Tag Archives: văn học và hiện thực

Trần Hoàng Kiều Trang – Văn học có thể nói với chúng ta về những sự thật nào? (bài 2)

Bài viết này của Trần Hoàng Kiều Trang (Khoa Ngữ văn K68, năm 1) là bài tập giữa kỳ của em, cũng xoay quanh chủ đề “Văn học có thể nói với chúng ta về những sự thật nào của đời sống?”  Sinh viên được chọn một trong ba văn bản để thảo luận về đề tài này bao gồm một trích đoạn trong Những nhân chứng cuối cùng của Svetlana Alexeivich, truyện ngắn “Hoa cúc xanh” của Karel Capek và “Có một người nằm trên mái nhà” của Phan Triều Hải. Mỗi văn bản có thể gợi ra những khía cạnh khác nhau để sinh viên suy tư về câu hỏi được nêu lên.

Bài viết của Kiều Trang chính là một thứ văn chương tôi luôn trân quý khi được đọc từ sinh viên. Bởi ở bài viết này, tôi cảm nhận được người viết có một sự khoáng đạt trong cảm nhận và nhất là một niềm hứng thú với sự biểu đạt bằng ngôn ngữ. Đấy là điều rất hiếm gặp ở sinh viên bây giờ. Khác với các tiếp cận của Dương Phương Anh ở một đôi điểm, bài viết của Kiều Trang có một cách nhìn nhận truyện ngắn Phan Triều Hải nhẹ nhõm hơn. Và đó cũng là cái hay của sự đọc văn chương, rằng văn chương đúng nghĩa luôn gợi ra nhiều khả thể cho tưởng tượng và suy tư.

 

hale_bopp_morning

*

Ngày 23 tháng 7 năm 4385.

Đó sẽ là khoảng thời gian sao chổi Hale-Bopp bay ngang qua Trái Đất sau khi hoàn thành quỹ đạo dài hơn hai nghìn bốn trăm năm của mình. Vào những năm 2000, Hale-Bopp đã từng ghé qua bầu trời hành tinh này – lạnh lùng, thờ ơ như đi qua bao hành tinh cằn cỗi khác, nhưng lại khiến cả thế giới điêu đứng với vẻ lộng lẫy của mình.

Truyền thông thế giới rạo rực vì chuyện ấy, còn tôi biết đến Hale-Bopp qua một truyện ngắn viết cách đây cũng lâu – “Có một người nằm trên mái nhà”- Phan Triều Hải.

Đó là một truyện ngắn không có bối cảnh thành phố cụ thể, không một cái tên nhân vật, không những tình tiết phiêu lưu, không nhân vật phản diện, không tính cách phản trắc.

Thế giới ấy chỉ có những mái nhà và bầu trời.

“Có một người nằm trên mái nhà” là những dòng tự sự thuật lại quá trình nhân vật “tôi” chờ đến ngày được ngắm Hale-Bopp. “Tôi” sống cùng bố và vợ trong một căn nhà có mái nghiêng hai mươi ba độ. Người mẹ không được nhắc đến. Nội thất trong nhà không được kể đến đến. Tất cả những gì tác giả chú ý nhiều là chiếc mái có độ nghiêng trùng với trục của Trái đất. Từ chiếc mái tôn, hai hiện thực hiện ra: hiện thực nhìn từ dưới lên và hiện thực nhìn từ trên xuống.

1. Người bố và chiếc mái tôn

Người bố của nhân vật “tôi” – như bao người tin vào trải nghiệm, cảm tính hơn là khoa học, đã tự xây nhà ”từ từ, chậm rãi” theo cách riêng của mình, không bám theo bất kì một tính toán, nguyên tắc nào. Vật lý, hoá học, kiến trúc đều “không lay chuyển được ông”. Lí lẽ ông dùng để bác bỏ những bản vẽ kiến trúc là “Tao đã ở cái nhà này hai mươi năm nay”, sự gắn bó, thấu hiểu đó không thể được thay thế bằng thông số kĩ thuật. Căn nhà được xây hiên ngang và vững chãi. Người đàn ông không nghĩ nhiều đến thiết kế ngôi nhà, ông chỉ thực sự nghĩ ngợi một lần khi người đội trưởng hỏi về chiếc mái tôn:“Tất cả mọi người trên trái đất này đều phải sống dưới những mái nhà. Làm mái nhà là một việc quan trọng”. Người cha – vốn cứng rắn, chủ động, muốn nắm kiềm quyển soát, đã hỏi ngược lại vị đội trưởng và quyết định xây mái ở góc hai mươi ba độ – trùng với trục nghiêng của trái đất. Ông lăn ra ngủ ngay sau đó. Mọi người vẫn thường nói rằng những người dễ ngủ là những người ít lo nghĩ. Cũng có thể. Có lẽ họ nghĩ nhiều vào buổi sáng và trời đêm với họ chỉ có một chức năng duy nhất: ngủ để nạp năng lượng.

Cũng có lẽ vì vậy mà trong suốt câu chuyện, người cha đều không xuất hiện vào buổi đêm.

Chiếc mái nhà được xây nhanh chóng ấy trở thành dải phân tách không gian. Từ đây trở đi, câu chuyện chỉ có hai thế giới – thế giới nhìn từ mái nhà xuống và từ mái nhà lên bầu trời.

  2. Người vợ và căn bếp

Người vợ xuất hiện với vai trò là người “đem đến hơi người” cho căn nhà.

Người phụ nữ ấy rất cố gắng trong việc tạo bầu không khí gia đình. Chị hào phóng mua những chậu hoa – thứ chỉ xuất hiện ở những căn nhà có hi vọng, có người chăm chút. Chị mua lồng chim – loài vật xuất hiện kèm những tiếng kêu yêu đời và tạo cảm giác bình an. Sau cùng, vì “một vài sai lầm” của chị, những chậu hoa bị chết và chú chim tội nghiệp thoi thóp được đem tặng vội cho cậu bé nhặt rác.

Cố gắng biến ngôi nhà thành “nhà” ấy của chị đã khiến mọi người nhận ra được một điều thú vị về cuộc sống này: “cái hơi người cần có chính là kỉ niệm, không gì gần gũi với người hơn là kỉ niệm”. Căn nhà giờ đây ngập tràn kỉ niệm, góc này chị đã chăm cây, góc kia chị đã nấu nướng và yêu thương chú chim.

Người vợ xuất hiện chủ yếu gắn với căn nhà và hẹp hơn là căn bếp. Nếu có lần chị đi xa hơn thì đó cũng chỉ là khi chị nói những lời từ dưới bếp vọng lên mái. Nếu chuyển thể thành điện ảnh và quay chị dưới góc nhìn từ trên mái xuống, chị lúc nào cũng sẽ chỉ được nhìn qua một ô vuông hẹp mà người ta xây để đặt thang từ tầng dưới lên tầng mái.

Khá bí bức và chật hẹp.

Có lẽ thế thật, dù tác giả không tả điều đó nặng nề. Thường thường khi chồng ở trên mái thì chị ngồi “tù túng ở dưới nhà trong tiếng choang choang của bình luận viên”, hay xuất hiện trong bếp, “làm những việc vặt vãnh của một phụ nữ bận rộn”, “la hét con mèo với nhiệt tình không đổi”, “loay hoay với chiếc chảo nghi ngút”. Có lần chị được tả khác đi là khi đang đếm tiền – chị “tỉ mẩn buộc từng sợi chun vào từng tờ mười nghìn và năm nghìn”, cảm ơn chồng vì số tiền anh mang về và cắn nhẹ vào tai anh. Chị xuất hiện trong tất bật và cơm áo gạo tiền.

Hiện thực cuộc sống được nhìn theo chiều phẳng trong căn nhà là hiện thực khá gần gũi. Đó là hiện thực với những sự thật phổ biến: người phụ nữ chăm chút cho căn nhà, người phụ nữ loay hoay với căn bếp, với con mèo, người phụ nữ vui khi kinh tế khá khẩm, người phụ nữ không mong gì hơn ngoài một mái ấm an yên. Đây là một không gian rất đầm ấm và tình cảm, được quan sát nhẹ nhàng dưới góc nhìn của nhân vật tôi.

3. Nhân vật tôi, bầu trời và thời gian

Anh chưa đến ba mươi tuổi, làm nghề bán khung tranh. Hồi còn nhỏ, anh thích ở truồng và tắm ở ngoài trời. Lớn lên, anh mới khái quát được những điều nhỏ bé ấy thành một mệnh đề khẳng định: anh không thích những bức tường, anh thích không gian mở, thích lắm.

Bố anh cho rằng làm người là một việc vô cùng đáng quý và người bình luận viên trên truyền hình cũng ca ngợi một nhà thơ rằng: “Ông không chỉ là một nhà thơ mà còn là một Con Người”. Là một con người. Mọi người nghĩ rằng hẳn rất cao sang khi được làm con người và để được coi là người thì phải làm nhiều điều đúng đắn lắm. Anh thì lại cho rằng tất cả đều là người, dù tốt, dù xấu, dù đáng quý hay đáng ghét bởi làm người là một việc nhọc nhằn, ê ẩm. Nó không đáng để ngợi ca nhiều vậy.

Anh hay nghĩ và có một đời sống khá “thơ”, anh gọi vợ là “nàng” và thích màu bạc. Trong tất cả các màu giấy thủ công được nhận khi còn bé, anh chỉ thích màu ấy. Anh thấy nắng chỉ thật sự đẹp khi nó óng ánh trên màu giấy bạc, màu lá cây cũng lóng lánh như suối nếu nó được đặt trên nền bạc.

Màu bạc là màu sáng của những vì sao.

Là màu đuôi sao chổi Hale-Bopp.

Anh xuất hiện khi bầu trời xuất hiện. Tác giả nhắc đến anh khi nhắc đến bầu trời sao. Anh đã hình thành thói quen ở ngoài trời trong suốt thời gian xây nhà và thường ngắm sao hằng đêm. Anh thích cảm giác sung sướng vì xung quanh không có những bức tường, chỉ có một bầu trời mênh mông của riêng mình. Anh thích trò tìm những ngôi sao bởi mỗi đêm chúng lại “có một bố cục khác nhau”, không thích trăng bởi nó sỗ sàng, to quá, tròn quá. Mái tôn trở thành nơi liên kết của anh với bầu trời và mỗi buổi sáng anh lại chờ mong đến tối để được tìm bố cục các vì sao. Một ngày của đời anh như chia làm hai hiện thực: nửa sáng và nửa tối. Sáng, anh đi giao khung tranh cho khách hàng. Về đến nhà, anh mệt chỉ muốn nằm dài ra, không thiết gì nữa nhưng lại bật dậy khi nghĩ đến những ngôi sao trên mái nhà.

Mái nhà đưa anh đến nửa tối của mình. Ở đó, anh “hay nghĩ”,”nghĩ nhiều”- anh sẽ làm gì năm mình ba mươi tuổi, bốn mươi tuổi, rồi năm mươi? Đó là những lời tự vấn mà chỉ không gian trời sao cho anh được tự hỏi mình. Dù không lần nào anh tìm được câu trả lời cho những điều mông lung đó nhưng anh vẫn “sung sướng” mỗi khi nhìn bầu trời bởi anh được nghĩ. Điểm nhìn từ mái nhà xuống đã giúp anh quan sát được hiện thực về đêm nhiều hơn. Anh để ý làn khói nhẹ toả ra từ mái nhà, chiếc lá khô trượt từ trên xuống, những căn nhà đóng cửa sổ mỗi đêm. Từ mái tôn, anh biết rằng những người được giao trọng trách đóng cửa thường là những người trụ cột gia đình, họ kết thúc một ngày bằng việc đóng cửa. Cửa có thể đóng sớm hoặc đóng muộn nhưng không bao giờ là không đóng. Trước trời ngàn sao, anh thổ lộ với những vì tinh tú: “Suốt một ngày sống trong khói bụi, trong tiếng động cơ xe máy, trong tiếng nói cười của những đám đông thì đêm về tôi chỉ muốn yên lặng. Mà yên lặng thì không nơi đâu yên lặng bằng bầu trời.”

Có thể có mấy hiện thực? Có phải chỉ có hai hiện thực cuộc sống – khi trời sáng và khi đêm đến? Sáng, con người lo toan cuộc sống mưu sinh của mình, như anh đi giao tranh, như những người mải miết trên đường phố. Tối, con người mới đối diện với chính mình – như anh tự vấn bản thân, như anh thổ lộ với bầu trời, như cách anh nhìn những khung cửa sổ. Tối, những góc khuất mới từ từ lộ ra, như ở ngoài kia có bao nhiêu người có cuộc sống về đêm, bao nhiêu trẻ em lang thang cơ nhỡ ngoài đường.

Có phải chỉ có hai hiện thực – nhìn từ trên xuống và nhìn từ dưới lên? Nhìn từ dưới lên, người bố thấy hành động chờ sao chổi Hale-Bopp của anh sẽ “chẳng làm được gì ra hồn cả”, người vợ thấy đó là một sự bỏ rơi mình. Còn anh, nhìn từ trên xuống và nhìn từ trên lên cao nữa, anh thấy đó là một may mắn cả đời người.

Vì đã trót yêu một không gian mở, không gian rộng lớn của vũ trụ nên anh tất yếu sẽ bị ám ảnh bởi thời gian. Đó là những gì những người yêu thiên văn và các nhà thiên văn học cảm thấy khi nhìn lên bầu trời: thấy rằng vũ trụ có quá nhiều điều bí ẩn còn năng lực và thời hạn của mình quá ít ỏi để có thể giải đáp được chúng.

Thời gian dường như trở thành một nỗi ám ảnh của anh.

Việc ngôi sao chỉ quay lại sau hai ngàn bốn trăm năm nữa khiến anh trăn trở. Anh nghĩ về qúa khứ :”tôi không hình dung được hai ngàn bốn trăm năm trước có những ai là ai, có tên tuổi gì, có địa vì gì, có những vinh quang hay thống khổ gì. Tôi cũng không biết hai ngàn bốn trăm năm sau thì những ai là người sẽ là gì.” Vì bị thời gian chi phối, anh nhìn mọi vật dưới góc độ thời gian. Dường như chỉ có sự vật là đứng yên còn con người thì luôn thay đổi bởi họ không có nhiều thời giờ: công việc đóng cửa ở những ngôi nhà không bao giờ thay đổi, chỉ có người đóng cửa là thay đổi, khi họ chết đi sẽ có những thế hệ tiếp theo kế tục, trưởng thành. Từ đó dẫn đến sự ám ảnh về hữu hạn của đời người và cũng trân trọng tất cả những gì xung quanh : “từ nhà tôi đến nhà bạn là một trăm mét mà chúng ta gặp nhau mỗi năm chỉ có một lần”.

Câu chuyện kết thúc với hình ảnh sao chổi Hale-Bopp vụt qua bầu trời đêm – anh đã nhìn thấy nó, “nó đẹp thật”. Anh đã nhìn thấy nó. Người cha cũng nhìn lên trời và người vợ cũng nhìn nhưng cha anh “chẳng thấy cái mẹ gì” còn vợ thì gọi anh xuống nhà. Anh nhìn bức tường mới sơn màu, rạo rực với niềm hạnh phúc, dẫu không biết mình sẽ làm gì vào ngày mai dưới căn phòng này, nhưng anh đã nhìn thấy nó rồi.

Câu hỏi bỏ ngỏ cuối sách là: Anh có thật sự nhìn thấy Hale-Bopp không? Hay đó chỉ là sự tưởng tượng của người quá khao khát được nhìn thấy sao chổi? Tất cả là hiện thực hay chỉ là tưởng tượng? Nếu anh nhìn thấy thật, tại sao người bố và người vợ lại không thấy? Rồi anh sẽ làm gì những ngày tháng sau này? Không ai có thể trả lời câu hỏi đó. Sao chổi Hale-Bopp đã đi qua rồi.

Nếu có điều gì đó tác giả Phan Hải Triều muốn đặc biệt nhấn mạnh thì đó chính là yếu tố không gian và thời gian trong tác phẩm. Không gian khác nhau và thời gian khác nhau có thể tạo ra những góc nhìn khác nhau, những sự thật khác nhau, thế giới khác nhau. Đó là thế giới nơi con người mải mê lo toan cho gia đình, đời sống, cơm áo nhưng cũng là một thế giới cao hơn, rộng hơn: thế giới của vũ trụ, của những cuộc trò chuyện với bản thân, nơi con người được sống là mình, được thoát ra khỏi mặt đất. Đó là hiện thực của những điều khả nhiên – khi tất cả mọi người nghĩ rằng không thể thì anh vẫn tiến lên để chạm lấy. Cũng có thể chẳng có một sự thật nào cả, bởi mỗi chúng ta có một niềm tin khác nhau.

Vậy nếu không có sự thật nào, hoặc có nhưng tất cả chỉ là sách vở thì ý nghĩa của những điều này là gì? Hiện thực trong văn chương được lấy từ đời sống, nhưng cao hơn đời sống, có lẽ vì vậy mà văn chương gieo vào ta một niềm tin. Niềm tin vào những sự thật, rằng tất cả là thật đấy, đã từng có một người đàn ông hay leo lên mái nhà, anh ta làm vậy hàng tuần liền và đã nhìn thấy sao chổi bằng mắt thường. Tất cả những điều xảy ra trong những cuốn truyện khác cũng đều là thật. Văn chương nhen nhóm trong ta một niềm tin, để ta có thêm vững chãi đi tìm những điều tốt đẹp ở cuộc đời, tìm những điều tốt đẹp ở trong ta.

***

Khi tôi sinh ra đời, Hale-Bopp đã đi qua trái đất được ba năm rồi. Điều đó có nghĩa là nếu chót yêu ngôi sao ấy, tôi phải đợi gần hai nghìn bốn trăm năm nữa.

Nhân vật tôi đã đúng. Không phải ai cũng có may mắn được thấy sao chổi, hàng triệu tỉ người chỉ có vài người có diễm phúc ấy. Nhưng cũng có những người, sao chổi ở ngay trên đầu họ mà họ không biết, không quan tâm, không nhận ra rằng mình là người may mắn. Cũng có những người nhìn lên trời rồi – như ông bố, như chị vợ, nhưng lại không nhìn thấy gì cả. May mắn vụt qua họ mà họ không ý thức được. Và có những người không có may mắn gì để mà mong chờ như chúng tôi – tận hai ngàn bốn trăm nữa.

Nhưng có lẽ hai ngàn bốn trăm năm nữa mọi người cũng không thể nhìn thấy nó bởi các nhà khoa học nói rằng Hale-Bopp đang chết dần. Nó có dấu hiệu của một ngôi sao chết từ năm 2007. Có lẽ lần đi ngang qua trái đất đó là lời chào cuối cùng của Hale-Bopp với nhân loại. Hai ngàn năm nữa, Hale-Bopp sẽ chỉ là một huyền thoại, một câu chuyện mà người ta không biết đúng sai, thực giả, một truyền thuyết – như loài rồng mà thôi.

Nhưng có một sự thật cuốn sách này và tất cả những cuốn sách khác chưa từng lừa dối mọi người, đó là sự thật hiển nhiên: cuộc đời con người là hữu hạn, là quá nhỏ bé so với thời gian vĩnh cửu của vũ trụ. Người đàn ông kia sẽ làm gì khi tỉnh dậy lúc sớm mai? Đợi chờ hơn hai ngàn năm nữa chăng?

Có lẽ anh ta sẽ trân trọng hiện tại, bởi thứ anh ta nhận được từ quá trình chờ đợi sao chổi là sự ý thức sâu sắc về kiếp người ngắn hạn.

Có lẽ thay vì nghĩ về một vì sao còn lâu mới quay lại, tôi sẽ lên các nóc nhà. Tôi nhận ra mình đã lên nóc nhà của nhiều trường đại học khác và nhìn cảnh vật từ trên cao, nhưng tôi chưa bao giờ làm vậy với trường đại học của mình.

Phải trân trọng hiện tại. Phải yêu hơn những thứ gần gũi.

Dương Phương Anh – Văn học có thể nói với chúng ta về những sự thật nào? (bài 1)

Câu hỏi “Văn học có thể nói với chúng ta về những sự thật nào?” là một trong những đề tài mà tôi muốn mời gọi sinh viên của mình suy nghĩ. Rất có thể văn chương chỉ là những câu chuyện hư cấu và do đó thật ngây thơ khi nghĩ rằng có thể tìm thấy ở đó sự thật nào. Rất có thể nếu có sự thật nào mà văn chương có thể nói đến thì đó hẳn lại là thứ ta ngại phải nhận diện. Bởi đó là sự thật của chính mình, bởi nó bóc trần tấm mặt nạ của một đời sống bình thường, yên ổn mà nhiều người đang sống và ta vẫn đang sống. Rõ ràng đây chỉ là câu hỏi gây bất an? Lấy gì để biện hộ cho ý nghĩa của văn chương khi nó chỉ không ngừng gây bất an cho con người? Khi nó, nói như lời Nguyễn Huy Thiệp, chỉ làm đúng cái việc rất vô nghĩa, “bắt người ta day đi dứt lại”… Hoặc cái sự thật văn chương nói với ta luôn là điều gì đó mỉa mai, như một ý nghĩ của nhân vật trong văn Phan Triều Hải: “Có những người mà tôi rất ghét, nhưng tôi cũng sẽ nói với họ như thế, bởi tôi thấy làm con người tưởng cao ráo lắm, nhưng ê ẩm có thừa”

Trong kỳ học này, tôi thật mừng khi các bạn SV lớp mình dạy không ngại đối mặt với những câu hỏi khó mà văn chương gợi ra. Bài viết dưới đây của bạn Dương Phương Anh (SV Khoa Tiếng Anh, k67), tuy còn ít nhiều cảm tính, nhưng tôi tin nó chứa đựng suy tư thực của người viết. Truyện ngắn “Có một người nằm trên mái nhà” của Phan Triều Hải được lựa chọn chất liệu để các bạn sinh viên cùng suy nghĩ. Nếu thực sự những gì tôi gợi mở được các bạn tiếp nhận và thể hiện trên bài viết thế này, tôi nghĩ mình đã có một kỳ dạy học may mắn.

Hale-Bopp-Cherie-Benoit

Với tôi, văn học có khi là chốn tỏ bày của những tâm hồn cô đơn trong thế giới hiện thực. Bỏ qua mọi quy chuẩn, kì vọng của xã hội, khoác trên mình chiếc lốt vô danh, tâm tư sâu kín nhất của loài người cứ thế được bộc lộ. Ở thế giới ấy, con người thoải mái với bản ngã chân thật nhất của mình, họ thoải mái với những khát khao sâu thẳm, thậm chí dị biệt nhất của mình. Trong xã hội hiện đại, dường như con người đang dần yếu đuối đi dưới sự áp chế của những quy chuẩn ngột ngạt. Những con người sống những cuộc đời đóng khung, chới với, chông chênh nhưng vẫn mơ về “một cái gì riêng đặc biệt cho riêng mình”. “Có một người nằm trên mái nhà” là câu chuyện về một chàng trai như thế, loay hoay với những sở thích kì lạ, loay hoay tìm cách lấp đầy những khoảng trống tâm hồn.

Văn học mở ra những tầng sâu của sự thật đời sống, chạm đến những trăn trở và day dứt bản thể, gieo vào ta những câu hỏi thường trực về sự tồn tại của chính chúng ta giữa vũ trụ này. “Có một người nằm trên mái nhà” là câu chuyện về một chàng trai bình thường với một sở thích kì lạ. Chàng trai sống cùng và vợ và cha, công việc mỗi ngày là giao hàng, mười lăm ngàn một vòng, cứ thế giao nhiều nhất có thể rồi về đưa tiền cho vợ. Chẳng có điều gì đặc biệt ở cuộc đời ấy lắm, cho đến một ngày anh nhận ra bỗng trở nên thật bức bối  mình “không quen ở mà trên đầu bị che bởi một mái nhà, và chung quanh là những bức tường có cửa sổ trổ ra lưng những tường nhà hàng xóm”. Cứ thế, tối nào cũng vậy, chàng nằm trên mái nhà nghiêng hai mươi ba độ rưỡi ngắm nhìn bầu trời của riêng mình, sung sướng với niềm vui được đếm sao. Chàng trai ấy ám ảnh với những gì đặc biệt. Trong suốt thiên truyện, rất nhiều lần chàng trai đã giới thiệu chiếc mái nhà nghiêng hai mươi ba độ rưỡi, tự hào như một lời khẳng định về điều riêng chỉ nhà anh có. Anh thích ngắm sao dường như cũng bởi nó cho anh một thế giới riêng: “một bầu trời lớn mênh mông, và không hề bị chia sẻ”. Anh nâng niu những điều kì lạ như vậy, có lẽ bởi chúng là những cái riêng anh khát khao mà không thể có ở cuộc sống đời thường, là khoảng thời gian ít ỏi mà chàng trai thấy mình được sống. Đáng buồn là chẳng ai hiểu chàng trai ấy cả. Chẳng hạn, người vợ của anh thì nghĩ: “Đối với nàng, tất cả những lí do tôi đưa ra đều không thể biện minh được cho một hành động điên rồ như thế, dù cho là một lối thoát cho một công việc cụ thể mà đơn điệu, hay nhằm chống đỡ những thứ rỗng tuếch mơ hồ cứ ngày lại ngày gặm mòn hết ý chí muốn được suy nghĩ một cái gì thật riêng đặc biệt cho riêng mình”.

Chúng ta có thể cũng đã từng giống như chàng trai này, ngày nào đó mỏi mệt, chợt giật mình nhận ra mình đang dần trống rỗng, tự hỏi mình đang sống vì ai, vì điều gì, tự hỏi mình có đang thấy hạnh phúc nữa không? Cái cảm giác mơ hồ ấy bám riết lấy những tâm hồn mỏi mệt, làm ta nghi ngờ cái vỏ ổn định của cuộc đời. Những lúc ấy, liệu ai dám đứng lên đi tìm một lối đi khác, hay sẽ như chàng trai trong truyện ngắn này chới với trên chiếc mái nhà ngắm sao để chạy trốn thực tại? Hai lần chàng trai bày tỏ: “Tôi không biết là nếu không leo lên mái nhà nữa thì sẽ làm gì ở dưới mái nhà”, là lời tóm gọn của một cuộc đời đang lâm vào cảnh chơi vơi, trống rỗng. Sau một ngày giao hàng như cái máy, hoàn thành nghĩa vụ kiếm tiền với vợ, anh tìm đến bầu trời đêm nở rộ ánh sao sa, những ánh sao bé nhỏ như những con người vô danh vẫn âm thầm tỏa sáng, có lẽ anh cần những ánh sao ấy thay anh nở rộ mỗi ngày… Mở ra một cuộc đời như thế dưới ngòi bút của mình, Phan Triều Hải phá tan cái vỏ đời sống mà ta vẫn tin là rất ổn, là bình thường, để lộ ra cái đời sống tinh thần thực sự phía sau nó. Sau cái đời sống tưởng chừng thanh thản của anh giao hàng đêm xuống lại lên nóc nhà ngắm sao ấy là một tâm hồn dậy sóng trước sự vô nghĩa và hữu hạn của đời mình. Anh chàng đếm sao ấy, đơn độc trên chiếc mái nhà nghiêng hai mươi ba độ rưỡi, lạc điệu trong cái nhịp sống nghìn năm vẫn thế của cái xã hội này, cái nhìn của bên lề về nhịp sống thường ngày ấy làm ta phải suy nghĩ về sự tồn tại ở vũ trụ này: “Những người đóng cửa luôn là bậc trụ cột trong nhà, phải cẩn thận, phải trách nhiệm. Khi họ chết đi sẽ có những thế hệ tiếp theo trưởng thành hơn kế tục công việc đó, đóng cửa và mở cửa” . Trong cái vòng xoay không ngừng ấy,chúng ta là ai, là ai trong hàng vạn hàng người sống rồi chết giữa vũ trụ này.

Điều tuyệt vời nhất của văn học đó là không đặt con người lên vị trí cao nhất để xưng tụng. Nó phá tung những mệnh đề ca ngợi vẻ đẹp, sức mạnh, sự thống trị của con người. Có lẽ chẳng ở đâu như trong văn chương, con người hiện lên vỡ vụn, yếu đuối đến thế. Trong xã hội hiện đại, con người ngột ngạt trong những thành phố lớn, dưới những căn nhà vuông vức, hối hả trên những con đường ngạt mùi khói bụi. Tất cả đều được nhào nặn dưới đủ mọi tiêu chuẩn từ những danh hiệu học sinh giỏi thời bé, đến bậc lương nghề nghiệp khi đã lớn lên. Loài người thường tự hào mình là loài thống trị thế giới, tự cho mình cái quyền năng chi phối muôn loài, chúng ta thích xếp hạng những loài vật theo trí thông minh, và cũng tự xếp hạng nhau bằng các quy chuẩn tự mình áp chế. Anh chàng nằm trên mái nhà ngược lại có một cái nhìn đầy mỉa mai về loài người: “Có những người mà tôi rất ghét, nhưng tôi cũng sẽ nói với họ như thế, bởi tôi thấy làm con người tưởng cao ráo lắm, nhưng ê ẩm có thừa”. Ê ẩm thật, khi cứ mãi phải chui trong những cái khung chật hẹp của xã hội, ê ẩm thật, khi ngẩng lên nhìn hai chữ Con Người viết hoa, chẳng thấy mình có gì xứng đáng. Ngòi bút của nhà văn thật sự  không ngần ngại mở ra những mảng tối tăm, ích kỉ, hèn mọn nhất vẫn tồn tại trong mỗi người. Không có con người văn chương nào đơn thuần là một Người viết hoa, nó là những người bình thường mang trong mình những mảng sáng tối, bối rối trên con đường đi vào bản thể, mỗi ngày vẫn mải mê tìm câu trả lời cho sự tồn tại của mình giữa vũ trụ. Tất cả chúng ta đều là những con người đúng nghĩa mang trong mình những điều cao cả và hèn mọn,cả phần Con và phần Người, và trong văn chương, thế giới ấy thừa nhận cả hai mảng sáng tối ấy, công bằng và tự nhiên. Có thể nói, đứng trước văn chương, mỗi chúng ta đều bình đẳng, đều đang đứng trong những hành trình riêng đi tìm định nghĩa về chính mình.

Văn học thúc đẩy mỗi chúng ta đi tìm ý nghĩa của đời sống. Văn học cùng với sự thật nó phản ánh là động lực thôi thúc để chúng ta vươn tới những giấc mơ, gieo vào trong ta những ý niệm về một cuộc đời thực sự có ý nghĩa, về cái gì đó vĩnh cửu, cao hơn cái hữu hạn và nhỏ bé của loài người. Với chàng trai nằm trên mái nhà ấy, động lực cuả anh là ngôi sao chổi Hale – bopp – ngôi sao hai ngàn bốn trăm năm mới tỏa sáng một lần. Cái lung linh,lấp lánh của những ngôi sao nhỏ bé vô danh đối lập với cái đời sống dưới nóc nhà của anh vốn là đời sống thật thực ra chỉ là đời sống tạm. Đó là đời sống ngột ngạt chẳng thể thỏa mãn được khát khao được có một cái gì đó cho riêng mình. Cái đời sống trống rỗng, chơi vơi ấy buộc độc giả phải nghĩ, phải nhìn lại đời sống của bản thân, phải bắt đầu hành trình đi vào bản thể, bắt đầu hành trình đi tìm định nghĩa bản thân, phải tìm ra điều ý nghĩa trong sự tồn tại vốn đã mong manh của loài người. Cái nhợt nhạt của đời sống ấy khơi dậy trong độc giả cái khát khao được sống căng tràn, sống tuyệt đối trong cả niềm vui và nỗi buồn, cả những niềm đau và cái chết.

Văn chương còn tìm trong sự thật đời sống cơ hội cho những giấc mơ, bởi hiện thực trong văn chương luôn là hiện thực chứa đựng những cái khả nhiên, những cơ hội mở đón chờ những kẻ dám mơ ước những điều điên rồ nhất. Anh chàng chỉ thích đếm sao ấy sợ phải xuống dưới nhà chắc bởi “Đến một lúc nào đó nhà chợt hóa chật hẹp như một cái khuôn, bước vào đó là bị ép vào những hình thù định sẵn”. Vậy mà nghe đến Hale – Bopp – ngôi sao chổi chỉ xuất hiện sau hai ngàn bốn trăm năm đã đồng ý với vợ, nếu anh được nhìn thấy sao chổi này một lần thôi, anh sẽ không bao giờ đòi ngắm sao nữa. Chỉ cần một lần thấy được ngôi sao hai nghìn bốn trăm năm mới tỏa sáng một lần, anh chấp nhận ở dưới mái nhà, dù trống rỗng, dù chơi vơi. Cái trống rỗng của chàng trai sau khi nhìn sao chổi lướt qua, đẹp đẽ và ngắn ngủi: “cái sao chổi ấy, nó đẹp thật đấy, và thiệt tình tôi chẳng biết còn phải đợi chờ điều gì hơn thế nữa”. Cái khát khao được có gì đó cho riêng mình, được sống một đời ý nghĩa đã biến thành việc theo đuổi sự hoàn hảo của Hale – bopp, ngưỡng mộ sự vĩnh hằng và kì diệu của nó. Và khi cái đẹp ấy lụi tàn, anh lại quay về với trống rỗng, về với cái sự thật đã đóng khung của đời sống, không còn ở trên mái nhà đếm sao nữa, chỉ còn cái cuộc sống rỗng tuếch, chẳng biết phải làm gì. Với bạn đọc, cái hiện thực mà Phan Triều Hải đã mở ra, khi nào đó bỗng làm ta nhìn lại mình và tự hỏi mình có đang sống trong những cái khung, một đời hữu hạn, nhỏ bé là thế, liệu có nên tiếp tục trong những trách nhiệm và thói quen? Câu chuyện có thể kết thúc ở những day dứt về ngày mai của chàng trai nhưng nó đã gieo vào lòng bạn đọc khát khao và dũng khí để tiến bước trên hành trình đi tìm chính bản thân mình.

Sự thật mà văn học phản ánh cũng là cánh cửa để chúng ta nhìn vào tâm hồn của kẻ khác, những kẻ mà cả xã hội chúng ta vẫn thường nhìn như khác người, lập dị, ngu ngốc hay dở hơi. Những người đi ngược đường với xã hội ấy, trăn trở với những điều chẳng ai muốn quan tâm, mải mê với những điều ai cũng đã vội quên mất. “Có một người nằm trên mái nhà” là chúng ta, là những người trẻ lạc hướng, trống rỗng trong những tháng ngày mưu sinh xô bồ, mỏi mệt, tự nhận ra có gì đó vô nghĩa trong những ngày tháng tưởng như đã ổn này. Tìm hiểu những tâm hồn của những kẻ bị đẩy ra ngoài vòng cương tỏa của quy chuẩn, trật tự, kì vọng xã hội, văn chương dạy ta cách bao dung và rộng mở, cũng dạy ta cách suy ngẫm cuộc đời mình qua cuộc đời kẻ khác, để cảm thông, tôn trọng và đổi thay.

Văn học nói gì với chúng ta về hiện thực?

Bài viết dưới đây là của bạn Nguyễn Thị Quỳnh Hương, sinh viên K65 (năm thứ nhất), khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trên thực tế, bài viết là bài điều kiện mà tôi ra cho sinh viên lớp mình dạy, với chủ đề “Văn học giúp chúng ta nhìn thấy hiện thực nào?” qua việc phân tích truyện ngắn “Câu bé chưa bao giờ thấy biển” của nhà văn Pháp J.M.G. Le Clézio (Giải Nobel Văn học 2008). Truyện ngắn này được in trong tập truyện ngắn của Le Clézio – Lũ mục đồng mà NXB Trẻ vừa ấn hành.

Được đọc bài viết này, với tôi, là một niềm vui nho nhỏ trong một kỳ học cả thầy cả trò đều chật vật do cấu tạo chương trình học bị xáo trộn. Tôi vui vì đọc được những suy nghĩ đẹp và chân thành của sinh viên. Vui vì thấy các em bắt đầu quan tâm đến cách diễn đạt hơn . Giới thiệu bài viết này trên blog cá nhân, tôi cũng mong có thể nhận được những chia sẻ hữu ích khác cho bạn Quỳnh Hương và cho tôi.

The sea

*

Càng ngày người ta càng nói nhiều về một xã hội hiện đại, một xã hội công nghiệp với những-điều-sẵn-có, một xã hội tưởng tiến bộ mà trong đó con người tưởng như được bảo bọc hơn bao giờ hết bởi luật pháp, những dịch vụ tiện nghi, những thiết bị vô cùng tối tân hiện đại. Không phủ nhận tất cả những điểm tích cực mà sự hiện đại ấy mang lại nhưng cái được gọi là bảo bọc trên có thật sự che chở được con người khi mà lúc này, chưa bao giờ con người lại trở nên bất an và dễ tổn thương đến thế. Phải chăng vì vậy mà hiện tại ta rất dễ để bắt gặp những cuộc “bỏ-trốn-thế-giới”? Mỗi người lại tìm đến một “hiện thực thứ hai” hay nhiều những hiện thực khác song song với hiện thực mà mình đang cư ngụ. Ở đó bạn sẽ học được nhiều thứ hay ho mà không có bất kì áp chế nào, giống như Gaspar học được từ mặt trời, gió, và những con vật ,“không phải những thứ ta đọc thấy trong sách vở, những thứ mà con người hay nhắc đến, mà là những thứ êm đềm và mạnh mẽ, những thứ chứa đầy vẻ đẹp và sự huyền bí”, những thứ mà ta phải “mất cả đời để học”. Và còn nhiều hơn nữa những điều cần con người khám phá mà bạn có thể trải nghiệm với sự dẫn dắt của J.M.G Le Clézio – “tác giả của những hành trình mới”.“Cậu bé chưa bao giờ thấy biển”-một truyện ngắn của ông nằm trong tập Lũ mục đồng (Mondo et autres histoires) cũng là một gợi mở về giá trị của văn chương đối với con người trong việc đào sâu những lớp hiện thực khác hay nói đúng hơn là một tầng hiện thực khác cao hơn, sâu hơn nhưng không hoàn toàn tách li lớp hiện thực bề mặt ta mà ta nhìn thấy thường ngày.

Đó là một hiện thực dân chủ và nhân bản mà ở đó cá nhân có luôn có quyền được là mình, có những mơ ước, những sự lựa chọn dị biệt không theo số đông. Trong câu chuyện “Cậu bé chưa bao giờ thấy biển”, Daniel không giống như những người bạn cùng học, “Daniel, làm như nó thuộc về một giống nòi khác” – điểm này gặp gỡ với nhân vật June trong Bão. Cậu bé ấy rất ít nói, những gì cậu bé quan tâm chỉ là biển cả và vì vậy khi nghe ai nói về vấn đề đó đôi mắt cậu bé sẽ sáng lên và gương mặt hình lười cày trở nên sinh động hẳn. Nhưng những gì cậu bé nghĩ về biển cũng không giống như đại đa số đám đông bàn luận. Đó không phải là những bãi tắm, những mẻ cá hay những cơn cảm nắng – những gì vẫn mang tính chất thuộc về lợi ích người – mà là một thứ khác hoang dại hơn nhưng cũng hết mực mơ hồ, một thứ biển chắc chắn khác dù không thể định nghĩa. Cậu sống như tình trạng của một kẻ mộng du và cuộc sống hiện thời chẳng khác nào sống tạm. Dường như chính điều ấy đã thôi thúc cậu bé đi tới quyết định ra đi. Trong chính một bài phát biểu của mình, Le Clézio từng nói: “Con người – “kẻ mơ mộng cuối cùng”, nói như Breton, hay “kẻ mộng mơ ở độ tuổi dậy thì” như chữ của Lautréamont, trở thành nạn nhân bởi chính kẻ sáng tạo nên mình – buộc phải chọn lựa cho mình con đường để bộc lộ mình, phải chọn lựa phương tiện để đạt đến tự do của mình.”.[1] Bởi vậy nên sự lựa chọn ra đi của Daniel tuy có khác với chúng bạn, song lại là điều tất yếu. “Daniel của Clézio bỏ lại chiếc giường sắt (một ẩn dụ cứng lạnh và ẩn chứa khả năng gây sát thương không kém) dưới bóng tối tù mù trong kí túc xá, ta còn biết mơ về những chân trời giải thoát, còn biết tin vào sự quyết liệt của chính mình sau những lần vỡ mộng với cuộc đời.” [2]  Trên hành trình này, Daniel đơn độc nhưng có lẽ chính sự lẻ loi ấy mới là điều cần thiết cho chuyến đi ấy. Những khám phá, những trải nghiệm sâu lắng luôn cần tới một không gian độc lập và tự do.

Chính không gian ấy mở ra trước mắt Daniel thật nhiều điều mới mẻ. Và theo tôi, không chỉ có long lanh trong đôi mắt cậu bé mà trong cả những con mắt của bạn đọc. Có thể họ không giống như Daniel, có thể họ đã tiếp xúc với biển số lần không kể xiết nhưng sẽ luôn có những điều lạ lẫm và mới mẻ như vậy. Le Clézio là một nhà văn mà tài nghệ miêu tả của ông luôn có một lực hấp không thể cưỡng lại. Văn ông rất giàu chất thơ và chất thơ đó đậm đặc hơn cả trong những đoạn miêu tả thiên nhiên. Nếu như trong Lũ mục đồng người đọc bị hớp hồn bởi những mộng mơ khi lũ trẻ nằm ngắm sao, những dịu dàng và trong trẻo khi Gaspar và Khaf nắm tay rồi tưởng như hai đứa bay lên cùng với mặt trăng, rong ruổi nơi bầu trời hay vẻ kiêu hãnh mà không kém phần hung tợn của con rắn Nach thì ở truyện này, vẻ đẹp của biển cũng hiện lên có khi hiền hòa khi lại dữ dội nhưng chưa bao giờ là không huyền hoặc, mĩ lệ. Le Clézio hay những nhà văn, nhà thơ nói chung đều đặt chúng ta trong một chiều kích hiện thực mà ở đó những sự vật dù được đào khơi triệt để thì vẫn để lại những khoảng trống cho sự tưởng tượng. Đó là những gì trong cuộc sống dường như khuất lấp, ít người nhìn ra hoặc là sự soi chiếu và phát hiện tính người trong từng sự vật. Daniel chơi thân với chàng bạch tuộc, kiếm thức ăn cho nó, thậm chí còn đặt tên cho nó là Wiatt. Họ tìm thấy nhau và bầu bạn cùng người kia giữa chốn hoang vu này, một người – một loài thủy sinh nhưng dường như giữa họ luôn có sự giao tiếp và thấu hiểu lẫn nhau: “Có lẽ nó cũng giống như Daniel, có lẽ nó đã đi rất xa để tìm được tổ ấm của mình, trong vũng nước này, và ngày ngày ngắm bầu trời xanh qua mặt nước trong vắt”.Con bạch tuộc thường “vuốt ve một cách dè dặt, thỉnh thoảng luồn các xúc tu của mình giữa các ngón chân hoặc cạ vào lòng bàn chân cậu bé” và khi đó cậu bé bật cười. Daniel còn nhìn thấy cả những nỗi cô đơn và lạnh lẽo của những mỏm đá sắc nhọn hay ánh sáng phản xạ liên hồi qua hai mặt gương – bầu trời và những phiến đá. Nhưng thiên nhiên mà Le Clézio luôn không tách biệt mà con người luôn tắm mình trong thiên nhiên. Vậy nên ánh sáng ấy kích động và phóng thích cậu bé, cậu bé không ngồi yên ngắm nhìn chúng mà theo đà chạy nhảy băng qua những phiến đá. Hay khi lúc nước biển dâng lên Daniel cũng cảm nhận được niềm vui của các hạt muối được giải phóng. Những miêu tả của nhà văn kích thích cùng lúc rất nhiều những giác quan và cảm xúc của con người. Nó luôn tìm ra mối đầu mối nào đó gắn kết giữa các sự vật hiện tượng và cả con người, luôn có một cái gọi là “trật tự ẩn” phía dưới những mảng nổi của hiện thực thứ nhất tưởng chừng như chứa những sự vật rời rạc. Phải chăng vì thế nên tác phẩm dù là hư cấu nhưng người đọc đôi khi lại thấy nó thực hơn cả hiện thực?

Không những thế, hiện thực mà văn chương gợi ra luôn là một hiện thực mở, chứa đựng trong mình những cái khả nhiên. Đó là những cái có thể ở thực tại chưa có nhưng chính những kẻ dám mơ ước sẽ biến nó thành cái có thể có ở tương lai. Ở đây, tôi nhận thấy có hai lớp hiện thực mở, một là hiện thực mở của câu chuyện phiêu lưu của Sindbad ảnh hưởng đến Daniel, hai là hiện thực mở của “Cậu bé chưa bao giờ thấy biển” tác động đến người đọc.

Ngay từ câu đầu tiên của truyện, Daniel đã được giới thiệu với cái tên của nhân vật trong cuốn truyện cổ Nghìn lẻ một đêm – chàng thủy thủ, người đi biển Sindbad: “ Tên nó là Daniel, nhưng nó thích được gọi là Sindbad hơn, vì rằng nó đã đọc tất cả những chuyện phiêu lưu của chàng ta  trong một quyển sách dày cộm đóng bìa màu đỏ mà lúc nào nó cũng mang theo bên mình trong lớp học và trong kí túc xá”. Thậm chí, tất cả những gì được gọi là hành lí được Daniel quyết định mang đi trong chuyến ra đi này cũng chỉ vỏn vẹn quyển sách ấy. Bảy cuộc phiêu lưu của Sindbad, dù là đối diện với bão, nước xoáy hay chiến đấu với cá voi, đại bàng, những người lùn, những gã khổng lồ hay những thổ dân ăn thịt người,… Sindbad đều chiến đấu và chiến thắng bằng trí thông minh và lòng quả cảm của mình. Những câu chuyện ấy đầy mê lực ấy đã thôi thúc bước chân của Daniel. Đương nhiên những chuyện kì quái như của Sindbad chắc sẽ không thể xảy ra với chú bé nhưng niềm đam mê phiêu lưu, khám phá đã truyền cho Daniel để cậu viết một câu chuyện về chuyến hành trình của riêng mình. Quan trọng hơn cả là động lực để cậu dứt bỏ cuộc sống của kẻ mộng du, một sự tồn tại lờ đờ mà cậu sống khi ở trong trường học. Hẳn sẽ có nhiều rủi ro, khi tiếp xúc với biển lần đầu chẳng phải Daniel đã sợ hãi bỏ chạy hay sao? Rồi cả khi cậu bị sóng tràn dâng nhấn chìm, miệng sặc nước và tay cố bấu nơi cát, chẳng lẽ đứa trẻ ấy không chút nào sợ hãi? Nhưng mê lực từ trong lòng biển cả lại cuốn cậu trở lại tiếp tục sống gần biển, để được nhìn thấy nó mỗi ngày. Tôi lại nhớ đến Sindbad khi đọc những câu chuyện về chàng, Gần như từ câu chuyện thứ ba trở đi mỗi khi gặp phải đối diện với cái chết chàng đều không thôi sỉ vả mình sao không sống yên phận ở nhà nhưng cuối cùng lại vẫn tiếp tục những chuyến hành trình kế tiếp để thỏa mãn cái thú mạo hiểm trong mình. Ngay chính trong truyện, Daniel cũng đã có lần bắt gặp cảnh biển khiến cậu liên tưởng đến hành trình Sindbad gặp vua Mihrage.

Bản thân cuộc hành trình của Daniel cũng phần nào tác động tới tâm lí người đọc, những người “đồng cảnh” với cậu bé. Chính cậu bé cũng dấy lên khao khát nào đó trong lòng người đọc, nó có thể không giống như vậy, họ sẽ không làm cuộc hành trình ra biển như cậu bé nhưng chắc chắn một cuộc vượt thoát khác sẽ được tiến hành.

Với những hiện thực mà văn học đã vẽ ra ấy, chúng thống nhất nhưng không đồng nhất với hiện thực đời sống, vậy bản thân chúng mang ý nghĩa gì? Ở góc nhìn hẹp, chỉ nhìn bên trong câu chuyện, như vừa phân tích, câu chuyện về cuộc phiêu lưu của Sindbad đã làm thôi thúc Daniel bắt đầu cuộc hành trình trải nghiệm và tìm kiếm ý nghĩa sống của bản thân. Nhưng có thể thấy chính cuộc hành trình của cậu bé lại khơi ra một-điều-gì-đó đối với lũ trẻ cùng trường, cũng giống như câu chuyện cái hang của Plato. Chúng không ra đi như Daniel nhưng lại luôn có quy tắc ngầm để “bảo vệ” cho Daniel, tức là đánh lạc hướng những cuộc điều tra và khi nghe xong câu chuyện về việc hàng năm luôn có vài chục ngàn người biến mất như thế thì chuyện đó bắt đầu là chúng mơ mộng “nó làm dấy lên từ sâu thẳm tâm hồn mỗi đứa trẻ một ước mơ thầm kín và mê hoặc còn đang dang dở”. Rõ ràng những đứa trẻ ấy cũng nhận thấy một cái gì đó đang nảy nở bên trong, tuy còn mơ hồ nhưng chẳng phải Daniel cũng bắt đầu chuyến hành trình của mình từ những cảm giác mơ hồ hay sao?

Ngay cả đối với chính người đọc, văn học – cùng với hiện thực mà nó phản ánh đã gieo vào hoặc làm củng cố niểm tin vào những ước mơ. Văn học, khác với những bài học đạo đức hay những chương trình kiểu “Quà tặng cuộc sống”, nó không giáo điều trực tiếp khuyên nhủ hay hô hào bạn với những khẩu hiệu. Nhưng bằng câu chuyện của “kẻ khác”, ở đây là câu chuyện của Daniel, nó sẽ vạch ra những mối bất an trong lòng bạn và gián tiếp truyền vào đó một ngọn lửa, tiếp cho bạn một nội lực ngầm rũ bỏ những điều cũ kĩ, để viết nên cuộc hành trình của bản thân. Những ước mơ đẹp và trong trẻo vẫn còn tồn tại chứ cuộc sống không chỉ có những ước mơ thực dụng và vẫn sẽ có những người chọn lựa theo đuổi những ước mơ ấy. Và chừng nào còn niềm tin, chừng ấy chúng vẫn còn hiện hữu. Khi những ước mơ ấy nảy mầm và đủ vững chắc, nó sẽ chuyển thành khao khát được thể nghiệm và sẽ dấn thân trải nghiệm.

Trong bài thuyết trình của mình tại buổi seminar về nhà thơ Pháp Lautréamont, J.M.G Le Clézio dẫn lời của Andre Breton: “Bắt trí tưởng tượng trở thành nô lệ – cho dù điều này đồng thời có nghĩa là loại bỏ đi cái thường được gọi là hạnh phúc – có nghĩa là phản bội tất cả cảm quan về sự công bằng tuyệt đối bên trong con người. Chỉ mình trí tưởng tượng mới có thể đem lại cho tôi một gợi ý nào đó về cái có thể là, và điều này đủ để vứt bỏ được, ở một mức độ nhẹ nhàng, những huấn thị khủng khiếp; cũng đủ để cho phép tôi dâng mình cho nó mà không sợ hãi phạm sai lầm (cứ như thế làm vậy thì sẽ phạm phải sai lầm còn lớn hơn nữa). Từ đâu mà tình trạng này lại trở nên tồi tệ; từ đâu mà tinh thần mất đi sự kiên định của nó? Đối với tinh thần, chẳng lẽ cái khả năng phạm lỗi lại còn không ý nghĩa bằng sự tùy tiện của những cái đúng?”.Khi đọc những dòng này và ngẫm lại, thiết thấy những sáng tác của  Le Clézio đều hướng tới điều này – giải phóng con người khỏi những “nhà tù cơi nới”, những nhà ngục tinh thần dựng nên bởi những ám ảnh, những tổn thương, những khuôn mẫu và định kiến. Đến với những sáng tác của ông, người đọc buộc phải từ giã lối đọc theo sự kiện mà trí tưởng tượng cùng các giác quan sẽ được kích nhọn hơn bao giờ hết. Vì thế mà có thể nói khi việc trải nghiệm hiện thực của văn học sẽ cho chúng ta sống theo một cảm nhận hoàn toàn riêng biệt, mới mẻ. Chúng ta không thể chạm vào thứ hiện thực ấy hay trực tiếp nhìn thấy nó nhưng lại cảm nhận nó với rất nhiều chiều kích và suy ngẫm thêm những điều của thực tế cuộc sống. Đọc “Cậu bé chưa bao giờ thấy biển”, với tôi nó không đơn thuần là hành trình tìm đến biển của một cậu bé, mà rộng hơn, theo tôi đó còn là hành trình nên có của con người tìm về với tự nhiên, tìm ra những mối dây liên hệ với tự nhiên và đừng lãng quên hay hủy hoại nó.

Bên cạnh đó, nhận đinh của Andre Breton cũng nhấn mạnh hiện thực mà văn học phản ánh cho phép chúng ta nhìn thấy và phần nào hiểu những “kẻ khác”, nhất là những kẻ dị biệt, những kẻ mà chúng ta cũng bắt gặp đâu đấy quanh mình nhưng khó có thể chấp nhận bởi những định kiến đã áp chế chúng ta khi đưa họ – những kẻ khác người, khác đám đông vào khung nhìn chung của xã hội, của những kẻ mang quyền lực. Và với điều này, nghệ thuật khiến con người ta cởi mở và bao dung hơn.

Với tất cả những lẽ trên, hiện thực mà văn học đem lại mang những giá trị, ý nghĩa nhất định mà không gì có thể thay thế được. Tuy vậy, luôn cần có những người như Daniel, những người dứt khoát phải đi tìm cái hiện thực ấy cho dù đến cuối cùng họ có thể thất bại hay chúng ta thậm chí cũng chẳng biết rồi số phận họ sẽ đi tới đâu. Ở ngay đầu bài viết này đề cập đến những cuộc bỏ trốn, những cuộc vượt thoát tìm đến một, hay nhiều hiện thực khác thế nhưng suy cho cùng chúng chỉ là tạm thời. Văn chương có thể giúp chúng ta làm một “cuộc vượt ngục về tinh thần” nhưng đích mà ta hướng về vẫn luôn là thực tại, để có thể cải tạo thực tại. Thực tại ở đây có thể không rộng lớn. Một đôi câu thơ hay một vài cuốn sách không thể giúp cá nhân có khả năng thanh lọc cả xã hội nhưng những cuốn sách hay đến được tay ta vào thời điểm phù hợp nó rất có thể cứu rỗi được một cá nhân. Vẫn rất cần phải đi tìm hiện thực ấy trong đời sống vì chính trong những cuộc tìm kiếm ấy, con người ta sẽ khám phá ra những điều mới mẻ hay đào sâu thêm một tầng nào đó của hiện thực. Ngoài những cái nghe chừng lớn lao ấy, tôi thiết nghĩ hành trình sống trước hết là hành trình hướng nội tức là tìm vào những cái bản thể. Nếu không tiến hành đi tìm hiện thực như Daniel thì hiện thực mà văn chương nói đến dù hay đến mấy cũng chỉ là cái nằm ở ngoại biên, chỉ khi đi tìm nó mới chuyển vào, tích tụ làm nên chất ở bên trong.

Chú thích

[1] J.M.G. Le Clézio, “Freedom to Dream”, bản dịch tiếng Anh của Ralph Schoolcraft III, World Literature Today, Hải Ngọc dịch

[2] Le Clézio và những gì đang biến tan… (về những ngày đọc Bão, và Lũ mục đồng, và Những câu chuyện khác), Hà Đặng

Nguyễn Thị Quỳnh Hương