Dương Luyện – Đi tìm cái ác

Lời tựa của tác giả: Nền tảng của bài thơ này là hai sự kiện quan trọng trong năm 2022: đầu tiên là cuộc chiến Ukraine; thứ hai là vụ việc người phụ nữ bị xiềng ở Trung Hoa. Chị là một nô lệ tình dục, bị bắt cóc và buôn bán bởi những tay buôn người đến huyện Phong, Tô Châu, tỉnh Giang Tô. Khi được tìm thấy, lưỡi của chị đã bị cắt, răng của chị đã bị rút hết, vòng quanh cổ chị là một sợi xích sắt: tình trạng tâm lý và khả năng cất tiếng nói của chị đã bị tàn phá nghiêm trọng cùng với nhiều di chứng tất nguyền nặng nề; chị cũng đã bị hiếp dâm và đã sinh ra tám đứa con như là hệ quả của cách đối xử “theo truyền thống” của những người nông dân đã mua chị về để sử dụng. Vụ việc này đã khiến từ “Mẹ” trở thành từ bẩn thỉu nhất trong từ vựng Trung Hoa. Sau khi vụ việc được phơi bày trên internet, nó đã khuấy động một làn sóng căm phẫn với hàng triệu lượt chia sẻ, tương tác và bình luận liên tục, cũng như nổi lên sự phê phán gay gắn đối với truyền thông chính thống và hệ thống luật pháp đã tìm cách che đậy sự băng hoại ghê tởm ở góc khuất xã hội này. Kể từ vụ thảm sát Thiên An Môn vào năm 1989 tại Bắc Kinh, lần đầu tiên người Trung Hoa đã bùng phát một phong trào thể hiện sự khai sáng về tinh thần trên quy mô rộng lớn. Tôi đã gọi đây là một “Thiên An Môn trên phố ngang”.

Lời người dịch: Đã lâu rồi tôi không dịch thơ, bởi tôi nghĩ mình đã mất nhiều sự nhạy cảm với ngôn ngữ văn chương. Cách đây hơn 10 ngày, tôi đi nghe một buổi thuyết trình về văn học lưu vong và được nghe tham luận của tác giả Nguyễn Thị Thúy Hạnh (Viện Văn học) về Dương Luyện (1955), nhà thơ lưu vong Trung Hoa. Trước đó, tôi đã đọc ông nhưng quả thật giữa ông với tôi vẫn cứ có một khoảng cách nào đó, khiến ông không đọng lại nhiều trong tâm trí tôi như Cố Thành hay Bắc Đảo, những gương mặt thơ ca cũng nổi lên từ Trường phái Mông Lung ở Trung Hoa từ đầu thập niên 1980, một trường phái đã mở đường để thơ ca đương đại Trung Hoa có những đột phá ngoạn mục. Nhưng lần này thì tôi xúc động khi nghe bạn Hạnh nói về ông. Tôi đã ngồi tìm thơ của ông và ngay lập tức thấy được bài thơ này, gần như chỉ đăng cách ngày diễn ra tọa đàm trước đó một chút.

Bài thơ làm tôi gai người trước hết bởi bối cảnh của nó. Rồi sau nữa là những câu thơ thành thật đến phũ phàng. Nó làm tôi phải nghĩ rất nhiều về cách thơ ca lên tiếng trước những nỗi đau của con người. Có thể làm một bài thơ bằng một ngôn ngữ đại chúng hơn, cổ động hơn, giận dữ hơn. Nhưng tại sao Dương Luyện vẫn lựa chọn một lối viết vặn xoắn, mông lung. Tôi nghĩ, dù gì đi nữa, thơ thức tỉnh con người không phải bằng cách ru người ta vào cảm xúc miên man như thời kỳ lãng mạn, cũng không phải bằng cách lớn tiếng bày tỏ những bức xúc – cái gì càng nói to thì dư vang của nó lại càng ngắn (nghệ thuật là vậy). Bởi chúng ta đã luôn sống như vậy – tự lừa mình rằng thế giới đang ổn, mọi thứ vẫn trong sáng tinh khôi, như tuyết, như hoa đào, an yên, nhẹ nhõm đi mà sống, thơ phải làm sao để chúng ta can đảm dứt khỏi ảo tưởng về sự miễn trừ trách nhiệm đối với thế giới này, để tự thú, để xưng tội và còn để làm cái gì đó, bắt đầu từ nỗi ăn năn ấy.

Trong thế giới nơi vẫn còn nỗi đau kinh khiếp này, nghệ thuật lớn luôn là thứ người ta ngại chạm vào. Bởi chạm vào là gai người lên như sốt. Thơ ca nói bằng cách buộc người ta phải đọc chậm để nghĩ, để thấy mình trong đó, để thấy những cái đèm đẹp của đời này đồng lõa với cái ác như thế nào…

Tôi hoàn toàn không tự tin vào bản dịch này. Nhưng tôi muốn dịch bài thơ, vì đây là cách để tôi tự phá băng trạng thái block writing đã giam hãm tôi quá lâu.

Và tôi thật sự chờ đợi những bản dịch tốt hơn.

*

tuyết trắng cũng có thể là một cỗ máy địa ngục

để nghiền nát        một cuộc đời phải chết đi chết lại

một cái chết phóng thích quá nhiều bóng ma

nước mắt Pushkin

của Tsvetaeva

rớt đẫm trên vai những pho tượng đồng    lạnh lẽo

những vần thơ bé mọn của hư vô     bị kéo lê

qua những trái tim dựng lên như những vỏ sò rỗng

một bài thơ có thể         (có thể chỉ là)         nấm mồ tập thể của thơ ca

vùi đớn đau sâu đến nỗi chẳng nhìn được ra để khóc

cũng một sớm đầu xuân cách đây mười vạn dặm

một thảm họa      bị đóng đanh vào xương đòn

một thảm họa khác chết chìm        máu thịt tái sinh

tái sinh vào lãng quên      quá nhiều bóng ma

tiếp tục lồm ngồm bò lên khỏi những huyệt mộ rỗng không để phục sinh

những phế tích bất động biến thành những tiếng lạo xạo từ miệng chúng

làm chúng ta đã nghĩ nhầm rằng

một thời đại tuyệt vọng là cái gì mới mẻ

tại sao con đường bùn lầy tù đọng này đi mãi không hết?

tại sao cánh rừng thông xanh xám này     cái nhìn băng giá

chỉ đọng lại ý nghĩa bốc mùi y hệt như vầng mặt trời tái nhợt

những Katya    Natasha   yêu kiều    những mảnh bom ốp vào ngực họ

như những cây nấm đỏ máu vừa mới được hái về

có phải đây là cuộc hồi hương tất cả chúng ta đều ngóng đợi?

một con chim vụt bay lên từ quê nhà của người nào đó

liệu nó có quyền hiện hữu trong giấc mơ của ta?

những đầu lâu với hốc mắt lớn nhìn chằm chằm vào con phố bị rải bom

chỉ một câu hỏi thôi      tại sao hủy diệt mọi thứ này?

còn bao lâu nữa để leo xuống hết chiếc thang này      cho đến khi nó chạm vào

sự hãi hùng của con trẻ         một khoảng chân không như hậu quả một vụ nổ hạt nhân

lơ lửng neo sâu trong trái tim             thế giới có thể bị bịt mắt bởi lửa từ lâu đến vậy sao?

đường hầm ấy trong cơ thể một người mẹ

dẫn đến xích xiềng          dẫn đến dối trá

một cây đại dương cầm khổng lồ bị đập vỡ thành từng mảnh mỗi ngày

những ngọn sóng đại dương vỗ vào     người bất chấp những cơn rùng mình trong gió

mẹ         cái từ khiêm hạ nhất       cái từ bẩn thỉu nhất

dẫn đến những vệt máu khô sẫm lại thành lớp dày

và một buổi sáng chết lặng khác

nhìn thấy người mẹ ấy bị khóa chặt vào thứ tiếng mẹ đẻ bị băm vằm

nhìn thấy chính chúng ta bị khóa chặt trong hầm trú bom của nỗi hổ thẹn

cũng những chiếc áo tả tơi lăn lóc trên nền đất      cạo sạch những ảo tưởng của con người

từ đường hầm trong cơ thể người mẹ ấy mà ta thấy một con đường được canh chừng nghiêm ngặt

một con đường được đào vào chính cơ thể chúng ta      những xác chết chồng lên xác chết

rỗng không mãi mãi     ồ này lắng nghe      tiếng gió than van vốn không có lịch sử nào

một giống loài không thể cứu được các bà mẹ

giống loài ấy thậm chí còn chẳng đáng có ngày tận thế

nhưng thật sự đây là ngày tận thế

một con giòi mang không biết bao nhiêu sắc xám      những cái tên queo quắt

trên mỗi hòn đá ngồi xổm những bầy ma tị nạn

đây là mùa xuân          những tin tức đẫm máu tồi tệ nhất còn trổ nhanh hơn lá non

máu lấp máu lấp máu      bề mặt khô cằn của đời sống chúng ta

cũng gần như thể các hư cấu      một mất mát ngay trước mắt chúng ta

những bóng ma của quê nhà phát tán và tan biến còn nhanh hơn cả những đôi mắt ứa nước

cái âm hộ đã bị chơi đến nát bươm của một bà mẹ        vẫn phải tiếp tục là đồ chơi

vẽ quỹ đạo của một hành tinh nơi giữa cái chết và cái chết không có khoảng cách

một tháng Ba chưa bao giờ đi qua hỏi                thật sự có chăng một con đường quay lại?

khuôn mặt mùa xuân bỏ lại phía sau một thứ bùa mê nào đó     được vuốt sáng lên sáng lên như một biểu tượng dối lừa

một tội ác             không thể nhớ khởi đầu mà chỉ nhớ trọng lượng của những chiếc bóng

không điền tên bất cứ ai trong khu tử tù mà chỉ những lỗ đạn mang hình thù người

nó dừng lại trước một người nằm ngủ bị bỏ lại trên một con đường hoang vắng

bàn tay lem luốc trên nút bấm đỏ mân mê nhị hoa hủy hoại

vân vê cuộc chuyện trò quanh bàn ăn buổi tối     bát đĩa lanh canh nghe mới thật vui tai

những chiếc lưỡi như tử thi liếm lấy những ngọn lửa nướng trẻ con thành than

sự nhát cáy đầy hương vị             chính nó đã bảo vệ tấm thân ta

làm cho nó được thanh tẩy lặng lẽ và mềm mại          nó bảo vệ sự im lặng của ta

bóp mạnh phổi ta       bảo vệ một cuộc đời cứ mỗi giây lại rỉ ra

nó chẳng là gì cả     mà chính là tội ác

nhìn chằm chằm vào sự điên rồ của một cành hoa đào                 giống như sự điên rồ

được tạo nên bởi những ngón tay     Tháng Ba sụp đổ       Tháng Ba đẫm mồ hôi

nhìn thấy chúng ta bị trói buộc vào chiếc giường của một bóng ma       rơi xuống còn xa hơn cả những bóng ma rơi xuống

chốn không-ở-đâu cả      không từ ngữ nào trâng tráo hơn sự ngây thơ

không bàn tay nhỏ nào chới với từ lòng đất chưa từng vấy mùi cơ thể tôi

không một dây rốn bằng thép nào lại chưa từng kéo ra cả một dòng sông những than xương

nó không biết đến một tương lai nào khác ngoài sự biến mất của chính nó

biến mất trong cái nhìn kinh ngạc của một cành đào nở hoa

cái đẹp trùng trùng cái đẹp          những lòng bàn tay hằn dầu cửa sổ những toa tàu vĩnh biệt

một tiếng còi thổi bay mọi thứ

đây là một bài thơ không thể viết        một bài thơ bất khả

không có ai trong bài thơ này               tất cả những gì còn lại là mọi người

đối diện với tấm gương tội ác         tấm gương của sự độc tàn

Nước mắt của Lý Thương Ẩn nào liên quan gì đến chúng ta

ai là kẻ giả mạo của ai              ảo ảnh nguyền rủa trong gương

nhận ra chỉ sự phân chia là thật       bị đập vỡ trên đá ngầm

được vá víu trong sương dày    những âm vọng yếu ớt

được chùi sạch bong không biết bao lần                  từ tuyết trắng đến hoa đào        nghe

thơ ngâm mà không thấy tiếng lòng         một lịch sử trồi lên từ một vỏ sò rỗng

bước ra khỏi chính mình như chẳng hề hấn gì

chúng ta đã luôn sống như thế đó thôi

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Yang Lian, “Searching for Evil”, bản dịch tiếng Anh của Brian Holton, https://themarkaz.org/yang-lian/?fbclid=IwAR3NxIF_k9Mj1g3_1GnGl5ybSBsqSGZzvuioawgmZ13quQZOqwiOpKbI420

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s