Tag Archives: bài tập sinh viên

Đỗ Thùy Linh – Dấu ấn tranh Đông Hồ trong những bài thơ về mùa xuân của Đoàn Văn Cừ (tập “Thôn ca”, 1944)

Bài viết dưới đây được biên tập lại từ bài tập điều kiện của sinh viên Đỗ Thùy Linh (K70, khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội) trong khuôn khổ học phần Nhập môn Lý luận văn học. Bài viết đã thể hiện một lối tư duy có chiều sâu, một lối viết có sự điềm tĩnh, cẩn trọng và cả khả năng cảm thụ có sự tinh tế đáng ghi nhận.

*

Mở đầu

Tranh Đông Hồ là dòng tranh khắc gỗ Việt Nam có sức sống mãnh liệt trong tâm thức dân gian, đặc biệt là vào mỗi dịp Tết đến, xuân về. “Trong cái thúng của bà nội trợ đi sắm tết, cạnh con gà, con cá, mớ dưa là cuộn tranh buộc bằng rơm nếp  vàng óng”. Những nét riêng ở trong tranh Đông Hồ về đường nét, màu sắc hay tinh thần dân tộc cũng ảnh hưởng đến một số loại hình nghệ thuật khác mà trường hợp những bài thơ thơ viết về mùa xuân của Đoàn Văn Cừ là một ví dụ. Giữa giai đoạn Pháp thuộc với thị hiếu phương Tây tràn vào mạnh mẽ, Đoàn Văn Cừ đã thắng được áp lực của chất liệu để làm xuất hiện trong thơ những liên tưởng về màu sắc, đường nét, cấu trúc của tranh Đông Hồ cùng với mỹ cảm đậm chất dân gian Việt. Những bức tranh trong thơ ông, “bức tranh nào cũng đầy rẫy sự sống và rộn rịp những sắc hình tươi vui” đã gợi ra câu hỏi về sự giao lưu giữa truyền thống – hiện đại, giữa văn hoá Đông – Tây ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX và rằng, người nghệ sĩ nên có thái độ ứng xử như thế nào với những giá trị truyền thống. Bài viết này sẽ tập trung phân tích những điểm tương đồng trong tranh Đông Hồ và thơ Đoàn Văn Cừ viết về mùa xuân trong tập “Thôn ca” (1944) để góp phần trả lời những câu hỏi trên. 

Làng Đông Hồ là một làng nhỏ xưa có tên là làng Đông Mại (hay làng Mái), nằm ven sông Đuống, thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây là vị trí thuận lợi đã tạo điều kiện để các nhà buôn xưa đem tranh rộng khắp cả nước. Theo ghi chép của một số tài liệu, tranh dân gian Đông Hồ ban đầu xuất hiện với kỹ thuật chạm khắc gỗ từ khoảng giữa thế kỷ XV. Cho đến khoảng thế kỷ XVI, XVII, việc in tranh mới ra đời, dần dần được phổ biến rộng rãi trong nhân dân và hình thành làng nghề. Tranh Đông Hồ là “diễn đàn tư tưởng” để người dân gửi gắm triết lý sống cũng như nói lên mong muốn thời cuộc. Cũng bởi vậy mà theo dòng thời gian, đến thời Pháp thuộc, người nghệ nhân Đông Hồ đã có một số tác phẩm châm biếm, đả kích thực dân Pháp (Nhảy đầm, Phong tục cải lương…) và tranh Đông Hồ được ưa chuộng trong suốt thời kỳ này (cuối thế kỷ XIX) cho đến gần Cách mạng tháng Tám. Đoàn Văn Cừ đã sinh ra và lớn lên trong thời kỳ phồn thịnh ấy của tranh Đông Hồ và thơ viết về mùa xuân của ông đã chọn điệu tương đồng với tranh Đông Hồ về cả nội dung và hình thức. 

Nội dung

1. Sự tương hợp về hình thức giữa tranh Đông Hồ và thơ về mùa xuân của Đoàn Văn Cừ trong tập “Thôn ca”

1.1. Sự tương hợp về màu sắc 

Tranh Đông Hồ được làm nên từ 5 màu cơ bản là trắng, vàng, xanh, đỏ, đen hay còn được gọi là màu ngũ sắc. Trong đó, màu đen của tranh được làm từ than lá tre hoặc than lá xoan; màu đỏ đến từ gỗ vang hay sỏi non của núi; màu xanh là màu của gỉ đồng, của lá chàm; màu trắng xuất phát từ con điệp và màu vàng là sắc hoa hoè mà ra. Màu trong tranh Đông Hồ “thiên về lối dùng màu nguyên, mang tính đối lập”, vừa có cái đằm thắm tự nhiên, vừa chứa đựng sự tươi tắn phồn dã phản ánh tư duy phồn thực của dân gian Việt. Tuy chỉ sử dụng chủ yếu 5 gam màu nguyên nhưng trong tranh, các màu vẫn được đặt trong mối tương quan hợp lý, có sự hài hoà giữa đường nét và các mảng.

Màu ngũ sắc được  dùng để ám chỉ ngũ hành và trong tranh Đông Hồ, ngũ sắc cũng được dùng với một  phần ý nghĩa như vậy. Kim (trắng) là kim loại, sự sắc bén, rắn chắc; Mộc (xanh lá) là hoa cỏ, cây cối, sự tốt tươi; Thuỷ (đen) là nước, là “nghệ thuật, vẻ đẹp và những sáng tạo văn hoa”; Hoả (đỏ) là lửa, là sức nóng, ánh  sáng, hơi ấm và hạnh phúc; Thổ (vàng) là đất, môi trường nuôi dưỡng, phát triển, biểu trưng cho đức tính nhẫn nại, trung thành, đáng tin cậy.

Vinh hoa – Phú quý

Có thể thấy trong tranh Đông Hồ hay cụ thể là bức Vinh hoa – Phú quý sự kết hợp của ngũ sắc trong việc truyền tải ý niệm dân gian. Những gam màu xanh, đỏ, vàng, trắng cùng những nét đen được điều phối một cách hoà hợp để tạo nên bức tranh Đông Hồ hàm ý về phẩm chất nhân, nghĩa, dũng, tín của con người; đồng thời thể hiện mong ước về một cuộc sống vinh hiển, no đủ và may mắn.

Đoàn Văn Cừ, trong thơ về mùa xuân của mình, cũng sử dụng bảng màu tương tự: đỏ, xanh, vàng, đen, trắng xuất hiện là những gam màu chính yếu. Trong chùm thơ xuân của nhà thơ, màu đỏ xuất hiện 22 lần; trắng và xanh xuất hiện 12 lần; vàng xuất hiện 10 lần; đen có mặt 6 lần. Xen kẽ giữa 5 gam màu đó là sự có  mặt của màu hồng và nâu để diễn tả nhiều hơn màu sắc của cảnh được hoạ lên. Cái  nét đậm đà của sắc màu trong thơ xuân Đoàn Văn Cừ chín đến độ mà Hoài Thanh –   Hoài Chân phải nói rằng: “Cứ mỗi lúc xuân về người lại gửi trên báo một chuỗi cười  ngũ sắc”. Và dù không sử dụng bút lông hay công cụ tạo màu trực quan, nhà thơ của  thôn quê vẫn vẽ lên một khung cảnh với đầy đủ các màu:

Lũ người đi lí nhí một hàng đen 

Trên con đường cát trắng cỏ lam viền 

Họ thong thả tiến theo chiều gió thôi

Dưới bầu trời trong veo không mảy bụi, 

Giữa cánh đồng phơn phớt tựa màu nhung

Một cụ già râu tóc trắng như bông,

Mặc áo đỏ, cầm hương đi trước đám.” (Đám cưới mùa xuân)

Ngôn từ đã tạo nên một khung hình hội hoạ mà ở đó, người đọc không chỉ mường tượng đến sự vật, hiện tượng mà còn xoay vần nó dưới khung kính của màu sắc, khiến sự vật hiện lên với bản chất sắc thái của mình: “cát trắng”, “cỏ lam”, “áo đỏ”… Và trong 5 gam màu được sử dụng chủ yếu, màu đỏ là màu được xuất hiện với tần suất lớn ở cả trong thơ Đoàn Văn Cừ về mùa xuân và cả trong tranh Đông Hồ. 

                   Đu quay    Thầy đồ cóc

Riêng trong bài thơ Tết, màu đỏ là màu  duy nhất xuất hiện:

Bà tôi ngồi trong ổ, 

Mặc áo đỏ cho tôi” 

Con gà mào đỏ chót

Chiếc phong bao giấy đỏ

Đỏ là gam màu của sự ấm nóng. Năm mới, Tết đến, xuân về là dịp để bắt đầu một chặng đường mới, để người người thân gần với nhau và cảm thức về hạnh phúc, quây quần đó gắn liền với màu đỏ màu chủ đạo trong thơ Đoàn Văn Cừ và trong tranh khắc gỗ Đông Hồ dân gian.

Đối chiếu với văn học trung đại, có thể thấy màu sắc trong thơ xuân Đoàn Văn Cừ không được tạo dựng bởi tư duy ước lệ. Trong thơ ông, màu không mất đi tính hiện thực của nó và là “các phạm trù có tính chất thuần thuý” như trong tranh Đông Hồ, khác với màu trong thơ ca thế kỷ XVII: “Ngày xanh mòn mỏi, má hồng   phôi pha”, “Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh” (Truyện Kiều – Nguyễn Du); “Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên” (Chinh phụ ngâm – Đặng Trần Côn) hay thậm chí là trong thơ văn thế kỷ XX: “Lạnh lẽo mày xanh phản má đào” (Gửi trời – Xuân Diệu); “Đào tươi má thiếp mộng chàng xanh” (Nối giấc mơ tình – Vũ Hoàng Chương). Có thể thấy Đoàn Văn Cừ, thay vì sử dụng màu theo thủ pháp ước lệ của thời kỳ trung đại một cách nền nã, đã chọn thể hiện màu theo đúng bản chất của nó (màu nguyên) và qua đó ngầm đề cập đến triết lý sống hài hoà cũng như quy luật tương sinh tương khắc đã ăn sâu vào tâm thức dân gian Việt Nam.

1.2. Sự tương hợp về mặt phẳng hai chiều

Theo Clement Greenberg, nhà phê bình nghệ thuật thị giác người Mỹ thế kỷ XX: “Màu sắc là một quy tắc hoặc phương tiện mà điêu khắc hay sân khấu cùng chia sẻ. Mặt phẳng hai chiều là thứ duy nhất mà hội họa không chia sẻ với bất kì loại hình nào khác”. Ta đã thấy ở trên mối tương quan về màu sắc giữa tranh và thơ, hai loại hình nghệ thuật khác nhau từ chất liệu cho đến giác quan cảm nhận. Tuy thế, thơ Đoàn Văn Cừ và tranh Đông Hồ đi xa hơn nhận định của Clement Greenberg bởi cả hai cũng chia sẻ chung một không gian hai chiều mà ở đó, luật viễn cận (perspective) không được dùng tới.

Với tranh Đông Hồ, người nghệ sĩ dân gian lấy “đơn tuyến bình đồ” làm nền tảng, tức dùng lối vẽ đơn trên mặt phẳng, loại bỏ bóng tối và tập trung vào đường nét tách bạch những mảng màu với nhau. Người nghệ sĩ dân gian không tạo dựng các mảng gần – xa, chính – phụ; ít quan tâm đến tỷ lệ lớn – bé mà đặt sự vật, sự việc  ở dạng bẹt. Trong bức Đám cưới chuột, những con chuột dù ở xa hay gần đều có kích thước gần như tương đương nhau và người xem tự quy ước với nhau rằng: nửa dưới bức tranh đổ xuống là gần, nửa còn lại trở lên trên là xa. Bên cạnh đó, con chuột lại cưỡi con ngựa, lại cầm con chim, con cá, điều mà ngoài đời thực vốn dĩ là phi lý. Sự thuận mắt được đặt lên trước tiên và bố cục, tỷ lệ các phần, mảng phụ thuộc vào  chức năng cũng như nội dung tranh truyền tải.

Đám cưới chuột

Người nghệ sĩ của làng tranh Đông Hồ không tuân theo viễn cận cảm nhận (perceptual perspective) hay viễn cận tuyến tính (perspective linéaire), cũng không dựa trên nghệ thuật đồ hoạ của phương Tây mà trong tranh, con người, con vật, cây cối đều được làm dẹt đi và nằm trong một không gian giới hạn. Chiều sâu không gian như bị hút cạn như trong bức tranh của Jacob Lawrence, đối lập hoàn toàn với sự sâu thẳm đến tận cùng mà bức tranh của Isaac Levitan mang lại:

Above Eternal Peace – Isaac Levitan
Steel Workers – Jacob Lawrence

Tranh Đông Hồ bắt gặp sự tương ứng trong điểm nhìn thấu thị ở một loại hình nghệ thuật khác mà ở đây là thơ Đoàn Văn Cừ viết về Tết, về xuân. Thơ mùa xuân của ông không có phối cảnh ba chiều, cũng không có điểm nhìn gần xa, điểm nhìn cố định (tiêu điểm thấu thị) hay điểm nhìn di động (tán điểm thấu thị) để bao quát cả không gian mênh mang rộng lớn. Sự vật, hiện tượng trong các bài thơ như những khung hình được xếp chồng chéo cạnh nhau:

Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon, 

Vài cụ già chống gậy bước lom khom, 

Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ.

Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ,

Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu,

Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau.” (Chợ Tết)

Mỗi câu thơ đều miêu tả sự chuyển động của con người: “chạy lon xon”, “bước lom khom”, “cười lặng lẽ”,… nhưng dưới sự sắp đặt của nhà thơ, tất cả cùng hiện lên như khắc hoạ đồng thời nhiều hành động trong một bức tranh bao quát. Thiên nhiên cũng không nằm ngoài sự sắp đặt ấy mà xuất hiện như những khối hình rõ ràng: 

Chiều mát, đường xa nắng nhạt vàng,

Đoàn người về ấp gánh khoai lang,

Trời xanh cò trắng bay từng lớp,

Xóm chợ lều phơi xác lá bàng.”(Đường về quê mẹ)

khác với không gian rộng mở trong sáng tác của các nhà thơ cùng thời:

Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.”

(Mùa xuân chín – Hàn Mặc Tử)

Câu thơ của Hàn Mặc Tử gợi lên một bức tranh có chiều sâu với ánh nắng cùng khói tỏa đầy thơ mộng và đôi mái nhà tranh lấp loáng đằng sau lớp khói mỏng mảnh, mơ màng. Chịu ảnh hưởng bởi mỹ thuật phương Tây lấy khoa học tự nhiên làm nền tảng, câu thơ tuân theo luật xa gần của thấu thị học và được khắc họa với những đường nét gợi chiều sâu không gian như được mắt người quan sát. Điều ấy khác với tranh Đông Hồ và thơ xuân của Đoàn Văn Cừ, một nhà thơ kiểm diện tất cả chỉ trên một mặt phẳng.

Tranh Đông Hồ có bức Đấu vật với ba cặp đấu chính. Ba cặp đấu được khắc hoạ với những hành động khác nhau và ở vị trí khác nhau. Người ta vẫn thấy trong tranh sức khoẻ, sự cường tráng của những người tham gia đấu vật song tất cả họ đều hiện lên không có chiều sâu, không có bóng, không được áp dụng luật gần – xa

Đấu vật

và khung cảnh xuất hiện trong thơ xuân của Đoàn Văn Cừ cũng là một khung cảnh như thế:

Bọn đô vật trước đình thi sức mạnh

Mình cởi trần gân cốt nổi như lươn; 

Tiếng reo hò khuyến khích dậy từng cơn

Lẫn tiếng trống bên đường khua rộng rã.” (Đám hội)

Đó không phải một hoạt ảnh chạy dài mà cô đọng như bức tranh Đông Hồ đấu vật đầu xuân. Người đọc thấy được sự tráng kiện của đô vật thi đấu, tiếng reo hò của người đứng quanh cổ vũ nhưng như phép “đơn tuyến bình đồ” trong tranh dân gian với đường nét chia tách rõ ràng các mảng, không có các đường chạy dài hướng về một điểm tụ (vanishing point). Mỗi câu thơ như một nét bao trọn hành động đang diễn ra.  Thơ xuân Đoàn Văn Cừ một lần nữa gặp tranh Đông Hồ trong địa hạt của mặt phẳng hai chiều không có cái sâu hun hút, nơi mà người đọc, người xem quan sát, thẩm thấu tác phẩm nhưng không rơi vào vòng xoáy của một điểm nhìn nghệ thuật riêng biệt, tựa như một không gian cạn.

1.3. Sự tương hợp về thời gian được thị giác hóa

Theo Gotthold Lessing, nếu hội hoạ đặt sự vật cạnh nhau trong cùng một không gian thì thơ ca miêu tả các hoạt động nối tiếp trong thời gian. Điều đó có  lẽ đúng khi nói về thơ của các tác giả khác nhưng trong thơ xuân Đoàn Văn Cừ, thời gian đã được không gian hoá và tưởng như ngưng lại:

Cây đèn bóng dựng dưới trời đêm

Chiếc vỏ chai cưa giả chụp đèn

Ngọn lửa trong mưa vờn lấp loáng

Gió lùa chùm khánh động leng keng”.” (Năm mới)

Nhà thơ có đề cập đến khoảng thời gian “trời đêm” nhưng xuyên suốt cả khổ thơ và rộng ra là cả bài, ta khó có thể nhìn ra sự chuyển dịch thời gian nào như “Ngày qua ngày lại qua ngày/Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng” (Tương tư – Nguyễn Bính). “Trời đêm” làm cụ thể hoá thời gian trong thơ Đoàn Văn Cừ nhưng không cho thấy sự chảy trôi của phút giây mà trái lại, nó chỉ làm nền cho “cây đèn”, “chiếc vỏ chai”, “ngọn lửa”, “chùm khánh” đang đồng hiện. Nhà thơ thâu tóm diễn tiến thời gian và gói nó lại trong một khoảnh khắc, và trong khoảnh khắc ấy, ông đưa con mắt về mọi sự vật có trong tầm nhìn. Có thời gian trong thơ Đoàn Văn Cừ nhưng thời gian trở thành nền cho các khối hình xuất hiện:

Chiều mát, đường xa nắng nhạt vàng 

Đoàn người về ấp gánh khoai lang, Trời xanh cò trắng bay từng lớp,

Xóm chợ lều phơi xác lá bàng.” (Đường về quê mẹ)

Đặc điểm này trong thơ Đoàn Văn Cừ đã thêm vào mẫu số chung giữa thơ ông và tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ. Trong tranh Đông Hồ, thời gian là yếu tố không được đặc tả mà phần quan trọng hơn hết, là không gian. Cùng là cảnh đi cấy cày nhưng nếu trong Một buổi cày của Lưu Công Nhân, những màu nâu, vàng trung độ cùng ánh sáng loang loáng trên mặt ruộng cày gợi đến buổi sớm ban mai thì trong Lão nông nghỉ ngơi, người nghệ sĩ dân gian chỉ khắc hoạ địa điểm, không gian nhân vật đang có mặt (dưới gốc cây) mà không diễn tả bất cứ dấu hiệu thời gian nào khác.

Lão nông nghỉ ngơi
Một buổi cày – Lưu Công Nhân

Như vậy, có thể thấy rằng, trong tranh Đông Hồ và trong thơ Đoàn Văn Cừ viết về mùa xuân, hư cảnh là hình thái được chọn lựa mà không phải thực cảnh như trong hội họa phương Tây. Thời gian hoặc tiêu biến đi hoặc được không gian hóa, nhường chỗ cho sự cho các khối hình được khắc hoạ. 

1.4. Sự tương hợp về cấu trúc

Mỗi tác phẩm đều có cấu trúc của riêng nó. Cấu trúc tác phẩm “tổ chức nội tại mối quan hệ qua lại các yếu tố” và là “mối quan hệ qua lại của các kí hiệu thẩm mĩ đặc thù”. Việc sắp đặt các chi tiết là định hình cấu trúc tác phẩm mà một trong những thành tố quan trọng của cấu trúc là quy luật biện chứng giữa các yếu tố thuộc tác phẩm đó.

Trong bảng màu, màu đen tương phản với màu trắng, vàng cùng đỏ đối nghịch với màu xanh. Dù không xuất hiện với tần suất lớn nhưng mối tương quan biện chứng ấy về màu sắc có thể nhìn thấy một cách trực quan trên tranh Đông Hồ:

Đu quay

và trong thơ Đoàn Văn Cừ về mùa xuân với những hình ảnh hiện lên trong sức sống mạnh mẽ, tươi mới nhất của nó:

Trời đỏ hồng sau những trái đồi xanh” (Đám hội) “Lũ người đi lí nhí một hàng đen

Trên con đường cát trắng cỏ lam viền”;

Áo đồng lầm, yếm đỏ, thắt lưng xanh” (Đám cưới mùa xuân)

Bên cạnh sự đối lập về màu, tranh Đông Hồ và thơ mùa xuân Đoàn Văn Cừ đều xuất hiện mâu thuẫn giữa âm và dương. Trong bức Gà mái túc mồi, gà mẹ đang ngậm đầy mồi trong tư thế đứng yên, trái ngược với sự nháo nhác của đàn con đang đến bên mẹ. Cái “tĩnh” của gà mẹ biểu trưng cho “âm”, cái “động” của gà con biểu trưng cho “dương”. Hay như trong tranh Đàn lợn âm dương, trên lưng mỗi lợn đều có những vòng xoáy mà đặc biệt là lợn mẹ, vòng xoáy có hai màu tương phản. Màu lạnh của vòng xoáy ngụ ý cho “âm”, màu nóng hàm ẩn cho “dương”.  

Đàn lợn âm dương

Theo văn hoá phương Đông, hai yếu tố đối lập này một khi được cân bằng, sẽ là nguồn gốc cho sự sinh sôi, phát triển của mọi sự vật hiện tượng: “lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái”. Với ý nghĩa ấy, sự kết hợp hài hoà của “âm” và “dương” trong tranh Đông Hồ đã trở thành biểu tượng cho sự sống, sự sinh sôi, nảy nở mỗi độ Tết đến, xuân về.

Và đến với thơ xuân của Đoàn Văn Cừ, ta cũng sẽ bắt sự đối lập giữa âm và dương như vậy:

Bên vách hòm gian đặt cúng thờ 

Bát hương nõn chuối cắm lơ thơ 

Vỉ buồm gạo nếp “tay giềng” họ

Thịt lợn đầy mâm thái miếng to” (Năm mới) 

Chõ xôi trong bếp phì phèo lên hơi

Bàn thờ hương cháy toả mùi

Từng tràng pháo chuột nổ dài trong khuya” (Chơi xuân)

Bát hương, bàn thờ gắn với “âm”, ngược lại với “dương” trong miếng thịt lợn, trong chõ xôi thổi nóng hay tràng pháo chuột đùng đoàng thành tiếng. Âm xen kẽ với dương không tách rời, làm nên mối tương giao hoà hợp giữa hai thái cực vốn riêng biệt với nhau. Thơ xuân của Đoàn Văn Cừ không thuần âm hay thuần dương mà cân bằng giữa hai yếu tố, thể hiện quan niệm phồn thực như trong tranh Đông Hồ: âm – dương đối xứng là nguồn gốc của sự sống, sự sinh sôi nảy nở và là điều cốt yếu cho cuộc sống bình yên, hanh thông, phúc lộc.

2. Sự tương hợp về nội dung giữa tranh Đông Hồ và thơ về mùa xuân của Đoàn Văn Cừ trong tập “Thôn ca”

Tranh Đông Hồ và thơ xuân của Đoàn  Văn Cừ ngoài hình thức, còn gặp nhau nhau trong vòng tròn đồng tâm về nội dung, đề tài mà cụ thể là nếp nghĩ, quan niệm, tư tưởng và văn hoá dân gian. 

Đến với tranh khắc gỗ Đông Hồ, người xem không phải hướng tầm mắt mình ra xa hay phải viện nhiều đến trí tưởng tượng bởi những gì xuất hiện trong tranh đều thân thuộc và gần gũi. Đó là con lợn, con gà, con cóc, là trẻ thơ, là người tham gia hội họp náo nhiệt. Trong tranh Đông Hồ, mọi vật đều nằm trong địa hạt cuộc sống sinh hoạt theo quan điểm mỹ học dân gian; phản ánh sâu sắc đời sống tinh thần, vật chất của người dân Việt; nói lên ước vọng của người dân về một cuộc sống ấm no, thuận hoà, hạnh phúc và cũng hàm chứa những triết lý nhân sinh. Nếu bức Hứng dừa thể hiện vai trò trụ cột của người đàn ông trong việc chèo lái, mang lại sự vững bền cho gia đình thì bộ tranh Em bé chăn trâu nói về sự no đủ mà cụ thể là cánh diều trong bức bên phải – cánh diều mà “đối với người nông dân thì đây là cánh diều no  phúc lộc”.

Hứng dừa    Em bé chăn trâu

Trong thơ về mùa xuân của Đoàn Văn Cừ, nội dung được phản ánh cũng xoay quanh tâm thức dân gian và con gà, con lợn, trẻ thơ, hội họp cũng xuất hiện tương tự như trong tranh khắc gỗ dân gian. Cuộc sống con người vào năm mới được miêu tả từ vật chất với món ăn, áo quần:

Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha, 

Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết, 

Con gà trống mào thâm như cục tiết,

Một người mua cầm cẳng dốc lên xem” (Chợ Tết) 

Bọn trai tơ mặt mày coi hớn hở,

Quần lụa chùng, nón dứa áo sa huê” (Đám cưới mùa xuân) “Thúng cắp bên hông, nón đội đầu,

Khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu” (Đường về quê mẹ) cho đến tinh thần với phong tục, tập quán:

Ngày xuân trẻ bức tranh gà

Cụ già quần nhiễu đỏ loà sang nhau” (Chơi xuân) 

Cây nêu – dấu Phật đuổi hung thần

Cổ mũ trên bàn cùng Táo quân

Mùng bốn Tết xong làm lễ tiễn

Giấy tiền ông vải đốt đầy sân” (Năm mới)

Từng nét của đời sống dân gian hiện lên trong lời thơ Đoàn Văn Cừ. Quần áo mới được sắm sửa, hoa quả được bày biện đầy mâm, tiền giấy được dùng để cúng người đã khuất và người người sang nhà nhau chúc để lấy lộc. Một cuộc sống vừa bình dị vừa tươi vui đầy sức sống, gói ghém trong nó ước mơ ngàn đời của người dân Việt về cuộc sống tốt đẹp, thuận hoà, ấm no, cuộc sống theo quan niệm phồn thực đủ đầy:

Quần đào, áo đỏ, tranh gà lợn

Cơm tám, dưa hành, thịt mỡ đông” (Tết quê bà) 

Những dòng sông trắng lượn ven đê

Cồn xanh, bãi tía kề liên tiếp,

Người xới cà, ngô rộn bốn bề” (Đường về quê mẹ)

Quan sát kỹ hơn, có thể thấy rằng tranh Đông Hồ còn nói lên một đặc tính của người dân Việt: hồn nhiên và biết đùa. Ở bức Hứng dừa, hình ảnh người thiếu nữ vén váy một cách hớ hênh để hứng trái dừa rơi xuống đã cho thấy sự hóm hỉnh, gây cười bởi sự hớ hênh ấy đã tạo được cái kết rất đỗi dễ thương: “Khen ai khéo nặn nên dừa/ Đây trèo, đấy hứng cho vừa một đôi”. 

Hứng dừa

Hay như với bức Đánh ghen, thông qua việc tái hiện một góc đời sống sinh hoạt của người dân trong xã hội phong kiến, đã ngầm thể hiện triết lý sâu sắc một cách vừa sâu cay lại vừa vui tươi, dí dỏm. Thơ xuân của Đoàn Văn Cừ cũng mang trong nó sự hồn nhiên như thế. Không đậm chất bông lơn hay trào phúng nhưng thơ ông viết về mùa xuân cũng ánh lên nét ngô nghê của cuộc sống làng quê Việt:

Con trâu đứng vờ rim hai mắt ngủ,

Để lắng nghe người khách nói bô bô.

[…]

Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượi,

Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa.” (Chợ Tết)

Trên bãi cỏ dưới trời xuân bát ngát,

Một chị đương đu ngửa tít trên không.

Cụ lý già đứng lại ngửng đầu trông,

Mắt hấp háy nhìn qua đôi mục kỉnh.

Mấy cô gái nép gần hai chú lính.

Má đỏ nhừ bẽn lẽn đứng ôm nhau.” (Đám hội)

Câu chuyện chòm xóm, cái cười hỉ hả, điệu bộ đong đưa,… gắn kết người với người, nối kết người với vật đã làm nên cái nét duyên đầy hồn nhiên của con người dân quê Việt. Tất cả đều hướng về hình ảnh người dân quê giản dị, dễ nói dễ cười đầy nét vô tư nhưng vẫn luôn ý thức rõ ràng về mối quan hệ trong cuộc sống, về triết lý xoay quanh vạn vật.

Tác giả Michele Abarar đã viết rằng: “Tranh dân gian Việt Nam là chứng cớ vô  danh trong sự tươi mát của những hài hòa, trong tính tự nhiên của sự sáng tạo. Tranh đó đã là sự phản ánh của tính nhạy cảm về tinh thần thi vị của dân tộc Việt Nam. Người ta tìm thấy trong tranh đó quan niệm về cái đẹp, ý thức thiên bẩm về hình họa, những bố cục hài hòa có nhịp điệu của dân tộc này...”. Ấy là vẻ đẹp kết tinh văn hoá dân tộc trong tranh dân gian Đông Hồ và thơ xuân của Đoàn Văn Cừ – một văn hoá đề cao sự hài hoà với thiên nhiên vạn vật, khác với văn hoá phương Tây hướng tới chinh phục, chiếm hữu tự nhiên để có được sự phát triển. Tranh Đông Hồ cũng như thơ Đoàn Văn Cừ viết về mùa xuân tuy không tả thực cảnh nhưng bằng kinh nghiệm ngàn đời, cái chân thật và triết lý có thể được nhận ra để từ đó, hé mở tâm thức phồn thực của dân gian và ước vọng về sự thanh nhàn, yên ấm, no đủ, phồn thịnh ngàn đời của người dân đất Việt.

Kết luận

Giữa thời đại mà mỹ cảm phương Tây tràn vào mạnh mẽ và việc in tranh Đông Hồ bị sút giảm đáng kể bắt đầu từ những năm 1940, khi Nhật chiếm đóng Việt Nam, thơ xuân nói riêng của Đoàn Văn Cừ trong tập “Thôn ca” đã hiện lên như một văn bản thứ hai của dòng tranh Đông Hồ dân gian từ màu sắc, đường nét, cấu trúc cho tới nội dung biểu đạt. Thơ ông cho thấy một động hướng của chủ nghĩa lãng mạn: quay về với dân gian để khai thác cái hồn hậu, hồn nhiên của mục đồng thay cho sự mực thước, trịnh trọng của thơ cổ điển. Cùng động hướng này, còn có thể nhắc thêm những đại diện khác của Phong trào Thơ mới như Nguyễn Nhược Pháp, Bàng Bá Lân, Nguyễn Bính… 

Trong thơ của Đoàn Văn Cừ, chất dân gian đã thẩm thấu tương đối nhuần nhị ở hình thức và bút pháp của Thơ mới. Thơ ông chủ yếu là thơ tám chữ, một thể thơ không còn bị gò bó bởi niêm luật, mạch thơ được tổ chức nương theo dòng cảm xúc tự nhiên của con người. Cùng với đó, Đoàn Văn Cừ đã thay lối miêu tả thiên về ước lệ của thơ trung đại bằng một lối thơ tả chân, tái tạo trực tiếp những đặc điểm cảm tính của sự vật hiện tượng. Như vậy, có thể nói cái truyền thống ở tinh thần và cái hiện đại ở hình thức trong thơ xuân của Đoàn Văn Cừ đã được hòa giải.

Có thể thấy rằng, Đoàn Văn Cừ đã xây đắp một miền tâm thức dân gian với sự hồn nhiên, tinh thần hội hè và sâu hơn là đặc tính của một nền văn minh lúa nước, của tín ngưỡng phồn thực và quan niệm âm dương theo triết lý phương Đông. Thơ ông làm người ta phải cảm thán rằng “…nghĩ đến Đoàn Văn Cừ là tôi lại nghĩ đến Tết”. Lời cảm thán ấy có thể xem như là sự ghi nhận trân trọng nhất đối với những bài thơ xuân của Đoàn Văn Cừ trong tập Thôn ca.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Hoa-Giang (2015), Clement Greenberg – Hội họa hiện đại chủ nghĩa (trích), https://hieutn1979.wordpress.com/2015/01/09/clement-greenberg-hoi-hoa-hien-dai-chu-nghia-trich/, đăng ngày 9/1/2015, truy cập ngày 31/12/2021.

[2]. Nguyễn Thị Hạnh (2012), “Làng tranh dân gian Đông Hồ, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh: Hiện trạng và hướng phát triển”, Luận văn thạc sĩ, Đại học quốc gia Hà Nội, tr. 32. 

[3]. Nguyễn Thị Thu Hoà (chủ biên), Lê Bích, Trịnh Sinh (2019), Dòng tranh dân gian Đông Hồ, Nxb. Thế giới, tr. 52.

[4]. Nguyễn Thị Hợp (2009), “Nghệ thuật tả ý trong tranh Đông Hồ”, Tạp chí Văn hoá nghệ thuật, số 295, tr. 46 – tr. 50.

[5]. Nguyễn Thái Lai (2002), Làng Tranh Đông Hồ, Nxb. Mỹ thuật, Hà Nội, tr. 119.

[6]. Nguyễn Thị Kim Ngân (2019), “Hình tượng con gà trong tranh dân gian Đông Hồ”, Tạp chí Khoa học số 40, Trường Đại học Đồng Tháp, tr. 102 – tr.107.

[7]. Nguyễn Khắc Phi (chủ biên), Lê Bá Hán, Trần Đình Sử (2000), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 42.

[8]. Quang Phòng (1994), “Tranh khắc gỗ phương Đông, phương Tây”, Tạp chí Mỹ thuật thời nay số 4, tr. 31 – 41.

[9]. Nguyễn Thị Nguyệt Trinh, “Vương Duy và Yosa Buson – “Thi trung hữu hoạ””, Tạp chí Khoa học ĐHSP TP Hồ Chí Minh, số 38, tr. 53 – tr. 62.

Bùi Đào Quỳnh Hương – “Chút thoáng Xuân Hương” (Nguyễn Huy Thiệp) từ góc độ kết cấu

Bài viết dưới đây vốn là bài điều kiện của sinh viên Bùi Đào Quỳnh Hương, K67 – Khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đây là bài viết được tôi đánh giá tốt nhất trong các bài tập của sinh viên khi học học phần “Tác phẩm và thể loại”. Một số phát hiện của em trong bài viết này, theo tôi, khá độc đáo và bất ngờ (nhưng có nhiều sức thuyết phục). Xin được chia sẻ lại bài viết này:

*

Thơ quá táo bạo về tình dục, Hồ Xuân Hương chịu nhiều thị phi - Xuất bản

Kết cấu tác phẩm văn học là mạch liên kết tinh vi tất cả các mối quan hệ của mọi thành tố nghệ thuật. Nó không chỉ là xương sống mà còn là toàn bộ tổ chức sống động của tác phẩm, làm cho tác phẩm trở thành một chỉnh thể có ý nghĩa. Đọc kết cấu, trên cả lớp bề mặt và bề sâu, là phương thức để độc giả khám phá tầng ý nghĩa của tác phẩm.“Chút thoáng sông Hương” của Nguyễn Huy Thiệp là một truyện ngắn được dụng công về mặt kết cấu và tư tưởng nghệ thuật của nhà văn được “nói” lên bằng chính kết cấu tinh vi này.

Ở lớp kết cấu bề mặt, dễ dàng phát hiện ra mạch liên kết toàn bộ nhan đề, lời đề từ và cả ba mẩu truyện trong tác phẩm chính là cái tên Hương, hay Xuân Hương. Hình tượng này là sợi chỉ xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, gắn kết chùm ba truyện nhỏ ở một điểm: Xuân Hương. Đây cũng là kiểu kết cấu tác phẩm theo cấu trúc liên hoàn dựa theo chủ đề, truyện ngắn trong truyện ngắn, gọi là “kĩ thuật mắc song song” (theo Bùi Việt Thắng) [1].

Trong mỗi truyện ngắn, Xuân Hương hay hình bóng của Xuân Hương lại hiện lên qua mỗi điểm nhìn khác nhau. Đó là cái nhìn của Tổng Cóc, một người “chẳng bao giờ có được phong độ lịch lãm như người”, “Trời sinh ra ông thô vụng xấu xí” nhưng kì thực lại là một người luôn dám sống là mình, có lương tri, dám khinh thường tiền bạc, biết sợ bọn nhiều chữ nho đạo nói triết lí, “ông có cái lố cái hiệp của ông, dễ gì ai có?”. Với ông, Xuân Hương là hình bóng của cái Đẹp vượt thoát khỏi đời thường, vừa thanh sạch tinh khiết, vừa dũng cảm lớn lao. Bóng dáng Xuân Hương xuất hiện ba lần, gắn với những rượu Kinh Bắc, những đa hoa trà, bàn thờ, nải chuối, bánh trôi,… Những hình ảnh gợi ý niệm về nét đẹp truyền thống của dân gian, giản dị nhỏ bé nhưng lúc nào cũng làm Tổng Cóc ngẩn ngơ, như nhẹ nhàng ve vuốt những tâm sự, nỗi trầm tư của ông bằng nét thanh khiết trong ngần. Xuân Hương không xuất hiện với hình hài cụ thể mà chỉ là những bóng, những nét nhưng lần nào xuất hiện cũng tạo ra điểm dừng, điểm khựng lại trong dòng suy tưởng của Tổng Cóc. Có lẽ bởi vậy mà, “Ông ngờ ngợ bà to lớn hơn ông, bà mạnh mẽ hơn, sống có dũng hơn”.

Với Ấm Huy, một kẻ sĩ luôn tin vào những điều thanh cao, những đạo lí, có lẽ đã sống trong không khí vô trùng và được bao bọc bởi chữ nghĩa, sách vở, chưa hề va vấp với cái khắc nghiệt của cuộc đời, Xuân Hương là tượng đài của sự sáng suốt, khiến cậu nể phục và kính sợ. Lời đối thoại duy nhất của Xuân Hương cũng như thức tỉnh Ấm Huy, để cậu thoát khỏi bong bóng của “thanh cao hoang tưởng”: “Điều ấy vẫn thế, – Xuân Hương tham gia câu chuyện. – Tôi không ngờ ông tri huyện tiên tri cho cả cuộc thế thời nay điều ấy”. Nhưng chính từ lúc thức tỉnh ấy, Ấm Huy còn thấy ở Xuân Hương nỗi cô đơn của một người sáng suốt, một con người vì đã nhìn thấu thực tại nên bình thản chấp nhận nó, để rồi phải khóc cho “nỗi cô đơn mênh mông của cõi người”, khi những người đục khoét dân lành lại trị vì yên ổn, còn người ngay thẳng, chính trực như ông phủ Vĩnh Tường đến khi chết đi lại phải thuê người đến khóc,… Vì sáng suốt, Xuân Hương trở nên một tượng đài. Cũng vì sáng suốt, Xuân Hương lại trở về với nỗi cô đơn, nỗi đau của một con người bằng xương bằng thịt, một con người với tròn vẹn ý nghĩa đủ đầy nhất của nó: Chàng hiểu cả tri huyện Thặng, cả chàng, cả ngay ông phủ Vĩnh Tường cũng sẽ chẳng là gì cả, tất cả chỉ là nhân chứng cho sự tồn tại của một CON NGƯỜI: nàng Hồ Xuân Hương mặc áo xô gai đang nức nở khóc,…”. Cái khóc của Xuân Hương đã cụ thể hóa nhân dạng và nhân tính của nàng, đến đây, Xuân Hương không còn là bóng dáng, biểu tượng, Xuân Hương trở thành CON NGƯỜI.

Điều đặc biệt trong ý đồ nghệ thuật của Nguyễn Huy Thiệp khi xây dựng kết cấu chùm ba truyện ngắn nhỏ trong một truyện ngắn lớn hơn phải chăng là làm hình tượng Xuân Hương ngày càng trở nên thực hơn. Đến với cái nhìn của người diễn viên đóng vai Chiêu Hổ, Xuân Hương đã là Hương của hôm nay, của đời sống thực tại. Không còn là nhân vật trong lịch sử đã khép, không còn là nữ sĩ kì tài, đó là nàng Hương dung dị, tự nhiên chèo thuyền, chăn lợn,… Nhưng nét Xuân Hương vẫn ẩn hiện trong vẻ đẹp không ra ngây thơ, không ra từng trải, trong sự thông tuệ, sắc sảo và cũng vô cùng bao dung. Người ta chưa bao giờ dám khẳng định chắc chắn về sự tồn tại của một Xuân Hương cụ thể trong lịch sử, nhưng ý niệm và những giá trị mà hình tượng Xuân Hương mang lại được cụ thể hóa, hữu hình hóa trong dáng hình của một thiếu phụ sống động giữa đời thường, và không phải ngẫu nhiên, nàng cũng tên là Hương! Điều này khiến ta thêm tin vào giá trị Xuân Hương, ta hiểu rằng, riêng giá trị đó thôi cũng là một hình tượng, một con người tròn vẹn, vẫn luôn sống giản dị mà mãnh liệt ngay trong đời thường, như nàng Hương trên sông với những bao ngô mua về cho lợn ăn…

Nàng Hương không chỉ hiện lên như một “chút thoáng” mà đến đây sống dậy như một con người với hơi thở tràn trề của sự sống. Điều này khẳng định hiệu quả trong việc sắp xếp và lắp ghép các mẩu truyện như những mảnh để hoàn thiện bức tranh ngày một rực rỡ, sống động về Xuân Hương. Tưởng như ba câu chuyện chỉ đơn giản có chung những ý niệm về một hình tượng Xuân Hương (Hương) nhưng không chỉ vậy, chúng còn được sắp xếp như những nấc thang lôi kéo độc giả đi từ ý niệm Xuân Hương đến con người Xuân Hương trong đời thực.  Trong suốt quá trình đó, duy chỉ nét đẹp thanh khiết và phồn thực, trí tuệ sắc sảo và cô đơn với tấm lòng vị tha, hiểu đời luôn hiển hiện, như nối kết và khẳng định giá trị Xuân Hương trong quan niệm của tác giả.

Giá trị đó không đứng một mình mà được đặt trong mối quan hệ đối lập, đối chiếu với các hình tượng khác để nổi lên như một chiêm nghiệm của các nhân vật, hay của chính tác giả. Không phải ngẫu nhiên, Tổng Cóc được miêu tả có phần thô tục, không thanh cao lại ngẩn ngơ khi nhìn thấy những điều thanh khiết gợi hình bóng Xuân Hương. Không phải ngẫu nhiên, Ấm Huy, tri huyện Thặng và cả ông phủ Vĩnh Tường với những quan niệm và lí tưởng khác nhau lại chỉ là nhân chứng cho sự tồn tại của CON NGƯỜI Xuân Hương. Xuân Hương đã vượt thoát thực tại để nhìn thấu và soi chiếu tất cả những nhân vật khác kể cả trong suy nghĩ, tư tưởng, để ai cũng có cảm thức về sự sáng suốt, cao lớn của nàng. Ngay cả những giọt nước mắt trong đám tang, chúng cũng lớn hơn nhiều so với ý nghĩa khóc thương chồng mất, mà như Ấm Huy cảm nhận: đó là cái khóc “cho nỗi cô đơn mênh mông của cõi đời…”. Nàng Hương giữa đời thực được đặt trong cuộc gặp gỡ và trò chuyện với chàng diễn viên sắp sắm vai Chiêu Hổ, bị thu hút bởi vẻ đẹp lôi cuốn của nàng. Sự cao cả, vị tha của một thiếu phụ ở trại lợn được đặt cạnh những khoảnh khắc đầy nhục cảm của một chàng thi sĩ- diễn viên như là phép đối sánh để khẳng định sức sống của vẻ đẹp phồn thể cùng với tâm hồn bao dung. Cái đẹp mà Xuân Hương biểu tượng đến đây càng được nhấn mạnh.

Lớp kết cấu bề mặt được Nguyễn Huy Thiệp sắp xếp và thể hiện đầy dụng công khiến một trong những ý tưởng của tác giả được bộc lộ rõ ràng: ý niệm về giá trị Xuân Hương, vẻ đẹp thoát tục mà vẫn vô cùng trần thế của Xuân Hương. Tuy nhiên, bên cạnh đó, lớp kết cấu bề sâu còn gợi ra nhiều hơn thế, nhiều hơn hình tượng Xuân Hương với cái đẹp lí tưởng. Nếu kết cấu bề mặt từng bước dẫn dắt độc giả đến chỗ khẳng định giá trị và tầm vượt thoát của vẻ đẹp Xuân Hương thì kết cấu bề sâu liên tục thể hiện những đường phân giới, phân mảnh và có khi là sự phá hủy mọi giá trị mà bề mặt gợi ra.

Trong xuyên suốt hai truyện nhỏ đầu tiên, ở điểm nhìn của các nhân vật khác, Xuân Hương liên tục được gắn với những giá trị thanh cao, lớn lao để người ta phải ngưỡng vọng. Nhưng lần xuất hiện và đối thoại trực tiếp duy nhất của nhân vật lại là câu nói đồng tình với tri huyện Thặng, phủ định cái thanh cao ảo tưởng trong đời sống dung tục. Phải chăng đó không chỉ là sự thông tuệ của Xuân Hương mà còn là dấu hiệu phủ nhận mọi giá trị thanh cao mà cái nhìn của mọi người gán cho Xuân Hương? Đời sống thực tại mở ra trong câu chuyện thứ ba, khi chàng diễn viên đóng vai Chiêu Hổ thấy xót xa vì “Hình ảnh trong phim Xuân Hương nhợt nhạt, bị hiểu sai lệch nhố nhăng. Người ta đắp điếm cho nhiều nhân vật những thứ tư tưởng cao siêu đáng ngờ. Đối thoại đầy rẫy ngôn ngữ hoa mỹ. Diễn viên rất đẹp. Cảnh quay rất khéo. Anh biết chắc chắn sẽ có nhiều đoạn thành công. Cảnh hội làng… Cảnh đám ma… Có khi cả cảnh Xuân Hương “sáng tác”… Một thứ hiện thực huyền ảo mung lung”. Nếu để ý kĩ, “cảnh hội làng”, “cảnh đám ma” đều là những cảnh xuất hiện ở hai truyện nhỏ phía trên.Vậy thì điều anh đang phủ nhận và phê phán liệu có phải toàn bộ những giá trị mà hai truyện ngắn trước đó đã khẳng định? Những tư tưởng cao siêu “đáng ngờ”, những cảnh quay, diễn viên đẹp, những lí tưởng mà Xuân Hương bị đắp điếm cho,… hóa ra chỉ là sản phẩm của hư cấu, của kĩ thuật,…? Hay cả chính anh, người lúc đầu coi việc mình đóng vai Chiêu Hổ như một trò đùa, một sự xấu hổ, tái mặt khi mình bị ví như “thằng trai điếm” hợp tuyệt vời để đóng Chiêu Hổ với phân cảnh “bóp vú các cô thôn nữ”, chính anh cũng rơi vào những phút giây “không dằn lòng được” mà trót sàm sỡ người thiếu phụ. Hóa ra kẻ sĩ như anh cũng không khác gì Chiêu Hổ? Còn người thiếu phụ lôi cuốn và vị tha kia, chị òa khóc vì anh chàng nói đúng quá về người chồng tệ bạc? Chị mong chờ điều gì khi hỏi “bao giờ anh lại đến thăm tôi”? Xuân Hương tưởng như hiện ra sống động, thật đến là vậy, hóa ra cũng mới chỉ là “chút thoáng” mà thôi.

Ở bề sâu, những giá trị và ý nghĩa được xây dựng tưởng như vững chắc ban đầu lại đứng trước một dấu hỏi lớn. Các nhân vật được đặt trong mối quan hệ để khẳng định giá trị, đến đây lại phô ra những nét biểu hiện phi giá trị. Mối quan hệ giá trị- phi giá trị, ranh giới cái Đẹp- cái xấu bị nhòe mờ. Nhân vật bị chia nửa trước những mờ nhòe đó: nhân vật không hẳn cao cả, lớn lao mà quay trở về cái “cô đơn mênh mông” giữa trần thế, thậm chí có dục vọng đời thường, như trở thành nhân vật “lưỡng phân đa diện”. Hình tượng nhân vật Xuân Hương lấy nguyên mẫu là nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã được gợi ra từ lời đề từ “Chành ra ba góc da còn thiếu…” như một cách khai thác nhân vật lịch sử. Nhưng sự tồn tại của Hồ Xuân Hương có thật trong lịch sử hay không cũng là điều chưa thể khẳng định. Vậy tất cả những ý nghĩa kết cấu bề mặt gợi nên hóa ra cũng chỉ gợi ra một trong những khả thể, một trong những cách hiểu và cảm nhận về Xuân Hương. Khai thác một nhân vật không chắc có thực sự tồn tại trong lịch sử, lại đặt nhân vật trong cuộc sống đời thường với nhiều hỗn loạn, với nguy cơ phá hủy giá trị rất lớn, Nguyễn Huy Thiệp gửi gắm vào tác phẩm của mình không chỉ là ý niệm về cái đẹp lớn lao mà còn là nỗi trăn trở, “day đi dứt lại” về sự thoái hóa, mất đi những giá trị đó trong đời sống dung tục. (Nhưng chính vì dung tục, chính vì không vô trùng, nó mới là đời sống thật nhất, nhiều va chạm nhất khiến con người có cơ hội nhìn rõ mình hơn để tiếp tục băn khoăn, tiếp tục day dứt).

Vì suy cho cùng, văn chương có thể làm gì hơn ngoài việc khiến ta không ngừng “day đi dứt lại” về cuộc đời?

Xem xét kết cấu tác phẩm trong mối quan hệ với đặc trưng thể loại, có thể nói “Chút thoáng Xuân Hương” là truyện ngắn bị tiểu thuyết hóa bởi lẽ, tất cả những đặc điểm khuôn cứng trên của truyện ngắn đều trở nên tự do và mềm mại hơn, mang tính “dở dang” và chưa hoàn tất của hiện thực đang diễn ra. Theo Bakhtin trong “Lí luận và thi pháp tiểu thuyết”, đây chính là những dấu hiệu của sự tiểu thuyết hóa [2].

“Chút thoáng Xuân Hương” được Nguyễn Huy Thiệp phân chia và xếp thứ tự thành chùm ba truyện nhỏ: “Truyện thứ nhất”, “Truyện thứ hai”, “Truyện thứ ba”. Chính kết cấu này làm giới hạn không- thời gian trong truyện ngắn bị phá vỡ, mở rộng ra từ quá khứ đến hiện tại, từ không gian văn hóa- lịch sử đến không gian đời thường đương đại. Nhờ đó, toàn bộ truyện ngắn lại được phân chia thành các lớp, cảnh, đoạn như một vở kịch lớn, như một tiểu thuyết với thời gian- không gian kéo dài, bao chứa nhiều cuộc đời của nhiều con người. Kết cấu bề mặt bên ngoài của tác phẩm như được chia ra thành các chương nhỏ, giống kết cấu của những tiểu thuyết thường thấy. Hình tượng xuyên suốt và nối kết chùm ba truyện này là Xuân Hương, nhưng đó cũng là Xuân Hương đặt trong những không- thời gian khác nhau, với những mối quan hệ xã hội khác nhau, như là một Xuân Hương, cũng như là ba Xuân Hương. Xuân Hương gắn với các nhân vật lấy tên từ nhân vật trong lịch sử: Tổng Cóc, ông phủ Vĩnh Tường. Nàng Hương mang dáng dấp Xuân Hương lại gắn với chàng thi sĩ- diễn viễn của đời sống hiện tại. Trong mỗi truyện nhỏ của chùm ba truyện, yếu tố sự kiện dường như không được tác giả chú trọng tô đậm. Sự phân tách và lắp ghép làm phá vỡ tuyến nhân quả của sự kiện, làm cho sự liên kết về ý nghĩa bề mặt của chúng không còn chặt chẽ, đồng thời trở nên phong phú như một thế giới thu nhỏ, vẫn đang vận hành, diễn tiến không ngừng. Các câu chuyện không quan hệ với nhau theo tuyến nhân quả, điều này vô hình trung khiến cho việc sắp xếp chúng trở nên có ý nghĩa quan trọng, thể hiện dụng ý nghệ thuật công phu của tác giả.

Tính chất phản ánh hiện thực chưa hoàn tất, đang dở dang của tiểu thuyết cũng  được tác phẩm thể hiện rất rõ ràng. Điều này được minh chứng qua những kết mở của mỗi truyện nhỏ trong tổng thể truyện ngắn. Chính bởi kĩ thuật lắp ghép, tổng thể tác phẩm không có một cái kết chung, mỗi truyện ngắn bên trong lại có những cái kết mở, điều này gợi ra một hiện thực bao trùm toàn tác phẩm, một hiện thực dở dang vẫn đang không ngừng diễn tiến. Không thể có một cái kết chung cho những câu chuyện mang khoảng cách về không- thời gian quá rộng lớn như vậy. Những kết mở thường dừng lại ở những hành động chưa hoàn tất hoặc dòng suy tư của nhân vật: Tổng Cóc thấy mâm bánh trôi bốc khói, ngơ ngác nhìn quanh tìm bóng dáng Xuân Hương; Ấm Huy nghĩ về Xuân Hương với hai chữ “con người” viết hoa, trong đám tang vẫn chưa kết thúc của ông Vĩnh Tường; chàng diễn viên vừa chia tay người thiếu phụ trên sông, nghĩ mình vừa thu được vừa đánh mất một buổi chiều và nghĩ về thời gian, về Xuân Hương thời xưa,… Đó là những mặt khác nhau của thế giới rộng lớn mà hình bóng Xuân Hương luôn ẩn hiện. Tác phẩm không có kết thúc lớn nhưng lại có ba kết thúc nhỏ như ba cánh cửa mở ra những chiều kích của suy tưởng.

Không có một đáp số nào cho những băn khoăn. Xuân Hương trong những truyện ngắn đó có phải là một hay là nhiều, là thực hay là ảo tưởng? Những giá trị Xuân Hương mà bao đời nay người ta vẫn ngợi ca có chăng hay chỉ là sản phẩm của vài nét thêu dệt đầy hoa mỹ, màu mè? Và nếu có thật một Xuân Hương đẹp như vậy, thì trong biến chuyển xoay vần của thực tại, cái đẹp đó có vững vàng như tượng đài hay cũng dễ lung lay, nhòe mờ đi mất? Các kết thúc mở mà Nguyễn Huy Thiệp xây dựng đã thực hiện được sức mạnh của “cú đấm nghệ thuật” (D. Furmanov):“hãy để cho ai đó tới giờ nói và suy nghĩ tùy ý, vì đã đến lúc kết thúc lời lẽ của tôi”.

Cụ thể hóa một nhân vật thường được quan niệm và nhận thức trong lịch sử vào gần hơn với thực tại, Nguyễn Huy Thiệp đã đưa những giá trị được đóng khung ra ngoài, tiếp xúc với không khí sống động của hiện thực, đặt nó trong thì hiện tại tiếp diễn để lôi kéo sự nghĩ cùng của độc giả. Chính điều này làm “Chút thoáng Xuân Hương” hay rất nhiều sáng tác khác của ông mang dáng dấp của tiểu thuyết dù được biểu hiện trong hình thức một truyện ngắn, như cách Nguyễn Đăng Điệp đã nhận định: “Gia tài văn chương Nguyễn Huy Thiệp chủ yếu là truyện ngắn. Nhưng điều đáng chú ý là mỗi một truyện ngắn của ông lại mang sức nén của một tiểu thuyết trường thiên. Diễn đạt gọn hơn, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp được viết bằng tư duy tiểu thuyết” (“Cuốn theo chiều văn Nguyễn Huy Thiệp”) [3]

Tài liệu tham khảo:

[1] Bùi Việt Thắng, Truyện ngắn – Những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại, NXB Đại học quốc gia, Hà Nội, 2007.

[2] Mikhai Bakhtin, Lí luận và thi pháp tiểu thuyết, Phạm Vĩnh Cư dịch, Trường Việt văn Nguyễn Du, Hà Nội, 1992.

[3] Nguyễn Đăng Điệp, Vọng từ con chữ, NXB Hội nhà văn, 2002.

Trần Hoàng Kiều Trang – Văn học có thể nói với chúng ta về những sự thật nào? (bài 2)

Bài viết này của Trần Hoàng Kiều Trang (Khoa Ngữ văn K68, năm 1) là bài tập giữa kỳ của em, cũng xoay quanh chủ đề “Văn học có thể nói với chúng ta về những sự thật nào của đời sống?”  Sinh viên được chọn một trong ba văn bản để thảo luận về đề tài này bao gồm một trích đoạn trong Những nhân chứng cuối cùng của Svetlana Alexeivich, truyện ngắn “Hoa cúc xanh” của Karel Capek và “Có một người nằm trên mái nhà” của Phan Triều Hải. Mỗi văn bản có thể gợi ra những khía cạnh khác nhau để sinh viên suy tư về câu hỏi được nêu lên.

Bài viết của Kiều Trang chính là một thứ văn chương tôi luôn trân quý khi được đọc từ sinh viên. Bởi ở bài viết này, tôi cảm nhận được người viết có một sự khoáng đạt trong cảm nhận và nhất là một niềm hứng thú với sự biểu đạt bằng ngôn ngữ. Đấy là điều rất hiếm gặp ở sinh viên bây giờ. Khác với các tiếp cận của Dương Phương Anh ở một đôi điểm, bài viết của Kiều Trang có một cách nhìn nhận truyện ngắn Phan Triều Hải nhẹ nhõm hơn. Và đó cũng là cái hay của sự đọc văn chương, rằng văn chương đúng nghĩa luôn gợi ra nhiều khả thể cho tưởng tượng và suy tư.

 

hale_bopp_morning

*

Ngày 23 tháng 7 năm 4385.

Đó sẽ là khoảng thời gian sao chổi Hale-Bopp bay ngang qua Trái Đất sau khi hoàn thành quỹ đạo dài hơn hai nghìn bốn trăm năm của mình. Vào những năm 2000, Hale-Bopp đã từng ghé qua bầu trời hành tinh này – lạnh lùng, thờ ơ như đi qua bao hành tinh cằn cỗi khác, nhưng lại khiến cả thế giới điêu đứng với vẻ lộng lẫy của mình.

Truyền thông thế giới rạo rực vì chuyện ấy, còn tôi biết đến Hale-Bopp qua một truyện ngắn viết cách đây cũng lâu – “Có một người nằm trên mái nhà”- Phan Triều Hải.

Đó là một truyện ngắn không có bối cảnh thành phố cụ thể, không một cái tên nhân vật, không những tình tiết phiêu lưu, không nhân vật phản diện, không tính cách phản trắc.

Thế giới ấy chỉ có những mái nhà và bầu trời.

“Có một người nằm trên mái nhà” là những dòng tự sự thuật lại quá trình nhân vật “tôi” chờ đến ngày được ngắm Hale-Bopp. “Tôi” sống cùng bố và vợ trong một căn nhà có mái nghiêng hai mươi ba độ. Người mẹ không được nhắc đến. Nội thất trong nhà không được kể đến đến. Tất cả những gì tác giả chú ý nhiều là chiếc mái có độ nghiêng trùng với trục của Trái đất. Từ chiếc mái tôn, hai hiện thực hiện ra: hiện thực nhìn từ dưới lên và hiện thực nhìn từ trên xuống.

1. Người bố và chiếc mái tôn

Người bố của nhân vật “tôi” – như bao người tin vào trải nghiệm, cảm tính hơn là khoa học, đã tự xây nhà ”từ từ, chậm rãi” theo cách riêng của mình, không bám theo bất kì một tính toán, nguyên tắc nào. Vật lý, hoá học, kiến trúc đều “không lay chuyển được ông”. Lí lẽ ông dùng để bác bỏ những bản vẽ kiến trúc là “Tao đã ở cái nhà này hai mươi năm nay”, sự gắn bó, thấu hiểu đó không thể được thay thế bằng thông số kĩ thuật. Căn nhà được xây hiên ngang và vững chãi. Người đàn ông không nghĩ nhiều đến thiết kế ngôi nhà, ông chỉ thực sự nghĩ ngợi một lần khi người đội trưởng hỏi về chiếc mái tôn:“Tất cả mọi người trên trái đất này đều phải sống dưới những mái nhà. Làm mái nhà là một việc quan trọng”. Người cha – vốn cứng rắn, chủ động, muốn nắm kiềm quyển soát, đã hỏi ngược lại vị đội trưởng và quyết định xây mái ở góc hai mươi ba độ – trùng với trục nghiêng của trái đất. Ông lăn ra ngủ ngay sau đó. Mọi người vẫn thường nói rằng những người dễ ngủ là những người ít lo nghĩ. Cũng có thể. Có lẽ họ nghĩ nhiều vào buổi sáng và trời đêm với họ chỉ có một chức năng duy nhất: ngủ để nạp năng lượng.

Cũng có lẽ vì vậy mà trong suốt câu chuyện, người cha đều không xuất hiện vào buổi đêm.

Chiếc mái nhà được xây nhanh chóng ấy trở thành dải phân tách không gian. Từ đây trở đi, câu chuyện chỉ có hai thế giới – thế giới nhìn từ mái nhà xuống và từ mái nhà lên bầu trời.

  2. Người vợ và căn bếp

Người vợ xuất hiện với vai trò là người “đem đến hơi người” cho căn nhà.

Người phụ nữ ấy rất cố gắng trong việc tạo bầu không khí gia đình. Chị hào phóng mua những chậu hoa – thứ chỉ xuất hiện ở những căn nhà có hi vọng, có người chăm chút. Chị mua lồng chim – loài vật xuất hiện kèm những tiếng kêu yêu đời và tạo cảm giác bình an. Sau cùng, vì “một vài sai lầm” của chị, những chậu hoa bị chết và chú chim tội nghiệp thoi thóp được đem tặng vội cho cậu bé nhặt rác.

Cố gắng biến ngôi nhà thành “nhà” ấy của chị đã khiến mọi người nhận ra được một điều thú vị về cuộc sống này: “cái hơi người cần có chính là kỉ niệm, không gì gần gũi với người hơn là kỉ niệm”. Căn nhà giờ đây ngập tràn kỉ niệm, góc này chị đã chăm cây, góc kia chị đã nấu nướng và yêu thương chú chim.

Người vợ xuất hiện chủ yếu gắn với căn nhà và hẹp hơn là căn bếp. Nếu có lần chị đi xa hơn thì đó cũng chỉ là khi chị nói những lời từ dưới bếp vọng lên mái. Nếu chuyển thể thành điện ảnh và quay chị dưới góc nhìn từ trên mái xuống, chị lúc nào cũng sẽ chỉ được nhìn qua một ô vuông hẹp mà người ta xây để đặt thang từ tầng dưới lên tầng mái.

Khá bí bức và chật hẹp.

Có lẽ thế thật, dù tác giả không tả điều đó nặng nề. Thường thường khi chồng ở trên mái thì chị ngồi “tù túng ở dưới nhà trong tiếng choang choang của bình luận viên”, hay xuất hiện trong bếp, “làm những việc vặt vãnh của một phụ nữ bận rộn”, “la hét con mèo với nhiệt tình không đổi”, “loay hoay với chiếc chảo nghi ngút”. Có lần chị được tả khác đi là khi đang đếm tiền – chị “tỉ mẩn buộc từng sợi chun vào từng tờ mười nghìn và năm nghìn”, cảm ơn chồng vì số tiền anh mang về và cắn nhẹ vào tai anh. Chị xuất hiện trong tất bật và cơm áo gạo tiền.

Hiện thực cuộc sống được nhìn theo chiều phẳng trong căn nhà là hiện thực khá gần gũi. Đó là hiện thực với những sự thật phổ biến: người phụ nữ chăm chút cho căn nhà, người phụ nữ loay hoay với căn bếp, với con mèo, người phụ nữ vui khi kinh tế khá khẩm, người phụ nữ không mong gì hơn ngoài một mái ấm an yên. Đây là một không gian rất đầm ấm và tình cảm, được quan sát nhẹ nhàng dưới góc nhìn của nhân vật tôi.

3. Nhân vật tôi, bầu trời và thời gian

Anh chưa đến ba mươi tuổi, làm nghề bán khung tranh. Hồi còn nhỏ, anh thích ở truồng và tắm ở ngoài trời. Lớn lên, anh mới khái quát được những điều nhỏ bé ấy thành một mệnh đề khẳng định: anh không thích những bức tường, anh thích không gian mở, thích lắm.

Bố anh cho rằng làm người là một việc vô cùng đáng quý và người bình luận viên trên truyền hình cũng ca ngợi một nhà thơ rằng: “Ông không chỉ là một nhà thơ mà còn là một Con Người”. Là một con người. Mọi người nghĩ rằng hẳn rất cao sang khi được làm con người và để được coi là người thì phải làm nhiều điều đúng đắn lắm. Anh thì lại cho rằng tất cả đều là người, dù tốt, dù xấu, dù đáng quý hay đáng ghét bởi làm người là một việc nhọc nhằn, ê ẩm. Nó không đáng để ngợi ca nhiều vậy.

Anh hay nghĩ và có một đời sống khá “thơ”, anh gọi vợ là “nàng” và thích màu bạc. Trong tất cả các màu giấy thủ công được nhận khi còn bé, anh chỉ thích màu ấy. Anh thấy nắng chỉ thật sự đẹp khi nó óng ánh trên màu giấy bạc, màu lá cây cũng lóng lánh như suối nếu nó được đặt trên nền bạc.

Màu bạc là màu sáng của những vì sao.

Là màu đuôi sao chổi Hale-Bopp.

Anh xuất hiện khi bầu trời xuất hiện. Tác giả nhắc đến anh khi nhắc đến bầu trời sao. Anh đã hình thành thói quen ở ngoài trời trong suốt thời gian xây nhà và thường ngắm sao hằng đêm. Anh thích cảm giác sung sướng vì xung quanh không có những bức tường, chỉ có một bầu trời mênh mông của riêng mình. Anh thích trò tìm những ngôi sao bởi mỗi đêm chúng lại “có một bố cục khác nhau”, không thích trăng bởi nó sỗ sàng, to quá, tròn quá. Mái tôn trở thành nơi liên kết của anh với bầu trời và mỗi buổi sáng anh lại chờ mong đến tối để được tìm bố cục các vì sao. Một ngày của đời anh như chia làm hai hiện thực: nửa sáng và nửa tối. Sáng, anh đi giao khung tranh cho khách hàng. Về đến nhà, anh mệt chỉ muốn nằm dài ra, không thiết gì nữa nhưng lại bật dậy khi nghĩ đến những ngôi sao trên mái nhà.

Mái nhà đưa anh đến nửa tối của mình. Ở đó, anh “hay nghĩ”,”nghĩ nhiều”- anh sẽ làm gì năm mình ba mươi tuổi, bốn mươi tuổi, rồi năm mươi? Đó là những lời tự vấn mà chỉ không gian trời sao cho anh được tự hỏi mình. Dù không lần nào anh tìm được câu trả lời cho những điều mông lung đó nhưng anh vẫn “sung sướng” mỗi khi nhìn bầu trời bởi anh được nghĩ. Điểm nhìn từ mái nhà xuống đã giúp anh quan sát được hiện thực về đêm nhiều hơn. Anh để ý làn khói nhẹ toả ra từ mái nhà, chiếc lá khô trượt từ trên xuống, những căn nhà đóng cửa sổ mỗi đêm. Từ mái tôn, anh biết rằng những người được giao trọng trách đóng cửa thường là những người trụ cột gia đình, họ kết thúc một ngày bằng việc đóng cửa. Cửa có thể đóng sớm hoặc đóng muộn nhưng không bao giờ là không đóng. Trước trời ngàn sao, anh thổ lộ với những vì tinh tú: “Suốt một ngày sống trong khói bụi, trong tiếng động cơ xe máy, trong tiếng nói cười của những đám đông thì đêm về tôi chỉ muốn yên lặng. Mà yên lặng thì không nơi đâu yên lặng bằng bầu trời.”

Có thể có mấy hiện thực? Có phải chỉ có hai hiện thực cuộc sống – khi trời sáng và khi đêm đến? Sáng, con người lo toan cuộc sống mưu sinh của mình, như anh đi giao tranh, như những người mải miết trên đường phố. Tối, con người mới đối diện với chính mình – như anh tự vấn bản thân, như anh thổ lộ với bầu trời, như cách anh nhìn những khung cửa sổ. Tối, những góc khuất mới từ từ lộ ra, như ở ngoài kia có bao nhiêu người có cuộc sống về đêm, bao nhiêu trẻ em lang thang cơ nhỡ ngoài đường.

Có phải chỉ có hai hiện thực – nhìn từ trên xuống và nhìn từ dưới lên? Nhìn từ dưới lên, người bố thấy hành động chờ sao chổi Hale-Bopp của anh sẽ “chẳng làm được gì ra hồn cả”, người vợ thấy đó là một sự bỏ rơi mình. Còn anh, nhìn từ trên xuống và nhìn từ trên lên cao nữa, anh thấy đó là một may mắn cả đời người.

Vì đã trót yêu một không gian mở, không gian rộng lớn của vũ trụ nên anh tất yếu sẽ bị ám ảnh bởi thời gian. Đó là những gì những người yêu thiên văn và các nhà thiên văn học cảm thấy khi nhìn lên bầu trời: thấy rằng vũ trụ có quá nhiều điều bí ẩn còn năng lực và thời hạn của mình quá ít ỏi để có thể giải đáp được chúng.

Thời gian dường như trở thành một nỗi ám ảnh của anh.

Việc ngôi sao chỉ quay lại sau hai ngàn bốn trăm năm nữa khiến anh trăn trở. Anh nghĩ về qúa khứ :”tôi không hình dung được hai ngàn bốn trăm năm trước có những ai là ai, có tên tuổi gì, có địa vì gì, có những vinh quang hay thống khổ gì. Tôi cũng không biết hai ngàn bốn trăm năm sau thì những ai là người sẽ là gì.” Vì bị thời gian chi phối, anh nhìn mọi vật dưới góc độ thời gian. Dường như chỉ có sự vật là đứng yên còn con người thì luôn thay đổi bởi họ không có nhiều thời giờ: công việc đóng cửa ở những ngôi nhà không bao giờ thay đổi, chỉ có người đóng cửa là thay đổi, khi họ chết đi sẽ có những thế hệ tiếp theo kế tục, trưởng thành. Từ đó dẫn đến sự ám ảnh về hữu hạn của đời người và cũng trân trọng tất cả những gì xung quanh : “từ nhà tôi đến nhà bạn là một trăm mét mà chúng ta gặp nhau mỗi năm chỉ có một lần”.

Câu chuyện kết thúc với hình ảnh sao chổi Hale-Bopp vụt qua bầu trời đêm – anh đã nhìn thấy nó, “nó đẹp thật”. Anh đã nhìn thấy nó. Người cha cũng nhìn lên trời và người vợ cũng nhìn nhưng cha anh “chẳng thấy cái mẹ gì” còn vợ thì gọi anh xuống nhà. Anh nhìn bức tường mới sơn màu, rạo rực với niềm hạnh phúc, dẫu không biết mình sẽ làm gì vào ngày mai dưới căn phòng này, nhưng anh đã nhìn thấy nó rồi.

Câu hỏi bỏ ngỏ cuối sách là: Anh có thật sự nhìn thấy Hale-Bopp không? Hay đó chỉ là sự tưởng tượng của người quá khao khát được nhìn thấy sao chổi? Tất cả là hiện thực hay chỉ là tưởng tượng? Nếu anh nhìn thấy thật, tại sao người bố và người vợ lại không thấy? Rồi anh sẽ làm gì những ngày tháng sau này? Không ai có thể trả lời câu hỏi đó. Sao chổi Hale-Bopp đã đi qua rồi.

Nếu có điều gì đó tác giả Phan Hải Triều muốn đặc biệt nhấn mạnh thì đó chính là yếu tố không gian và thời gian trong tác phẩm. Không gian khác nhau và thời gian khác nhau có thể tạo ra những góc nhìn khác nhau, những sự thật khác nhau, thế giới khác nhau. Đó là thế giới nơi con người mải mê lo toan cho gia đình, đời sống, cơm áo nhưng cũng là một thế giới cao hơn, rộng hơn: thế giới của vũ trụ, của những cuộc trò chuyện với bản thân, nơi con người được sống là mình, được thoát ra khỏi mặt đất. Đó là hiện thực của những điều khả nhiên – khi tất cả mọi người nghĩ rằng không thể thì anh vẫn tiến lên để chạm lấy. Cũng có thể chẳng có một sự thật nào cả, bởi mỗi chúng ta có một niềm tin khác nhau.

Vậy nếu không có sự thật nào, hoặc có nhưng tất cả chỉ là sách vở thì ý nghĩa của những điều này là gì? Hiện thực trong văn chương được lấy từ đời sống, nhưng cao hơn đời sống, có lẽ vì vậy mà văn chương gieo vào ta một niềm tin. Niềm tin vào những sự thật, rằng tất cả là thật đấy, đã từng có một người đàn ông hay leo lên mái nhà, anh ta làm vậy hàng tuần liền và đã nhìn thấy sao chổi bằng mắt thường. Tất cả những điều xảy ra trong những cuốn truyện khác cũng đều là thật. Văn chương nhen nhóm trong ta một niềm tin, để ta có thêm vững chãi đi tìm những điều tốt đẹp ở cuộc đời, tìm những điều tốt đẹp ở trong ta.

***

Khi tôi sinh ra đời, Hale-Bopp đã đi qua trái đất được ba năm rồi. Điều đó có nghĩa là nếu chót yêu ngôi sao ấy, tôi phải đợi gần hai nghìn bốn trăm năm nữa.

Nhân vật tôi đã đúng. Không phải ai cũng có may mắn được thấy sao chổi, hàng triệu tỉ người chỉ có vài người có diễm phúc ấy. Nhưng cũng có những người, sao chổi ở ngay trên đầu họ mà họ không biết, không quan tâm, không nhận ra rằng mình là người may mắn. Cũng có những người nhìn lên trời rồi – như ông bố, như chị vợ, nhưng lại không nhìn thấy gì cả. May mắn vụt qua họ mà họ không ý thức được. Và có những người không có may mắn gì để mà mong chờ như chúng tôi – tận hai ngàn bốn trăm nữa.

Nhưng có lẽ hai ngàn bốn trăm năm nữa mọi người cũng không thể nhìn thấy nó bởi các nhà khoa học nói rằng Hale-Bopp đang chết dần. Nó có dấu hiệu của một ngôi sao chết từ năm 2007. Có lẽ lần đi ngang qua trái đất đó là lời chào cuối cùng của Hale-Bopp với nhân loại. Hai ngàn năm nữa, Hale-Bopp sẽ chỉ là một huyền thoại, một câu chuyện mà người ta không biết đúng sai, thực giả, một truyền thuyết – như loài rồng mà thôi.

Nhưng có một sự thật cuốn sách này và tất cả những cuốn sách khác chưa từng lừa dối mọi người, đó là sự thật hiển nhiên: cuộc đời con người là hữu hạn, là quá nhỏ bé so với thời gian vĩnh cửu của vũ trụ. Người đàn ông kia sẽ làm gì khi tỉnh dậy lúc sớm mai? Đợi chờ hơn hai ngàn năm nữa chăng?

Có lẽ anh ta sẽ trân trọng hiện tại, bởi thứ anh ta nhận được từ quá trình chờ đợi sao chổi là sự ý thức sâu sắc về kiếp người ngắn hạn.

Có lẽ thay vì nghĩ về một vì sao còn lâu mới quay lại, tôi sẽ lên các nóc nhà. Tôi nhận ra mình đã lên nóc nhà của nhiều trường đại học khác và nhìn cảnh vật từ trên cao, nhưng tôi chưa bao giờ làm vậy với trường đại học của mình.

Phải trân trọng hiện tại. Phải yêu hơn những thứ gần gũi.

Dương Phương Anh – Văn học có thể nói với chúng ta về những sự thật nào? (bài 1)

Câu hỏi “Văn học có thể nói với chúng ta về những sự thật nào?” là một trong những đề tài mà tôi muốn mời gọi sinh viên của mình suy nghĩ. Rất có thể văn chương chỉ là những câu chuyện hư cấu và do đó thật ngây thơ khi nghĩ rằng có thể tìm thấy ở đó sự thật nào. Rất có thể nếu có sự thật nào mà văn chương có thể nói đến thì đó hẳn lại là thứ ta ngại phải nhận diện. Bởi đó là sự thật của chính mình, bởi nó bóc trần tấm mặt nạ của một đời sống bình thường, yên ổn mà nhiều người đang sống và ta vẫn đang sống. Rõ ràng đây chỉ là câu hỏi gây bất an? Lấy gì để biện hộ cho ý nghĩa của văn chương khi nó chỉ không ngừng gây bất an cho con người? Khi nó, nói như lời Nguyễn Huy Thiệp, chỉ làm đúng cái việc rất vô nghĩa, “bắt người ta day đi dứt lại”… Hoặc cái sự thật văn chương nói với ta luôn là điều gì đó mỉa mai, như một ý nghĩ của nhân vật trong văn Phan Triều Hải: “Có những người mà tôi rất ghét, nhưng tôi cũng sẽ nói với họ như thế, bởi tôi thấy làm con người tưởng cao ráo lắm, nhưng ê ẩm có thừa”

Trong kỳ học này, tôi thật mừng khi các bạn SV lớp mình dạy không ngại đối mặt với những câu hỏi khó mà văn chương gợi ra. Bài viết dưới đây của bạn Dương Phương Anh (SV Khoa Tiếng Anh, k67), tuy còn ít nhiều cảm tính, nhưng tôi tin nó chứa đựng suy tư thực của người viết. Truyện ngắn “Có một người nằm trên mái nhà” của Phan Triều Hải được lựa chọn chất liệu để các bạn sinh viên cùng suy nghĩ. Nếu thực sự những gì tôi gợi mở được các bạn tiếp nhận và thể hiện trên bài viết thế này, tôi nghĩ mình đã có một kỳ dạy học may mắn.

Hale-Bopp-Cherie-Benoit

Với tôi, văn học có khi là chốn tỏ bày của những tâm hồn cô đơn trong thế giới hiện thực. Bỏ qua mọi quy chuẩn, kì vọng của xã hội, khoác trên mình chiếc lốt vô danh, tâm tư sâu kín nhất của loài người cứ thế được bộc lộ. Ở thế giới ấy, con người thoải mái với bản ngã chân thật nhất của mình, họ thoải mái với những khát khao sâu thẳm, thậm chí dị biệt nhất của mình. Trong xã hội hiện đại, dường như con người đang dần yếu đuối đi dưới sự áp chế của những quy chuẩn ngột ngạt. Những con người sống những cuộc đời đóng khung, chới với, chông chênh nhưng vẫn mơ về “một cái gì riêng đặc biệt cho riêng mình”. “Có một người nằm trên mái nhà” là câu chuyện về một chàng trai như thế, loay hoay với những sở thích kì lạ, loay hoay tìm cách lấp đầy những khoảng trống tâm hồn.

Văn học mở ra những tầng sâu của sự thật đời sống, chạm đến những trăn trở và day dứt bản thể, gieo vào ta những câu hỏi thường trực về sự tồn tại của chính chúng ta giữa vũ trụ này. “Có một người nằm trên mái nhà” là câu chuyện về một chàng trai bình thường với một sở thích kì lạ. Chàng trai sống cùng và vợ và cha, công việc mỗi ngày là giao hàng, mười lăm ngàn một vòng, cứ thế giao nhiều nhất có thể rồi về đưa tiền cho vợ. Chẳng có điều gì đặc biệt ở cuộc đời ấy lắm, cho đến một ngày anh nhận ra bỗng trở nên thật bức bối  mình “không quen ở mà trên đầu bị che bởi một mái nhà, và chung quanh là những bức tường có cửa sổ trổ ra lưng những tường nhà hàng xóm”. Cứ thế, tối nào cũng vậy, chàng nằm trên mái nhà nghiêng hai mươi ba độ rưỡi ngắm nhìn bầu trời của riêng mình, sung sướng với niềm vui được đếm sao. Chàng trai ấy ám ảnh với những gì đặc biệt. Trong suốt thiên truyện, rất nhiều lần chàng trai đã giới thiệu chiếc mái nhà nghiêng hai mươi ba độ rưỡi, tự hào như một lời khẳng định về điều riêng chỉ nhà anh có. Anh thích ngắm sao dường như cũng bởi nó cho anh một thế giới riêng: “một bầu trời lớn mênh mông, và không hề bị chia sẻ”. Anh nâng niu những điều kì lạ như vậy, có lẽ bởi chúng là những cái riêng anh khát khao mà không thể có ở cuộc sống đời thường, là khoảng thời gian ít ỏi mà chàng trai thấy mình được sống. Đáng buồn là chẳng ai hiểu chàng trai ấy cả. Chẳng hạn, người vợ của anh thì nghĩ: “Đối với nàng, tất cả những lí do tôi đưa ra đều không thể biện minh được cho một hành động điên rồ như thế, dù cho là một lối thoát cho một công việc cụ thể mà đơn điệu, hay nhằm chống đỡ những thứ rỗng tuếch mơ hồ cứ ngày lại ngày gặm mòn hết ý chí muốn được suy nghĩ một cái gì thật riêng đặc biệt cho riêng mình”.

Chúng ta có thể cũng đã từng giống như chàng trai này, ngày nào đó mỏi mệt, chợt giật mình nhận ra mình đang dần trống rỗng, tự hỏi mình đang sống vì ai, vì điều gì, tự hỏi mình có đang thấy hạnh phúc nữa không? Cái cảm giác mơ hồ ấy bám riết lấy những tâm hồn mỏi mệt, làm ta nghi ngờ cái vỏ ổn định của cuộc đời. Những lúc ấy, liệu ai dám đứng lên đi tìm một lối đi khác, hay sẽ như chàng trai trong truyện ngắn này chới với trên chiếc mái nhà ngắm sao để chạy trốn thực tại? Hai lần chàng trai bày tỏ: “Tôi không biết là nếu không leo lên mái nhà nữa thì sẽ làm gì ở dưới mái nhà”, là lời tóm gọn của một cuộc đời đang lâm vào cảnh chơi vơi, trống rỗng. Sau một ngày giao hàng như cái máy, hoàn thành nghĩa vụ kiếm tiền với vợ, anh tìm đến bầu trời đêm nở rộ ánh sao sa, những ánh sao bé nhỏ như những con người vô danh vẫn âm thầm tỏa sáng, có lẽ anh cần những ánh sao ấy thay anh nở rộ mỗi ngày… Mở ra một cuộc đời như thế dưới ngòi bút của mình, Phan Triều Hải phá tan cái vỏ đời sống mà ta vẫn tin là rất ổn, là bình thường, để lộ ra cái đời sống tinh thần thực sự phía sau nó. Sau cái đời sống tưởng chừng thanh thản của anh giao hàng đêm xuống lại lên nóc nhà ngắm sao ấy là một tâm hồn dậy sóng trước sự vô nghĩa và hữu hạn của đời mình. Anh chàng đếm sao ấy, đơn độc trên chiếc mái nhà nghiêng hai mươi ba độ rưỡi, lạc điệu trong cái nhịp sống nghìn năm vẫn thế của cái xã hội này, cái nhìn của bên lề về nhịp sống thường ngày ấy làm ta phải suy nghĩ về sự tồn tại ở vũ trụ này: “Những người đóng cửa luôn là bậc trụ cột trong nhà, phải cẩn thận, phải trách nhiệm. Khi họ chết đi sẽ có những thế hệ tiếp theo trưởng thành hơn kế tục công việc đó, đóng cửa và mở cửa” . Trong cái vòng xoay không ngừng ấy,chúng ta là ai, là ai trong hàng vạn hàng người sống rồi chết giữa vũ trụ này.

Điều tuyệt vời nhất của văn học đó là không đặt con người lên vị trí cao nhất để xưng tụng. Nó phá tung những mệnh đề ca ngợi vẻ đẹp, sức mạnh, sự thống trị của con người. Có lẽ chẳng ở đâu như trong văn chương, con người hiện lên vỡ vụn, yếu đuối đến thế. Trong xã hội hiện đại, con người ngột ngạt trong những thành phố lớn, dưới những căn nhà vuông vức, hối hả trên những con đường ngạt mùi khói bụi. Tất cả đều được nhào nặn dưới đủ mọi tiêu chuẩn từ những danh hiệu học sinh giỏi thời bé, đến bậc lương nghề nghiệp khi đã lớn lên. Loài người thường tự hào mình là loài thống trị thế giới, tự cho mình cái quyền năng chi phối muôn loài, chúng ta thích xếp hạng những loài vật theo trí thông minh, và cũng tự xếp hạng nhau bằng các quy chuẩn tự mình áp chế. Anh chàng nằm trên mái nhà ngược lại có một cái nhìn đầy mỉa mai về loài người: “Có những người mà tôi rất ghét, nhưng tôi cũng sẽ nói với họ như thế, bởi tôi thấy làm con người tưởng cao ráo lắm, nhưng ê ẩm có thừa”. Ê ẩm thật, khi cứ mãi phải chui trong những cái khung chật hẹp của xã hội, ê ẩm thật, khi ngẩng lên nhìn hai chữ Con Người viết hoa, chẳng thấy mình có gì xứng đáng. Ngòi bút của nhà văn thật sự  không ngần ngại mở ra những mảng tối tăm, ích kỉ, hèn mọn nhất vẫn tồn tại trong mỗi người. Không có con người văn chương nào đơn thuần là một Người viết hoa, nó là những người bình thường mang trong mình những mảng sáng tối, bối rối trên con đường đi vào bản thể, mỗi ngày vẫn mải mê tìm câu trả lời cho sự tồn tại của mình giữa vũ trụ. Tất cả chúng ta đều là những con người đúng nghĩa mang trong mình những điều cao cả và hèn mọn,cả phần Con và phần Người, và trong văn chương, thế giới ấy thừa nhận cả hai mảng sáng tối ấy, công bằng và tự nhiên. Có thể nói, đứng trước văn chương, mỗi chúng ta đều bình đẳng, đều đang đứng trong những hành trình riêng đi tìm định nghĩa về chính mình.

Văn học thúc đẩy mỗi chúng ta đi tìm ý nghĩa của đời sống. Văn học cùng với sự thật nó phản ánh là động lực thôi thúc để chúng ta vươn tới những giấc mơ, gieo vào trong ta những ý niệm về một cuộc đời thực sự có ý nghĩa, về cái gì đó vĩnh cửu, cao hơn cái hữu hạn và nhỏ bé của loài người. Với chàng trai nằm trên mái nhà ấy, động lực cuả anh là ngôi sao chổi Hale – bopp – ngôi sao hai ngàn bốn trăm năm mới tỏa sáng một lần. Cái lung linh,lấp lánh của những ngôi sao nhỏ bé vô danh đối lập với cái đời sống dưới nóc nhà của anh vốn là đời sống thật thực ra chỉ là đời sống tạm. Đó là đời sống ngột ngạt chẳng thể thỏa mãn được khát khao được có một cái gì đó cho riêng mình. Cái đời sống trống rỗng, chơi vơi ấy buộc độc giả phải nghĩ, phải nhìn lại đời sống của bản thân, phải bắt đầu hành trình đi vào bản thể, bắt đầu hành trình đi tìm định nghĩa bản thân, phải tìm ra điều ý nghĩa trong sự tồn tại vốn đã mong manh của loài người. Cái nhợt nhạt của đời sống ấy khơi dậy trong độc giả cái khát khao được sống căng tràn, sống tuyệt đối trong cả niềm vui và nỗi buồn, cả những niềm đau và cái chết.

Văn chương còn tìm trong sự thật đời sống cơ hội cho những giấc mơ, bởi hiện thực trong văn chương luôn là hiện thực chứa đựng những cái khả nhiên, những cơ hội mở đón chờ những kẻ dám mơ ước những điều điên rồ nhất. Anh chàng chỉ thích đếm sao ấy sợ phải xuống dưới nhà chắc bởi “Đến một lúc nào đó nhà chợt hóa chật hẹp như một cái khuôn, bước vào đó là bị ép vào những hình thù định sẵn”. Vậy mà nghe đến Hale – Bopp – ngôi sao chổi chỉ xuất hiện sau hai ngàn bốn trăm năm đã đồng ý với vợ, nếu anh được nhìn thấy sao chổi này một lần thôi, anh sẽ không bao giờ đòi ngắm sao nữa. Chỉ cần một lần thấy được ngôi sao hai nghìn bốn trăm năm mới tỏa sáng một lần, anh chấp nhận ở dưới mái nhà, dù trống rỗng, dù chơi vơi. Cái trống rỗng của chàng trai sau khi nhìn sao chổi lướt qua, đẹp đẽ và ngắn ngủi: “cái sao chổi ấy, nó đẹp thật đấy, và thiệt tình tôi chẳng biết còn phải đợi chờ điều gì hơn thế nữa”. Cái khát khao được có gì đó cho riêng mình, được sống một đời ý nghĩa đã biến thành việc theo đuổi sự hoàn hảo của Hale – bopp, ngưỡng mộ sự vĩnh hằng và kì diệu của nó. Và khi cái đẹp ấy lụi tàn, anh lại quay về với trống rỗng, về với cái sự thật đã đóng khung của đời sống, không còn ở trên mái nhà đếm sao nữa, chỉ còn cái cuộc sống rỗng tuếch, chẳng biết phải làm gì. Với bạn đọc, cái hiện thực mà Phan Triều Hải đã mở ra, khi nào đó bỗng làm ta nhìn lại mình và tự hỏi mình có đang sống trong những cái khung, một đời hữu hạn, nhỏ bé là thế, liệu có nên tiếp tục trong những trách nhiệm và thói quen? Câu chuyện có thể kết thúc ở những day dứt về ngày mai của chàng trai nhưng nó đã gieo vào lòng bạn đọc khát khao và dũng khí để tiến bước trên hành trình đi tìm chính bản thân mình.

Sự thật mà văn học phản ánh cũng là cánh cửa để chúng ta nhìn vào tâm hồn của kẻ khác, những kẻ mà cả xã hội chúng ta vẫn thường nhìn như khác người, lập dị, ngu ngốc hay dở hơi. Những người đi ngược đường với xã hội ấy, trăn trở với những điều chẳng ai muốn quan tâm, mải mê với những điều ai cũng đã vội quên mất. “Có một người nằm trên mái nhà” là chúng ta, là những người trẻ lạc hướng, trống rỗng trong những tháng ngày mưu sinh xô bồ, mỏi mệt, tự nhận ra có gì đó vô nghĩa trong những ngày tháng tưởng như đã ổn này. Tìm hiểu những tâm hồn của những kẻ bị đẩy ra ngoài vòng cương tỏa của quy chuẩn, trật tự, kì vọng xã hội, văn chương dạy ta cách bao dung và rộng mở, cũng dạy ta cách suy ngẫm cuộc đời mình qua cuộc đời kẻ khác, để cảm thông, tôn trọng và đổi thay.

Dấu ấn của chủ nghĩa lãng mạn trong văn hóa trẻ đương đại (bài 2)

Bài viết của Trần Nguyễn Lan Nhi, sinh viên lớp CLC K65 là bài viết thứ hai tôi muốn giới thiệu trong chủ đề “Dấu ấn của chủ nghĩa lãng mạn trong văn hóa trẻ đương đại.” Sau khi đăng bài viết đầu tiên của bạn Vũ Thị Kiều Chinh, chúng tôi đã nhận được những phản hồi rất thú vị. Mới đây, tạp chí “Văn nghệ quân đội” đã giới thiệu bài viết của Chinh. Nhờ đó, những suy nghĩ, những cách đặt vấn đề của Chinh có thể tiếp cận với công chúng rộng hơn nữa. Tôi hy vọng, đúng hơn, tôi tin rằng, bài viết dưới đây của Lan Nhi cũng có thể nhận được nhiều chia sẻ.

Bouquet with Flying Lovers c.1934-47 by Marc Chagall 1887-1985

*

1. Không biết có phải do đọc thơ Xuân Diệu suốt những năm 17, cho nên, có một điều lạ, tôi luôn cho rằng từ “trẻ” thực chất là cách viết giản quy của sự lãng mạn. Ngày mẹ tôi cầm đàn ghita và hát ở tuổi 47 (điều mà tôi chưa từng nhìn thấy ở bà bao giờ), tôi đã nói “Mẹ trẻ quá!”. Ý tôi là, với tư cách một đứa con, tôi nghĩ tâm hồn mẹ theo thời gian đã khô cằn đi nhiều bởi sự khó tính quá mức với đời sống gia đình cũng như bộn bề của công việc mưu sinh, nhưng, hóa ra cô sinh viên của 27 năm về trước vẫn còn: lãng mạn, sôi nổi và cũng điên rồ lắm. Thế nên, có lý gì mà không thể kết luận chủ nghĩa lãng mạn vẫn còn để lại những ảnh hưởng về cảm quan và thẩm mỹ trong văn hóa trẻ đương đại? Tôi hai mươi mốt và tôi trả lời “Có. Lúc nào cũng có.”

Chủ nghĩa lãng mạn bắt rễ vào nhiều khía cạnh của đời sống hiện đại. Những quán tính của văn học đôi khi trong những va đập của lịch sử không dủ khả năng để ngăn lại. Đến chừng nào, con người vẫn còn cần đến xúc cảm như một năng lực nhân tính, lãng mạn sẽ không mất đi. Nhất là ở thời kì này, cảm quan lãng mạn thực sự là một thứ sức mạnh tinh thần lớn. Nó trao cho con người một chiều kích để dám bình thường và một chiều kích để vĩ đại mà “dấn thân.”

“Một bài thơ cũ” của Lu hay “Đưa nhau đi đốn” của Đen được xem như là những tuyên ngôn, là mã hóa của đời sống giới trẻ đương đại. Tại sao những bài nhạc và phong cách thơ theo kiểu như thế lại trở thành trào lưu cho những tự sự của tuổi trẻ? Mà kiểu như thế là kiểu thế nào?

2. Mỹ học của thời đại mới trước hết là mỹ học nảy sinh từ đô thị. Đô thị lấp lánh thơm tho với cấu trúc bên trong như một cái máy say sinh tố vừa cắm điện, nuốt chửng và nhào nát từng cá thể bởi vô vàn những guồng quay của trách nhiệm, của mặc định xã hội, của tham vọng và của ước mơ “đầy tạm bợ”. Trong bước chân đầu tiên “gia nhập” vào cộng đồng ấy, những “gã trẻ” thấy lạc lõng và cô đơn khủng khiếp. Nó nhận ra thứ mình muốn và thứ người ta cần là sự vênh lệch quá lớn. Trong những đoạn dốc treo leo hướng đến lý tưởng của mình, nó bỗng chùn chân và muốn được “bình thường”. Nó ngại vội vã. Nó sợ ganh đua. Nó muốn được lắng nghe. Nhưng “ai cũng” là một lý do thỏa đáng. Thế giới đầy tính tự trị và quân chủ của một cá thể khiến cho phần còn lại của thế giới vẫn mãi là những “người lạ” không thể đồng điệu. Chính lúc này, nó tìm đến những hình thức biểu hiện khác nhau để giải phóng. Và viết, luôn là một sự an ủi lớn.

Chính nhà thơ Lu cũng chia sẻ anh chỉ viết khi cảm xúc đẩy anh phải viết. Anh viết rất tự nhiên. Anh viết về những gì anh cảm thấy, anh nhìn thấy. Anh viết về những người quanh anh, về anh, về Hà Nội. Những câu thơ bài hát trở thành lời tự thuật. Hiện thực mang tính phê phán bị dư thừa. Con người cần đến một sự lãng mạn để nhịp sống chậm hơn, để lắng nghe những cảm xúc và cảm giác bị xã hội tốc độ tua đi quá nhanh. “Anh về giữa Bùi Thị Xuân/ uống hai mươi cốc nhân trần cho say/thế thôi là hết một ngày”. Hai mươi cốc cơ mà. Ấy là những tự sự đầy mộc mạc, chân thật và “phản” đời thường khiến bài thơ tạo ra một sức hấp dẫn rất kì lạ. Như thể nó mở đường cho cái tinh thần “chống đối” đang nhen nhóm trong nhiều tâm hồn trẻ đang bị kìm chặt đến bí bách, ngột ngạt: “Bố anh thì đi lại/ Còn mẹ anh gọi điện thoại đến từng nhà/ Nhiều ngày rồi mình không về/ không liên lạc được gì cả/ chỉ vỏn vẹn lại mảnh giấy/ đừng lo đêm nay con đi chơi xa.

Xã hội đương đại đem đến cho người ta cảm nhận về một sự không ổn không thể gọi tên.Và văn hóa của giới trẻ là cách họ đối thoại lại với những sự không ổn ấy. “Ôi những thứ chán chường/ Không tẹo nào háo hức/ Mình rời thành phố chật chội náo nức/ Nơi mà việc thở cũng làm ta lao lực”; “đời cuốn xô ta/cả khi ta trống trong phòng ngủ/ âu lo theo về/ dù ta đã khóa ba lần cửa”. Họ không hề ổn với những bổn phận, ngay cả khi họ lựa chọn nó. Sự nâng đỡ về mặt đạo đức nay trở thành những gánh nặng.

3. Nếu như chủ nghĩa lãng mạn ghi dấu vào lối tư duy của người trẻ theo cách như thế thì cũng thật thú vị khi một vài những nguyên tắc mỹ học của nó cũng đi vào kết cấu nghệ thuật của các loại hình văn hóa giới trẻ.

Nếu trong chủ nghĩa lãng mạn cổ điển, con người đi vào thế giới của tôn giáo để thể hiện suy tư và niềm tin của mình, thì nay giới trẻ tạo lập cho mình một thế giới riêng – một thế giới có anh em,  một thế giới song song. Ngọt vẽ ra thế giới màu xanh: “Con đường màu xanh/ xanh màu lá, xanh đại dương/ không còn nhớ không còn thương/ em là nắng, anh là sương/ thiên đường màu xanh”. Với Vũ: “và xin đưa tôi về một nơi rất xa loài người, về một nơi phía sau mặt trời”. Ấy là thế giới lý tưởng đối với họ – nơi họ được sống là mình.

Hoặc thảng khi, họ quay về tìm lại quá khứ để trốn chạy hiện thực bất toàn và thiếu chắc chắn. “Ngày mai vẫn đến gió hát ngang trời/Còn mình nhắm mắt không nói một lời / lại được thấy mùa hè ta gặp nhau, lại được sống mùa hè ta gặp nhau”. Giống như Huy Cận cô đơn, lạc lõng tìm về với vần thơ Đường cổ kính, “Nhắm mắt thấy mùa hè” hình như cũng mượn giai điệu nhạc Hoa cổ để hoài niệm về những thứ xa xăm đã đi qua.

Nếu như ngày trước, Nguyễn Tuân – một cây bút lãng mạn được xem là nhà văn của chủ nghĩa xê dịch; thì nay, giới trẻ cũng “ngả mũ” học hỏi lối sống ấy. Xê dịch, quả thực, đem lại cho người ta những cảm giác thuộc về trải nghiệm cá nhân. Cảm giác bạn thuộc về nó nhưng cũng chẳng thuộc về nó; cảm giác về những tri nhận với mây trời, thiên nhiên thay vì là tòa nhà cao trọc trời, cảm giác được buông bỏ những bổn phẩn để “một lần được sống như những đứa nhóc không nhà/ sớm thức dậy ở một nơi xa”,… chưa bao giờ lại đáng đến thế.

Đặc biệt, vận dụng và quay về với các chất liệu dân gian “Em đừng xanh quá khổ anh/ khổ thân con cáo hóa thành cây si” hay ngôn ngữ bình dân, kiểu thơ con cóc “anh đứng đầu Hồ Đắc Di/ ngóng Lương Đình Của lầm lì gọi em/ em đừng lạnh lùng giống que kem/ để trong ngăn đá bỏ quên một tuần” cũng là một trong những biểu hiện của chủ nghĩa lãng mạn. Hay thậm chí cách phối nhạc với những làn điệu dân ca như trong “Ai chờ ai” (Linh Cáo) hay kết cấu tự sự kiểu Bolero trong “Ừ thì” khiến cho âm nhạc giới trẻ ngày nay bàng bạc những dấu vết của một thời ông cha. Nhiều người của thế hệ đi trước hay đánh giá tuổi trẻ bây giờ không sâu sắc, nông cạn. Bắt từ một mạch cũ để tạo ra một thứ riêng như thế có gọi là nông cạn được nữa không?

4. Những nghệ sĩ trẻ đem tâm trạng rất đời của mình để làm chất liệu cho những sản phẩm nghệ thuật. Và đúng như quan điểm của chủ nghĩa lãng mạn: “Khờ khạo thay nếu cho rằng tôi không phải là anh” (Victor Hugo). Mỗi tự sự của họ, tôi thấy mình trong đó. Và mỗi đêm về tôi vẫn lải nhải: “Vì sao lại khóc. Vì sao lại buồn? Vì sao mưa không về. Tôi nằm giữa mênh mông tôi thẫn thờ. Tôi nằm giữa căn nhà nhìn lên nắng.” dẫu rằng đông đã sang và chẳng còn nắng. Nhưng giống như thời cha mẹ tôi thích nghe nhạc Bolero vì họ tìm thấy mình trong ấy thì tôi cũng thế. Tôi nghe trong những loại hình văn hóa của thế hệ tôi những câu chuyện của mình. Tôi thích nó vì tôi tìm thấy một sự lắng nghe trong ấy – thứ mà đời thực không cho tôi quá nhiều. Tôi cảm giác mình được hiểu. Và thế là “ngày nắng đẹp rạng ngời hay gió về hay bão táp mưa rơi”, tuổi trẻ vẫn tiến lên một cách thật điên rồ và huy hoàng. Cái lý tưởng đẹp đẽ và sự vươn lên của con người trước hoàn cảnh như thế, phải chăng chính là điều còn lại của chủ nghĩa lãng mạn?

Trần Nguyễn Lan Nhi

SV lớp CLC K65, Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội