đến đâu dưới một nhãn quan trọng sự tĩnh tại, trọng những sắp đặt của đời thường nhưng không còn gì xa lạ hơn với tư duy tiểu thuyết là sự chấp nhận những gì đã trở nên tĩnh tại, sắp đặt, hóa thành thói quen ấy. Tôi chú ý đến sự lửng lơ, thiếu vắng kết luận như là một cách tạo không khí và tạo nhịp xuyên suốt cuốn tiểu thuyết này. Và ở phiến đoạn cuối cùng, tiểu thuyết của Olga Tokarczuk cũng lại kết thúc bằng sự chuyển dịch: “Lên máy bay”. Khác với Odysseus, sử thi Hy Lạp và đồng thời có thể xem là khởi nguồn của tiểu thuyết phương Tây, nơi mọi cuộc phiêu lưu cuối cùng chỉ có giá trị khi người ta trở về được nhà của mình, Bieguni kết thúc theo đúng tinh thần: Mục đích của mọi cuộc hành hương là một cuộc hành hương khác. Sự chuyển động khiến cho mọi thứ đều có thể ở trạng thái bắt đầu và đó có lẽ cũng là tinh thần của tiểu thuyết đã được khái quát bằng nhiều mệnh đề. Tiểu thuyết là cuộc lang thang, tinh thần của tiểu thuyết là tinh thần bất định, nó là thể loại của sự lên đường. Và điều kiện để “hãy đi xa hơn nữa” là sự giải lãnh thổ của các biên giới, các barrier… Bản thân tiểu thuyết của Tokarczuk là sự thực hành sự giải lãnh thổ này khi nó có thể là rất nhiều thứ đang vận động, triển diễn. Nó là một tác phẩm đa thể loại, không bị ràng buộc vào một hình thức định sẵn nào. Trừ một thứ – nó không muốn là một cuốn từ điển, thậm chí tiểu thuyết từ điển.

Trong cuốn tiểu thuyết này, đoản văn “Wikipedia” có thể xem như một minh triết. Một mặt, Olga Tokarczuk gọi đó là “dự án lương thiện nhất để tìm hiểu con người”, nơi cho ta thấy rõ thế giới trên thực tế là kết quả của những hiểu biết, là những kiến tạo diễn ngôn của con người. Nhưng như một nhà tiểu thuyết, bà ngờ vực bộ bách khoa toàn thư vĩ đại ấy có phải có sức chứa vô tận khi chúng chỉ có thể dung nạp những gì biểu đạt được bằng từ ngữ. Vì thế, theo bà, cần có một bộ sưu tập kiến thức khác, những gì chúng ta không biết, những gì mà ngôn ngữ chưa gọi tên được, những gì không bị thâu tóm bởi các phần mềm tìm kiếm dữ liệu tự động. Thiết nghĩ, tiểu thuyết là hình thức có thể đảm nhiệm được vai trò ấy khi cũng ở trong phiến đoạn cuối cùng, cùng với việc khởi động một chuyến bay mới, người kể chuyện thúc giục – “các bạn hãy mở nhật ký của mình ra và viết”. Và viết, thật ra, còn là một cuộc hành trình để ta nhìn vào chính chúng ta, chính cái vũ trụ bên trong ta, một mê cung, một cấu tạo tưởng rành mạch như một cuốn atlas nhưng hóa ra còn vô số bí ẩn. Viết, là đắm đuối đi vào sự bí ẩn, là cuộc thám hiểm bằng cái nhìn, nơi những thứ quen nhất cũng có thể trở nên lạ lẫm, nơi từ ngữ tránh mọi đường mòn giăng sẵn.

Tôi không biết tiếng Ba Lan nhưng tôi tin đây cuốn tiểu thuyết tôn vinh vẻ đẹp và sức mạnh của ngôn ngữ văn chương, một thứ ngôn ngữ không bày sẵn, không miêu tả để phá hủy sự vật mà làm con người thấy mọi thứ sống động, tươi mới. Trong chừng mực nhất định, tôi đã nghĩ, về tinh thần, Bieguni chính là một trường ca theo chủ nghĩa tượng trưng: bằng sự lôi cuốn của ngôn ngữ, nó bắt chúng ta cảm nhận thế giới mình đang sống không phải trong trạng thái an toàn, dễ hiểu, phẳng dẹt của các cuốn sách hướng dẫn du lịch mà trong sự chuyển động, thậm chí bấp bênh, lắm lúc chực chờ đổ vỡ, lắm lúc phún trào như nham thạch, lắm lúc nhẹ nhõm, khinh khoái, như thể chữ cũng bay được.

Nhật ký đọc sách – Body Studies: The Basics (Niall Richardson & Adam Locks)

Bài viết dưới đây thực ra đã là một bài thuyết trình hoàn chỉnh mà tôi đã có dịp trình bày tại một seminar của Bộ môn Lý luận văn học, Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội với chủ đề “Ngôn ngữ thân thể trong văn học” cách đây 2 năm. Sau seminar ấy, tôi đã hoàn thiện phần trình bày của mình thành văn bản dưới đây, có gửi đăng một số tạp chí nhưng không nhận được phản hồi.

Cá nhân tôi cho rằng dù quyển sách mình đọc chỉ là sách dẫn nhập nhưng nó hữu ích ở một mức độ nhất định, trước hết là với bản thân tôi. Tôi cho rằng cách mình viết tổng thuật cũng không quá đà, đủ để mọi người nhận ra những chủ đề nghiên cứu này trên thực tế còn phức tạp và phải đọc sâu hơn nữa. Vì lẽ đó, tôi chọn đăng bài thuyết trình này lên blog cá nhân này như một sự chia sẻ cái mình đọc. Biết đâu cũng có thể có ý nghĩa với một số người nào khác ngoài mình.

Lucien Freud

*

Có thể nói đến sự hình thành của bộ môn Nghiên cứu thân thể (Body Studies) trong lĩnh vực Nhân văn như là sự giao cắt của nhiều chuyên ngành: triết học, nhân chủng học, dân tộc, văn hóa học, nghiên cứu truyền thông, nghiên cứu văn học… Những suy tư về thân thể chiếm một vị trí quan trọng trong tư tưởng của nhiều triết gia, nhiều học giả cột trụ của thời kỳ hiện đại/hậu hiện đại, kể từ Friedrich Nietzsche, Sigmund Freud đến Michel Foucault, Gilles Deleuze, Elizabeth Grosz, Judith Butler, Bryan Turner… Thân thể là phần riêng tư nhất, thể hiện rõ nét nhất sự mong manh, dễ tổn thương của con người, do đó, cũng là nơi giúp ta dễ quan sát được sự đa dạng, độc đáo, và cả tính hữu hạn ở con người. Nó là vương quốc mà mỗi cá nhân sở hữu và thực thi quyền tự do của mình trên nó, nhưng lại cũng là nơi phải chịu đựng những sự trấn áp và kiềm tỏa trong suốt lịch sử văn minh của loài người.

Bài viết này đặt ra mục tiêu: trên cơ sở tổng thuật cuốn sách Body Studies: The Basics (Nghiên cứu thân thể: Những vấn đề cơ bản) của hai tác giả Niall Richardson (giảng viên bộ môn Nghiên cứu Điện ảnh, Truyền thông và Văn hóa, ĐH Sussex, Anh) và Adam Locks (điều phối viên chương trình Nghiên cứu Điện ảnh, Truyền hình, Truyền thông và Văn hóa tại ĐH Chichester, Anh) do nhà xuất bản Routledge ấn hành năm 2014, tôi muốn liên hệ đến những chủ đề có thể được gợi mở từ đây đối với nghiên cứu văn học. Xét đến cùng, văn chương và thân thể có mối liên hệ hết sức sâu sắc với nhau; nghiên cứu thân thể trong văn chương cũng đòi hỏi cách tiếp cận liên ngành.

  1. Nghiên cứu thân thể: Những chủ đề quan trọng

Cuốn sách của Adam và Lock bắt đầu phần Dẫn nhập bằng một câu hỏi “Tôi có một thân thể?” (I’ve got a body?) [1; tr. viii]. Không phải vô cớ mà hai tác giả lại biểu đạt một mệnh đề nghe có vẻ hiển nhiên này dưới dạng một câu nghi vấn. Bởi bản chất của lý thuyết, của nghiên cứu trong lĩnh vực nhân văn là chất vấn chính những điều tưởng như là hiển nhiên hay được xem như một chân lý. Hình thức nghi vấn ấy cũng cho thấy nền tảng phương pháp luận của nghiên cứu thân thể là phản bản chất luận (anti-essentialism), tức từ chối xem thân thể như là cái gì đó tĩnh tại, bất biến, sở hữu những giá trị mặc định.

Vậy thì trọng tâm của nghiên cứu thân thể là gì? Một mặt, không thể không thấy được tầm quan trọng của thân thể đối với hoạt động tri nhận của con người: chúng ta sử dụng thân thể và giác quan của mình để nhận biết, cắt nghĩa thế giới xung quanh ta. Việc ta định vị thân thể mình ở đâu sẽ quyết định hình ảnh thế giới hiện ra trước ta như thế nào. Chúng ta cũng dùng thân thể để cấu mthành nên những đặc điểm nhận dạng về căn tính như giới, chủng tộc, dân tộc, nhóm xã hội… qua cử chỉ, điệu bộ, giọng nói, cách ăn mặc, trang sức. Thân thể là nơi con người có thể khai thác để tạo nên các mã văn hóa, đạo đức hay để phục trang cho bản ngã. Nhưng mặt khác, không phải con người hoàn toàn tự do với thân thể của mình, không phải thân thể lúc nào cũng biểu đạt tốt những chủ định của chúng ta. Luôn có những áp đặt, những hạn chế, thậm chí những cấm kỵ được đặt ra đối với các thực hành của con người trên thân thể, từ những việc đơn giản thường nhật như chúng ta mặc gì, để đầu tóc thế nào, trang điểm ở mức độ thế nào khi đi ra đường, làm thế nào để hình ảnh của ta được ngợi khen chứ không trở nên lố bịch? Thân thể, vì thế, luôn có những mối ràng buộc sâu sắc và tinh vi với các thiết chế văn hóa. Tuy nhiên, nó không chỉ chịu đựng, chấp nhận những sự ràng buộc, áp chế ấy mà luôn tiềm tàng khả năng kháng cự. Đối với những học giả nhân văn, đây chính là trọng tâm nghiên cứu: thân thể được xem như tiêu điểm nơi ta có thể quan sát các áp lực của văn hóa, chính trị, xã hội đối với con người nhưng cũng là nơi ta thấy được sự kháng cự của con người với những áp đặt, giới hạn ấy. Thậm chí, những dấu hiệu đầu tiên của sự phản kháng văn hóa trong đời sống xã hội thường là từ thân thể, mà phong trào hippies nảy sinh ở nước Mỹ thập niên 1960 gắn liền với việc nam giới để tóc dài, râu dài, xăm hình, ăn mặc phủi bụi là một trong rất nhiều ví dụ dễ quan sát. Những phản kháng từ thân thể chính là những phản kháng từ dưới lên, thường mang tính chất tự ý thức sâu sắc về tình thế mà con người muốn phủ định, và vì thế dễ tạo ra sự lan tỏa.

Chương đầu tiên của cuốn sách chất vấn cách tiếp cận vấn đề thân thể tương đối phổ biến vốn đặt thân thể vào trục đối lập nhị nguyên. Trước hết là sự đối lập giữa bình diện tự nhiên và văn hóa: một mặt, không thể phủ nhận thân thể có phương diện sinh học, tức nó thuộc bình diện tự nhiên, nhưng mặt khác, cách mà chúng ta hiểu về cơ thể như thế nào, tạo hình cho cơ thể, điều khiển nó ra sao lại chịu chi phối của các diễn ngôn, tức nó đồng thời cũng thuộc bình diện văn hóa. Thân thể, theo đó, cần được xem như một kiến tạo văn hóa-xã hội. Richardson và Locks đặc biệt lưu ý đến cách tiếp cận của Michel Foucault và Judith Butler về vấn đề này. Theo Foucault: “Thân thể liên quan trực tiếp đến một trường chính trị; những mối quan hệ quyền lực có một tác động trực tiếp lên nó: chúng phú cho thân thể những phẩm chất, chúng đánh dấu nó, huấn luyện nó, tra tấn nó, bắt nó phải thực thi những nhiệm vụ, thực hiện những nghi thức, truyền đi những tín hiệu” [dẫn theo 1; tr. 2-3]. Trong ý nghĩa ấy, “thân thể luôn can dự vào một cuộc đối thoại với các diễn ngôn văn hóa – nó tuân thủ, kháng cự và thương thỏa với các yêu cầu của văn hóa” [1; tr. 3]. Butler gợi ra một hồ nghi: “Liệu tồn tại chăng một thứ thân thể “vật chất” có trước một thứ thân thể vĩnh viễn là kết quả của sự tưởng tượng, hình dung? Đó là một câu hỏi gần như không thể xác quyết?” [Dẫn theo 1; tr. 4]. Điều mà Butler gợi ra cho thấy người ta chỉ có thể hiểu, diễn dịch về thân thể trong những ngữ cảnh văn hóa nhất định mà thôi: “Nói cách khác, ý nghĩa của thân thể – sự biểu nghĩa của thân thể – chỉ khả hữu bên trong một nền văn hóa cụ thể, mà những người tham gia vào nó đều nhận thức được những diễn ngôn và những yêu cầu của nền văn hóa… Để thân thể mang nghĩa, để ý nghĩa của nó có thể được đọc ra, nó phải được nhấn chìm trong tính chính trị đặc thù của văn hóa” [1; tr. 4].  Mình cao-thấp, gầy-béo, xấu-đẹp như thế nào – điều ấy chỉ được nhận ra trong sự tương tác văn hóa. Bởi lẽ đó để nhận thức và giải phóng nhận thức về thân thể, cần phải chất vấn chính cái ngữ cảnh văn hóa trong đó định ra những chuẩn để con người đối sánh.

Cặp nhị nguyên thứ hai cần phải được chất vấn là sự đối lập giữa thân thể và tâm hồn/tinh thần/trí tuệ (ở đây tạm gọi tắt là sự đối lập giữa thân/tâm), trong đó phạm trù sau, trong triết học phương Tây, kể từ Descartes, luôn được thiên vị hơn, được xem là phạm trù kết tinh những giá trị người ở bậc cao nhất, là cái thuộc về bản ngã (self). Thân thể, ngược lại, bị xem thường hơn: nó chỉ được coi là cái vỏ ngoài của sự tồn tại đích thực; nó là giới hạn, là sự giam hãm đối với tinh thần; nó thậm chí bị nhìn nhận như là kẻ thù, nơi dục vọng thôi thúc, nơi dễ làm lung lạc những sự lựa chọn của ý chí hay tinh thần; và do đó, như một hệ quả, để trở thành người đúng nghĩa, cần phải rèn tập, kìm hãm thân thể. “Cho rằng tất cả những thứ “xấu xa” trên thế giới này là do cái thân “bất kham” của con người gây ra, nền văn minh nhất thiết phải kiểm soát được những sự thôi thúc của thân thể, gò chúng vào kỷ luật, làm cho chúng phải phụ thuộc vào những kỷ luật của tâm trí. Muốn trở thành người – hay nói khác đi, muốn cao hơn con thú, tâm trí phải kiểm soát và khuất phục được thân thể.” [1; tr. 6]. Song điều mà Richardson và Locks đặc biệt lưu ý là cặp đối lập nhị nguyên này luôn được phóng chiếu lên các đặc điểm nhân dạng về văn hóa -xã hội khác như giai cấp, chủng tộc và nhất là giới tính.  Một trong những định kiến mà ta có thể thấy được ở cả xã hội phương Tây và phương Đông là người phụ nữ chỉ được xem như một tồn tại thân xác (bodily beings). Những câu ca dao kiểu “Đàn ông nông nổi giếng khơi/Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu” chính là minh họa cho thấy phụ nữ không sánh được với nam giới về năng lực trí tuệ, tinh thần và một thứ diễn ngôn như vậy muốn cố định vị trí thứ yếu của phụ nữ trong trật tự xã hội gia trưởng. Sự đối lập nhị nguyên thân/tâm nằm rất sâu trong những diễn ngôn kiến tạo những bất bình đẳng xã hội và nhiệm vụ của nghiên cứu thân thể chính là chất vấn những diễn ngôn ấy.

Từ chương 2 trở đi, cuốn sách của Richardson và Locks sẽ đi sâu vào những chủ đề phổ biến của nghiên cứu thân thể, để cho thấy thân thể bị chi phối như thế nào bởi các diễn ngôn văn hóa, mặt khác, chính thân thể cũng tiềm tàng khả năng phản kháng những diễn ngôn ấy, tạo lập những diễn ngôn mới đồng thời mở ra những nhận thức khác, có thể mới mẻ, sâu sắc hơn về nó. Hai nhà nghiên cứu đã dựa vào phân tích của Foucault về mô hình nhà tù tròn để cho thấy những thế lực vô hình chi phối, kiểm soát thân thể như thế nào. Trong cuốn Discipline and Punish: The Birth of the Prison (Kỷ luật và trừng phạt: Sự ra đời của nhà tù -1975), Foucault đã khảo sát sự vận động của các hình thức trừng phạt trong xã hội phương Tây, từ việc tra tấn trực tiếp lên thân thể của người phạm tội như một diễn cảnh công khai đến mô hình nhà tù tròn, nơi nhất cử nhất động của tội nhân đều bị giám sát dưới một con mắt vô hình. Nếu như việc tra tấn công khai có thể gây ra phản ứng ngược ở người xem, khiến người ta thay vì ghê tởm tội nhân, sợ hãi việc vi phạm luật lệ, lại dấy lên ở họ một nỗi thương xót đối với kẻ đang phải chịu nhục hình, thêm nữa lại không chắc có thể thanh tẩy được tâm trí của cả người phạm tội lẫn người chứng kiến thì mô hình nhà tù tròn sẽ làm cho người tù luôn nhận ra mình bị theo dõi liên tục từ một cái nhìn nào đó, khiến họ cuối cùng nội tại hóa cái nhìn ấy, trở thành một chủ thể tự kiểm soát, tự kỷ luật. Theo Foucault, đó chính là phương thức lý tưởng để đưa thân thể vào kỷ luật mà không cần đến vũ khí hay phương tiện cưỡng bức mang tính vật chất. Phương thức hoạt động của nhà tù tròn, theo đó, chính là ẩn dụ cho cách mà quyền lực hiện đại vận hành trong xã hội, theo đó, thay vì định vị tại những thiết chế trung tâm nào đó như nhà vua, quân đội, tòa án, nhà nước,…, quyền lực, như một cái nhìn vô hình quan sát được tất cả, hiện diện ở mọi nơi, chi phối rất sâu đến thân thể, điệu bộ, ham muốn, thói quen của con người. Cách chúng ta ăn mặc, trang điểm để chứng tỏ mình là người lịch sự, sành điệu, hay để tôn vẻ nam tính, nữ tính, thể hiện đẳng cấp xã hội, v.v…, xét đến cùng, đều chịu tác động từ thứ quyền lực của cái nhìn vô hình ấy. Từ đó, theo Richardson và Locks, ngoại hình, tướng mạo, điệu bộ của con người sẽ được phán xét là trông có “bình thường” không, trông có “giống như mọi người không” và có phải là hình mẫu “lý tưởng” không. Nhiệm vụ của nghiên cứu thân thể chính là đặt ra nghi vấn đối với những thứ vốn được thừa nhận là “bình thường”, “giống như mọi người” và “lý tưởng” ấy bởi chúng luôn tiềm tàng nguy cơ trấn áp, thậm chí tạo ra bạo lực đối với thân thể.

Trên thực tế, trong lịch sử văn hóa, luôn có những thực hành trên thân thể để kháng cự lại quyền lực của cái nhìn vô hình kia. Một ví dụ được dẫn ra trong cuốn sách này chính là sự tấn phong các thân thể nghịch dị, lệch chuẩn trong các lễ hội carnival ở châu Âu thời trung cổ mà ý nghĩa của nó đã được Mikhail Bakhtin phân tích rất thuyết phục trong những nghiên cứu của ông. Lễ hội carnival xóa bỏ sự phân chia xã hội theo giai cấp, phái tính, tuổi tác, thách thức ý thức hệ của Ky-tô giáo vốn thống trị phương Tây bấy giờ và đặc biệt, nó hợp thức hóa những hình thức biểu đạt, trong đó quan trọng hơn cả là những gì gắn với thân thể, phóng túng, lập dị, nằm ngoài mọi phép tắc đã được quy định trong đời sống thường nhật. Cho dù cuộc nổi loạn của thân thể này chỉ diễn ra trong khoảng thời gian bị giới hạn của lễ hội carnival, nhưng nó làm dấy lên ở con người trung cổ sự chất vấn tính tất yếu của những phép tắc, chuẩn mực, quy định văn hóa đối với thân thể trong đời sống thường nhật. Một tinh thần carnival như vậy, thực ra, vẫn luôn hiện diện trong đời sống đương đại. Những sự kháng cự của thân thể đồng thời cũng phản ánh sự dịch chuyển thường xuyên của phần trung tâm và ngoại biên văn hóa.

Ba chương tiếp theo đi vào những hình thức cụ thể của sự thống trị, trấn áp thông qua những chuẩn mực, khuôn mẫu đối với thân thể và những khả năng kháng cự của nó. Đó là ý niệm về sự đẹp, xấu, trẻ, già của cơ thể, là những hình thức biến đổi thân thể như xăm, khuyên, tập thể hình hay giải phẫu thẩm mỹ. Chẳng hạn, hai tác giả đã dẫn lại một nghiên cứu có sức ảnh hưởng lớn của Naomi Wolf – The Beauty Myth: How Images of Beauty are Used Against Women (Huyền thoại về sắc đẹp – Những hình ảnh về sắc đẹp đã được sử dụng như thế nào để chống lại phụ nữ) xuất bản lần đầu vào năm 1991. Từ cái nhìn nữ quyền luận, Wolf đã có những phân tích xác đáng về những hình ảnh mang tính lý tưởng về nhan sắc, về ngoại hình nữ tính được lan tỏa qua các kênh truyền thông, theo đó, chúng thực chất không phải là sự tôn vinh phụ nữ như nhiều suy nghĩ giản đơn mà trái lại, ràng buộc phụ nữ vào trong những trật tự của thiết chế gia trưởng. Một thí dụ từ văn học có thể minh họa rõ hơn cho điều này: tiểu thuyết Gót sen ba tấc của nhà văn Phùng Ký Tài xoay quanh tập tục bó chân của phụ nữ Trung Hoa truyền thống. Để có gót chân hình búp sen – một chuẩn mực về cái đẹp hình thể, người phụ nữ Trung Hoa phải trải qua một quá trình băng bó bàn chân rất khổ sở, thậm chí đau đớn, bức bí. Nhưng “gót sen” ấy chỉ để thỏa mãn cái nhìn của đàn ông; chuẩn mực về hình dáng của phụ nữ do đàn ông tạo ra bắt phụ nữ tự hành hạ thân thể mình để trở nên đẹp dần dần khiến họ không ý thức được địa vị nạn nhân của mình, thậm chí trở thành nhân tố để kiềm tỏa, giám sát những người phụ nữ khác theo chính logic thống trị của đàn ông. Sự trấn áp như thế này vẫn tiếp diễn trong xã hội hiện đại, nơi các kênh truyền thông không ngừng tạo lập những diễn ngôn về sắc đẹp và sức khỏe mà đứng đằng sau nó không chỉ có sự thống trị của nam giới mà còn của cả chủ nghĩa tiêu dùng. Song thân thể cũng là nơi khởi phát những sự bất tuân, phản kháng với những chuẩn mực, khuôn mẫu do các thiết chế xã hội áp đặt đối với nó. Các cuộc cách mạng văn hóa thường bắt đầu bằng chính những hành vi “nổi loạn” trên cơ thể người như thay đổi việc ăn mặc, trang điểm, thay đổi đầu tóc, xăm trổ… Những hành vi phản kháng này có thể dẫn đến những hệ quả rất xa và rất sâu bởi lẽ sự phản kháng trên thân thể, trong nhiều trường hợp, chính là biểu hiện của sự tự ý thức về quyền riêng tư, quyền tự do biểu hiện của con người đối lập với các thiết chế xã hội.

Tôi muốn nói sâu hơn về chương 4 – “Quái thai, dị dạng và khuyết tật” và chương 6 – “Cyborgs” (tạm dịch là các loại người máy) để cho thấy những góc tiếp cận đa dạng về thân thể. Một tấm thân được xem là “bình thường”, là “thân thể người” chỉ trong quan hệ với một thứ thân thể được xem là “không bình thường”, là “thân thể phi nhân”. Đấy là lý do để hiểu thân thể người, cũng cần nhìn nó qua hình ảnh của quỷ/quái vật – một tưởng tượng của con người về “thân thể phi nhân”.  Các nhà nghiên cứu nhân học, văn hóa học đã nêu lên một thực tế ở xã hội phương Tây cho đến tận thế kỷ XIX, rằng các thân thể người quá dị thường so với những gì có thể chấp nhận được hay dự đoán được sẽ bị coi là hình hài của “quỷ”/ “quái vật” và người ta thường viện dẫn các giáo lý tôn giáo để giải thích cho những hiện tượng bất thường về ngoại hình này. Các tiến bộ trong khoa học, đặc biệt ở lĩnh vực y học đã đẩy lùi những mê tín về hiện tượng này, khiến các quái vật chỉ còn tồn tại trong tác phẩm hư cấu. Tuy nhiên, nền văn hóa đương đại chưa bao giờ hết tò mò, quan tâm đến những thân thể “bất thường”, “quái dị” mà cơn sốt xung quanh hình tượng ma cà rồng trong các bộ phim hay tiểu thuyết đại chúng là một ví dụ. Ở một khía cạnh khác, các chương trình truyền hình thực tế gần đây cũng thường khai thác các nhân vật có ngoại hình bất thường để gây kịch tính, thu hút sự chú ý của công chúng, cứ như thể đây là sự trở lại, trong một hình thức khác, của các “freak show” – các chương trình biểu diễn sử dụng những người dị dạng làm nhân vật tiêu khiển từng tương đối phổ biến trong văn hóa phương Tây từ thế kỷ XVII nhưng đi đến thoái trào từ thập niên 1940. Câu hỏi đặt ra ở đây là điều gì khiến tâm lý tò mò của trước những thân hình bất thường, dị dạng vẫn được nuôi dưỡng? Theo các nhà nghiên cứu mà cuốn sách này tham khảo, chúng ta cần đến những thân hình ấy vì chúng là đối tượng mà chúng ta có thể phóng chiếu lên đó tất cả những lo âu, bất an, sợ hãi của mình. Nhưng ở cực khác, sự trình hiện những thân thể bất thường, dị dạng ấy trên sân khấu, qua phim ảnh, trong tác phẩm hư cấu… cũng lại là cách “làm cho những đối tượng vốn bị ngoại biên hóa ấy được nhận ra, được cất tiếng, từ đó mà thách thức những hình dung và định kiến của chúng ta về cái gì được xem là chuẩn mực hay có thể chấp nhận được” [1; tr. 61].

Vấn đề khuyết tật (disability) có lẽ là vấn đề phức tạp và nhạy cảm bậc nhất trong nghiên cứu thân thể, vì thế, cuốn sách dẫn nhập này mới chỉ nêu lên một vài nét phác cơ bản. Trước hết, trong văn hóa phương Tây thì thuật ngữ “khuyết tật thân thể” ra đời tương đối muộn, vào thời điểm khi cách mạng công nghiệp bùng nổ, nhu cầu về nguồn lao động cho các nhà máy tăng nhanh và tính chất công việc khiến một số người không đáp ứng được yêu cầu về mặt thể chất trong hoạt động sản xuất. Thêm vào đó, sự phát triển của ngành y sinh ở thời điểm này đã dẫn đến việc phân loại những thân thể không có khả năng làm việc là những thân thể bị “lỗi”, bị khuyết tật và vị trí tốt nhất mà họ có thể có trong xã hội là trở thành đối tượng của niềm cảm thương trong xã hội. Trong những tiếp cận đương thời về vấn đề này, ý niệm về sự khuyết tật của thân thể đã không còn được nhìn nhận theo quan điểm bản chất luận (essentialism), coi đó là lỗi của tạo hóa, là một thứ căn tính cố hữu, không thay đổi theo văn hóa hay ngữ cảnh. Một thân thể có bị coi là “khuyết tật” hay không liên quan đến cách mà xã hội hay văn hóa phản ứng trước tình trạng bất toàn, mất khả năng hoạt động của một số bộ phận cơ thể. Một thí dụ mà cuốn sách nêu ra minh họa khá dễ hiểu cho cách tiếp cận này: một giáo sư phải ngồi trên xe lăn, ông ta không đi lại được nhưng điều này không cản trở nhiều công việc nghiên cứu và giảng dạy của ông ở trường đại học, trừ khi ngôi trường ấy không cho phép sử dụng xe lăn hay bắt giáo sư phải lên lớp ở giảng đường trên tầng mà không có thang máy. Như vậy, vấn đề không nằm ở chỗ vị giáo sư phải dùng xe lăn để dịch chuyển mà nằm ở ngôi trường không tạo điều kiện cho ông ta làm việc. Chính định kiến xã hội, sự phân biệt đối xử mới tạo nên ý niệm về sự khuyết tật, tàn phế. Cách tiếp cận đương thời đề nghị không nhìn con người có những vấn đề bất toàn về thân thể là khuyết tật hay kém lành lặn mà là những người “lành lặn, bình thường theo những cách khác nhau” (different abled) [1; tr. 66]. Từ đây, sự thể hiện hình ảnh người khuyết tật trên truyền thông, văn học, nghệ thuật nên thách thức những khuôn mẫu về họ để có thể có những nhìn nhận họ một cách bình đẳng hơn, nhân văn hơn và sâu sắc hơn.

Chương 6, “Cyborgs”, là một gợi mở để thấy nghiên cứu thân thể đang ở một khúc ngoặt mới – khúc ngoặt hậu nhân loại (posthumanism). Một trong những cái “Khác” (“Other”) mà con người thường sử dụng như là trục đối lập để tri nhận về thân thể mình là “máy”. Dự cảm về sự phát triển của khoa học công nghệ đã dẫn đến sự ra đời của hình tượng người máy trong các tác phẩm viễn tưởng vừa như là biểu tượng cho sức mạnh của con người trong thời đại kỹ trị lại vừa có thể gây bất an, sợ hãi cho tương lai nhân loại. Nhưng sự hòa kết giữa người và máy, thậm chí sự “máy” hóa con người, không còn là một viễn tưởng mà đã trở thành thực tế. Chỉ cần nhìn cách con người điều khiển một chiếc xe hơi đã có thể thấy sự thống nhất giữa người và máy: để chạy một chiếc ô tô, người ta phải lắng nghe động cơ của nó để biết lúc nào cần sang số, phải chú ý đến số đo tốc độ gốc trên bảng đồng hồ, phải liên tục sử dụng pedal và phanh; trong suốt chuyến đi, người và xe như là một, người và xe giao diện với nhau, và theo các tác giả trong cuốn sách này, trong trường hợp ấy, “người lái xe thực sự là một cyborg, một thực thể xóa mờ sự phân biệt người/máy, con người/không-con người” [1; tr. 97].  Chưa hết, những tiến bộ của khoa học công nghệ càng cho thấy thân thể thực sự mang tính kiến tạo khi giờ đây người ta có thể thay màu da, cấy ghép các bộ phận, gắn con chip vào bên trong cơ thể… Thậm chí, thời đại của công nghệ thực tế ảo, con người có có thể có những thân thể ảo, tạo ra nhiều căn tính. Trường hợp giáo sư Kevin Warwick tại Đại học Coventry, vương quốc Anh, người đã thí nghiệm cấy ghép nhiều chip điện tử dưới da mình với tham vọng trở thành một “cyborg” đầu tiên của thế giới đã cho thấy thời đại hậu nhân loại đang thách thức rất nhiều những hình dung của con người về thân thể cũng như nhân tính.

Trong phạm vi của một cuốn sách dẫn nhập, hai tác giả Richardson và Locks chưa thể bao quát hết những nội dung phong phú và phức tạp của lĩnh vực nghiên cứu thân thể.  Có thể thấy, qua sáu chương sách, hai nhà nghiên cứu chủ yếu quan tâm đến những khía cạnh ngoại hiện của thân thể, chứ chưa đi sâu vào những khía cạnh như cảm giác, bản năng, các mối quan hệ giữa các thân thể với nhau, tương tác giữa thân thể với môi trường xung quanh nó. Nhưng chỉ trong những nội dung đã được phác thảo, ta cũng thấy nghiên cứu thân thể đã chạm vào nhiều khía cạnh sâu xa và quan trọng của sự hiện sinh của con người. Không chỉ vậy, ở thân thể có sự giao tầng phức tạp của lịch sử, văn hóa, chính trị. Thân thể, vì thế, là văn bản mà việc giải mã nó, giải cấu trúc nó, truy vấn ngữ cảnh tạo nghĩa của nó chính là việc ta cố gắng hiểu nó, giải phóng nó cũng như hiểu chính ta và giải phóng cho ta.

 

  1. Sự thể hiện thân thể trong văn học: Một vài gợi ý về định hướng nghiên cứu

Trước hết, có thể thấy mọi chủ đề của nghiên cứu thân thể đều triển khai được trên các dẫn chứng lấy từ văn học. Thực vậy, văn học vừa là nơi khúc xạ. duy trì, củng cố những khuôn mẫu về thân thể nhưng đồng thời vừa là nơi tìm thấy những cách thức kháng cự độc đáo của thân thể đối với những khuôn mẫu ấy. Sự chuyên chú vào những kinh nghiệm cá nhân khiến văn học luôn quan tâm đến những tiếng nói của thân thể. Từ những tiếng nói ấy, văn học luôn có thể chất vấn lại những định kiến, những trấn áp vô hình đối với thân thể, và rộng hơn, đối với quyền sống cá nhân con người.

Tác phẩm Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ của nhà văn Belarusia, Svetlana Alexievich (Giải Nobel Văn học 2015) có thể là một minh họa tốt cho điều này. Từ nhận thức rằng mọi lịch sử về chiến tranh đều xóa . sự hiện diện của phụ nữ, đều là những tự sự được kể từ điểm nhìn của đàn ông, Alexievich muốn phá vỡ sự độc quyền lịch sử ấy bằng việc viết lại cuộc chiến tranh chống phát xít Đức của người Nga từ phía người phụ nữ. Ở một chừng mực nhất định, tự sự của phụ nữ của cuộc chiến bắt đầu từ chính tiếng nói bị lãng quên của thân thể. Trong các tự sự chủ lưu về chiến tranh, thân thể chỉ được xem như một dữ kiện được liệt kê như bằng chứng cho sự thắng thua của phe này-phe kia; trong các tưởng niệm lịch sử, thân thể trở thành biểu tượng, bị hóa thạch thành những tượng đài. Khi đó, thân thể bị trừu tượng hóa, mất đi chiều kích xác thân cụ thể, trần thế của nó, vì thế những chịu đựng, đau đớn, thương tổn của nó bị vô hình hóa. Trong trải nghiệm của phụ nữ về chiến tranh, thân thể là nơi đầu tiên cảm nhận được sự chuyên chế của chiến tranh. Không phải vô cớ, những người phụ nữ trong cuốn sách của Alexievich có ký ức rất sâu đậm về họ buộc phải cắt bỏ bím tóc dài của mình như là điều kiện bắt buộc đầu tiên khi gia nhập quân đội, phục vụ cho cuộc chiến tranh nhân danh lý tưởng vệ quốc. Bím tóc dài – biểu tượng của vẻ đẹp tính nữ – là thứ mà họ phải hy sinh đầu tiên và trong con mắt của đàn ông, cũng là của những người giữ đặc quyền lịch sử, không có lý do gì để người ta phải khóc cho một việc nhỏ nhặt như thế. Không chỉ bị tước bỏ những biểu tượng của nữ tính trên cơ thể, người phụ nữ phải khoác lên mình những thứ trang phục vốn chỉ dành cho đàn ông và bản thân điều này đã khiến một số người phải vất vả xoay xở. Tất cả những thứ đó lịch sử không đếm xỉa, không xem là sự khổ sở, càng không tính là hy sinh. Song những gì mà lịch sử gạt đi lại thường là những thứ văn chương nhặt lên và nâng niu. Chiến tranh cần đến thân thể của phụ nữ trước hết khi thân thể đó đạt đến sức mạnh tương đương nam giới, khi thân thể đó bị công cụ hóa, toàn bộ giá trị của nó chỉ còn quy về sức chiến đấu. Sự tôn vinh người phụ nữ trong chiến tranh vẫn thường bao hàm ngay trong đó sự bất bình đẳng đối với phụ nữ. Nhưng cũng chính vì thế, tâm sự “Người ta cần lính… nhưng tôi cũng muốn đẹp” của những người phụ nữ trong cuốn sách này thể hiện ý thức muốn bảo vệ phần nữ tính của mình, muốn giữ lại quyền được là đàn bà giữa “cái thường nhật nam tính” của chiến tranh: họ giấu trong hành trang của mình đôi hoa tai, đôi giày cao gót, họ cắt may ô của đàn ông làm đồ lót, họ luôn tìm cách để gột sạch cơ thể, thậm chí có thể trang điểm… Tất cả những chi tiết trên đều liên quan đến thân thể, đều là cách mà người phụ nữ kháng cự lại sự nam tính hóa và công cụ hóa thân thể mình bởi chiến tranh.

Nghiên cứu thân thể trong văn học, vì thế, không chỉ dừng lại ở việc mô tả những sự trình hiện (representation) thân thể. Quan trọng hơn, và cũng khó khăn hơn, phải nhìn thấy, chất vấn ngữ cảnh của những sự trình hiện ấy – cái ngữ cảnh tạo nên ý nghĩa, giá trị của thân thể: thân thể ấy được khắc họa trong môi trường nào, ai nhìn thấy, ai định nghĩa, đánh giá nó, nó chịu đựng và thách thức như thế nào với những cái nhìn và cách định nghĩa, đánh giá đó…  Từ góc độ này, có thể thấy, tác phẩm của Nam Cao đã đi từ thân thể để khám phá những khía cạnh nhức nhối của tình trạng nhân sinh.  Nhiều người đã chỉ ra định kiến xã hội là một chủ đề quan trọng trong sáng tác của Nam Cao và định kiến ấy thường bắt đầu từ sự lăng nhục hình thể của những người bị xem là dị dạng, méo mó, lệch chuẩn so với những gì mà cộng đồng khả dĩ chấp nhận. Bằng việc trút sự khinh bỉ lên những kẻ có diện mạo bất thường đó, cộng đồng cố kết được sức mạnh của nó. Truyện ngắn “Chí Phèo” mở đầu bằng tình trạng vong thân của nhân vật: mặt của Chí Phèo không còn là mặt của hắn bởi những vết mảnh chai chẳng chịt, thậm chí nó còn không phải là mặt người vì người làng Vũ Đại không ai nhìn hắn, ai cũng tránh hắn ngay từ đầu; tiếng của hắn không phải là tiếng người vì không ai nghe, không ai đáp lại. Toàn bộ sự hiện hữu cụ thể của Chí Phèo qua chính hình hài của hắn đã không được nhận ra. Chúng ta chỉ được nhận ra khi thiết lập được mối tương tác với kẻ khác (“other”). Theo mạch tự sự của truyện ngắn này, Chí Phèo tìm lại mình qua những sự gặp gỡ, bắt đầu là với cái bóng của mình – hình chiếu của “thân thể” hắn, cái thân thể mà bấy lâu chính hắn cũng ruồng bỏ, đến mức giờ đây không nhận ra đó là gì, rồi sau đó với Tự Lãng, một gã say khác trong làng. Không phải ngẫu nhiên Nam Cao lại dụng công miêu tả cuộc uống rượu quên trời quên đất của hai nhân vật này; họ say đến nỗi Tự Lãng bò cả ra sân, không biết người thì đứng lên bằng gì, còn Chí Phèo thì vần ngửa Tự Lãng để nghịch râu của lão. Cái bóng thì không nói, Tự Lãng thì chìm trong say sưa, nên Chí Phèo vẫn không được nhận ra. Chỉ từ cuộc gặp gỡ với Thị Nở, Chí Phèo mới bắt đầu lấy lại cảm giác về thân thể của chính mình, đầu tiên là những cảm giác về sự sống được đánh thức, rồi ký ức trở lại và cuối cùng là sự ý thức về tình trạng sống của mình. Chính thân thể khi trải qua một trận ốm nói với Chí Phèo một cách thật nhất về tình trạng sống của hắn: hắn thấy mình già, yếu – trước hết là những cảm giác ấy. Nỗi lo lắng, thảng thốt của Chí Phèo khi cảm nhận cơ thể của mình chính là một cảm thức hiện sinh tinh tế được miêu tả trong tác phẩm. Nhưng Thị Nở là ai? Thị cũng là kẻ bị dân làng gạt ra bên rìa vì xấu, vì nhà có mả hủi (cả hai lý do này đều lên quan đến cảm giác ghê tởm của cộng đồng đối với ngoại hình của kẻ khác) và đần độn, dù sự đần độn, điên rồ đôi khi là phạm trù được dùng để quy kết cho những người đã không nghĩ, không hành động như lựa chọn của đám đông. Thị Nở chính là “kẻ khác” mà sự xấu xí và đần độn của thị thực ra cần cho làng Vũ Đại, vì bằng sự mỉa mai và kỳ thị đối với thị, những người dân thống nhất lại với nhau trong cảm giác khinh bỏ đối với một kẻ khác ta, không tương xứng với ta. Cũng chính vì Thị Nở khác với dân làng, nên thị không nhìn Chí Phèo như cái nhìn của dân làng về hắn, trái lại còn băn khoăn: “sao người ta ghê hắn thế?” Trong cái nhìn của Thị Nở, khuôn mặt đầy vết rạch của Chí Phèo khi cười cũng có thể rất hiền. Trong khi đó, dân làng Vũ Đại và Bá Kiến chỉ nhìn khuôn mặt đó như là “cái biểu đạt” của quỷ, là sự vật chất hóa, trực quan hóa ý niệm về “quỷ” dù một bên muốn từ đó mà tẩy chay Chí Phèo, còn một bên muốn lợi dụng Chí Phèo cho những mục đích của riêng mình. Câu hỏi tuyệt vọng của Chí Phèo: “Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này?” có thể xem là sự tự ý thức đầy bi kịch của nhân vật khi hiểu toàn bộ căn tính của mình bị quy về một khuôn mặt bị cộng đồng đánh dấu là “mặt quỷ”, không còn khả năng mang bất cứ một ý nghĩa nào khác. Như vậy, đọc “Chí Phèo” qua những hình ảnh của thân thể, ta có thể thấy được cơ chế rất sâu của định kiến, điều này khiến câu chuyện vượt hẳn khỏi việc tái hiện một thực trạng xã hội trước Cách mạng tháng Tám, từ đó, luôn có khả năng chất vấn người đọc về những giá trị, những chuẩn mực mà cộng đồng của mình luôn cố gắng duy trì tiềm tàng những nguy cơ nào. Như một tự sự về thân thể, “Chí Phèo” và một số sáng tác khác của Nam Cao, từ rất sớm, đã gợi ra những vấn đề mà khi suy tư về quyền con người, càng ngày người ta lại càng phải chú ý như sự lăng nhục ngoại hình, đánh dấu cơ thể, bạo lực ngôn từ. Bởi nhân quyền không phải được hình thành từ cách tiếp cận trừu tượng về con người, càng không chỉ là chuyện thỏa mãn vấn đề cơm ăn áo mặc mà còn liên quan đến những cơ chế của sự thừa nhận, đến tình trạng bị tổn thương của con người cả về thể chất lẫn tinh thần.

Sự thể hiện thân thể trong văn học cũng thường móc nối với sự kiến tạo những ý niệm như dân tộc, chủng tộc, phái tính, giai cấp, văn minh… Một quan sát bước đầu về sự tạo hình nét gầy của cơ thể nữ trong văn học Việt Nam có thể minh họa cho điều này. Có thể nói lý tưởng hóa nét gầy guộc, mong manh, yếu đuối của cơ thể người nữ là một đặc trưng của mỹ cảm thị dân được hình thành từ trong thơ Mới đến văn học miền Nam trước 1975 mà ta có thể liệt kê nhiều ví dụ: “Từ ấy anh ra đi/ Em gầy hơn vóc liễu” (“Nhớ nhung” – Hàn Mặc Tử), “Em gầy như liễu trong thơ cổ/Anh bỏ trường thi lúc thịnh Đường” (“Em gầy như liễu trong thơ cổ” – Nguyên Sa), “Em áo lụa dáng gầy hơn bóng núi/Rừng ơi rừng cây đợi đã bao năm” (“Thơ cho nhỏ” – Du Tử Lê), “Gầy em vóc cỏ mây dời/ Tay em mai nở chân trời tuyết pha” (“Động hoa vàng” – Phạm Thiên Thư), “Gọi nắng trên vai em gầy” (“Hạ trắng” – Trịnh Công Sơn), “Bàn tay xanh xao đón ưu phiền” (“Nắng thủy tinh” – Trịnh Công Sơn)… Nét gầy guộc, mong manh ở cơ thể nữ gắn liền với phong thái yểu điệu, tha thướt, được chiêm ngắm, say mê hay cần sự nâng niu, che chở. Ngược lại, trong văn học cách mạng từ 1945-1975, cơ thể của người nữ, thay vì trở thành đối tượng của mỹ cảm thị dân, lại được khai thác như là cơ thể của quốc gia, dân tộc. Những bộ phận cơ thể vốn thường được xem là biểu trưng cho nữ tính như tóc, mắt, má vẫn được khắc họa, nhưng hầu như sự gầy guộc, mong manh của vóc dáng không được nhắc đến. Cơ thể của người nữ trong văn học cách mạng đẹp trong tư thế vững chãi, tư thế điểm trụ cho cả cộng đồng hay thời đại: “Người con gái quê ta, đôi mắt trong tựa ngọc/Đôi giọt nước sông La, thương như trời quê ta/Em dõi theo từng ngày, đếm từng loạt bom rơi/Cho bom nổ bên tai, em vẫn đứng giữa trời” (“Người con gái sông La” -Phương Thúy), “Em đứng bên đường như quê hương/Vai áo bạc quàng súng trường” (“Lá đỏ” – Nguyễn Đình Thi)… Trở thành cơ thể của dân tộc, quốc gia, người nữ phải mang một vóc dáng khỏe khoắn, tư thế kiên định, tác phong xốc vác; sự gầy guộc, nhỏ nhắn của họ, nếu có được nhắc đến, thì chủ yếu như một sự tương phản để làm nổi bật sức chịu đựng, chiến đầu phi thường ở họ. Một vài tác phẩm nằm ngoài quỹ đạo của văn học sử thi cũng đôi khi miêu tả cơ thể gầy của phụ nữ, chẳng hạn: “Khi mặt em gầy, lại rất yêu/Niềm thương như bỗng dội lên nhiều/Mảng nhìn bịn rịn lo em ốm/ Mà mặt em thêm vẻ lệ kiều” (“Mặt em” – Xuân Diệu). Nhưng có lẽ ngay ở trong trường hợp này, sự gầy guộc ở người nữ khơi gợi niềm thương cảm nhiều hơn là trở thành một lý tưởng thẩm mỹ được tôn thờ, tụng ca. Như vậy, từ một dữ kiện có vẻ nhỏ nhặt liên quan đến thân thể, ta có thể nhìn ra một thứ vi lịch sử thường chưa được chú ý. Đó cũng là một mục đích quan trọng mà nghiên cứu văn học nên hướng tới.

Một chủ đề nghiên cứu hóc búa nhưng cũng đầy sức gợi mở khác là sự thể hiện nhục cảm trong văn học. Nhục cảm vừa là thứ cám dỗ đối với cả sự sáng tạo lẫn sự thưởng thức nghệ thuật: đó là thứ cảm giác rất đỗi tinh tế song cũng vô cùng mãnh liệt, rất nhân bản nhưng đồng thời cũng thường xuyên bị kìm nén, che đậy. Sự thể hiện nhục cảm trong nghệ thuật luôn đẩy người sáng tạo đứng trước lằn ranh giữa một bên là sự tự do biểu đạt, là ham muốn đào sâu vào thứ bí ẩn nhất, phức tạp nhất của nhân tính và một bên là những giới hạn đối với sự tự do ấy, là những quy phạm của đạo đức, của nghệ thuật vẫn luôn muốn đưa thân thể của con người vào trong sự kiểm soát của chúng, giữa một bên là việc thỏa mãn thứ bản năng vẫn thường bị kiềm tỏa ở con người và một bên là khơi dậy nhận thức, xây dựng một mỹ học mới, táo bạo hơn, can đảm hơn, rộng mở hơn. Việc phân biệt thế nào là một tác phẩm thể hiện nhục cảm một cách nghệ thuật với một tác phẩm khiêu dâm thực ra chưa bao giờ dễ ngã ngũ. Những tiêu chí về sắc thái miêu tả thực ra luôn có thể bị lung lay, những cách đánh giá như một tác phẩm thể hiện nhục cảm một cách nghệ thuật luôn phải gắn với giá trị nhân văn, tôn vinh thân thể hay những khát vọng phồn thực… có thể vẫn hợp lý song cũng rất mơ hồ. Và trên thực tế, những sáng tạo trong sự thể hiện nhục cảm nhiều khi sẵn sàng khiêu khích những tiêu chí đã sẵn có. Ở những sáng tạo ấy, nhục cảm được biểu đạt trần trụi, thách thức những định nghĩa về “dâm”, “tục”, “ác”… Có thể kể đến những tác phẩm của Marquis de Sade (Pháp), Rachilde (Pháp), Lily Brett (Úc), Kenzaburo Oe (Nhật Bản)… hay có thể mở rộng sang các biểu đạt nhục cảm trong điện ảnh, nơi các nhà làm phim sáng tạo trên lằn ranh rất chấp chới giữa nghệ thuật dục tính (erotic) và khiêu dâm (pornography) như phim của Nagisa Oshima (Nhật Bản), Pier Paolo Pasolini (Italia), Thái Minh Lượng (Đài Loan), Catherine Breillat (Pháp)… Có lẽ trong những trường hợp này, sự phân biệt nằm ở chỗ nghệ thuật erotic thường khiến người đọc, người xem thưởng thức những cảnh tính dục trong sự chú tâm, tĩnh lặng, có khi gián cách với nó. Trong khi đó, nghệ thuật khiêu dâm lại chủ đích tạo ra những fantasy (những huyễn tưởng), cuốn người xem, người đọc nhập vào những gì mà nó miêu tả. Để tạo ra những fantasy như thế, nghệ thuật khiêu dâm luôn thường phóng đại, kịch tính hóa các hành động tính dục, làm người ta thấy thèm muốn chúng, chứ không phải thưởng thức. Nghệ thuật erotic thường tác động vào cả cảm giác lẫn nhận thức của người thưởng thức; nghệ thuật khiêu dâm chỉ cần thỏa mãn những bản năng bị kìm nén của con người.

*

Từ tổng thuật về cuốn sách của Richardson và Locks, có thể thấy nghiên cứu thân thể và sự thể hiện thân thể trong văn học mở ra nhiều chủ đề thú vị và phức tạp mà bài viết này mới chỉ trình bày những phác thảo cơ bản nhất. Bởi ý nghĩa, giá trị của thân thể do ngữ cảnh văn hóa, lịch sử tạo nên nghiên cứu thân thể trong ngữ cảnh Việt Nam có khả năng nhìn ra được những câu chuyện đặc biệt, độc đáo, từ đó có thể chất vấn, xét lại khung lý thuyết về thân thể vốn chủ yếu được khái quát từ thực tiễn phương Tây.  Nghiên cứu sự thể hiện thân thể trong văn học cũng đòi hỏi sự chủ động, linh hoạt trong cách đặt vấn đề. Chẳng hạn, có thể tìm đề tài trong cách thể hiện các hoạt động của thân thể, đặc biệt là giác quan của con người, những tác động lên thân thể như đụng chạm, tra tấn, đánh đập, phục trang, phẫu thuật, quan niệm về các tình trạng của thân thể như ốm yếu, bệnh tật, già hóa… Điều quan trọng mà tôi muốn nhắc lại ở đây, dù theo đề tài nào, ta cũng cần ý thức thấu đáo về tinh thần phản bản chất luận như là nền tảng tư duy của việc nghiên cứu thân thể và từ đó, ta có thể chất vấn, phản biện, thách thức những cái khung lớn hơn, những đại tự sự chi phối cách chúng ta hiểu và cảm nhận về thân thể.

TRẦN NGỌC HIẾU

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Niall Richardson & Adam Locks (2014), Body Studies: The Basics. London & New York: Routledge. (Toàn bộ những trích dẫn từ cuốn sách này đều do tác giả bài viết dịch sang tiếng Việt)