Slavoj Zizek – Phòng tra tấn bằng thơ của ngôn ngữ

Max Ernst, Retrospective

Tiểu luận này của Slavoj Zizek tuy ngắn nhưng đọc không dễ, dịch càng nhọc nhằn. Tuy nhiên, tôi đã tiếc vì không đã chú ý đến Zizek khi làm luận án, thời kỳ tôi đã băn khoăn tìm kiếm ý nghĩa chìm bên dưới những nỗ lực cải tạo ngôn ngữ, những trò chơi ngữ âm, ngữ nghĩa vừa khoái cảm, vừa vật vã của những nhà thơ Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng… Zizek có một ý thật hay, có thể gợi mở những suy nghĩ xa hơn: đường vào lời nói tự nó đã là một dữ kiện chấn thương.

Bài luận ngắn này của Zizek đưa ra những thí dụ rất thú vị: vào thời của những thể chế toàn trị, luôn có những hành vi cải tạo, bẻ cong, uốn nắn ngôn ngữ, tạo ra những kiểu ngữ pháp đặc thù mà đi cùng với những hành vi này là tính bạo lực (không thuần túy chỉ là một ý niệm tinh thần hay siêu hình). Đằng sau một cách diễn đạt bị động, “ông ta bị mất tích”, là cả những trấn áp tàn bạo. Giờ mới hiểu vì sao Trần Dần lại thốt lên không quá lời: “Anh hãy thử mó vào một dấu phảy văn phạm/Vuốt râu hùm xám còn đỡ sợ hơn”.

Trong tay các nhà độc tài, ngôn ngữ bị thao túng để tạo nên một cơn mê sảng tập thể mà chủ nghĩa dân tộc là một cơn mê ấy. Ta sẽ hiểu hơn vì sao cái thời Chế Lan Viên thú nhận, “bao năm hát, giờ tôi tập nói”, cũng là lúc ông đã “chất vấn”, “hỏi cung” chính những bài thơ trước đây của mình trong bài thơ “Ai? Tôi?”. Nếu cần phải tra tấn ngôn ngữ để nó nói lên sự thật thì nhiệm vụ của thơ cũng là tra tấn chính bản thân thơ, cứu thơ ra khỏi chỗ là cơn mê sảng, cơn lên đồng tập thể. Thơ, khi ấy, sẽ dữ dội, tàn nhẫn, như chính những phép tra tấn. Thơ là nơi ngôn ngữ bị đưa vào để tra tấn. Sự thật của thơ, vì thế, luôn là sự thật mang tính cá nhân rất cao.

Bài dịch này có thể rất, rất không ổn. Nhưng tôi post lên đây để chia sẻ và sẵn sàng ghi nhận những góp ý về cách dịch, cách hiểu. Tôi cũng sẽ chú ý hơn đến Slavoj Zizek trong những tìm hiểu sau này của mình về thơ và về văn học chấn thương.

*

Lời phán của Plato nên tống cổ các nhà thơ ra khỏi thành bang khiến ông chịu mang tiếng hơn là được ghi nhận như một lời khuyên tinh tế từ kinh nghiệm hậu Nam Tư, nơi sự thanh tẩy sắc tộc đã được dọn đường bởi những giấc mộng nguy hiểm của các nhà thơ. Thực vậy, Slobodan Milosevic[1] đã “thao túng” những đam mê mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa – song chính các nhà thơ đã là những kẻ trao cho ông ta thứ cần thiết để có thể thực hiện sự thao túng ấy. Chính họ – những nhà thơ chân thành, chứ không phải những chính trị gia đồi bại – mới là nguồn gốc của tất cả chuyện này, nếu ta nhớ lại từ thập niên 70 và đầu 80, họ đã bắt đầu gieo những hạt giống của chủ nghĩa dân tộc hung hăng không chỉ tại Serbia mà còn ở nhiều quốc gia vốn thuộc cộng hòa Nam Tư cũ. Thay vì liên hợp công nghiệp-quân sự, ở thời kỳ hậu Nam Tư, chúng ta có liên hợp thơ ca-quân sự, được nhân hóa trong hình tượng bộ đôi Radovan Karadzic[2] và Ratko Mladic[3]. Karadzic không những là một nhà chính trị, nhà quân sự tàn nhẫn mà còn là một nhà thơ. Không nên coi thơ ông ta là cái gì đó lố bịch – nó xứng đáng được đọc cẩn thận vì nó cho ta chìa khóa để hiểu sự thanh tẩy sắc tộc diễn ra như thế nào. Đây là những dòng thơ đầu tiên của một bài thơ không đề, với lời đề tặng: “… Tặng Izlet Sarajilic”:

Này đám đông, hãy đi theo đức tin mới của ta

Ta sẽ mang đến cho anh em những gì chưa từng ai trước đó mang đến

Ta mang đến cho anh em cả bão tố và rượu vang

Những kẻ không có bánh mì sẽ được ăn ánh sáng từ vầng Mặt Trời của ta

Này anh em, trong đức tin của ta, không có gì bị cấm đoán

Chỉ có yêu đương, chỉ có say sưa

Và nhìn Mặt Trời thỏa thuê, tùy các anh em muốn

Vị Thượng đế này chẳng cấm anh em điều chi

Hãy nghe theo tiếng gọi của ta, hỡi những người anh em đạo hữu!

Sự dỡ bỏ những ngăn cấm về đạo đức ở bình diện siêu ngã (superego) là đặc điểm quan trọng của chủ nghĩa dân tộc “hậu hiện đại” ngày hôm nay. Ở đây, cái khuôn sáo mà niềm say mê khẳng định bản sắc dân tộc đã dựa vào đó để khôi phục một tập hợp bền vững những giá trị và niềm tin giữa bối cảnh bất an của một xã hội thế tục hiện đại mang tính toàn cầu giờ đang được nâng tầm: một thứ chủ nghĩa dân tộc “chính thống” giờ đúng hơn đóng vai trò như một nhân tố điều hành của một bí mật, nay hầu như chẳng cần phải giấu giếm gì nữa: “Các anh được phép!”. Nếu không nhận thức đầy đủ về hiệu ứng giải phóng “giả” thái quá của chủ nghĩa dân tộc ngày hôm nay, về cách mà cái siêu ngã dễ dãi, đàng điếm đã bổ sung cho cấu trúc ngoại hiện của luật tượng trưng xã hội (social symbolic law), chúng ta sẽ đi đến chỗ kết tội chính mình vì đã không nắm bắt được sự năng động đích thực của nó.

Trong Hiện tượng học tinh thần, Hegel đề cập đến “sự dao động tinh thần” không ngừng, âm thầm: đó là sự diễn ra dưới ngầm những đổi thay về sự liên minh ý thức hệ (ideological coordinates) mà người thường hầu như không thể nhìn thấy, để rồi bất ngờ nổ tung, làm mọi người đều kinh ngạc. Đó là những gì đã diễn ra ở Nam Tư cũ ở những năm 70-80, đến nỗi khi mọi thứ bùng vỡ ở cuối thập niên 80, tình hình đã quá trễ, sự thống nhất của ý thức hệ cũ hoàn toàn mục rã, tự sụp đổ. Nam Tư thập niên 70-80 giống như con mèo nổi tiếng trong phim hoạt hình, nó cứ tiếp tục đi trên vách – nó chỉ lộn cổ rơi xuống khi cuối cùng nó nhìn xuống và nhận ra không có cái nền chắc chắn nào dưới chân mình cả. Milosevic là người đầu tiên bắt chúng phải thật sự nhìn xuống từ vách núi ấy.

Sẽ là quá dễ dãi nếu xem Karadzic và những người cùng chí hướng với ông ta như những nhà thơ tồi: ở những đất nước vốn thuộc Nam Tư cũ (và ngay Serbia) cũng có những nhà văn, nhà thơ được xem là “vĩ đại”, “chân thực” – những người cũng tham gia hết mình vào những dự phóng mang tinh thần dân tộc chủ nghĩa. Và còn nhà văn Áo, Peter Handke, một điển phạm của văn chương châu Âu đương đại, người đã đường hoàng dự đám tang Slobodan Milosevic thì sao? Cách đây gần một thế kỷ, khi liên hệ đến sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít ở Đức, Karl Kraus đã nói đầy châm biếm: nước Đức, nước của những nhà thơ, những nhà tư tưởng giờ đây đã trở thành nước của những viên thẩm phán và tay đao phủ – có lẽ một sự đảo lộn tương tự như vậy sẽ không làm chúng ta ngạc nhiên nhiều. Để tránh ngộ nhận rằng liên hợp thơ ca- quân sự không phải là một đặc sản của riêng vùng Balkan, ít nhất, chúng ta có thể nghĩ đến trường hợp Hassan Ngeze, một Karadzic của Rwanda, người đã làm lan tỏa một cách hệ thống tâm lý thù ghét chống lại người Tutsi và kêu gọi việc thảm sát cộng đồng này trên tờ báo Kanguara của mình.

Nhưng mối liên hệ giữa thơ ca và bạo lực có phải là một mối liên hệ ngẫu nhiên? Làm thế nào mà ngôn ngữ và bạo lực kết nối với nhau? Trong tiểu luận “Phê bình về bạo lực” (Critique of Violence), Walter Benjamin đã đặt câu hỏi: “Liệu có thể có chăng bất kỳ một giải pháp phi bạo lực nào cho xung đột?” Câu trả lời của ông là: một giải pháp phi bạo lực cho xung đột chỉ có thể có trong “những mối quan hệ giữa các cá nhân riêng tư,” trong phép lịch sự, sự cảm thông và tin cậy: “có một phạm vi mà sự đồng thuận giữa con người với con người mang phẩm chất phi bạo lực đến mức nó hoàn toàn không tiệm cận bạo lực: đó là phạm vi đúng nghĩa của sự ‘hiểu’ ngôn ngữ.” Luận điểm này bắt nguồn từ một truyền thống chính mạch, nơi ý niệm phổ biến về ngôn ngữ và trật tự tượng trưng là ý niệm về một phương tiện hòa giải và suy tưởng, của sự cùng tồn tại hòa bình, đối lập với phương tiện bạo lực của sự đối đầu trực tiếp và thô sượng. Trong ngôn ngữ, thay vì sử dụng trực tiếp bạo lực lên nhau, chúng ta dùng nó để tranh luận, để trao đổi lời nói – và một sự trao đổi như thế, kể cả khi khiêu khích, gây hấn đi nữa, vẫn tiền giả định một nhận thức tối thiểu về kẻ khác.

Tuy nhiên, liệu rằng con người hơn hẳn con vật ở khả năng gây bạo lực chính vì con người biết nói chăng? Có nhiều đặc điểm bạo lực của ngôn ngữ mà các triết gia, các nhà xã hội học từ Bourdieu đến Heidegger đã nghiền ngẫm. Song có một bình diện thể hiện sự bạo lực của ngôn ngữ không được đề cập đến trong triết học Heidegger – bình diện ấy lại trở thành tâm điểm của lý thuyết về trật tự tượng trưng trong lý thuyết của Lacan. Trong công trình của mình, Lacan đã tạo ra nhiều biến thể từ motif của Heidegger – ngôn ngữ là ngôi nhà của hữu thể: ngôn ngữ không phải là sáng tạo và là công cụ của con người, chính con người “cư ngụ” trong ngôn ngữ: “Phân tâm học nên là khoa học về ngôn ngữ mà chủ thể cư trú trong đó.” Những phép biến dạng ngôn ngữ như thể trong cơn hoang tưởng của Lacan, những cách vặn xoắn cốt truyện theo kiểu Freud mà ông bổ sung vào, bắt nguồn từ việc ông xác định đặc điểm của ngôi nhà này như là một phòng tra tấn: “Từ quan điểm mang ý hướng của Freud, con người là chủ thể bị bắt giữ và tra tấn bởi ngôn ngữ”.

Chính quyền độc tài quân sự ở Argentina từ năm 1976 đến 1983 đã tạo ra một thứ ngữ pháp đặc thù, một cách sử dụng theo lối bị động các động từ chủ động: khi hàng ngàn nhà hoạt động chính trị và trí thức theo cánh Tả mất tích và sau đó không bao giờ được nhìn thấy lại nữa, họ đã bị tra tấn và bị giết bởi giới quân sự – những người luôn phủ nhận mình biết gì về số phận của họ, họ được gọi là những người “bị mất tích”. Động từ “mất tích” ở đây không được dùng theo nghĩa đơn giản như một nội động từ, mà như một ngoại động từ chủ động: họ “bị mất tích” (bởi mật vụ an ninh). Dưới thời Stalin, một sự bẻ cong ngôn ngữ bất thường tương tự cũng đã tác động đến động từ “thôi giữ nhiệm vụ”: khi tin một ủy viên bộ chính trị nào đó “thôi giữ nhiệm vụ” được công bố rộng rãi (vì lý do sức khỏe, như một quy tắc) thì ai nấy đều hiểu ông ta đã thua trong cuộc tranh giành quyền lực giữa những phe phái trong bộ chính trị và người ta nói “ông ấy bị cho thôi giữ nhiệm vụ”. Và rồi, sẽ luôn có một hành động đi liền với người chịu tác động (ông ta bị thôi chức, ông ta mất tích) được diễn giải lại như là kết quả của hoạt động không rõ ràng bao giờ của một tác nhân khác (cảnh sát mật làm ông ta mất tích, bộ phận đa số trong bộ chính trị làm ông ta phải thôi chức). Và phải chăng chúng ta không nên nói giống hệt mệnh đề của Lacan, rằng con người không nói mà hắn bị nói? Vấn đề không nằm ở chỗ “con người bị nói đến”, tức chủ đề về lời nói của những kẻ khác, mà ở chỗ, khi con người nói thì đồng thời cũng là hắn “bị nói” theo đúng cái cách mà vị quan chức bất hạnh thời Cộng sản “bị cho thôi giữ nhiệm vụ”. Cái mà sự tương ứng này biểu thị là địa vị của ngôn ngữ, của “một kẻ khác đóng vai trò một Người giấu mặt”, như là phòng tra tấn của chủ thể.

Chúng ta vẫn thường coi lời nói của chủ thể, với tất cả những sự không nhất quán của nó, như là sự biểu hiện của những náo động nội tâm, những xúc cảm mơ hồ của chủ thể,v.v… Điều này cũng được đem áp vào tác phẩm nghệ thuật, từ đó, lối đọc phân tâm học được xem là có nhiệm vụ khai quật những náo động tâm lý hình thành nên những hình thức biểu hiện được mã hóa trong tác phẩm nghệ thuật. Có cái gì đó đã bị bỏ sót trong cách mô tả kinh điển như vậy: lời nói không chỉ nhận dạng hay biểu đạt một đời sống tâm lý chịu chấn thương; đường vào lời nói tự nó đã là một dữ kiện chấn thương rồi. Điều này cho thấy chúng ta nên đưa vào danh sách các chấn thương cả những nỗ lực của lời nói nhằm đối phó với những tác động chấn thương của bản thân lời nói. Mối quan hệ giữa những náo động tâm lý với hình thức biểu hiện nó trong lời nói, bởi thế, nên được nghĩ ngược lại: lời nói không chỉ đơn giản biểu đạt, diễn tả những náo động tâm lý; đến một điểm nhất định, chính những náo động tâm lý lại là phản ứng đối với những chấn thương của việc bị giam nhốt trong “phòng tra tấn của ngôn ngữ”.

Đấy cũng là lý do vì sao để sự thật được lên tiếng, việc dừng lại sự can thiệp chủ động của chủ thể và để ngôn ngữ tự nó nói lên là chưa đủ – như Elfriede Jelinek đã nói bằng một cách diễn đạt rất sáng rõ: “Cần tra tấn ngôn ngữ để nó phải khạc ra sự thật,” Cần phải bóp xiết, giải tự nhiên hóa, kéo căng, cô đặc, cắt, khớp nối ngôn ngữ, biến ngôn ngữ thành thứ chống lại chính nó. Ngôn ngữ như “Kẻ khác giấu mặt” không phải là một trung gian của một nhà hiền minh mà chúng ta cần hướng đến để lĩnh hội thông điệp, nó là một nơi của những sự lạnh lùng tàn nhẫn và của sự ngu ngốc. Hình thức cơ bản nhất của sự tra tấn ngôn ngữ của một người nào đó được gọi là thơ.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Slavoj Zizek, ““The Poetic Torture-House of Language”, http://www.poetryfoundation.org/poetrymagazine/article/247352

[1] Slobodan Milosevic (1941-2006), thủ lĩnh người Serb của Nam Tư cũ. Ông là tổng thống Serbia từ 1989 đến 1997, tổng thống Cộng hòa liên bang Nam Tư từ 1997 đến 2000, là nhân vật quan trọng của cuộc nội chiến Nam Tư những năm 1991-1992. Năm 2001, ông bị tòa án quốc tế La Hay xét xử vì tội diệt chủng và tội ác chống lại loài người do đã phát động các cuộc thảm sát thanh tẩy sắc tộc trong cuộc nội chiến Nam Tư.

[2] Radovan Karadzic (1945), cựu tổng thống cộng hòa Srpska, người cũng đang bị tòa án quốc tế xét xử vì tội ác chống lại loài người và diệt chủng trong cuộc nội chiến Nam Tư. Ông còn là một nhà thơ. Một nghiên cứu rất thú vị về thơ của ông có thể đọc theo link sau: http://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=710081

Tháng 9-2013, một hố chôn tập thể hơn 300 xác người được phát hiện ở Tomasica – vụ thảm sát được cho là do Karadzic phát động. Trong phiên xét xử mới nhất vụ án này, tháng 3-2014, Karadzic đã bác bỏ cáo buộc trên. Có lẽ đây là sự kiện để Slavoj Zizek viết bài này.

[3] Ratko Mladic (1942), thủ lĩnh quân sự người Serbia, một nhân vật cũng đang bị tòa án quốc tế La Hay truy tố vì những tội ác diệt chủng mà ông khởi xướng trong thời kỳ nội chiến Nam Tư.

1 thought on “Slavoj Zizek – Phòng tra tấn bằng thơ của ngôn ngữ

  1. Tân

    em đang suy nghĩ xem Torture-House có thể trực dịch là Căn nhà-Tra tấn được không? phòng tra tấn người ta hay dòng torture chamber. house ở đây rộng hơn và có yếu tố “thành viên” ở trong đó: những kẻ trong cùng một nhà.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s