Martin Hägglund – Tại sao sự hữu tử làm chúng ta tự do?

Martin Hagglund (sinh năm 1976) hiện đang là giáo sư Ngành Nhân văn và Văn học so sánh tại Đại học Yale. Năm 2019, ông là chủ nhân của giải thưởng René Wellek do Hiệp hội nghiên cứu văn học so sánh Hoa Kỳ trao tặng cho chuyên luận: This Life: Secular Faith and Spiritual Freedom.

Đọc bài viết ngắn này của ông trong những ngày đại dịch hoành hành, tôi như cảm nhận được sự cộng hưởng mang tính thời sự của nó và cả sự an ủi mà triết học có thể đem đến cho con người trong những khoảnh khắc khủng hoảng.

Trong số tất cả các tôn giáo trên thế giới, Phật giáo nhận được sự kính trọng và mến mộ từ những người đang tìm kiếm một hình mẫu cho “đời sống tâm linh” nằm ngoài tôn giáo truyền thống. Thậm chí nhà vô thần học nổi tiếng Sam Harris cũng hướng tới hình thức thực hành Thiền trong cuốn sách bán chạy của ông Waking Up: A Guide to Spirituality Without Religion (Tỉnh thức: Một chỉ dẫn cho tâm linh không cần tôn giáo). Điều này dễ hiểu vì các phương pháp thực hành Thiền có thể đem đến những hiệu quả lớn cho những mục đích thế tục. Đặc biệt, đã có những thành công trong việc cải biên và ứng dụng những hình thức đa dạng của phương pháp thiền vào hoạt động trị liệu nhận thức (cognitive therapy) cũng như cho những hình thức thực tế  của việc giáo dục lòng cảm thông. Nếu ta học các phương pháp Thiền cho những mục đích trị liệu như vậy – hay đơn giản là để nhằm có thêm sức mạnh và năng lượng, thì đó là ta đang cải biên và vận dụng chúng cho một dự án thế tục. Ta thực hành thiền như một phương tiện để đạt tới mục đích là đào sâu năng lực của mình trong việc chăm sóc người khác và cải thiện chất lượng cuộc sống của bản thân.

Tuy nhiên, mục đích cứu rỗi của Phật giáo là giải thoát khỏi bản thân đời sống hữu hạn. Một ý niệm về cứu rỗi như thế cũng trở đi trở lại trong nhiều tôn giáo trên thế giới, nhưng trong nhiều nhánh Phật giáo, có thể thấy rõ một sự thành thực trong những ẩn ý về sự cứu rỗi. Thay vì hứa hẹn rằng đời sống ta sẽ được tiếp nối, hay ta có thể gặp lại người mình yêu quý, sự cứu rỗi của niết bàn (nirvana) lại đòi hỏi sự biến mất của chính ta. Mục đích này không phải hướng đến một đời sống tự do, với những đau đớn và chịu đựng mà một đời sống như thế đòi hỏi, mà là để hướng đến một sự “đốn ngộ” rằng “ngã” của ta chỉ là ảo ảnh và tan rã trong tính phi thời gian của niết bàn. Điều rốt cục quan trọng hơn cả ở đây là đạt đến một trạng thái ý thức nơi mọi thứ không còn gì là quan trọng, vì thế người ta có nghỉ ngơi thanh thản.

Kết luận của Phật giáo như có phần cực đoan khi nó được phát biểu theo cách này, song trên thực tế nó làm rõ những gì hàm ẩn trong tất cả những ý tưởng về sự cứu rỗi vĩnh cửu. Thay vì làm cho đời sống của chúng ta có ý nghĩa, cái vĩnh cửu sẽ làm nó trở nên vô nghĩa, vì hành động của chúng ta sẽ không mang mục đích gì. Vấn đề này có thể thấy ngay cả bên trong những truyền thống tôn giáo chủ trương đức tin vào đời sống vĩnh cửu. Một bài báo trên U.S. Catholic đặt câu hỏi: “Thiên đường: Liệu nó có buồn tẻ?” Bài báo trả lời”Không”, vì trên thiên đường, không phải các linh hồn “được triệu hồi về trạng thái nghỉ ngơi vĩnh viễn mà ở trong trạng thái hoạt động mãi mãi – bận tâm về xã hội mãi mãi.” Tuy nhiên câu trả lời này chỉ làm vấn đề nổi lên, vì ở thiên đường thì có gì để mà bận tâm.

Sự bận tâm tiền giả định phải có cái gì đó có thể sai lạc hoặc có thể mất mát; nếu không chúng ta sẽ chẳng để ý làm gì. Một trạng thái hoạt động vĩnh cửu – cũng như một trạng thái nghỉ ngơi vĩnh cửu – chẳng làm ai bận tâm vì nó không thể ngừng lại và cũng chẳng cần ai duy trì nó. Vấn đề không phải nằm ở chỗ trạng thái hoạt động vĩnh cửu sẽ “buồn tẻ” mà là vì sẽ không được hiểu là hoạt động của chính tôi. Bất cứ hoạt động nào của tôi (dù nó là hoạt động buồn tẻ đi nữa) đều cần tôi để duy trì nó. Trong trạng thái hoạt động vĩnh cửu, không thể có một cá nhân buồn chán – hay dính líu đến nó theo bất kỳ cách nào khác – vì một hoạt động vĩnh cửu không phụ thuộc vào việc nó được duy trì bởi ai.

Một sự cứu rỗi vĩnh cửu, do đó, không những là thứ không thể đạt đến mà còn là thứ không thể khao khát (undesirable), vì nó sẽ loại bỏ sự bận tâm và đam mê – những gì làm cho đời sống chúng ta có sinh khí. Những gì chúng ta làm và những gì chúng ta yêu chỉ quan trọng đối với chúng ta mà thôi vì chúng ta hiểu rằng mình là kẻ hữu tử. Sự tự nhận thức ấy hàm ẩn trong mọi cam kết và mối ưu tiên của chúng ta. Câu hỏi chúng ta nên làm gì với thời gian của mình – một câu hỏi được đặt ra trong mọi việc chúng ta làm – tiền giả định chúng ta hiểu thời gian của mình là hữu hạn.

Vì thế, hữu tử là điều kiện của tác lực (agency) và tự do. Tự do không có nghĩa là trở nên toàn quyền và được giải phóng ra khỏi mọi câu thúc. Đúng hơn, chúng ta tự do vì chúng ta có thể tự hỏi mình: mình nên làm gì với thời gian của mình. Mọi hình thức của tự do – tự do hành động, tự do ngôn luận, tự do yêu đương – đều có thể được hiểu là tự do chỉ khi chúng ta đều được quyền đặt câu hỏi: mình nên làm gì với thời gian của mình. Nếu như chúng ta việc chúng ta làm gì, nói gì, yêu gì đều là thứ được cho sẵn – nói tóm lại: nếu việc chúng ta nên làm gì với thời gian của ta là việc cho sẵn, việc đã được mặc định, chúng ta không tự do.

Khả năng đặt câu hỏi mình nên làm gì với thời gian của mình là điều kiện cơ bản cho thứ mà tôi gọi là tự do tinh thần. Để sống một đời sống tự do, mang ý nghĩa tinh thần (hơn là một đời sống chịu sự chi phối đơn thuần của những bản năng tự nhiên, tôi phải chịu trách nhiệm cho những gì mình làm. Điều này không có nghĩa là tôi thoát khỏi những câu thúc của tự nhiên và xã hội. Tôi không lựa chọn để được sinh ra với những giới hạn và khả năng mà mình có. Hơn nữa, tôi không thể kiểm soát ai sẽ để tâm đến mình, việc họ làm gì đối với tôi và cho tôi. Gia đình tôi – và ngữ cảnh lịch sử rộng hơn mà tôi được sinh ra – đã nhào nặn nên tôi trước khi tôi có thể làm điều gì đối với nó.

Tương tự, các chuẩn mực xã hội tiếp tục nói với tôi, rằng tôi có thể định hình bản thân mình là ai và tôi có thể làm gì với đời mình. Không có các chuẩn mực xã hội – những thứ tôi không thể phát minh và chính chúng nhào nặn nên thế giới mà ở đó tôi tìm thấy mình, tôi không thể biết mình là ai và mình phải làm gì. Tuy nhiên, tôi chịu trách nhiệm cho việc duy trì, thách thức hay cải biến những chuẩn mực này. Tôi không đơn thuần bị quyết định một cách ngẫu nhiên bởi tự nhiên hay các chuẩn mực mà bởi tôi hành động trong tương quan với các chuẩn mực mà tôi có thể thách thức hay cải biến. Thậm chí với cái giá phải trả là chính sự sống sinh học của mình, cuộc sống yên ổn hay chỗ đứng xã hội của mình, tôi có thể trao đời sống của bản thân cho một nguyên tắc mà mình cam kết hay một lý tưởng mà tôi đặt niềm tin. Đó là những gì mà việc nuôi dưỡng một đời sống tinh thần cần theo đuổi. Tôi phải luôn sống trong mối liên hệ với sự chết không thể thay đổi được của mình – nếu không sẽ chẳng có gì bị lâm nguy khi tôi dành đời sống của mình cho một điều gì đó.

Bất kỳ một hình thức của đời sống tinh thần nào, bởi thế, phải được truyền sinh khi bởi nỗi lo âu hữu tử, thậm chí ở trong việc hiện thực hóa những khát vọng sâu xa nhất của mình. Không thể giản quy nỗi lo lắng trước cái chết về một tình trạng tâm lý mà người ta có thể hay nên vượt qua. Đúng hơn, âu lo là một điều kiện để việc sống một đời sống tự do và cam kết với nỗi đam mê trở thành việc có thể hiểu được. Chừng nào đời sống còn quan trọng với ta, chúng ta cần phải được kích hoạt bởi nỗi âu lo rằng thời gian của mình là hữu hạn, vì nếu không sẽ chẳng có gì thúc hối để làm việc gì đó và trở thành một ai đó.

Ngay cả nếu dự phóng của bạn là sống một đời sống không có những lo lắng về mặt tâm lý trước cái chết – thí dụ, bằng việc toàn tâm toàn ý thực hành Thiền – thì dự phóng này chỉ có thể được hiểu khi  bạn lo lắng làm sao để phí đời mình cho việc âu lo trước cái chết. Chỉ trong nhận thức rằng mình sẽ chết – đời sống của ta vô hạn mà hữu hạn – ta mới có thể băn khoăn mình nên làm gì với đời mình, đánh cược đời mình trong những hành động. Đó là lý do tại sao tất cả nhãn quan tôn giáo về sự vĩnh cửu, cuối cùng, vẫn cứ là nhãn quan về sự không tự do (unfreedom). Khi đạt tới vĩnh cửu, ta chẳng còn câu hỏi mình biết làm gì với đời mình. Chúng ta sẽ đắm mình trong nỗi hân hoan vĩnh viễn và do vậy, tước đi bất kỳ tác lực khả dĩ nào. Thay vì thiết lập mối quan hệ tự do với việc mình làm và điều mình yêu, chúng ta bị thôi thúc bởi việc cần thiết hưởng thụ nó.

Ngược lại, ta nên nhận thức được rằng ta phải bị tổn thương – ta phải bị đánh dấu bằng sự chịu đựng đau đớn, mất mát và âu lo trước cái chết – để sống đời sống của mình và quan tâm đến người khác. Nhờ đó, chúng ta mới hiểu được đời sống bên nhau là mục đích tối hậu của chúng ta. Thứ chúng ta đang đánh mất không phải là niềm hân hoan vĩnh viễn mà những hình thức xã hội và thiết chế cho phép chúng ta sống một đời sống mạnh mẽ. Đó là lý do vì sao phê bình tôn giáo phải đi cùng với phê bình những hình thức hiện đang tồn tại của đời sống giữa chúng ta với nhau. Nếu ta chỉ phê phán quan điểm cứu rỗi của tôn giáo mà không tìm cách vượt lên những bất công xã hội mà tôn giáo đã phản ứng – sự phê phán sẽ trở nên trống rỗng và trịch thượng. Nhiệm vụ của chúng ta là thay đổi các điều kiện xã hội theo cách nào đó để ta có thể buông bỏ lời hứa hẹn về sự cứu rỗi và nhận ra mọi thứ phụ thuộc vào việc chúng ta sẽ làm gì bên nhau trong thời gian hữu hạn của mình. Trung tâm của đời sống tinh thần không phải là sự tĩnh lặng rỗng không của trạng bình thản vĩnh cửu mà là sự tri nhận cùng lúc cả sự mong manh lẫn tự do của chúng ta.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Martin Hagglund, “Why Mortality Makes Us Free?”, https://www.nytimes.com/2019/03/11/opinion/why-mortality-makes-us-free.html

3 thoughts on “Martin Hägglund – Tại sao sự hữu tử làm chúng ta tự do?

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s