Tag Archives: dương phương anh

Dương Phương Anh – Văn học có thể nói với chúng ta về những sự thật nào? (bài 1)

Câu hỏi “Văn học có thể nói với chúng ta về những sự thật nào?” là một trong những đề tài mà tôi muốn mời gọi sinh viên của mình suy nghĩ. Rất có thể văn chương chỉ là những câu chuyện hư cấu và do đó thật ngây thơ khi nghĩ rằng có thể tìm thấy ở đó sự thật nào. Rất có thể nếu có sự thật nào mà văn chương có thể nói đến thì đó hẳn lại là thứ ta ngại phải nhận diện. Bởi đó là sự thật của chính mình, bởi nó bóc trần tấm mặt nạ của một đời sống bình thường, yên ổn mà nhiều người đang sống và ta vẫn đang sống. Rõ ràng đây chỉ là câu hỏi gây bất an? Lấy gì để biện hộ cho ý nghĩa của văn chương khi nó chỉ không ngừng gây bất an cho con người? Khi nó, nói như lời Nguyễn Huy Thiệp, chỉ làm đúng cái việc rất vô nghĩa, “bắt người ta day đi dứt lại”… Hoặc cái sự thật văn chương nói với ta luôn là điều gì đó mỉa mai, như một ý nghĩ của nhân vật trong văn Phan Triều Hải: “Có những người mà tôi rất ghét, nhưng tôi cũng sẽ nói với họ như thế, bởi tôi thấy làm con người tưởng cao ráo lắm, nhưng ê ẩm có thừa”

Trong kỳ học này, tôi thật mừng khi các bạn SV lớp mình dạy không ngại đối mặt với những câu hỏi khó mà văn chương gợi ra. Bài viết dưới đây của bạn Dương Phương Anh (SV Khoa Tiếng Anh, k67), tuy còn ít nhiều cảm tính, nhưng tôi tin nó chứa đựng suy tư thực của người viết. Truyện ngắn “Có một người nằm trên mái nhà” của Phan Triều Hải được lựa chọn chất liệu để các bạn sinh viên cùng suy nghĩ. Nếu thực sự những gì tôi gợi mở được các bạn tiếp nhận và thể hiện trên bài viết thế này, tôi nghĩ mình đã có một kỳ dạy học may mắn.

Hale-Bopp-Cherie-Benoit

Với tôi, văn học có khi là chốn tỏ bày của những tâm hồn cô đơn trong thế giới hiện thực. Bỏ qua mọi quy chuẩn, kì vọng của xã hội, khoác trên mình chiếc lốt vô danh, tâm tư sâu kín nhất của loài người cứ thế được bộc lộ. Ở thế giới ấy, con người thoải mái với bản ngã chân thật nhất của mình, họ thoải mái với những khát khao sâu thẳm, thậm chí dị biệt nhất của mình. Trong xã hội hiện đại, dường như con người đang dần yếu đuối đi dưới sự áp chế của những quy chuẩn ngột ngạt. Những con người sống những cuộc đời đóng khung, chới với, chông chênh nhưng vẫn mơ về “một cái gì riêng đặc biệt cho riêng mình”. “Có một người nằm trên mái nhà” là câu chuyện về một chàng trai như thế, loay hoay với những sở thích kì lạ, loay hoay tìm cách lấp đầy những khoảng trống tâm hồn.

Văn học mở ra những tầng sâu của sự thật đời sống, chạm đến những trăn trở và day dứt bản thể, gieo vào ta những câu hỏi thường trực về sự tồn tại của chính chúng ta giữa vũ trụ này. “Có một người nằm trên mái nhà” là câu chuyện về một chàng trai bình thường với một sở thích kì lạ. Chàng trai sống cùng và vợ và cha, công việc mỗi ngày là giao hàng, mười lăm ngàn một vòng, cứ thế giao nhiều nhất có thể rồi về đưa tiền cho vợ. Chẳng có điều gì đặc biệt ở cuộc đời ấy lắm, cho đến một ngày anh nhận ra bỗng trở nên thật bức bối  mình “không quen ở mà trên đầu bị che bởi một mái nhà, và chung quanh là những bức tường có cửa sổ trổ ra lưng những tường nhà hàng xóm”. Cứ thế, tối nào cũng vậy, chàng nằm trên mái nhà nghiêng hai mươi ba độ rưỡi ngắm nhìn bầu trời của riêng mình, sung sướng với niềm vui được đếm sao. Chàng trai ấy ám ảnh với những gì đặc biệt. Trong suốt thiên truyện, rất nhiều lần chàng trai đã giới thiệu chiếc mái nhà nghiêng hai mươi ba độ rưỡi, tự hào như một lời khẳng định về điều riêng chỉ nhà anh có. Anh thích ngắm sao dường như cũng bởi nó cho anh một thế giới riêng: “một bầu trời lớn mênh mông, và không hề bị chia sẻ”. Anh nâng niu những điều kì lạ như vậy, có lẽ bởi chúng là những cái riêng anh khát khao mà không thể có ở cuộc sống đời thường, là khoảng thời gian ít ỏi mà chàng trai thấy mình được sống. Đáng buồn là chẳng ai hiểu chàng trai ấy cả. Chẳng hạn, người vợ của anh thì nghĩ: “Đối với nàng, tất cả những lí do tôi đưa ra đều không thể biện minh được cho một hành động điên rồ như thế, dù cho là một lối thoát cho một công việc cụ thể mà đơn điệu, hay nhằm chống đỡ những thứ rỗng tuếch mơ hồ cứ ngày lại ngày gặm mòn hết ý chí muốn được suy nghĩ một cái gì thật riêng đặc biệt cho riêng mình”.

Chúng ta có thể cũng đã từng giống như chàng trai này, ngày nào đó mỏi mệt, chợt giật mình nhận ra mình đang dần trống rỗng, tự hỏi mình đang sống vì ai, vì điều gì, tự hỏi mình có đang thấy hạnh phúc nữa không? Cái cảm giác mơ hồ ấy bám riết lấy những tâm hồn mỏi mệt, làm ta nghi ngờ cái vỏ ổn định của cuộc đời. Những lúc ấy, liệu ai dám đứng lên đi tìm một lối đi khác, hay sẽ như chàng trai trong truyện ngắn này chới với trên chiếc mái nhà ngắm sao để chạy trốn thực tại? Hai lần chàng trai bày tỏ: “Tôi không biết là nếu không leo lên mái nhà nữa thì sẽ làm gì ở dưới mái nhà”, là lời tóm gọn của một cuộc đời đang lâm vào cảnh chơi vơi, trống rỗng. Sau một ngày giao hàng như cái máy, hoàn thành nghĩa vụ kiếm tiền với vợ, anh tìm đến bầu trời đêm nở rộ ánh sao sa, những ánh sao bé nhỏ như những con người vô danh vẫn âm thầm tỏa sáng, có lẽ anh cần những ánh sao ấy thay anh nở rộ mỗi ngày… Mở ra một cuộc đời như thế dưới ngòi bút của mình, Phan Triều Hải phá tan cái vỏ đời sống mà ta vẫn tin là rất ổn, là bình thường, để lộ ra cái đời sống tinh thần thực sự phía sau nó. Sau cái đời sống tưởng chừng thanh thản của anh giao hàng đêm xuống lại lên nóc nhà ngắm sao ấy là một tâm hồn dậy sóng trước sự vô nghĩa và hữu hạn của đời mình. Anh chàng đếm sao ấy, đơn độc trên chiếc mái nhà nghiêng hai mươi ba độ rưỡi, lạc điệu trong cái nhịp sống nghìn năm vẫn thế của cái xã hội này, cái nhìn của bên lề về nhịp sống thường ngày ấy làm ta phải suy nghĩ về sự tồn tại ở vũ trụ này: “Những người đóng cửa luôn là bậc trụ cột trong nhà, phải cẩn thận, phải trách nhiệm. Khi họ chết đi sẽ có những thế hệ tiếp theo trưởng thành hơn kế tục công việc đó, đóng cửa và mở cửa” . Trong cái vòng xoay không ngừng ấy,chúng ta là ai, là ai trong hàng vạn hàng người sống rồi chết giữa vũ trụ này.

Điều tuyệt vời nhất của văn học đó là không đặt con người lên vị trí cao nhất để xưng tụng. Nó phá tung những mệnh đề ca ngợi vẻ đẹp, sức mạnh, sự thống trị của con người. Có lẽ chẳng ở đâu như trong văn chương, con người hiện lên vỡ vụn, yếu đuối đến thế. Trong xã hội hiện đại, con người ngột ngạt trong những thành phố lớn, dưới những căn nhà vuông vức, hối hả trên những con đường ngạt mùi khói bụi. Tất cả đều được nhào nặn dưới đủ mọi tiêu chuẩn từ những danh hiệu học sinh giỏi thời bé, đến bậc lương nghề nghiệp khi đã lớn lên. Loài người thường tự hào mình là loài thống trị thế giới, tự cho mình cái quyền năng chi phối muôn loài, chúng ta thích xếp hạng những loài vật theo trí thông minh, và cũng tự xếp hạng nhau bằng các quy chuẩn tự mình áp chế. Anh chàng nằm trên mái nhà ngược lại có một cái nhìn đầy mỉa mai về loài người: “Có những người mà tôi rất ghét, nhưng tôi cũng sẽ nói với họ như thế, bởi tôi thấy làm con người tưởng cao ráo lắm, nhưng ê ẩm có thừa”. Ê ẩm thật, khi cứ mãi phải chui trong những cái khung chật hẹp của xã hội, ê ẩm thật, khi ngẩng lên nhìn hai chữ Con Người viết hoa, chẳng thấy mình có gì xứng đáng. Ngòi bút của nhà văn thật sự  không ngần ngại mở ra những mảng tối tăm, ích kỉ, hèn mọn nhất vẫn tồn tại trong mỗi người. Không có con người văn chương nào đơn thuần là một Người viết hoa, nó là những người bình thường mang trong mình những mảng sáng tối, bối rối trên con đường đi vào bản thể, mỗi ngày vẫn mải mê tìm câu trả lời cho sự tồn tại của mình giữa vũ trụ. Tất cả chúng ta đều là những con người đúng nghĩa mang trong mình những điều cao cả và hèn mọn,cả phần Con và phần Người, và trong văn chương, thế giới ấy thừa nhận cả hai mảng sáng tối ấy, công bằng và tự nhiên. Có thể nói, đứng trước văn chương, mỗi chúng ta đều bình đẳng, đều đang đứng trong những hành trình riêng đi tìm định nghĩa về chính mình.

Văn học thúc đẩy mỗi chúng ta đi tìm ý nghĩa của đời sống. Văn học cùng với sự thật nó phản ánh là động lực thôi thúc để chúng ta vươn tới những giấc mơ, gieo vào trong ta những ý niệm về một cuộc đời thực sự có ý nghĩa, về cái gì đó vĩnh cửu, cao hơn cái hữu hạn và nhỏ bé của loài người. Với chàng trai nằm trên mái nhà ấy, động lực cuả anh là ngôi sao chổi Hale – bopp – ngôi sao hai ngàn bốn trăm năm mới tỏa sáng một lần. Cái lung linh,lấp lánh của những ngôi sao nhỏ bé vô danh đối lập với cái đời sống dưới nóc nhà của anh vốn là đời sống thật thực ra chỉ là đời sống tạm. Đó là đời sống ngột ngạt chẳng thể thỏa mãn được khát khao được có một cái gì đó cho riêng mình. Cái đời sống trống rỗng, chơi vơi ấy buộc độc giả phải nghĩ, phải nhìn lại đời sống của bản thân, phải bắt đầu hành trình đi vào bản thể, bắt đầu hành trình đi tìm định nghĩa bản thân, phải tìm ra điều ý nghĩa trong sự tồn tại vốn đã mong manh của loài người. Cái nhợt nhạt của đời sống ấy khơi dậy trong độc giả cái khát khao được sống căng tràn, sống tuyệt đối trong cả niềm vui và nỗi buồn, cả những niềm đau và cái chết.

Văn chương còn tìm trong sự thật đời sống cơ hội cho những giấc mơ, bởi hiện thực trong văn chương luôn là hiện thực chứa đựng những cái khả nhiên, những cơ hội mở đón chờ những kẻ dám mơ ước những điều điên rồ nhất. Anh chàng chỉ thích đếm sao ấy sợ phải xuống dưới nhà chắc bởi “Đến một lúc nào đó nhà chợt hóa chật hẹp như một cái khuôn, bước vào đó là bị ép vào những hình thù định sẵn”. Vậy mà nghe đến Hale – Bopp – ngôi sao chổi chỉ xuất hiện sau hai ngàn bốn trăm năm đã đồng ý với vợ, nếu anh được nhìn thấy sao chổi này một lần thôi, anh sẽ không bao giờ đòi ngắm sao nữa. Chỉ cần một lần thấy được ngôi sao hai nghìn bốn trăm năm mới tỏa sáng một lần, anh chấp nhận ở dưới mái nhà, dù trống rỗng, dù chơi vơi. Cái trống rỗng của chàng trai sau khi nhìn sao chổi lướt qua, đẹp đẽ và ngắn ngủi: “cái sao chổi ấy, nó đẹp thật đấy, và thiệt tình tôi chẳng biết còn phải đợi chờ điều gì hơn thế nữa”. Cái khát khao được có gì đó cho riêng mình, được sống một đời ý nghĩa đã biến thành việc theo đuổi sự hoàn hảo của Hale – bopp, ngưỡng mộ sự vĩnh hằng và kì diệu của nó. Và khi cái đẹp ấy lụi tàn, anh lại quay về với trống rỗng, về với cái sự thật đã đóng khung của đời sống, không còn ở trên mái nhà đếm sao nữa, chỉ còn cái cuộc sống rỗng tuếch, chẳng biết phải làm gì. Với bạn đọc, cái hiện thực mà Phan Triều Hải đã mở ra, khi nào đó bỗng làm ta nhìn lại mình và tự hỏi mình có đang sống trong những cái khung, một đời hữu hạn, nhỏ bé là thế, liệu có nên tiếp tục trong những trách nhiệm và thói quen? Câu chuyện có thể kết thúc ở những day dứt về ngày mai của chàng trai nhưng nó đã gieo vào lòng bạn đọc khát khao và dũng khí để tiến bước trên hành trình đi tìm chính bản thân mình.

Sự thật mà văn học phản ánh cũng là cánh cửa để chúng ta nhìn vào tâm hồn của kẻ khác, những kẻ mà cả xã hội chúng ta vẫn thường nhìn như khác người, lập dị, ngu ngốc hay dở hơi. Những người đi ngược đường với xã hội ấy, trăn trở với những điều chẳng ai muốn quan tâm, mải mê với những điều ai cũng đã vội quên mất. “Có một người nằm trên mái nhà” là chúng ta, là những người trẻ lạc hướng, trống rỗng trong những tháng ngày mưu sinh xô bồ, mỏi mệt, tự nhận ra có gì đó vô nghĩa trong những ngày tháng tưởng như đã ổn này. Tìm hiểu những tâm hồn của những kẻ bị đẩy ra ngoài vòng cương tỏa của quy chuẩn, trật tự, kì vọng xã hội, văn chương dạy ta cách bao dung và rộng mở, cũng dạy ta cách suy ngẫm cuộc đời mình qua cuộc đời kẻ khác, để cảm thông, tôn trọng và đổi thay.