Tag Archives: văn học phương Tây

Nhật ký đọc sách: “Một chỗ trong đời” và “Hồi ức thiếu nữ” (Annie Ernaux)

Những bóng ma mải miết tìm kiếm sự tồn tại - Sách hay

Phải thú nhận tôi đọc Annie Ernaux theo trào lưu. Chỉ khi bà được đồn đoán như một ứng cử viên tiềm năng nhất của giải Nobel văn chương năm nay, tôi mới chạm vào hai cuốn sách mỏng của bà đã được dịch sang tiếng Việt – “Một chỗ trong đời” (La Place) và “Hồi ức thiếu nữ” (Mémoire de Fille). Trong đó, cuốn đầu tiên – tác phẩm được giải Renaudot năm 1984 – đã nằm im trên kệ sách của tôi 5 năm rồi.

Annie Ernaux có phải là nhà văn làm tôi kinh ngạc, sững sờ về tầm vóc tư tưởng hay sự khai phá một thẩm mỹ mới, một lối viết tiểu thuyết như một lễ hội ngôn từ? Không. Nếu chiều mai, bà không phải là nhân vật thu hút sự chú ý của toàn bộ những người quan tâm đến văn chương trên thế giới, tôi không lấy làm thất vọng. Và nếu bà có được trao giải thưởng danh giá này, đối với tôi, đó trước hết là sự tôn vinh một giá trị mà tưởng như nếu nhắc đến thì dễ bị xem là sến súa: sự thành thực.

Đọc Ernaux, tôi có cảm giác văn chương là một cái gì đó rất gần gũi, viết là một hành động rất giản dị và thiết thân. Nhưng cũng là một việc đòi hỏi sự can đảm lớn khi người ta không được phép tự đánh lừa mình ở khoảnh khắc soi vào ký ức. “Một chỗ trong đời” là cuốn sách Ernaux dựng lại chân dung người cha của bà, mà qua đó, bà đối diện với quá khứ xuất thân, với những gì đã làm mối quan hệ của bà với gia đình mình có một khoảng cách mà bà cần thiết phải miêu tả (chứ không phải để biện minh, phân trần). Động cơ khiến bà cần phải viết một cuốn sách mà cha mình – một người đàn ông xuất thân từ tầng lớp lao động, cố gắng làm mọi việc để con gái mình được học hành tử tế, được vươn lên địa vị cao hơn, nhưng đồng thời ông lại luôn thấy cái thế giới, nơi con gái của ông thuộc về, là thế giới từng khinh miệt ông. Người cha ấy, trong cuốn “Hồi ức thiếu nữ”, có thể giữ tờ báo thông báo con ông thi đỗ thứ hai trong kỳ thi đại học nhưng rồi lại vẫn cứ có cảm giác giữa mình giữa mình và con gái là một hai mặt phẳng không có nhiều điểm giao cắt. Một lão Goriot ít ảo tưởng và nhiều mặc cảm, vừa cả đời làm lụng vì con gái, vừa muốn đẩy nó khỏi cuộc đời mình, vừa gia trưởng và vừa tự ti cùng lúc. Chẳng phải vô cớ đây lại là nhân vật trong một tác phẩm văn học được nhắc đến đầu tiên ở “Một chỗ trong đời”.

Động cơ để Ernaux viết “Một chỗ trong đời” chính là khoảnh khắc bà nhìn thấy cha mình lần cuối, lúc ông qua đời, trong hình hài trần trụi, cảm thấy mùi thối từ thi thể của ông vương vất trong tâm trí. Ở những trang cuối cuốn sách, Ernaux miêu tả những ngày cuối cùng của cha mình khi ông lâm bệnh nặng, toàn bộ trạng thái cơ thể không kiểm soát nổi nhưng vẫn người cha vẫn khăng khăng tự mình làm được mọi việc, không phiền đến con gái. Văn của Ernaux vốn rất lạnh, tiết chế cảm xúc y như Nguyễn Huy Thiệp trong “Tướng về hưu” nhưng khi bà viết: “Tôi đã dám thực sự nhìn ông”, tôi đã gai người. Bởi đấy là lúc tôi đã nghĩ mình cũng cần phải viết một cuốn sách nào đó về mình, về mối quan hệ giữa mình với người thân, của một đứa con gần như đã thuộc về một tầng lớp khác, không có nhiều chuyện để nói với những người trong gia đình mình vốn là những người xuất thân trong tầng lớp lao động. Đã bao lâu rồi, tôi đã không còn biết nói chuyện gì với cha mình và nhiều khi tự biện minh: bố mình giờ nghe khó rồi, có nói bố mình cũng không hiểu gì. Mà mình thì có gì để nói, chẳng nhẽ nói con vừa đọc một cuốn sách hay?

Ernaux là kiểu nhà văn lớn mà tôi thấy gần gũi với những trải nghiệm của mình, là nhà văn phát lộ cái khó của việc làm người hóa ra lại nằm trong những chuyện thường nhật nhỏ nhặt, dù người ta có đọc bao sách vở rồi cũng vô hiệu khi phải loay hoay, xoay sở để làm sao có thể hiểu được nhau. Nhưng bà cũng là một nhà văn không dễ đọc – tôi tin vậy, nhất là với những độc giả nam giới. Ernaux có thể không phải là nhà văn cho họ. Trong “Hồi ức thiếu nữ”, một tác phẩm mà Ernaux tự phân hóa mình ra để quan sát và phân tích chính mình, bà một lần nữa lại thắng nỗi sợ hãi khi đối diện với sự thật của bản thân, một người phụ nữ cận kể tuổi 80 sẽ nhìn lại và nghĩ gì về chính mình lúc còn là một cô gái 18 tuổi. Khoảng cách giữa “Một chỗ trong đời” và “Hồi ức thiếu nữ” là 32 năm và cuốn sách thứ hai này sẽ bổ sung nhiều bí mật mà “Một chỗ trong đời” bỏ ngỏ. Bởi đây là cuốn sách Ernaux lấy bà làm nhân vật trung tâm.

Một cô gái 18 tuổi, ý thức được hoàn cảnh xuất thân của mình, muốn nổi loạn để định vị chính mình bằng những trải nghiệm đầu tiên về tình dục, nơi cô gái rơi vào những trạng thái đầy băn khoăn về chính cơ thể của mình. Một cô gái đôi khi muốn làm phép thử đối với các khuôn phép xã hội bằng cách đồng lõa với bạn mình để ăn cắp. Một cô gái sẽ làm thế nào để thích ứng với một cái nghề nhiều tính khuôn mẫu bậc nhất – giáo viên? Câu chuyện về một người đàn bà một ngày muốn tìm lại tung tích người đàn ông đầu tiên mình có quan hệ tình dục… có thể sẽ không phải là một cốt truyện gợi nhiều hứng thú với nam giới (cũng như tôi chẳng thể nào nhớ có tác phẩm nào của nam giới mà nhân vật nam nhớ lại trải nghiệm tình dục đầu tiên của đời mình). Đó cũng không phải là một cốt truyện dễ được diễn giải ra thành những thông điệp nữ quyền lồ lộ. Đọc Ernaux, hay trước đó đọc Alice Munro, tôi tin rằng các nhà văn nữ thường không triết lý về nữ quyền để từ đó những nhà hoạt động, nhà tư tưởng nữ quyền vin vào đó biến thành các khẩu hiệu hành động. Họ, bằng khả năng ngôn ngữ của mình, làm người đọc cảm được những gì mà nếu thiếu văn chương, cùng lắm, người ta chỉ có thể biết. Họ cho thấy những ngóc ngách nội tâm sâu thẳm của người phụ nữ, những cảm giác tinh vi của cơ thể, những ám ảnh của ký ức có thể bị điều kiện hóa bởi xã hội, bởi văn hóa như thế nào. Những gì nằm ở sâu nhất là những gì quẫy đạp dữ dội nhất đối với xã hội.

Ernaux bảo bà biết ơn Simone de Beauvoir, cái tên được nhắc đến trong cả hai tiểu thuyết của bà được dịch sang tiếng Việt. Beauvoir là người làm cho phụ nữ nhận thấy người ta không sinh là đàn bà, người ta trở thành đàn bà và con đường trở thành ấy, mỗi cá nhân vừa chịu sự chi phối của những nhân tố văn hóa chính trị nhất định, lại vừa có thể hoàn toàn có thể giải cấu trúc những nhân tố ấy để tạo ra những khả thể đa dạng của việc trở thành đàn bà. Đọc Ernaux, các vấn đề về căn tính giới không trỗi lên thành một luận đề dễ nắm bắt nhưng sự tra vấn chính mình bằng một giọng điệu lạnh, nghiêm (nhưng không khắc nghiệt) khiến bà không rơi vào một thứ chủ nghĩa ái kỷ tự luyến (dù điều này cũng có sức hấp dẫn, như trường hợp Marguerite Duras).

Annie Ernaux – tôi không đặt cược bà cho giải Nobel Văn học ngày mai sẽ được trao. Nhưng cuộc gặp gỡ với bà làm tôi thật sự tin mình cũng có thể có một cuốn sách của mình. Có dám can đảm để thành thực không thôi?

Salman Rushdie – Hãy hỏi chính mình “Cuốn sách nào ta thật sự yêu?”

Salman Rushdie (1947) là nhà văn gốc Ấn Độ, hiện sống và viết tại Mỹ. Ông là tác giả của nhiều tiểu thuyết gây được tiếng vang, trong đó nổi tiếng nhất là Những đứa con của nửa đêm, được ngợi ca là tiểu thuyết xuất sắc nhất mà giải Booker của Anh từng trao. Rushdie đồng thời cũng là tác giả của những tác phẩm viết cho thiếu nhi, trong đó cuốn Haroun và Biển truyện đã từng được dịch sang tiếng Việt. Bài luận này của ông giúp ta có thể hiểu thêm về thi pháp tiểu thuyết của ông.

Scheherazade telling stories in “The Arabian Nights,” 1892.
Scheherazade telling stories in “The Arabian Nights,” 1892.Credit…

*

Trước khi sách xuất hiện, đã có những truyện kể. Ban đầu, những truyện kể không được viết xuống. Chúng đôi khi còn được ca ngâm. Trẻ em khi sinh ra, trước lúc có thể nói, cha mẹ đã hát cho chúng nghe những bài hát, chẳng hạn, bài hát về một quả trứng từ trên tường rơi xuống, hay một cậu bé và cô bé leo lên một quả đồi và rồi trượt ngã. Khi những đứa trẻ lớn hơn, chúng đòi các câu chuyện cũng thường xuyên như đòi thức ăn vậy.

Trẻ con say mê những câu chuyện này và muốn được nghe chúng hết lần này đến lần khác. Sau này, khi lớn hơn nữa, chúng tìm thấy những câu chuyện trong sách. Và những câu chuyện khác mà trước đó chúng chưa từng được nghe, về một cô bé rơi vào hang thỏ, hay một con gấu già khờ khạo và một con lợn con dễ hốt hoảng cùng một con lừa lúc nào cũng rầu rĩ, hay một trạm thu phí có ma, hoặc một nơi chốn nào đó nơi chỉ có bọn “quỷ sứ giặc non”. Niềm ham thích những truyện kể đã đánh thức một điều gì đó ở bọn trẻ, điều sẽ nuôi dưỡng chúng suốt cả cuộc đời: đó là trí tưởng tượng ở chúng.

Trẻ em dựng lên những câu chuyện mỗi ngày, chúng đột nhập các lâu đài, xâm chiếm các quốc gia, giong buồm trên những đại dương xanh thẳm và hằng đêm, giấc mơ của chúng đầy những con rồng kỳ vĩ. Nhưng rồi chúng đều lớn lên và những câu chuyện dần rơi rụng khỏi tâm trí của chúng, những câu chuyện được gói ghém lại trong những thùng đồ nơi gác mái, và những người từng là trẻ con cảm thấy khó khăn hơn để kể lại và tiếp nhận những chuyện kể. Đáng buồn hơn là họ càng thấy khó khăn hơn để yêu những câu chuyện ấy.

Tôi tin những cuốn sách và chuyện kể mà chúng ta yêu thích đã làm nên con người chúng ta, hay, để nói một cách chừng mực hơn, những câu chuyện ta yêu đã trở thành một phần cách chúng ta hiểu về các sự vật hiện tượng, đưa ra những phán xét và lựa chọn trong cuộc sống hàng ngày. Một cuốn sách có thể ngừng nói với chúng ta khi chúng ta nhiều tuổi hơn và cảm xúc của chúng ta dành cho nó sẽ phai nhạt. Hoặc khi đời sống chúng ta định hình và nhận thức của chúng ta hy vọng có thể dày dặn hơn, phong phú hơn, chúng ta bỗng nhiên thấm thía hơn về một cuốn sách mà trước đó chúng ta đã gạt bỏ; chúng ta bỗng nhiên nghe thấy âm nhạc của nó, bị cuốn hút bởi bài ca của nó.

Hồi sinh viên, lần đầu tôi đọc Cái trống thiếc – tiểu thuyết vĩ đại của Günter Grass, tôi đã không thể nào đọc trọn nó được. Nó nằm mòn mỏi trên giá sách tròn mười năm trước khi tôi thử đọc nó lần thứ hai. Kể từ ấy, nó đã trở thành một trong những cuốn tiểu thuyết mà tôi yêu thích nhất mọi thời đại: một trong những cuốn sách mà tôi có thể tự tin nói mình yêu nó. Đây là một câu hỏi lý thú người ta nên đặt cho bản thân: Cuốn sách nào bạn thật sự yêu thích? Hãy thử suy nghĩ. Câu trả lời sẽ nói với bạn rất nhiều, rằng hiện tại bạn là ai.

*

Tôi lớn lên tại Bombay, Ấn Độ, một thành phố giờ đây đã không còn là nơi như nó đã từng và thậm chí còn đổi tên thành một cái tên nghe thuận tai hơn, Mumbai, vào một thời kỳ cũng không giống với hiện tại, đến nỗi có cảm giác đó là một thời đại đã xa xôi, thậm chí huyễn tưởng. Ở thành phố Bombay xa xôi ấy, những câu chuyện và những cuốn sách từ phương Tây chạm đến tôi dường như là những điều kỳ diệu thật sự.

Câu chuyện “Bà chúa tuyết” của Hans Christian Andersen, với mảnh gương thần diệu có thể rơi vào tim và biến trái tim họ thành băng giá, thậm chí còn kinh sợ hơn đối với một cậu nhóc xứ nhiệt đới, nơi chỉ thấy băng đóng lại trong tủ lạnh. “Bộ quần áo mới của Hoàng đế” đem đến khoái cảm đặc biệt cho một cậu bé lớn lên ngay sau khi Đế quốc Anh chấm dứt sự cai trị thuộc địa.

Có lẽ những câu chuyện về những xứ sở nào khác luôn giống như truyện cổ tích. Song đối với tôi, những câu chuyện thần kỳ thực sự lại gần với một ngôi nhà hơn, và tôi luôn nghĩ may mắn lớn nhất của mình khi làm nhà văn là mình đã lớn lên và được đắm chìm trong những câu chuyện ấy.

Một vài câu chuyện trong số đó ban đầu vốn mang ý nghĩa tôn giáo nhưng bởi tôi lớn lên trong một gia đình không theo tôn giáo, tôi có thể tiếp nhận chúng như những câu chuyện đẹp đẽ đơn thuần. Khi tôi lần đầu nghe kể câu chuyện từ pho sử thi vĩ đại Mahabharata về việc thần Indra đã khuấy trộn cả dải Ngân hà như thế nào, thần đã dùng đỉnh núi Mandara tưởng tượng làm cây đũa để khuấy ra sao, buộc biển sữa khổng lồ của bầu trời phải nhỏ xuống thứ rượu tiên của nó, “amrita” – thứ đem lại sự trường sinh bất tử, tôi bắt đầu nhìn những vì sao theo một cách mới.

Vào thuở thơ ấu dường như đã vời vợi xa ấy, trước khi tình trạng ô nhiễm ánh sáng làm cho phần lớn các vì sao hóa vô hình đối với những cư dân thành phối, tôi, một cậu bé ngồi giữa khu vườn ở Bombay vẫn còn thể ngước lên bầu trời đêm và lắng nghe âm nhạc của vũ trụ, nhìn những vệt Ngân hà lấp lánh chi chít với một niềm vui thầm lặng. Tôi tưởng tượng mỗi vì sao đang nhỏ giọt rượu tiên. Có lẽ nếu mình há miệng, một giọng có thể rơi xuống trúng miệng mình và rồi, tôi cũng sẽ thành bất tử.

Đó là vẻ đẹp của câu chuyện thần thoại và hậu duệ của nó, nghệ thuật hư cấu: người ta vừa biết câu chuyện ấy là một tác phẩm của tưởng tượng, nghĩa là nó không thật, lại vừa tin nó chứa đựng sự thật sâu xa. Ranh giới giữa cái kỳ ảo và cái thực, ở những khoảnh khắc như thế đã không tồn tại nữa.

Gia đình chúng tôi không theo đạo Hindu, nhưng chúng tôi nghĩ rằng những câu chuyện vĩ đại của đạo Hindu cũng gần gũi với mình. Vào ngày lễ hội thường niên Ganpati, khi đám đông hoành tráng mang theo những hình nộm thần đầu voi Ganesh đến bở biển Chowpatty để nhúng thần xuống biển, tôi có cảm giác Ganesh cũng thuộc về mình, Người giống như biểu tượng một niềm vui tập thể và hiện thân cho sự thống nhất của thành phố hơn là một thành viên trong điện thần của một tôn giáo đầy “tính cạnh tranh”.

Khi tôi biết tình yêu văn chương của Ganesh lớn lao đến nỗi Người ngồi bên cạnh nhà hiền triết Vyasa, người đọc coi là Homer của Ấn Độ, ghi lại câu chuyện Mahabharata, cảm giác ông thuộc về tôi còn trở nên sâu sắc hơn nữa; và sau này, khi viết cuốn tiểu thuyết về một cậu bé tên Saleem với cái mũi to bất thường, thì theo một cách rất tự nhiên, tôi đã gắn người kể chuyện trong Những đứa con của nửa đêm với vị thần giàu tình yêu với văn chương bậc nhất này, người cũng có cái mũi khổng lồ, cho dù Saleem xuất thân từ một gia đình theo đạo Hồi. Sự nhòa mờ ranh giới giữa các văn hóa tôn giáo ở thành phố Bombay xưa cũ, nơi tinh thần thế tục đích thực là trạng thái văn hóa phổ biến, giờ đây lại là một đặc điểm nữa đối lập Ấn Độ của quá khứ với Ấn Độ của hôm nay, một xã hội cay đắng hơn, ngột ngạt, nhiều sự kiểm duyệt và nhiều bè phái.

Phải thú thật ảnh hưởng của những truyện kể này không phải bao giờ cũng tích cực. Nền chính trị nhiều phe phái của cả đảng theo đường lối dân tộc chủ nghĩa Hindu như Đảng Bharatiya Janata đang nắm quyền tại Ấn Độ đã sử dụng những phép tu từ của quá khứ để huyễn tưởng hóa về một cuộc trờ về với “Ram Rajya”, “thời trị vị của đức Rama”, một thời đại hoàng kim giả định của truyền thống Hindu giáo, một thời đại không có sự bất tiện bởi sự có mặt của những tôn giáo khác, từ đó làm cho các vấn đề trở nên phức tạp hơn. Việc chính trị hóa sử thi Ramayana nói riêng và đạo Hindu nói chung, trong bàn tay của những lãnh đạo chính trị mang tư tưởng bè phái vô nguyên tắc, đã trở thành một sự vụ nguy hiểm.

*

Tuy nhiên, tôi muốn trở lại với bản ngã thơ ấu của mình, thuở bị mê hoặc bởi những chuyện kể mà mục đích duy nhất của chúng là gây lôi cuốn. Tôi muốn gác lại những câu chuyện từ những bộ sử thi tôn giáo đồ sộ để nói về kho tàng mênh mông của những chuyện kể phàm tục, xoay quay những mưu mẹo, những sự kỳ bí, đầy hưng phấn, hài hước, quái lạ, siêu thực và rất thường xuyên chứa đựng những yếu tố dục cảm còn chất chứa trong phần còn lại của văn chương phương Đông, vì – hay không chỉ vì, nhưng đúng là bởi vì – chúng cho thấy ta có thể gặt hái bao nhiêu hoan lạc từ văn chương một khi Thượng đế rời khỏi bức tranh này.

Một trong những đặc điểm ấn tượng nhất của những chuyện kể này giờ đây đã được tập hợp lại trong pho truyện Nghìn lẻ một đêm (để lấy một ví dụ tiêu biểu), một thế giới nghệ thuật hầu như vắng bóng hoàn toàn tôn giáo. Nhiều chi tiết liên quan đến nhục cảm, nhiều trò láu cá, nhiều mưu mẹo; nhiều ác quỷ, hồn ma, chim săn mồi khổng lồ; không ít truyện có những cảnh đổ máu; nhưng không có Thượng đế. Đấy là lý do nhà kiểm duyệt Hồi giáo rất ác cảm đối với pho truyện này.

Tại Ai Cập, vào tháng Năm 2010, chỉ bảy tháng trước cuộc nổi dậy chống lại Tổng thống Hosni Mubarak, một nhóm các luật sự Hồi giáo mới nghe phong thanh về ấn bản mới của Alf Laylah wa Laylah (tên nguyên tác của Nghìn lẻ một đêm trong tiếng Ả Rập) đã có hành động khởi kiện yêu cầu ấn bản đó phải bị thu hồi và cuốn sách bị cấm vì nó là “lời kêu gọi cho sự trụy lạc và tội lỗi” bởi nó chứa đựng một số quy chiếu liên quan đến tình dục. May thay, họ đã không thành công, bởi những sự việc lớn hơn bắt đầu xâm chiếm tâm trí của người Ai Cập. Nhưng thực tế là hành động của họ gợi ra nhiều điều phải nghĩ.

Quả thực, cuốn sách có một số chi tiết nói về tình dục và các nhân vật có vẻ bận tâm về chuyện ái ân hơn là thể hiện sự sùng đạo, điều này, như các luật sự lập luận, có thể là một lời kêu gọi cho đời sống trụy lạc, nếu bạn mang một nhãn quan thanh giáo méo mó để nhìn thế giới này. Đối với tôi, điều này lại gợi ra những thứ tuyệt vời và xứng đáng được đáp lại, nhưng bạn có thể hình dung được những người không thích âm nhạc, chuyện trào tiếu và hoan lạc thấy bất ổn như thế nào bởi nó. Điều thú vị hơn là văn bản của thời đại xa xưa này, một tập hợp của những câu chuyện thần diệu này, vẫn còn giữ nguyên văn quyền năng của nó, có thể làm đảo lộn thế giới của những kẻ cuồng tín sau hơn 1200 năm, kể từ khi những câu chuyện này lần đầu xuất hiện.

Cuốn sách giờ đây chúng ta thường gọi là Những đêm Ả Rập vốn không xuất phát từ thế giới Ả Rập. Cội nguồn của nó có thể là Ấn Độ; kho tàng truyện kể Ấn Độ ưa chuộng những câu chuyện khung, những kiểu truyện lồng trong truyện, những ngụ ngôn về loài vật. Khoảng chừng vào thế kỷ thứ VIII, những câu chuyện này tìm đường để du nhập vào xứ sở Ba Tư, và theo những thông tin ghi chép còn sót lại, tuyển tập này khi ấy được biết đến với cái tên “Hazar Afsaneh”, “một ngàn câu chuyện”.

Một tư liệu xuất hiện vào thế kỷ X ở Baghdad đã nói về tập “Hazar Afsaneh” và nhắc đến khung truyện của nó, về một vị vua tàn ác hàng đêm đều giết một phi tần cho đến khi một trong số những cung phi bất hạnh này tìm cách ngăn chặn lại vụ hành hình đối với mình bằng cách kể cho ông ta nghe những câu chuyện. Đó là nơi lần đầu tiên chúng ta nhìn thấy cái tên “Scheherazade”. Thật buồn khi hiện không còn một bản in nào “Hazar Afsaneh” còn sót lại đến giờ. Cuốn sách này chính là một “mối liên kết đã bị mất mát” của văn học thế giới, là một tuyển tập truyện kể mà qua đó những câu chuyện thần diệu của Ấn Độ đã chu du sang phương Tây, gặp gỡ với ngôn ngữ Ả Rập và biến thành Nghìn lẻ một đêm, một cuốn sách với nhiều phiên bản và không có một văn bản chuẩn nào được hoàn toàn chấp nhận, rồi sau đó, du hành xa hơn nữa về phương Tây, để lần đầu xuất hiện trong bản kể bằng tiếng Pháp của Antoine Galland hồi thế kỷ XVIII, người đã thêm vào một số truyện không có trong bản tiếng Ả Rập như câu chuyện “Aladdin và cây đèn thần” và “Ali Baba và bốn mươi tên cướp”.

Và từ bản kể tiếng Pháp, những câu chuyện này được dịch sang Anh ngữ, rồi từ bản kể Anh ngữ, chúng tiếp tục hành trình của mình đến Hollywood, một xứ sở có ngôn ngữ riêng của nó và sau đó, là sự lan tỏa toàn cầu của những tấm thảm bay cùng Robin Williams trong vai trò của ông thần đèn. (Rất đáng lưu ý là trong Những đêm Ả Rập thực ra không có tấm thảm bay nào hết. Có một truyền thuyết kể rằng vua Solomon sở hữu một tấm thảm có thể thay đổi kích cỡ và đủ rộng để chở cả một đoàn quân trên đó.)

Cuộc di cư vĩ đại của truyện kể đã truyền cảm hứng cho nhiều khu vực văn chương thế giới, lan tỏa vào cả dòng mạch hiện thực kỳ ảo của văn chương Nam Mỹ, đến nỗi đến lượt mình, khi cũng sử dụng một vài thủ pháp của dòng văn học này, tôi có cảm giác về một chu trình khép lại và truyền thống kể chuyện đưa tôi ngược về quê nhà, nơi nó khởi sinh. Nhưng tôi vẫn cứ tiếc cho sự mất mát của tập truyện Hazar Afsaneh mà nếu được tìm thấy lại, nó sẽ hoàn thiện câu chuyện về các câu chuyện và thế nào là một sự kiếm tìm.

Có lẽ việc này sẽ giải quyết một bí ẩn nằm ở trung tâm của truyện khung, hay đúng hơn, ở chính kết thúc của nó và trả lời được cho câu hỏi tôi đã tự đặt cho mình trong suốt mấy năm: Liệu Scheherazade và người em của mình, Dunyazad, sau ngàn lẻ một đêm và hơn thế nữa, sẽ trở thành những sát nhân và giết những gã chồng khát máu của mình?

Thật sự đã có bao nhiêu phụ nữ bị Shahryar, quốc vương của “đảo và bán đảo Trung Hoa và Ấn Độ” và người em của mình, Shah Zaman, người cai trị độc tài xứ Samarkand hoang dã, giết chết? Mọi chuyện bắt đầu khi Shah Zaman nhìn thấy vợ mình trong tay của người đầu bếp trong hoàn cung. Shah Zaman đã băm họ thành từng mảnh và phóng thẳng về nhà anh trai mình, nơi anh ta nhìn thấy chị dâu của mình, hoàng hậu của Shahryar, đang ở trong vườn cùng với 10 thị nữ và 10 nô lệ. Mười người phụ nữ và mười người nô lệ ấy đang yêu chiều, âu yếm lẫn nhau còn hoàng hậu thì gọi người tình của mình từ trên cây trèo xuống.

Hỡi ôi, giống đàn bà dâm đãng và bội phản! Shah Zaman kể với anh trai mình những gì y nhìn thấy, từ đó, các thị nữ, nô lệ và bà hoàng hậu chịu chung số phận. (Tình nhân của hoàng hậu thì dường như đã trốn thoát được).

Vua Shahryar và vua Shah Zaman đã lạnh lùng thực hiện cuộc báo thù của họ đối với đàn bà, giống lăng loàn, bội bạc. Trong suốt ba năm, cứ mỗi đêm, họ cưới một nàng trinh nữ, cưỡng dâm họ rồi sau đó xử tử nàng. Cha của Scheherazade, vị quan cao cấp của triều đình, hay vị tể tướng, buộc phải tự mình thực hiện các vụ hành quyết mà Shahryar yêu cầu.

Vị quan này là một người có học, một người đàn ông giàu tình cảm – người đã nuôi dạy một cô con gái tuyệt vời như Scheherazade. Và cả em gái nàng, Dunyazad, một cô gái tốt, thông minh, dịu dàng.

Điều gì đã diễn ra trong tâm hồn người cha của những cô con gái đẹp đẽ, tử tế như thế mà giờ đây lại phải hành quyết hàng trăm phụ nữ trẻ khác, phải đâm vào cổ họng họ và nhìn máu của họ tuôn lênh láng? Chúng ta không được kể. Chúng ta biết, thần dân của Shahryar bắt đầu căm hận sâu sắc nhà vua và tìm mọi cách để tẩu thoát khỏi kinh thành cùng với những người phụ nữ trong nhà họ, đến nỗi sau ba năm, chẳng còn nàng trinh nữ nào sống trong thành cả. Không còn một trinh nữ nào ngoài Scheherazade và Dunyazad.

Đến khi Scheherazade bước vào câu chuyện, cưới vua Shahryar, cuộc cưỡng hiếp nàng đã hoàn thành, nàng đề nghị em gái mình, Dunyazad, ngồi xuống bên giường tân hôn và xin được kể một câu chuyện, Shahryar và Shah Zaman đã giết chết 2213 người. Chỉ 11 người trong số đó là nam giới.

Shahryar, sau khi cưới Scheherazade và bị giam hãm tâm trí bởi những chuyện kể của nàng, đã ngừng giết phụ nữ. Shah Zaman, người không bị văn chương thuần hóa, vẫn tiếp tục cuộc báo thú của mình. Một nghìn lẻ một đêm sau đó, số người chết đã là 3214 người.

Hãy suy nghĩ về Scheherazade, tên nàng có nghĩa là “sinh ra tại thành phố”, người mà chắc chắn là một cô gái của thành phố lớn, khéo léo, sắc sảo, rồi cũng đến lượt trở nên đa cảm và bi quan, y như những người kể chuyện thị dân đương đại mà người ta có thể muốn gặp. Scheherazade, người giăng bẫy đấng quân vương bằng câu chuyện kể bất tận của nàng. Scheherazade, kể những câu chuyện để bảo toàn đời mình, đặt nghệ thuật hư cấu vào thế đối kháng với cái chết, một pho tượng của Tự do không phải được tạo nên từ kim loại mà bằng ngôn từ. Scheherazade, người đi ngược lại mong muốn của cha mình, khăng khăng đòi vào cung, chấp nhận vào căn phòng chết chóc của nhà vua. Scheherazade, người đặt cho mình một nhiệm vụ anh hùng là cứu những người chị em của mình bằng việc thuần hóa nhà vua. Người có niềm tin, người nhất thiết phải đặt niềm tin vào người đàn ông bên trong một con quỷ bạo tàn và năng lực của chính mình để hồi sinh người đàn ông ấy về với nhân tính đích thực, bằng cách kể cho ông ta nghe những câu chuyện.

Thật là một phụ nữ lạ kỳ! Không khó để hiểu vì sao vua Shahryar lại si mê nàng đến thế. Bởi chắc chắn ông đã thất bại, khi trở thành cha của những đứa con với nàng, ông hiểu rằng, cứ mỗi đêm, mối đe dọa gắn với các vụ hành quyết mà ông ban trở nên trống rỗng, rằng ông không thể yêu cầu quan tể tướng, người cha của nàng, thực hiện việc này. Sự man dã của ông bị cùn mòn đi bởi thiên tài của người phụ nữ, người đã đánh cược đời mình trong một ngàn lẻ một đêm để cứu cuộc đời của những người khác, người tin trí tưởng tượng của mình có thể đối chọi với sự tàn bạo và vượt qua nó không phải bằng sức mạnh mà, thật ngạc nhiên, bằng việc văn minh hóa sự man dã ấy.

Vị vua quả là may mắn! Nhưng (đây là câu hỏi lớn nhất chưa được trả lời về Những đêm Ả Rập),  vì cớ gì mà nàng lại yêu ông ta? Và tại sao Dunyazad, cô em gái lại ngồi bên chân giường tân hôn suốt một ngàn lẻ một đêm, nhìn chị mình bị vị vua khát máu giày vò thân xác và lắng nghe câu chuyện của chị -Dunyazad, người nghe vĩnh cửu, nhưng đồng thời cũng là kẻ nhìn trộm – tại sao nàng lại đồng ý kết hôn với Shah Zaman, gã đàn ông thậm chí còn mang lòng hận thù sâu sắc hơn cả người anh của mình, người bị bỏ bùa bởi các câu chuyện?

Làm thế nào để hiểu những phụ nữ này? Có một sự im lặng trong câu chuyện đòi hỏi cần phải được nói ra. Đây là những gì chúng ta được kể lại: sau khi các câu chuyện kết thúc, Shah Zaman và Dunyazad kết hôn, nhưng Scheherazade ra một điều kiện – Shah Zaman phải rời bỏ vương quốc của mình, đến sống cùng anh trai, để hai chị em nàng không phải sống trong xa cách. Đây là điều Shah Zaman vui mừng chấp thuận và Shahryar đã chỉ định người đến cai quản Samarkand thay cho em trai mình chính là vị tể tướng nay là cha vợ của ông. Khi vị tể tướng đến Samarkand, ông được đón chào nồng hậu bởi người dân nơi đây và tất cả các nhà quý tộc địa phương thì đều cầu mong ông sẽ là người trị vì họ trong thời gian dài. Và đấy là điều đã diễn ra.

Câu hỏi của tôi là, khi tôi tra vấn câu chuyện cổ đại này: Liệu đó có phải là âm mưu của cô con gái và người cha của mình? Có khả năng nào mà Scheherazade và viên quan tể tưởng kia đã ngấm ngầm sắp đặt một kế hoạch bí mật? Bởi, nhờ có chiến lược của Scheherazade mà Shah Zaman không còn là vua xứ Samarkand nữa. Nhờ có chiến lược của Scheherazade, cha nàng không còn là một ông quan trong triều, một viên đao phủ bất đắc dĩ mà là một vị vua với đầy đủ quyền hành, một bậc quân vương được yêu mến và hơn thế, một người minh triết, đại diện cho hòa bình, kế thừa ngôi vị của một kẻ bạo chúa khát máu. Và sau đó, không một lời giải thích nào, Thần Chết xuất hiện cùng một lúc đối với Shahryar và Shah Zaman. Thần Chết, “Kẻ Phá Hủy Niềm Hoan Lạc và Kẻ Hà Khắc Đối Với Xã Hội, Kẻ Tàn Phá Những Nơi Cư Ngụ và Kẻ Kiểm Kê Các Bia Mộ” đã đến với họ, cung điện của họ đổ nát, tan hoang, và họ bị thay thế bởi một bậc quân vương hiền minh hơn, người đó là ai thì chúng ta không được biết.

Nhưng làm thế nào và tại sao Kẻ Phá Hủy Niềm Hoan Lạc lại đến? Làm thế nào mà cả hai anh em lại chết cùng lúc, như văn bản truyện kể đã hàm ý rõ ràng, và tại sao cung điện của họ sau đó lại bị phá nát tan hoang? Ai là người kế vị họ, Người Không Tên và Hiền Minh ấy?

Chúng ta không được kể. Nhưng một lần nữa, hãy tưởng tượng vị tể tướng bao nhiêu năm nuôi trong mình nỗi căm giận khi ông bị buộc phải xuống tay với những phụ nữ vô tội. Hãy tưởng tượng bao nhiêu năm ông đã sống trong sợ hãi, một nghìn lẻ một đêm sợ hãi, khi những đứa con gái của ông, máu thịt của ông, bị khóa kín trong buồng ngủ của Shahryar, số phận của họ treo lơ lửng bởi đường dây của một câu chuyện.

Một người sẽ chờ đợi bao lâu để báo thù? Ông ta sẽ chờ đợi lâu hơn một ngàn lẻ một đêm? Đây là giả thuyết của tôi: vị tể tướng ấy, giờ là người trị vì xứ Samarkand, chính là vị vua hiền minh đã quay trở về quê hương để cai quản vương quốc của Shahryar. Và hai vị vua chết cùng lúc hoặc là bởi bàn tay của các bà vợ hoặc do vị tể tướng năm nào đoạt mạng. Chỉ là giả thuyết thôi. Câu trả lời có lẽ nằm trong cuốn sách vĩ đại giờ đã không còn nữa. Cũng có thể không phải như thế. Chúng ta chỉ có thể… băn khoăn.

Dù thế nào, tổng số cuối cùng những người chết là 3216. 13 người chết là nam giới.

*

Những câu chuyện làm tôi yêu văn chương ngay từ đâu là những chuyện kể đầy ắp những điều bất khả đẹp đẽ, những điều không có thực, nhưng chính vì không có thực mà nó nói được sự thật, thường còn đẹp đẽ hơn, đáng nhớ hơn những câu chuyện dựa vào sự thực. Những câu chuyện dường như cũng không chỉ xảy ra một lần. Chúng có thể xảy ra ngay lúc này. Hôm qua, hôm nay hay ngày mốt.

Những truyện ngụ ngôn loài vật – bao gồm cả những ngụ ngôn về con cá chết biết nói – là một trong những thể loại có sức sống dai dẳng nhất trong kho điển phạm phương Tây, và những truyện hay nhất trong số đó lại không giống với ngụ ngôn Aesop chẳng hạn, chúng dường như chẳng màng gì đến đạo lý. Không tìm cách rao giảng về sự khiêm hạ, tính nhún nhường, đức trung dung, lòng thật thà hay những phép kiêng khem. Nó không đảm bảo cho sự chiến thắng của đức hạnh. Hệ quả là, chúng gần gũi một cách đáng ngạc nhiên với các tự sự hiện đại. Những gã tồi đôi khi lại chiến thắng.

Một tuyển tập truyện ngụ ngôn cổ đại được biết đến ở Ấn Độ với tên gọi Panchatantra xoay quanh hai con chó sói biết nói: Karataka được xem là nhân vật tốt hơn, khá hơn con còn lại, Damanaka, một con chó lắm mưu mô. Mở đầu truyện, hai con chó phải hầu hạ vua sư tử, nhưng Damanaka vốn không ưa tình bạn của sư tử với một con vật được xem là cận thần trong triều đại sư tử – con bò, vì thế nó tìm cách lừa vua sư tử để sư tử tin rằng con bò kia chính là kẻ thù. Sư tử giết con thú vô tội trong khi hai con chó sói chứng kiến. Hết truyện.

Nhiều câu chuyện nhỏ mang tính luân lý của Aesop nói về chiến thắng của con rùa chậm chạp nhưng bền bỉ trước con thỏ tốc độ nhưng kiêu mạn, kể về sự ngu ngốc của việc kêu rống lên “có chó sói” khi chẳng có con soi nào cả, hay sự dại dột khi trót giết con ngỗng đẻ trứng vàng. Những câu chuyện ấy dường như quá đỗi trẻ con khi đặt bên cạnh câu chuyện man dại gợi nhớ đến phong cách phim của Quentin Tarantino này. Đã quá thừa mứa những phiên bản sáo mòn về một phương Đông thanh bình, huyền bí.

Bản thân là một người di dân, lúc nào tôi cũng bị hấp dẫn bởi sự di cư của các truyện kể và những truyện kể về chó sói này đã chu du sang Những đêm Ả Rập cả trong bản kể tiếng Ả Rập lẫn tiếng Ba Tư, trong đó, tên của hai con chó sói đã biến thành Kalila và Dimna. Chúng cũng bước vào văn chương Hebrew và Latin và cuối cùng, trở thành “Những ngụ ngôn của Bidpai” trong bản tiếng Anh và tiếng Pháp. Tuy nhiên, không như những truyện kể trong Những đêm Ả Rập, tập truyện này đã phai nhạt trong ý thức độc giả hiện đại, có lẽ bởi nó không quan tâm đến việc đưa đến những cái kết có hậu, điều khiến chúng ít sức hấp dẫn đối với Hãng Walt Disney.

Tuy nhiên, sức mạnh của chúng thì vẫn còn đó; tôi tin sức mạnh ấy vẫn còn bởi với tất cả những con quái vật và những phép màu nhiệm mà chúng chuyên chở, đó là những câu chuyện hoàn toàn chân thực về bản chất người (kể cả khi chúng được thể hiện trong hình tượng các loại vật được nhân hóa). Tất cả đời sống nhân sinh là đây, can đảm và đớn hèn, vinh dự và tủi nhục, thật thà và quỷ quái. Những câu chuyện này đặt ra những câu hỏi lớn nhất và dai dẳng nhất của văn chương: Những người bình thường chúng ta phản ứng như thế nào khi những cái phi thường, bất thường xảy đến trong đời sống của mình? Và chúng trả lời: Đôi khi chúng ta không phản ứng tốt lắm, nhưng cũng có đôi khi, ta tìm thấy nguồn lực ngay bên trong bản thân mà ta không biết mình sở hữu nó, và rồi ta vươn dậy, đối mặt với thách thức, chúng ta vượt qua được con quái vật, Beowulf giết Grendel và bà mẹ còn đáng sợ của Grendel, Cô bé quàng khăn đỏ giết chết con sói, Người Đẹp tìm thấy tình yêu bên trong con quái vật để rồi từ đó chàng không còn là quái vật nữa. Đó chính là phép màu nhiệm bình thường, phép màu nhiệm của con người, sự kỳ diệu đích thực của những câu chuyện kỳ ảo.

Những câu chuyện kỳ ảo đã nói với tôi rằng những cách tiếp cận đối với nghệ thuật kể chuyện rất đa dạng, những khả thể của nghệ thuật kể chuyện gần như vô hạn và chúng vui tươi. Cái kỳ ảo đã luôn là một cách bổ sung những chiều kích khác cho thực tại, những chiều thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy thay vì ba chiều thông thường; nó là một cách làm phong phú hơn và mãnh liệt hơn kinh nghiệm của chúng ta về cái thực, thay vì thoát ly khỏi nó để rơi vào trong lãnh địa huyễn tưởng của những siêu anh hùng-ma cà rồng.

Chỉ bằng việc cởi trói cho tính hư cấu của hư cấu, tính sáng tạo của tưởng tượng, bài ca mộng tưởng của giấc mơ trong chúng ta, chúng ta mới có thể hy vọng tiếp cận được cái mới và sáng tạo hư cấu, để nhấn mạnh một lần nữa, có thể thú vị hơn thực tế.

Cái thần kỳ không phải là thứ ngây thơ, cũng không phải là thứ mang tính thoát ly. Vương quốc của cái thần kỳ không phải nơi tị nạn, nó cũng không nhất thiết là một nơi chốn hấp dẫn, đáng yêu. Nó có thể – trên thực tế, nó thường là – một nơi chết chóc, bóc lột, đầy rẫy sự tàn ác và sợ hãi. Thuyền trưởng Cook muốn giết Peter Phan. Phù thủy trong Rừng Đen muốn ăn thịt Hansel và Gretel. Con chó sói thực ra đã ăn thịt bà của cô bé quàng khăn đỏ. Albus Dumbledore bị giết, và Chúa Nhẫn còn lên kế hoạch biến toàn bộ xứ Trung Địa thành nô lệ.

Chúng ta biết, khi nghe những câu chuyện này, rằng kể cả khi chúng “phi thực”, bởi những tấm thảm thì không thể bay và các bà phù thủy trong những ngôi nhà bánh mì gừng không tồn tại, thì chúng vẫn cứ “thực”, vì chúng nói về những điều có thực: tình yêu, niềm thù hận, nỗi sợ hãi, sức mạnh, lòng dũng cảm, sự hèn nhát, cái chết. Chỉ đơn giản là chúng đến với cái thực theo một con đường khác. Chúng rất thực, kể cả khi chúng ta biết rằng chúng không thực. Sự thật là thứ người ta đạt đến không chỉ bằng mỗi cách mô phỏng đơn thuần. Một hình ảnh có thể được nắm bắt bằng máy ảnh hay nhát cọ. Một bức tranh vẽ đêm đầy sao không kém chân thực hơn một bức ảnh chụp cảnh tượng ấy; nếu không muốn nói, khi người vẽ bức tranh ấy là Van Gogh, nó còn chân thực hơn nhiều, kẻ cả khi nó có vẻ ít “hiện thực” hơn.

Văn chương kỳ ảo – những câu chuyện thần diệu, những ngụ ngôn, truyện kể dân gian, tiểu thuyết hiện thực kỳ ảo – luôn hiện thân cho những sự thật sâu xa về loài người, những đặc điểm đẹp đẽ nhất thường gán cho con người và cả những định kiến sâu sắc nhất. Những câu chuyện kỳ ảo nói với chúng ta những sự thật về chính mình vốn thường không dễ chấp nhận; nó phơi bày sự mù quáng, khám phá những ẩn ức, đem những nỗi sợ hãi thẳm sâu trong ta ra ánh sáng. Những câu chuyện như thế, nói chung, không đơn giản để giải trí cho trẻ em và nhiều truyện trong đó vốn dĩ không chủ định dành cho trẻ. Thủy thủ Sinbad và Aladdin không phải là nhân vật của phim Disney khi họ bắt đầu hành trình của mình.

Tuy nhiên, đây lại là thời kỳ văn học thiếu nhi và dành cho tuổi mới lớn phát triển phong phú, Từ xứ sở được trong truyện tranh Ở nơi quỷ sứ giặc non của Maurice Sendak đến thế giới phi hiện thực hậu tôn giáo của Philip Pullman, từ xứ sở Narnia, nơi chúng ta chạm tới qua tủ quần áo, đến thế giới lạ lùng mà chúng ta đi đến qua trạm thu phí có ma, từ Hogwarts đến Trung Địa, vương quốc của cái kỳ ảo vẫn sống động và đầy sức hấp dẫn. Và trong nhiều cuộc phiêu lưu này, những đứa trẻ trở thành anh hùng thường để cứu vãn thế giới của người lớn; đó là những đứa trẻ mà chúng ta từng là, những đứa trẻ vẫn đang ở ngay trong chúng ta, những đứa trẻ hiểu về xứ sở kỳ diệu, hiểu sự thật về các câu chuyện, chúng cứu rỗi người lớn, những người đã lãng quên những sự thật này.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Salman Rushdie, “Ask Yourself Which Books You Truly Love”, https://www.nytimes.com/2021/05/24/opinion/sunday/salman-rushdie-world-literature.html

Nhật ký đọc sách: Bieguni – Những người không ngừng chuyển động (Olga Tokarczuk)

Thực lòng mà nói, cuốn tiểu thuyết này của Olga Tokarczuk – nhà văn Ba Lan được nhận giải Nobel Văn chương 2018 – không thuộc loại những cuốn sách mà tôi có cảm giác chúng được viết ra để dành cho mình, chúng đến đúng lúc vào một những thời điểm mà chỉ sự đọc mới thật sự kéo tôi ra khỏi những trì đọng hay khủng hoảng nội tâm. Nhưng đó cũng lại là cuốn sách tôi không thể dứt khỏi dù những ngày cuối năm, nhiều áp lực đổ dồn. Bieguni đặt ra quá nhiều thách thức đối với sự đọc của tôi. Vì lì lợm, và cũng vì cố gắng trung thực nhất với bản thân, tôi đã không muốn bỏ cuộc với nó. Tác phẩm của Olga Tokarczuk hỏi tôi: Thật ra thì anh đã biết đọc một tiểu thuyết chưa?

Chưa. Thật buồn là phải nói vậy. Cuốn sách phá vỡ trong tôi ít nhất ba ý niệm. Thứ nhất là tính chỉnh thể của kết cấu một tác phẩm văn học. Bieguni thách đố tôi tìm ra được mối liên kết nào giữa 116 phân mảnh của cuốn tiểu thuyết. Dù trước và sau khi đọc Bieguni, tôi đã biết tính phân mảnh là đặc trưng nổi bật nhất của nó, nhà văn từ chối tạo ra một hệ thống mạch lạc, một sự tính toán để xâu chuỗi lại những gì bị vỡ ra, nhưng tôi vẫn cho rằng dù vỡ đến đâu, dù lỏng đến đâu, vẫn phải có một lực nào đó để thống nhất toàn bộ những phiến đoạn này thành một thế giới nghệ thuật. Bieguni, theo tôi, cực đoan hơn cả Từ điển Khazars của Milorad Pavic hay Thế giới trong một ngày của Oliver Rolin vì cả hai cuốn tiểu thuyết này vẫn cố kết lại trong hình thức của một cái gì đó có ranh giới – một cuốn từ điển, một tờ báo. Bieguni làm người ta liên tưởng đến một một dòng sông chảy ra biển và từ đó, trước nó, chỉ có đường chân trời càng lúc càng xa. Đúng như tên gọi, đó là cuốn tiểu thuyết về trạng thái không ngừng chuyển động, không ngừng biến dịch, phi định hình. Thứ hai, nó thách thức tính tuyến tính của sự đọc, hiểu theo nghĩa đen. Tôi gần như phải tua đi tua lại nhiều đoạn, thay vì lật qua trang này sang trang khác. Vì gần như thiếu vắng một cốt truyện liên tục cùng lúc với sự chêm xen đủ các thể loại văn bản – truyện, tản văn, thông báo, suy tưởng triết lý, lúc nào tôi cũng có băn khoăn là liệu mình có bỏ sót một manh mối nào trước đó, liệu mình có nhận ra sự quay trở lại của một nhân vật, một biểu tượng hay một motif, liệu bỏ một phiến đoạn này hay xáo trộn trật tự của các phiến đoạn thì có điều gì thay đổi không? Sự đọc, vì thế, trở thành loay hoay, và rồi sau một thời gian, đó là cuốn tiểu thuyết trả tôi về với trạng thái nhẩn nha, chậm rãi – một khoái cảm mà theo Milan Kundera thời hiện đại tưởng như đã tước đi ở con người khi cuốn họ vào tốc độ ngày càng gia tăng của đời sống. Thứ ba, xác định người kể chuyện trong tiểu thuyết như thế nào? Nếu căn cứ vào những dấu hiệu trên bề mặt, ngay từ phiến đoạn đầu tiên, có vẻ như dễ xác định sự hiện diện của người kể chuyện ở ngôi thứ nhất. Nhưng rồi rất nhanh chóng, ta nhận ra còn một người kể chuyển ở ngôi thứ ba xuất hiện trong rất nhiều các phiến đoạn, và có vẻ như ngay cả người kể chuyện ở ngôi thứ nhất cũng không đồng chất ở các phiến đoạn khác nhau: khi u hoài, khi bỡn cợt, khi lý tính, khi mơ mộng. Người kể chuyện (dù ở ngôi nào) cũng không hoàn toàn nhìn thấy hết mọi thứ: ngay cả những đoạn dài hơi hơn thì dường như cũng từ chối sự cuối kết.

Tất cả những kỹ thuật phức tạp đó của tiểu thuyết, rốt cục, để làm gì? Có phải chăng là những tiểu thuyết lớn sẽ luôn thách thức các khái quát của lý thuyết tự sự và đó chính là phẩm chất đáng giá của chúng? Với sự bướng bỉnh của mình, tôi đã cố gắng thử tìm những mạch ngầm nào nối tất cả những mảnh rời này lại, tạo thành một kết cấu phản chiếu một nhãn quan độc đáo về thế giới của Olga Tokarczuk. Tôi chú ý đến sự tương phản gần như xuyên suốt cuốn tiểu thuyết khó nắm bắt này: giữa các hành trình, các cuộc di chuyển của mọi sự vật, hiện tượng, nhân vật và hình ảnh của các tiêu bản, các xác ướp, các hiện vật trong bảo tàng – tức là giữa trạng thái chuyển động, trạng thái duy nhất khiến con người có thể trốn tránh được cái xấu, cái ác và trạng thái buộc trở nên ngưng đọng, tĩnh tại, bị biến thành những phiên bản bị dẹt hóa, phẳng hóa của thực tại, của lịch sử, vì thế, trở nên đáng ngờ. Sự tương phản này, tôi nghĩ, là nhịp điệu thống nhất các phân mảnh của tiểu thuyết. Tôi nghĩ đến sự lặp lại của motif về một quyết định ngẫu nhiên, đột xuất, khiến các nhân vật rũ mình khỏi quỹ đạo của những gì đã trở thành thường lệ (tức bị tĩnh dần đi): một anh lái phà đột nhiên đưa hành khách của mình ra biển, thay vì cập bến như đã định; một người vợ đột nhiên mất tích, thoát khỏi mọi sự truy vết; một người vợ khác, một bà mẹ của đứa con tật nguyền, chịu đựng nhiều nỗi éo le, một ngày đột nhiên bỏ đi không đi mục đích để rồi sau đó trở về nhà, từ dưới nhìn lên ô cửa nhà mình với một chút lạ lẫm… Những bất thường ấy có thể điên rồ, vô nghĩa, không đi đến đâu dưới một nhãn quan trọng sự tĩnh tại, trọng những sắp đặt của đời thường nhưng không còn gì xa lạ hơn với tư duy tiểu thuyết là sự chấp nhận những gì đã trở nên tĩnh tại, sắp đặt, hóa thành thói quen ấy. Tôi chú ý đến sự lửng lơ, thiếu vắng kết luận như là một cách tạo không khí và tạo nhịp xuyên suốt cuốn tiểu thuyết này. Và ở phiến đoạn cuối cùng, tiểu thuyết của Olga Tokarczuk cũng lại kết thúc bằng sự chuyển dịch: “Lên máy bay”. Khác với Odysseus, sử thi Hy Lạp và đồng thời có thể xem là khởi nguồn của tiểu thuyết phương Tây, nơi mọi cuộc phiêu lưu cuối cùng chỉ có giá trị khi người ta trở về được nhà của mình, Bieguni kết thúc theo đúng tinh thần: Mục đích của mọi cuộc hành hương là một cuộc hành hương khác. Sự chuyển động khiến cho mọi thứ đều có thể ở trạng thái bắt đầu và đó có lẽ cũng là tinh thần của tiểu thuyết đã được khái quát bằng nhiều mệnh đề. Tiểu thuyết là cuộc lang thang, tinh thần của tiểu thuyết là tinh thần bất định, nó là thể loại của sự lên đường. Và điều kiện để “hãy đi xa hơn nữa” là sự giải lãnh thổ của các biên giới, các barrier… Bản thân tiểu thuyết của Tokarczuk là sự thực hành sự giải lãnh thổ này khi nó có thể là rất nhiều thứ đang vận động, triển diễn. Nó là một tác phẩm đa thể loại, không bị ràng buộc vào một hình thức định sẵn nào. Trừ một thứ – nó không muốn là một cuốn từ điển, thậm chí tiểu thuyết từ điển.

Trong cuốn tiểu thuyết này, đoản văn “Wikipedia” có thể xem như một minh triết. Một mặt, Olga Tokarczuk gọi đó là “dự án lương thiện nhất để tìm hiểu con người”, nơi cho ta thấy rõ thế giới trên thực tế là kết quả của những hiểu biết, là những kiến tạo diễn ngôn của con người. Nhưng như một nhà tiểu thuyết, bà ngờ vực bộ bách khoa toàn thư vĩ đại ấy có phải có sức chứa vô tận khi chúng chỉ có thể dung nạp những gì biểu đạt được bằng từ ngữ. Vì thế, theo bà, cần có một bộ sưu tập kiến thức khác, những gì chúng ta không biết, những gì mà ngôn ngữ chưa gọi tên được, những gì không bị thâu tóm bởi các phần mềm tìm kiếm dữ liệu tự động. Thiết nghĩ, tiểu thuyết là hình thức có thể đảm nhiệm được vai trò ấy khi cũng ở trong phiến đoạn cuối cùng, cùng với việc khởi động một chuyến bay mới, người kể chuyện thúc giục – “các bạn hãy mở nhật ký của mình ra và viết”. Và viết, thật ra, còn là một cuộc hành trình để ta nhìn vào chính chúng ta, chính cái vũ trụ bên trong ta, một mê cung, một cấu tạo tưởng rành mạch như một cuốn atlas nhưng hóa ra còn vô số bí ẩn. Viết, là đắm đuối đi vào sự bí ẩn, là cuộc thám hiểm bằng cái nhìn, nơi những thứ quen nhất cũng có thể trở nên lạ lẫm, nơi từ ngữ tránh mọi đường mòn giăng sẵn.

Tôi không biết tiếng Ba Lan nhưng tôi tin đây cuốn tiểu thuyết tôn vinh vẻ đẹp và sức mạnh của ngôn ngữ văn chương, một thứ ngôn ngữ không bày sẵn, không miêu tả để phá hủy sự vật mà làm con người thấy mọi thứ sống động, tươi mới. Trong chừng mực nhất định, tôi đã nghĩ, về tinh thần, Bieguni chính là một trường ca theo chủ nghĩa tượng trưng: bằng sự lôi cuốn của ngôn ngữ, nó bắt chúng ta cảm nhận thế giới mình đang sống không phải trong trạng thái an toàn, dễ hiểu, phẳng dẹt của các cuốn sách hướng dẫn du lịch mà trong sự chuyển động, thậm chí bấp bênh, lắm lúc chực chờ đổ vỡ, lắm lúc phún trào như nham thạch, lắm lúc nhẹ nhõm, khinh khoái, như thể chữ cũng bay được.

Eric Weiner – Triết học cho thời đại khủng hoảng

Eric Weiner là tác giả của những cuốn sách như The Geography of Genius (2016), The Socrates Express: In Search of Life Lessons from Dead Philosophers (2020)

Would Camus' Sisyphus want Basic Income? — Musing Mind

*

Nhờ cơn đại dịch và hậu quả về kinh tế mà nó gây ra, giờ đây tất cả chúng ta đều trở thành triết gia cả.  “Phương thuốc chậm” này, như cách người ta gọi triết học, chính là thứ mà chúng ta cần. Triết học ở đây không phải là một hình thức đăm chiêu siêu hình mà như là thứ mà người Hy Lạp cổ đại ban đầu đã hình dung: một thứ thuốc thực tế, có tác dụng trị liệu cho tâm hồn.

Triết học giúp chúng ta tháo gỡ những câu hỏi khúc mắc về đạo đức mà trận đại dịch này đặt ra, nhưng nó cũng có thể giúp chúng ta đáp lại những tình thế khó khăn vừa rất đỗi cá nhân mà đồng thời cũng hết sức cấp thiết. Làm thế nào để chịu đựng những gì không thể chịu đựng? Làm thế nào để tìm được sự chắc chắn trong một thế giới bất định? Triết học không đem đến những câu trả lời dễ dãi, nhưng nó định hình lại cách chúng ta đặt câu hỏi và điều chỉnh góc nhìn của chúng ta – một kỹ năng hữu ích trong những thời đại tốt đẹp và lại càng quý giá trong những thời đại tồi tệ.

Triết học vốn rất thân thuộc với những thời kỳ u ám. Nhiều nhà tư tưởng vĩ đại nhất trong lịch sử đã làm nên những công trình có ảnh hưởng dài lâu nhất trong những thời xảy ra bệnh dịch, kinh tế xuống dốc, xã hội loạn lạc. Công trình của họ là một thứ minh triết mang tính dự báo – và là thứ mà người ta có thể mang theo được. Không giống như thông tin hay công nghệ, minh triết chưa bao giờ là thứ lỗi thời. Những sự thấu thị của triết học giờ đây còn thích đáng hơn bao giờ.

Covid-19 đã giáng cấp loài người, đã bỏ neo chúng ta. Chẳng còn gì có thể chắc chắn nữa. Tốt, Socrates hẳn sẽ nói vậy. Nhà tử đạo đầu tiên, thần hộ mệnh của triết học phương Tây này chắc sẽ hiểu được tình thế khốn đốn của chúng ta bây giờ. Ông từng sống vào thời đế chế Athen suy thoái, mất đi địa vị một cường quốc, lao nhanh xuống dốc bởi những tham vọng phiêu lưu quân sự và sự hoành hành của dịch bệnh.

Thế nhưng Socrates lại nhìn thấy cơ hội trong chính thời đại bất ổn của ông. Ông níu những người Athen tôn kính, từ các thi sĩ đến các tướng lĩnh, để đặt câu hỏi cho họ và rồi sớm nhận ra họ chẳng phải là những kẻ hiền minh như họ cứ tưởng. Vị tướng không thể trả lời ông thế nào là can đảm; thi sĩ thì không định nghĩa được thơ là gì. Ở bất cứ chỗ nào mà ông đi quanh, ông đều gặp những người “không biết những gì họ không biết.”

Tương tự, việc phong tỏa (một phần hay toàn bộ) hiện nay buộc chúng ta phải ngừng lại và chất vấn những giả định đã hằn sâu đến nỗi chính ta cũng không biết là mình có chúng. Socrates nói, đấy chính là cách mà minh triết bắt rễ. Chúng ta khao khát quay về trạng thái “bình thường”, song chúng ta đã dừng lại để định nghĩa sự bình thường hay chưa? Chúng ta biết thời đại này đòi hỏi sự can đảm, nhưng lòng can đảm trông như thế nào? Và rồi chúng ta đã mở rộng quan niệm của mình về người anh hùng để ghi nhận không chỉ những bác sĩ, y tá mà còn cả những những nhân viên bán hàng thực phẩm và những nhân viên chuyển vận của Grubhub- một nền tảng phục vụ việc đặt và giao đồ ăn qua mạng. Tốt, Socrates sẽ bảo: Hãy chất vấn những thứ “đã được định sẵn” khác.

Vào thế kỷ XIX ở Mỹ, Henry David Thoreau đã thôi thúc thời đại đầy phiền nhiễu của mình khi đất nước của ông đang cận kề nội chiến để tìm kiếm cái đẹp trong sự bất toàn. Khi ngắm nhìn hồ Walden trong một chiều tháng Chín tĩnh lặng, ông để ý mặt nước bị làm vẩn bởi những lớp bụi trên bề mặt. Trong khi những người khác có thể chỉ thấy đó là những váng bẩn, Thoreau nhìn thấy một cái gì đó “thuần khiết và đẹp đẽ như những sự bất toàn trong gương.”

Ông quan sát Walden từ nhiều điểm nhìn khác nhau: từ đỉnh đồi, trên bờ hồ, dưới mặt nước, trong ánh ngày và dưới ánh trăng. Ông thậm chí còn cúi mình xuống, nhìn qua chân mình, ngạc nhiên khi phát hiện cái đẹp của cảnh quan lộn ngược. Nếu bạn không thể thay đổi thế giới, Thoreau đưa ra lời khuyên, hãy thay đổi cách bạn nhìn nó – kể cả điều này có nghĩa là phải tự vặn vẹo cái nhìn của mình. Các bảo tàng và nhà hát có thể đóng cửa song cái đẹp không bỏ trốn loài người. Nhìn ở đúng góc, Thoreau nói, “mọi trận bão và mọi hạt mưa trong bão đều là một dải cầu vồng.”

Michel de Montaigne là một chuyên gia vặn vẹo, chỉ có điều chính bản thân ông, chứ không phải những ao hồ, mới là thứ ông khao khát nhìn rõ hơn. Ông sống ở nước Pháp hồi thế kỷ XVI, khi cái chết lơ lửng trong không khí – “nó muốn siết lấy họng chúng tôi,” ông tả. Đại dịch đã giết chết một nửa dân số vùng Bordeaux, nơi ông giữ chức thị trưởng vào thập niên 1580. Nỗi đau khổ vì cái chết của người bạn thân nhất đã thôi thúc Montaigne leo ba tầng cầu thang ngoằn ngoèo lên tầng trên cùng của tòa tháp mái đỏ nằm trên một ngọn đồi cao đón gió, nơi ông viết những tiểu luận tuyệt vời. Từ nỗi đau khổ lớn, vẻ đẹp lớn trỗi dậy.

Một mình trong tòa tháp, Montaigne đã tự biệt lập bản thân với thế giới bên ngoài và theo một cách nào đó, ông tự gián cách với chính mình nữa. Ông lùi lại để nhìn mình sáng rõ hơn, như cách người ta lùi nửa bước trước một tấm gương. Ông hẳn sẽ khuyên ta làm tương tự: Hãy tận dụng trận đại dịch này như một cơ hội để nhìn thế giới và nhìn chính mình khác đi một chút. Thí dụ, có thể bạn luôn xem mình là một kẻ hướng ngoại nhưng thật ra bạn có thể tận hưởng tình trạng buộc phải cô đơn. Hãy chào đón phiên bản khác này của chính bạn, Montaigne thúc giục.

Chủ nghĩa khắc kỷ được sinh ra trong thảm họa – Zeno, người đặt nền tảng cho nó, đã lập nên trường phái tư tưởng này vào năm 301 sau Công nguyên, sau khi ông bị đắm tàu gần Atjhens – kể từ đó nó đã cung cấp lời khuyên để con người làm sao thích ứng được với nghịch cảnh. Không có gì ngạc nhiên khi nó đang tận hưởng sự hồi sinh ngay trước đại dịch này.

Triết học khắc kỷ được tóm lược một cách cô đọng bởi Epictetus, một người vốn xuất thân nô lên sau đó trở thành thầy giáo: “Cái làm con người khổ sở không phải là bản thân các sự việc mà cách họ phán xét về các sự việc.” Thay đổi thứ bạn có thể thay đổi, chấp nhận những gì bạn không thể, đó là công thức về sau này được Tổ chức tương trợ lẫn nhau giữa những người nghiện rượu – Alcoholics Anonymous và những người bán rong áo T-shirt giỏi nắm bắt xu hướng đón nhận.

Một nhà khắc kỷ tốt sẽ chuẩn bị cho đại dịch bằng việc thực hành premeditatio malorum, hay “chuẩn bị trước cho tình thế nghịch cảnh.” Hãy hình dung một cảnh tượng tồi tệ nhất, thượng nghị sĩ La Mã kiêm triết gia khắc kỷ Seneca đã khuyên vậy, “và hãy tập dượt trong tâm trí: lưu đày, tra tấn, chiến tranh, đắm tàu.” Danh sách của một nhà khắc kỷ thời hiện đại đưa ra có thể khác một chút – một đứa trẻ đang gào khóc, đống hóa đơn chưa thanh toán, một cơn sốt rã rời – nhưng ý tưởng thì tương tự. Bằng việc suy tư về tai họa, chúng ta làm cho những khổ nhọc trong tương lai mất đi khả năng hăm dọa của nó và biết trân trọng những gì ta đang có bây giờ. Nghịch cảnh khi được dự cảm trước là nghịch cảnh bị giảm thiểu.

Albert Camus đã nếm trải quá đủ nghịch cảnh: lớn lên trong nghèo khó ở Algeria, trải qua một cuộc chiến tranh thế giới, và sau này, lại có những xung đột trí thức với những triết gia từng là bạn bè của mình, trước khi tử nạn trong một tai nạn ô tô vào năm 1960 khi 46 tuổi. Camus là triết gia lý tưởng cho thời đại dịch, dù không phải vì những lý do người ta hay nghĩ đến. Không phải tiểu thuyết thường được dẫn ra của ông – Dịch hạch – mới đưa ra kiến giải đầy đủ nhất về tình thế khó khăn của chúng ta mà là tiểu luận ít được biết đến hơn của ông – “Huyền thoại Sisyphus”. Tiểu luận xoay quanh một hình tượng buồn bã bắt nguồn từ thần thoại Hy Lạp, một kẻ bị các thần linh kết án phải lăn một tảng đá nặng nề lên đồi để rồi chỉ để nhìn thấy nó lại lăn xuống, cứ thế, cứ thế mãi.

Trận đại dịch lần này đã cười khẩy vào tất cả những kế hoạch lớn của chúng ta. Nào lễ tốt nghiệp, đám cưới, triển vọng nghề nghiệp- đùng một cái, mọi thứ lăn xuống đồi như tảng đá của Sisyphus. Tuy nhiên, chúng ta nhất định phải nhẫn nại, Camus nói. Nhiệm vụ của con người, ông bảo, không phải là tìm hiểu ý nghĩa của các thảm họa như Covid-19 (bởi chẳng có ý nghĩa nào cả) mà là phải “tưởng tượng rằng Sisyphus hạnh phúc.” Làm thế nào ư? Hãy sở hữu một tảng đá của riêng mình. Bằng việc quăng mình vào nhiệm vụ, bất chấp tính vô ích của nó, vì chính tính vô ích của nó. “Định mệnh của Sisyphus thuộc về chính ông,” Camus viết. “Tảng đá chính là thứ thuộc về ông.”

Bạn có đang dấn mình vào dự án tưởng chứng vô vọng, một luận án hay một chiến lược tiếp thị, bị đình trệ mãi mãi, gặp trở ngại bởi những biến cố khôn lường? Tốt, hẳn Camus sẽ nói với bạn, rằng bạn vừa bắt đầu hiểu được sự phi lý của cuộc đời. Hãy quan tâm đến sự cố gắng, chứ không phải kết quả, bạn sẽ ngủ ngon hơn. Đơn thuốc của ông chính là thách thức của chúng ta trong thời đại Covid-19: hãy nhìn chăm chú xuống tính phi lý của tình thế khốn khó của chúng ta, nhưng hãy bướng bỉnh kiên trì thay vì nhượng bộ cho niềm tuyệt vọng. Như một triết gia chân chính.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Eric Weiner, “Philosophy for a Time of Crisis”, https://www.wsj.com/articles/philosophy-for-a-time-of-crisis-11598543519?mod=e2fb&fbclid=IwAR1lQq32140x5PBj07rkhCzP7Xx7YZvMzFKqtMoIHQh09H2fkr0M1qc0RgI

Nhật ký đọc sách – The Novel and the Sea (Tiểu thuyết và biển khơi), Margaret Cohen

Bài viết dưới đây thực chất là bài thuyết trình cho buổi seminar “Những vấn đề về thể loại văn học” tại bộ môn Lý luận văn học, Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội ngày 28-06 vừa rồi. Cuốn sách tôi đọc đã lâu và nhân dịp này thì giới thiệu với thầy cô và các bạn học viên cao học về một phương pháp nghiên cứu thể loại văn học theo phương pháp của chủ nghĩa tân duy sử và chủ nghĩa duy vật văn hóa. Vì là chuẩn bị cho bài nói nên tôi sử dụng lối diễn đạt khá tự do, kết hợp diễn giải, tổng thuật và dịch lược các luận điểm trong cuốn sách này. Tôi cũng muốn từ nay sẽ làm công việc này – lược thuật những tài liệu học thuật mình đã đọc mà chưa thể dịch toàn văn trên blog này như một cách chia sẻ. Phương pháp đọc của tôi là từ những gì mình nắm được, tôi sẽ tự đặt cho mình câu hỏi: vậy mình còn có thể nghĩ tiếp được gì sau khi đọc tài liệu ấy? Những suy nghĩ của tôi nhiều khi chỉ là ở dạng manh nha, chưa kiểm chứng nhưng tôi cũng xin trình bày để mong có thể nhận được sự góp ý, đối thoại và gợi mở khác. Biết đâu những ý tưởng này sẽ đi xa hơn…

800px-Storm_over_the_Black_Sea_by_Aivazovsky,_1893

*

Chuyên luận The Novel and the Sea (Tiểu thuyết và Biển khơi, 2010)[1] của Margaret Cohen, giáo sư văn chương Anh – Pháp tại Đại học Stanford đã gặt hái nhiều giải thưởng học thuật quan trọng như giải Louis R. Gottschalk Prize của Hiệp hội Nghiên cứu thế kỷ XVIII (Mỹ), giải George and Barbara Perkins Prize của Tổ chức quốc tế nghiên cứu về tự sự, giải Harry Levin của Hiệp hội Nghiên cứu Văn học so sánh (ACLA). Đối tượng nghiên cứu trọng tâm của chuyên luận này là các tiểu thuyết phiêu lưu trên đường biển với nhân vật chính là những người đi biển trong văn học phương Tây từ thời hiện đại sơ kỳ cho đến đầu thế kỷ XX. Nhưng Cohen đồng thời cũng mở rộng vùng khảo sát sang các tác phẩm văn chương lấy bối cảnh biển khơi nhưng vắng bóng những nhân vật đi biển hay các tự sự trong văn học và điện ảnh tiếp nối thể loại này trong thế kỷ XX-XXI, thí dụ như series phim Cướp biển Caribbean với diễn xuất của Johnny Depp.

Đương nhiên, điển phạm quan trọng nhất của dòng tiểu thuyết phiêu lưu trên biển là Robison Crusoe của Daniel Defoe (1660-1731) mà phải đến gần đây ở Việt Nam mới có bản dịch trọn vẹn. Tuy nhiên, là một công trình nghiên cứu lịch sử thể loại, Cohen muốn truy nguyên phả hệ của dòng tiểu thuyết này, theo đó, nguyên mẫu văn chương của Crusoe chính là Ulysses trong sử thi của Homer. Ulysses, một mặt, là nhân vật vừa khuôn với thế giới sử thi, nhưng mặt khác, cũng chính ở người anh hùng này đã manh nha những trạng thái tinh thần của con người trong thế giới hiện đại, nơi tiểu thuyết thế chỗ cho sử thi, ví dụ như niềm nhớ nhà của nhân vật hay lăng kính thực dụng mang màu sắc kinh tế khi quan sát thế giới ở Ulysses. Những hậu duệ của Ulysses, theo đó, rất phong phú: họ hiện diện trong nhiều tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt của Robert Louis Stevenson, Jules Verne, Herman Melville, Joseph Conrad…

Không gian đặc thù của dòng tiểu thuyết này đòi hỏi nhân vật của nó cũng phải có những phẩm chất đặc thù. Phẩm chất ấy, theo phân tích của Cohen, chính là nét ưu việt của con người thời hiện đại – năng lực lý tính thực hành (practical reason). Năng lực ấy được thể hiện ở việc nhân vật có thể sử dụng lý tính, cảm xúc, trực giác, cơ thể để đối phó với một không gian rộng lớn, rợn ngợp, bí ẩn và đầy bất trắc. Bà nhận xét: “Trong khi với Lukacs và các nhà tư tưởng Trường phái Frankfurt, vũ trụ bị giải mê bão hòa trong nỗi muộn sầu, nếu không muốn nói là tuyệt vọng thì ở các tiểu thuyết phiêu lưu trên biển, sự giải mê này, dù đau đớn, đã nhường chỗ cho cơ hội. Không còn bị cột neo lại với quyền uy cũng như sự trợ giúp của thần thánh, những nhân vật trong tiểu thuyết phiêu lưu trên biển chứng minh rằng chỉ bằng năng lực hành động của mình, họ có thể vượt qua những chướng ngại thách thức bản thân từ một thế giới mình chưa biết nhiều về nó, một thế giới rộng mở, hỗn loạn, bạo lực dù đôi khi cũng toát lên vẻ đẹp phi thường.” (trang 3). Nghiên cứu của Cohen đề nghị cần phải xem lại tầm quan trọng văn hóa của cốt truyện phiêu lưu trong tiểu thuyết vốn bị nhiều học giả xem nhẹ, ngoại trừ Bakhtin. Bakhtin lập luận rằng tiểu thuyết phiêu lưu ràng buộc nhân vật trung tâm của nó vào các mối hiểm nguy để kiểm tra và từ đó khẳng định bản sắc của mình – một bản sắc thể hiện các giá trị cơ bản của một nền văn hóa. Theo Bakhtin thì trong số các giá trị đòi hỏi bị kiểm nghiệm trong suốt lịch sử của các hình thức phiêu lưu, nổi bật lên là những hình thức đa dạng của lý tính thực hành, bao gồm trí xảo của Ulysses, đức hạnh của hiệp sĩ trong các romance thời trung cổ và sự láu cá bình dân trong văn chương picaro thời sơ kỳ hiện đại.

Theo quan sát của tôi, phương pháp nghiên cứu thể loại của Cohen trong cuốn sách này đi theo đường hướng của thuyết tân sử luận và chủ nghĩa duy vật văn hóa. Theo đường hướng này, tiểu thuyết không chỉ là sản phẩm của lịch sử mà còn tham gia kiến tạo nên lịch sử; đời sống của các thể loại văn chương cần phải được nhìn nhận trong mối tương liên với các thể loại phi văn chương, với các hoạt động sản xuất văn hóa cả vật chất lẫn tinh thần của thời đại. Vận mệnh của tiểu thuyết phiêu lưu trên biển gắn bó chặt chẽ với sự phát triển của lịch sử hàng hải phương Tây. Những cuộc hải hành khám phá các miền đất mới gắn với những tên tuổi lẫy lừng như Vasco da Gama hay Christopher Columbus là sự kiện góp phần đưa phương Tây vào thời kỳ tư bản chủ nghĩa và vươn lên thành những đế quốc. Biển cả trở thành không gian thúc đẩy và cạnh tranh khoa học và kỹ thuật. Các chính quyền và các công ti phương Tây bị hấp dẫn bởi sự giàu có mà giao thương hàng hải đem lại đã đầu tư nguồn lực lớn cho các cuộc hải hành, công nghệ đóng tàu, các nghiên cứu về khoa học hàng hải, địa lý… Tất cả những điều này liên quan mật thiết đến tinh thần của chủ nghĩa anh hùng trong tiểu thuyết phiêu lưu trên biển. Cohen có lẽ không phản đối cách người ta xếp dòng tiểu thuyết này vào khung thể loại romance vốn thịnh hành ở thời kỳ tiền hiện đại với cốt truyện nhân vật kiểm nghiệm lý tính thực hành của bản thân khi đương đầu với các thế lực siêu nhiên. Nhưng theo bà, thì nếu gọi tiểu thuyết phiêu lưu trên biển là romance thì đó là một thể loại romance rất đỗi thế tục – romance của những con người lao động, romance về những thực hành của con người.

Sức hấp dẫn của những anh hùng trên biển này là gì? Nếu biết rằng cho đến tận năm 1759, con người vẫn chưa có công cụ nào để xác định chính xác kinh tuyến, thì toàn bộ sự an toàn của hải trình phụ thuộc rất lớn vào kinh nghiệm của thủy thủ. Các kinh nghiệm và nếm trải thực tế của nghề đi biển này – thứ mà Joseph Conrad gọi là “craft” – theo Cohen, chính là những chất liệu gây sự tò mò của công chúng đương thời. Cohen đã phân tích mối liên hệ giữa sự hình thành và phát triển của tiểu thuyết phiêu lưu trên biển với sự lớn mạnh của công nghệ in ấn, sự nở rộ của các loại sách vở ghi chép về công việc đi biển, từ các sách hướng dẫn, cẩm nang dành cho dân đi biển, các chỉ dẫn của hoa tiêu, các atlas về biển cho đến những câu chuyện được truyền tụng về các thuyền trưởng và cả những tên cướp biển. Loại tiểu thuyết này, do vậy, đầy ắp những tri thức thu hút mối quan tâm của dân trong nghề, các thương gia, các chính trị gia, các nhà khoa học và nhất là những “thủy thủ trên ghế bành”, tức công chúng bình dân có hứng thú với những câu chuyện về nghề đi biển. Nghiên cứu của Cohen củng cố thêm nhận thức về chức năng của tiểu thuyết. Theo đó, nó là kho lưu trữ các tri thức lịch sử, nó “dạy” con người ta cách con người ta hình dung thế giới và định hình lối sống như thế nào. Vì thế, nó xứng đáng trở thành chất liệu để các nhà tân duy sử khảo cổ.

Tiểu thuyết phiêu lưu trên biển không chỉ hấp thu các tri thức từ các tư liệu phi văn học, phi hư cấu này, đưa nó vào nội dung mà còn coi đó là các thể loại nguồn để từ đó phát triển các mô hình tự sự. Trường hợp kinh điển chính là Robison Crusoe. Cohen đã dành chương 2 của chuyên luận này để chứng minh Defoe đã xây dựng tiểu thuyết này trên nền tảng lối trần thuật (episode) của một thể loại văn chương về hải hành phi hư cấu vốn ăn khác – lối trần thuật về những “sự cố khác thường” (remarkable occurrence) vốn rất đặc trưng trong các nhật ký hàng hải thời kỳ đó. Trong các nhật kỳ hàng hải, các “sự cố khác thường” có thể được hiểu như một “hạng mục” mà các thủy thủ ghi lại bất kỳ những sự biến không bình thường xảy ra trong hải trình, đặc biệt là những mối nguy hiểm đặc biệt và những phương cách mà họ đã huy động để đối phó và sinh tồn. Khi các tác giả kiêm thủy thủ này biên soạn lại những ghi chép của họ và công bố cho công chúng (gồm cả những dân chuyên nghiệp và độc giả đại chúng), những chuyện kể về những nguy hiểm trong hải trình này gây được hứng thú lớn: chúng vừa cung cấp những tri thức kinh nghiệm, vừa có tính giải trí bởi sự ly kỳ của chúng. Nhưng Defoe đồng thòi đã tạo ra những thay đổi lớn quan trọng về hình thức của lối kể chuyện này: ông khắc phục sự rườm rà, sa đà vào những mô tả liệt kê các nguy hiểm. Defoe, như Cohen phân tích, đã kịch tính hóa việc tìm kiếm giải pháp như một phần của hành động, bao gồm cả những sai lầm và thành công. Nguy hiểm và cách xử lý gắn chặt với nhau trong mối quan hệ nhân quả: vấn đề nảy sinh kéo theo giải pháp sau đó, rồi lại xuất hiện vấn đề mới, cứ như thế. Cuối cùng thì Defoe thống nhất các vấn đề và giải pháp theo một hành động hay một mối quan tâm đơn nhất – làm thế nào để làm một cái bè, săn một con dê, đối phố thế nào với đám ăn thịt người, v.v… Kết quả là cuốn tiểu thuyết có một cốt truyện vận hành trơn tru được cấu thành bởi một chuỗi mặt xích vấn đề – giải pháp. Với sự cách tân này, Defoe đã tạo ra một kiểu cốt truyện khiến ngay cả người đọc cũng được khoái cảm “tập thể dục” cho trí tuệ của mình: vận dụng các thông tin mình có được từ trong hay ngoài tiểu thuyết để suy luận, phán đoán.

Từ Robison Crusoe, tiểu thuyết phiêu lưu trên biển bắt đầu cuộc phiêu lưu của mình qua thời gian và không gian. Đời sống của dòng tiểu thuyết này có thăng có trầm, có sự chuyển hóa, thí dụ, nhưng dòng tiểu thuyết bợm nghịch (picaresque) trên đường biển. Có lúc sự thắng thế của văn chương phi hư cấu gắn liền với các cuộc khám phá Thái Bình Dương của các thuyền trưởng nổi tiếng như Cook, Anson, Bougainville, La Pérouse khiến cho dòng tiểu thuyết này chìm lắng xuống (giai đoạn 1724-1824). Cũng có khoảnh khắc dòng tiểu thuyết này tạo được điển phạm mới. Đó là trường hợp cuốn tiểu thuyết The Pilot (Hoa tiêu, 1824) của James Fenimore Cooper. Theo bình luận của Cohen, Cooper có tham vọng cạnh tranh với Walter Scott khi viết cuốn tiểu thuyết này, theo đó, tiểu thuyết phiêu lưu trên biển mang màu sắc lịch sử gắn liền với bối cảnh hậu thuộc địa của nước Mỹ. Việc đem chiều kích lịch sử dân tộc vào trong tiểu thuyết phiêu lưu trên biển không chỉ liên quan đến kinh nghiệm thực tế của Cooper –  người từng làm thủy thủ trên tàu buôn và gia nhập hải quân Hoa Kỳ – mà còn gắn liền với sự trỗi dậy của “chủ nghĩa dân tộc hàng hải” (“maritime nationalism”) của nước Mỹ ở thời đại ấy. Mối liên hệ giữa tiểu thuyết và sự hình thành ý thức về chủ nghĩa dân tộc là điều đã Benedict Anderson chỉ ra và ở đây Cohen góp thêm một dẫn chứng thú vị.

Từ Mỹ, cuốn tiểu thuyết của Cooper thật sự có đời sống du hành khi nó quay về châu Âu đại lục, được các nhà văn ở đó đón nhận. Một trong những tác giả tiếp thu ảnh hưởng từ Cooper là Eugène Sue. Là người giới thiệu tiểu thuyết này cho công chúng Pháp, Sue không giấu giếm chủ đích muốn làm sống lại thanh thế của hải quân Pháp vốn xuống dốc sau những thất bại trong các cuộc hải chiến của Napoleon. Tuy nhiên, trong khi mục đích gợi nhớ hào quang quá khứ không thật sự thành công thì Sue lại làm được điều cực kỳ có ý nghĩa đối với sự phát triển của tiểu thuyết nói chung. Ông đã học tập được các kỹ thuật miêu tả của Cooper nhưng thay vì áp dụng vào việc miêu tả công việc hàng hải, ông dùng chúng để vẽ bức tranh xã hội Pháp, xây dựng hình tượng những con người siêu vượt các luật lệ xã hội – những hình tượng sẽ gợi cảm hứng cho Balzac sáng tạo nên nhân vật Vautrin trong bộ Tấn trò đời hay Alexander Dumas với nhân vật Bá tước Monte Cristo trong tiểu thuyết cùng tên.

Cuối thế kỷ thứ XIX, khi ngành hàng hải phương Tây có những tiến bộ vượt bậc, các công việc lao động trên biển được chuẩn hóa, biến thành thủ tục quen thuộc (routinization), các kỹ thuật định vị trở nên chính xác hơn, bản đồ đại dương của thế giới cũng được lấp đầy, và đặc biệt là sự ra đời tàu chạy bằng hơi nước, tiểu thuyết phiêu lưu trên biển mà trước đó chú mục vào các kinh nghiệm trong nghề có xu hướng trở nên hết thời. Hoặc đúng hơn, nó lại trải qua một quá trình chuyển hóa với các tiểu thuyết Herman Melville, Victor Hugo, Joseph Conrad. Những nhà văn này đã thay thế sự kỳ thú của những chuyến hải hành vượt trùng dương bằng một cuộc phiêu lưu trong một đại dương mịt mùng, vẫn còn chưa được thám hiểm: đại dương của ngôn từ và tư tưởng.  Ở một cực khác là hướng đi của Jules Verne, người đưa mô hình tiểu thuyết phiêu lưu từ không gian trên biển sang những lãnh địa mà khoa học và công nghệ thời ấy chưa chạm tới như đáy biển hay mặt trang, tạo nên một thể loại mới – tiểu thuyết phiêu lưu khoa học viễn tưởng. Một số hướng đi khác là tiểu thuyết trinh thám và gián điệp lấy bối cảnh biển như Joseph Conrad với The Secret Agent (1907), Erskine Childers với The Riddle of the Sand (1902).

Vậy tiểu thuyết phiêu lưu trên biển có thật sự là một thể loại chết hẳn trong thế kỷ XX – XXI? Theo Cohen, cho dù nó đã biến dạng thành các thể loại khác thì tiểu thuyết lấy bối cảnh biển cả vẫn còn sống đến hôm nay. Hạt nhân nòng cốt của nó – những kinh nghiệm xoay xở trong lao động trên biển – trong quan sát của tác giả chuyên luận này – đã có sự chuyển di sang những thể loại tự sự khác, nơi con người phải đối mặt với một thế giới ngày càng trở nên trừu tượng và chuyên biệt, chịu sự chi phối những thế lực xã hội và công nghệ vượt ra khỏi khả năng kiểm soát và hiểu biết của một cá nhân. Chỉ cần liên hệ đến những bộ phim khoa học viễn tưởng có tính chất thriller nơi con người đương đầu với những tình thế xảy ra bên ngoài vũ trụ như Gravity (2013), The Martian (2015), Ad Astra (2019), có thể thấy tiểu thuyết phiêu lưu trên biển đã có những hậu duệ mới của mình. Cho dù thay thế cho đại dương mênh mông lúc này là không gian vũ trụ vô tận.

Cùng với việc vẽ ra một lịch sử thăng trầm với những khoảnh khắc chuyển hóa của tiểu thuyết phiêu lưu trên biển, cuốn sách của Cohen còn thách thức một số luận điểm quan trọng về lý luận tiểu thuyết. Trước hết, tiểu thuyết phiêu lưu trên biển không tương ứng với nhiều mô tả chủ đạo về sự trỗi dậy của tiểu thuyết, cho dù chúng hình thành và phát triển cùng thời điểm. Loại tiểu thuyết này mô tả hành động hơn tâm lý, cấu trúc theo chương đoạn, tiêu chí đánh giá độ tin cậy thể hiện ở sự trình diễn (performance) hơn là tính mô phỏng (mimesis). Nó đề cao thứ chủ nghĩa anh hùng gắn liền với kỹ năng lao động thay cho ái tình và giáo dục, nó tôn vinh cộng đồng của những người (đàn ông) lao động, đấu tranh để sinh tồn thay vì những cộng đồng của những nhóm riêng tư kết giao với nhau, thường gắn với đàn bà, được định hình bởi đam mê, đức hạnh và thị hiếu. Nếu đạo đức được nói đến trong tiểu thuyết phiêu lưu trên biển thì đó là thứ đến sau còn động cơ chi phối các nhân vật thì trải từ sự sinh tồn, quyền lực, tài chính, tri thức hay niềm đam mê li kỳ đối với cái mới. Thay vì làm nổi bật đến phẩm cách công dân hay tinh thần của chủ nghĩa tự do (liberal freedom), cái mà ta thấy nổi bật ở tiểu thuyết phiêu lưu trên biển là thứ tự do dịch chuyển/ lưu thông (movement) ngoài phạm vi luân lý tương ứng với ý niệm pháp lý về “tự do biển cả”. Biển khơi, đảo hoang là môi trường thay thế cho các phòng khách, quán rượu, đường phố nơi thành thị. Trong khi góp phần kiến tạo hình ảnh dân tộc như một cộng đồng tưởng tưởng, loại tiểu thuyết này vẫn cứ để mắt đến chân trời toàn cầu. Thay vì là lực hướng tâm với cốt truyện hướng về đất mẹ (metropolis) và mang tính chất “đóng”, loại tiểu thuyết này lại là một vận động ly tâm, đẩy mình đến mép rìa mấp mô nhất của cõi đã biết, hướng đến một thế giới xa hơn cõi đã biết ấy, hứa hẹn những câu chuyện còn li kỳ hơn trong những cuộc phiêu lưu mới nào đó.

Nếu sự trỗi dậy của tiểu thuyết gắn liền với động hướng của văn chương chuyên chú vào cái đời thường thì ở đây có một nghịch lý, tiểu thuyết có vẻ ít quan tâm đến sự làm việc (work), dù đó là một khía cạnh quan trọng của hoạt động đời thường. Theo học giả Elaine Scarry mà Cohen có dẫn trong sách, thì sự làm việc thực ra rất khó tái trình hiện. Một nguyên nhân chính là làm việc là một hoạt động dường như mang tính vĩnh viễn, lặp lại, biến thành thói quen. Trong khi đó, những cột mốc của tiểu thuyết hiện đại lại thường gắn liền với những nhân vật nhàn rỗi, mộng mơ, ham suy tư, đi lang thang nhiều hơn. Cohen cho rằng tiểu thuyết phiêu lưu trên biển rõ ràng là đi ngược lại với những mô tả về đặc trưng tiểu thuyết hiện đại khi hứng thú lớn nhất của thể loại này là công việc (craft). Cách các nhân vật phải làm việc, tìm cách xoay sở, trổ tài tháo vát để sinh tồn, kiếm thức ăn, tìm nơi trú ẩn – nói khác đi, họ phải thể hiện năng lực lý tính thực hành của mình ở bên rìa, bên lề của cái thế giới đã biết (đảo hoang trong Robinson Crusoe là kiểu không gian bên rìa, bên lề ấy).

Nhìn vào phương diện này, tiểu thuyết phiêu lưu trên biển hóa ra có những điểm tương đồng với thể loại tưởng như đối lập với nó – tiểu thuyết trong nhà (domestic novel). Nếu như tiểu thuyết trên biển phô diễn chủ nghĩa anh hùng nam tính bộc lộ qua công việc trên tàu, trên đảo, ở không gian bên rìa, bên lề của thế giới đã biết, thì tiểu thuyết trong nhà cũng xoay quanh các công việc lao động của phái nữ mà qua đó họ thể hiện tính chủ thể của mình, thí dụ như công việc may vá trong tiểu thuyết Jane Eyre của Charlotte Brontes. Hơn nữa, con đường hình thành và phát triển của tiểu thuyết trong nhà cũng dựa trên nhiều thể loại phi văn học, phi hư cấu gắn liền với phái nữ như thư từ, nhật ký, ghi chép của quản gia…

Chuyên luận của Cohen đề nghị cần xem xét lại những mô tả chủ đạo về sự trỗi dậy của tiểu thuyết, trong đó, cần phải nhìn nhận xứng đáng vị trí của tiểu thuyết phiêu lưu trên biển nói riêng và cốt truyện phiêu lưu nói chung. Xét đến cùng, một chủ đề quan trọng trong tiểu thuyết hiện đại là sự chinh phục địa vị xã hội cũng có thể xem là một dạng phiêu lưu. Công trình này thúc đẩy sự thay đổi một định kiến phổ biến rằng các quá trình và sự kiện xác định nên tiểu thuyết hiện đại chủ yếu chỉ xảy ra trên đất liền. Sự thờ ơ của các học giả tiểu thuyết đối với thế giới hàng hải trên thực tế đã làm cho những mô tả về lịch sử thể loại này bỏ khuyết nhiều khía cạnh phức tạp và thú vị. Còn hơn cả một công trình nghiên cứu văn học sử có tính phục dựng lại diện mạo và xác định lại vị thế của một dòng mạch tiểu thuyết, chuyên luận của Cohen còn mang tính thời sự cấp thiết khi biển khơi lại trở thành những địa điểm địa chính trị phát sinh nhiều xung đột.

Chuyên luận này của Cohen, với cá nhân tôi, gợi ra những chủ điểm gì để nghĩ tiếp, ít nhất với thực tiễn văn học Việt Nam? Trước hết, tôi đọc chuyên luận này như một tự sự – nó vừa hàn lâm, nhưng đồng thời cũng vừa lôi cuốn giống như đọc tiểu thuyết về đường đời của một nhân vật. Cách nghiên cứu lịch sử thể loại như một phả hệ và được đặt trong mối liên hệ với bối cảnh xã hội, chính trị, khoa học, các văn bản phi văn học… Điều này khiến việc nghiên cứu thể loại thoát ra khỏi khung cấu trúc luận và có sự gắn kết với nhiều trào lưu lý thuyết đương đại năng động khác như thuyết nữ quyền, phê bình hậu thực dân, phê bình chủng tộc. Thứ hai, nó khiến tôi muốn đặt lại câu hỏi về cách bấy lâu nay chúng ta nghiên cứu về sự trỗi dậy của tiểu thuyết hiện đại ở Việt Nam. Trong khi chúng ta vẫn đang quan niệm Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách xứng đáng là cột mốc đầu tiên của tiểu thuyết Việt Nam thì phải chăng chúng ta đã không nhìn ra những khả thể lịch sử khác của thể loại này? Các tiểu thuyết có cốt truyện phiêu lưu trong văn chương quốc ngữ Nam Bộ trước đó liệu không tiềm tàng những yếu tố mang tính hiện đại nào?

Có lẽ gợi mở lớn nhất khi đọc chuyên luận này là câu hỏi có hay không dòng tiểu thuyết biển cả ở Việt Nam – một đất nước có đường bờ biển dài 3000km? Trong những tự sự về biển ở Việt Nam, không gian này vốn được hình dung như thế nào? Truyền thống bám vào đất liền của dân tộc Việt Nam phải chăng khiến các tự sự về biển trở thành các hiện tượng ngoại vi? Nếu nhớ rằng trong cuộc chiến Việt Nam, có cả một đường mòn Hồ Chí Minh trên biển và đặc biệt là hành trình vượt biển của người Việt Nam sau biến cố 1975 thì quả thật tự sự về biển trong văn học Việt Nam cũng có nhiều khía cạnh phức tạp, chẳng hạn như tính chất chấn thương? Và nếu xa hơn nữa, trong truyện thơ Khảm Hải của người Tày-Nùng, trong sử thi của người Chăm, những hình dung về biển của họ có khác gì với các tự sự của người Kinh? Nghiên cứu các tự sự về biển gắn liền các tưởng tượng của các tộc người (ethnic) cũng là một đề tài hấp dẫn.

Và đương nhiên, một khi có tiểu thuyết biển thì cũng sẽ có tiểu thuyết rừng, tiểu thuyết núi đồi… Chỉ có điều chúng ta phải bắt đầu xây dựng những khung làm việc mới và phải bắt đầu khảo cổ các tư liệu theo những con đường khác.

27-06-2020

TRẦN NGỌC HIẾU

(Vì đây chỉ là draft, không phải là văn bản chính thức nên mong các bạn nếu cần trích dẫn thì nên trao đổi lại với tôi).

_________________________________________________________

[1] Margaret Cohen, The Novel and The Sea, Princeton University Press, 2013.