Tag Archives: tự sự học

Tự sự học sinh thái: Động hướng, triển vọng và thể nghiệm

1. Những động hướng

Tự sự học sinh thái là một nhánh mới phát triển của tự sự học hậu kinh điển. Thuật ngữ này chính thức được đề xuất trong chuyên luận của Erin James xuất bản năm 2015 – The Storyworld Accord: Econarratology and Postcolonial Narratives (tạm dịch: Thỏa ước của thế giới truyện kể: Tự sự học sinh thái và các tự sự hậu thuộc địa) [6] Đến năm 2020, James cùng học giả Eric Morel đồng chủ biên tuyên tập Environment and Narrative: New Directions in Econarratology (tạm dịch: Môi trường và tự sự: Những hướng đi mới của tự sự học sinh thái) [7], in trong tủ sách uy tín hàng đầu về tự sự học Theory and Interprettion of Narrative. Gần đây nhất, tạp chí chuyên về lý thuyết Substance đã tổ chức một chuyên đề về phê bình sinh thái và hình thức của tự sự. Các công cụ và thao tác phân tích của tự sự học sinh thái, các thảo luận về phạm vi và ý nghĩa cùa lĩnh vực này là nội dung chủ đạo của các bài nghiên cứu trên số tạp chí này. Chưa kể từ giữa thập niên 2010 đến nay, rải rác có thêm nhiều những bài nghiên cứu lẻ hay các luận án sử dụng cách tiếp cận tự sự học để phân tích hay chất vấn ý nghĩa của các tự sự về môi trường. Có thể kể đến hai luận án: Eco-Narratology and Contemporary American Fiction (tạm dịch: Tự sự học sinh thái và tiểu thuyết đương đại Hoa Kỳ, 2021) của Kyle T. Henrichs bảo vệ tại Đại học Wisconsin-Milwaukee [5] và trước đó là Spaces of Indeterminacy: Aerial Description and Environmental Imagination in 20th Century American Fiction (tạm dịch: Những không gian bất định: Miêu tả không trung và tưởng tượng về môi trường trong tiểu thuyết Hoa Kỳ thế kỷ 20) của David Rodriguez bảo vệ tại State University of New York at Stony Brook (2019) [13].

Tự sự học sinh thái là sự cộng sinh của hai lĩnh vực tưởng như có rất ít mối liên hệ với nhau: tự sự học và phê bình sinh thái. Tự sự học sinh thái “duy trì sự quan tâm đối với việc nghiên cứu mối liên hệ giữa văn học và môi trường vật lý, nhưng nó làm công việc ấy với sự nhạy cảm với các cấu trúc và thủ pháp văn chương mà chúng ta sử dụng để truyền đạt sự trình hiện môi trường vật lý cho nhau thông qua các chuyện kể.” [6;  tr.23]

Theo James, chính những động hướng phát triển của từng lĩnh vực – phê bình sinh thái và tự sự học – đã dẫn đến sự cộng sinh này. Trước hết là làn sóng thứ ba của phê bình sinh thái. Trỗi dậy từ thập niên 1990, làn sóng thứ nhất của phê bình sinh thái được hình thành trên niềm tin về một thứ thiên nhiên nằm ngoài ngôn ngữ mà văn chương có thể phản ánh và kêu gọi nhận thức về nó. Vấn đề môi trường được các nhà phê bình sinh thái xem như một tình trạng mang tính phổ quát của nhân loại, phạm vi các tác phẩm mà họ tập trung thảo luận là các điển phạm trong văn chương Anh Mỹ viết về thiên nhiên – các sáng tác thường thuộc về truyền thống của lối viết hiện thực hay thể loại phi hư cấu, xu hướng của họ là tìm kiếm những mối liên hệ giữa văn chương viết về tự nhiên với các diễn ngôn khoa học, đề cao sự bảo tồn như là hình thức quan trọng nhất để can thiệp vào cuộc khủng hoảng sinh thái đang diễn ra. Đến đầu thập niên 2000, làn sóng thứ hai của phê bình sinh thái nổi lên. Ở làn sóng này, đối tượng và phạm vi nghiên cứu được mở rộng sang không gian đô thị và những môi trường bị suy thoái, và thay vì tập trung vào khuynh hướng bảo tồn, các nhà phê bình, qua cách đọc văn chương, đã dấy lên những vấn đề về công lý môi trường, chỉ ra sự liên đới giữa vấn đề môi trường và các tình trạng bất bình đẳng xã hội khác. Làn sóng thứ hai này cũng cố gắng thiết lập mối liên hệ giữa việc nghiên cứu văn học và môi trường với các lý thuyết đương đại khác. Đây cũng là những điểm làm làn sóng thứ ba của phê bình sinh thái sẽ kế thừa và đẩy vấn đề đi xa hơn, phức tạp hơn. Ở làn sóng thứ ba, thiên nhiên không nằm ngoài ngôn ngữ, bản thân cái được gọi là thiên nhiên cũng nằm trong địa hạt của diễn ngôn. Cuốn sách xuất bản năm 2005 của Lawrence Buell, The Future of Environmental Criticsm: Environmental Crisis and Literary Imagination (Tương lai của phê bình môi trường: Khủng hoảng môi trường và tưởng tượng văn chương), đã khẳng định cách con người tác động vào môi trường phụ thuộc vào cách con người nghĩ và nói về nó, tức các diễn ngôn, các tự sự về môi trường. Các tưởng tượng của văn chương, do đó, một mặt, có thể góp phần hợp thức hóa những cách ứng xử có tính chất bạo lực, bóc lột đối với thế giới tự nhiên nhưng mặt khác, cũng có thể gợi ra những chất vấn đối với các diễn ngôn thống trị cũng như những khả thể khác cho sự thay đổi nhận thức và hành động. Nhiệm vụ của phê bình sinh thái chính là giải cấu trúc những tưởng tượng văn chương về môi trường này. Một điểm nhấn quan trọng khác của làn sóng thứ ba là sự chú ý nhiều hơn đến phương diện hình thức thẩm mỹ của văn chương, trong khi ở các làn sóng trước đó, các phương diện thuộc về nội dung được xem trọng hơn. Trên thực tế, các nhà phê bình sinh thái thuộc làn sóng thứ ba đã đúng khi cho rằng nếu chỉ cần đọc văn chương để tìm ra những sự trình hiện chính xác về môi trường thì đó là một việc làm rất ít ý nghĩa bởi các văn bản khác sẽ cung cấp các thông tin dữ kiện tốt hơn là thơ ca hay tiểu thuyết. Nhưng học giả Ursula K. Heise có lý khi cho rằng: “Nếu chúng ta tin – như tôi giả định các nhà phê bình sinh thái và hậu thực dân đều vậy – sự cải hóa thực tại theo phương thức thẩm mỹ có một tiềm năng đặc biệt đối với việc định hình lại cách cá nhân và tập thể tưởng tượng về sinh thái xã hội (ecosocial imaginary), vậy thì cách mà các hình thức thẩm mỹ liên hệ với các cấu trúc văn hóa cũng như sinh học xứng đáng để chúng ta dành sự chú ý đặc biệt cho nó.” [4; tr.258]

Trong khi đó, tự sự học ở giai đoạn hậu kinh điển cũng có những chuyển dịch quan trọng. Theo James, có hai động hướng để tự sự học hậu kinh điển có thể dung hợp với phê bình sinh thái. Thứ nhất, đó là tự sự học bối cảnh. Tự sự học trong truyền thống kinh điển trước đó vốn chỉ tập trung vào cấu trúc nội tại của văn bản nghệ thuật, xem các khái niệm công cụ để phân tích như là những phạm trù trung tính. Tự sự học bối cảnh, như James khái quát, “móc nối các cấu trúc tự sự với các bối cảnh ra đời của chúng để xem xét cách mà các thành tố văn bản có thể mã hóa hay thách thức những ý thức hệ nhất định.” [6; tr.14]  Chẳng hạn, với cách tiếp cận của tự sự học bối cảnh, việc một khung cảnh thiên nhiên được nhìn ngắm qua điểm nhìn của một người kể chuyện nữ hay nhân vật nữ không chỉ đơn giản là một thủ pháp mà là một mã ý thức hệ cần phải lưu ý và gợi ra những hình dung khác so với khi khung cảnh ấy được trình hiện từ điểm nhìn của người kể chuyện hay nhận vật nam. Sự “khác” này lại cần được xem xét như là cách mà các tự sự này chất vấn hay củng cố các khuôn mẫu trong cách nhìn khung cảnh đó, cách trao cho khung cảnh đó những ý nghĩa nhất định. Động hướng thứ hai kết gắn phê bình sinh thái và tự sự học là tự sự học tri nhận – một nhánh rất năng động của tự sự học hậu kinh điển. Tự sự học tri nhận nghiên cứu văn bản tự sự trong mối quan hệ với các cơ chế của tâm trí ở người đọc, hay nói giản dị hơn, nó quan tâm đến cách mà các câu chuyện có thể dẫn dắt hình dung, tưởng tượng cũng như tác động vào cảm xúc của người đọc. Nếu tác động của con người vào môi trường phụ thuộc khá nhiều bởi những tưởng tượng, hình dung về nó, bởi những câu chuyện được đan dệt xung quanh nó thì tự sự học tri nhận là một cách tiếp cận khả thủ để nhìn ra và chất vấn cách những tưởng tượng, câu chuyện này chi phối nhận thức và ứng xử của người đọc đối với môi trường.

Trong chuyên luận của mình, James đã sử dụng khái niệm chìa khóa “thế giới truyện kể” (storyworld) của nhà tự sự học tri nhận David Herman để khai triển nghiên cứu của mình. Theo Herman, thế giới truyện kể là “những mô hình tinh thần bao gồm các thành tố liên đới với nhau: ai làm chuyện gì đối với ai, khi nào, ở đâu, tại sao và theo cách nào đó trong thế giới này để người đọc có thể tái định vị được… khi họ muốn hiểu một câu chuyện.” [6; tr.20-1] Để hiểu một câu chuyện, Herman giải thích rằng “người diễn dịch câu chuyện phải cố gắng tái thiết không chỉ những gì đã xảy ra mà còn cả bối cảnh xung quanh, môi trường lồng vào thế giới truyện kể, những đặc điểm của chúng, những hành động và sự kiện mà chúng liên đới.” [6; tr.21]

 Khái niệm “thế giới truyện kể” có thể làm ta liên hệ đến một khái niệm có vẻ như gần gũi với nó được đề xuất bởi các nhà thi pháp học – “thế giới nghệ thuật”. Song sự khác biệt đáng kể nhất nằm ở chỗ trong khi thi pháp học chủ yếu coi thế giới nghệ thuật là sự mã hóa ý thức nghệ thuật của nhà văn, là một mô hình phóng chiếu sự cảm thụ, cắt nghĩa thế giới của tác giả thì khái niệm của Herman coi thế thế giới truyện kể còn là kết quả từ sự tri nhận của người đọc, là một môi trường phóng chiếu cảm xúc và tinh thần của người diễn giải. Người đọc dựa vào những thành tố có tính chất gợi ý (textual cues) trong văn bản để tạo dựng thế giới truyện kể – cái thế giới mà họ cư ngụ lâm thời khi đọc tác phẩm. Trạng thái cư ngụ lâm thời này được các nhà lí luận gọi bằng thuật ngữ “sự đắm mình trong thế giới tự sự” (narrative immersion).

Phạm vi khảo sát trong chuyên luận của James là các tự sự hậu thuộc địa và với phạm vi này, James nhận ra sự đụng độ, va chạm của các thế giới truyện kể, các tưởng tượng về môi trường tự nhiên là những khía cạnh phức tạp nhất liên quan đến tâm lý, tình cảm của con người. Các vấn đề của môi trường, do đó, không thể chỉ cần được nhận thức và giải quyết bởi khoa học hay chính trị. Môt tác phẩm được James nhắc đến như là minh họa cho sự xung đột giữa những cách con người tri nhận về tự nhiên là Hungry Tide của Amitav Ghosh.  Piya – một nhà nghiên cứu về hổ người Mỹ gốc Ấn, làm việc cho chương trình  Bảo tồn Hổ – không thể chấp nhận được người dân bản địa ở một ngôi làng nhỏ Ấn Độ dùng bẫy để bắt hổ, giết hổ vì đó là loài vật đe dọa tính mạng dân làng hàng ngày. Chương trình Piya đang làm việc trong khi ưu tiên đất đai và điều kiện sống cho loài hổ thì đồng thời lại đẩy người dân bản địa khỏi không gian sống của họ. Hình dung về hổ của Piya xung đột gay gắt với những hình dung của những người bạn bản địa của cô, những người coi hổ như một mối hiểm họa chứ không phải đối tượng phải bảo tồn, nghĩ rằng việc một con hổ vào một ngôi làng có người đang sinh sống là vì “nó muốn chết.” [6; tr. 2-3] Nhà sử học Yuval Noah Harari thường xuyên nhấn mạnh một luận điểm: loài người có xu hướng tin vào các câu chuyện hơn là các dữ kiện, thông số [3]. Vấn đề môi trường có thể xem là một trực quan tốt cho luận điểm này: cách nghĩ về loài hổ và cách ứng xử với nó của Piya và người dân bản địa Ấn Độ trông tiểu thuyết của Ghosh chịu sự chi phối của những câu chuyện về hổ gắn với những ý thức hệ khó hòa giải – triết lý bảo tồn thiên nhiên kiểu phương Tây và hệ thống niềm tin của dân bản địa. Trong cuốn sách của mình, James phát triển các công cụ và thao tác của tự sự học tri nhận để cho thấy các văn bản tự sự (hư cấu hoặc phi hư cấu) có thể định hình hay thách thức những tri nhận ở độc giả về môi trường như thế nào, gây ra những cảm thức sinh thái tinh vi ra sao. Chẳng hạn, ở chương 3 khi phân tích tiểu thuyết Sozaboy của nhà văn Nigeria Ken Saro-Wiwa (1941-1995), James chú ý đến văn phong đậm tính truyền khẩu mà Saro-Wiwa gọi là thứ “tiếng Anh thối rữa”. Thật ra đây là phương diện mà các nhà nghiên cứu về Saro-Wiwa đều bàn đến nhưng chủ yếu quan tâm đến tính chính trị của ngôn ngữ văn chương. James phân tích cách cấu tạo lời và phương thức trần thuật ở tiểu thuyết này, theo đó, cả tính truyền khẩu và thứ tiếng Anh thối rữa là những thành tố gợi dẫn của văn bản rất quyền năng. Chúng khiến người đọc như được nghe thấy những lời giãi bày trực tiếp của nhân vật trong truyện, đại diện cho người dân của vùng châu thổ Niger, một khu vực giàu trữ lượng về dầu nhưng cũng là nơi phải chịu đựng một lịch sử bị áp bức bởi các hệ thống kinh thế quốc gia và toàn cầu, trong đó, dầu là một mặt hàng quan trọng. Thông qua phương thức tạo ra hình tượng người nghe chuyện – được thể hiện qua đại từ nhân xưng ngôi thứ 2 “you” trong cuốn tiểu thuyết, Saro-Wiwa đã ấn định người đọc vào vị thế của nhân vật “you”, từ đó, buộc độc giả phải tự tra vấn về vai trò của mình trong các cấu trúc kinh tế-chính trị thống soát và ngoại biên hóa cuộc sống của những người dân bản địa. [6; tr. 90-121]

Theo đánh giá của chúng tôi, các thao tác phân tích tự sự học được James khai triển trong chuyên luận này đã đưa cách tiếp cận tự sự học về gần với phân tích diễn ngôn theo quan điểm hậu cấu trúc. Có thể nói, về cơ bản, James không kiến tạo một công cụ phân tích mới nào mà dựa vào hệ thống khái niệm đã được thiết lập bởi truyền thống tự sự học cấu trúc luận song bà đã biện luận để đắp cho chúng một số nội hàm mới và trao cho chúng những chức năng mới. Hai chức năng cơ bản trong số đó là gợi dẫn những quy chiếu về môi trường bên ngoài văn bản (trong khi tự sự học cấu trúc luận chỉ tập trung vào nội tại văn bản) và kích thích những phản ứng cảm xúc, tâm lý ở người đọc khi họ hình dung về môi trường qua câu chuyện được kể (vốn hầu như chưa được chú ý ở thời kỳ tự sự học cấu trúc luận). Từ công trình của James, chúng tôi cho rằng sự linh hoạt và sáng tạo trong việc sử dụng các thao tác phân tích theo đường lối của tự sự học tri nhận còn có thể hứa hẹn làm  sáng tỏ thêm cơ chế của những tâm thức sinh thái như “ecophobia” (sự kỳ thị tự nhiên), “ecoambiguity” (mơ hồ sinh thái), “ecohorror” (nỗi sợ hãi tự nhiên)… Xét đến cùng, những tâm thức sinh thái này chính là niềm tin hoặc sự hồ nghi đối với những thế giới truyện kể về tự nhiên.

Tuyển tập Environment and Narrative do James và Morel chủ biên xuất bản vào năm 2020 quy tụ không chỉ những tên tuổi đang nổi của tự sự học hậu kinh điển những năm đầu thế kỷ XXI như Markku Lehtimaki, Marco Caracciolo mà còn cả một số cột trụ của làn sóng thứ ba phê bình sinh thái như  Ursula K. Heise, Greg Garrard. Bên cạnh khuynh hướng kết hợp phê bình sinh thái và tự sự học tri nhận mà James là học giả tiên phong, cuốn sách còn giới thiệu hai nhánh mà tự sự học sinh thái có thể phát triển xa hơn là mối quan hệ giữa tự sự học với các thực thể phi nhân loại (nonhuman) và đạo đức tự sự.

Nhánh thứ nhất có sự gặp gỡ với một khúc ngoặt trong triết học đương đại – khúc ngoặt “phi nhân loại” (nonhuman). Khúc ngoặt này liên quan đến nhu cầu đổi mới hệ hình tư duy của con người trong bối cảnh khủng hoảng của Kỷ Nhân Sinh, thời đại mà con người tạo ra những tác động nghiêm trọng đến thế giới tự nhiên và xem mình như là chủ nhân quyền lực nhất của Trái đất. Triết học và cả lý thuyết tự sự vốn được xem là những lĩnh vực tri thức lấy con người làm trung tâm và bản thân điều này cần phải bị tra vấn. Trong lĩnh vực triết học, việc tra vấn tính tự chủ (agency) của các thực thể phi nhân loại là mối bận tâm lớn, qua đó, con người cũng xác định lại chính mình trong thế giới này. Bài giảng nổi tiếng của Jacques Derrida, “The Animal That Therefore I Am” như nhại lại luận đề của Descartes  – “I think therefore I am”, qua đó thôi thúc những phản tư quan trọng. Đầu tiên, Derrida đề nghị xem xét lại định kiến trong trục đối lập nhị phân giữa thú và người, theo đó, con thú không có khả năng có được những thứ chỉ con người mới sở hữu như lý trí, ngôn ngữ, cảm xúc…, hay để dùng một thuật ngữ quan trọng của Derrida, thú không thể có logos – nó không có thể tư duy, không có diễn ngôn, không tự tạo nên các câu chuyện cho chính sự tồn tại của nó. Nhân tính, bởi vậy, là một kiến tạo diễn ngôn trên cơ sở loại trừ, trấn áp các khả năng mà thú cũng có thể có, chứ không phải chỉ là độc quyền của người.  Nói như Marie-Louise Mallet, phương pháp của Derrida không phải là sự đảo ngược từ thái cực này sang thái cực kia: “Hoàn toàn không phải là một sự đảo chiều quan điểm giản đơn, chẳng hạn như phục hồi cho ‘con thú’ tất cả những gì mà truyền thống đã tước đi khỏi nó, cũng hoàn toàn không phải là sự thay thế sự đối lập kinh điển bằng một sự hòa trộn, không thể phân biệt mà thực chất cũng là một sự thất bại giả dối không kém, phương pháp giải cấu trúc đã kiên nhẫn nhân bội lên những khác biệt, làm chúng ta phải chú ý vào sự mong mang và rỗng xốp của những ranh giới được giả định của cái ‘chính danh’ (proper) mà từ lâu chúng ta đã lợi dụng để dựng lên sự đối lập truyền thống giữa “người” và “thú”. Tuy nhiên, làm như vậy, chúng ta không chỉ gây bất ổn đối với tất cả những sự đảm bảo về “thú tính” của con thú nói chung mà còn gây bất ổn không kém đối với những khẳng quyết về nhân tính của con người…” [2; tr.x-xi] Gần đây hơn nữa, ngành nhân văn còn nổi lên nhánh nghiên cứu về tư duy cây (plant-thinking), trong đó hai học giả tiên phong là Luce Irigaray và Michael Marder. Với các học giả này, thế giới thực vật còn bị ngoại biên hơn cả thế giới động vật trong diễn ngôn triết học. Việc xác lập diễn ngôn về tư duy cây có khả năng phá vỡ sự độc tôn không chỉ chủ thể của sự nghĩ mà còn ở cả hình thức của sự nghĩ, vốn từ lâu được mặc định gắn liền với hoạt động của lý trí [10]. Có vẻ như các học giả vẽ ra một viễn cảnh không tưởng khi hình dung về một môi trường ý thức nơi nhân loại và thực thể phi nhân có thể hình thành những kiểu thức giao lưu, phá vỡ quan hệ mang tính thống trị. Nhưng xét đến cùng thì sự không tưởng ấy cũng có thể thôi thúc con người tìm ra những khả thể mới thay vì chỉ chấp nhận những giới hạn hiện tồn.

Tác động của khúc ngoặt phi nhân loại này trong triết học đến các nhà nghiên cứu tự sự được thể hiện ở việc xem xét, chất vấn cách trình hiện các thực thể phi nhân loại trong các tự sự văn học, điện ảnh trở thành một chủ đề cần thảo luận. Trên thực tế, có nhiều tự sự không chỉ mô tả thế giới phi nhân loại như là các thành tố tạo nên nền cảnh của câu chuyện mà còn biến các thực thể phi nhân loại này thành nhân vật hay người kể chuyện thông qua các hệ thống tu từ, đặc biệt là phép nhân hóa. Tuy nhiên, không hẳn lúc nào các tự sự này cũng trùng khít với thể loại ngụ ngôn, nơi các hình tượng phi nhân loại chỉ là ẩn dụ về con người và phóng chiếu các kinh nghiệm của con người. Có thể nêu một số truyện ngắn của Franz Kafka như “Báo cáo gửi viện hàn lâm”, “Josephine – nữ ca sĩ dân tộc chuột”, “Hang ổ”… như là ví dụ cho trường hợp này. Ở đây, các kỹ thuật tự sự như điểm nhìn, tiêu cự, các thủ pháp miêu tả ý thức được sử dụng không phải để mô phỏng các kinh nghiệm của con người mà để gợi mở kinh nghiệm của các tồn tại phi nhân tính. Chúng, vì thế, có thể đóng vai trò như “những công cụ tưởng tượng quan trọng để phê bình, tháo dỡ, tái thiết các ý niệm về tính người trong thế giới hiện đại, nơi người ta đã không thể hình dung nổi thế nào là người nếu xem xét tính người như một cái gì đó bị cô lập và tách biệt với những cộng đồng sự sống rộng rãi hơn.” [7; tr.7]

Sự kết hợp giữa phê bình sinh thái và đạo đức tự sự cũng là một sự kết hợp khá tự nhiên. Vấn đề đạo đức tự sự trở thành mối quan tâm của tự sự học hậu kinh điển khi tự sự được ý thức như một hành động giao tiếp có mục đích. Theo James Phelan, đạo đức tự sự xoay quanh bốn vấn đề: (1)- đạo đức của câu chuyện được kể; (2) – đạo đức của hành động kể chuyện; (3) – đạo đức của sự viết/ sự tạo lập câu chuyện; (4) – đạo đức của sự đọc/ tiếp nhận câu chuyện. Các vấn đề này đều liên quan đến các câu hỏi về thẩm quyền của người kể chuyện, đến lập trường của người viết, của nhân vật để xem xét, đánh giá sự vật, hiện tượng, con người xấu-tốt, đáng cảm thông-đáng lên án ra sao, đến việc các gợi dẫn của văn bản có thể ấn định một trường nhìn đạo đức và khơi dậy những cảm xúc đạo đức như thế nào… [2] Tất cả những khía cạnh này đều có những móc nối tinh vi và chặt chẽ đến việc câu chuyện ấy được kể theo cách nào. Nói tóm lại, văn học thực hiện chức năng đạo đức bằng chính hình thức thẩm mỹ của nó.

Phê bình sinh thái ở làn sóng thứ ba, như trên đã trình bày, coi các tự sự về tự nhiên là đối tượng của mình. Bản thân lý thuyết này, ngay ở giai đoạn hình thành, đã mang tham vọng kiến lập nền tảng đạo đức mới để con người chung sống với những tạo vật khác của hành tinh. Trải qua những làn sóng vận động, các lý thuyết gia đã càng ngày càng nhận thức rõ mối quan hệ ràng rịt giữa vấn đề môi trường và các vấn đề như giai cấp, chủng tộc, phái tính, các cộng đồng thiểu số, nhược tiểu… Tính chất vấn, vốn được xem là tinh thần cốt lõi của lý thuyết, trong trường hợp này, đã mang ý nghĩa đạo đức khi nó phá vỡ tính đơn nhất của các chuyện kể về thế giới tự nhiên, phức tạp hóa những mặc định về con người và các thực thể phi nhân loại, để từ đó có thể nhìn thấy những bất cập, bất công, bất bình đẳng đang được làm cho trở nên bình thường, khó nhận thấy và do vậy, loại trừ những khả năng kháng cự và thay đổi. Bản thân chuyên luận của James xuất bản trước đó đã ý thức rất rõ về sự gợi mở và can dự về mặt đạo đức đối với các vấn đề môi trường của tự sự học sinh thái. Qua những phân tích các trường hợp nghiên cứu cụ thể, bà đi đến kết luận: “Các tự sự, thông qua quyền năng giúp cho người đọc sống trải các môi trường và các kinh nghiệm môi trường khác với mình, có thể phát lộ những điểm khác biệt về tri nhận, làm rõ những mối quan tâm của những người tưởng tượng và sống trong một môi trường theo cách đặc thù của họ và đặt người đọc trực diện với những quan điểm khác hay đối lập với họ. Theo cách ấy, chúng có thể mở ra các kênh giao tiếp truyền đạt về cách mà con người mường tượng và cư ngụ trong môi trường của họ, khích lệ một nhận thức về môi trường giúp ích cho việc xây dựng những chính sách về môi trường công bằng hợp, hợp lý hơn và không thiên lệch.” [6; tr. 208] Việc văn chương thúc đẩy người đọc tri nhận sự đa dạng, phức tạp của những môi trường và cách ứng xử đối với môi trường thông qua thế giới truyện kể tiềm tàng sự mời gọi niềm cảm thông và quan trọng hơn thế, những đối thoại xuyên văn hóa.

2. Triển vọng

Năm 2021, khi viết bài tổng kết số chuyên đề của tạp chí Substance về tự sự và môi trường, James ghi nhận một thực tế: “Lý thuyết tự sự đã được kích hoạt bởi những mối quan tâm về môi trường, dù là thông qua những thảo luận về người kể chuyện phi nhân loại (nonhuman), những tiềm năng (và cạm bẫy) của sự thấu cảm tự sự xuyên giống loài (transspecies), những đường biên của các tự sự trong Kỷ Nhân Sinh, hay vai trò mà các tự sự và thế giới truyện kể có thể đảm nhận trong việc khơi dậy phản ứng đối với thực trạng biến đổi khí hậu.” [9; tr.150] Tự sự học sinh thái, trong khoảng thời gian chưa thật dài, đã chứng tỏ sự năng động của mình khi các nhà nghiên cứu đã mở rộng vùng đối tượng nghiên cứu, phát triển nhiều câu hỏi nghiên cứu từ đó đánh dấu những hướng đi mới. Những bước đi đương thời của tự sự học và phê bình sinh thái có xu hướng tương thích với nhau, điều này khiến tự sự học sinh thái không phải là một nhánh nghiên cứu đóng.

Triển vọng của tự sự học sinh thái được ghi nhận trước hết ở khả năng tác động của nó. Trong lời nói đầu tuyển tập Environment and Narrative, James và Morel đã xác định rằng: bởi cách chúng ta ứng xử với tự nhiên chịu nhiều ảnh hưởng từ các câu chuyện và ngược lại nên nhận thức của chúng ta về tự sự cũng thay đổi khi môi trường thay đổi. Cuộc khủng hoảng môi trường hiện nay, một phần đáng kể, cũng liên đới đến cuộc khủng hoảng của các tự sự về môi trường mà tự sự học sinh thái, với các phương pháp và thao tác phân tích của mình, có thể cho thấy rõ. James không phóng đại cách văn chương và nghiên cứu văn chương có thể khắc phục cuộc khủng hoảng này. Trong chuyên luận The Storyworld Accord, bà viết: “Tôi không cho rằng việc đọc các câu chuyện là một giải pháp tự nó. Theo nhiều cách, cách các thế giới truyện kể và kinh nghiệm chủ quan mà chúng mã hóa còn làm cho việc tìm giải pháp trở nên khó khăn hơn khi nó mở rộng hiểu biết của chúng ta về những cách khác nhau mà con người hình dung và can dự vào thế giới. Tuy nhiên, các thế giới truyện kể có thể thúc đẩy sự tôn trọng đối với sự so sánh, sự khác biệt, tính chủ quan và sự tôn trọng này, đến lượt mình, có thể thúc đẩy những thảo luận tinh tế hơn, sâu sắc hơn về môi trường cũng như các chính sách liên quan đến môi trường.” [6; tr.208] Mài sắc sự nhạy cảm, tinh tế, sâu sắc trong cách nghĩ, mở rộng những khả năng suy tư – đó luôn là điều mà văn chương có thể làm tốt hơn cả cho con người.

Bối cảnh khủng hoảng môi trường của Kỷ Nhân Sinh đã tạo ra một thể loại đặc trưng được các nhà tự sự học ưu tiên xem xét như là những trường hợp nghiên cứu điển hình – tiểu thuyết cli-fi (tạm dịch tiểu thuyết khí hậu), một thể loại dự phóng những viển cảnh phản không tưởng của thế giới trong điều kiện biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, bối cảnh này còn có thể ảnh hưởng đến bản thân lý thuyết tự sự. Điều này được James trình bày trong tiểu luận “Narrative in the Anthropocene” (Tự sự trong Kỷ Nhân Sinh) mà dưới đây, chúng tôi sẽ lược thuật lại những luận điểm chính.

James bắt đầu tiểu luận của mình bằng việc mô tả bối cảnh đối thoại lý thuyết, trong đó, các nhà tự sự học phải lĩnh nhận sự hồ nghi từ phía các lý thuyết gia văn hóa như Claire Colebrook hay Timothy Morton, những người cho rằng “tự sự, như là một phương thức tu từ đã thật sự không thể thích hợp với thời đại hôm nay của chúng ta.” [8; tr.184] Lý do, theo Colebrook, nằm ở chỗ: tự sự vốn dĩ gắn bó mật thiệt với điểm nhìn và kinh nghiệm của con người, theo đó, nó “không thể trình hiện một cách đầy đủ quy mô thời gian và những hình dung rộng rãi hơn về đời sống của các thực thể phi nhân loại, mà đấy lại chính là những gì mà bối cảnh khủng hoảng môi trường hiện thời đang đòi hỏi.” [8; tr.184] Thực trạng biến đổi khí hậu – một đặc điểm nhận diện của Kỷ Nhân Sinh – là “một thảm họa đối với tưởng tượng của con người” và để đối phó với nó, “quay về với việc đọc, cảm thụ và giao tiếp tự sự là không đủ, chúng ta cần được lay tỉnh khỏi những câu chuyện chỉ toàn thấy con người ở trung tâm đang ru ngủ mình.” [8; tr.184] James phản biện lại những sự hồ nghi nói trên, đề xuất hướng suy nghĩ mới về bản chất của tự sự và nghiên cứu tự sự. Theo bà, giờ là lúc nên suy tư về mối kết gắn giữa tự sự và Kỷ Nhân Sinh bằng những câu hỏi như: “Các câu chuyện có thể giúp chúng ta nghĩ khác về Kỷ Nhân Sinh như thế nào? Làm thế nào mà các tự sự có thể cung cấp cho chúng ta một bối cảnh an toàn để thăm dò, khám phá cách con người kiến tạo hình ảnh thế giới và sống trong đó? Làm thế nào mà việc đọc các địa tầng, vòng sinh trưởng của cây, lõi băng, vốn tự chúng đã là trình hiện vật chất của chuỗi sự kiện, có thể thách thức những định nghĩa cơ bản nhất mà chúng ta có về tự sự và trần thuật? Làm sao những khái niệm mới về thời gian, không gian gắn với Kỷ Nhân Sinh có thể đa dạng hóa những mô hình tổ chức thời gian và không gian tự sự? Làm thế nào để nhận thức về tính tự chủ tập thể (collective agency) vốn được gắn với Kỷ Nhân Sinh có thể rọi ánh sáng mới vào các dạng thức tổ chức lời trần thuật? Và thật ra, Kỷ Nhân Sinh đã giúp chúng ta nghĩ khác đi về bản chất của tự sự như thế nào? Nó đã thôi thúc việc xây dựng những cấu trúc mới đi ngược lại với những hình thức tự sự truyền thống như thế nào?” Những câu hỏi trên, đương nhiên, không dễ trả lời nhưng sự phức tạp của chúng luôn tiềm tàng những khả thể mới để xây dựng nên cái mà James gọi “lý thuyết tự sự của Kỷ Nhân Sinh” (Anthropocene narrative theory) [8; tr.185].

Giữa nghệ thuật tự sự và Kỷ Nhân Sinh có nhiều mối liên hệ mật thiết hơn là những gì các lý thuyết gia văn hóa hồ nghi. Theo James, bản thân thực tiễn sáng tạo và lý thuyết văn chương đã cho thấy chính hình thức tự sự mới có thể nắm bắt, thậm chí gợi mở những hình thức biểu đạt, sự bất khả đoán của dòng chảy thời gian, quy mô rộng rãi về không gian và những điểm nhìn từ các thực thể phi nhân loại. Đáng chú ý, sự tương đồng giữa nghệ thuật tự sự và Kỷ Nhân Sinh, theo mạch biện luận của James, nằm ở chỗ cả hai đều là “sản phẩm của thế giới văn hóa viết của nhân loại” [8; tr.186]. Một mặt, hình thức của các câu chuyện là một hình thức để con người kiến tạo thế giới; mặt khác, để tác động vào thế giới thì con người ở Kỷ Nhân Sinh cũng phải “viết lại” cái thế giới ấy sao cho các tác động của mình vào nó được hợp thức hóa. Những phá hoại của con người đối với môi trường trong Kỷ Nhân Sinh có mối liên hệ nhân quả với quyền năng kiến tạo thế giới của các câu chuyện mà con người đã dựng lên. Hơn nữa, thời điểm mà Kỷ Nhân Sinh thật sự bắt đầu định dạng rõ nét cũng là thời điểm mà tiểu thuyết – thể loại nòng cốt của tự sự văn học viết – trỗi dậy, cùng lúc với sự trỗi dậy của cách mạng công nghiệp, chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa tư bản, khoa học của thời kỳ khai sáng, chủ nghĩa kinh nghiệm, chủ nghĩa thế tục, sự hình thành của tư tưởng quốc gia dân tộc và tầng lớp trung lưu trong xã hội… James đi đến khái quát: “Thực vậy, một lý thuyết tự sự của Kỷ Nhân Sinh biện luận rằng mọi tiểu thuyết đều tích hợp vào trong những nền tảng của nó những thái độ và ý hệ đã tạo nên Kỷ Nhân Sinh, dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu, do đó, theo nghĩa này, bằng hình thức của mình, tiểu thuyết là đại diện của thời đại này. Lý thuyết tự sự của Kỷ Nhân Sinh cho rằng tiểu thuyết không những phản chiếu những thay đổi về xã hội và môi trường vật chất đã khởi sinh thời đại mà còn đề xuất một trường thí nghiệm cho sự khám phá theo cách tưởng tượng những hàm ý của những hành vi này trong ngôn từ.” [8; tr.189]

Lý thuyết tự sự của Kỷ Nhân Sinh theo quan sát và dự phóng của James buộc chúng ta phải nhìn nhận lại giới hạn và khai phá những tiềm năng của những phạm trù, khái niệm quan trọng của tự sự học trong việc trình hiện thời đại này. Đầu tiên, nó nhìn ra tính tự sự tồn tại ngay trong tự nhiên, trong các thực thể phi nhân loại như địa tầng, lõi băng, vòng sinh trưởng của cây… Tuy nhiên, tính tự sự ở đây chỉ tồn tại ở mức tối thiểu: đá, băng, cây cối tự chúng không tạo ra được một tự sựu trọn vẹn, chúng thiểu người kể chuyện, người nghe chuyện, sự trình hiện một thế giới truyện kể… Nhưng chúng có thể gợi ý “khả năng cộng tác giữa người kể chuyện con người và các chất liệu phi nhân loại” [8; tr.191]. Đây không hề là một giả tưởng bởi như lời nhà địa chất học Jan Zalasiewicz mà James có dẫn lại, các địa tầng “chứa đựng trong chúng vô vàn các khả thể chuyện kể về các lịch sử của đại dương và sông ngòi, ao hồ và bờ bãi cũng như sa mạc khô cằn trước đây.” [8; tr.192] Việc nhìn ra nhiều hơn một lịch sử luôn là điều mang tính khai phóng cho con người và cho thế giới. Tự sự học cũng cần phải xét lại hoặc xây dựng những khái niệm mới về thời gian tự sự sao cho tương thích với tiến trình “bạo lực chậm” ở Kỷ Nhân Sinh, nhất là khi đã có những sáng tạo nghệ thuật đã ý thức được tình trạng này. Khái niệm “bạo lực chậm” được đề xuất bởi Rob Nixon để chỉ một thứ bạo lực “xuất hiện từ từ và không nhìn thấy được, gắn với những sự hủy hoại bị đình hoãn phát tán xuyên thời gian và không gian.” [11; tr.2] – một thứ bạo lực nằm ở trung tâm những bất công môi trường ở Kỷ Nhân Sinh. Bạo lực chậm có thể xem như một kiểu “cốt truyện” thiên về tính mô tả và hình thái cốt truyện này cũng là điều đỏi hỏi các nhà lý thuyết phải tư duy thêm, thay vì chỉ tập trung vào cốt truyện hành động như trước đây. Tương tự, tự sự học ở Kỷ Nhân Sinh được giao cho nhiệm vụ phải tư duy lại khái niệm không gian. Thay cho truyền thống vốn chỉ tập trung nghiên cứu các khái niệm tĩnh (thí dụ, các ký hiệu thường được dùng để mô tả không gian tự sự như vùng, cột mốc, ngưỡng, toàn cảnh nhìn từ trên xuống [bird’s eye-view…) , giờ đây các nhà tự sự học cần trau dồi hoặc kiến tạo các công cụ mới để xử lý các không gian lưu chuyển, phi tĩnh tại. Có thể nói về một khúc ngoặt trong nghiên cứu các tự sự về môi trường hiện nay như là một nỗ lực để khắc phục giới hạn này – nghiên cứu sông nước. Về phương diện trần thuật, lý thuyết tự sự ở Kỷ Nhân Sinh cũng cần phát triển những nhận thức mới về cấu trúc tự sự, chẳng hạn dạng thức người kể chuyện “chúng ta” (We-narrator) như một đối trọng với người kể chuyện biết hết, toàn tri, mang dáng dấp của Thượng đế, có lẽ đã không còn thích hợp cho những tự sự ở thời đại này. “Người kể chuyện chúng ta” khác với người kể chuyện toàn tri ở chỗ ý thức được tính chất không toàn vẹn, không bao quát hết thảy của cái tập thể mà mình thuộc về, đồng thời cũng ý thức được phía đối trọng với mình – “họ” (“them”) là ai. Chẳng hạn, trong các tự sự hậu thuộc địa, “người kể chuyện chúng ta” thường đại diện cho một bản sắc tập thể tương phản sâu sắc với quyền uy của đế chế (tức “họ”). Bối cảnh khủng hoảng của Kỷ Nhân Sinh còn đòi ta phải nhìn thẳng vào một thực tế luôn có những nhóm đặc quyền tự cho rằng chỉ có mình mới kể được câu chuyện về thời đại. “Người kể chuyện chúng ta” chính là một phương thức để đối thoại, chất vấn quyền uy này và điều này đã được thể nghiệm trong một số tiểu thuyết đương đại, chẳng hạn cuốn On Such a Full Sea (2014) của Lee Chang-Rae.

Tiểu luận của James, theo chúng tôi, là một trong những tiểu luận đột phá nhất của tự sự học hậu kinh điển. Nó không chỉ biện minh về sự cần thiết, sự tương hợp của nghệ thuật tự sự với Kỷ Nhân Sinh mà còn đặt ra nhiều nhiệm vụ mà tự sự học cần phải thực hiện để lĩnh vực này thật sự có tiếng vọng trong đời sống, có khả năng can dự vào những vấn đề sống còn của thời đại. Tự sự học sinh thái vẫn đang ở những chặng đường đầu tiên và vẫn đang còn là một không gian rộng rãi cho những đối thoại lý thuyết. Bản thân thực tiễn văn học Việt Nam cũng rất có thể không chỉ minh họa cho tính hiệu quả của các công cụ và thao tác phân tích của tự sự học sinh thái mà còn thôi thúc sự trau dồi, phát triển các công cụ và thao tác ấy cũng như gợi mở những phát kiến thuật ngữ mới.

3. Thể nghiệm

Tự sự học sinh thái, như đã trình bày ở trên, đang phát triển nhiều chủ điểm nghiên cứu. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi giới hạn thể nghiệm đọc của mình vào hai chủ điểm: sự xung đột của những “thế giới truyện kể” về môi trường và sự trình hiện các thực thể phi nhân loại trong hai tác phẩm “Sầu trên đỉnh Puvan” (Nguyễn Ngọc Tư) và “Một lần đối chứng” (Nguyễn Minh Châu). Mục đích của phần thể nghiệm đọc này là trực quan hóa các cách tiếp cận, thao tác phân tích của tự sự học sinh thái. Mặc dù chưa thể làm mới hay chất vấn các khái niệm và chiến lược chiến giải nhưng qua việc trình bày lối đọc này, chúng tôi cũng muốn lưu ý đến việc cần linh hoạt như thế nào trong việc tiếp thu, vận dụng lý thuyết.

3.1. Xung đột của những thế giới truyện kể trong “Sầu trên đỉnh Puvan” (Nguyễn Ngọc Tư)

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư mở đầu bằng giai thoại về những bông hoa sầu trên đỉnh núi Puvan được ghi chép lai bởi tu sĩ người Pháp, Colègan, vào năm 1887, người đầu tiên nhìn thấy chúng và bỏ mạng ngày sau đó. Mặc dù núi Puvan không có trên bản đồ Việt Nam, các nhân vật và sự kiện ở đây không quy chiếu về bất cứ một tồn tại thực tế nào cả, nhưng toàn bộ giai thoại này bảo lưu những motif quan trọng của một cốt truyện mang màu sắc exotic rất đặc trưng của tự sự thực dân. Một nơi chốn hoang vu, kỳ bí mà người phương Tây luôn xem mình như kẻ đầu tiên phát hiện, chinh phục được nó. Bản thân tên gọi của loài hoa và vẻ đẹp của nó mà theo ghi chép của vị tu sĩ, “đáng đánh đổi cả cuộc đời người để được trông thấy chúng dù chỉ một lần” cũng là những phép tu từ làm nổi bật thế thượng tôn của người phương Tây – những chủ thể biết muộn sầu, những kẻ duy nhất biết theo đuổi và dám trả giá cho những điều phi thường.

Thế giới truyện kể gắn với ý thức hệ thực dân ấy chưa bao giờ mất hiệu lực, kể cả khi chủ nghĩa thực dân về cơ bản đã bị giải thể về chính trị. Giai thoại kỳ bí và đầy khao khát chinh phục ấy ám ảnh tâm trí của Vĩnh – một người đàn ông có đời sống phong lưu ở thành thị, người đều đặn hàng năm “đi gần khắp các châu lục, khám phá những ngọn núi, dòng sông, những vùng đất được xem là đẹp nhất.” Du lịch vốn dĩ đã gắn bó với chủ nghĩa thực dân ngay từ khởi điểm của nó và cho đến bây giờ, diễn ngôn du lịch vẫn thường bảo lưu một cách tinh vi ý thức hệ của chủ nghĩa thực dân, theo đó, “những ngọn núi, những dòng sông, những vùng đất đẹp nhất” thực tế chủ yếu là đối tượng thưởng ngoạn của những kẻ đặc quyền trong xã hội.

Với Vĩnh, việc một cây sầu phải đợi đúng 13 tháng hạn mới nở hoa là sự kỳ bí thôi thúc hành trình leo đỉnh Puvan của anh. Nhưng với Củi, cậu bé dân bản địa, trên đỉnh Puvan ấy chẳng có gì đặc biệt cả và cái cây sầu ấy là “đồ quỷ”, “vô duyên vô dùng”, “ác nhơn ác đức” bởi “cứ năm nào cây trổ bông là dân làng đói”. Cái cây ấy, với dân làng, “không phải là cây, mà là đá” bởi không ai đốn bỏ được” và vì thế, họ chọn cách quên đỉnh núi ấy, quên sự hiện diện của những cây sầu trên đó, Đến đây, ta có thể thấy truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư xoay quanh sự đối chọi giữa hai hình dung – hai “thế giới truyện kể” về đỉnh núi Puvan, gắn với hai ý thức hệ, một bên là thế giới quan du lịch của tầng lớp trưởng giả trong xã hội, một biến thể của ý thức hệ thực dân trong bối cảnh đương đại và một bên là “cảm quan môi trường của người nghèo” (environmentalism of the poor)- một khái niệm liên quan đến công lý môi trường do Rob Nixon đề xuất. Với những người như Vĩnh, cái đẹp nảy nở trong điều kiện của cái khắc nghiệt (cụ thể ở đây là khí hậu) mới phi thường, đáng ngưỡng vọng, cho dù họ chỉ có thể tận hưởng nó trong khoảnh khắc ngắn ngủi. Trong khi đó, với những người dân làng, thời tiết khắc nghiệt là thứ họ phải chịu đựng trong cả thời gian dài, họ hoàn toàn không hiểu vì sao những người như Vĩnh lại khao khát nhìn ngắm những cây sầu ấy. Cái gì được coi là đẹp, trong trường hợp này, là một kiến tạo của ý thức hệ. Hai “thế giới truyện kể” của Vĩnh và Củi được cấu tạo bằng hai hình thức lời trần thuật đối lập nhau về phong cách: một bên là kiến trúc tu từ đậm tính trí thức, là sự nối dài của cảm quan lãng mạn và ý thức hệ thực dân trong hình dung về một thiên nhiên vừa cao cả, vừa thách thức và một bên là một tự sự về thiên nhiên được kể bằng ngôn ngữ bỗ bã, chân chất, không giấu sự bất mãn, bực bội đối với đỉnh nùi ác nghiệt và cả chút mỉa mai đối với khát vọng chinh phục đỉnh núi của Vĩnh.

“Sầu trên đỉnh Puvan” có thể xem là một truyện ngắn có cốt truyện đa tuyến gắn với ba nhân vật Vĩnh, Dịu – cô gái giang hồ có số phận éo le, đồng hành với Vĩnh đến núi Puvan và Củi. Điểm nhìn trần thuật được điều phối theo ba nhân vật, từ đó, người đọc có thể “nhập” vào ý thức của mỗi nhân vật và phán đoán những diễn biến trong thế giới tinh thần của họ. Vĩnh không giấu giếm sự thương hại đối với những kẻ như Dịu và Củi, không phải vì cuộc sống khốn khó, éo le của họ mà vì trong mắt anh, họ là kẻ không có đời sống tinh thần. Đối với Vĩnh, việc họ cùng anh leo đỉnh Puvan chỉ đơn thuần vì mục đích có tiền. Dịu đọc được sự căm ghét trong ánh mắt của Củi về phía Vĩnh, kẻ mong đợi những cơn nắng kéo dài để được nhìn thấy những bông sầu còn bản thân cô thì ngủ thiếp đi vì mệt khi những bông hoa bắt đầu phát sáng. Chỉ có Vĩnh “như phát điên”, “như đang mộng du” khi chứng kiến khoảnh khắc cây sầu trổ hoa. Trạng thái bị mê hoặc đầy phấn khích của Vĩnh trước sự lạ của thiên nhiên ngay sau đó chuyển hóa thành một khoảnh khắc khủng hoảng hiện sinh khi nhân vật không những thấy tất cả những gì mình từng hưởng thụ trở nên tầm thường, nhạt nhẽo mà còn nhận ra “anh biết làm sao với ngày mai”, rơi vào nỗi sợ hãi “cái ngày mai trống rỗng”. Cảm giác bất lực ở hiện tại làm nhân vật sống lại những trải nghiệm chấn thương trong quá khứ: sự bất lực của Vĩnh trước vụ chết đuối của người yêu cũ cũng như cái chết của người thân bởi bom đạn năm xưa. Trạng thái khủng hoảng ấy dẫn đến hành động tự sát của Vĩnh.

Đặt trong mối liên hệ với cái chết vị tu sĩ người Pháp được kể trong giai thoại mở đầu, cái chết của Vĩnh ở đoạn kết khiến ta có thể xem truyện ngắn này của Nguyễn Ngọc Tư xoay quanh motif “lời nguyền của thiên nhiên”. Những cây sầu trong truyện có thể coi là những hình tượng khơi dậy cảm thức ecophobia (nỗi sợ thiên nhiên). Thiên nhiên ở đây khi được con người chiếm lĩnh lại trở thành thứ thiên nhiên không an ủi, không khỏa lấp nỗi trống rỗng của con người. Tuy nhiên, thiết tưởng sẽ là cường điệu nếu cho rằng truyện ngắn này chỉ tái diễn một motif khá phổ biến trong các tự sự hậu thực dân, trong đó, thiên nhiên được phú cho chức năng trừng phạt những tham vọng của những kẻ thượng đẳng. Tên gọi của đỉnh núi Puvan có thể gợi liên tưởng đến chữ “phù vân”, một biểu tượng khá phổ biến trong tư tưởng phương Đông, cái Không đầy minh triết. Cảm quan về cái Không ấy đối lập với tư tưởng chiếm hữu gắn với ý thức hệ thực dân, được nối tiếp trong các diễn ngôn du lịch đương thời nơi thiên nhiên được tuyệt đối hóa thành những thứ đẹp nhất, phi thường nhất, cần phải đến trước khi chết thì đời người mới đáng giá. Nhận thức về cái Không ấy cũng giải phóng con người ra khỏi sự hẹp hòi của bản ngã, những mặc cảm và định kiến về chính mình, từ đó mà thấu cảm cho nhau.

3.2. “Một lần đối chứng” (Nguyễn Minh Châu) những bất an trong sự trình hiện loài vật

“Một lần đối chứng” của Nguyễn Minh Châu có thể được xem như một tự sự chất vấn về khả năng của văn chương trong việc biểu đạt thế giới loài vật bên ngoài những kinh nghiệm con người. Trên thực tế, khái niệm “nhân vật” vẫn chủ yếu được hiểu là hình tượng con người cụ thể được khắc họa bằng các phương tiện nghệ thuật. Các “con vật” có thể được xem là nhân vật khi chúng được xây dựng như những ẩn dụ về các tính cách hay các mối quan hệ của con người trong đời sống. Nhân hóa là phương thức quan trọng nhất để biến các con vật thành nhân vật. Phép nhân hóa, do đó, là phép tu từ được hình thành trên giả định các thực thể phi nhân loại không có khả năng tự chủ (agency).

Truyện ngắn này của Nguyễn Minh Châu, ngay từ những dòng đầu tiên, đã thể hiện sự loay hoay của người viết để làm thế nào kể về một con vật như một “nhân vật” mà không mắc kẹt trong cơ chế nhân hóa. Điều này được thể hiện trực tiếp nhất qua đoạn trữ tình ngoại đề quan trọng trong truyện: “Nghề cầm bút đã tạo nên ở trong tôi thói quen nhập thân vào kẻ khác, sống cuộc sống bên trong của mọi người, nhưng lần này, trước đời sống nội tâm của một con mèo, tôi tự dặn mình không bao giờ được quên nó là loài vật. Tôi không muốn viết một câu chuyện mà loài vật được nhân cách hóa, gán ghép cho loài vật những biểu hiện của lòng nhân ái và trí khôn mà nó không có, xóa bỏ ranh giới giữa loài vật và người, bởi tôi muốn rằng, chúng ta – các bạn đọc và tôi – nhân danh loài người, thử làm một cuộc đối chứng với loài vật- một cuộc đối chứng giữa thiện và ác, giữa lý trí, trí tuệ và bản năng mù quáng.” Nếu chỉ căn cứ vào đoạn văn mang tính luận đề này, có thể nhận xét người kể chuyện trong khi cố gắng thoát ra cơ chế của phép nhân hóa thì vẫn rơi vào bẫy của tư duy nhân tâm luận với việc đặt con người trong quan hệ nhị phân mang tính tôn ti, nơi con người được xem sở hữu các phẩm chất cao hơn con vật. Nhưng mạch trần thuật trong truyện cho phép ta nghĩ đến những cách đặt vấn đề phức tạp hơn về quan hệ thú – người. Người kể chuyện, dù sao đi nữa, vẫn phải dùng cơ chế loại suy, dùng các kinh nghiệm của con người để miêu tả con vật. Con mèo – “nhân vật” chính” trong “Một lần đối chứng” – được khắc họa như một hình tượng tha hóa, kiểu hình tượng xưa nay vốn chỉ gắn với con người. Sự “tha hóa” ở đây, từ điểm nhìn của người kể chuyện, là một quá trình “hoang hóa” của con mèo: vốn là một con mèo nhà, sau khi mắc chứng xoắn trùng đường ruột không chữa nổi, lại thêm ghẻ lở hôi hám, nó không còn được người ta nuôi nữa, phải bỏ nhà ra đi, trở thành một con mèo hoang và có khả năng còn hóa cáo, nếu nó cứ thế dấn sâu hơn vào không gian hoang dã. Sự “tha hóa” của con mèo, theo đó, được hiểu là hậu quả của việc nó bị tước khỏi không gian xã hội của con người, nơi nó được bao bọc nhưng đồng thời cũng là nơi nó bị thuần hóa. Chính từ đây, truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu làm gợn lên những băn khoăn về “tha hóa” và “thuần hóa”: nếu ta coi loài vật cũng có bản thể, bản thể ấy được quyết định bởi văn hóa của loài người (“thuần hóa”), được nhìn nhận bởi điểm nhìn của con người hay là trạng thái hoang dã của nó – trạng thái nhiều khi vượt quá ngôn ngữ của con người. Người kể chuyện đã không giấu giếm sự hoang mang này của mình: với tư cách một nhà văn, anh ta đã quan sát nhiều cặp mắt của người đời nhưng ngần đấy kinh nghiệm cũng không giúp anh diễn tả nổi ánh mắt của con mèo hoang, cũng không giúp anh lý giải được những gì ở bên trong con mèo nhà. Ánh mắt loài vật gợi cho người kể chuyện nghĩ về một lịch sử xa hơn tất cả các kinh nghiệm của con người: “…tôi dõi mắt nhìn khắp bốn phía và chưa bao giờ tôi thấy phong cảnh cánh đồng quen thuộc ấy trở nên hoang dã đến thế, hoang dã đến mức thành xa lạ, và cả mặt đất mà chúng ta đang sinh sống trong phút chốc như vừa đi ngược trở về một thời kỳ hồng hoang chưa có dấu vết con người – ngay cả loài vật cũng đều là dã thú”. Sự bất an này đã phá vỡ tính toàn tri của người kể chuyện – một đặc điểm phổ biến trong các tự sự ngụ ngôn về loài vật. Nhưng xa hơn thế, dần dần người kể chuyện, trong khi vẫn nghĩ về loài người như một tồn tại cao cả, đã nghĩ về sự tương đồng giữa thú và người, rằng lịch sử của loài người cũng có những trang tăm tối, nơi con người cũng hoang dã như thú, nơi người cũng ăn thịt người. Và quá khứ ấy được người kể chuyện hình dung như “một vết thương chung của mọi người”.

Có thể nói, nỗi bất an tự sự là một chủ đề quan trọng của “Một lần đối chứng”. Đó là nỗi bất an về ngôn ngữ, về sự bất cập của các thủ pháp miêu tả về một đối tượng mà con người tưởng chừng có thể làm chủ nó bằng cách kể chuyện về nó. Từ đó, nó còn là một tự sự về nỗi bất an của việc “ con người”. Để người, con người phải làm người. Quá trình làm người này đòi hỏi con người cần đến ý niệm về Kẻ Khác/Cái Khác, cần phải trấn áp Kẻ Khác/Cái Khác để duy trì địa vị Người của mình. Nhưng cũng chính vì thế, làm Người trở thành một quá trình bấp bênh, phấp phỏng. Trong trường hợp “Một lần đối chứng”, như đã nói, một mặt, người kể chuyện vẫn đặt “Người” vào bảng giá trị cao hơn “Con” nhưng phần “Con” ấy như ma ám, sẽ luôn có thể đột nhiên quay về ám ảnh. Đây chính là một cơ chế phổ biến của chấn thương. Nguyễn Minh Châu có lẽ đã hình dung về lịch sử của sự làm người như một lịch sử mang chấn thương như thế.

*

Trở lên trên là hai trường hợp nghiên cứu cụ thể mà chúng tôi cố gắng vận dụng các luận điểm và thao tác của tự sự học sinh thái vào phân tích hai văn bản văn học Việt Nam. Chúng tôi ý thức rõ với hai trường nghiên cứu thể này, chúng tôi đang thực hành phê bình sinh thái gắn liền với việc mài sắc các khái niệm công cụ của tự sự học, cụ thể ở đây là khái niệm “thế giới truyện kể” và “tổ chức trần thuật”. Ở những thể nghiệm bước đầu này, những phân tích của chúng tôi có thể còn có chỗ cần được trao đổi. Nhưng chúng tôi tin vào triển vọng của nhánh tự sự học này khi áp dụng vào thực tiễn của văn học Việt Nam và khả năng đối thoại lý thuyết với các nhà tự sự học sinh thái trên thế giới từ việc phân tích các chất liệu của văn học Việt Nam.

TRẦN NGỌC HIẾU

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học, 7-2022, trang 38-52.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Nguyễn Minh Châu (1999), “Một lần đối chứng” in trong Nguyễn Minh Châu – Tuyển tập truyện ngắn, NXB Văn học, Hà Nội, 1999.

[2] Jacques Derrida, The Animal that Therefore I Am, Marie – Louis Mallet biên soạn, New York: Fordham University Press (2008).

[3] Yuval Noah Harari (2019),Why Fiction Trumps Truth”, https://www.nytimes.com/2019/05/24/opinion/why-fiction-trumps-truth.html     (truy cập ngày 14-6-2022)

[4] Ursula K. Heise (2010) , “Afterword: Postcolonial Ecocriticism and the Question of Literature” in trong Postcolonial Green: Environmental Politics and World Narratives, Bonnie Roos và Alex Hunt (chủ biên), Charlottesville: University of Virginia Press, 2010

[5] Kyle T. Henrichs (2021), Eco-Narratology and Contemporary American Fiction, Ph.D. Dissertation, University of Wisconsin-Milwaukee.

[6] Erin James (2015), The Storyworld Accord: Econarratology and Postcolonial Narratives, Lincoln & London: University of Nebraska Press.

[7] Erin James & Eric Morel (2020), Environment and Narrative: New Directions in Econarratology, Columbus: The Ohio State University Press.

[8] Erin James (2020), “Narrative in the Anthropocene” in trong Environment and Narrative: New Directions in Econarratology, Columbus: The Ohio State University Press.

[9] Erin James (2021), “Afterword: Econarratology Then, Now, and Later”, Substance, Volume 50, Number 3, 2021 (Issue 156), trang 150.

[10] Michael Marder (2013), “What is Plant Thinking”, Klesis: revue philosophique, Vol:25, 2013, trang 126-143.

[11] Rob Nixon (2011), Slow Violence and the Environmentalism of the Poor, Harvard University Press.

[12] James Phelan, “Narrative Ethics”, https://www.lhn.uni-hamburg.de/node/108.html  (truy cập ngày 14-6-2022)

[13] David Rodriguez (2019), Spaces of Indeterminacy: Aerial Description and Environmental Imagination in 20th Century American Fiction, Ph.D Dissertation, State University of New York at Stony Brook.

[14] Nguyễn Ngọc Tư (2017), “Sầu trên đỉnh Puvan”, in trong Gió lẻ và 9 câu chuyện khác (bản in lần thứ 15), NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh.

Tự sự học đa phương tiện và một số hiện tượng văn hóa đại chúng

Tự sự học đa phương tiện là một nhánh quan trọng của tự sự học hậu kinh điển. Sự phát triển của nhánh nghiên cứu này cho thấy xu hướng liên ngành, xuyên ngành như là một động hướng tất yếu của tự sự học. Trước hết, nó mở rộng đối tượng nghiên cứu của lĩnh vực này: thay vì lâu nay chỉ tập trung vào những hình thức tự sự bằng lời, các nhà tự sự học mở rộng sang các hình thức tự sự ngoài lời, và do đó, có khả năng chất vấn và tái định nghĩa khái niệm tự sự. Từ đây, tự sự học có thể trở thành phương pháp có thể thích ứng với những lĩnh vực mới, đang phát triển năng động như nghiên cứu phim, nghiên cứu truyền thông, nghiên cứu văn hóa đại chúng. Tự sự học đa phương tiện cũng vận động theo những hướng đi mới của nghiên cứu tự sự học hậu kinh điển như tự sự học tri nhận, tự sự học nữ quyền và đồng tính luận, v.v… Bài viết này sẽ tổng thuật lại những vấn đề lớn mà tự sự học đa phương tiện đặt ra đối với việc nghiên cứu bản chất của tự sự; những chủ đề nghiên cứu mới của nó, trong đó tập trung vào hai phạm vi là tự sự học trong điện ảnh và truyện tranh. Bài tổng thuật chủ yếu dựa trên những nghiên cứu của Marie-Laure Ryan và Werner Wolf, những học giả đầu ngành trong lĩnh vực tự sự học đa phương tiện, người đã có nhiều chuyên luận gây ảnh hưởng lớn đối với các nhà tự sự học.

1. Khái niệm phương tiện. Mối quan hệ giữa phương tiện và tự sự.

Khái niệm phương tiện (medium, số nhiều: media) trong tiếng Anh có hai nét nghĩa phân biệt với nhau khá rõ nét. Một mặt, nó được hiểu như một kênh truyền dẫn thông tin; mặt khác, nó được định nghĩa như là hình thức vật chất hay kỹ thuật của biểu đạt, tức có thể hiểu chúng như một thứ “ngôn ngữ”  nhào nặn nên thông tin. Đối với các nhà tự sự học, nếu phương tiện là các kênh dẫn thì hình thức của kênh dẫn của có thể ảnh hưởng đến kiểu thông tin mà nó truyền đạt, từ đó, điều chỉnh cách người ta tiếp nhận thông tin và việc sáng tạo các tác phẩm được “đo ni đóng giày” cho phương tiện ấy (thí dụ, truyền hình và điện ảnh là hai phương tiện có những sự khác biệt, do đó, kịch bản phim truyền hình sẽ có những khác biệt cơ bản với kịch bản điện ảnh). Như vậy, các phương tiện khác nhau có thể dẫn đến những câu chuyện khác nhau. Đó là lý do mà phương tiện trở thành mối quan tâm của các nhà tự sự học.

Theo học giả Marie-Laure Ryan, trong truyền thống thi học phương Tây, ngay từ Plato và Aristotle, vai trò của phương tiện đối với các loại hình nghệ thuật. Đặc biệt, đến thế kỷ XVIII, triết gia Lessing đã nhấn mạnh đặc thù của phương tiện như nhân tố phân biệt các loại hình nghệ thuật, làm nên sức mạnh của mỗi loại hình nghệ thuật cũng như những hạn chế của nó. Thí dụ, phương tiện của hội họa tác động đến thị giác của người thưởng thức, do đó, hội họa trở thành nghệ thuật không gian, thiên về miêu tả; trong khi đó phương tiện của thơ ca là ngôn từ, tác động đến trí tưởng tượng của người đọc, do đó, nó là nghệ thuật thời gian và tính tự sự là bản chất của nó. Cũng chính Lessing đã sớm lưu ý đến khả năng căng dãn của phương tiện khiến một loại hình nghệ thuật có thể có thêm khả năng biểu đạt của phương tiện khác: “Thơ ca có thể kịch tính hóa sự hiện lên của những vật thể tĩnh bằng cách biến một hình ảnh không gian thành một hành động mang tính thời gian, như cách Homer miêu tả cỗ xe ngựa của Juno bằng việc kể lại thần Hebe lắp từng bộ phận của nó vào với nhau như thế nào. Các nghệ thuật không gian, ngược lại, có thể vượt qua sự thiếu hụt tính tự sự của mình bằng cách chọn một “khoảnh khắc quan trọng” (“pregant moment”), mở ra cửa sổ để người ta có thể hình dung được những gì diễn biến trước và sau đó.”[1] Nhưng phải sang đến thế kỷ XX, thời đại bùng nổ các phương tiện mới: máy ảnh, máy quay phim, radio, tivi, radio…, những suy tư mang tính triết học về bản chất của các phương tiện mới thực sự được đào sâu. Trong số những học giả tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu về phương tiện, Marshall McLuhan là người đặt ra được những luận đề có tính chất nền móng như: “phương tiện là sự mở rộng của con người”, “phương tiện nhào nặn nên và nhào nặn lại những sự hình dung của chúng ta”, “phương tiện chính là thông điệp”. Cùng với McLuhan, Walter J. Ong đã đặt vấn đề nghiên cứu tự sự trong các hình thái phương tiện khác ngoài ngôn từ với những khám phá hệ thống về các hình thức tự sự trong văn hóa truyền khẩu và văn hóa dựa trên nền tảng chữ viết.

Trên thực tế, như Ryan lưu ý, thì các nhà tự sự học ngay từ giai đoạn cấu trúc luận đã sớm chú ý đến bản chất xuyên phương tiện (transmedia) của tự sự, trong đó có thể kể đến các tên tuổi như Claude Bremond hay Roland Barthes mà công trình Những huyền thoại của ông đã thể nghiệm phân tích các hiện tượng văn hóa đa dạng từ quảng cáo, sách hướng dẫn du lịch, tranh, tranh hoạt họa…như là các tự sự (không bó hẹp trong phương tiện ngôn từ đơn thuần). Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của tên tuổi cột trụ của tự sự học kinh điển là Gerard Genette, việc nghiên cứu tự sự ở thời điểm ấy hầu như chỉ tập trung vào các tự sự văn chương hư cấu. Các hình thức tự sự ngoài văn chương và phi văn chương hầu như không được quan tâm cho đến tận những năm cuối thế kỷ XX. Nghiên cứu tự sự trong các hình thái truyền thông đa dạng đã và vẫn đang phát triển rất năng động với những công trình nghiên cứu tự sự trong điện ảnh, truyền hình, truyện tranh, nghệ thuật múa, hội họa, opera, biếm họa…

Trở lên trên là những phác thảo về tự sự học đa phương tiện. Nhưng khái niệm đa phương tiện ở đây không đơn giản chỉ là nói đến tự sự ở những phương tiện khác ngoài ngôn từ. Theo Ryan, khi nghiên cứu về các phương tiện, cần nhớ rằng chúng luôn tồn tại trong mối quan hệ tương tác và cạnh tranh với nhau để thỏa mãn cảm giác của con người. Khi điện ảnh ra đời, chẳng hạn, nghệ thuật tự sự của tiểu thuyết buộc phải điều chỉnh chính mình để có thể cạnh tranh với phim trong việc kể chuyện. Irving Howe từng nói rằng nghệ thuật tiểu thuyết hiện đại chủ nghĩa là nghệ thuật tự sự được điện ảnh hóa. Đến lượt mình, điện ảnh giờ đây lại chịu thách thức từ video-games, một phương tiện không những tích hợp được những khả năng vốn có của phim mà còn gia tăng sự tương tác giữa người chơi với câu chuyện được thiết kế. Games làm cho điện ảnh phải nghĩ lại với những khả năng kể chuyện của nó, thậm chí còn làm cho các tự sự hư cấu phải nghĩ đến việc tìm tòi những phương thức kết cấu và biểu đạt mới… Điều này đã khiến các nhà nghiên cứu đề xuất khái niệm “liên phương tiện” – intermediality hoặc xuyên phương tiện – transmediality để tìm hiểu về bản chất của phương tiện và mối quan hệ giữa phương tiện với nghệ thuật tự sự. Đề xuất này rất hợp lý đối với những hình thái tự sự tích hợp nhiều phương tiện như phim, video games, truyện tranh, nghệ thuật trình diễn…

Bản chất của phương tiện có thể được tiếp cận trên ba bình diện, mỗi bình diện lại nhào nặn nên các tự sự theo những đặc trưng riêng. Thứ nhất, phương tiện mang bản chất ký hiệu và căn cứ vào bản chất ký hiệu này thì có thể phân loại phương tiện thành ba nhóm lớn: ngôn từ, thị giác và thính giác. Các tự sự văn chương tất nhiên dựa chủ yếu vào phương tiện ngôn từ, do đó, nó khả năng thể hiện được diễn biến của sự kiện theo thời gian một cách thuận lợi trong khi đó đây lại là thách thức đối với các tự sự dựa vào phương tiện thị giác vốn mạnh hơn khả năng biểu đạt sự tồn tại trong không gian của các vật thể. Các loại hình tự sự như điện ảnh, truyện tranh, ballet, kịch câm, nghệ thuật trình diễn… đều là những nỗ lực kết hợp khả năng biểu đạt cả tính thời gian lẫn tính không gian của các sự kiện trong thế giới. Ở những loại hình tự sự này, ta có thể quan sát rõ nét nhất sự cộng hưởng khả năng của nhiều phương tiện để biểu đạt và tác động đến người tiếp nhận. Tiếp cận tự sự từ bản chất ký hiệu của phương tiện sẽ tập trung vào những khả năng và giới hạn của phương tiện ấy trong việc kể chuyện. Ryan gợi ý những câu hỏi sau để ta suy tư về vấn đề này: “Làm cách nào cách hình ảnh có thể gợi ra ý niệm về thời gian? Làm thế nào các động tác, cử chỉ có thể biểu đạt được mối quan hệ nhân quả? Ý nghĩa của thiết kế đồ họa là gì? Làm cách nào mà các loại ký hiệu khác nhau có thể góp phần tạo nên ý nghĩa tự sự trong những hình thức nghệ thuật đa phương tiện?”[2]

Thứ hai, phương tiện có bản chất vật chất, bản chất kỹ thuật. Đối với các nhà tự sự học, khi xem xét phương tiện từ khía cạnh bản chất này, mối quan tâm của họ sẽ tập trung vào khả năng “nâng cao hay điều chỉnh sức mạnh biểu đạt của những phương tiện ký hiệu thuần túy.”[3] Thí dụ, nghệ thuật tự sự văn chương chủ yếu được thể hiện trên trang giấy qua công nghệ in ấn. Bản thân việc in ấn đã làm thay đổi đáng kể nghệ thuật tự sự từ hình thức truyền khẩu vốn đã xuất hiện trước đó đến hình thức tự sự được cố định hóa về văn bản trên giấy in. Tuy nhiên, sự ra đời của internet đã mở ra một không gian tồn tại khác cho việc sáng tác và tiếp nhận các tự sự văn chương. Các hư cấu mang hình thức hypertext chính là một dạng chuyển mình của tự sự văn học trong thời đại số, có những đặc thù mới, đòi hỏi một cách tiếp cận khác về thế giới truyện kể (storyworld), tổ chức trần thuật, người kể chuyện… Các tự sự điện ảnh đòi hỏi người nghiên cứu phải tư duy về chức năng của camera trong việc tạo ra các điểm nhìn như thế nào, các hình thức trần thuật ra sao…

Thứ ba, phương tiện mang bản chất văn hóa. Ryan đưa ra một nhận định rất xác đáng: “Đặc điểm của các tự sự được tạo nên bởi một phương tiện nhất định thường là sự gắn kết của các nhân tố văn hóa, kỹ thuật và ký hiệu.”[4] Bản chất văn hóa của phương tiện sẽ giúp chúng ta kiến giải được nhiều phương diện văn hóa của tự sự và hình thành thêm nhiều cách phân loại các thể loại tự sự. Thí dụ, truyện tranh là một thể loại văn học bao gồm nhiều tiểu loại, mỗi tiểu loại lại có những mã riêng của nó: truyện dành cho trẻ em, dành cho người lớn, dành cho độc giả nữ… Các mã này lại được cấu thành bởi những cách vẽ riêng, tương quan giữa phần lời và phần hình ảnh cũng không giống nhau, từ đó mà ý nghĩa tự sự cũng được cấu tạo theo những cách khác nhau. Ý thức được điều này sẽ mở đường cho việc tiếp cận các thể loại tự sự đa phương tiện này từ góc độ phê bình văn hóa, lý thuyết tri nhận, phê bình giới tính, v.v.

Chúng tôi lưu ý: tự sự học đa phương tiện không chỉ phát triển để thích ứng với sự tồn tại phong phú của các hình thức tự sự ngoài ngôn từ lịch sử đến hiện tại. Nhìn rộng hơn, có thể nói đến khúc ngoặt phương tiện/liên phương tiện trong nghiên cứu nhân văn và văn học, nói như học giả Werner Wolf.[5] Khúc ngoặt phương tiện này khiến ta phải quan tâm đến sự tồn tại của văn học trong một hệ sinh thái phương tiện (media ecology). Trên thực tế, một thể loại tự sự như sử thi chẳng hạn bao giờ cũng tồn tại trong môi trường đa phương tiện: đời sống của sử thi chưa bao giờ chỉ là đời sống trên văn bản, nó còn sống trong nhiều phương tiện khác: âm thanh (qua lời hát của nghệ nhân), ngôn ngữ thân thể (qua cử chỉ, điệu bộ trình diễn). Tiểu thuyết chương hồi Trung Hoa thường có tiền thân là các thoại bản, là các bản kể truyền miệng được lưu hành trong đời sống thị dân. Nhìn xa hơn, các kịch bản sân khấu, điện ảnh thường được sáng tác trong ý thức văn bản ngôn từ có khả năng chuyển thể được sang các phương tiện khác. Bởi lẽ đó, Werner Wolf đã nhận định xác đáng rằng: “Nếu văn học đã gây ảnh hưởng đến nhiều phương tiện và đến lượt mình chịu ảnh hưởng cũng như được lưu truyền bởi nhiều phương tiện thì việc nghiên cứu phương tiện phải trở thành một bộ phận tích hợp của nghiên cứu văn học.”[6]

Cách tiếp cận văn học nói chung, tự sự nói riêng từ phương tiện đòi hỏi chúng ta phải chú ý đến tổng thể của cả ba bình diện bản chất ở trên vừa nói đến. Phương tiện kiến tạo nên bình diện không-thời gian của tự sự như thế nào, có ưu thế trong việc tác động đến giác quan nào, những mã ký hiệu học nào được sử dụng để truyền đi nội dung tự sự, sự hỗ trợ của các yếu tố vật chất, kỹ thuật tạo nên sự khác biệt gì trong khả năng tự sự, các yếu tố văn hóa trong việc sáng tạo và lưu truyền các tự sự ảnh hưởng như thế nào đến diện mạo và các kiểu loại tự sự… Theo Ryan, thao tác so sánh là thao tác cần thiết khi đối với việc nghiên cứu tự sự từ phương tiện.

2. Từ tự sự ngôn từ đến tự sự ngoài ngôn từ và phi ngôn từ

Không phải ngẫu nhiên mà ở giai đoạn kinh điển, các nhà tự sự học chủ yếu tập trung vào tự sự ngôn từ. So với các phương tiện khác, ngôn từ thực sự có sức mạnh tự sự lớn hơn cả. Ryan phân tích điều này chiếu theo định nghĩa mà bà đưa ra về tự sự, theo đó, một tự sự được cấu thành bởi bốn thành tố: 1 – thành tố không gian: một “thế giới”, một bối cảnh nơi các nhân vật, các sự vật hiện tượng tồn tại, trú ngụ trong đó; 2- thành tố thời gian: nơi cái “thế giới” mà ta vừa nói đến trải qua những biến đổi quan trọng bởi những sự kiện không theo thói quen (non-habitual event);  3- thành tố tinh thần (mental): những sự kiện bất thường kia phải liên đới đến một nhân tố sở hữu đời sống tinh thần, trí tuệ, có những phản ứng về mặt tình cảm đối với những trạng thái của thế giới hoặc những trạng thái của những nhân tố khác; 4- thành tố hình thức và dụng học (pragmatic), biện hộ cho kết thúc và đưa ra một thông điệp có ý nghĩa.[7]

Trong 4 thành tố này, Ryan nhận xét: thành tố thứ nhất và thứ tư không nhất thiết phải phụ thuộc vào ngôn ngữ. Trên thực tế, các hình ảnh có thể làm tái hiện hình ảnh của thế giới một cách hiệu quả hơn ngôn từ bởi tính trực quan của chúng. Người ta cũng có thể dùng những hệ thống ký hiệu khác ngôn từ để biểu hiện sự kết thúc và truyền đạt một thông điệp. Nhưng đặc điểm thứ hai và thứ ba của tự sự thì phụ thuộc rất lớn vào ngôn từ. Ngôn từ, bởi phẩm chất thời tính của mình, có thể miêu tả được sự diễn tiến của các sự kiện. Không những thế, chỉ có ngôn từ mới có khả năng biểu đạt hiệu quả nhất những gì xảy ra trong thế giới tinh thần, ý thức của các nhân vật. Ryan đưa ra một ví dụ dễ hiểu: một bộ phim có thể tái hiện một cách hiệu quả sự tiếp diễn của các sự kiện trong thời gian, thí dụ “nhà vua băng hà, rồi sau đó hoàng hậu cũng qua đời,” nhưng chỉ có từ ngữ mới có thể nói “nhà vua băng hà, rồi sau đó hoàng hậu cũng qua đời vì đau buồn” vì chỉ có ngôn từ mới có khả năng biểu đạt hiển lộ mối quan hệ nhân quả giữa các sự kiện. Đây là điều mà hình ảnh trên phim thường biểu đạt mơ hồ hơn và nếu không có lời thuyết minh, người xem sẽ rất khó để xác quyết hoàng hậu chết vì bệnh tật hay do đau buồn. Điều quan trọng hơn cả: cũng chỉ ngôn từ mới cho phép các tự sự thể hiện được một hình thái giao tiếp phổ biến nhất giữa con người, hay rộng hơn là các nhân tố có trí thông minh, tức giao tiếp bằng lời nói, bởi chỉ có ngôn ngữ mới thể hiện được ngôn ngữ. Tất nhiên, các tự sự bằng ngôn từ cũng thường thường sử dụng cách tỉnh lược để mở rộng không gian cho sự gợi đoán của độc giả nhưng ở đây Ryan đã lưu ý: “Không có gì chán hơn một câu chuyện không để lại chỗ nào cho sự suy diễn, nhưng nếu cứ buộc người ta phải đoán tất cả thì điều này sẽ áp đặt những giới hạn đáng kể đối với vốn chuyện kể mà một phương tiện có thể kể được.”[8]

Tự sự phụ thuộc vào ngôn từ nhưng vẫn có thể có được sự độc lập nhất định. Trên thực tế, vẫn có những tự sự chủ yếu được kiến tạo từ các phương tiện mang tính cảm giác thuần túy, phi ngữ nghĩa học (non-semantic) như âm thanh, tiếng động hay cử chỉ, điệu bộ. Trong một số trường hợp, nhiều khi những phương tiện này có sức mạnh biểu đạt còn lớn hơn ngôn từ. Ryan dẫn ra một ví dụ để minh họa cho luận điểm này: “bản overture 1812 của Tchaikovsky có thể không miêu tả được cụ thể diễn biến của chiến trận, nhưng nó có thể biểu đạt trạng thái tinh thần của hai quốc gia giao chiến một cách mãnh liệt, ấn tượng hơn bất cứ một cuốn sách lịch sử nào.” Trong tác phẩm giao hưởng này, “nước Nga được thể hiện bằng giai điệu tụng ca mang âm hưởng tôn giáo trang nghiêm với tiếng viola và cello ở tông thấp, trong khi đó nước Pháp được thể hiện qua những âm thanh sắc, mạnh của tiếng kèn đồng và bộ gõ, mà người ta có thể nhận ngay ra nét giai điệu của bài La Marseillaise trong đó. Sau sự xung đột giữa hai chủ đề này (themes) của bản nhạc được nhấn mạnh bằng âm thanh mô phỏng tiếng đại bác, giai điệu tụng ca thanh bình tượng trưng cho nước Nga trở thành giai điệu chủ đạo, được thể hiện qua những nét nhạc gợi tiếng rung của các quả chuông nhà thờ giờ đây được toàn bộ dàn nhạc chơi.”[9] Cũng như vậy, không phải ngẫu nhiên khi điện ảnh giờ đây tuy đã có thể thể hiện được tiếng nói của các diễn viên, nhưng vẫn có những đạo diễn điện ảnh thực hiện phim câm. Điển hình là bộ phim The Artist (2013) của Michel Hazanavicius được trao giải Oscar cho phim hay nhất. Việc Hazanavicius quay trở về với hình thức phim câm không đơn thuần chỉ là biểu hiện sự hoài cổ, đúng hơn, nó nên được hiểu như một thách thức mà đạo diễn dám chấp nhận để khai thác sức mạnh của ngôn ngữ điện ảnh giữa bối cảnh loại hình nghệ thuật này vì có quá nhiều công nghệ hỗ trợ, phương tiện cải tiến nên lại làm cho người xem trở nên thụ động trước bộ phim và hình ảnh điện ảnh mất đi sự gợi cảm, tinh tế vốn có. Âm nhạc, khuôn hình và đặc biệt là diễn xuất hình thể của hai diễn viên thực chất đã biểu đạt được nhiều sắc thái nội tâm không thua kém ngôn từ, nếu không muốn nói rằng có những trường đoạn ngôn từ sẽ khó cạnh tranh được với biểu cảm của hình thể thể hiện những khủng hoảng nội tâm, cảm xúc của con người.

Nhìn vào lịch sử, có thể nghĩ rằng các chuyện kể đã có trước khi con người phát triển ngôn ngữ của mình. Những tác phẩm nghệ thuật sớm nhất của nhân loại được tìm thấy trên hang động không chỉ là những tranh vẽ; ở mức độ nào đó, chúng là tiền thân sớm nhất của thể loại truyện tranh, là những tự sự không lời kể lại câu chuyện bộ lạc săn thú dữ như thế nào chẳng hạn. Ở đây, ta có thể liên hệ đến luận điểm của nhà nghiên cứu Mark Turner cho rằng: “con người không bắt đầu kể chuyện như là hệ quả của sự phát triển ngôn ngữ mà đúng hơn, ngôn ngữ được phát triển để đáp ứng nhu cầu cần kể các câu chuyện.”[10] Các câu chuyện của con người ngày càng phong phú hơn những gì có thể diễn tả trực quan. Ngôn ngữ trở thành phương tiện ưu thế của tự sự là vì thế bởi như Ryan nói, “tự sự không phải là cái gì đó được hình dung bởi các giác quan: nó được kiến tạo bởi tinh thần, hoặc từ những dữ liệu mà đời sống cung cấp hoặc từ những chất liệu được phát minh.”[11] Với bản chất như thế, tự sự gắn bó chặt chẽ với ngôn ngữ vì “ngôn ngữ nói với tinh thần hơn là nói với cảm giác.”

Sự xuất hiện của các loại hình tự sự đa phương tiện, như đã nói ở trên, cho thấy một tham vọng của các nghệ sĩ vừa muốn khai thác sức mạnh kể chuyện của ngôn từ, vừa muốn cộng hưởng khả năng kể chuyện của các phương tiện ngoài ngôn từ. Đi xa hơn, các thể loại này còn chất vấn chính những định kiến mặc định về khả năng tự sự của ngôn từ và các phương tiện ngoài ngôn từ cũng như các khái niệm thường được dùng để tiếp cận các tự sự như điểm nhìn, người kể chuyện, thời gian-không gian tự sự… Sự chất vấn ấy là một động thái quan trọng và cần thiết trong sáng tạo nghệ thuật. Trong phạm vi bài viết này, hai loại hình tự sự đa phương tiện mà chúng tôi muốn phân tích là điện ảnh và truyện tranh.

3. Tự sự học điện ảnh

Là loại hình nghệ thuật của thời hiện đại, điện ảnh, có thể nói, tích hợp được những điểm mạnh của cả tiểu thuyết và sân khấu, và đồng thời cũng khắc phục được những giới hạn cố hữu của chúng. Một bộ phim có thể thể hiện được sự xê dịch không-thời gian như tiểu thuyết nhưng lại cũng giống như sân khấu, người xem phim có thể trực quan các cảnh tượng, sự kiện và nhân vật – điều mà tiểu thuyết không làm được, đồng thời thời gian của một bộ phim cũng thường tương đương thời gian của một vở diễn. Phát triển trên nền tảng của những tiến bộ công nghệ không ngừng, điện ảnh được xem là loại hình nghệ thuật đa phương tiện có khả năng thách thức cao nhất đối với các tự sự ngôn từ truyền thống vốn chủ yếu dựa vào ngôn từ.

Tuy nhiên, việc tiếp cận phim như loại hình tự sự dựa trên những khái niệm tự sự học vốn được thiết lập làm công cụ để phân tích các tự sự văn học, gây ra nhiều tranh cãi, thảo luận về tính thích đáng. Điều này vừa do đặc thù của việc sản xuất một bộ phim vừa do bản chất đa phương tiện của điện ảnh tạo nên. Một bộ phim luôn là một sáng tạo tập thể (nhà sản xuất, đạo diễn, tác giả kịch bản, diễn viên, các nhân viên kỹ thuật, nhạc sĩ…) – điều này đặt ra những vấn đề rất cốt lõi: câu chuyện của bộ phim được kể bởi ai? Vấn đề người kể chuyện và chức năng của người kể chuyện là vấn đề phức tạp bậc nhất trong nghiên cứu tự sự học điện ảnh mà ở phần sau bài viết sẽ bàn thêm. Sự tích hợp các yếu tố kỹ thuật cũng khiến cho trần thuật điện ảnh có những nét đặc thù mà tự sự văn học không có được. Nó có thể đồng hiện nhiều vật thể, nhiều âm thanh, vận động cùng lúc, âm thanh và hình ảnh có thể mang những thông điệp khác nhau. Người xem phim khác với người đọc truyện không có cơ hội lướt, ngừng, hay phá vỡ trình tự của bộ phim. Tuy nhiên, với sự ra đời của video, DVD, điều này giờ lại trở thành khả thi đối với khán giả, khiến việc xem phim bắt đầu có những tính chất mà trước kia chỉ có được trong việc đọc truyện. Camera cũng có những “ngôn ngữ” riêng của nó khác với hành động viết: độ dài của một cảnh quay, góc quay, chuyển động của máy quay, tiêu cự, điểm nhìn… đều có những khả năng đặc biệt trong việc tác động đến tri nhận của người thưởng thức, kích thích họ kiến tạo câu chuyện mà hình ảnh phim gợi ra. Các thủ pháp dựng phim như dựng nối tiếp, dựng song song, dựng nhảy vọt (jump-cut) làm ta liên hệ đến việc tổ chức kết cấu một tác phẩm tự sự, để các yếu tố tự sự thống nhất lại thành một chỉnh thể và thu hút sự chú ý cũng như gợi mở sự tưởng tượng, diễn dịch của người xem. Thậm chí ngay một yếu tố vật chất nhất như loại máy quay cũng góp phần tạo nên những hiệu ứng đặc biệt cho việc kể chuyện bằng ngôn ngữ điện ảnh. Một ví dụ: Bộ phim The Hurt Locker (2008) của nữ đạo diễn người Mỹ Kathryn Bigelow từng được trao giải Oscar cho phim hay nhất. Đề tài bộ phim xoay quanh những người lính Mỹ làm nhiệm vụ phá bom mìn tại Iraq. Trong bộ phim này, đạo diễn đã sử dụng bốn máy quay super 16 mm để nắm bắt nhiều điểm nhìn, nhiều góc độ khác nhau của hiện  thực, khiến cho bộ phim truyện này mang phong cách của kiểu phim bán tài liệu.

Vấn đề người kể chuyện trong phim là vấn đề gây ra nhiều tranh cãi nhất giữa các nhà tự sự học. Có hai quan điểm đối lập nhau rất rõ. Quan điểm thứ nhất, xem người kể chuyện là nhân tố tất yếu của mọi tự sự điện ảnh. Người biện hộ tiêu biểu cho quan điểm này là Seymour Chatman, người được xem là đã đưa ra một quan điểm tiên nghiệm về vấn đề người kể chuyện trong điện ảnh cho rằng: mọi câu chuyện đều cần đến một tác nhân để kể nó ra. Quan điểm tiên nghiệm này lập luận theo logic bắc cầu: 1- Trần thuật là hành vi kể hay thể hiện một câu chuyện; 2- Mọi hành vi đều cần có tác nhân để thực hiện; 3- Tác nhân của hành vi kể một câu chuyện hư cấu là người kể chuyện; từ đó suy ra 4- Mọi tự sự hư cấu, bao gồm phim truyện, cũng phải có người kể chuyện.  Quan điểm này bị phản biện bởi luồng quan điểm thứ hai bởi những lý do: 1- Người kể chuyện không đồng nhất với tác giả thực và tác giả hàm ẩn (hình tượng tác giả – “con người” tác giả được thể hiện qua văn bản). Hai khái niệm sau đều không nằm trong thế giới của câu chuyện, đó là những con người có thật hoặc ẩn phía sau tạo nên câu chuyện trong khi đó “người kể chuyện” lại là một nhân vật hư cấu, nằm trong thế giới của câu chuyện, thuật lại những sự kiện của câu chuyện ấy. Nhân tố để kể lại câu chuyện không thể là nhân tố hư cấu được, vì hành động kể chuyện là hành động có thật.[12] Chính những người làm phim (đạo diễn, quay phim, biên tập…) mới là nhân tố tất yếu, bắt buộc để câu chuyện của bộ phim được kể ra, hiện ra. 2- Không phải hành vi nào cũng cần đến tác nhân. David Bordwell cho rằng không cần đưa khái niệm “người kể chuyện” vào nội dung nghiên cứu của lý thuyết phim: “Nhưng khi xem phim, chúng ta hiếm khi ý thức được mình đang được một thực thể nào đó giống như con người kể cho mình một câu chuyện… Đa số các bộ phim không cung cấp một cái gì đó tương tự như một người kể chuyện có thể xác định và không có lý do gì mong chúng sẽ đem đến…” Bordwell, thay vào đó, tập trung vào khái niệm “trần thuật” và ông xử lý vấn đề này từ góc độ tri nhận: “Trần thuật là quá trình tổ chức một loạt các tín hiệu gợi ý người xem kiến tạo nên câu chuyện.” Quả thật, trừ một số trường hợp đặc biệt là các bộ phim có lời thuyết minh dẫn chuyện hay có nhân vật xuất hiện trong phim đảm nhiệm vai trò kể chuyện, người xem luôn có cảm giác như các sự kiện trình ra trước mắt ta “một cách tự nó” và với tri nhận của mình, anh ta phát hiện mối liên kết giữa các sự kiện, các chi tiết, các hình ảnh của bộ phim, tự đó hình thành một chuyện kể. Nhưng hai nhà tự sự học Markus Kuhn và Johann N. Schmidt lại đưa ra một nhận định đáng lưu ý. “Việc xóa bỏ người kể chuyện và ý niệm bộ phim dường như là thứ “tự kể” lại tương phản với ấn tượng ta thường có, rằng mọi yếu tố hình ảnh và âm thanh trong phim lại gợi cảm giác về một sự hiện diện có thẩm quyền tác giả (authorial) hay của một kẻ phát ngôn (enunciator), dù không mang hình hài con người. Nhiều thuật ngữ và những kiến giải lý thuyết khác nhau đã được đưa ra nhắm khắc phục được sự bế tắc logic của hiện tượng trần thuật mà không có người kể chuyện theo nghĩa hẹp: “camera”, “con mắt camera”, “người quan sát vô hình”, “người kể chuyện bên trong”…”[13] Theo đó, camera được xem như nhân tố kể chuyện, làm trung gian giữa kênh âm thanh và hình ảnh, tạo ra dòng trần thuật điện ảnh đặc thù. Tuy nhiên, khi nhấn mạnh vai trò của camera trong việc kể chuyện thì lại cũng không thể bỏ qua vai trò của việc dựng phim trong việc tạo ra dòng trần thuật điện ảnh.

Ta có thể quan sát sự kiến tạo dòng trần thuật điện ảnh qua một ví dụ từ bộ phim Hiroshima, Mon Amour (1959) do đạo diễn người Pháp Alain Resnais thực hiện trên kịch bản của nhà văn Maguerite Duras. Ở cảnh mở đầu bộ phim, theo kịch bản, Duras mô tả hai đôi vai trần ghì xiết vào nhau, một sẫm màu, một sáng, “như ngập vào tro tàn, nước mưa, sương sớm và mồ hôi”. Ở khung cảnh ấy, khi âm nhạc của Fusco (người soạn nhạc cho bộ phim) lắng xuống, giọng của diễn viên nam (không quay mặt) nổi lên: “Em không nhìn thấy gì hết ở Hiroshima, không gì hết.” Nhân vật nữ đáp lại bằng một giọng bình thản, điềm tĩnh. “Em nhìn thấy hết. Nhìn thấy hết.” Alain Resnais hiện thực hóa lời văn trong kịch bản của Duras bằng góc quay cận cảnh, để nhấn mạnh cảm giác về thân thể ghì xiết lấy nhau của nhân vật, rồi sau đó, cảnh tiếp theo được dựng bằng một loạt các hình ảnh về bệnh viện của Hiroshima – những hình ảnh mang tính chất của phim tài liệu. Máy quay lúc này đóng vai trò như một công cụ giúp người đọc “nhìn” thấy những suy nghĩ của nhân vật nữ: một Hiroshima sau thảm họa từ “điểm nhìn” của nhân vật nữ. Nhân vật nữ chỉ được thể hiện qua giọng nói của mình, trong khi đó, nhân vật nam thỉnh thoảng lại cắt ngang lời kể của nhân vật nữ: “Em không nhìn thấy gì hết.” Sự tương phản này gợi ra ấn tượng về tính bất khả tín của dòng trần thuật. Và điều này được thể hiện rõ nét hơn tại khoảnh khắc khi nhân vật nữ miêu tả: “Hiroshima phủ đầy hoa… Hoa ngô, hoa lay-ơn ở mọi nơi, hoa triêu nhan và hoa hiên lại mọc lên từ tro tàn với sức sống mãnh liệt, điều mà khi ấy chưa ai nói đến về hoa…”, màn hình lại hiện lên hình ảnh các bác sĩ đang dùng bông để lau viết thương sâu và khuôn mặt bị bỏng nặng của bệnh nhân. Sự tương phản này tạo ra tính “bất khả tín” của dòng trần thuật điện ảnh: bộ phim thay vì cho thấy nhân vật đã nhìn thấy gì, nó gợi ra sự chất vấn về khả năng “nhìn thấy” của con người, nhất là những chấn thương ở bề sâu của thời đại dẫu chiến tranh đã đi qua.

Hiroshima, Mon Amour không chỉ là một tự sự về sự thấy của con người; nó còn là một tự sự về sự nhớ và quên của con người về những ký ức chấn thương. Bộ phim khai thác triệt để hai thủ pháp là flashback (hồi cố) và mindsreen (phóng chiếu suy nghĩ). Trong bộ phim, nhân vật nữ – Riva – kể lại cho người tình Nhật Bản của cô – về mối tình của mình với viên sĩ quan Đức trong thời kỳ Thế chiến thứ hai, người đã bị bắn chết trong những ngày cuộc chiến kết thúc. Nhưng để tạo ra một dòng trần thuật chất vấn về sự khả tín của ký ức, Alain Resnais chưa bao giờ để camera quay cận mặt viên sĩ quan người Đức. Thủ pháp này làm người ta liên hệ đến sự mơ hồ dần của hình ảnh người tình trong ký ức, bất kể nhân vật nữ vẫn đang cố gắng dùng ngôn từ để tái hiện nó. Bằng ngôn ngữ của camera và thủ pháp dựng phim, bộ phim diễn tả được sự dằn vặt của nhân vật nữ khi thấy mình đang quên dần, đang để tuột dần ký ức về người tình: “Anh vẫn chưa chết hoàn toàn. Em đã kể câu chuyện của chúng ta. Đêm nay em đã không giữ được sự chung thủy với anh khi ở bên cạnh kẻ xa lạ này. Em đã kể câu chuyện của chúng ta. Đó là câu chuyện, anh thấy đó, có thể kể lại được. Suốt 14 năm, em đã không tìm thấy được nữa..cảm giác về một tình yêu bất khả. Kể từ Nevers. Nhìn xem, em đang dần quên anh…Nhìn xem em đã quên anh.” Chúng tôi chủ ý in nghiêng những chữ vừa rồi để thấy điện ảnh, bằng ngôn ngữ của nó, đã diễn tả một cách trực quan trạng thái dần quên của con người như thế nào và phức tạp hơn thế, nó cho thấy sự lẩn tránh của chấn thương ngay khi con người tưởng như có thể dùng ngôn ngữ để kể nó thành một câu chuyện.

Cùng với vấn đề “người kể chuyện”, “điểm nhìn” cũng là thuật ngữ quan trọng để tiếp cận bộ phim từ tự sự học. Các nhà nghiên cứu đều thống nhất với nhau ở một điểm: trong điện ảnh, điểm nhìn không chỉ đơn giản gắn với vị trí của camera. Theo Edward Branigan, xét về cấu trúc, một điểm nhìn trong điện ảnh phải cần đến hai cảnh quay: cảnh quay thứ nhất cho biết nhân vật đang nhìn cái gì ngoài màn hình; cảnh quay thứ hai là một vật thể, một đối tượng được chụp tại điểm nằm trong không gian được thể hiện ở cảnh quay thứ nhất.[14] Từ đó, cần phải phân tích điểm nhìn điện ảnh trong một mạng lưới quan hệ giữa hành động nhìn và cái được nhìn thấy: cái nhìn của các nhân vật với nhau, cái nhìn của người xem vào các nhân vật cũng như bối cảnh của bộ phim. Camera lúc này đóng vai trò như một nhân tố mở ra trường nhìn của bộ phim; khung hình của bộ phim sẽ cho người được xem được nhìn thấy cái gì và không thấy cái gì. Điểm nhìn, do vậy, đi liền với việc tiêu cự hóa.

Ta có thể phân tích cách xử lý điểm nhìn trong cảnh cuối cùng của phim Birdman do đạo diễn Alejandro Iñárritu thực hiện (bộ phim được giải Oscar cho phim hay nhất năm 2014), từ phút 110-112. Cả bộ phim này được dựng theo một cú long-take dài hơn hai tiếng đồng hồ kể về Riggan Thomson, một diễn viên trước kia từng nổi tiếng với vai diễn người chim trong một series film, nay đã hết thời và tìm cách lấy lại hào quang của mình qua việc đưa lên sân khấu Broadway một vở kịch chuyển thể từ truyện ngắn nổi tiếng của Raymond Carver – “Mình nói gì khi mình nói chuyện tình”. Vở kịch gây được tiếng vang bởi tính chất scandal của nó hơn là tính nghệ thuật như Riggan kỳ vọng khi ông dùng súng bắn mình trên sân khấu. Nhưng đó chỉ là vụ tự tử hụt, ông không chết mà chỉ bị vỡ mũi. Cảnh cuối của bộ phim là khoảnh khắc khi Riggan tỉnh dậy trong bệnh viện và nhìn ra cửa sổ. Chi tiết này được thực hiện bởi hai cảnh quay đúng như mô tả của Branigan: Riggan nhìn ra bên ngoài (cái nhìn của nhân vật) và một đàn chim bay ngang trời (vật được nhìn thấy bởi nhân vật). Những con chim thật sự, chứ không phải là người chim – một loại biểu tượng siêu nhân, đặc sản của văn hóa đại chúng Mỹ – tự do bay liệng trên cao trên nền một giai điệu giao hưởng thanh thoát, làm Riggan nhận ra một điều gì đó thật đặc biệt. Ông trèo qua cửa sổ. Ở cảnh tiếp sau đó, con gái của ông vào phòng bệnh của bố, không thấy cha mình đâu cả. Lúc này, camera bám sát điểm nhìn của cô, biến cô trở thành nhân vật tiêu cự. Cô nhìn xuống cửa sổ, rồi trong giây lát ngẩng lên, ánh mắt vừa kinh ngạc, vừa như có một cái gì đó đầy cảm động. Bộ phim kết thúc tại đó. Chúng ta không biết chính xác cô con gái của Riggan nhìn thấy gì và tại sao cái cô nhìn thấy lại làm cô cảm động. Chính điều này buộc người xem phải dựa vào những gợi dẫn của hình ảnh để suy đoán: có thể cô đã nhìn thấy cha mình chết khi rơi từ cửa sổ xuống; hoặc cũng có thể cô nhìn thấy cha cô cuối cùng đã trở thành một con chim tự do bay liệng trên cao; hoặc cũng có thể cô đã hiểu lý do vì sao cha mình chết và đó là một lý do đẹp đẽ… Với việc từ chối một điểm nhìn toàn tri, đưa camera quay toàn cảnh để người xem thấy hết mọi thứ, Iñárritu thực sự đã tạo ra một cái kết mở.

Vấn đề “ai nhìn”,”cái gì được nhìn thấy”, “cái gì trong và ngoài khung hình”… không chỉ đơn giản liên quan đến việc tri nhận. Nó gợi mở những suy tư liên quan đến quyền lực, đến ý thức hệ. Nhận thức được điều này sẽ gắn nghiên cứu tự sự học điện ảnh với việc phân tích diễn ngôn, giải cấu trúc. Hiện nay, tự sự học điện ảnh đòi hỏi một sự tích hợp, cộng hưởng với những khám phá mỹ học về ngôn ngữ điện ảnh – một thứ mỹ học đã và vẫn đang được các học giả hàng đầu thế giới thảo luận và phát triển như Gilles Deleuze, Jacques Rancière, Slavoj Zizek… Tuy nhiên, để bàn sâu hơn về nội dung này, phải cần đến một phạm vi khác.

4. Tự sự học và truyện tranh

Trước khi đi vào tự sự học trong truyện tranh, thiết nghĩ cần phải nhìn vấn đề trong khung rộng hơn. Đó là nghiên cứu tự sự học hình ảnh (pictorial narrative/graphic narrative). Câu hỏi đầu tiên được đặt ra ngay: làm thế nào mà bức tranh hay bức ảnh có thể gợi ra được câu chuyện? Nghĩa là, tính tự sự của tranh ảnh, hình vẽ thể hiện ở đâu khi chúng vốn được xem là nghệ thuật tĩnh, thiên về tính không gian, ít có khả năng thể hiện được diễn tiến của sự kiện – điều được xem là yếu tố hạt nhân của tự sự? Ryan viết: “Đọc một bức tranh như một tự sự nghĩa là đặt những câu hỏi: Nhân vật trong bức tranh là ai? Mối quan hệ liên cá nhân giữa những nhân vật đó là gì? Họ đã làm gì trước đó? Họ đang làm gì? Lý do để họ hành động là gì? Sự biến đổi nào mà hành động đó được gây ra? Nhân vật phản ứng như thế nào trước sự kiện ấy?”[15] Rõ ràng, một bức tranh hay một tấm ảnh không trả lời được những câu hỏi này một cách trực tiếp bởi các hình ảnh tĩnh vốn thiếu chiều kích thời gian, chúng lại không có khả năng thể hiện được lời nói, ý nghĩ, trình bày mối quan hệ nhân quả, tạo ra sự trì hoãn và bất ngờ… Tuy nhiên, đúng như Ryan nhận xét: “Chính sự không hoàn tất về tính tự sự của các hình ảnh đã tạo ra một sự tò mò lớn.” Đọc một bức tranh như một tự sự đòi hỏi một quá trình tri nhận phức tạp hơn nhiều so với việc đọc một tự sự bằng ngôn từ để lấp vào những khoảng bỏ ngỏ của nó, tạo thành một câu chuyện.

Đối với một bức tranh, một tấm ảnh tĩnh mà nhà nghiên cứu Werner Wolf gọi là tác phẩm một “pha” (monophase work), tính tự sự có thể thấy rõ trong trường hợp bức tranh, bức ảnh tái hiện lại một sự kiện nổi tiếng, nhiều người đã biết, thí dụ những tác phẩm hội họa lấy đề tài từ các tích trong Kinh Thánh chẳng hạn. Song tính tự sự của tranh không đơn giản chỉ là hệ quả của việc nó phải ký sinh vào những tự sự bằng lời. Một bức tranh có thể “kể” được khi nó phải tái hiện một biến cố, một trạng thái bất thường, từ đó khơi gợi được “tính thời gian”. Bức tranh của sử dụng những biểu trưng đã trở thành quy ước văn hóa để tạo thành “kịch bản” tri nhận cho người xem, giúp họ phán đoán các mối liên hệ và mường tượng được diễn tiến hành động. Tên của bức tranh cũng góp phần tạo ra sự gợi ý để người xem với vốn tri nhận của mình thiết lập nên câu chuyện.

Ta có thể phân tích bức tranh nổi tiếng của Edvard Munch – “Tiếng thét” (1893) để có trực quan về tính tự sự trong hội họa. Nhân vật trong bức tranh là con người đang ở trạng thái lo âu, căng thẳng, sợ hãi (trạng thái này có thể cảm nhận được qua động tác ôm đầu và nét mặt rất bất an của nhân vật) đang đi trên đường (theo các tài liệu cho biết con đường này ở thành phố Oslofjord, Na Uy). Khung cảnh trời chiều được đặc tả bằng một sắc đỏ ối (được pha bằng màu đỏ sẫm và cam); cách vẽ màu của Munch rất phóng khoáng, nét vung mạnh mẽ, chói gắt, gợi lên một ấn tượng bất thường, như thể có một điều gì đó dữ dội sắp ập xuống. Trong bức tranh, người ta nhìn thấy từ phía xa, có hai người mặc áo đen đang đi bộ. Dễ thấy so với một tự sự ngôn từ, bức tranh của Munch không thể thể hiện rõ nhân vật đang lo âu vì điều gì, đâu là mối liên hệ giữa buổi hoàng hôn đỏ quạnh và hai người trên cầu với nhân vật trong tranh, tiếng thét ở đây có phải là của nhân vật hay là từ cái gì đó mà nhân vật nghe được? Nhưng quả thật, tất cả những chi tiết trên đều cho phép ta hình dung một cái gì đó rất bất thường đang hoặc sắp xảy ra (tính thời gian), tác động đến nhân vật làm nhân vật rơi vào trạng thái sợ hãi, căng thẳng. Bức tranh như một tự sự mà các quan hệ nhân quả bị làm mờ buộc người đọc phải suy đoán. Mặc dù vậy, khi nói về tính tự sự của hội họa nói chung, ta hoàn toàn có thể tán đồng với nhận định của Werner Wolf: “[Nếu những bức tranh] được đọc như những tự sự tiềm năng, chúng tất yếu sẽ có những khoảng trống ngắt quãng về ý nghĩa, vì những đặc điểm quan trọng của tự sự đều thiếu vắng hoặc không thể nhận ra trong tranh. Ý nghĩa của những bức tranh như thế thường rất khó hiểu, nếu chúng không được kết nối với một tự sự ở bên ngoài chúng. Thêm vào đó, nếu không có những ám chỉ liên phương tiện, thì một bức tranh đơn rất khó tránh được sự mơ hồ về vị trí chính xác của “khoảnh khắc trọng yếu” xảy ra bên trong tự sự.”[16] Như trường hợp bức “Tiếng thét” của Munch, cho đến giờ người ta vẫn thôi tranh luận về ý nghĩa của bức tranh, màu đỏ của ráng chiều trong bức tranh có phải chỉ đơn thuần gợi nhớ đến những thảm họa thiên nhiên tàn khốc xảy ra quanh thời điểm Munch sáng tác, nỗi lo âu của nhân vật có liên hệ gì với đời sống tinh thần của họa sĩ, nhân vật thực sự nhìn thấy, nghe thấy cái gì để hốt hoảng, sợ hãi? Vì thế, có lẽ nên thận trọng như Wolf đề nghị: “Tóm lại, một bức tranh đơn chưa bao giờ có thể thực sự thể hiện được một tự sự mà tốt nhất, nó chỉ có thể là một gợi ý theo cách hoán dụ về một câu chuyện mà thôi.”[17]

Truyện tranh được phát triển trên nền một chuỗi tranh liên kết với nhau. Bởi vậy, tính tự sự của thể loại này cao hơn hẳn các tranh, ảnh đơn: nó có thể thể hiện được một hành động diễn ra trong thời gian, phản ánh được mối liên hệ nhân quả giữa cái xảy ra trước và cái xảy ra sau. Nhất là, thể loại này cho phép dùng lời (không chỉ giới hạn trong nhan đề của tác phẩm). Ngôn từ giúp truyện tranh bù đắp đáng kể những “khoảng trống ngắt quãng” của ý nghĩa, thể hiện được cụ thể những ý nghĩ, cảm xúc của nhân vật, cho dù phần ngôn từ luôn phải gọn, kiệm, không lấn át phần hình họa. Họa sĩ cũng có thể có những quy ước trong cách vẽ để gia tăng gợi ý cho người đọc, với vốn tri nhận của mình, có thể liên kết các bức tranh trong chuỗi tạo thành một chuyện kể.

Ta sẽ phân tích một ví dụ từ một truyện trong tác phẩm comic strip (truyện tranh hài hước dạng ngắn, kể theo chuỗi) nổi tiếng, Popeye, của E.C.Segar. Câu chuyện được dùng làm ví dụ minh họa ở đây là “Nịnh đầm”, gồm 7 tranh kết chuỗi với nhau, có cỡ không đồng đều: tấm thứ 6 có kích cỡ nhỏ nhất và tấm cuối cùng có kích cỡ lớn nhất. Độc giả của loạt tranh truyện này đã được giới thiệu từ trước về các nhân vật chính sẽ xuất hiện trong series này với cách tạo hình cố định về tính cách và ngoại hình. Câu chuyện “Nịnh đầm” là màn đối thoại của ba nhân vật Popeye-Olive-Wimpy. Giả sử ta tước bỏ hết phần tranh và chỉ giữ nguyên phần thoại, chúng ta vẫn có một câu chuyện, phần nào cũng có thể gây cười được:

– Olive: Popeye, em đã tự tay nấu cho anh một bữa trưa thịnh soạn!

– Popeye: Suỵt! Nói bé thôi kẻo Wimpy nghe thấy

– Wimpy: Chào em Olive đẹp hơn hoa!

– Olive: Chào anh Wimpy!

– Popeye: Thiêng gớm nhỉ! Đừng có in mấy lời nhăng nhố, hắn nịnh đầm hòng ăn chực em thôi!

– Wimpy: Nịnh hồi nào! Em đẹp thật chứ bộ! Coi kìa nụ cười tỏa nắng, vóc dáng hút hồn, giọng nói như họa mi hót trong mưa.

– Popeye: Nghe phát tởm! Đừng tin, hắn chỉ giỏi ba xạo thôi!

– Olive: Ba xạo á? Ý anh là tôi không được như thế chứ gì? Wimpy, em sẽ đãi anh ăn trưa.

– Wimpy: Đúng ý anh quá! Bái bai Popeye, chàng ngốc thật thà!

Có thể thấy những yếu tố quan trọng sau đã bị mất khi câu chuyện trên bị lược bỏ phần hình ảnh. Thứ nhất, nó bị mất đi những yếu tố dẫn dắt (vừa có tính thời gian, vừa có tính nhân quả) mà hình ảnh đảm nhiệm được. Cụ thể ở đây là sự biến đổi sắc thái tâm lý của Olive và Popeye qua các lượt thoại mà khi xem tranh, người đọc có thể cảm nhận được qua nét vẽ của tác giả, trong đó. Thứ hai, khi rút gọn lại câu chuyện thành những lời thoại đơn thuần, người đọc chỉ có thể đọc các lượt thoại diễn ra tuần tự từ trước đến sau trong khi đó, nếu xem tranh, việc trình bày lời nói của các nhân vật trong các ô biểu diễn lời nói dàn hàng ngang khiến ta có cảm giác các lời nói cùng vang lên một lúc, gợi lên một sự va chạm “kịch tính” giữa các nhân vật. Điều này có lẽ được tô đậm hơn qua việc tác giả chủ ý thu hẹp lại kích cỡ bức tranh thứ sáu khi Olive dí sát mặt vào Popeye với vẻ đầy giận dữ: “Ý anh là tôi không được như thế chứ gì?” Bức tranh thứ bảy, kích cỡ lớn nhất, tạo ra sự tương phản với bức tranh thứ sáu, để nhấn mạnh kết cục khôi hài đầy éo le dành cho Popeye (hình ảnh của nhân vật lúc này được vẽ nhỏ hơn Olive và Wimpy cho thấy rõ sự thất thế của Popeye). Trong trường hợp này, yếu tố hội họa không phải là yếu tố minh họa cho phần lời, chính nó mới là nhân tố kết nối bề sâu tạo ra mạch lạc cho tự sự và hơn hết, khiến câu chuyện có những sắc thái tâm lý trực quan được đồng thời tạo nên ấn tượng hài hước đậm nét hơn.

Truyện tranh trên thực tế là một hiện tượng rất đa dạng, bao gồm nhiều thể loại, mang những đặc trưng riêng về phong cách vẽ, loại cốt truyện, loại độc giả hướng đến và cả những dấu ấn văn hóa của thời đại, của các quốc gia, các nhóm xã hội. Từ chỗ là một hiện tượng “ngoại biên”, vốn được mặc định như là thứ văn học giải trí hoặc chỉ dành cho trẻ nhỏ, truyện tranh ngày càng chứng tỏ là một hiện tượng độc lập không vừa khuôn với sự phân loại nghệ thuật theo truyền thống: nó không hoàn toàn là hội họa và nó cũng rộng hơn ý niệm về văn học vốn được định nghĩa là nghệ thuật ngôn từ. Truyện tranh hoàn toàn có thể thể hiện được những đề tài nghiêm túc, nó có thể thách thức những định kiến văn hóa, thách thức những giới hạn của nghệ thuật kể chuyện. Đã có hẳn những tạp chí chuyên ngành, những số chủ đề dành cho hiện tượng này, thí dụ tạp chí Journal of Graphic Novels and Comics, tạp chí Modern Fiction Studies, Volume 52, số mùa Đông 2006, tạp chí South Central Review, Volume 32, số 3, mùa Thu 2015… Và hàng năm, tạp chí điện tử Words Without Borders đều dành số tháng Hai để giới thiệu những tác phẩm tự sự truyện tranh trên khắp thế giới. Dù rất đa dạng, phong phú và đang rất phát triển năng động như vậy, nhưng nếu tiếp cận truyện tranh từ góc độ tự sự học, người nghiên cứu buộc phải quan tâm đồng thời cả phần hình ảnh lẫn phần lời của tác phẩm: yếu tố nào trong hình ảnh sẽ thúc đẩy mạch truyện, yếu tố nào sẽ tạo ra sự chuyển cảnh, yếu tố nào sẽ giúp cho phần lời được cô đọng lại hay có thể lướt đi, các thủ pháp đóng khung (framing device) nào được sử dụng để tạo ra sự thương thỏa giữa phần lời và phần hình? Những câu hỏi trên sẽ quyết định các kỹ thuật tự sự trong truyện tranh. Chẳng hạn, theo Will Eisner, một tác giả đồng thời là một trong những người lập thuyết quan trọng về truyện tranh: nếu dùng những bảng vẽ (panel) nhỏ, nối tiếp nhau, họa sĩ có thể gợi người đọc liên tưởng đến một tốc độ tự sự nhanh, gấp trong khi đó những bảng vẽ dài lại gợi ra một diễn tiến chậm của các hành động, sự kiện được miêu tả trong tranh.[18] Bản thân phần lời cũng có thể có những biến tấu về hình dạng để gợi ra cảm giác về giọng điệu của nhân vật, thí dụ: chữ phóng lớn đặt trong ô biểu diễn có hình giống tia sét sẽ làm người đọc liên tưởng đến trạng thái kinh hãi của nhân vật.

Ta có thể triển khai những gợi ý về cách tiếp cận này đối với tác phẩm Cửa sổ của Tạ Huy Long (2014) – một trong những tác phẩm hiếm hoi ở Việt Nam theo chúng tôi đáng được xem như một tiểu thuyết bằng tranh (graphic novel). Tác phẩm của Tạ Huy Long, khác với nhiều cuốn truyện tranh của Việt Nam đang được xuất bản khá nhiều trong vài năm gần đây, có sự kiệm lời cao độ. Sáu tranh mở đầu và năm tranh kết thúc đều không có phần thoại của các nhân vật, ngoại trừ bức tranh đầu tiên, tác giả có dùng âm thanh để mô tả tiếng xe đạp trên đường. Sự kiệm lời ấy, ít nhất, có hai ý nghĩa: thứ nhất, họa sĩ muốn khai thác sâu hơn tính tự sự của hình ảnh, để cho hình ảnh tự kể chuyện; thứ hai, tạo không gian rộng mở cho trí tưởng tượng của người đọc tham gia vào việc kiến tạo câu chuyện. Cuốn truyện mở đầu bằng những bức tranh khổ lớn mà người đọc Việt Nam, với vốn tri nhận của mình, có thể nhận ra đó là bối cảnh Hà Nội những năm 80, một Hà Nội nghèo nàn, vất vả sau chiến tranh. Kích cỡ lớn của ba bức tranh đầu tiên làm ta liên tưởng như thể đang xem một bộ phim bắt đầu bằng cảnh quay toàn cảnh, tiết tấu diễn ra từ từ. Tính thời gian được cảm nhận qua hình ảnh con châu chấu từ chỗ bay là là mặt đất (bức tranh 1) rồi vút lên cao (bức tranh 2), hình ảnh to dần lên (bức tranh 3). Các bức tranh tiếp theo đều có khung khổ nhỏ hơn, được trình bày như một chuỗi hành động nối tiếp nhau của nhân vật cho thấy nhịp điệu tự sự bắt đầu được đẩy lên nhanh, dẫn dắt người đọc cuốn vào cơn ác mộng của cậu bé trong truyện. Ngoài các yếu tố “bắt mắt” như màu sắc, đường nét, Tạ Huy Long rất ý thức việc chọn các kích cỡ của bảng vẽ để tạo ra sự di chuyển điểm nhìn không gian và cả tiết tấu của câu chuyện. Cửa sổ còn là một tác phẩm mang tinh thần tiểu thuyết ở chỗ sự kiệm lời của họa sĩ khiến cho câu chuyện như mang một kết thúc mở: mở trong phán đoán của độc giả về những gì diễn ra trong nhận thức của cậu bé, mở trong những cảm xúc mà câu chuyện gợi lên.

Như vậy, ta thừa nhận tính tự sự của tranh, ảnh và đặc biệt là ở truyện tranh, nhưng Wolf lưu ý, phương tiện hình ảnh cũng đặt ra những giới hạn. Dù gì đi nữa, trong truyện tranh, giữa từng bức, từng bảng vẽ trong chuỗi, vẫn có những khoảng khó xác định về mối liên hệ về cả thời gian lẫn tính nhân quả. Truyện tranh cũng khó khắc họa sâu được những diễn biến tâm lý, những trạng thái vô thức, những phán đoán giả định của nhân vật. Dẫu vậy, sự phát triển rất sung sức của thể loại này ở thời điểm hiện tại cho thấy: nghệ thuật luôn là sự đối mặt và thách thức những giới hạn tưởng chừng đã mặc định cho nó.

5. Tự sự học đa phương tiện và văn hóa đại chúng đương thời: Trường hợp Việt Nam

Tự sự học đa phương tiện là một cách tiếp cận thích ứng đối với nhiều hiện tượng văn hóa đại chúng đương thời. Một trong những đặc điểm nổi bật của văn hóa đại chúng hiện nay đó là sự bùng nổ đa dạng của phương tiện mới phục vụ cho nhu cầu kể chuyện của con người. Thêm nữa, những phương tiện mới ấy tiện lợi hơn, phổ cập hơn, có nhiều tính năng để tạo ra những hiệu ứng tự sự mới mà các phương tiện truyền thống chưa làm được. Mạng và các thiết bị số chính là những phương tiện đang gây ra những tác động đặc biệt đối với sự phát sinh và diện mạo mới của các tự sự hiện nay. Tiêu biểu nhất là sự phát triển của games điện tử. Xem games như một tự sự mà bản thân người chơi trở thành nhân tố trực tiếp cấu thành thế giới truyện kể, games buộc các nhà tự sự học phải nghĩ lại đến những khái niệm then chốt như người kể chuyện (games là câu chuyện được kể bởi ai), cốt truyện (trong games, cốt truyện phải chăng được xây dựng bởi người thiết kế, người thiết kế dựa trên những mẫu gốc nào để xây dựng nó, làm thế nào để người chơi dù chơi nhiều lần vẫn không mất đi cảm giác bất ngờ, rơi vào bẫy, v.v…). Các tự sự hình thành trên nền tảng kỹ thuật số – các hypertext – mặc dù vẫn chưa được đón nhận giống như games – như ít nhiều đã ảnh hưởng ngược trở lại đối với nghệ thuật tiểu thuyết và điện ảnh. Một bộ phim như Lara Croft: The Tom Raider (2001) trên thực tế là phiên bản chuyển thể của games được ra mắt trước đó Tomb Raider vào năm 1996. Tiểu thuyết House of Leaves của Mark Z. Danielewski (2000) – một cách tân thường được nhắc đến của văn học Mỹ đương đại – được kết cấu như một games thực sự, ngay từ hình thức của cuốn sách. Gần đây nhất, mạng xã hội và công nghệ livestream không chỉ khiến cho báo chí truyền thống phải dè chừng bởi khả năng cạnh tranh rất cao, mà ngay cả báo mạng và truyền hình cũng bị thách thức bởi giờ đây mỗi người đều có thể trở thành phóng viên, trở thành một nguồn cung cấp tin tức, một kênh tạo ra các tự sự của riêng mình. Chưa bao giờ người ta có thể trực quan sự tan rã của các đại tự sự như ở thời tiến bộ công nghệ diễn ra với tốc độ chóng mặt như thế này. Từ đó, theo chúng tôi, trong nghiên cứu, càng không thể đặt văn học tách khỏi những mối tương tác của nó với hệ sinh thái phương tiện quanh nó, để nhấn mạnh lại một luận điểm mà ở trên bài viết này có nhắc tới.

Các tự sự đa phương tiện đang tồn tại dưới nhiều hình thức phong phú trong đời sống văn hóa Việt Nam hiện nay và gây được những ảnh hưởng đáng chú ý, đặc biệt trong khu vực văn hóa trẻ.  Khái niệm “văn hóa trẻ” là một khái niệm rất cần quan tâm trong nghiên cứu văn hóa đại chúng. Đó là thứ văn hóa được làm nên và gắn bó với giới trẻ của một xã hội – bộ phận năng động nhất, dễ tạo ra những xu hướng phong cách sống mới, tạo ra những lệch chuẩn, những khác biệt mới trong đạo đức, thẩm mỹ, nhận thức. Văn hóa trẻ thường gắn với đô thị, bộc lộ từ những biểu hiện vật chất như ăn mặc, đầu tóc, xăm mình đến những hình thức tự do biểu đạt trong cách nói năng, cách nghĩ. Một nền văn hóa giàu tính khoan dung luôn cố gắng nới rộng không gian cho văn hóa trẻ, một thứ văn hóa luôn có thể phá vỡ những giá trị đã định hình, đã thành những khuôn thức. Bước đầu có thể nhắc đến những thể loại tự sự đa phương tiện đang khởi sắc hiện nay trong văn hóa Việt Nam và đồng thời hoàn toàn có thể tiếp cận chúng từ lý thuyết tự sự học:

– Truyện tranh: Một thời kỳ khá dài, phần lớn các truyện tranh được đón nhận nồng nhiệt bởi giới trẻ chủ yếu được dịch từ nước ngoài, đặc biệt là từ Nhật Bản. Trong lịch sử, ở Việt Nam, cũng đã có những họa sĩ chuyên về truyện tranh, song nói đúng hơn, tác phẩm của họ nên được gọi là sách tranh minh họa. Người ta hoàn toàn có thể bỏ phần tranh mà giữ phần truyện mà không mất mát gì đáng kể về ý nghĩa. Một hiện tượng đáng ngạc nhiên là trong khoảng 5 năm trở lại đây các tác giả Việt đã bắt đầu chiếm lĩnh thị trường truyện tranh. Có thể kể đến Lê Linh với Thần đồng đất Việt, Phong Ronin với Sát thủ đầu mưng mủ, Long thần tướng, Lê Bích (Huara Team) với Đời về cơ bản là buồn cười, Dịch tiếng Việt ra tiếng Yêu, Đời vai phụ, Mèo Mốc với Nhật ký mèo mốc, Bích Ngọc với Chuyện vặt của Múc, Thăng Fly với Quan trọng là phải đẹp trai… Trong những cuốn sách vừa nói đến ở trên, dạng comic strip có lẽ đang chiếm ưu thế hơn về số lượng so với tiểu thuyết tranh – graphic novel (Long thần tướng Cửa sổ là hai tác phẩm trong phạm vi những gì chúng tôi đọc được vừa vặn hơn cả với tính chất tiểu thuyết). Đặc trưng văn hóa trẻ thể hiện ở sự hài hước qua nét vẽ và ngôn từ của các tác giả: nguệch ngoạc, phóng đại, chủ ý xây dựng nhân vật như một biểu tượng icon chạy xuyên suốt cả series dài (Lê Bích, Đậu lướt ván, Mèo mốc…). Bám sát vào những tình huống đời thường và thời sự của giới trẻ, các tác phẩm comics thường tạo nên tự sự trên nền một thành ngữ được nhại chế, một sự kiện đang nóng, một trào lưu trên mạng xã hội. Nét vẽ phải làm sao nhấn mạnh được sự dí dỏm, sự cợt nhả hay sự ngoa ngoắt của nhân vật trung tâm trong series. Mỗi một truyện trong tác phẩm comic này có thể ví như một tập sit-com được cô đọng tối đa bằng hình vẽ và lời văn.

– Sách ảnh: Trường hợp chúng tôi muốn nhắc đến nhất ở đây là hiện tượng cuốn Humans of Hà Nội – Bước vào thế giới của nhau (2015) mà người trường nhóm dự án là Trần Quang Tuán và Bùi Hoàng Long. Dự án được truyền cảm hứng từ Brandon Staton, nghệ sĩ nhiếp ảnh người Mỹ sinh năm 1984 và mới chỉ bắt đầu dấn thân vào sự nghiệp nhiếp ảnh từ năm 2010, người khởi xướng trang Humans of New York trên mạng xã hội facebook giới thiệu ảnh chân dung những con người đời thường, được chụp trong những khoảnh khắc thường nhật, đi kèm với những văn bản ngắn ghi lại câu chuyện mà họ tâm tình với người chụp. Brandon Stanton trên thực tế đã tạo ra một thể loại tự sự mới chứ không đơn giản chỉ là những bức ảnh. Phần văn bản và phần hình ảnh trong những cuốn sách chịu ảnh hưởng từ Humans of New York luôn có sự gắn bó chặt chẽ với nhau, bổ trợ cho nhau. Có thể nói một cách hình ảnh, những bức ảnh-câu chuyện trong cuốn Bước vào thế giới của nhau là những truyện cực ngắn đa phương tiện. Người chụp ảnh cố gắng nắm bắt được những khoảnh khắc, những sắc thái nào đó của nhân vật khiến người ta phải “tò mò” đọc vào câu chuyện và ngược lại, câu chuyện cũng phải bỏ ngỏ một điều gì đó để người ta nhìn chăm chú hơn nữa vào bức ảnh chụp người kể câu chuyện ấy.

Sit-com: Là thể loại phim truyền hình ngắn, nhiều tập, đậm chất hài hước, thường là xoay quanh một dàn diễn viên cố định, với những câu chuyện chủ yếu gắn với sinh hoạt đời thường trong gia đình, công sở, trường học. Sitcom gần với kịch tiểu phẩm nhưng được thực hiện ở trường quay chứ không phải trên sân khấu, được quay từ nhiều góc khác nhau với tiết tấu luôn phải được duy trì ở mức độ nhanh, gọn. Sit-com ở Việt Nam bắt đầu với phim Lẵng hoa tình yêu được Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh sản xuất vào năm 2004 và đang ở giai đoạn phát triển khá nhanh với các series chạy được qua nhiều mùa như 5S online hay Phụ nữ là số 1. Lối nghiên cứu tự sự học kết hợp với phân tích diễn ngôn có thể giúp nhận thấy ở những tự sự bông đùa này có sự đóng khuôn những hình mẫu về giới tính, về sự khác biệt đô thị-nông thôn, sự phân hóa xã hội…

Với thực tiễn sống động của các dạng tự sự đa phương tiện trong văn hóa đại chúng Việt Nam hiện nay mà bài viết này mới chỉ đề cập rất sơ lược, có thể thấy nghiên cứu tự sự học đa phương tiện hoàn toàn thích ứng để tiếp cận bộ phận này. Cố nhiên, trong trường hợp này, tự sự học đa phương tiện phải có sự gắn kết với phê bình văn hóa (cultural studies) thì mới thật sự đi đến những phát hiện, khám phá có chiều sâu.

TRẦN NGỌC HIẾU

Nguồn: Tự sự học kinh điển & hậu kinh điển – Lý thuyết & ứng dụng, Trần Đình Sử chủ biên, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2018, trang 339-365.


[1] Marie-Laure Ryan, “Narration in Various Media”, The Living Handbook of Narratology, http://www.lhn.uni-hamburg.de/article/narration-various-media

[2] Marie-Laure Ryan, tài liệu đã dẫn

[3] Marie-Laure Ryan, tài liệu đã dẫn

[4] Marie-Laure Ryan, tài liệu đã dẫn

[5] Werner Wolf,”(Inter)mediality and the Study of Literature”, CLCWeb: Comparative Literature and Culture 13.3 (2011): <http://dx.doi.org/10.7771/1481-4374.1789>

[6] Werner Wolf, tài liệu đã dẫn.

[7] Marie-Laure Ryan, “Narration in Various Media”, The Living Handbook of Narratology, http://www.lhn.uni-hamburg.de/article/narration-various-media

[8] Marie-Laure Ryan, tài liệu đã dẫn

[9] Marie- Laure Ryan, “Media and Narrative” in trong Routledge Encyclopedia of Narrative Theory, David Herman, Manfred Jahn & Marie-Laure Ryan chủ biên, NY:Routledge 2005, trang 292.

[10] Mark Turner, The Literary Mind. New York: Oxford UP, 1996.

[11] Marie-Laure Ryan, , “Narration in Various Media”, The Living Handbook of Narratology, http://www.lhn.uni-hamburg.de/article/narration-various-media

[12] Berys Gaut, “The Philosophy of the Movies: Cinematic Narration” in trong The Blackwell Guide to Aesthetics, Peter Kivy chủ biên, NY: Blackwell, 2004, trang 236.

[13] Markus Kuhn & Johann N. Schmidt, “Narration in Film”, The Living Handbook of Narratology, http://www.lhn.uni-hamburg.de/article/narration-film-revised-version-uploaded-22-april-2014

[14] Dẫn theo Patrick Keating, “Point of View (Cinematic)” in trong Routledge Encyclopedia of Narrative Theory, David Herman, Manfred Jahn & Marie-Laure Ryan chủ biên, NY:Routledge 2005, trang 440.

[15] Marie-Laure Ryan, “Narration in Various Media”, The Living Handbook of Narratology, http://www.lhn.uni-hamburg.de/article/narration-various-media

[16] Werner Wolf, “Pictorial Narrativity” in trong Routledge Encyclopedia of Narrative Theory, David Herman, Manfred Jahn & Marie-Laure Ryan chủ biên, NY:Routledge 2005, trang 432.

[17] Werner Wolf, “Pictorial Narrativity” tài liệu đã dẫn, trang 433.

[18] Jeanne C. Ewert, “Comics and Graphic Novel”, Routledge Encyclopedia of Narrative Theory, David Herman, Manfred Jahn & Marie-Laure Ryan chủ biên, NY:Routledge 2005, trang 72.

Dẫn nhập về tự sự học nữ quyền luận (Qua những thực hành của Susan E. Lanser)

Bài viết này là nỗ lực tổng thuật một hướng nghiên cứu năng động của tự sự học hậu kinh điển. Bản rút gọn của bài viết đã được đăng trên tạp chí Nghiên cứu văn học tháng 7-2015. Khi viết bài tổng thuật này, tôi đã cố gắng thử ứng dụng tư tưởng của tự sự học nữ quyền luận vào một thực tiễn văn học Việt Nam nhưng tự thấy không thành công, không đem đến sự diễn giải mới nào. Nay, post bài đầy đủ hơn lên blog, hy vọng có thể nhận được những trao đổi, góp ý hữu ích để tôi có thể hoàn thiện hơn suy nghĩ, từ đó,có thể có những thể nghiệm ứng dụng đạt hiệu quả

*

red-poppy.jpg!Blog

Tự sự học nữ quyền luận – một nhánh của tự sự học hậu kinh điển

Tự sự học nữ quyền luận là một nhánh của tự sự học hậu kinh điển. Được xem như một khúc ngoặt của tự sự học, ở giai đoạn hậu kinh điển, các nhà nghiên cứu muốn khắc phục nhược điểm của tự sự học kinh điển vốn được xây dựng trên nền tảng cấu trúc luận. Theo đó, tự sự học kinh điển bởi tham vọng xác lập những cấu trúc, mô hình tự sự phổ quát nên không quan tâm đến những bình diện thuộc về ngữ cảnh văn hóa, lịch sử, ý thức hệ, các vấn đề về diễn dịch và đạo đức tự sự. Tự sự học hậu kinh điển nói chung, tự sự học nữ quyền luận nói riêng, bắt đầu từ chính những gì mà tự sự học kinh điển không đưa vào phạm vi nghiên cứu của mình, nhờ đó, kết nối tự sự học với những vận động của lý thuyết đương đại giờ đang nghiêng về văn hóa và mang tính liên ngành. Mục đích của nó là nghiên cứu mối liên hệ của các nhân tố như “giới tính” (sex), “phái tính” (gender) và “dục tính” (sexuality)[1] đối với bản chất, hình thức, chức năng của tự sự; ý nghĩa, tác động của các nhân tố này đối với việc hình thành, tiếp nhận và diễn dịch các văn bản tự sự. Nhánh nghiên cứu này, theo Susan S. Lanser, còn quan tâm đến “việc các khái niệm, phạm trù và phương pháp khác nhau của tự sự học có thể thúc đẩy hoặc cản trở việc khám phá giới tính và tính dục như là những phương diện biểu nghĩa của tự sự”[2].

Tự sự học nữ quyền luận, như tên gọi của mình, là nỗ lực gắn bó hai lĩnh vực tưởng như không có gì để chia sẻ: tự sự học và phê bình nữ quyền. Sự kết hợp này không phải không vấp những phản đối. Song những người thực hành nó thì tin rằng, một mặt, tự sự học có thể cung cấp cho phê bình nữ quyền phương pháp phân tích hiệu lực các văn bản tự sự. Trên thực tế, các văn bản tự sự (văn chương hay phi văn chương) là một nguồn quan trọng kiến tạo nên tri thức về giới, về tính dục và chất vấn những tri thức này là nhiệm vụ của phê bình nữ quyền. Mặt khác, phê bình nữ quyền cũng có thể tác động trở lại tự sự học, điều chỉnh, nhận thức lại các phạm trù, khái niệm trước đó bị “đóng” lại bởi tính trung lập, tính phổ quát của chúng; khiến tự sự học tăng cường tính can dự, tính nhân văn – điều mà ở giai đoạn kinh điển, với tham vọng trở thành một khoa học “thực thụ”, tự sự học đã loại trừ ra khỏi nó và điều này khiến người ta nghi ngại khả năng cộng hưởng, tương tác của nó với các khuynh hướng lý thuyết đương đại. Trước hết, dưới ánh sáng của phê bình nữ quyền, các học giả đã phơi bày “sự thống trị của nam giới” như là ý thức hệ của tự sự học kinh điển. Điều này không chỉ bắt nguồn từ thực tế những tác giả trụ cột của tự sự học kinh điển hầu hết là nam giới, văn bản mà họ dùng làm chất liệu nghiên cứu chủ yếu là của các nhà văn nam, mà còn ở chỗ “giới” chưa bao giờ được xem như một mã tự sự. Sâu xa hơn, những lập luận của tự sự học kinh điển cũng men theo một định kiến về giới. Lanser có một phát hiện đáng chú ý về sơ đồ 31 chức năng mà Vladimir Propp xác lập, theo đó, chuỗi hành động này tiền giả định người thực hiện chúng phải là một nhân vật nam và chức năng cuối cùng là “nhân vật kết hôn và được lên ngôi vua”[3]. Như vậy, cốt truyện cổ tích là cốt truyện đặt nam giới vào trung tâm. Do đó, Lanser cảnh báo, “việc ứng dụng rộng rãi các chức năng mà Propp khái quát vào những truyện kể, những văn bản khác sẽ củng cố sự chú ý tới cái mà thực ra là một cốt truyện được mã hóa về giới tính”. Tự sự học nữ quyền luận, nhìn ở phương diện này, là một nỗ lực giải cấu trúc tự sự học kinh điển như một đại tự sự.

Thuật ngữ tự sự học nữ quyền luận được đề xuất bởi Susan S. Lanser trong bài báo đăng trên tạp chí Style (Phong cách) năm 1986. Nhưng trên thực tế, từ cuối thập niên 1970, khi bản chất giao tiếp của tự sự ngày càng được chú ý nhiều hơn, khi nhận thức về thi pháp tự sự không thể tách rời với nội dung, ngữ cảnh tự sự, đã xuất hiện những nghiên cứu chú ý đến khả năng can thiệp của nhân tố “giới” vào các chiến lược diễn ngôn, sự hình thành, phát triển của các thể loại và việc diễn giải các văn bản tự sự. Có thể kể đến những nghiên cứu của Nancy K. Miller, Rachel Blau DuPlesis, Mária Minich Brewster… Ta có thể giới thiệu ở đây cách đặt vấn đề của Nancy K. Miller về nhân vật nữ trong văn bản tự sự và vai trò của căn tính tác giả trong chiến lược tự sự. Trong hai bài báo “I’s in Drag: The Sex of Recollection” (Cái tôi cải trang: Giới tính của sự hồi tưởng) và “The Text’s Heroine: A Feminist Critic and Her Fictions” (Nhân vật nữ của văn bản: Nhà phê bình nữ quyền và những hư cấu của mình)[4], trên thực tế, Miller đã không sử dụng trực tiếp bất kỳ một khái niệm, phạm trù phổ biến nào của tự sự học, nhưng bà ý thức rất rõ tự sự là một hình thái giao tiếp. Do đó, sự lưu ý về nhân tố “giới” là cần thiết để hiểu được tính chất phức tạp, tinh vi của hình thái giao tiếp này và điều đó quan trọng đối với phê bình nữ quyền. Miller nghiên cứu năm lá thư khuyết danh được công bố rộng rãi ở Paris năm 1669 dưới tên gọi Portugese Letters, (Những lá thư Bồ Đào Nha). Suốt nhiều thế kỷ, người ta cho rằng đây là những lá thư được viết bởi một nữ tu người Bồ Đào Nha có thật, thậm chí có cả những bằng chứng cho thấy chúng được viết bằng giọng của một phụ nữ song Miller thì tin rằng đây là một những lá thư do một người đàn ông Pháp, cũng thuộc giới văn chương chữ nghĩa đương thời, tên là Guilleragues chấp bút. Đi sâu vào nghệ thuật tu từ của những bức thư này, bà cho rằng thủ pháp quan trọng nhất mà tác giả sử dụng là mỹ hóa sự lụy tình, thống khổ vì đàn ông của nhân vật nữ – một thủ pháp “khổ dâm”. Một thủ pháp như thế hoàn toàn không phải “hình thức chủ nghĩa”; nó mang bản chất ý thức hệ: việc vận dụng thủ pháp này, nhất là khi nó còn được công chúng ưa thích, góp phần củng cố hình ảnh người phụ nữ như một thân phận phụ thuộc vào đàn ông.Việc tác giả nam cải trang thành nữ, theo Miller,cũng là hình thức che đậy “nỗi lo lắng về mục đích và sự tiếp nhận”. Bà diễn giải: “Cảm giác bị mất quyền lực khi viết một thể loại mới nhắm đến một đối tượng tiếp nhận mình chưa biết đã dẫn người viết đến chỗ lấy thân thể của một người phụ nữ bị ruồng bỏ – một biểu trưng tốt nhất sau xác chết của một phụ nữ – để giấu đi nỗi lo lắng ấy. Người phụ nữ si tình ở đây chính là kẻ khổ dâm mà Simone de Beauvoir đã phân tích trong The Second Sex (Giới thứ hai) với nỗi đam mê đã biến thành khoái cảm tự cắt xé chính bản thân khi hắn nhận ra ‘chẳng có người/gã đàn ông nào (man) thực sự là Chúa trời”[5]. Từ đây, Miller không đồng ý với Michel Foucault khi ông hình dung một viễn cảnh xã hội “không cần có tác giả”, nơi “vấn đề ai nói không còn quan trọng”. Ít nhất trong phạm vi phê bình nữ quyền, vấn đề “ai nói” phải được quan tâm khi mà người phụ nữ vẫn còn bị mất giọng, mất tên, mất chữ ký. Bà đưa ra một nhận định đáng suy ngẫm: “Chỉ những ai có nó (có giọng, có tên, có chữ ký…- T.N.H) mới có thể chơi với việc không có nó”[6]. Tự sự học rõ ràng không nên thờ ơ trước các mã căn tính, trong đó có giới tính, nếu nó muốn đi sâu hơn nữa vào các quy ước thể loại, các loại hình truyện kể, các chức năng hành động trong văn bản tự sự. Nếu tự sự học còn mang tham vọng góp phần viết lại lịch sử văn học thì lại càng cần phải đưa giới vào trong phạm vi nghiên cứu của mình. Bởi lịch sử văn chương nói chung, văn chương của phụ nữ nói riêng, tồn tại nhiều hiện tượng, nhiều thể loại mà ở đó, vấn đề giới có thể xem như là vấn đề phức tạp nhưng đặc biệt quan yếu. Tiểu thuyết – thể loại “cái” của văn chương hiện đại – thoạt kỳ thủy bị xem là thể loại thứ yếu, gắn với những câu chuyện vặt vãnh, không được xem là nghiêm túc, trên thực tế, có sự gắn bó khá sâu sắc với địa vị của người phụ nữ. Tác giả của tiểu thuyết được xem là đầu tiên của thế giới, Genji, là một phụ nữ Nhật Bản – Murasaki Shikibu. Thế kỷ XIX có thể được coi là thế kỷ của tiểu thuyết nhưng những điển phạm của thời kỳ này không chỉ là các nhà văn nam mà còn là các tác giả nữ, những người nhiều khi giữ vai trò chủ lực trong một số thể tài như tiểu thuyết trong nhà (domestic fiction), tiểu thuyết về quá trình trưởng thành của các thiếu nữ, tiểu thuyết tình cảm…

Đến bài báo của Lanser năm 1986, ta sẽ thấy các khái niệm, phạm trù tự sự học kết hợp với tư tưởng nữ quyền được vận dụng để giải cấu trúc văn bản tự sự như thế nào. Chúng tôi sẽ phân tích các thao tác của Lanser trong bài báo này ở phần sau của bài viết như một trực quan cho lý thuyết. Cũng trong năm này, trên tạp chí PMLA – tạp chí học thuật của Hội nghiên cứu ngữ văn hiện đại Hoa Kỳ (Modern Language Association), Robyn R.Warhol công bố bài báo “Toward a Theory of the Engaging Narrator: Earnest Interventions in Gaskell, Stowe and Eliot” (Hướng đến một lý thuyết về người kể chuyện can dự: Những sự can thiệp báo trước trong tiểu thuyết của Elizabeth Gaskell, Harriette Beecher Stowe và George Eliot). Cùng với bài của Lanser, bài của Warhol cũng thường được nhắc đến như là hai bài viết đánh dấu mốc cho một nhánh mới của tự sự học ở giai đoạn hậu kinh điển. Tự bảo vệ mình trước nhiều sự phê bình, hồ nghi về khả năng kết hợp hai lĩnh vực tưởng như không có điểm gì chung, tự sự học nữ quyền luận đã cuốn hút được nhiều nhà nghiên cứu cùng tham gia thực hành. Năm 1996, một tuyển tập các bài nghiên cứu thuộc nhánh này do Kathy Mezei chủ biên được xuất bản có tên: Ambiguous Discourse: Feminist Narratology and British Women Writers (Diễn ngôn mơ hồ: Tự sự học nữ quyền luận và các nhà văn nữ của Anh quốc). Định nghĩa về tự sự học nữ quyền luận mà tuyển tập này chấp nhận được Robyn Warhol đưa ra, theo đó, đây là lĩnh vực “nghiên cứu các cấu trúc và chiến lược tự sự trong ngữ cảnh của những kiến tạo văn hóa về phái tính”[7]. Nó được cụ thể hóa thành lối đọc sâu nhằm “định vị và giải cấu trúc những điểm mơ hồ, bất định và vi phạm về phương diện tự sự cũng như về phương diện giới tính và tính dục của tác giả, người kể chuyện, nhân vật và người đọc”[8]. Ở những bài in trong cuốn sách này, ta thấy các nhà nghiên cứu không chỉ tập trung phân tích bình diện truyện kể (story) mà còn đi sâu vào bình diện diễn ngôn (discourse) của tự sự. Ngoài việc kết hợp tự sự học với tư tưởng phê bình nữ quyền như lẽ đương nhiên, ta còn thấy sự vận dụng các lý thuyết khác để hỗ trợ như lý thuyết đối thoại của Bakhtin hay lý thuyết về hình thức không gian (spatial form)… Lối đọc sâu của tự sự học nữ quyền luận, qua thực tiễn nghiên cứu này, thực sự là một lối đọc mang tính chính trị.

Năm 2006, Ruth E. Page xuất bản chuyên luận Literary and Linguistic Approaches to Feminist Narratology (Những cách tiếp cận văn chương và ngôn ngữ học đối với tự sự học nữ quyền luận). Đến thời điểm này, tự sự học nữ quyền luận đã chứng tỏ sự chính danh của mình: nó vừa “đem đến một sự phê phán cần thiết đối với tự sự học (hiểu theo cả nghĩa rộng và hẹp của từ này)” đồng thời “vừa minh họa sức mạnh của lý thuyết tự sự khi nó được phát triển, trong một số trường hợp là được củng cố, qua việc phân tích một loạt các văn bản thu hút sự quan tâm của các nhà phê bình nữ quyền”[9]. Nhưng cũng vào thời điểm này, nữ quyền cũng đã bước vận động khác so với giữa thập niên 1980: nó trở nên đa nguyên, nó không dễ dàng chấp nhận một ý niệm phổ quát về phụ nữ, về phái tính. Theo Page: “Nữ quyền của tự sự học nữ quyền luận thập niên 1980 thực chất là sản phẩm thời đại, nó thấm đẫm tinh thần của làn sóng thứ hai, muốn phá vỡ sự bất bình đẳng đối với phụ nữ, nhưng đóng khung lại trong một ngữ cảnh văn chương mang tính đặc thù. Đến cuối những năm 1990, những khái niệm về phái tính đã được điều chỉnh triệt để dưới ảnh hưởng của lý thuyết hậu cấu trúc, đặc biệt là từ tư tưởng của Judith Butler (1990, 1993). Trọng tâm giờ đây không còn là mô hình nhị nguyên về sự khác biệt mà là những cách theo đó phái tính có thể được biểu hành theo nhiều phương thức khác nhau và trong những ngữ cảnh khác nhau. Sự thay đổi trong lập trường lý thuyết cũng được phản ánh trong những bước phát triển nội tại của tự sự học nữ quyền luận mà theo một lộ trình tương tự, nó cũng đã dung nhận cả thuyết đồng tính (“queer theory”) để có thể hình thành một nhận thức linh hoạt hơn về những khả năng liên can của phái tính trong các cấu trúc tự sự và trong sự hồi đáp”[10]. Khắc phục cái bẫy của logic nhị nguyên chính là phương châm của các thực hành tự sự nữ quyền luận ở giai đoạn này. Các nhà nghiên cứu mở rộng phạm vi khảo sát, không chỉ giới hạn trong các điển phạm văn chương Anh-Mỹ thế kỷ XIX và XX mà còn bao quát cả các hiện tượng văn chương ngoài truyền thống này, các thể loại tự sự gắn với văn hóa pop, gắn kết việc phân tích văn bản bằng lối đọc sâu với việc nghiên cứu phản ứng của người đọc. Nói như Susan E. Lanser, hướng đến “lối tiếp cận giao cắt (intersectional approach)” là động thái của tự sự học nữ quyền luận giờ đây: “…thay vì bóc tách những hàm ý hợp lý về phái tính, nó chủ trương nghiên cứu các tự sự trong tính đặc thù của nhiều vec-tơ xã hội khác nhau… Thuyết giao cắt quan niệm rằng, không có một kinh nghiệm về nam giới hay nữ giới nào tồn tại một cách chặt chẽ, mạch lạc bên trong một nền văn hóa đơn nhất, chứ chưa nói đến không gian xuyên văn hóa, vì văn hóa bao giờ cũng được cấu thành bên trong những phương diện của căn tính, nơi chốn, đại diện (agency) của cá nhân và vùng diễn ngôn; đến lượt mình, văn hóa cũng cấu thành nên những phương diện ấy. Cách tiếp cận giao cắt, bởi thế, từ chối một thứ tự sự học mặc định phái tính hay tính dục là những yếu tố đoán được, đã được thấy từ trước. Thay vì chấp nhận cách tiếp cận suy diễn bắt đầu bằng tiền đề về sự khác biệt, như thường thấy trong các thực hành ở thập niên 1980, một tự sự học đi theo hướng giao cắt lại đi từ dưới lên, nghĩa là, đi đến lý thuyết từ việc nghiên cứu cẩn thận nhiều trường hợp văn bản khác nhau.”[11] Chính bởi động thái “đi từ dưới lên” này, tự sự học nữ quyền luận cũng trở nên đa nguyên hóa, không còn chỉ là một mô hình duy nhất.

Sự dung nhận thuyết đồng tính (queer theory) vào tự sự học nữ quyền luận cũng chính là động hướng cho thấy các nhà nghiên cứu muốn thoát khỏi tư duy nhị nguyên và ý niệm phổ quát về giới. Trong nghiên cứu tự sự, thuật ngữ “queer”, theo Lanser, được sử dụng ít nhất theo ba cách, để biểu thị: 1- những căn tính về không theo định chuẩn dị tính (non-heteronormative); 2- sự tháo dỡ các phạm trù về tính dục và phái tính; 3 – bất cứ thực hành nào vi phạm hoặc giải cấu trúc các phạm trù và các cặp nhị nguyên. Thực hành “queer” hóa trong nghiên cứu tự sự tức là chất vấn bản chất định chuẩn dị tính chìm dưới các văn bản tự sự, vận dụng các phạm trù, các công cụ của tự sự học để thăm dò tính chất “queer” của nhân vật, của thể loại, của truyện kể và diễn ngôn tự sự… đồng thời làm phát lộ tiềm năng “queer” của chính những phạm trù, những công cụ tự sự học như điểm nhìn, tiêu cự, giọng điệu, người kể chuyện[12]…Một tuyển tập mới nhất các thực hành tự sự nữ quyền luận và đồng tính luận do Susan Lanser và Robyn Warhol chủ biên ra mắt vào tháng Năm năm nay mà bài viết của Lanser trong tuyển tập này mang một nhan đề thật khiêu khích: “Toward (a Queerer and) More (Feminist) Narratology” (Hướng đến một tự sự học đậm chất queer và nữ quyền luận hơn nữa)[13]. Như vậy, gần ba mươi năm sau khi thuật ngữ tự sự học nữ quyền luận được đề xuất, từ chỗ là một nhánh nghiên cứu bị phản bác là xa rời tự sự học hay lai ghép khiên cưỡng hai lĩnh vực không liên quan, những nhà học giả thực hành nó đã phát triển một nhánh nghiên cứu năng động, có những đột phá đáng kể, không chỉ góp phần điều chỉnh, mở rộng, làm phong phú lý thuyết tự sự mà còn cho cả lý thuyết nữ quyền và đồng tính. Ở phần sau của bài viết, chúng tôi sẽ đi vào trình bày lại một số thực hành để có thể quan sát rõ hơn cách đặt vấn đề và các thao tác trong nghiên cứu.

Một số thực hành tự sự học nữ quyền luận trên các trường hợp nghiên cứu cụ thể

Ở phần này, chúng tôi tập trung mô tả một số thực hành của Susan S. Lanser, người đã đề xuất tên gọi, đồng thời là nhà nghiên cứu hàng đầu của tự sự học nữ quyền luận. Bà là giáo sư chuyên ngành Văn học Anh, Văn học so sánh và Nghiên cứu phụ nữ & phái tính của Đại học Brandeis, Hoa Kỳ. Đương nhiên, việc chỉ giới thiệu những nghiên cứu của Lanser chưa thể nào cho thấy hết sự đa dạng, phức tạp cũng như triển vọng của các tiếp cận này, nhất là khi theo nhiều học giả, bản thân tự sự học nữ quyền luận giờ đây đã trở thành “những tự sự học nữ quyền luận” (feminist narratologies). Tuy nhiên, điều đáng nói, ở những thực hành của Lanser, ta thấy bà luôn ý thức điều chỉnh và phê bình không chỉ những giới hạn của tự sự học kinh điển mà còn ngay cả cách tiếp cận của các nhà phê bình nữ quyền khác, trong đó bao hàm cả những thực hành của chính bà. Bà đồng thời cũng là người mở đường cho tự sự học đồng tính luận.

Bài báo “Toward a Feminist Narratology” (1986)[14], tuy Page và chính Lanser thừa nhận là còn dựa trên logic nhị nguyên, ở thời điểm này, vẫn đáng đọc lại để rút ra các thao tác phê bình. Lanser không thỏa mãn với tự sự học kinh điển khi nó không quan tâm đến ý nghĩa của tự sự mà “ý nghĩa của tự sự cũng là một chức năng của tình huống tự sự”[15]. Nghiên cứu văn bản tự sự trong hoạt động giao tiếp, đặt nó vào ngữ cảnh mà văn bản được tạo lập, hướng đến người nghe chuyện trong những điều kiện văn hóa, lịch sử, xã hội cụ thể – luận điểm nền tảng này cho phép nhà tự sự học đưa giới vào trong phạm vi quan tâm của mình. Văn bản mà Lanser chọn để khảo sát là một bức thư của một cô gái mới cưới gửi cho người bạn gái thân của mình trong hoàn cảnh bị chồng mình kiểm duyệt mọi trao đổi thư từ. Bức thư được công bố lần đầu trên tờ báo Atkinson’s Casket vào tháng Tư năm 1832. (Bản dịch bức thư này sẽ được giới thiệu trong phần phụ lục của bài viết). Trong hoàn cảnh ấy, bức thư là một văn bản kép: một văn bản để tránh sự dò xét của người chồng và một văn bản nhằm thông báo cho người bạn thân của mình tình trạng hôn nhân rất đáng thất vọng của người phụ nữ viết bức thư. Chiến thuật lách qua sự kiểm duyệt của người chồng khiến mỗi văn bản được viết bằng một giọng: văn bản thứ nhất, hay gọi là văn bản bề mặt, được viết bằng một thứ ngôn ngữ đặc trưng của phụ nữ, ngôn ngữ của kẻ không quyền lực – “nhỏ nhẹ, xúc cảm, buôn chuyện, lắm lời, vu vơ, tối nghĩa, lặt nhặt” – đối lập với ngôn ngữ ở văn bản thứ hai, có thể xem là văn bản chìm, mô phỏng phong cách lời nói của đàn ông -“quyền uy, trực tiếp, hài hước, lạnh lùng, mạnh mẽ (trong giọng điệu và lựa chọn từ ngữ), thẳng thắn”[16]. Như vậy, ở đây, Lanser đã dựa trên một tiền đề về sự khác biệt có tính chất đối lập nhị nguyên giữa giọng của đàn ông và đàn bà – điều sau này bà sẽ khắc phục trong những nghiên cứu của minh – để tiếp tục đẩy vấn đề đi xa hơn.

Văn bản kép này, theo Lanser, một lần nữa làm ta phải nhớ lại luận điểm Bakhtin, rằng “trong tự sự, không có một giọng đơn nhất; ở những tình huống tinh vi hơn thế này rất nhiều, giọng va chạm giọng, làm nảy sinh một cấu trúc mà ở đó, những diễn ngôn về và cho kẻ khác cấu thành nên những diễn ngôn về bản ngã, đến mức “chúng ta được cấu thành trong sự đa thanh”, nói như Wayne Booth”[17]. Tình trạng phải tạo ra văn bản kép, cùng với đó là hiện tượng mượn giọng, cải trang giọng là một hiện tượng không cá biệt: “Thân phận phụ nữ trong một xã hội nam quyền tất yếu cần đến giọng kép, hoặc là để náu mình vào đó một cách ý thức, hoặc là để xua đuổi bản ngã của mình trong nỗi bi kịch”[18]. Nhưng bức thư của cô gái khốn khổ bởi cuộc sống hôn nhân sau khi cưới này không chỉ là một văn bản kép, nó còn hàm chứa một văn bản thứ ba mà lối đọc sâu của Lanser đã chỉ ra khá thuyết phục. Bức thư mở đầu bằng một câu phủ định: “I cannot be sastisfied” (Tôi không thể nào hài lòng được) như là câu chìa khóa mà tác giả bức thư chỉ dấu để người bạn thân của mình lần theo mạch phủ định mà dấu hiệu của nó lộ thiên suốt văn bản để hiểu được nỗi bất hạnh trong hôn nhân mà cô muốn than vãn trong khi vẫn có thể khiến cho chồng mình không nhận ra. Lanser nhận ra các mệnh đề phủ định trong bức thư đều nhắm vào quy tắc xã hội mà khi chấp nhận nó, có nghĩa là cô phải chấp nhận cuộc hôn nhân đầy đọa với người chồng như quỷ dữ coi vợ như một thứ đồ chơi và không đếm xỉa gì đến những mong muốn của vợ… Như vậy bức thư không chỉ mang nội dung của những tâm sự tầm phào, không đáng để người chồng bận tâm (văn bản thứ nhất-văn bản bề mặt), cũng như không phải chỉ là những tâm sự đáng thương mà cô gái muốn người bạn thân của mình đọc ra (văn bản thứ hai-văn bản chìm) mà còn mang nội dung phản kháng xã hội. Có cơ sở để xác nhận nội dung của văn bản thứ ba này khi bức thư được đăng công khai trên tờ Atkinson’s Casket, qua đó, nó nhắm đến ba đối tượng nghe chuyện: người chồng – người kiểm duyệt nội dung bức thứ; người bạn – người được kỳ vọng sẽ đọc ra tâm sự của cô gái và chia sẻ cảm thông; công chúng văn chương, độc giả của tờ Atkinson’s Casket, người không xem bức thư là một tự sự riêng tư mà có thể diễn dịch từ đó những thông điệp xã hội. Đến đây, tuy Lanser vẫn dựa trên tiền đề về sự đối lập nhị nguyên giữa ngôn ngữ đàn ông và phụ nữ, nhưng bà đã đi xa hơn trong việc nhìn ra những khả năng của thứ ngôn ngữ không quyền lực thuộc về phụ nữ: nó không chỉ là thứ ngôn ngữ cho phép ngụy trang, che đậy những cấp độ ý nghĩa sâu xa, mờ tối hơn hay là phương tiện qua đó kiến tạo nên một thứ giọng hợp pháp hơn, quyền uy hơn, nam tính hơn mà còn là một thứ giọng thể hiện sự phán xét bao quát hơn đối với những quy tắc, áp chế của xã hội gia trưởng.

Đặt bức thư trên trong mối quan hệ với những người nhận khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau, Lanser thấy cần thiết phải đưa ra một cách phân chia cấp độ trần thuật khác, thay cho mô hình của Gerard Genette – một điển phạm của tự sự học kinh điển. Mô hình trần thuật bên trong (intradiegetic), trần thuật bên ngoài (extradiegetic), siêu trần thuật (metadiegetic) của Genette chỉ quan tâm đến mối liên hệ giữa các bộ phận trong một văn bản chứ không quan tâm đến tình huống tự sự, nhất là những văn bản có hoàn cảnh giao tiếp tinh tế và phức tạp như văn chương của phụ nữ. Lanser chia trần thuần thành hai cấp độ với sự khác biệt được diễn giải như sau: 1- trần thuật công khai (public narration): hướng đến đối tượng người nghe chuyện ở bên ngoài thế giới văn bản (textual world), có thể xem như là công chúng của tác phẩm; gợi ra mối liên hệ trực tiếp giữa người đọc và người nghe chuyện, rất gần với mối liên hệ giữa tác giả với độc giả; 2- trần thuật riêng tư (private narration): hướng đến người nghe chuyện được xác định rõ là chỉ tồn tại trong thế giới văn bản; độc giả chỉ được nghe câu chuyện gián tiếp thông qua một hình tượng hư cấu trong văn bản[19]. Khi vận dụng các cấp độ trần thuật này để phân tích tình huống tự sự của bức thư, Lanser lưu ý thêm: đối với văn chương của nữ giới, việc nhận ra ngữ cảnh công khai hay riêng tư của văn bản được viết ra là vấn đề đặc biệt quan trọng và phức tạp, bởi xã hội nam quyền không hạn chế sự viết lách của phụ nữ nói chung, mà chỉ ngăn cản các hình thức viết lách công khai. Thư từ, nhật ký của phụ nữ, do đó, là những thể loại giới hạn trong phạm vi giao tiếp riêng tư vì chúng không đe dọa trật tự của xã hội gia trưởng vốn trao cho đàn ông độc quyền được diễn ngôn công khai. Với trường hợp bức thư này, cấp độ trần thuật công khai chỉ được thể hiện khi nó được đăng trên báo, mọi độc giả của tờ báo đều có thể “đọc”/”nghe” trực tiếp trao đổi này. Còn lại, bức thư thuần túy mang tính riêng tư. Song ta nhớ rằng, người chồng của cô gái kiểm duyệt mọi viết lách của cô, vì vậy, ngay trong ngữ cảnh tưởng là riêng tư này, thì văn bản bề mặt lại được tổ chức theo lối trần thuật công khai, nhắm đến người đọc cụ thể là người chồng, trong khi đó, văn bản chìm mới là văn bản nhắm đến người đọc thực sự của bức thư. Thực tiễn này khiến Lanser nghĩ đến một hành động trần thuật bán riêng tư (semi-private narrative): một trần thuật mang tính riêng tư nhưng còn được “thiết kế” để cho một người khác đọc, ngoài người nghe chính thức mà nó muốn nhắm đến[20]. Thực tế diễn ngôn công khai của phụ nữ trong xã hội nam quyền thường có nguy cơ phải uốn theo, phải hòa giọng với giọng đàn ông, hay nói như Lanser, bị “ô nhiễm bởi sự kiểm duyệt từ bên trong lẫn bên ngoài”[21]. Đó có thể là lý do vì sao trong lịch sử văn học phương Tây, các hình thức trần thuật riêng tư như nhật ký, thư từ… được các nhà văn nữ ưa sử dụng hơn các hình thức trần thuật nhắm đến dư luận công khai.

Song sự phức tạp còn gia tăng khi bức thư riêng tư này được đăng trên báo và người đọc nó nằm ngoài hình dung ban đầu của tác giả vốn chỉ là người chồng và người bạn gái. Người đọc bức thư giờ đây là một công chúng không còn sự phân giới nam-nữ nữa. Vai trò của ngữ cảnh lại có khả năng tạo ra sự trượt nghĩa của văn bản tự sự. Lanser nhấn mạnh: “Nếu như lý thuyết về hành động lời nói cho rằng đơn vị tối thiểu của diễn ngôn không phải là câu mà là sự tạo lập câu thì đối với tự sự học, ta cũng thể đưa ra diễn dịch tương tự. Tôi đề nghị phải xem đơn vị tối thiểu của tự sự chính là sự tạo lập tự sự”[22]. Việc bức thư biến thành một tự sự công khai bao gồm các công đoạn: đưa một bức thư riêng lên một tờ báo bình dân, đặt nó vào một góc báo “chèn vào giữa một bài thảo luận về các thiên thần và một bài hướng dẫn tập thể dục để cơ thể mềm dẻo”, đặt cho nó một nhan đề “Female Ingenuity” (Sự khôn khéo của phụ nữ), chua thêm lời dẫn của biên tập viên tờ báo: “Trao đổi bí mật – Một cô gái trẻ, vừa mới kết hôn, bị buộc phải đưa cho chồng mình, tất cả những thư từ mà cô đã viết và gửi cho một người bạn thân”. Tất cả những động tác tạo lập tự sự này khiến bức thư hoặc có thể xem như một tư liệu lịch sử, hoặc như một văn bản trưng bày (display text). Như một tư liệu lịch sử, người đọc có thể qua bức thư mà thấy được bi kịch hôn nhân của người viết thư và xa hơn, thấy sự viết lách của phụ nữ phải đương đầu với kiểm duyệt như thế nào trong xã hội gia trưởng. Nhìn như một văn bản trưng bày, văn bản có thể được xem là sự bắt chước hay biếm phỏng văn phong của phụ nữ, vốn được xem là “phi nghệ thuật, tức thời, thiếu sự nghĩ trước tính sau”[23]. Song một khi một văn bản mang văn phong “phi nghệ thuật” như vậy lại được đặt nhan đề là “Sự khôn ngoan của phụ nữ” thì có thể xuất hiện một khả năng diễn giải ở đây: bức thư là sự chế nhạo những mặc định về sự vụng về, kém cỏi trong phong cách thư từ của phụ nữ, qua đó cho thấy sự bình đẳng với nam giới về năng lực trí tuệ ở phụ nữ. Còn nếu giả sử dây chỉ là một bức thư giả, do chính biên tập viên của tờ báo “sáng tác” thì phong cách, giọng, thể loại văn chương của phụ nữ “cung cấp một phương tiện thuận lợi, an toàn để phê bình sự thống trị của nam giới vì trong trường hợp này, biên tập viên ấy không phải chịu trách nhiệm cho một lá thư riêng được tìm thấy”[24]. Ở đây, một lần nữa, ta thấy Lanser như có sự cộng hưởng với Nancy K. Miller khi bà nhấn mạnh đến ý nghĩa quan trọng của chủ thể phát ngôn.

Văn chương của phụ nữ đồng thời có thể thách thức khái niệm về cốt truyện mà tự sự học kinh điển đã xác lập. Bức thư nói trên, và nhìn rộng hơn là loại văn chương thư từ vốn được xem như thể loại của phụ nữ, gần như lệch ra ngoài những mô tả của truyền thống cấu trúc luận về cốt truyện: “nó không tiến triển, hay hướng đến các sự kiện xảy ra tiếp sau hay vận động đến đỉnh điểm như các cốt truyện trong truyền thống văn chương nam giới”[25]. Chiếu theo mô tả trên, người ta gọi nó là dạng tự sự phi cốt truyện, “truyện không có chuyện” (plotless). Nhưng theo Lanser thì ở bức thư này có một cấp độ của cốt truyện: “Trên thực tế có một chuỗi những dự kiến và sự thực hiện mà văn bản này cấu thành hoàn chỉnh, và nó xảy ra trong hành động viết. Trong trường hợp cả văn bản bề mặt và văn bản chìm, dù cuộc đời của người kể chuyện là hạnh phúc hay bất hạnh, điều làm cô ta “không thể hài lòng” nếu không thể thực hiện – chính là sự kể lại hay bản thân câu chuyện. Hành động viết trở thành thực hiện ham muốn, việc kể lại trở thành hành động duy nhất được xác nhận, cứ như thể kể lại, tự nó, đã là giải quyết, là thoát khỏi bế tắc”[26]. Thực vậy, trong một xã hội nơi người phụ nữ chủ yếu bị đặt vào trong tình thế bị động và bị hạn chế khả năng hành động, thì việc kể lại như một hành động tự sự có thể mở ra những khả năng khác, trong đó có khả năng làm người nghe (đặc biệt người nghe là nữ giới) nhận ra tình thế tương tự của mình và muốn hành động để thay đổi, để thoát khỏi tình thế ấy.

Như vậy, qua việc lược thuật bài báo có tính chất đặt nền tảng cho tự sự học nữ quyền luận này, có thể rút ra ba điểm có ý nghĩa về phương pháp luận: 1- nghiên cứu tự sự học cần thiết phải quan tâm đến yếu tố ngữ cảnh, đặt văn bản tự sự trong mối quan hệ giao tiếp; 2- tự sự học nữ quyền luận về bản chất là một lối đọc sâu theo tinh thần giải cấu trúc, phát hiện ra những ý nghĩa bị bỏ sót; 3 – tự sự học nữ quyền luận quan tâm đến ý nghĩa của tự sự, nhưng nói đúng hơn, nó chỉ ra những khả năng trượt nghĩa của tự sự. Tự sự học nữ quyền luận không loại trừ cách tiếp cận hình thức nhưng mục đích sâu xa hơn của nó không dừng ở việc khái quát các cấu trúc, các mô hình trừu tượng mà cho thấy người phụ nữ đã phải thực hiện các chiến lược giao tiếp như thế nào để nói tiếng nói của mình và tiếng nói ấy có thể tác động đến người nghe theo những kịch bản nào.

“Queering Narratology” (Queer hóa tự sự học) được Lanser công bố năm 1995, vào thời điểm mà thuyết đồng tính đi vào giai đoạn phát triển năng động, khiến các ý niệm về giới tính, phái tính, tính dục cần phải được nhận thức lại: “Trên thực tế, như một số lý thuyết gia hậu hiện đại cho rằng, nếu “giới” là cặp nhị nguyên mà trên đó, tất cả những cặp nhị nguyên khác được cấu thành thì việc tháo dỡ cặp nhị nguyên này thông qua việc nhận ra tính chất “queer” của nó….sẽ đe dọa tất cả các nhị nguyên khác với những sự chắc chắn về cấu trúc khác”[27]. Tính chất “queer” này theo Lanser đã hàm ẩn ngay trong ngữ pháp, nếu nhìn vào phạm trù “giống” tồn tại ở một số ngôn ngữ: luôn luôn có những hiện tượng vượt rào sự phân định nhị nguyên rạch ròi, tạo ra những sự mơ hồ, bất định nhưng đồng thời cũng tự do hơn.

Văn bản mà Lanser sử dụng để thực hiện việc “queer hóa” tự sự học là truyện vừa Written on the Body (Được viết trên cơ thể) của Jeanette Winterson – nhà văn người Anh, công khai là lesbian. Câu chuyện xoay quanh mối quan hệ tình ái giữa người kể chuyện (ở ngôi thứ nhất) mà trong suốt tác phẩm không có dấu hiệu nào xác định về giới tính với một phụ nữ đã có chồng. Và trường hợp này, theo Lanser, xứng đáng được khảo sát để chứng minh “giới tính, phái tính, tính dục là những thành tố của thi pháp tự sự”[28]. Khắc phục tư duy nhị nguyên ở bài báo mười năm trước, nhưng Lanser, về cơ bản, vẫn kiên định về mặt phương pháp luận mà bà đã xác lập.

Theo bà, cần thiết phải xem xét mối liên hệ mật thiết giữa giới tính với “ngôi tự sự”, đặc biệt là “người kể chuyện”. Tự sự học kinh điển trước đó đã phân loại người kể chuyện thành người kể chuyện dị sự (heterodiegetic narrator – người kể chuyện bên ngoài, không tham dự vào cốt truyện, thường biểu hiện ở ngôi thứ ba) và người kể chuyện đồng sự (homodiegetic narrator – người kể chuyện bên trong, hiện diện với tư cách một nhân vật trong thế giới truyện kể, thường biểu hiện ở ngôi thứ nhất). Theo quan sát của Lanser, người kể chuyện dị sự thường không có sự đánh dấu về giới tính trong khi đó đây lại là đặc điểm thường thấy ở người kể chuyện đồng sự. Việc dựa vào những đặc điểm phái tính và tính dục để suy diễn về giới tính của tác giả, của người kể chuyện hay của nhân vật thường là một chiến lược phổ biến trong diễn giải. Nhưng trong trường hợp tác phẩm của Jeanette Winterson, khi người kể chuyện đồng sự bị tỉnh lược mọi dấu hiệu xác định về giới, người đọc dựa vào đâu để hình thành các kịch bản diễn giải của mình? Nếu ta xuất phát từ việc nhà văn công khai mình là lesbian, liệu người kể chuyện cũng là một phụ nữ, và cốt truyện của tác phẩm sẽ là một mối tình đồng tính? Nhưng nếu ta không biết chi tiết tiểu sử đấy hoặc ta bắt đầu bằng một cách đọc dưới ý thực hệ định chuẩn dị tính, thì người kể chuyện hoàn toàn có thể được xác định là nam giới và sẽ không có cái gọi là cốt truyện đồng tính. Nhưng Lanser cho rằng, còn có thể một kịch bản thứ ba, ta chấp nhận người kể chuyện ở đây như là một hình tượng không xác định về giới tính, như thế, câu chuyện sẽ có sự chèn thêm của một “siêu cốt truyện” (metaplot), nó “chơi” với khả năng phán đoán “giới” của người kể chuyện ở người đọc[29]. Theo chúng tôi, nếu hiểu như thế, thì điều này nhấn mạnh đến khả năng trượt nghĩa của “phái tính” – vốn được xem là những kiến tạo văn hóa – dẫn đến chỗ, “giới tính” cũng trở nên bất định, nhập nhòa. Giới tính hay phái tính, thay vì là một tiền đề có sẵn, làm xuất phát điểm cho diễn dịch thì nay lại là cái nảy sinh trong quá trình diễn dịch. “Trò chơi ngôn ngữ” do đó mới là “siêu cốt truyện” của Written on the Body.

Thực hành tự sự học đồng tính luận không phải chỉ có hiệu lực đối với những văn bản cá biệt của như của Jeanette Winterson. Trên thực tế, nếu thừa nhận giới tính, phái tính và dục tính là “những thành tố quan trọng về mặt tự sự học”[30] thì cũng phải thấy tất cả những phạm trù đó đều không tất định, đóng băng, mang tính bản chất luận. Đúng hơn, cần phải giải phóng những phạm trù đó ra khỏi sự kiên cố, khuôn cứng, khiến chúng trở nên mềm mại, rộng rãi hơn, nhờ đó, khiến con người được tự do hơn. Muốn thế, cần đến động thái “queer” hóa – “queer” lúc này mang tính chất của hành vi phản tư, chất vấn những ý niệm, những giá trị tưởng như đã được mặc định yên ổn, trở thành những chuẩn mực và đồng thời, khi đó, là những trói buộc.

Lanser tiếp tục triển khai lối đọc queer để đọc ra một lịch sử khác của tự sự trong bài “Sapphic Dialogics: Historical Narratology and the Sexuality of Form” (Các đối thoại đồng tính nữ: Tự sự học lịch sử và tính dục của hình thức). Tham vọng của bài viết này là “rút ra được điều gì đó về lịch sử tính dục từ việc nghiên cứu hình thức tự sự”, và ngược lại, “bằng việc nghiên cứu những cách thức, theo đó tự sự, nhất là bình diện trần thuật, được tổ chức, vận động theo những ham muốn đồng tính nữ, cũng có thể nhận ra một điều gì đó về bản thân tự sự thông qua những ghi chép về dục cảm đồng tính nữ”[31]. Trên thực tế, với nghiên cứu này, Lanser muốn chỉ ra “dục cảm đồng tính nữ ký tên bên dưới văn chương khiêu dâm khi thể loại mới manh nha, thậm chí, nó còn âm thầm và bất ngờ ký tên bên dưới tiểu thuyết huê tình thế kỷ XVIII”[32]. Qua đó, Lanser muốn chất vấn một quan điểm tưởng như đã được mặc định về “sự trỗi dậy của tiểu thuyết đi liền với sự kiến tạo khác biệt về giới tính, trong đó địa vị của một chủ thể dị tính được củng cố”[33].

Một hướng tiếp cận lịch sử như vậy đòi hỏi Lanser phải bắt đầu từ việc tìm lại những văn bản đầu tiên của văn hóa phương Tây còn lưu giữ lại tiếng nói của phụ nữ, đặc biệt với tư cách là một chủ thể trần thuật đồng sự (homogetic) bởi lẽ “giọng trần thuật đồng sự gắn liền với sự trỗi dậy của tiểu thuyết”[34]. Bị đặt ở địa vị thứ yếu và xem là những kẻ không có tiếng nói, theo Lanser, chỉ có rất ít chỗ người ta có thể nghe thấy giọng của chủ thể trần thuật đồng sự là nữ giới, trong số đó, đáng chú ý nhất là thể loại đối thoại hình thức (formal dialogue) vốn rất phát triển ở thời kỳ đầu của thời hiện đại. Ở thể loại này, tiếng nói của chủ thể nữ chủ yếu tập trung vào hai chủ đề: thứ nhất, có thể xem đây là diễn ngôn nữ quyền nguyên thủy khi những tiếng nói nữ này lên tiếng về địa vị của phụ nữ; thứ hai, đó là đối thoại xung quanh chủ đề tính dục. Chính ở lời của phụ nữ khi nói về tính dục này, Susan Lanser đã nghe ra dấu hiệu của lời tiểu thuyết hiện đại.

Khác với những thực hành tự sự nữ quyền luận ở thời kỳ đầu vốn tập trung vào bình diện sự kiện được trần thuật, đến bài nghiên cứu này, Lanser thiên hẳn về bình diện trần thuật, phân tích diễn ngôn. Bà bắt đầu bằng việc phân tích một đối thoại trong tác phẩm Ragionamenti (1534) của nhà văn người Italia, Pietro Arentino (1492-1556) – tác phẩm được xem là hư cấu khiêu dâm sớm nhất của thời hiện đại. Trong đối thoại được chọn phân tích, bà lưu ý đến lời kể của một nhân vật nữ kể cho một người phụ nữ khác về cảnh tượng một người đàn bà ngoại tình đang khỏa thân trước tình nhân của mình mà bà ta được chứng kiến. Không chỉ kể lại sự việc, nhân vật nữ này còn giấu giếm những cảm xúc khó tả, khoái cảm của mình khi nhìn thấy thân thể của người đồng giới. Lanser nhận thấy một hiện tượng thú vị ở đây: Ragionamenti là một truyện về tình dục dị giới nhưng trong đó lại nảy sinh lời kể về dục cảm đồng giới nữ, câu chuyện về tình dục dị giới lại nương theo mạch trần thuật theo điểm nhìn lesbian của người kể chuyện đồng sự là nữ. Đó chính là tính dị hành ngôn (heteroglossia) mà theo Bakhtin là một đặc trưng quan trọng của lời tiểu thuyết. Tiếp tục phân tích các hư cấu khiêu dâm ở thời kỳ đầu hiện đại của Nicolas Chorier và Jean Barrin, Lanser phát hiện ra nhiều điểm thú vị về trần thuật. Ở đây, lời kể của các nhân vật nữ về khoái cảm tình dục không chỉ mang điểm nhìn lesbian, mà còn có sự hòa lẫn của thời gian được kể lại và thời gian kể câu chuyện, bằng cách mô phỏng động tác bằng lời nói, thốt lên cảm xúc ngạc nhiên…Qua đó, thời gian trở thành thứ “khả xúc và hữu hình”, như đặc trưng của thời gian tiểu thuyết mà Bakhtin đã mô tả[35]. Susan Lanser đưa ra kết luận từ những mô tả tính dục ở những tự sự này: “Thậm chí ngay cả các quan hệ dị giới cũng được lọc qua lớp trần thuật từ điểm nhìn đồng tính nữ, điều này thực sự đã “queer” hóa những cốt truyện mà bề ngoài có vẻ mang tính duy dương vật (phallocentric plot). Điều này dẫn đến chỗ mọi giới tính hóa ra đều mang đặc tính lesbian và dục cảm dị tính – đối với cả nhân vật và người đọc – đều phụ thuộc vào ngôn từ và cái nhìn lesbian. Không phủ nhận rằng nhưng hư cấu khiêu dâm này là những tưởng tượng của đàn ông, nhằm thỏa mãn trước hết khoái cảm của đàn ông, thế nhưng chúng đã tạo nên một sự cách tân hình thức trong việc phổ vào giọng điệu tự sự âm sắc của phái tính và giới tính”[36].

Việc Lanser đi từ văn chương khiêu dâm để lần tìm ngọn nguồn của tiểu thuyết hiện đại, trên thực tế, làm ta liên tưởng đến một nhận định của I. Lotman: “Và nghệ thuật, dù điều này có vẻ lạ lùng như thế nào, cũng mọc lên từ sự dung tục, rẻ tiền, từ mô phỏng, từ phi nghệ thuật, từ những gì làm hỏng thị hiếu nghệ thuật – từ những cái đó bỗng mọc lên nghệ thuật mới. Akhmatova viết: ‘Nếu anh biết rằng câu thơ mọc lên từ loại rác nào, thì anh không khỏi xấu hổ.’ Nghệ thuật ít khi mọc lên từ sự trau chuốt, từ thị hiếu tốt đẹp, từ hình thức có sẵn; nó mọc lên từ rác”[37]. Vốn là một thể loại ngoại biên, tiểu thuyết không chỉ gần với phụ nữ – cũng là những chủ thể ngoại biên của văn hóa – mà quan trọng hơn thế, nó còn mang tính “queer” trong bản chất. Trong trường hợp này, “queer” mang nét nghĩa của sự phóng túng, suồng sã và cả tiềm năng tạo ra sự phá vỡ những chuẩn mực, khuôn mẫu.

Tự sự học nữ quyền luận và khả năng ứng dụng đối với thực tiễn văn học Việt Nam

Như đa phần các lý thuyết văn chương, những học giả thực hành tự sự học nữ quyền luận chủ yếu làm việc trên chất liệu văn học phương Tây mà lịch sử, bối cảnh văn hóa của nó rất khác so với thực tiễn văn học Việt Nam. Chắc chắn, không chỉ có tự sự học nữ quyền luận, mà mọi lý thuyết văn học từ bên ngoài đều tạo ra độ vênh nếu ứng dụng vào văn học Việt Nam theo mô hình “từ trên áp xuống”. Nhưng sự vênh lệch không phải là lý do để cảnh giác, từ đó bài xích việc giới thiệu và học tập các lý thuyết nước ngoài. Thậm chí chính độ vênh lại là điều kiện để người nghiên cứu chất vấn, phản biện, điều chỉnh các mô hình vốn được khái quát từ thực tiễn văn học phương Tây, khiến lý thuyết trở nên uyển chuyển, linh động. Trong chủ trương phát triển hướng nghiên cứu này, các nhà tự sự học nữ quyền luận đặc biệt quan tâm đến việc mở rộng phạm vi khảo sát ra ngoài những điển phạm của văn chương Anh-Mỹ. Nếu như không có một khái niệm phổ quát về phụ nữ, không có duy nhất một thứ nữ quyền, thì tự sự học nữ quyền luận cũng vậy: nó tồn tại như một lý thuyết mở.

Thực tiễn văn học Việt Nam tiềm tàng nhiều chất liệu cho phép ta ứng dụng tự sự học nữ quyền luận. Thí dụ, có cả một dải các tác phẩm mượn giọng nữ trong văn học Việt Nam từ ngâm khúc cho đến nhiều bài thơ tự sự trong Thơ mới. Cần phải xem sự mượn giọng này như một chiến lược giao tiếp qua mặt nạ trong những ngữ cảnh văn hóa, lịch sử cụ thể, chú ý đến khả năng trượt nghĩa của văn bản. Những nghi vấn về quyền tác giả bản dịch Chinh phụ ngâm trở nên phức tạp hơn chính bởi sự mượn giọng tinh vi này. Mặt khác, đây cũng có thể là trường hợp để ta nghiên cứu quá trình phái tính hóa tác giả, chứng minh cho luận điểm của phê bình nữ quyền, rằng phái tính được hình thành, được kiến tạo trong hoạt động diễn giải. Nếu giới tính, phái tính và tính dục cần phải được xem là những thành tố quan trọng của tự sự học, ta có thể phải băn khoăn trước một nhận định phổ biến về giá trị nhân đạo của Truyện Kiều như là sự thể hiện niềm thương cảm trước số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến khi để ý đến vị thế người kể chuyện trong tác phẩm. Mở đầu Truyện Kiều bằng một nhận định phổ quát “Trăm năm trong cõi người ta/Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”, Nguyễn Du đã xây dựng hình tượng người kể chuyện dị sự, đứng ở bên ngoài và cao hơn “cõi người ta”, nhìn sự hy sinh của Kiều (mà ban đầu là cho những người đàn ông – chồng và em trai), nhìn sự khổ đau của Kiều bởi những người đàn ông, để từ đó ca ngợi nhân vật và khái quát, chiêm nghiệm những chân lý nhân sinh. Đó có thể được xem là hình tượng người kể chuyện được xây dựng theo truyền thống thiên vị người đàn ông, đặt người đàn ông ra bên ngoài lịch sử trong khi đó chỉ phụ nữ bị đẩy vào cuộc xoay vần của “cõi người ta”, từ đó biến người phụ nữ trở thành ngụ ngôn, thành ẩn dụ cho cái mà đàn ông thấy[38]. Nhưng cũng rất có thể ngay khi biến Kiều thành ngụ ngôn, tác phẩm của Nguyễn Du đã tiềm tàng tính chất queer: Kiều như là mặt nạ để Nguyễn Du ngụy trang cho những tư tưởng phi chính thống của mình. Chưa hết, những phép tu từ về “mệnh” trong Truyện Kiều như “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”, “Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”, “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”…, ở mức độ nào đó, là những cách biểu đạt rất “queer”.

Một lối tiếp cận giao cắt mà các nhà tự sự học nữ quyền luận hiện giờ đang hướng đến cũng có thể dùng để xét lại, viết lại lịch sử tự sự trong văn học Việt Nam. Thí dụ, một đề tài hoàn toàn có thể được triển khai: từ bao giờ trong văn học Việt Nam xuất hiện người kể chuyện ở ngôi thứ nhất là nữ? Ngữ cảnh nào cho phép một khả năng tự sự như thế được tồn tại? Người kể chuyện xưng tôi là nữ kể lại câu chuyện nào? Rất nhiều đề tài quan trọng như tình dục, sinh nở, hôn nhân, kỹ nữ…nên được tiếp cận từ quan điểm của tự sự học nữ quyền. Xa hơn nữa, trong bối cảnh đặc thù của Việt Nam, khi mà truyền thống “cái nhìn của đàn ông” được duy trì và củng cố bởi hoàn cảnh lịch sử như chiến tranh, quá khứ thuộc địa, quá trình hình thành chủ nghĩa dân tộc…, việc phân tích văn học theo định hướng của tự sự học nữ quyền có thể giúp chúng ta nhìn ra những tiểu tự sự nào đó bị chìm lấp và một lịch sử khác, bị gạt ra ngoại vi của văn chương.

Sau ba thập niên, tự sự học nữ quyền luận đã chứng tỏ triển vọng của mình. Những chủ đề nghiên cứu mới và cả những thách thức mới vẫn đang đặt ra cho nó. Nói như Susan Lanser: “Các tự sự học nữ quyền luận và đồng tính luận đã làm thay đổi cảnh quan văn chương và, nếu nói khiêm tốn hơn, cảnh quan của nữ quyền luận và đồng tính luận, theo những cách mà hẳn khi Wayne Booth xuất bản Rhetoric of Fiction (Tu từ học tiểu thuyết) và Genette công bố Figures III không thể nghĩ đến.”[39] Và chúng tôi cũng tin vào triển vọng của việc vận dụng tư tưởng của tự sự học nữ quyền luận vào thực tiễn văn học Việt Nam.

PHỤ LỤC

Bức thư trên tờ Atkinson’s Casket được công bố vào tháng 4 năm 1832.

Sự khôn khéo của phụ nữ

Trao đổi bí mật. — Một cô gái trẻ, vừa mới kết hôn, bị buộc phải đưa cho chồng mình, tất cả những thư từ mà cô đã viết và gửi cho một người bạn thân.

Tôi không thể nào hài lòng được, bạn thân thiết của tôi ơi! Nếu chưa có gia đình, hẳn là tôi chỉ muốn ở bên cạnh bạn, được ôm bạn vào lòng, như hai chúng ta là một, để nghe những cảm giác sâu thẳm khác nhau như sưng lên cùng những cảm xúc hoan lạc sống động của trái tim gần như muốn vỡ òa của tôi. Bạn ơi, tôi muốn nói với bạn về người chồng thân yêu của tôi, một trong những người đàn ông đáng mến nhất, tôi đã kết hôn được bảy tuần và chưa tìm thấy dù một lý do để ăn năn về cái ngày hai chúng tôi gắn kết với nhau, về con người và cách cư xử, chồng tôi khác xa những con quỷ xấu xí, đần độn, già nua, khó chịu và ghen tuông, những kẻ chỉ muốn giam giữ người khác để yên tâm; chàng quan điểm rằng một người vợ phải được đối xử như một người bạn quý, một người tâm giao chứ không phải như một thứ đồ chơi hay một nô lệ hầu hạ, đó phải là người sẽ đồng hành cùng chàng. Không bên nào, như chàng nói, phải ngầm tuần lệnh của người kia – mỗi người đều phải nhường nhịn nhau. Một bà cô chưa chồng tuổi đã cao, gần bảy mươi tuổi, một phụ nữ lúc nào cũng vui vẻ, đáng kính và dễ chịu sồng cùng một nhà với chúng tôi – bà ấy là niềm vui cho cả người trẻ lẫn người già – là người hòa nhã với hàng xóm xung quanh, hào phóng và nhân hậu với người nghèo. Tôi biết chồng tôi không yêu cái gì hơn tôi cả; chàng nâng niu tôi như nâng niu một chiếc ly và sự say sưa của chàng (mà tôi muốn gọi đó là yêu thái quá) làm tôi xấu hổ vì thấy mình không xứng đáng, tôi muốn mình phải xứng với người đàn ông mà giờ đây tôi đã mang họ của chàng. Để nói tất cả bằng một câu, và cũng là điều quan trọng nhất, chàng tình nhân hào hoa trước kia của tôi giờ đây là người chồng đầy khoan dung với tôi, tình yêu đã trở lại cùng tôi, tôi đã có thể kết hôn với một Hoàng tử nhưng khi đó tôi sẽ không có niềm hạnh phúc như khi sống với chồng tôi bây giờ. Chúa ơi! Cầu chúc bạn cũng sẽ hạnh phúc như tôi, bởi tôi không thể nào ao ước mình hạnh phúc hơn thế này.

Lưu ý.— Chìa khóa của bức thư trên là đọc một dòng, rồi bỏ một dòng.

Theo Susan Lanser, áp dụng gợi ý trên, bức thư có thể được giải mã như sau (văn bản chìm):

Tôi không thể nào hài lòng được, bạn yêu dấu của tôi ơi, nếu như tôi không được trút lòng mình với bạn, với tất cả những cảm giác sâu thẳm khác nhau giờ đang sưng tấy lên nơi trái tim gần như vỡ nát của tôi. Bạn ơi, tôi đã kết hôn được bảy tuần và tôi thật ân hận khi nghĩ đến cái ngày chúng tôi ràng buộc với nhau, chồng tôi là gã xấu xí, đần độn, già nua, khó chịu, ghen tuông; một người vợ, với gã, chỉ đáng được đối xử như một thứ đồ chơi hoặc như một nô lệ hầu hạ; đàn bà, gã nói, luôn phải biết nghe lời. Một bà cô già chưa chồng sống cùng nhà với chúng tôi – bà ấy là quỷ dữ đối với hàng xóm. Tôi biết chồng tôi chẳng yêu cái gì hơn rượu, những trận say khướt của gã làm tôi xấu hổ vì gã đàn ông vô giá trị mà tôi buộc phải mang họ của gã. Quan trọng nhất là người tính trước kia của tôi đã trở về, đáng ra tôi đã có chàng. Chúa ơi! Mong sao bạn sẽ luôn hạnh phúc chứ không phải khốn khổ như tôi.

Trần Ngọc Hiếu

(Bài đã đăng trên Nghiên cứu văn học 7-2015)

[1] Theo Susan Lanser, các khái niệm này có thể phân biệt tương đối như sau: “sex” – giới tính, chỉ đặc điểm nhận dạng về hình thức của một con người là đàn ông hoặc đàn bà; “gender” – phái tính, chỉ những đặc điểm được kiến tạo trong và bằng các văn bản, hàm ý rằng, một thứ căn tính đàn ông hay đàn bà dựa vào những mã văn hóa, biểu đạt nam tính hay nữ tính một cách quy phạm; “sexuality”- tính dục, chỉ khuynh hướng tình dục của một con người, đặc biệt trong mối liên hệ với sự lựa chọn đối tượng (Susan Lanser, “Queering Narratology” in trong Essentials of the Theory of Fiction, Michael J. Hoffman & Patrick Murphy chủ biên, ấn bản lần thứ 3, Durham & London: Duke University Press, trang 388-389.

[2] Susan Lanser, “Gender and Narrative”, In trong The Living Handbook of Narratology. Peter Huhn và nhiều tác giả khác biên soạn, Hamburg: Hamburg University. URL = http://www.lhn.uni-hamburg.de/article/gender-and-narrative

[3] Susan Lanser, tlđd

[4] Nancy K. Miller, “I’s in Drag: The Sex of Recollection” in trong The Eighteenth Century, Vol. 22, No. 1, Winter 1981, trang 47-57 và “The Text’s Heroine: A Feminist Critic and Her Fictions” in trong Diacritics, Vol. 12, No. 2, Cherchez la Femme Feminist Critique/Feminine Text (Summer, 1982), trang 48-53

[5] Nancy.K. Miller, “The Text’s Heroine: A Feminist Critic and Her Fictions” in trong Diacritics, Vol. 12, No. 2, Cherchez la Femme Feminist Critique/Feminine Text (Summer, 1982), trang 51.

[6] Nancy.K.Miller, tlđd, trang 53.

[7] Dẫn theo Kathy Meizei, “Contextualizing Feminist Narratology” in trong Ambiguous Discourse: Feminist Narratology and British Women Writers, The University of North Carolina Press, 1986, bản in lần thứ nhất, trang 6.

[8] Kathy Meizei, tlđd, trang 2.

[9] Ruth E. Page, Literary and Linguistic Approaches to Feminist Narratology, Basingstoke & New York: Palgrave Macmillan, 2006, trang 5.

[10] Ruth E. Page, tlđd, trang 9.

[11] Susan E, Lanser, “Gender and Narrative”, tlđd.

[12] Susan Lanser, “Gender and Narrative”, tlđd.

[13] Susan Lanser, “Toward (a Queerer and) More (Feminist) Narratology” in trong Narrative Theory Unbound: Queer and Feminist Interventions, Robyn Warhol & Susan Lanser chủ biên, The Ohio State Press, 2015, trang 23-42.

[14] Susan Lanser, “Toward a Feminist Narratology” in trong Feminisms: An Anthology of Literary Theory and Criticism, Robyn Warhol & Diane Price Herndl, New Brunswick & New Jersey: Rutgers University Press, trang 674-693.

[15] Susan Lanser, tlđd, trang 686.

[16] Susan Lanser, tlđd, trang 680-681.

[17] Susan Lanser, tlđd, trang 681.

[18] Susan Lanser, tlđd, trang 681.

[19] Susan Lanser, tlđd, trang 684.

[20] Susan Lanser, tlđd, trang 684-685.

[21] Susan Lanser, tlđd, trang 685.

[22] Susan Lanser, tlđd, trang 686.

[23] Susan Lanser, tlđd, trang 686.

[24] Susan Lanser, tlđd, trang 686

[25] Susan Lanser, tlđd, trang 688

[26] Susan Lanser, tlđd, trang 688

[27] Susan Lanser, “Queering Narratology” in trong Essentials of the Theory of Fiction, Michael J. Hoffman & Patrick Murphy chủ biên, ấn bản lần thứ 3, Durham & London: Duke University Press, trang 396.

[28] Susan Lanser, tlđd, trang 387

[29] Susan Lanser, tlđd, trang 395

[30] Susan Lanser, tlđd, trang 396

[31] Susan Lanser, “Sapphic Dialogics: Historical Narratology and the Sexuality of Form” in trong Postclassical Narratology – Approaches and Analyses, The Ohio University Press, 2010, trang 188.

[32] Susan Lanser, tlđd, trang 188.

[33] Susan Lanser, tlđd, trang 188.

[34] Susan Lanser, tlđd, trang 189.

[35] Susan Lanser, tlđd, trang 192

[36] Susan Lanser, tlđd, trang 192.

[37] Iu. M. Lotman, “Về bản chất của nghệ thuật”, Trần Đình Sử dịch, Báo Văn nghệ số 40, ngày 7-10-2006, trang 9.

[38] Xin cảm ơn TS. Phạm Quốc Lộc, Đại học Hoa Sen, TP. Hồ Chí Minh đã chia sẻ và trao đổi ý kiến xung quanh vấn đề này.

[39] Susan Lanser, “Toward (a Queerer and) More (Feminist) Narratology” in trong Narrative Theory Unbound: Queer and Feminist Interventions, Robyn Warhol & Susan Lanser chủ biên, The Ohio State Press, 2015, trang 40.

Dự án dịch thuật Từ điển lý thuyết tự sự: 1- TỰ SỰ

Marie – Laure Ryan

TỰ SỰ

Mặc dù mối quan tâm đến hiện tượng hình thành nên chủ đề của cuốn từ điển này đã có lịch sử khoảng hai thiên niên kỷ, ở cả phương Đông và phương Tây, nhưng chỉ trong khoảng 50 năm trở lại đây, khái niệm tự sự mới xuất hiện như một đối tượng nghiên cứu độc lập. Từ Aristotle đến Vladimir Propp, từ Percy Lubbock đến Wayne Booth, những nhà phê bình và triết gia được xem là tiên phong trong lĩnh vực lý thuyết tự sự đều không quan tâm đến những đặc trưng của tự sự mà thay vào đó, nghiên cứu của họ hướng đến các thể loại văn chương cụ thể như thơ sử thi, kịch, truyện kể dân gian, tiểu thuyết hay rộng hơn là các thể hư cấu mà có thể gọi chung là tự sự hư cấu văn học. Chính di sản của chủ nghĩa cấu trúc Pháp, đặc biệt của Roland Barthes và Claude Bremond, đã giải phóng tự sự khỏi văn học và hư cấu, xem nó như một hiện tượng ký hiệu xuyên ngành và xuyên phương tiện truyền thông.

Khái niệm “tự sự”: Những cách sử dụng đương thời

Ngay khi tự sự trở thành một khái niệm lý thuyết, nó bắt đầu xâm nhập sang nhiều lĩnh vực khác như sử học, y học, luật pháp, phân tâm học và dân tộc học. Sự mở rộng lãnh địa này gắn liền với sự mở rộng ngữ nghĩa khiến tự sự không những được giải phóng khỏi những hình thức văn chương mà còn bất cứ sự hỗ trợ mang tính văn bản (textual support) nào. Một ảnh hưởng quan trọng đến những cách sử dụng thuật ngữ “tự sự” hiện nay chính là từ khái niệm “Đại Tự Sự” (Grand Narrative) của Jean-Francois Lyotard như đã được phác ra trong cuốn Hoàn cảnh hậu hiện đại.  Lyotard đã đối lập kiểu tri thức dưới hình thức tự sự vốn điển hình cho các xã hội cổ đại, nơi chân lý được bảo đảm bởi địa vị đặc biệt của người kể chuyện trong một cộng đồng với kiểu tri thức dưới hình thức khoa học, trong đó, tác giả được xem là người phải cung cấp bằng chứng cho những khẳng định của mình. Song diễn ngôn khoa học lại không thể đảm bảo tính hiệu lực của chính nó vì nó từ chối quyền uy. Trong suốt thế kỷ XIX, khoa học đã tìm kiếm sự hợp pháp hóa trong cái mà Lyotard gọi là các “đại tự sự”: những kiến giải có ảnh hưởng sâu rộng thể hiện tri thức khoa học như là công cụ của sự tự hiện thực hóa mang tính lịch sử của một “anh hùng” dụ ngôn mang những cái tên khác nhau như Lý trí, Tự do, Nhà nước hay Tinh thần Con người. Ba đặc điểm phân biệt phân biệt đại tự sự với các tiểu tự sự mà chúng ta trao đổi trong đời sống hàng ngày là: chúng quan tâm đến những thực thể trừu tượng hơn là những cá nhân cụ thể; chúng có thể tồn tại như là những niềm tin tập thể hơn là thông điệp của những văn bản cụ thể; chúng kế thừa vai trò nền tảng của huyền thoại (myth) đối với xã hội hơn là những câu chuyện chỉ mang giá trị giai thoại hoặc tiêu khiển. Các tiểu tự sự và đại tự sự chia sẻ bình diện thời gian song nếu như tiểu tự sự chỉ đơn giản kể lại các sự kiện lịch sử thì khái niệm sau lại liên quan trực tiếp đến thứ Lịch sử được viết hoa. Sự tồn tại ngầm của Đại tự sự, cũng như sự kiến giải và bản chất trừu tượng của nó, đã dọn đường cho “các tự sự về chủng tộc, giai cấp, phái tính” hay “các tự sự về bản sắc” của lĩnh vực nghiên cứu văn hóa hiện nay.

Mức độ phổ biến ngày càng gia tăng của thuật ngữ “tự sự” đồng thời cũng phản ánh sự khủng hoảng tri thức luận của văn hóa đương đại. “Tự sự” là thứ còn lại khi niềm tin vào tính khả dĩ của khoa học bị mục ruỗng. Cụm từ thường được nghe thấy – “các tự sự của khoa học” – vốn phổ biến trong những lĩnh vực mới của nghiên cứu khoa học, mang theo hàm ý: diễn ngôn khoa học không phản ánh mà chỉ ngầm kiến tạo hiện thực; nó không khám phá các sự thật mà chỉ thêu dệt chúng theo những luật lệ của trò chơi của chính chúng trong một quá trình có thể đem so sánh với sự thêu dệt công khai của tự sự hư cấu, dù đó là một sự so sánh gây bối rối. Do đó, gọi một diễn ngôn như một “tự sự” hay “chuyện kể” để chất vấn sự khẳng định của nó về sự thật, xét đến cùng, là đánh đồng tự sự với hư cấu.

Trong lĩnh vực khoa học tri nhận và trí tuệ nhân tạo, tự sự có xu hướng kết hợp với các hoạt động tạo nghĩa và giải quyết vấn đề. Thí dụ, Kerstin Dautenhahn, một chuyên viên thiết kế trí tuệ nhân tạo, đã gọi một con robot là một “tác nhân kể chuyện” (story telling agent) khi trên cơ sở những ký ức của nó về những kinh nghiệm quá khứ được gọi là “tự truyện” của nó, con robot sẽ thực hiện một chuỗi hành động hướng đến một mục tiêu nào đó. Sự đồng hóa ký ức vào tự truyện – điều cũng phổ biến trong lĩnh vực tâm lý – thể hiện ý niệm rằng việc sống một cuộc đời, suy ngẫm về nó cũng giống như việc viết một tự thuật – đó là một hành động tiếp diễn của sự tự sáng tạo liên đới đến những chọn lựa, trách nhiệm, sự đánh giá lại, sự bổ sung những chương mới vào cuốn sách vẫn đang trong quá trình được viết ra ở mọi thời điểm.

Vậy lý thuyết tự sự phải làm gì với sự đồng hóa mang tính ẩn dụ hoặc hoán dụ của khái niệm tự sự với những ý niệm mà trước đó được gắn nhãn là “niềm tin”, “sự diễn giải”, “thái độ”, “sự duy lý”, “giá trị”, “tư tưởng hệ”, “hành vi”, “kế hoạch”, “ký ức” hay đơn giản là “nội dung”? Chúng ta có nên đưa ra một định nghĩa đóng vai trò như một cảnh sát ngữ nghĩa không những làm nhiệm vụ loại trừ tất cả các cách sử dụng bất hợp pháp thuật ngữ này, gây nguy hiểm đối với sinh mệnh của khái niệm; hay chúng ta chịu khuất phục xu hướng thời thượng, xây dựng một định nghĩa chấp nhận tất cả những cách diễn giải hiện thời, chấp nhận mất mát một số đặc trưng quan trọng phân biệt tự sự với những hình thức hay sản phẩm khác của hoạt động tinh thần? Một sự thỏa hiệp giữa hai khả năng này là xem tự sự như một tập mờ, được xác định ở trung tâm bằng những đặc trưng quan trọng được coi là hạt nhân, nhưng lại chấp nhận nhiều mức độ thành viên khác nhau, phụ thuộc vào những đặc trưng mà một ứng cử viên muốn gia nhập tập hợp này phô bày. Giả thuyết về tập mờ sẽ giải thích được cho một thực tế: trong khi có những văn bản sẽ được nhất trí thừa nhận như là các tự sự như truyện cổ tích thần tiên hay những trò chuyện về kinh nghiệm cá nhân thì lại có một số văn bản sẽ phải đối mặt với việc thừa nhận bị hạn chế như tiểu thuyết hậu hiện đại, trò chơi điện tử hay nghiên cứu lịch sử về các hiện tượng văn hóa, thí dụ công trình History of Sexuality (Lịch sử tình dục) của Michel Foucault.

Tự sự: mô tả khái niệm và định nghĩa khái niệm

Nghiên cứu bản chất của tự sự có thể có hai hình thức. Thứ nhất, nếu nhắm đến mục đích mô tả, người ta sẽ đặt câu hỏi: tự sự giúp gì cho con người; thứ hai, nếu nhắm đến một sự định nghĩa, người ta sẽ phải cố gắng nắm bắt một số đặc trưng khu biệt của tự sự.

Sau đây là một số ví dụ về những nhận định mà cách tiếp cận mô tả đưa ra: tự sự là một phương thức cơ bản để tổ chức kinh nghiệm của con người và là một công cụ để kiến tạo những mô hình của hiện thực (Herman 2002); tự sự cho phép con người chấp nhận và thích ứng được với tính thời gian (temporality) của sự hiện sinh của chính mình (Ricoeur 1984-1988); tự sự như một phương thức tư duy đặc biệt liên quan đến cái cụ thể, cái cá biệt đối lập với cái trừu tượng, cái chung chung (Bruner, người phân biệt tư duy “tự sự” với tư duy “khoa học”); tự sự sáng tạo và chuyển giao những truyền thống văn hóa, xây dựng những giá trị và niềm tin xác định những bản sắc văn hóa; tự sự là phương tiện của những hệ tư tưởng thống trị và là công cụ của quyền lực (Foucault 1978); tự sự là công cụ của sự tự sáng tạo (self-creation); tự sự là kho chứa tri thức có ích, đặc biệt ở những nền văn hóa truyền khẩu (quan điểm này nhắc chúng ta nhớ đến nghĩa từ nguyên của từ “tự sự” trong tiếng Latin là động từ gnare, tức “biết”); tự sự là khuôn trong đó chúng ta nhào nặn và bảo tồn ký ức; tự sự, trong hình thức hư cấu của nó, mở rộng thế giới tinh thần của chúng ta vượt ra ngoài khuôn khổ của cái có thực, cái quen thuộc, mở ra một sân chơi cho sự thể nghiệm tư tưởng (Schaeffer 1999); tự sự là một cội nguồn đa dạng, không thể cạn kiệt của giáo dục và giải trí; tự sự là tấm gương mà nhìn vào đó, chúng ta phát hiện ra ý nghĩa của việc là con người.

Trong khi những nhận định theo kiểu mô tả như vậy có thể không xung đột với nhau thì những cách tiếp cận theo kiểu định nghĩa lại có xu hướng đưa ra những quan điểm trái chiều nhau về bản chất của tự sự vì mỗi học giả sẽ chọn ra và làm nổi bật lên những đặc điểm khác nhau cấu thành nên tính tự tự (narrativity). Những luận đề tranh cãi với nhau dưới đây sẽ minh họa rõ hơn một số điểm bất đồng giữa các quan điểm:

(1) Khái niệm “tự sự” có khác nhau theo mỗi nền văn hóa và thời kỳ lịch sử, hay chính những điều kiện cơ bản, nền móng của tính tự sự cấu thành nên tính phổ quát của sự tri nhận (cognitive universals)? Việc “tự sự” rất lâu mới trở thành một khái niệm lý thuyết và chỉ được thừa nhận trong đời sống học thuật cho thấy có vẻ như biện hộ cho một cách tiếp cận tương đối luận song những đặc điểm đặc thù về văn hóa mới khiến người ta nhận thức về khái niệm chứ không phải là những dấu hiệu xác định khái niệm. Cách tiếp cận tương đối luận đặt ra vấn đề về khả năng so sánh: nếu ở mỗi nền văn hóa, tự sự lại có những hình thức rất khác nhau, đâu sẽ là mẫu số chung để biện hộ cho việc gắn nhãn những hình thức này là tự sự? Nếu ta chấp nhận một cách tiếp cận văn hóa phổ quát thì những khác biệt rõ ràng giữa tự sự ở các thời kỳ và các nền văn hóa khác nhau chỉ là vấn đề đề tài và chỉ được xem như là những biến thể trên một cấu trúc chung, mang tính cốt lõi. Tương tự, cốt truyện sử thi và cốt truyện kịch ở các nền văn hóa phương Tây có được nhìn nhận những phương thức hiện thực hóa khác nhau một lược đồ chung.

(2) Tự sự tiền giả định một hành động trần thuật được thực hiện bởi một tạo vật mang nhân dạng (anthropomorphic creature) được gọi là “người kể chuyện” (narrator) hay câu chuyện có thể được kể mà không cần phải nghĩ đến ý thức về người kể chuyện (narratorial consciousness)? Gerald Prince định nghĩa tự sự như là sự thể hiện các sự kiện có thật hay mang tính hư cấu bởi một hay nhiều người kể chuyện hướng đến một hay nhiều người nghe chuyện (narratee). Nhà nghiên cứu phim David Bordwell đưa ra một quan điểm đối lập, ông lại cho rằng trần thuật điện ảnh không đòi hỏi cần phải có một hình tượng người kể chuyện. Một số học giả khác tìm cách điều hòa định nghĩa tự sự trên nền khái niệm người kể chuyện với khả năng của hình thức trần thuật phi ngôn từ bằng cách phân tích cho thấy ngay trong phim hay kịch cũng có tiền giả định về phát ngôn của một hình tượng mang đặc tính của người kể chuyện, kể cả khi bộ phim hay vở kịch không sử dụng thủ pháp lồng giọng thuyết minh (voice-over).

(3) Đặc điểm của tính tự sự có thể được khu biệt như một lớp hoặc một bình diện nghĩa hay nó là một hiệu ứng bao trùm, khiến cho mọi yếu tố của văn bản đều có thể góp phần tạo nên? Quan điểm thứ nhất tạo cơ sở cho việc phân chia văn bản thành những bộ phận tự sự thúc đẩy cốt truyện tiến triển và những bộ phận phi tự sự nơi thời gian đứng yên vì dụ các trữ tình ngoại đề, suy tư triết lý hay phần bài học trong ngụ ngôn. Nhưng cách phân tích này gặp phải những khó khăn khi phải xử lý vấn đề miêu tả: trong khi các đoạn miêu tả có thể bị lướt qua mà không làm cho độc giả không theo dõi được cốt truyện thì nhân vật, bối cảnh sẽ không thể được nhận diện nếu không có các đoạn miêu tả. Nếu mục đích của tự sự không phải chỉ nhằm khơi dậy một chuỗi sự kiện mà cả những thế giới trong đó những kiện này xảy ra thì không thể loại trừ phần miêu tả khỏi lớp tự sự được, sự phân biệt giữa tự sự và phi tự sự bị mờ đi. Các nhà lý luận văn học, những người trung thành với quan điểm về sự không thể chia tách nội dung và hình thức, lại có xu hướng tán thành khả năng thứ hai: tính tự sự được hiểu như một hiệu ứng bao trùm. Trong số này phải kể đến Philip Sturgess. Ông đã viết: “Tính tự sự giống như một thế lực trao quyền (enabling force) của tự sự, một thế lực hiện diện ở mọi điểm trong tự sự”. Hệ quả tất yếu của quan điểm này là ta không thể phân biệt được tính tự sự với tính mục đích luận về thẩm mỹ (aesthetic teleology), hay nói như Sturgess, không thể phân biệt được nó với sự nhất quán mà văn bản phải huy động các thủ pháp để đảm bảo. Vì mỗi văn bản lại có một thứ mục đích luận thẩm mỹ riêng vì thế tính tự sự trở thành khái niệm không thể định nghĩa.

(4) Tính tự sự là vấn đề hình thức hay nội dung? Các yếu tố cấu thành tính tự sự như là hình thức đã cực đoan hóa những ý tưởng của Hayden White, người đã lập luận rằng một chuỗi của các sự kiện lịch sử có thể được trình bày ra như một danh sách phi cấu trúc, một niên biểu tuân theo những nguyên tắc thống nhất nào đó song lại thiếu đi một nguyên tắc lý giải bao trùm (comprehensive explanatory principle), hoặc như một cốt truyện đầy đủ (tức như một tự sự), trong đó, các sự kiện được tổ chức theo một thứ mục đích luận bao trùm. Nhưng nếu các sự kiện lịch sử có thể được biến thành các câu chuyện cũng như thành thứ gì đó khác (chẳng hạn, một cuốn giáo trình về ngoại giao dựa trên những ví dụ lịch sử) thì chẳng phải tự sự cũng cần đến những kiểu chất liệu thô đặc thù hay sao? Người ta có thể biến phương trình nổi tiếng của Einstein E=MC2 thành một câu chuyện mà không cần thêm bất cứ thứ gì vào nó hay không? Một cách để giải quyết rắc rối của vấn đề hình thức và nội dung là dựa vào sự phân biệt giữa hình thức và thực thể (substance) mà Hjelmslev đưa ra, có thể áp dụng cho cả bình diện nội dung (content plane) và bình diện biểu hiện (expression plane) của một văn bản, có nghĩa là bình diện cái biểu đạt lẫn cái được biểu đạt của nó. Tính tự sự, theo quan điểm này, sẽ thuộc về bình diện nội dung, chứ không phải bình diện biểu hiện nhưng nó lại là một cấu trúc gồm một hình thức nhất định (được biểu hiện bằng các khái niệm như cốt truyện, các tiểu phần [story arc][1], hay tam giác của Freytag[2]) và một thực thể nào đó (nhân vật, bối cảnh, sự kiện, nhưng không phải các luật lệ phổ biến và khái niệm trừu tượng).

(5) Một định nghĩa về tự sự có nên trao địa vị bình đẳng cho tất cả mọi tác phẩm hư cấu hay không, hay nó sẽ xem một số kiểu tiểu thuyết và phim hậu hiện đại như là thuộc về ngoại biên? Nói khác đi, một văn bản theo khuynh hướng tiền phong (avant garde) có nhân vật, có bối cảnh, sự kiện song lại từ chối tổ chức nội dung này thành một câu chuyện xác định sẽ mở rộng hàm nghĩa của khái niệm tự sự, khiến khái niệm này mang tính biến thiên về lịch sử; hay đơn thuần chỉ cho thấy khả năng tách biệt của những khái niệm “văn học”, “tự sự” và “hư cấu”?

(6) Tự sự đòi hỏi cả phần lời kể (discourse) và câu chuyện (story) hay nó có thể tồn tại được như một sự trình hiện tự do trôi nổi (floating representation), độc lập với bất kỳ sự hiện thực hóa mang tính văn bản nào (textual realisation)? Có phải cụm từ “câu chuyện không kể được” (untold story), rất gần với những tin vắn, là một nghịch ngữ (oxymoron) hay trí tuệ của chúng ta có thể nắm giữ được một tự sự mà không cần đến ngôn từ, như khi chúng ta ghi nhớ cốt truyện một tiểu thuyết hoặc khi chúng ta nói với bạn bè: Tôi có một câu chuyện cực kỳ hay muốn kể với các bạn?

Chuyện kể như một kiến tạo tri nhận

Câu trả lời cho câu hỏi cuối – câu hỏi quan trọng nhất đối với một định nghĩa về tự sự, vì nó đặt câu hỏi tự sự được cấu thành bởi những yếu tố nào – nằm ở sự phân biệt mang tính chất kỹ thuật giữa tự sự (narrative) và chuyện kể (story), mặc dù trong các từ điển tiếng Anh, hai thuật ngữ này đồng nghĩa với nhau. (Đó là lý do tại sao đến đây, mục từ này vẫn sử dụng hoán vị hai thuật ngữ này). Đưa ra một quan niệm phổ biến ở các nhà tự sự học, H.Porter Abbott đã dùng thuật ngữ “tự sự” để chỉ sự kết hợp giữa chuyện kể và lời kể đồng thời xác định hai thành tố của nó như sau: “chuyện kể là một sự kiện hay một chuỗi sự kiện [hành động] và lời kể [diễn ngôn trần thuật] là sự thể hiện những sự kiện ấy”. Tự sự, theo quan điểm này, là sự hiện thực hóa dưới hình thức văn bản của chuyện kể trong khi chuyện kể là tự sự ở hình thức tiềm năng. Nếu ta quan niệm sự thể hiện/trình hiện (representation) là hành vi tự do về phương tiện (medium-free) thì định nghĩa này không hạn chế tính tự sự chỉ trong các văn bản dùng lời hay các hành động nói gắn với người kể chuyện. Song hai thành tố này của tự sự đóng vai trò phi đối xứng vì lời kể ở đây được định nghĩa theo khả năng của nó trong việc thể hiện cái cấu thành nên chuyện kể. Điều này có nghĩa là chỉ có chuyện kể mới có thể được định nghĩa như một thuật ngữ tự trị. Kể từ khi các nhà hình thức luận Nga đưa ra sự phân biệt giữa “fabula” và “sjuzhet” (tức là chuyện kể và lời kể), các quan điểm tự sự học chuẩn mực đã coi chuyện kể như là “những chuỗi sự kiện”, nhưng cách định nghĩa này đã quên rằng các sự kiện tự thân chúng chưa phải là chuyện kể mà đúng hơn chỉ là chất liệu thô từ đó câu chuyện được hình thành. Vậy thì chuyện kể là gì, nếu, đúng như Hayden White lập luận rất thuyết phục, nó không giống như một thứ (thing) mà người ta tìm thấy trong thế giới (như là các hiện thể [existents] và sự kiện [events]) cũng không phải là sự thể hiện dưới hình thức văn bản của nó?

Chuyện kể, không giống như lời kể/diễn ngôn tự sự, là sự thể hiện/trình hiện, song không giống như diễn ngôn, nó không phải là sự thể hiện/trình hiện được mã hóa trong những ký hiệu vật chất. Chuyện kể là một hình ảnh tinh thần, một kiến tạo tri nhận liên quan đến một số kiểu thực thể nhất định và những quan hệ giữa các thực thể ấy. Tự sự có thể là sự kết nối câu chuyện và diễn ngôn, nhưng chính khả năng khơi gợi những câu chuyện trong đầu mới là thứ phân biệt diễn ngôn tự sự với các kiểu văn bản khác. Sau đây là những cách xác định mang tính chất thăm dò về kiến tạo tri nhận mà các nhà tự sự học gọi là “chuyện kể”:

1) Sự hình dung trong đầu một chuyện kể bao hàm việc kiến tạo hình ảnh tinh thần của một thế giới được xác định bằng những nhân tố và vật thể được đặc thù hóa (nhân vật). (Đây là các bình diện không gian của chuyện kể)

2) Thế giới đó nhất thiết phải trải qua những biến đổi không hoàn toàn khả đoán do các sự kiện vật chất không theo quán tính: hoặc do các ngẫu nhiên hoặc do những hành động chủ ý của những nhân tố có khả năng trí tuệ. (Đây là bình diện thời gian của chuyện kể).

3) Cùng với việc được kết nối với các tình trạng vật chất của những mối liên hệ nhân quả, các sự kiện vật chất phải gắn với các trạng thái và sự kiện tinh thần (mục tiêu, kế hoạch, cảm xúc). Mạng lưới những kết nối này trao cho các sự kiện sự mạch lạc, động cơ, độ đóng (closure), tính khả thụ (intelligibility) và biến chúng thành cốt truyện. (Đây là bình diện logic, tinh thần và hình thức của chuyện kể).

Định nghĩa này xem tự sự như một kiểu văn bản có khả năng khơi gợi một kiểu hình ảnh nào đó trong đầu óc của người tiếp nhận. Song, như đã đề cập đến ở trên, nó không cần đến một văn bản để khơi gợi ra một hình ảnh như thế: chúng ta có thể hình thành những chuyện kể trong đầu như một phản ứng đối với bản thân đời sống. Thí dụ, tôi chứng kiến một vụ ẩu đả ở bến xe điện ngầm, tôi sẽ hình thành trong đầu câu chuyện về vụ đánh nhau đó để kể lại cho mọi người trong nhà mình. Có thể lý giải tiềm năng tự sự của đời sống bằng cách phân biệt giữa việc “là một tự sự” với việc “sở hữu tính tự sự”. Đặc điểm “là một tự sự” có thể được xác nhận cho bất kỳ một khách thể ký hiệu nào, dù ở bất cứ phương tiện nào, có thể được tạo ra với chủ định khơi dậy một phản ứng bao hàm trong đó việc kiến tạo một câu chuyện. Chính xác hơn, chính sự tri nhận của người tiếp nhận chủ định này đã dẫn đến nhận định: một khách thể ký hiệu là một tự sự, mặc dù ta không bao giờ có thể chắc chắn liệu người gửi và  người nhận có cùng một câu chuyện trong đầu hay không. Ngược lại, “sở hữu tính tự sự” lại có nghĩa là khả năng khơi dậy, kích thích một phản ứng dưới hình thức tự sự, dù là văn bản hay không phải văn bản, bất kể tác giả có chủ định tạo ra tác nhân kích thích đó hay không.

Những nguyên tắc hình thành nên định nghĩa này là những luật lệ rắn chắc, xác định rõ những điều kiện tối thiểu. Tuy nhiên, có một điều kiện trong đó lại có vẻ gây nhiều tranh cãi hơn những điều kiện khác: chuyện kể có nhất thiết phải hàm chứa những sự kiện không theo thói quen hay không, hay nó có thể chỉ quan tâm đến những hành động thông thường? Liệu điều kiện này có nên được thay thế bằng một luật lệ thiên vị hơn? Điểm rắc rối này đưa đến một khu vực nơi tính tự sự (sản phẩm của những điều kiện tối tiểu) cực kỳ khó tách khỏi tính khả thuật (tellabilty) (một vấn đề được mô tả tốt hơn bằng những luật lệ thiên vị, song nếu biên giới giữa tính tự sự và tính khả thuật nhiều khi rất mơ hồ thì vẫn có những nguyên tắc rõ ràng thuộc về phạm trù này hơn là phạm trù kia.

Bằng việc nới lỏng những điều kiện của định nghĩa trên, chúng ta có thể giải thích những hình thức tự sự ít mạch lạc hơn những chuyện kể mang tính điển phạm như nhật ký, biên niên cũng như những hình thức mở rộng của thuật ngữ tự sự mà ta đã nhắc đến ở phần đầu mục từ này. Việc bất tuân điều kiện thứ ba giải thích cho trường hợp thiếu khuyết đặc tính tự sự của một số tiểu thuyết hậu hiện đại: trong khi chúng tạo ra một thế giới, lấp đầy nó bằng cách nhân vật, làm cho chuyện nào đó xảy ra (mặc dù chúng thường bất chấp điều kiện thứ hai), những tiểu thuyết này lại không cho phép độc giả khôi phục lại mạng lưới đã kích thích hành động của các nhân vật và ràng buộc các sự kiện vào một trình tự khả thụ và xác định. Song chúng lại bù đắp cho sự phá vỡ chuyện kể bằng sự sáng tạo độc đáo, phi thường trên bình diện lời kể. Việc nhấc điều kiện thứ nhất ra cho phép ta mô tả các đại tự sự cùng những quan hệ lân cận của nó. Những đại tự sự này không nói về những tồn tại mang tính cá nhân mà về những bản sắc tập thể; chúng thể hiện những luật lệ chung hơn là một thế giới cụ thể đối với trí tưởng tượng. Nhưng chúng vẫn giữ lại bình diện thời gian và đưa đến những kiến giải phổ quát về lịch sử. Điều kiện thứ hai là điều kiện khó phớt lờ nhất nhưng ta nhấc điều kiện này ra khi nói đến “tự sự về sự thượng đẳng da trắng” hay “tự sự về sự trường tồn của hệ thống Soviet”. Điều xảy ra ở đây là cái nhãn “tự sự” đã được chuyển nghĩa theo phương thức hoán dụ từ những chuyện kể được truyền bá bởi văn chương thực dân hay truyền thông do đảng phái chỉ đạo đến những định đề phi thời gia hình thành nên thông điệp tư tưởng hệ của chúng. Cái nhãn tự sự này thậm chí vẫn còn được gắn với những phát ngôn, nhận định tư tưởng hệ ngay cả khi chúng được giải phóng khỏi những câu chuyện cụ thể.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: “Narrative”, in trong Routledge Encyclopedia of Narrative Theory, David Herman, Manfred Jahn & Marie-Laure Ryan ed., Routledge Ltd, 2010, p.544-8.

Ghi chú: Đây là bản dịch nháp, chưa hoàn toàn hoàn thiện, nhất là về cách dịch các thuật ngữ vốn chưa có cách dịch thống nhất ở VN, thậm chí còn chưa bao giờ đi vào bộ từ vựng của giới nghiên cứu VN. Tôi post bản thảo này lên mong nhận được những góp ý, chia sẻ và bản thân cũng sẽ tự nhìn đi nhìn lại để hiệu chỉnh.


[1] “Arc”, đầy đủ là “story arc”, là một thuật ngữ chỉ phần cốt truyện thống nhất xuyên suốt nhiều chương, nhiều tập, nhiều phần liên tục của một ấn phẩm truyền thông như sách, truyện tranh, trò chơi điện tử hay thậm chí phim điện ảnh. Dẫn theo: http://blog.zing.vn/jb/dt/khanhdeptraipl/16754352?from=my

[2] Thuật ngữ “tam giác của Freytag” ở đây chỉ phương pháp phân tích cốt truyện kịch mà nhà phê bình người Đức Gustave Freytag trình bày trong cuốn sách Technique of the Drama (Kỹ xảo của kịch) [1863] của mình. Theo đó, một cốt truyện kịch thống nhất về hành động bao giờ cũng phải hội tụ ba thành phần: mở đầu (thời điểm nảy sinh động cơ; động cơ phát triển thành hành động) – cao trào (đỉnh điểm của những xung đột, mâu thuẫn) – thoái trào (kết thúc).

Ju. Lotman – Cái chết như là vấn đề của truyện kể

Ngoài việc giới thiệu những gì mình dịch, viết và suy nghĩ, từ nay tôi cũng sẽ giới thiệu trên blog này những bản dịch, bài viết của các thầy cô, bạn bè, học trò của mình, để trang blog này có thể có ý nghĩa với không chỉ riêng cá nhân tôi. Dưới đây là bản dịch một bài viết rất hay của Ju.Lotman, gợi mở nhiều suy nghĩ trong việc nghiên cứu ký hiệu học văn hóa, do thầy tôi – GS Trần Đình Sử dịch từ tiếng Nga.

*

Mọi hành vi của con người đều có nghĩa. Điều đó nghĩa là hoạt động của con người được hiểu là có một mục đích nào đấy. Nhưng khái niệm mục đích không tránh khỏi  hàm chứa quan niệm về một kết thúc của sự kiện. Cái ý định của con người đem lại ý nghĩa và mục đích cho hành động và sự kiện  được hiểu là sự phân chia cái thực tại lỉên tục thành một số tiết đoạn ước lệ. Điều đó nhất định kéo theo khát vọng con người muốn hiểu cái gì là đối tượng quan sát của nó. Mối liên hệ giữa ý nghĩa và sự hiểu được Pushkin nhấn mạnh trong “Những câu thơ làm trong đêm mất ngủ”:

 

Anh muốn hiểu em,

Anh tìm ý nghĩa trong em…

Pushkin toàn tập, 1948, T.3, Phần 1, tr. 250

 

Những gì không có kết thì không có ý nghĩa. Sự tìm nghĩa gắn liền với việc phân đoạn cái không gian không gián đoạn. Vì vậy việc quy ý nghĩa cho thực tại, trong quá trình tư duy nghệ thuật, tất yếu phải bao hàm việc phân chia tiết đoạn.

 

Cuộc sống – không có đầu, không có kết…

Nhưng là nghệ sĩ, anh tin chắc

Vào mở đầu và kết thúc.

A. Bloc, Toan tập 8 tập, T. 3, tr. 301, M., – L.,

Từ điều nói trên toát ra hai hệ quả. Thứ nhất – trong phạm vi hiện thực – cái chết của con người gắn với vai trò tạo nghĩa đặc biệt. Thứ hai, trong lĩnh vực nghệ thuật – nó tạo thành vai trò ưu tiên của cái mở đầu và cái kết thúc, nhất là cái kết thúc. Trường hợp cố ý từ chối kết thúc – chẳng hạn trong Evgenii Onegin đã nhấn mạnh đến quy luật này. Quá trình suy nghĩ bình thường về hiện thực gắn liền với việc gán cho hiện thực những đoạn cắt rời, nhất là trong truyện kể, đó là những đoạn nối liền với khái niệm kết thúc và mở đầu.

Ví dụ  ở Baratynski :

Ôi đàn lia, hãy tặng cho cuộc sống

Những điều mà ngươi muốn.

Pushkin thực hiện một thí nghiệm táo bạo, đem vào thơ một cuộc sống không gián đoạn. Chẳng hạn đã xuất hiện tiểu thuyết cố ý không có kết. Có thể so sánh trường hợp này với trường hợp Tvardovski từ chối  cặp phạm trù văn học mở đầu và kết thúc cũng như sự đối lập chúng trong hiện thực:

Tóm lại: “Cuốn sách về người chiến sĩ”

Chà! Thế thì việc gì sẽ xảy ra?

Không mở đầu , không kết thúc,

Chẳng có gì thích hợp với hồ sơ.”

 

Chữ “delo” ở trên nghĩa là công việc, còn ở dưới nghĩa là hồ sơ, trong cặp của phòng giấy.

Đối với vấn đề văn học thuần tuý sự kiện cái chết – từ trần trong thực tại phù hợp hoàn toàn với cái kết.

Mở đầu – kết thúc và cái chết gắn liền với khả năng hiểu thực tại cuộc sống như là một cái gì có ý nghĩa. Mâu thuẫn bi kịch giữa đời sống vô hạn và cuộc đời hữu hạn của con người chỉ là một trường hợp riêng của cái mâu thuẫn sâu sắc hơn giữa mã phát sinh nằm ngoài phạm trù sống chết và sự tồn tại cá thể  của cơ thể. Từ giây phút một tồn tại cá thể biến thành một tồn tại có ý thức (tồn tại của ý thức), cái mâu thuẩn đó đã từ một quá trình vô danh biến thành một thuộc tính bi kịch của cuộc sống.

Cũng giống như khái niệm nghệ thuật gắn liền với hiện thực, quan niệm về “văn bản – giới hạn của văn bản” cũng không tách rời với sự chia tách “sống – chết”.

Nấc thứ nhất của bình diện đang xét được thể hiện trong phạm vi sinh vật như là vấn đề “nhân giống – sự chết”. Quá trình không ngừng nghỉ của việc nhân giống trong cuộc sống quần thể gắn liền một cách tương phản với sự đứt đoạn về nguyên tắc trong sự tồn tại của cá thể. Nhưng  cho đến khi nào cái mâu thuẫn ấy chưa xảy ra với khách thể biết tự ý thức, thì nó hình như “không tồn tại”. Cái mâu thuẩn không được ý thức thì không làm nên nhân tố của hành động.

Trong phạm vi văn hoá giai đoạn đầu tiên của cuộc đấu tranh chống lại “sự kết thúc” là mô hình tuần hoàn thống trị trong ý thức thần thoại và văn hoá dân gian.

Sau khi (đúng hơn là theo mức độ), tư duy thần thoại được thay thế bằng tư duy lịch sử, khái niệm kết thúc có tính chất ưu trội. Sự cần thiết phải thoả hiệp giữa thực tại không gián đoạn với ý thức về sự gián đoạn và thoả hiệp giữa sự bất tử của tự nhiên với cái chết của con người làm nảy sinh tư tưởng về sự tuần hoàn, còn sự quá độ đến ý thức tuyến tính đã kích thích nảy sinh hình tượng về cái chết – sự tái sinh. Từ đó nảy sinh quan niệm thần thoại về sự phục sinh của vị cha quá cố trong người con trẻ trung và tư tưởng về cái chết có tính sinh thành. Nhưng ở đây có một giới hạn  quan trọng. Trong hệ thống có chu kì cái chết có tính phục sinh trải qua cùng một vị thần vĩnh cữu. Sự lặp lại tuyến tính tạo ra một hình tượng khác ( thông thường là người con), trong hình tượng người con, người chết dường như được phục sinh trong  cái tương tự của mình. Bởi vì, đồng thời, nhân tố nữ được quan niệm như là  cái không gián đoạn, tức là cái bất tử, mãi mãi trẻ trung, đôi khi được hiểu như là quan hệ hôn nhân với người mẹ. Xem rất nhiều ví dụ trong thần thoại cổ đại về hôn nhân của nhân vật với người mẹ của mình.

Từ đó có sự kết hôn mang tính nghi thức giữa thị trưởng thành Vơnise với biển cả và cái nghi thức mà D. K. Zalenin đã thấy từ cuối thế kỉ trước: trong tiến trình đó những người nông dân đã kéo lê cha cố ra đồng và cưỡng bức ông ta mô phỏng hành vi tính giao với đất. Sự giao tiếp có tính nghi thức này giữa người cha chết (rồi sau đó được tái sinh trong người con trẻ trung với người mẹ bất diệt được biến tướng vào trong huyền thoại nguỵ khoa học về sự kết thúc thế kỉ (fin du siecle) đã đẻ ra phần lớn các quan niệm của Freud, còn phần khác khuynh hướng chung của thời đại là đi theo dưới ngọn cờ biến các tư tưởng hoặc lí thuyết hư huyễn thành cái hiện thực giả thứ hai, là cái hình như khẳng định các tư tưởng ấy, mà hiện thực ấy chính là sản phẩm của  các tư tưởng ấy, làm nảy sinh cái ảo tưởng về một sự kiểm nghiệm khoa học nào đó.

Sự kiến tạo văn hoá theo tuyến tính làm cho vấn đề cái chết trở thành một trong những nét ưu trội trong các hệ thống văn hoá. Ý thức tôn giáo là con đường khắc phục cái chết bằng cái chết, cái chết đã được sửa lại. Nhưng văn hoá hoàn toàn đắm chìm trong không gian của con người, để cho nó giới hạn, và giản đơn là tước bỏ cái chết như là một sự giả tạo. Khái niệm cái chết (kết thúc) không thể giải quyết bằng cách phủ định giản đơn, bởi vì ở đây có sự đan xen, giao nhau của các cấu trúc vũ trụ và cấu trúc con người. Điều này Baratynski đã nói đến khi viết về cái chết:

Khi thế giới muôn màu xuất hiện

Từ cân bằng các sức mạnh hoang sơ;

Đấng toàn năng đã giao anh nắm giữ,

Toàn bộ mọi cấu tạo của ông ta.

Thơ toàn tập, M., 1936,Tạpp 1,  tr. 138.

 

Đối với ý thức ấy cái chết tạo thành sự giải quyết của tất cả mọi câu đố và sự phá huỷ mọi giá trị. Nhưng hiểu vị trí của cái chết trong văn hoá có nghĩa là suy nghĩ về nghĩa đen của các từ đó, tức là quy cho chúng ý nghĩa. Mà điều đó có nghĩa là đưa vào một chuỗi ý nghĩa nhất định, mà chuỗi ấy quyết định  trong trường hợp cụ thể, một tập hợp các từ đồng nghĩa và trái nghĩa.

Cơ sở để thoả hiệp với cái chết – nếu như loại trừ các lí do tôn giáo, là tính tự nhiên và tính độc lập của nó so với ý chí của con người. Tính tất yếu của cái chết, mối liên hệ của nó với sự già nua, bệnh tật, cho phép người ta đưa nó vào phạm vi không thể đánh giá. Nhưng lại rất có ý nghĩa trong các trường hợp khi nó kết hợp với các quan niệm về tuổi trẻ, sức khoẻ, vẻ đẹp, tức là các hình tượng về cái chết bị cưỡng bức. Sự kết hợp với các dấu hiệu của tinh thần tự nguyện sẽ mang lại cho đề tài này những hàm nghĩa tối đa. Tính phức tạp của các nghĩa đuợc sáng tạo ở đây nằm ở chỗ, cái gì làm cho tình huống ấy có khả năng có nghĩa, tình huống cần phải được cảm thụ như là mâu thuẫn với cái trật tự tự nhiên (tức là trung lập) của sự vật. Khát vọng gìn giữ sự sống là tình cảm tự nhiên của mọi sinh thể. Chính điều đó làm nên sức thuyết phục của lập trường mà Shakespeare đặt vào miệng của nhân vật Falstaf:

Thời hạn còn chưa đến, cho nên tôi không muốn từ bỏ cuộc sống trước hạn. Tôi vội vả mà làm gì khi thượng đế chưa có ý định đòi hỏi tôi từ bỏ nó? Dù như thế, niềm danh dự vẫn khích lệ tôi. Và cái gì xảy ra nêu danh dự chẳng khích lệ tôi khi tôi đi vào cuộc chiến đấu? Cái gì lúc đó? Có thể danh dự sẽ đem lại chân cho tôi? Không. Hay là tay? Không. Hay làm mất đi sự đau đớn của vết thương? Không. Có nghĩa là danh dự là một nhà phẩu thuật tồi? Tất nhiên rồi. Thế danh dự là gì? Nó là ngôn từ. Cái gì được dặt vào trong từ đó? Không khí. Một món lợi tốt. Ai có được danh dự? Những ai chết vào ngày thứ tư. Mà anh ta có cảm thấy nó không? Không. Có nghe thấy nó không? Không. Nghĩa là danh dự là cái không cảm thấy được? Đối với người chết thì nó không cảm thấy được. Nhưng có thể nó vẫn sống giữa mọi người sống. Không. Tại sao? Những lời phỉ báng không cho phép điều đó. Đó chính là lí do vì sao mà tôi không cần danh dự. Nó giống như là cái mộc có gắn huy hiệu, là cái mà người ta mang theo vào quan tài. Đó là toàn bộ câu chuyện.

W. Shakespeare toàn tập, tám tập, M., 1959.

Falstaf là một thằng hèn nhát. Nhưng tính khách quan của thiên tài Shakespeare đã bắt chúng ta nghe không phải là những lời ca cẩm của thằng hèn, mà là sự trình bày một quan niệm báo trước của luân lí học duy cảm. Hàng trăm năm trôi qua, và Falsstaf đã trình bày tư tưởng đó một cách đầy đủ, khách quan hơn hẳn nhân vật Franz Moor của Schiller. Trong lời độc thoại của Falstaf, trước mắt ta, không phải là lời của thằng hèn, mà là sự dũng cảm của một nhà lí thuyết, một kẻ không sợ đưa ra một kết luận cực đoan từ các tiền đề xuất phát. Một nhân vật hài ở đây đã trở thành nhà tư tưởng, mà xung đột ở đây trở thành xung đột có tính chất xung đột của các tư tưởng. Mỗi tư tưởng trong đó tự bản thân nó không chỉ có cơ sở tâm lí mà còn có cơ sở logic của nó.

Lập trường đối lập của Falstaf được thực hiện trong văn hoá như là cái tương đồng với chủ nghĩa anh hùng, là cái tìm thấy sự thể hiện cực đoan trong một sự điên cuồng có tính anh hùng. Lời đề từ bằng tiếng A râp trên tấm huân chương của Samil, trong bộ sưu tập của Ermitag ghi: Ai mà thấy trước hậu quả thì sẽ không nhận được cái vĩ đại. Trong mấy lời này đã chứa đựng một triết lí hoàn chỉnh về lịch sử. Nó nhắc ta nhớ lại vô vàn sự tương đồng của sự điên cuồng anh hùng cho đến “Những kẻ mất trí”[1]. Beranger qua bản dịch của V. Kurochkin, đã gợi lên một phản ứng to lớn trong môi trường dân tuý Nga.

Hình thức đặc biệt của chiến thắng cái chết và khắc phục nó là sự tự sát.(Chẳng hạn sự tự sát có tính toán, có chuẩn bị của vợ chồng Paul Laphargue, con rể và con gái của Marx.)

Cuốn sách dày dặn của Misen Vovel Cái chết và phương Tây, từ 1300 đến hôm nay ( Vovell Michel La more et l’Occident. De 1300 a nos jours. Gallimard, 1983) cho thấy một cách thuyết phục rằng tính ổn định và tính hạn chế của ngôn ngữ xuất phát là cái kích thích của những biến đổi dữ dội đã biến nội dung xuất phát thành tính hình thức. Chính điều đó cho phép, sau khi biến tư tưởng về cái chết thành một tập hợp những phương tiện biểu hiện, nhằm tách cái chết khỏi cái nghĩa thứ nhất của nó và biến nó thành một trong những ngôn ngữ phổ quát của văn hoá.

 

Một quá trình tương tự như thế cũng diễn ra trong các biểu tượng văn hoá về sex. Sai lầm căn bản của chủ nghĩa Freud là ở chỗ không thấy cái sự thật là một cái gì muốn trở thành ngôn ngữ thì phải trả giá cho sự  mất mát về tính thực tại trực tiếp và chuyển nó sang phạm vi thuần tuý hình thức – “trống rỗng” và vì thế mà sẵn sàng cho bất cứ nội dung nào. Còn khi vẫn giữ tính thực tại cảm xúc trực tiếp (và bao giờ cũng mang tính cá nhân), mang cơ sở sinh lí học của nó, thì sex không thể biến thành ngôn ngữ phổ quát của văn hoá. Muốn thế nó cần phải được hình thức hoá, hoàn toàn tách khỏi tính dục như là một nội dung. Những thời đại mà trong đó sex được coi là đối tượng chú ý đặc biệt của văn hoá – chính là thời đại mà cái sinh lí sex đã suy thoái chứ không phải là phồn vinh. Từ lĩnh vực kí hiệu học văn hoá nó biến thành một thực tiễn sinh lí có tính thứ cấp, nhưng đó chỉ là một ẩn dụ có tính thứ ba của văn hoá.  Những ý đồ muốn làm sống lại thành thực tiến sinh lí những gì mà văn hoá đã sản sinh ra, đến lượt mình, bằng ngôn từ  lại biến cái  không phải văn hoá thành ẩn dụ về tính dục, như Freud đã làm, còn sex là một ẩn dụ của văn hoá. Đối với điều này sex chỉ yêu cầu một điều: làm cho nó không còn là sex nữa.

Tác phẩm văn học trong khi đưa chủ đề cái chết vào bình diện cốt truyện, trên thực tế cần phải phủ định nó. Nhà thơ Bloc, trong văn bản đã dẫn trên kia, với một ý thức rất sâu sắc đã vạch ra sự khác biệt về nguyên tắc của cái mở đầu và kết thúc trong cuộc đời và trong nghệ thuật, tính tương đối của việc miêu tả cái chết trên sân khấu và tính tuyệt đối của nó trong cuộc đời. Lenski chết vì đấu kiếm trong kịch opera đã lập tức làm dấy lên một tràng vỗ tay, nhưng điều đó đồng thời không ngăn trở chúng ta cảm thấy tính bi kịch của cái chết và cảm thấy tính thực tại của nó không hề kém sâu sắc hơn là cái chết trong thực tại.

 

Tính thực tại của thể nghiệm trực tiếp được thay thế bằng tính thực tại của phân tích trong tư duy lí thuyết. Trong không gian của nghệ thuật cả hai tính thực tại này đan cài vào nhau. Nhưng vấn đề cái chết và cốt truyện còn có một phương diện nữa. Pushkin kết thúc khổ thơ viết về cái chết của Lenski trong Evgenii Onegin bằng lời xen trữ tình, trong đó chứa đựng những suy tư về các sự kiện dường như có thể xảy ra, nhưng lại không xảy ra do cái chết của Lenski trong cuộc đấu súng, làm thay đổi căn bản cảm xúc của người đọc đối với thực chất của cốt truyện.  Tính thực tại xuất hiện trước người đọc như là sự phá huỷ cả một mớ các khả năng tiềm tại. Những gì đã xảy ra nhợt nhạt hơn so với những gì có thể xảy ra.

 

Rất có thể chàng sinh ra cho danh vọng,

        Cho bao điều tốt đẹp trên đời,

        Tiếng đàn lia của chàng dù đã tắt rồi,

        Sẽ vang mãi không ngừng bao thế kỉ.

        Rất có thể ở bậc thang cao quí,

        sẽ dành riêng chỗ đứng một nhà thơ.

        Bóng dáng đau thương của chàng

        rất có thể đã mang theo một bí mật thiêng liêng

        Và với chúng ta  tiếng nói yêu đời đã chết.

        Và theo sau nấm mộ đen kia

         Sẽ không có khúc tụng ca của thời gian

        Không có những lời tốt đẹp nồng nàn bốc lửa.

       

        Kết thúc đời mình bằng đầu độc 

        Mà chưa kịp làm điều gì tốt đẹp,

        Than ôi, chàng đã có thể đạt cái vinh quang bất diệt,

        chất chồng trên các trang nhật trình

        bằng lời dạy dỗ mọi người, lừa dối người thân,

        trong tiếng sấm vỗ tay hay của lời nguyền rủa,

        Chàng có thể thực hiện con đường khủng khiếp,

        Để cho hơi thở cuối cùng,

        Nhằm đến những chiến công vang dội,

        Như Kutuzov của ta, như Nelson.

       

        Hoặc là bị đi đày như Napoleon,

        Hoặc hiến dâng đời mình như Rưleev.

        Mà trái lại cũng còn có thể 

        Chờ nhà thơ một số phận bình thường,

        Sẽ trôi qua những tháng năm tuổi trẻ,

        Nguội lạnh dần ngọn lửa của tâm hồn,

        Trong tất cả chàng sẽ thay đổi hết,

        Chia tay các nàng thơ và lấy vợ,

        Sống hạnh phúc ở nông thôn và rồi cũng mọc sừng,

        Chàng sẽ khoác áo dài có đai lưng,

        Nếm trải cuộc đời cho đến nơi đến chốn,

       Sẽ có nhiều ốm đau khi vào tuổi bốn mươi,

       Uống, ăn, buồn, béo phì, thịt nhão.

       Và cuối cùng nằm chết trong  chăn đệm,

       Giữa tiếng khóc của vợ, con và thầy thuốc.

 

Pushkin đặt người đọc trước một mớ các quỹ đạo phát triển tiếp theo có thể xảy ra vào thời khắc khi Onegin và Lenski đi về phía nhau và chỉa súng lên. Trong thời điểm đó mà dự báo chỉ một trạng thái sự vật xảy ra là không thể. Ở đây cần phải tính đến, rằng Lenski – một sinh viên trường đại học Đức, phải là một tay súng rất giỏi.

 

Điều này đã được Boris Ivanov chỉ ra trong sách ở phía xa của tiểu thuyết tựdo (M., 1959), một cuốn sách lạ lùng về tư tưởng chung và lúc đó đã gây nên những ý kiến phê bình của tác giả những dòng này, nhưng đã trình bày những kiến thức lớn trong một số vấn đề và đáng được chú ý. Xem thêm. V. Nabokov.  Eugene Onegin. A novel in Verse by Aleksander Pushkin. Translated from Russian, with a  Commentary, by Vladimir Nabokov. infourvolumes, London, 1964.

 

Một tình huống tương tự là cuộc đấu súng giữa Pushkin và Dantes. ở đấy, nơi mà những người tham gia đấu súng không chỉ nhằm trao đổi nhau hai tiếng súng để rồi sau đó  dàn hoà nhau, thực hiện một nghi thức danh dự, mà là cương quyết đưa đối thủ đến chỗ chết, thì chiến thuật tự nhiên của người quyết đấu là ở chỗ, không vội vàng nổ súng đầu tiến, nhất là khi đang bước. Khai hoả khi đang bưíơc hạ thấp hai lần khả năng tiêu diệt đối thủ. Đặc biệt là khi người quyết đấu co dụng ý bắn vào chân hay vào vai để là đối thủ bị thương nặng, nhưng không giết chết anh ta, hay bắn trúng vào đầu hay vào bụng để hạ gục đối thủ tại chỗ. Bởi thế người đọ súng có kinh nghiệm, tức là có máu lạnh và có tính toán, cho phép đối thủ bắn mình khi vừa cất bước. Sau đó dụ đối thủ đi đến chỗ rào ngăn cách, và theo tầm ngắm của mình có thể định đoạt số phận của đối thủ một cách chính xác. Đó là chiến thuật của Pushkin, là người quyết tâm hạ gục hay làm bị thương nặng Dantes, bởi vì chỉ có như thế ông mới xé toạc tấm lưới đang chụp xuống ông. Sau khi có kết quả đấu súng như thế ông có thể chỉ bị đi đày ở làng Mikhailovsko (ông không phải quân nhân, tất nhiên không phải giáng chức xuống làm lính, việc đi đày ở nông thôn chỉ thực hiện trước khi xưng tội trong nhà thờ.)

 

Natalia Nicolaievna cố nhiên là sẽ phải đi cùng ông. Đó chính là điều mà Pushkin mong muốn. Nhưng Dantes không để cho Phushkin có lựa chọn khác. Y khinh bỉ đối thủ của mình (một người chồng dị tướng với một người vợ đẹp – một hình ảnh hài hước truyền thống). Là một kẻ suy nghĩ nôn cạn, lại có thói trác táng quý tộc, Dantes nhìn thấy trong cuộc đấu súng một sự kiện mua vui, và biết đâu, rất có thể y không phải từ bỏ cuộc sống dễ chịu, vui vẻ, gắn liền với sự thăng tiến công chức ở Peterburg. Pushkin cũng giống như Lenski, không vội vàng nổ súng trước. Nhưng nếu như Onegin bắn trước, và ở một khoảng cách xa, vì thế mà rõ ràng không có dụng ý đem dến kết cục đổ máu, thì trái lại, chiến thuật của Dantes là khác, là một tay đấu sũng lão luyện, y đoán ra chiến thuật của Pushkin và nổ súng trước để cảnh cáo tiến súng của đối thủ, nhằm giết chết anh ta từ điểm xuất phát.

 

Cũng giống như trong Chiến tranh và hoà bình, người nổ súng trước là Pie, không nhừm gây đổ máu hay làm bị thương nặng đối Dolokhov(ngoại trừ trường hợp ngẫu nhiên mà giết chết đối thủ)

 

Chúng ta nhận thấy trường hợp tay súng lão luyện, mà ở đây Dantes là như vậy, trong khi bắn từ bước thứ nhất, viên đạn bắn ra không trúng ngực Pushkin, mà trúng vào bụng, có khả năng tạo thành một vết thương nặng, có thể chết người (như thế dù sao cũng không tăng nặng tội của hai người đấu súng).

 

Chúng ta cần các suy luận như thế để nghĩ theo Pushkin rằng, các khả năng tiềm tại như thế vẫn chưa được thực hiện vào thời điểm khi viên đạn của Onegin chưa bay ra khỏi nòng súng của anh ta. Nhưng khi Onegin đã bắn, “giờ phút tang tóc đã điểm”… Trước thời khắc đó, với xác suất như nhau có thể là một vị tướng vĩ đại trong tương lai, “như Cutuzov và Nelson của chúng ta”, kết thức cuộc đời bằng cuộc đi đày như Napoleon, hay trên đoạn đầu đài như Rưleev, cũng có thể làm nhà thơ lớn như  hay sống cuộc đời trưởng giả lâu dài ở nông thôn, “hạnh phúc và mọc sừng”. Trong tiểu thuyết cái chết của Lenski đã được xác định bằng cấu tứ của hhà thơ, còn trong thực tế đời sống, một tương lai xác định vào giờ phút nổ súng là chưa tồn tại, mà tồn tại một mớ các tương lai khr nhiên. Tương lai nào được thực hiện, trước mắt ta đều là ngẫu nhiên. Tính ngẫu nhiên là sự can thiệp vào sự kiện tự một hệ thống nào khác. Chẳng hạn không nên loại trừ cả việc Dantes (hay Onegin), có thể vào thời điểm khi ngón tay của họ kéo cò, thì bị trượt chân trên mặt tuyết bị dẫm lên, khiến bàn tay hơi run nhẹ, cơ hồ không cảm thấy, viên đạn giết người bay sượt qua. Và lúc đó, viên đạn khác từ cây súng của tay thiện xạ Pushkin (hay của chàng sinh viên lưu học ở Đức Lenski), trở thành dấu  ấn chết người. Nếu như Lenski phải khóc cho người bạn thân yêu, còn cuộc đời của Pushkin thì đi theo những con đường khác, không thể dự đoán trước được.

 

Các suy luận kiểu: Pushkin số đã định thế, nếu không phải viên đạn của Dantes thì tình huống khác cũng dẫn ông vào cái chết bi đát như thế, và rằng, tất nhiên, ví dụ này không nên xem như là ngẫu nhiên, đều đứng trên sự thay thế nhầm lẫn các hiện tượng. Quả thực, nếu xem số phận cuảe Pushkin trong khung cảnh hai năm cuối đời của ông, thì số phận ấy hoá ra hoàn toàn có thể dự đoán trong những nét chung, và không thể coi là ngẫu nhiên. Nhưng không nên quên rằng, ở đây chúng ta đã thay đổi bối cảnh và do đó mà thay đổi đối tượng được xem xét. Trong bối cảnh đó chúng ta đánh giá những bình diện hết sức chung, trong đó sự kiện thực tế được coi là dự báo. Nhưng nếu chúng ta đánh giá một sự kiện riêng lẻư – cuộc đấu súng – thì tính chất báo trước hay không thể báo trước lại hoàn toàn thay đổi. Coá thể nói rằng, Pushkin trong những năm ở Peterburg, số phận của ông đã được định đoạt. Nhưng không thể nói rằng, vào thời điểm, khi ông cầm khảu súng lục trong tay, số phận ông đã được định đoạt. Cùng một sự kiện, phụ thuộc vào bối cảnh nào chúng ta đặt nó vào, có thể thay đổi mức độ báo trước.

 

Thời điểm đó là thời điểm bùng nổ của tính không thể đoán trươc: nó cung cấp một tập hợp các khản năng xác suất ngang nhau, từ đó chỉ có một khả năng được thực hiện, Nhìn về quá khứ, chúng ta thấy có hai kiểu sự kiện: sự kiện thực tại và ssự kiện khả nhiên. Sự kiện thực đối với chúng ta có địa vị là sự thật, và chúng ta quen nhìn thấy trong đó cái có khả năng duy nhất. Các khả năng không trở thành hiện thực đối với chúng ta là những khả năng không hiện thực một cách định mệnh. Chúng trở thành những khả năng yểu mệnh. Toàn bộ nguyên lí đều xây dựng trên cơ sở đó. Chẳng hạn như triết học Hegel. Pasternak đã nhầm trong trích dẫn sau:

 

Có một lần Hegel vô ý,

Và có thể là, gặp may,

Gọi nhà sử học là tiên tri,

Người dự báo quá khứ.

 

quy cho Hegel ý kiến cho rằng, A. Schlegel (Sự thật này lần đầu tiên do L. Fleishman xác định), nhưng, tính không chính xác của nó phần lớn đã tự nó chứng tỏ. Lời nói hóm hỉnh khiên Pasternak chú ý, quả thực đã phản ánh rất sâu sắc các nguyên lí trong quan niệm của Hegel và thái độ của ông đối với lịch sử. Cách nhìn hồi cố cho phép nhà sử học nhìn ra cái quá khứ từ hai điểm nhìn: đứng ở tương lai đối với sự kiện được miêu tả, nhà sử học nhìn thấy trước mắt mình toàn bộ chuỗi các hành động đã thực hiện; đặt mình vào quá khứ với cái nhìn trí tuệ và nhìn từ quá khứ đến tương lại, thì ông ta đã biết các kết quả của quá trình. Nhưng các kết quả đó dường như chưa được thực hiện, và hiện ra với người đọc như là những dự báo. Trong tiến trình của quá trình đó cái ngẫu nhiên từ phía lịch sử đã hoàn toàn biến mất. Tình trạng của nhà sử học có thể ví với tình trạng của người xem kịch đi xem lần thứ hai: khi ấy một mặt anh ta đã biết vở kịch sẽ kết thúc như thế nào, cái phần dự đoán kết quả cốt truyện của anh ta không có nữa.  Vở kịch đối với anh ta dường như đã nằm trong thời quá khứ, từ đó anh ta có thể rút ra các tri thức của truyện kể. Nhưng đồng thời với tư cách người xem nhìn lên sân khấu, anh ta vẫn ở trong thời hiện tại, và thể nghiệm lại những điều chưa biết, cái chưa biết của mình về cái cách kết thúc của vở kịch. Các cảm xúc gắn bó nhau và loại trừ nhau hoà trộn với nhau một cách nghịch lí về một cái cảm xúc đồng thời.

 

Như vậy sự kiện diễn ra trong quá khứ hiện ra trong một cái nhìn có nhiều lớp: một mặt, với kí ức về sự bùng nổ vừa thể nghiệm, và mặt khác nó lại có các đường nét của một  định mệnh không sao tránh được. Điều sau cùng về mặt tâm lí gắn với khát vọng muốn trở về quá khứ lần nữa để “sửa chữa” trong kí ức mình hay trong sự kể lại. Về mặt này cần phải đứng trên cơ sở tâm lí của sự viết hồi kí, mà rộng hơn, đứng trên cơ sở tâm lí học của các văn bản lịch sử.

 

Các nguyên nhân kích thích cho văn hoá tái tạo lại quá khứ của mình là rất phức tạp và đa dạng. Giờ đây chúng ta chỉ dừng lại với một nguyên nhân, mà có thể sớm hay muộn sẽ thu hút sự chú ý. Chúng ta nói tới nhu cầu tâm lí muốn làm lại quá khứ, đưa vào đó sự sửa chữa, qua đó thể nghiệm cái quá trình được điều chỉnh với tư cách là một thực tại chân lí. Như vậy là vấn đề đặt ra là sự biến đổi của kí ức.

 

Chúng ta đã biết có vô số câu chuyện như là truyện cười về kẻ nói dối và những kẻ giàu trí tưởng tượng, làm u mê đầu  người nghe của mình. Nêu nhìn hiện tưọng đó theo quan điểm động cơ tâm lí văn hoá của hành động tương tự thì có thể giải thích hiện tượng đó như là sự nhân đôi sự kiện và phiên dịch nó sang ngôn ngư của kí ức nhưng không nhằm xác nhận tình thực tại, mà nhằm sửa chữa tính thực tại đó dưới dạng có thể chấp nhận được. Khuynh hướng đó không tách rời khỏi khái niệm kí ức, và thông thường cũng không tách rời khỏi cí mà người ta vẫn gọi không chính xác là sự lựa chọn mang tính chủ quan về các sự thực.  Nhưng trong nhưng trường hợp riêng, chức năng này của kí ức bị phì đại quá mức. Ví dụ cho các trường hợp này là các hồi kí nổi tiếng của nhà Tháng Chạp D. I. Zavalishin. Dmitri Irinarkhovich Zavalishin đã trải qua một cuộc đời bi kịch. Đó, không bàn cãi gì nữa, là một con người tài năng, có nhiều kiến thức vượt trội hơn hẳn các nhà Tháng Chạp khác. Zavalishin vào năm 1819 đã tốt nghiệp xuất sắc lớp Kađê, thực hiện một cuộc du lịch vòng quanh thế giới bằng đường biển, sớm thu hút chú ý về mình về một số tì năng, ví như toán học. Hình như trước mắt ông đã mở ra một viễn cảnh tốt đẹp trên con đường tiến thân đường quan chức. Ông là con một vị tướng, nhưng lại không có các mối liên hệ bền vững cũng không giàu có. Nhưng học thức và tài năng đã mở ra trước mắt ông nhưng viễn cảnh lạc quan nhất. Thế nhưng Zavalishin có một tính chất làm thay đổi hoàn toàn số phận của ông. Ông là người nói dối. Pushkin đã có lần nhận xét, rằng “khuynh hướng dối trá không phương hại cho sự chân thành và tính bộc trực.”(Pushkin toàn tập, M., 1937, T. 2, tr. 273.), nhất là vào thời niên thiếu.

 

Trong ý nghĩa này Zavalishin vẫn là trẻ con suốt đời. Mặc dù cuộc đời ông ta đã khá chói sáng, nhưng đối với ông như thế vẫn chưa đủ. So với sự bay bổng của trí tưởng tượng thì như thế vẫn còn là mù mờ và không thú vị. Ông trang sức nó bằng sự  dối trá. Chẳng hạn ông gửi cho Alexandr đệ nhất một bức thư, trong đó ông miêu tả cho nhà vua kế hoạch tổ chức một âm mưu quân chủ toàn thế giới. (Alexandr thông qua Shíhkov báo cho Zavalishin biết, rằng không tìm thấy việc thực hiện thuận lợi kế hoạch đó. ) và đồng thời cũng dự kiến thành lập một thuộc địa rộng lớn từ thủ đô đến bờ Tây bắc Mĩ. Không lâu trước cuộc khởi nghĩa của các nhà Tháng Chạp ông nhận được thông tin về việc có một tổ chức bí mật và muốn tham gia vào tổ chức ấy. Nhưng Ryleev không tin ông ta, và tìm cách ngăn trở việc ông ta gia nhập vào nhóm các nhà Tháng Chạp. Thực tế Zavalishin có tham gia vào tổ chức Tháng Chạp hay không vẫn là điều không rõ. Ít nhất ông không tham gia vào đời sống thực tế của Hội miền Bắc. Nhưng điều đó không trở ngại cho ông ta mạo hiểm tiếp nhận một số thanh niên trẻ tuôỉ vào cái hội tưởng tượng của ông ta, cái hội mà ông ta hình dung là một tổ chức hùng mạnh, có tính chất quyết định. Có thể tưởn tượng ông ta say sưa thế nào khi vẽ ra trước người nghe của ông ta một bức tranh hoàn toàn tưởng tượng một âm mưu quyết định và đẫm máu.

 

Một sự huênh hoang không thể không bị trừng phạt. Ngược với việc thâm gia chút ít vào phong trào của các nhà Tháng Chạp, Zavalishin bị tuyên án tù chung thân như một trong những kẻ âm mưu nguy hiểm nhất.  Ông không từ bỏ các kế hoạch tưởng tượng ngay khi bị đi đày. Trong tập hối kí khi thì ông kể về sự chia rẽ của các nhà Tháng Chạp  đang đi đày đối với các nhà dân chủ (mà người đứng đầu, tất nhiên là chính ông ta.) và các nhà quý tộc, khi thì ông kể về âm mưu chạy trống khỏi Siberi, qua Trung Quốc ra biển Thái Bình Dương. Giả thiết rằng giữa các nhà Tháng Chạp bị đày có sự những câu chuyện loại đó, thì việc thực hiện nó cũng chỉ nằm trong lĩnh vực ước mơ. Nhưng trong ý thức Zavalishin câu chuyện đó đã biến thành một kế hoạch được suy nghĩ kĩ càng, chuẩn bị chi tiết, chỉ vì ngẫu nhiên mà không thực hiện được. Nhưng đỉnh cao tưởng tượng của ông ta là những trang hồi kí ông viết vào những nagỳ cuối đời. Zavalishin “sực nhớ lại” cuộc sống bi kịch trần đầy thất bại, như trong thực tế, mà là cuộc sống tưởng tượng rực rỡ, tạo thành từ một số thành công của ông ta. Toàn bộ cuộc đời ông chờ đợi những niềm vui, sự thừa nhận, nhưng câu chuyện thuở bế, (chẳng hạn chi tiết với Berhadot), ông tưởng tượng một cách sinh động câu chuyện của tướng Ivolghin trong Chàng ngốc của Dostoievski kể về cuộc chia tay với Napoleon. Gia nhập vào hội kín, Zavalishin, theo những câu chuyện của ông ta, ông lập tức trở thành người đứng đầu của nó. Ông nhớ lại” những bức tranh vô vàn cuộc họp bí mật nẩy lửa, mà các thành viên đã nhóm lại chỉ để nghe Zavalishin, Ryleev ghen tỵ với ông ta, địa bàn của Ryleev ở Peterbyrg nhỏ thảm hại, trong khi đó Zavalishin có khả năng tổ chức các trung tâm bí mật lớn tại thành phố ở các tỉnh. Chuyến đi của ông đến Simbirsk trước khi cuộc khởi nghĩa nổ ra được ông ta miêu tả như một cuộc thanh tra đối với tôe chức bí mật với mục đích xem lại việc chuẩn bị khởi nghĩa đã tiến hành như thế nào. Khi đến Simbirsk ông ta được những người công tác bí mật vui mừng đón tiếp, báo cáo với ông ta các hoạt động của họ. Và mặc dù tất cả các điều đó, hồi kí của Zavalishin trở thành tư liệu quý báu nhất để nghiên cứu tâm lí ông ta, chứ không phải để nghiên lịch sử các nhà Tháng Chạp. Chỉ cấn có một số đính chính là có thể loại bỏ thực tại khỏi sự tưởng tượng. Nghiên cứu các tài liệu nói dối như thế cũng chẳng thú vị gì đối với  quan điểm tâm lí học. Karamzin có lần nói về thơ đã viết:

 

Ai là nhà thơ? Kẻ nói dối dẻo mồm.

Cho anh ta vinh quang, cho vòng hoa.

 

Và ở một chỗ khác:

 

Dối trá, không thật, bóng ma của chân lí.

Hãy là nữ thần của tôi lúc này.

 

Đó – cái bóng ma của chân lí –  là điều hết sức quan trọng. Đó là công thức để bắc chiếc cầu từ cái giả của Zavalishin đến thi ca.

 

Câu thơ Tôi muốn hiểu em…của Pushkin và câu của Baratynski Ôi đàn lia, hãy tặng cho cuộc sống những điều ngươi muốn… khép lại cái vòng tròn suy nghĩ về hiện thực trong tính cắt rời và tính không thể chia cắt của nó.

 

Trần Đình Sử dịch từ tiếng Nga, trong sách: Ju. M. Lotman và trường phái kí hiệu học Tartu – Matscva, M., nxb. Gnozis, 1994, tr. 417 – 430.


[1]  Thật giống câu Thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ nhì sợ kẻ điên khùng liều thân. ND.