Tag Archives: lý thuyết phê bình

Tự sự học sinh thái: Động hướng, triển vọng và thể nghiệm

1. Những động hướng

Tự sự học sinh thái là một nhánh mới phát triển của tự sự học hậu kinh điển. Thuật ngữ này chính thức được đề xuất trong chuyên luận của Erin James xuất bản năm 2015 – The Storyworld Accord: Econarratology and Postcolonial Narratives (tạm dịch: Thỏa ước của thế giới truyện kể: Tự sự học sinh thái và các tự sự hậu thuộc địa) [6] Đến năm 2020, James cùng học giả Eric Morel đồng chủ biên tuyên tập Environment and Narrative: New Directions in Econarratology (tạm dịch: Môi trường và tự sự: Những hướng đi mới của tự sự học sinh thái) [7], in trong tủ sách uy tín hàng đầu về tự sự học Theory and Interprettion of Narrative. Gần đây nhất, tạp chí chuyên về lý thuyết Substance đã tổ chức một chuyên đề về phê bình sinh thái và hình thức của tự sự. Các công cụ và thao tác phân tích của tự sự học sinh thái, các thảo luận về phạm vi và ý nghĩa cùa lĩnh vực này là nội dung chủ đạo của các bài nghiên cứu trên số tạp chí này. Chưa kể từ giữa thập niên 2010 đến nay, rải rác có thêm nhiều những bài nghiên cứu lẻ hay các luận án sử dụng cách tiếp cận tự sự học để phân tích hay chất vấn ý nghĩa của các tự sự về môi trường. Có thể kể đến hai luận án: Eco-Narratology and Contemporary American Fiction (tạm dịch: Tự sự học sinh thái và tiểu thuyết đương đại Hoa Kỳ, 2021) của Kyle T. Henrichs bảo vệ tại Đại học Wisconsin-Milwaukee [5] và trước đó là Spaces of Indeterminacy: Aerial Description and Environmental Imagination in 20th Century American Fiction (tạm dịch: Những không gian bất định: Miêu tả không trung và tưởng tượng về môi trường trong tiểu thuyết Hoa Kỳ thế kỷ 20) của David Rodriguez bảo vệ tại State University of New York at Stony Brook (2019) [13].

Tự sự học sinh thái là sự cộng sinh của hai lĩnh vực tưởng như có rất ít mối liên hệ với nhau: tự sự học và phê bình sinh thái. Tự sự học sinh thái “duy trì sự quan tâm đối với việc nghiên cứu mối liên hệ giữa văn học và môi trường vật lý, nhưng nó làm công việc ấy với sự nhạy cảm với các cấu trúc và thủ pháp văn chương mà chúng ta sử dụng để truyền đạt sự trình hiện môi trường vật lý cho nhau thông qua các chuyện kể.” [6;  tr.23]

Theo James, chính những động hướng phát triển của từng lĩnh vực – phê bình sinh thái và tự sự học – đã dẫn đến sự cộng sinh này. Trước hết là làn sóng thứ ba của phê bình sinh thái. Trỗi dậy từ thập niên 1990, làn sóng thứ nhất của phê bình sinh thái được hình thành trên niềm tin về một thứ thiên nhiên nằm ngoài ngôn ngữ mà văn chương có thể phản ánh và kêu gọi nhận thức về nó. Vấn đề môi trường được các nhà phê bình sinh thái xem như một tình trạng mang tính phổ quát của nhân loại, phạm vi các tác phẩm mà họ tập trung thảo luận là các điển phạm trong văn chương Anh Mỹ viết về thiên nhiên – các sáng tác thường thuộc về truyền thống của lối viết hiện thực hay thể loại phi hư cấu, xu hướng của họ là tìm kiếm những mối liên hệ giữa văn chương viết về tự nhiên với các diễn ngôn khoa học, đề cao sự bảo tồn như là hình thức quan trọng nhất để can thiệp vào cuộc khủng hoảng sinh thái đang diễn ra. Đến đầu thập niên 2000, làn sóng thứ hai của phê bình sinh thái nổi lên. Ở làn sóng này, đối tượng và phạm vi nghiên cứu được mở rộng sang không gian đô thị và những môi trường bị suy thoái, và thay vì tập trung vào khuynh hướng bảo tồn, các nhà phê bình, qua cách đọc văn chương, đã dấy lên những vấn đề về công lý môi trường, chỉ ra sự liên đới giữa vấn đề môi trường và các tình trạng bất bình đẳng xã hội khác. Làn sóng thứ hai này cũng cố gắng thiết lập mối liên hệ giữa việc nghiên cứu văn học và môi trường với các lý thuyết đương đại khác. Đây cũng là những điểm làm làn sóng thứ ba của phê bình sinh thái sẽ kế thừa và đẩy vấn đề đi xa hơn, phức tạp hơn. Ở làn sóng thứ ba, thiên nhiên không nằm ngoài ngôn ngữ, bản thân cái được gọi là thiên nhiên cũng nằm trong địa hạt của diễn ngôn. Cuốn sách xuất bản năm 2005 của Lawrence Buell, The Future of Environmental Criticsm: Environmental Crisis and Literary Imagination (Tương lai của phê bình môi trường: Khủng hoảng môi trường và tưởng tượng văn chương), đã khẳng định cách con người tác động vào môi trường phụ thuộc vào cách con người nghĩ và nói về nó, tức các diễn ngôn, các tự sự về môi trường. Các tưởng tượng của văn chương, do đó, một mặt, có thể góp phần hợp thức hóa những cách ứng xử có tính chất bạo lực, bóc lột đối với thế giới tự nhiên nhưng mặt khác, cũng có thể gợi ra những chất vấn đối với các diễn ngôn thống trị cũng như những khả thể khác cho sự thay đổi nhận thức và hành động. Nhiệm vụ của phê bình sinh thái chính là giải cấu trúc những tưởng tượng văn chương về môi trường này. Một điểm nhấn quan trọng khác của làn sóng thứ ba là sự chú ý nhiều hơn đến phương diện hình thức thẩm mỹ của văn chương, trong khi ở các làn sóng trước đó, các phương diện thuộc về nội dung được xem trọng hơn. Trên thực tế, các nhà phê bình sinh thái thuộc làn sóng thứ ba đã đúng khi cho rằng nếu chỉ cần đọc văn chương để tìm ra những sự trình hiện chính xác về môi trường thì đó là một việc làm rất ít ý nghĩa bởi các văn bản khác sẽ cung cấp các thông tin dữ kiện tốt hơn là thơ ca hay tiểu thuyết. Nhưng học giả Ursula K. Heise có lý khi cho rằng: “Nếu chúng ta tin – như tôi giả định các nhà phê bình sinh thái và hậu thực dân đều vậy – sự cải hóa thực tại theo phương thức thẩm mỹ có một tiềm năng đặc biệt đối với việc định hình lại cách cá nhân và tập thể tưởng tượng về sinh thái xã hội (ecosocial imaginary), vậy thì cách mà các hình thức thẩm mỹ liên hệ với các cấu trúc văn hóa cũng như sinh học xứng đáng để chúng ta dành sự chú ý đặc biệt cho nó.” [4; tr.258]

Trong khi đó, tự sự học ở giai đoạn hậu kinh điển cũng có những chuyển dịch quan trọng. Theo James, có hai động hướng để tự sự học hậu kinh điển có thể dung hợp với phê bình sinh thái. Thứ nhất, đó là tự sự học bối cảnh. Tự sự học trong truyền thống kinh điển trước đó vốn chỉ tập trung vào cấu trúc nội tại của văn bản nghệ thuật, xem các khái niệm công cụ để phân tích như là những phạm trù trung tính. Tự sự học bối cảnh, như James khái quát, “móc nối các cấu trúc tự sự với các bối cảnh ra đời của chúng để xem xét cách mà các thành tố văn bản có thể mã hóa hay thách thức những ý thức hệ nhất định.” [6; tr.14]  Chẳng hạn, với cách tiếp cận của tự sự học bối cảnh, việc một khung cảnh thiên nhiên được nhìn ngắm qua điểm nhìn của một người kể chuyện nữ hay nhân vật nữ không chỉ đơn giản là một thủ pháp mà là một mã ý thức hệ cần phải lưu ý và gợi ra những hình dung khác so với khi khung cảnh ấy được trình hiện từ điểm nhìn của người kể chuyện hay nhận vật nam. Sự “khác” này lại cần được xem xét như là cách mà các tự sự này chất vấn hay củng cố các khuôn mẫu trong cách nhìn khung cảnh đó, cách trao cho khung cảnh đó những ý nghĩa nhất định. Động hướng thứ hai kết gắn phê bình sinh thái và tự sự học là tự sự học tri nhận – một nhánh rất năng động của tự sự học hậu kinh điển. Tự sự học tri nhận nghiên cứu văn bản tự sự trong mối quan hệ với các cơ chế của tâm trí ở người đọc, hay nói giản dị hơn, nó quan tâm đến cách mà các câu chuyện có thể dẫn dắt hình dung, tưởng tượng cũng như tác động vào cảm xúc của người đọc. Nếu tác động của con người vào môi trường phụ thuộc khá nhiều bởi những tưởng tượng, hình dung về nó, bởi những câu chuyện được đan dệt xung quanh nó thì tự sự học tri nhận là một cách tiếp cận khả thủ để nhìn ra và chất vấn cách những tưởng tượng, câu chuyện này chi phối nhận thức và ứng xử của người đọc đối với môi trường.

Trong chuyên luận của mình, James đã sử dụng khái niệm chìa khóa “thế giới truyện kể” (storyworld) của nhà tự sự học tri nhận David Herman để khai triển nghiên cứu của mình. Theo Herman, thế giới truyện kể là “những mô hình tinh thần bao gồm các thành tố liên đới với nhau: ai làm chuyện gì đối với ai, khi nào, ở đâu, tại sao và theo cách nào đó trong thế giới này để người đọc có thể tái định vị được… khi họ muốn hiểu một câu chuyện.” [6; tr.20-1] Để hiểu một câu chuyện, Herman giải thích rằng “người diễn dịch câu chuyện phải cố gắng tái thiết không chỉ những gì đã xảy ra mà còn cả bối cảnh xung quanh, môi trường lồng vào thế giới truyện kể, những đặc điểm của chúng, những hành động và sự kiện mà chúng liên đới.” [6; tr.21]

 Khái niệm “thế giới truyện kể” có thể làm ta liên hệ đến một khái niệm có vẻ như gần gũi với nó được đề xuất bởi các nhà thi pháp học – “thế giới nghệ thuật”. Song sự khác biệt đáng kể nhất nằm ở chỗ trong khi thi pháp học chủ yếu coi thế giới nghệ thuật là sự mã hóa ý thức nghệ thuật của nhà văn, là một mô hình phóng chiếu sự cảm thụ, cắt nghĩa thế giới của tác giả thì khái niệm của Herman coi thế thế giới truyện kể còn là kết quả từ sự tri nhận của người đọc, là một môi trường phóng chiếu cảm xúc và tinh thần của người diễn giải. Người đọc dựa vào những thành tố có tính chất gợi ý (textual cues) trong văn bản để tạo dựng thế giới truyện kể – cái thế giới mà họ cư ngụ lâm thời khi đọc tác phẩm. Trạng thái cư ngụ lâm thời này được các nhà lí luận gọi bằng thuật ngữ “sự đắm mình trong thế giới tự sự” (narrative immersion).

Phạm vi khảo sát trong chuyên luận của James là các tự sự hậu thuộc địa và với phạm vi này, James nhận ra sự đụng độ, va chạm của các thế giới truyện kể, các tưởng tượng về môi trường tự nhiên là những khía cạnh phức tạp nhất liên quan đến tâm lý, tình cảm của con người. Các vấn đề của môi trường, do đó, không thể chỉ cần được nhận thức và giải quyết bởi khoa học hay chính trị. Môt tác phẩm được James nhắc đến như là minh họa cho sự xung đột giữa những cách con người tri nhận về tự nhiên là Hungry Tide của Amitav Ghosh.  Piya – một nhà nghiên cứu về hổ người Mỹ gốc Ấn, làm việc cho chương trình  Bảo tồn Hổ – không thể chấp nhận được người dân bản địa ở một ngôi làng nhỏ Ấn Độ dùng bẫy để bắt hổ, giết hổ vì đó là loài vật đe dọa tính mạng dân làng hàng ngày. Chương trình Piya đang làm việc trong khi ưu tiên đất đai và điều kiện sống cho loài hổ thì đồng thời lại đẩy người dân bản địa khỏi không gian sống của họ. Hình dung về hổ của Piya xung đột gay gắt với những hình dung của những người bạn bản địa của cô, những người coi hổ như một mối hiểm họa chứ không phải đối tượng phải bảo tồn, nghĩ rằng việc một con hổ vào một ngôi làng có người đang sinh sống là vì “nó muốn chết.” [6; tr. 2-3] Nhà sử học Yuval Noah Harari thường xuyên nhấn mạnh một luận điểm: loài người có xu hướng tin vào các câu chuyện hơn là các dữ kiện, thông số [3]. Vấn đề môi trường có thể xem là một trực quan tốt cho luận điểm này: cách nghĩ về loài hổ và cách ứng xử với nó của Piya và người dân bản địa Ấn Độ trông tiểu thuyết của Ghosh chịu sự chi phối của những câu chuyện về hổ gắn với những ý thức hệ khó hòa giải – triết lý bảo tồn thiên nhiên kiểu phương Tây và hệ thống niềm tin của dân bản địa. Trong cuốn sách của mình, James phát triển các công cụ và thao tác của tự sự học tri nhận để cho thấy các văn bản tự sự (hư cấu hoặc phi hư cấu) có thể định hình hay thách thức những tri nhận ở độc giả về môi trường như thế nào, gây ra những cảm thức sinh thái tinh vi ra sao. Chẳng hạn, ở chương 3 khi phân tích tiểu thuyết Sozaboy của nhà văn Nigeria Ken Saro-Wiwa (1941-1995), James chú ý đến văn phong đậm tính truyền khẩu mà Saro-Wiwa gọi là thứ “tiếng Anh thối rữa”. Thật ra đây là phương diện mà các nhà nghiên cứu về Saro-Wiwa đều bàn đến nhưng chủ yếu quan tâm đến tính chính trị của ngôn ngữ văn chương. James phân tích cách cấu tạo lời và phương thức trần thuật ở tiểu thuyết này, theo đó, cả tính truyền khẩu và thứ tiếng Anh thối rữa là những thành tố gợi dẫn của văn bản rất quyền năng. Chúng khiến người đọc như được nghe thấy những lời giãi bày trực tiếp của nhân vật trong truyện, đại diện cho người dân của vùng châu thổ Niger, một khu vực giàu trữ lượng về dầu nhưng cũng là nơi phải chịu đựng một lịch sử bị áp bức bởi các hệ thống kinh thế quốc gia và toàn cầu, trong đó, dầu là một mặt hàng quan trọng. Thông qua phương thức tạo ra hình tượng người nghe chuyện – được thể hiện qua đại từ nhân xưng ngôi thứ 2 “you” trong cuốn tiểu thuyết, Saro-Wiwa đã ấn định người đọc vào vị thế của nhân vật “you”, từ đó, buộc độc giả phải tự tra vấn về vai trò của mình trong các cấu trúc kinh tế-chính trị thống soát và ngoại biên hóa cuộc sống của những người dân bản địa. [6; tr. 90-121]

Theo đánh giá của chúng tôi, các thao tác phân tích tự sự học được James khai triển trong chuyên luận này đã đưa cách tiếp cận tự sự học về gần với phân tích diễn ngôn theo quan điểm hậu cấu trúc. Có thể nói, về cơ bản, James không kiến tạo một công cụ phân tích mới nào mà dựa vào hệ thống khái niệm đã được thiết lập bởi truyền thống tự sự học cấu trúc luận song bà đã biện luận để đắp cho chúng một số nội hàm mới và trao cho chúng những chức năng mới. Hai chức năng cơ bản trong số đó là gợi dẫn những quy chiếu về môi trường bên ngoài văn bản (trong khi tự sự học cấu trúc luận chỉ tập trung vào nội tại văn bản) và kích thích những phản ứng cảm xúc, tâm lý ở người đọc khi họ hình dung về môi trường qua câu chuyện được kể (vốn hầu như chưa được chú ý ở thời kỳ tự sự học cấu trúc luận). Từ công trình của James, chúng tôi cho rằng sự linh hoạt và sáng tạo trong việc sử dụng các thao tác phân tích theo đường lối của tự sự học tri nhận còn có thể hứa hẹn làm  sáng tỏ thêm cơ chế của những tâm thức sinh thái như “ecophobia” (sự kỳ thị tự nhiên), “ecoambiguity” (mơ hồ sinh thái), “ecohorror” (nỗi sợ hãi tự nhiên)… Xét đến cùng, những tâm thức sinh thái này chính là niềm tin hoặc sự hồ nghi đối với những thế giới truyện kể về tự nhiên.

Tuyển tập Environment and Narrative do James và Morel chủ biên xuất bản vào năm 2020 quy tụ không chỉ những tên tuổi đang nổi của tự sự học hậu kinh điển những năm đầu thế kỷ XXI như Markku Lehtimaki, Marco Caracciolo mà còn cả một số cột trụ của làn sóng thứ ba phê bình sinh thái như  Ursula K. Heise, Greg Garrard. Bên cạnh khuynh hướng kết hợp phê bình sinh thái và tự sự học tri nhận mà James là học giả tiên phong, cuốn sách còn giới thiệu hai nhánh mà tự sự học sinh thái có thể phát triển xa hơn là mối quan hệ giữa tự sự học với các thực thể phi nhân loại (nonhuman) và đạo đức tự sự.

Nhánh thứ nhất có sự gặp gỡ với một khúc ngoặt trong triết học đương đại – khúc ngoặt “phi nhân loại” (nonhuman). Khúc ngoặt này liên quan đến nhu cầu đổi mới hệ hình tư duy của con người trong bối cảnh khủng hoảng của Kỷ Nhân Sinh, thời đại mà con người tạo ra những tác động nghiêm trọng đến thế giới tự nhiên và xem mình như là chủ nhân quyền lực nhất của Trái đất. Triết học và cả lý thuyết tự sự vốn được xem là những lĩnh vực tri thức lấy con người làm trung tâm và bản thân điều này cần phải bị tra vấn. Trong lĩnh vực triết học, việc tra vấn tính tự chủ (agency) của các thực thể phi nhân loại là mối bận tâm lớn, qua đó, con người cũng xác định lại chính mình trong thế giới này. Bài giảng nổi tiếng của Jacques Derrida, “The Animal That Therefore I Am” như nhại lại luận đề của Descartes  – “I think therefore I am”, qua đó thôi thúc những phản tư quan trọng. Đầu tiên, Derrida đề nghị xem xét lại định kiến trong trục đối lập nhị phân giữa thú và người, theo đó, con thú không có khả năng có được những thứ chỉ con người mới sở hữu như lý trí, ngôn ngữ, cảm xúc…, hay để dùng một thuật ngữ quan trọng của Derrida, thú không thể có logos – nó không có thể tư duy, không có diễn ngôn, không tự tạo nên các câu chuyện cho chính sự tồn tại của nó. Nhân tính, bởi vậy, là một kiến tạo diễn ngôn trên cơ sở loại trừ, trấn áp các khả năng mà thú cũng có thể có, chứ không phải chỉ là độc quyền của người.  Nói như Marie-Louise Mallet, phương pháp của Derrida không phải là sự đảo ngược từ thái cực này sang thái cực kia: “Hoàn toàn không phải là một sự đảo chiều quan điểm giản đơn, chẳng hạn như phục hồi cho ‘con thú’ tất cả những gì mà truyền thống đã tước đi khỏi nó, cũng hoàn toàn không phải là sự thay thế sự đối lập kinh điển bằng một sự hòa trộn, không thể phân biệt mà thực chất cũng là một sự thất bại giả dối không kém, phương pháp giải cấu trúc đã kiên nhẫn nhân bội lên những khác biệt, làm chúng ta phải chú ý vào sự mong mang và rỗng xốp của những ranh giới được giả định của cái ‘chính danh’ (proper) mà từ lâu chúng ta đã lợi dụng để dựng lên sự đối lập truyền thống giữa “người” và “thú”. Tuy nhiên, làm như vậy, chúng ta không chỉ gây bất ổn đối với tất cả những sự đảm bảo về “thú tính” của con thú nói chung mà còn gây bất ổn không kém đối với những khẳng quyết về nhân tính của con người…” [2; tr.x-xi] Gần đây hơn nữa, ngành nhân văn còn nổi lên nhánh nghiên cứu về tư duy cây (plant-thinking), trong đó hai học giả tiên phong là Luce Irigaray và Michael Marder. Với các học giả này, thế giới thực vật còn bị ngoại biên hơn cả thế giới động vật trong diễn ngôn triết học. Việc xác lập diễn ngôn về tư duy cây có khả năng phá vỡ sự độc tôn không chỉ chủ thể của sự nghĩ mà còn ở cả hình thức của sự nghĩ, vốn từ lâu được mặc định gắn liền với hoạt động của lý trí [10]. Có vẻ như các học giả vẽ ra một viễn cảnh không tưởng khi hình dung về một môi trường ý thức nơi nhân loại và thực thể phi nhân có thể hình thành những kiểu thức giao lưu, phá vỡ quan hệ mang tính thống trị. Nhưng xét đến cùng thì sự không tưởng ấy cũng có thể thôi thúc con người tìm ra những khả thể mới thay vì chỉ chấp nhận những giới hạn hiện tồn.

Tác động của khúc ngoặt phi nhân loại này trong triết học đến các nhà nghiên cứu tự sự được thể hiện ở việc xem xét, chất vấn cách trình hiện các thực thể phi nhân loại trong các tự sự văn học, điện ảnh trở thành một chủ đề cần thảo luận. Trên thực tế, có nhiều tự sự không chỉ mô tả thế giới phi nhân loại như là các thành tố tạo nên nền cảnh của câu chuyện mà còn biến các thực thể phi nhân loại này thành nhân vật hay người kể chuyện thông qua các hệ thống tu từ, đặc biệt là phép nhân hóa. Tuy nhiên, không hẳn lúc nào các tự sự này cũng trùng khít với thể loại ngụ ngôn, nơi các hình tượng phi nhân loại chỉ là ẩn dụ về con người và phóng chiếu các kinh nghiệm của con người. Có thể nêu một số truyện ngắn của Franz Kafka như “Báo cáo gửi viện hàn lâm”, “Josephine – nữ ca sĩ dân tộc chuột”, “Hang ổ”… như là ví dụ cho trường hợp này. Ở đây, các kỹ thuật tự sự như điểm nhìn, tiêu cự, các thủ pháp miêu tả ý thức được sử dụng không phải để mô phỏng các kinh nghiệm của con người mà để gợi mở kinh nghiệm của các tồn tại phi nhân tính. Chúng, vì thế, có thể đóng vai trò như “những công cụ tưởng tượng quan trọng để phê bình, tháo dỡ, tái thiết các ý niệm về tính người trong thế giới hiện đại, nơi người ta đã không thể hình dung nổi thế nào là người nếu xem xét tính người như một cái gì đó bị cô lập và tách biệt với những cộng đồng sự sống rộng rãi hơn.” [7; tr.7]

Sự kết hợp giữa phê bình sinh thái và đạo đức tự sự cũng là một sự kết hợp khá tự nhiên. Vấn đề đạo đức tự sự trở thành mối quan tâm của tự sự học hậu kinh điển khi tự sự được ý thức như một hành động giao tiếp có mục đích. Theo James Phelan, đạo đức tự sự xoay quanh bốn vấn đề: (1)- đạo đức của câu chuyện được kể; (2) – đạo đức của hành động kể chuyện; (3) – đạo đức của sự viết/ sự tạo lập câu chuyện; (4) – đạo đức của sự đọc/ tiếp nhận câu chuyện. Các vấn đề này đều liên quan đến các câu hỏi về thẩm quyền của người kể chuyện, đến lập trường của người viết, của nhân vật để xem xét, đánh giá sự vật, hiện tượng, con người xấu-tốt, đáng cảm thông-đáng lên án ra sao, đến việc các gợi dẫn của văn bản có thể ấn định một trường nhìn đạo đức và khơi dậy những cảm xúc đạo đức như thế nào… [2] Tất cả những khía cạnh này đều có những móc nối tinh vi và chặt chẽ đến việc câu chuyện ấy được kể theo cách nào. Nói tóm lại, văn học thực hiện chức năng đạo đức bằng chính hình thức thẩm mỹ của nó.

Phê bình sinh thái ở làn sóng thứ ba, như trên đã trình bày, coi các tự sự về tự nhiên là đối tượng của mình. Bản thân lý thuyết này, ngay ở giai đoạn hình thành, đã mang tham vọng kiến lập nền tảng đạo đức mới để con người chung sống với những tạo vật khác của hành tinh. Trải qua những làn sóng vận động, các lý thuyết gia đã càng ngày càng nhận thức rõ mối quan hệ ràng rịt giữa vấn đề môi trường và các vấn đề như giai cấp, chủng tộc, phái tính, các cộng đồng thiểu số, nhược tiểu… Tính chất vấn, vốn được xem là tinh thần cốt lõi của lý thuyết, trong trường hợp này, đã mang ý nghĩa đạo đức khi nó phá vỡ tính đơn nhất của các chuyện kể về thế giới tự nhiên, phức tạp hóa những mặc định về con người và các thực thể phi nhân loại, để từ đó có thể nhìn thấy những bất cập, bất công, bất bình đẳng đang được làm cho trở nên bình thường, khó nhận thấy và do vậy, loại trừ những khả năng kháng cự và thay đổi. Bản thân chuyên luận của James xuất bản trước đó đã ý thức rất rõ về sự gợi mở và can dự về mặt đạo đức đối với các vấn đề môi trường của tự sự học sinh thái. Qua những phân tích các trường hợp nghiên cứu cụ thể, bà đi đến kết luận: “Các tự sự, thông qua quyền năng giúp cho người đọc sống trải các môi trường và các kinh nghiệm môi trường khác với mình, có thể phát lộ những điểm khác biệt về tri nhận, làm rõ những mối quan tâm của những người tưởng tượng và sống trong một môi trường theo cách đặc thù của họ và đặt người đọc trực diện với những quan điểm khác hay đối lập với họ. Theo cách ấy, chúng có thể mở ra các kênh giao tiếp truyền đạt về cách mà con người mường tượng và cư ngụ trong môi trường của họ, khích lệ một nhận thức về môi trường giúp ích cho việc xây dựng những chính sách về môi trường công bằng hợp, hợp lý hơn và không thiên lệch.” [6; tr. 208] Việc văn chương thúc đẩy người đọc tri nhận sự đa dạng, phức tạp của những môi trường và cách ứng xử đối với môi trường thông qua thế giới truyện kể tiềm tàng sự mời gọi niềm cảm thông và quan trọng hơn thế, những đối thoại xuyên văn hóa.

2. Triển vọng

Năm 2021, khi viết bài tổng kết số chuyên đề của tạp chí Substance về tự sự và môi trường, James ghi nhận một thực tế: “Lý thuyết tự sự đã được kích hoạt bởi những mối quan tâm về môi trường, dù là thông qua những thảo luận về người kể chuyện phi nhân loại (nonhuman), những tiềm năng (và cạm bẫy) của sự thấu cảm tự sự xuyên giống loài (transspecies), những đường biên của các tự sự trong Kỷ Nhân Sinh, hay vai trò mà các tự sự và thế giới truyện kể có thể đảm nhận trong việc khơi dậy phản ứng đối với thực trạng biến đổi khí hậu.” [9; tr.150] Tự sự học sinh thái, trong khoảng thời gian chưa thật dài, đã chứng tỏ sự năng động của mình khi các nhà nghiên cứu đã mở rộng vùng đối tượng nghiên cứu, phát triển nhiều câu hỏi nghiên cứu từ đó đánh dấu những hướng đi mới. Những bước đi đương thời của tự sự học và phê bình sinh thái có xu hướng tương thích với nhau, điều này khiến tự sự học sinh thái không phải là một nhánh nghiên cứu đóng.

Triển vọng của tự sự học sinh thái được ghi nhận trước hết ở khả năng tác động của nó. Trong lời nói đầu tuyển tập Environment and Narrative, James và Morel đã xác định rằng: bởi cách chúng ta ứng xử với tự nhiên chịu nhiều ảnh hưởng từ các câu chuyện và ngược lại nên nhận thức của chúng ta về tự sự cũng thay đổi khi môi trường thay đổi. Cuộc khủng hoảng môi trường hiện nay, một phần đáng kể, cũng liên đới đến cuộc khủng hoảng của các tự sự về môi trường mà tự sự học sinh thái, với các phương pháp và thao tác phân tích của mình, có thể cho thấy rõ. James không phóng đại cách văn chương và nghiên cứu văn chương có thể khắc phục cuộc khủng hoảng này. Trong chuyên luận The Storyworld Accord, bà viết: “Tôi không cho rằng việc đọc các câu chuyện là một giải pháp tự nó. Theo nhiều cách, cách các thế giới truyện kể và kinh nghiệm chủ quan mà chúng mã hóa còn làm cho việc tìm giải pháp trở nên khó khăn hơn khi nó mở rộng hiểu biết của chúng ta về những cách khác nhau mà con người hình dung và can dự vào thế giới. Tuy nhiên, các thế giới truyện kể có thể thúc đẩy sự tôn trọng đối với sự so sánh, sự khác biệt, tính chủ quan và sự tôn trọng này, đến lượt mình, có thể thúc đẩy những thảo luận tinh tế hơn, sâu sắc hơn về môi trường cũng như các chính sách liên quan đến môi trường.” [6; tr.208] Mài sắc sự nhạy cảm, tinh tế, sâu sắc trong cách nghĩ, mở rộng những khả năng suy tư – đó luôn là điều mà văn chương có thể làm tốt hơn cả cho con người.

Bối cảnh khủng hoảng môi trường của Kỷ Nhân Sinh đã tạo ra một thể loại đặc trưng được các nhà tự sự học ưu tiên xem xét như là những trường hợp nghiên cứu điển hình – tiểu thuyết cli-fi (tạm dịch tiểu thuyết khí hậu), một thể loại dự phóng những viển cảnh phản không tưởng của thế giới trong điều kiện biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, bối cảnh này còn có thể ảnh hưởng đến bản thân lý thuyết tự sự. Điều này được James trình bày trong tiểu luận “Narrative in the Anthropocene” (Tự sự trong Kỷ Nhân Sinh) mà dưới đây, chúng tôi sẽ lược thuật lại những luận điểm chính.

James bắt đầu tiểu luận của mình bằng việc mô tả bối cảnh đối thoại lý thuyết, trong đó, các nhà tự sự học phải lĩnh nhận sự hồ nghi từ phía các lý thuyết gia văn hóa như Claire Colebrook hay Timothy Morton, những người cho rằng “tự sự, như là một phương thức tu từ đã thật sự không thể thích hợp với thời đại hôm nay của chúng ta.” [8; tr.184] Lý do, theo Colebrook, nằm ở chỗ: tự sự vốn dĩ gắn bó mật thiệt với điểm nhìn và kinh nghiệm của con người, theo đó, nó “không thể trình hiện một cách đầy đủ quy mô thời gian và những hình dung rộng rãi hơn về đời sống của các thực thể phi nhân loại, mà đấy lại chính là những gì mà bối cảnh khủng hoảng môi trường hiện thời đang đòi hỏi.” [8; tr.184] Thực trạng biến đổi khí hậu – một đặc điểm nhận diện của Kỷ Nhân Sinh – là “một thảm họa đối với tưởng tượng của con người” và để đối phó với nó, “quay về với việc đọc, cảm thụ và giao tiếp tự sự là không đủ, chúng ta cần được lay tỉnh khỏi những câu chuyện chỉ toàn thấy con người ở trung tâm đang ru ngủ mình.” [8; tr.184] James phản biện lại những sự hồ nghi nói trên, đề xuất hướng suy nghĩ mới về bản chất của tự sự và nghiên cứu tự sự. Theo bà, giờ là lúc nên suy tư về mối kết gắn giữa tự sự và Kỷ Nhân Sinh bằng những câu hỏi như: “Các câu chuyện có thể giúp chúng ta nghĩ khác về Kỷ Nhân Sinh như thế nào? Làm thế nào mà các tự sự có thể cung cấp cho chúng ta một bối cảnh an toàn để thăm dò, khám phá cách con người kiến tạo hình ảnh thế giới và sống trong đó? Làm thế nào mà việc đọc các địa tầng, vòng sinh trưởng của cây, lõi băng, vốn tự chúng đã là trình hiện vật chất của chuỗi sự kiện, có thể thách thức những định nghĩa cơ bản nhất mà chúng ta có về tự sự và trần thuật? Làm sao những khái niệm mới về thời gian, không gian gắn với Kỷ Nhân Sinh có thể đa dạng hóa những mô hình tổ chức thời gian và không gian tự sự? Làm thế nào để nhận thức về tính tự chủ tập thể (collective agency) vốn được gắn với Kỷ Nhân Sinh có thể rọi ánh sáng mới vào các dạng thức tổ chức lời trần thuật? Và thật ra, Kỷ Nhân Sinh đã giúp chúng ta nghĩ khác đi về bản chất của tự sự như thế nào? Nó đã thôi thúc việc xây dựng những cấu trúc mới đi ngược lại với những hình thức tự sự truyền thống như thế nào?” Những câu hỏi trên, đương nhiên, không dễ trả lời nhưng sự phức tạp của chúng luôn tiềm tàng những khả thể mới để xây dựng nên cái mà James gọi “lý thuyết tự sự của Kỷ Nhân Sinh” (Anthropocene narrative theory) [8; tr.185].

Giữa nghệ thuật tự sự và Kỷ Nhân Sinh có nhiều mối liên hệ mật thiết hơn là những gì các lý thuyết gia văn hóa hồ nghi. Theo James, bản thân thực tiễn sáng tạo và lý thuyết văn chương đã cho thấy chính hình thức tự sự mới có thể nắm bắt, thậm chí gợi mở những hình thức biểu đạt, sự bất khả đoán của dòng chảy thời gian, quy mô rộng rãi về không gian và những điểm nhìn từ các thực thể phi nhân loại. Đáng chú ý, sự tương đồng giữa nghệ thuật tự sự và Kỷ Nhân Sinh, theo mạch biện luận của James, nằm ở chỗ cả hai đều là “sản phẩm của thế giới văn hóa viết của nhân loại” [8; tr.186]. Một mặt, hình thức của các câu chuyện là một hình thức để con người kiến tạo thế giới; mặt khác, để tác động vào thế giới thì con người ở Kỷ Nhân Sinh cũng phải “viết lại” cái thế giới ấy sao cho các tác động của mình vào nó được hợp thức hóa. Những phá hoại của con người đối với môi trường trong Kỷ Nhân Sinh có mối liên hệ nhân quả với quyền năng kiến tạo thế giới của các câu chuyện mà con người đã dựng lên. Hơn nữa, thời điểm mà Kỷ Nhân Sinh thật sự bắt đầu định dạng rõ nét cũng là thời điểm mà tiểu thuyết – thể loại nòng cốt của tự sự văn học viết – trỗi dậy, cùng lúc với sự trỗi dậy của cách mạng công nghiệp, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa tư bản, khoa học của thời kỳ khai sáng, chủ nghĩa kinh nghiệm, chủ nghĩa thế tục, sự hình thành của tư tưởng quốc gia dân tộc và tầng lớp trung lưu trong xã hội… James đi đến khái quát: “Thực vậy, một lý thuyết tự sự của Kỷ Nhân Sinh biện luận rằng mọi tiểu thuyết đều tích hợp vào trong những nền tảng của nó những thái độ và ý hệ đã tạo nên Kỷ Nhân Sinh, dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu, do đó, theo nghĩa này, bằng hình thức của mình, tiểu thuyết là đại diện của thời đại này. Lý thuyết tự sự của Kỷ Nhân Sinh cho rằng tiểu thuyết không những phản chiếu những thay đổi về xã hội và môi trường vật chất đã khởi sinh thời đại mà còn đề xuất một trường thí nghiệm cho sự khám phá theo cách tưởng tượng những hàm ý của những hành vi này trong ngôn từ.” [8; tr.189]

Lý thuyết tự sự của Kỷ Nhân Sinh theo quan sát và dự phóng của James buộc chúng ta phải nhìn nhận lại giới hạn và khai phá những tiềm năng của những phạm trù, khái niệm quan trọng của tự sự học trong việc trình hiện thời đại này. Đầu tiên, nó nhìn ra tính tự sự tồn tại ngay trong tự nhiên, trong các thực thể phi nhân loại như địa tầng, lõi băng, vòng sinh trưởng của cây… Tuy nhiên, tính tự sự ở đây chỉ tồn tại ở mức tối thiểu: đá, băng, cây cối tự chúng không tạo ra được một tự sựu trọn vẹn, chúng thiểu người kể chuyện, người nghe chuyện, sự trình hiện một thế giới truyện kể… Nhưng chúng có thể gợi ý “khả năng cộng tác giữa người kể chuyện con người và các chất liệu phi nhân loại” [8; tr.191]. Đây không hề là một giả tưởng bởi như lời nhà địa chất học Jan Zalasiewicz mà James có dẫn lại, các địa tầng “chứa đựng trong chúng vô vàn các khả thể chuyện kể về các lịch sử của đại dương và sông ngòi, ao hồ và bờ bãi cũng như sa mạc khô cằn trước đây.” [8; tr.192] Việc nhìn ra nhiều hơn một lịch sử luôn là điều mang tính khai phóng cho con người và cho thế giới. Tự sự học cũng cần phải xét lại hoặc xây dựng những khái niệm mới về thời gian tự sự sao cho tương thích với tiến trình “bạo lực chậm” ở Kỷ Nhân Sinh, nhất là khi đã có những sáng tạo nghệ thuật đã ý thức được tình trạng này. Khái niệm “bạo lực chậm” được đề xuất bởi Rob Nixon để chỉ một thứ bạo lực “xuất hiện từ từ và không nhìn thấy được, gắn với những sự hủy hoại bị đình hoãn phát tán xuyên thời gian và không gian.” [11; tr.2] – một thứ bạo lực nằm ở trung tâm những bất công môi trường ở Kỷ Nhân Sinh. Bạo lực chậm có thể xem như một kiểu “cốt truyện” thiên về tính mô tả và hình thái cốt truyện này cũng là điều đỏi hỏi các nhà lý thuyết phải tư duy thêm, thay vì chỉ tập trung vào cốt truyện hành động như trước đây. Tương tự, tự sự học ở Kỷ Nhân Sinh được giao cho nhiệm vụ phải tư duy lại khái niệm không gian. Thay cho truyền thống vốn chỉ tập trung nghiên cứu các khái niệm tĩnh (thí dụ, các ký hiệu thường được dùng để mô tả không gian tự sự như vùng, cột mốc, ngưỡng, toàn cảnh nhìn từ trên xuống [bird’s eye-view…) , giờ đây các nhà tự sự học cần trau dồi hoặc kiến tạo các công cụ mới để xử lý các không gian lưu chuyển, phi tĩnh tại. Có thể nói về một khúc ngoặt trong nghiên cứu các tự sự về môi trường hiện nay như là một nỗ lực để khắc phục giới hạn này – nghiên cứu sông nước. Về phương diện trần thuật, lý thuyết tự sự ở Kỷ Nhân Sinh cũng cần phát triển những nhận thức mới về cấu trúc tự sự, chẳng hạn dạng thức người kể chuyện “chúng ta” (We-narrator) như một đối trọng với người kể chuyện biết hết, toàn tri, mang dáng dấp của Thượng đế, có lẽ đã không còn thích hợp cho những tự sự ở thời đại này. “Người kể chuyện chúng ta” khác với người kể chuyện toàn tri ở chỗ ý thức được tính chất không toàn vẹn, không bao quát hết thảy của cái tập thể mà mình thuộc về, đồng thời cũng ý thức được phía đối trọng với mình – “họ” (“them”) là ai. Chẳng hạn, trong các tự sự hậu thuộc địa, “người kể chuyện chúng ta” thường đại diện cho một bản sắc tập thể tương phản sâu sắc với quyền uy của đế chế (tức “họ”). Bối cảnh khủng hoảng của Kỷ Nhân Sinh còn đòi ta phải nhìn thẳng vào một thực tế luôn có những nhóm đặc quyền tự cho rằng chỉ có mình mới kể được câu chuyện về thời đại. “Người kể chuyện chúng ta” chính là một phương thức để đối thoại, chất vấn quyền uy này và điều này đã được thể nghiệm trong một số tiểu thuyết đương đại, chẳng hạn cuốn On Such a Full Sea (2014) của Lee Chang-Rae.

Tiểu luận của James, theo chúng tôi, là một trong những tiểu luận đột phá nhất của tự sự học hậu kinh điển. Nó không chỉ biện minh về sự cần thiết, sự tương hợp của nghệ thuật tự sự với Kỷ Nhân Sinh mà còn đặt ra nhiều nhiệm vụ mà tự sự học cần phải thực hiện để lĩnh vực này thật sự có tiếng vọng trong đời sống, có khả năng can dự vào những vấn đề sống còn của thời đại. Tự sự học sinh thái vẫn đang ở những chặng đường đầu tiên và vẫn đang còn là một không gian rộng rãi cho những đối thoại lý thuyết. Bản thân thực tiễn văn học Việt Nam cũng rất có thể không chỉ minh họa cho tính hiệu quả của các công cụ và thao tác phân tích của tự sự học sinh thái mà còn thôi thúc sự trau dồi, phát triển các công cụ và thao tác ấy cũng như gợi mở những phát kiến thuật ngữ mới.

3. Thể nghiệm

Tự sự học sinh thái, như đã trình bày ở trên, đang phát triển nhiều chủ điểm nghiên cứu. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi giới hạn thể nghiệm đọc của mình vào hai chủ điểm: sự xung đột của những “thế giới truyện kể” về môi trường và sự trình hiện các thực thể phi nhân loại trong hai tác phẩm “Sầu trên đỉnh Puvan” (Nguyễn Ngọc Tư) và “Một lần đối chứng” (Nguyễn Minh Châu). Mục đích của phần thể nghiệm đọc này là trực quan hóa các cách tiếp cận, thao tác phân tích của tự sự học sinh thái. Mặc dù chưa thể làm mới hay chất vấn các khái niệm và chiến lược chiến giải nhưng qua việc trình bày lối đọc này, chúng tôi cũng muốn lưu ý đến việc cần linh hoạt như thế nào trong việc tiếp thu, vận dụng lý thuyết.

3.1. Xung đột của những thế giới truyện kể trong “Sầu trên đỉnh Puvan” (Nguyễn Ngọc Tư)

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư mở đầu bằng giai thoại về những bông hoa sầu trên đỉnh núi Puvan được ghi chép lai bởi tu sĩ người Pháp, Colègan, vào năm 1887, người đầu tiên nhìn thấy chúng và bỏ mạng ngày sau đó. Mặc dù núi Puvan không có trên bản đồ Việt Nam, các nhân vật và sự kiện ở đây không quy chiếu về bất cứ một tồn tại thực tế nào cả, nhưng toàn bộ giai thoại này bảo lưu những motif quan trọng của một cốt truyện mang màu sắc exotic rất đặc trưng của tự sự thực dân. Một nơi chốn hoang vu, kỳ bí mà người phương Tây luôn xem mình như kẻ đầu tiên phát hiện, chinh phục được nó. Bản thân tên gọi của loài hoa và vẻ đẹp của nó mà theo ghi chép của vị tu sĩ, “đáng đánh đổi cả cuộc đời người để được trông thấy chúng dù chỉ một lần” cũng là những phép tu từ làm nổi bật thế thượng tôn của người phương Tây – những chủ thể biết muộn sầu, những kẻ duy nhất biết theo đuổi và dám trả giá cho những điều phi thường.

Thế giới truyện kể gắn với ý thức hệ thực dân ấy chưa bao giờ mất hiệu lực, kể cả khi chủ nghĩa thực dân về cơ bản đã bị giải thể về chính trị. Giai thoại kỳ bí và đầy khao khát chinh phục ấy ám ảnh tâm trí của Vĩnh – một người đàn ông có đời sống phong lưu ở thành thị, người đều đặn hàng năm “đi gần khắp các châu lục, khám phá những ngọn núi, dòng sông, những vùng đất được xem là đẹp nhất.” Du lịch vốn dĩ đã gắn bó với chủ nghĩa thực dân ngay từ khởi điểm của nó và cho đến bây giờ, diễn ngôn du lịch vẫn thường bảo lưu một cách tinh vi ý thức hệ của chủ nghĩa thực dân, theo đó, “những ngọn núi, những dòng sông, những vùng đất đẹp nhất” thực tế chủ yếu là đối tượng thưởng ngoạn của những kẻ đặc quyền trong xã hội.

Với Vĩnh, việc một cây sầu phải đợi đúng 13 tháng hạn mới nở hoa là sự kỳ bí thôi thúc hành trình leo đỉnh Puvan của anh. Nhưng với Củi, cậu bé dân bản địa, trên đỉnh Puvan ấy chẳng có gì đặc biệt cả và cái cây sầu ấy là “đồ quỷ”, “vô duyên vô dùng”, “ác nhơn ác đức” bởi “cứ năm nào cây trổ bông là dân làng đói”. Cái cây ấy, với dân làng, “không phải là cây, mà là đá” bởi không ai đốn bỏ được” và vì thế, họ chọn cách quên đỉnh núi ấy, quên sự hiện diện của những cây sầu trên đó, Đến đây, ta có thể thấy truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư xoay quanh sự đối chọi giữa hai hình dung – hai “thế giới truyện kể” về đỉnh núi Puvan, gắn với hai ý thức hệ, một bên là thế giới quan du lịch của tầng lớp trưởng giả trong xã hội, một biến thể của ý thức hệ thực dân trong bối cảnh đương đại và một bên là “cảm quan môi trường của người nghèo” (environmentalism of the poor)- một khái niệm liên quan đến công lý môi trường do Rob Nixon đề xuất. Với những người như Vĩnh, cái đẹp nảy nở trong điều kiện của cái khắc nghiệt (cụ thể ở đây là khí hậu) mới phi thường, đáng ngưỡng vọng, cho dù họ chỉ có thể tận hưởng nó trong khoảnh khắc ngắn ngủi. Trong khi đó, với những người dân làng, thời tiết khắc nghiệt là thứ họ phải chịu đựng trong cả thời gian dài, họ hoàn toàn không hiểu vì sao những người như Vĩnh lại khao khát nhìn ngắm những cây sầu ấy. Cái gì được coi là đẹp, trong trường hợp này, là một kiến tạo của ý thức hệ. Hai “thế giới truyện kể” của Vĩnh và Củi được cấu tạo bằng hai hình thức lời trần thuật đối lập nhau về phong cách: một bên là kiến trúc tu từ đậm tính trí thức, là sự nối dài của cảm quan lãng mạn và ý thức hệ thực dân trong hình dung về một thiên nhiên vừa cao cả, vừa thách thức và một bên là một tự sự về thiên nhiên được kể bằng ngôn ngữ bỗ bã, chân chất, không giấu sự bất mãn, bực bội đối với đỉnh nùi ác nghiệt và cả chút mỉa mai đối với khát vọng chinh phục đỉnh núi của Vĩnh.

“Sầu trên đỉnh Puvan” có thể xem là một truyện ngắn có cốt truyện đa tuyến gắn với ba nhân vật Vĩnh, Dịu – cô gái giang hồ có số phận éo le, đồng hành với Vĩnh đến núi Puvan và Củi. Điểm nhìn trần thuật được điều phối theo ba nhân vật, từ đó, người đọc có thể “nhập” vào ý thức của mỗi nhân vật và phán đoán những diễn biến trong thế giới tinh thần của họ. Vĩnh không giấu giếm sự thương hại đối với những kẻ như Dịu và Củi, không phải vì cuộc sống khốn khó, éo le của họ mà vì trong mắt anh, họ là kẻ không có đời sống tinh thần. Đối với Vĩnh, việc họ cùng anh leo đỉnh Puvan chỉ đơn thuần vì mục đích có tiền. Dịu đọc được sự căm ghét trong ánh mắt của Củi về phía Vĩnh, kẻ mong đợi những cơn nắng kéo dài để được nhìn thấy những bông sầu còn bản thân cô thì ngủ thiếp đi vì mệt khi những bông hoa bắt đầu phát sáng. Chỉ có Vĩnh “như phát điên”, “như đang mộng du” khi chứng kiến khoảnh khắc cây sầu trổ hoa. Trạng thái bị mê hoặc đầy phấn khích của Vĩnh trước sự lạ của thiên nhiên ngay sau đó chuyển hóa thành một khoảnh khắc khủng hoảng hiện sinh khi nhân vật không những thấy tất cả những gì mình từng hưởng thụ trở nên tầm thường, nhạt nhẽo mà còn nhận ra “anh biết làm sao với ngày mai”, rơi vào nỗi sợ hãi “cái ngày mai trống rỗng”. Cảm giác bất lực ở hiện tại làm nhân vật sống lại những trải nghiệm chấn thương trong quá khứ: sự bất lực của Vĩnh trước vụ chết đuối của người yêu cũ cũng như cái chết của người thân bởi bom đạn năm xưa. Trạng thái khủng hoảng ấy dẫn đến hành động tự sát của Vĩnh.

Đặt trong mối liên hệ với cái chết vị tu sĩ người Pháp được kể trong giai thoại mở đầu, cái chết của Vĩnh ở đoạn kết khiến ta có thể xem truyện ngắn này của Nguyễn Ngọc Tư xoay quanh motif “lời nguyền của thiên nhiên”. Những cây sầu trong truyện có thể coi là những hình tượng khơi dậy cảm thức ecophobia (nỗi sợ thiên nhiên). Thiên nhiên ở đây khi được con người chiếm lĩnh lại trở thành thứ thiên nhiên không an ủi, không khỏa lấp nỗi trống rỗng của con người. Tuy nhiên, thiết tưởng sẽ là cường điệu nếu cho rằng truyện ngắn này chỉ tái diễn một motif khá phổ biến trong các tự sự hậu thực dân, trong đó, thiên nhiên được phú cho chức năng trừng phạt những tham vọng của những kẻ thượng đẳng. Tên gọi của đỉnh núi Puvan có thể gợi liên tưởng đến chữ “phù vân”, một biểu tượng khá phổ biến trong tư tưởng phương Đông, cái Không đầy minh triết. Cảm quan về cái Không ấy đối lập với tư tưởng chiếm hữu gắn với ý thức hệ thực dân, được nối tiếp trong các diễn ngôn du lịch đương thời nơi thiên nhiên được tuyệt đối hóa thành những thứ đẹp nhất, phi thường nhất, cần phải đến trước khi chết thì đời người mới đáng giá. Nhận thức về cái Không ấy cũng giải phóng con người ra khỏi sự hẹp hòi của bản ngã, những mặc cảm và định kiến về chính mình, từ đó mà thấu cảm cho nhau.

3.2. “Một lần đối chứng” (Nguyễn Minh Châu) những bất an trong sự trình hiện loài vật

“Một lần đối chứng” của Nguyễn Minh Châu có thể được xem như một tự sự chất vấn về khả năng của văn chương trong việc biểu đạt thế giới loài vật bên ngoài những kinh nghiệm con người. Trên thực tế, khái niệm “nhân vật” vẫn chủ yếu được hiểu là hình tượng con người cụ thể được khắc họa bằng các phương tiện nghệ thuật. Các “con vật” có thể được xem là nhân vật khi chúng được xây dựng như những ẩn dụ về các tính cách hay các mối quan hệ của con người trong đời sống. Nhân hóa là phương thức quan trọng nhất để biến các con vật thành nhân vật. Phép nhân hóa, do đó, là phép tu từ được hình thành trên giả định các thực thể phi nhân loại không có khả năng tự chủ (agency).

Truyện ngắn này của Nguyễn Minh Châu, ngay từ những dòng đầu tiên, đã thể hiện sự loay hoay của người viết để làm thế nào kể về một con vật như một “nhân vật” mà không mắc kẹt trong cơ chế nhân hóa. Điều này được thể hiện trực tiếp nhất qua đoạn trữ tình ngoại đề quan trọng trong truyện: “Nghề cầm bút đã tạo nên ở trong tôi thói quen nhập thân vào kẻ khác, sống cuộc sống bên trong của mọi người, nhưng lần này, trước đời sống nội tâm của một con mèo, tôi tự dặn mình không bao giờ được quên nó là loài vật. Tôi không muốn viết một câu chuyện mà loài vật được nhân cách hóa, gán ghép cho loài vật những biểu hiện của lòng nhân ái và trí khôn mà nó không có, xóa bỏ ranh giới giữa loài vật và người, bởi tôi muốn rằng, chúng ta – các bạn đọc và tôi – nhân danh loài người, thử làm một cuộc đối chứng với loài vật- một cuộc đối chứng giữa thiện và ác, giữa lý trí, trí tuệ và bản năng mù quáng.” Nếu chỉ căn cứ vào đoạn văn mang tính luận đề này, có thể nhận xét người kể chuyện trong khi cố gắng thoát ra cơ chế của phép nhân hóa thì vẫn rơi vào bẫy của tư duy nhân tâm luận với việc đặt con người trong quan hệ nhị phân mang tính tôn ti, nơi con người được xem sở hữu các phẩm chất cao hơn con vật. Nhưng mạch trần thuật trong truyện cho phép ta nghĩ đến những cách đặt vấn đề phức tạp hơn về quan hệ thú – người. Người kể chuyện, dù sao đi nữa, vẫn phải dùng cơ chế loại suy, dùng các kinh nghiệm của con người để miêu tả con vật. Con mèo – “nhân vật” chính” trong “Một lần đối chứng” – được khắc họa như một hình tượng tha hóa, kiểu hình tượng xưa nay vốn chỉ gắn với con người. Sự “tha hóa” ở đây, từ điểm nhìn của người kể chuyện, là một quá trình “hoang hóa” của con mèo: vốn là một con mèo nhà, sau khi mắc chứng xoắn trùng đường ruột không chữa nổi, lại thêm ghẻ lở hôi hám, nó không còn được người ta nuôi nữa, phải bỏ nhà ra đi, trở thành một con mèo hoang và có khả năng còn hóa cáo, nếu nó cứ thế dấn sâu hơn vào không gian hoang dã. Sự “tha hóa” của con mèo, theo đó, được hiểu là hậu quả của việc nó bị tước khỏi không gian xã hội của con người, nơi nó được bao bọc nhưng đồng thời cũng là nơi nó bị thuần hóa. Chính từ đây, truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu làm gợn lên những băn khoăn về “tha hóa” và “thuần hóa”: nếu ta coi loài vật cũng có bản thể, bản thể ấy được quyết định bởi văn hóa của loài người (“thuần hóa”), được nhìn nhận bởi điểm nhìn của con người hay là trạng thái hoang dã của nó – trạng thái nhiều khi vượt quá ngôn ngữ của con người. Người kể chuyện đã không giấu giếm sự hoang mang này của mình: với tư cách một nhà văn, anh ta đã quan sát nhiều cặp mắt của người đời nhưng ngần đấy kinh nghiệm cũng không giúp anh diễn tả nổi ánh mắt của con mèo hoang, cũng không giúp anh lý giải được những gì ở bên trong con mèo nhà. Ánh mắt loài vật gợi cho người kể chuyện nghĩ về một lịch sử xa hơn tất cả các kinh nghiệm của con người: “…tôi dõi mắt nhìn khắp bốn phía và chưa bao giờ tôi thấy phong cảnh cánh đồng quen thuộc ấy trở nên hoang dã đến thế, hoang dã đến mức thành xa lạ, và cả mặt đất mà chúng ta đang sinh sống trong phút chốc như vừa đi ngược trở về một thời kỳ hồng hoang chưa có dấu vết con người – ngay cả loài vật cũng đều là dã thú”. Sự bất an này đã phá vỡ tính toàn tri của người kể chuyện – một đặc điểm phổ biến trong các tự sự ngụ ngôn về loài vật. Nhưng xa hơn thế, dần dần người kể chuyện, trong khi vẫn nghĩ về loài người như một tồn tại cao cả, đã nghĩ về sự tương đồng giữa thú và người, rằng lịch sử của loài người cũng có những trang tăm tối, nơi con người cũng hoang dã như thú, nơi người cũng ăn thịt người. Và quá khứ ấy được người kể chuyện hình dung như “một vết thương chung của mọi người”.

Có thể nói, nỗi bất an tự sự là một chủ đề quan trọng của “Một lần đối chứng”. Đó là nỗi bất an về ngôn ngữ, về sự bất cập của các thủ pháp miêu tả về một đối tượng mà con người tưởng chừng có thể làm chủ nó bằng cách kể chuyện về nó. Từ đó, nó còn là một tự sự về nỗi bất an của việc “ con người”. Để người, con người phải làm người. Quá trình làm người này đòi hỏi con người cần đến ý niệm về Kẻ Khác/Cái Khác, cần phải trấn áp Kẻ Khác/Cái Khác để duy trì địa vị Người của mình. Nhưng cũng chính vì thế, làm Người trở thành một quá trình bấp bênh, phấp phỏng. Trong trường hợp “Một lần đối chứng”, như đã nói, một mặt, người kể chuyện vẫn đặt “Người” vào bảng giá trị cao hơn “Con” nhưng phần “Con” ấy như ma ám, sẽ luôn có thể đột nhiên quay về ám ảnh. Đây chính là một cơ chế phổ biến của chấn thương. Nguyễn Minh Châu có lẽ đã hình dung về lịch sử của sự làm người như một lịch sử mang chấn thương như thế.

*

Trở lên trên là hai trường hợp nghiên cứu cụ thể mà chúng tôi cố gắng vận dụng các luận điểm và thao tác của tự sự học sinh thái vào phân tích hai văn bản văn học Việt Nam. Chúng tôi ý thức rõ với hai trường nghiên cứu thể này, chúng tôi đang thực hành phê bình sinh thái gắn liền với việc mài sắc các khái niệm công cụ của tự sự học, cụ thể ở đây là khái niệm “thế giới truyện kể” và “tổ chức trần thuật”. Ở những thể nghiệm bước đầu này, những phân tích của chúng tôi có thể còn có chỗ cần được trao đổi. Nhưng chúng tôi tin vào triển vọng của nhánh tự sự học này khi áp dụng vào thực tiễn của văn học Việt Nam và khả năng đối thoại lý thuyết với các nhà tự sự học sinh thái trên thế giới từ việc phân tích các chất liệu của văn học Việt Nam.

TRẦN NGỌC HIẾU

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học, 7-2022, trang 38-52.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Nguyễn Minh Châu (1999), “Một lần đối chứng” in trong Nguyễn Minh Châu – Tuyển tập truyện ngắn, NXB Văn học, Hà Nội, 1999.

[2] Jacques Derrida, The Animal that Therefore I Am, Marie – Louis Mallet biên soạn, New York: Fordham University Press (2008).

[3] Yuval Noah Harari (2019),Why Fiction Trumps Truth”, https://www.nytimes.com/2019/05/24/opinion/why-fiction-trumps-truth.html     (truy cập ngày 14-6-2022)

[4] Ursula K. Heise (2010) , “Afterword: Postcolonial Ecocriticism and the Question of Literature” in trong Postcolonial Green: Environmental Politics and World Narratives, Bonnie Roos và Alex Hunt (chủ biên), Charlottesville: University of Virginia Press, 2010

[5] Kyle T. Henrichs (2021), Eco-Narratology and Contemporary American Fiction, Ph.D. Dissertation, University of Wisconsin-Milwaukee.

[6] Erin James (2015), The Storyworld Accord: Econarratology and Postcolonial Narratives, Lincoln & London: University of Nebraska Press.

[7] Erin James & Eric Morel (2020), Environment and Narrative: New Directions in Econarratology, Columbus: The Ohio State University Press.

[8] Erin James (2020), “Narrative in the Anthropocene” in trong Environment and Narrative: New Directions in Econarratology, Columbus: The Ohio State University Press.

[9] Erin James (2021), “Afterword: Econarratology Then, Now, and Later”, Substance, Volume 50, Number 3, 2021 (Issue 156), trang 150.

[10] Michael Marder (2013), “What is Plant Thinking”, Klesis: revue philosophique, Vol:25, 2013, trang 126-143.

[11] Rob Nixon (2011), Slow Violence and the Environmentalism of the Poor, Harvard University Press.

[12] James Phelan, “Narrative Ethics”, https://www.lhn.uni-hamburg.de/node/108.html  (truy cập ngày 14-6-2022)

[13] David Rodriguez (2019), Spaces of Indeterminacy: Aerial Description and Environmental Imagination in 20th Century American Fiction, Ph.D Dissertation, State University of New York at Stony Brook.

[14] Nguyễn Ngọc Tư (2017), “Sầu trên đỉnh Puvan”, in trong Gió lẻ và 9 câu chuyện khác (bản in lần thứ 15), NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.

Roland Barthes – Bernard Buffet kết liễu New York

Bernard Buffet (1928-1999) là một họa sĩ người Pháp theo Chủ nghĩa biểu hiện và là một thành viên của nhóm họa sĩ L’homme Témoin với chủ trương chống lại nghệ thuật trừu tượng. Bài viết này của Roland Barthes có thể xem là một bài “đọc” những bức tranh của Buffett vẽ cảnh quan New York. Văn bản này chưa được dịch trong  cuốn Những huyền thoại bản tiếng Việt. Tôi giới thiệu bài viết này của Barthes để hưởng ứng dự án Những huyền thoại của Nhóm thứ 6. Văn bản ngắn nhưng rất khó dịch bởi lối hành văn rất phức tạp của Barthes, do đó, có thể có những sai sót mà tôi thực tâm mong nhận được sự chỉ giáo của những người quan tâm.

buffet new york

*

New York trong tranh Bernard Buffet sẽ không đảo lộn nhiều định kiến: nó là thành phố của những chiều cao hình học, một sa mạc hóa thạch của mạng lưới những đường dây điện và những hàng rào mắt cáo, một địa ngục của vật trừu tượng màu xanh lục dưới một bầu trời bằng phẳng, một thủ phủ thực thụ mà từ đó con người vắng mặt bởi chính sự tích tụ của y; một thứ đạo lý ẩn ngầm của một Greuze[1] mới trong thời đại chúng ta, theo đó, chúng ta thấy mình rõ ràng hạnh phúc ở Belleville hơn là ở Manhattan. Đây là một New York của văn hóa folklore hơn là một Tây Ban Nha của Bizet[2] hay một nước Ý của phòng hòa nhạc Théâtre Mogador[3]: nó là một thứ chủ nghĩa exotic khẳng định niềm kiêu hãnh của người Pháp (cụ thể hơn, ở đây, chính là Buffet – N.D) về sự ưu việt của nơi họ sống.

Theo Buffet, kiến trúc của thành phố này là những hình tứ giác và những hình tượng được kéo dài mang tính đồng phục. Ở đây, đường dây điện thống trị trong hình thức ít gây thiện cảm nhất của nó: cái đường viền này, đường thẳng màu đen này  bao quanh mọi thứ, rõ ràng muốn trục xuất con người khỏi thành phố. Với sự nhân bội đến mức ám ảnh ô cửa sổ, dùng màu đen dát nó, Buffet đã làm trống nó, phá hủy nó, biến một kiến trúc sống thành một bề mặt chết, cứ như thể các con số rốt cục buộc phải lập nên một trật tự trừu tượng, nếu chúng tụ tập lại đông đúc; Buffet đã hình học hóa New York để làm thành phố ấy thưa thớt hơn đi: ai cũng biết trừu tượng là “cằn cỗi”. Giờ đây, trong cảm quan của tôi về nó, một trong những bài học của thành phố kỳ diệu này đem đến là trừu tượng đồng nghĩa với sống động, và nghịch lý thay, phải là một họa sĩ mới từ chối chúng ta sự thật này. Song cũng chắc chắn là chỉ một họa sĩ “trừu tượng” mới có thể đối xử công bằng với New York, mới có thể hiểu được các mặt phẳng và đường thẳng, hình thức và ý nghĩa ở đây cũng rất đỗi sống động như trong những bố cục của Mondrian: ở đây, tính hình tượng đã gian xảo phục vụ cho mục đích phá hủy: vẽ nghĩa là đánh lừa. Buffet đã “hình tượng hóa” New York để giải trừ nó.

341560

Cũng có thể nhìn thấy một động thái gây hấn tương tự liên quan đến một biểu tượng lớn nhưng sáo mòn của thành phố: nhà chọc trời. Điều ngạc nhiên ở nhà chọc trời là nó không gây ngạc nhiên. Khi ta thực sự nhìn thấy một tòa nhà như thế (mà thực sự chúng ta đã từng nhìn thấy chăng?), cảm giác mà nó gợi lên là: tại sao không? Với Buffet thì ngược lại, tòa nhà chọc trời lúc nào cũng nằm cứ nằm trong một tuyển tập nào đó và đó luôn là những gì mà ông thể hiện với sự trau chuốt trên nét bút nhọn – hình thù gây ám ảnh của tòa nhà với những đường nét mảnh, góc cạnh. Cứ như thể chính toan vẽ của ông, với những tỉ lệ được tính toán về vật chất, đã làm nên tòa nhà chọc trời; đối với ông nhà chọc trời là một Hữu thể (Being), một tồn tại đã bị kết án từ trước. Dĩ nhiên, đôi khi Buffet tỏ ra nhạy cảm với chiều rộng choáng ngợp của thành phố, với diện tích nền móng của nó (bởi New York là một thành phố được sắp đặt huy hoàng, giống như mọi thủ phủ hoành tráng khác); vì lẽ đó mà ông đã vẽ một mặt ngoài rất hiện thực của các kết cấu, ông nhìn New York trực diện – đó là cách tốt để ông tự giải phóng mình khỏi nó; hoặc ông để lơ lửng hình cuộn trang trí cỡ lớn của một cây cầu ngay cận cảnh; song ngay cả trong những cố gắng để phóng đại bề rộng này, chiều cao vẫn cứ len lén tái xuất: toàn cảnh căng rộng ra hình ảnh của những nhà chọc trời chỉ để làm cho bóng đổ của chúng nối nhau không liên tục, cây cầu lấn át chúng chỉ để tôn lên sức mạnh hùng hổ của chúng nhìn từ xa. Có một cuộc giao tranh huyền thoại giữa Nền và Đỉnh, như thi sĩ René Char từng nói; song thay cho độ cao so với mặt biển dễ cuốn hút đám đông trước mặt (trên thực tế, New York là thành phố của chiều sâu, chứ không phải thành phố của tầm cao), Buffet lại trao cho nó nỗi cô độc phi lý của ông; ông vẽ các tòa nhà chọc trời như thể chúng là những giáo đường rỗng: ông làm dẹt “cảnh quan”.

item_915121_0357ea8ef2

Buffet đã hoàn thiện New York bằng cách làm đường phố trở nên trống trơn bóng người. Tôi không có ý muốn nói sự thật thì New York là không gian của bầy đàn, một quan điểm đầy định kiến của châu Âu. Bản thân sự quy hoạch đô thị – thứ tạo nên bàn cờ đam của những đường phố vô danh – là cái giá buộc phải trả để những đường phố này trở nên hữu dụng và không còn là thứ chỉ có trong tranh nữa, để con người và các vật thể luân chuyển, thích ứng với những khoảng cách, làm chủ một cách hiệu quả lên cái thiên nhiên đô thị khổng lồ này: thành phố lớn nhất thế giới (cùng với Tokyo) cũng là thứ mà ta có thể sở hữu trong một buổi chiều, bằng hoạt động gây hào hứng bậc nhất: vì ở đây sở hữu cũng có nghĩa là hiểu biết: New York tự trải mình ra trước niềm khao khát hiểu biết và sự thân quen của ta với nó đến rất đỗi nhanh chóng. Đó là mục đích của những con phố được đánh số này, chúng được bố trí một cách cứng nhắc theo những khoảng cách đều đặn: không phải để biến thành phố thành một cỗ máy khổng lồ và người thì thành robot như cách mà người ta – những kẻ xem sự quanh co dích dắc và sự bẩn thỉu như là những thứ gắn với tinh thần, vẫn cứ lải nhải một cách ngớ ngẩn với chúng ta mà ngược lại, để ta có thể làm chủ những khoảng cách và định hướng bằng tâm trí, để cho ta tùy nghi sử dụng cái không gian chứa đựng 12 triệu người, cái kho chứa thần thoại, cái trung tâm buôn bán của thế giới mà mọi hàng hóa tốt đều có, ngoại trừ sự đa dạng về ý nghĩa siêu hình. Đấy chính là mục đích của tính hình học của New York: rằng mỗi cá nhân đều nên là một chủ nhân, theo nét nghĩa thơ ca của từ này, của thủ đô thế giới này. Không phải ta nên nhìn New York với ánh mắt ngước lên, hướng về trời; mà ta phải nhìn xuống, về phía con người và hàng hóa: bằng một nghịch lý tĩnh tại tuyệt vời, tòa nhà chọc trời tạo nên các khối nhà, các khối nhà tạo nên đường phố, đường phố hiến mình cho con người. Buffet, dĩ nhiên, đi theo hướng ngược lại: ông làm rỗng phố, leo lên mặt ngoài của tòa nhà, lướt qua những bề mặt, ông làm loãng đi: New York của ông là một phản thành phố.

Để vẽ New York từ trên cao, từ đỉnh, là một lần nữa phải dựa vào huyền thoại tâm linh đầu tiên của nó, nghĩa là, huyền thoại về hình học giết chết con người. Với bút pháp của mình, Buffet đã theo gót những nhà đạo đức đáng kính, mà đối với họ cái tủ lạnh là thứ gây ác cảm với tâm hồn. Vẻ hiu quạnh, muộn sầu đầy chủ ý của New York trong tranh của ông có thể mang ý nghĩa gì nếu nó không phải là thông điệp rằng thật tồi tệ nếu con người phải sống trong bầy đàn, rằng con số giết chết tinh thần, rằng quá nhiều phòng tắm sẽ có hại với sức khỏe tinh thần của một dân tộc, rằng một thế giới quá “hiện đại” là một thế tàn ác, rằng chúng ta sa vào chán nản khi chúng ta sống trong tiện nghi, hay nói gọn lại, theo nhận định phản động nhất trong lịch sử nhân loại, bằng chứng ngoại phạm của mọi hình thứ bóc lột, rằng “tiền không làm nên hạnh phúc”? Bản thân tôi có thể hình dung rằng làm việc ở New York là một điều thậm tệ, song không phải New York là thứ khủng khiếp mà chính là công việc. Bằng việc biến thành phố này thành một nghĩa địa trẻ con hóa thạch, từ đó thấp thoáng hiện ra một thời đại “trừu tượng” (than ôi, nhưng không phải nghệ thuật “trừu tượng”), Buffet một lần nữa biến lịch sử thành siêu hình học. Những người da đen khi nhìn vào nước Mỹ luôn bắt đầu bằng hình ảnh những nhà chọc trời và mắt cứ bị dán vào đó. Tuy nhiên, những gì mà những người hành hương dỡ xuống từ con tàu Mayflower[4] không phải chỉ là chủ nghĩa duy nghiệm, tinh thần nghiệp đoàn, nói tóm lại, những hạt giống mà chắc chắn đã tạo nên một thành phố lạ kỳ nhất thế giới mà còn là tinh thần Thanh giáo và đầu óc quan tâm đến lợi nhuận, tiền và siêu hình học. Cái gì tốt, Buffet hồ nghi. Còn cái gì xấu, ông bỏ qua nó trong im lặng.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: “Buffet Finishes Off New York”, trong Roland Barthes (1979), The Eiffel Tower and Other Mythologies, bản dịch tiếng Anh của Richard Howard, trang 149-152.

[1] Jean-Baptiste Greuze (1725-1805), họa sĩ người Pháp, người được xem là đã truyền đạt trong những bức tranh chân dung, tranh về đề tài lịch sử của mình những giá trị của đạo đức tư sản.

[2] Georges Bizet (1838-1875), nhà soạn nhạc lãng mạn Pháp với tác phẩm nổi tiếng nhất là vở opera Carmen.

[3] Phòng hòa nhạc tại quận 9, thủ đô Paris, nước Pháp, được xây dựng vào năm 1913. Phòng hòa nhạc này ưu tiên cho trình diễn opera.

[4] Con tàu Mayflower là con tàu đã chở những người Thanh giáo Anh đầu tiên (ngày nay được gọi là những người hành hương [Pilgrims]) từ Plymouth nước Anh đến Tân thế giới vào năm 1620. Con tàu này đã trở thành biểu tượng văn hóa và lịch sử của Hoa Kỳ.

Sara Mills – Các cấu trúc của diễn ngôn

Bài dịch dưới đây là toàn bộ chương 3 “Discursive Structures” trích từ cuốn Discourse (Routledge, 2004, trang 52-77) của Sara Mills. Bản dịch được thực hiện cách đây khá lâu, nhưng chưa từng công bố ở đâu, chỉ biết là trong số khá nhiều các luận văn trong ngành văn học có sử dụng quan điểm về diễn ngôn của Foucault có dẫn lại những gì tôi đã dịch.

Nhân dịp có người bạn hỏi về bản dịch này, tôi nghĩ có lẽ cũng nên công bố luôn, để cho blog khỏi trống, nhưng quan trọng hơn, là có thể nhờ sự góp ý của mọi người, bản dịch sẽ hoàn thiện hơn, nhận thức của tôi sẽ thấu đáo hơn. Vì hiểu Foucault và thuật ngữ ông không hề đơn giản. Bản dịch, cũng như cách hiểu của tôi, hẳn còn nhiều chỗ chưa thông đạt.

*

foucault-balcony

Chương 3

CÁC CẤU TRÚC DIỄN NGÔN

 

Cách phân tích theo quan điểm cấu trúc luận chủ yếu tập trung vào việc vạch ra các quy luật chi phối sự tạo lập các văn bản và hệ thống biểu nghĩa; những lý thuyết gia như Roland Barthes và Michel Foucault đều không chỉ quan tâm đến các cấu trúc có thể tìm thấy được trong các tạo tác văn hóa như văn bản mà còn chú ý đến những cấu trúc lớn hơn có thể phát hiện được trong bản thân diễn ngôn. Một trong những nhận định quan trọng được Michel Foucault trình bày trong cuốn Khảo cổ học tri thức (1972) là: diễn ngôn không đơn thuần là sự quy tụ các phát ngôn, được nhóm lại xung quanh một đề tài hay chủ đề, cũng không phải là một tập hợp các phát ngôn bắt nguồn từ một bối cảnh mang tính thiết chế cụ thể; diễn ngôn là tập hợp các phát ngôn hay nhận định chịu quy định nghiêm ngặt với các quy luật nội tại đặc thù của bản thân diễn ngôn. Diễn ngôn cũng cần phải được xem là tập hợp các phát biểu, nhận định được quy định bởi quan hệ giữa nó với các diễn ngôn khác. Như Julian Henriques đã diễn giải:

Các quy luật này không chỉ là các quy luật nằm bên trong diễn ngôn mà còn bao hàm các quy luật về sự kết hợp với các diễn ngôn khác; quy luật về sự sai khác giữa các loại diễn ngôn (ví dụ, diễn ngôn khoa học tương phản với diễn ngôn văn chương, v.v…); quy luật về sự tạo lập các nhận định khả hữu. Các quy luật này định ra cái có thể nói ra. Song… chúng không hàm ẩn một sự đóng kín. Tính hệ thống của một diễn ngôn bao hàm cả sự ăn khớp hệ thống của nó với các diễn ngôn khác. Trên thực tế, các diễn ngôn phân định cái có thể được nói ra trong khi cung cấp không gian – các khái niệm, ẩn dụ, mô thức, sự đồng dạng, để tạo ra những nhận định mới bên trong bất kỳ diễn ngôn đặc thù nào… mọi diễn ngôn đều là hệ quả của một thực hành tạo lập mà cùng lúc, vừa mang tính vật chất, tính diễn ngôn và tính phức hợp, luôn luôn nằm nội tiếp với các thực hành khác của việc tạo lập diễn ngôn. Diễn ngôn nào cũng đều là một phức hợp diễn ngôn; chúng bị khóa lại trong một mạng lưới rối rắm của các thực hành, và chúng ta luôn phải ghi nhớ rằng mọi diễn ngôn, xét về mặt định nghĩa, vừa mang tính chất ngôn ngữ vừa mang tính vật chất.

(Henriques, trích lại trong Kendall và Wickham, 1999:41)

Trong chương này, tôi sẽ bàn về cái “mạng lưới của các thực hành” này – những yếu tố cấu thành bản thân diễn ngôn – cái thành tố trừu tượng hơn mà các diễn ngôn cụ thể được tạo lập bên trong nó. Diễn ngôn như một tổng thể bao hàm các diễn ngôn bị quy định. Các quy luật và cấu trúc của diễn ngôn không khởi phát từ các nhân tố kinh tế, văn hóa theo cách hiểu thông thường, mặc dù có thể chúng được nhào nặn bởi những nhân tố này; đúng hơn, chúng là một đặc điểm của bản thân diễn ngôn và được định hình bởi những cơ chế nội tại của diễn ngôn và những mối quan hệ giữa các diễn ngôn. Cả Barthes và Foucault trong các công trình về sau của mình đều rời bỏ giả thuyết ban đầu này song việc giữ lại quan điểm về diễn ngôn như là cái chịu chi phối bởi luật lệ và được cấu trúc từ bên trong vẫn có ý nghĩa quan trọng (Moss, 1998). Do đó, nghiên cứu diễn ngôn không đơn giản chỉ là việc phân tích các phát ngôn và nhận định; nó còn là sự quan tâm đến các cấu trúc và quy luật của diễn ngôn. Các cấu trúc và quy luật này là trọng tâm của chương sách. Foucault đã gọi kiểu phân tích các cấu trúc diễn ngôn này là “khảo cổ”. Theo ông, khảo cổ:

“không hàm ý nói đến việc truy tìm một khởi nguyên; nó cũng không liên quan đến sự khai quật địa chất. Nó biểu thị chủ đề bao trùm một sự miêu tả mà sự miêu tả ấy tra vấn những gì đã được nói ra về sự tồn tại của chúng, về chức năng bộc lộ vận hành bên trong chúng, về sự kiến tạo diễn ngôn, về thư khố chung mà chúng thuộc về. Khảo cổ mô tả các diễn ngôn như là các thực hành được xác định rõ trong thành phần của thư khố.” (Foucault,1972:31).

Cách phân tích khảo cổ học theo như mô tả trên đây, nghe qua, có vẻ như rất khó ứng dụng; trên thực tế, Foucault chỉ muốn nhấn mạnh rằng phân tích các cấu trúc của diễn ngôn chủ yếu không phải để bóc trần sự thật hay nguồn gốc của một nhận định, mà đúng hơn là để khám phá các cơ chế có tính chất bệ đỡ cho phép cái gì có thể được nói ra và đặt nó đúng vị trí. Các cơ chế bệ đỡ này vừa nằm bên trong bản thân diễn ngôn, vừa là cái bên ngoài diễn ngôn, có nghĩa là, chúng mang tính chất xã hội-văn hóa. Vì thế, trong trích dẫn ở trên, Foucault chú ý đến việc đặt các nhận định vào trong các khung diễn ngôn của chúng; do vậy, các nhận định không tồn tại cô lập vì có một tập hợp các cấu trúc khiến cho những nhận định trên trở nên có nghĩa và trao cho chúng quyền uy.

Trước khi bắt đầu mô tả các cấu trúc diễn ngôn, cần thiết phải mô tả quan hệ giữa diễn ngôn và cái thực. Trọng tâm tác phẩm Khảo cố học tri thức của Foucault chủ yếu tập trung vào mối quan hệ giữa các văn bản và diễn ngôn với cái thực và sự kiến tạo cái thực bởi các cấu trúc diễn ngôn. Một cách hiểu phổ biến cho rằng cái thực được mô tả như là một tập hợp các kiến tạo được hình thành qua diễn ngôn. Nhưng chính Foucault chưa bao giờ đưa ra định nghĩa như vậy về cái thực; theo ông, chúng ta chỉ có thể tiếp cận với các cấu trúc diễn ngôn xác định những hình dung của chúng ta về cái thực. John Frow bình luận: “Tính diễn ngôn là một thực tại được kiến tạo về mặt xã hội, vừa kiến tạo nên cái thực lẫn cái tượng trưng và cả sự phân biệt giữa chúng. Tính diễn ngôn quy định cấu trúc cho cái thực nhưng đồng thời chính lúc đó, nó lại là một sản phẩm và một khoảnh khắc của các cấu trúc của cái thực.” (Frow, 1985:200). Đã có rất nhiều những tranh cãi khá vô bổ về việc liệu Foucault thực ra có phủ nhận sự hiện hữu của cái thực hay không khi ông nhấn mạnh vào quyền năng kiến tạo của diễn ngôn; đặc biệt các nhà sử học đã phê phán ông gay gắt vì đã phủ nhận sự tồn tại của các sự kiện lịch sử (xem Taylor, 1986 để nắm bắt tổng quan lịch sử vấn đề). Tuy nhiên, có lẽ hữu ích hơn khi xem xét quan điểm của Foucault về mối quan hệ giữa diễn ngôn và cái thực theo chiều hướng mà Laclau và Mouffe đã vạch ra:

Việc mọi khách thể đều được cấu tạo như là khách thể của diễn ngôn không liên quan gì đến việc liệu có một thế giới nằm bên ngoài tư tưởng không, cũng như không liên quan gì đến sự đối lập giữa chủ nghĩa hiện thực/chủ nghĩa lý tưởng. Một trận động đất hay một viên gạch rơi là một sự kiện chắc chắn hiện hữu, nghĩa là, nó xảy ra ở đây và bây giờ, độc lập với ý chí của tôi. Song đặc trưng của chúng được kiến tạo dưới dạng là “các hiện tượng tự nhiên” hay là “sự biểu lộ cơn giận dữ của Thượng Đế” lại phụ thuộc vào sự cấu trúc hóa một trường diễn ngôn. Cái bị phủ nhận ở đây không phải là những khách thể tồn tại bên ngoài tư tưởng như thế, mà đúng hơn là một xác quyết khác, rằng chúng có thể tự kiến tạo chính chúng như là các khách thể, nằm bên ngoài bất kỳ một điều kiện diễn ngôn nào cho sự xuất hiện.

(Laclau và Mouffe, 1985: 108).

Như thế, không phải Foucault phủ nhận sự tồn tại của cái thực; ngược lại, ông khẳng định cái mà chúng ta xem là có ý nghĩa và cách chúng ta diễn dịch các khách thể, sự kiện, đặt chúng bên trong các hệ thống của ý nghĩa phụ thuộc vào các cấu trúc của diễn ngôn. Các cấu trúc diễn ngôn đó, theo Foucault, khiến các khách thể, sự kiện hiện diện trước chúng ta như là cái thực, mang tính vật chất và có ý nghĩa. Tuy nhiên, quan điểm về tính vật chất của các cấu trúc diễn ngôn đã nhận được nhiều phản biện từ các lý thuyết gia, trong đó đáng kể nhất là Terry Lovell, khi bà phê bình chính quan điểm mang tính chất tiền định này: ‘các ký hiệu không thể được phép nuốt trọn tất cả những cái quy chiếu của mình trong một chuỗi biểu nghĩa bất tận mà ở đó, một ký hiệu luôn trỏ một ký hiệu khác và chu trình này không bao giờ bị phá vỡ bởi sự xâm nhập của cái mà ký hiệu quy chiếu đến’ (Lovell 1980:16). Tuy nhiên, mặc dù Foucault cho rằng các diễn ngôn cấu trúc nên cảm quan của chúng ta về thực tại nhưng ông không xem những hệ thống này là trừu tượng và đóng kín. Ông quan tâm đến cách mà các diễn ngôn cho ta biết phạm vi cho phép chúng ta suy nghĩ và hành động của chúng ta chỉ trong một số giới hạn nhất định ở mỗi tình thế lịch sử. Do đó, tuy xem cái thực là cái được kiến tạo nhờ những áp lực của diễn ngôn nhưng ông cũng ý thức rất rõ về tác động của cái ‘thực tại’ này đối với suy nghĩ và hành vi của con người.

Theo Foucault thì sự tri nhận của chúng ta về các khách thể được hình thành bên trong những giới hạn của những sự cưỡng chế diễn ngôn: diễn ngôn được xác định bởi “sự phân định một trường khách thể, sự xác lập một vị thế hợp pháp đối với tác nhân của tri thức, và sự cố kết các quy tắc đối với việc phát triển các khái niệm hay lý thuyết” (Foucault, 1977a: 199). Ta hãy phân tích chi tiết hơn ba nhân tố được xác nhận trong trích dẫn trên. Điều đầu tiên cần lưu ý là, theo Foucault, diễn ngôn gây ra một sự thu hẹp trường nhìn của con người, để loại trừ một phạm vi rộng các hiện tượng không được coi là thực hay đáng chú ý, thậm chí hiện hữu; do đó, việc định ra một trường khách thể là bước đầu tiên nhằm thiết lập một loạt các thực hành diễn ngôn. Sau đó, để một diễn ngôn hay một khách thể được kích hoạt, được xem như hiện hữu, kẻ nhận thức phải xác lập được quyền cho mình được lên tiếng. Do đó, đường vào diễn ngôn được xem là không thể tách rời với vấn đề quyền uy và tính hợp pháp. Cuối cùng, mỗi một hành động, bằng cách nào đó, vạch ra những cách sử dụng khả dĩ mà nhận định đó có thể tạo nên (mặc dù dĩ nhiên những hành động này không nhất thiết là cái đã xảy ra với nhận định đó). Mỗi một nhận định lại dẫn đến một nhận định khác và, theo nghĩa nào đó, nó đã phải gắn vào trong mình những giới hạn của những cách thức khả hữu mà theo đó, những phát ngôn tương lai có thể hình thành. Diễn ngôn, theo Foucault, cấu thành nên những khách thể cho chúng ta. Một trong những trích dẫn nổi tiếng nhất của Foucault về sự cấu thành khách thể là: “Chúng ta không được tưởng tượng rằng thế giới hướng về chúng ta với một khuôn mặt có thể đọc ra dễ dàng và chúng ta chỉ có việc giải mã nó mà thôi. Thế giới không phải là kẻ đồng lõa với tri thức của chúng ta; không có một thượng đế tiền diễn ngôn nào bày đặt ra thế giới theo cách có lợi cho ta.” (Foucault, 1981:67). Có nghĩa là, không có một trật tự nội tại nào của thế giới ngoài cái trật tự mà ta áp đặt lên thế giới thông qua sự miêu tả bằng ngôn ngữ về nó. Một ví dụ về sự cấu thành khách thể thông qua diễn ngôn là những thay đổi về ranh giới được vạch ra giữa động vật và thực vật qua các thời kỳ lịch sử khác nhau. Ở thế kỷ XIX, vi khuẩn được xếp vào loại “động vật” trong khi bây giờ chúng được xem là một loại riêng. Một vài sinh vật được đẩy từ loại này sang loại khác, ví dụ như tảo, rêu, nấm, tảo cát và các vi sinh vật khác. Trên thực tế, các loài “thực vật” và “động vật” liên tục được định nghĩa lại bởi việc sinh thể nào được đặt vào trong từng loại – một hệ thống phân loại xuất hiện sau, mang tính diễn ngôn hơn là được xác định bởi bản chất “thực” của các loài thực vật và động vật. Các loài thực vật, động vật có chung nhiều thành tố song việc chúng ta tách chúng làm hai nhóm cho thấy ta tập trung vào sự khác biệt giữa hai loài hơn là những đặc điểm chung giữa chúng. Sự thay đổi ranh giới giữa chúng thể hiện rõ rằng không có một thứ ranh giới tự nhiên, có sẵn giữa đời sống thực vật và động vật, mà vì con người thấy cần thiết phải vạch ra ranh giới này. Có thể sẽ hữu ích hơn khi xem sự khác biệt giữa động vật và thực vật như là tập hợp những điểm dị biệt giữa những sinh vật đồng loại hay như một thể liên tục nhưng trong phương thức tư duy phổ biến về vấn đề này, người ta thấy cần thiết phải tách bạch thực vật và động vật làm hai loài riêng biệt. Có thể liên hệ điều này với việc chúng ta đã không còn ở thế kỷ XIX, thời mà đầu óc của con người còn có khả năng bách khoa để đảm nhận những công việc đa ngành; thay vào đó, ở thời hiện tại, thực vật học và động vật học được xem là hai bộ môn khoa học độc lập, thuộc các khoa độc lập ở trường đại học, mỗi môn có phương pháp luận riêng cũng như mối quan tâm riêng.

Thêm một ví dụ nữa cho thấy cách mà những ranh giới mang tính diễn ngôn đã cấu trúc nên cái mà chúng ta nghĩ là những phân loại thực tế là bảng phân loại thực vật của Linnaeus. Khi các nhà thực vật học thế kỷ XIX đến các xứ ngoại quốc để tìm hiểu các loài thực vật, họ mang theo mình một hệ thống phân loại vốn được Linnaeus xây dựng để phân loại các loài thực vật ở châu Âu. Như Mary Louise Pratt đã chỉ ra, điều này nghĩa là các loài cây cỏ được người châu Âu “khám phá” ở Ấn Độ và châu Phi được phân loại theo một hệ thống phân loại của châu Âu có tham vọng trở thành một hệ thống mang tính phổ quát toàn cầu (Pratt, 1992). Các loài thực vật bị trừu xuất khỏi những hệ thống phân loại mà người dân bản địa đã xây dựng để mô tả các đặc điểm, công dụng và môi trường sống của chúng, và chúng trở thành bộ phận của một dự phóng lớn hơn của chủ nghĩa thực dân, nhằm thể hiện sức mạnh “văn minh” của thế lực này. Các loài thực vật đã không còn được nhìn theo hệ thống phân loại nguyên khởi, vốn thường liên hệ với công dụng y học, giá trị dinh dưỡng, mối quan hệ của chúng với những thành tố khác trong một hệ sinh thái và vị trí của chúng bên trong một hệ thống mang tính vũ trụ quan và tượng trưng; đúng hơn, chúng được nhìn nhận tách rời khỏi ngữ cảnh, chỉ xét theo sự tương đồng hoặc không tương đồng về mặt hình thái (cấu trúc thực vật) với các chủng loại thực vật ở châu Âu. Khi những chủng loại thực vật được người châu Âu “phát hiện” thì tên của chúng bị thay đổi, từ tên bản địa sang những sự phân loại xuất phát từ hệ thống của Linnaeus (tức là căn cứ theo sự tương đồng với những cái tên Latin trước đó) và thường thì chúng được đặt tên theo người châu Âu đã “phát hiện” ra chúng. Như thế, chính thứ tri thức dĩ Âu vi tâm mang tính toàn cầu này không đơn giản chỉ đặt tên lại cho vài loài cây cỏ mà nó còn tẩy xóa những tri thức bản địa và chuyển tri thức về các loài thực vật ở những đất nước ngoài châu Âu thành tri thức thực dân (Mills, 1994b).

Diễn ngôn không đơn thuần kiến tạo các khách thể vật chất như những nhóm thực vật cụ thể; diễn ngôn còn kiến tạo cả một số sự kiện và các chuỗi sự kiện thành các tự sự được một nền văn hóa cụ thể nào đó nhìn nhận như là chuyện có thực hay là những sự kiện quan trọng. Ví dụ, trong các nền văn hóa châu Âu, việc sẩy thai chỉ đơn thuần là việc một cái thai bị hỏng, chứ không hẳn là cái chết của một ấu nhi. Vì thế, không có các cấu trúc được nghi thức hóa (như lễ tang chẳng hạn) trong đó, những người bị sẩy thai có thể giải quyết sự mất mát của mình. Thông qua diễn ngôn, sẩy thai được kiến tạo như một sự kiện đã không xảy ra chứ không phải có tư cách của một sự kiện có thực. Theo cách tương tự, những quan hệ không dẫn đến việc đôi lứa chung sống với nhau hoặc đi đến kết hôn được nhiều người xem không phải là chuyện gì nghiêm trọng. Do đó, chỉ một tự sự mang tính chất răn đe trong địa hạt diễn ngôn về tình yêu lãng mạn mà thôi: có nhiều con đường để mỗi cá nhân xây dựng quan hệ của mình với người khác, nhưng chuỗi tự sự đặc biệt này, vốn thường kết thúc bằng một cảnh hôn nhân nào đó, đã loại trừ một số kiểu quan hệ khi không tính đó là là những quan hệ thực (Mills và White, 1999).

Khi coi các khách thể và ý niệm được con người và các thiết chế tạo nên và chính điều này đã kiến tạo nên thực tại cho chúng ta, quan điểm của Foucault đã bị phê phán vì có vẻ như ông cho rằng chẳng có gì là phi diễn ngôn và nằm ngoài diễn ngôn. Nhưng Foucault không phủ nhận rằng có một thực tại tồn tại trước con người, ông cũng không phủ nhận tính vật chất của các sự kiện và kinh nghiệm như một số người phê bình ông quy kết; vấn đề chỉ là cách duy nhất mà chúng ta có thể lĩnh hội thực tại là thông qua diễn ngôn và các cấu trúc của diễn ngôn. Trong quá trình lĩnh hội, chúng ta phân loại và diễn dịch kinh nghiệm và các sự kiện theo những cấu trúc mà chúng ta có sẵn và trong quá trình diễn dịch, chúng ta cấp cho những cấu trúc này một sự kiên cố khiến người ta thường khó nghĩ được điều gì bên ngoài chúng. Foucault không xem những cấu trúc này đơn thuần là phát kiến của những thiết chế hoặc những nhóm quyền lực như một số nhà tư tưởng Marxist khi họ xác lập quan niệm về hệ tư tưởng, ông cũng không cho rằng chúng chỉ là cái mang tính trừu tượng và võ đoán. Đúng hơn, ông nghĩ rằng có một thứ hợp lực giữa áp lực của thiết chế và văn hóa, cùng với cấu trúc nội tại của diễn ngôn, đưa chúng ta diễn dịch cái thực thông qua những cấu trúc đã được hình dung từ trước.

Phân tích của Roland Barthes về các cấu trúc diễn ngôn trong Những phiến đoạn: Diễn ngôn của một tình nhân (1990), có thể xem như một sự bổ túc cho công trình của Foucault, hiểu theo nghĩa, ông cũng quan tâm mô tả những cấu trúc mà bên trong những cấu trúc này, những cá nhân đang yêu phó mặc cho những phép diễn đạt, tâm trạng, cảm xúc, cử chỉ, giọng điệu mà diễn ngôn của tình nhân bày ra cho họ. Barthes coi tất cả những yếu tố được cấu trúc hóa này cấu thành nên cái mà ông gọi là “những phiến đoạn”, từ đó tạo thành diễn ngôn như một chỉnh thể. Ông viết:

“trong bất kỳ một mối tình nào, những hình tượng xuất hiện trước người tình không theo một trật tự nào cả, vì mỗi lần xuất hiện, chúng lại phụ thuộc vào một sự cố (nội tại hoặc ngoại tại?)… chủ thể yêu đương dựa vào một nguồn dự trữ (hay một bộ từ điển từ đồng nghĩa?) những hình tượng… những hình tượng phi ngữ đoạn, phi tự sự.” (Barthes, 1990:6-7).

Giọng điệu băn khoăn của Barthes trong trích dẫn trên điển hình cho sự phân tích của ông đối với các cấu trúc diễn ngôn nói chung – ông muốn phân tích cách mà các hình tượng này quy định những xúc cảm và kinh nghiệm mà người đang yêu trải nghiệm trong khi không cần phải bận tâm lý giải hay khám phá nguồn gốc những hình tượng này. Do đó, ông mang đến cho độc giả một danh sách những phiến đoạn được sắp xếp theo trật tự bảng chữ cái mà ông cho rằng, chúng kiến tạo nên diễn ngôn của tình nhân; những hình tượng này trải ra trên một phạm vi rộng, từ miêu tả những trạng thái như đợi chờ, lừa dối, vắng mặt đến những phân tích về đặc trưng ngôn ngữ của những người đang yêu. Đó là phép thử những giới hạn của cá nhân bên trong diễn ngôn hơn là một nỗ lực nhằm sơ đồ hóa “ngữ pháp” diễn ngôn của người đang yêu. Có thể thấy rõ ông chọn phân tích phân tích diễn ngôn của người đang yêu vì nó ngay lập tức và đồng thời là thứ kinh nghiệm mang tính chất cá nhân sâu sắc nhất đối với hầu hết mọi người và cũng là thứ được cấu trúc hóa cao độ về mặt diễn ngôn. Có lẽ, sự nước đôi này có liên hệ với thực tế rằng đó là thứ kinh nghiệm kiểm tra quyền năng biểu hiện của con người nhiều hơn cả: Barthes cho rằng dường như nó giống như là chỗ “tận cùng của ngôn ngữ”, nơi mà trên thực tế, người ta có thể lặp đi lặp lại không ngừng ‘Anh yêu em vì anh yêu em’ (ibid.: 21). Thể nghiệm mô tả những cấu trúc diễn ngôn của tình ái của Barthes mang những ngụ ý sâu rộng hơn đối với việc phân tích diễn ngôn nói chung. Phiến đoạn, như một bộ phận cấu thành diễn ngôn, rõ ràng là một cách gợi ý để vạch ra những cấu trúc này.

Tuy nhiên, để tìm hiểu chi tiết hơn một số những thành tố của diễn ngôn, tôi sẽ trở lại với Foucault, vì tác phẩm của ông có lẽ mang “tính ngữ pháp” (grammatical) rõ hơn và theo nghĩa nào đó, dễ ứng dụng hơn đối với những ngữ cảnh khác. Tôi sẽ khảo sát những cấu trúc mà Foucault cho rằng chúng mang tính nội tại đối với diễn ngôn, nổi bật hơn cả là tri thức hệ (episteme), nhận định (statement), diễn ngôn (discourse) và thư khố (archive). Các đường biên và giới hạn là rất quan trọng trong việc vận hành những phạm trù và cấu trúc này, và do đó, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu những cách thức mà theo đó, cấu trúc quan trọng nhất của diễn ngôn đảm nhiệm chức năng loại trừ hơn là những bộ phận cấu thành. Từ đó, tôi sẽ xem xét cách mà các diễn ngôn nhất định được lưu thông và duy trì sự tồn tại của mình trên thực tế.

 

TRI THỨC HỆ (EPISTEME)

Xem thế giới khách thể được kiến tạo bởi các thiết chế trong các nhóm xã hội, đặc biệt là thông qua ngôn ngữ, là điểm chung của rất nhiều những lý thuyết gia và các nhà ngôn ngữ học hậu cấu trúc. Song Foucault có lẽ là lý thuyết gia duy nhất đặc biệt chú trọng xem xét sự biến đổi theo thời gian của những hệ thống diễn ngôn này và những biến đổi mà điều này, đến lượt nó, gây ra đối với cảm quan của những nền văn hóa đó về thực tại. Trong Khảo cổ học tri thức (1972), Foucault đã cố gắng phác dựng những biến đổi này một cách hệ thống, từ đó, xác định những giới hạn diễn ngôn của một tri thức hệ, tức, một tập hợp các cấu trúc diễn ngôn nói chung mà bên trong tập hợp này, một nền văn hóa xác lập nên những ý niệm của nó1. Các nhóm diễn ngôn hình thành nên các cấu trúc của một khung tri thức và như Macdonnell phát biểu, một tri thức hệ có thể được hiểu như là nền tảng của tư tưởng mà trên đó, tại một thời điểm cụ thể, một số nhận định này – mà không phải những nhận định khác – được coi là tri thức (Macdonnell, 1986: 87). Những nhóm đơn vị diễn ngôn này không tạo thành một thế giới quan, vì điều này xác nhận một sự mạch lạc, nhất quán của các ý niệm. Như thế, chúng ta có thể bàn về “thế giới quan lãng mạn” hay “thế giới quan thời Elizabeth”, tức nền tảng triết học và văn hóa của một nhóm người cụ thể. Thay vào đó, một tri thức hệ lại bao hàm tổng cộng các cấu trúc diễn ngôn hình thành như là kết quả từ sự tương tác của nhiều loại diễn ngôn đang lưu thông và được ủy quyền (authorised) ở một thời điểm xác định. Do vậy, một tri thức hệ bao hàm các phương pháp luận mà một nền văn hóa mặc nhiên dựa vào đó để có thể tư duy về một số chủ đề nhất định. Foucault cho thấy, trong mỗi thời kỳ, thường có một xu thế cấu trúc suy nghĩ của con người về một chủ đề nào đó, theo một cách đặc thù nào đó và vạch ra những quy cách (procedures) cũng như những điểm tựa cho tư duy. Chẳng hạn, ở thời Victoria, tư tưởng khoa học được đặc trưng bởi khuynh hướng tạo ra những bảng biểu chi tiết, gọi tên và hệ thống hóa những chất liệu có vẻ như không đồng chất thành những hệ thống phân loại rất nghiêm ngặt. Có thể lấy bảng phân loại trong cuốn Các tộc người(1873-9) của Brown làm ví dụ:

Bảng liệt kê tên các dạng người lai ở Peru do Tschudi lập nên minh hoạ cho tính chất lai tạp của cộng đồng người châu Mỹ gốc Tây Ban Nha ở Peru

 

Cha mẹ Con
Cha da trắng và mẹ da đen Multato
Cha da trăng và mẹ da đỏ Mestiza
Cha da đỏ và mẹ da đen Chino
Cha da trắng và mẹ mulatto Cuateron
Cha da trằng và mẹ chino Creole (da nâu nhạt)
Cha da trắng và mẹ chino Chino-blanco
Cha da trắng và mẹ cuateron Quintero
Cha da trắng và mẹ quinteron Trắng

… Và cứ như thế, còn thêm 32 dạng người lai nữa giữa da trắng, da đỏ và da đen.

Đối với những người sống ở thời Victoria, cách tư duy về thế giới như vậy có vẻ như hết sức “bình thường” để mô tả sự khác biệt chủng tộc, trong khi chúng ta lại thấy cách tư duy trên dường như là “bất bình thường” bởi sự chi tiết thái quá và tính hệ thống quá nghiêm ngặt của chúng. Chúng ta như bị làm cho tha hóa bởi ở đây, con người bị phân loại theo cùng một cách mà người ta tiến hành để phân loại chó mèo, căn cứ theo dòng lai và sự thuần khiết của nòi giống. Như Young đã chỉ ra, hệ thống phân loại sự cấy ghép trong thực vật và lai giống trong động vật được chuyển sang để mô tả người dân bản xứ (Young, 1995). Nhưng chúng ta cũng xa lạ với việc lập ra những sơ đồ phần tử cấu thành một lĩnh vực tri thức quá tỉ mỉ như thế vì hình thức tư duy này bây giờ đã bị vượt qua bởi những cách thức khác để tổ chức tri thức và thông tin. Tư tưởng phương Tây cuối thế kỷ XX đã không còn mặc nhiên cho rằng con người có thể nắm bắt bản chất của một vấn đề, trong trường hợp này là sự khác biệt chủng tộc, chỉ bằng cách tích lũy một khối lượng dữ liệu lớn liên quan đến vấn đề đó và tổ chức những dữ liệu này thành những dưới hình thức những bảng biểu.

Foucault cho rằng có những sự đứt gãy tri thức hệ, nghĩa là, ở những thời điểm nào đó trong một nền văn hóa, có những sự phát triển gián đoạn trong các cấu trúc diễn ngôn, khiến cho đối với người ở thời Victoria, sự biểu hiện thực tại bằng hình thức bảng biểu có vẻ như là hoàn toàn bình thường, trong khi đến thế kỷ XX, phương pháp biểu hiện này bắt đầu có vẻ bất bình thường. Một ví dụ xa hơn mà Foucault đưa ra để minh họa là ý nghĩa được gán cho các sự kiện trong mối quan hệ với một trật tự thần thánh. Ở châu Âu thời hiện đại sơ kỳ, mọi sự kiện đều được diễn dịch theo một hệ thống tư tưởng kết nối trần thế với một trật tự siêu nhiên hoặc tôn giáo. Do đó, cái mà bây giờ được xếp vào nhóm các hiện tượng tự nhiên, như một cơn bão lớn chẳng hạn, vào thời đó, sẽ được phân loại theo ý nghĩa của nó trong cái hệ thống tượng trưng lớn hơn này, có thể là một điềm gỡ hoặc một dấu hiệu thể hiện sự tức giận của thần thánh. Các sự kiện thụ nghĩa từ vị trí của chúng trong hệ thống vũ trụ này, trong khi đó, ở châu Âu thế kỷ 21, không một ý nghĩa siêu nhiên rộng hơn nào được gắn cho những trận bão nữa. Các yếu tố cấu thành hình thức đặc thù này của tri thức đã thay đổi; và trong khi thông thường chúng ta nghĩ rằng nhận thức này do sự tiến bộ trong khoa học và tư tưởng thế tục đem đến thì Foucault lại cho rằng chính các hệ thống tri thức của cấu thành nên các tri thức hệ hiện thời của chúng ta rồi cũng sẽ trở nên giả tạo và xa lạ với các thế hệ tương lai. Xem xét các hệ tri thức thịnh hành trong các thời đại và các nền văn hóa quá khứ dễ dàng hơn vì cơ chế tư duy trong nền văn hóa đương thời đã được “bình thường hóa”.

Quan điểm về sự gián đoạn của diễn ngôn cho phép Foucaut phản bác lại ý niệm về sự tiến bộ của các nền văn hóa văn hóa; thay vì nhìn lịch sử châu Âu như một tiến trình đi từ mông muội đến những chân lý lớn hơn, trên con đường đến hiện tại, các giai đoạn trước chỉ có thể được nhìn trong mối quan hệ với với một thứ hiện tại tiến bộ hơn, ông cho rằng thực ra chỉ nên đơn giản nhìn lịch sử tri thức như một loạt những dao động từ hệ thống phân loại và biểu hiện này sang hệ thống và biểu hiện khác. Theo nghĩa đó, tư tưởng của Foucault phân biệt với những mô tả lịch sử của cả trường phái thủ cựu và trường phái Marxist, vì ý niệm trung tâm của cả hai trường phái này đều là sự tiến bộ và cải thiện: đối với các nhà thủ cựu, những tri thức khoa học lớn hơn tất yếu sẽ đem đến những tiến bộ cho loài người; đối với các nhà Marxist, thay đổi cách mạng dẫn đến sự cải thiện hoàn cảnh của giai cấp lao động (Cliff, 1984). Đây có lẽ là chỗ mà Foucault gây được nhiều ảnh hưởng nhiều nhất đến tư tưởng hậu hiện đại, vì quan điểm không tưởng về lịch sử này lồng trong rất nhiều trong các hình thức của tư tưởng. Khi Catherine Belsey giải thích việc bà từ bỏ lập trường nữ quyền luận marxist sang cái mà bà gọi là lập trường nữ quyền luận duy vật, bà đã viện đến những thuật ngữ của Foucault: nhận thấy sự không ổn của việc vạch ra những dự phóng không tưởng và những mục tiêu rõ ràng mà nữ quyền luận có thể đạt được, sự thiếu nhất trí về những mục tiêu mà nó hướng tới, Belsey đi đến chỗ cho rằng mô hình đại tự sự về lịch sử – một bộ phận thiết yếu của tư tưởng Marxist dứt khoát phải bị gạt bỏ (Belsey). Khi xem xét vấn đề quyền phụ nữ đã đạt những bước tiến nào trong hai mươi năm qua, bà nhận thấy cũng cần phải lưu ý đến một số khu vực mà ở đó, quyền phụ nữ đã bị tha hóa. Mô hình về tiến trình liền mạch của các sự kiện hướng về một thứ tương lai được cải thiện hơn đã không chấp nhận sự tha hóa như thế. Mô hình lịch sử gián đoạn của Foucault chỉ đơn giản lập sơ đồ những thay đổi xuất hiện bên trong cơ chế tư duy.

NHẬN ĐỊNH (THE STATEMENT)

Tri thức hệ được tạo dựng từ một loạt các nhận định, nhóm lại thành các diễn ngôn và các khung diễn ngôn khác nhau. Bây giờ, chúng ta hãy xem xét nhận định, với tư cách là đơn vị đầu tiên hình thành nên khối diễn ngôn (block of a discourse). Dreyfus và Rabinow nhận xét: “Nhận định không phải là một phát ngôn hay một mệnh đề, không phải một thực thể tâm lý hay logic, cũng không phải một sự kiện hay một hình thức lý tưởng” (Dreyfus và Rabinow, 1982:45). Một nhận định không phải là một phát ngôn, hiểu theo nghĩa một câu trên thực tế có thể là vài nhận định khác nhau, phụ thuộc vào ngữ cảnh diễn ngôn mà nó xuất hiện. Foucaut trình bày:

“Ở một cấp độ nhất định của vi lịch sử, người ta có thể nghĩ rằng một khẳng định như “các loài tiến hóa” hình thành nên cùng một nhận định ở cả Darwin và Simpson; ở cấp độ lớn hơn, và nghĩ đến những trường sử dụng bị giới hạn hơn, (‘chủ nghĩa Tân Darwin đối lập với bản thân hệ thống của Darwin), chúng ta thấy trước mình là những nhận định khác nhau. Sự bất biến của nhận định, sự bảo tồn bản sắc của nó nhờ tính độc nhất của sự kiện phát ngôn, sự nhân bội của nó nhờ bản sắc của các hinh thức được kiến tạo bởi hoạt đồng của trường sử dụng mà nó được định vị trong đó.” (Foucault, 1972: 4)

Dreyfus và Rabinow rằng trên thực tế một vài diễn ngôn có thể tạo nên một nhận định duy nhất, giống như khi một tiếp viên hàng không đưa ra cùng một thông báo bằng mấy thứ tiếng khác nhau. Hai tác giả nói tiếp:

“Tấm bản đồ có thể là nhận định nếu như chúng thể hiện một khu vực địa lý, và thậm chí một hình vẽ sơ đồ bàn phím máy tính cũng có thể là một nhận định nếu như chúng xuất hiện trong một cuốn sách hướng dẫn sử dụng như một minh họa cho thấy các chữ cái được sắp xếp theo chuẩn trên bàn phím như thế nào.”

(Dreyfus và Rabinow, 1982:45)

Các nhận định dường như có một sự tương đồng đặc biệt với hành động ngôn từ mà John Searle (1979) và John Austin (1962) đã mô tả, mặc dù so với Foucault, các lý thuyết gia về hành động ngôn từ dành nhiều quan tâm hơn đến lực của phát ngôn, cách một phát ngôn được hiểu và phát huy hiệu lực2. Đối với ông, nhận định là phát ngôn có một lực thiết chế nào đó và do đó, được hiệu lực hóa bằng một hình thức quyền uy nào đó – những phát ngôn đó, theo ông, sẽ được coi là những phát ngôn “đúng đắn”. Ông diễn giải: “Người ta bao giờ cũng có thể nói sự thật trong sự trống không (in a void); tuy nhiên người ta chỉ có thể được coi là đúng đắn nếu tuân theo những luật lệ của một thứ “cảnh sát” diễn ngôn nào đó – yếu tố luôn được tái kích hoạt mỗi khi ai đó nói cái gì” (Foucault, 1972: 224). Những phát ngôn và văn bản mang hình thức khẳng định sự thật nào đó (truth-claim) (và vậy thì có bao nhiêu phát ngôn và văn bản không mang hình thức này?) và được phê chuẩn như là tri thức thì có thể được xem là nhận định. Theo nghĩa nào đó, nhận định có thể được xem như là những hành đông ngôn từ “nghiêm trọng” (serious) (Dreyfus và Rabinow, 1982:48). Sự phân tích theo phương pháp khảo cổ của Foucault chú ý đến các hệ thống bệ đỡ chi phối việc tạo lập và tổ chức các nhận định này, và, điều này có lẽ quan trọng hơn, đó là các hệ thống mà nhờ chúng, những phát ngôn khác không được tính là đúng đắn và do đó, không được coi là nhận định.

DIỄN NGÔN/CÁC DIỄN NGÔN

Như tôi đã cố gắng làm rõ trong chương này, trong các tác phẩm của mình, Foucault đã đưa ra một sự phân biệt quan trọng giữa diễn ngôn nói chung – tập hợp những luật lệ và quy cách cho việc tạo ra diễn ngôn cụ thể với các diễn ngôn (discourses) hay nhóm các nhận định. Các diễn ngôn là tập hợp các nhận định được phê chuẩn, mang một thứ lực đuợc định chế hóa nào đó, điều đó có nghĩa là chúng có ảnh hưởng sâu sắc đến cách mà cá nhân hành động và suy nghĩ. Cái tạo nên biên giới của một diễn ngôn rất không rõ ràng. Tuy nhiên, ta có thể nói rằng các diễn ngôn là các nhóm nhật định có một thứ lực giống nhau- chúng được nhóm lại với nhau bởi một áp lực định chế nào đó, bởi sự tương tự giữa xuất xứ và bối cảnh hay bởi chúng cùng hành động theo một cách gần giống nhau. Do đó, thí dụ, diễn ngôn về nữ tính thuộc tầng lớp trung lưu ở thế kỷ XIX bao hàm một loạt những nhận định đồng chất (chẳng hạn, những phát ngôn, văn bản, điệu bộ, hành vi được chấp nhận như là sự mô tả bản chất người phụ nữ thời Victoria: khiêm cung, giàu trắc ẩn, vị tha) và tạo nên những giới hạn mà người phụ nữ trung lưu có thể hiện thực hóa cảm quan của chính họ về bản sắc. Có những diễn ngôn khác thách thức tri thức này (chẳng hạn, các diễn ngôn của chủ nghĩa nữ quyền) nhưng diễn ngôn về tính nữ này là thứ tri thức đã được phê chuẩn bởi các thiết chế trong thời đại Victoria – nhà Thờ, hệ thống giáo dục, v.v… Thứ tri thức này cùng tác hoạt với các thiết chế đó để đặt ra ranh giới của những hình thức khả hữu về tính nữ của tầng lớp trung lưu. Chính sự quan tâm đến những yếu tố cấu thành các diễn ngôn đã nhận được nhiều sự chú ý phê phán hơn cả và có lẽ cũng là điều hữu ích đối với các lý thuyết gia, như tôi sẽ trình bày trong chương 4 và 5 về lý thuyết nữ quyền và hậu thực dân. Bản thân Foucault dành ít quan tâm hơn đối với bản thân các nhận định mà lưu ý nhiều hơn đến cách mà chúng hòa kết lại thành các diễn ngôn hoặc khối diễn ngôn (discursive formations) và hình thành được một uy lực nào đó từ sự nhóm tụ lại như thế.

THƯ KHỐ (THE ARCHIVE)

Một cấu trúc diễn ngôn nữa được Focault bàn luận là thư khố. Foucault diễn giải thuật ngữ “thư khố” như sau:

“Tôi cho rằng tập hợp các luật lệ ở một thời kỳ nhất định và trong một xã hội xác định có thể được định nghĩa là: 1) các giới hạn và hình thức của khả năng diễn đạt (expressibility); 2) các giới hạn và hình thức của sự bảo tồn (conservation); 3) các giới hạn và hình thức của ký ức (memory); và 4) các hình thức và giới hạn của sự phục hoạt (reactivation).” (Foucault, 1978: 14-15)

Theo đó, ý niệm về thư khố có thể xem như song hành với ý niệm về tri thức hệ (episteme), và có lẽ, có thể được hiểu rõ hơn cả thông qua phân tích của Foucault trong một tiểu luận sau này – “Trật tự của diễn ngôn”, mà tôi sẽ trình bày dưới đây. Thư khố có thể được hiểu là tập hợp những cơ chế diễn ngôn làm nhiệm vụ giới hạn cái có thể được nói ra, trong hình thức nào và cái gì được xem là đảng để biết và nhớ. Tính giới hạn hay loại trừ bên trong diễn ngôn này là cái tôi mà bây giờ tôi muốn bàn kỹ hơn, vì nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để hiểu những thành tố cấu thành cấu trúc diễn ngôn.

SỰ LOẠI TRỪ BÊN TRONG DIỄN NGÔN

Cũng như khi cố định nghĩa cách mà cấu trúc diễn ngôn vạch ra cái chúng ta có thể nói và xem là tri thức hợp pháp, luận văn “Trật tự của diễn ngôn” của Foucault (1981) bàn về những khó khăn khi phải đưa một bản ngã nào đó vào trong một diễn ngôn. “Trật tự của diễn ngôn” ban đầu là một bài thuyết trình tại trường College de France danh giá, nơi Foucault phải thỉnh giảng mỗi năm một lần. Foucault bình luận:

“Tôi tin là rất nhiều người có cùng một ham muốn được giải thoát khỏi sự ép buộc để bắt đầu đầu, một ham muốn tương tự là được đứng ở bên kia diễn ngôn, ngay từ ban đầu, không phải đắn đo từ bên ngoài rằng nó có gì lạ lùng, đáng sợ, thậm chí có khả năng gây hại hay không. Trước mong mỏi phổ biến này, phản ứng của thiết chế lại mang tính chất mỉa mai, vì nó thường long trọng hóa sự bắt đầu, bao lấy sự bắt đầu bằng một không gian gây chú ý và im lặng, áp đặt những hình thức mang tính nghi thức lên sự bắt đầu, như thể làm thế, sự bắt đầu sẽ được nhận diện dễ dàng hơn từ xa.”

(Foucault, 1981:51)

Một bài giảng tại một nơi trang trọng như vậy thường được bắt đầu bằng lời giới thiệu về tiếng tăm của diễn giả, điều này trao cho diễn giả uy tín và quyền phát ngôn, quyền được coi cái mình nói ra là cái đáng nghe, và quyền bắt tất cả những tiếng nói phải im lặng. Nhưng cái mà Foucault cố gắng khu biệt ở đây là: ngay cả khi đường vào diễn ngôn (entry into discourse) được nghi thức hóa theo cách này đi nữa, thì nó cũng không hoàn toàn thắng được cách mà diễn ngôn tránh những cố gắng nhằm điều tiết nó. Trong “Trật tự của diễn ngôn”, Foucault đã nói đến việc các thiết chế điều tiết diễn ngôn để ngăn chặn một số nguy hiểm của nó. Ông mô tả phương thức loại trừ diễn ra bên trong diễn ngôn nhằm giới hạn cái có thể được nói ra và được coi là tri thức. Phương thức loại trừ thứ nhất là “cấm đoán”/”kiêng kỵ” (prohibition/taboo): có những chủ đề rất khó để bàn luận trong các xã hội phương Tây như cái chết hay tình dục. Trong văn hóa Anh, nhiều người thường kiêng tránh ngay cả người bạn thân nhất nếu như chồng hay vợ của người bạn đó qua đời, bởi sự khó khăn để nói về cái chết được hình dung từ trước và sự thiếu từ trong tiếng Anh để thể hiện cảm xúc của con người mà không phải vay mượn, thiếu tự nhiên hoặc trở nên hình thức quá. Ở các nền văn hóa khác, và ở nước Anh trong quá khứ, cái chết là chủ đề được nói đến thoải mái và có cả một loạt những “yếu tố” làm điểm tựa như các thực hành vật chất, nghi lễ, tạo tác, khiến việc nói đến cái chết là điều có thể. Ở một số nền văn hóa, chẳng hạn như Mexico, diễn ngôn về cái chết rất dồi dào, phong phú. Và thực ra, ở nước Anh thời Victoria, có cả một “lực lượng” những nhận định, tạo tác (artefacts) và thực hành mà giờ đây có thể bị coi là bệnh hoạn hoặc sến, nhưng nó lại cho phép bàn luận thoải mái, thẳng thắn về cái chết và tang lễ.

Ở nước Anh thời Victoria, cũng rất khó để nói công khai về sex và đây vẫn còn là vấn đề phải kiêng dè; vào thời đó, những các chủ đề tình dục tuyệt nhiên bị tránh trong xã hội văn minh (polite) và các nhóm pha trộn (mixed groups). Một số nền văn hóa mà người Anh va chạm trong thời kỳ thực dân có quan điểm rất khác về tình dục, chẳng hạn, ở Ấn Đô, như Macmillan có lưu ý:

Một số đền đài có những chạm khắc khá tục tĩu (hay gợi dục (erotic), tùy quan điểm của bạn). Các quý bà châu Âu đi ngắm cảnh đều được đám tùy tùng cẩn thẩn ngăn để không phải thấy những hình ảnh ấy; các sách hướng dẫn du lịch phổ biến ở thế kỷ XIX đều khuyên là nên bo tiền những người hướng dẫn địa phương ở một số ngôi đền tai tiếng để họ không làm mình phải trông thấy những cảnh tượng gây sốc. (Macmillan, 1988:105).

Đối với những chủ thể này, không có nhân tố bên trong nào khiến họ cảm thấy khó khăn khi nói về tình dục, nhưng đối với nền văn hóa Anh, nhất là ở thời Victoria, rõ ràng đây là những chủ đề rất khó nói, cũng như chỉ đến gần đây, ở phương Tây, người ta mới có thể dễ dàng nói chuyện về tình dục và tính dục (Bhattacharya, 2002). Đó đơn giản chỉ là một giới hạn diễn ngôn và thiết chế trở thành thói quen trong những nền văn hóa cụ thể ở những thời kỳ nhất định. Khi một chủ đề bị cấm, tình trạng đó bắt đầu trở thành hiển nhiên.

Phương thức loại trừ thứ hai, để giới hạn những gì có thể nói ra được, tập trung xung quanh diễn ngôn của những người bị xem là điên khùng và do đó, lời họ nói ra là phi lý. Foucault phản biện rằng ở những thời kỳ lịch sử khác nhau, lời nói của người điên hoặc được coi là sự thấu thị thần linh, hoặc bị xem là hoàn tòan vô nghĩa (1989 [1961]). Ở nước Anh thế kỷ XX, ngôn ngữ của những kẻ tâm thần phân liệt chẳng hạn không hề được công nhận, vì thế khi những người có vẻ điên nói, họ không được để ý đến; nếu họ yêu cầu những cách đối xử đặc biệt mà những người có quyền uy trong xã hội không ủng hộ thì họ sẽ bị quên lãng. Điều đó xác nhận mong muốn và quan điểm của những người “lý trí” (rational) như các bác sĩ hay những người làm công tác xã hội có trọng lượng hơn.

Sự loại trừ thứ ba xác định cái gì có thể được xem là một nhận định và do đó, trở thành bộ phận của một khung diễn ngôn. Sự loại trừ này được thực hiện trên cơ sở phân định tri thức nào được quan niệm là đúng và tri thức nào là sai. Foucault đã phác lại lịch sử của sự phân định này; ông cho thấy, ở thế kỷ VI, đối với người Hy Lạp, nội dung của một nhận định không hề đảm bảo cho việc nó được coi là đúng; thay vào đó, chính hoàn cảnh phát ngôn mới lại là cái quan trọng nhất: “đến một ngày, sự thật buộc phải rời khỏi cái hành vi phát ngôn hiệu nghiệm được nghi thức hóa và được coi là đúng đắn, để hướng về chính bản thân phát ngôn, ý nghĩa, hình thức, đối tượng cũng như mối liên hệ của nó với cái quy chiếu” (Foucault, 1981: 54). Foucault đã gọi sự quá độ này là sự vận động theo “ý chí đoạt sự thật”, cái ý chí “áp đặt lên chủ thể nhận thức, và bằng một thứ cảm quan có trước tất cả các kinh nghiệm, một lập trường, một cái nhìn, một chức năng nào đó (thấy hơn là đọc, xác nhận hơn là bình luận) (Foucault, 1981:55).

Tác phẩm của Lennard Davis có thể lấy làm mình họa cho sự thay đổi diễn ra trong các nền văn hóa phương Tây. Ông đã cho thấy trong thế kỷ XVIII, có một bước quá độ từ một quan niệm rất lỏng lẻo về ranh giới giữa sự thật – hư cấu, đúng – sai đến một nỗi ám ảnh về việc phải rạch ròi, tuân theo luật lệ rõ ràng (Davis, 1983). Khởi đầu từ việc làm ra các bản tin, tức các văn bản nhằm mục đích trình bày chính xác, cập nhật những sự kiện đáng chú ý hơn là các sự kiện mang một ý nghĩa luân lý, tượng trưng hay tôn giáo dẫn đến việc có một nhu cầu khẩn thiết tạo ra sự phân định giữa sự thật và sai lầm ở không gian công (public domain) – sự phân định này được ủng hộ và thực hiện nhờ sự can thiệp của chính phủ, thông qua việc ban hành luật cầm phỉ báng và thuế tem (stamp duties) đối với một số hình thức xuất bản. Điều này tạo ra một hiệu ứng sâu rộng đối với việc viết các văn bản nói chung, và cũng chính vào thời điểm này, sự phân biệt giữa tiểu thuyết và những miêu tả “thực tế” (factual) bắt đầu rõ rệt. Foucault chứng minh rằng ý chí đoạt sự thật này được ủng hộ bởi một loạt thiết chế: các tổ chức giáo dục, nhà xuất bản, cơ quan pháp luật, thư viện, v.v… đến mức nó không để cho ta có thể hồ nghi nỗi ám bởi sự thật và thực tế này. Chúng ta công nhận đó là sự phân biệt cần thiết chỉ dẫn tư duy của chúng ta. Foucault chứng minh rằng chính điều này đã khiến văn học thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX ám ảnh với “tính giống như thật” (vraisemblance), cái được viết ra chỉ là bản sao của một thực tại bên ngoài. Đối với nhiều người, sự tái hiện “chân thực” (true) là điều hoàn toàn có thể và tìm kiếm “sự thật/chân lý” (truth) dường như trở thành một mục tiêu tất yếu của nghiên cứu hàn lâm. Mặc dù chúng ta thường trải nghiệm cái ý chí đọat sự thật này như một sự “phong phú, màu mở, một thế lực phổ quát tinh vi và quỷ quyệt ( a gentle and insidiously universal force)”, “chúng ta lại không nhận thức được… cái cơ chế phi thường (prodigious machinery) được thiết kế để loại trừ (Foucault, 1981:56). Sự loại trừ, về bản chất, thật nghịch lý, lại là một trong những cách quan trọng nhất để tạo ra diễn ngôn.

CHU TRÌNH CỦA CÁC DIỄN NGÔN

Bên cạnh các phương thức loại trừ, Foucault còn lưu ý sự kiến tạo các diễn ngôn cũng có những cơ chế bên trong và bên ngoài, để duy trì sự tồn tại của các diễn ngôn. Một trong những cơ chế lưu thông của diễn ngôn là bình luận. Những diễn ngôn nhận được sự bình luận của các diễn ngôn khác được coi là những diễn ngôn có hiệu lực và giá trị:

“chúng ta có thể ngờ vực rằng trong mọi xã hội, với một sự kiên định cao độ (consistency), có một sự thay đổi từ trạng thái này sang trạng thái kia giữa các diễn ngôn: giữa những diễn ngôn được nói trong những trao đổi ngày thường và biến mất ngay khi chúng vừa được nói ra và những diễn ngôn làm nảy sinh một số hành động ngôn từ mới sử dụng chúng, biến đổi chúng hay nói về chúng, nói tóm lại, đó là những diễn ngôn, vượt qua công thức của chúng, được nói không ngừng, chúng vẫn đang được nói và sẽ còn được nói liên tục.” (ibid.: 57)

Có thể xem Kinh Thánh là một văn bản thuộc loại này, một văn bản mà đã có và tiếp tục còn có những lời bình luận về chúng; theo một nghĩa nào đó, những bình luận này duy trì sự tồn tại của Kinh Thánh, đảm bảo cho việc nó được lưu thông như một thứ tri thức hợp thức. Sự bình luận gán cho văn bản sự giàu có, sự đầy đặn và sự vĩnh cửu. Nhưng đó không phải là một hành động hoàn toàn vô ngã:

“Vai trò của sự bình luận… rốt cục, là để nói ra cái được hình thành âm thầm “bên ngoài” văn bản. Bằng một nghịch lý mà nó luôn muốn loại bỏ nhưng không bao giờ thoát khỏi, bình luận bao giờ cũng phải tiếng nói đầu tiên về cái mà trớ trêu thay thực ra đã được nói rồi và phải lặp đi lặp lại không biết mệt cái thực ra lại chưa từng được nói.” (ibid.: 58)

Điều này gợi nhớ đến một trong những hình thái chiến lược được các nhà phê bình văn học quy phạm hơn khi họ cố gắng tạo nên cái gọi là ý nghĩa “đúng” của một văn bản văn chương. Các nhà phê bình mới chẳng hạn, cảm thấy họ phải đưa ra được một cách diễn giải văn bản văn chương mới, tốt hơn, toàn diện hơn, trong khi lại cho rằng ý nghĩa này đã nằm sẵn trong văn bản, chờ đợi được khám phá bởi một độc giả có kỹ năng đặc biệt hay một nhà phê bình. Theo quan điểm của Foucault, quá trình “phát hiện” ý nghĩa “thực sự” của văn bản đơn thuần là một thực hành mang tính ảo tưởng để đảm bảo cho chu trình của văn bản được vận hành.

Cái quá trình đảm bảo cho chu trình của văn bản được vận hành bằng sự bình luận về nó đặc biệt quan trọng khi chúng ta xem xét hoạt động phê bình văn chương trong phạm vi nhà trường các cấp. Phê bình, đối với các lý thuyết gia, không đơn thuần chỉ là một hành vi nghiên cứu mà như các lý thuyết gia nữ quyền đã chỉ ra, nó tạo ra một hiệu ứng mà dựa vào đó, văn bản nào được đánh giá là có đáng xuất bản hay không, văn bản nào đáng được tái bản. Các nhà nghiên cứu văn học nhận thức rằng người ta khẳng định địa vị của mình bằng sự làm việc với những văn bản văn chương đã được thẩm định: đó là những văn bản được xem là điển phạm mẫu mực và/ hoặc những công trình lý thuyết phức tạp. Chính bởi khuynh hướng làm việc với những văn bản điển phạm mà những văn bản bị loại khỏi điển phạm được coi là không đáng phân tích. Vì thế, các nhà phê bình nữ quyền luận những năm 1960 không chỉ gặp khó khăn trong việc tiếp cận những văn bản đầu tiên của phụ nữ mà còn trong việc hợp thức hóa một nghiên cứu như thế (Showalter, 1977). Các văn bản phi điển phạm thường không được tái bản và do đó, sinh viên hay nhà nghiên cứu khó có điều kiện tiếp xúc, các giảng viên thì bất đắc dĩ lắm mới đưa chúng vào thư mục sách cần đọc. Do đó, bình luận đóng vai trò không phải chỉ như một đảm bảo để những văn bản nào đó sẽ luôn được in ra, luôn được giảng dạy trong các thiết chế giáo dục, luôn được các nhà nghiên cứu quan tâm đến, nó còn khiến cho việc phân tích những văn bản hầu như không mấy ai viết về chúng rất khó được hợp thức.

Sự điều chỉnh nội tại thứ hai của diễn ngôn là ý niệm về nguyên tắc hàn lâm (academic discipline): đây là một nhóm diễn ngôn thuộc một trật tự lớn hơn xác định cái gì có thể được nói và được coi như là thực tế hay chân thực trong một phạm vi nào đó. Do đó, mỗi một nguyên tắc sẽ xác định phương pháp, những hình thức mệnh đề và lập luận, phạm vi đối tượng nào sẽ được coi là đúng. Tập hợp các cấu trúc này cho phép cấu tạo nên những mệnh đề mới nhưng chỉ trong những giới hạn diễn ngôn nhất định. Foucault cho rằng những cấu trúc diễn ngôn loại trừ nhiều mệnh đề hơn là chấp nhận chúng. Thậm chí, nếu công trình nghiên cứu của người nào đó thực sự chính xác và sâu sắc nhưng lại không tương hợp với hình thức và nội dung của những nguyên tắc cụ thể thì nó có thể bị coi thường hoặc chỉ được coi là thứ tri thức phi hàn lâm hay bình dân. Những nguyên tắc cho phép người ta “nói trong sự thật” (speak ‘in the true’), tức là nói trong phạm vi những gì được coi là “đúng” theo nguyên tắc đó, song chúng cũng loại trừ những tri thức khác có thể cũng khả dĩ. Chẳng hạn, nếu một nhà khảo cổ viết một bài báo khoa học thì trọng tâm của bài báo, do đặc trưng cấu trúc của lĩnh vực, tất yếu phải phải tập trung vào xã hội và sự biến đổi của xã hội người; song những dữ kiện mà các nhà khảo cổ khai phá được dễ bị xem là hệ quả của sự biến đổi môi trường hơn do hành vi con người. Nếu một nhà khảo cổ đứng trước một địa điểm có dấu hiệu của sự xói mòn đất hay hỏa hoạn thì anh ta thường có xu hướng diễn giải những dấu vết này như là chứng tích hoạt động của con người: con người trồng trọt khiến đất đai trở nên xói mòn; con người dùng lửa để phát quang một vùng nhiều cây cối. Nếu một nhà địa vật lý cũng bắt gặp những dấu hiệu đó tại một địa điểm thì họ có xu hướng nhìn chúng như bằng chứng của tác động môi trường: sông làm xói mòn đất, nơi này chịu một trận hỏa hoạn tự phát. Do đó, nguyên tắc của từng lĩnh vực sẽ xác định dữ liệu được phân loại thế nào. Cấu trúc của mỗi lĩnh vực không chỉ đơn thuần khu biệt một số loại tri thức, xếp chúng vào từng phạm vi cụ thể mà còn xây dựng phương pháp phân tích đặc trưng cho từng lĩnh vực và các trường đại học phân các khoa theo từng lĩnh vực, dẫn đến chỗ các triết gia, các nhà tâm lý, ngữ học và ký hiệu học, những người đều có cùng một đối tượng nghiên cứu – ngôn ngữ – có lẽ hầu hết không biết về công việc của nhau.

Foucault trong “Trật tự của diễn ngôn”, cuối cùng tập trung vào sự loãng khí (rarefaction) của diễn ngôn như một sự kiềm tỏa diễn ngôn từ bên trong. Sự loãng khí ở đây, theo diễn giải của ông, là một thực tế đáng ngạc nhiên, rằng mặc dù diễn ngôn –cái mà bất kỳ ai cũng có thể tạo ra – trên lý thuyết, là vô hạn, nhưng trên thực tế, chúng lại rõ ràng mang tính chất lặp lại và vẫn còn giữ những ranh giới ít nhiều đã được thỏa thuận trong xã hội. Về lý thuyết, ai cũng có thể nói lên bất cứ điều gì mà mình muốn nhưng thứ nhất, khi lựa chọn chủ đề nói chuyện và từ ngữ, ta đều bị hạn chế bởi những quy tắc xã hội và cá nhân; thứ hai, ta cũng bị hạn chế nhiều xét từ sự kiến tạo những nhu cầu và ham muốn của mình. Do đó, cái mà ta cảm thấy mình muốn nói lại tương đối khả đoán và nằm trong tập hợp những tham số bị giới hạn. Có thể liên tưởng thực tế này với hệ thống mốt: chỉ có một số lượng hạn chế những kiểu trang phục, mẫu vải, màu sắc bày ra trong các cửa hàng để chúng ta mua. Chúng ta cấu trúc mong muốn của mình về hình ảnh bản thân trong những biên giới sẵn có. Những lựa chọn của chúng ta về trang phục tuy nhiên lại có vẻ như mang tính cá nhân. Foucault có lẽ sẽ cho rằng những giới hạn này được tạo nên bởi những giới hạn diễn ngôn; chúng ta nói và hành động bên trong những ranh giới mà các diễn ngôn vạch ra cho chúng ta. Chẳng hạn, chúng ta phải mặc quần trừ phi việc không mặc quần được xác lập như là cái có thể chấp nhận được và khả dĩ trên phương diện diễn ngôn. Một sự phân tích ý hệ về ngành công nghiệp thời trang sẽ tập trung vào những hứng thú mà sự giới hạn những khả năng biểu hiện này có thể đem đến, và chắc chắn Foucault thấy rõ những giới hạn diễn ngôn là những giới hạn đã được phê chuẩn bởi một thiết chế nào đó. Tuy nhiên, ông quan tâm đến những hiệu ứng đối với sự biểu đạt mà những giới hạn trên tạo ra hơn là những hứng thú mà chúng đem đến.

Diễn ngôn bị giới hạn bởi những nghi thức có chức năng khống chế số người có thể nói ra một số kiểu phát ngôn nhất định: ví dụ, ở Anh, chỉ có linh mục hay hộ tịch viên mới có thể cho phép một đôi nam nữ kết hôn hợp pháp; chỉ có quốc vương mới có thể khai mạc kỳ họp nghị viện. Nếu một người vốn không được phê chuẩn để phát ngôn những lời đó thì lời anh ta nói ra chắng có giá trị; do đó, một diễn viên “kết hôn” với ai đó trên sân khấu thì không phải là sự kết hôn hợp pháp. Foucault đặt ra câu hỏi: “Rốt cục, một hệ thống giáo dục là gì nếu không phải là một sự nghi thức hóa lời nói, xác nhận và cố định hóa vai trò của chủ thể nói, một sự thiết lập một nhóm giáo điều có khả năng phát tán, một sự phân bố và chiếm dụng diễn ngôn với quyền năng và các tri thức của nó?” (Foucault, 1981:64). Do đó, thay vì xem hệ thống giáo dục như một thiết chế khai sáng, nơi sự tư do truy cầu sự thật được khuyến khích, Foucault lại thấy nó chỉ như một hình thức điều tiết diễn ngôn mà thôi. Trong các thiết chế giáo dục, quyền nói nhiều khi bị khống chế nghiêm ngặt (ví dụ, trong một bài giảng, chỉ có diễn giả được nói mà thôi, tất cả những lời nói khác sẽ bị coi là lạc đề trừ phi được diễn giả chấp thuận) và cũng có những thứ luật rất chặt để xét xem cái gì có thể được coi là tri thức ( những cố gắng biểu đạt các ý tưởng không quy chiếu đến tri thức quá khứ, và không được thể hiện theo những quy ước về hình thức của các bài báo hay luận văn, nhìn chung đều bị phê phán và xem như là những sự thất bại).

Ngược lại, những hình thức tri thức tuân thủ chính xác theo những luật tắc của diễn ngôn thì sẽ được công nhận. Ví dụ cho điều này là một bài báo khoa học “lỡm” gần đây đã tạo ra scandal: sau khi bài báo được xuất bản, người ta mới hay đó chỉ là một bài viết “chơi khăm”. Bài báo có tên: “Vượt qua những ranh giới: hướng đến một thông diễn học biến dạng về trọng lượng lượng tử”, do Alan Sokal, một nhà vật lý người Mỹ, làm việc tại Đại học New York, viết. Bài viết được gửi cho tạp chí nghiên cứu văn hóa Social Text như là một sự chơi xỏ. Sokal muốn chứng minh sự trống rỗng của nghiên cứu văn hóa bằng việc đăng một bài báo mà thực chất là vô nghĩa, nhưng bài báo đã tuân thủ chính xác cách trích dẫn các lý thuyết gia “đúng đắn” (correct) và đưa ra những lập luận “xác đáng” để vừa khuôn với khuynh hướng chính thống của nghiên cứu văn hóa. Bài báo được chấp nhận vì như Peter Jones nói: “Nó dùng biệt ngữ. Đó là tất cả những gì đáng kể. Đánh giá các luận điểm không phải là cái đáng để quan tâm.” (Jones, 1996: 16). Rõ ràng đây là một cách nói cường điệu nhưng thực sự bài báo đuợc đăng là vì nó tuân theo những nguyên tắc diễn ngôn thịnh hành trong lĩnh vực đó.

Những phân tích diễn ngôn của Foucault trong “Trật tự của diễn ngôn” đạt đến tính chất thấu thị là vì ông tập trung vào sự cưỡng chế (constraint) – cách mà chúng ta hoạt động bên trong những giới hạn diễn ngôn – hơn là xác nhận rằng con người được tự do biểu đạt bất cứ cái gì mà mình muốn. Việc tập trung vào sự kiềm chế này có thể xem như là một sự phủ định cố hữu nhưng trong công trình sau này của ông, “Lịch sử tính dục”, mà ở chương trước đã đề cập đến, cảm thức về sự cưỡng chế này có thể được xem như là một sự giới hạn, mà còn là sự năng sản. Kiến thức chỉ có thể được tạo ra thông qua quá trình kiếm chế này.

Quan niệm của Foucault về tác giả cũng rất quan trọng đối với việc phân tích các cấu trúc của diễn ngôn, vì tác giả đã thôi không còn là kẻ duyệt ý nghĩa của văn bản nữa mà trở thành một hình thức tổ chức một nhóm văn bản. Tác giả không còn là “một cá nhân cất lời, người nói hay viết một văn bản, mà… là một nguyên tắc để nhóm lại các diễn ngôn, được quan niệm như sự thống nhất và cội nguồn của ý nghĩa” (Foucault, 1981: 58). Các nhà phê bình thường sử dụng ý niệm về tác giả để áp đặt một cảm thức về trật tự và những mối bận tâm hết sức hạn hẹp (a set of restricted concerns) lên hàng loạt các văn bản hầu như có rất ít điểm chung. Cả Barthes và Foucault đều nói đến cái chết của tác giả, gợi mở một sự thay đổi động hướng từ chỗ quan tâm đến bản thân tác giả đến chỗ chú ý đến vai trò của độc giả trong việc tạo ra sự diễn dịch một văn bản, theo Barthes và đến vai trò của cái được gọi là “tác giả – chức năng” (author –function), theo Foucault (Foucault, 1980b; Barthes, 1986). Tác giả – chức năng là nguyên tắc tổ chức để nhóm các tác văn bản riêng rẽ vốn thường không có điểm chung nào lại. Như thế, sự nghiệp văn học của Jane Austen chẳng hạn, được cấp cho một sự mạch lạc và được nhìn nhận như một quá trình ngày càng hoàn thiện từ tiểu thuyết đầu tay đến những tác phẩm sau này và các tính ngữ như “còn non” (immature) hay “đạt đến độ chín” (mature) được dùng để mô tả tiến trình này. Tương tự, các tác phẩm của Shakespeare được tập họp lại và được bàn bạc trên cơ sở những đặc điểm chung về phong cách, cho dù vấn đề quyền tác giả của một số vở kịch và bài thơ vẫn còn thuộc diện nghi vấn. Thứ tự sự về quá trình tiến triển này và ý niệm về tác phẩm là điều mà Foucault nghi ngờ, ông đặt ra câu hỏi rằng thực ra, đây có phải là cái trật tự mà chúng ta áp đặt lên văn bản, theo những giả định của chúng ta dựa trên thông tin về tiểu sử tác giả? Sự phê phán của Focault đối với khái niệm tác giả trong các văn bản văn chương là hết sức sâu sắc, vì nó cho phép chúng ta thoát khỏi cách phân tích văn bản dựa vào cuộc đời nhà văn, cái mà Foucault cho rằng thực chất là một loạt những văn bản khác nữa.

Foucault lưu ý việc một số diễn ngôn có tác giả trong khi đối với một số khác, khái niệm quyền tác giả lại gần như không cần phải đặt ra: một tài liệu pháp lý không có tác giả bởi lẽ quyền tác giả của nó bắt nguồn từ thiết chế, chính phủ phê duyệt nó hơn là từ cá nhân làm nhiệm vụ soạn thảo và biên tập. Một văn bản quảng cáo không có tác giả vì nó được xem là một thứ văn bản nhất thời và được sáng tạo bởi một nhóm người hơn là một cá nhân đơn lẻ. Nhưng văn bản văn chương có lẽ là điển hình cho loại văn bản có tác giả, cho dù vấn đề chủ sở hữu sáng tạo của nó rất phức tạp, vì hơn bất cứ loại văn bản nào khác, văn bản văn chương được hình thành như là phản ứng đối với những kiếm chế (constraints) của những văn bản khác. Bản thân chúng cũng nằm trong sự cưỡng chế này. Văn bản văn chương là thứ mang tính liên văn bản rõ nét nhất, nó quy chiếu đến những văn bản khác bằng sự dụng điển, bằng những cấu trúc hình thức ( giọng trần thuật, cốt truyện, nhân vật, v.v…), thế nhưng đó lại là những văn bản mà ở đó, sự độc sáng của cá nhân tác giả được xem là điều quan trọng nhất. Những quan điểm của chủ nghĩa lãng mạn thế kỷ XIX về người nghệ sĩ sáng tạo đã thấm nhuần vào cảm quan của chúng ta về quyền năng của tác giả. Như Diane Macdonnell nhận định:

“Khái niệm tác giả như một nguồn cội sáng tạo tư do ý nghĩa của một cuốn sách bắt nguồn từ những hình thức mang tính pháp lý và giáo dục của diễn ngôn chủ nghĩa nhân văn tự do nảy sinh vào cuối thế kỷ XVIII- đầu thế kỷ XIX; đó không phải là một khái niệm tồn tại bên trong các diễn ngôn vừa mới phát triển gần đây.” (Macdonnell, 1986:3).

Foucault hoài nghi ý niệm về sự sáng tạo, ông cho rằng người ta hiếm khi nói được cái gì hoàn toàn mới, thậm chí khi một ý tưởng mới được trình chánh thì nó cũng được hình thành bên trong sự cưỡng chế của những gì đã được tư duy trước đó; thêm nữa, khi một ý tưởng mới phát triển thì vấn đề quyền sở hữu cũng lại là điều khiến Foucault băn khoăn: có rất nhiều nhân tố khác ngoài trí tuệ của con người tham gia vào quá trình hình thành một ý tưởng. Do vậy, một sự phân tích theo kiểu Foucault sẽ tập trung vào hoàn cảnh tiếp nhận những ý tưởng mới và có lẽ sẽ cố gắng phân tích những ý tưởng và phát kiến không được một xã hội nào đó phê duyệt và xem như có thể chấp nhận được trong thẩm quyền của nó.

Một ví dụ làm sáng tỏ điều này là tranh cãi ở phương Tây trong trường kỳ lịch sử về việc làm thế nào để có thể làm ra một bộ lịch chính xác, hoàn toàn ăn khớp và đánh dấu được các giai đoạn của các mùa và nhiều lễ hội khác nhau của đạo Thiên chúa như lễ Giáng Sinh và nhất là lễ Phục Sinh (Duncan, 1999). Mặc dù rõ ràng con người thời xưa ai cũng thấy bộ lịch không trùng khớp với các mùa, vì ngày hạ chí đôi khi lại rơi vào mùa thu, nhưng khi nhà khoa học kiêm tu sĩ Roger Bacon vào năm 1272 đề xuất với Giáo hoàng Clement về việc phải thay đổi lịch, vì ông đã tìm ra được một cách chính xác hơn để đo chuyển động của trái đất trong tương quan với mặt trời và mặt trăng, ông đã bị kết án vì đã có những “ý nghĩ lập dị đáng ngờ” (Duncan, 1999:8). Vì những bằng chứng thiên văn học của Bacon không ăn khớp với giáo điều của nhà thờ ở thời điểm đó, ông bị tống vào tù và bị cấm giảng dạy. Phải đến tận thế kỷ XVIII, lịch mới được cải tiến theo hướng mà Bacon đã đề xuất.

Foucault không cho rằng không hề có sự sáng tạo cá nhân nào. Thay vào đó, ông cho rằng cá nhân nào cũng có tiềm năng sáng tạo bên trong sự cưỡng chế của diễn ngôn vốn cho phép tạo ra các ý tưởng và văn bản. Phần lớn chúng ta đều để cho năng lực sáng tạo của mình bị thui chột ngay từ khi còn nhỏ bởi những áp lực của xã hội bắt chúng ta phải thỏa hiệp thông qua hệ thống giáo dục. Có lẽ ông muốn chất vấn cái giả định cho rằng xã hội chia thành một nhóm rất nhỏ gồm các thiên tài như Einstein, Shakespeare và da Vinci và bộ phận còn lại là những người không có khả năng tư duy sáng tạo (tư duy thách thức những giới hạn của sự cưỡng chế diễn ngôn).

Tất cả những cơ chế cấu trúc, cưỡng chế và truyền lưu thông tin đều có một hệ quả gần giống nhau: chúng dẫn đến việc tạo lập diễn ngôn, nhưng chỉ một số kiểu diễn ngôn mà thôi. Theo nghĩa nào đó, chúng khẳng định rằng: cái gì có thể nói được và cái gì có thể được xem là tri thức là rất hạn chế, chúng chỉ có thể xuất hiện bên trong những ranh giới được phân định rất rõ và đã được nhận thức. Điều này bảo đảm rằng tri thức ở một thời điểm cụ thể đều có một sự đồng nhất nhất định. Như thế không có nghĩa là mọi cả nhân ở một thời đại nào đó đều có cùng một thế giới quan đặc trưng; ở đây chỉ muốn nói rằng tất cả những phát ngôn và văn bản được chấp thuận đều được tạo ra bên trong những cưỡng chế diễn ngôn giống nhau.

KẾT LUẬN

Điều mà ta có thể rút ra từ các công trình về cấu trúc diễn ngôn ở giai đoạn đi theo cấu trúc luận của cả Barthes và Foucault là diễn ngôn được tạo nên bởi một tập hợp những quy định bất thành văn. Những luật tắc đối với việc tạo lập diễn ngôn dường như không nhất thiết phải được một cá nhân hay một nhóm nào đó soạn ra, cũng không phải được tạo ra vì lợi ích của một nhóm cụ thể nào, mặc dù trên thực tế, chúng có thể phục vụ cho những lợi ích đó. Đối với nhiều người, sự tùy tiện của các cấu trúc diễn ngôn là ở sự rối rắm của chúng; chúng ta có cảm giác suy nghĩ và phát ngôn của chúng ta không đơn giản nảy sinh từ ý chí hay trí tuệ của mỗi cá nhân; thay vào đó, chúng ta nhận thấy cái mình có thể biểu đạt và cái mà ta nghĩ mình muốn biểu đạt bị cưỡng chế bởi những hệ thống và luật lệ mà trong chừng mực nào đó, nằm ngoài sự kiểm soát của con người. Đó là những hệ thống mà không phải bao giờ, ta cũng phải nhất thiết nhận thức được về chúng và chỉ có thể thông qua phương pháp khảo cổ mà Foucault và Barthes khởi xướng, ta mới bắt đầu nhận thức được nhưng khung khổ mà bên trong chúng, diễn ngôn được tạo lập và bên trong diễn ngôn này, chúng ta hình thành nên những phát ngôn và ý nghĩ của mình. Lý thuyết hậu cấu trúc và hậu hiện đại đã làm xói mòn phần lớn nền móng của chủ nghĩa cấu trúc, đặt ra nghi vấn về sự tồn tại của các cấu trúc nói chung. Tuy nhiên, công trình ở thời kỳ đầu của Barthes và Foucault có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy chúng ta tư duy sâu hơn về nguồn gốc của chính cái cơ cấu mà suy nghĩ của chúng ta nằm trọn trong đó.

CHÚ THÍCH

  1. Episteme có thể được phát âm là ay/pis/te/may nếu muốn cho thấy đây là từ gốc Pháp (épistèmé) nhưng hầu hết mọi người đều phát âm nó trong tiếng Anh là ep/is/teem.
  2. Foucault không bận tâm đến quan niệm dụng học về phát ngôn cá nhân; khác xa Austin hay Searle, vấn đề phát ngôn cá nhân không phải là tiêu điểm chú ý của ông, mà là những luật lệ chi phối việc hình thành phát ngôn nói chung và những giới hạn của cái có thể biểu đạt được (xem Searle, 1979).
  3. Công trình của Norman Fairclough về sự biến đổi trong các cấu trúc diễn ngôn, ở phương diện này, rất lý thú, vì ông đã đưa ra những mô tả chi tiết từ những thay đổi ở mức rất nhỏ đến những tri thức hệ hiện thời (Fairclough, 1992b). Công trình của Jonathan Potter bàn về việc làm thế nào để một sự vật, sự việc nào đó được coi là một sự thực (fact) cũng rất đáng tham khảo.
  4. Vì thế, gần đây, Anh đã xây dựng pháp chế để đẩy mạnh hơn nữa việc chăm lo thuôc thang cho những người bị coi là tâm thần (Bình luận xung quan vấn đền này, xin xem tạp chí Feminist Review, số 68, năm 2001 – số đặc biệt về phụ nữ và sức khỏe tâm thần )

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Sara Mills, Discourse (New Critical Idiom), NY: Routledge 2004, p52-78.

Eugen Fink – Ốc đảo của hạnh phúc: Về bản thể của sự Chơi.

children

I

Mặc dù con người ý thức được mức độ và cường độ của hoạt động chơi, cũng như có mối quan tâm sâu sắc đối với nó nhưng chơi vẫn thường được định nghĩa như là hoạt động “nghỉ ngơi” hay “giải trí”… đối lập với những hoạt động nghiêm túc và có trách nhiệm. Người ta cho rằng sống ở đời, con người luôn phải cố gắng miệt mài để có được tri thức, sự ưu việt, phẩm hạnh, để đạt được danh vọng và địa vị, quyền lực và giàu sang. Chơi, ngược lại, được xem là có chức năng như một sự gián đoạn nhất thời, một sự tạm ngừng… Theo quan niệm này, dường như hoạt động chơi có một vị trí hợp thức, tuy bị hạn chế, trong nhịp điệu đời sống con người… Sự chơi thường ít nhiều bị xem là một sự vô nghĩa phù phiếm và thú vị, một sự tạm trú thảnh thơi nơi vương quốc vui vẻ của cái hoang đường và của những tiềm năng thuần túy, một sự giải thoát từ cái hiện thực cứng rắn đến thế giới không tưởng trong mơ… Chừng nào chúng ta vẫn còn tiếp tục sử dụng một cách ngây thơ những cặp phản đề phổ biến “làm” – “chơi”, “phù phiếm – nghiêm túc”, và những cặp tương tự khác, chúng ta sẽ không bao giờ nắm bắt được ý nghĩa bản thể của sự chơi…

Chơi là một thành tố thiết yếu của cấu trúc bản thể con người, một hiện tượng hiện sinh cơ bản – không phải là hiện tượng duy nhất như vậy nhưng rõ ràng nó mang tính đặc thù và tự trị, không thể chỉ lý giải nó như là sự phái sinh từ những hiện tượng hiện sinh khác. Sự đối lập một cách giản đơn giữa chơi với những hiện tượng như vậy không giúp ta có được một cái nhìn thấu thị vào bản chất của nó. Các hiện tượng hiện sinh không tồn tại cô lập, đúng hơn chúng tương tác và thẩm thấu lẫn nhau…

Khi Schiller nói, “con người chỉ toàn vẹn khi y chơi”, thì cũng đúng nếu nói rằng con người chỉ trở nên toàn vẹn khi y làm việc, đấu tranh, đối mặt với cái chết, yêu đương. Phạm vi của bài này không cho phép ta đưa ra một sự diễn giải sâu sắc về sự sống của con người dựa trên những hiện tượng căn bản.. Tuy nhiên, cũng nên thấy rằng tất cả những hiện tượng này đều hiện diện trước chúng ta trong vẻ mơ hồ và bí ẩn. Lý do chủ yếu của điều này chính là ở chỗ con người chúng ta bị bóc trần, thế nhưng cùng lúc đó, cũng lại bị che chắn. Con người, không như động vật, bị giam giữ trong lòng Tự Nhiên, tuy nhiên, cũng chưa được tự do như các thiên thần – con người là một tồn thể tự do, nhưng vẫn bị ràng buộc với Tự Nhiên…

Phương thức chơi là phương thức của một hành động tự tại, của một xung lực sinh tồn. Chơi, nhìn chung, là sự hiện sinh đặt trọng tâm ở chính nó. Động cơ của sự chơi không trùng khớp với động cơ của những hoạt động khác ở con người. Tất cả các hoạt động khác, dù là nhắm vào chính bản thân nó, hay có mục tiêu là làm ra một tạo tác nào đó, đều là phương tiện để đi đến một cứu cánh, đó chính là hạnh phúc tối hậu của con người… Chúng ta quan niệm đời là một “nhiệm vụ”. Nói chung, không lúc nào chúng ta tự cho phép mình dừng lại. Bao giờ chúng ta cũng “ở trên đường”… Đây chính là một trong những nghịch lý sâu sắc nhất trong sự hiện sinh của con người, rằng trong hành trình vô tận để truy cầu hạnh phúc, ta không bao giờ đạt được nó và nói đúng ra, không ai có thể được xem là kẻ hạnh phúc trước cái chết của mình… Chúng ta sống trong sự đề phòng tương lai và trải nghiệm cái hiện tại như là sự chuẩn bị, như một ga xép, như một trạng thái quá độ. Chính thứ “chủ nghĩa vị lai” lạ lùng của đời sống nhân sinh này có mối liên hệ sâu kín với một trong những đặc điểm bản chất của chúng ta. Chúng ta không bằng lòng với phương thức tồn tại đơn giản, theo một mạch thẳng tắp như ở cỏ cây, muông thú; chúng ta muốn tìm kiếm ý nghĩa của chính sự hiện hữu của chúng ta trên cõi đời- chúng ta muốn hiểu vì sao chúng ta lại có mặt trong thế giới này. Chính nỗi đam mê tìm kiếm hết sức lớn lao ấy đã thúc đẩy con người nỗ lực diễn giải sự hiện sinh của y – đó là một niềm đam mê của tâm linh. Và khởi nguồn của sự kỳ vĩ cũng như nỗi thống khổ của chúng ta đều nằm ở đây. Không một tạo vật nào mà đời sống của nó lại bị phá vỡ bởi sự truy tìm ý nghĩa ẩn giấu của sự hiện sinh của nó. Con vật không thể biến nó trở thành đối tượng của ý nghĩ của nó và thần thánh thì lại chẳng cần làm vậy. Mỗi con người khi trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời đều thừa nhận sự tồn tại của một “mục tiêu cuối cùng”…

Không giống như các hoạt động khác, sự chơi không vừa khuôn với kiểu sống này. Nó tương phản rõ nét với phương thức sinh tồn theo tinh thần vị lai chủ nghĩa và cũng không thể đem nhét nó vừa vặn vào cơ cấu phức tạp của những mục tiêu. Chơi không nhằm đến một “mục tiêu cuối cùng” và cũng không thể bị làm hư tổn bởi sự bất định sâu sắc của tính đúng đắn trong cách chúng ta quan niệm về hạnh phúc. Đối lập với chủ nghĩa động lực (dynamism) không ngừng nghỉ, sự mơ hồ mông lung và nghiệt ngã của chủ nghĩa vị lai trong đời sống của chúng ta, sự chơi được đặc trưng bởi “sự hiện hữu” bình thản, phi thời gian, tự trị và tự đủ của nó – sự chơi giống như một ốc đảo mà chúng ta bất ngờ phát hiện ra trên sa mạc của cuộc hành trình tìm kiếm và truy cầu hạnh phúc chẳng khác nào thân phận chàng Tantalus… Người ta thường nói rằng chơi là hoạt động phi mục đích hay không được định hướng. Thực ra không hẳn vậy. Xem xét nó trong tính chỉnh thể, chơi mang tính mục đích và từng phương diện của hành động chơi ở từng cá nhân đều có mục đích đặc thù của nó; mỗi mục đích này là một bộ phận không thể thiếu của chỉnh thế. Nhưng mục đích nội tại của sự chơi không phải là sự bổ sung cho cái mục đich chung cuộc mà tất cả các hoạt động khác của con người đều nhằm đến. Chơi chỉ có mục đích nội tại, không liên can đến bất cứ cái gì bên ngoài nó. Hễ khi nào chúng ta chơi “nhằm mục đích” để có cơ thể cân đối, huấn luyện quân sự hay vì sức khỏe thì khi đó sự chơi đã bị xuyên tạc, trở thành một phương tiện thuần túy để đạt đến một mục đích… Trong tính tự trị của hành động chơi, dường như hiện hữu một khả năng về sự tồn tại phi thời gian của con người trong thời gian. Khi đó, thời gian được trải nghiệm không phải như những chuỗi thời khắc hối hả xô đẩy nhau trôi đi, mà đúng hơn như một khoảnh khắc trọn vẹn, nghĩa là, nói khác đi, như một khoảnh khắc của vĩnh cửu. Trẻ thơ vẫn giữ được sự cảm nghiệm về thời gian như thế này nhiều hơn những người khác, khi nó nhập hết mình vào cuộc chơi, như Rilke đã viết:

Ôi những giờ khắc tuổi thơ, khi mà đằng sau những hình bóng của nó

Không đơn thuần chỉ là quá khứ

Và trước mắt ta

Cũng chưa hẳn tương lai

Dĩ nhiên, rồi chúng ta sẽ lớn lên, và đôi khi ta háo hức lớn lên nhanh

Phần là để làm vui lòng những người

chẳng còn gì ngoài chính sự trưởng thành của họ

Thế nhưng khi còn lại một mình

Chúng ta sướng vui với những món đồ chơi vĩnh cửu và đứng ngây ra

ở khoảng giữa thế giới của trò chơi và thế gian này:

Một nơi đã được chuẩn bị từ khởi thủy

Cho một sự hiện hữu tinh khôi

(Bi ca Duino – bài số 4)

Song đối với người lớn, sự chơi là một ốc đảo lạ lẫm, như một chốn nghỉ ngơi đầy hấp dẫn trong cuộc hành trình ngược xuôi long đong và chuyến bay bất tận của mình. Sự chơi đem đến cho ta một hình thái của thời hiện tại mang tính trần thế. Chắc chắn đó không phải là cái hiện tại mà trong sự thanh lặng nơi sâu thẳm tâm hồn, chúng ta cảm thấy xung động vĩnh cửu của thế giới và hình dung ra những ý niệm vĩnh cửu thuần khiết giữa những biến thể không ngừng biến dạng của chúng. Chơi là hoạt động mà cũng đồng thời là sự sáng tạo – thế nhưng nó cũng gần với những gì vĩnh cửu. Chơi làm gián đoạn tính liên tục và cấu trúc mang tính mục đích của đời sống chúng ta; nó gián cách với những phương thức tồn tại thông thường của chúng ta. Nhưng trong khi tưởng như không có quan hệ gì với đời sống thường nhật của chúng ta thì kỳ thực chơi vẫn có một sự liên đới sâu kín hết sức có ý nghĩa với chính đời sống ấy, thể hiện ở chính phương thức biểu hiện của nó. Nếu ta định nghĩa chơi theo cách thông thường là đối lập nó với công việc, hiện thực, tính nghiêm túc, tính chân thật, chúng ta đã nhầm lẫn khi đặt nó bên cạnh những hiện tượng hiện sinh khác. Chơi là một hiện tượng hiện sinh cơ bản, cũng mang tính nguyên sơ và tự trị như cái chết, tình yêu, việc làm và tranh giành quyền lực, nhưng nó không bị ràng buộc với những hiện tượng này ở cái mục đích chung tối hậu. Chơi, nói khác đi, đương đầu với tất cả những hiện tượng đó – nó thẩm thấu tất cả những hiện tượng đó bằng việc biểu diễn chúng. Chúng ta chơi với cái nghiêm trọng, chúng ta chơi chân lý, chúng ta chơi hiện thực, chúng ta chơi công việc và tranh đấu, chúng ta chơi tình yêu và sự chết – và thậm chí chúng ta chơi sự chơi…

II
[Fink tiếp tục phân tích những thành tố chính trong cấu trúc của sự chơi, cụ thể là không khí chơi – dựa trên ham muốn hay dục vọng chơi, ý nghĩa nội tại của sự chơi, cộng đồng chơi, dù thụ động hay chủ động, vật chơi và những biến dạng tượng trưng tiếp nối của nó, người chơi và cuối cùng là thế giới chơi – thành tố bao trùm tất cả những thành tố khác. Điểm thú vị và độc đáo hơn cả, xét cả trong ngữ cảnh của tiểu luận và đối với những ai đã quen với những cách phân tích trước đó về hiện tượng chơi, là những kết luận của Fink về bản chất kép của vật chơi và người chơi và quan niệm của ông về thế giới chơi. Khái niệm thế giới chơi như một sự biểu hiện mang tính tượng trưng và như sự tái nhập vai của Tồn thể mà Fink phát triển trong tiểu luận này đã được ông sử dụng lại và mở rộng trong cuốn sách gần đây của ông “Chơi như là biểu tượng của Vũ trụ” (1960), một công trình nghiên cứu mang tính hệ thống ráo riết và phức tạp về sự chơi trong những hình thức đa dạng của nó (nghi lễ, thần thoại, xã hội) và vị trí của nó trong triết học.]

Mỗi vật chơi đều biểu hiện tính toàn thể của đối tượng: chơi luôn là một sự đối chọi với Tồn thể. Ở vật chơi, cái toàn thể được tập trung trong một đối tượng duy nhất. Mỗi trò chơi là nỗ lực hiện sinh, một trải nghiệm của sự sống mà ở vật chơi, ta có thể thấy được sự đối đầu của nó với bản chất khắc nghiệt của hiện thực. Nhưng sự chơi của con người không chỉ hàm chứa những yếu tố diệu kỳ liên quan đến vật chơi. Rất cần những cố gắng bước đầu để xác định một quan niệm về người chơi chính xác và chặt chẽ hơn, vì ở đây, chúng ta tìm thấy một ca “tâm thần phân liệt” kỳ cục, một sự bổ tách nhân cách không được nhầm với biểu hiện của một ca bệnh lý về tâm thần. Người tham gia vào một trò chơi điều khiển thế giới thực bằng một dạng thức hành động quen thuộc. Tuy nhiên, trong ngữ cảnh của ý nghĩa nội tại của sự chơi, anh ta đang sắm vai. Ở đây, chúng ta phải phân biệt giữa con người thực đang chơi và con người được tạo ra bởi vai của anh ta trong cuộc chơi. Kẻ chơi giấu bản ngã thật của mình sau vai mà y sắm và bị nhấn chìm trong đó. Y sống trong vai của mình với một sự căng thẳng đặc biệt, tuy nhiên không phải như kẻ mắc chứng tâm thần phân liệt, kẻ không phân biệt được “hiện thực” và “ảo ảnh”. Người chơi có thể hồi lại chính mình từ vai của y; trong khi chơi, con người có thể giữ lại ý thức về sự hiện hữu kép của mình, cho dù ý thức đó có thể bị giảm thiểu đáng kể thế nào đi nữa. Con người đồng thời tồn tại ở hai khu vực, không phải do thiếu tập trung hay do quên, mà vì chính nhân cách kép này gắn liền một cách tất yếu với sự chơi.

Tất cả những thành tố cấu trúc của sự chơi mà chúng ta vừa bàn đến cuối cùng đồng quy lại trong ý niệm cốt lõi: thế giới chơi. Tất cả sự chơi đều tạo ra một thế giới chơi một cách huyền nhiệm… Thế giới chơi là một thế giới tưởng tượng mà ý nghĩa bản thể của nó mông lung và khó nắm bắt. Chúng ta chơi trong một thế giới tạm gọi là thế giới thực nhưng khi chơi, một lãnh địa bí ẩn – không phải là hư vô tuy nhiên cũng không có gì là thật- nảy sinh. Trong thế giới chơi, chúng ta hành động theo vai của chúng ta; nhưng trong thế giới chơi cũng có những thực thể tưởng tượng, chẳng hạn như “đứa trẻ” – trong khi chơi thì rất sống động, chắc chắn là vậy – nhưng “trong hiện thực”, nó chỉ là một con búp bê mà thôi, thậm chí chỉ là một mẩu gỗ. Trong mô hình của thế giới chơi, không có chỗ cho người chơi với năng lực riêng biệt của y trong tư cách người kiến tạo thế giới đó – y không ở đâu cả đồng thời cũng lại ở khắp nơi trong cấu trúc của thế giới này; y sắm vai trong thế giới đó và đối phó với những khách thể và con người của thế giới chơi. Điểm rắc rối ở đây chính là cái thực tế rằng, trong trí tưởng tượng của mình, chúng ta coi những khách thể kia, tự chúng là những “ khách thể thật” và ở trong thế giới này, sự lưỡng phân giữa hiện thực và ảo ảnh có thể xuất hiện trên nhiều cấp độ khác nhau.

Tuy nhiên vấn đề không phải ở chỗ, rằng có thể xem những khách thể đích thực là thật trong thế giới thường nhật của chúng ta bị che giấu bởi những tồn thể trong thế giới chơi và do đó không còn có thể nhận ra được nữa. Thế giới chơi không buông một tấm màn che hay dựng lên một tường chắn giữa ta và những gì xung quanh; nó không làm mờ đi hay giấu che thế giới thực. Nói đúng ra, thế giới chơi không hề có nơi chốn và thời lượng trong cái phức thể hiện thực được định vị bởi cặp phạm trù không- thời gian – nhưng nó sở hữu một thứ không gian và thời gian nội tại. Thế nhưng, trong khi chơi, chúng ta lại sử dụng cái thời gian thực và cần đến không gian thực. Nhưng không gian của thế giới chơi không bao giờ nhập vào cái không gian mang tính liên tục mà chúng ta cư ngụ trong cuộc đời thực. Cũng đúng như vậy khi nói về thời gian. Sự tương tác đặc biệt giữa cái hiện thực và thế giới chơi không thể được biểu hiện bằng bất cứ mô thức quan hệ không gian- thời gian nào đã được biết đến. Thế giới chơi không tồn tại lơ lửng trong một cõi lý tưởng thuần khiết. Nó luôn có một bối cảnh thật song lại chưa bao giờ là một thứ có thật giữa những thứ có thật khác, mặc dù nó nhất thiết phải cần đến những thứ có thật đề làm xuất phát điểm. Có nghĩa là, tính chất tưởng tượng của thế giới chơi không thể chỉ được giải thích như là một hiện tượng ảo giác chủ quan đơn thuần; không thể định nghĩa nó như là một sự huyễn hoặc, điều chỉ tồn tại nơi sâu kín của nội giới mà không có quan hệ gì với hiện thực. Khi người ta bắt đầu nghĩ nhiều hơn về sự chơi, thì dường như nó lại càng trở nên khó nắm bắt, mơ hồ…

Trong quá trình chơi, con người có thể nhận ra hai cực của sự hiện sinh. Một mặt, sự chơi có thể được xem như là cực điểm của sự toàn quyền độc lập ở con người. Ở đây, con người được trải nghiệm sự sáng tạo vô bờ bến, y trở thành một chủ thể năng sản và không chịu sự cấm đoán nào bởi y không sáng tạo trong lãnh địa của hiện thực. Người chơi có thể tự cảm thấy mình như là chúa tể của những gì mà trí tưởng tượng của y tạo nên – bởi gần như không bị giới hạn, chơi trở thành sự biểu hiện nổi bật cho sự tự do của con người. Nhưng vẫn còn đó một câu hỏi hóc búa, rằng có thể hiểu sự chơi về bản chất chỉ như một biểu hiện của nỗi thôi thúc hiện sinh về tự do mà thôi hay còn có những nhân tố hiện sinh hoàn toàn khác biệt khác cũng tự bộc lộ nó trong và thông qua sự chơi. Trên thực tế, đôi khi chúng ta tìm thấy trong trò chơi đối cực của tự do, nói rõ hơn, đó là sự rút lui khỏi thế giới hiện thực, một sự trốn chạy có thể đi đến mức trở thành một sự mê muội, mụ mị và khiến người ta có thể trở thành nô lệ cho một thứ sức mạnh quỷ ám của tấm mặt nạ. Trò chơi có thể chứa đựng trong bản thân nó không chí sự điều hòa, cân bằng của một chủ thể tự do tự chủ mà còn cả sự phóng túng của một chủ thể buông thả không kiểm soát được.

Quan hệ giữa con người với ảo giác huyền nhiệm của thế giới chơi, với chiều kích của cái tưởng tượng, rất mơ hồ. Chơi là một hiện tượng không có sẵn những tiêu chí đầy đủ cho nó. Có lẽ cách tiếp cận dễ nhất đối với tính đa nghĩa nội tại của nó là dùng những công cụ của một phép biện chứng không làm xóa nhòa đi những nghịch lý. Các triết gia vĩ đại đều luôn thấy được tính chất thiết yếu đặc biệt của sự chơi, điều mà nhận thức thông thường lại không thấy được, vì theo đó, sự chơi chỉ có nghĩa là phù phiếm, giả tạo, phi thực, vô mục đích. Do đó, Hegel đã nói đại ý, sự chơi, chính bởi bản chất phi vụ lợi và cực kỳ vô tư, lại là cái cao cả nhất và là hình thức đích thực duy nhất của cái nghiêm túc. Và Nietzsche thì đã phát biểu trong “Ecce Homo” rằng : “Tôi không biết còn có phương thức nào để đương đầu với những nhiệm vụ lớn lao tốt hơn là chơi?”

Đến đây, chúng ta đứng trước câu hỏi: liệu có thể làm sáng tỏ bán chất của sự chơi nếu chỉ xem nó như một hiện tượng nhân học? Phải chăng chúng ta không thể đẩy tư duy đi quá địa hạt con người? Nói thế không có nghĩa chúng ra phải đi phân tích hành vi chơi ở những tạo vật khác nữa. Nhưng cũng đáng băn khoăn rằng liệu có thể hiểu bản thể của sự chơi mà không cần phải xác định gần hơn nữa chiều kích lạ lùng của cái tưởng tượng. Nếu chúng ta thừa nhận chơi là một năng lực chỉ con người mới có thì chúng ta vẫn phải hỏi rằng liệu khi chơi, con người có còn thuộc về cõi nhân gian không, mà ngay cả nếu không, chúng ta cũng buộc phải thừa nhận y có quan hệ với một cái gì đó bên ngoài bản thân mình.

III

Ở trên, khi cố gắng làm sáng tỏ cấu trúc của sự chơi bằng một số khái niệm hình thức như không khí chơi, cộng đồng chơi, luật chơi, vật chơi và thế giới chơi, chúng tôi đã nhiều lần sử dụng cụm từ “cái tưởng tượng”. Cũng có thể thay cụm từ này bằng các từ như “cái bề ngoài”, “ảo ảnh”, nhưng khi làm như vậy, chúng tôi phải thừa nhận rằng mình đang vướng vào một sự lúng túng rất lớn về tri thức. Phải thừa nhận khái niệm “ảo ảnh” chỉ có thể được hiểu một cách tương đối, nhất là trong những tình huống cụ thể. Nhưng thật sự cũng rất khó để nói rõ chúng ta muốn biểu đạt điều gì với từ này. Những câu hỏi lớn nhất và những vấn đề triết học đều có thể bắt gặp trong những từ và những sự vật/sự việc bình thường nhất. Khái niệm “ảo ảnh” ở đây cũng mông lung và bí ẩn như khái niệm “Tồn thể” – cả hai khái niệm này đều phụ thuộc lẫn nhau theo một cách khó hiểu, không thể giải thích, thậm chí cực kỳ rối rắm; chúng chồng chéo và tương tác lẫn nhau. Càng nghĩ về những khái niệm này, chúng ta càng bị dẫn sâu hơn vào trạng thái bùng nhùng của tư duy.

Với câu hỏi về ảo ảnh liên quan đến sự chơi của con người, chúng ta đã chạm đến một vấn đề mang tính triết học. Chơi là một hành vi sáng tạo, một sự tạo tác. Sản phẩm của hành vi đó là thế giới chơi, là một cõi ảo ảnh, một lãnh địa mà tính hiện thực của nó trở nên đáng ngờ… Với từ “ảo ảnh” [Schein], về cơ bản, chúng ta muốn nói đến phần ngoại hiện của sự vật, phần bề mặt của sự vật, cái bề ngoài thuần tuý và những gì đại loại như thế. “Ảo ảnh” là một phần của khách thể – cũng như vỏ thuộc về nhân bên trong, cái bề ngoài thuộc về cái bản chất. Đôi khi chúng ta dùng từ “ảo ảnh” [ảo tưởng] đển nói đến một ấn tượng chủ quan dễ nhầm lẫn, một quan điểm sai lầm hay một ý niệm mơ hồ về một điều gì đó. Trong trường hợp này, “ảo ảnh” là cái nằm sâu trong chúng ta, trong một “chủ thể” ngộ nhận. Thế nhưng vẫn còn một loại ảo ảnh chủ quan khác, một loại ảo ảnh không phải là hệ quả của một mối quan hệ đúng –sai của chủ thể đối với khách thể – mà thật ra nó lại có một vị trí hợp thức trong thế giới nội cảm của chúng ta, thứ ảo ảnh là sản phẩm của trí tưởng tượng. Chúng ta cần đến những sự phân biệt trừu tượng này để xác lập vấn đề. Vậy cái thế giới chơi thuộc dạng ảo ảnh nào? Bề mặt của các khách thể? Ấn tượng đánh lừa? Ảo tưởng của tâm hồn? Không ai có thể phủ nhận được trong mỗi trò chơi, sự tưởng tượng đều mang tính sáng tạo và năng sản đặc biệt. Nhưng có phải thế giới chơi chỉ là sáng tạo bởi sự tưởng tượng không? Sẽ là quá đơn giản nếu như đơn thuần nói rằng lãnh địa ảo của thế giới chơi chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của con người, có nghĩa là cho rằng nó chỉ là một chuỗi những ảo giác cá nhân tương hợp với một chuỗi những ảo giác khác, hay đó là một chuỗi những hoạt động tưởng tượng của cá nhân cuối cùng sẽ đạt đến đỉnh cao nhất trong một hoạt động tưởng tượng mang tính tập thể. Sự chơi luôn luôn có quan hệ với các khách thể chơi. Chỉ riêng vật chơi thôi cũng đã đủ đảm bảo với ta rằng sự chơi không diễn ra trong cõi chủ quan thuần tuý, không có bất cứ sự quy chiếu nào với thế giới cụ thể xung quanh. Thế giới chơi bao hàm cả những thành tố tưởng tượng chủ quan và cả những thành tố thực tế khách quan. Chúng ta vẫn thường coi trí tưởng tượng như một năng lực của tâm hồn, chúng ta quen với những giấc mơ, những ảo tưởng và những điều hoang đường. Thế nhưng thế nào là một ảo ảnh thực tế khách quan? Trong thế giới thực, chúng ta thấy những hiện tượng đặc biệt, khó có thể nói là chúng là thực nhưng đồng thời lại chưa sở hữu thành tố cần thiết để trở thành cái phi thực. Nghe như nghịch lý, nhưng chúng ta ai cũng quen với những thứ như thế, chỉ có điều ta thuờng không mô tả nó theo một cách thức phức tạp và trừu tượng như vậy. Chẳng hạn, một cái cây ven hồ được phản chiếu trên mặt nước. Hình ảnh phản chiếu cũng phụ thuộc vào điều kiện các sự vật thực tồn tại trong môi trường đầy ánh sáng. Những vật thể hát bóng trước ánh sáng, những cái cây soi mình trên mặt hồ, những mẫu kim loại nhẵn bóng phản chiếu hình ảnh của sự vật xung quanh. Hình ảnh trong gương là gì? Là một hình ảnh, nó là cái hiện hữu thật – nó là hình ảnh phản chiếu thật của cái cây vốn đã có trước trong thực tế. Thế nhưng cái cây cũng được phản ánh qua hình ảnh; cái cây xuất hiện trên mặt nước, tuy nhiên cái hình ảnh đó chỉ tồn tại thông qua phương tiện phản ánh chứ không phải trong thực tế. Đây là loại ảo ảnh theo sự phân loại tự động của Tồn thể và chứa đựng một điều gì đó rất đỗi “phi thực” như một thành tố cơ bản cấu thành tính hiện thực của nó. Hơn thế, vẫn còn thêm một hình thức của Tồn thể xếp chồng lên đó nữa, một trật tự khá đơn giản của hiện thực. Hình ảnh của cái cây không che lấp mặt hồ mà nó in hình trên đó. Hình ảnh phản chiếu của cái cây lại có tính chất của một sự phản chiếu, nghĩa là, giống như một hiện tượng quang học, một sự vật có thật và chứa trong nó một cái cây “phi thực” trong thế giới gương. Điều này nghe có vẻ rối rắm – và minh họa của tôi có vẻ còn gượng ép nhưng nó là hiện tượng phổ biến, chúng ta có thể quan sát thấy hàng ngày. Toàn bộ bản thể luận của Platon – vốn đã thúc đẩy triết học phương Tây đạt đến một trình độ cao như ta thấy – đã liên tục phải dùng đến khái niệm về bản sao như là cái bóng và hình ảnh phản chiếu để diễn giải cấu trúc của thế giới.

Ảo ảnh thực tế (hình ảnh trong gương và những thứ tương tự) có ý nghĩa hơn là một sự tương ứng đơn giản của thế giới chơi – trên thực tế, nó thường xuyên xuất hiện như một nhân tố cấu trúc của bản thân thế giới chơi. Chơi là một phương thức ứng xử thật sự, có nghĩa là, nó chứa đựng một hình ảnh trong gương khởi phát từ hành vi của con người trong thế giới thực: hành vi chơi được cấu trúc bởi vai trong cuộc chơi. Khả năng sáng tạo những ảo ảnh chơi của con người phụ thuộc rất lớn vào điều kiện rằng có một ảo ảnh thực sự tồn tại trong tự nhiên. Con người không chỉ có năng lực tạo tác, y còn có thể cấp hình thức cho những vật nhân tạo sở hữu một thành tố nào đó của “ảo ảnh” thực. Anh ta thiết kế một thế giới chơi tưởng tượng. Một cô bé, nhờ sức mạnh của sự tưởng tượng, có thể biến con búp bê vải của mình thành một đứa bé sống động và tự đặt mình vào vai một bà mẹ…

Chơi là một sự sáng tạo có giới hạn trong vùng huyền hoặc của ảo ảnh.

Đưa ra sự phân tích chính xác cách thức theo đó cái hiện thực và cái phi hiện thực kết hợp và đan xuyên trong sự chơi của con người là một việc hết sức cần thiết nhưng cũng rất đỗi khó khăn. Việc phân tích bản thể của sự chơi dẫn ta trở lại với những vấn đề căn cốt của triết học: những suy nghiệm về Tồn thể và Hư vô, cái Hiện tướng (Appearance) và cái Triển diễn (Becoming). Ở đây chúng ta chưa thể đi theo mạch tư tưởng này nhưng dù sao, ta cũng thấy rằng những sáo ngữ thường thấy khi nói về tính phi thực của sự chơi vẫn là những quan niệm rất hời hợt, nếu như người ta không xem xét kỹ phương diện huyền hoặc của cái tưởng tượng. Vậy con người là gì, đâu là ý nghĩa phổ quát của cái tưởng tượng? Đó có phải là một lãnh địa bị cô lập với những tạo tác còn lại? Có phải miền đất lạ này là một nơi đã được thiêng hóa nhằm phát lộ và biểu hiện bản chất của tất cả sự vật tồn tại ở đó? Trong hình ảnh phản chiếu đầy ma lực mà thế giới chơi tạo nên, một khách thể được chọn lựa ngẫu nhiên (chẳng hạn, vật chơi) trở thành một biểu tượng. Nó có tính chất tượng trưng. Thậm chí ngay cả khi điều này từ lâu đã bị quên lãng thì hành động chơi của con người vẫn là một hành động tượng trưng nhằm biểu hiện ý nghĩa của thế giới và cuộc đời…

Trong lịch sử triết học, các nhà tư tưởng đã không chỉ cố gắng xác định bản thể của sự chơi – một số người còn lật lại vấn đề và định nghĩa ý nghĩa sự hiện sinh của con người thông qua sự chơi. Quan niệm về sự chơi như vậy có thể xem là một quan niệm tư biện. Nói ngắn gọn, tư biện là phương thức mô tả bản chất của Tồn thể bằng cách lấy ví dụ về một dạng thức của Tồn thể: đó là cách xác lập ý niệm về thế giới từ một bộ phận của nó, được xem như là vật mẫu cho cái toàn thể. Các triết gia đã dùng nhiều vật mẫu như vậy: dòng nước trong triết học của Thales, ánh sáng trong hệ thống tư tưởng của Plato, cái tinh thần trong trước tác của Hegel, v.v… Nhưng một vật mẫu như vậy có khả năng soi rọi cho toàn thể vũ trụ hay không lại không phụ thuộc vào sự lựa chọn chủ quan của mỗi triết gia – yếu tố tiên quyết ở đây lại là: liệu trên thực tế, tính toàn vẹn của Tồn thể có thể được phản ánh mà không cần phải tạo ra một sự gò ép đầy chủ quan đối một bộ phận nào đó của Tồn thể chăng? Hễ ở đâu ta thấy những luật lệ, cấu trúc, dự đồ của vũ trụ lặp lại chính bản thân chúng với hàm ý tượng trưng bên trong khung khổ của thế giới, thì đấy chính là một hiện tượng then chốt của triết học đóng vai trò như là nền tảng của một phương thức tư biện về vũ trụ.

Chơi là một hiện tượng mà ngay từ trong bản chất đã mang tính chất của một hành động biểu hiện tượng trưng. Nói như thế phải chăng ta có thể xem chơi là sự nhập vai trên một sân khấu tượng trưng của vũ trụ, một ẩn dụ mang màu sắc tư biện về thế giới? Tư tưởng táo bạo này thực ra trước đây cũng đã được phát biểu. Từ buổi bình mình của triết học châu Âu, Heraclitus đã nói: “Tiến trình của thế giới là một đứa trẻ đang chơi thực hiện những nước đi của nó trên bàn chơi – đứa trẻ là người thống trị tuyệt đối của vũ trụ.” (Diels, Những phiến đoạn). Và sau 25 thế kỷ triết học, Nietzsche đã viết: “Tạo sinh và tan rã, dựng xây và phá hủy mà không mang hàm ý luân lý, trong trạng thái ngây thơ vĩnh cửu, động thái ấy chỉ có thể tìm thấy ở sự chơi của nghệ sĩ và trẻ nhỏ trong thế giới này” – “ thế giới trò chơi của Zeus) (trích “Triết học trong Thời đại Bi kịch Hy Lạp”).

Ở đây, ta chưa có điều kiện để bàn kỹ về ý nghĩa sâu xa của một quan niệm như vậy, cũng như sư nguy hiểm và sức mạnh quyến rũ của nó – cái đã thúc đẩy sự diễn dịch thẩm mỹ về vũ trụ. Nhưng ý niệm phức tạp về thế giới này, theo đó, Tồn thể trong tính toàn vẹn của mình vận hành như là đang chơi, có lẽ khiến ta phải lưu tâm rằng chơi không hề vô hại, mang tính ngoại biên, thậm chí “trẻ con” – rằng thực sự thì với sức mạnh và hào quang của sự sáng tạo đầy ma lực ở trong mình, chúng ta, những thân phận hữu tử, chúng ta đang “đặt cược” mình theo một cách mạo hiểm không dễ giải thích. Một khi bản chất của thế giới được quan niệm như trò chơi, thì hệ quả logic đối với con người là y là tạo vật duy nhất trong vũ trụ này có thể hiểu và mô phỏng lại hoạt động của toàn bộ Tồn thể. Và nếu như thế, con người chỉ có thể tìm thấy bản chất đích thực của mình trong mối quan hệ với cái gì cao hơn chính bản thân y…

Khi các thi sĩ và triết gia chỉ ra tầm quan trọng hết sức lớn lao của sự chơi ở hình thức sâu sắc nhất mà con người có thể thực hiện được, thì chúng ta cũng lại nhớ đến những nhận định khác, theo đó chúng ta không thể bước vào thiên đường được nếu như trước hết chúng ta chưa trở thành trẻ thơ.

(Dịch xong tháng 6-2008. Đăng lại trong những ngày mỏi mệt. Và để nhớ đến một người bạn đã chia sẻ với mình rất nhiều về tư tưởng của Fink ở thời điểm ấy)

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Eugen Fink , “The Oasis of Happiness: Toward an Ontology of Happiness, bản dịch tiếng Anh của Ute Saine và Thomas Saine, The Yale French Studies, No.41 (1968), Game, Play and Literature, p19-30.

Slavoj Zizek – Phòng tra tấn bằng thơ của ngôn ngữ

Max Ernst, Retrospective

Tiểu luận này của Slavoj Zizek tuy ngắn nhưng đọc không dễ, dịch càng nhọc nhằn. Tuy nhiên, tôi đã tiếc vì không đã chú ý đến Zizek khi làm luận án, thời kỳ tôi đã băn khoăn tìm kiếm ý nghĩa chìm bên dưới những nỗ lực cải tạo ngôn ngữ, những trò chơi ngữ âm, ngữ nghĩa vừa khoái cảm, vừa vật vã của những nhà thơ Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng… Zizek có một ý thật hay, có thể gợi mở những suy nghĩ xa hơn: đường vào lời nói tự nó đã là một dữ kiện chấn thương.

Bài luận ngắn này của Zizek đưa ra những thí dụ rất thú vị: vào thời của những thể chế toàn trị, luôn có những hành vi cải tạo, bẻ cong, uốn nắn ngôn ngữ, tạo ra những kiểu ngữ pháp đặc thù mà đi cùng với những hành vi này là tính bạo lực (không thuần túy chỉ là một ý niệm tinh thần hay siêu hình). Đằng sau một cách diễn đạt bị động, “ông ta bị mất tích”, là cả những trấn áp tàn bạo. Giờ mới hiểu vì sao Trần Dần lại thốt lên không quá lời: “Anh hãy thử mó vào một dấu phảy văn phạm/Vuốt râu hùm xám còn đỡ sợ hơn”.

Trong tay các nhà độc tài, ngôn ngữ bị thao túng để tạo nên một cơn mê sảng tập thể mà chủ nghĩa dân tộc là một cơn mê ấy. Ta sẽ hiểu hơn vì sao cái thời Chế Lan Viên thú nhận, “bao năm hát, giờ tôi tập nói”, cũng là lúc ông đã “chất vấn”, “hỏi cung” chính những bài thơ trước đây của mình trong bài thơ “Ai? Tôi?”. Nếu cần phải tra tấn ngôn ngữ để nó nói lên sự thật thì nhiệm vụ của thơ cũng là tra tấn chính bản thân thơ, cứu thơ ra khỏi chỗ là cơn mê sảng, cơn lên đồng tập thể. Thơ, khi ấy, sẽ dữ dội, tàn nhẫn, như chính những phép tra tấn. Thơ là nơi ngôn ngữ bị đưa vào để tra tấn. Sự thật của thơ, vì thế, luôn là sự thật mang tính cá nhân rất cao.

Bài dịch này có thể rất, rất không ổn. Nhưng tôi post lên đây để chia sẻ và sẵn sàng ghi nhận những góp ý về cách dịch, cách hiểu. Tôi cũng sẽ chú ý hơn đến Slavoj Zizek trong những tìm hiểu sau này của mình về thơ và về văn học chấn thương.

*

Lời phán của Plato nên tống cổ các nhà thơ ra khỏi thành bang khiến ông chịu mang tiếng hơn là được ghi nhận như một lời khuyên tinh tế từ kinh nghiệm hậu Nam Tư, nơi sự thanh tẩy sắc tộc đã được dọn đường bởi những giấc mộng nguy hiểm của các nhà thơ. Thực vậy, Slobodan Milosevic[1] đã “thao túng” những đam mê mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa – song chính các nhà thơ đã là những kẻ trao cho ông ta thứ cần thiết để có thể thực hiện sự thao túng ấy. Chính họ – những nhà thơ chân thành, chứ không phải những chính trị gia đồi bại – mới là nguồn gốc của tất cả chuyện này, nếu ta nhớ lại từ thập niên 70 và đầu 80, họ đã bắt đầu gieo những hạt giống của chủ nghĩa dân tộc hung hăng không chỉ tại Serbia mà còn ở nhiều quốc gia vốn thuộc cộng hòa Nam Tư cũ. Thay vì liên hợp công nghiệp-quân sự, ở thời kỳ hậu Nam Tư, chúng ta có liên hợp thơ ca-quân sự, được nhân hóa trong hình tượng bộ đôi Radovan Karadzic[2] và Ratko Mladic[3]. Karadzic không những là một nhà chính trị, nhà quân sự tàn nhẫn mà còn là một nhà thơ. Không nên coi thơ ông ta là cái gì đó lố bịch – nó xứng đáng được đọc cẩn thận vì nó cho ta chìa khóa để hiểu sự thanh tẩy sắc tộc diễn ra như thế nào. Đây là những dòng thơ đầu tiên của một bài thơ không đề, với lời đề tặng: “… Tặng Izlet Sarajilic”:

Này đám đông, hãy đi theo đức tin mới của ta

Ta sẽ mang đến cho anh em những gì chưa từng ai trước đó mang đến

Ta mang đến cho anh em cả bão tố và rượu vang

Những kẻ không có bánh mì sẽ được ăn ánh sáng từ vầng Mặt Trời của ta

Này anh em, trong đức tin của ta, không có gì bị cấm đoán

Chỉ có yêu đương, chỉ có say sưa

Và nhìn Mặt Trời thỏa thuê, tùy các anh em muốn

Vị Thượng đế này chẳng cấm anh em điều chi

Hãy nghe theo tiếng gọi của ta, hỡi những người anh em đạo hữu!

Sự dỡ bỏ những ngăn cấm về đạo đức ở bình diện siêu ngã (superego) là đặc điểm quan trọng của chủ nghĩa dân tộc “hậu hiện đại” ngày hôm nay. Ở đây, cái khuôn sáo mà niềm say mê khẳng định bản sắc dân tộc đã dựa vào đó để khôi phục một tập hợp bền vững những giá trị và niềm tin giữa bối cảnh bất an của một xã hội thế tục hiện đại mang tính toàn cầu giờ đang được nâng tầm: một thứ chủ nghĩa dân tộc “chính thống” giờ đúng hơn đóng vai trò như một nhân tố điều hành của một bí mật, nay hầu như chẳng cần phải giấu giếm gì nữa: “Các anh được phép!”. Nếu không nhận thức đầy đủ về hiệu ứng giải phóng “giả” thái quá của chủ nghĩa dân tộc ngày hôm nay, về cách mà cái siêu ngã dễ dãi, đàng điếm đã bổ sung cho cấu trúc ngoại hiện của luật tượng trưng xã hội (social symbolic law), chúng ta sẽ đi đến chỗ kết tội chính mình vì đã không nắm bắt được sự năng động đích thực của nó.

Trong Hiện tượng học tinh thần, Hegel đề cập đến “sự dao động tinh thần” không ngừng, âm thầm: đó là sự diễn ra dưới ngầm những đổi thay về sự liên minh ý thức hệ (ideological coordinates) mà người thường hầu như không thể nhìn thấy, để rồi bất ngờ nổ tung, làm mọi người đều kinh ngạc. Đó là những gì đã diễn ra ở Nam Tư cũ ở những năm 70-80, đến nỗi khi mọi thứ bùng vỡ ở cuối thập niên 80, tình hình đã quá trễ, sự thống nhất của ý thức hệ cũ hoàn toàn mục rã, tự sụp đổ. Nam Tư thập niên 70-80 giống như con mèo nổi tiếng trong phim hoạt hình, nó cứ tiếp tục đi trên vách – nó chỉ lộn cổ rơi xuống khi cuối cùng nó nhìn xuống và nhận ra không có cái nền chắc chắn nào dưới chân mình cả. Milosevic là người đầu tiên bắt chúng phải thật sự nhìn xuống từ vách núi ấy.

Sẽ là quá dễ dãi nếu xem Karadzic và những người cùng chí hướng với ông ta như những nhà thơ tồi: ở những đất nước vốn thuộc Nam Tư cũ (và ngay Serbia) cũng có những nhà văn, nhà thơ được xem là “vĩ đại”, “chân thực” – những người cũng tham gia hết mình vào những dự phóng mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa. Và còn nhà văn Áo, Peter Handke, một điển phạm của văn chương châu Âu đương đại, người đã đường hoàng dự đám tang Slobodan Milosevic thì sao? Cách đây gần một thế kỷ, khi liên hệ đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít ở Đức, Karl Kraus đã nói đầy châm biếm: nước Đức, nước của những nhà thơ, những nhà tư tưởng giờ đây đã trở thành nước của những viên thẩm phán và tay đao phủ – có lẽ một sự đảo lộn tương tự như vậy sẽ không làm chúng ta ngạc nhiên nhiều. Để tránh ngộ nhận rằng liên hợp thơ ca- quân sự không phải là một đặc sản của riêng vùng Balkan, ít nhất, chúng ta có thể nghĩ đến trường hợp Hassan Ngeze, một Karadzic của Rwanda, người đã làm lan tỏa một cách hệ thống tâm lý thù ghét chống lại người Tutsi và kêu gọi việc thảm sát cộng đồng này trên tờ báo Kanguara của mình.

Nhưng mối liên hệ giữa thơ ca và bạo lực có phải là một mối liên hệ ngẫu nhiên? Làm thế nào mà ngôn ngữ và bạo lực kết nối với nhau? Trong tiểu luận “Phê bình về bạo lực” (Critique of Violence), Walter Benjamin đã đặt câu hỏi: “Liệu có thể có chăng bất kỳ một giải pháp phi bạo lực nào cho xung đột?” Câu trả lời của ông là: một giải pháp phi bạo lực cho xung đột chỉ có thể có trong “những mối quan hệ giữa các cá nhân riêng tư,” trong phép lịch sự, sự cảm thông và tin cậy: “có một phạm vi mà sự đồng thuận giữa con người với con người mang phẩm chất phi bạo lực đến mức nó hoàn toàn không tiệm cận bạo lực: đó là phạm vi đúng nghĩa của sự ‘hiểu’ ngôn ngữ.” Luận điểm này bắt nguồn từ một truyền thống chính mạch, nơi ý niệm phổ biến về ngôn ngữ và trật tự tượng trưng là ý niệm về một phương tiện hòa giải và suy tưởng, của sự cùng tồn tại hòa bình, đối lập với phương tiện bạo lực của sự đối đầu trực tiếp và thô sượng. Trong ngôn ngữ, thay vì sử dụng trực tiếp bạo lực lên nhau, chúng ta dùng nó để tranh luận, để trao đổi lời nói – và một sự trao đổi như thế, kể cả khi khiêu khích, gây hấn đi nữa, vẫn tiền giả định một nhận thức tối thiểu về kẻ khác.

Tuy nhiên, liệu rằng con người hơn hẳn con vật ở khả năng gây bạo lực chính vì con người biết nói chăng? Có nhiều đặc điểm bạo lực của ngôn ngữ mà các triết gia, các nhà xã hội học từ Bourdieu đến Heidegger đã nghiền ngẫm. Song có một bình diện thể hiện sự bạo lực của ngôn ngữ không được đề cập đến trong triết học Heidegger – bình diện ấy lại trở thành tâm điểm của lý thuyết về trật tự tượng trưng trong lý thuyết của Lacan. Trong công trình của mình, Lacan đã tạo ra nhiều biến thể từ motif của Heidegger – ngôn ngữ là ngôi nhà của hữu thể: ngôn ngữ không phải là sáng tạo và là công cụ của con người, chính con người “cư ngụ” trong ngôn ngữ: “Phân tâm học nên là khoa học về ngôn ngữ mà chủ thể cư trú trong đó.” Những phép biến dạng ngôn ngữ như thể trong cơn hoang tưởng của Lacan, những cách vặn xoắn cốt truyện theo kiểu Freud mà ông bổ sung vào, bắt nguồn từ việc ông xác định đặc điểm của ngôi nhà này như là một phòng tra tấn: “Từ quan điểm mang ý hướng của Freud, con người là chủ thể bị bắt giữ và tra tấn bởi ngôn ngữ”.

Chính quyền độc tài quân sự ở Argentina từ năm 1976 đến 1983 đã tạo ra một thứ ngữ pháp đặc thù, một cách sử dụng theo lối bị động các động từ chủ động: khi hàng ngàn nhà hoạt động chính trị và trí thức theo cánh Tả mất tích và sau đó không bao giờ được nhìn thấy lại nữa, họ đã bị tra tấn và bị giết bởi giới quân sự – những người luôn phủ nhận mình biết gì về số phận của họ, họ được gọi là những người “bị mất tích”. Động từ “mất tích” ở đây không được dùng theo nghĩa đơn giản như một nội động từ, mà như một ngoại động từ chủ động: họ “bị mất tích” (bởi mật vụ an ninh). Dưới thời Stalin, một sự bẻ cong ngôn ngữ bất thường tương tự cũng đã tác động đến động từ “thôi giữ nhiệm vụ”: khi tin một ủy viên bộ chính trị nào đó “thôi giữ nhiệm vụ” được công bố rộng rãi (vì lý do sức khỏe, như một quy tắc) thì ai nấy đều hiểu ông ta đã thua trong cuộc tranh giành quyền lực giữa những phe phái trong bộ chính trị và người ta nói “ông ấy bị cho thôi giữ nhiệm vụ”. Và rồi, sẽ luôn có một hành động đi liền với người chịu tác động (ông ta bị thôi chức, ông ta mất tích) được diễn giải lại như là kết quả của hoạt động không rõ ràng bao giờ của một tác nhân khác (cảnh sát mật làm ông ta mất tích, bộ phận đa số trong bộ chính trị làm ông ta phải thôi chức). Và phải chăng chúng ta không nên nói giống hệt mệnh đề của Lacan, rằng con người không nói mà hắn bị nói? Vấn đề không nằm ở chỗ “con người bị nói đến”, tức chủ đề về lời nói của những kẻ khác, mà ở chỗ, khi con người nói thì đồng thời cũng là hắn “bị nói” theo đúng cái cách mà vị quan chức bất hạnh thời Cộng sản “bị cho thôi giữ nhiệm vụ”. Cái mà sự tương ứng này biểu thị là địa vị của ngôn ngữ, của “một kẻ khác đóng vai trò một Người giấu mặt”, như là phòng tra tấn của chủ thể.

Chúng ta vẫn thường coi lời nói của chủ thể, với tất cả những sự không nhất quán của nó, như là sự biểu hiện của những náo động nội tâm, những xúc cảm mơ hồ của chủ thể,v.v… Điều này cũng được đem áp vào tác phẩm nghệ thuật, từ đó, lối đọc phân tâm học được xem là có nhiệm vụ khai quật những náo động tâm lý hình thành nên những hình thức biểu hiện được mã hóa trong tác phẩm nghệ thuật. Có cái gì đó đã bị bỏ sót trong cách mô tả kinh điển như vậy: lời nói không chỉ nhận dạng hay biểu đạt một đời sống tâm lý chịu chấn thương; đường vào lời nói tự nó đã là một dữ kiện chấn thương rồi. Điều này cho thấy chúng ta nên đưa vào danh sách các chấn thương cả những nỗ lực của lời nói nhằm đối phó với những tác động chấn thương của bản thân lời nói. Mối quan hệ giữa những náo động tâm lý với hình thức biểu hiện nó trong lời nói, bởi thế, nên được nghĩ ngược lại: lời nói không chỉ đơn giản biểu đạt, diễn tả những náo động tâm lý; đến một điểm nhất định, chính những náo động tâm lý lại là phản ứng đối với những chấn thương của việc bị giam nhốt trong “phòng tra tấn của ngôn ngữ”.

Đấy cũng là lý do vì sao để sự thật được lên tiếng, việc dừng lại sự can thiệp chủ động của chủ thể và để ngôn ngữ tự nó nói lên là chưa đủ – như Elfriede Jelinek đã nói bằng một cách diễn đạt rất sáng rõ: “Cần tra tấn ngôn ngữ để nó phải khạc ra sự thật,” Cần phải bóp xiết, giải tự nhiên hóa, kéo căng, cô đặc, cắt, khớp nối ngôn ngữ, biến ngôn ngữ thành thứ chống lại chính nó. Ngôn ngữ như “Kẻ khác giấu mặt” không phải là một trung gian của một nhà hiền minh mà chúng ta cần hướng đến để lĩnh hội thông điệp, nó là một nơi của những sự lạnh lùng tàn nhẫn và của sự ngu ngốc. Hình thức cơ bản nhất của sự tra tấn ngôn ngữ của một người nào đó được gọi là thơ.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Slavoj Zizek, ““The Poetic Torture-House of Language”, http://www.poetryfoundation.org/poetrymagazine/article/247352

[1] Slobodan Milosevic (1941-2006), thủ lĩnh người Serb của Nam Tư cũ. Ông là tổng thống Serbia từ 1989 đến 1997, tổng thống Cộng hòa liên bang Nam Tư từ 1997 đến 2000, là nhân vật quan trọng của cuộc nội chiến Nam Tư những năm 1991-1992. Năm 2001, ông bị tòa án quốc tế La Hay xét xử vì tội diệt chủng và tội ác chống lại loài người do đã phát động các cuộc thảm sát thanh tẩy sắc tộc trong cuộc nội chiến Nam Tư.

[2] Radovan Karadzic (1945), cựu tổng thống cộng hòa Srpska, người cũng đang bị tòa án quốc tế xét xử vì tội ác chống lại loài người và diệt chủng trong cuộc nội chiến Nam Tư. Ông còn là một nhà thơ. Một nghiên cứu rất thú vị về thơ của ông có thể đọc theo link sau: http://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=710081

Tháng 9-2013, một hố chôn tập thể hơn 300 xác người được phát hiện ở Tomasica – vụ thảm sát được cho là do Karadzic phát động. Trong phiên xét xử mới nhất vụ án này, tháng 3-2014, Karadzic đã bác bỏ cáo buộc trên. Có lẽ đây là sự kiện để Slavoj Zizek viết bài này.

[3] Ratko Mladic (1942), thủ lĩnh quân sự người Serbia, một nhân vật cũng đang bị tòa án quốc tế La Hay truy tố vì những tội ác diệt chủng mà ông khởi xướng trong thời kỳ nội chiến Nam Tư.