Vụ tấn công tòa soạn tờ báo biếm họa Charlie Hebdo tại thủ đô Paris, Pháp ngày 7 tháng 1 vừa qua là một sự kiện chấn động toàn thế giới mà dư âm của nó đến giờ vẫn còn chưa dứt. Vụ việc này, một lần nữa, khiến chúng ta nhận ra những xung đột văn hóa tiềm tàng trong một thế giới thực ra không hề “phẳng”. Nó gợi lên nhiều vấn đề không thể nhìn nhận giản đơn về mối quan hệ giữa phương Tây với thế giới Hồi giáo, quyền tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, sức mạnh và giới hạn của nghệ thuật châm biếm. Đã có nhiều học giả, nhiều nhà văn lớn lên tiếng nhân sự kiện Charlie Hebdo như Slavoj Zizek, Noam Chomsky, Seyla Benhabib, Salman Rushdie, Ian McEwan… Tôi muốn tập hợp lại những ý kiến đa chiều xung quanh sự kiện này để từ đó có thể hình thành cho mình một quan điểm riêng về nó. Tôi sẽ cố gắng dành thời gian để dịch một số bài viết kích thích tư duy của tôi nhiều nhất và hy vọng chúng cũng có thể có ích với người khác.
Bài viết đầu tiên tôi muốn giới thiệu là “Laughter and Terror” của Robert Darnton. Sinh năm 1939, học giả người Mỹ này là một sử gia uy tín về thế kỷ XVIII. Móc nối sự kiện Charlie Hebdo với truyền thống châm biếm trong nghệ thuật Pháp, tác giả đã cho thấy những kinh nghiệm của lịch sử có thể tham chiếu cho những vấn đề mà xã hội đương đại đang phải đối mặt.
*
Một trong nhiều bức biếm họa để tưởng nhớ các họa sĩ châm biếm và nhà báo bị sát hại ngày thứ Tư vừa rồi tại văn phòng tòa soạn Charlie Hebdo đã vẽ một bia mộ có khắc trên đó dòng chữ “Chết vì Cười”. Những ngày này, ở Paris, không ai cười cả. Trên thực tế, vụ thảm sát này đã đặt ra những câu hỏi về bản thân tiếng cười.
Tiếng cười của người Pháp có nhiều kiểu, từ tiếng cười lớn giòn giã kiểu Rabelais đến cái cười thâm trầm kiểu Voltaire. Charlie Hebdo chuyên trị những trò đùa thô tục, ngạo nghễ, nhiều ngôn ngữ tình dục trong đó và cười vỗ mặt vào những thị hiếu tệ hại. Nhìn ở góc độ nào đó, tiếng cười kiểu đó đã hết thời. Được thành lập vào năm 1970, tờ báo chủ trương một thái độ chế nhạo đối với cuộc nổi loạn diễn ra vào tháng Năm-tháng Sáu 1968. Từ Charlie trong tên của tờ báo là cách chơi chữ với tên của Charles de Gaulle, mặc dù người ta cũng có thể liên tưởng một chút cái tên ấy với Charlie Brown – tên của nhân vật chính trong loạt tranh hài hước dài kỳ nổi tiếng Peanuts đăng tải trên nhiều tờ báo bắt đầu từ tháng 10 năm 1950 do họa sĩ người Mỹ, Charles M. Schulz sáng tác. Một số cây bút biếm họa nổi tiếng của tờ báo – Georges Wolinski, Jean Cabut, Philipe Honoré – tuổi đời nay đều đã gần 70 và chưa bao giờ thôi không hếch mũi cười nhạo những thứ ngạo nghễ, cao đạo, cho đến khi họ bị bắn chết trong buổi giao ban hàng tuần tại tòa soạn ngày mồng 7 tháng 1 vừa rồi.
Là một người nghiên cứu lịch sử nghệ thuật châm biếm của nước Pháp, tôi đã nghĩ ngay đến những nhà văn muốn dùng trí tuệ của tiếng cười để đương đầu với quyền lực và sự mê muội: Rabelais, Bussy-Rabutin, Beaumarchais, Chamfort… và trên hết là Voltaire. Thời điểm bùng nổ sớm nhất tiếng cười châm biếm sắc sói, không khoan nhượng có lẽ là vào những năm 1640, khi Paul Scarron chế giễu tể tướng của vua Louis XVI, giáo chủ Mazarin với những dòng thơ tai tiếng thế này:
Bougre bougrant, bougre bougré
Et bougre au suprême degré…
(Tạm dịch: Cha còn “chơi”, cha còn “chơi”/”Chơi” cho chê chán tơi bời lá hoa…”)
“Chúng ta phải đưa tiếng cười về phe ta,” Voltaire đã viết như thế, không biết bao nhiêu lần, khi ông cố gắng kêu gọi những triết gia bạn hữu của mình tham gia chiến dịch chống lại sự đàn áp, khủng bố của nhà thờ.
Hoàn toàn không có chất Voltaire trong sự hài hước của Charlie Hebdo, nhưng sự chế nhạo giáo điều tôn giáo, cả Thiên chúa giáo lẫn Hồi giáo, thể hiện một tinh thần chống giáo hội vốn có một lịch sử khá lâu đời ở Pháp. Khi tin về vụ khủng bố lan rộng, tôi cứ nghĩ đến Voltaire và điệu cười đặc trưng của ông – môi mím lại, hàm dưới vênh vênh, như thể coi khinh tất cả những kẻ nào dám ra đòn.
Không phải lúc nào đó cũng là một sự biện hộ đầy đủ. Vào những năm cuối đời, Voltaire bị ngợp bởi nỗi sợ trước những sự tàn bạo của các tòa án Pháp, đặc biệt trong vụ Jean Calas, một người Thanh giáo bị tra tấn và xử tử hình sau khi bị kết án oan là kẻ đã giết con trai mình – người đã cải đạo sang Chính thống giáo (thực tế thì anh ta tự tử). Vụ án Calas đã trở thành tiêu điểm để từ đó Voltaire phát động một chiến dịch chống lại tất cả những gì đáng hổ thẹn, không xứng đáng với con người – sự ngu dốt, sự hà khắc, sự bất công và đặc biệt là sự khủng bố, ngược đãi mà nhà thờ và nhà nước đang duy trì. Khi cơn giận dữ đến đỉnh điểm, nếu tôi nhớ chính xác, Voltaire đã viết một lá thư gửi cho nhà triết học d’Alembert, một người bạn đồng chí hướng với ông tại Paris, trong đó nhấn mạnh: “Đây không phải là lúc để cười.”
Tiếng cười chống lại sự khủng bố: một cuộc đấu không cân sức. Vào ngày sau vụ thảm sát, tôi hỏi một người bán báo ở gần khu chung cư tôi đang sống tại Paris: tờ Charlie Hebdo cuối cùng anh bán được là khi nào? “Một tiếng sau vụ này”, anh đáp. Anh chưa bao giờ giữ nhiều ấn bản tờ báo này ở quầy báo của mình: “Tờ báo có độc giả riêng của nó.” Tờ báo sẽ sống được không? “Đương nhiên”, anh trả lời. “Nếu không thì bọn nó thắng à?” Trên thực tế, những người trong tòa soạn còn sống sót đã sẵn sàng chuẩn bị cho số kế tiếp sẽ ra vào thứ Tư tuần tới. Họ đang làm việc trong những văn phòng mà tờ Libération cho họ mượn. Họ sẽ cho in một triệu bản.
Tôi biết đến vụ thảm sát một vài phút sau khi nó xảy ra, khi tôi vừa mới ngồi trong văn phòng của một người bạn là biên tập viên của nhà xuất bản Gallimard. Ông biết một vài họa sĩ cộng tác với Charlie Hebdo, và tất cả bạn bè của ông cũng vậy. Giới xuất bản ở Paris cũng nhỏ. Ai ở trong giới cũng biết đến ai đó trong vụ sát hại này hoặc liên quan đến những nạn nhân trong sự kiện đau lòng ấy. Mọi người đều đang rất sốc, mỗi người đều có cảm nhận riêng về sự tàn bạo, cứ như thể có một cú đấm mạnh giáng vào thân thể mình – cũng là thân thể chính trị, thân thể báo chí, một cú đấm nhằm trúng vào quyền tự do biểu đạt và truyền bá tư tưởng, quyền được cười nhạo. Một nhà bình luận đã mô tả nó như một “vụ tấn công nhằm vào tinh thần Pháp”.
Paris tuần này cạn tiếng cười. Tuần sau, các quầy báo sẽ lại bày bán đầy những ấn bản của tờ báo Charlie Hebdo được phục hồi, song sẽ thật khó để biết đến bao giờ tấn trò đời mới một lần nữa lấy lại vẻ vui tươi.
9.1. 2015, 2.13 chiều
Hải Ngọc dịch
Nguồn: Robert Darnton, “Laughter and Terror”, http://www.nybooks.com/blogs/nyrblog/2015/jan/09/charlie-hebdo-laughter-terror/
Reblogged this on Ngoctu815's Blog.