Todd May – Ý nghĩa của đời sống con người trong một vũ trụ thinh lặng

9329_1174019544_large

Tôi lớn lên tại thành phố New York, cách Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên hai khối nhà. Tôi nhớ lại, nhiều năm trước đây, khi chỗ bây giờ là Sảnh trưng bày hình ảnh và hiện vật của các dân tộc châu Phi được thiết kế. Lần đầu tiên đi vào khu vực ấy, tôi đã bị ấn tượng mạnh bởi dòng chữ được khắc trên vòm sảnh mà ai bước vào triển lãm cũng nhìn thấy: “Một người được sinh ra, một người lìa cuộc đời, đất đai này thêm rộng.”

Dòng chữ đó, khi ấy, đã ám ảnh tôi và giờ đây, vẫn không thôi ám ảnh. Có đúng là như vậy không? Rằng đời chúng ta chỉ là “đường chạy vòng quanh, một vòng tiều tụy”? Có lý do nào cho sự sống của tôi ở đây ngoại trừ việc tôi phải sống hết phần thời gian được định cho mình, phải đốt thời gian của mình bên cạnh những người khác, những người mà đến lượt mình cũng lại đốt thời gian của họ? Chính câu hỏi hóc búa ấy, nỗi băn khoăn ấy, sự day dứt ấy đã dẫn lối tôi tìm đến văn chương và cuối cùng là triết học.

Chúng ta thường tự hỏi mình những câu hỏi như thế khi nghĩ về cái chết của mình. Rồi sẽ đến một lúc nào đó, trong cuộc đời của hầu hết chúng ta, khi những đường nét của bờ bến phía xa trở nên rõ nét hơn cả phía bờ nơi chúng ta khởi hành. Ta nhìn lại phía sau, nhìn thấy mình đã qua một phần tư, một nửa, hay sắp đi hết cuộc đời. Và ta băn khoăn, ta đã làm chi đời ta? Đời ta có ý nghĩa gì? Dù chúng ta đã làm gì đi nữa để đi đến thời khắc này thì chúng ta còn ít thời gian để thay đổi nó hơn là thời gian đã mất cho cuộc hành trình đời mình. Chúng ta sẽ không thể nào làm lại được trọn vẹn. Chúng ta đã sống như ta nên, hay như ta có thể chưa? Cuộc đời chúng ta đã không chỉ là cuộc đời tốt đẹp mà còn có ý nghĩa hay chưa? Liệu đã có chăng một dấu mốc ý nghĩa cho nó, hay rồi sẽ có? Hay, thay vào đó, chúng ta chỉ nằm trên giường hấp hối và tự nhủ, “Đó là một cuộc đời sai lầm. Đáng ra ta nên sống khác đi”?

Xét cho cùng, nếu có một ý nghĩa cho đời sống của chúng ta – hay, nếu cuộc đời của chúng ta cần phải mang ý nghĩa – thế thì chúng ta không phải tìm kiếm nó mãi mãi. Nó không giống như bờ biển xa, mỗi lúc lại mờ dần, khuất dần trước mắt ta; trong khoảng thời gian ấy, nó cho phép ta có một, hai thế kỷ để chỉnh sửa tiểu tiết ở chỗ này hay chỗ kia. Thực ra, chúng ta cần khám phá ý nghĩa ấy, hay làm cho nó bộc lộ ra trước mắt ta, hay thậm chí phải sáng tạo nó, trong khoảng thời gian hữu hạn nhưng chưa xác định được chia cho mình.

Tuy nhiên, mặc dù cái chết có thể thôi thúc chúng ta đặt câu hỏi về ý nghĩa của đời sống nhưng nó không nhất thiết là điều kiện để câu hỏi ấy nảy sinh. Nó có thể xuất hiện theo những cách khác, đối diện với chúng ta ở những điểm gặp gỡ khác. Triết gia Pháp, Albert Camus đã viết về một trải nghiệm tương tự mà ông gọi là cảm giác về cái phi lý. “Dường như toàn bộ dàn cảnh sân khấu đổ sụp. Ta thức dậy, lái xe trên đường, bốn tiếng nơi văn phòng hay trong nhà máy, ăn, ngủ, và thứ hai thứ ba thứ tư thứ năm thứ sáu thứ bảy rồi chủ nhật, tất cả đều tuân theo cùng một nhịp điệu – đó là con đường mà phần lớn thời gian chúng ta đều đi theo. Nhưng đến một ngày, câu hỏi “tại sao” lóe lên và mọi thứ bắt đầu trong sự mỏi mệt kinh ngạc ấy.”1 Sự mỏi mệt kinh ngạc. Trọng lực của thứ nhịp điệu ấy rút kiệt chúng ta, nó dường như phát ra những tiếng xọc xạch ở chính chỗ trước kia nó từng vận hành trơn tru, hoặc nó dường như chẳng là cái gì cả, mà chỉ như một thứ tạp âm làm nền. Cũng chính vào lúc ấy, ta bỗng lúng túng bởi thứ nhịp điệu này, bởi một thực tế ta chưa bao giờ chú ý, thậm chí biết rằng nó đã luôn như thế. Việc chúng ta đã sống ở đây, loay hoay theo nhịp điệu của những vận động này suốt bao nhiêu năm mà không nhận ra tính vô nghĩa của nó, là một thực tế vừa níu kéo chúng ta mà đồng thời cũng vừa làm chúng ta rời rã.

Với riêng mình, điều này đã xảy ra lần đầu tiên khi tôi đang trên xe điện ngầm ở New York. Từ trường trung học về nhà, khi nhìn lướt qua gương mặt của những hành khách trên cùng chuyến xe với mình, mỗi người lại đăm đăm nhìn về một điểm nào đó ở trung cảnh, đột nhiên, tôi bỗng thấy mọi thứ trở thành vô nghĩa. Tôi bắt đầu có cảm giác về đời mình như một thứ xa xôi, mông lung nào đó. Một phụ nữ gốc Hoa lớn tuổi ngồi ở phía bên kia chỗ tôi, chốc chốc lại gật gà gật gù vì buồn ngủ, trong khi vẫn cố gắng dựng những túi mua hàng của mình giữa đầu gối để đồ không rơi ra; một thương gia đang gập tờ New York Times, đọc nó một cách nghiêm nghị; một cậu bé tuổi teen mặc quần jeans và áo jacket da, cố tỏ ra nguy hiểm: chẳng phải tất cả chúng ta đều chỉ đang diễn trò đó sao? Như Shakespeare từng nói, chúng ta, tất cả, đều chỉ đi lại khệnh khạng, đốt thời gian của mình trên sân khấu của một vở kịch vĩ đại. Thế nhưng ai là khán giả của ta và nếu như thế, vai của ta có quan trọng gì không?

Đối với Camus, những cảm giác về thứ nhịp điệu vô nghĩa này hay về tính tất yếu của cái chết chỉ là những triệu chứng của cái phi lý. Cái phi lý, tự thân nó, lại là cái gì đó rất chính xác. Nó là sự đương đầu giữa nhu cầu của chúng ta về ý nghĩa với sự không sẵn sàng của vũ trụ để nhường lại nó cho ta. Con người cần các lý do; chúng ta cần phải biết có một mục đích nào đó để đi tới. Thế nhưng vũ trụ lại thinh lặng. Nó không nói, hoặc nếu có, nó nói bằng một ngôn ngữ chúng ta không hiểu. Điều ấy không hẳn xác nhận chẳng có ý nghĩa gì ở đó cả. Có lẽ là có. Song nếu có, thì đó lại là thứ chúng ta không tiếp cận được. Khoa học có thể đem đến cho chúng ta lời giải thích. Nó có thể nói với chúng ta tại sao mọi thứ lại như nó đang là. Tuy nhiên, khoa học không trao ý nghĩa. Đấy không phải là công việc của nó. Và giả sử chúng ta biết vũ trụ mang đến thứ gì đó chẳng như ta kỳ vọng, vậy còn nơi nào khác để ta quay sang chăng?

Camus cho rằng chúng ta chẳng còn nơi nào khác để quay sang. Chúng ta buộc phải sống bên trong sự lãnh đạm của vũ trụ, hay nói đúng hơn, bên trong sự đương đầu không ngừng giữa một bên là nhu cầu của chúng ta về ý nghĩa với một bên là sự thinh lặng một cách kiên định của vũ trụ. Cái gì còn lại trong sự từ chối ở cả hai phía này – sự từ chối ngừng truy cầu ý nghĩa từ phía chúng ta và sự từ chối đem đến điều đó cho ta từ phía vũ trụ – là điều quan trọng.

Còn mọi thứ khác, ông nghĩ, chỉ là hình thức của sự tự sát. Nếu chúng ta không thể giữ vững được mục đích của mình trong cuộc mặc cả này, từ bỏ nhu cầu về ý nghĩa, chúng ta chỉ còn một khả năng duy chất – chấm dứt đời mình bằng cách tự sát. Thân phận con người đòi hỏi ý nghĩa; gạt bỏ đòi hỏi ấy cũng có nghĩa là xóa bỏ chính thân phận con người.  Nếu chúng ta buộc phải tìm thấy ý nghĩa để có thể tiếp tục sống thì chúng ta sẽ không thể sống nếu không có ý nghĩa. Cảm giác mà tôi có vào cái ngày trên xe điện ngầm ấy không phải là một ảo giác. Không có một khán giả nào cho cuộc đời của tôi, điều sẽ khiến cho nó có một ý nghĩa nào đó. Nếu cảm giác ấy ở trong tôi vào lúc đó quá mạnh, có lẽ tôi sẽ muốn chấm dứt đời mình bằng việc tự tử. Trên thực tế, có nhiều lúc, tôi đã muốn vậy.

Hình thức khác của tự sát là triết học. Thay vì giết chính mình, ta sẽ giết cái tư tưởng rằng vũ trụ sẽ không đem đến cho ta một lý do nào để tiếp tục sống. Tự sát bằng triết học là hình thức tự sát khi chúng ta vờ như tìm thấy được một ý nghĩa nào đó, và nó thỏa mãn được nỗi khao khát của chúng ta. Sự giả vờ ấy có thể có nhiều hình thức. Nó có thể mang hình thức của một đức tin vào Thượng đế, hay một thứ lý tính cố lảng tránh sự bất lực của nó và đem đến ảo tưởng rằng nó đã tìm được một ý nghĩa. Hoặc, theo một cách phổ biến hơn, nó có thể xuất hiện trong hình thức của những cuốn sách self-help như Nhà giả kim hay Bí mật.

Dù là tự sát về phương diện thể chất hay triết học, thì đó đều là sự từ chối thân phận con người. Nó biểu hiện thái độ bạc nhược của chúng ta khi đối mặt với tình thế của mình. Phẩm chất chính trực duy nhất, theo Camus, chỉ có thể nằm ở sự giáp mặt trực tiếp với nó, ở sự tiếp tục kiếm tìm ý nghĩa trong một vũ trụ mà ta đã biết rõ nó sẽ không mang điều ấy đến cho ta.

Tôi đã luôn băn khoăn về điều này. Đúng là nhịp điệu thường nhật của đời sống chúng ta và tính tất yếu của cái chết mà mọi người đều phải đi đến sẽ đặt câu hỏi về ý nghĩa trước chúng ta. Và cũng đúng là vũ trụ không đặt trước mặt ta bất kỳ ý nghĩa nào của đời sống mà chúng ta sống. Song, tôi tự hỏi, đó có phải là tất cả những gì mà câu hỏi về ý nghĩa cần quan tâm không? Nỗi khao khát của con người; sự lặng thinh của vũ trụ: điều này đã làm cạn cuộc thảo luận chưa? Tất cả dường như quá chóng vánh.

Tôi quyết định mình phải đào sâu hơn suy tư của mình, mà trong triết học, điều này cũng có nghĩa là ngẫm nghĩ về nó chậm rãi hơn, về câu hỏi thế nào là sự tìm kiếm ý nghĩa và cái gì sẽ thỏa mãn cuộc tìm kiếm ấy. Tôi không thể hấp tấp lấy cảm giác về cái phi lý, gán nó cho thân phận con người hay coi sự im lặng của vũ trụ như là lời trăn trối về ý nghĩa. Nếu làm vậy thì thực ra tôi đang bị mắc kẹt trong chính cái phi lý. Song nếu tôi phải đi đến nhận thức về cái phi lý ấy, tôi nghĩ, hãy để nó hiện diện ở phần kết thúc quá trình suy tưởng của tôi, chứ không phải ngay từ đầu.

Tôi hy vọng đến cuối cuốn sách này, một cách suy tư về cái gì có thể làm cho một đời người trở nên ý nghĩa sẽ xuất hiện. Đó có thể không phải là cách duy nhất. Nó sẽ không trao cho chúng ta mọi thứ mà Camus mong muốn: một vũ trụ sẽ nhân nhượng với lý trí của chúng ta. Nó sẽ chẳng trao cho chúng ta bất cứ cái gì lớn lao cả. Tính có ý nghĩa, hóa ra, lại có thể bình thường hơn tất cả những gì Camus tìm kiếm. Song nếu nó không trao chúng ta mọi thứ thì nó cũng cho chúng ta một thứ gì đó. Và có thể, đối diện với một vũ trụ thinh lặng, thế thôi cũng đã là đủ.

Hải Ngọc dịch

Todd May là Giáo sư ngành Nhân văn tại  Clemson University. Ông được xem là triết gia tiên phong khi kết hợp giữa tư tưởng hậu cấu trúc và tư tưởng phi quyền chính (anarchism), là một học giả uy tín nghiên cứu về Michel Foucault, Gilles Deleuze. Bài viết trên đây là lời dẫn nhập của tác giả cho cuốn sách: A Significant Life: Human Meaning in a Silent Universe, do NXB ĐH Chicago xuất bản năm 2015.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s