Đọc “Nhật ký chuyên văn” (Nhiều tác giả Văn Ams 92-95)

1. Tôi muốn bắt đầu từ những trang cuối cùng của cuốn sách, bằng những dòng mà Nguyên – một trong “ba con chim quý” của lớp 12 Văn khóa 92-95 – viết về ông thầy của mình. Nguyên, như những dòng tự bạch, là cậu bé sớm không vừa khuôn với thực tại, không chấp nhận mọi sự chật chội, bưng bít, hay nói như lời của chính ông thầy, “sớm có mầm nổi loạn”.  Không quá lời khi nói rằng cậu bé 15 tuổi ấy đã may mắn khi gặp được một người thầy như thầy Hùng, một người thấy đủ nhạy cảm để sớm nhận ra sự khác biệt của cậu học trò, nhìn thấy những mầm mống nổi loạn ấy không phải như những nhân tố tiêu cực để trấn áp, ngăn ngừa mà trái lại, như những dấu hiệu của tương lai. Một cậu bé như thế, hoặc sẽ rất dễ khủng hoảng tâm lý, dễ bị tổn thương, hoặc ở cực khác, sẽ trở nên vĩ cuồng, ảo tưởng nếu như không có một người đủ tin cậy để chia sẻ, một người có thể điềm tĩnh lắng nghe và cố gắng để hiểu, để cảm thông và khích lệ. Người thầy ở đây đã trở thành một người bạn xuất hiện đúng lúc.

Không hiểu sao, trong trường hợp này, không chỉ cậu học trò thấy may mắn, mà chính cả người thầy có lẽ cũng là người may mắn. Một thời gian tuy chưa thật dài gắn bó với phổ thông, làm công việc dạy văn, tôi cảm thấy một trong những điều thú vị nhất là môn học này giúp tôi nhận ra được những cá tính đặc biệt của học trò. Phải, cái môn học tưởng như đang bị thất thế ở thời điểm mà các giá trị thực dụng trong xã hội áp đảo, nơi hình mẫu của những người thành đạt mới là cái hấp dẫn cả phụ huynh lẫn học sinh thì chính qua môn văn, chính qua những trang sách văn chương, ta mới có thể nhận diện được tâm hồn của những người trẻ tuổi, những cậu bé, cô bé đã không khước từ nổi hồ nghi, băn khoăn, ngờ vực trước những gì đã và đang hiện diện như một đặc trưng tâm lý lứa tuổi. Chỉ ở những bài làm văn, người giáo viên mới phát hiện ra được những người học trò “cá biệt” bởi sớm nhìn ra những khoảng không gian khác bên ngoài những trang sách, những bức tường của gia đình, của trường lớp mà nhiều người cho rằng chúng thực hiện chức năng bảo vệ thay vì che chắn nhận thức cho học trò. Những đứa học trò cá biệt ấy vừa là niềm hạnh phúc của người dạy văn, vì các em luôn có khả năng đưa đến những bất ngờ trong nhận thức, vì các em nhạy cảm hơn, sớm già dặn hơn và do đó có thể chia sẻ phần nào đó thế giới tinh thần của người thầy bên ngoài giờ học, vừa là nỗi lo lắng khi các kỳ thi, với tính chất trường quy, với áp lực của bệnh thành tích, luôn dễ trở thành “nạn nhân” của nền giáo dục đáng kết án này. Không dễ để làm bạn với những học trò như thế, nhưng làm bạn được với họ – cuộc đời của người giáo viên sẽ có nhiều câu chuyện để nhớ lại, để suy nghĩ hơn là những chuỗi công việc lặp lại dễ nhàm của nghề dạy học.

Người dạy văn, may mắn hơn giáo viên những bộ môn khác, là dễ nhìn thấy được tâm hồn của học trò. Nhưng cái khó cũng là ở chỗ đó: bảo vệ, nuôi dưỡng thế giới tâm hồn đó không hề đơn giản. Bởi lẽ đó, trong nhiều câu chuyện về giáo dục, tôi vẫn hay bắt gặp những ký ức buồn của những người học trò về những ông thầy văn đã vô tình hay hữu ý làm tổn thương thế giới tâm hồn của họ. Tôi không biết nói gì với những người đã kết án nền giáo dục nặng nề nhất thông qua hình ảnh của người dạy văn: những người bắt học sinh chép văn mẫu, những người ghi những lời phê vô cảm trông những bài kiểm tra, những người dễ dàng có khả năng nói năng nghiệt ngã với học trò… Tất cả những điều đó là có thật, tôi không bao giờ dám chắc mình chưa từng làm học trò nào thất vọng, tổn thương. Kể cả chưa từng thì tôi cũng không tự tin là mình sẽ không bao giờ phạm vào điều ấy.

2. Nguyên viết về thầy Hùng: “1995, thầy vẫn trong chốn vô minh cùng xã hội. Thầy chỉ có một lỗ nhìn ra ngoài. Như cái lỗ mình đục trên tường nhà. Cái tủ sách văn. Mục trường của cái lỗ ấy nhỏ đến mức không nhìn thấy cái gì rõ nét.  Chỉ là một niềm tin mơ hồ: ngoài kia còn gì đấy nữa. Thầy biết thế, nên thầy biết mình. Và biết coi học trò là bạn…”

Đó là những dòng làm tôi xúc động nhất, thực sự là tôi đã khóc khi đọc những dòng ấy. Khác với nhiều đồng nghiệp thường tự hào về nghề dạy học, từ rất lâu, tôi đã luôn nghĩ cuộc đời của người thầy, về cơ bản, là nhàm chán hơn nhiều so với cuộc đời của những học trò. Chúng tôi sẽ không thể đi xa, đi nhiều hơn những gì mà các em có thể đi. Kiến thức trường học, nhất là thứ văn chương sách giáo khoa này, còn có ích gì cho các em khi vào đời. Người thầy, cùng lắm, nhưng cũng là điều có ý nghĩa hơn hết thảy, chỉ nói được với các em rằng: còn có gì khác nữa, ở ngoài kia, bên kia những gì đang che chắn, bên kia những gì đang bao bọc và trao cho ta một cảm giác an toàn nhưng đồng thời làm chúng ta chỉ biết chịu đựng và cam phận.

Trong ký ức về ông thầy, Nguyên nhớ đến những cuốn sách của Kafka, của Camus, nhớ đến những lời thầy giảng về Bakhtin khi cậu mới 16 tuổi. Kafka, Camus, Bakhtin…không có trong sách giáo khoa, đương nhiên sẽ chẳng bao giờ có trong nội dung thi cử. Những cuốn sách ấy gợi cho ông thầy một cái gì đó thật khác và đồng thời nó đánh thức trong cậu học trò nhạy cảm niềm tò mò và cả niềm tham vọng muốn nhìn thật rõ cái khác đó là gì. Phải, dạy học, nhất là dạy văn, chẳng đem được đến cái gì thực dụng đâu. Nhưng trách nhiệm lớn nhất của dạy văn là gợi ra được ý niệm về cái gì đó khác ở học trò. Người thầy không phải là người hiện hữu trước mắt học trò với những trang phục xa hoa, với những câu chuyện về hạnh phúc gia đình mình như một niềm hãnh diện, hay những câu chuyện đùa vui làm quà. Người thầy chỉ có thể đem đến ý niệm về cái gì đó khác. Tôi lại nhớ đến buổi học cuối cùng kỳ vừa rồi với các em sinh viên K63, cái lớp mà có thể tôi chỉ dạy một kỳ duy nhất, rằng những gì tôi giảng có thể sai, có thể hời hợt, nhưng những cuốn sách tôi đã có lần nói với các bạn, những tác phẩm của Cervantes, Tolstoy, Dostoevski, Kafka, Szymborska… các bạn hãy dành thời gian mà đọc. Để 4 năm sinh viên đi qua, mình còn có vài cuốn sách quý đồng hành. Đừng nhớ nhiều đến những gì thầy cô giảng… Có lẽ nhiều em sẽ chỉ nghĩ tôi hay nói cực đoan và khó hiểu. Nhưng nếu như tôi đã làm được một chút gì trên con đường học hành thì cũng là vì những người thầy dạy tôi đã là những người nói với tôi về những cuốn sách mở ra những khoảng trời khác. Tôi nhớ đến thầy mình qua những cuốn sách ấy.

Nguyên khi nhớ về thầy Hùng, nghĩ về cuốn sổ mà ông thầy trao cho đám học trò từ ngày đầu vào lớp 10 để làm nhật ký, đã thấy: cuốn sổ ấy, hơn cả một cuốn nhật ký, nó là thế giới của tự do. Với tôi, đây là thông điệp có ý nghĩa nhất khi đọc cuốn nhật ký này từ góc độ của một người giáo viên. Hãy trao cho học trò tự do, hãy gợi cho học trò biết rằng ngoài trời còn có trời. Chúng ta đi làm nghề dạy học vì đa phần yêu sự ổn định, thích sự an phận, nhưng chúng ta không thể dùng sự ổn định, an phận ấy như một thứ đạo đức để kìm hãm học trò được. Đừng nghĩ tự do là cái gì trừu tượng: tự do có thể bắt đầu bắt cách chúng ta hãy để các em được hồn nhiên, vô tư, được nghịch ngợm, được bất mãn, được nhận thức ngay cả những gì phi lý. Đừng biến lớp học thành không gian đóng. Những bài hát, những bài thơ chế…trong cuốn sách này cho thấy năng lực biết cười, biết khôi hài của những con người tuổi trẻ. Biết cười, biết khôi hài…cũng là năng lực của những con người tự do.

3. Tôi học sau của những nhân vật trong cuốn nhật ký này hai khóa. Ở mức độ nào đó, cuốn nhật ký nào cũng là những hồi ức của tôi 20 năm trước.  Cách đây 20 năm, khi không khí xã hội đã cởi mở hơn một phần nào đó, khi ý niệm về thế giới khác bên ngoài đến với chúng tôi chủ yếu qua những bài hát, những cuốn sách dịch, xã hội khi ấy đang sống lại một bầu không khí hơi giống những năm đầu thế kỷ: bọn trẻ con được quyền mơ mộng hơn, được phép vu vơ, lãng mạn, được tỏ ra cá tính… Nói không quá, thời ấy, ở nhưng trường chuyên, lớp chuyên văn thường là bộ mặt tinh thần của nó. Hai mươi năm sau, những nhân vật trong sách đã bước sang một giai đoạn khác trong đường đời. Tôi không rõ họ đã và đang làm gì, có địa vị nào trong xã hội. Nhưng việc cái tập thể lớp đó thống nhất công khai cuốn nhật ký này thành sách, với tôi, có cái gì đó vừa can đảm vừa mơ mộng. Nó làm tôi rưng rưng khi nhớ đến một chi tiết mà tôi không biết, thầy tôi – thầy Vũ Xuân Túc còn nhớ hay không?

Năm lớp 10, buổi đầu tiên khi thầy gặp mặt cả lớp, chúng tôi phải làm một bản điều tra cá nhân. Trong số các câu hỏi của thầy, có một câu hãy nên tên một tác phẩm của một nhà văn Việt Nam mà mình yêu thích nhất. Khi ấy, tôi có ghi tác phẩm mà tôi thích nhất là “Hoàng hôn màu cỏ úa” của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ. Tôi, khi ấy, một đứa trẻ khó ưa, đanh đá và thích chơi trội, tôi đã muốn ghi một tác phẩm mà trong lòng thầm đoán chả đứa nào trong lớp biết. Nhưng thực tình, đó cũng là tác phẩm ấn tượng với tôi nhất vào thời điểm đó. Câu chuyện ấy Nguyễn Thị Thu Huệ viết về buổi chiều chia tay cấp 3 trên bãi sông Hồng của đám học trò. Vào một khoảnh khắc bất ngờ, hoàng hôn ngả sang màu cỏ úa, cậu lớp trưởng khi ấy nói một điều gì đó với cả lớp. Rất dài, giờ tôi không nhớ chính xác, nhưng có đại ý lớp mình sau này, cuộc đời có thế nào, thì chúng ta cũng phải sống với nhau tử tế. Rồi hẹn nhau, cứ ngày này, hàng năm, lại gặp mặt. Cái lớp cấp ba ấy rồi tan tác, rồi chả mấy ai còn nhớ lời hẹn lúc hoàng hôn năm ấy. Số phận mỗi người cũng khác: có người tù tội, đứa hay khóc nhất lớp thì trở thành tú bà, có người thì số phận dường như chỉ là chuỗi dài của thất bại. Nhân vật người kể chuyện khi ấy nhận ra hình như vì tất cả chúng ta đều bị đời sống cuốn đi, chúng ta đã không nhớ gì đến khoảnh khắc trong sáng đẹp đẽ cao cả nhất của tuổi học trò. Chúng ta đã không nhớ gì hết. Và vì thế, chúng ta đã không nhìn vào nhau, không nhìn thấy nhau để thấy phải sống tự trọng, phải sống tử tế với nhau và với đời…

Tôi khi ấy ghi truyện ấy vào trong phiếu điều tra chỉ vì thời đó, tôi còn đang thích viết truyện đăng trên các báo tuổi mới lớn. Sau này, khi học hành văn vẻ ở cấp đại học, đọc lại thì thấy truyện cũng thường thôi về kỹ thuật, về văn chương. Nhưng nỗi xúc động của câu chuyện thì thỉnh thoảng vẫn trở lại. Tôi ít khi tụ tập với bạn bè thời đi học. Tôi cũng ít bày tỏ tình cảm trực tiếp với những người thầy của mình. Vì nhiều lý do. Có thể rất dở hơi. Thậm chí, tôi luôn tránh những màn ôn lại kỷ niệm tập thể. Nhưng một cách thật lòng, những lúc tôi cảm thấy cuộc sống chỉ đáng để căm ghét, xung quanh chỉ toàn là sự giả dối, người ta rất dễ trở nên hèn hạ, v.v…, tôi đã thường nén lại cảm xúc tiêu cực ấy khi bỗng nhiên tôi đã nhớ đến những người bạn của mình, những người bạn đôi khi gọi giật tên tôi trên phố, nhớ đến những đứa bạn gái cấp ba thi thoảng vẫn có thể tao-mày, tôi đã nhớ đến cái thời mà sự mơ mộng của mình không phải là tội lỗi… Những điều đẹp đẽ nho nhỏ ấy đã làm tôi dịu lại trong khoảnh khắc, để bình tâm hơn. Tôi đã nhớ đến lời nhận xét mà cũng là lời động viên của thầy tôi trên bài kiểm tra văn cuối cùng, rằng tôi phải giữ cái giọng riêng của mình trên đời viết còn dài của mình. Đó là lời động viên có sức nặng nhất đối với tôi. Nói lời cảm ơn với thầy, với các bạn sẽ là cái gì đó rất hình thức ở đây. Chỉ biết là ở thời điểm này, muốn nói với thầy, với các bạn: em vẫn ổn, vẫn cố gắng sống tử tế. Dù không đơn giản, thật không đơn giản…

7 thoughts on “Đọc “Nhật ký chuyên văn” (Nhiều tác giả Văn Ams 92-95)

  1. Lê Phạm Hùng

    Cám ơn Hiếu về những cảm nhận rất riêng tư và cũng rất chân thành về một thời xa xưa, bạn bè, trường lớp và các thầy cô giáo. Nghĩ, đó là thứ gia tài quý giá nhất mà mình còn giữ lại được cho mình tới hôm nay. Và tin, mình sẽ không bao giờ để mất chúng.
    Nếu bận cho thầy địa chỉ để gửi sách.

  2. vu thảo

    Em chào thầy.
    Thật tình cờ, đến tận hôm nay em mới biết blog này là thầy viết. Đó là sự trùng hợp đầu tiên. Sự trùng hợp thứ hai đó là em cũng học chuyên văn nhưng ở ngôi trường tính chất ‘chuyên’ không còn quá rõ rệt, em xin mượn lại cụm từ ‘món ăn tinh thần ‘ của thầy. Và sự trùng hợp thứ ba đó là cách đây tám năm, đội tuyển văn lớp em được học thầy trong mấy buổi. Em vẫn nhớ đó là những ngày đầu hạ, san trường ngập nắng và bọn em học trong căn phòng cuối của dãy nhà E.
    Ngày ấy dù học chuyên văn nhưng cứ mỗi lần đi thi chung cả trường là cô dạy văn lại lo ngay ngáy và y như rằng, điểm cả lớp chẳng bao giờ cao. Vì bọn em chưa từng bị ép phải viết bất cứ điều gì theo khuôn mẫu, chưa từng biết ngày mai kiểm tra viết về cái gì hay việc nhận được những đề bài lạ thường đã thành bình thường. Có thể với nhiều người, điều đó thực không hay, nhất là khi ta cần thước đo cụ thể để đánh giá khả năng, để đi thi. Nhưng với em, thời gian qua đi khiến em nhận ra tâm hồn mình đã nằm trọn vẹn trong những gì mình viết. Là non nớt, là hồ đồ, là ngông nghênh hay viển vông đi nữa thì đó chính là những hạt bụi làm nên bông hồng vàng.
    Lớp em ngày đó có 36 ‘con bìm bịp’ và tiếc thay chẳng có ‘con chim quý’ nào cả. Ngày ra trường, và giờ, khi phần lớn đều đã tốt nghiệp đại học, số người vẫn tiếp tục theo văn hay những ngành liên quan đến văn, đếm chưa gọn trong một bàn tay.
    Cô Loan vẫn bảo, những người nhạy cảm, tâm hồn họ giống như căn nhà có nhiều cửa sổ, không biết đóng chúng lại thì dễ bị bão giông cuốn đi. Và cô cũng nói với chúng em rằng, đừng theo nghiệp văn. Nhưng đã là ‘nghiệp’, vận vào cuộc đời, đi vòng vèo chùng chình mãi, rồi vẫn gặp lại.

  3. Phong Vân

    Thầy ơi, em là 1 cựu sinh viên của khoa mình (K53 ạ). Em xin phép được gọi 1 tiếng “thầy ơi…” như thế dù em chưa có vinh dự được học tiết nào của thầy. Tình cờ đọc được những dòng thao thức này, em vô cùng vui sướng và hạnh phúc. Cám ơn thầy đã viết, đã chia sẻ những điều tuyệt vời đến thế. Cuộc đời ấy mà, vẫn đáng yêu lắm ^_^

  4. Vũ Thuý Hằng

    Tớ vô tình đọc được bài viết này của Hiếu. Chảy nước mắt. Nhớ lớp. Quý bạn. Luôn cảm thấy biết ơn, vì từng được học chuyên Văn, được làm trò thầy Túc và được làm bạn cùng lớp với những người như Hiếu. Hiếu cứ giữ tâm hồn trong sáng và thiện lương như thế này nhé. Hãy cứ sống thật nhẹ nhõm và thanh thản. Cậu không một mình! Nhiều người cũng đang thầm lặng mà sống tử tế, giống cậu! Sự tử tế của họ chưa bao giờ phí hoài. Và sự tử tế của cậu cũng vậy, tớ biết chắc!

  5. Huỳnh Văn Long

    Dạ em chào thầy,đến tận hôm nay em mới tìm đến được web của thầy.Em rất vinh dự cho bản thân cũng như cả tỉnh Sóc Trăng vì được thầy bồi dưỡng ạ.Em chúc thầy luôn luôn khỏe mạnh và ngày càng thành công hơn nữa ạ

  6. Nguyen Dao Thuy Hang

    Hiếu có biết là tớ đã rất nhớ một câu Hiếu viết cho tớ trong lưu bút không? Nhớ đến tận bây giờ. Và nhớ cả những lần bọn tớ đến nhà Hiếu chơi, trên căn gác nhỏ giản dị. Cả hai “mì chính cánh” của lớp Văn 94-97 ngày xưa đều rất đặc biệt, và chắc chắn là sống rất tử tế ;))

    Câu Hiếu viết thế này: “Hằng ơi, sau này dù bọn mình mỗi đứa chọn một con đường, và dù có thể gặp nhiều đèn xanh, đèn đỏ trong những ngã rẽ của cuộc đời, nhớ đừng quên luôn giữ trong mình “chất chuyên Văn” nhé”. (hihi).

    Chúc thầy giáo luôn vui khỏe để tiếp tục cống hiến cho thế hệ trẻ.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s