
Diogenes – Kẻ Hoài Nghi, triết gia đại diện cho chủ nghĩa Yếm thế thời Cổ đại (412 trước Công Nguyên – 323 trước Công nguyên) đã phải chạy trốn khỏi thành phố Sinope, quê hương mình vì liên đới đến một scandal gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống tiền tệ của thành phố này. Tuy nhiên, ông đã tìm cách để giữ thể diện cho mình, và chuyển từ một sự nghiệp thất bại, dính líu đến việc làm bạc giả sang một sự nghiệp hứa hẹn hơn trong lĩnh vực triết học. Diogenes hẳn đã luôn nghĩ về những năm đầu đời phạm nhiều lỗi lầm của mình một cách trìu mến. Khi nhiều năm sau này, ở Athens, có người nhắc ông về vụ scandal làm bạc giả, ông đã đáp lại một cách kiêu hãnh: “Nhưng chính là vì chuyện đó, này anh bạn tội nghiệp ơi, tôi mới rẽ sang triết học đó.” Tuy nhiên, hai con đường sự nghiệp ấy không phải luôn tách biệt với nhau; Diogenes, chẳng hạn, có quyền khoe kỹ năng làm bạc giả của ông cũng hữu ích khi ông bắt đầu theo đuổi dự án triết học vĩ đại của mình, nhằm đánh giá lại toàn bộ giá trị của xã hội Hy Lạp.
Một cuộc đời túng quẫn dứt khoát không phải là giấc mơ của kẻ làm bạc giả, song Athens đã trao tặng Diogenes chính điều đó. Tình thế mỉa mai không buông tha ông: ông ở đây, tại một trong những nơi thịnh vượng nhất thế giới vào thời điểm đó, nơi mà tiền có thể mua được không thiếu thứ gì, thế nhưng, trớ trêu thay, kẻ trước kia vốn làm nghề đúc tiền nay không một xu dính túi, phải sống đời ăn mày và cóp nhặt từng cắc. Song Diogenes sẽ không là cả nếu không giàu trí tưởng tượng. Rất nhanh chóng, hẳn ông đã hình dung mình có thể biến tình thế khốn cùng của mình thành một nhãn quan triết học và biến sự ăn mày thành một hình thức nghệ thuật. Bằng việc làm vậy, ông có thể đánh bại Athens trong chính trò chơi của nó: ở một thành phố, nơi người ta đề cao sự ưu việt trong bất cứ hình thức cố gắng nào của con người, Diogenes sẽ chứng tỏ năng lực đạt đến trình độ thượng thừa trong nghệ thuật không làm gì cả; ông có thể trở thành một kẻ ngồi không xuất sắc nhất, một quý tộc của giới ăn mày. Trong khi sự tôn thờ thành công thẩm thấu vào mọi phương diện của đời sống Athens, Diogienes hẳn nhận ra ông có thể tạo dựng một sự nghiệp hoành tráng mà công việc của nó là trải nghiệm sự thất bại. Diogenes đã từng nói về thầy của mình, Antisthenes, với một thái độ hàm ơn: “Con người này đã biến tôi từ một người giàu có thành một gã ăn may, làm tôi phải sống trong những nhà kho chật hẹp hơn là một ngôi nhà rộng rãi.” Antisthenes, đối với ông, xứng đáng được ngợi ca vì đã biến ông thành một kẻ thất bại trong xã hội, và do đó, thành một triết gia lớn.
Diogenes cảm thấy Socrates không phải là hình mẫu cho mình: ông lãnh đạm và thỏa hiệp, quá ràng buộc bởi vật chất. Socrates có một sự giao thiệp dễ chịu với thế giới, và bị khuất phục bởi những cám dỗ của thế giới ấy: thành công, tiếng tăm, những người hưởng ứng, hình ảnh trước công chúng. Diogenes, người vốn làm nghề đúc tiền, than phiền rằng Socrates “đã sống một đời sống xa hoa, vì ông đã dành quá nhiều bận tâm để nghĩ về ngôi nhà nhỏ của mình, chiếc giường nhỏ của mình và cả đôi dép mà ông đi.” Trong con mắt của Diogenes, điều này khiến Socrates trở nên đáng ngờ như một kẻ phản bội.
Và vì thế, Diogenes coi nhiệm vụ triết học của mình là phải đẩy những ý tưởng của Socrates đến điểm tới hạn của chúng. Khi Plato gọi Diogenes là một “Socrates hóa điên”, có lẽ ông muốn hàm ý nhiều hơn thế. Diogienes đã hiện thực hóa nhiều điều mà ở Socrates chỉ là ý tưởng. Từ Hypatia đến Thomas More, Jan Patocka, đã có một số nhà tư tưởng dám chết cái chết như Socrates, nhưng còn ít hơn nữa, nếu có, những kẻ chủ động sống một đời như Diogenes. Việc nhiều lời nói và hành động của ông chỉ được xem là giai thoại ngụy tạo không phải là vấn đề cần bàn ở đây; nếu có thì chính dữ kiện đó lại càng chứng minh cho sức ảnh hưởng của hình tượng này đối với trí tưởng tượng của chúng ta và đối với lòng sùng kính mà chúng ta dành cho sự “thất bại” của ông. Diogenes đã đặt sự thất bại vào trung tâm dự án triết học của ông một cách chắc chắn. Ông đã biến sự thất bại trở thành một nguyên tố mà mình có, như thể cá thì không thể chết chìm.
*
Chính bản chất bầy đàn của con người là nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của các triết gia ngay từ đầu. Dù chúng ta có ý thức về điều này hay không thì ở trong tất cả chúng ta luôn có một xu hướng lại giống mạnh mẽ, thôi thúc ta tìm kiếm sự đồng minh với những kẻ khác, lập thành các nhóm, các bầy và gắn bó mình với chúng. Bầy nhóm đem đến lời hứa hẹn cho việc được bảo vệ, một cảm giác an toàn, và nhiều hơi ấm của động vật – thành thực phải nói thế. Chừng nào ta còn một bộ phận của nhóm và chơi theo luật lệ của nó, chúng ta có thể hy vọng mình sống sót được. Đổi lại, chúng ta phải nhượng bộ một vài phần của sự tự do, tính tự trị, và chủ nghĩa cá nhân của chúng ta, nhưng thường đó không phải là một thỏa thuận tốt. Như là kẻ mang xu hướng lại giống, dù giờ đây chúng ta có thể sống một mình, song chúng ta vẫn thấy không gì tồi tệ hơn khi bị bỏ lại, hoàn toàn trơ trọi, tại một góc mà không có ai nói năng gì với mình. Dường như không có sự khắc nghiệt nào lớn hơn việc không thuộc về một bầy nhóm nào – không ai thừa nhận mình trong khi mình phơi bày cho tất cả – và do đó rơi vào tình trạng bị kết án lưu đày vĩnh viễn. Chúng ta hiểu điều đó một cách bản năng: bị bỏ mặc như vậy nghĩa là trở thành kẻ yếu thế trong đời sống xã hội, và chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì để tránh định mệnh ấy. Sự cô độc là một tên gọi khác của thất bại. Solomon Asch đã chứng minh hết sức thuyết phục việc chúng ta có thể quy phục những áp lực của bầy đàn đến mức độ nào, ngay trong những việc nhỏ nhặt nhất.
Như là một nhóm, các triết gia – những kẻ “trần gian” như bao người – cũng chơi trò chơi xã hội. Họ đã luôn chơi trò ấy. Các “chủ nghĩa” trong lịch sử triết học phần lớn khởi sinh từ sự đồng nhất của triết gia với một nhóm lớn hơn gồm “những trí tuệ có nhiều điểm tương đồng” cũng như từ nhu cầu thuộc về một nhóm gây ảnh hưởng nào đó – một cái gì đó có thể đem đến cảm giác về sự an toàn, bảo vệ và quyền lực mà chỉ một “mái nhà” mới có thể trao cho ta. Điều này đúng với những học trò thời cổ đại khi họ gia nhập một trường phái triết học để truy cầu sự thông thái, cũng như đúng với những học trò thời trung cổ hay sơ kỳ hiện đại khi trung thành đi theo sư phụ của mình từ trường đại học ở thành phố này đến thành phố khác. Thậm chí cho đến cuối thế kỷ XX, việc các giáo sư ở Đức luôn có một vài sinh viên thân cận với mình đi theo khi họ thỉnh giảng tại các đại học khác không phải chuyện bất thường. Tuy nhiên, bản chất của trường đại học hiện đại đã làm cho trò chơi xã hội của triết gia trở nên đặc biệt khắc nghiệt. Cuộc chơi của họ ở thế kỷ vừa qua đã trở thành một cái gì đó tinh vi hơn song đồng thời cũng tự hủy hoại hơn.
Các triết gia kinh viện hiếm khi thừa nhận bản chất bầy đàn của họ – chúng ta là những kẻ cực kỳ độc lập, là những kẻ chủ ý đả phá đức tin. Chúng tôi hiểu mình gắn kết lại với nhau vì triết học là lĩnh vực của sự bàn luận và tranh cãi – chẳng phải thế sao? – và vì tìm kiếm chân lý là một hoạt động tập thể và mang tính đối thoại tư tưởng trong bản chất. Đúng vậy. Song một cuộc đối thoại là sự trò chuyện giữa những kẻ bình đẳng với nhau. Và cho dù đã có những đối thoại thực sự giữa các triết gia kinh viện thì hình thức tương tác phổ biến nhất, tự đắc nhất ở đây là một cuộc trò chuyện – đôi khi lớn tiếng, đôi khi thầm thào, nhưng thường xuyên hơn, nó diễn ra trong sự nghiến răng im lặng – xoay quanh chủ đề quyền lực. Về việc ai có nó, ai không, những cách tốt nhất để có nó và giữ nó, ai lên hay ai xuống, và những câu hỏi khác tương tự. Đặc điểm nổi bật của cuộc chuyện trò này là nó mang tính trình diễn cao độ: quyền lực được sản xuất – chúng đạt được và mất đi, gia tăng hay bị suy yếu – khi cuộc chuyện trò kiểu này diễn ra. Nó có thể bắt đầu giữa những người bình đẳng, song cuộc chuyện trò dần dần sinh ra sự bất bình đẳng: nó gia tăng quyền lực của một số rất ít, dẫn đến chỗ phương hại cho rất nhiều người khác; nó vô hiệu hóa sự tương tác giữa những người tham gia trò chuyện, từ đó làm thay đổi nghiêm trọng bản chất của chính công việc làm triết học.
Quyền lực này bao hàm quyền lực đối với các ngân quỹ, nguồn lợi, cơ hội, uy tín học thuật, vị trí, sự công nhận, song nó – ở một phương diện tinh tế hơn, thiết thân hơn với những người tham gia trò chuyện – còn bao hàm cả quyền lực đối với ý nghĩa của ngôn từ. Trong cuốn Hồi ký (Memoirs), Hans Jonas đã nhớ lại một lần, khi ông và Hannah Arendt đang giảng dạy triết học tại Đại học Nghiên cứu xã hội, New School ở New York, vị trưởng khoa sau Đại học đã hỏi một số triết gia từ Đại học Chicago, rằng họ nghĩ gì về những tác phẩm của Jonas và Arendt. Những tưởng vị trưởng khoa sẽ lấy làm hãnh diện về những học giả ngôi sao đang làm việc với mình, nhưng hóa ra ông bị dội một gáo nước lạnh: “Đó không phải là triết học”, một người thuộc trường phái triết học phân tích tại Đại học Chicago quả quyết. “Nó cũng hay, việc có một thứ như thế cũng tốt, và cũng nên có những khoa làm việc về những thứ như vậy. Tôi ủng hộ việc đó. Song cái tên dành cho nó vẫn chưa được phát kiến. Tôi không biết phải gọi nó là gì. Tôi chỉ biết đó không phải là triết học.” Quyền lực đặt tên cho các sự vật, mà những kẻ bị nó nghiền nát hiểu rõ hơn hết thảy, nằm trong số những quyền lực vĩ đại nhất ta có thể có: những gì ta phải làm, những gì ta đã và vẫn đang làm trong suốt cuộc đời mình – kể cả cái tên của ta – cũng là những gì mà những kẻ khác sở hữu thứ quyền lực đó có thể định đoạt.
Cũng quan trọng không kém là quyền lực trong việc định nghĩa thế nào là thành công hay thất bại; quyền năng đặt tên đồng thời cũng là quyền năng xác định trình độ và phân hạng, danh sách những người chiến thắng và thua cuộc. Người ta càng tiệm cận đến địa điểm của quyền lực này – mà đối với chúng ta đó là trường đại học, các tạp chí và nhà xuất bản hàn lâm, các quỹ tài trợ – thì người ta càng được xem là kẻ thành công. Và bởi không ai muốn bị nhìn nhận như một kẻ thất bại, sự quy tụ về mặt xã hội mà những định nghĩa và cách phân hạng này tạo ra là một diễn cảnh đang để nhìn ngắm: tất cả mọi người họp đàn lại ở đó. Để đến được đó, không có cái giá nào quá cao, không có hy sinh nào quá nhỏ, không có phí tổn nào vượt quá khả năng chi trả. Phần lớn những người bị cuốn vào trò chơi hàn lâm này đều bị mê mẩn, đến độ như nghiện, bởi hào quang của thứ quyền lực này. Tất cả mọi thứ nảy sinh từ đó dường như đều chân thật, cao quý, giá trị và đáng theo đuổi. Quyền lực này mới thật là kẻ ban phát hào phóng làm sao, kỳ diệu làm sao: không những nó phú cho ta một bản sắc mà nó còn đem đến cho ta cảm giác về giá trị của chính mình, một hứa hẹn về sự cứu rỗi. Nó nhấc ta ra khỏi cơn ác mộng tệ hại nhất hay bám lấy ta: viễn cảnh về sự thất bại.
Và đó chính xác là nơi mà chúng ta thất bại. Vì tất cả chuyện tập hợp thành bầy đàn này hoàn toàn xa lạ với một sự truy cầu chân lý thực sự; nó làm sai lệch bản chất của triết học và biến triết gia thành cái gì đó khác. Mắc kẹt trong trò chơi này, một triết gia có thể trở thành một chính trị gia, một cận thần, một đảng viên, một tay sai hay một thủ lĩnh bộ lạc – y có thể là bất cứ ai, trừ việc là một triết gia. Trò chơi chính trị làm triết gia xa rời với những gì căn cốt nhất mà triết học phải quan tâm, khiến cho những gì mà y nói ra (hay phần lớn những điều y nói, nếu muốn nói một cách nhã nhặn hơn) không phải do sự thôi thúc từ chính bản thân triết học, mà bởi một sức mạnh xa lạ nào đó. Sức hút của nó đã dịch chuyển từ chân lý sang quyền lực.
Khi điều này xảy ra, thay vì xuất phát từ những vấn đề hiện sinh hay những ám ảnh triết học, nó lại đến từ một động cơ thành thật- muốn truyền đạt một cái gì đó quan trọng, do đó, sự viết trở thành chiến lược: viết là nỗ lực để báo hiệu sự hiện diện của nhà văn bên trong một cấu trúc quyền lực nào đó, sự sẵn sàng chơi theo luật lệ của nó và không gây ra rắc rối. Triết gia muốn theo đuổi sự thành công phải làm việc trên một phạm vi rộng những chủ đề thời thượng, phải là người cởi mở, linh hoạt, sẵn sàng uốn nắn và điều chỉnh khi cần để vuốt ve những kẻ nắm quyền, làm hài lòng họ, bắt các đối thủ phải im lặng, trở thành những kẻ có thẩm quyền mới, thành những người lính tốt. Hiển nhiên, những việc này được thực hiện giữa những dòng chữ – vì nếu không như vậy, nội dung của triết học sẽ chỉ là những chủ đề khó hiểu trong siêu hình học, những luận điểm mới về ý chí tự do, những vấn đề hóc búa, cái gì được xem như điều thiện vĩ đại nhất như ta thấy ở triết học Plato, hay trong những bước tiến gần đây nhất của triết học tinh thần. Nhưng một thứ triết học giữa dòng như thế được viết theo tinh thần chính trị, chứ không phải triết học. Thành công của nó cũng chính là thất bại của nó.
Điều này, đương nhiên, không chỉ đúng với các triết gia. Học giả từ những lĩnh vực khác cũng thất bại theo cách tương tự; tác phẩm của họ mang tính chính trị khi nó phục vụ cho những mục đích xa lạ với cuộc truy cầu bản thân chân lý. Điều khiến cho sự thất bại của triết gia thảm hại một cách đặc biệt chính là thực tế này: ngaoì những khoảnh khắc gắn kết với xã hội, triết học, ở tận cùng bản chất của nó, là một thứ “bài tập” mang tính riêng tư sâu sắc. Khó có thể nhìn thấy một khía cạnh nào mang tính bầy đàn ở việc người ta đưa bản ngã của mình vào một trật tự nào đó, vật vã tìm ý nghĩa trong một thế giới vô nghĩa, nỗ lực để hiểu bản ngã của mình và những cơ chế tạo nên đời sống của nó. Công việc triết học diễn ra khi chúng ta ở trong trạng thái riêng tư nhất, triết học và ta gặp gỡ với nhau chính tại nơi mà Michel de Montaigne gọi là “phòng sau của cửa tiệm” – nơi được xem như là sân khấu đúng nghĩa nhất cho quá trình khởi sinh và vận hành tư tưởng. Với Montaigne, không gian của cuộc gặp gỡ này riêng tư đến mức ngay cả thành viên trong gia đình cũng không được phép bước vào.
Chúng ta nhất định phải dành một căn phòng phía sau đó cho riêng ta, ở đó, ta thiết lập nên tự do thật sự của mình, nơi ta ẩn dật và bảo vệ sự đơn độc của chính ta. Tại đây, cuộc đối thoại thông thường của chúng ta luôn là cuộc đối thoại giữa ta và bản ngã của chính mình, một cuộc đối thoại riêng tư đến độ không có sự kết hợp hay giao tiếp bên ngoài có thể tìm được chỗ.
Bên ngoài “phòng sau của cửa tiệm” ấy, triết học chiếm lĩnh một không gian xã hội nơi nó có thể vẫn duy trì hoạt động của mình một cách chân thực. Suy cho cùng, các nhà tư tưởng cũng cần tìm kiếm người khác làm đồng minh; mối quan hệ đồng minh trong triết học cũng hình thành từ lâu đời như chính bản thân triết học vậy. Tuy nhiên, không gian này lại khá rạch ròi và chật hẹp: một khi triết gia bước ra bên ngoài vòng tròn của mình, rắc rối có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Vì, để giữ sự chân thực, triết học nhất thiết phải mang tinh thần phê phán, dám nói thẳng, không ve vuốt. Nếu công việc làm triết học đúng nghĩa là “suy tư chống lại chính mình” được tiến hành hệ thống, không khoan nhượng, không cho phép bất kỳ lưới an toàn hay đường thoát nào, vậy thì những người khác (kể cả những nhà tư tưởng đồng minh) có thể mong đợi cách xử sự gì ở triết gia? Theo một nghĩa quan trọng, chừng nào triết gia còn bị ràng buộc bởi thực hành nói ra sự thật, sớm muộn gì y cũng tìm thấy mình trong một tình thế hiểm nghèo: trở thành một hình ảnh lập dị, đi ngược dòng, lẻ loi, không được ai bảo vệ và đồng thời phơi bày ra tất cả. Triết gia tìm thấy mình chính ở “góc mà không ai buồn nói chuyện với mình.” Y, do vậy, là một kẻ thất bại trên phương diện xã hội không phải do ngẫu nhiên, mà như từ thôi thúc tự thân.
Nếu giờ đây y quy phục quyền lực của nhóm, triết gia sẽ còn thất bại đến hai lần. Đầu tiên, y thất bại vì trong con mắt kẻ khác, y đã là một tên thất bại rồi – một gã yếu đuối, một kẻ bị ruồng bỏ. Sau đó, y thất bại vì y không biết làm thế nào mà trở thành một tên thất bại: làm thế nào để tận dụng vị trí đặc quyền của kẻ ngoài cuộc cho những mục đích triết học. Vì, trong triết học, trở thành một kẻ thất bại là một điều quan trọng – thậm chí gần như một ân huệ. Hoàn toàn không bị nghiền nát bởi sự thất bại trên phương diện xã hội của mình, triết gia có thể phát huy công dụng tuyệt vời của điều này: nhìn sâu vào những hoạt động của tinh thần, những sự việc trong xã hội con người, vực thẳm của tâm hồn con người. Nếu như biết cách khai thác sự thất bại này, thì chính nó sẽ khiến triết gia có thể trở thành một nhà tư tưởng phong phú hơn, sâu sắc hơn và sáng tạo hơn.
Chính sự độc đáo là nạn nhân đầu tiên ở đây. Để chơi trò chơi chính trị, các triết gia cần là một “vận động viên tốt”, như cách nói của họ, để tránh việc bị tách ra lẻ loi, giảm bớt sự dị biệt của mình, kìm hãm những ý tưởng “rồ dại” và mầm mống của sự điên khùng vốn đặc biệt được cần đến trong triết học. Không còn hào hứng thách thức những triết lý đã được thừa nhận, gây rắc rối và hoang mang, một khi bị mắc kẹt trong trò chơi này, điều tồi tệ nhất giờ đây có thể xảy đến với họ là bị lôi ra làm trò cười, bị chế giễu bởi những kẻ có địa vị ngang mình – đó sẽ là kết thúc của cuộc chơi mà họ tham gia. Điều này dẫn đến hậu quả lâu dài là sự xuất hiện của một vùng nhạt nhẽo mênh mông trong triết học kinh viện, sự chán chường của nó ngày càng lộ ra ngay cả khi số người tham dự tại các hội thảo ngày càng tăng lên. Thói bầy đàn của triết gia đi liền với hình phạt của chính nó. Anh không thể cùng lúc vừa là một người độc đáo trong tư tưởng mà lại vừa thông minh về chính trị; anh không thể có được sự chính trực của mình đồng thời lại vừa ăn nó luôn.
Giờ đây có thể dễ hiểu tại sao một vài nhân vật trong số những hình tượng độc đáo nhất, đột phá nhất trong tư tưởng hiện đại, từ Spinoza, Kierkegaard đến Thoreau lại làm việc bên ngoài trường đại học. Trường đại học của Nietzsche làm ông phát ốm – hiểu theo nghĩa đen. Và trường đại học làm Schopenhauer suốt đời nguyền rủa những “giáo sư triết học.” Năm 1928, một nhóm học giả hàn lâm danh tiếng thuộc Đại học Goethe tại Frankfurt đã cho rằng luận án tiến sĩ của Walter Benjamin có nhiều thiếu sót nghiêm trọng, do đó, từ chối nhận ông vào vị trí giảng viên. Simone Weil nhận thấy nhiều ngành nghề – từ công nhân nhà máy hay nông dân ngoài đồng – đều làm bà cảm thấy hạnh phúc hơn công việc của một giáo sư đại học. Với sự tự châm biếm rất đặc trưng của mình, Cioran ghi danh học nghiên cứu sinh chuyên ngành triết học tại Đại học Sorbonne với mục đích duy nhất là để có thể vào căng-tin giá rẻ của trường; ông bỏ dở chương trình học tiến sĩ khi họ không cho phép ông ăn ở đó nữa. Tất cả những kẻ “thất bại” trong học thuật này hóa ra lại trở thành những triết gia độc đáo và sâu sắc bậc nhất. Họ thôi thúc chúng ta nhìn vào thế giới và nhìn vào chính mình bằng con mắt mới; chúng ta không còn là mình như trước đó sau khi tiếp xúc với họ. Nhưng nếu họ có thể cho ra đời một cái gì chân thực, thì đó là vì nó vượt khỏi khuôn của trường đại học, chứ không phải vì nó nằm trong đó.
Chắc chắn không thể phủ nhận đã có một số lượng đáng kể những công trình triết học có chất lượng ra đời từ môi trường đại học. Các học giả, trong nhiều thế kỷ, đã công bố những trước tác triết học quan trọng, và nhiều trào lưu triết học lớn đã được khởi sinh từ thế giới của đại học. Song không hẳn chỉ như thế. Nếu ta nhìn vào số lượng những người tham gia vào lĩnh vực này, thời gian, nguồn lực, cơ hội và tài năng mà họ sử dụng vào công việc thì kết quả là đáng thất vọng. Chẳng hạn, Hiệp hội Triết học Hoa Kỳ có tới hơn 9000 thành viên tham gia, quy mô xấp xỉ lực lượng quân đội của Ireland. Những người Hy Lạp cổ đại khai sinh ra triết học và gần như thiết lập mọi thứ cần thiết trong lĩnh vực này, với chỉ một nhúm người, còn chưa bằng một trung đội.
*
Chúng ta sẽ may mắn nếu như mình thất bại trong tư cách một nhà tư tưởng trên sân khấu xã hội. Những sự thất bại của chúng ta còn nằm ở sâu hơn, nó làm chúng ta mắc kẹt nặng nền hơn. Vì sự thất bại có thể hiện ra ở những khía cạnh riêng tư nhất của triết học, như một con giun, nó len lỏi vào chính phần cốt lõi của tư tưởng.
Mặc dù triết học bắt đầu như một động cơ hoàn toàn riêng tư, một trạng thái say mê tuyệt đối đến mức người ta không thể nào không đắm mình hoàn toàn trong đó, nhưng khi phải xác lập và diễn đạt nó, chúng ta lại thường phải theo một thứ ngôn ngữ không phải của ta. Bất kể những mối bận tâm của chúng ta có riêng tư thế nào, bất kể cách chúng ta hình thành triết lý chân thực thế nào, thì hầu hết các nhà tư tưởng, thậm chí ngay cả một số nhân vật xuất sắc nhất, cũng không thể phát kiến được một thú ngôn ngữ triết học cũng mang tính cá nhân tương đương. Thay vào đó, chúng ta tìm nơi nương náu trong một hay một vài bảng từ vựng triết học đang tồn tại nào đó: học thuyết Plato, Aquinas, Hegel, Marx, Thực chứng logic, Hiện tượng học. Sự cô đơn triệt để của việc làm triết học có lẽ trở thành một sự áp chế quá nặng để chịu đựng, và khi chúng ta mang nó đến một nơi – một bảng từ vựng triết học được chia sẻ – nơi sự cô đơn của ta kết nối với những sự cô đơn của kẻ khác, và nhờ đó, chúng ta thấy dễ dàng sống với nó hơn.
Vấn đề chắc chắn không chỉ bó hẹp trong phạm vi triết học; theo một nghĩa nào đó, mọi lĩnh vực sáng tạo chủ yếu đều phải đối diện với nó, theo cách của riêng mình và trong những điều kiện riêng của mình. Trong công trình The Anxiety of Influence (Sự lo âu về ảnh hưởng, 1973), Harold Bloom đã nói rất hay về gánh nặng của quá khứ mà bất kỳ thi sĩ trẻ nào cũng phải xoay sở khi muốn thể hiện chính mình. Theo ông, một thứ ngôn ngữ thi ca mới phải được phát kiến mỗi khi có một thi sĩ “mạnh” khác xuất hiện và đây là một công việc phức tạp khi ta ý thức được sức ảnh hưởng bao trùm của thứ ngôn ngữ thi ca đã có trước đó. Luôn có một cuộc đấu tranh khốc liệt – một xung đột – diễn ra trong tâm hồn của nhà thơ, giữa một bên là thế giới thi ca của riêng y và một bên là cái thế giới đã có trước y, và y phải đấu tranh với cái thế giới ấy để khiến cho tiếng nói của mình được lắng nghe. Các triết gia được thừa nhận là những kẻ sáng tạo ngôn ngữ vừa ít ỏi, lại vừa xa cách, song ảnh hưởng của họ lại lớn lao, thậm chí còn mạnh mẽ hơn các thi sĩ “mạnh” theo quan điểm của Bloom nữa. Dù họ có “đọc nhầm” hay “diễn giải nhầm” các nhà tư tưởng trước mình (như cách của các nhà thơ, theo quan sát của Bloom) hay tự giải phóng ra khỏi tác phẩm của họ, làm lại mọi thứ từ đầu thì các triết gia-sáng tạo này đều kết thúc bằng việc tự khẳng định theo cách dứt khoát thoát ra khỏi những từ vựng hiện đang tồn tại. Plato, Aristotle, Kant, Hegel, Marx, Husserl – chỉ nhắc đến một vài tên tuổi như vậy – là những triết gia quan trọng không phải chỉ vì giá trị nội tại của tư tưởng mà họ xác lập mà còn vì hệ thống từ vựng triết học riêng mà mỗi người sáng tạo nên. Những vũ trụ khái niệm mà họ sáng tạo còn sống lâu hơn chính bản thân họ và định hình lịch sử triết học theo cả những cách vô hình và hữu hình. Các triết gia ấy đã làm thay đổi cách những người khác nói, nghĩ và sống, trong đó có cả những người chưa từng nghe đến tên của họ. Họ chính là những nhà tư tưởng “mạnh”, không cưỡng lại được.
Một khi có một bảng từ vựng triết học được thiết lập, nó sẽ trở thành nơi thân mật mà những nhà tư tưởng khác có thể trú mình trong đó. Họ không có những ngần ngại khi phải sống trong nhà người khác. Thất bại trong việc tạo nên một bảng từ vựng cá nhân dường như không làm bận tâm nhiều triết gia như trường hợp các nhà thơ; hầu hết các nhà tư tưởng không mang nỗi “lo âu về ảnh hưởng.” Song từ việc Aristotle tách khỏi Plato, Marx tách mình khỏi Hegel, có thể thấy một truyền thống nổi bật ở triết học phương Tây trong việc các triết gia từ bỏ người thầy của mình. Sự gián đoạn, đoạn tuyệt và khủng hoảng là những từ khóa ở đây. Nietzsche, người đã trải qua một cuộc chia tay ầm ĩ (với cả Schopenhauer vf Wagner), thậm chí đã xây dựng cả một lý thuyết nhỏ về những sự chia tay trong triết học. Trong Zarathustra đã nói như thế, ông đã để người thầy nói với những môn đồ của mình:
Giờ ta đi một mình, các môn đồ của ta. Các người nữa, giờ đây, cũng hãy đi một mình. Vì ta muốn thế.
Hãy rời bỏ ta và hãy kháng cự Zarathustra! Và thậm chí tốt hơn nữa, hãy xấu hổ về chính ông ta! Có lẽ ông ta đã lừa các ngươi.
Con người của tri thức không những phải yêu kẻ thù của y mà còn phải có khả năng ghét bỏ chính bè bạn của y.
Người ta sẽ báo đáp ông thầy của mình một cách tệ hại nếu người ta chẳng là gì khác, ngoài một học trò. Và tại sao các người lại không muốn giật phăng đi vòng hoa của ta?
Bản thân Nietzsche đã là một ví dụ tiêu biểu cho tinh thần đoạn tuyệt dứt khoát với những bậc thầy của mình – thậm chí là sự đoạn tuyệt với bất kỳ ông thầy, trường học hay các trào lưu chủ nghĩa nào. Ông là người sáng tạo ngôn ngữ triết học một cách phi thường; không có gì nặng nề, kỹ thuật, kinh viện, khó nhọc trong thứ ngôn ngữ mà ông dùng. Một thứ chén thánh của phong cách triết học, đó có lẽ dường như là thứ mà Nietzsche gặp được tình cờ: ông đã hình thành được một nghệ thuật biểu đạt những luận điểm triết học khó nhất bằng một thứ ngôn ngữ cá nhân tinh tế nhất có thể – đó là thứ ngôn ngữ mà người ta không những không thể bắt chước ông mà còn mãi mãi lảng tránh. Là một trong những triết gia hiện đại sâu sắc bậc nhất nhưng ông lại là kẻ không thể nói “như một triết gia.”
Sử dụng một bảng từ vựng triết học đã có không nhất thiết làm giảm đi chiều sâu của một nhà tư tưởng; một vài bộ óc sáng suốt nhất vẫn sử dụng khung khái niệm và bảng từ vựng triết học của người khác và vẫn tạo nên những tác phẩm sáng tạo, có sức sống lâu bền. Có những người theo tư tưởng Aquinas mà không phải là thánh Aquinas, theo Hegel mà chưa từng gặp Hegel và có những người Marxist còn có ảnh hưởng lâu hơn cả Marx. Một thứ chủ nghĩa có thể lại trở thành một mảnh đất mỡ màu cho các ý tưởng, một địa điểm cho những tư tưởng nghiêm túc, thậm chí cho cả sự cách tân. Điều đó cũng tốt. Những hệ quả thực sự của sự thất bại này xuất hiện ở đâu đó khác và chúng có thể khó chịu một cách khác thường.
Khi ta dò cán cân đo mức độ sáng tạo theo chiều giảm dần – từ những người sáng tạo từ vựng đến cực bên kia, đó là gì đi nữa – thì đến một điểm nào đó, ta sẽ đến một ngưỡng mà khi vượt qua nó, ta sẽ bước sang một thế giới phong cách khác. Các văn bản khi đó dường như không phải do những tác giả bằng xương bằng thịt viết nữa mà thuần túy mang tính cơ giới; chúng trông rất giống những trò chơi khăm dựa trên nội dung được tạo sinh ngẫu nhiên bởi phần mềm máy tính. Nó trở nên vô cùng khó khăn để phân biệt đâu là những thứ mang tính kỹ thuật và đâu là sự vô nghĩa thuần túy; các biệt ngữ hoàn toàm chiếm chỗ. Mọi thứ ở đây trở thành sự châm biếm chính bản thân nó: những kẻ theo thuyết Aquinas trở thành những nhà kinh viện nực cười; những người theo thuyết Hegel trở thành những kẻ chỉ nói tào lao; những người theo Marx sẽ chỉ cho ra những diễn ngôn tuyên truyền tạp nham và các nhà hậu cấu trúc luận sẽ chỉ xây nên một kho những chuyện tiếu lâm. Chúng ta biết rõ kết quả: chúng ta đều đã thấy, nhiều hơn là những gì ta muốn thấy, những tác phẩm, bài viết cực kỳ khó hiểu mà vì chúng, giới học thuật, không may, đã mang tiếng rất xấu. Và điều này còn diễn ra bên ngoài phạm vi của triết học: ta có thể nó từ lĩnh vực văn học so sánh đến nghiên cứu tôn giáo; không một lĩnh vực nhân văn nào lại an toàn đứng bên ngoài sự thất bại lớn lao này.
Trong suy nghĩ của tôi, chắc chắn những tác giả ấy cực kỳ cần một hình thức “thuộc về” nào đó. Con người, những kẻ trần thế như tất cả chúng ta đây, đều không muốn bị bỏ rơi: không được kết nạp, không được công nhận, không được yêu quý. Chúng ta phải căm ghét sự thất bại và để tránh nó, chúng ta, qua những văn bản mình viết, tìm cách để kết nối với một cộng đồng rộng lớn hơn của những tinh thần giống nhau. Tuy nhiên, những gì chúng ta tạo ra lại xả ra một cảm giác sâu sắc về sự tha hóa trí thức- vừa hết sức khổ sở khi đọc, mà cũng vừa không thể đi theo được. Sự đồng hành mà chúng ta hy vọng tìm thấy qua việc viết ra những thứ như thế hóa ra cuối cùng không thấy đâu: nó chỉ là một ảo ảnh thị giác được tạo nên bởi những biệt ngữ nhấn chìm suy nghĩ của ta. Chúng ta đào tẩu khỏi chính mình, trốn nấp và vùi chôn mình trong tất cả những thứ không thể hiểu nổi ấy. Và đó lại là nơi sự thất bại đón đợi ta. Một lần nữa, chúng ta thất bại chính bởi vì chúng ta sợ thất bại.
*
Tuy nhiên, theo một nghĩa nào đó, tất cả những từ vựng này – của những nhà tư tưởng địa chủ và những tá điền của họ, những nhà tư tưởng chân chính lẫn những người học theo họ, những phong cách cá nhân tuyệt vời lẫn những lối viết không thể hiểu nổi – cuối cùng sẽ chỉ là sự biểu đạt cho cái có thể được xem như thất bại lớn nhất của triết học: sự thất bại trong việc giữ im lặng. Đối diện với sự câm lặng của vũ trụ, với sự im lặng vĩ đại ấy, dù nói gì đi nữa, dù có những thứ lớn lao đến đâu, thì cái chúng ta có cũng chỉ là những câu chuyện nhỏ, những lời nói nhỏ. Chẳng có gì chúng ta nói ra khả dĩ tạo nên sự đổi khác. Tất cả nỗ lực của chúng ta – những bài luận của chúng ta – thất bại như một tất định. Một sự im lặng khiêm tốn: có lẽ đó là thành tựu cuối cùng của triết học, thành tựu cao nhất khả dĩ ta đạt đến. Song nếu cứ nhắc đi nhắc lại điều này quá nhiều thì cũng lại là một cách tự đánh bại mình.
*
Người ta kể rằng, một ngày nọ, một người Athens giỏi châm biếm nói với Diogienes, không giấu sự coi khinh: “Ông đóng vai triết gia mà không biết bất cứ gì cả.” Nhà triết học theo chủ nghĩa yếm thế đã đáp bằng nụ cười mỉa mai, chúng ta có thể hình dung ra điều ấy: “Nếu tôi chỉ giả vờ là kẻ thông thái đi nữa, thì chính điều đó cũng là dấu hiệu của một kẻ khao khát có sự thông thái.” Vậy thì, chúng ta có thể có một hy vọng nho nhỏ: dẫu những gì chúng ta làm có thể không phải là cái gì “thực”, chỉ là một bản sao thất bại của triết học như Plato, Aristotle hay hay Nietzsche đã hiểu về nó, chúng ta cũng không cần hất đi cả thằng bé cùng với chậu nước tắm. Để đi từ bản sao đến cái chân thực, chúng ta phải xác định lại quan hệ của mình với sự thất bại. Chúng ta cần thuần hóa sự thất bại và đặt nó vào nơi nó thuộc về: ở trung tâm của cái làm nên chúng ta.
Và bởi điều đó mà Diogienes thực sự là một bậc thầy vô giá: chúng ta có thể học từ ông không chỉ cách làm thế nào đánh bại được sự thất bại và sống cùng nó, mà còn làm thế nào để biến nó thành lợi thế, dùng nó để nuôi dưỡng, chăm sóc chính mình. Vì cá đâu có chết chìm. Hiển nhiên là thế.
Hải Ngọc dịch
Nguồn: Costica Bradatan, “Why We Fail and How?”, https://lareviewofbooks.org/article/why-we-fail-and-how/