Costica Bradatan – Khoái cảm hủy hoại của chúng ta

human abyss 1

“Tôi, chẳng hạn,” người kể chuyện vô danh trong tác phẩm Bút ký dưới hầm (1864) của Fyodor Dostoevsky, “sẽ chẳng mảy may ngạc nhiên nếu đột nhiên, không biết từ đâu, giữa thế giới hữu lý phổ quát này, lại xuất hiện một gã ti tiện, hay khá khẩm hơn, một kẻ ngược đời, thích nhạo báng, tay chống nạnh và nói với tất cả chúng ta: “Vâng, thưa các vị, tại sao chúng ta không giản lược cả mớ những thứ hữu lý này thành bụi bằng một cú đá trúng phóc, đem gửi tất cả những phép toán logarithm này cho quỷ dữ và sống thêm một lần nữa theo ý chí ngu ngốc của chính mình! Vẫn sẽ chẳng có gì sất, nhưng điều xúc phạm ở đây là hắn ta chắc chắn sẽ tìm thấy những kẻ hưởng ứng mình bởi con người vốn dĩ đã được cấu tạo nên như thế.”

Những suy nghĩ của nhân vật mà dường như giờ đây đã trở nên thích đáng – không chỉ qua sự kiện Donald Trump nắm quyền lực tại Nhà Trắng mà qua sự trỗi dậy của cảm thức và đường lối chính trị dân túy ở những khu vực khác trên thế giới. Song dù mang giọng điệu chế giễu, cười cợt, những bình luận của người dưới hầm vẫn mang những ngụ ý nghiêm túc và sâu xa. Vì, xét đến cùng, điều y nói với chúng ta ở đây là câu chuyện về một sự mù quáng thảm họa có tính lịch sử.

Một thời gian trở lại đây, ở phương Tây, chúng ta sống theo một số giả định văn hóa về việc “Thế nào là người?”: rằng con người bị thúc đẩy bởi một “cuộc truy cầu hạnh phúc” mang tính duy lý, rằng họ lựa chọn – một lần nữa, theo lý trí – cái gì là tốt nhất cho mình, cái gì đem đến lợi ích cho cá nhân và tập thể. Một phần nhờ di sản của thời kỳ Khai Sáng này, chúng ta đi đến mặc định lịch sử là sự tiến bộ, hướng đến sự dung nạp, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, khoan dung và thừa nhận lẫn nhau và lòng cuồng tín, thói bài ngoại, sự khắc nghiệt và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc sẽ dần dần biến mất như là “tất yếu lịch sử”. Vì lịch sử, như Hegel đã dạy chúng ta (mà chúng ta lại hiếm khi thách thức ông thầy này), thực ra chỉ là sự mở dần dần chiều kích lý tính trong thế giới.

Những mặc định này được phản chiếu qua cách mà triết học chính mạch kiến tạo chủ thể người. Cái định nghĩa nên con người chủ yếu là năng lực lý tính của chúng ta; chúng ta bao giờ cũng sử dụng lý trí của mình để đưa ra những quyết định, liên hệ với kẻ khác và thế giới quanh mình, làm chủ cuộc đời mình. Cứ cho là chúng ta có những cảm xúc, có năng lực cảm nhận và đam mê, nhưng  không hiểu vì sao, trong cuộc truy cầu dự phóng triết học của chúng ta, những phương diện cấu tạo nên bản chất của chúng ta. Chúng không phải là những thứ làm nên chúng ta; chúng ta, về cơ bản, là những “tác nhân lý tính” (rational agents).

Giả định này có những lợi ích của nó. Vì hành vi kinh tế và xã hội của những nhân tố như thế có thể dự đoán được – thực vậy, hành vi ấy có thể được nhào nặn, kích thích, thậm chí điều khiển. Không những ta có thể biết những tác nhân lý tính ấy sẽ mua một sản phẩm nào đó mà nhờ vào những thủ thuật market nhất định, họ sẽ còn bị thôi thúc để làm việc ấy. Nếu chủ nghĩa tư bản hiện đại được xem là thành công thì đó là vì, ở tâm điểm của mình, nó dựa vào một nhận thức duy lý phì đại (hyper-rationalistic) về chủ thể người.

Thế nhưng giả dụ tất cả điều này là sai và chúng ta bị mắc kẹt trong một điểm mù thì sao? Nếu lý tính không phải là lực thúc đẩy lịch sử nhân loại và chúng ta, thực ra thường xuyên hành động một cách phi lý tính, theo xung lực của sự oán ghét, giận dữ, mệt mỏi, đố kỵ, thậm chí tự hủy hoại thì sao? Giả dụ sẽ ra sao nếu như thậm chí có một thứ như là sự truy cầu nỗi bất hạnh? Hay, nói như lời nhân vật dưới hầm, “Giả dụ có một lúc nào đó, lợi ích của con người không những có thể mà thậm chí nằm trong chính mong muốn về một điều gì đó tệ hại đối với mình, thì sẽ thế nào? Giả dụ trên thực tế chúng ta tìm thấy khoái cảm trong sự hủy hoại? “Tôi chắc chắn con người sẽ không bao giờ khước từ nỗi đau khổ thực sự, tức là sự hủy hoại và hỗn mang,” nhân vật của Dostoevsky đã khẳng định như vậy trong một đoạn khi y đang đắm chìm vào những suy tư triết lý của mình.

Trên thực tế, chủ nghĩa duy lý phì đại mà chúng ta đang sống trong nó và chiếm lĩnh nó dựa vào một sự đơn giản hóa đến cực điểm bản chất thực sự của con người. Đó là một sự mô tả thiên về tính châm biếm hơn là thực tế. Và triết học biết về điều này rõ hơn: từ Diogenes xứ Sinope và Augustine đến Pascal, từ Dostoevsky, Schopenhauer và Leopardi đến Nietzsche, Mishima và Cioran, có cả một truyền thống lâu dài suy tư về vực thẳm của con người. Nếu con người là một con thú phức tạp thì nhân loại còn là một quái vật phức tạp hơn thế nữa, với nhiều lớp lang, phân khu, lớp này lại phi duy lý hơn lớp kế tiếp.

Loài người là đầu mối của vố số những nghịch lý và động cơ đối lập; lý trí và phi lý trí;  uyên thâm và nông nổi, logic và tưởng tượng. Chúng ta “ăn” khoa học chính xác cũng nhiều không kém các huyền thoại, các câu chuyện hư cấu, ngụ ngôn. Chúng ta có thể chết cho kẻ khác, cái khác hoặc có thể để chúng giết chết ta lạnh lùng; chúng ta có thể tạo ra những thứ phi thường chỉ để thưởng thức sự hủy hoại tột cùng của chúng; xã hội loài người có thể cùng lúc vừa là thiên đường, vừa là địa ngục.

Trong thế kỷ vừa qua, triết học hầu như đã bỏ rơi những nỗ lực để giải thích sự phức tạp này và thời đại dữ liệu lớn, đến lượt mình, đã bùng nổ. Chúng ta trở thành bậc thầy của sự tuân phục, bằng chứng và khoa học kinh nghiệm. Chúng ta đọc sách của Pascal, Nietzsche, Dostoevsky và nhiều nhà tư tưởng khác, những người suy tưởng về vực thẳm như thể chúng ta nhìn vào những đồng tiền xu cổ: như là những hiện vật gây tò mò, dấu tích của một thời đại xa xưa, chứ không phải như những gì mà có thể nuôi dưỡng chúng ta hôm nay. Chúng không có giá trị gì trong việc giúp chúng ta hiểu tốt hơn về chính mình.

Cứ như thể chúng ta đã trở nên duy lý hơn cả Descartes nữa; ta từ chối bất cứ cái gì không rõ ràng và rạch ròi;  nếu cái gì đó bất tuân những kiến giải thông thường và dường như có phần bí ẩn, thì nó sẽ bị xem là “có hơi hướm tôn giáo”. Nếu một vấn đề nào đó khuấy động chúng ta, nhưng nó lại không thể giải quyết được bằng ngôn ngữ học, các thuật ngữ logic hay kinh nghiệm, ta sẽ coi đó là một “vấn đề giả” và đi tiếp. Ngày nay, người ta thường nghĩ sẽ chẳng ích lợi gì, chẳng khoa học gì nếu nói đến những vấn đề thuộc trái tim con người – mà chính cái điều nhỏ bé bí ẩn này lại thứ khiến con người hành động, sống và chết chứ không phải logic hay lập luận.

Tuy nhiên, lý do chính để chúng ta không quan tâm suy tư về vực thẳm lại không tất yếu là sự lười nhác về tinh thần. Phần lớn thời gian, đó thuần túy là do niềm sợ hãi. Vì, như Nietzsche từng cảnh báo, nếu ta nhìn thật chăm chú vào vực thẳm, vực thẳm ấy sẽ bắt đầu nhìn lại ta. Dostoevsky – nhà xã hội chủ nghĩa, tù nhân chính trị, một tay nghiện cờ bạc, một nhà tư tưởng phản động, một nghệ sĩ có tầm nhìn xa rộng – đã nhiều lần nhìn sâu xuống vực thẳm và lời chứng nhận của ông gây choáng ngợp. Gần như “hiển nhiên”, ông thú nhận trong “Nhật ký nhà văn”, “rằng cái ác nằm sâu trong con người hơn là những gì mà các bác sĩ-xã hội của chúng ta giả định; rằng không cấu trúc xã hội nào sẽ trừ khử được cái ác; rằng tâm hồn con người vẫn cứ luôn là vậy; rằng sự dị dạng và tội lỗi sẽ nảy sinh từ chính tâm hồn; và cuối cùng những quy luật của tâm hồn vẫn còn hầu như chưa được biết đến, quá mờ tối đối với khoa học; quá bất định và bí ẩn dến nỗi không có, và không thể có các bác sĩ hay những thẩm phán cuối cùng dành cho nó.”

Khi mô hình duy lý phì đại thất bại, thì sự thất bại của nó cũng thật ngoạn mục. Trong cuộc bầu cử tại Mỹ, lý trí đã nhường chỗ cho sợ hãi, oán giận, căm ghét và bất chấp tất cả. Hầu như không thấy “tác nhân duy lý” ở đâu cả. Những gì dường như thúc đẩy sự ủng hộ cho Donald Trump còn tối tăm hơn và phức tạp hơn – bởi nó xuất phát từ tâm ý. Và điều khiến sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không hẳn là khía cạnh chính trị của nó (dù đây là khía cạnh đủ nghiêm túc) mà là việc chúng ta nhận ra mình được trang bị nghèo nàn như thế nào để có thể hiểu nó. Chính bởi cái cách rất vụng về mà chúng ta vẫn tưởng tượng về mình, chúng ta đã không được chuẩn bị để có thể tiêu hóa nổi sự kiện này. Hiếm có một thất bại của trí tưởng tượng nào lại bẽ bàng hơn thế.

Vấn đề vực thẳm của con người từng là mối quan tâm đặc biệt của tôn giáo, song kể từ Thượng đế chết, chúng ta thực sự chưa tìm được một sự thay thế khả dĩ nào. (Không phải không có những ứng viên nghiêm túc cho vị trí này). Tuy nhiên, nếu chúng ta vẫn cứ tiếp tục là ngườ, lãng quên vấn đề này, nhìn ra đâu đó, không nên là một lựa chọn. Các ngành nhân văn có thể sáng tạo lại chính mình, chỉ trong chừng mực trong khả năng đầy đủ nhất mà con người có, chúng có thể đo được chiều sâu trọn vẹn của vực thẳm nhân sinh. Nếu chúng ta không tìm được một cách nào đó để giải thích về chủ thể người một cách toàn vẹn, mà không tự vuốt ve hay tự lừa dối, chúng ta sẽ chỉ quẩn quanh, không thể nào vượt qua được chủ nghĩa duy lý phì đại mù quáng mà mình là nô lệ của nó.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Costica Bradatan, “Our Delight in Destruction”, https://www.nytimes.com/2017/03/27/opinion/our-delight-in-destruction.html?rref=collection%2Fcolumn%2Fthe-stone&action=click&contentCollection=opinion&region=stream&module=stream_unit&version=latest&contentPlacement=1&pgtype=collection&_r=0

Bình luận về bài viết này