Costica Bradatan – Ngợi ca sự lưu đày

Tango

Đã có thời, điệu tango rất phổ biến trong thế giới của các nhà thổ tại Buenos Aires. Đến cuối thế kỷ XIX, những người di dân trẻ tuổi – còn độc thân, nam giới, thuộc tầng lớp lao động – đến Argentine để thử vận may thường giải khuây bằng men rượu, các trò tiêu khiển và cặp kè với các cô gái ở đó. Những nhân vật xuất chúng của Argentine như Jorge Luis Borges đã khẳng định điệu tango được sinh ra trong những nhà thổ này. Những người khác kịch liệt phủ nhận điều này. Nhưng vẫn còn đó một thực tế, rằng điệu tango đã bảo lưu chút gì đó muộn sầu ở những con người trẻ tuổi và bật rễ, những kẻ nhảy theo điệu nhạc ấy ở đó. Phải nói rằng điệu nảy của họ là một màn trình diễn. Những chàng trai mà ta thấy hơi thở của họ hổn hển trên sàn nhảy không phải là những gã tuổi trẻ bình thường, nhảy múa để tiêu khiển. Họ là những người đã trải qua cỗ xay người bởi bật rễ và đã sống sót qua nó; họ đã đến gần nhất với cái chết, mà không phải chết. Dường như ký ức về một thảm họa cá nhân, theo sau đó là một sự sống màu nhiệm, bằng cách nào đó, đã in khắc vào những động tác của điệu vũ. Một phần khiến cho điệu tango gợi cảm đến vậy chính là vì nó chứa đựng cảm thức về cái chết lúc nào cũng cận kề. Cho đến bây giờ, tango vẫn mang nó theo sự kết hợp lạ lùng của sự tổn thương và sức mạnh.

*

Có nhiều kiểu bật rễ. Có những sự trục xuất khốc liệt, tàn phá cuộc đời của hàng trăm ngàn con người như những gì đang xảy ra ở những nước như Iraq hay Syria – và đó cũng là hiện tượng phổ biến trong lịch sử chính trị và chiến tranh. Nhưng cũng có thể có trường hợp mà tính chính trị của nó tình thế có thể tinh vi hơn, như trường hợp của Dante, người bị phe Black Guelph nắm quyền tại Florence trục xuất; hoặc cũng có những trường hợp bật rễ vì lý do kinh tế chẳng hạn, như những người di cư khiêu vũ trong những nhà thổ tại Argentine. Mỗi người, khi sống sót qua sự kiện bật rễ này và bị đẩy vào tình trạng bị lưu đày trải qua một kinh nghiệm tương tự như một trận động đất hiện sinh: Mọi thứ lộn nhào; tất cả những gì chắc chắn bị vỡ vụn. Thế giới xung quanh anh thôi không còn là một sự hiện diện vững bền, đáng tin mà ở đó anh từng có cảm giác thoải mái, tất cả biến thành một đống hoang tàn – lạnh lẽo, xa lạ. “Mi sẽ phải bỏ lại những gì mi yêu nhất: đây là mũi tên mà cây cung của sự lưu đày bắn ra đầu tiên,” Dante đã viết như vậy trong “Paradiso”.

Từ Ovid đến Dante, đến Czeslaw Milosz, lưu đày đã được khắc họa như một sự kiện thảm kịch. Nếu một kiểu bật rễ như thế đến từ sự lưu đày như một hình thức của cái chết, đó không chỉ là cái chết của kẻ mang án lưu đày, mà còn là cái chết của thế giới hắn đã từng sống trong, sống với nó.

Sống, tức là cắm rễ. Đời sống khả dĩ chừng nào ta tìm được một nơi đủ thân thiện để đón nhận ta, cho phép ta trú ngụ lâu dài. Những gì theo sau đó như thể một sự cộng sinh: khi ta sống trong thế giới thì thế giới cũng sống trong ta. Không chỉ ta chiếm lĩnh một nơi nào đó mà nơi ấy, đến lượt nó, cũng chiếm lĩnh ta. Văn hóa của nó nhào nặn nên cách ta nhìn thế giới; ngôn ngữ của nó định hướng cách ta nghĩ; tập tục của nó cấu trúc nên ta như một tồn tại xã hội. Cái mà rốt cục làm nên ta phụ thuộc ở mức độ rất lớn vào mạng lưới mênh mông những vướng víu, thắt buộc của “nhà”.

Bật rễ là một đòn đánh chí tử vì nó buộc anh phải tách mình, trong chốc lát, khỏi những gì mà, chừng nào anh còn có thể nhớ được, đã từng là một phần quan trọng làm nên căn tính của anh. Theo nghĩa nào đó, anh là văn hóa, tập quán, ngôn ngữ, xứ sở, gia đình, người tình của anh. Tuy nhiên, lưu đày, nếu anh sống sót qua tình thế ấy, nó có thể là món quà triết học tuyệt vời nhất, một phúc lành được che giấu. Trên thực tế, các triết gia nữa cũng nên bị bật rễ. Ít nhất một lần trong đời họ. Họ nên bị lưu đày, bị trục xuất, bị đổi chỗ – đó nên là một phần của quá trình đào luyện mà họ cần trải qua. Bởi khi thế giới cũ của anh sụp đổ, nó cũng mang theo tất cả những giả định, những gì đã trở nên quen thân, những ý niệm định kiến hay đã được mặc định. Sống tức là quá trình phong kín bản thân trong một bức màn không ngừng dày lên của sự quen thuộc đến mức nó bịt mắt ta, khiến ta không thể thấy cái gì ở ngay dưới mũi mình. Anh càng cảm thấy thoải mái trong thế giới bao nhiêu, những công cụ mà anh dùng để tiếp cận nó lại càng trở nên cùn mòn bấy nhiêu. Bởi mọi thứ với anh hiển nhiên quá đỗi nên anh đã không còn thấy gì nữa. Lưu đày trao anh một cơ hội để giải phóng. Tất cả những hành lý nặng nề của những “chân lý” cũ – chúng dường như được coi là chân lý chỉ vì chúng quá quen thuộc – bị bỏ lại sau lưng. Lưu đày lúc nào cũng là một cuộc lữ nhẹ tênh.

Điều mang ý nghĩa cứu rỗi ở sự lưu đày nằm ở chỗ khi “thế giới cũ” của ta biến mất, đột nhiên ta được trao cơ hội để nếm trải một thế giới khác. Tại chính khoảnh khắc khi anh mất mọi thứ, anh lại có được một cái khác: một con mắt mới. Thực chất, thứ cuối cùng mà anh có không chỉ là một “thế giới mới” mà còn là một cái gì giống như hệ quả triết học: đó là cái nhìn thấu thị, rằng thế giới không đơn thuần tồn tại, nó là cái gì đó ta có thể tháo dỡ và lắp ráp lại, một thứ gì đó ta có thể chơi với nó, kiến tạo, tái kiến tạo, giải kiến tạo nó. Trong tư cách một kẻ lưu đày, anh hiểu rằng thế giới là một câu chuyện có thể được kể theo nhiều cách. Chắc chắn, anh có thể học được điều này qua sách vở, song không có tri thức nào sâu sắc hơn những gì đến cùng với máu và nước mắt – tri thức đến từ sự bật rễ.

Lưu đày là cuộc lữ nhẹ tênh vì đó là một sự tồn tại trơ trọi. Đây là một bài học khác mà các triết gia có thể học được từ lưu đày. Bật rễ trao cho anh cơ hội không những để sáng tạo mới thế giới mà còn sáng tạo mới chính anh. Bị trục xuất khỏi thế giới cũ, bản ngã cũ của anh bị bỏ lại trong tình trạng hiện sinh trần trụi. Không chỉ thế giới mới có thể bị đổ sụp và tái thiết, mà cả bản ngã nữa. Bản ngã có thể được làm lại từ đầu, từ số không, được lắp ráp lại, đánh bóng lại. Vì bản ngã, cả nó nữa, cũng là câu chuyện có thể được kể theo nhiều cách. “Từ từng từ một, tôi đã tạo nên con người mà tôi đang là và xứ sở được phát minh mà tôi đang sống trong nó,” Isabel Allende đã viết như thế[1]. Thường đi cùng với sự bật rễ là sự thay đổi ngôn ngữ, điều khiến cho quá trình phục trang lại cho bản ngã lại càng sinh động hơn bao giờ. Anh có thể phục trang cho bản ngã của anh theo cách rất gần với việc nhà văn tạo hình cho nhân vật của mình.

Socrates hầu như không rời bỏ thành Athens, quê hương ông, song ông hiểu sâu sắc về sự cần thiết của việc thực hành bật rễ đối với các triết gia, nếu thực sự họ làm công việc của mình một cách đúng nghĩa. Ông đã phục trang lại chính bản ngã của ông thành một người ngoại quốc như là một vấn đề triết học.  Theo một nhà nghiên cứu tiểu sử của ông gần đây, Socrates đã “sống như một người ngoại quốc ở chính thành bang của mình, đến mức ông còn không nói cả phương ngữ Athens.”[2] Không bằng lòng với việc chỉ giữ một “khoảng cách châm biếm” với người Athens, ông còn chủ ý bật rễ khỏi thành bang, cắt đứt những mối ràng buộc và đốt rụi cả những cây cầu của mình.

Socrates đã tự biến mình thành một người xa lạ trong thành bang của mình, nhưng ông không chuyển sang một nơi khác. Ông trở thành kẻ “không ở đúng chỗ”, nhưng cứ luôn “gây bất an” và “làm phức tạp”. Trở thành kẻ không ở đúng chỗ là điều kiện vô cùng quan trọng đối với một triết gia làm công việc nói thẳng sự thật như Socrates. Ở mọi cộng đồng, luôn có cái gì đó còn không được phép nói ra, không được gọi tên, không được phát ngôn; và ta ký cam kết thuộc về một cộng đồng chình bằng việc tham dự vào sự im lặng chung đó. Tiết lộ mọi thứ, “nói hết tất cả”, là công việc của một kẻ lạ. Hoặc đó là vì những kẻ lạ không rõ những mã văn hóa địa phương, hoặc là vì họ không bị buộc phải tôn trọng chúng, họ có thể nói thẳng. Mà, triết học, ở mức độ nào đó, lại là sự phơi bày “mọi thứ”, nhất là những thứ khôg ai muốn nghe, do đó, sự xa lạ đặc biệt cần thiết để thực hành nó. Triết gia, ít nhất là loại triết gia nói thẳng, cần phải là một gã di-gan.

Trường hợp Socrates gây ấn tượng mạnh. Như một số ít người khác, ông nhận thấy sự cần thiết của triết gia trong việc tự bật rễ khỏi cộng đồng. Tuy nhiên, ông lại từ chối một cuộc lưu đày thực sự mà lựa chọn một cuộc lưu đày nghiêng về ý nghĩa tượng trưng hơn. Ông sống tại Athens như một người lạ. Điều này có nghĩa ông đã thực hành triết học như một cuộc truy cầu khá nguy hiểm. Một hành động đi trên dây có thể chẳng bao giờ đưa anh đi được quá xa, nhất là khi anh trình diễn nó mà không có lưới bảo hiểm nào và lại còn không ngớt chế nhạo công chúng của anh.

Một thi sĩ người Argentine đã gọi tango là “un pensamiento triste que se baila”: một ý nghĩ buồn bã hiện thân qua điệu vũ. Tôi không chắc lắm. Tango không hẳn là cái gì đó buồn bã – tự nó là nỗi buồn xoay theo bước nhảy. Nỗi buồn tột cùng bắt nguồn từ cơn chấn động làm bật rễ. Nếu triết gia không thể tự đưa họ vào cuộc lưu đày thì ít nhất họ cũng nên nhảy điệu tango một lúc.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Costica Bradatan, “In Praise of Exile”,  The New York Times, 16.08.2014.

[1] Isabel Allende,  My Invented Country. A Memoir. Bản dịch từ tiếng Tây Ban Nha của Margaret Sayers Peden (London: Flamingo, 2003), trang 198.

[2] Emily Wilson,  The Death of Socrates. Hero, Villain, Chatterbox, Villain, Saint (London: Profile Books, 2007), trang 76-7.

Bình luận về bài viết này