Tag Archives: bệnh dịch

Byung-Chul Han – Virus mỏi mệt

Byung-Chul Han là giáo sư triết học người Đức gốc Hàn Quốc. Ông hiện đang giảng dạy Triết học và Nghiên cứu văn hóa tại University of Arts, Berlin. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách gây tiếng vang và được xem là triết gia người Đức được đọc nhiều nhất hiện nay.

Rơi nước mắt khi nghe bác sĩ kể công việc ở khu cách ly

*

Covid -19 đã trở thành tấm gương rọi ngược trở lại cho chúng ta thấy những khủng hoảng trong xã hội của mình. Nó hữu hình hóa một cách rõ rệt hơn những mầm bệnh vốn dĩ đã tồn tại trước đại dịch này. Có thể nói, chúng ta, tất cả, đều cảm thấy mỏi mệt vô cùng. Đây là sự mỏi mệt đã đi cùng chúng ta mọi nơi, mọi lúc, như cái bóng của chính chúng ta vậy. Trong thời gian đại dịch xảy ra, chúng ta thậm chí còn thấy mỏi mệt hơn nữa. Sự uể oải bất đắc dĩ của chúng ta trong thời kỳ phong tỏa khiến chúng ta mỏi mệt. Một vài người khẳng định rằng chúng ta sẽ khám phá lại vẻ đẹp của trạng thái thư nhàn, rằng đời sống sẽ chậm lại. Trên thực tế, thời gian trong đại dịch bị thống trị không bởi sự thư nhàn và sự chậm lại mà bởi sự mỏi mệt và trầm uất.

Tại sao chúng ta cảm thấy mỏi mệt đến vậy? Ngày nay, mỏi mệt dường như đã thành một hiện tượng toàn cầu. Mười năm trước, tôi đã xuất bản cuốn sách, The Burnout Society (Xã hội kiệt sức), trong đó, tôi đã mô tả mỏi mệt như một trạng thái ốm đau làm khổ sở xã hội thành tựu tân tự do. Sự mệt mỏi mà chúng ta nếm trải trong đợt đại dịch buộc tôi phải suy tư lại về chủ đề này lần nữa. Công việc, bất kể nhọc nhằn thế nào, cũng không đem đến sự mỏi mệt có tính chất cốt tủy này. Chúng ta có thể kiệt sức sau giờ làm, nhưng sự kiệt sức này không giống với tình trạng mỏi mệt mà tôi nói đến. Công việc, đến lúc nào đó, sẽ kết thúc. Sự thôi thúc để đạt đến một cái gì đó mà chúng ta ràng buộc mình vào thì vượt quá cả cái mốc ấy. Nó đồng hành cùng chúng ta trong giờ nghỉ, nó tra tấn chúng ta kể cả trong giấc ngủ, và thường dẫn đến những đêm thức trắng. Ta không thể hồi phục khỏi tình trạng thôi thúc phải đạt được cái gì đó này. Chính thức áp lực bên trong rất đặc biệt này khiến chúng ta mỏi mệt. Vì thế có sự khác biệt giữa mỏi mệt và kiệt sức. Một trạng thái kiệt sức thích đáng thậm chí còn giải phóng ta khỏi nỗi mỏi mệt.

Những trạng thái rối loạn tâm lý như trầm cảm, kiệt sức là triệu chứng của một khủng hoảng sâu sắc về tự do. Chúng là những tín hiệu về một trạng thái bệnh, cho thấy ngày nay, tự do thường biến thành một hối thúc. Ta nghĩ mình tự do. Nhưng thực ra chúng ta tự bóc lột bản thân cho đến khi mình sụp đổ. Chúng ta nhận ra chính mình, tối ưu hóa bản thân cho đến lúc chết. Thứ logic xảo quyệt của việc phải đạt được thành tựu trở thành một thứ lực thường trực thúc đẩy ta vượt trước chính mình. Cứ khi đạt được một cái gì đó, ta lại muốn đạt được hơn nữa, có nghĩa là ta lại muốn vượt lên chính ta một lần nữa. Nhưng, tất nhiên, làm sao có thể vượt trước bản thân? Logic phi lý này cuối cùng dẫn đến việc gục ngã. Chủ thể của thành tựu tin rằng mình tự do song thật ra y là nô lệ. Đó là một tình trạng nô lệ tuyệt đối chừng nào y vẫn tự nguyện bóc lột chính mình mà chẳng cần có gã chủ nô nào hiện diện cả.

Xã hội thành tựu tân tự do đã khiến việc bóc lột diễn ra mà thậm chí chẳng cần đến sự thống trị. Xã hội kỷ luật này, với những mệnh lệnh và cấm đoán của nó, như đã được Michel Foucault phân tích trong cuốn Discipline and Punish (Kỷ luật và Trừng phạt), không mô tả được xã hội thành tựu ngày nay. Xã hội thành tựu bóc lột ngay cả bản thân tự do nữa. Việc tự bóc lột hiệu quả hơn việc bị bóc lột bởi kẻ khác vì nó đi đôi với cảm giác về tự do. Kafka đã thể hiện rất sáng rõ nghịch lý này của thứ tự do của kẻ nô lệ mà lại nghĩ y chính là ông chủ. Trong một dụ ngôn của mình, ông viết: “Con thú cố giật lấy cây roi từ ông chủ của nó và bản thân các sợi dây roi để trở thành ông chủ, nó đâu biết đây chỉ là một huyễn tưởng được tạo ra bởi một nút thắt mới trên dây buộc đầu roi của ông chủ mà thôi.” Chính hình thức tự phạt bằng roi thường trực này khiến ta mệt mỏi và rốt cục, rơi vào trầm uất. Một mặt nào đó, chủ nghĩa tân tự do được đặt trên nền tảng của việc tự phạt bằng roi dây này.

Sự trở lại

Điều lạ lùng về COVID-19 là những người mắc phải nó đã phải chịu đựng nỗi mỏi mệt, rã rời đến cùng cực. Căn bệnh này dường như đã kích hoạt nỗi mỏi mệt cốt tủy. Ngày càng có thêm báo cáo từ các bệnh nhân hồi phục nhưng vẫn tiếp tục phải chịu đựng những triệu chứng kéo dài khắc nghiệt, một trong số đó là “triệu chứng mệt mỏi mãn tính.” Cụm từ “pin không còn sạc nổi nữa” đã mô tả rất rõ tình trạng này. Những người nhiễm COVID không thể làm việc hay thể hiện cái gì được nữa. Họ phải dốc toàn bộ sức mình chỉ đến rót một cốc nước. Khi đi bộ, họ thường xuyên phải dừng lại để thở. Họ cảm thấy mình như thể xác sống. Một bệnh nhân đã kể lại: “Cảm giác của tôi về chính mình giống như chiếc điện thoại di động chỉ còn 4% pin, và 4% pin này để dùng cho cả ngày, nó không thể sạc lại được nữa.”

Song virus đâu chỉ làm cho người mắc COVID mỏi mệt. Nó thậm chí làm cho ngay cả những người khỏe mạnh cũng rơi vào tình trạng ấy. Trong cuốn sách Pandemic! Covid-19 Shakes the World (Đại dịch! Covid-19 rung chuyển thế giới), Slavoj Zizek đã dành cả một chương để bàn về câu hỏi “Tại sao lúc nào chúng ta cũng thấy mỏi mệt?” Zizek rõ ràng đã cảm thấy được tình trạng mỏi mệt mà đại dịch nhấn chúng ta chìm vào. Trong chương này, Zizek đã tranh luận với cuốn The Burnout Society của tôi, ông cho rằng tình trạng bị bóc lột bởi kẻ khác đã không bị thay thế bởi hình thức tự bóc lột mà chỉ chuyển vị tới các nước thuộc Thế giới Thứ ba mà thôi. Tôi đồng ý với Zizek rằng sự chuyển chỗ này đã diễn ra. The Burnout Society chủ yếu quan tâm đến các xã hội tân tự do phương Tây, chứ không phải các công nhân làm việc trong các công xưởng Trung Hoa. Nhưng thông qua truyền thông xã hội, các hình thức đời sống của xã hội tân tự do cũng đã lan rộng sang các nước thuộc Thế giới Thứ ba. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa duy ngã độc tôn, tình trạng nguyên tử hóa, chủ nghĩa ái kỷ trong xã hội đã trở thành hiện tượng toàn cầu. Truyền thông xã hội biến tất cả chúng ta thành nhà sản xuất, doanh nghiệp mà bản ngã chính là các thương vụ của chúng ta. Nó toàn cầu hóa văn hóa duy ngã đã làm mục ruỗng tính cộng đồng, mục ruỗng tất cả những gì mang tính xã hội. Chúng ta sản xuất chính mình và đặt chúng mình lên kệ trưng bày vĩnh viễn. Việc tự sản xuất chính mình, tình trạng “tự trưng bày” bản ngã làm chúng ta mỏi mệt, u uất. Zizek đã không chú ý đến sự mỏi mệt cốt tủy này, mà theo tôi, đấy là đặc trưng của thời hiện tại và nó đã trở nên trầm trọng thêm bởi trận đại dịch.

Zizek, trong một đoạn của cuốn sách bàn về đại dịch, có vẻ như muốn làm nóng luận đề về sự tự bóc lột, khi viết: “Họ [những người làm việc tại nhà] có thể có nhiều thời gian hơn để tự bóc lột chính mình.” Trong thời kỳ đại dịch, các trại lao động của xã hội tân tự do có một cái tên mới: văn phòng tại gia. Làm việc tại nhà mệt hơn nhiều so với làm việc tại văn phòng. Tuy nhiên, điều này không thể được giải thích bằng việc gia tăng hình thức tự bóc lột. Cái gây mỏi mệt còn liên quan đến nỗi cô đơn, việc phải ngồi liên miên trong bộ đồ ngủ đối diện với màn hình máy tính. Chúng ta thường trực phải đối mặt với chính mình, bị thôi thúc không ngừng phải nghĩ ngợi, suy tư về bản thân. Sự mỏi mệt cốt tủy này, cuối cùng, là một kiểu của sự mỏi mệt thuộc về bản ngã. Việc ngồi nhà làm việc đã làm căng thẳng thêm tình trạng này khi nó nhấn chúng ta vào sâu hơn chính mình. Những người khác, những người có thể giúp ta xao lãng khỏi bản ngã của mình, đã không còn nữa. Ta mệt vì ta thiếu các liên lạc xã hội, thiếu những cái ôm, những tiếp xúc cơ thể. Trong hoàn cảnh cách ly, chúng ta bắt đầu nhận thấy kẻ khác có lẽ không phải là “địa ngục”, như Sartre từng viết trong vở kịch No Exit (Kín cửa), mà là sự hàn gắn. Loại virus này đã đẩy nhanh sự biến mất của người khác, như tôi đã mô tả trong cuốn The Expulsion of the Other (Sự trục xuất kẻ khác).

Những vấn đề hiện thời

Sự thiếu các nghi thức cũng là một nguyên nhân khác cho tình trạng mỏi mệt này, do việc làm việc tại nhà gây ra. Lấy danh nghĩa sự linh động, chúng ta mất đi các cấu trúc thời gian và các hình thái tổ chức đời sống mang tính cố định nhằm củng cố và tiếp sức cho chính đời sống. Đặc biệt, sự thiếu vắng nhịp điệu đã làm căng thẳng thêm tình trạng trầm uất. Các nghi thức tạo nên cộng đồng mà không cần giao tiếp, trong khi ngày này, cái được chuộng là giao tiếp mà không cần cộng đồng. Ngay cả hoạt động nghi thức mà chúng ta vốn có, như những trận đá bóng, những buổi hòa nhạc, đi ăn nhà hàng, đi xem kịch, xem phim, tất cả đều đã bị ngưng lại. Thiếu vắng các nghi thức chào hỏi, chúng ta bị ném trở về với chính mình. Việc có thể chào hỏi ai đó thân mật làm cho bản ngã của bớt trở thành gánh nặng. Việc giãn cách xã hội đã tháo dỡ đời sống xã hội. Nó làm chúng ta mỏi mệt. Người khác bị quy giản thành những nguy cơ tiềm tàng làm virus lây lan, bởi vậy phải duy trì khoảng cách vật lý. Loại virus này đã khuếch đại những khủng hoảng hiện thời của chúng ta. Nó phá hủy tính cộng đồng, vốn dĩ đã ở trong tình trạng khủng hoảng. Nó làm chúng ta xa lạ với nhau. Nó làm chúng ta thậm chí cô đơn hơn vốn dĩ trong thời đại mà sự lên ngôi của truyền thông xã hội đã quy giản cái xã hội và cô lập chúng ta.

Văn hóa là thứ đầu tiên bị phó mặc trong thời kỳ phong tỏa. Văn hóa là gì? Nó là thứ sinh ra cộng đồng! Không có nó, chúng ta sẽ đi đến chỗ khác gì thú vật vốn chỉ đơn thuần muốn sống sót. Không phải kinh tế, mà hơn hết, chính văn hóa, hay còn gọi là đời sống cộng đồng, mới là thứ cần thiết phải khôi phục từ khủng hoảng này càng sớm càng tốt.

Những cuộc họp liên tục qua Zoom cũng làm chúng ta mệt rã. Chúng biến chúng ta thành những zombie trong thế giới Zoom. Chúng buộc chúng ta phải nhìn vào gương không thôi. Nhìn chính mặt mình trên màn hình là điều dễ gây ức chế. Chúng ta không ngừng phải đối diện với chính hình ảnh của bản thân. Đáng mai mỉa thay, loại virus này lại xuất hiện đúng vào thời điểm thịnh hành của thói selfie, một phong cách sống có thể được lý giải như là hệ quả của chủ nghĩa ái kỷ trong xã hội chúng ta. Virus đã đẩy chủ nghĩa ái kỷ này đến độ căng. Trong thời gian đại dịch hoành hành, tất cả chúng ta lúc nào cũng phải nhìn bản mặt của mình, chúng ta đã tạo ra một kiểu selfie vô tận trước màn hình. Điều ấy làm chúng ta mỏi mệt.

Chủ nghĩa ái kỷ qua Zoom cũng tạo ra những hiệu ứng phụ đặc biệt. Nó dẫn đến sự bùng nổ của chỉnh sửa thẩm mỹ. Những hình ảnh bị méo mó hay bị làm nhòe mờ trên màn hình khiến người ta tuyệt vọng bởi vẻ ngoài của bản thân, mặc dù nếu độ phân giải của màn hình sắc nét, chúng ta sẽ bất ngờ phát hiện những nếp nhăn, những chỗ bị hói, những đốm đồi mồi, những bọng mắt và những sự bất toàn kém hấp dẫn trên da mình. Từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát, việc tìm kiếm các hình thức chỉnh sửa diện mạo trên Google trở thành xu thế. Trong thời kỳ phong tỏa, ngành giải phẫu thẩm mỹ bị ngập trong những yêu cầu từ khách hàng tìm cách để nâng cấp diện mạo nhàu nhĩ vì mỏi mệt của mình. Thậm chí, người ta đã nói đến “nỗi ám ảnh vì hình ảnh dị dạng trên Zoom”. Hình ảnh số đã khuyến khích nỗi ám ảnh này (nó là một mối bận tâm được phóng đại về những đặc điểm được xem là khiếm khuyết trên diện mạo thể chất của một người nào đó). Loại virus này đã kích thích sự điên cuồng đôi với việc tối ưu hóa này, sự điên cuồng đã cuộn chặt lấy chúng ta ngay từ trước đại dịch, đến mức tới hạn. Ở đây, một lần nữa, loại virus này đã phản chiếu chính xã hội chúng ta. Trong trường hợp sự méo mó hình dạng qua Zoom, tấm gương này là tấm gương chân thực! Nỗi tuyệt vọng thuần túy đối với diện mạo bản thân trỗi dậy trong chúng ta. Sự méo mó hình ảnh qua Zoom, mỗi bận tâm bệnh hoạn liên quan đến bản ngã chúng ta này, cũng làm chúng ta mỏi mệt.

Đại dịch cũng bộc lộ những hiệu ứng phụ tiêu cực của thời đại số hóa. Giao tiếp số là một sự vụ rất một chiều, rất hẹp: không có cái nhìn, không có cơ thể. Nó thiếu sự hiện diện về mặt thể chất của kẻ khác. Trận đại dịch chắc chắn rằng thứ hình thức giao tiếp về bản chất phi nhân này rồi sẽ trở thành nguyên tắc. Giao tiếp số làm chúng ta mệt mỏi đến tột cùng. Nó là một hình thức giao tiếp không có sự vang vọng, một giao tiếp rút rỗng hạnh phúc. Tại một buổi họp qua Zoom, vì những lý do kỹ thuật, chúng ta không thể nhìn vào mắt nhau. Tất cả những gì mình làm là chằm chằm nhìn vào màn hình. Sự thiếu vắng cái nhìn của kẻ khác khiến chúng ta mỏi mệt. Đại dịch này hy vọng khiến chúng ta nhận ra rằng sự hiện diện về mặt thể chất của một người khác đem đến niềm vui, rằng ngôn ngữ hàm chứa trong nó kinh nghiệm thể chất, rằng một đối thoại thành công phải tiền giả định sự hiện hữu của cơ thể, rằng chúng ta là những tạo vật có đời sống thể chất. Các nghi thức mà chúng ta mất đi trong thời gian đại dịch cũng hàm ẩn trải nghiệm về thể chất. Chúng thể hiện những hình thức giao tiếp gắn với thể chất vốn tạo dựng nên cộng đồng và do đó, đem đến hạnh phúc. Hơn hết, chúng giúp chúng ta có thể rời khỏi bản ngã của mình. Trong tình huống hiện tại, các nghi thức sẽ là liều thuốc giải độc cho nỗi mỏi mệt cốt tủy này. Khía cạnh thể chất cũng là một khía cạnh cố hữu của cộng đồng. Số hóa làm yếu sự cố kết cộng đồng chừng nào nó vẫn gắn liền với hiệu ứng giải bỏ sự hiện thân (disembodying effect). Loại virus này đã làm chúng ta xa lạ với chính thân thể.

Chứng cuồng sức khỏe, ngay trước đại dịch, vốn đã sục sôi. Nay chúng ta chủ yếu bận tâm làm thế nào để sống sót, như thể mình đang trong tình trạng thời chiến vĩnh viễn. Trong cuộc chiến đấu vì sinh tồn này, vấn đề thế nào là một đời sống tốt lành không được khơi lên. Chúng ta huy động toàn bộ lực lượng trong đời sống chỉ để kéo dài sự sống bất chấp mọi giá. Với đại dịch này, trận chiến khốc liệt để sinh tồn này đã leo thang với quy mô chưa từng thấy. Virus đã biến thế giới thành một khu cách ly mà tất cả sự sống bị đóng băng lại để sống sót.

Ngày nay, sức khỏe trở thành mục tiêu cao nhất của nhân loại. Xã hội lấy sinh tồn làm mục tiêu đã mất đi cảm quan thế nào là một đời sống tốt lành. Thậm chí, cả lạc thú cũng phải hy sinh trước ban thờ sức khỏe, thứ đã biến thành một mục đích tự thân. Nietzsche đã gọi nó là thần tượng mới. Lệnh cấm nghiêm ngặt việc hút thuốc cũng thể hiện cơn cuồng để sinh tồn này. Lạc thú đã phải nhường chỗ cho việc làm sao sống sót. Kéo dài sự sống trở thành giá trị lớn nhất. Để có thể sống sót, chúng ta sẵn sàng hy sinh tất cả những gì làm cho đời sống đáng sống.

Lý trí đòi hỏi ngay cả trong đại dịch, ta cũng không được hy sinh tất cả các khía cạnh của đời sống. Đó là nhiệm vụ của chính trị: phải bảo đảm đời sống không bị quy giản thành sự sống trần trụi, chỉ là sống sót đơn thuần. Tôi là một người Công giáo. Tôi thích đến nhà thờ, đặc biệt ở những thời điểm lạ lùng. Năm ngoái, hồi Giáng Sinh, tôi đã đến dự một buổi thánh lễ lúc nửa đêm được tổ chức bất chấp đại dịch. Nó làm tôi mừng vui. Thật không may khi không có hương trầm, một thứ mà tôi rất đỗi yêu thích. Tôi tự hỏi: tại sao lại phải cấm ngặt hương trầm trong lúc dịch giã? Tại sao? Khi rời nhà thờ, theo thói quen, tôi nhúng tay mình chậu nước thánh và giật mình: chậu nước trống không. Một chai sát khuẩn được đặt ngay bên cạnh.

“Nỗi buồn corona” là tên mà người Hàn Quốc đặt cho trạng thái trầm uất kéo dài suốt thời gian đại dịch. Trong hoàn cảnh cách ly, không có những tương tác xã hội, trầm uất trở nên sâu sắc hơn. Trầm uất chính là đại dịch thật sự. Cuốn The Burnout Society đã bắt đầu từ chẩn đoán dưới đây:

Mỗi thời đại đều có một thứ làm nó khổ sở. Vì thế, thời đại vi khuẩn đã tồn tại và cuối cùng, nó kết thúc khi ta tìm ra thuốc kháng sinh. Mặc dù có sự lan rộng nỗi sợ hãi bởi một đại dịch cúm nhưng chúng ta không sống trong thời đại virus. Nhờ công nghệ miễn dịch, chúng ta đã bỏ lại nó phía sau. Từ quan điểm bệnh học mà nhìn nhận, thế kỷ XXI mới phôi thai không được xác định bởi vi khuẩn hay virus, mà bởi thần kinh. Các bệnh thần kinh như trầm cảm, rối loạn khả năng tập trung, rối loạn nhân cách và các chứng mệt mỏi, kiệt quệ tinh thần mới đánh dấu cảnh quan bệnh tật của những năm đầu thế kỷ XXI.

Sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ có vaccine để đánh bại virus. Song sẽ chẳng có vaccine nào chống lại được đại dịch trầm cảm.

Trầm cảm cũng là một triệu chứng của xã hội kiệt sức này. Chủ thể thành tựu chịu đựng sự kiệt sức ở chính thời điểm nó không còn khả năng “có thể” nào nữa. Nó không đáp ứng nổi những mệnh lệnh tự áp đặt để đạt được thành tựu. Việc không có khả năng “có thể” nào dẫn đến chỗ người ta tự kết án chính mình, tự xâm hại bản thân. Chủ thể thành tựu đã dấy lên một cuộc chiến chống lại chính y và tàn lụi trong chính cuộc chiến ấy. Chiến thắng trong cuộc chiến chống lại chính mình này được gọi là sự kiệt sức.

Ở Hàn Quốc, mỗi năm có đến vài ngàn người tự tử. Nguyên nhân chính là trầm cảm. Năm 2018, có khoảng 700 học sinh đã tìm cách tự kết liễu đời mình. Truyền thông thậm chí đã nói đến một “cuộc thảm sát thầm lặng.” Ngược lại, mới chỉ có khoảng 1700 người qua đời vì Covid-19 ở Hàn Quốc. Tỉ lệ tự tử ở mức rất cao như vậy được chấp nhận đơn giản như một thiệt hại thế chấp của xã hội thành tựu. Chưa có những phương thức đáng kể nào được đưa ra nhằm giảm tỉ lệ này. Đại dịch đã làm căng thẳng thêm vấn đề tự tử – tỉ lệ tự tử ở Hàn Quốc đã tăng lên nhanh chóng kể từ khi nó bùng phát. Loại virus này rõ ràng đã làm trầm trọng hơn tình trạng trầm cảm. Nhưng trên phạm vi toàn cầu, chưa có sự chú ý thích đáng đối với những hệ lụy tâm lý của đại dịch này. Con người đã bị quy giản về tình trạng tồn tại sinh học đơn thuần. Mọi người chỉ muốn lắng nghe các chuyên gia về virus, những người nắm thẩm quyền tuyệt đối trong việc diễn giải tình thế này. Khủng hoảng thực sự mà đại dịch này gây ra là việc sự sống trần trụi đã chuyển hóa thành một giá trị tuyệt đối.

Covid-19 đã hành hạ xã hội kiệt sức của chúng ta bằng việc khoét sâu những bệnh trạng xã hội. Nó đẩy chúng ta vào một trạng thái rã rời tập thể. Virus corona, do đó, có thể được gọi là virus mỏi mệt. Song virus này cũng là một khủng hoảng hiểu theo tiếng Hy Lạp – krisis, có nghĩa là một bước ngoặt. Bởi nó có thể cho phép ta đảo ngược định mệnh của mình và ra khỏi sự khốn cùng. Nó thôi thúc chúng ta một cách khẩn thiết: bạn phải thay đổi chính đời sống của mình! Nhưng chúng ta chỉ làm được thế nếu ta thật sự xem xét và tổ chức lại xã hội, nếu chúng ta thành công trong việc tìm thấy một hình thức mới của đời sống có thể miễn nhiễm với virus mỏi mệt này.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Byung-Chul Han, “The Tiredness Virus”, https://www.thenation.com/article/society/pandemic-burnout-society/

Eric Weiner – Triết học cho thời đại khủng hoảng

Eric Weiner là tác giả của những cuốn sách như The Geography of Genius (2016), The Socrates Express: In Search of Life Lessons from Dead Philosophers (2020)

Would Camus' Sisyphus want Basic Income? — Musing Mind

*

Nhờ cơn đại dịch và hậu quả về kinh tế mà nó gây ra, giờ đây tất cả chúng ta đều trở thành triết gia cả.  “Phương thuốc chậm” này, như cách người ta gọi triết học, chính là thứ mà chúng ta cần. Triết học ở đây không phải là một hình thức đăm chiêu siêu hình mà như là thứ mà người Hy Lạp cổ đại ban đầu đã hình dung: một thứ thuốc thực tế, có tác dụng trị liệu cho tâm hồn.

Triết học giúp chúng ta tháo gỡ những câu hỏi khúc mắc về đạo đức mà trận đại dịch này đặt ra, nhưng nó cũng có thể giúp chúng ta đáp lại những tình thế khó khăn vừa rất đỗi cá nhân mà đồng thời cũng hết sức cấp thiết. Làm thế nào để chịu đựng những gì không thể chịu đựng? Làm thế nào để tìm được sự chắc chắn trong một thế giới bất định? Triết học không đem đến những câu trả lời dễ dãi, nhưng nó định hình lại cách chúng ta đặt câu hỏi và điều chỉnh góc nhìn của chúng ta – một kỹ năng hữu ích trong những thời đại tốt đẹp và lại càng quý giá trong những thời đại tồi tệ.

Triết học vốn rất thân thuộc với những thời kỳ u ám. Nhiều nhà tư tưởng vĩ đại nhất trong lịch sử đã làm nên những công trình có ảnh hưởng dài lâu nhất trong những thời xảy ra bệnh dịch, kinh tế xuống dốc, xã hội loạn lạc. Công trình của họ là một thứ minh triết mang tính dự báo – và là thứ mà người ta có thể mang theo được. Không giống như thông tin hay công nghệ, minh triết chưa bao giờ là thứ lỗi thời. Những sự thấu thị của triết học giờ đây còn thích đáng hơn bao giờ.

Covid-19 đã giáng cấp loài người, đã bỏ neo chúng ta. Chẳng còn gì có thể chắc chắn nữa. Tốt, Socrates hẳn sẽ nói vậy. Nhà tử đạo đầu tiên, thần hộ mệnh của triết học phương Tây này chắc sẽ hiểu được tình thế khốn đốn của chúng ta bây giờ. Ông từng sống vào thời đế chế Athen suy thoái, mất đi địa vị một cường quốc, lao nhanh xuống dốc bởi những tham vọng phiêu lưu quân sự và sự hoành hành của dịch bệnh.

Thế nhưng Socrates lại nhìn thấy cơ hội trong chính thời đại bất ổn của ông. Ông níu những người Athen tôn kính, từ các thi sĩ đến các tướng lĩnh, để đặt câu hỏi cho họ và rồi sớm nhận ra họ chẳng phải là những kẻ hiền minh như họ cứ tưởng. Vị tướng không thể trả lời ông thế nào là can đảm; thi sĩ thì không định nghĩa được thơ là gì. Ở bất cứ chỗ nào mà ông đi quanh, ông đều gặp những người “không biết những gì họ không biết.”

Tương tự, việc phong tỏa (một phần hay toàn bộ) hiện nay buộc chúng ta phải ngừng lại và chất vấn những giả định đã hằn sâu đến nỗi chính ta cũng không biết là mình có chúng. Socrates nói, đấy chính là cách mà minh triết bắt rễ. Chúng ta khao khát quay về trạng thái “bình thường”, song chúng ta đã dừng lại để định nghĩa sự bình thường hay chưa? Chúng ta biết thời đại này đòi hỏi sự can đảm, nhưng lòng can đảm trông như thế nào? Và rồi chúng ta đã mở rộng quan niệm của mình về người anh hùng để ghi nhận không chỉ những bác sĩ, y tá mà còn cả những những nhân viên bán hàng thực phẩm và những nhân viên chuyển vận của Grubhub- một nền tảng phục vụ việc đặt và giao đồ ăn qua mạng. Tốt, Socrates sẽ bảo: Hãy chất vấn những thứ “đã được định sẵn” khác.

Vào thế kỷ XIX ở Mỹ, Henry David Thoreau đã thôi thúc thời đại đầy phiền nhiễu của mình khi đất nước của ông đang cận kề nội chiến để tìm kiếm cái đẹp trong sự bất toàn. Khi ngắm nhìn hồ Walden trong một chiều tháng Chín tĩnh lặng, ông để ý mặt nước bị làm vẩn bởi những lớp bụi trên bề mặt. Trong khi những người khác có thể chỉ thấy đó là những váng bẩn, Thoreau nhìn thấy một cái gì đó “thuần khiết và đẹp đẽ như những sự bất toàn trong gương.”

Ông quan sát Walden từ nhiều điểm nhìn khác nhau: từ đỉnh đồi, trên bờ hồ, dưới mặt nước, trong ánh ngày và dưới ánh trăng. Ông thậm chí còn cúi mình xuống, nhìn qua chân mình, ngạc nhiên khi phát hiện cái đẹp của cảnh quan lộn ngược. Nếu bạn không thể thay đổi thế giới, Thoreau đưa ra lời khuyên, hãy thay đổi cách bạn nhìn nó – kể cả điều này có nghĩa là phải tự vặn vẹo cái nhìn của mình. Các bảo tàng và nhà hát có thể đóng cửa song cái đẹp không bỏ trốn loài người. Nhìn ở đúng góc, Thoreau nói, “mọi trận bão và mọi hạt mưa trong bão đều là một dải cầu vồng.”

Michel de Montaigne là một chuyên gia vặn vẹo, chỉ có điều chính bản thân ông, chứ không phải những ao hồ, mới là thứ ông khao khát nhìn rõ hơn. Ông sống ở nước Pháp hồi thế kỷ XVI, khi cái chết lơ lửng trong không khí – “nó muốn siết lấy họng chúng tôi,” ông tả. Đại dịch đã giết chết một nửa dân số vùng Bordeaux, nơi ông giữ chức thị trưởng vào thập niên 1580. Nỗi đau khổ vì cái chết của người bạn thân nhất đã thôi thúc Montaigne leo ba tầng cầu thang ngoằn ngoèo lên tầng trên cùng của tòa tháp mái đỏ nằm trên một ngọn đồi cao đón gió, nơi ông viết những tiểu luận tuyệt vời. Từ nỗi đau khổ lớn, vẻ đẹp lớn trỗi dậy.

Một mình trong tòa tháp, Montaigne đã tự biệt lập bản thân với thế giới bên ngoài và theo một cách nào đó, ông tự gián cách với chính mình nữa. Ông lùi lại để nhìn mình sáng rõ hơn, như cách người ta lùi nửa bước trước một tấm gương. Ông hẳn sẽ khuyên ta làm tương tự: Hãy tận dụng trận đại dịch này như một cơ hội để nhìn thế giới và nhìn chính mình khác đi một chút. Thí dụ, có thể bạn luôn xem mình là một kẻ hướng ngoại nhưng thật ra bạn có thể tận hưởng tình trạng buộc phải cô đơn. Hãy chào đón phiên bản khác này của chính bạn, Montaigne thúc giục.

Chủ nghĩa khắc kỷ được sinh ra trong thảm họa – Zeno, người đặt nền tảng cho nó, đã lập nên trường phái tư tưởng này vào năm 301 sau Công nguyên, sau khi ông bị đắm tàu gần Atjhens – kể từ đó nó đã cung cấp lời khuyên để con người làm sao thích ứng được với nghịch cảnh. Không có gì ngạc nhiên khi nó đang tận hưởng sự hồi sinh ngay trước đại dịch này.

Triết học khắc kỷ được tóm lược một cách cô đọng bởi Epictetus, một người vốn xuất thân nô lên sau đó trở thành thầy giáo: “Cái làm con người khổ sở không phải là bản thân các sự việc mà cách họ phán xét về các sự việc.” Thay đổi thứ bạn có thể thay đổi, chấp nhận những gì bạn không thể, đó là công thức về sau này được Tổ chức tương trợ lẫn nhau giữa những người nghiện rượu – Alcoholics Anonymous và những người bán rong áo T-shirt giỏi nắm bắt xu hướng đón nhận.

Một nhà khắc kỷ tốt sẽ chuẩn bị cho đại dịch bằng việc thực hành premeditatio malorum, hay “chuẩn bị trước cho tình thế nghịch cảnh.” Hãy hình dung một cảnh tượng tồi tệ nhất, thượng nghị sĩ La Mã kiêm triết gia khắc kỷ Seneca đã khuyên vậy, “và hãy tập dượt trong tâm trí: lưu đày, tra tấn, chiến tranh, đắm tàu.” Danh sách của một nhà khắc kỷ thời hiện đại đưa ra có thể khác một chút – một đứa trẻ đang gào khóc, đống hóa đơn chưa thanh toán, một cơn sốt rã rời – nhưng ý tưởng thì tương tự. Bằng việc suy tư về tai họa, chúng ta làm cho những khổ nhọc trong tương lai mất đi khả năng hăm dọa của nó và biết trân trọng những gì ta đang có bây giờ. Nghịch cảnh khi được dự cảm trước là nghịch cảnh bị giảm thiểu.

Albert Camus đã nếm trải quá đủ nghịch cảnh: lớn lên trong nghèo khó ở Algeria, trải qua một cuộc chiến tranh thế giới, và sau này, lại có những xung đột trí thức với những triết gia từng là bạn bè của mình, trước khi tử nạn trong một tai nạn ô tô vào năm 1960 khi 46 tuổi. Camus là triết gia lý tưởng cho thời đại dịch, dù không phải vì những lý do người ta hay nghĩ đến. Không phải tiểu thuyết thường được dẫn ra của ông – Dịch hạch – mới đưa ra kiến giải đầy đủ nhất về tình thế khó khăn của chúng ta mà là tiểu luận ít được biết đến hơn của ông – “Huyền thoại Sisyphus”. Tiểu luận xoay quanh một hình tượng buồn bã bắt nguồn từ thần thoại Hy Lạp, một kẻ bị các thần linh kết án phải lăn một tảng đá nặng nề lên đồi để rồi chỉ để nhìn thấy nó lại lăn xuống, cứ thế, cứ thế mãi.

Trận đại dịch lần này đã cười khẩy vào tất cả những kế hoạch lớn của chúng ta. Nào lễ tốt nghiệp, đám cưới, triển vọng nghề nghiệp- đùng một cái, mọi thứ lăn xuống đồi như tảng đá của Sisyphus. Tuy nhiên, chúng ta nhất định phải nhẫn nại, Camus nói. Nhiệm vụ của con người, ông bảo, không phải là tìm hiểu ý nghĩa của các thảm họa như Covid-19 (bởi chẳng có ý nghĩa nào cả) mà là phải “tưởng tượng rằng Sisyphus hạnh phúc.” Làm thế nào ư? Hãy sở hữu một tảng đá của riêng mình. Bằng việc quăng mình vào nhiệm vụ, bất chấp tính vô ích của nó, vì chính tính vô ích của nó. “Định mệnh của Sisyphus thuộc về chính ông,” Camus viết. “Tảng đá chính là thứ thuộc về ông.”

Bạn có đang dấn mình vào dự án tưởng chứng vô vọng, một luận án hay một chiến lược tiếp thị, bị đình trệ mãi mãi, gặp trở ngại bởi những biến cố khôn lường? Tốt, hẳn Camus sẽ nói với bạn, rằng bạn vừa bắt đầu hiểu được sự phi lý của cuộc đời. Hãy quan tâm đến sự cố gắng, chứ không phải kết quả, bạn sẽ ngủ ngon hơn. Đơn thuốc của ông chính là thách thức của chúng ta trong thời đại Covid-19: hãy nhìn chăm chú xuống tính phi lý của tình thế khốn khó của chúng ta, nhưng hãy bướng bỉnh kiên trì thay vì nhượng bộ cho niềm tuyệt vọng. Như một triết gia chân chính.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Eric Weiner, “Philosophy for a Time of Crisis”, https://www.wsj.com/articles/philosophy-for-a-time-of-crisis-11598543519?mod=e2fb&fbclid=IwAR1lQq32140x5PBj07rkhCzP7Xx7YZvMzFKqtMoIHQh09H2fkr0M1qc0RgI

Stephen Greenblatt – Những viên đạn vô hình: Những gì mà Lucretius dạy chúng ta về đại dịch

Trong đại dịch thì có gì khỏe mạnh? Có – đó là tư tưởng. Tai họa bất ngờ giáng xuống nhân loại trong những tháng đầu tiên của năm 2020 là một thách thức hiện sinh mời gọi con người không chỉ hành động mà còn phải hành động đi cùng với suy tư. Đây là thời điểm mà hầu hết các nhà nhân văn quan trọng trong thế giới đương đại đều cất tiếng nói thúc đẩy sự phản tỉnh của con người về những giá trị, về những hình thái tổ chức xã hội, và về ý nghĩa của chính mình.

Stephen Greenblatt (1943) là nhà nghiên cứu ngữ văn có ảnh hưởng lớn bậc nhất hiện nay. Ông là một đại diện xuất sắc của trường phải Tân Duy Sử luận, một học giả hàng đầu về Shakespeare, là tác giả của những công trình được cả giải thưởng Pulitzer và National Book Award của Mỹ. Bài viết này của ông, với tôi, là một góc nhìn điềm tĩnh và mang nhiều hy vọng cho tình thế của nhân loại.

800px-Start_of_Lucretius_DRN_manuscript

*

Năm 1585, nhà khoa học vĩ đại nhất thời Elizabeth, Thomas Harriot, được nhà bảo trợ của mình, Sir Walter Raleigh cử đến vùng thuộc địa mới lập của Anh ở Virginia để đánh giá các nguồn tài nguyên thiên nhiên, quan sát cư dân Algonquian và xem xét khả năng sinh sống của những người Anh đi khai hóa ở đây. Harriot, người đã rất tích cực để học ít nhất một chút ngôn ngữ của người Algonquin ở Carolina và để thiết lập cái mà ông gọi là “sự thân mật cần thiết với một số tu sĩ trong cộng đồng của họ”, đã bị ấn tượng bởi phần lớn những gì mà mình quan sát được. Ông ngưỡng mộ những kỹ thuật của người bản xứ trong nông nghiệp, săn bắn, chài lưới, những vị lãnh đạo có sức ảnh hưởng và được tôn kính trong cộng đồng; những mối liên kết bền vững trong gia đình và thị tộc của họ.

Người Anh đến khai hóa chỉ là một nhóm nhỏ đàn ông lam lũ – Raleigh không đưa phụ nữ đến vùng đất ở mới ở giai đoạn đầu khai phá này – sống giữa một vùng đất rộng lớn, còn chưa có tên trên bản đồ vốn lại nơi định cư của những người dân được tổ chức tốt, làm ăn thịnh vượng và kiêu hãnh. Harriot thấy họ không phải là những người dễ dàng chịu khuất phục. Song, như những gì ông viết trong “Một báo cáo ngắn gọn và chân thực về vùng đất mới lập ở Virginia” từ năm 1588, ông tự tin rằng những người Anh khai phá thuộc địa sẽ thu hoạch được nhiều kết quả tốt ở đây nhờ ưu thế thượng phong về kỹ thuật của mình: “súng, sách vở, chữ viết và khả năng đọc, đồng hồ lò xo dường như đi cùng với họ,” v.v… Và những người mới đế, dẫu số lượng còn nhỏ, lại còn có thêm lợi thế. Hễ người Anh đi đến đâu, Harriot thuật lại, nếu bất cứ người bản địa nào định chống lại họ, thì “chỉ trog vài ngày sau khi chúng tôi xuất phát,  từ mọi thị trấn, người dân bắt đầu chết rất nhanh và nhiều trong một khoảng cách ngắn về không gian; ở một số thị trấn là 20 người, có nơi là 40 người, có nơi là 60, có nơi đến 1/6 số dân tử vong, có nghĩa là, tỉ lệ người chết là rất lớn… Bệnh dịch cũng lạ kỳ, nghĩa là họ chẳng biết đó là bệnh gì, cũng như làm sao để chữa trị, những bậc lão niên trong cộng đồng cho hay chuyện như thế xưa nay chưa từng xảy ra trên xứ của mình.”

Harriot, cố nhiên, chứng kiến những hậu quả hãi hùng của virus – đậu mùa, sởi, cúm, và nhiều thứ bệnh tương tự – đối với một cộng đồng mà trước đó chưa hề phải hứng chịu những thảm họa như thế, nhưng ông lại diễn dịch những hậu quả này là sự trừng phạt do trời giáng đối với những người bản địa “đã tìm cách để chống lại chúng ta.” Về phần mình, những người Algonquian cũng nghĩ rằng có một mối liên hệ giữa dịch bệnh và những người mới đến, nhưng, như Harriot ghi chép, họ có cách giải thích rất khác về những gì đang xảy ra khi đó. Họ suy diễn rằng một nhóm những kẻ thực dân đi khai thá thuộc địa chỉ mới chỉ là những gì khởi đầu. Họ sợ rằng cò có những thứ khủng khiếp hơn nữa sẽ xảy đến “giết họ và lấy đất của họ.” “Những thứ đấy đến ngay sau chúng ta [những người Anh đầu tiên], “ Harriot viết, “họ tưởng tượng rằng nó ở trong không khí, tuy nhiên vô hình và không có cơ thể, rằng, nhờ những lời khẩn cầu và tình yêu của chúng ta, chúng sẽ khiến người dân của họ chết… bằng việc bắn những viên đạn vô hình vào họ.”

“Những viên đạn vô hình”: người Algonquian đã biến thứ kỹ thuật giết người mà người Anh mang vào xứ sở của họ thành một ẩn dụ xuất sắc về bệnh dịch mà chính thực dân cũng đã đem đến nơi này, một thứ bệnh dịch mà họ đã hoàn toàn đúng khi sợ rằng nó sẽ tạo đà cho sự phá hủy xã hội của họ. Việc Harriot cố công ghi lại ẩn dụ này là một dấu hiệu thể hiện tài năng đặc biệt của ông trong tư cách một nhà dân tộc chí, nhưng nó cũng có thể phản ánh những hứng thú suy tư của cá nhân ông. Thực ra mà nói, chính ông là người đã sáng tạo nên ý niệm ấy, để củng cố niềm tin cho độc giả Anh rằng thứ dịch bệnh ấy đã giáng xuống những kẻ âm thầm chống lại những người đi khai phá thuộc địa, do đó, nó là “một công việc đặc biệt của Thượng đế.” (Theo một logic vòng tròn vốn luôn là đặc trưng của những lối kiến giải như vậy, bằng chứng cho sự tồn tại của những âm mưu như thế chính là cái chết của những kẻ được coi là chủ mưu.) Nhưng trong suốt sự nghiệp của mình, Harriot vẫn luôn bị nghi ngờ là một kẻ vô thần, đặc biệt hơn nữa là một môn đồ của triết gia cổ đại theo trường phái Epicureanism[1] – Lucretius. Và Lucretius[2], như ta đã biết, dành sự chú ý đặc biệt đến các dịch bệnh.

Trong kiệt tác triết học của mình, “On the Nature of Things” (Bàn về bản chất của các sự vật) được viết vào khoảng năm 50 trước Công nguyên, Lucretius đã trình bày những luận điểm để biện hộ cho một tư tưởng duy vật chủ nghĩa triệt để. Con người, theo đó, không nên co rúm lại trong nỗi sợ hãi sự trừng phạt của thần linh, ông viết, hay thực hiện những nghi lễ hiến sinh mang tính chất nô lệ với hy vọng nhận được sự ban thưởng của thần thánh. Vũ trụ không phải thứ đồ chơi bí ẩn của các vị thần hay các quỷ dữ: nó được cấu tạo bởi các nguyên tử và sự trống rỗng, ngoài ra thì chẳng có gì cả. Nguyên tử – Lucretius gọi chúng là semina rerum, “những hạt giống của sự vật” – luôn ở trong trạng thái chuyển động, không ngừng đổi hưởng, va đụng, kết hợp, chia tách và tái kết hợp trong những khuôn mẫu mới, chưa từng thấy trước đó. Trong tất cả sự chuyển động này, không có một khuôn mẫu cố định, không có một chủ ý bao quát toàn bộ, cũng chẳng có dấu vết của một thiết kế thông minh, Thay vào đó, trong sự mở rộng không biên giới của thời gian và không gian, chỉ có những sự hoán chuyển không ngừng, ngẫu nhiên. Những hình thức cũ liên tục chết đi; những hình thức mới không ngừng xuất hiện.

Đối với Lucretius, nhãn quan này mang đến niềm an ủi lớn: thay vi khổ sở bởi các vị thần hay âu lo về kiếp sau, ta nên chú mục vào chính thế giới này, cái thế giới duy nhất mà ta thực sự nếm trải, và  bình tâm tìm cách nâng cao những hoan lạc cho mình và cho mọi người quanh mình. Nhưng ông biết rằng nhận thức mới mà ông đem đến này không được bảo đảm chắc chắn. Nếu các bệnh tật không phải do các vị thần nổi giận gây ra cho chúng ta thế thì chúng phải đến từ đâu đó, nói thẳng ra là chúng bắt nguồn từ những vòng xoáy không ngừng của các nguyên tử vốn sinh ra mọi thứ khác. Những hạt giống của sự vật, như ông viết (theo bản dịch của Rolfe Humphries):

Cần thiết để nâng đỡ sự sống của chúng ta

Cũng tương tự như vậy, điều hiển nhiên là

Mọi thứ xung quanh ta, những hạt độc hại

Cũng đang bay, những hạt bụi của ốm đau và chết chóc

Khi những hạt độc hại đối với chúng ta bắt đầu chuyển động,  sự hỗn loạn được khuấy động theo, “và những đổi thay phát huy hiệu lực/ trong những góc thân quen của chúng ta.” Ở những thời điểm như thế,  có điều gì đó rất lạ lùng xảy ra đối với thê giới mà ta vốn nghĩ mình biết rõ về nó. Bầu trời trên đầu ta dường như cùng lúc vừa là nó, vừa không phải là nó, tất cả sự vật tồn tại dường như đều trở nên dáng sợ. Bệnh dịch, như Lucretius viết,

Rơi xuống nước hay xuống cánh đồng

Rơi xuống những nguồn nuôi dưỡng cả quỹ dữ lẫn con người

Hay lơ lửng trong chính không khí

Mà ta hít vào theo hơi thở của mình, rồi đưa nó xuống

Khắp cơ thể của ta

Chẳng có gì ngạc nhiên khi  sự ảm đạm toát lên trên khuôn mặt người và tâm trí thì xáo động bởi nỗi sầu muộn và sợ hãi. Trong “Bàn về bản chất của các sự vật”, Lucretius kết thúc bằng những mô tả đau lòng về trận đại dịch có sức tàn phá khủng khiếp đã giáng xuống người Athen trong cuộc chiến Peloponnesian. Việc bài khép lại đột ngột với những dòng u ám như thế đã khiến nhiều học giả kết luận hẳn Lucretius đã chưa hoàn tất tác phẩm này. Thậm chí còn có cả một giai thoại cho rằng ông chết bất ngờ vì một loại chất độc mà vợ ông đưa cho ông.

Có lẽ là thế thật. Nhưng cuộc chiến đấu hiện giờ của chúng ta với đại dịch COVID-19 đã khiến ta có thể đọc lại đoạn kết bài thơ này trong một thứ ánh sáng mới. Một trận dịch, sau cùng, đã kiểm tra chúng ta theo những cách thức độc đáo. Nó lạnh lùng đánh giá lại các giá trị của chúng ta, chất vấn những giả định quen thuộc của chúng ta, rọi một thứ ánh sáng vô cảm vào trật tự xã hội, chính trị và tôn giáo của chúng ta. Khi tôi đang ngôi đây trong tình trạng “tự cách ly tự giác” – vì tôi vừa mới từ nước Ý trở về Hoa Kỳ, tôi đã băn khoăn rằng liệu đoạn kết của bài thơ với hình ảnh của trận đại dịch được vẽ ra bằng ngôn từ này có thật sự hoàn toàn nằm trong chủ định của tác giả? Đây chính xác là một thách thức hiện sinh, Lucretius nghĩ thế, mà bất cứ xã hội nào đáng sống và bất cứ thứ triết học nào đáng giá phải hướng đến. Khi mọi thứ vận hành tốt đẹp, rất dễ để suy tư về vị trí của chúng ta trong thế giới vật chất. Song nếu mọi thứ không vận hành tốt đẹp – nếu sự chuyển động của những hạt mầm sự vật đem đến bệnh tất và chết chóc thì sao? Chỉ khi ta có thể đối mặt với những viên đạt vô hình lúc nào cũng có xung quanh ta mà vẫn giữ được sự bình tâm, tỉnh táo và theo cách nào đó, tìm thấy hoan lạc trong đời sống, ta mới thật sự nhận thức được bài học mà bài thơ của Lucretius muốn dạy.

Nếu nhìn vào tin tức, hầu hết chúng ta dường như đang ở rất xa kinh nghiệm này của chủ nghĩa Epicurus. Nhưng những tường thuật mới đây từ Ý,  mô tả chi tiết cảnh nhiều người đồng bào của Lucretius hiện đang sống trong các khu vực cách ly đứng ở ngoài ban công ca hát giữa bệnh dịch trao cho tôi hy vọng. Họ nhắc chúng ta, cùng với khoa học, một lãnh địa khác nơi sự kiên cường và sáng tạo của con người đạt đến đỉnh cao là nghệ thuật. Ở Lucretius, hai lĩnh vực này khớp nối với nhau: những luận bàn triết học của ông về các nguyên tử, về lạc thú, về bệnh dịch mang hình thức của một bài thơ, một bài ca để hát lên.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Stephen Greenblatt, “Invisble Bulltes: What Lucretius Taught Us about Pandemics?”,  https://www.newyorker.com/culture/culture-desk/invisible-bullets-what-lucretius-taught-us-about-pandemics?utm_medium=social&utm_brand=tny&utm_source=facebook&utm_social-type=owned&mbid=social_facebook&fbclid=IwAR225NXmW4oK00m3hfmG7ow4e5DE9y_SvTcL9CDs7GemNrNc7MUpvanMBSU

[1] Epicurus (341-270 trước Công nguyên), triết gia cổ đại Hy Lạp. Ông là người sáng lập nên trường phái Epicureanism có sức ảnh hưởng lớn trong lịch sử triết học. Đối lập với truyền thống triết học Plato trước đó và các nhà khắc kỷ sau đó, triết học của trường phái Epicureanism theo khuynh hướng duy vật và đề cao khoái lạc trong đời sống trần thế của con người.

[2] Lucretius (99-55 trước Công nguyên), nhà thơ và triết gia người La Mã. Tác phẩm “Bàn vế bản chất của các sự vật” của ông là một bài thơ, đồng thời là công trình diễn giải tư tưởng triết học của trường phái Epicureanism cho công chúng La Mã đương thời.