Tag Archives: văn học và nhân quyền

Nhật ký đọc sách: “Beloved” (Toni Morrison)

leahhoelscher_beloved

1. Nhà văn Nga Mikhail Prishvin từng có một suy tư làm tôi ngỡ ngàng vì độ sâu sắc của nó. Ông bảo, chúng ta vẫn hay nghĩ trên đời này còn có gì xinh đẹp hơn, tự do hơn một chú chim. Ta vẫn ngước nhìn với niềm ngưỡng vọng hình ảnh một con chim sải cánh giữa bầu trời khoáng đạt kia như là sự phóng chiếu của khát khao lớn nhất trong ta. Nhưng có ai để ý rằng dưới đôi cánh của con chim ấy là những chỗ sưng u đau đớn. Tự do, để có nó, phải trải qua đau đớn, phải chấp nhận giá của nó luôn là cái giá nghiệt ngã nhất. Và bởi thế lựa chọn tự do của con người luôn là sự lựa chọn nhọc nhằn và đồng thời cao cả hơn hết thảy.

Văn chương không chỉ ngợi ca tự do, nó tìm cách để ta thấy được nỗi đau đớn để được tự  do và cả sự can đảm tột cùng khi dám đau đớn, thậm chí, dám chết, để tự do.

2. Có đến ba bản dịch Beloved (1988) của Toni Morrison ở Việt Nam với cách đặt tựa khác nhau ít nhiều: Người yêu dấu (bản dịch sớm nhất, của Nguyễn Hải Hà – Nguyễn Thanh Tâm), Thương (bản dịch của Hồ Như) và Yêu dấu (bản dịch của Thiên Nga). Đáng ra sự xuất hiện của bà ở Việt Nam cũng là một đề tài thú vị cho giới nghiên cứu: hình ảnh người da đen trong văn chương Mỹ được dịch, được dẫn nhập như thế nào vào trong ngữ cảnh Việt Nam hẳn hàm chứa những tự sự nhỏ, thú vị, và đương nhiên phức tạp, về cách mà người Việt chúng ta hình dung về lịch sử nước Mỹ. Nhưng câu chuyện học thuật luôn là câu chuyện không thể nói đôi ba câu trên mạng là xong xuôi.

Ở lần đọc lại thứ hai cuốn tiểu thuyết này, sau khi nghe tin nhà văn qua đời, tôi mới thật sự có cảm xúc về nó, chứ không chỉ dừng lại ở việc có thêm một ý niệm về Toni Morrison. Beloved là thứ văn chương coi việc gây nhức nhối cho người đọc là trách nhiệm của nó. Nó là thứ văn chương nhìn thấy những tình huống khốc liệt nhất mà con người – hay đúng hơn, theo tôi nghĩ, việc làm người – bị đặt vào. Ở trong tác phẩm này, câu hỏi đó không phải là sự lựa chọn giữa sống và chết, cũng không phải là sự lựa chọn giữa việc phải sống thế nào – xét đến cùng, khi còn bị đối diện với những câu hỏi như thế, con người còn chưa bị chạm đến đáy của sự thống khổ của việc làm người. Câu hỏi đặt ra ở đây, cay đắng hơn nhiều, bởi nó là câu hỏi về sự lựa chọn “Con người được chết như thế nào?”. Nói như lời của Sethe – nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết – với đứa con gái mà chị từng giết: “Nếu mẹ không giết con thì con sẽ chết ra sao?” Câu hỏi nghịch lý ấy là câu hỏi buốt nhói nhất khi tôi đọc Beloved, ở cả lần thứ nhất lẫn lần thứ hai này.

3. Beloved, như chia sẻ của Toni Morrison, là cuốn tiểu thuyết khởi sinh từ nỗi ám ảnh của nhà văn về một câu chuyện có thật, về  Margaret Garner, một người phụ nữ da đen đã giết chết con gái mình còn hơn để nó quay trở lại với thân phận nô lệ. Câu chuyện có thật rất khốc liệt này là chất liệu để văn chương đặt ra câu hỏi về khả năng cảm thông của chúng ta. Và câu hỏi mà “Beloved” buộc độc giả của mình phải đối diện là câu hỏi không hề dễ dãi. Cả trong Mắt biếc (The Bluest Eye) và Beloved – hai cuốn tiểu thuyết của Toni Morrison được dịch ở Việt Nam tính đến thời điểm này – đều cho thấy Morrison là ngòi bút lách rất sâu vào những mặc cảm tội lỗi của con người: những ám ảnh, những sự rối trí,  sự kiệt quệ khi con người không thể cắt đứt quá khứ để sống trong hiện tại. Nỗi quằn quại khổ đau ấy là trạng thái vực thẳm tinh thần mà Morrison không cho phép ngòi bút của mình được khoan nhượng. Và  nghệ thuật kể chuyện của bà còn phức tạp hơn những gì tưởng như đã rất hợp lý trong kết luận của tòa án về vụ việc của Garner, theo đó, việc Garner được miễn tội trong vụ giết đứa con hàm ý bà đã bị xử không phải như một con người kèm theo những trách nhiệm của mình. Nhưng thực chất khó thể coi đó là một phiên tòa công lý bởi xét đến cùng, dù thế nào Garner cũng chết: “chết sớm như một kẻ giết người hoặc chết chậm như một nô lệ bị đổi xử tàn ác” (trích Nguồn gốc của ngoại tộc, Toni Morrison, bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Tiến Văn, Tao Đàn, & NXB Hội nhà văn 2018). Phiên tòa ấy, trên thực tế, cũng ném trả Garner về lại kiếp sống nô lệ cho đến khi bà bị qua đời vì bệnh thương hàn vào năm 1858. Điều mà Morrison muốn làm gợn lên ở người đọc còn là liệu có chăng khả năng cảm thông nào dành cho Beloved – đứa bé bị giết chết, quay trở lại ám mẹ nó, vắt kiệt mẹ nó, và bị cộng đồng da đen ấy nhìn như một hình tượng nghịch dị, một con quỷ “trần truồng”, “khoác lấy hình hài của một phụ nữ có thai”, “mỉm cười tươi rói”…

Nhưng Beloved không chỉ là một tác phẩm đào sâu vào thế giới tinh thần của những thân phận thống khổ. Điều làm nó là cuốn tiểu thuyết đáng để đọc lại để nghĩ cùng với những câu hỏi mà Toni Morrison nêu lên thông qua số phận của Sethe đấy chính là sự chất vấn lịch sử. Nước Mỹ vốn được hình dung là xứ tự do, song thứ tự do đã trở thành biểu tượng của đất nước này phải chăng luôn làm mờ đi những dấu tích bạo lực trong lịch sử đã hằn lên thân phận người da đen? Như tấm lưng của Sethe mà trên đó những vết đòn roi tra tấn đã tượng hình thành một cái cây kỳ lạ. Có một thứ mà cái giá trị của văn hóa trung tâm luôn cố gắng tích trữ và bơm vào tâm trí của con người hiện thời, nhờ đó, những bóng ma của quá khứ có thể bị đuổi xua, bị gạt mãi ra bên lề là sự quên lãng. Tiểu thuyết của Toni Morrison làm tôi nhớ đến Những đứa con của nửa đêm của Salman Rushdie khi cả hai tác phẩm đều chia sẻ nỗi lo âu trước nguy cơ lịch sử bị giản lược bởi sự lãng quên. Tiểu thuyết, trong tình thế này, phải coi chống quên lãng như một trách nhiệm của mình.

Sự kéo dài của tình trạng phân biệt chủng tộc ở nước Mỹ cho đến giữa thế kỷ XX và việc bạo lực tái phát từ nguyên nhân này trong những năm gần đây cho thấy đây chính là vết thương chưa bao giờ được chữa lành trong lịch sử quốc gia này. Trong “Nguồn gốc của ngoại tộc” – cuốn tiểu luận của Morrison vừa được dịch sang tiếng Việt gần đây, có thể thấy rõ hơn cái nhìn thấu đáo của nhà văn về một “truyền thống”  phi nhân hóa “Kẻ khác” là nguồn cơn của bạo lực được duy trì trên đất nước vốn được xem là biểu tượng của quốc gia tự do. Thiết nghĩ, với Beloved, Toni Morrison đã không chỉ đứng ngoài các đại tự sự về lịch sử quốc gia, bà còn điềm tĩnh tách khỏi đại tự sự của cộng đồng da đen về lịch sử của mình. Không phải vô cớ, “Beloved” – tên của đứa bé bị mẹ giết, hồn ma ấy mới trở thành tên của cuốn tiểu thuyết, thay vì Sethe – nhân vật có nguyên mẫu trong lịch sử. Câu chuyện về Beloved có thể cũng bị cộng đồng da đen lãng quên như một cơn ác mộng cần phải quên, song nhà tiểu thuyết vẫn phải là kẻ điềm tĩnh hơn cả. Để trụ lại. Nhìn xuyên qua cơn ác mộng ấy. Lắng nghe một tiếng nói có vẻ như rất dễ chìm dần theo thời gian. Một tiếng nói cầu xin một nụ hôn. Cho Yêu Dấu.

Lưu Hiểu Ba -Những gì người ta có thể chịu đựng

NOBEL-PEACE/LIU

Hôm nay, đọc được tin Lưu Hiểu Ba, nhà bất đồng chính kiến người Trung Quốc, người được trao giải Nobel Hòa Bình 2010 đang bị ung thư giai đoạn cuối trong khi vẫn bị giam giữ tại nhà tù, thực tình tôi có một cảm giác nhoi nhói. Ông là nhà hoạt động nhân quyền mà tôi ngưỡng mộ bậc nhất. Có lẽ ngoài sự sâu sắc trong tư tưởng, sự trung thực và nghiêm khắc với bản thân trong suy nghĩ và trong sự dấn thân, tôi tìm thấy ở ông hình ảnh của một con người thật giàu tình cảm qua những bài thơ của ông. Rất ít các nhân vật chính trị đem đến cho tôi một cảm giác gần gũi như thế.

Cầu mong mọi điều tốt đẹp sẽ đến với ông, đến với người vợ của ông, bà Lưu Hà – một nhà thơ, nguồn cảm hứng cho những bài thơ đau đớn nhưng cũng đồng thời rất mạnh mẽ của Lưu Hiểu Ba

Theo đường link này, các bạn có thể đọc bài viết của Lưu Hiểu Ba về sự kiện Thiên An Môn qua bản dịch của Phạm Thị Hoài. Bài viết ấy là một cú hích để tôi thực sự tìm hiểu về con người và tư tưởng của Lưu Hiểu Ba.

*

Những gì người ta có thể chịu đựng

Tặng người vợ đau khổ của tôi

Em nói với anh

“Em có thể chịu đựng được bất cứ thứ gì”

với ánh mắt bưởng bỉnh, em nhìn thẳng về phía mặt trời

cho đến khi sự mù lòa biến thành một khối cầu lửa

và lửa biến biển khơi thành muối mặn

 

Em yêu dấu,

anh muốn nói với em qua bóng tối

rằng, trước khi em đi đến mộ huyệt của mình, hãy nhớ

viết cho anh lá thư bằng tro cốt của em, hãy nhớ

để lại cho anh địa chỉ của em ở cõi âm ti

 

Những mảnh xương vỡ của em sẽ làm xước trang giấy

nên em chẳng thể viết trọn dù chỉ một từ

những nhát cọ mệt lử sẽ đâm xuyên trái tim em

và cái nóng cồn cào từ cơn mất ngủ hàng đêm

sẽ làm em kinh ngạc

 

Một hòn đá chịu trọng lực của thế giới này

cũng đủ cứng để đập vỡ sọ anh

những viên thuốc hình thoi màu trắng được làm từ não óc của anh

sẽ đầu độc tình yêu của chúng ta

 

và tình yêu bị đầu độc của chúng ta

sẽ đầu độc chính chúng ta

Viết trong trại cải tạo lao động, ngày 28-12-1996, ngày sinh nhật của tôi

Nguồn: “What One Can Bear”, Bản dịch tiếng Anh của Isaac P. Hsieh in trong Liu Xiaobo, No Enemies, No Hatred: Selected Essays and Poems, Perry Link & Tienchi Martin-Liao & Xia Liu (biên soạn), Belknap Press, 2013, trang 58-9.

Lưu Hiểu Ba – Em đợi anh cùng bụi

Lưu Hiểu Ba (1955), người được giải Nobel Hòa Bình năm 2010 khi đang bị chính quyền Trung Quốc giam giữ trong tù, là nhà bất đồng chính kiến mà tôi muốn tìm hiểu nhất. Tôi trân trọng và nhất là, rất xúc động, khi đọc những bài viết của ông, dù chưa hệ thống, những bài viết đầy tinh thần chất vấn, không cho phép mình đứng cao hơn, đứng bên ngoài những vấn đề nhức nhối của xã hội Trung Quốc. Ông nghiêm khắc, trung thực và can đảm.

Thơ của ông là một góc khác. Thậm chí, tôi cứ nghĩ, tận trong sâu thẳm, ông là một thi sĩ nhiều hơn. Đã có lúc tôi hoài nghi liệu một người tham gia hoạt động chính trị có thể đồng thời là một thi sĩ đúng nghĩa? Sự hội tụ cả hai phương diện tưởng như rất khó hòa giải này có thể được nhìn thấy ở ông.

Trong khi chờ giải Nobel 2016, tôi post lại bài thơ mình dịch đã lâu, biết là bản dịch còn dở, những hôm nay, tôi tự nhiên muốn chia sẻ bài thơ này của ông viết tặng vợ mình, bà Lưu Hà, người cũng đang bị chính quyền Trung Quốc quản chế tại nhà.

liuxiaobo

*

 

Em đợi anh cùng bụi

Tặng vợ tôi, người chờ đợi ngày ngày

Chẳng còn gì còn lại trong tên em, chẳng còn gì

ngoài sự chờ đợi anh, cùng với bụi trong ngôi nhà mình

những lớp bụi

tích tụ, ken dày mọi góc

em chẳng muốn vén rèm cửa sổ

để ánh sáng xáo trộn sự tĩnh lặng của chúng

 

Trên giá sách, những nhãn vở viết tay bám bụi

trên thảm nhà, những hoa văn đóng bụi

khi em viết thư cho anh

tình yêu mà ngòi bút viết ra cũng ám bụi

mắt anh như bị cái gì đó đâm vào đau đớn

 

em cứ ngồi đó, cả ngày dài

không nỡ nhúc nhích

vì sợ rằng bước chân mình sẽ dẫm lên bụi

em cố gắng kiểm soát cả tiếng thở của mình

dùng sự lặng im để kể một câu chuyện

nhiều lúc như thế này

đám bụi làm nghẹt thở ấy

là thứ duy nhất còn giữ sự trung thành

 

cái nhìn của em, tiếng thở và thời gian

ngấm bụi

từ đáy tâm hồn em

một nấm mồ đội lên

từng chút

từng chút

từ dưới chân

chạm đến ngực

chạm đến cổ họng

 

Em biết rằng ngôi mộ ấy

là nơi nghỉ ngơi tốt nhất cho mình

nơi em đơi anh ở đó

nơi không còn sợ hãi

nơi không còn báo động

bởi vì thế mà em yêu bụi hơn

trong bóng tối, trong sự ngạt thở yên lặng

em đợi, em đợi anh

em đợi anh

cùng bụi

 

khước từ nắng và chuyển động của không khí

em hãy cứ để bụi vùi em vào nó

hãy cứ ngủ, kệ bụi kia lớp lớp ken dày

cho đến ngày anh về

và em thức dậy

lau bụi đi khỏi da em và tâm hồn em

 

Đó là điều kỳ diệu làm sao — trở về từ cõi chết.

Tháng Tư, năm 1999

Hải Ngọc dịch

Dịch theo bản tiếng Anh của Zheng Danyi, Shirley Lee and Martin Alexander, tại: https://pen.org/you-wait-me-dust-worldwide-reading-liu-xiaobo

 

 

Elaine Scarry – Thơ ca, sự tổn thương và đạo đức của hành động đọc

territory-1957(1).jpg!Blog

Quyền năng đạo đức của văn chương là gì? Nó có thể giảm thiểu những hành động gây tổn thương hay không, và nếu có thể, những bình diện nào của văn chương xứng đáng với uy tín ấy?

Đầu tiên, tất cả những câu hỏi này đều xoay quanh một câu hỏi khác: liệu có cái gì có thể giảm thiểu được sự tổn thương chăng? Trong cuốn sách mới đây, The Better Angels of Our Nature, Steven Pinker đưa ra lập luận rằng, trong hơn 50 thế kỷ qua, nhiều hình thức bạo lực đã bị tiêu giảm. Trong các thời đại mà ông đã khảo cứu tỉ mỉ, có một thời kỳ khoảng một trăm năm từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII, một loạt những hành động tàn bạo – hành quyết những người bị kết án là phù thủy, áp dụng hình phạt tử hình, bắt đồng loại của mình làm nô lệ – đột nhiên giảm đi đáng kể, cho dù chùng không biến mất.

Khi cố gắng giải thích về “sự thay đổi trên diện rộng những cảm thức trong đời sống thường nhật” trước “sự đau đớn ở những sinh thể khác” và về những điều luật bảo vệ con người xuất hiện ở thời kỳ Cách mạng Nhân bản (Humanitarian Revolution), Pinker biện giải rằng những cải cách pháp lý, ở một mức độ nào đó, là hệ quả từ sự gia tăng khả năng đọc-viết của dân chúng. Những cải cách này có tiền đề từ sự gia tăng đáng kinh ngạc của việc xuất bản sách (thí dụ, ở Anh, con số các ấn bản đã gia tăng từ con số ít hơn 500 trong một thập niên vào năm 1600 đến 2000 ấn bản được lưu hành trong 10 năm vào năm 1700 và 7000 ấn bản/10 năm vào năm 1800) và sự gia tăng cũng đáng kinh ngạc không kém về khả năng đọc viết của dân chúng, trong đó, đến cuối thế kỷ XVII, tỉ lệ người biết chữ ở Anh chiếm đa số, sang đến cuối thế kỷ XVIII, đó là người Pháp, và đến cuối thế kỷ XIX chứng kiến sự gia tăng số người biết chữ ở Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Iceland, Scotland, Thụy Điển và Thụy Sĩ.

Pinker đã phân tích sâu một hình thức đọc và một thể loại đặc biệt – thể loại tiểu thuyết để cho thấy khả năng của văn học trong việc làm giảm bớt cái ác, cái xấu, cho dù, như ta sẽ thấy, những đặc điểm làm nên khả năng đó của tiểu thuyết thời kỳ này thực chất đã có trước đó từ lâu ở thơ ca. Khai triển vấn đề một cách tinh vi dựa trên tác phẩm của sử gia Lynn Hunt, Pinker đã mô tả thuyết phục hiệu quả của việc người dân đương thời đọc những tiểu thuyết ăn khách như Pamela của Richardson hay Julie của Rousseau, từ đó, họ tưởng tượng mình có thể thâm nhập vào cuộc đời kẻ khác, gồm cả những người không hề có quyền lực xã hội: những người phụ nữ, người hầu, và trẻ em. Pinker đưa ra hình dung về đời sống tinh thần của con người trước và sau cuộc cách mạng xóa mù chữ này:

Thế giới nhỏ hẹp như tù ngục của làng xóm và của đại gia đình, một thế giới mà người ta có thể tiếp cận được bằng ngũ quan và nhận biết được qua một đối tượng duy nhất cung cấp nội dung – nhà thờ, đã phải nhường chỗ cho ảo ảnh về những không gian rộng lớn với nhiều con người, nơi chốn, văn hóa và tư tưởng.

Nếu chúng ta thừa nhận (trên cơ sở của bằng chứng chưa đầy đủ này) rằng văn học, trên thực tế, có thể giúp giảm bớt các hành động gây tổn thương – không chỉ trong thời kỳ Cách mạng Nhân bản, mà còn ở cả những thời đại khác – thì những đặc điểm nào của văn chương có thể giải thích được điều này? Ba điều lập tức xuất hiện trong đầu: khả năng khơi gợi sự cảm thông của văn chương, ý thức đối thoại của văn chương và vẻ đẹp của nó.

Bởi sự cảm thông là một đặc điểm quan trọng của văn chương nên nó đã luôn được biện hộ, bị hồ nghi, bị rủa trách và được tôn vinh vô số lần. Và mặc dù đặc điểm này vẫn xứng đáng để xem xét thêm vô số lần nưa, tôi sẽ không dành nhiều không gian để bàn về nó ở đây, ngoại trừ một lưu ý sau.

Với từ “cảm thông”, Hunt và Pinker – theo quan điểm của tôi – không chỉ muốn nói đến khả năng của văn chương trong việc làm cho chúng ta cảm thấy thông cảm đối với một tồn tại mang tính hư cấu (dù văn chương chắc chắn làm được điều này), mà đúng hơn, họ muốn nói đến khả năng của văn chương trong việc rèn luyện và củng cố khả năng nhận thức của chúng ta, rằng còn những quan điểm khác trong thế giới này, từ đó, biến sự nhận thức này thành một thói quen tinh thần thường trực. Khi một nhận thức như thế hình thành ở một cộng đồng đủ lớn, một đạo luật nhằm ngăn chặn những hành vi gây tổn thương cho người khác sẽ được thông qua, sau đó, những điều cấm được thể hiện trong đạo luật sẽ trở nên độc lập, không phục thuộc vào cảm tính. Văn chương sẽ nói: “Hãy tưởng tượng ra Pamela, khi đó ta sẽ thấy nàng không cho phép ai được làm tổn thương mình là một lẽ tự nhiên.” Luật pháp sẽ nói: “Chúng tôi không quan tâm đến việc bạn có hay không có năng lực tưởng tượng; dù bạn có tưởng tượng được Pamela hay không thì bạn cũng không được phép gây tổn thương cho nàng.”

Khả năng khơi gợi sự cảm thông nơi độc giả của tiểu thuyết tìm thấy những tiền lệ của mình. Khả năng ấy đã có sẵn ngay trong đặc điểm thứ hai, giúp văn chương kháng cự lại những hành động gây tổn thương: một thôi thúc được đối thoại, tranh luận tiềm tàng trong cấu trúc của thơ.

Ta có thể thấy sự gắn kết giữa việc sáng tác thơ ca với nhu cầu đối thoại – tức với nhu cầu tranh luận “ủng hộ” hay “phản đối” – ngay ở cảnh Homer miêu tả những nữ thần thi ca hát khi khép lại cuốn thứ nhất của sử thi Iliad – một trong những bằng chứng sớm nhất mà chúng ta còn giữ được. Thomas Hobbes, người quan tâm sâu sắc đến sự tranh luận, trong bản dịch của ông công bố vào năm 1676, đã bắt đầu bằng cảnh tiệc tùng của các vị thần, “Suốt cả ngày, từ sáng đến đêm/Các vị thần chỉ ăn và uống/Apollo chơi đàn và rồi đến lượt/Các nữ thần hát đáp lại ông.” Những giọng nói luân phiên của các nữ thần sẽ được nghe thấy rõ hơn trong bản dịch sau này của Alexander Pope, cũng như ở bản dịch xuất hiện sớm hơn của John Ogliby. Ogliby đã ghi chú về những dòng thơ này: “Các nữ thần trả lời nhau bằng cách hát… Tương tự lối hát tụng ca; [Người Hy Lạp ở thời Homer sử dụng] những hình thức Diễn văn như thế này được sử dụng để bày tỏ sự ủng hộ hay phản đối về một luận điểm nào đó.” Sau đó, ông dẫn một câu trong tác phẩm Eclogue của Virgil “Các nữ thần luôn thích đối đáp thơ” và một câu trong tác phẩm Theogony của Hesiod, “Các nữ thần bắt đầu và kết thúc Bài ca.” Cấu trúc tranh luận, đối thoại được thể hiện bởi các nữ thần trong tác phẩm của Homer có thể được nhận thấy ở mọi bản dịch tiếng Anh, trừ bản của George Chapman. Samuel Butler viết, “Các nữ thần cất cao giọng hát ngọt ngào của họ, gọi và đáp lời nhau”; trong ấn bản của Richmond Lattimore, ta đọc thấy “những âm thanh ngọt ngào đối đáp nhau của các nữ thần”; và trong bản dịch của Robert Fagels, cảnh tượng này được diễn tả “Nữ thần hát/lời đáp lời hòa ca”.

Iliad là một thiên sử thi được châm ngòi bởi sự tranh cãi giữa Achilles và Agamemnon, và chúng ta thường có xu hướng gắn sự tranh cãi với thơ sử thi hay các vở kịch, như ở các cuộc thi kịch tại Hy Lạp thế kỷ V. Nhưng nhiều thể thơ khác cũng tích hợp cấu trúc tranh luận trong nó, như ta có thể thấy ở từ “tụng ca” (anthem) – vốn bắt nguồn từ từ “hát đối” hay “đáp thơ” – mà ta có thể thấy hiện diện trên tất cả các bản dịch. Việc một bài tụng thi, một khúc hát ngợi ca, hàm chứa giọng tranh biện bên trong làm chúng ta nhớ rằng cấu trúc tranh luận này không hề mang tính chất phản trữ tình.

Nhiều phong cách thơ ca giúp chúng ta trực quan những hành động đối thoại này. Eclogue (mục ca) là một bài thơ đối thoại về hành động lựa chọn mà bài Mục ca 3 và 7 của Virgil là thí dụ, trong đó, ta thấy một quan tòa phải lựa chọn giữa hai anh chàng mục đồng, ai có lập luận thuyết phục hơn. Từ “eclogue” bắt nguồn từ từ eklegein, nghĩa là “lựa chọn”. Một ví dụ khác là thể tenzone, trong đó hai thi sĩ lập luận bằng “những cặp câu thơ luân phiên đối nhau,” như Urban Holmes đã mô tả trong Princeton Encyclopedia of Poetry and Poetics. Thể tenzone cuối cùng mang cả những hình thức khác như đánh thơ hay họa thơ, trong đó một “nhà thơ đưa ra hai tình huống phản đề.” Nhà thơ này sẽ buộc phải biện hộ cho một luận đề, còn luận đề tương phản kia sẽ trao cho một nhà thơ khác, cả hai trình bày sự biện hộ của mình bằng ba khổ thơ. Trong bản dịch tác phẩm của Dante – Vita Nouva, dịch giả Mark Musa đã giải thích, “Những người hát rong ở Italia đã sáng tạo ra hình thức sonnet [của thể tenzone], tuy nhiên, hình thức này vẫn là một phương thức tranh luận, theo đó, một định đề được đưa ra, mời gọi một sự đáp lại (gieo cùng vần) từ một nhà thơ khác.”

Trong khi ở thể tenzone, hai bài thơ sonnet riêng biệt được đặt trong quan hệ tranh luận với nhau thì một hành động đối lập trong tinh thần cũng hàm ẩn ngay trong bản thân hình thức thơ sonnet, đặc biệt trong hình thức do Petrarch phát kiến mà bố cục bài thơ chia thành hai phần: tám câu đầu và sáu câu cuối. Trong khi thủ pháp volta hay “bước ngoặt tư tưởng” được nhấn mạnh trong hình thức sonnet của Petrarch thì ta cũng có thể nhận thấy rõ thủ pháp này trong các bài sonnet của Spenser và Shakespeare.

Holmes không chỉ chú ý đến những hình thức thơ mà ta vừa liệt kê mà còn đến những hìnhthức khác cũng gắn với một cấu trúc tranh biện, như lauda, vốn đòi hỏi “một sự hưởng ứng đáp lời” và do đó, khơi gợi sự đối thoại, hay thể pastourelle, trong đó, một nhà quý tộc hoặc một hiệp sĩ cố gắng quyền rũ một nữ mục đồng và thường bị nàng hoặc những người bạn mục đồng của nàng đánh lừa.

Sự gắn bó không tách rời giữa thơ ca và sự tranh luận có thể được thấy ngay trên nhan đề nhiều bài thơ ở nước Anh thời trung cổ: “Parlement of Foules” (Nghị viện của Chim), “Parliament of Devils” (Nghị viện của Quỷ), “Parliament of the Three Ages” (Nghị viện của Ba thế hệ), “The Cuckow and the Nightingale” (Chim cúc cu và chim họa mi), “The Clerk and the Nightingale” (Tu sĩ và chim họa mi), “The Floure and the Leafe” (Hoa và lá), “Dispute between Violet and Rose” (Tranh cãi giữa hoa violet và hoa hồng”…. và cuối cùng, nhưng không kém phần đáng chú ý, “A Disputacion betwyx the Body and Worms” (Tranh luận giữa Thân thể và Giun bọ).

Những bài thơ tranh luận ở thời trung cổ xuất hiện ở nhiều ngôn ngữ, bắt đầu từ bài thơ ra đời ở thế kỷ VIII, dưới thời Carolingia, có nhan đề “Conflictus Veris et Hietmis.” John Edwin Wells, một học giả hồi đầu thế kỷ XX về nước Anh thời trung cổ, có lưu ý rằng những phiên bản của bài thơ “Debate between Body and Soul”, vốn xuất hiện đầu tiên trong tiếng Anh vào khoảng thời gian từ 1150 đến 1175, hiện còn có thể tìm thấy trong tiếng Latin, Hy Lạp, Pháp, Provence, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Italia, Đan Mạch và Anh.”

Cũng có thể tìm thấy những hiện tượng tương ứng ở phương Đông. Nhan đề của nhiều bài thơ trong ngôn ngữ Sumerian, Akkadien, Assyrian, Babylonian thường giống với những bài thơ được nhắc đến ở trên: “Summer contra Winter” (Mùa hè chống lại Mùa đông), “Bird contra Fish” (Chim chống lại Cá), “Tree contra Reed” (Cây chống lại Sậy)… Mô tả những bài thơ tranh luận ở Cận Đông  vừa là “những công cụ” đồng thời vừa là “những đồ chơi”, Herman Vanstiphout cho rằng ở trung tâm của những bài thơ này đều có một bài học nghiêm túc: “Tất cả các đồng xu đều có hai mặt.” Mãi về sau này, những bài thơ tiếng Anh mới chia sẻ bài học ấy. Thomas L.Reed cho thấy mặc dù nhiều bài thơ trong ngôn ngữ Anglo-Saxo và ngôn ngữ Anh thời trung cổ thường được đặc trưng bởi việc đưa ra một quan điểm, một lập trường “đúng” mà người có suy nghĩ bị xem là “sai” có thể sửa đổi theo hướng đó nhưng trong nhiều bài thơ khác, ta thấy các ý kiến tranh cãi đều bình đẳng và không có phán quyết cuối cùng nào được đưa ra.

Reed đã chứng minh bên cạnh tất cả những bài thơ mà tính tranh luận của chúng được thể hiện công khai, nhiều tác phẩm lớn của văn chương Anh cũng là những tranh luận: Beowulf đầy rẫy những cuộc tranh cãi, khẩu chiến; Piers Plowman với mạch truyện tự do và “bí ẩn”; Sir Gawain and the Green Knight với những cuộc tranh cãi giữa màu xanh và vàng, mùa đông và mùa hè, Thiên chúa giáo và lý tưởng hiệp sĩ, tuổi trẻ và tuổi già, tội lỗi và ân sủng, sự khiếm nhã và sự phản bội. The Canterbury Tales cũng xoay quanh “tranh cãi về hôn nhân”, được mở rộng qua những câu chuyện của nhân vật Thương gia, Tu sĩ, Vợ của Bath và nhà Franklin; những cuộc khẩu chiến giữa Reeve, Miller, Summoner và Friar; và trên hết là “cuộc thi kể chuyện” giữa những người kể chuyện mà Harry Bailly là người phân định kết quả.

Vào thời của mình, những bài thơ này giúp hình thành những thiết chế dân sự mới mà ở đó sự tranh cãi được khuyến khích một cách nhiệt tình. Thomas Reed và Howard Bloch đã cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa “sự phát triển nhanh chưa từng thấy” của những hình thức tranh luận bằng thơ ca từ thế kỷ XII đến XV và sự phát triển đồng thời của ba thiết chế: các trường đại học, nơi sự trnh luận, dưới hình thức của phép logic và phép biện chứng, được dẫn dắt bởi các môn học khai phóng; các tòa án và song hành cùng với chúng là các trường luật – thí dụ như Inns of Court, nơi các việc kiện tụng và các vấn đề pháp lý được tranh luận theo từng phiên được gọi là “nghi ngờ và chất vấn”, “bàn cãi” và “chốt vấn đề”; và thiết chế cuối cùng là nghị viện với cấu trúc mang tính tập hợp và hình thức bỏ phiếu bằng cách điểm danh.

Nếu như Pinker và Hunt đã nhìn thấy sự phát triển bất ngờ của số dân biết chữ, của ngành xuất bản và thể loại tiểu thuyết như là những nhân tố kích thích (hay chí ít là ủng hộ) cho những cải cách pháp lý, từ đó góp phần hình thành cuộc Cách mạng Nhân bản ở thế kỷ XVIII, thì cấu trúc tranh luận của thơ ca kể từ Homer về sau đã góp phần nuôi dưỡng ba khu vực tranh luận ở thế kỷ XII và XIII mà mục đích của chúng – ít nhất là ở các nghị viện và pháp đình – là giảm thiểu sự tổn thương.

Vậy, một cuộc tranh luận giữa các nữ thần, hay giữa Achilles và Agamemnon, giữa Sophocles và Euripides, giữa hai người mục đồng, giữa lưỡi cày và lưỡi cuốc, giữa hoa hồng và hoa violet, giữa con cú mèo và chim họa mi…liên quan gì đến sự thông cảm mà ta trải nghiệm khi đọc Clarissa hay Moll Flanders hay Emma?

Trên thực tế, những khẳng định về giá trị của sự tranh luận rất giống với những gì chúng ta có thể nói về sự cảm thông. Điểm chung của hai bình diện này không phải chỉ ở chỗ chúng thừa nhận có nhiều điểm nhìn, đồng xu nào cũng có hai mặt mà còn là cơ hội để thực hiện, từ đó đào sâu và củng cố nhận thức ấy.

Quan trọng hơn, cả sự tranh luận lẫn sự cảm thông của chuyện kể đều đòi hỏi người ta phải biết nghĩ ngược chiều, phải nghĩ đến thực tế rằng đối phương không phải là ta, để có cùng quan điểm, cách xử sự trong tình huống. Trong một cuộc tranh cãi, luận điểm, lập luận của một bên có thể gây ấn tượng đối với chúng ta là đúng, là chân thực trong khi bên kia là không đúng, không chân thực. Nhưng chúng ta phải chú ý đến cả hai. Nếu chúng ta tưởng tượng một bài thơ tranh luận trở thành một tiểu thuyết, tất cả những gì xảy ra sẽ là bình diện được xem như sự thực (factual), đã coi như hiển nhiên bị biến mất, cái chúng ta đối diện, cái chúng ta đọc trên trang giấy lại là bình diện phản sự thực (counterfactual), tức là những gì trái khoáy, oái oăm, trớ trêu, nghịch lý. Một cách khác để diễn tả điều này mà ta có thể thấy ở một bài thơ tranh luận: quan điểm mà ta tin (quan điểm của hoa hồng) có thể được hiểu chỉ như là một lời biện hộ mang tính tự sự để dẫn nhập vào quan điểm mà ta không tin (quan điểm của hoa violet). Khi văn chương tiểu thuyết, văn chương hư cấu xuất hiện, việc cần phải dẫn dụ người đọc vào câu chuyện của hoa violet bằng việc phải khẳng định sự hiện diện của hoa hồng không còn cần thiết nữa. Từ đầu đến cuối, chúng ta chỉ phải đối diện với cái phản thực tế, cái oái oăm, nghịch lý.

Đặc điểm thứ ba của văn chương góp phần giảm thiểu khả năng gây tổn thương là vẻ đẹp của nó. Trong trường hợp này, bản thân người đọc là người được hưởng lợi: chính những tổn thương của người đọc sẽ lắng dịu xuống vì – ít nhất là theo Walter Pater – sự đọc mở rộng đời sống của anh ta. Pater nhận định, xét trên phương diện thực tế, chúng ta không thay đổi được việc mình có thể sống bao lâu, nhưng xét về mặt hiệu ứng, chúng ta lại có thể làm được điều này bằng cách “dồn nén càng nhiều xúc động càng tốt vào một khoảng thời gian cụ thể.” Những tác phẩm nghệ thuật đẹp và những bài thơ, theo Pater, là cách bảo đảm nhất để làm xuất hiện “thứ ý thức được kích thích và nhân bội này” và do đó có thể nén 200 (hoặc có thể 2000) năm tưởng tượng vào trong một đời người bình thường, mà ở trường hợp của Pater là 55 năm.

Nhưng dù đạo đức của sự đọc có thể chắc chắn bao hàm những lợi ích mà người đọc được thụ hưởng thì trọng tâm của chúng ta ở đây lại là câu chuyện khác, thường ít được để ý, theo đó, chínnh những con người mới là đối tượng được hưởng lợi từ hành động đọc của ai đó.

Trước hết, những thứ đẹp đẽ (dù là những bài thơ, những phương trình toán học, hay những gương mặt) đều sở hữu những đặc điểm như cân xứng, sống động, thống nhất dự cảm trước những phẩm chất tương tự, nhưng khó đạt đến hơn rất nhiều, trong lĩnh vực công lý. Chẳng hạn, sự cân xứng là đặc điểm thường thấy ở thi luật của một bài thơ sẽ khơi gợi cảm hứng và chỉ dẫn trong nhiều thế kỷ, từ đó dẫn đến sự hình thành ý niệm về sự cân xứng trong lĩnh vực công lý – dù đó là ý niệm công lý mà John Rawl định nghĩa như là công bằng, đòi hỏi “sự cân xứng trong mối quan hệ của mọi người với nhau”; hay đó là mong mỏi của Plato về sự đối xứng giữa tội ác và trừng phạt mà chúng ta vẫn còn cách rất xa với mong mỏi ấy; hay đó là quan niệm của Hume về sự đối xứng giữa những kỳ vọng và sự hiện thực hóa chúng.

Thứ hai, cái đẹp phá vỡ sự đơn điệu và đem đến cho ta một sự an ủi bất ngờ trong tâm trí. Nhà văn Iris Murdoch nói rằng chúng ta trải qua một quá trình “vô ngã hóa” trước sự hiện hữu của một thứ đẹp đẽ; “những mối bận tâm” và lo âu của con người sẽ bất ngờ tiêu tan. Simone Weil đã gọi hiện tượng này như là một “sự giải trung tâm triệt để.” Tôi thì gọi đó là “sự cận kề đê mê,” một thuật ngữ có vẻ vụng về nhưng gợi chúng ta nhớ rằng có nhiều thứ trong đời sống đem đến cho ta khoái cảm tinh tế (một trạng thái đê mê, được vuốt ve) và nhiều thứ khác làm ta cảm thấy như đứng ngoài cuộc mọi sự, nhưng hầu như không có cái gì – ngoại trừ cái đẹp – làm chúng ta trải nghiệm cả hai cảm giác đó cùng lúc. Cảm nhận có một khoái cảm tinh tế khi đứng ở bên ngoài cuộc là bước đầu tiên để đi đến xác lập sự công bằng.

Việc tiếp xúc với cái đẹp cũng có thêm một hiệu ứng bổ sung. Diotima, nữ triết gia người Hy Lạp thời cổ đại đã từng nói với Socrates – người kể với chúng ta câu chuyện về Plato – rằng theo Plato, sự hiện hữu của một con người hay một sự vật đẹp đẽ làm con người ta nảy sinh khao khát muốn sinh ra những đứa trẻ trên thế gian này. Diotima nói, việc tiếp xúc với cái đẹp đồng thời cũng khơi dậy ham muốn sáng tác những bài thơ, biên soạn những khảo luận về luật pháp và những tác phẩm triết học. Những triết gia hiện đại như Wittgenstein cũng từng nói điều tương tự. Nhận thức được năng lực sáng tạo cũng là một điều kiện tiên quyết để ta xác lập ý niệm công lý: trong khi cái đẹp có thể là tự nhiên hay nhân tạo thì công lý luôn là thứ nhân tạo; nó luôn cần đến những nỗ lực lớn lao để làm nó xuất hiện. Vì vậy, bất kỳ cái gì đánh thức sức mạnh sáng tạo trong ta đều là bước đầu tiên để đi đến xóa bỏ những sự bất đối xứng và tổn thương.

Văn chương có thể giảm thiểu những tổn thương của thế giới thực và ba đặc điểm của văn chương – khả năng cảm thông, ý thức tranh biện, đối thoại và cái đẹp – có thể đều gắn với hệ quả ấy.

Hãy tưởng tượng chúng ta có thể vứt bỏ do dự và hoàn toàn chắc chắn trước những sự thật rõ rành của những mệnh đề này. Câu hỏi tiếp theo sẽ là có phải văn chương thực hiện được những công việc đem lại lợi ích ấy với đám đông rộng lớn hay những hiệu ứng lợi ích của nó chỉ được gia tăng qua sự chỉ dẫn mang tính cá nhân hóa cao độ, những trải nghiệm riêng tư? Nói khác đi, liệu người ta có cần tích cực chuyên tâm vào những khả năng trị bệnh của văn chương hay không?

Từ những gì tôi đã trình bày, có thể thấy rõ rằng những thay đổi trong hành vi đạo đức luôn đòi hỏi một sự đổi thay lớn trong một cộng đồng độc giả rộng rãi. Điều này có nghĩa – như chúng ta đã biết từ lâu – rằng công việc chủ yếu của ngành nhân văn là đảm bảo rằng những cuốn sách được đặt vào trong tay của những lớp học trò mới và rồi chúng lại được mang trở lại ra biển. Tuy nhiên, có thể những giáo viên và người đọc cần phải làm nhiều hơn. Chúng ta cần chú ý nhiều hơn đến việc làm rõ những trách nhiệm đối với những thương tổn ở thế giới thực và khả năng can thiệp của văn chương bởi chính ba đặc trưng quan trọng của nó. Vì cho dù những thay đổi trong cảm thức cũng có thể sẽ xuất hiện mà không cần sự chỉ dẫn hay sự can thiệp rõ ràng nào thì một sự ít bí ẩn và sáng rõ hơn có thể sẽ khiến người ta dễ dàng tìm đường hơn.

Cuối cùng, mặc dù những thay đổi trong cảm thức trở nên rõ nét khi nó được chia sẻ, lan tỏa rộng rãi thì chắc chắn cũng cần nhắc những độc giả mới nhớ đến những thay đổi mà những độc giả đơn lẻ tạo ra qua hành động đọc rất riêng tư của mình. Rõ ràng những độc giả riêng lẻ, từ niềm khát đọc của mình, thi thoảng, đã đem đến những đóng góp cá nhân rất quan trọng để những tổn thương trong thế giới này được giảm thiểu. Daniel Defoe, người được xem là khởi điểm của tiểu thuyết Anh, cũng là người góp phần khơi dậy ý tưởng phải có những hiến pháp thành văn như nhà nghiên cứu luật pháp Bernadette Meyer đã chỉ ra. Tiểu thuyết Julie – một trong những cuốn tiểu thuyết ăn khách đầu tiên trong lịch sử văn học – được viết bởi Rousseau, tác giả Khế ước xã hội. Hobbes, tác giả cuốn Leviathan mà mục đích chính của nó là “đưa chúng ta thoát khỏi thân phận khốn khổ của mình”, đã đọc Iliad nhiều lần và kỹ lưỡng đến mức ông đã dịch tất cả 16.000 câu thơ của thiên sử thi ấy, cũng như ông đã đọc Odyssey một cách thấu đáo để dịch tác phẩm đó của Homer. Và nhờ sự giúp đỡ của J.R. Madicott qua tác phẩm Origins of the English Paliarment 924 -1327 (Nguồn gốc của quốc hội nước Anh từ 924 đến 1327), nếu chúng ta nhìn vào khởi nguồn của thiết chế này, không phải ở giai đoạn thiết chế này đi vào ổn định và củng cố sức mạnh, ta sẽ gặp gỡ với Athelstan, vị vua đầu tiêng của nước Anh hồi đầu thế kỷ X. Ông là người đã biến cái mà ở các triều đại trước đó là những buổi tham vấn đặc biệt các quân sư thi thoảng diễn ra thành những buổi học chính thức, thường xuyên để làm chứng và biểu quyết những bố cáo và điều luật. Athelstan nổi tiếng là một người sưu tầm sách vở, có học vấn uyên thâm, và cũng được biết đến qua những bài thơ cung đình của ông (trong đó có thể bao gồm cả tác phẩm De arte metrica [Về thi luật], một khảo cứu về thơ được viết bằng lối văn vần). Có bằng chứng, dù chưa thể xác quyết được, rằng sử thi Beowulf cũng được sáng tác dưới thời của ông. Sarah Foot, một nhà nghiên cứu tiểu sử, đã nhận xét: “Số lượng tác phẩm thơ ca ở thời đại này còn lại cho thấy việc ngâm xướng thơ ca có lẽ đóng một vai trò nhất định trong những sinh hoạt giải trí buổi tối tại cung đình của ông.”

Bất kể mỗi cá nhân chúng ta có những bổn phận trung thành và bền vững như thế nào với cộng đồng hay với người khác – như với người tình, với đất nước, với tư tưởng – thì vẫn có một phần nào đó bên trong ta vẫn có khả năng thay đổi. Chính nhờ cái phần này ở trong ta – cái phần có tính thuận nghịch giống như một mảnh vải tơ chỉ có độ dày một nanometre – là nơi mà văn chương hướng đến. Hoàn toàn không phải là một mối đe dọa với những cam kết, những trách nhiệm của chúng ta, cái phần bên trong mong manh như lụa này ở mỗi cá nhân làm ta trở nên uyển chuyển, linh động, cởi mở, cho phép ta độ lượng hơn với những con người, nơi chốn mà ta đã từng gắn bó. Nhưng nó cũng mở ra cho chúng ta những cam kết, những sự gắn bó trách nhiệm mới. Mọi thể loại văn chương đều nhắm đến điều này nơi chúng ta: đó là lý do tại sao những thuyết giảng về tôn giáo hay đạo đức phản sân khấu lại sợ sân khấu đến thế; tại sao không thể đoán được ta sẽ đồng nhất mình với ai khi đọc Anthony and Cleopatra hay Đồi gió hú.

Nhưng đâu phải văn chương chỉ nhắm đến cái lớp vải phi vật chất mong manh đó trong nội giới chúng ta, hay lớp sáp ong mềm dẻo bên trong tư tưởng và tinh thần chúng ta. Chính là văn chương qua hàng bao thế kỷ đã dệt nên nó, hay ít nhất văn chương giúp cho cái phần mong manh, biến ảo ấy vẫn vẹn nguyên kể cả sau khi chúng ta đã trở thành những kẻ “hoàn toàn trưởng thành.”

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Elaine Scarry, “The Literacy Revolution: Poetry, Injury and the Ethics of Reading”, Boston Review, Jul/Aug 2012, trang 66-70.

P.S: Tiểu luận này, với tôi, không quá khó hiểu, nhưng lại rất khó dịch bởi cách diễn đạt và sử dụng từ ngữ của tác giả khá hình ảnh, đặc biệt là đoạn cuối. Tôi vẫn cố gắng dịch hết bài tiểu luận này, chắc chắn không tránh khỏi sai sót, vì thế, hy vọng có thể nhận được những chia sẻ, góp ý nếu có. Bài tiểu luận này cũng gợi mở cho tôi nhiều suy nghĩ về ý nghĩa của văn chương trong thời đại đầy tổn thương này.

Joseph R. Slaughter – Quyền trên giấy

Joseph R. Slaughter là Giáo sư ngành Văn học Anh và Văn học so sánh tại Columbia University. Ông là một học giả hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu văn học và nhân quyền. Chuyên luận Human Rights, Inc.: The World Novel, Narrative Form and International Law của ông năm 2007 đã được trao giải thưởng Rene Wellek của Hiệp hội Nghiên cứu văn học so sánh Hoa Kỳ cho công trình mang tính đột phá nhất về lý thuyết năm 2008. Bài luận ngắn dưới đây là lời tựa cho tuyển tập Theoretical Perspectives on Human Rights and Literature, Elizabeth Swanson Goldberg & Alexandra Schultheis Moore chủ biên, New York & London:Routledge 2012.

Amnesty-internationalObse-005

 

Trên trang đầu của tờ The Observer, số ra ngày 28 tháng Năm năm 1961 có giới thiệu một tiểu luận đặc biệt của Peter Benenson, một luật sư biện hộ tại tòa tối cao vương quốc Anh và (như những người viết tiểu sử về ông thường chú thích) đồng thời từng có lúc là người dạy kèm cho thi sĩ W.H. Auden. Bài viết của Benenson có nhan đề “Những tù nhân bị quên lãng”, kể lại sáu mẩu chuyện rất ngắn của sáu tù nhân bị chính quyền cầm tù vì quan điểm chính trị hay tôn giáo của họ; những “Tù nhân lương tâm” này (một thuật ngữ sẽ trở thành từ khóa trong bảng từ vựng về nhân quyền thế kỷ XX) đã được Benenson và những đồng nghiệp của ông – “một nhóm những luật sư, nhà văn, chủ xuất bản ở London” – lựa chọn làm chủ đề cho Lời kêu gọi ân xá, một chiến dịch năm 1961, mà sau đó đã phát triển thành Tổ chức Ân xá Quốc tế. Trong bài viết của mình, Benenson đã đưa ra một tuyên bố mà giờ đây nghe có phần “bất thường” về những sự đổi mới trong thủ pháp mà chiến dịch của ông đã sử dụng để “khơi dậy dư luận.” Benenson nói rõ, “việc công bố những câu chuyện cá nhân của một số tù nhân do đối lập về chính trị là một hình thức mới. Hình thức này được khai thác để tránh số phận của những chiến dịch ân xá trước đó vốn thường bận tâm nhiều hơn đến việc công bố quan điểm chính trị của người tù hơn là những mục đích nhân văn.” Theo lời trình bày của Benenson, “câu chuyện cá nhân” của những người “bất tuân” về tôn giáo hay chính trị, tự nó, không phải là một câu chuyện chính trị; nghĩa là, “câu chuyện cá nhân” là cái gì đó hoàn toàn xứng đáng được bảo vệ.

Chiến dịch kêu gọi ân xá hiện đại đã hình thành, ít nhất một phần nào đó, như là sự biện hộ cho văn học, hay những giá trị, hình thức văn chương, những phương thức tự do biểu đạt – những gì mà Mumtaz Soysal định nghĩa như là “những giọng nói của trí tưởng tượng của con người” trong diễn từ nhận giải Nobel Hòa bình cho Tổ chức Ân xá Quốc tế mà ông là đại diện. Văn học đã có một vị trí trung tâm trong bài viết của Benenson trên tờ The Observer; thực chất, trong những ví dụ mà ông đưa ra để nói về những hiệu ứng mạnh mẽ của việc tập trung “dư luận thế giới…vào một trường hợp đang bị dồn vào thế yếu” thông qua việc công bố những câu chuyện cá nhân về những tù nhân chính trị, Benenson đã dẫn ra trường hợp của nhà thơ, nhà tiểu thuyết người Hungary Tibor Déry, người vừa được ra tù dưới áp lực từ “Ủy ban Tibor Dery” được hình thành trên khắp thế giới và trường hợp luật sư, nhà xã hội học và cây bút tiểu luận người Tây Ban Nha Tierno Galván (“và những người bạn văn của ông”), những người được xử trắng án tại phiên tòa xét xử họ vì tội chống lại chính quyền Franco sau khi có sự tham dự của những quan sát viên nước ngoài theo dõi quá trình xử án. Hơn nữa, trong sáu tù nhân lương tâm mà Benenson công khai những câu chuyện cá nhân của họ, có hai người là nhà văn và nhà phê bình văn học (Constatin Noica, bị cầm tù tại Romania và Agostinho Neto, người Angola, bị chính quyền thực dân Bồ Đào Nha giam giữ). Noica sau đó được ân xá vào tháng Tám năm 1964 và việc phóng thích Neto – chỉ là một trong số nhiều tù nhân lương tâm mà Tổ chức Ân xá Quốc tế vận động để đòi tự do đã đi từ nhà tù (và thơ ca) đến cương vị tổng thống – được nêu lên trong Bản thông báo thường niên đầu tiên của tổ chức này với nhận định như sau: “Nếu một tù nhân được thả tự do… sau khi có một số tường trình công khai về tình hình của một đất nước, chúng tôi chỉ xem như một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Chúng tôi không thể nói Tổ chức Ân xá quốc tế có liên đới trực tiếp. Tuy nhiên, trong 12 tháng hoạt động của Tổ chức, đã có nhiều sự trùng hợp ngẫu nhiên như thế khiến chúng tôi có cảm giác những gì mình đang làm thực sự gây được những ảnh hưởng nhất định” (dẫn theo Tổ chức Ân xá Quốc tế). Chúng tôi nhắc lại nhận định khiêm nhường và thận trọng này để lưu ý đến sự giao thoa giữa văn học và nhân quyền; song tôi có thể khẳng định những tiểu luận in trong tuyển tập này đưa ra nhiều sự “trùng hợp ngẫu nhiên” giữa hai lĩnh vực đủ để cho thấy những gì văn học làm thực sự đã có những tác động đến nhân quyền.

Việc chú trọng đến hình thức biểu đạt văn chương trong Chiến dịch kêu gọi ân xá năm 1961 phản ánh mối quan tâm nghề nghiệp của các luật sự, nhà văn, chủ xuất bản mà Benenson cộng tác, song nó cũng được nảy sinh từ một phạm vi hẹp những đối tượng mà Tổ chức Ân xá hướng đến để vận động tự do – đó là những “tù nhân lương tâm”, những người được xác định là “Bất cứ cá nhân nào bị cản trở về mặt vật chất (bằng hình thức cầm tù hoặc bất cứ hình thức nào khác) để biểu đạt (bằng bất cứ hình thức ngôn từ hay biểu trưng nào) bất cứ quan điểm nào mà người đó thành thực tin tưởng, miễn là họ không sử dụng hay ủng hộ bạo lực.” Tổ chức Ân xá nhận lấy trách nhiệm đó về mình từ Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, đặc biệt là điều 18 (tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo) và điều 19: “Mọi người đều có quyền tự do quan điểm và biểu đạt; quyền này bao gồm tự do giữ chính kiến mà không cần phải chịu sự can thiệp nào, quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến thông tin, tư tưởng thông qua bất cứ phương tiện truyền thông nào, bất chấp những biên giới.” Trong những nỗ lực để bảo những “quyền tồn tại trên giấy,” Tổ chức Ân xá đã khai thác những phương pháp của văn chương để khơi dậy dư luận (câu chuyện cá nhân) và tập trung vào những thiết chế trấn áp (chiến dịch thư thỉnh nguyện công khai cho đại chúng) – tất cả những phương pháp này đều phụ thuộc sâu sắc vào chữ nghĩa. Cả hai phương pháp vừa được nói đến đích thực đều là sự thực hiện quyền tự do quan điểm và biểu đạt – những quyền mà tù nhân bị lương tâm bị tước đoạt; nói cách khác, những thủ pháp để biện hộ cho quyền tự do biểu đạt đồng dạng với những phương thức biểu đạt mà vì chúng, tù nhân lương tâm bị trừng phạt. Như thế, theo một nghĩa nào đó, ít nhất là ở một số chiến dịch ban đầu của Tổ chức Ân xá, những gì họ làm không chỉ là bảo vệ cá nhân những nhà văn mà rộng hơn, là còn để bảo vệ cả thế giới văn chương cùng những khả năng mà nó mở ra.

Văn học và nhân quyền có thể chỉ gần đây mới giao cắt nhau như là hai lĩnh vực nghiên cứu học thuật có nhiều điểm chung, nhiều điểm gối chồng lên nhau, nhưng cả hai đã gắn bó với nhau cả một thời gian dài. Như một số chương trong tuyển tập này, và ở nhiều nghiên cứu khác, đã cho thấy, các tác phẩm văn học và những phương thức tư duy kiểu văn học đóng vai trò quan trọng trong việc khơi nguồn những lý tưởng và cảm thức về nhân quyền hiện đại, cũng như trong sự phát triển các luật lệ quốc gia và quốc tế về nhân quyền. Những mối quan hệ như vậy khó định lượng được – mà tôi nghĩ đây là điều tốt cho cả văn học và nhân quyền – không chỉ vì điều này để lại những thuật ngữ quan trọng về mối liên hệ phức tạp của hai lĩnh vực này trong tình trạng không xác định, nhưng vì thế lại có thể làm cho nhau trở nên mềm mại, linh hoạt và hiệu quả hơn, mà còn vì nó nhắc chúng ta phải đề phòng lối suy nghĩ dễ dãi khi công cụ hóa một lĩnh vực này để bắt nó phục tùng lĩnh vực kia, buộc lĩnh vực này phải nương theo tình trạng khẩn cấp của lĩnh vực kia. Nói khác đi, những thuật ngữ về sự cộng hưởng, phối hợp và tương phản giữa văn học (hay rộng hơn là lĩnh vực sản xuất văn hóa) và nhân quyền vẫn còn là những vấn đề mở. Việc văn học ảnh hưởng đến nhân quyền ở quy mô, mức độ lớn, không thể đo đếm được không chỉ là sự phản ánh những hiệu quả về tri thức không xác định được của cái mà Gayatri Chakravorty Spivak đã mô tả như là “Ngành nhân văn…không có bảo đảm nào”; chính điều kiện và sự cam kết của lĩnh vực nhân quyền đã tự đưa đến hiệu quả ấy. Lấy thí dụ, trong những năm đầu tồn tại, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã chính thức từ chối việc ký tên trực tiếp trong các chiến dịch đệ thư thỉnh nguyện đòi thả thử do những tù nhân chính trị. Trong diễn văn trao giải Nobel cho Tổ chức Ân xá Quốc tế, Aase Lionaes đã đùa một chút về một số thống kê không chính xác về tỉ lệ những tù nhân được phóng thích để “đưa ra chỉ dấu về phạm vi công việc của tổ chức”; bà kết luận, theo sự định hướng của Tổ chức ân xá, những con số như thế quả không thể tính toán được, nhưng thay vào đó, “quan trọng hơn, hãy nghĩ đến những hoạt động toàn cầu của Tổ chức Ân xá Quốc tế như một bộ phận tích hợp của quá trình tạo ra những áp lực liên tục mà những lực lượng tiến bộ trong các chính phủ và các tổ chức của Liên hợp quốc đã xúc tiến.” Giống như văn học, viết thư cũng là một hoạt động không có bảo đảm nào; và giống như viết thư, văn học (ở những khoảnh khắc tốt nhất của nó) đều tham dự vào việc tạo ra “những áp lực liên tục” thông qua chính những “hoạt động toàn cầu” của mình.

Dù thế nào đi nữa, Lời kêu gọi Ân xá, sự nhấn mạnh của chiến dịch năm 1961 vào những câu chuyện cá nhân đã báo trước khúc ngoặt tự sự trong khoa học xã hội và khúc ngoặt đạo đức trong nghiên cứu văn chương – khi tự sự và đạo đức chuyển hóa lẫn nhau. Những câu chuyện cá nhân là khuynh hướng đương đại của những dự án về nhân quyền và dường như giờ đây khó hình dung hình dung đây là một thể loại mới như Benenson từng quả quyết vào năm 1961, cũng như khó hình dung được một thời điểm trước những câu chuyện cá nhân và những chiến dịch nhân quyền.. Thực chất, từ quan điểm của chúng tôi, điều này dường như cũng khó khăn như thể hình dung việc giới thiệu nhân vật thứ ba trên sân khấu kịch Hy Lạp cổ đại như một cách tân về thủ pháp văn chương mang tính cách mạng – theo một nghĩa nào đó, những nỗ lực của Tổ chức Ân xá cũng có tính chất tương tự: để giới thiệu một nhân vật thứ ba (dư luận của thế giới) vào tấn kịch vốn chỉ gồm hai nhân vật về việc bỏ tù người khác vì lý do chính trị, để đưa dư luận công chúng vào giữa nhà nước và cá nhân. Tuy nhiên, nếu nhìn lại, có thể nhận thấy sự trỗi dậy của những câu chuyện cá nhân mang tính chính trị và văn hóa của thể loại hồi ký những năm 1970-1980 có sự gặp gỡ với những phong trào diễn ra trên quy mô rộng lớn hướng đến những mục tiêu như giải thực dân hóa, quyền dân sự, quyền phụ nữ và tự do tình dục – nhiều nhân vật trong số những người tham gia vào những phong trào này sẽ trở thành chủ đề của những chiến dịch thư thỉnh nguyện của Tổ chức Ân xá. Trên thực tế, một trong những công cụ quan trọng nhất của tất cả những chiến dịch này là câu chuyện cá nhân dù khác với quan điểm chính thức của Tổ chức Ân xá, cái cá nhân luôn là (hoặc vốn luôn là) cái chính trị.

Sự hấp dẫn mang tính trí thức (chứ không chỉ về mặt cảm xúc hay chính trị) của dự án mà Tổ chức Ân xá Quốc tế chủ trương đối với giới hàn lâm nói riêng cho thấy chúng ta nên suy nghĩ thấu đáo hơn mối quan hệ giữa sự phát triển và phổ biến của các chiến dịch nhân quyền ở những năm 1970-1980 với những khúc ngoặt của nghiên cứu văn học và khoa học xã hội tại cùng thời điểm ấy. Cái mà chúng ta gọi là Nền Cộng hòa thế giới của Văn chương ở nửa sau thế kỷ XX được định hình, ít nhất một phần, từ các chiến dịch nhân quyền nhằm bảo vệ cuộc sống và quyền của cá nhân các nhà văn, nhưng bản thân phương pháp tổ chức các chiến dịch này dường như cũng tạo ảnh hưởng đến diện mạo chung của văn học cuối thế kỷ XX, và ngược lại. Chẳng hạn, chúng ta có thể nhận thấy những chiến dịch và phương pháp đấu tranh cho nhân quyền như Tổ chức Ân xá và những tổ chức khác từng phát động và sử dụng có nhiều mối liên quan với những khúc ngoặt tự sự và luân lý cũng như với văn hóa hồi ức hơn chúng ta nghĩ. Hướng đến những câu chuyện cá nhân là bước ngoặt có tính đột phá trong bối cảnh của những cuộc đấu tranh nhân quyền (hiểu một cách rộng rãi); điều này đã góp phần sáng tạo và củng cố nhiều phương pháp và thị hiếu văn chương mà đến này vẫn tiếp tục còn nguyên sự sống động.

Tôi mới chỉ nói đến ở đây một cách đặt vấn đề tuy hẹp nhưng đặc biệt và mang ý nghĩa lịch sử khi nghĩ về sự gắn kết giữa văn học và nhân quyền – nhưng chương thú vị tiếp theo của cuốn sách này sẽ trình bày thêm những động hướng quan trọng khác. Quả thực, như là một nhóm các bài viết chung chủ đề, những chương sách này sẽ khám phá cái mà ta có thể gọi là áp lực cần thiết và liên tục của văn hóa cũng như những hoạt động văn chương trên phạm vi thế giới đối với cách suy nghĩ và thực hành nhân quyền.

Hải Ngọc dịch
Nguồn: Joseph R. Slaughter, “Rights on Paper”, lời tựa tuyển tập Theoretical Perspectives on Human Rights and Literature, Elizabeth Swanson Goldberg & Alexandra Schultheis Moore chủ biên, New York & London:Routledge 2012.