Bài đã đăng trên báo Phụ Nữ TP. Hồ Chí Minh. Post lại như bài cuối cùng của một năm đã cố gắng nhiều hơn trong viết lách.
http://nhac.vui.vn/con-thay-mat-nguoi-khanh-ly-m63211c80p955a3542.html
*
Mỗi ngày, khi vào facebook của mình, tôi vẫn thường dành thời gian để lướt qua trang “Humans of New York” (Người New York). Tôi là một trong số chín triệu người đăng ký theo dõi blog ảnh này trên facebook. Được lập nên bởi Brandon Staton, “Humans of New York” đã được nhận rất nhiều giải thưởng, danh hiệu trong lĩnh vực truyền thông. Ảnh hưởng của nó lớn đến mức đã hình thành cả một trào lưu blog ảnh tương tự. Năm 2013, tạp chí Time đã bình chọn Brandon Staton là một trong số 30 người dưới độ tuổi 30 đang làm thay đổi thế giới.
Vậy blog ảnh của Brandon Staton, người nghệ sĩ nhiếp ảnh sinh năm 1984 và mới chỉ bắt đầu dấn thân vào sự nghiệp nhiếp ảnh từ năm 2010, sau khi mất việc trong lĩnh vực kinh doanh trái phiếu, lại có sức lan tỏa lớn lao như thế? Những bức ảnh đăng trên blog này đều chỉ chụp những con người bình thường, vô danh ở những khoảnh khắc rất đời thường, không gắn với những biến cố, những “lịch sử” lớn nào. Đi kèm với chúng là những mẩu chuyện ngắn, những tâm sự, những đối thoại nhiều khi ngẫu hứng, vơ vẩn. Tại sao chúng lại có khả năng truyền cảm hứng cho nhiều người đến vậy?
Tôi nghĩ mình chưa đủ khả năng để phân tích những bức ảnh trên trang “The Humans of New York” từ góc độ kỹ thuật. Nhưng tôi thường dừng lại khá lâu trước chân dung của những người vô danh xa lạ ấy, không phải vì họ đẹp, họ lập dị, họ phi thường. Mà vì ánh mắt của họ, thần thái của họ, cử chỉ của họ… dường như luôn gợi ra một câu chuyện nào đó sâu xa hơn những phần ngoại hiện. Và ngay cả những tâm sự, những mẩu đối thoại của các nhân vật có lẽ cũng là những lát cắt tự sự, cô đọng những cảm xúc, suy tưởng có khi từng đeo đẳng, từng ám ảnh họ rất lâu. Thậm chí đôi khi chúng gói ghém một triết lý nào đó được biểu đạt bằng một thứ ngôn ngữ đời thường.
Một ông già trên đường phố Odessa, Ukraine – một đất nước đang là điểm nóng thời sự trên bản đồ chính trị thế giới, ăn vận giản dị, dáng vẻ không có điểm gì đặc biệt ngoại trừ sự minh mẫn toát lên từ ánh mắt. Sẽ rất ít người biết rằng ông già ấy chính là một giáo sư chuyên ngành sinh vật biển. Hơn 64 năm làm việc trong lĩnh vực này, khi được hỏi “Điều gì làm ông ngạc nhiên nhất khi gần như đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu đại dương?”, vị giáo sư già chỉ trả lời rất ngắn gọn: “Nó thật bao la”. Câu trả lời ấy, với tôi, đơn giản, nhẹ nhõm nhưng đồng thời cũng sâu sắc như một triết lý thực sự. Nó cho thấy vẻ đẹp của trí tuệ không nằm ở sự kiêu ngạo, đắc thắng mà ở sự khiêm tốn chân thành bởi ý thức được tính hữu hạn của nhận thức khi đối diện với cái mênh mông biển cả, ở khả năng ngạc nhiên mà vị giáo sư vẫn không ngừng nuôi dưỡng cho mình. Chẳng phải tri thức mà chính sự khiêm tốn và sự ngạc nhiên ấy mới là điều mà ông truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất.
Lại có những bức ảnh khác tự nó giống như một tự sự bỏ ngỏ. Bức ảnh bên dưới là hình ảnh một người đàn ông ở Sài Gòn với câu chuyện đi kèm: “Khi con trai tôi ra đời, đó là thời điểm suốt mấy tháng, tôi không kiếm được một công việc nào. Tôi tìm việc ở mọi nơi. Đầu óc tôi rối bời. Tôi cảm thấy giận dữ với mọi thứ. Khủng hoảng nhất là khi con trai tôi bị chẩn đoán suy dinh dưỡng. Tôi thấy căm ghét bản thân.”
Một câu chuyện thực ra chưa có gì đặc biệt. Tất cả chúng ta có lẽ ít nhất đều một lần phải đối diện với tình huống điển hình này khi cuộc sống đột nhiên trở nên khắc nghiệt, tàn nhẫn, dồn dập các thử thách để đo khả năng chịu đựng, đương đầu của mỗi người. Nhưng gương mặt của người đàn ông, ánh mắt, điếu thuốc trên môi anh còn nói với ta điều gì nữa? Anh đã đi qua giai đoạn chạm đáy tuyệt vọng đó chưa? Hay với riêng tôi là nỗi băn khoăn: Anh đã hết chán ghét chính mình?
Đúng như một ẩn dụ mà người ta thường dùng để nói về thế giới mạng, trên “xa lộ” facebook không bao giờ ngớt sự tấp nập, mỗi một bức ảnh được chia sẻ trên “Humans of New York” có thể nhận được cả hàng trăm bình luận. Chính ở đây, ta có thể nhận thấy sự chuyển động trong ý thức của công dân toàn cầu hôm nay khi va chạm, tiếp xúc với những kẻ KHÁC. Có những câu chuyện của kẻ khác hấp dẫn ta, làm ta bất ngờ, ngỡ ngàng nhận ra một điều gì đó, một kinh nghiệm nào đó về đời sống mà nếu chỉ nhìn theo cái nhìn của đám đông sẽ rất khó thấy. Lại có những câu chuyện của kẻ khác làm người ta băn khoăn, nghi ngại. Tất nhiên, vẫn luôn có những bình luận mang giọng điệu phán xét nhưng thường những bình luận ấy nhận được những phản hồi đề nghị một cái nhìn thận trọng, kỹ lưỡng hơn.
Có lẽ chính ở đây, ta có thể hiểu vì sao blog ảnh của Brandon Staton lại có thể tạo ra sự thay đổi của thế giới? Trong thế giới đương đại nơi mọi thứ đang trượt đi với tốc độ nhanh hơn tất cả tưởng tưởng của những thế kỷ trước, nơi mạng internet có thể xóa nhòa cá nhân, làm mỗi cá nhân tan vào đám đông đang mải mết, những bức ảnh của Brandon tách những nhân vật của mình ra khỏi dòng chảy ào ạt ấy, tách họ ra khỏi những lịch sử lớn đầy náo động của thời cuộc, để làm chính chúng ta, những người xem, cũng trở nên chậm lại, nhìn kỹ hơn gương mặt của kẻ khác. Để nhận ra đăng sau gương mặt, ánh mắt của những con người vô danh ta vốn chẳng thân quen kia, những câu chuyện có thể rất gần với mình, rất cần với mình. Những câu chuyện không để răn dạy gì ai, cũng không mong được phán xét mà chỉ cần được lắng nghe. Không có ai là hời hợt, không số phận nào không hàm chứa những chuyện kể nào đó. Chỉ cần chậm lại một chút, yên tĩnh một chút, để lắng nghe.
Chợt, tôi hiểu tại sao trong những năm tháng cuộc chiến Việt Nam trở nên ác liệt, căng thẳng nhất, Trịnh Công Sơn đã viết những ca từ này như một khao khát nhân bản:
Từng ngày thấy mặt trời
thấy mọi người lòng đã thấy vui
từng đêm tối ngồi chờ đợi
từng đêm tối ngồi chờ đợi
chờ từng sớm mai thấy lại mặt người
Giữ lấy những mặt người để nhìn ngắm. Như có người từng nói với tôi, sự nhìn ngắm là nguồn cội của tình yêu.