Author Archives: hieutn1979

About hieutn1979

Nơi lấp đầy những khoảng trống rỗng

Costica Bradatan – Little Tramp

(Về bộ phim Modern Times [1936] của Charlie Chaplin)

Vừa đúng ba năm sau khi Chìm nổi giữa Paris và London được xuất bản, lịch sử của nghệ thuật sống bụi đời đã ghi nhận một khoảnh khắc quan trọng khác: bộ phim Modern Times [Thời hiện đại] của Charlie Chaplin. Khác với Orwell, Chaplin không phải học để trở thành một kẻ lang thang vất vưởng; ông đã được sinh ra như thế – trên một chiếc xe lưu động của người di-gan. Ông xuất thân từ tầng lớp cùng đáy của London, nơi mà một người ở tầng lớp trên như Orwell phải rất cố gắng mới len xuống được đó để học bài học về xã hội. Trong khi Orwell được nuôi ăn học ở Eton thì Chaplin buộc phải đi làm. Lên bảy tuổi, ông đã biết lao động kiếm tiền cho gia đình. Ông chưa bao giờ trưởng thành bởi lẽ ông đã luôn già dặn. “Bạn phát hiện được khi đói người ta sẽ thế nào,” Orwell nhận định vậy với phần nào sự ngạc nhiên trong đó khi bắt đầu thí nghiệm sống bụi đời của mình.[1] Chaplin chưa bao giờ cần phải phát hiện điều đó – ông vốn dĩ đã sinh ra trong đói khổ.

Với hoàn cảnh ra đời và tuổi thơ như vậy, Chaplin có lẽ muốn trở thành cái gì cũng được, miễn không phải thân phận bụi đời, thế nhưng cuối cùng ông lại trở thành hình tượng nổi tiếng nhất của loại người đó: Little Tramp, một tên Bụi đời nhỏ con. Trong rất nhiều bộ phim, bắt đầu từ năm 1914, ông đã sử dụng hình tượng kẻ bụi đời này để chọc cười khán giả. Nhưng Thời hiện đại khác với tất cả những hóa thân trước đó, không chỉ bởi bộ phim đạt đến trình độ thẩm mỹ cao mà còn bởi cảm quan sâu sắc về xã hội mà nó biểu đạt. Thành tựu chủ yếu trong sự nghiệp của Chaplin là việc ông gián cách được với nền chính trị hẹp hòi, quân phiệt và giữ mình luôn là chính mình: một nghệ sĩ với khả năng bậc thầy trong việc phơi bày toàn bộ cấu trúc xã hội quanh mình và ông làm vậy không phải chỉ đến khiến người ta cười mà còn thôi thúc người ta phải nghĩ. Nếu Thời hiện đại có tạo được tác động chính trị đáng kể nào, đó không phải là do những quan điểm chính trị của Chaplin, dù chúng là gì đi nữa, mà bởi sức mạnh nghệ thuật và triết học của nó. “Ông trình hiện chứ không đưa ra các giải pháp chính trị,” Graham Greene đã bình luận như vậy khi bộ phim ra mắt.[2]

Chính Mahatma Gandhi là người, dù không chủ ý, đã gợi ý cho Chaplin về bộ phim này. Hai con người ấy đã gặp nhau tại London năm 1931. Trong khi Chaplin biết mọi điều về vị Thánh của Ấn Độ và không thật sự hào hứng để gặp ông mà lại còn căng thẳng, bồn chồn như một cậu học sinh, thì Gandhi dường như chẳng biết Chaplin là ai nữa. Ông chưa từng xem bộ phim nào của Chaplin, hay bất cứ bộ phim nào khác. Dẫu cuộc gặp ngắn ngủi, nó vẫn giúp Chaplin hiểu được quan điểm phê phán của Gandhi về tính hiện đại và công nghệ, điều sẽ làm thay đổi nhãn quan của ông.

Nhân vật Little Tramp bị nuốt trọn và bị khạc ra toàn bộ bởi máy móc như chúng ta có thể thấy ở ngay những cảnh đầu của phim. Từ đó, gã bị đưa đến một bệnh viện để khôi phục lại sự hài hước của mình nhưng cuối cùng lại mất việc. Hình tượng cỗ máy ở cảnh đầu của phim là một trong những thứ đáng nhớ nhất nhưng phần còn lại của câu chuyện cũng không kém ám ảnh. Simone Weil xem bộ phim là tấm gương phản chiếu hình ảnh của xã hội công nghiệp phương Tây trong trạng thái trần trụi của nó. Hầu như không có khung hình tĩnh trong Thời hiện đại; mỗi một khung hình đều nói với chúng ta một cách mạnh mẽ về những điều quan trọng mà thông thường chúng ta muốn phớt lờ hoặc im lặng cho qua nhiều hơn. Cũng như Weil, Chaplin nhiệt tình trong việc đưa ra những quan sát và thôi thúc suy tư về những vấn đề mà xã hội của họ (và của cả chủng ta) cảm thấy không thể đề cập đến.

Dòng phụ đề của phim là một câu mỉa mai chua chát tột cùng của Chaplin: “Đây là một câu chuyện về thời đại công nghiệp, về sự nghiệp cá nhân- cuộc thập tự chinh của nhân loại trong hành trình mưu cầu hạnh phúc.” Chuyện phim chỉ có vậy nhưng bởi được kể từ điểm nhìn của kẻ bị loại trừ, nó trở thành câu chuyện cay đắng về tình trạng thất nghiệp kinh niên, sự xuống cấp của xã hội và nỗi bất hạnh đeo đẳng. Cuộc mưu cầu hạnh phúc mà ta nhìn thấy trên màn ảnh ấy rốt cục là nỗ lực đến cùng của một kẻ cố giữ cho mình còn nổi nênh được giữa đời, thế nhưng quá trình đó cũng không khác gì việc bị chìm dần xuống đáy.

Nghe có vẻ lạ lùng nhưng có một cảm giác rất rõ nét về một sự bình thản bao trùm cả bộ phim, thứ có thể xem như là hình ảnh phản chiếu của “niềm an ủi lớn lao” mà Orwell nhìn ra được ở sự nghèo khốn. “Đó là một cảm giác về sự khuây khỏa, gần như là một khoái cảm, khi cuối cùng biết mình thật sự vào đường cùng,” ông viết. “Bạn rất hay nói về việc lên voi xuống cho – và rồi, đây là chó, bạn đã thật sự xuống chó và bạn có thể chịu được tình thế này. Nó trút bỏ đi rất nhiều âu lo.”[3]

Sự bình thản này, chúng ta sẽ nhận ra, có sự liên quan nào đó với vai trò hết sức đặc biệt của Little Tramp như một nạn nhân bị hiến tế. Ở bất kỳ chỗ nào –  bên băng chuyền sản xuất, trong nhà tù, ngoài quán cà phê, lúc tạm nghỉ chân ở một khu nhà giàu, khi rong ruổi trên phố – Little Tramp, như là chân dung xã hội về kẻ thất bại, cũng luôn thực hiện cùng một chức năng: gã là hiện thân cho nỗi sợ hãi và niềm âu lo kinh khủng nhất của xã hội. Không còn gì bất an hơn đối với một xã hội nghiện công việc và mải miết truy cầu sự giàu có hơn là cảnh đời uể oải, phất phơ. Những kẻ phất phơ, như Tom Lutz viết, “thể hiện những huyễn tưởng mà chúng ta thích thú nhất và những sợ hãi thẳm sâu nhất.”[4] Thất nghiệp, vô gia cư, chết đói, quẫn trí, phạm tội, rời rã, thất bại – Little Tramp được xem như đã trừ tà tất cả những thứ đó.

Mượn thuật ngữ của Jung, ta có thể nói Little Tramp là cái bóng của xã hội. Nhân vật của Chaplin là hiện thân của tất cả những gì chúng ta muốn gạt khỏi đời mình, những gì khiến chúng ta thấy bản thân hổ nhục và đáng khinh, chúng ta không muốn chấp nhận chúng như là thứ thuộc về ta. Và bởi có quá nhiều thứ mà một xã hội bị ám ảnh bởi sự sang giàu không muốn thừa nhận về nó, thế nên Little Tramp dường như phải lãnh một nghĩa vụ. Gã có thể không nghề không nghiệp nhưng hóa ra gã phải gánh vác thứ công việc nặng nhọc hơn tất cả: ngăn các thành viên khác của xã hội khỏi sự mất phương hướng. Không có gì ngạc nhiên khi được thông báo về việc mình được ra tù sớm, gã lại thấy thà tiếp tục ngồi tù còn hơn: “Tôi không thể ở lại đây lâu hơn chút nữa ư?”gã hỏi. “Tôi rất hạnh phúc khi ở đây.”

Dù làm việc gì đi nữa, Little Tramp đều thể hiện bản thân như một con người đứng đắn – biết chăm sóc, giàu tình cảm, lịch thiệp, nhiều tài, nhiều năng lượng và trí tưởng tượng. Gã là tất cả những gì mà xã hội của gã muốn có nhưng chẳng bao giờ đủ khả năng để có. Quả thực, gã bụi đời này không tương thích với sự phân định thành công-thất bại không phải chỉ bởi ở con người hắn toát lên vẻ lịch lãm mà bởi về bản chất, gã đâu có chỗ trong xã hội này: ở gã có quá nhiều chất nghệ sĩ, điều xung đột với những gì mà xã hội muốn từ chúng ta. Gã không đủ phẩm chất của một kẻ tuân thủ, những cử động của cơ thể gã lại không hoàn toàn bị máy móc hóa – và tệ hơn cả -gã vẫn giữ lại được ở mức độ nào đó sự tự do nội tại trong một thế giới mà một thứ như thể chỉ gây bất lợi về kinh tế. Có đủ lý do để xã hội khạc gã ra khỏi nó, dẫu rằng khi đó, nó đánh mất luôn tâm hồn của mình.

Khi bắt đầu kế hoạch sống bụi đời, George Orwell không chỉ muốn tìm kiếm cảm hứng văn chương mà còn cả một hình thức cứu chuộc về xã hội. Ông biết những gì mình làm là chưa có tiền lệ nhưng ông vẫn phải thực hiện. Sự phức tạp, như ông nhận thấy, nằm ở chỗ “những người thông minh, có học, chính những người thường được kỳ vọng sẽ có những quan điểm khai phóng, lại chưa bao giờ hòa lẫn vào những người nghèo.”[5] Như là những công dân tốt, có đầu óc cởi mở, chúng ta có thể bận tâm về sự bần cùng, thậm chí còn cố gắng tìm kiếm giải pháp – tất cả đều với một niềm tin tốt đẹp. Song chúng ta sẽ làm việc này từ ví trí an toàn của kẻ đứng ở cao hơn. Những nguyên tắc cao cả của chúng ta, thứ văn hóa đẳng cấp mà chúng ta thuộc về, và sự vi tế về trí thức thường sẽ đóng vai trò như một bức màn phòng vệ ngăn cách chúng ta với thế giới của sự bần cùng đó: chúng  ta sẽ giải quyết “vấn đề đói nghèo” hay “cuộc khủng hoảng của tình trạng vô gia cư”, chứ không bao giờ với những con người bẩn thỉu, hôi hám hay những kẻ không nhà không cửa bằng xương bằng thịt. Đấy là cách chúng ta, vừa sang cả, vừa đớn hèn, lau sạch tay mình và bỏ lại những gã bụi đời nhỏ bé của thế giới này trong sự bẩn thỉu, nghèo khốn, ăn sương nằm gió. Và với cách ấy, Little Tramp đã được khắc họa không phải như một nạn nhân ngẫu nhiên mà là một nạn nhân bị hiến tế vĩnh viễn.

Tất cả điều này làm cho bộ phim của Chaplin trở thành một vở hài kịch buồn thảm nhất trong lịch sử điện ảnh Mỹ. “Thế thì cố gắng để làm gì?” người phụ nữ đồng hành cùng gã bụi đời này đã hỏi khi thấy tất cả lao lực của họ để trồi lên trên biển đời này cuối cùng đều thất bại. Câu trả lời rất rõ ràng, dù không được nói ra: Chẳng để làm gì. Dù gắng gỏi đến đâu đi nữa, họ cũng chỉ nhận về kết cục ê chề. Đây mới là kết luận hợp lý rút ra được từ câu chuyện – là câu văn mà bộ phim nên được dùng để kết phim.

Nhưng trong mấy giây cuối cùng ấy, khi để nhân vật của mình biến cái kết luận hiển nhiên này thành một cái kết có hậu một cách lạ thường, Chaplin đã không đương đầu được với áp lực của những kỳ vọng của xã hội mà ông sống trong đó. Không như Little Tramp.


Hải Ngọc dịch

Nguồn: Costica Bradatan, In Praise of Failure, Harvard University Press, 2023, trang 156-160.


Chủ nghĩa duy mỹ như là tôn giáo – Xem “The Taste of Things” (Trần Anh Hùng, 2023)

Tôi không định xem phim The Taste of Things trước khi nó được chính thức chiếu rạp ở Việt Nam nhưng vì đêm qua mất ngủ, nên lại chọn phim này giữa nhiều phim khác còn lưu trong máy. Bởi lẽ khi khó ngủ, tôi thường dễ tập trung và phim của Trần Anh Hùng luôn cần một sự tập trung cao để không bỏ lỡ những khuôn hình, những tiếng động, những chỗ hắt sáng.

Đến khi nhìn thấy dòng chữ “À Yen Khe” ở cuối bộ phim, một nỗi xúc động dâng lên trong tôi, làm tôi muốn viết một cái gì đó về bộ phim này. Dù tôi hoàn toàn hiểu, để viết một cái gì đó hơn một sự bình tán, tôi cần xem lại Eternity – một bộ phim đặc Pháp khác của Trần Anh Hùng, cần xem lại Mùi đu đủ xanh – một phim khác của ông cũng lấy cảm hứng từ chuyện nấu nướng. Tôi cần tìm hiểu thêm những chi tiết background của bộ phim, đọc thêm các sách vở bàn về triết lý của thức ăn, các lý thuyết về male gaze, về nữ quyền. Nhưng thôi, hãy gạt bỏ điều đó. Tôi viết chỉ vì cảm thấy muốn viết về nó, về một bộ phim có những khoảnh khắc chạm vào nội tâm của mình, chứ không phải trên tư cách của bất cứ quyền uy nào.

The Taste of Things – cũng như Eternity – ngay lập tức đưa người ta vào một không gian tự sự điện ảnh mà mỗi khuôn hình đều đẹp như một bức tranh cổ điển, trong đó, sự điều tiết của ánh sáng được xử lý đầy tinh xảo. Trần Anh Hùng có lẽ là người biết tận dụng một đặc quyền của nghệ thuật: sự phung phí, sự xa xỉ, sự vị kỷ của nó đề bắt người đọc phải chú mục vào một cảnh quay dài ngay đầu phim tái hiện một cảnh làm bếp tỉ mỉ, nhịp nhàng, không cần phải truyền đạt một thông điệp nào, ngoài cái đẹp của từng động tác của diễn viên, của các thực phẩm và nhất là sự giao cảm tuyệt vời giữa Dodin và Eugénie (do Benoit Magimel và Juliette Binoche thủ diễn), dù Eugénie hầu như chẳng nói gì. Sự nhịp nhàng ở đây chính là khoái cảm thẩm mỹ mà bộ phim muốn đem đến cho chúng ta – nó không chỉ là sự nhịp nhàng trong sự phối hợp công việc mà đến từ sự đồng điệu, sự thấu hiểu, sự tri âm, chẳng cần phải nói thành lời.

Dodin được ngợi ca là một Napoleon của nghệ thuật ẩm thực, một ông hoàng, nhưng chưa ai gọi ông là một “nhà thơ.” Nhưng ở một mức độ nào đó, cả Dodin và Eugenie đều làm thơ trên các món ăn của mình – nếu hiểu gốc của thơ là nhịp, là sự nâng niu đối với chất liệu. Với Dodin, ẩm thực – thứ tưởng như  thỏa mãn cái nhu cầu vật chất trần thế nhất của con người – đều có thể trở nên đẹp, ngay kể cả trong động thái tưởng như phàm tục nhất như nhai nuốt. Sự duy mỹ có thể xem như là tôn giáo của các nhân vật trong phim Trần Anh Hùng và của chính đạo diễn này.

The Taste of Things thường được phân loại là phim romance, bởi từ món ăn, ta mới hiểu mối quan hệ của hai nhân vật. Một mối quan hệ “lạ thường”: họ yêu nhau, họ ở bên nhau nhiều hơn cả các cặp đôi khác, họ có sự đồng điệu cao độ. Nhưng Eugenie luôn tìm cách từ chối đề nghị kết hôn của Dodin. Tại sao phải thành “chồng”, thành “vợ”, phải đưa nhau vào những quan hệ hợp thức như thế để làm gì? Tại sao không cứ mãi thế này, nằm ngoài những ràng buộc mang tính xã hội? Trong những cách tiếp cận gắn với các lý thuyết đương đại, người ta có thể phê bình nhãn quan “male gaze” của Trần Anh Hùng, màu sắc thực dân trong phim của ông, thứ dễ bị che đậy bởi chủ nghĩa duy mỹ.  The Taste of Things thoạt đầu khiến tôi nghĩ tới Phantom Thread của Paul Thomas Anderson, một bộ phim cũng xoay quanh một người đàn ông duy mỹ đến độc đoán. Nhưng thật ra, hai phim quá khác nhau trong cách xây dựng nhân vật. Reynolds – nhà tạo mẫu thập niên 1950 trong phim của Anderson – chính là mẫu hình nam tính độc hại và Alma – nhân vật nữ chính trong phim – vừa yêu ông nhưng cũng vì thế vừa phải cho ông ăn nấm độc. Trong The Taste of Things, Eugenie có sự tự chủ, nàng bình thản, điềm tĩnh trong mọi lựa chọn của mình, ngay cả trong việc nàng luôn ăn ở trong bếp chứ không ăn cùng Dodin và các thực khách được mời đến nhà. Sự tự chủ này khiến nàng khác với cả các nhân vật nữ trong Eternity, vốn chủ yếu được miêu tả qua việc sinh nở, và do đó, không có tính tự chủ cao.

Và vì thế, ở câu thoại cuối cùng trong phim, khi Eugenie hỏi Dodin, rằng anh muốn em là gì, là vợ hay người đầu bếp của anh? Thoáng ngập ngừng, rồi Dodin đáp: Là người đầu bếp. Đừng vội quy Dodin vào loại đàn ông gia trưởng, thích sự phục tùng giống như Reynolds trong Phantom Thread. Với tôi, đấy chính là câu trả lời cho thấy họ hiểu con người không nhất thiết phải ràng buộc với nhau trong quan hệ gia đình, trao nhau danh phận cùng những buộc ràng. Ta ở bên nhau trong sự tri âm, sự đồng cảm trong công việc, trong trí tuệ. Chẳng phải trong The Imitation Game, nhân vật nữ đã từng muốn mình và Alan Turing gắn bó với nhau chỉ bằng sự đồng điệu với nhau, không cần phải theo quan hệ gia đình theo những hình dung, chuẩn mực thông thường đó sao?

The Taste of Things, quả thật, là một chuyện tình. Gọi nó là một thứ tình yêu kiểu Platon cũng không đúng vì giữa hai nhân vật có những quan hệ dục cảm, dù có thể dễ thấy, những chi tiết dục cảm này được tiết chế, tỉnh lược cao độ. Nhưng tình yêu là gì nếu nó không phải vừa là sự gắn kết, vừa là sự trao nhau tự do và hơn hết, nó là sự giao cảm tuyệt vời về tinh thần? Phim Trần Anh Hùng lãng mạn chính theo cái nghĩa nó làm chúng ta cứ băn khoăn, mối tình kiểu trong phim có phải chỉ là chuyện không tưởng. Nhưng thật ra thì Trần Anh Hùng và Trần Nữ Yên Khê chẳng phải chính là một hình mẫu sống như những nhân vật trong phim hay sao?

Trần Anh Hùng không phải luôn là người gặt hái thành công trong tất cả các phim ông đã làm. Nhưng ông là người thú vị nhất trong lứa các đạo diễn gốc Việt. Bởi phim của ông đi ra khỏi những câu chuyện hay làm người ta nghĩ đến về một người gốc Việt làm phim. Sự kiên định của chủ nghĩa duy mỹ trong phim của ông thật ra luôn là thứ làm khó những người hay dùng những lăng kính lý thuyết để phân tích. Thay vào đó, ông cho phép ta tận hưởng những khoái cảm điện ảnh mà không bao giờ chúng ta có thể diễn tả tốt bằng ngôn ngữ thông thường được. Và hãy biết tận hưởng.

Mary Oliver – Hai bài thơ dịch khai bút

Khác với những năm trước, năm nay tôi khai bút bằng việc dịch hai bài thơ của nhà thơ nữ người Mỹ Mary Oliver (1935-2019). Khởi đầu niềm hứng thú của tôi với dịch thuật chính là dịch văn chương hư cấu và thơ ca, dù tôi đã bỏ nó lại sau một thời gian dài. Rốt cục, học thuật có thể thỏa mãn lý trí của tôi nhưng chỉ văn chương mới làm tôi có những ngạc nhiên. Và bởi còn ngạc nhiên ấy, tôi tin mình không dễ từ bỏ đời sống, dù lý trí thường phân tích một cách sáng rõ rằng đời sống thật ra khó sống và nhiều khi không đáng sống.

Mary Oliver là nhà thơ dạy tôi về niềm vui sống. Ở Việt Nam, đã có nhiều người dịch thơ của bà. Tôi vẫn ngại dịch những gì người khác đã dịch, nhất là lâu rồi sự mẫn cảm của tôi với ngôn ngữ và hình ảnh trong thơ đã phần nào mai một. Nhưng tôi xin dịch hai bài thơ này, trước hết, như là sự thể hiện lời hứa đối với vài hoc trò của tôi, những người đã từng nghe tôi dịch miệng thơ Mary Oliver khi tôi dạy về giá trị thẩm mỹ của đời sống và văn chương. Cảm ơn các em vì điều này. Tôi có thể dạy không có gì đặc biệt và sâu sắc nhưng tôi tin những tác phẩm tôi nhắc tới sẽ gợi mở cho các em nhiều điều hơn những gì tôi có thể truyền đạt.

*

LỜI MỜI

Này anh, anh có thời gian

        để nấn ná

              chỉ một chút thôi

                     ra khỏi bao bận rộn

và một ngày rất quan trọng

      khi lũ sẻ vàng

            hợp đàn

                    giữa cánh đồng hoa kế

cho một cuộc đối đầu âm nhạc

      để xem ai có thể hát

               nốt cao nhất

                     hay nốt thấp nhất

ai diễn tả tưng bừng nhất nỗi vui

            hay dịu dàng nhất?

                     những chiếc mỏ khỏe khoắn, thô kệch của chúng

                            hớp không khí

khi chúng đang cố

        tạo nên sự du dương

                 không phải vì bạn

                            chẳng phải cho tôi

và chẳng phải cho mục đích thắng thua

         mà chỉ cho nỗi hoan lạc đơn thuần và lòng hàm ơn đời sống

                     tin bọn tôi đi, chúng nói,

                               đây là một điều quan trọng

chỉ cần sống thôi

      giữa buổi sáng tinh khôi

              trong thế giới này đổ nát

                        Tôi xin anh đấy,

đừng chỉ lướt qua

          mà không dừng lại

                  và lắng nghe

                        một màn diễn khá buồn cười như thế

Nó có thể mang ý nghĩa nào đó

       Nó có thể mang mọi ý nghĩa

               Nó có thể chính là điều Rilke đã nhắn khi ông viết

                    Anh phải thay đổi cuộc đời anh.

Nguồn: Mary Oliver, “Invitation”, in trong Devotions- The Selected Poems of Mary Oliver, Penguins Book, 2020.

NHỮNG BÔNG HỒNG

Suốt buổi chiều, tôi đã đi qua những đụn cát, hối hả từ bụi hồng cánh nhăn, mặn mòi này đến bụi hồng khác, nghiêng xuống những cánh hoa sẫm hoặc nhợt màu, đỏ như máu hay trắng như tuyết. Và giờ đây tôi bắt đầu thở từ từ, đều đều – cách một con thú bị săn đuổi, cuối cùng, cũng thở được sau khi đã phi nước đại hùng hục, hùng hục – sức đã kiệt nhưng dù sao cũng đã cách xa những kẻ săn đuổi, nỗi hoảng sợ được nhấc khỏi ngực, khỏi đôi chân phi thường và tâm trí rỗng không.

Ôi, nỗi dịu dàng thuần khiết và giản đơn, tôi có thể hòa vào được chứ?

Tôi nằm xuống cạnh những bông hồng trên cát. Nhưng để kể lại những gì xảy ra sau đó, tôi thật sự cần giúp đỡ.

Có ai, hay có gì sẵn lòng hát một điệu hay không?

Nguồn: Mary Oliver, “Roses”, in trong Devotions- The Selected Poems of Mary Oliver, Penguins Book, 2020.

Costica Bradatan – Trong tay của kẻ làm mọi thứ đảo điên (Về Simone Weil [1909-1943])

…Đời sống, tuy nhiên, luôn có thói quen là làm lắng mọi thứ xuống, đưa chúng vào các khuôn thức. Thậm chí đến cả những hành động bộc phát và sáng tạo nhất của chúng ta cuối cùng cũng có thể biến thành thói thường. Những dòng nham thạch nóng nhất, lỏng nhất rồi cũng thành đá. Điều ấy vừa không tránh được mà cũng vừa tốt nữa. Chúng ta sẽ chẳng đi được đến đâu nếu như không hình thành các thói quen, các thường lệ, những thứ giúp chúng ta định hướng những cố gắng của mình tốt hơn, khiến sự nếm trải thế giới của chúng ta bớt khó khăn hơn một chút. Song nếu có quá nhiều thói quen trong đời sống của chúng ta và có quá ít những thứ khuấy đảo chúng ta, rốt cục chúng ta rồi sẽ chết ở bên trong. Và cái chết ngay khi còn sống là hình thức chết tồi tệ nhất vì nó có khía cạnh quái đản: đó là tình trạng không phải sống mà cũng chưa phải chết. Một đời sống hiện sinh được dẫn dắt và biến thành thói quen quá nhiều không những khốn cùng mà còn cực kỳ tồi tệ. Bạn không sống một đời sống như thế, bạn để nó dẫn dắt, đến chỗ không đâu.

Đó là lý do tại sao chúng ta lại rất cần có một người như Simone Weil. Người ấy không dạy chúng ta nhiều về cách thoát khỏi đời sống (sự biến mất của Weil là một hành động độc đáo, chỉ riêng bà làm được), nhưng lại dạy chúng ta cách làm thế nào để sống tốt – trên phương diện tinh thần: nghĩa là, người ấy chỉ ta cách làm thế nào để phá vỡ các khuôn thức chết cứng mà cuộc sống này không ngừng muốn ràng buộc ta vào. Chúng ta cần Weil để cho ta biết cách giữ sự mẫn tiệp của tâm hồn bằng việc hướng đến một đời sống nhiều thách thức hơn là một đời sống dễ chịu- bằng việc dám liều lĩnh, dám thực hiện những bước nhảy trong niềm tin, dám dấn những bước đi mạo hiểm hơn là đặt mình yên vị trong những thói quen đem đến nhiều thoải mái. Bà nghiệt ngã với chính bà, và chúng ta cũng nên ứng xử với bản thân như thế nếu muốn có những bước tiến về tinh thần. Một sự nghiệt ngã như thế không là gì khác hơn một hình thức bậc cao của sự tử tế.

Weil chính là kẻ vĩ đại làm mọi thứ đảo điên theo truyền thống của Augustine, Pascal, Kierkegaard, Nietzsche và Cioran. Câu chuyện của bà minh họa cho một triết lý cổ xưa mà chúng ta dường như đã lãng quên:  để cứu rỗi đời mình, chúng ta lúc nào cũng phải sẵn sàng, trong bất kỳ khoảnh khắc nào, từ giã nó. Đối mặt với vực thẳm, nhìn thẳng vào nó và xử sự như thể đây là thứ tự nhiên nhất trong thế giới này. Chính xác là trong những thời khắc như thế, trong tâm thế sẵn sàng như thế và nhờ vào sự khiêm hạ hoàn toàn mà nó khơi dậy, bạn đang ở đỉnh cao nhất của sự sống…

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Costica Bradatan, In Praise of Failure – Four Lessons in Humility, Harvard University Press, 2023, trang 54-5.

Dương Luyện – Đi tìm cái ác

Lời tựa của tác giả: Nền tảng của bài thơ này là hai sự kiện quan trọng trong năm 2022: đầu tiên là cuộc chiến Ukraine; thứ hai là vụ việc người phụ nữ bị xiềng ở Trung Hoa. Chị là một nô lệ tình dục, bị bắt cóc và buôn bán bởi những tay buôn người đến huyện Phong, Tô Châu, tỉnh Giang Tô. Khi được tìm thấy, lưỡi của chị đã bị cắt, răng của chị đã bị rút hết, vòng quanh cổ chị là một sợi xích sắt: tình trạng tâm lý và khả năng cất tiếng nói của chị đã bị tàn phá nghiêm trọng cùng với nhiều di chứng tất nguyền nặng nề; chị cũng đã bị hiếp dâm và đã sinh ra tám đứa con như là hệ quả của cách đối xử “theo truyền thống” của những người nông dân đã mua chị về để sử dụng. Vụ việc này đã khiến từ “Mẹ” trở thành từ bẩn thỉu nhất trong từ vựng Trung Hoa. Sau khi vụ việc được phơi bày trên internet, nó đã khuấy động một làn sóng căm phẫn với hàng triệu lượt chia sẻ, tương tác và bình luận liên tục, cũng như nổi lên sự phê phán gay gắn đối với truyền thông chính thống và hệ thống luật pháp đã tìm cách che đậy sự băng hoại ghê tởm ở góc khuất xã hội này. Kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn vào năm 1989 tại Bắc Kinh, lần đầu tiên người Trung Hoa đã bùng phát một phong trào thể hiện sự khai sáng về tinh thần trên quy mô rộng lớn. Tôi đã gọi đây là một “Thiên An Môn trên phố ngang”.

Lời người dịch: Đã lâu rồi tôi không dịch thơ, bởi tôi nghĩ mình đã mất nhiều sự nhạy cảm với ngôn ngữ văn chương. Cách đây hơn 10 ngày, tôi đi nghe một buổi thuyết trình về văn học lưu vong và được nghe tham luận của tác giả Nguyễn Thị Thúy Hạnh (Viện Văn học) về Dương Luyện (1955), nhà thơ lưu vong Trung Hoa. Trước đó, tôi đã đọc ông nhưng quả thật giữa ông với tôi vẫn cứ có một khoảng cách nào đó, khiến ông không đọng lại nhiều trong tâm trí tôi như Cố Thành hay Bắc Đảo, những gương mặt thơ ca cũng nổi lên từ Trường phái Mông Lung ở Trung Hoa từ đầu thập niên 1980, một trường phái đã mở đường để thơ ca đương đại Trung Hoa có những đột phá ngoạn mục. Nhưng lần này thì tôi xúc động khi nghe bạn Hạnh nói về ông. Tôi đã ngồi tìm thơ của ông và ngay lập tức thấy được bài thơ này, gần như chỉ đăng cách ngày diễn ra tọa đàm trước đó một chút.

Bài thơ làm tôi gai người trước hết bởi bối cảnh của nó. Rồi sau nữa là những câu thơ thành thật đến phũ phàng. Nó làm tôi phải nghĩ rất nhiều về cách thơ ca lên tiếng trước những nỗi đau của con người. Có thể làm một bài thơ bằng một ngôn ngữ đại chúng hơn, cổ động hơn, giận dữ hơn. Nhưng tại sao Dương Luyện vẫn lựa chọn một lối viết vặn xoắn, mông lung. Tôi nghĩ, dù gì đi nữa, thơ thức tỉnh con người không phải bằng cách ru người ta vào cảm xúc miên man như thời kỳ lãng mạn, cũng không phải bằng cách lớn tiếng bày tỏ những bức xúc – cái gì càng nói to thì dư vang của nó lại càng ngắn (nghệ thuật là vậy). Bởi chúng ta đã luôn sống như vậy – tự lừa mình rằng thế giới đang ổn, mọi thứ vẫn trong sáng tinh khôi, như tuyết, như hoa đào, an yên, nhẹ nhõm đi mà sống, thơ phải làm sao để chúng ta can đảm dứt khỏi ảo tưởng về sự miễn trừ trách nhiệm đối với thế giới này, để tự thú, để xưng tội và còn để làm cái gì đó, bắt đầu từ nỗi ăn năn ấy.

Trong thế giới nơi vẫn còn nỗi đau kinh khiếp này, nghệ thuật lớn luôn là thứ người ta ngại chạm vào. Bởi chạm vào là gai người lên như sốt. Thơ ca nói bằng cách buộc người ta phải đọc chậm để nghĩ, để thấy mình trong đó, để thấy những cái đèm đẹp của đời này đồng lõa với cái ác như thế nào…

Tôi hoàn toàn không tự tin vào bản dịch này. Nhưng tôi muốn dịch bài thơ, vì đây là cách để tôi tự phá băng trạng thái block writing đã giam hãm tôi quá lâu.

Và tôi thật sự chờ đợi những bản dịch tốt hơn.

*

tuyết trắng cũng có thể là một cỗ máy địa ngục

để nghiền nát        một cuộc đời phải chết đi chết lại

một cái chết phóng thích quá nhiều bóng ma

nước mắt Pushkin

của Tsvetaeva

rớt đẫm trên vai những pho tượng đồng    lạnh lẽo

những vần thơ bé mọn của hư vô     bị kéo lê

qua những trái tim dựng lên như những vỏ sò rỗng

một bài thơ có thể         (có thể chỉ là)         nấm mồ tập thể của thơ ca

vùi đớn đau sâu đến nỗi chẳng nhìn được ra để khóc

cũng một sớm đầu xuân cách đây mười vạn dặm

một thảm họa      bị đóng đanh vào xương đòn

một thảm họa khác chết chìm        máu thịt tái sinh

tái sinh vào lãng quên      quá nhiều bóng ma

tiếp tục lồm ngồm bò lên khỏi những huyệt mộ rỗng không để phục sinh

những phế tích bất động biến thành những tiếng lạo xạo từ miệng chúng

làm chúng ta đã nghĩ nhầm rằng

một thời đại tuyệt vọng là cái gì mới mẻ

tại sao con đường bùn lầy tù đọng này đi mãi không hết?

tại sao cánh rừng thông xanh xám này     cái nhìn băng giá

chỉ đọng lại ý nghĩa bốc mùi y hệt như vầng mặt trời tái nhợt

những Katya    Natasha   yêu kiều    những mảnh bom ốp vào ngực họ

như những cây nấm đỏ máu vừa mới được hái về

có phải đây là cuộc hồi hương tất cả chúng ta đều ngóng đợi?

một con chim vụt bay lên từ quê nhà của người nào đó

liệu nó có quyền hiện hữu trong giấc mơ của ta?

những đầu lâu với hốc mắt lớn nhìn chằm chằm vào con phố bị rải bom

chỉ một câu hỏi thôi      tại sao hủy diệt mọi thứ này?

còn bao lâu nữa để leo xuống hết chiếc thang này      cho đến khi nó chạm vào

sự hãi hùng của con trẻ         một khoảng chân không như hậu quả một vụ nổ hạt nhân

lơ lửng neo sâu trong trái tim             thế giới có thể bị bịt mắt bởi lửa từ lâu đến vậy sao?

đường hầm ấy trong cơ thể một người mẹ

dẫn đến xích xiềng          dẫn đến dối trá

một cây đại dương cầm khổng lồ bị đập vỡ thành từng mảnh mỗi ngày

những ngọn sóng đại dương vỗ vào     người bất chấp những cơn rùng mình trong gió

mẹ         cái từ khiêm hạ nhất       cái từ bẩn thỉu nhất

dẫn đến những vệt máu khô sẫm lại thành lớp dày

và một buổi sáng chết lặng khác

nhìn thấy người mẹ ấy bị khóa chặt vào thứ tiếng mẹ đẻ bị băm vằm

nhìn thấy chính chúng ta bị khóa chặt trong hầm trú bom của nỗi hổ thẹn

cũng những chiếc áo tả tơi lăn lóc trên nền đất      cạo sạch những ảo tưởng của con người

từ đường hầm trong cơ thể người mẹ ấy mà ta thấy một con đường được canh chừng nghiêm ngặt

một con đường được đào vào chính cơ thể chúng ta      những xác chết chồng lên xác chết

rỗng không mãi mãi     ồ này lắng nghe      tiếng gió than van vốn không có lịch sử nào

một giống loài không thể cứu được các bà mẹ

giống loài ấy thậm chí còn chẳng đáng có ngày tận thế

nhưng thật sự đây là ngày tận thế

một con giòi mang không biết bao nhiêu sắc xám      những cái tên queo quắt

trên mỗi hòn đá ngồi xổm những bầy ma tị nạn

đây là mùa xuân          những tin tức đẫm máu tồi tệ nhất còn trổ nhanh hơn lá non

máu lấp máu lấp máu      bề mặt khô cằn của đời sống chúng ta

cũng gần như thể các hư cấu      một mất mát ngay trước mắt chúng ta

những bóng ma của quê nhà phát tán và tan biến còn nhanh hơn cả những đôi mắt ứa nước

cái âm hộ đã bị chơi đến nát bươm của một bà mẹ        vẫn phải tiếp tục là đồ chơi

vẽ quỹ đạo của một hành tinh nơi giữa cái chết và cái chết không có khoảng cách

một tháng Ba chưa bao giờ đi qua hỏi                thật sự có chăng một con đường quay lại?

khuôn mặt mùa xuân bỏ lại phía sau một thứ bùa mê nào đó     được vuốt sáng lên sáng lên như một biểu tượng dối lừa

một tội ác             không thể nhớ khởi đầu mà chỉ nhớ trọng lượng của những chiếc bóng

không điền tên bất cứ ai trong khu tử tù mà chỉ những lỗ đạn mang hình thù người

nó dừng lại trước một người nằm ngủ bị bỏ lại trên một con đường hoang vắng

bàn tay lem luốc trên nút bấm đỏ mân mê nhị hoa hủy hoại

vân vê cuộc chuyện trò quanh bàn ăn buổi tối     bát đĩa lanh canh nghe mới thật vui tai

những chiếc lưỡi như tử thi liếm lấy những ngọn lửa nướng trẻ con thành than

sự nhát cáy đầy hương vị             chính nó đã bảo vệ tấm thân ta

làm cho nó được thanh tẩy lặng lẽ và mềm mại          nó bảo vệ sự im lặng của ta

bóp mạnh phổi ta       bảo vệ một cuộc đời cứ mỗi giây lại rỉ ra

nó chẳng là gì cả     mà chính là tội ác

nhìn chằm chằm vào sự điên rồ của một cành hoa đào                 giống như sự điên rồ

được tạo nên bởi những ngón tay     Tháng Ba sụp đổ       Tháng Ba đẫm mồ hôi

nhìn thấy chúng ta bị trói buộc vào chiếc giường của một bóng ma       rơi xuống còn xa hơn cả những bóng ma rơi xuống

chốn không-ở-đâu cả      không từ ngữ nào trâng tráo hơn sự ngây thơ

không bàn tay nhỏ nào chới với từ lòng đất chưa từng vấy mùi cơ thể tôi

không một dây rốn bằng thép nào lại chưa từng kéo ra cả một dòng sông những than xương

nó không biết đến một tương lai nào khác ngoài sự biến mất của chính nó

biến mất trong cái nhìn kinh ngạc của một cành đào nở hoa

cái đẹp trùng trùng cái đẹp          những lòng bàn tay hằn dầu cửa sổ những toa tàu vĩnh biệt

một tiếng còi thổi bay mọi thứ

đây là một bài thơ không thể viết        một bài thơ bất khả

không có ai trong bài thơ này               tất cả những gì còn lại là mọi người

đối diện với tấm gương tội ác         tấm gương của sự độc tàn

Nước mắt của Lý Thương Ẩn nào liên quan gì đến chúng ta

ai là kẻ giả mạo của ai              ảo ảnh nguyền rủa trong gương

nhận ra chỉ sự phân chia là thật       bị đập vỡ trên đá ngầm

được vá víu trong sương dày    những âm vọng yếu ớt

được chùi sạch bong không biết bao lần                  từ tuyết trắng đến hoa đào        nghe

thơ ngâm mà không thấy tiếng lòng         một lịch sử trồi lên từ một vỏ sò rỗng

bước ra khỏi chính mình như chẳng hề hấn gì

chúng ta đã luôn sống như thế đó thôi

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Yang Lian, “Searching for Evil”, bản dịch tiếng Anh của Brian Holton, https://themarkaz.org/yang-lian/?fbclid=IwAR3NxIF_k9Mj1g3_1GnGl5ybSBsqSGZzvuioawgmZ13quQZOqwiOpKbI420