Tiểu luận dưới đây là bài viết của bạn Nguyễn Thị Quỳnh Hương, sinh viên K65 khoa Ngữ văn, Đại học sư phạm Hà Nội. Tiểu luận là câu trả lời cho đề bài mà tôi đặt ra cho các bạn sinh viên đang học học phần về Tác phẩm và Thể loại văn học: Hãy nói về một nhân vật văn học khiến anh/chị phải chất vấn những gì đã hiểu, đã tin hay đã nghi ngờ ở con người.
Tôi rất trân trọng những suy tư độc lập của sinh viên, cho dù không khó để nhìn ra những khía cạnh có thể chưa thuyết phục hay cần đối thoại lại. Với tôi, đấy là điều cần nhất của một người học đúng nghĩa. Vì thế, tôi xin giới thiệu bài viết của Quỳnh Hương về tác phẩm Người ăn chay của Han-Kang.
*
Vì mục đích sinh tồn, con người thường được dạy dỗ để có hiểu biết về thế giới xung quanh nhưng hiếm hoi thay những bài học đào sâu vào nội tại, hướng con người vào những vùng còn tăm tối mênh mông nơi “tiểu vũ trụ” mỗi ngày lại từng bước biến đổi. Nói ra điều này, về cơ bản, không phải đang đổ lỗi. Khám phá cái “tôi” của bản thân có lẽ luôn là (và phải là) một hành trình đơn độc, đầy rẫy những bất an, bất trắc; một hành trình mà ở đó không có bất cứ tiêu chí nào rõ ràng theo kiểu vượt qua một bài test với những tiêu chí đã xác lập. Con người gần như không có khả năng tự thấu tỏ chính mình, nó luôn cần những “tấm gương” – những “kẻ khác”. Xung quanh ta dù không thiếu những “kẻ khác” tuy vậy tốc độ chóng mặt môi trường sống hiện thực khiến chúng ta ít khi dừng lại để đánh giá, để hiểu người đó và hiểu chính mình. Hành động thường xuyên nhất của chúng ta là phán xét. May thay, tồn tại một môi trường nhân tạo đầy đủ những điều kiện tối ưu ủng hộ quá trình nhận thức cá nhân của chúng ta – văn học. Những “kẻ khác” nơi đây – nhân vật văn học, trên bề mặt, nhiều khi xa lạ với chúng ta (hiệp sĩ, kẻ trộm, kẻ điên, người trầm cảm,…) nhưng ở tận sâu, họ có khả năng chạm đến, thậm chí kích động chúng ta đồng thời ở cả phần “con” và phần “người”. Những cuộc đối thoại với họ thường không mấy dễ chịu bởi đó không phải những trao đổi hàng ngày, xã giao mà là những cuộc cật vấn, một nỗ lực không ngừng để hiểu vể con người trong toàn bộ sự sinh động và cụ thể mà nó đa mang. Yeong-hye, nhân vật xuyên suốt liên truyện “Người ăn chay” của Han Kang là một trong số những nhân vật gợi nhiều suy nghĩ.
- Sống.Tổn thương
Liên truyện “Người ăn chay” được ghép nối từ 3 truyện ngắn: Người ăn chay, Vết chàm Mongolia và Cây pháo hoa. Dù mỗi truyện đều có tính độc lập tương đối, được kể theo những điểm nhìn khác nhau nhưng xuất phát điểm của toàn bộ 3 câu chuyện tựu chung ở sự kiện: đột nhiên một ngày người thân của họ – Yeong-hye quyết tâm không ăn thịt. Chính từ thời điểm này, mọi nề nếp của cuộc sống vốn đang yên bình theo trật tự hoàn toàn bị xáo trộn. Yeong-hye càng ngày càng có những dấu hiệu tệ thêm cả về thể chất và tâm thần. Vấn đề đặt ra là, cái chữ “đột nhiên” ấy có hẳn là đột nhiên thật không? Mọi chuyện bắt đầu từ đâu? Nỗi đau bắt đầu từ đâu? Có lẽ với Yeong-hye, tổn thương gần như không có điểm bắt đầu và càng không có điểm kết thúc. Đó là một chuỗi bao gộp nhiều vết rạch: có những vết rạch toang hoác thời thơ ấu của những trận roi đòn giáng xuống từ người cha, ám ảnh chứng kiến cha giết chóc dã man một con chó đã từng cắn mình và cả những vết rạch nho nhỏ mỗi lúc khứa từng chút từ những người xung quanh (người chồng, người chị, bố mẹ,…). Khi Yeong-hye trở nên kì lạ, từ chối việc ăn thịt, họ cũng hỏi cô nguyên nhân nhưng chính họ lại không chấp nhận câu trả lời ấy để lí giải xa hơn. Thiên truyện đầu tiên là sự đan xen các đoạn kể của hai nhân vật về cùng một hiện thực nhưng giữa những sự kiện bề mặt do người chồng kể và sự kiện tâm lí do Yeong-hye giãi bày lại có độ vênh lớn. Thứ người chồng dành cho Yeong-hye không phải niềm cảm thông như lẽ thường mà là sự ngạc nhiên pha lẫn kinh sợ vì anh ta không hề biết những gì đang diễn ra với vợ mình. Gia đình trong “Người ăn chay” dường như là một thế giới không tình yêu, họ chỉ đơn giản lựa chọn một đối tượng dễ chịu đựng để chung sống, là nơi những người phụ nữ hình như luôn bị chồng mình vì sự nghiệp mà quên lãng. Cứ như vậy tình trạng của Yeong-hye mỗi lúc một thêm nứt toác, nứt toác bởi những giấc mơ – thứ mà những người xung quanh cho là vớ vẩn, xem nhẹ. Giá như ngay khi Yeong-hye hai lần liên tiếp nói “em đã mơ”, người chồng ngồi xuống vỗ về và ngồi xuống hỏi han giấc mơ của cô. Giá như người bố thay vì dùng vũ lực ép Yeong-hye ăn thịt lại lắng nghe cô, chia sẻ với cô. Và giá như hồi Yeong-hye chín tuổi, người chị hiểu được lời khẩn nài “chị em mình đừng quay về nữa” của em mình. Nhưng, chúng ta không có những cái “giá như” ấy, dù tất cả những cái “giá như” đều hội chung ở sự quan tâm và lắng nghe. Những người thân đó đều không hiểu và cũng không cố để hiểu cô. Ngay cả các bác sĩ trong bệnh viện tâm thần, thứ họ gọi là chữa bệnh chỉ là những hành vi kiểm soát hay khống chế, một hành động cưỡng bức sống “không ai chịu tìm hiểu… chỉ bắt uống thuốc, tiêm…”. Chúng ta vẫn hay phủi tay trước nỗi đau, và đơn giản hóa mọi thứ xung quanh nỗi đau của kẻ khác nhưng ta biết đâu chính thái độ đó lại trở thành một thứ lưỡi hái, tước đi hạnh phúc, thậm chí sinh mệnh của chính những người xung quanh.
Bản thân bi kịch của Yeong-hye còn gợi cho mỗi người đọc suy nghĩ về cách chúng ta ứng xử trước nỗi đau của chính mình. Phần lớn chúng ta mong có thể sống một đời sống bình thường, một mối quan hệ tình cảm ổn định, làm một công việc tàm tạm, mọi thứ tưởng như rất ổn nhưng kì thực, cũng giống như nhân vật Ivan Ilych trong tác phẩm Tolstoy hay như chính nhân vật người chị của Yeong-hye, đó chưa phải là đời sống. Việc đau một nỗi đau lưng chừng cũng nguy hiểm như vậy. Nhìn tư điểm ngoài, kể cả lúc đã vào viện tâm thần, Yeong-hye phần lớn hiện lên với vẻ điềm tĩnh, ít nói nhưng dường như tâm hồn cô là một tấm mạng thâu dính tất cả những tác động ngoại cảnh. Hồi còn nhỏ, khi bị bố đánh Yeong-hye mặc dù không hề kháng cự nhưng lại “tiếp nhận tất cả đến tận xương tủy”. Có lẽ khi những vết rạch kia khứa vào lòng mình, Yeong-hye đã luôn vô thức thâu nhận như vậy. Ngay cả trước cái chết của con chó, cô cũng cảm thấy “không sao cả”. Sự vô cảm với chính bản thân cũng là một nhân tố tạo nên bi kịch của Yeong-hye. Con người thường sợ mình yếu đuối và cố gắng khiến mình thành kẻ mạnh mà ít ai biết rằng, dám đi đến tận cùng mọi sự yếu đuối cũng là một loại dũng cảm lớn.
“Người ăn chay” nói chung và nhân vật Yeong-hye nói riêng mở ra cho người đọc những suy nghĩ về khả năng gây tổn thương của con người. Tồn tại trong thế giới, con người dễ dàng có khả năng làm tổn thương nhau và làm tổn thương chính mình. Yeong-hye dường như ý thức được điều ấy khi nghĩ “Tôi tin vào bộ ngực của mình. Tôi thích bộ ngực tôi. Vì nó không thể giết ai được. Tay, chân, miệng, lưỡi, thậm chí ngay cả ánh mắt, tất cả đều là vũ khí có thể giết chết hay làm hại bất cứ thứ gì” nhưng khi ấy cô cũng cảm thấy ngay cả bộ ngực – thứ đáng tin hơn cả trên cơ thể cũng khiến cô bất an “nhưng sao nó cứ teo dần. Bây giờ nó không còn tròn nữa […] Định đâm gì hay sao mà cứ sắc mỏng đi thế”.
- “Sao, không được chết à?”.Chết, quyền tự do chọn lựa của mỗi cá nhân?
Có lẽ con người là sinh vật duy nhất ý thức được sự hữu hạn của mình. Thông thường, ý niệm về cái chết dẫn tới khuynh hướng phủ nhận cái chết bằng cách nuôi dưỡng những “ảo tưởng lớn”, từ những ảo tưởng này sinh ra “những phương thức bất tử”. Hàng bao nhiêu thế kỉ, chúng ta tự yên ủi mình bằng cách tìm những phương thức kí gửi sự tồn tại của mình vào tiền bạc của cải truyền cho thế hệ sau, vào nghệ thuật, vào niềm tin tôn giáo, vào cộng đồng, dân tộc, đất nước,… Tuy nhiên trong xã hội hiện đại – một xã hội cô đơn và đứt gãy, con người bị tách rời khỏi mọi điểm tựa, dường như quay lại nhìn nhận cái chết một cách bình thản hơn và chân thực hơn. “Sao, không được chết à?” – đó là câu hỏi của Yeong-hye đáp lại sự vô vọng và bất lực của người chị trước tình trạng của mình. Cô có hay không quyền được đi tới cái chết hay làm bất cứ thứ gì mình muốn? Tôi có quyền hủy hoại bản thân không? Yeong-hye điên hay không điên khi đang chất vấn sự sống của chính mình và cả sự sống chịu đựng lờ đờ của người chị ngay trước mắt để rồi In-Hye cũng nhận ra “Việc sống trên đời thật lạ lùng […] Dù có trải qua bất cứ việc gì, dù việc đó có kinh khủng đến đâu đi chăng nữa thì con người cũng vẫn ăn, vẫn uống, vẫn đi đại tiện, vẫn tắm rửa để tiếp tục sống. Đôi khi vẫn cười thành tiếng”. Cố gắng sống sót và duy trì hơi thở của mình sẽ là điều có ý nghĩa chăng khi mọi thứ chỉ gói vòng trong hai chữ thói quen hay trách nhiệm? Yeong-hye và In-hye là hai nhân vật liên tục soi chiếu nhau, Yeong-hye luôn là một khả thể của In-hye và ngược lại. Điều đó có nghĩa là nếu không có những giấc mơ, có lẽ Yeong-hye vẫn tiếp tục sống giống như người chị của mình và In-hye nếu mơ những giấc mơ như vậy thì sớm muộn một sáng cũng trở thành Yeong-hye. Đáng buồn là cả hai cuộc sống đều u mờ như nhau. Một kiếp người đáng buồn như thế có nên neo giữ lại nữa không? Yeong-hye muốn trở thành thực vật, trở thành một cái cây. Một cái cây thì sẽ mãi xanh và không có hại, và quan trọng nếu là cây thì dường như sẽ không cô đơn “Chị,… tất cả cây cối trên đời này hình như đều là anh em của nhau”. Đó là ước muốn không tưởng nhưng Yeong-hye đã tập trung toàn bộ sức mạnh tinh thần của mình để đạt được điều đó. Từ chối ăn thịt và cuối cùng là từ chối toàn bộ thức ăn, phơi nắng, tạo hình một cái cây, ngưng nói năng và dần dà cả suy nghĩ, Yeong-hye không trở thành cái cây nhưng thân xác cô thu nhỏ thành một đứa trẻ kì dị. Một đứa trẻ thì có vẻ vô hại hơn một người trưởng thành. Yeong-hye đang chết dần trong cảm thức muốn trở thành cây nhưng cuộc sống này liệu có khốn khổ hơn cuộc sống bình thường trước kia cô có không, chúng ta không hề biết.
Rất khó để cắt nghĩa rành mạch những gì nhân vật đã tác động nhưng có lẽ bất cứ ai đọc câu chuyện này đều cảm thấy một tiếng “tách” nhỏ của một thứ rạn nứt trong khoảng mờ mịt của tâm hồn. Yeong-hye, nhân vật mang chứng trầm cảm tưởng như xa lạ mà kì thực tồn tại như một phần khuất lấp của mỗi chúng ta. Với câu chuyện của cô, ý nghĩ làm người thật ra không có gì đáng tự hào và cũng chẳng hạnh phúc đã đập tan biết bao mệnh đề tụng xưng vị trí độc tôn cao giá của con người đồng thời hướng người đọc nhìn sâu vào đời sống cá nhân, thoát khỏi tình trạng vô thức, sống một cuộc đời căng tràn mọi chiều kích, bao gồm cả nỗi đau và cái chết. Tuy nhiên, những tác động và sự giải phóng mà nhân vật mang lại có thể thay đổi cuộc đời chúng ta hay không và nếu có thì điều đó mang tới hạnh phúc hay chỉ làm chúng ta thêm day dứt, đau khổ, đó là những điều chỉ thời gian mới có khả năng hồi ứng.