Costica Bradatan – Dân chủ – thứ dành cho thánh thần

Athenian-Democracy-a.jpg

“Tại sao các nền dân chủ lại thất bại?”

Chúng ta nghe thấy câu hỏi đó nhiều lần mấy năm vừa qua, trong sách vở, trên các trang trao đổi quan  điểm, ở các chương trình tin tức trên truyền hình và trong một cuộc tranh luận công khai mà nỗi lo âu không ngừng gia tăng. Song tôi thì luôn nghĩ câu hỏi đó có thể được trả lời bằng câu hỏi khác: Tại sao lại không cơ chứ?

Lịch sử – cuốn cẩm nang đích thực mà chúng ta có về vấn đề này – cho chúng ta thấy: dân chủ là thứ hiếm hoi và chỉ thoáng lướt qua. Nó bừng lóe lên gần như một cách bí ẩn ở một nơi chốn may mắn nào đó, rồi lụi tàn dần, theo cái cách dường như cũng bí ẩn tương tự. Dân chủ chân chính là thứ khó đạt được, và một khi đạt được, thì lại mong manh. Trong bảng lược đồ lớn các sự kiện của nhân loại, nó là ngoại lệ, không phải quy luật.

Mặc dù dân chủ mang bản chất khó nắm bắt nhưng ý niệm cốt lõi của nó thì lại đơn giản đến chất phác: Là thành viên của một cộng đồng, chúng ta có tiếng nói bình đằng trong việc tổ chức đời sống cùng nhau. “Trong nền dân chủ như nó nên là”, Paul Woodruff viết trong cuốn sách xuất bản năm 2006 của ông – First Democracy: The Challenge of an Ancient Idea (Nền dân chủ đầu tiên: Thách thức của một ý niệm cổ xưa), “tất cả những người trưởng thành đều tự do tham dự vào cuộc thảo luận xung quanh vấn đề làm cách nào để mọi người có thể sống cùng nhau. Và không một ai được chừa ra để sở đắc một thứ quyền lực không bị kiểm soát vốn sẽ dẫn đến sự ngạo mạn và lạm dụng.” Bạn đã từng nghe bất cứ điều gì có vẻ hợp lý hơn thế chưa? Song ai nói rằng chúng ta có lý?

Về cơ bản, con người không được định hướng để sống trong dân chủ. Người ta thậm chí còn cho rằng dân chủ là “không tự nhiên” vì nó đi ngược với những bản năng và xung lực sống trong ta. Cái mang tính tự nhiên đối với chúng ta, cũng như với bất cứ tạo vật sống nào, là việc tìm cách sinh tồn và tái sinh. Và bởi mục đích đó, chúng ta luôn cố khẳng định bản thân đứng trên người khác một cách không ngừng nghỉ, không tự biết, không khoan nhượng. Chúng ta xô họ ra bên lề, dẫm đạp lên họ, vứt bỏ họ, thậm chí, nếu cần, sẵn sàng nghiền nát họ. Đằng sau vẻ ngoài tươi cười của nền văn minh nhân loại, luôn tồn tại một thứ động cơ mù quáng thúc đẩy con người tự khẳng định bản thân, tương tự như những gì ta quan sát được ở thế giới loài thú.

Chỉ cần cào lớp bề mặt của cộng đồng người, sẽ rất sớm bạn sẽ nhìn ra tính bầy đàn. Chính thứ “bản chất người phi lý và vô lý này”, nhà động vật học Konrad Lorenz đã viết như vậy trong cuốn sách của ông, On Aggression (Về sự hung hãn), đã thúc đẩy “hai đảng phái chính trị hay tôn giáo với những chương trình cứu rỗi nhân loại giống nhau đến kinh ngạc đấu tranh với nhau khốc liệt,” cũng chính nó đã thôi thúc “một Alexander hay một Napoleon hy sinh hàng triệu mạng sống để thỏa mãn tham vọng thống nhất thế giới dưới quyền trượng của mình.” Phần lớn lịch sử thế giới là câu chuyện của những cá nhân tự khẳng định mình thái quá để tìm được những cây quyền trượng khác nhau.

Chẳng quá khó hiểu khi một cá nhân như vậy được suy tôn, những người khác chỉ còn có thể hăm hở phục tùng y. Cứ như thể, trước sự hiện diện uy nghi của y, họ nhận ra mình có quá nhiều tự do trong tay và điều này đột nhiên làm họ ngột ngạt. Trong tiểu thuyết Anh em nhà Karamazov của Dostoevsky, viên Đại pháp quan nói: “Không có mối bận tâm nào dai dẳng và khẩn thiết đối với con người, chừng nào hắn còn tự do, hơn là tìm được ai đó để hắn quỳ sụp xuống càng sớm càng tốt.” Và đó là sự đầu hàng mới ngọt ngào làm sao! Alexander Đại đế, Julius Caesar, Napoleon, Hitler và Mussolini đều là những người nói chuyện hấp dẫn, bỏ bùa đám đông và có sức mê hoặc về ảnh hưởng chính trị.

Mối quan hệ giữa họ và đám đông là mối quan hệ đặc biệt thân mật. Đối với những triều đại như thế này, hễ khi nào quyền lực được sử dụng và phô diễn, hiệu quả mà nó tạo ra đều mang chất dục tính sâu sắc. Chẳng hạn, thứ mà ta thấy trong bộ phim tuyên truyền cho Đức Quốc xã The Triumph of the Will (Thắng lợi của ý chí, 1935) – ở mức độ nào đó, phải ghi nhận tài năng trớ trêu của Leni Riefenstahl (1902-2003), nữ đạo diễn của bộ phim này – là hình ảnh con người đang trải nghiệm một thứ khoái cảm tập thể. Những phát ngôn của nhà chính trị quyến rũ có thể trống rỗng, thậm chí vô nghĩa, nhưng điều đó không mấy quan trọng; mỗi câu nói của y đều đưa đám đông bị kích động ấy đến những đỉnh cao mới của khoái cảm. Giờ đây, y có thể làm bất cứ điều gì với đám người đang bị mê muội đi theo mình. Họ sẽ tuân phục bất cứ sở thích nào của kẻ làm chủ.

Nói thẳng ra, chính cái ngữ cảnh đời sống con người này là cái nền mà trên đó, ý niệm dân chủ nảy sinh. Không ngạc nhiên, đó là một trận đánh thất thủ. Nền dân chủ chân chính không đưa ra những hứa hẹn lớn, không quyến rũ hay mê hoặc, nó chỉ khơi gợi con người vươn đến một chuẩn mực nhất định về phẩm giá con người. Nó không hề mang chất dục tính. So sánh với những gì diễn ra trong các thiết chế dân túy sẽ thấy dân chủ như là một mối quan hệ lãnh cảm. Nếu tỉnh táo, ai là kẻ sẽ nhận lấy những trách nhiệm buồn bã của dân chủ thay cho những sự tưởng thưởng tức thời mà một kẻ mị dân trao cho? Ai sẽ chọn sự lãnh cảm thay vì khoái cảm vô biên? Tuy nhiên, bất chấp tất cả những điều này, ý niệm dân chủ đã đôi lần được hiện thực hóa trong lịch sử – đó là những khoảnh khắc đầy vinh dự khi nhân loại dường như muốn làm ngạc nhiên chính bản thân mình.

Một yếu tố cần cho dân chủ nảy sinh là cảm thức về sự khiêm hạ. Một tính khiêm hạ vừa mang tính tập thể, vừa được nội tại hóa, vừa thấu suốt, vừa xa rộng, nhưng chân thực. Đó là tính khiêm hạ khiến người ta biết vừa vặn với chính mình, vì nó xuất phát từ sự tự ý thức của con người về giá trị và giới hạn của bản thân, thậm chí nó còn khiến con người biết cười chính mình nữa. Kẻ mang tính khiêm hạ ấy, sau khi chứng kiến bao sự điên rồ và học được cách chấp nhận chúng, đã trở nên hiền minh và nhẫn nại. Nói khác đi, để làm một nhà dân chủ đúng nghĩa, phải hiểu khi sống cùng nhau, ta không ưu việt hơn kẻ khác, từ đó, biết ứng xử sao cho thấu đáo. Một phương diện chủ yếu của thực hành sống dân chủ là làm sao chấp nhận sự thất bại và bất toàn, ấp ủ ít ảo tưởng về xã hội con người. Các thiết chế dân chủ, các quy tắc và cơ chế của chúng, nên mang theo một nhãn quan về con người như là những thực thể bất toàn, khiếm khuyết và đầy thiếu sót.

Nên dân chủ Athen cổ đại đã phát kiến hai thiết chế minh họa rõ cho nhãn quan này. Thứ nhất, rút thăm: chỉ định người vào chính quyền bằng lá thăm. Với sự bình quyền mà tất cả các công dân Athen lúc bấy giờ – tức nam giới trưởng thành có địa vị tự do – được hưởng, cách hợp lý nhất để được đưa vào vị trí lãnh đạo là thông qua lựa chọn ngẫu nhiên. Quả thực, đối với các nhà dân chủ Athen, bầu cử sẽ bị tắc lại chính ở tâm điểm của dân chủ: Họ sẽ cho phép một số người nào đó khẳng định bản thân, đặt mình cao hơn kẻ khác một cách kiêu ngạo và bất nhẫn.

Thiết chế bất toàn mà hợp lý khác do người Athen đề xuất là loại trừ. Khi một công dân của thành bang trở nên nổi tiếng quá mức – nhiều tiềm năng bỏ bùa công chúng – dân Athen sẽ bỏ phiếu để trục xuất y khỏi thành bang trong vòng mười năm bằng cách ghi tên  y lên những mảnh gốm. Đó không phải là hình thức trừng phạt cho những việc mà kẻ có sức mê hoặc kia đã làm mà là một hình thức đề phòng trước những gì hắn có thể làm nếu không bị kiểm soát. Dân Athen hiểu họ là những kẻ rất dễ tổn thương và có nhiều điểm yếu để kháng cự nổi sức cám dỗ của chính trị (câu chuyện phức tạp giữa họ với Alcibiades [1]là bằng chứng sống động cho điều này) và kịp thời khước từ khoái cảm do nó mang lại. Là thứ do con người làm ra, dân chủ vốn dĩ mong manh, có thể tạng yếu – tốt hơn là không đặt nó vào phép thử.

Sau thí nghiệm triệt để của người Athen về sự bình đẳng, dân chủ đã xuất hiện trở lại ở một số nơi, nhưng thường là trong những hình thức mà người Athen cổ đại có lẽ sẽ rất băn khoăn khi gọi đó là dân chủ. Chẳng hạn, phần lớn hình thức dân chủ của nước Mỹ hiện nay (mà ngay tại thời điểm này có thể nói là phiên bản thịnh hành nhất), theo tiêu chí của dân Athen, sẽ được gọi là thứ “chính trị đầu xỏ”. Chỉ một số ít ỏi những kẻ giàu có may mắn mới được quyết định không chỉ những luật lệ của trò chơi chính trị mà còn việc ai thắng, ai thua trong cuộc chơi này. Mỉa mai thay, cái hệ thống này lại ủng hộ cho điều mà chúng ta muốn tránh nó bằng được khi ta lựa chọn dân chủ ngay từ đầu: con thú chính trị không nguôi khát thèm quyền lực, nóng lòng xác lập địa vị bản thân một cách ngạo mạn.

Tuy vậy, chúng ta không nên ngạc nhiên. Jean-Jacques Rousseau đã viết: “Nếu như có một quốc gia của thánh thần, quốc gia ấy sẽ cai quản theo đường lối dân chủ. Vì thế một hình thức hoàn hảo của chính quyền là thứ không dành cho người phàm.” Dân chủ là thứ khó thấy trong thế giới con người đến nỗi phần lớn thời gian chúng ta nói về nó, chúng ta thường quy chiếu đến một lý tưởng xa xôi hơn là một thực tế. Xét đến cùng, đó là câu chuyện của dân chủ: nó là một lý tưởng mà người ta luôn cố gắng đưa vào thực hành. Chưa bao giờ trọn vẹn và chưa bao giờ lâu dài – lúc nào cũng vụng về, rụt rè, cứ như thể chỉ là thứ diễn ra trong một thời gian thử nghiệm.

Song dân chủ là một trong những thứ khó nắm bắt – hạnh phúc là một thứ khác trong số đó – mà lời hứa hẹn của nó, dẫu bị trì hoãn vĩnh viễn, vẫn quan trọng hơn sự tồn tại thật sự của nó. Chúng ta có thể không bao giờ đạt được nó, nhưng chúng ta lại không đủ khả năng để ngừng mơ tưởng về nó.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Costica Bradatan, “Democracy Is For Gods”, https://www.nytimes.com/2019/07/05/opinion/why-democracies-fail.html

 

[1] Alcibiades (450-404 trước Công nguyên) là một chính khách, một nhà quân sự, một nhà hùng biện nổi tiếng ở Athen thời cổ đại. Ông đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn nửa sau cuộc chiến Peloponneus (431-404 trước Công nguyên) xảy ra giữa thành bang Athen và thành bang Sparta. Ông ưa dùng các chiến thuật không chính thống, và thường chiến thắng các thành bang bằng lừa dối và thương lượng hơn là vây hãm.