Tag Archives: hội họa

Đỗ Thùy Linh – Dấu ấn tranh Đông Hồ trong những bài thơ về mùa xuân của Đoàn Văn Cừ (tập “Thôn ca”, 1944)

Bài viết dưới đây được biên tập lại từ bài tập điều kiện của sinh viên Đỗ Thùy Linh (K70, khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội) trong khuôn khổ học phần Nhập môn Lý luận văn học. Bài viết đã thể hiện một lối tư duy có chiều sâu, một lối viết có sự điềm tĩnh, cẩn trọng và cả khả năng cảm thụ có sự tinh tế đáng ghi nhận.

*

Mở đầu

Tranh Đông Hồ là dòng tranh khắc gỗ Việt Nam có sức sống mãnh liệt trong tâm thức dân gian, đặc biệt là vào mỗi dịp Tết đến, xuân về. “Trong cái thúng của bà nội trợ đi sắm tết, cạnh con gà, con cá, mớ dưa là cuộn tranh buộc bằng rơm nếp  vàng óng”. Những nét riêng ở trong tranh Đông Hồ về đường nét, màu sắc hay tinh thần dân tộc cũng ảnh hưởng đến một số loại hình nghệ thuật khác mà trường hợp những bài thơ thơ viết về mùa xuân của Đoàn Văn Cừ là một ví dụ. Giữa giai đoạn Pháp thuộc với thị hiếu phương Tây tràn vào mạnh mẽ, Đoàn Văn Cừ đã thắng được áp lực của chất liệu để làm xuất hiện trong thơ những liên tưởng về màu sắc, đường nét, cấu trúc của tranh Đông Hồ cùng với mỹ cảm đậm chất dân gian Việt. Những bức tranh trong thơ ông, “bức tranh nào cũng đầy rẫy sự sống và rộn rịp những sắc hình tươi vui” đã gợi ra câu hỏi về sự giao lưu giữa truyền thống – hiện đại, giữa văn hoá Đông – Tây ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX và rằng, người nghệ sĩ nên có thái độ ứng xử như thế nào với những giá trị truyền thống. Bài viết này sẽ tập trung phân tích những điểm tương đồng trong tranh Đông Hồ và thơ Đoàn Văn Cừ viết về mùa xuân trong tập “Thôn ca” (1944) để góp phần trả lời những câu hỏi trên. 

Làng Đông Hồ là một làng nhỏ xưa có tên là làng Đông Mại (hay làng Mái), nằm ven sông Đuống, thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây là vị trí thuận lợi đã tạo điều kiện để các nhà buôn xưa đem tranh rộng khắp cả nước. Theo ghi chép của một số tài liệu, tranh dân gian Đông Hồ ban đầu xuất hiện với kỹ thuật chạm khắc gỗ từ khoảng giữa thế kỷ XV. Cho đến khoảng thế kỷ XVI, XVII, việc in tranh mới ra đời, dần dần được phổ biến rộng rãi trong nhân dân và hình thành làng nghề. Tranh Đông Hồ là “diễn đàn tư tưởng” để người dân gửi gắm triết lý sống cũng như nói lên mong muốn thời cuộc. Cũng bởi vậy mà theo dòng thời gian, đến thời Pháp thuộc, người nghệ nhân Đông Hồ đã có một số tác phẩm châm biếm, đả kích thực dân Pháp (Nhảy đầm, Phong tục cải lương…) và tranh Đông Hồ được ưa chuộng trong suốt thời kỳ này (cuối thế kỷ XIX) cho đến gần Cách mạng tháng Tám. Đoàn Văn Cừ đã sinh ra và lớn lên trong thời kỳ phồn thịnh ấy của tranh Đông Hồ và thơ viết về mùa xuân của ông đã chọn điệu tương đồng với tranh Đông Hồ về cả nội dung và hình thức. 

Nội dung

1. Sự tương hợp về hình thức giữa tranh Đông Hồ và thơ về mùa xuân của Đoàn Văn Cừ trong tập “Thôn ca”

1.1. Sự tương hợp về màu sắc 

Tranh Đông Hồ được làm nên từ 5 màu cơ bản là trắng, vàng, xanh, đỏ, đen hay còn được gọi là màu ngũ sắc. Trong đó, màu đen của tranh được làm từ than lá tre hoặc than lá xoan; màu đỏ đến từ gỗ vang hay sỏi non của núi; màu xanh là màu của gỉ đồng, của lá chàm; màu trắng xuất phát từ con điệp và màu vàng là sắc hoa hoè mà ra. Màu trong tranh Đông Hồ “thiên về lối dùng màu nguyên, mang tính đối lập”, vừa có cái đằm thắm tự nhiên, vừa chứa đựng sự tươi tắn phồn dã phản ánh tư duy phồn thực của dân gian Việt. Tuy chỉ sử dụng chủ yếu 5 gam màu nguyên nhưng trong tranh, các màu vẫn được đặt trong mối tương quan hợp lý, có sự hài hoà giữa đường nét và các mảng.

Màu ngũ sắc được  dùng để ám chỉ ngũ hành và trong tranh Đông Hồ, ngũ sắc cũng được dùng với một  phần ý nghĩa như vậy. Kim (trắng) là kim loại, sự sắc bén, rắn chắc; Mộc (xanh lá) là hoa cỏ, cây cối, sự tốt tươi; Thuỷ (đen) là nước, là “nghệ thuật, vẻ đẹp và những sáng tạo văn hoa”; Hoả (đỏ) là lửa, là sức nóng, ánh  sáng, hơi ấm và hạnh phúc; Thổ (vàng) là đất, môi trường nuôi dưỡng, phát triển, biểu trưng cho đức tính nhẫn nại, trung thành, đáng tin cậy.

Vinh hoa – Phú quý

Có thể thấy trong tranh Đông Hồ hay cụ thể là bức Vinh hoa – Phú quý sự kết hợp của ngũ sắc trong việc truyền tải ý niệm dân gian. Những gam màu xanh, đỏ, vàng, trắng cùng những nét đen được điều phối một cách hoà hợp để tạo nên bức tranh Đông Hồ hàm ý về phẩm chất nhân, nghĩa, dũng, tín của con người; đồng thời thể hiện mong ước về một cuộc sống vinh hiển, no đủ và may mắn.

Đoàn Văn Cừ, trong thơ về mùa xuân của mình, cũng sử dụng bảng màu tương tự: đỏ, xanh, vàng, đen, trắng xuất hiện là những gam màu chính yếu. Trong chùm thơ xuân của nhà thơ, màu đỏ xuất hiện 22 lần; trắng và xanh xuất hiện 12 lần; vàng xuất hiện 10 lần; đen có mặt 6 lần. Xen kẽ giữa 5 gam màu đó là sự có  mặt của màu hồng và nâu để diễn tả nhiều hơn màu sắc của cảnh được hoạ lên. Cái  nét đậm đà của sắc màu trong thơ xuân Đoàn Văn Cừ chín đến độ mà Hoài Thanh –   Hoài Chân phải nói rằng: “Cứ mỗi lúc xuân về người lại gửi trên báo một chuỗi cười  ngũ sắc”. Và dù không sử dụng bút lông hay công cụ tạo màu trực quan, nhà thơ của  thôn quê vẫn vẽ lên một khung cảnh với đầy đủ các màu:

Lũ người đi lí nhí một hàng đen 

Trên con đường cát trắng cỏ lam viền 

Họ thong thả tiến theo chiều gió thôi

Dưới bầu trời trong veo không mảy bụi, 

Giữa cánh đồng phơn phớt tựa màu nhung

Một cụ già râu tóc trắng như bông,

Mặc áo đỏ, cầm hương đi trước đám.” (Đám cưới mùa xuân)

Ngôn từ đã tạo nên một khung hình hội hoạ mà ở đó, người đọc không chỉ mường tượng đến sự vật, hiện tượng mà còn xoay vần nó dưới khung kính của màu sắc, khiến sự vật hiện lên với bản chất sắc thái của mình: “cát trắng”, “cỏ lam”, “áo đỏ”… Và trong 5 gam màu được sử dụng chủ yếu, màu đỏ là màu được xuất hiện với tần suất lớn ở cả trong thơ Đoàn Văn Cừ về mùa xuân và cả trong tranh Đông Hồ. 

                   Đu quay    Thầy đồ cóc

Riêng trong bài thơ Tết, màu đỏ là màu  duy nhất xuất hiện:

Bà tôi ngồi trong ổ, 

Mặc áo đỏ cho tôi” 

Con gà mào đỏ chót

Chiếc phong bao giấy đỏ

Đỏ là gam màu của sự ấm nóng. Năm mới, Tết đến, xuân về là dịp để bắt đầu một chặng đường mới, để người người thân gần với nhau và cảm thức về hạnh phúc, quây quần đó gắn liền với màu đỏ màu chủ đạo trong thơ Đoàn Văn Cừ và trong tranh khắc gỗ Đông Hồ dân gian.

Đối chiếu với văn học trung đại, có thể thấy màu sắc trong thơ xuân Đoàn Văn Cừ không được tạo dựng bởi tư duy ước lệ. Trong thơ ông, màu không mất đi tính hiện thực của nó và là “các phạm trù có tính chất thuần thuý” như trong tranh Đông Hồ, khác với màu trong thơ ca thế kỷ XVII: “Ngày xanh mòn mỏi, má hồng   phôi pha”, “Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh” (Truyện Kiều – Nguyễn Du); “Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên” (Chinh phụ ngâm – Đặng Trần Côn) hay thậm chí là trong thơ văn thế kỷ XX: “Lạnh lẽo mày xanh phản má đào” (Gửi trời – Xuân Diệu); “Đào tươi má thiếp mộng chàng xanh” (Nối giấc mơ tình – Vũ Hoàng Chương). Có thể thấy Đoàn Văn Cừ, thay vì sử dụng màu theo thủ pháp ước lệ của thời kỳ trung đại một cách nền nã, đã chọn thể hiện màu theo đúng bản chất của nó (màu nguyên) và qua đó ngầm đề cập đến triết lý sống hài hoà cũng như quy luật tương sinh tương khắc đã ăn sâu vào tâm thức dân gian Việt Nam.

1.2. Sự tương hợp về mặt phẳng hai chiều

Theo Clement Greenberg, nhà phê bình nghệ thuật thị giác người Mỹ thế kỷ XX: “Màu sắc là một quy tắc hoặc phương tiện mà điêu khắc hay sân khấu cùng chia sẻ. Mặt phẳng hai chiều là thứ duy nhất mà hội họa không chia sẻ với bất kì loại hình nào khác”. Ta đã thấy ở trên mối tương quan về màu sắc giữa tranh và thơ, hai loại hình nghệ thuật khác nhau từ chất liệu cho đến giác quan cảm nhận. Tuy thế, thơ Đoàn Văn Cừ và tranh Đông Hồ đi xa hơn nhận định của Clement Greenberg bởi cả hai cũng chia sẻ chung một không gian hai chiều mà ở đó, luật viễn cận (perspective) không được dùng tới.

Với tranh Đông Hồ, người nghệ sĩ dân gian lấy “đơn tuyến bình đồ” làm nền tảng, tức dùng lối vẽ đơn trên mặt phẳng, loại bỏ bóng tối và tập trung vào đường nét tách bạch những mảng màu với nhau. Người nghệ sĩ dân gian không tạo dựng các mảng gần – xa, chính – phụ; ít quan tâm đến tỷ lệ lớn – bé mà đặt sự vật, sự việc  ở dạng bẹt. Trong bức Đám cưới chuột, những con chuột dù ở xa hay gần đều có kích thước gần như tương đương nhau và người xem tự quy ước với nhau rằng: nửa dưới bức tranh đổ xuống là gần, nửa còn lại trở lên trên là xa. Bên cạnh đó, con chuột lại cưỡi con ngựa, lại cầm con chim, con cá, điều mà ngoài đời thực vốn dĩ là phi lý. Sự thuận mắt được đặt lên trước tiên và bố cục, tỷ lệ các phần, mảng phụ thuộc vào  chức năng cũng như nội dung tranh truyền tải.

Đám cưới chuột

Người nghệ sĩ của làng tranh Đông Hồ không tuân theo viễn cận cảm nhận (perceptual perspective) hay viễn cận tuyến tính (perspective linéaire), cũng không dựa trên nghệ thuật đồ hoạ của phương Tây mà trong tranh, con người, con vật, cây cối đều được làm dẹt đi và nằm trong một không gian giới hạn. Chiều sâu không gian như bị hút cạn như trong bức tranh của Jacob Lawrence, đối lập hoàn toàn với sự sâu thẳm đến tận cùng mà bức tranh của Isaac Levitan mang lại:

Above Eternal Peace – Isaac Levitan
Steel Workers – Jacob Lawrence

Tranh Đông Hồ bắt gặp sự tương ứng trong điểm nhìn thấu thị ở một loại hình nghệ thuật khác mà ở đây là thơ Đoàn Văn Cừ viết về Tết, về xuân. Thơ mùa xuân của ông không có phối cảnh ba chiều, cũng không có điểm nhìn gần xa, điểm nhìn cố định (tiêu điểm thấu thị) hay điểm nhìn di động (tán điểm thấu thị) để bao quát cả không gian mênh mang rộng lớn. Sự vật, hiện tượng trong các bài thơ như những khung hình được xếp chồng chéo cạnh nhau:

Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon, 

Vài cụ già chống gậy bước lom khom, 

Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ.

Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ,

Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu,

Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau.” (Chợ Tết)

Mỗi câu thơ đều miêu tả sự chuyển động của con người: “chạy lon xon”, “bước lom khom”, “cười lặng lẽ”,… nhưng dưới sự sắp đặt của nhà thơ, tất cả cùng hiện lên như khắc hoạ đồng thời nhiều hành động trong một bức tranh bao quát. Thiên nhiên cũng không nằm ngoài sự sắp đặt ấy mà xuất hiện như những khối hình rõ ràng: 

Chiều mát, đường xa nắng nhạt vàng,

Đoàn người về ấp gánh khoai lang,

Trời xanh cò trắng bay từng lớp,

Xóm chợ lều phơi xác lá bàng.”(Đường về quê mẹ)

khác với không gian rộng mở trong sáng tác của các nhà thơ cùng thời:

Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.”

(Mùa xuân chín – Hàn Mặc Tử)

Câu thơ của Hàn Mặc Tử gợi lên một bức tranh có chiều sâu với ánh nắng cùng khói tỏa đầy thơ mộng và đôi mái nhà tranh lấp loáng đằng sau lớp khói mỏng mảnh, mơ màng. Chịu ảnh hưởng bởi mỹ thuật phương Tây lấy khoa học tự nhiên làm nền tảng, câu thơ tuân theo luật xa gần của thấu thị học và được khắc họa với những đường nét gợi chiều sâu không gian như được mắt người quan sát. Điều ấy khác với tranh Đông Hồ và thơ xuân của Đoàn Văn Cừ, một nhà thơ kiểm diện tất cả chỉ trên một mặt phẳng.

Tranh Đông Hồ có bức Đấu vật với ba cặp đấu chính. Ba cặp đấu được khắc hoạ với những hành động khác nhau và ở vị trí khác nhau. Người ta vẫn thấy trong tranh sức khoẻ, sự cường tráng của những người tham gia đấu vật song tất cả họ đều hiện lên không có chiều sâu, không có bóng, không được áp dụng luật gần – xa

Đấu vật

và khung cảnh xuất hiện trong thơ xuân của Đoàn Văn Cừ cũng là một khung cảnh như thế:

Bọn đô vật trước đình thi sức mạnh

Mình cởi trần gân cốt nổi như lươn; 

Tiếng reo hò khuyến khích dậy từng cơn

Lẫn tiếng trống bên đường khua rộng rã.” (Đám hội)

Đó không phải một hoạt ảnh chạy dài mà cô đọng như bức tranh Đông Hồ đấu vật đầu xuân. Người đọc thấy được sự tráng kiện của đô vật thi đấu, tiếng reo hò của người đứng quanh cổ vũ nhưng như phép “đơn tuyến bình đồ” trong tranh dân gian với đường nét chia tách rõ ràng các mảng, không có các đường chạy dài hướng về một điểm tụ (vanishing point). Mỗi câu thơ như một nét bao trọn hành động đang diễn ra.  Thơ xuân Đoàn Văn Cừ một lần nữa gặp tranh Đông Hồ trong địa hạt của mặt phẳng hai chiều không có cái sâu hun hút, nơi mà người đọc, người xem quan sát, thẩm thấu tác phẩm nhưng không rơi vào vòng xoáy của một điểm nhìn nghệ thuật riêng biệt, tựa như một không gian cạn.

1.3. Sự tương hợp về thời gian được thị giác hóa

Theo Gotthold Lessing, nếu hội hoạ đặt sự vật cạnh nhau trong cùng một không gian thì thơ ca miêu tả các hoạt động nối tiếp trong thời gian. Điều đó có  lẽ đúng khi nói về thơ của các tác giả khác nhưng trong thơ xuân Đoàn Văn Cừ, thời gian đã được không gian hoá và tưởng như ngưng lại:

Cây đèn bóng dựng dưới trời đêm

Chiếc vỏ chai cưa giả chụp đèn

Ngọn lửa trong mưa vờn lấp loáng

Gió lùa chùm khánh động leng keng”.” (Năm mới)

Nhà thơ có đề cập đến khoảng thời gian “trời đêm” nhưng xuyên suốt cả khổ thơ và rộng ra là cả bài, ta khó có thể nhìn ra sự chuyển dịch thời gian nào như “Ngày qua ngày lại qua ngày/Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng” (Tương tư – Nguyễn Bính). “Trời đêm” làm cụ thể hoá thời gian trong thơ Đoàn Văn Cừ nhưng không cho thấy sự chảy trôi của phút giây mà trái lại, nó chỉ làm nền cho “cây đèn”, “chiếc vỏ chai”, “ngọn lửa”, “chùm khánh” đang đồng hiện. Nhà thơ thâu tóm diễn tiến thời gian và gói nó lại trong một khoảnh khắc, và trong khoảnh khắc ấy, ông đưa con mắt về mọi sự vật có trong tầm nhìn. Có thời gian trong thơ Đoàn Văn Cừ nhưng thời gian trở thành nền cho các khối hình xuất hiện:

Chiều mát, đường xa nắng nhạt vàng 

Đoàn người về ấp gánh khoai lang, Trời xanh cò trắng bay từng lớp,

Xóm chợ lều phơi xác lá bàng.” (Đường về quê mẹ)

Đặc điểm này trong thơ Đoàn Văn Cừ đã thêm vào mẫu số chung giữa thơ ông và tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ. Trong tranh Đông Hồ, thời gian là yếu tố không được đặc tả mà phần quan trọng hơn hết, là không gian. Cùng là cảnh đi cấy cày nhưng nếu trong Một buổi cày của Lưu Công Nhân, những màu nâu, vàng trung độ cùng ánh sáng loang loáng trên mặt ruộng cày gợi đến buổi sớm ban mai thì trong Lão nông nghỉ ngơi, người nghệ sĩ dân gian chỉ khắc hoạ địa điểm, không gian nhân vật đang có mặt (dưới gốc cây) mà không diễn tả bất cứ dấu hiệu thời gian nào khác.

Lão nông nghỉ ngơi
Một buổi cày – Lưu Công Nhân

Như vậy, có thể thấy rằng, trong tranh Đông Hồ và trong thơ Đoàn Văn Cừ viết về mùa xuân, hư cảnh là hình thái được chọn lựa mà không phải thực cảnh như trong hội họa phương Tây. Thời gian hoặc tiêu biến đi hoặc được không gian hóa, nhường chỗ cho sự cho các khối hình được khắc hoạ. 

1.4. Sự tương hợp về cấu trúc

Mỗi tác phẩm đều có cấu trúc của riêng nó. Cấu trúc tác phẩm “tổ chức nội tại mối quan hệ qua lại các yếu tố” và là “mối quan hệ qua lại của các kí hiệu thẩm mĩ đặc thù”. Việc sắp đặt các chi tiết là định hình cấu trúc tác phẩm mà một trong những thành tố quan trọng của cấu trúc là quy luật biện chứng giữa các yếu tố thuộc tác phẩm đó.

Trong bảng màu, màu đen tương phản với màu trắng, vàng cùng đỏ đối nghịch với màu xanh. Dù không xuất hiện với tần suất lớn nhưng mối tương quan biện chứng ấy về màu sắc có thể nhìn thấy một cách trực quan trên tranh Đông Hồ:

Đu quay

và trong thơ Đoàn Văn Cừ về mùa xuân với những hình ảnh hiện lên trong sức sống mạnh mẽ, tươi mới nhất của nó:

Trời đỏ hồng sau những trái đồi xanh” (Đám hội) “Lũ người đi lí nhí một hàng đen

Trên con đường cát trắng cỏ lam viền”;

Áo đồng lầm, yếm đỏ, thắt lưng xanh” (Đám cưới mùa xuân)

Bên cạnh sự đối lập về màu, tranh Đông Hồ và thơ mùa xuân Đoàn Văn Cừ đều xuất hiện mâu thuẫn giữa âm và dương. Trong bức Gà mái túc mồi, gà mẹ đang ngậm đầy mồi trong tư thế đứng yên, trái ngược với sự nháo nhác của đàn con đang đến bên mẹ. Cái “tĩnh” của gà mẹ biểu trưng cho “âm”, cái “động” của gà con biểu trưng cho “dương”. Hay như trong tranh Đàn lợn âm dương, trên lưng mỗi lợn đều có những vòng xoáy mà đặc biệt là lợn mẹ, vòng xoáy có hai màu tương phản. Màu lạnh của vòng xoáy ngụ ý cho “âm”, màu nóng hàm ẩn cho “dương”.  

Đàn lợn âm dương

Theo văn hoá phương Đông, hai yếu tố đối lập này một khi được cân bằng, sẽ là nguồn gốc cho sự sinh sôi, phát triển của mọi sự vật hiện tượng: “lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái”. Với ý nghĩa ấy, sự kết hợp hài hoà của “âm” và “dương” trong tranh Đông Hồ đã trở thành biểu tượng cho sự sống, sự sinh sôi, nảy nở mỗi độ Tết đến, xuân về.

Và đến với thơ xuân của Đoàn Văn Cừ, ta cũng sẽ bắt sự đối lập giữa âm và dương như vậy:

Bên vách hòm gian đặt cúng thờ 

Bát hương nõn chuối cắm lơ thơ 

Vỉ buồm gạo nếp “tay giềng” họ

Thịt lợn đầy mâm thái miếng to” (Năm mới) 

Chõ xôi trong bếp phì phèo lên hơi

Bàn thờ hương cháy toả mùi

Từng tràng pháo chuột nổ dài trong khuya” (Chơi xuân)

Bát hương, bàn thờ gắn với “âm”, ngược lại với “dương” trong miếng thịt lợn, trong chõ xôi thổi nóng hay tràng pháo chuột đùng đoàng thành tiếng. Âm xen kẽ với dương không tách rời, làm nên mối tương giao hoà hợp giữa hai thái cực vốn riêng biệt với nhau. Thơ xuân của Đoàn Văn Cừ không thuần âm hay thuần dương mà cân bằng giữa hai yếu tố, thể hiện quan niệm phồn thực như trong tranh Đông Hồ: âm – dương đối xứng là nguồn gốc của sự sống, sự sinh sôi nảy nở và là điều cốt yếu cho cuộc sống bình yên, hanh thông, phúc lộc.

2. Sự tương hợp về nội dung giữa tranh Đông Hồ và thơ về mùa xuân của Đoàn Văn Cừ trong tập “Thôn ca”

Tranh Đông Hồ và thơ xuân của Đoàn  Văn Cừ ngoài hình thức, còn gặp nhau nhau trong vòng tròn đồng tâm về nội dung, đề tài mà cụ thể là nếp nghĩ, quan niệm, tư tưởng và văn hoá dân gian. 

Đến với tranh khắc gỗ Đông Hồ, người xem không phải hướng tầm mắt mình ra xa hay phải viện nhiều đến trí tưởng tượng bởi những gì xuất hiện trong tranh đều thân thuộc và gần gũi. Đó là con lợn, con gà, con cóc, là trẻ thơ, là người tham gia hội họp náo nhiệt. Trong tranh Đông Hồ, mọi vật đều nằm trong địa hạt cuộc sống sinh hoạt theo quan điểm mỹ học dân gian; phản ánh sâu sắc đời sống tinh thần, vật chất của người dân Việt; nói lên ước vọng của người dân về một cuộc sống ấm no, thuận hoà, hạnh phúc và cũng hàm chứa những triết lý nhân sinh. Nếu bức Hứng dừa thể hiện vai trò trụ cột của người đàn ông trong việc chèo lái, mang lại sự vững bền cho gia đình thì bộ tranh Em bé chăn trâu nói về sự no đủ mà cụ thể là cánh diều trong bức bên phải – cánh diều mà “đối với người nông dân thì đây là cánh diều no  phúc lộc”.

Hứng dừa    Em bé chăn trâu

Trong thơ về mùa xuân của Đoàn Văn Cừ, nội dung được phản ánh cũng xoay quanh tâm thức dân gian và con gà, con lợn, trẻ thơ, hội họp cũng xuất hiện tương tự như trong tranh khắc gỗ dân gian. Cuộc sống con người vào năm mới được miêu tả từ vật chất với món ăn, áo quần:

Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha, 

Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết, 

Con gà trống mào thâm như cục tiết,

Một người mua cầm cẳng dốc lên xem” (Chợ Tết) 

Bọn trai tơ mặt mày coi hớn hở,

Quần lụa chùng, nón dứa áo sa huê” (Đám cưới mùa xuân) “Thúng cắp bên hông, nón đội đầu,

Khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu” (Đường về quê mẹ) cho đến tinh thần với phong tục, tập quán:

Ngày xuân trẻ bức tranh gà

Cụ già quần nhiễu đỏ loà sang nhau” (Chơi xuân) 

Cây nêu – dấu Phật đuổi hung thần

Cổ mũ trên bàn cùng Táo quân

Mùng bốn Tết xong làm lễ tiễn

Giấy tiền ông vải đốt đầy sân” (Năm mới)

Từng nét của đời sống dân gian hiện lên trong lời thơ Đoàn Văn Cừ. Quần áo mới được sắm sửa, hoa quả được bày biện đầy mâm, tiền giấy được dùng để cúng người đã khuất và người người sang nhà nhau chúc để lấy lộc. Một cuộc sống vừa bình dị vừa tươi vui đầy sức sống, gói ghém trong nó ước mơ ngàn đời của người dân Việt về cuộc sống tốt đẹp, thuận hoà, ấm no, cuộc sống theo quan niệm phồn thực đủ đầy:

Quần đào, áo đỏ, tranh gà lợn

Cơm tám, dưa hành, thịt mỡ đông” (Tết quê bà) 

Những dòng sông trắng lượn ven đê

Cồn xanh, bãi tía kề liên tiếp,

Người xới cà, ngô rộn bốn bề” (Đường về quê mẹ)

Quan sát kỹ hơn, có thể thấy rằng tranh Đông Hồ còn nói lên một đặc tính của người dân Việt: hồn nhiên và biết đùa. Ở bức Hứng dừa, hình ảnh người thiếu nữ vén váy một cách hớ hênh để hứng trái dừa rơi xuống đã cho thấy sự hóm hỉnh, gây cười bởi sự hớ hênh ấy đã tạo được cái kết rất đỗi dễ thương: “Khen ai khéo nặn nên dừa/ Đây trèo, đấy hứng cho vừa một đôi”. 

Hứng dừa

Hay như với bức Đánh ghen, thông qua việc tái hiện một góc đời sống sinh hoạt của người dân trong xã hội phong kiến, đã ngầm thể hiện triết lý sâu sắc một cách vừa sâu cay lại vừa vui tươi, dí dỏm. Thơ xuân của Đoàn Văn Cừ cũng mang trong nó sự hồn nhiên như thế. Không đậm chất bông lơn hay trào phúng nhưng thơ ông viết về mùa xuân cũng ánh lên nét ngô nghê của cuộc sống làng quê Việt:

Con trâu đứng vờ rim hai mắt ngủ,

Để lắng nghe người khách nói bô bô.

[…]

Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượi,

Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa.” (Chợ Tết)

Trên bãi cỏ dưới trời xuân bát ngát,

Một chị đương đu ngửa tít trên không.

Cụ lý già đứng lại ngửng đầu trông,

Mắt hấp háy nhìn qua đôi mục kỉnh.

Mấy cô gái nép gần hai chú lính.

Má đỏ nhừ bẽn lẽn đứng ôm nhau.” (Đám hội)

Câu chuyện chòm xóm, cái cười hỉ hả, điệu bộ đong đưa,… gắn kết người với người, nối kết người với vật đã làm nên cái nét duyên đầy hồn nhiên của con người dân quê Việt. Tất cả đều hướng về hình ảnh người dân quê giản dị, dễ nói dễ cười đầy nét vô tư nhưng vẫn luôn ý thức rõ ràng về mối quan hệ trong cuộc sống, về triết lý xoay quanh vạn vật.

Tác giả Michele Abarar đã viết rằng: “Tranh dân gian Việt Nam là chứng cớ vô  danh trong sự tươi mát của những hài hòa, trong tính tự nhiên của sự sáng tạo. Tranh đó đã là sự phản ánh của tính nhạy cảm về tinh thần thi vị của dân tộc Việt Nam. Người ta tìm thấy trong tranh đó quan niệm về cái đẹp, ý thức thiên bẩm về hình họa, những bố cục hài hòa có nhịp điệu của dân tộc này...”. Ấy là vẻ đẹp kết tinh văn hoá dân tộc trong tranh dân gian Đông Hồ và thơ xuân của Đoàn Văn Cừ – một văn hoá đề cao sự hài hoà với thiên nhiên vạn vật, khác với văn hoá phương Tây hướng tới chinh phục, chiếm hữu tự nhiên để có được sự phát triển. Tranh Đông Hồ cũng như thơ Đoàn Văn Cừ viết về mùa xuân tuy không tả thực cảnh nhưng bằng kinh nghiệm ngàn đời, cái chân thật và triết lý có thể được nhận ra để từ đó, hé mở tâm thức phồn thực của dân gian và ước vọng về sự thanh nhàn, yên ấm, no đủ, phồn thịnh ngàn đời của người dân đất Việt.

Kết luận

Giữa thời đại mà mỹ cảm phương Tây tràn vào mạnh mẽ và việc in tranh Đông Hồ bị sút giảm đáng kể bắt đầu từ những năm 1940, khi Nhật chiếm đóng Việt Nam, thơ xuân nói riêng của Đoàn Văn Cừ trong tập “Thôn ca” đã hiện lên như một văn bản thứ hai của dòng tranh Đông Hồ dân gian từ màu sắc, đường nét, cấu trúc cho tới nội dung biểu đạt. Thơ ông cho thấy một động hướng của chủ nghĩa lãng mạn: quay về với dân gian để khai thác cái hồn hậu, hồn nhiên của mục đồng thay cho sự mực thước, trịnh trọng của thơ cổ điển. Cùng động hướng này, còn có thể nhắc thêm những đại diện khác của Phong trào Thơ mới như Nguyễn Nhược Pháp, Bàng Bá Lân, Nguyễn Bính… 

Trong thơ của Đoàn Văn Cừ, chất dân gian đã thẩm thấu tương đối nhuần nhị ở hình thức và bút pháp của Thơ mới. Thơ ông chủ yếu là thơ tám chữ, một thể thơ không còn bị gò bó bởi niêm luật, mạch thơ được tổ chức nương theo dòng cảm xúc tự nhiên của con người. Cùng với đó, Đoàn Văn Cừ đã thay lối miêu tả thiên về ước lệ của thơ trung đại bằng một lối thơ tả chân, tái tạo trực tiếp những đặc điểm cảm tính của sự vật hiện tượng. Như vậy, có thể nói cái truyền thống ở tinh thần và cái hiện đại ở hình thức trong thơ xuân của Đoàn Văn Cừ đã được hòa giải.

Có thể thấy rằng, Đoàn Văn Cừ đã xây đắp một miền tâm thức dân gian với sự hồn nhiên, tinh thần hội hè và sâu hơn là đặc tính của một nền văn minh lúa nước, của tín ngưỡng phồn thực và quan niệm âm dương theo triết lý phương Đông. Thơ ông làm người ta phải cảm thán rằng “…nghĩ đến Đoàn Văn Cừ là tôi lại nghĩ đến Tết”. Lời cảm thán ấy có thể xem như là sự ghi nhận trân trọng nhất đối với những bài thơ xuân của Đoàn Văn Cừ trong tập Thôn ca.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Hoa-Giang (2015), Clement Greenberg – Hội họa hiện đại chủ nghĩa (trích), https://hieutn1979.wordpress.com/2015/01/09/clement-greenberg-hoi-hoa-hien-dai-chu-nghia-trich/, đăng ngày 9/1/2015, truy cập ngày 31/12/2021.

[2]. Nguyễn Thị Hạnh (2012), “Làng tranh dân gian Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh: Hiện trạng và hướng phát triển”, Luận văn thạc sĩ, Đại học quốc gia Hà Nội, tr. 32. 

[3]. Nguyễn Thị Thu Hoà (chủ biên), Lê Bích, Trịnh Sinh (2019), Dòng tranh dân gian Đông Hồ, Nxb. Thế giới, tr. 52.

[4]. Nguyễn Thị Hợp (2009), “Nghệ thuật tả ý trong tranh Đông Hồ”, Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, số 295, tr. 46 – tr. 50.

[5]. Nguyễn Thái Lai (2002), Làng Tranh Đông Hồ, Nxb. Mỹ thuật, Hà Nội, tr. 119.

[6]. Nguyễn Thị Kim Ngân (2019), “Hình tượng con gà trong tranh dân gian Đông Hồ”, Tạp chí Khoa học số 40, Trường Đại học Đồng Tháp, tr. 102 – tr.107.

[7]. Nguyễn Khắc Phi (chủ biên), Lê Bá Hán, Trần Đình Sử (2000), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 42.

[8]. Quang Phòng (1994), “Tranh khắc gỗ phương Đông, phương Tây”, Tạp chí Mỹ thuật thời nay số 4, tr. 31 – 41.

[9]. Nguyễn Thị Nguyệt Trinh, “Vương Duy và Yosa Buson – “Thi trung hữu hoạ””, Tạp chí Khoa học ĐHSP TP Hồ Chí Minh, số 38, tr. 53 – tr. 62.

Roland Barthes – Bernard Buffet kết liễu New York

Bernard Buffet (1928-1999) là một họa sĩ người Pháp theo Chủ nghĩa biểu hiện và là một thành viên của nhóm họa sĩ L’homme Témoin với chủ trương chống lại nghệ thuật trừu tượng. Bài viết này của Roland Barthes có thể xem là một bài “đọc” những bức tranh của Buffett vẽ cảnh quan New York. Văn bản này chưa được dịch trong  cuốn Những huyền thoại bản tiếng Việt. Tôi giới thiệu bài viết này của Barthes để hưởng ứng dự án Những huyền thoại của Nhóm thứ 6. Văn bản ngắn nhưng rất khó dịch bởi lối hành văn rất phức tạp của Barthes, do đó, có thể có những sai sót mà tôi thực tâm mong nhận được sự chỉ giáo của những người quan tâm.

buffet new york

*

New York trong tranh Bernard Buffet sẽ không đảo lộn nhiều định kiến: nó là thành phố của những chiều cao hình học, một sa mạc hóa thạch của mạng lưới những đường dây điện và những hàng rào mắt cáo, một địa ngục của vật trừu tượng màu xanh lục dưới một bầu trời bằng phẳng, một thủ phủ thực thụ mà từ đó con người vắng mặt bởi chính sự tích tụ của y; một thứ đạo lý ẩn ngầm của một Greuze[1] mới trong thời đại chúng ta, theo đó, chúng ta thấy mình rõ ràng hạnh phúc ở Belleville hơn là ở Manhattan. Đây là một New York của văn hóa folklore hơn là một Tây Ban Nha của Bizet[2] hay một nước Ý của phòng hòa nhạc Théâtre Mogador[3]: nó là một thứ chủ nghĩa exotic khẳng định niềm kiêu hãnh của người Pháp (cụ thể hơn, ở đây, chính là Buffet – N.D) về sự ưu việt của nơi họ sống.

Theo Buffet, kiến trúc của thành phố này là những hình tứ giác và những hình tượng được kéo dài mang tính đồng phục. Ở đây, đường dây điện thống trị trong hình thức ít gây thiện cảm nhất của nó: cái đường viền này, đường thẳng màu đen này  bao quanh mọi thứ, rõ ràng muốn trục xuất con người khỏi thành phố. Với sự nhân bội đến mức ám ảnh ô cửa sổ, dùng màu đen dát nó, Buffet đã làm trống nó, phá hủy nó, biến một kiến trúc sống thành một bề mặt chết, cứ như thể các con số rốt cục buộc phải lập nên một trật tự trừu tượng, nếu chúng tụ tập lại đông đúc; Buffet đã hình học hóa New York để làm thành phố ấy thưa thớt hơn đi: ai cũng biết trừu tượng là “cằn cỗi”. Giờ đây, trong cảm quan của tôi về nó, một trong những bài học của thành phố kỳ diệu này đem đến là trừu tượng đồng nghĩa với sống động, và nghịch lý thay, phải là một họa sĩ mới từ chối chúng ta sự thật này. Song cũng chắc chắn là chỉ một họa sĩ “trừu tượng” mới có thể đối xử công bằng với New York, mới có thể hiểu được các mặt phẳng và đường thẳng, hình thức và ý nghĩa ở đây cũng rất đỗi sống động như trong những bố cục của Mondrian: ở đây, tính hình tượng đã gian xảo phục vụ cho mục đích phá hủy: vẽ nghĩa là đánh lừa. Buffet đã “hình tượng hóa” New York để giải trừ nó.

341560

Cũng có thể nhìn thấy một động thái gây hấn tương tự liên quan đến một biểu tượng lớn nhưng sáo mòn của thành phố: nhà chọc trời. Điều ngạc nhiên ở nhà chọc trời là nó không gây ngạc nhiên. Khi ta thực sự nhìn thấy một tòa nhà như thế (mà thực sự chúng ta đã từng nhìn thấy chăng?), cảm giác mà nó gợi lên là: tại sao không? Với Buffet thì ngược lại, tòa nhà chọc trời lúc nào cũng nằm cứ nằm trong một tuyển tập nào đó và đó luôn là những gì mà ông thể hiện với sự trau chuốt trên nét bút nhọn – hình thù gây ám ảnh của tòa nhà với những đường nét mảnh, góc cạnh. Cứ như thể chính toan vẽ của ông, với những tỉ lệ được tính toán về vật chất, đã làm nên tòa nhà chọc trời; đối với ông nhà chọc trời là một Hữu thể (Being), một tồn tại đã bị kết án từ trước. Dĩ nhiên, đôi khi Buffet tỏ ra nhạy cảm với chiều rộng choáng ngợp của thành phố, với diện tích nền móng của nó (bởi New York là một thành phố được sắp đặt huy hoàng, giống như mọi thủ phủ hoành tráng khác); vì lẽ đó mà ông đã vẽ một mặt ngoài rất hiện thực của các kết cấu, ông nhìn New York trực diện – đó là cách tốt để ông tự giải phóng mình khỏi nó; hoặc ông để lơ lửng hình cuộn trang trí cỡ lớn của một cây cầu ngay cận cảnh; song ngay cả trong những cố gắng để phóng đại bề rộng này, chiều cao vẫn cứ len lén tái xuất: toàn cảnh căng rộng ra hình ảnh của những nhà chọc trời chỉ để làm cho bóng đổ của chúng nối nhau không liên tục, cây cầu lấn át chúng chỉ để tôn lên sức mạnh hùng hổ của chúng nhìn từ xa. Có một cuộc giao tranh huyền thoại giữa Nền và Đỉnh, như thi sĩ René Char từng nói; song thay cho độ cao so với mặt biển dễ cuốn hút đám đông trước mặt (trên thực tế, New York là thành phố của chiều sâu, chứ không phải thành phố của tầm cao), Buffet lại trao cho nó nỗi cô độc phi lý của ông; ông vẽ các tòa nhà chọc trời như thể chúng là những giáo đường rỗng: ông làm dẹt “cảnh quan”.

item_915121_0357ea8ef2

Buffet đã hoàn thiện New York bằng cách làm đường phố trở nên trống trơn bóng người. Tôi không có ý muốn nói sự thật thì New York là không gian của bầy đàn, một quan điểm đầy định kiến của châu Âu. Bản thân sự quy hoạch đô thị – thứ tạo nên bàn cờ đam của những đường phố vô danh – là cái giá buộc phải trả để những đường phố này trở nên hữu dụng và không còn là thứ chỉ có trong tranh nữa, để con người và các vật thể luân chuyển, thích ứng với những khoảng cách, làm chủ một cách hiệu quả lên cái thiên nhiên đô thị khổng lồ này: thành phố lớn nhất thế giới (cùng với Tokyo) cũng là thứ mà ta có thể sở hữu trong một buổi chiều, bằng hoạt động gây hào hứng bậc nhất: vì ở đây sở hữu cũng có nghĩa là hiểu biết: New York tự trải mình ra trước niềm khao khát hiểu biết và sự thân quen của ta với nó đến rất đỗi nhanh chóng. Đó là mục đích của những con phố được đánh số này, chúng được bố trí một cách cứng nhắc theo những khoảng cách đều đặn: không phải để biến thành phố thành một cỗ máy khổng lồ và người thì thành robot như cách mà người ta – những kẻ xem sự quanh co dích dắc và sự bẩn thỉu như là những thứ gắn với tinh thần, vẫn cứ lải nhải một cách ngớ ngẩn với chúng ta mà ngược lại, để ta có thể làm chủ những khoảng cách và định hướng bằng tâm trí, để cho ta tùy nghi sử dụng cái không gian chứa đựng 12 triệu người, cái kho chứa thần thoại, cái trung tâm buôn bán của thế giới mà mọi hàng hóa tốt đều có, ngoại trừ sự đa dạng về ý nghĩa siêu hình. Đấy chính là mục đích của tính hình học của New York: rằng mỗi cá nhân đều nên là một chủ nhân, theo nét nghĩa thơ ca của từ này, của thủ đô thế giới này. Không phải ta nên nhìn New York với ánh mắt ngước lên, hướng về trời; mà ta phải nhìn xuống, về phía con người và hàng hóa: bằng một nghịch lý tĩnh tại tuyệt vời, tòa nhà chọc trời tạo nên các khối nhà, các khối nhà tạo nên đường phố, đường phố hiến mình cho con người. Buffet, dĩ nhiên, đi theo hướng ngược lại: ông làm rỗng phố, leo lên mặt ngoài của tòa nhà, lướt qua những bề mặt, ông làm loãng đi: New York của ông là một phản thành phố.

Để vẽ New York từ trên cao, từ đỉnh, là một lần nữa phải dựa vào huyền thoại tâm linh đầu tiên của nó, nghĩa là, huyền thoại về hình học giết chết con người. Với bút pháp của mình, Buffet đã theo gót những nhà đạo đức đáng kính, mà đối với họ cái tủ lạnh là thứ gây ác cảm với tâm hồn. Vẻ hiu quạnh, muộn sầu đầy chủ ý của New York trong tranh của ông có thể mang ý nghĩa gì nếu nó không phải là thông điệp rằng thật tồi tệ nếu con người phải sống trong bầy đàn, rằng con số giết chết tinh thần, rằng quá nhiều phòng tắm sẽ có hại với sức khỏe tinh thần của một dân tộc, rằng một thế giới quá “hiện đại” là một thế tàn ác, rằng chúng ta sa vào chán nản khi chúng ta sống trong tiện nghi, hay nói gọn lại, theo nhận định phản động nhất trong lịch sử nhân loại, bằng chứng ngoại phạm của mọi hình thứ bóc lột, rằng “tiền không làm nên hạnh phúc”? Bản thân tôi có thể hình dung rằng làm việc ở New York là một điều thậm tệ, song không phải New York là thứ khủng khiếp mà chính là công việc. Bằng việc biến thành phố này thành một nghĩa địa trẻ con hóa thạch, từ đó thấp thoáng hiện ra một thời đại “trừu tượng” (than ôi, nhưng không phải nghệ thuật “trừu tượng”), Buffet một lần nữa biến lịch sử thành siêu hình học. Những người da đen khi nhìn vào nước Mỹ luôn bắt đầu bằng hình ảnh những nhà chọc trời và mắt cứ bị dán vào đó. Tuy nhiên, những gì mà những người hành hương dỡ xuống từ con tàu Mayflower[4] không phải chỉ là chủ nghĩa duy nghiệm, tinh thần nghiệp đoàn, nói tóm lại, những hạt giống mà chắc chắn đã tạo nên một thành phố lạ kỳ nhất thế giới mà còn là tinh thần Thanh giáo và đầu óc quan tâm đến lợi nhuận, tiền và siêu hình học. Cái gì tốt, Buffet hồ nghi. Còn cái gì xấu, ông bỏ qua nó trong im lặng.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: “Buffet Finishes Off New York”, trong Roland Barthes (1979), The Eiffel Tower and Other Mythologies, bản dịch tiếng Anh của Richard Howard, trang 149-152.

[1] Jean-Baptiste Greuze (1725-1805), họa sĩ người Pháp, người được xem là đã truyền đạt trong những bức tranh chân dung, tranh về đề tài lịch sử của mình những giá trị của đạo đức tư sản.

[2] Georges Bizet (1838-1875), nhà soạn nhạc lãng mạn Pháp với tác phẩm nổi tiếng nhất là vở opera Carmen.

[3] Phòng hòa nhạc tại quận 9, thủ đô Paris, nước Pháp, được xây dựng vào năm 1913. Phòng hòa nhạc này ưu tiên cho trình diễn opera.

[4] Con tàu Mayflower là con tàu đã chở những người Thanh giáo Anh đầu tiên (ngày nay được gọi là những người hành hương [Pilgrims]) từ Plymouth nước Anh đến Tân thế giới vào năm 1620. Con tàu này đã trở thành biểu tượng văn hóa và lịch sử của Hoa Kỳ.

Có chăng sự tiến bộ trong nghệ thuật? (suy nghĩ từ thực hành nghệ thuật của Ly Hoàng Ly)

Bài viết dưới đây thực chất là bài điều kiện của bạn Nguyễn Thanh Nguyệt, sinh viên K6, khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội trong học phần “Tiến trình văn học” mà tôi giảng dạy. Bài điều kiện yêu cầu sinh viên tự chọn một hiện tượng nghệ thuật để thảo luận quanh nhận định “Trong nghệ thuật không có sự tiến bộ”.

Điều làm tôi thấy công việc của mình ở trường đại học đôi khi còn chút ý nghĩa là mình vẫn còn có thể khuyến khích các em tò mò tìm hiểu về những cái mới, về những gì ở bên ngoài khuôn khổ giảng đường và có thể chẳng liên quan gì nhiều đến công việc giảng dạy phổ thông sau này. Người giáo viên, xưa nay, chưa ai đòi hỏi sự nhạy cảm với cái mới trong nghệ thuật như một tiêu chí cần thiết để làm nghề.

Bài viết của Nguyệt không phải không có những điểm chưa thuyết phục tôi. Nhưng tôi đọc được sự nhiệt tình, đọc được cả ý thức muốn thể hiện quan điểm và cả sự mẫn cảm cần thiết đối với cái mới trong nghệ thuật. Thiếu sự mẫn cảm này của công chúng, nghệ thuật đương đại ở Việt Nam hẳn sẽ thiếu đi một động lực nào đó trong môi trường hình như sáng tạo, tự do…đều có thể là những từ cần bị canh chừng.

Thầy trò chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý và chia sẻ từ mọi người để chúng tôi có thể hoàn thiện hơn những suy nghĩ của mình.

 

*

“Khi có người nhắc đến sự tiến hoá của một nghệ sĩ, tôi hay mường tượng rằng người đó coi anh nghệ sĩ kia như đang đứng giữa hai tâm gương quay mặt vào nhau, tạo nên vô vàn hình bóng của chính mình; và cho rằng tấm gương này phản ánh quá khứ, tấm kia là tương lai, còn anh chàng nghệ sĩ thật thì đang ở thời hiện tại. Chả ai thấy rằng tất cả đó chỉ là một hình ảnh, ở những bình diện khác nhau” (Picasso) [1]
—–
1. (Ảo tưởng) Về tương lai của nghệ thuật

Chúng ta đang sống ở thời đại mà nếu muốn tìm kiếm một niềm tin lạc quan vào tương lai và sự vươn lên mạnh mẽ, hãy nhìn vào sự phát triển của công nghệ: 10 đời máy Iphone được sản xuất và tung ra thị trường trong 8 năm khiến mọi chiếc điện thoại mới đều có nguy cơ trở thành lỗi thời sau vài tháng; và chắc chắn rằng những người kinh doanh hàng điện tự sẽ thật khó khăn để nhớ tên chiếc TV nào đang là đời mới nhất…Mỗi một phát minh của ngày hôm nay dường như đang tiến lên nhanh hơn cả con người, như một cuộc tháo chạy, những thứ đồ công nghệ mà con người sở hữu sẽ trượt khỏi lời ca tụng tân tiến ngay tức khắc. Tan vỡ và choáng váng trước những cái hiện đại không ngừng lấp lên cái cũ, nay chúng ta lại điềm tĩnh và có đôi chút buồn cười, khi ngồi lại giữa những mũi tên lao đi với tốc độ chóng mặt của đời sống, để nói về một câu chuyện trừu tượng và tưởng chừng phù phiếm hơn công nghệ rất nhiều, đó là sự tiến bộ của nghệ thuật.

Nếu tiếp tục đặt câu hỏi Nghệ thuật là gì?, hẳn chuỗi vòng luẩn quẩn truy tìm định nghĩa cho nghệ thuật sẽ lại tiếp tục được vẽ ra mà không bao giờ khép lại. Điều khiến chúng ta quan tâm ở đây là sự phát triển và tiệm tiến của nghệ thuật – và cái mà chúng ta đang gọi là tiến trình/quá trình (của nghệ thuật) liệu có phải là một chuỗi đi lên mang tên tiến bộ hay không? Mỗi một trào lưu, mỗi một phương pháp sáng tác, một cái tên, một thể nghiệm liệu có góp phần vào sự tiến bộ chung của nghệ thuật?

Tiến bộ (progress) là sự vận động đi về phía trước – nó gắn với ý niệm về sự đi lên, mới mẻ (so với trước đó) và tiên tiến. “Khái niệm tiến bộ nghệ thuật cần dược hiểu theo nghĩa là sự nâng cao, hoàn thiện loại hình và trình độ tư duy hình tượng, mở ra cho văn nghệ những khả năng to lớn trong việc nhận thức, khám phá, chiếm lĩnh thế giới hiện thực” [49;7]. Như vậy, sự tiến bộ – dù chưa thể giới hạn ở một mức độ cụ thể nào nhưng khi nói tiến bộ nghệ thuật là khi đó nghệ thuật phải có sự nâng cao, hoàn thiện và đi lên theo hướng tích cực xét trong lịch sử phát triển của nó.

Tôi sẽ làm một vài phép thử, hay đúng hơn là giới hạn lại ở một vài phương diện, để xem xét nghệ thuật đã “tiến bộ” như thế nào trong hành trình phát triển của nó. Trước hết, nghệ thuật có sự tiến bộ phải chăng chính là khi nó nắm trong tay khả năng tác động tích cực tới các lĩnh vực khác? Đừng quên một Lev Tolstoy đã nhẫn nại viết lên bản anh hùng ca hàng ngàn trang giấy trong “Chiến tranh và hoà bình”, để bất kì một chế độ, hay một nền chính trị nào cũng phải thừa nhận vị trí to lớn và sức mạnh của nhân dân, của con người trong lịch sử. Cũng không ai nói rằng nghệ thuật thờ ơ với chức năng giáo dục của nó bởi vẫn còn đó những lời răn của Rousseaus. Và “tiến bộ” nhất phải nói rằng, nghệ thuật từ điểm khởi sinh của nó cho đến hiện tại, vẫn không ngừng bền bỉ tác động đến nhận thức con người – khiến cho con người trở nên văn minh, hiểu biết và nhân văn hơn. Thậm chí, sự tiến bộ của nghệ thuật còn được quy chiếu ở phương diện chính trị: Ở thời điểm mà chủ nghĩa hiện đại ra đời và sự tồn tại của nó chảy tràn như một làn sóng khắp Tây Âu, chính nó lại bị quy kết là phản nhân đạo, đi ngược với lí tính và truyền thống. Khi đó, đối với các nước như Nga thì hiện thực xã hội chủ nghĩa đang được coi đỉnh cao, và chỉ có nó mới nhân đạo, chỉ có nó mới tôn vinh con người và cho con người niềm tin vào tương lai.

Chúng ta vẫn không ngừng nói về những khả thể của nghệ thuật, cùng với đó là những ước vọng biến nghệ thuật trở thành cái nôi đẩy đưa đời sống con người tới gần tới tương lai và sự tiến bộ hơn. Có nên dừng tại đây để ngợi ca nghệ thuật, rằng nghệ thuật không những tiến bộ mà nó còn có khả năng tác động tới tất cả các phương diện của đời sống, góp phần đưa nhân loại tới gần hơn với sự văn minh và tiến bộ?

Tôi cũng muốn xét sự tiến bộ của nghệ thuật trong chính sự phát triển của nó. Hãy lần theo bước chân của nghệ thuật, xem sự dịch chuyển của nó khởi sinh cho tới thời kì cổ điển, đến lãng mạn – hiện thực, đến hiện đại chủ nghĩa và cả những câu chuyện của chủ nghĩa hậu hiện đại, đương đại còn đang dang dở. Sự vận động không ngừng ấy khiến cho hành trình của nghệ thuật dường như trở nên ồ ạt với nhiều dáng vẻ và tiệm tiến không ngừng. Không những thế, nghệ thuật bao hàm trong nó nhiều lĩnh vực: từ thơ ca, điện ảnh, âm nhạc, hội hoạ…tất thảy đều đang “đi lên” khi càng ngày, càng có nhiều phương thức sáng tác, càng có nhiều công cụ hỗ trợ khiến cho các nghệ sĩ tự do sáng tạo và dễ dàng hơn trong việc hiện thực hoá sự sáng tạo của mình; đó là chưa kể tới những thành tựu, những cái tên, những điểm mốc, những đỉnh cao trong tiến trình nghệ thuật. Có thể nói, vận động nghệ thuật là sự chuyển biến, thay thế từ trạng thái này sang một trạng thái khác: bề ngoài là các giai đoạn, các trào lưu nhưng về bản chất là các kiểu tư duy nghệ thuật. Ở mỗi thời điểm lại có nhiều khuynh hướng nghệ thuật đa tuyến, thậm chí là những đối cực. Không thể phủ nhận nghệ thuật đã phải trải qua một lịch sử không yên ả, không thuận chiều và đôi khi nhạt nhẽo, thoái trào nhưng đâu đó trên hành trình của nghệ thuật, vượt qua tất cả, ta vẫn lạc quan khẳng định rằng “tư duy nghệ thuật của nhân loại ngày càng hoàn thiện, nâng cao”. [50;6]

Phải thừa nhận rằng nghệ thuật và sự phát triển của nó ngày càng sinh động, trong suốt quá trình ấy, người đọc/ người xem không thể ôm ấp tham vọng mình biết đích xác bộ mặt của nghệ thuật sẽ thay đổi ra sao, sẽ có những lớp hoá trang gì? Nhưng, việc thay đổi nhiều lớp lang cho bộ mặt ấy không phản ánh một quá trình tiến hoá. Mở đầu tiểu luận này, tôi đã mượn lời của Picasso, như một sự khích lệ cho quan điểm của mình, rằng trong nghệ thuật không có sự tiến bộ. Nếu buộc phải biến nghệ thuật thành một phần tử trong thuyết tiến hoá của Darwin, và tin rằng như lịch sử vĩ đại của nhân loại – trong nghệ thuật, cái ra đời sau sẽ cải thiện, sẽ tích cực, sẽ tu bổ cho cái trước nó, mỗi một bước đi trên tiến trình nghệ thuật sẽ là một đường nối cho sự phát triển hướng thượng – thì tôi cho rằng, đó sẽ là ảo tưởng. Bởi lẽ, không có quá khứ hay tương lai trong nghệ thuật, xét đến cùng, nghệ thuật thời Cổ đại, hay cái chưa định hình của nghệ thuật đương đại ở thời điểm hiện tại, “tất cả đó chỉ là một hình ảnh, ở những bình diện khác nhau”.

2. Don’t grow up… ( Đừng lớn…)

Quay trở lại với câu chuyện người nghệ sĩ của Picasso, tôi cứ nghĩ hẳn anh ta đang bị lừa chơi một trò chơi với những chiếc gương. Người nghệ sĩ cứ mải miết tìm một hình ảnh trưởng thành của mình để theo đuổi nó: “Tôi phải phải lớn lên, tác phẩm của tôi phải lớn lên”; “Kia, đây là tôi hoàn thiện, hoàn thiện hơn hết thảy tôi của cũ mèm trước kia và cả những nghệ sĩ nay đã chậm tiến hơn tôi”. Không ai nói với anh ta rằng anh ta chỉ có một, và những ảo ảnh kia chỉ là ảo vọng. Không ai nói với anh ta rằng: “Đừng lớn”, nghệ thuật xét cho cùng chỉ là một trò chơi, hãy tự do nhìn ngắm những hình ảnh khác nhau của mình đi.

Vì thế mà Picasso tỉnh táo phàn nàn trước những câu hỏi/lời khen về sự tiến bộ trong chính thực hành nghệ thuật của ông. “Tôi còn thường nghe thấy hai chữ “tiến hóa”. Lúc nào cũng có người hỏi về quá trình tiến hóa của các tác phẩm của tôi. […] Nghệ thuật không tự nó tiến hóa. Chỉ có ý tưởng của con người thì thay đổi, và cách diễn đạt của họ cũng thay đổi theo.” [1]

Picasso không cho rằng tự ông có thể làm nên sự ưu việt tiệm tiến trong các tác phẩm của mình. Vậy Như thể đôi mắt to đặc trưng của nhà danh hoạ thế kỉ 20 – Salvador Dalivẫn đang không ngừng vọng ngưỡng Pablo Picasso. Tài năng của ông cho phép ông được quyền kiêu ngạo trước Picasso: “Kỳ công của tôi quả là tuyệt diệu. Tôi còn có thể đi xa tới mức nói rằng bức tranh đó một ngàn lần đẹp hơn tất cả các tranh của Picasso cộng lại” (S.D đang nói tới bức “Lễ thánh của bữa tối cuối cùng”) [6]. Dali đã thực hành hội hoạ cả trong Lập thể, Dada và Siêu thực, nhưng rồi chính ông cũng không thể phủ nhận rằng, trước khi phong cách riêng được định hình, Dali đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Picasso. Vậy cuối cùng, liệu có thể nói rằng tiến bộ hơn Picasso như lời ông tự mãn?

Dali 1

Salvador Dalí; Lễ thánh của bữa tối cuối cùng (1955)
Nguồn: http://www.all-art.org

Không lớn lên, vì còn nương nhờ quá khứ.

Tôi cho rằng dù Dali từng muốn phủ định Picasso, thì cuộc đối thoại giữa họ cũng không thể là sự đứt đoạn một cách hoàn toàn. Nghệ thuật bất khả trong việc tạo ra cái ưu việt hơn theo thời gian, một lẽ chính bởi sự đứt đoạn không hoàn toàn ấy. Ngay cả các nhà hiện đại chủ nghĩa từng tuyên ngôn muốn đập vỡ cái đã có, thì tôi cho rằng chính sự khiêu khích ấy cũng là họ đang đứng trên lập trường của cái đối lập để phủ định, cũng có nghĩa, làm gì có sự thoát ly hoàn toàn, ngay cả khi cái mới và cái cũ vẻ như tuyên chiến với nhau. Xét cho cùng, mỗi bước đi của nghệ thuật, dù ôm ấp khát vọng phủ định hay thoát ly, vẫn phải nương nhờ quá khứ, nếu không muốn nói rằng trong bất kì một tác phẩm nghệ thuật nào, cũng có sự lặp lại và kết hợp từ những cái đã có.

Năm 1944, Dali vẽ bức “Sentimental Colloquy” như một nghiên cứu cho các vở Ballet thời đó. Bức vẽ mở đầu thời kỉ cổ điển trong sáng tác của Dalí: hàng tá những người (mà trông họ như những người-đầu lâu) đi trên những chiếc xe đạp, họ đang chuyển động, đồng thời giữ thăng bằng một tảng đá kéo theo một lớp vải voan. Bức vẽ được ví như sự ghê tởm của Dali trước sự quan liêu của chế độ, như thể việc cân bẳng sức nặng của hòn đá đồng nghĩa với việc lơ là việc lái chiếc xe đạp. Giữa bức tranh là một chiếc đàn piano, và những hình ảnh nhân bản trong bức tranh như đang tham gia một bản nhạc cùng với những chiếc xe.

Dali 2

S.D, Sentimentl Colloquy (Study for a Ballet,1944)
Nguồn: http://www.all-art.org

Năm 2015, Ly Hoàng Ly (LY HOÀNG LY) – nhà thơ, nghệ sĩ thể nghiệm của nghệ thuật đương đại Việt Nam, hoá trang thành nhân vật trong bức vẽ của Dali trong tác phẩm trình diễn công cộng (public-performance) “XIN CHỮ CHO CHỮ”. Chị bận áo dài truyền thống, đeo mặt nạ đầu lâu, đội bánh mì (làm tôi nghĩ ngay tới “Retrospective Bust of a Woman” của Dali); sử dụng xe đạp, di chuyển từ một điểm định sẵn – tới điểm kết thúc và thực hiện công việc xin chữ (hãy nghĩ tới tục xin chữ – cho chữ trong phong tục người Việt) trong suốt 9 tiếng của buổi trình diễn. Hình ảnh của LY HOÀNG LY lập tức trở thành chủ đề công kích và đàm tiếu trên các trang mạng online của ngày hôm đó bởi chính sự kì dị trong trang phục, phụ kiện. Có thể nói, LY HOÀNG LY đã lựa chọn sự “hâm, dở” của Dali cách chị gần một thế kỉ khi chọn cách hoá trang đó để trình diễn. Thế nhưng, nhận ra bóng dáng các tác phẩm của Dali hay hình ảnh của một thói quen/ tập tục của người Việt trong XIN CHỮ CHO CHỮ để thấy rằng, nghệ thuật thể nghiệm – thứ nghệ thuật mà người ta vẫn cho là kì dị của ngày hôm nay, vẫn có bóng dáng của quá khứ trong đó. Sự kết hợp của bánh mì – xe đạp – mặt nạ hay sự kết hợp của những hình ảnh đã có ở Dali?

Dali 3Retrospective Bust of a Woman, S.D; 1933
Kinetic-art (NT sử dụng bộ phận di động); vẽ trên sứ
Nguồn: all-art.org

Dali 4XIN CHỮ CHO CHỮ, LY HOÀNG LY; 2015
Trình diễn công cộng [Từ.tới.]
Nguồn: soi.today

Tôi cho rằng nghệ thuật không tiến bộ là vì thế. Ngày hôm nay chúng ta có thể say sưa với cái mới và cho rằng nó là chưa từng có, nhưng sẽ có lúc chúng ta nhận ra, lịch sử nghệ thuật phải chăng là sự lặp lại. Không phải là sao chép, là chậm tiến trong sáng tạo, mà lặp lại chính những kí ức được đinh ghim trong quá khứ để kể một câu chuyện khác. Tôi không nói rằng không có quá khứ của nghệ thuật thì các nghệ sĩ không thể sáng tạo. Nhưng không phải cứ cái gì đã qua thì sẽ thành điêu tàn và lạc hậu. Không có gì là ưu việt và hoàn thiện hơn trong chuyện này, khi mà nghệ thuật luôn có khả năng tái sinh trong chính những cái chưa – và sắp sửa diễn ra.

Thay vì tìm cách lớn lên, hãy tìm giá trị ở sự thay đổi.

Tôi chắc rằng khi LY HOÀNG LY lên ý tưởng cho tác phẩm trình diễn của mình, chị nghĩ về Dali nhưng không hề màng đến chuyện tuyên bố với ông rằng: ngày hôm nay tôi có các thiết bị media và công chúng, tôi không vẽ mà trình diễn – vì thế mà tôi sẽ tiến bộ hơn ông.

Trong “Ý thức của sự liên tục”, Milan Kundera dẫn lời Jan Mukarosky, cha đẻ của mĩ học cấu trúc: “Chỉ có sự giả định của giá trị mĩ học khách quan mới đem lại ý nghĩa cho sự tiến hoá lịch sử của nghệ thuật”, cũng có nghĩa chỉ trong ngữ cảnh của sự tiến hoá lịch sử nơi nghệ thuật người ta mới nhìn ra giá trị mĩ học đó và biện giải thêm: “Nhưng giá trị mĩ học khách quan nào chúng ta có thể nói đến nếu mỗi quốc gia, mỗi thời kì lịch sử, mỗi khu nhóm đều có những phẩm vị riêng” [2].

Có thể nói rằng, nghệ thuật về bản chất chẳng liên quan gì đến sự tiến bộ. Hoạt động nghệ thuật không nhằm mục đích cải thiện, tu bổ mà đơn giản, đó là cuộc hành trình đi tìm giá trị trong việc khai phá cái mới. LY HOÀNG LY lựa chọn hình thức trình diễn công cộng – một hình thức thể nghiệm chưa từng có trong nghệ thuật trình diễn tại Việt Nam. Toàn bộ quá trình performance của nghệ sĩ cùng nhóm hỗ trợ được livestream online – một hình thức như là truyền hình trực tiếp. Điều này dựa trên chủ ý của nghệ sĩ, chị muốn sẻ chia mọi nguyên liệu và chi tiết thô sống, các tình tiết không được tiên liệu, các tình huống buộc phải xử lí và sự can thiệp của nhóm hỗ trợ trong quá trình làm tác phẩm. Tính độc lập trong thực hành nghệ thuật trước nay đã bị phá vỡ khi XIN CHỮ CHO CHỮ của LY HOÀNG LY không chỉ đòi hỏi trình diễn của cá nhân chị, mà còn là nhiệm vụ quay – phát của nhóm hỗ trợ, và hơn hết là nhóm người xem online. Không thể thiếu vai trò của những con người bất kì mà nghệ sĩ gặp và xin chữ trong buổi trình diễn, chị xin/đề nghị họ viết những chữ mà họ thích/nhớ được sau khi nghe chị đọc Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi.

Dali 5

XIN CHỮ CHO CHỮ, Ảnh từ Triển lãm [Từ.tới.], phần tác phẩm trưng bày
Nguồn: soi.today

Những vấn đề mà LY HOÀNG LY đặt ra trong tác phẩm trình diễn của chị là gì? – Những mảng bám lỏng lẻo và rời rạc của lịch sử/kí ức, nhớ/quên, hồi nhớ/hình thành trí nhớ mới hoặc những khoảng trắng/mất tích của lịch sử. Con người ta có nhất thiết phải nhớ hết lịch sử? Lịch sử mà chúng ta đã biết, cho rằng nó chính xác và tuyệt đối, nhưng như vậy có nghĩa là nó phải tồn tại một cách chính xác trong trí nhớ của con người? Một tác phẩm văn học thuộc hàng kinh điển liệu có bao nhiêu phiên bản lời, và một khi nó được tái cấu trúc (như phần còn lại sau buổi trình diễn), nó sẽ hé mở những gì? Lịch sử – đứt gãy – tái cấu trúc,…hay bất kì vấn đề nào được tìm thấy XIN CHỮ CHO CHỮ của LY HOÀNG LY, tôi cho rằng không phải lần đầu tiên chúng được đặt ra trong nghệ thuật. “Giá trị mĩ học” – điều mà chúng ta cho rằng nó sẽ cho thấy sự tiến hoá của nghệ thuật – ở đây lại không phải là điều gì quá mới mẻ. LY HOÀNG LY hẳn cũng không có tham vọng thực hiện cái gì tốt đẹp hơn những gì đã có, hoặc ưu việt hơn các nghệ sĩ đương đại cùng thời. Điều mà hình thức livestream cô lựa chọn cho buổi trình diễn mang lại, chính là sự thay đổi. Sự thay đổi không đồng nghĩa với tiến bộ, nó giống như những tấm gương được đặt xung quanh người nghệ sĩ – anh lựa chọn nó, và anh chấp nhận sự lựa chọn ấy có thể tốt hơn hoặc dở hơn, sẽ tiến hoặc đi thụt lùi. Điều quan trọng, đó là bản thân sự thay đổi và lựa chọn việc thay đổi đã mang trong nó giá trị. Bởi lẽ, đó là tác nhân, là cảm hứng cho mọi sáng tạo.

Có thể nói, hình thức mà LY HOÀNG LY lựa chọn là một lối biến tấu. Lối biến tấu ấy phù hợp với lối nghĩ và tư tưởng của chị trong tác phẩm: một trình diễn không cắt gọt hay chỉnh sửa – cuộc sống được phơi bày, trần trụi và nhiều khả thể. Hình thức livestream không đưa đến một thử nghiệm tiên tiến như một phát minh, mà nó là lựa chọn để có thể nói đúng điều nghệ sĩ muốn. Mỗi một ý niệm đều cần được diễn đạt theo những cách khác nhau. Nó sẽ không liên quan gì đến tiến bộ, mà chỉ đơn giản là thay đổi làm sao cho phù hợp, cho đúng với cái ý tưởng cần diễn đạt.

Lớn lên = tốt hơn?

Tôi đang cố ví nghệ thuật như một đứa trẻ, mải mê trong trò chơi của nó nhưng không quên tham vọng tiến hoá. Phải lớn lên, để đến với những gì văn minh, tiên tiến, phải nắm trong tay nhiều chiều kích của đời sống này và cả khả năng thâu tóm chúng. Nhưng một đứa trẻ thì luôn vội vã, chúng sẽ quên rằng lớn lên không đồng nghĩa với tốt hơn, và nghệ thuật – nếu cho rằng nó có sự tiến bộ – thì có khi nào, càng phát triển, nghệ thuật càng đối mặt với nhiều nguy cơ hơn.

Quay trở lại với XIN CHỮ CHO CHỮ của LY HOÀNG LY, rõ ràng nếu xét tiến bộ là tiến bộ về tư duy nghệ thuật thì tác phẩm trình diễn này hẳn là một cú đột phá về tư duy. Những người làm nghệ thuật ngày nay có quá khứ, có bài học, và có cả sự hỗ trợ của media hay những công cụ siêu việt khác để hiện thực hoá ý tưởng của mình. Không chỉ thế, người ta sẽ có quyền nói nó “tiến bộ” hơn vì bên cạnh những tác phẩm trình diễn đương đại khác, nó đã cho con người cái nhìn khác về nghệ thuật. Nghệ thuật không còn là những gì quá kĩ thuật, quá công thức, quá tinh tuyển như thời kì cổ điển. Đối với nghệ thuật đương đại, người ta có quyền không cần hiểu/ hoặc hiểu nó ở bất kì ý nghĩa nào họ muốn, hay ít nhất, họ có thể xem nó ở đường phố, qua laptop, thay vì bước vào một gallery hay một bảo tàng. Đến gần hơn với công chúng, có thể nói đây cũng là một bước tiến của nghệ thuật đương đại so với các gian đoạn trước đó.

Thế nhưng, tất cả những điều ấy chỉ là ưu thế, thay vì coi đó là sự tiến bộ trong nghệ thuật để có thể tạo ra một cái gì đó ưu việt hơn ở thời điểm hiện tại hay trong tương lai. Phải chấp nhận một sự thật rằng, càng có nhiều ưu thế và lựa chọn, nghệ thuật càng phải đối mặt nhiều hơn với những rủi ro. Ngưỡng nào sẽ biến trình diễn của LY HOÀNG LY thành một sản phẩm truyền thông có tính khiêu khích? Đưa nghệ thuật xuống đường phố ư – bao nhiêu phần trăm “con người-ở-đường-phố” sẽ hiểu ý tưởng tác phẩm; bao nhiêu phần trăm xua đuổi và kì thị; bao nhiêu phần trăm sẽ biến thực hành nghiêm túc của nghệ sĩ thành trò đùa và hiện tượng mạng? Không chỉ với XIN CHỮ CHO CHỮ, không chỉ với nghệ thuật đương đại mà với nghệ thuật nói chung. Bất kì một cái gì mới mẻ, bất kì cái gì chưa được ổn định hoá đều có thể trở thành mục tiêu công kích, và như vậy cũng đồng nghĩa với việc, nghệ thuật hoàn toàn có khả năng trở thành vô nghĩa. Hãy nhớ tới “Dadaism” của thế kỉ XX, tuyên ngôn khinh rẻ mọi thứ của họ thay vì được chấp thuận, nó lập tức trở thành thứ bị khinh rẻ. Có thể công chúng sẽ nói rằng: hãy làm một cái gì đó bình thường đi, đừng kì dị, đừng bất thường thì nghệ thuật sẽ được thấu hiểu. Thế nhưng dù lựa chọn của nghệ sĩ có an toàn hay không thì nghệ thuật vẫn luôn là những gì bất ổn, giống như quá trình/tiến trình mà chúng ta vẫn đang xem xét sự tiến bộ liệu có tồn tại trong đó. Chính vì sự bất ổn ấy, nghệ thuật luôn phải đối mặt với sự khủng hoảng, với khả năng trở nên vô nghĩa và bị huỷ diệt tiềm tàng một khi vấp phải sự chối bỏ của công chúng. Vì thế, có lẽ phải thôi lạc quan rằng càng tiến về phía trước, thì nghệ thuật sẽ càng tiến bộ. Xét cho cùng, chẳng có sự hơn-kém nào trong nghệ thuật.

3. It’s trap! (…bẫy đấy!)

Để kết lại bài tiểu luận này, tôi sẽ dùng nốt vế còn lại trong Peter Pan: “(Don’t grow up), it’s a trap”. Sự tiến bộ trong nghệ thuật cũng giống như sự lớn lên/tiến hoá của một con người, đó luôn là một cái bẫy. Vẫn sẽ tồn tại những quan điểm tin vào tương lai và những khả thể của nghệ thuật trong việc làm ưu việt hơn chính nó. Thế nhưng, liệu có khi nào cứ ngước nhìn lên thì chúng ta sẽ sập bẫy hay không?

Tôi sẽ khép lại một cách hiền hoà, rằng tại sao cứ ép nghệ thuật phải toả ra ánh sáng của văn minh và tiến bộ. Bởi xét cho cùng, nghệ thuật được sản sinh và tiếp tục hành trình bền bỉ của nó cho tới nay, chỉ để nói điều gì đó về con người, và đôi khi là đặt ra những câu hỏi dành cho các giá trị; nó có thể đẹp đẽ, có thể nhơ nhuốc, có thể tiên tiến và cũng có thể là lạc hậu. Vì thế, tiến bộ hay không, tân tiến hay không thì bản chất nghệ thuật vẫn là như vậy. Thay vì tìm kiếm một thứ nghệ thuật có thể đối thay nhân loại, hãy đặt thêm những tấm gương xung quanh, chỉ đơn giản nhìn ra những phản chiếu khác của chính nghệ thuật mà thôi.

Nguyễn Thanh Nguyệt

_________________________________________________________________¬¬¬¬¬-______
(1) Pablo Picasso, Statement – 1923 (từ cuộc phỏng vấn với Marius de Zayas, đăng trên The Arts (NY), với nhan đề “Picasso Speaks”); Trịnh Lữ dịch; nguồn: m.fb.com/trinhlu
(2) Ý thức của sự liên tục, Milan Kundera; Trịnh Y Thư dịch; nguồn: https://trinhythu.wordpress.com
(3) Có (không) khởi đầu và có (không) kết thúc, Ly Hoàng Ly; nguồn: http://www.tiasang.com.vn
(4) XIN CHỮ CHO CHỮ – Ly Hoàng Ly và tác phẩm trình diễn kéo dài; nguồn: soi.today
(5) History of Art: Salvador Dali, nguồn: http://www.all-art.org/art_20th_century/dali-4-4.html
(6) Trò chuyện với Salvador Dali (Conservation with S.D), Alain Bosquet; bản Anh ngữ: Joachim Neugroschel/bản Việt Ngữ: Nguyễn Đình Đăng; nguồn: nguyendinhdang.wordpress.com
(7) Giáo trình Lý luận văn học, Phương Lựu (chủ biên), La Khắc Hoà, Trần Mạnh Tiến; NXB.ĐHSP

“Nhìn qua cửa sổ”: Hội họa như là sự tư duy về ý nghĩa của hỗn độn

Tôi vô cùng thích những buổi sáng, khi lũ trẻ đã đến trường, chỉ còn lại một mình, tách cafe nóng trong tay, lắng nghe một giai điệu buồn bã ky diệu của Rachmaninov, và nhìn ra bên ngoài cửa sổ. Đó là một khung cửa sổ thật lớn, từ đó nhìn ra xanh mướt, ngập nắng của mùa hè, ào ào lá trút giữa mùa thu, u ám, não nề những ngày đông và mong manh, lạnh lẽo khi xuân đến.

Tôi thích ngồi như thế và…nghĩ, và suy nghĩ. Chẳng có gì ghê gớm cả, những suy nghĩ của một con người bình thường, một người phụ nữ bình thường, một người mẹ bình thường.

Cafe đã nguội, nhạc đã tắt, bốn mùa cứ thế trôi qua, và …tôi vẽ…

  1. Tôi có một sở thích, đó là suy nghĩ. Tôi có thể ngồi hàng tiếng đồng hồ chỉ để nghĩ. Tôi nghĩ về mọi thứ, từ những vật tưởng chừng như vô nghĩa như cái vỏ quít con trai ăn xong vừa vứt ra cho đến những cái mênh mông như thiên hà, vũ trụ. Từ những chuyện tầm phào của Hồ Ngọc Hà, hay của Mathew Mc Fadeyn đến những suy nghĩ vĩ đại của Sartre, Osho… Và bởi vì cứ nghĩ ngợi lan man như thế, nên đến lúc buộc lòng phải đứng dậy, đi làm việc khác, tôi chẳng biết mình đã nghĩ cụ thể về những gì, nghĩ như thế nào. Đọng lại chỉ còn là những vệt loằng ngoằng, không đầu, không cuối, to nhỏ, dày mỏng khác nhau, đan quyện vào nhau. Đôi khi những đường loằng ngoằng, xoắn xuýt ấy lại tạo nên những hình thù vô nghĩa mà cũng đa nghĩa nào đấy, như sự vận hành của cuộc sống vậy…
  2. Có một việc tôi thích làm trong lúc ngồi suy nghĩ, đó là nhìn ra cửa sổ. Nhìn ra cửa sổ, với tôi, như nhìn ra cuộc sống. Tôi thích vị trí ấy, đằng sau một khung cửa sổ, như là tôi đang ở bên lề cuộc sống. Cuộc sống được nhìn qua khung cửa sổ là cuộc sống đã được đóng khung, mặc dù nó chuyển động. Mọi sự vật, mọi sinh vật đều nằm trong một cái khung dành riêng cho nó.
  3. Ghép hai sở thích với nhau, tôi có được những bức tranh “Nhìn qua cửa sổ”. Nói một cách tối giản là tôi vẽ những suy nghĩ của tôi trong lúc tôi nhìn ra cửa sổ. Vậy thôi, không có gì to tát cả.
  4. Số phận đã dành cho tôi một vài biến cố nhất định. Và để tự thưởng cho việc mình đã vượt qua một số thử thách đó, tôi quyết định dành những bức tranh này cho mình. Lúc này, chính tại lúc này, tôi từ bỏ lý tưởng của mình; rằng nghệ thuật nói chung phải, hay ít nhất là phải góp phần làm thế giới trở nên tươi đẹp hơn. Lúc này tôi biết, nghệ thuật, với tôi chỉ là chỗ cư trú cho những suy nghĩ không đầu không cuối của tôi mà thôi.”

Dương Thùy Dương

Processed with VSCOcam

Bạn đang muốn sở hữu đôi dép gắn cánh của Perseus để bay lên một không gian khác, để tránh đi sự thống trị hay kết án đầy ngu dốt của loài người? Bạn khao khát thân hình mình bỗng nhiên nhẹ bẫng để có thể thực hiện cú nhảy khéo léo và không thể đoán trước của Cavalcanti? Hay bạn muốn cưỡi một chiếc xô rỗng đi tìm than như người kỵ sĩ của Kafka? Hãy nghe lời khuyên của Italo Calvino, dừng lại món ốc sên trên bàn ăn và theo Cosimo trèo lên một cái cây để ngắm nhìn thế giới. Những tưởng tượng nhẹ nhõm, phi lý và khinh khoái ấy cũng thể được nhận ra qua 19 bức tranh sơn dầu tại triển lãm “Par la fenêtre” (Nhìn qua cửa sổ) của nữ họa sĩ Dương Thùy Dương.

Sinh năm 1979 tại Hà Nội, Dương Thùy Dương theo học khoa Hội họa trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội chuyên ngành Thiết kế thời trang và lên đường sang Đại học Mỹ thuật và Thiết kế Burg Giebichensteion, Halle, CHLB Đức. Với niềm đam mê và sự tìm tòi quyết liệt những cách thức biểu hiện trong hội họa, từ khi còn là sinh viên năm hai của Đại học Mỹ thuật Việt Nam, cô đã thuyết phục hoàn toàn GS Rolf Muelle về những ý tưởng thể hiện “tiếng nói thấm đẫm hình ảnh” của riêng mình.

Processed with VSCOcam

“Nhìn qua cửa sổ” là một cách phóng chiếu về thế giới của Dương Thùy Dương. Với những nét vẽ rối như tơ, cô đã biểu đạt thế giới này, thế giới như cô nhìn thấy, trong một sự tự tin chơi đùa với ngôn ngữ hội họa. Dương Thùy Dương từng bảo “Dù một sự vật phức tạp như thế nào, thì cuối cùng con người cũng có nhu cầu phải định danh cho nó một cái tên gọi, hoặc một ý nhận định xác đáng. Như cầm được đầu mút sợi chỉ, là có thể rút ra hết búi chỉ rối. Ngôn ngữ hiện ra trên bề mặt cuộc sống, và những thứ đằng sau ngôn ngữ cũng y như vậy. Nhận mặt những gì chính danh thì dễ dàng đã đành, nhưng có những thứ “trông vậy mà không phải vậy”, lửng lơ, nước đôi, pha trộn, tạp chủng, xanh vỏ đỏ lòng thì làm thế nào? Để gọi ra những trạng thái ấy không gì tốt hơn là ngôn ngữ của nghệ thuật. Hội họa cũng làm nhiệm vụ định danh những trạng thái lững lờ mù mờ như vậy. Nhưng nó phát xuất từ trạng thái của cá nhân chứ không phải câu chuyện của số đông. Nó nhìn ngược vào trong từng bản thể hơn là phóng chiếu ra ngoài. Và địa chỉ của nó là: Càng đào bới sâu con người cá thể bao nhiêu, càng đo được nhân loại bấy nhiêu”. Hành trình tìm kiếm sự định danh những trạng thái lững lờ mù mờ, với Dương Thùy Dương, có lẽ chưa bao giờ là sự mỏi mệt. 19 bức tranh sơn dầu được trưng bày trong triển lãm đều chứa đựng một nội lực phi thường và khiến người xem như bị “hóa đá”, chẳng khác gì nhìn vào đôi mắt của nàng Medusa, khi những nét vẽ xoắt xuýt lôi cuốn tựa chiếc đầu rắn.

Italo Calvino từng bảo, một câu thơ sẽ không vì sự hiện diện của chữ “đá” mà trở nên nặng nề. Và như thế, Dương Thùy Dương không vì những đường nét rối rắm mà khiến cho bức tranh của mình trở nên huyền bí, như thể đang gắng gượng biểu đạt một thế giới đầy rẫy những thông điệp sâu sắc. Họa sĩ Thùy Dương đã nhìn qua cửa sổ, một mảnh vườn nhỏ, một con hẻm, một cái ngõ, một hình ảnh đại diện, và biểu đạt chúng bằng ngôn ngữ hội họa của riêng cô: những vòng xoáy ma mị. Hội họa, một lần nữa, cùng với các loại hình nghệ thuật khác, tự giải trừ khỏi những gánh nặng về ý nghĩa thông điệp mà chúng không tài nào hiểu được, để vươn đến một sự tự trị. Hội họa, cùng với những loại hình nghệ thuật khác, đã và hãy nhìn thế giới này, trước những sức nặng tưởng như không thể chịu đựng nổi, một sự nhẹ nhõm, một cú nhảy khéo léo và chuẩn xác, một chuyến dạo chơi. Xem tranh của Dương Thùy Dương, bên ngoài L’Espace vẫn là sự chảy trôi của cuộc sống thường nhật, chúng ta có dịp đối diện bản thân mình với một thế giới khác và tự vấn, mình ở đâu giữa những đường nét giao nhau không rõ điểm bắt đầu và kết thúc. Nhưng cũng chính những vệt màu ngẫu nhiên và hỗn độn ấy, nói như nhà vật lí thiên văn Trịnh Xuân Thuận, khiến chúng ta hiểu ra rằng, hỗn độn đã không được đếm xỉa đến và bị ngăn chặn cho đến cuối thể kỉ XIX, cuối cùng đã xuất hiện và đòi phải được thừa nhận bên cạnh tính trật tự1. Sự hỗn độn hiện diện quanh ta, từ những chuyển động phức tạp, không đều đặn và hỗn loạn của các khối không khí, của mọi chất lưu, của dòng dung nham phun trào từ miệng núi lửa, cho đến hiện tượng chảy rối mà ta dễ dàng nhìn thấy qua các hình ảnh về vòng xoáy thiên hà. Từ những chuyển động hỗn độn tồn tại như một lẽ đương nhiên của cuộc sống đang vận hành, Dương Thùy Dương nhận ra nhu cầu tìm kiếm sự hỗn độn nằm ngay trong bản thể của cô. 19 bức tranh sơn dầu với một cách thức thể hiện duy nhất đã phác thảo lộ trình mà cô đi, với mục đích giải phóng ý nghĩ chứ không nhằm định danh trạng thái hỗn độn.

Nếu bản chất của bức họa là việc tổ chức bố cục của nó, như Robert Laughlin nói trong “Luật biên giới”2, thì tranh sơn dầu của Dương Thùy Dương thể hiện sự hài hòa về sức mạnh ở những nét vẽ kìm nén nhưng cũng đầy phóng túng trong sự mê hoặc của ngôn ngữ sắc màu. Những vệt màu như không thể giới hạn nếu không có sự xuất hiện của khung tranh, như Dương Thùy Dương chủ động đóng khung cuộc sống dịch chuyển bên ngoài cô bằng đôi mắt, bằng vệt sơn, bằng toan vẽ, bằng triển lãm “Nhìn qua cửa sổ”.

Triển lãm Nhìn qua cửa sổ kéo dài từ ngày 27/2 đến ngày 21/3 tại Sảnh triển lãm Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội.

Đặng Hương Giang

Chú thích:

  1. Trịnh Xuân Thuận, Hỗn độn và hài hòa, Phạm Văn Thiều – Nguyễn Thanh Dương dịch, NXB Tri thức, 2013, trang 205.
  2. Robert B. Laughlin, Một vũ trụ lạ thường, phát minh lại môn vật lý theo chiều ngược, Chu Lan Đình – Nguyễn Văn Đức – Nguyễn Tất Đạt dịch, NXB Trẻ, 2014, trang 32.

Philip Guston (1913-1980): Tin vào cảm xúc

Philip Guston sinh tại Canada trong một gia đình gốc Do Thái. Năm lên ba tuổi, ông theo gia đình sang sinh sống tại Mỹ. Ông đi học tại Los Angeles nhưng đều không hoàn tất chương trình trung học cũng như khóa học tại Viện Nghệ thuật Otis. Mặc dù vậy, ông được xem là một trong số những có kiến văn sâu sắc bậc nhất của Trường phái New York, thể hiện qua những công trình nghiên cứu của ông về lịch sử hội họa của Mexico và Italy. Trong những năm 1930, hội họa của Guston hướng đến những hình thức biểu hiện mang thông điệp xã hội và phong cách này còn được ông tiếp tục theo đuổi trong những năm 1940 theo hơi hướng trữ tình mềm mại hơn. Đến thập niên 1950, ông đi theo bút pháp trừu tượng có sự gần gũi tương ứng với lý tưởng của Chủ nghĩa Trừu tượng Biểu hiện. Cuối những năm 1960, ông làm công chúng ngạc nhiên khi quay về với những bức tranh khổ lớn, đậm tính tự sự và mang màu sắc châm biếm gợi lại những ký ức chấn thương về Ku Klux Klan (tổ chức chủ trương phân biệt chủng tộc cực đoan ở Mỹ) và thảm họa diệt chủng Holocaust. Trong những năm cuối đời, Guston vẽ những bức tranh mang phong cách ngụ ngôn thể hiện những suy nghĩ bi quan, mang tinh thần mạt thế luận về thân phận con người.

guston

Theo kinh nghiệm của tôi, một bức tranh không hề được tạo nên bởi màu hay sơn. Tôi không biết thế nào là một bức tranh; ngay cả nỗi ham muốn vẽ – ai biết được cái gì đã kích thích nó? Đó có thể là các sự vật, ý nghĩ, ký ức, cảm giác – những thứ chẳng có điểm gì liên hệ trực tiếp với bản thân bức tranh cả. Chúng có thể bắt nguồn từ bất cứ thứ gì và bất cứ chỗ nào, một chuyện vặt vãnh, một chi tiết nào được quan sát, gây băn khoăn và thường rất tự nhiên, chúng bắt nguồn từ bức tranh đã có trước đó. Bức tranh không nằm trên bề mặt vật chất mà nằm trên một mặt phẳng được tưởng tượng. Nó vận động trong tinh thần. Nó không tồn tại ở đó như một thực thể vật chất. Nó là một ảo ảnh, một phép ma thuật, vì thế cái ta thấy vậy hóa ra lại không phải vậy. Tôi cho rằng điều tương tự cũng đúng ở thời Phục hưng.

Cái lạ và cái quen, cái hàng ngày có thể chung sống trong một bức tranh. Tôi thích có một đối tượng để vẽ. Song nó không dễ kiểm soát, trên thực tế, nó hoàn toàn không thể kiểm soát được, ý nghĩa của nó không ngừng thay đổi và cấu trúc của nó cũng vậy. Trong sự dao động tất yếu này, các hình ảnh xuất hiện rồi nhanh chóng biến mất. Những thất bại luôn ở xung quanh, đợi chờ. Điều đó, với tôi, luôn bí ẩn: tại sao, vào một ngày may mắn nào đó, những hình ảnh níu lấy ta, neo vào ta, không có gì thúc ép ta phải xóa bỏ chúng. Sự mãn nguyện trong chốc lát, chỉ trong chốc lát này, với tôi, luôn là niềm ngạc nhiên. Rồi sau đó, một nỗi xáo động nào đó trở thành ám ảnh, xâm chiếm xưởng vẽ của người họa sĩ và anh ta lại bắt đầu rơi vào hoang mang.

*

Isaac Babel – một trong hai nhà văn mà tôi ngưỡng mộ từ nhiều năm, bên cạnh Franz Kafka, đã từng có một diễn từ thú vị, mang giọng điệu châm biếm trước Hội nhà văn Liên Xô. Đó là vào năm 1934. Ông chấm dứt bài nói của mình bằng nhận xét sau: “Đảng và Chính phủ đã trao cho chúng ta mọi thứ, nhưng đã tước đi của chúng ta một đặc quyền. Một đặc quyền rất quan trọng của chúng ta, kính thưa các đồng chí, đã bị lấy đi. Đó là quyền viết dở.” Chẳng đẹp sao? Tôi đang ở đâu? Chẳng phải bất kỳ ai cũng muốn vẽ tệ?

*

Tôi nghĩ có lẽ ham muốn tiềm tàng nhất đối với một họa sĩ, một người làm hình ảnh là được nhìn thấy nó. Được nhìn những gì đầu óc của ta có thể nghĩ và tưởng tượng, được hiện thực hóa hình ảnh cho chính mình, thông qua bản thân mình, càng cụ thể càng tốt. Tôi nghĩ đó là sự thôi thúc mạnh mẽ nhất, đồng thời cũng cổ xưa nhất, có lẽ đã kéo dài suốt 25000 năm. Khoảng thời gian 1961-1962, sự thôi thúc về hình ảnh trở nên khẩn thiết đối với tôi và tôi đã bắt đầu loạt tranh với những hình ảnh tối, hầu như chỉ có màu đen-trắng. Chúng được hình dung như là những cái đầu và những vật thể.

*

Khi suy ngẫm, nghiên cứu về nghệ thuật của quá khứ, tôi nhận thấy hội họa Trung Hoa đời Tống chính là hình mẫu lý tưởng nhất đối với mình. Hội họa Tống bắt đầu vào khoảng thế kỷ X- XI. Ở thời Tống, quá trình khổ luyện là làm một việc gì đó cả hàng ngàn, hàng ngàn lần – cho đến khi có cảm giác không phải mình, mà là ai đó khác, đang làm việc đó và nhịp điệu vận hành qua bạn. Trạng thái ấy, tôi nghĩ, chính là cái mà Thiền học Phật giáo gọi là “satori” (“đốn ngộ”) và sự đốn ngộ này đã xảy đến với tôi. Nó là một hoạt động kép, người ta vừa biết và vừa không biết nó, mà thực sự cũng không cần nói về nó. Vì thế tôi cố gắng làm việc để đạt đến khoảnh khắc ấy và nếu một hai năm sau, khi nhìn lại những tác phẩm mình đã thực hiện và bắt đầu thử đánh giá chúng, tôi thấy đó là việc bất khả. Làm sao có thể phán xét về chúng nữa vì tác phẩm là cái mà ta đã cảm thấy.

Tiêu chí đánh giá, không gì khác hơn, chính là thứ xúc cảm nảy sinh tại một thời điểm nhất định trong đời người và bạn tin vào nó. Bạn phải tin vào xúc cảm ấy và rồi tiếp tục, tin vào chính mình. Và rồi tác phẩm có hiệu lực theo cách ngược lại. Tôi biết tôi đã bắt đầu những thứ tương tự trong quá khứ, cách đây 20-25 năm, sau đó xóa hết đi. Tôi nhớ rất rõ những bức tranh mình đã xóa bỏ, hóa ra trên thực tế, chúng còn hiện hữu sắc nét hơn những gì còn lại. Ngay sau đó, tôi đã tự hỏi: “Tại sao mình lại xóa bỏ chúng?”. Ừ, thì khi đó tôi chưa sẵn sàng để chấp nhận chúng, đó là câu trả lời duy nhất. Điều này dẫn tôi đến một điểm khác; không nhiều người xem tranh hiểu rằng bản thân họa sĩ nhiều khi cũng không dễ chấp nhận được những bức tranh do chính mình vẽ. Người ta cứ nghĩ tôi sẽ hãnh diện, sẽ hân hoan khi nhìn lại những tác phẩm của mình. Không phải vậy. Tôi là họa sĩ làm việc vào ban đêm, vì thế buổi sáng hôm sau, khi bước vào xưởng vẽ, trạng thái cuồng nhiệt đã tiêu tan. Tôi biết rằng chi tiết cụ thể thì mình không còn nhớ, nhưng tôi còn nhớ rất rõ cảm xúc về tổng thể. Tôi bước vào xưởng vẽ với cảm giác sợ hãi, tôi rụt rè nhìn lại những gì đã xảy ra ở đêm trước đó. Và một cảm xúc thường dấy lên trong tôi khi đó là: “Chúa ơi, tôi đã làm việc này sao?”. Đó là tiêu chí đánh giá duy nhất của tôi. Cảm giác về một cái gì lay động, run rẩy… “Là tôi đó ư? Tôi đã làm việc ấy?” Nhưng phần lớn thời gian, chúng ta chỉ làm việc như những người thợ, chúng ta xây và xây, thêm thắt, chuẩn bị, để rồi khi lê chân vào xưởng vẽ, bạn phải ngỡ ngàng: “Trời ạ, đó là những gì tôi đã làm ư? Trông thật khủng khiếp. Tất cả chỉ đáng vứt đi.” Đó là một trong những cảm xúc rung lên ở phút chót.

Thường vào khoảnh khắc ấy, bạn như là kẻ đang chơi quân bài cuối cùng và đã sẵn sàng thua cuộc – một trạng thái nhận thức nào đó xuất hiện ở bạn và bạn phải làm việc với khoảnh khác ấy. Nhưng bạn cũng không thể thúc ép khoảnh khắc ấy phải xuất hiện. Nó chỉ đến khi bạn thực sự thấy rằng mình phải từ bỏ. Rồi một điều gì đó sẽ nảy sinh.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Twentieth – Century Artists on Arts, Dore Ashton biên tập, NY:Pantheon Books, 1985, trang 210-213.