Nghiên cứu nhân văn – nhìn từ cuốn sách “Chết cho tư tưởng: Cuộc đời nguy hiểm của các triết gia”

Anh 3

1. Như tên gọi của nó, Chết cho tư tưởng: Cuộc đời nguy hiểm của các triết gia của Costica Bradatan là một cuốn sách về triết học. Nhưng đúng như lời giới thiệu của NXB Bloomsbury (2015), cuốn sách đã “phá vỡ ranh giới của các chuyên ngành”. Thực vậy, “Chết cho tư tưởng” đủ phẩm chất của một chuyên khảo mà đối tượng nghiên cứu của nó là cái chết – một chủ đề quen thuộc nhưng không bao giờ cạn kiệt của triết học, và một hiện tượng, dù cá biệt nhưng rất độc đáo trong lịch sử triết học, từ thời cổ đại đến đương đại – các triết gia tử đạo. Bradatan đã xuất phát từ nền tảng giải cấu trúc để thông diễn các văn bản triết học, để giải kiến tạo sự phục trang cho bản ngã, đã tiếp cận cái chết theo quan điểm ký hiệu học, đã vận dụng các thao tác của tự sự học để phân tích màn trình diễn cái chết cho tư tưởng của các triết gia. Song “Chết cho tư tưởng” cũng không phải chỉ là cuốn sách dành cho giới hàn lâm. Độc giả cũng có thể đọc cuốn sách như một câu chuyện triết học, theo sự dẫn dắt của tác giả, để phát hiện ra những bí mật bất ngờ trong cuộc đời và cái chết của các triết gia tử đạo. Cuốn sách, trong khi đáp ứng được những yêu cầu, chuẩn mực trong nghiên cứu về việc xây dựng hệ thống quan điểm, lại thoát khỏi tính kinh viện như người ta vẫn hình dung về lối viết triết học. Bradatan muốn cuốn sách của mình trở về với truyền thống mà ở đó lối viết triết học là một thể loại văn chương, nơi ngôn từ của triết gia cũng ánh lên vẻ đẹp thẩm mỹ. Đó là một truyền thống đã hình thành từ thời cổ đại trong lịch sử triết học, gắn với những tên tuổi lớn từ Plato, Montaigne, Nietzsche…, tuy nhiên, dường như ít nhiều đã phai nhạt trong triết học đương đại. Đóng vai trò của một người dẫn chuyện, Bradatan lần lượt giới thiệu cái chết và triết gia – hai nhân vật chính của cuốn sách, ông kể lại cuộc chạm trán đầy kịch tính bằng một thứ hành văn giàu nhịp điệu, đa giọng điệu, vừa trang trọng mà cũng vừa giàu ý vị mỉa mai, bằng một thứ kết cấu đa thanh (polyphonic), xen vào mạch lập luận sắc bén là những “khúc gian tấu” vừa có chức năng soi chiếu vấn đề theo một khung quy chiếu khác, vừa tạo ra không gian nơi tác giả mở rộng phần bình luận của mình. Bradatan không chỉ làm việc quanh cuộc đời và trước tác của các triết gia; trong cuốn sách, ta còn có thể đọc được những phân tích, những suy tưởng rất thú vị và sáng tạo của ông về tác phẩm của Tolstoy, Dostoevsky, hội họa của Edvard Munch, phim của Ingmar Bergmann… Những tác phẩm nghệ thuật này được ông đối xử không phải chỉ như những minh họa mà còn như những nhân tố kích thích suy tư để từ đó xây dựng quan điểm của mình.

2. Cuốn sách có thể đem đến cho người đọc một hình dung như thế nào về công việc nghiên cứu triết học? Đương nhiên, người làm triết học, theo nghĩa lý tưởng nhất, phải là người thiết lập được một hệ thống tư tưởng của mình. Công việc đó bắt đầu bằng sự không hài lòng của triết gia với hiện trạng của thế giới; y muốn “xé toang cấu tạo của đời sống” (nói như lời của Bradatan trong cuốn sách). Nhưng để làm việc này, triết gia phải “xé toang lẫn nhau”: họ phải diễn dịch lại trước tác của những tiền bối lẫn những người cùng thời với mình, tìm ra những kẽ hở, lỗ hổng trong đó, và nhất là phát hiện những gì bị giấu, bị nguy trang, những điều thực ra đã không được hay không thể nói lên. Tác phẩm triết học và tiểu sử của triết gia hiện ra trước mắt nhà nghiên cứu như một dạng văn bản mở, luôn có thể được cắt nghĩa khác đi, luôn tiềm tàng những khả năng cho việc hiểu lại. Chính trong quá trình này, người nghiên cứu triết học xây dựng nên những quan điểm của mình.

Nhưng những triết gia mà Bradatan nghiên cứu trong cuốn sách của mình không chỉ trình bày tư tưởng của mình bằng ngôn từ. Họ, trên thực tế, đã dùng chính cơ thể của mình, cơ thể đang đi đến sự chết, trong một tình huống-hạn chế, khi cái chết gần kề là một sự đã rồi, để biểu đạt tư tưởng của mình, thậm chí, biến tấm thân bị tra tấn, chịu đau đớn, giày vò, thành kiệt tác. Như Socrates, Bruno, Thomas More… Nghiên cứu triết học, trong trường hợp này, có thể được hiểu như là việc đọc cơ thể của triết gia. Triết học, theo đó, trái với định kiến phổ biến xem nó như một công việc xoay quanh những phạm trù trừu tượng, nhưng tri thức kinh viện, lại gắn bó thiết thân với cái làm nên sự sống động, đa dạng nhưng cũng bí ẩn nhất của hiện sinh – thân thể con người. Cái chết được triết gia suy tư từ cấp độ siêu hình đến cấp độ cụ thể nhất, cái chết từ chỗ là một bài tập tinh thần mà triết gia rất cần phải trải nghiệm trở thành một thứ kề cận thân xác, nơi triết gia không chỉ phải trấn an, bịt miệng nỗi sợ hãi cái chết mà còn phải biến chúng thành phương tiện hiệu quả nhất để biểu đạt tự do tư tưởng của mình.

Với những người nghiên cứu nhân văn ở Việt Nam, cuốn sách của Bradatan có thể là một chia sẻ về ý nghĩa của công việc mà mình theo đuổi. Nghiên cứu nhân văn nên xa lạ với những cách tiếp cận vĩ mô, áp từ trên xuống với những mô hình trừu tượng, nương theo những khái niệm trừu tượng. Nghiên cứu nhân văn, thiết nghĩ, chính là nghiên cứu bình diện ý nghĩa của đời sống: nó, vì thế, nên đi từ những gì xác lập nên tính hữu hạn của mỗi con người, như thân thể, như cái chết, để từ đó hiểu hơn nữa những hành vi, lựa chọn của con người để ứng xử với tính hữu hạn ấy và làm nên ý nghĩa cho chính sự hiện sinh của mình. Có thể hiểu vì sao nghiên cứu nhân văn, ở thời điểm này, lại có những nhánh tập trung rất mạnh vào bệnh tật, sự đau đớn thể xác, sự tổn thương… – những thứ thường bắt đầu trên thân thể con người, chính từ đó, mà ngành nhân văn có thể cung cấp những cách nghĩ, cách hiểu khác, phức tạp hơn, rộng rãi hơn, sâu sắc hơn về những khả năng và ý nghĩa hiện sinh của con người. Ở một nhánh khác, các nhà nghiên cứu nhân văn cũng đi từ cách ăn mặc, cách quy ước về bản dạng giới (nam tính, nữ tính)… tất cả đều hiện hình trực tiếp trên cơ thể, để từ đó cho thấy bản ngã của con người hay bản sắc của một cộng đồng được kiến tạo ra sao. Thân thể mỗi con người có thể hữu hạn, nhưng những cách ứng xử với thân thể thì vô tận, và vì thế nó là nguồn gợi ý không cạn cho những nghiên cứu nhân văn.

3. Như là hệ quả của việc “xé toang đời sống”, “xé toang” những kiến giải đã có sẵn, nghiên cứu nhân văn thường dẫn đến những nhận định bất ngờ, thậm chí có thể nói là khiêu khích. Trong cuốn sách này, người ta có thể ngạc nhiên trước những dẫn giải mà Bradatan đưa ra: triết học là sự trình diễn, cơ thể của triết gia chính là tác phẩm triết học của y; triết gia, khi thực hành công việc của mình là nói sự thật một cách không che đậy, là kẻ trở nên xa lạ với cộng đồng của y, nơi người ta gắn kết với nhau bởi nguyên tắc không nói hết mọi thứ ra; thân phận ngoại biên của y không hơn gì thân phận của gái điếm hay kẻ ăn mày… Các định nghĩa, dù khiêu khích, cũng vẫn có thể trở thành đơn cực, do đó, dễ biến thành giáo điều. Cuốn sách của Bradatan, rất may, tránh được nguy cơ này bởi ý vị mỉa mai mà tác giả đã hình thành trong nhãn quan của mình, khiến ông nhìn hiện tượng trong tình thế nước đôi: Đâu mới là sự nguy hiểm trong cuộc đời của những triết gia tử đạo kia? Vì y phát ngôn những sự thật mà người ta không muốn, không cần nghe? Hay vì cái sự thật mà y chỉ ngộ ra khi giáp mặt với cái chết, rằng cuộc hiện sinh này là tấn hề kịch không hơn? Trở thành huyền thoại phải chăng là sự bù đắp xứng đáng của cộng đồng – những kẻ đã giết chết triết gia – dành cho y?

Bradatan đưa ra những phân tích, kiến giải của bản thân ông, nhưng quan trọng hơn, ông treo lại cho độc giả cuốn sách những câu hỏi để nghĩ tiếp hoặc thậm chí tranh luận với ông. Nghiên cứu nhân văn, có lẽ, cũng không phải chỉ là việc nêu lên những định nghĩa, lập thuyết các quan điểm, nó là việc đặt tiếp những câu hỏi, cho cả những điều tưởng như đã được xem là chân lý. Với việc đặt câu hỏi ấy, rất có thể người nghiên cứu nhân văn, ở thời điểm nào, cũng mang tinh thần của một Socrates – một tinh thần của kẻ ngoại biên.

TRẦN NGỌC HIẾU

(Bài đã đăng trên tạp chí Tia Sáng, số 09, ngày 05.05.2017, trang 53-55)

1 thought on “Nghiên cứu nhân văn – nhìn từ cuốn sách “Chết cho tư tưởng: Cuộc đời nguy hiểm của các triết gia”

  1. Thisisanorange

    Hai năm trước lúc mua sách em đã lôi ra đọc một lèo nhưng thấy kiến thức của mình nhỏ nhoi quá, chẳng hiểu được bao nhiêu. Tự hứa là mỗi năm phải đọc lại cuốn này một lần xem hiểu thêm đến đâu. Hôm nay thấy bài thầy share lại mới nhớ ra mình đã để quên nó ở một góc trong giá sách cũng 2 năm rồi. Buồn cho cái sự tự hứa của mình 🙁

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s