Ở Werhoneshire nơi tôi sống trời lạnh và nhiều sương, nhưng không đủ lạnh và đủ nhiều sương để ôm ấp mãi nỗi buồn trong tôi. Đêm qua tôi nằm cuộn mình trong tấm chăn cũ ở trước bếp củi, ấm vì rượu và than, nghĩ về những ngày tôi ở viện tâm thần, đêm đọc thơ cho các bạn cùng phòng, thơ của John Clare, thơ của Ezra Pound, thơ của Theodore Roethke, thơ của Robert Lowell, độc là những người điên, và đôi khi cho y tá của tôi, người có bàn tay đẹp và đeo nhẫn cưới, khi cô chịu nghe. Bàn tay đẹp là một chi tiết để kể, nhưng tôi không thích bàn tay đẹp. Tôi thích bàn chân đẹp. Rồi tôi nhắm mắt và trong mơ tôi thấy mình giết một trong những người yêu cũ của tôi và thả xác trôi sông. Tôi biết ở đây không có xác thì không có tội phạm, và người ta không tìm thấy cô. Trong giấc mơ tôi không thấy có lỗi—mơ là cách duy nhất để thở. Ở một thế giới khác tôi sẽ là một cô gái bị cưỡng hiếp bởi người cô yêu, và ở thế giới này tôi là kẻ mang trong mình một kiểu tội lỗi như của người đàn ông ấy. Có lẽ một lần ngồi chờ tàu đến để lao mình xuống đường ray, thay vì quăng xác thân này, tôi đã đẩy một người khác xuống. Tôi tỉnh dậy tự hỏi mình đã nằm bao lâu. Người tôi bị cắt làm đôi bởi một dải nắng rọi vào qua khe nứt trên tấm ván mà tôi dùng để bịt cửa sổ. Nó làm tôi hoảng loạn. Tôi mở cửa nhà và tim tôi đau nhói. Màu xám không còn và sương đã tan, bầu trời mở ra và không gian quá rộng. Tôi đọc Annie Proulx và nghĩ rằng mình sẽ là một nhân vật hoàn hảo trong những câu chuyện Wyoming của bà. Nhưng tôi không thể nào bơi qua một đại dương để bước vào khung cảnh ấy. Tôi sẽ đi về phương Bắc, đến một nơi nào đó có đường vĩ cao hơn, và bởi vì tôi không biết thế nào là đủ, tôi sẽ bước đi mãi cho đến khi thấy mình ngập trong tuyết và đêm. Trong cái lạnh, bộ não của con người sẽ không còn hoạt động bình thường. Một số người, trong cơn ảo giác, vì rối loạn chức năng ở vùng dưới đồi, sẽ tưởng rằng họ đang nóng và cởi áo quần ra, làm họ thêm mất nhiệt và tiến nhanh hơn đến giai đoạn cuối cùng. Họ sẽ bới bằng tay một cái hố tuyết và chui vào trong đó, họ sẽ tự chôn mình như thế, và họ sẽ ra đi trong niềm an ủi không thật của riêng mình.
“Werhoneshire” – Nguyễn Huy Hoàng
*
Tôi đã sử dụng văn bản trên của Nguyễn Huy Hoàng, một người tôi chưa từng gặp, từng biết ngoài đời nhưng ngày nào cũng theo dõi facebook của anh, nơi tôi đọc được nhiều những bản dịch và những bài viết rất thú vị của anh, làm bài tập cho sinh viên lớp mình dạy. Yêu cầu đầu tiên của bài tập: xác định thể loại cho văn bản ấy, một yêu cầu có thể làm cho bản thân tác giả không thoải mái, vì sáng tác luôn là hành vi thách thức mọi sự phân loại theo những khuôn khổ đã sẵn có. Yêu cầu thứ hai – và đây là điều tôi mong đợi được đọc nhất từ bài làm của sinh viên: Bạn có thể cảm nhận điều gì từ văn bản này? Văn bản của một tác giả xa lạ, và nhất là nó lại biểu đạt một thế giới nội tâm mà sự khó hiểu của nó dễ làm nản lòng sinh viên.
*
Cá nhân tôi cho rằng Hoàng chính là một người viết thơ cực kỳ đáng đọc. Và có lẽ anh cũng không thích người ta phải chú ý nhiều đến những gì mình viết. Rất có thể hành động của tôi, khi dùng bài thơ của anh làm đề bài cho sinh viên, và ngay cả lúc này, khi viết về nó, sẽ làm cho thế giới vốn yên tính của anh bị xáo trộn. Là người yêu sự yên tĩnh, tôi hình dung về khả năng gây thương tổn của mình cho một người lạ.
Nhưng chẳng hiểu sao văn bản mà Hoàng viết ám ảnh tôi rất mạnh, và thực sự tôi muốn nói về nó với những bạn trẻ theo học. Rằng qua đó, chúng ta cùng xác nhận một ý nghĩa của văn chương: Đó là một kênh để ta có ý niệm với kẻ khác, và không chỉ dừng lại ở ý niệm, nó còn khơi gợi một khao khát được lắng nghe, được chia sẻ tiếng nói của người khác. Con người có thể sống vắng Thượng đế, nhưng không thể thiếu được Kẻ khác – nhà nghiên cứu Tzevtan Todorov đã nói đại ý vậy.
Ý niệm về “kẻ khác” không chỉ là một ý niệm dễ loại hình hóa: đó là một kẻ thuộc nhóm thiểu số, đó là một người dưới đáy xã hội, đó là một thân phận là nạn nhân của hoàn cảnh nào đó… Văn học, cố nhiên, luôn trổ cánh cửa để ta nhìn ra được những thân phận, những đời sống dễ bị vô hình hóa, dễ bị làm cho câm tiếng. Nhưng quan trọng hơn, văn học không ngừng cho ta thấy mỗi cá nhân là một thế giới tinh thần phức tạp. Sự đối diện của con người với những vực thẳm nội tâm luôn là một chiều kích gai góc nhất, nhức nhối nhất nhưng rất cần được kẻ khác đồng cảm. Tôi tin là thế.
Bài thơ của Hoàng, với tôi, là một kinh nghiệm vực thẳm. Nhân vật trong bài thơ đối diện với sự phân mảnh của bản ngã, cùng lúc anh ta thấy được bóng tối của bản thân, thấy mình muốn hủy hoại, muốn bạo hành bản thân và kẻ khác mà cũng vừa thấy mình yếu đuối, đau đớn, muốn được bao bọc, cho dù là trong tuyết lạnh. Sự khủng hoảng nội tâm ấy khó cắt nghĩa thấu đáo bằng bất kỳ một kinh nghiệm duy lý nào, ngay cả những kinh nghiệm tâm lý học. Và cũng vì vậy, nó hoàn toàn nằm ngoài những kết luận về mặt đạo đức. Mà đúng hơn, nó chối từ những kết luận dễ dàng. Toàn bộ những trải nghiệm không thể nói được bằng ngôn ngữ thông thường này chính là phần sâu thẳm nhất, bộn bề nhất của tinh thần con người. Sẽ khó có thể nói “tôi yêu con người” nếu như ta ngoảnh mặt trước cái phần sâu thẳm, bộn bề, khước từ thẩm quyền phán xét, khước từ tư duy phân loại đánh giá ở mỗi chúng ta. Mỗi kẻ khác đều làm ta cần nhẫn nại hơn. Mỗi kẻ khác đồng thời là cơ hội để ta nhìn vào họ mà thấy thêm ta.
*
Không có nhiều bài làm của sinh viên cảm thấy hứng thú trước câu hỏi của tôi. Tôi lường trước được điều đó. Có một số bài viết mà tôi đọc ra ngay sự đối phó của sinh viên, như thể ông thầy đúng là rỗi hơi, bắt mình đi cảm nhận mấy dòng của một kẻ tự nhận mình là điên. Mà rồi hiểu một kẻ tự thấy mình là điên để làm gì? Giá như anh ta là một nạn nhân xã hội nào đó, rất có thể mọi thứ trở nên dễ hiểu hơn.
Không, kẻ khác trong văn học luôn thách thức nhu cầu thu hẹp con người lại, giản đơn hóa con người đi, để dễ nắm bắt, thâu tóm. Hàm ẩn đằng sau hành động đơn giản hóa con người rất có thể là nhu cầu muốn thống lĩnh con người. Văn học, xa lạ với khát vọng thống lĩnh ấy, bởi thống lĩnh cần đến một vị thế đứng bên trên con người.
Thật may, trong những gì tôi nhận được về, tôi đã đọc được những nỗ lực của các em, và hơn hết, ở các bài viết ấy, tôi đọc ra được một suy nghĩ: kẻ lạ kia mang đến cho chúng ta một điều bí ẩn, và điều bí ẩn có thể giúp ta hiểu chính ta hơn. Ta ở trong kẻ lạ ấy. Kẻ lạ ấy làm phong phú thêm những gì ta tưởng như đã biết về con người. Và tôi xin giới thiệu một vài cảm nhận của sinh viên ở đây và tôi tin các em đã có một trải nghiệm ý nghĩa khi tìm hiểu nội tâm của một người lạ
*
Bài viết của Vũ Thị Kiều Chinh
Bài viết ban đầu đem đến cho tôi hai câu hỏi: Sao lại muốn giết người yêu? Sao lại phải chết nhọc công như vậy? Hai ý nghĩ được ngăn ra bởi sự tỉnh giấc của nhân vật, như một cái đập chia đôi dòng suy tưởng: mơ và thực, hệt như cách “tôi” miêu tả: “bị cắt làm đôi bởi một dải nắng.” Hai câu hỏi đó, với tôi, cũng giống như việc bị cắt đôi nhưng vẫn là trên một cơ thể, có thể tựu chung lại ở một câu hỏi lớn hơn: Như thế nào để sống?
Ở một phân mảnh trong ý thức, nhân vật muốn làm những điều “ác”. Giấc mơ là sự phản ảnh của những thứ trong hiện thực. Thậm chí, mơ còn thực hơn cả thực, vì trong mơ, người ta không bị kiềm tỏa bởi những thứ gọi chung là “trật tự xã hội.”, như chính “tôi” thừa nhận: “mơ là cách duy nhất được thở.” Và biểu hiện “được thở” rõ ràng nhất là “tự do”. Trong mơ, “tôi” được tự do bơi mình trong những suy nghĩ có vẻ méo mó, bệnh hoạn: giết người yêu cũ, cưỡng hiếp, đẩy một kẻ xuống đường ray; tôi được bộc lộ bản năng của tính tư hữu, nhục dục, lòng căm thù, … hay đơn giản là mong muốn tự nhiên: được làm điều ác hay những chuyện li kì. Ban ngày, người ta đã rào và quy định thế nào là chuẩn mực, … và đẩy những kẻ chạm vào ranh giới ra rìa. Và vì những lo âu “chạm vạch” nên thường thì ta cố thu mình lại, càng nhỏ càng tốt, nhưng ý nghĩ thì không mất đi, đêm đêm, chúng chồm lên kéo tay ta đi ra khỏi lằn ranh. Hoặc lí giải đơn giản hơn, cái ác quyến rũ ghê gớm, mà bản chất con người lại là hiếu kì, nên càng cấm thì càng muốn làm. Như vậy, có một cách để sống: dùng cái ác như một công cụ để khẳng định sự tự do.
Phân mảnh còn lại, nhân vật muốn đi về phương Bắc cho đến khi “ngập trong tuyết và đêm.” Các nhân vật trong những câu chuyện Wyoming của Annie Proulx sống cô lập trong cái lạnh nhưng ấm nóng với những lí tưởng, tình cảm. “Tôi” muốn sống như vậy, tức là sống một đời ý nghĩa. Và tính từ “ý nghĩa” còn gì rõ ràng hơn khi được minh họa bằng một hành trình đi tới một điểm nào đó hoàn bích đến khôn cùng. Sở thích của con người là chinh phục. Cho dù ý nghĩ đi tới nơi lạnh nhất và chôn mình nghe thật ngu xuẩn, nhưng nó vẫn là một ý nghĩ cao cả: tìm kiếm một thứ gì đó hoàn hảo theo nghĩa nào đó. Xưa nay có vĩ nhân nào lại không từ đam mê một cái gì đó vừa hoàn hảo vừa huyễn hoặc? Chạm được một thứ tuyệt đẹp có lẽ là niềm an ủi lớn nhất cho một đời sống cho dù nó không hề thật. Và có một cách sống: ôm một hoài bão, một giấc mơ thậm chí điên rồ.
Cách một khó ưa, nên để trong mơ. Cách hai dễ được thông cảm hơn, nên để trong tỉnh.
*
Bài của Phạm Thị Thái Phương
Có vài điều tôi chia sẻ cùng “Werhoneshire”, dẫu rằng tôi chưa bao giờ ở vào tình trạng phải nằm viện tâm thần. Thứ nhất là những giấc mơ đáng sợ. Những tình huống trong mơ của “tôi” rất bạo lực: khi thì giết người, cưỡng hiếp, khi thì tự sát, khi là hung thủ, khi là nạn nhân. Nếu nói giấc mơ là sự phản chiếu đời thực ta đang sống, thì cái thế giới thực của “tôi” quả là khủng khiếp. Cá nhân tôi thấy đây cũng là những vấn đề người trẻ tuổi quan tâm đặc biệt hiện nay, họ ít để tâm đến chính trị. Chính trị thì trừu tượng và có vẻ xa xôi quá, trong khi cá nhân đã quá nhiều bất trắc và lo âu phải đương đầu. Thứ hai là những cuốn sách mà “tôi” đọc. Thú thực là có nhiều cái tên tôi không biết, chúng kết chuỗi với nhau thành một thế giới tinh thần rất xa lạ. Không biết “tôi” đã đọc ở đó những gì, có giúp gì cho “tôi” hay cho những bệnh nhân cùng phòng với “tôi” hay không? Nhưng với cá nhân mình, tôi thấy sách vở đôi khi là một lực treo, treo người ta lên lơ lửng khỏi cuộc đời, rồi nhìn xuống: đôi khi là quá hời hợt tới ngu ngốc, có khi lại quá sâu vào bản chất đến nghiệt ngã, tóm lại là đọc xong một cuốn sách thì khó mà sống như cái tôi trước đó nữa, đọc càng nhiều sự thay đổi càng chồng chất, khiến sự sống không còn bình an. Sách, nhất là văn học, dù giả trang thế nào cũng không phải cuộc đời, nó chỉ là “những niềm an ủi không thật”. Thứ ba là đôi bàn tay đẹp mà “tôi” không muốn kể. Cảm nhận về cái đẹp của con người, là chủ quan hay khách quan thật khó nói, công việc ấy dành cho các triết gia ; còn “tôi”, chủ quan anh ta chọn chân đẹp mà chẳng có lí do gì – dù rằng về khách quan, anh ta có nhận ra vẻ đẹp của bàn tay cô y tá. Tiêu chí của cái đẹp có khi cũng vô lý y như bản chất của ngôn ngữ vậy: chẳng ai biết vì sao quả đu đủ lại gọi là quả đu đủ, như việc ai mà biết được vì sao “tôi” lại không thích tay bằng chân. Cố tình tìm một lí do thì có thể vì bàn tay ấy đeo nhẫn nên nó không đẹp nữa chăng? Như hoa trong chậu sao đẹp bằng hoa đại ngàn – cũng vô căn cứ nốt. “Werhoneshire” kể về một nhân vật có hoàn cảnh khá đặc biệt, nhưng những trải nghiệm tinh thần của anh ta thì lại khá gần gũi với đời sống tinh thần của giới trẻ đương đại, hay ít ra là với tôi.
Các góc nhìn khác nhau cho ta cái nhìn nhân bản bao dung hơn với những khác biệt.
Nhưng sự chú ý/gây chú ý quá váo các chi tiết nhỏ lẻ làm người đọc dễ quên/ mất đi bức tranh tổng thể.
Sự thu hút quá quan tâm vào các khác biệt các chi tiết nhỏ lẻ có thể làm cho con người trở bỏ qua hậu qủa của cái xấu hay tệ hơn trở nên chai sai trước những hành vi xấu khi nó được lặp đi lặp lại.
Một cơ thể khỏe mạnh có thể dễ dàng kháng cự lại những mầm bệnh gây hai của một vài tế bào ung thư. Nhưng khi những mầm mống ung thư nhỏ lẻ phát tán rộng ra, tác hại của nó đối với phần cơ thể khỏe mạnh sẽ ngày càng lớn, kết cục có thể dẫn đến phải cắt bỏ một phần cơ thể để ngăn ngừa sự nguy hại, thậm chí tử vong.
Phải chăng khi mải mê đi tìm tòi những cái mới, khuếch chương các khác biệt, văn học/thơ văn hiện đại càng xa rời với thực tế cuộc sống. Người thầy/học trò/người đọc đam mê văn học quên đi những vấn đề quan trọng của cuộc sống hiện tại, quan hệ giữa con người với con người trong cuộc sống thật, mất đi khả năng đối mặt/xử lý các vấn đề trong cuộc sống hiện tại, khả năng xử lý các quan hệ giữa con người với con người trong cuộc sống thực, nhu cầu cần thiết xây dựng những nền tảng cơ bản cho một tương lai tốt đẹp hơn, khả năng dung hòa để đi đến một giải pháp cùng có lợi hơn là khăng khăng chống đối, phản kháng, nổi loạn…
Văn học/thơ giúp con người thế nào với các kiến thức ngày càng chuyên sâu của các quy luật khoa học về kinh tế, luật pháp, kĩ thuật, y học… hay tạo ra những con người đọc rộng, hiểu sâu nhưng lại ngây ngô, ngờ nghệch khi đối mặt với các vấn đề sinh tồn trong cuộc sống, khả năng đem lại hạnh phúc cho bản thân hay gia đình, rộng hơn là xã hội do không hiểu/ tuân thủ các quy luật đã được kiểm chứng.
Nguồn lực của mỗi người, của một tập thể, quốc gia là có hạn. Làm sao phân bố nguồn lực hữu hạn đó hiệu quả nhất để ngày càng phát triển chứ không lụi tàn, bị đào thải; hay lại hoang phí những thứ không phải do mình tạo ra vì cái vui vẻ trước mắt, vô trách nhiệm không cần quan tâm đến hậu quả sau này.
Những vấn đề được đề cập hết ngày này qua ngày khác trên báo chí có làm con người bi chai sạn trước cái xấu, cái ác, trước số phận của những số đông thầm lặng k có khả năng nói/viết để gây được sự chú ý, những mảnh đời phụ nữ lấy chồng ngoại quốc, những thân phận đi lao động làm thuê kiếm từng đồng gửi về xây dựng quê hương, những người đi lao động xa nhà… hay gần hơn những tâm sự không nói lên lời của những người thân quanh ta, những người không lên FB cập nhật/chia sẽ những tâm sự, làm sao ta lắng nghe/ không thờ ơ bỏ qua/ hay cảm nhận được những tâm sự/ câu chuyện của họ.
(Một vài chia sẻ lung tung gửi thầy, xin lỗi nếu làm phiền thầy, nếu thầy không đưa lên cũng được)