Monthly Archives: Tháng Sáu 2019

Eldar Sarajlic – Là bậc sinh thành của chính mình

Eldar Sarajlic hiện là phó giáo sư triết học tại City University of New York, Borough of Manhattan Community College. Như trong bài viết này, ta có thể biết thêm một vài thông tin tự thuật của tác giả. Với riêng tôi, bài viết này là một cuộc gặp gỡ lạ lùng bởi khi mới bắt đầu thử đi vào việc dịch, tôi đã bị ấn tượng rất mạnh bởi những tác giả di dân đến từ Nam Tư cũ. Đã có lúc tôi từng nghĩ nếu có dịp đi nước ngoài, có lẽ tôi sẽ đi đến đất nước ở vùng Balkan này.

mother_and_child_2

Triết học từng hấp dẫn tôi hơn tình phụ tử. Tôi từng tưởng tượng đời mình như một chuỗi những suy tư lặng lẽ, đọc sách và du lịch. Tôi không nghĩ nhiều về con cái, dù ở mức độ nào đó, tôi đã nghĩ mình nên có một đứa con. Làm cha không phải là một điều gì đó mà tôi muốn gắn kết với một cuộc đời tôi đã dành cho triết học.

Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi khi con gái tôi chào đời vào năm 2014, ba tháng sau khi tôi bảo vệ luận án tiến sĩ. Trong một mùa hè, tôi vừa trở thành một ông bố đồng thời vừa làm công việc của một triết gia. Cả hai việc ấy hòa lẫn trong tôi và tạo nên một căn tính hoàn toàn mới. Trước ngày con tôi được sinh ra, tôi chủ yếu chỉ quan tâm đến triết học chính trị. Tôi bị cuốn vào những câu hỏi về công lí xã hội và chính trị, về chủ nghĩa tự do và tính hợp pháp. Thế rồi khi con gái tôi tượng hình trong bụng mẹ nó, một loạt những mối quan tâm và ý tưởng mới bắt đầu nảy sinh trong tâm trí tôi. Vợ tôi sinh ra một đứa bé; đứa bé ấy lại sinh ra một tư tưởng mới.

Việc làm cha mẹ, khi tôi đi vào tìm hiểu, đã mở ra nhiều lối đi cho sự suy tư. Các triết gia thường đặt ra một dải các câu hỏi về việc làm cha mẹ: Có một sự biện hộ về đạo đức nào cho việc có con? Những bình diện đạo đức của việc nuôi nấng một đứa trẻ là gì? Giờ đây, khi làm một người cha cũng như một triết gia, tôi bắt đầu đặt những câu hỏi tương tự: Tôi nên nuôi một đứa trẻ như thế nào?  Làm thế nào tôi có thể là một người cha tốt?

Như hầu hết những ông bố bà mẹ đã biết, những tháng đầu tiên khi làm cha mẹ là một phức hợp của niềm vui, sợ hãi, mỏi mệt và hơn hết, sự mất ngủ. Chính là trong những khoảng thời gian eo hẹp của những tháng đầu tiên làm bố mà mối bận tâm suy tưởng của tôi vấp phải một câu hỏi đặc biệt: Con gái tôi khi lớn lên sẽ là ai? Căn tính của nó sẽ là gì? Khi tôi quan sát cơ thể bé xíu của nó, tôi cứ nghĩ hoài về những tương lai khả hữu phía trước nó. Liệu nó có trở thành người mà nó muốn không?

Phía sau câu hỏi ấy là cả một câu chuyện của cá nhân tôi. Tôi sinh ra ở Bosnia – Herzegovina trong một gia đình Hồi giáo thế tục và sống ở đất nước ấy trong suốt 30 năm đầu tiên cuộc đời. Lớn lên đúng vào lúc xung đột sắc tộc dữ dội bùng nổ hồi đầu thập niên 1990, tôi bị quy về một thứ căn tính văn hóa mà người ta bảo nó thuộc về tôi. Bị khủng bố bởi việc là người Hồi giáo khiến ý thức kháng cự cá nhân và kháng cự văn hóa trỗi dậy trong tôi. Tôi chấp nhận và đề cao thứ căn tính bị khinh miệt ấy. Dần dần, tôi trở thành  một người Hồi giáo. Tôi mang mục tiêu ấy trên lưng và biến nó thành của mình. Song tôi nhận ra nhanh chóng, rằng việc nhận lấy một thứ căn tính như một hình thức kháng cự chỉ đưa người ta đi xa được đến mức ấy là cùng. Giống như một bộ đồ may bằng vải polyester không vừa vặn, thứ căn tính này làm tôi khó xoay sở, tôi thèm muốn được mặc lên mình một cái gì đó dễ chịu hơn.

Triết học đã trở thành một phần quý giá trong tiến trình mà tôi sáng tạo nên bản ngã của mình. Nó giúp tôi ngộ ra và chấp nhận mình là ai, nhưng nó cũng trao cho tôi những công cụ mà tôi cần để thay đổi bộ đồ gây khó chịu cho mình, tìm thấy cái gì đó phù hợp hơn. Một trong những nhà tư tưởng đầu tiên đã truyền cảm hứng cho quá trình này là Hannah Arendt. Khi tôi tìm hiểu quan điểm của bà về tự do, tôi lập tức nhận ra mình trong suy tưởng của bà. Đối với Arendt, tự do nghĩa là năng lực tạo ra một khởi đầu mới. Nó được hiện thực hóa trong năng lực hành động ở con người, một năng lực mà mọi con người đều được phú cho ngay từ khi mới ra đời. Cội rễ của tự do, theo bà, nằm ở trong khái niệm “sinh thành” (natality), trong thực tế ai cũng dễ nhận thấy, rằng mỗi con người mới được sinh ra đều đại diện cho một sự mới mẻ được dẫn nhập vào thế giới. Trẻ em là chủ thể tươi mới tuyệt đối, một sự hiện thân đích thực của tự do và là người dẫn dắt để cấu trúc thế giới xã hội của chúng ta.

Ví dụ lịch sử mà Arendt yêu thích khi nói về sự sinh thành là Cách mạng Mỹ, một hành động triệt để của việc đem tự do cho thế giới. Tôi nhận thấy nỗi khao khát của mình về Thế Giới Mới là một hình thức của nỗi khao khát có một bản ngã mới. Khi đặt chân đến New York, nơi của cái mới không ngừng được sinh thành này, tôi đã có một khởi đầu mới để tái tạo mình: có một đứa con.

Tôi đã nghĩ đến Hannah Arendt rất nhiều trong những đêm mất ngủ, khi con gái của tôi quẫy đạp trong bụng mẹ nó. Nếu cô bé là cái mới hoàn toàn trong thế giới này, tôi nhớ mình đã tự hỏi, liệu tôi có thể giúp con duy trì sự mới mẻ ấy và không kìm nén sự độc đáo của con? Làm sao tôi có thể nuôi sinh linh bé nhỏ này, để nó là chính mình, chứ không pải ai khác? Tôi có thể làm gì để nuôi con gái mình như một bản nguyên chứ không phải một bản sao của tôi, nền tảng của tôi hay những kỳ vọng văn hóa về thời gian và nơi chốn mà cô bé được sinh ra?

Những đêm mất ngủ ấy khơi dậy trong tôi nhiều suy nghĩ rất khác nhau. Trước hết, tôi nhận ra Arendt đúng: Trẻ em là những chủ thể mới toàn diện và phải được đối xử như thế. Mặc dù điều này đôi khi không dễ hiểu, nhất là với những bậc cha mẹ cảm thấy hạnh phúc khi nhận thấy những đặc điểm của mình in dấu lên đứa trẻ mới lọt lòng (“Nhìn này, anh yêu, con ta có cái mũi giống em!”), nhưng đó là một mệnh lệnh cả trên phương diện đạo đức lẫn thực tiễn mà chúng ta phải thực hiện. Cho dù gene của đứa con được kế thừa từ mẹ nó và tôi, con tôi vẫn là một con người đơn nhất, độc đáo, và tôi không thể dự đoán, chứ đừng nói là quyết đoán được bản ngã tương lai của nó. Liệu căn tính của nó có xác nhận những kỳ vọng, mong đợi của tôi không? Tôi không có quyền để mong đợi điều ấy.

Tôi đã chứng kiến nhiều nỗi thất vọng từ các bậc phụ huynh khi nhìn thấy con họ lớn lên: những ông bố bị ám ảnh khi con trai họ trở thành gay, những bà mẹ tuyệt vọng khi con gái mình khước từ tôn giáo của cha mẹ. Những phương pháp trị liệu để chữa đồng tính và những mối quan hệ đầy khoảng cách giữa những đứa con là chuyển giới và cha mẹ mình là những ví dụ rõ nét cho thấy khi những kỳ vọng vào con cái của cha mẹ trượt khỏi đường ray, họ đã làm gì. Tôi biết mình muốn trở nên tốt hơn những ví dụ mình đã thấy. Song làm cách nào?

Để trẻ em lớn lên như những con người chân thực, đúng là mình, chứ không phải sản phẩm của những kỳ vọng từ cha mẹ, các em cần phải được học để hiểu rằng căn tính được xây dựng trên các lý do, tức những sự biện hộ dược xem là có lý; bản thân khái niệm căn tính được phát sinh từ chính khái niệm lý do này.

Nếu căn tính cá nhân là một dạng niềm tin về chính mình, nó luôn là sản phẩm của mối quan hệ giữa ý thức của cá nhân ấy với một tập hợp nhất định các dữ kiện thực tế. Theo đó, có thể có những kiểu lý do khác nhau để xác nhận căn tính, phụ thuộc vào bản chất của các dữ kiện khác nhau. Một số trong đó dựa trên việc chúng ta được cấu thành về mặt thể chất ra sao. Nếu một đứa bé cảm thấy dễ chịu hơn trong một cái nhãn về giới tính đối lập (hay ở giữa hoặc nằm bên ngoài) cái nhãn mà người ta gán cho nó ngay khi chào đời, thế tì hẳn có một lý do nào đó để nó định dạng mình theo cách như vậy. Những lý do khác được dựa trên những dữ kiện về lịch sử, môi trường và kinh nghiệm.

Nếu một đứa trẻ biết đến những cách sống khác, nhờ trường học hay nhờ quá trình xã hội hóa, và quyết định chấp nhận nó, thì cha mẹ phải tôn trọng rằng con của mình có lý do hiệu lực để đi chệch khỏi văn hóa của gia đình. Việc ngăn cấm trẻ con hành động theo những lý do mà chúng nhận thức được mà không quan tâm đến căn cứ vững chắc của chúng, sẽ phản bộ lại giá trị và ý nghĩa của mối quan hệ cha mẹ – con cái.

Thứ hai, tôi nhận ra việc làm cha mẹ là một bài tập tuyệt vời để tự biết mình. Người ta có được một cơ hội để khám phá bản thân. Trở thành một người cha giúp tôi hiểu được quan điểm triết học của chính mình. Nghĩ về những lý do có thể làm điểm tựa cho bản ngã tương lai của con gái mình giúp tôi hiểu ra những lý do đằng sau căn tính cá nhân và tư tưởng triết học của mình. Cụ thể là, vốn là dân nhập cư ở Mỹ, tôi mang hai tư cách công dân và hai nền văn hóa. Chính điều này đã chi phối những vấn đề triết học mà tôi quan tâm. Mặc dù sống tại Mỹ nhưng tôi tồn tại trên đường biên của hai nền văn hóa, hai tư cách căn tính. Tôi chưa bao giờ thôi thoát khỏi hai hệ thống quy chiếu ấy: con người/văn hóa Bosnia và con người/văn hóa Mỹ. Tính song trùng là trạng thái mặc định của sự tồn tại của tôi. Vì thế tôi không ngừng phải ý thức về những hoạt động, những sự hành chức của văn hóa. Bởi tôi luôn thấy được những cạnh rìa của nó nên tôi không ngừng chất vấn trung tâm của nó.

Thậm chí ý nghĩ của tôi về quyền của con trẻ trong việc xác định căn tính chân thực cũng phản ánh tính song trùng của những truyền thống triết học mà tôi coi là bệ đỡ cho tư tưởng của mình. Chẳng hạn, tính chân thực, trong truyền thống, đã từng là chủ đề các nhà Lãng mạn, chẳng hạn như Rousseau, bàn đến với giọng điệu ít nhiều mang sắc thái mỉa mai, những người vốn cho rằng tiến trình của thời Khai sáng sẽ đi đến chỗ làm xói mòn bản chất độc đáo của các cá nhân. Tất cả chúng ta sinh ra là nguyên bản song đều chết như là những bản sao. Khoảng thời gian ở giữa sự sinh ra đời và sự chết đi của chúng ta bị nhào nặn bởi văn minh, vốn đúc khuôn chúng ta theo những cách thường tương phản với những phần mà chúng ta được tự nhiên trao cho. Quan điểm của Rousseau, Montesquieu, Marshall Berman và những nhà tư tưởng khác đề cao tính chân thực hiện sinh luôn có sức hấp dẫn đặc biệt đối với cá nhân tôi.

Thế nhưng cho rằng một cá nhân chỉ chân thực, đúng là mình thông qua cách tiếp cận và sự đánh giá bằng các lý do lại phản ánh những phương pháp và ý tưởng thường thấy trong truyền thống của các nhà tư tưởng Khai Sáng. Không giống các nhà Lãng mạn, tôi cho rằng việc sử dụng và thúc đẩy lý do giúp chúng ta trở thành chính mình đích thực. Đánh mất chính mình là hệ quả của một tâm trí mất đi lý tính. Như John Locke, tôi tin rằng căn tính là sản phẩm của ý thức và lý do. Chúng ta không thể trở thành một tồn tại chân thực nếu như chúng ta không tìm thấy lý do nào.

Những đêm mất ngủ với đứa con mới ra đời đã nằm lại sau lưng tôi. Giờ, con gái tôi đã bốn tuổi, với căn tính của riêng mình và một ý chí mạnh mẽ để làm mọi thứ theo cách của mình. Tuy nhiên, nỗi sợ một tương lai bất ngờ vẫn còn choán lấy tôi giữa lúc đêm khuya và khiến tôi chất vấn mọi thứ, làm đảo lộn những viễn cảnh về một sự ngơi nghỉ yên tĩnh. Điệu ru mà tôi cần không thể tìm thấy được ở đâu; tất cả những gì tôi có thể làm là nhìn chăm chú vào khoảng trống mà không hy vọng gì nó sẽ nhìn lại.

Song khi nhìn con gái của mình nằm ngủ ngoan, tôi hiểu ra khoảng trống ấy không phải là thứ để mình sợ hãi. Nó không phải là vực nước xoáy của sự vô nghĩa sẽ làm ta phát điên. Khoảng trống đó là cảnh cửa cho bản ngã của chúng ta. Nó là thứ để chúng ta lấp vào đó bất cứ cái gì ta muốn – những giấc mơ, những nỗi sợ, những tham vọng. Đó là cơ hội duy nhất để trở thành cái mà chúng ta thực sự là: ta là bậc sinh thành của chính mình.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Eldar Sarajlic, “Becoming Parents to Ourselves”, https://www.nytimes.com/2019/06/06/opinion/fathers-philosophy.html