Costica Bradatan – Lời kết (trích “In Praise of Failure – Four Lessons in Humility” [Ngợi ca sự thất bại – Bốn bài học về sự khiêm hạ])

Hôm nay, về cơ bản, tôi đã dịch xong toàn văn cuốn sách “In Praise of Failure” của Costica Bradatan. Phần mở đầu của cuốn sách tôi cũng đã giới thiệu trên blog này.

Cuốn sách là một sự-đến-đúng-lúc với tôi dù quá trình cuốn sách này thường xuyên bị gián đoạn bởi nhiều công việc xen vào. Nhưng mỗi lần quay lại dịch nó thì đời sống xã hội Việt Nam nói chung và đời sống cá nhân tôi nói riêng luôn có những biến cố khiến tôi cứ nghĩ cuốn sách này đang nói một điều gì đó có ý nghĩa khải thị với mình.

Những trang cuối cùng của cuốn sách được tôi dịch vào những ngày hành giả Thích Minh Tuệ trở thành tâm điểm của truyền thông. Và tôi đã không khỏi nghĩ về ông như nghĩ về những triết gia kỳ lạ mà cuốn sách này kể, những con người đã biến chính cuộc đời của mình thành một thực hành triết học. Thể nghiệm mọi hình thái của sự thất bại, kể cả sự thất bại cuối cùng, lớn nhất – Cái Chết, họ cho ta thấy không gì khó hơn là thu nhỏ mình lại để chạm đến cái tĩnh lặng mênh mông.

Rất mong cuốn sách có thể sớm được xuất bản một ngày gần đây.

*

LỜI KẾT

Mỗi sáng khi thức dậy, có một khoảnh khắc – ngắn ngủi nhất trong mọi khoảnh khắc, trí nhớ chưa trở về với chúng ta. Chúng ta chưa phải là chúng ta vì chúng ta chưa có một câu chuyện để kể. Chúng ta có thể là bất cứ ai ở giai đoạn này nhưng ngay tại lúc ấy, chúng ta không là ai cả. Chỉ như một trang giấy trắng đợi để được viết lên. Khi trí nhớ của chúng ta dần dần quay về, chúng ta bắt đầu nhớ lại mọi thứ: mình đang ở đâu, chuyện gì xảy ra trước khi mình chìm vào giấc ngủ, mình cần làm gì ngay sau đây, nhiệm vụ trong ngày là gì. Chúng ta bắt đầu trở lại là mình khi ký ức về những chuyện như thế này quay về và từ từ hình thành nên một câu chuyện. Khi mọi thứ về đúng vị trí, câu chuyện đã hoàn chỉnh, có thể nói chúng ta đã quay trở lại đời sống. Giờ chúng ta đã có một bản ngã. Trang giấy đã kín chữ với câu chuyện của chúng ta – chúng ta câu chuyện của chúng ta.

Đó là khoảnh khắc ý nghĩa nhất của mỗi ngày và về phương diện triết học, đó cũng là khoảnh khắc thú vị nhất: quá trình mà qua đó, chúng ta bước vào hiện hữu, bản ngã của chúng ta trở về, mỗi lần thức dậy. Nếu bởi lý do nào đó, mọi thứ không về đúng vị trí và tạo được một tự sự mạch lạc, chúng ta sẽ không bao giờ tìm thấy được mình. Trang giấy trắng vẫn trống trơn. Chúng ta sẽ quên chính mình, giống như cách chúng ta quên ai đó đã không xuất hiện trong một cuộc gặp gỡ.

Loài người về cơ bản là tạo vật bị thôi thúc bởi các câu chuyện. Cuộc đời của chúng ta mang hình hài của những câu chuyện mình kể; chúng sẽ đi theo cách này hay cách kia khi chúng ta thay đổi cốt truyện. Những câu chuyện này là thứ trao cho sự hiện sinh của chúng ta sự nhất quán, định hướng và một diện mạo độc đáo. Chúng ta là những cá thể không thể giản ước được không phải bởi ADN của mình, như người ta vốn nghĩ vậy, mà bởi không một câu chuyện nào khi được kể lại hai lần mà vẫn hoàn toàn giống hệt nhau. Thậm chí một sự thay đổi nhỏ nhất về nhịp điệu và từ ngữ cũng có thể tạo ra một câu chuyện khác. Một cá nhân khác.

Do vậy, ở khía cạnh riêng tư nhất, chúng ta là những gì chúng ta tự kể về mình. Triết gia người Đức Wilhelm Dilthey đã gọi quá trình này là sự “thống nhất một cuộc đời” – Zusammenhang des Lebens. Những câu chuyện chúng ta kể về đời mình còn quan trọng hơn bản thân cuộc đời. Chúng là những gì gắn kết đời sống lại và làm cho nó trở thành đời sống của chúng ta. Không có chúng, chúng ta sẽ chỉ là một biến cố vô nghĩa trong thế giới sự sống của hành tinh này.

Là một động vật kể chuyện, chúng ta cần các câu chuyện không chỉ để mỗi buổi sáng, ta đi vào hiện hữu, mà còn cho hầu hết mọi thứ – dù lớn dù nhỏ, dù quan trọng hay tầm thừng, dù cao quý hay hổ thẹn. Chúng ta cần một câu chuyện hay để sống và để chết, để yêu ai đó và dứt tình với ai đó, để giúp ta chiến đấu cho một lý tưởng hay phản bội nó.

Tương tự, chúng ta cần một câu chuyện để chữa cho chính mình khỏi hội chứng umbilicus mundi. Để trở nên khiêm hạ đúng nghĩa, chỉ khiêm nhường thôi là chưa đủ. Chúng ta cũng cần đan dệt một câu chuyện để cấu trúc lại những nỗ lực vô ngã hóa của chúng ta, khiến chúng trở nên sống động, mang tính liên tục và có ý nghĩa. Chúng ta cần phải kể lại cách chúng ta đi đến sự khiêm hạ. Và điều này khiến sự khiêm hạ trở thành một trong những câu chuyện khó kể bậc nhất. Bởi bản ngã kể lại câu chuyện ấy cũng là bản ngã khao khát đạt đến sự vô ngã, luôn tìm cách để hạ mình xuống, thu mình lại. Giọng của người kể chuyện, thành tố quan trọng của nghệ thuật kể chuyện, phải trở nên thinh lặng. Nhưng làm sao chúng ta có thể kể một câu chuyện với sự thinh lặng? Cát bụi chẳng bao giờ có chuyện gì để kể. Điều này đặt sự khiêm hạ và việc kể chuyện vào tình thế xung đột nghiêm trọng với nhau.

Bất chấp tất cả nỗ lực phi thường để vô ngã hóa, Simone Weil vẫn để lại một “tự thuật tâm linh,” chưa kể đến thư tử và sổ tay của bà. Rốt cục, bà đã tạo ta một câu chuyện rất lôi cuốn về chính bản thân mình, được xây dựng quanh một chuỗi dài những sự tự xóa bỏ hay phủ định: tự đẩy mình vào khốn khó, tự ép xác, tự tuyệt thực, giải vật chất hóa, giải tạo. Đã thế, xung quanh Weil lại là những người bạn có tài kể chuyện, cứ như thể bằng bản năng, bà biết một ngày nào đó, khi tiểu sử kỳ quặc của đời bà cần phải cố kết lại và đưa ra trước công chúng, nghệ thuật kể chuyện tài tình của họ sẽ đến lúc đắc dụng.

Không như Weil, Mahatma Gandhi chưa bao giờ ngần ngại nói về bản thân. Ông có thể có khao khát trở nên “khiêm nhường hơn bụi cát” nhưng ông nhận ra khao khát ấy lại tương thích với một dự án đầy tham vọng tự kể chuyện về mình, điều mà ông bền bỉ theo đuổi cả cuộc đời. Vào giữa quãng sự nghiệp của mình, Gandhi cho ra mắt cuốn Tự truyện dày dặn như một cách đảm bảo có một “phiên bản thẩm quyền” về những thí nghiệm của ông với sự thất bại. Với việc không ngừng “khoe” những va vấp, khuyết điểm và sai lầm lớn, ông hy vọng sẽ thể nghiệm được điều tưởng như bất khả: tự kể chuyện về bản thân với ý thức khiêm hạ. Đối với một người tự đối lập mình với văn minh hiện đại, sự am hiểu của ông về sức mạnh của truyền thông quả là điều đáng lưu ý. Dù bận rộn đến đâu, ông vẫn luôn dành thời gian để tiếp xúc với phóng viên và ký giả, những người ông hiếm khi không làm họ vui vẻ. Ông đặc biệt cần họ cho dự án tự kể chuyện về mình.

E.M.Cioran là một kẻ yếm thế, một người có xu hướng xa lánh xã hội, đề cao vị thế ngoại biên mà ông tự áp đặt cho mình. Thế nhưng cuối cùng ông cũng đưa ra một lựa chọn đã được cân nhắc vào những năm cuối đời để tự thú về cuộc lưu đày bên trong ông và trả lời một loạt các phỏng vấn với những ký giả có tầm cỡ. Những cuộc chuyện trò này đã phát lộ một Cioran như một người nói chuyện có duyên (causeur) và một người có khiếu trào lộng bậc nhất. Nhà triết học nổi tiếng vì sự yếm thế đã mỉm cười một cách rất nghiêm túc trước camera. Thực sự trang viết của Cioran luôn có tính trình diễn rất rõ nét, ông ý thức được việc phải đem một mức độ nhất định tính trật tự của tự sự vào trong một đời sống nội tâm hỗn loạn cao độ: “Nếu tôi không viết,” ông suy ngẫm, “những cơn trầm cảm mà tôi sống với chúng cả đời chắc chắn sẽ dẫn tôi đến chỗ phát điên hoặc hoàn toàn thất bại.”[1] Cả đời mình, Cioran viết để tìm đường ra khỏi vực thẳm, ngay cả khi nó chưa bao giờ mất đi sức hấp dẫn đối với ông.

Osamu Dazai không để lại cho chúng ta một tự truyện công khai nào cả, nhưng ông cũng không cần đến nó: toàn bộ tác phẩm của ông có gì khác hơn là câu chuyện về chính ông. Ông sống cuộc đời của một kẻ thất bại và không ngần ngại gì khi viết về điều ấy, nhưng trong cách kể của ông, cả “sự thất bại” và “đời sống” đều thay đổi ý nghĩa. Và “cái chết” cũng thế. Dazai biến cái chết của chính ông thành một dự án tự sự về sự khiêm hạ ở mức cực đoan, điều mà ông đã lao động cả đời để thực hiện nó và như là một phần của dự án ấy, ông tìm cách viết để tìm đường về vực thẳm. Vực thẳm cứ muốn đẩy ông về lại với đời sống, cho đến một ngày mưa tháng Sáu, nó phải chịu thua và chấp nhận ông.

Mặc dù Seneca có nhiều liên đới đến các hoạt động chính trị và luôn bận rộn với vai xã hội của mình nhưng nhà triết học này chưa bao giờ ngừng làm việc với câu chuyện (“hình ảnh”) của đời mình. Kết quả là Seneca, như một hình tượng văn chương, còn nhất quán hơn, giàu sức thuyết phục hơn, chân thực hơn và đáng đi theo hơn Seneca, con người cá nhân. Tình huống này có thể đã giúp Seneca giải quyết được “vấn đề khiêm hạ” của ông theo cách có thể tạm chấp nhận. Một mặt, khó mà kỳ vọng về sự khiêm hạ ở một ái khanh, một công thần của triều đại, chủ nhân của đất đai và của cải mênh mông. Mặt khác, sự khiêm hạ (về phương diện trí thức, đạo đức, hiện sinh) lại là vấn đề trung tâm đối với Seneca, một hình tượng tác giả văn chương chưa bao giờ vơi sức hấp dẫn đối với chúng ta. Không có nhiều tác giả viết về con đường đi đến sự khiêm hạ đạt đến trình độ mẫu mực như bậc thầy thao túng thông tin dưới triều đại của Nero này.

Cho dù Yukio Mishima đã viết nên nhiều áng văn chương hư cấu vĩ đại nhưng ông tin rằng câu chuyện hay nhất mà ông có thể dựng lên không phải là một tác phẩm hư cấu, mà là cái chết của chính mình. Đó là lý do tại sao ông lại phải xây dựng cốt truyện cho nó với sự chi tiết đến khó chịu như thế. Như là một phần của cốt truyện, ông ra lệnh một vài người trong số những người thân cận nhất của mình không được phép chết theo ông, có như thế họ mới sống để kể lại câu chuyện này – câu chuyện của ông. Ông nghĩ, nếu không có câu chuyện chung cục ấy – màn trình diễn cái chết của chính ông – tác phẩm của ông, dù đồ sộ, phong phú bao nhiêu đi nữa, vẫn cứ dở dang và mang tính thỏa hiệp. Đây là câu chuyện của Mishima, câu chuyện của kẻ tự ép buộc mình để trở nên khiêm hạ, một dự án ít tính khiêm hạ bậc nhất – một vụ việc khá phức tạp. Nhưng có ai bảo kể chuyện chính mình đi đến sự khiêm hạ là việc đơn giản đâu?

Để đạt đến sự khiêm hạ, chẳng có gì là đơn giản cả.

“Kể chuyện là một hoạt động cơ bản của loài người, y như việc ăn vậy,” Richard Kearney đã viết như thế. “Hơn thế nữa, trong thực tế, nếu thức ăn giúp chúng ta sống thì các câu chuyện giúp cho đời sống của chúng ta trở nên đáng sống.”[2] Hoặc không đáng sống. Khi sống trên rìa vực thẳm như chúng ta, câu hỏi cơ bản về tính đáng sống và ý nghĩa của hiện sinh phụ thuộc rất lớn vào câu chuyện ta tự kể cho mình. Và bởi sự thất bại nằm ở trung tâm bản thể của chúng ta, những câu chuyện quan trọng nhất chúng ta kể về mình, cũng như chúng ta đọc ở kẻ khác, chủ yếu là những câu chuyện về sự thất bại. Quả thực, từ bi kịch cổ đại Hy Lạp đến những bản tin mới được cập nhật, chưa từng có câu chuyện nào hay mà không hàm chứa một mức độ thất bại nhất định. Những câu chuyện như thế mới cuốn hút chúng ta. Tại sao chúng ta lại muốn đọc câu chuyện về thế giới bên trong của các robot cơ chứ? Sự thất bại và nghê thuật kể chuyện là hai người bạn thân thiết của nhau, lúc nào cũng làm việc kín đáo với nhau.

Đó là lý do tại sao nhận định cuộc đời của chúng ta là “một thất bại toàn tập”, “không có ý nghĩa gì” hay “không đáng để đau khổ” lại được nhiều người trong chúng ta hay đưa ra trong quá trình sống của mình. Tuy nhiên, rất ít kẻ trong chúng ta lựa chọn việc chấm dứt ngay lúc đó và ở đó như một phản ứng. Không phải vì chúng ta thiếu can đảm (khi thực sự muốn chết, người ta sẽ tìm được sự can đảm), mà bởi vì chúng ta cảm thấy câu chuyện của mình, dù thất bại đắp đầy,  chưa đi hết mạch của nó. Chúng ta muốn chờ đợi để xem sao. Và điều này là một sự khải thị.

Tại một thời điểm nhất định nào đó, ta có thể thấy cuộc đời mình trống rỗng và sự hiện sinh của ta thật vô nghĩa, nhưng ta biết, ở một cấp độ sâu hơn, mình vẫn chưa hoàn toàn xong xuôi. Câu chuyện của chúng ta chưa kết thúc, và thật sự khó chịu – hết sức khó chịu, về mặt cảm giác – nếu phải bỏ dở một câu chuyện trước khi nó kết thúc, dù đó là một cuốn sách, một bộ phim, hay của cuộc đời của chính ta. Khi đã chạm đến điểm ấy, chúng ta có thể đi đến quyết định, rằng còn gì để kể nữa đâu, nhưng bỏ dở câu chuyện khi nó vẫn còn đang được kể là một sự bạo động không chỉ đối với câu chuyện mà còn cả tự nhiên. Ý nghĩa mà chúng ta khao khát kiếm tìm có thể được phát lộ ở chính đoạn kết này nhưng chúng ta sẽ không còn ở đó để đón nhận sự khải thị. Sau cùng thì chẳng phải người ta vẫn nói rằng “hạt ngọc” ta đi tìm chỉ có thể được thấy ở đoạn kết của câu chuyện hay sao?

Thế thì một câu chuyện có thể cứu rỗi được đời tôi không? Có, nó có thể. Sự thật là chỉ câu chuyện mới có thể cứu rỗi cuộc đời mỗi chúng ta. Và không chỉ cuộc đời mỗi chúng ta, mà là cả đời sống này. Đó là lý do tại sao, nếu bạn băn khoăn, cuốn sách này lại có nhiều câu chuyện đến vậy, từ đầu đến cuối. Không có các câu chuyện, chúng ta sẽ chẳng là gì.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Costica Bradatan, In Praise of Failure: Four Lessons in Humility, Harvard University Press, 2023.

Bình luận về bài viết này