Tag Archives: vũ thị kiều chinh

Dấu ấn của chủ nghĩa lãng mạn trong văn hóa trẻ đương đại (bài 1)

Loạt bài viết mà tôi sẽ đăng trên blog này là những bài viết tôi nhận được từ các sinh viên năm cuối khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm. Chủ đề mà tôi muốn các em bàn là có chăng cái gọi là xu hướng quay về với tinh thần của chủ nghĩa lãng mạn trong văn hóa trẻ? Đề bài cụ thể thì thế này:

Từ những hiện tượng dưới đây, theo anh/chị, có thể kết luận: chủ nghĩa lãng mạn vẫn còn tiếp tục để lại những ảnh hưởng về cảm quan và thẩm mỹ trong văn hóa trẻ đương đại hay không? Tại sao? (Các anh/chị có thể mở rộng thêm phạm vi khảo sát ngoài hai dẫn chứng của đề bài)

MỘT BÀI THƠ CŨ
– Lu –

em đừng xanh quá khổ anh
khổ thân con cáo hóa thành cây si
anh đứng đầu Hồ Đắc Di
ngóng Lương Định Của lầm lì gọi em

em đừng lạnh giống que kem
để trong ngăn đá bỏ quên một tuần
anh về giữa Bùi Thị Xuân
uống hai mươi cốc nhân trần cho say

thế thôi là hết một ngày.

2012

(In trong Lu, “Sự đã rồi anh ngồi anh anh hát”, Nhã Nam & NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 2017)

 

ĐƯA NHAU ĐI TRỐN – Đen ft Linh Cáo

 

Điều tôi thực sự xúc động khi đọc một số bài viết của sinh viên là các em không chỉ cố gắng trình bày kiến thức về chủ nghĩa lãng mạn mà đã cố gắng nhận diện đời sống xung quanh mình. Và nhất là nhận diện chính mình.

Bài viết của Vũ Thị Kiều Chinh là một bài viết đẹp đẽ mà tôi luôn mong được đọc từ sinh viên mỗi khóa.

*

Người trẻ thời này còn lãng mạn không?

Câu trả lời của tôi: đã là tuổi trẻ thì thời nào cũng lãng mạn. “Lãng mạn” còn là gì nếu không phải là thứ cảm xúc đặc sản của tuổi trẻ. Nếu không phải tuổi trẻ thì còn tuổi nào cho người ta lượng thời gian đủ vội vàng, đủ gấp gáp để vừa bất an, vừa háo hức với chính cái thời của mình? Nếu không phải tuổi trẻ, những người mới chập chững, nôn nao dấn vào cơn bão cuộc đời thì còn ai đủ non nớt, nhạy cảm để bị sóng gió kia dễ dàng làm cho tổn thương và làm cho rầu muộn? Và nếu không là tuổi trẻ còn căng tràn một bầu ngực nóng hổi thì còn ai sống đủ kiêu hãnh để phiêu lưu và thử thách với chính cái tôi của mình? “Chủ nghĩa lãng mạn” từ trước khi sinh ra tới khi hóa kiếp và vương lại đời sống hiện đại này chỉ còn bằng những “cảm hứng lãng mạn” luôn là mảnh vườn màu mỡ cho những người trẻ tuổi ở bất cứ thời nào gieo trồng và chăm bón mầm cảm xúc và mầm khát vọng. Bởi thế mà khi chủ nghĩa lãng mạn trong văn chương mới bắt đầu được thai nghén những phôi bào đầu tiên tại Anh, những năm 1790, William Wordsworth 20 tuổi. Những năm đó, chàng đang ôm mối tình đầu và viết tập thơ đầu tiên, “Những bản Ballad trữ tình” với bài thơ đầu tiên tựa đề “The Tables turned, an Evening Scene, on the same subject” mà một bản tiếng Việt dịch thoát lại thành “Hãy bỏ bàn học đấy”:

Đứng dậy bạn ơi, bỏ sách ra một xó

Nếu không bạn hẳn sẽ lưng gù

Đứng dậy bạn ơi, phóng tầm nhìn đây đó

Sao lúc nào cũng vất vả, ưu tư ? […]

Lời bài thơ là lời một người nói với bạn mình rằng: hãy cất sách đi và ra ngoài để thiên nhiên dạy bạn. Chủ đề bài thơ của Wordsworth, đại diện đầu tiên của chủ nghĩa lãng mạn Anh thế kỉ 18, về cơ bản là gặp gỡ, tiếp tuyến tại rất nhiều điểm với lyrics ca khúc “Đưa nhau đi trốn” của Đen Vâu,  ca sĩ dòng Indie gốc Việt vào năm 2015 của thế kỉ 21. Năm đó Đen 25 tuổi:

Em ơi đi trốn với anh

Mình đi đến nơi có biển bạc núi xanh

Chạy con xe anh chở em tròng trành

Mình phóng tầm mắt ngắm chân trời mới toanh. […]

Tôi không chắc về thời của Wordsworth, người ta đã tiếp nhận bài thơ “Hãy bỏ bàn học đấy” theo hướng đồng tình hay phản đối, hay nửa đồng tình nửa phản đối. Thời của Wordsworth là thời các nhà chủ nghĩa phải gồng gánh định danh, tuyên ngôn cho nghệ thuật của mình, là thời đại mà một quyết định đi theo con đường này có khi phải là sự phủ nhận hoàn toàn những ngã rẽ khác. Một bài thơ thúc người ta lật cái bàn, tung sách vở trong bối cảnh đó, cũng có thể được hiểu như một cú “lật bàn” lại tất cả những khuôn vàng, mực thước của một chủ nghĩa đã thành hình, thành dạng, đầy nghiêm trang, bệ vệ trước đó. Đó là công cuộc đập đi xây mới của lịch sử. Còn thời của chúng tôi, “Đưa nhau đi trốn” không thực hiện vai trò một lời tuyên bố, đó chỉ là nỗ lực của một kẻ 25 tuổi kể lại những trải nghiệm của mình. Thời của chúng tôi, “lật cái bàn” là sự kiện không còn nhiều bất ngờ, một ngày “đưa nhau đi trốn” chỉ là một cuộc chơi mà người chơi có thể để lại vỏn vẹn một mảnh giấy cho mẹ cha “Đừng lo đêm nay con đi chơi xa.” Thời của chúng tôi là thời mà “phượt thủ” hội ngộ ở mọi nơi, đi xa, đi trốn như một nhu cầu thiết yếu của đời sống quá ư chật chội. Sự chật chội ấy mãi thành quen. Sự đi xa để trốn cũng chẳng còn lạ, như một phản xạ có điều kiện: đói phải ăn, mệt phải ngủ, cô đơn phải yêu, xô bồ phải trốn. Như cái cách Nguyễn Bỉnh Khiêm, một đại diện Việt Nam thế kỉ 16 “khiêm tốn” nói về sự dại của mình từ thời của ông: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/Người khôn người đến chỗ lao xao.” Như Wordsworth, như Đen Vâu, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng từ chối lao xao, nhưng ông không được gọi là nhà lãng mạn. Phải tới sự cộp mác, đóng dấu từ phương Tây, vào một lịch sử phù hợp, với một hệ thống lí luận dày dặn đính kèm, lãng mạn mới vươn lên tầm một “chủ nghĩa”. Vậy để nói, vậy thì chúng tôi có gì lãng mạn trong thế kỉ này khác gì người thế kỉ xưa, thì có lẽ là chúng tôi đã ít phải trình bày đi, chúng tôi thực hành “lãng mạn” thường xuyên, tự nhiên và tự do hơn nhiều.

Cái tự do và tự nhiên hơn ấy, tôi lại cũng không chắc về những không gian khác nhau sẽ mang biểu đồ lãng mạn theo biến thiên khác nhau thế nào. Tôi chỉ hay biết về sự lãng mạn ở tuổi trẻ trú ngụ trong đô thị. Có lẽ thứ chất kích thích hiệu quả nhất để nuôi lớn một mầm lãng mạn trong khoảng thời gian ngắn ngày nhất chính là sự chật của đô thị, sự tỉ lệ nghịch giữa diện tích không gian để thở và dân số của phố phường. Ở đất nước tôi, khi người ta trẻ, người ta lũ lượt rủ nhau lên thành phố, để học, để làm, để mưu cầu một nhịp sống mới, hoặc không để làm gì cả. Thành phố chật, là sự chật mang gương mặt một thanh niên. Và rồi khi người ta quyết định dấn thân vào những kẹt xe, tắc đường (hoặc là do bị buộc vào không thời gian ấy), lại sẵn trong mình một tâm hồn còn quá trống, trong và sạch, thừa chỗ để nghĩ, thì sự hỗn độn, ngập ngụa từ bên ngoài kia ập tới, choán hết tâm trí họ. Những tiếng động của thành phố chảy vào từng mạch neuron, lan ra. Thành phố ngập trong những mảnh âm thanh, những khung sự vật, những tên biển hiệu, tên biển đường, tên biển số xe nhưng kì lạ thay, lại cấp cho con người cái khoảng không để suy tư, để biết buồn:

Tôi dắt chính mình đi

những buổi chiều thủng lốp

anh sửa xe không vá được nỗi buồn

 

phố dài buồn chật cười thưa […]

(Tiếng động màu xanh – Miên Di)

Và Hà Nội tuy nhỏ bé này thì đủ chỗ cho tất cả chúng tôi chứa nỗi buồn và buồn đủ để lãng mạn. Thơ, nhạc, nhìn chung là ca từ của người trẻ thời đương đại rặt những câu chuyện xung quanh thành phố, biến thành phố giờ đây như một tín hiệu nghệ thuật. Tôi biết về một dự án điện ảnh quy tụ được rất nhiều đạo diễn, diễn viên gạo cội trên thế giới: làm phim về những mảnh ghép tình yêu trong bối cảnh năm thành phố lớn. Năm thành phố biểu tượng đó, có Paris, có New York, có Thượng Hải, tất nhiên hai thành phố còn lại không phải Hà Nội, cũng chẳng thể là Sài Gòn, thậm chí buồn kinh niên như Huế cũng chưa được lọt vào bảng xếp hạng. Vậy thì cái công danh lớn của thế hệ trẻ này là gì nếu không phải biến những chiếc tên trên thành hệ thống thi liệu, nhạc liệu, ảnh liệu dồi dào? Từ bao giờ một hashtag #hanoi #saigon lại đủ làm cho người ta dấy lên một nỗi hồi cố, nhớ nhung? Từ bao giờ người ta quen phủ một lớp filter vintage lên màu một bức ảnh chụp đường phố, những quán hàng? Đô thị nhào nặn ra một nỗi buồn tuổi trẻ, và chính tuổi trẻ lại nhào nặn ra một đô thị buồn, vừa đáng chán, vừa đáng sống:

“1 chiều, tôi ngồi cà phê, ôm đàn tha thẩn
tôi tìm được 1 vòng hợp âm hay hay
tôi quyết định viết
nhưng tôi bị bí ý tưởng
tôi quay ra hỏi mọi người
ai cũng lắc đầu

tôi chán nản nhìn quanh, tôi thấy ai cũng ủ rũ, dài thượt trên ghế, mỗi người một cái điện thoại, chẳng ai nhìn ai, nói với ai câu gì.

tôi mới tự hỏi: sao cái thời này nhiều người buồn và buồn nhiều đến thế?”

(Lời tựa ca khúc: Thế kỉ 21 buồn – Kiên)

Những người trẻ, gia đình nhỏ thì chưa có, gia đình lớn thì đang dần cởi ra, họ chỉ còn chính họ để suy tư về. Trong quỹ thời gian của đời người, có lẽ đây là lúc họ hay chúng tôi “rảnh” nhất để nghiệm cho bản thân mình.

Rảnh nhất là những người “không làm gì”:

Tôi phóng ra xe, hôm nay đi học 

Nếu tôi còn bé thì tôi sẽ khóc 

Nhưng đã hai mươi, hai mươi, hai mươi 

Lên xe đi học, lại ngồi lên ghế không làm gì. […] 

(Không làm gì – Ngọt)

Trạng thái “không khóc được” là trạng thái tổn thương hơn trạng thái “khóc được” rất nhiều. Trạng thái “không làm gì” là trạng thái mệt hơn mọi trạng thái “đang làm gi”. “Không làm gì” có thể là không biết làm gì, không muốn làm gì, hoặc muốn không làm gì. Dù là tiền tố nào thì đây cũng là câu trả lời cho một đời sống dường như đang kiến tạo nên những sinh vật nhất định phải “làm một cái gì”. “Bất phục tùng đối với thực tại” nói như M.Gorky là một ý tưởng lớn của chủ nghĩa lãng mạn. “Không làm gì” là một cách. Bài hát của Ngọt lặp lại nhiều lần cụm “không làm gì” nhưng lặp lại vô số lần cụm “để không làm gì”. Đây có thể là mong muốn, là lời thỉnh cầu ráo riết một trạng thái mà tôi nghi ngờ nó rất gần với không tưởng chủ nghĩa. Nghĩ mà xem, “không làm gì” tưởng là dễ nhưng trót sinh ra giữa một cuộc đời sống động thì mấy ai giữ được cho riêng mình một tình trạng bất động. Nên mới có hình tượng “thằng Nam ngồi khóc” “cho vui cuộc đời”, nhưng lại nhớ ra “quần áo đang phơi vẫn còn chưa khô”:

“Nam tính đứng dậy, nhưng lại ngồi. […]”

(Thằng Nam ngồi khóc – Thái Vũ)

Nếu Nam đứng dậy, Nam sẽ đi đâu?

Câu trả lời thứ hai của những nhân vật lãng mạn thời này là đi lang thang. Đi lang thang thời này nổi tiếng nhất là Đen Vâu, như đã nói ở trên. Nhưng không phải đến Đen Vâu người ta mới nghĩ chuyện cần phải đi trốn.  Tôi đã nói, thời chúng tôi không có gì nhiều ngoài “phượt thủ”. Một hình thức “lãng mạn tập thể” trước khi chúng tôi có thể tìm ra một phương cách khác. Phần rap trong “Cho tôi lang thang” của Đen có đoạn “Cho riêng ta lang thang thôi /Để nhạc đời không lạc điệu” nhưng buồn cho anh Đen một nỗi, nhạc đời này đang ám ảnh bởi sự có mặt tới mức giờ này lạc điệu có khi là những kẻ chưa lang thang. Và dù việc chạy trốn hiện tại bằng hình thức lật bàn, về với thiên nhiên hay đi đâu thật xa đã cũ và được tập thể hóa, vẫn không thể phủ nhận được công dụng sau mỗi chuyến đi giúp xoa dịu và chữa lành những vết thương nhỏ to do sự vận hành khô khan của đời sống này gây ra. Thời đại nào ngưởi trẻ chúng tôi vẫn phải ở lại thành phố để sân si thêm tri thức thì thời đại đó vẫn còn cần những chuyến đi để tạm “rời thành phố chật chội, náo nức” cho chúng tôi một cơ hội khác để thở, kiểu khác.

Ngày nào còn khát 

Thì ngày đó ta còn lang thang. [..]

(Cho tôi lang thang – Đen Vâu, Ngọt)

Để thở kiểu khác, nếu không phán xét, thì còn một cách, đó là vịn vào làn khói của những điếu cần:

Cánh cửa phòng là đường phân cách,

ngoài là đời bên trong là rừng xanh

Những âu lo bỗng nhiên bé xíu như thằng nhóc thám tử lừng danh

Ta cao hơn muôn làn khói,

với nhịp beat là bạn đồng hành

Ta xa hơn ngàn câu hát,

có chim muông bay lượn vòng quanh.  

(Tan ka – Đen, Ganja – JGKiD , Đen, EmceeL, KraziNoyze, DSK)

Tôi không biết về những ngưởi trẻ trong qua khứ họ nhảy lên chuyến xe nào để chạy trốn những hiện tại không tương thích nào. Nhưng ở đây, không thể không thừa nhận sự có mặt của các chất kích thích trong đời sống những người trẻ trong mình là nghệ sĩ hoặc không. Văn hóa trẻ đương đại phải thừa nhận một tồn tại này. Tôi biết những người trẻ tìm đến cần như mưu cầu tới một trạng thái vượt xa khỏi những giới hạn của bộ não. Bộ não con người rộng, với những người còn trẻ, nó còn rộng hơn. Nhưng vì những chật chội, những lo toan về việc định dạng mình giữa cộng đồng, giữa thành phố, giữa gia đình, giữa bè bạn mà bộ não người ngột ngạt, ì trệ. Não không thể thở được. Cần sa có thể tạm làm loãng nó, để hở ra một vùng trống mới mà những suy nghĩ mới được quyền phát sinh. Đóng cửa phòng, với một làn khói là đã có thể phiêu lưu. Thời gian chậm lại đủ dùng cho con người kịp cảm nhận được đời sống từ từ và cẩn thận. Và những người trẻ, họ cần gì hơn là khoảnh khắc thấy mình được đứng bên lề thế giới, nhìn ngắm mọi thứ và quan sát chính mình. Có một bộ phận những nghệ sĩ thời này, họ tìm đến cần như tìm đến nơi có thể khơi nguồn cảm hứng. Cần sa không kì diệu đến thế, nhưng nó là kẽ hở để con người có thể lọt vào để tìm những thứ chưa đủ không-thời gian để tìm trong đời sống thật. Nỗ lực vượt thoát khỏi thực tại như thế này, dù bị đánh giá là đúng hay sai, dù là tích cực hay tiêu cực, cũng cần được ghi nhận như một động thái của “lãng mạn”. Nhưng chính họ, những nghệ sĩ trẻ (hoặc đơn giản là người trẻ) không có thì giờ để phân biệt lãng mạn thế nào là tiêu cực, lãng mạn thế nào là tiêu cực nữa. Họ thậm chí còn từ chối được gọi tên là anh lãng mạn hay cô lãng mạn. Sống ở thời nay, chúng tôi chẳng thiếu gì tự do, chỉ thiếu điểm tựa. Muốn chạy về đâu cũng có cách, chỉ là chưa biết chạy về đâu.

Trong những cung đường mà chú hươu vị thành niên có thể chạy, vẫn còn có một đường lùi về quá khứ. Thực tại thì chưa định hình, tương lai thì không tồn tại, chỉ có quá khứ là một căn hầm trú ẩn an toàn để con người có thể núp. Thế hệ trẻ vốn thường được gắn nhãn với cái mới, cái nổi loạn, nhưng khi những mầm sống đang lên quyết định đình trưởng trong bầu không khí hoài cổ thì đó lại là một câu hỏi đang để nghĩ về. Ở thành phố của tôi ngập những quán cà phê theo lối cổ từ thời kì Bao cấp, cái thời mà người già có thể kêu khổ, nhưng người trẻ thì vui sướng khi được đắp trên mình một tấm chăn con công. Có thể chúng tôi là những kẻ ham vui, ham lạ. Có thể những biểu hiện này cũng như sự vận hành của quy luật thời trang, chục năm lại tái sinh một xu hướng cũ. Không sao, đó có thể không phải là “lãng mạn thuần túy” nhưng nó đúng là đang diễn ra giữa nhịp sống mới này. Cái cảm thức mong đợi sự quay trở về nuôi dưỡng trong những tâm hồn trẻ sự nhạy cảm với mọi sự. Nó đôi khi giúp chúng tôi nhận ra những điều mới đôi khi ẩn chứa những bất thường và tiềm tàng nguy cơ phá vỡ một nền tảng nào đó. Và khi người trẻ chọn retro cả tình yêu, thì ắt hẳn đó phải là “lãng mạn.”

Ôi tình yêu thời nay mệt quá ai ơi!

Giận nhau không nói một lời

Chỉ vì không rep inbox thôi.

Và em ơi, thời nay mệt quá đi thôi

Anh muốn tình yêu tuyệt vời

Như ông bà anh.

(Ông bà anh – Lê Thiện Hiếu)

Vậy người trẻ thời này còn biết yêu không? Có chứ. Nếu có một điều kiện khả thể nào khiến cho chủ nghĩa lãng mạn dù đã đi hết vòng đời của nó vẫn còn rơi lại cuộc đời này biết bao nhiêu cảm thức, thì đó chính là nhờ mảnh đất màu nhiệm của tình yêu. Con người đang làm gì trên hành tinh này nếu không phải để học cách yêu một điều gì đó. Chủ nghĩa hiện sinh có thể phản bác lại là không, cuộc đời này toàn điều phi lý, thì nó cũng nuôi trong con người một tình yêu đối với sự không có nghĩa của cuộc đời. Tình yêu “lãng mạn” của tuổi trẻ sống trong lòng của cảm thức về hiện sinh. Xưa nay đều thế, như Xuân Diệu vẫn thắc mắc “đố ai định nghĩa được tình yêu”:

em đừng xanh quá khổ anh
khổ thân con cáo hóa thành cây si
anh đứng đầu Hồ Đắc Di
ngóng Lương Định Của lầm lì gọi em

em đừng lạnh giống que kem
để trong ngăn đá bỏ quên một tuần
anh về giữa Bùi Thị Xuân
uống hai mươi cốc nhân trần cho say

thế thôi là hết một ngày.

(Một bài thơ cũ – Lu)

Bài thơ của Lu vẫn loanh quanh loanh quanh giữa những tên biển phố của Hà Nội. Nhưng tình yêu ấy có chật chội không? Tất nhiên không. Thành phố này dù chật nhưng chưa đủ khắc nghiệt đề bóp nghẹt tình yêu. Vẫn là thứ tình yêu lãng mạn có ngây thơ, có bất cần của thời còn chủ nghĩa, vẫn là thứ tình yêu được nâng lên thành tầm biểu tượng, chỉ là cách diễn đạt khác đi. Nó phù hợp với không khí của thời này. Tuổi trẻ thì vẫn luôn là táo bạo, là dũng cảm. Sự dũng cảm đôi khi chỉ nằm ở chuyện dám dành cả một ngày loanh quanh chỉ để yêu. Đâu phải ai cũng “cần gì ngoài em.”

Có phải tôi chỉ đang chỉ đang dùng dẫn chứng của một loạt những người trẻ có vẻ lười và nuông chiều bản thân. Tất nhiên, trong thế giới những người trẻ đang sống, không phải ai cũng buồn buồn và không làm gì. Có vô số những người trẻ mà lịch sử sẽ gọi họ là những người lãng mạn theo hướng tích cực. Họ sống, họ nhận ra những vấn đề của đời sống, họ cố gắng cải thiện, bằng các chiến dịch, các dự án cộng đồng. Họ hừng hực khí thế đấu tranh. Họ quyết liệt. Họ lãng mạn. Họ rất lãng mạn. Vì họ cũng đang tin vào một trật tự tưởng tượng nào khác vượt xa khỏi những lằn ranh của trật tự hiện thời này. Nhưng họ có buồn không. Họ cũng buồn. Những người không làm gì có quyết liệt không. Họ còn quyết liệt và mạnh mẽ hơn thế. Vì dù là ở lại với thực tại hay chạy trốn nó, họ có cả ở hai cực. Và cực nào cũng thịnh. Hoặc là không có cực nào. Chúng trộn vào nhau. Không có gì phức tạp hơn việc cố gắng phân tách người trẻ thành các loại. Vì đó là những thực thể kì bí nhất của loài người.

Những người trẻ giờ đây có lẽ bình tĩnh và hiểu họ hơn nhiều. Họ “ngồi đây chờ cơn bão tới.”

Vũ Thị Kiều Chinh

(Sinh viên lớp A – K65, khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)

Tại sao nghệ thuật hiện đại lại tệ hại như thế?

Câu hỏi mà Robert Florczak từ tổ chức Prager University nêu ra trong viral clip này là đề bài tôi đặt ra cho sinh viên của mình khi học học phần “Tiến trình văn học”. Tôi muốn các bạn sinh viên, từ những tri thức liên quan đến “tiến bộ nghệ thuật”, bày tỏ quan điểm của mình về ý kiến của Florczak, dù đồng tình hay phản biện lại ông.

Các ý kiến được nhận về có sự đa dạng nhất định. Có lẽ với một giáo sư xa lạ, một số sinh viên cảm thấy dễ bày tỏ quan điểm hơn so với một ông thầy tuần nào cũng gặp ở trên lớp, do đó, lại ngại ngần khi thể hiện chính kiến, nhất là khi chúng có vẻ ngược với niềm tin của ông thầy.

Cá nhân tôi cho rằng ý kiến của Florczak là điều khiến tôi băn khoăn. Tôi không hơn được các sinh viên bao nhiêu khi đối diện với câu hỏi thách thức mà ông đặt ra. Tôi mừng là vì nghe được những ý kiến từ các bạn sinh viên mà qua đó, tôi thấy được sự chững chạc trong suy nghĩ của các em và thực sự chúng có sức gợi mở đối với cá nhân tôi. Dưới đây là một số bài viết ngắn của các bạn:

*

Bài viết của Nguyễn Hồng Phúc, lớp CLC -K65

  1. Quan điểm của giáo sư Robert Florzack trong clip không phải không có những điểm hợp lý, song về cơ bản, có rất nhiều nội dung cần phải được làm sáng tỏ hơn, hay thậm chí, cần được xem xét lại:
    • Lịch sử nghệ thuật xét đến cùng là lịch sử của những quan niệm nghệ thuật. Và để hiểu cũng như đánh giá đúng vị trí của một tác phẩm nghệ thuật, cần tìm được truyền thống/ hệ hình hay dòng nghệ thuật mà tác phẩm ấy thuộc về. Trên đại thể, lịch sử nền nghệ thuật phương Tây có thể tạm được lược quy về hai hệ hình lớn –tương ứng với hai khái niệm ‘nghệ thuật’ với những ‘tiêu chuẩn’ khác nhau. Trước thế kỷ 19, do những ảnh hưởng từ học thuyết Eidos (ý niệm) của Plato từ thời cổ đại, nền nghệ thuật phương Tây kéo dài suốt gần 20 thế kỷ phần lớn vẫn được quan niệm như sự mô phỏng (mimesis), nhấn mạnh đến yếu tố ‘giống thật’ của thực tại. Quan niệm này được các triết gia Khai sáng như David Hume, I. Kant,…phát triển thêm trong các lý thuyết mỹ học, nhìn chung thống nhất trong quan điểm đưa ‘cái Đẹp’ trở thành thước đo của mọi tác phẩm nghệ thuật, trọng sự cân đối hài hòa và trong sáng…Tuy nhiên, một quan niệm nghệ thuật như trên đã không còn có thể là hệ quy chiếu để lý giải các tác phẩm nghệ thuật của thế kỷ 19-20 được nữa. Nếu đánh giá theo tiêu chuẩn cái Đẹp theo hệ hình cũ, ta sẽ không thể hiểu tại sao chiếc bồn tiểu (Fountain, 1917) của Machel Duchamp lại có thể là một tác phẩm nghệ thuật vì nó thiếu hầu hết những yêu cầu về chất liệu, sự mô phỏng thực tại cũng tính nguyên bản,…như một tác phẩm nghệ thuật ‘thông thường’. Nhưng nếu xem nghệ thuật như một sự thực hành văn hóa, ta sẽ nhận ra được những sự phản tư về các định chế nghệ thuật mà Fountain nhắm đến. Nó khiến người ta phải suy tư lại về bản gốc –bản sao cùng chất liệu để tạo thành tác phẩm nghệ thuật (không còn dùng các chất liệu thông thường của mỹ thuật (fine art) để mô phỏng các vật dụng thường ngày, mà dùng chính vật dụng thường ngày để tạo ra tác phẩm), tức nó thuộc một khái niệm ‘nghệ thuật’ khác, gọi chung là ‘nghệ thuật đương đại’ và cần một hệ tham chiếu khác để đánh giá.
    • Nói như vậy để thấy rằng, trong clip trên, giáo sư Robert Florzack vẫn còn đang cố gắng tiếp cận những tác phẩm thuộc hệ hình mới bằng bộ tiêu chuẩn của hệ hình cũ, như ông có chỉ ra ba tiêu chí là: uyên bác (profound), truyền cảm hứng (inspiring) và đẹp (beautiful). Vì không nhận ra được bối cảnh và mục đích mà các tác phẩm nghệ thuật đương đại (comtemporary art) nhắm đến, nên Robert Florzack đã đơn thuần thấy chúng thật ‘ngớ ngẩn, vô nghĩa và đầy sỉ nhục’, xem chúng như biểu hiện cho một sự thoái hóa của nghệ thuật. Chẳng hạn, tác phẩm Petra của Marcel Walldorf (2010) chỉ đơn giản được Florzack nhìn nhận như bức tượng một phụ nữ trong trang phục quân đội đang đi vệ sinh mà không nhận ra được những khía cạnh văn hóa của nó. Trình hiện khoảnh khắc cực kỳ đời thường của một nữ quân nhân trong trang phục đàn áp biểu tình, tức những con người xưa nay vẫn hiện lên đầy lạnh lùng, thô bạo, là hiện thân của quyền lực/ sức mạnh, tác phẩm cho chúng ta thấy được khía cạnh con người (human being) và tính dễ tổn thương (vulnability) của những người ta vẫn quen tưởng là lạnh lùng, vô tri[1]. Một loạt các tác phẩm nổi tiếng khác cũng chỉ được Florzack đánh giá trên những tiêu chuẩn về hình thức, chất liệu mà không hề được đề cập đúng đến ý nghĩa và những thực hành văn hóa mà nó mang lại.
    • Một điểm thứ hai cũng cần phải xem xét thêm, đó là về niềm tin của Robert Florzack về ‘tiêu chuẩn phổ quát về chất lượng của nghệ thuật’(universal standards of quality), hay giá trị của tác phẩm nghệ thuật tồn tại một các ‘khách quan’, bên ngoài những thiên kiến cá nhân.

Điều này mang đậm tinh thần của Descart và một vị triết gia hậu bối khác là I. Kant. Tuy nhiên, một loạt các cặp nhị nguyên từ thời Descart, trong đó có cặp chủ quan –khách quan (subjectivity-objectivity) đã bị các nhà thông diễn học thế kỷ 20 xét lại tận gốc, tiêu biểu là M. Heidegger và hiển ngôn nhất trong lĩnh vực mỹ học là G. Gadamer. Trong kiệt tác Chân lý và Phương pháp (Truth and Method), Gadamer cho rằng, khái niệm ‘khách quan’, đặc biệt là khách quan trong tiếp nhận nghệ thuật là điều không tưởng. Vì mỗi cá nhân đều quan sát tác phẩm từ một chân trời (horizon) nào đó, tức toàn bộ không gian sử tính, Gadamer cũng gọi là truyền thống, bao quanh cá nhân từ khi sinh ra và ảnh hưởng đến sự đánh giá tác phẩm, tức những chân lý được rút ra khi tiếp nhận tác phẩm nghệ thuật. Và vì sử tính, chân trời của mỗi cá nhân là điều cực kỳ riêng biệt, nên sẽ không thể nào có một định giá chung phổ quát, hay nói khác đi, là chân lý thường hằng cho mọi cá nhân. Lý thuyết trên của Gadamer gây được ảnh hưởng rộng rãi trong phê bình nghệ thuật, trong văn học là trường phái Mỹ học tiếp nhận Konstanz.

  • Do vậy, quan điểm của giáo sư Robert Florzack về sự thoái hóa của nghệ thuật trong clip trên là chưa hợp lý. Nghệ thuật không tệ hại đi, nó chỉ đang triển hạn những khả thể khác của chính mình. Và để có thể nhận ra điều này, phải cần đến một sự cởi mở và sẵn sàng tìm để hiểu cái Khác ấy.

[1] Why is modern art so bad? https://emmitsburgartscene.wordpress.com/2016/05/22/why-is-modern-art-so-bad-robert-florczak/ (truy cập 30/9/2018)

*

Bài viết của Đinh Thu Trang – lớp CLC K65

Viral video- Khi cách khai thác chủ đề là một nghệ thuật

Tôi xem video “Why is Modern Art so bad ?” (tạm dịch: Tại sao nghệ thuật Hiện đại lại tệ đến thế ?) của Robert Florczack lần đầu vào năm 2015, khi lướt tìm những video với dung lượng vừa phải, cùng một cái title đủ ấn tượng để học hỏi và thư giãn, hoàn toàn không liên quan tới mục đích đánh giá sâu sắc về vấn đề. Ấn tượng đầu tiên của tôi là cách Robert Florczack thể hiện quan điểm của mình: trực quan- “gây bão” và pha chút châm biếm. Đặc biệt, việc lựa chọn các tác phẩm và thí nghiệm về chiếc tạp dề của ông có khả năng lôi kéo sự chú ý và đồng thuận tự nguyện, đặc biệt trong thời buổi lên ngôi của sự “nhại”.

Về cá nhân tôi, bên cạnh sự khâm phục với cách thể hiện ý tưởng, quan điểm của Robert Florczack đưa ra không đủ sức thuyết phục.

Chuẩn mực và sự hoàn hảo- những thước đo không phải tuyệt đối

Thực chất, sự đối đầu, chống lại những chuẩn mực cổ điển trong nghệ thuật không chỉ nằm trong ranh giới của hội họa, và cũng không phải tới thời của những nghệ sĩ trường phái Ấn tượng mới nảy sinh như Robert Florczack đề cập. Sự thể nghiệm nghệ thuật luôn là cái không thỏa hiệp, không chính thống. Nhưng truyền thống bao giờ cũng mạnh, và khi đánh giá về cái mới, không tránh khỏi sự đối chiếu.

Nhưng sự so sánh mà Florczack đặt ra không thuyết phục trước hết ở sự chủ quan, phiến diện trong cách chỉ ra những đặc trưng của nghệ thuật cổ điển và hiện đại.  Khi nói tới những chuẩn mực cổ điển, ông dùng những từ ngữ như: “sâu sắc”, “truyền cảm hứng”, “hoàn hảo” trong khi với nghệ thuật hiện đại là: “khác biệt”, “xấu xí”, “ngốc nghếch”, “vô nghĩa”.  Vấn đề ở đây là, liệu ta có thể có một chuẩn mực hoàn hảo, một thước đo tuyệt đối trong đánh giá về nghệ thuật thị giác ? Một bức tranh khỏa thân nằm giữa ranh giới rất mong manh của nghệ thuật và khiêu dâm, hội họa ở thời nào cũng có những tiếp nhận trái chiều. Độ lùi thời gian và sự đóng khung của viện bảo tàng góp phần rất lớn tới việc định hình giá trị của một tác phẩm nghệ thuật, nhưng không đồng nghĩa những giá trị cổ điển sẽ mãi giữ nguyên ngôi vị của mình trong tiến trình nghệ thuật.

Tiếp đến là cách ông đưa ra những ví dụ trực quan chứng minh cho ý kiến của mình. Liệu có công bằng khi đưa ra những tác phẩm đã quá nổi tiếng của hội họa cổ điển với những thể nghiệm nghệ thuật hiện đại, cần một độ lùi thời gian nhất định để khẳng định giá trị. Thực chất, nghệ thuật hiện đại đã kéo dài từ những năm 1860, với những tên tuổi của Picasso, Monet, VanGogh,… Florczack có đề cập tới, nhưng khi lựa chọn tác phẩm để đối chiếu, ông khéo léo đưa ra những ví dụ gây tranh cãi. Nếu tìm hiểu, có thể thấy Holy Virgin Mary không phải một bức họa làm hoàn toàn bằng phân, và chất liệu sử dụng là phân voi (Florczack đã nhầm lẫn ở đây)- loài vật được coi là thiêng liêng trong văn hóa Zimbabwe- nơi họa sĩ lấy cảm hứng. Chỉ có vùng ngực trái của Mary sử dụng chất liệu này, với ý nghĩa tôn vinh khả năng sinh sản của người phụ nữ. Cái “mới” và “khác biệt” không phải luôn đi đôi với sự “xấu xí” và “vô nghĩa”. Có những tác phẩm có ảnh hưởng ở nền văn hóa này lại không được công nhận, thậm chí coi là xúc phạm ở nền văn hóa khác. Những câu chuyện của nghệ thuật, cần được lắng nghe trước khi đưa ra những phán xét.

Dù Florczack đã lên tiếng giải thích quan điểm của mình về cách đưa ra những tác phẩm hiện đại trong video của mình, rằng ông không phủ nhận câu chuyện của Holy Virgin Mary hay Petra, nhưng với ông, với bản chất là nghệ thuật thị giác, hội họa chân chính không cần một ngôn từ hay câu chuyện nào giải thích cho chính nó. Thế nhưng có ai đảm bảo nếu thiếu sức ảnh hưởng của ngôn từ phê bình, những tác phẩm hội họa kinh điển sẽ còn giữ nguyên ấn tượng với người thưởng thức hiện đại, với sự phát triển quá mạnh mẽ của nhiếp ảnh, của đồ họa vi tính ? Thậm chí ngay ở thời của mình, Mona Lisa cũng chỉ thực sự nổi tiếng khi thông tin về vụ đánh cắp được đưa lên báo chí ? Cách Florczack đang làm ở một mức độ nào đó, cũng là dùng ngôn từ định hướng người nghe về một thước đo nghệ thuật theo ý kiến chủ quan của mình.

Revival don’t go viral (  Tạm dịch: Sự hồi sinh không nhất thiết phải “gây bão”)

Điểm tích cực của Florczack là cách ông gợi dẫn những hướng giải quyết, những thay đổi có thể tạo ra bởi bởi “chúng ta”- những người thưởng thức nghệ thuật- một phần quan trọng trong tiến trình nghệ thuật.

Với tư cách một họa sĩ được đào tạo bài bản, mong muốn hồi sinh và lập trường ủng hộ cái cũ của ông có cơ sở, nhưng không nhất thiết phải được củng cố bằng việc phủ định cái mới hay phê phán nghệ thuật hiện đại/đương đại.  Ta có quyền tin vào nghệ thuật đương đại, với những triển lãm của các họa sĩ trẻ , sự hỗ trợ và phát triển của phương tiện đại chúng. Những tác phẩm đương đại hôm nay, hoàn toàn có thể trở thành kinh điển trong tương lai, tiếp tục được đặt lên bàn cân muôn thuở của cũ và mới.

Tiến trình nghệ thuật cần được nhìn nhận ở dạng số nhiều, với những góc nhìn khác biệt, và do đó, những giá trị của quá khứ có thể được phục hưng, nhưng cái mới cũng cần được đặt niềm tin. Tin và khẳng định sức sống của nghệ thuật đương đại trong tương lai, là một hành trình không dễ dàng.

*

Bài viết của Vũ Thị Kiều Chinh – lớp A -K65

Quan điểm của giáo sư Robert Florzack trong clip có thể được hiểu là: Có một thứ gọi là tiêu chuẩn nghệ thuật mang tính toàn cầu và có những thứ đang được xem là “nghệ thuật” hiện nay thì lại không tuân theo bất cứ tiêu chuẩn nào đã được định danh trong quá khứ. Trong những thứ phi “chuẩn mực” đó, với giáo sư, phần nhiều là rác rưởi.

Trong ý kiến “phân loại rác” này của giáo sư, tôi chỉ mong muốn được hiểu về khái niệm “tiêu chuẩn nghệ thuật mang tính toàn cầu”.

Với tôi, trước tiên, hai tiếng “nghệ thuật” bản thân đã là những kí tự được sử dụng trong một phạm vi không hề phổ quát. Một người trồng lúa như bà tôi, dù cả đời đã răn dạy chúng tôi bao điều (bà cho là) hay lẽ phải, nhưng theo ghi nhận của tôi thì bà chưa bao giờ dùng “nghệ thuật” để chỉ cho chúng tôi về thế giới khách quan. Đối với bà, sự mãn nhãn khi đứng trước một bức tranh của Davinci (nếu có) so với ngắm nhìn mảnh vườn hay cô gà mái trong chuồng đẻ trứng có lẽ cũng xấp xỉ như nhau hoặc kém hơn. Những thứ là “nghệ thuật” như người ta vẫn ngưỡng về vốn không phải bầu khí quyển cả thế giới cùng hà hít. Chúng được thai nghén, sinh nở và trưởng thành hoặc thậm chí chết đi trong một chiều kích không gian riêng, của những người có vẻ như hiểu biết về hai tiếng “nghệ thuật”. Những người này thường thì là “có ăn có học”. Và cuộc tranh luận về ý kiến của Robert Florzack, nếu có người tham gia, chí ít họ cũng phải là những người có kĩ năng nghe-hiểu một vài cái tên tiếng Tây mà người nói đề cập.  Tất nhiên bà tôi dù không thể dùng thuật ngữ “nghệ thuật” một cách nhuần nhị, tự nhiên nhưng bà cũng đã từng ngồi trong sân đình nghe tuồng chèo, ngâm ca dao, hát quan họ, … Các môn nghệ thuật từ thứ nhất đến thứ bảy len lỏi vào đời sống, ai cũng từng nhiêu lần va quệt qua, nhưng công cuộc “bàn về nghệ thuật” thì có tính tuyển chọn cao. “Nghệ thuật” cho “mọi người” nhưng “mọi người” không phải ai cũng có thể nói về “nghệ thuật”.

Vậy thì loại bà tôi ra, ta quay lại với sân chơi nhỏ hơn của những người biết về “nghệ thuật”. Robert Florzack bày tỏ sự nuối tiếc của mình trước công sức của bao thế hệ đi trước đã xây dựng nên bộ nguyên tắc để phân loại “nghệ thuật” với “rác rưởi”, giờ công cốc. Ở đây, với nhãn quan của một vị giáo sư Tây phương, ông đưa ra hoàn toàn là những dẫn chứng về nghệ thuật cổ điển của phương Tây và với ông, đó là dẫn chứng của nghệ thuật đích thực (công bằng là ông cũng lấy dẫn chứng về “rác rưởi” từ phía Tây). Người Á Đông như tôi từ khi sinh ra đã quen được dạy cách nhìn la bàn và đi về hướng Tây nên tôi sẽ không cố tranh luận với giáo sư rằng tại sao ông không cho chúng tôi lấy một slide để trưng bày một mặt trống đồng tinh xảo của mình. Rõ ràng, cái gọi là “tiêu chuẩn nghệ thuật” được vẽ ra bởi bàn tay của một số người, họ có ảnh hưởng, có một thứ quyền lực nào đó như quyền lực từ phương Tây chẳng hạn. Khi một nguyên tắc nào đó được ra với đủ sự thuyết phục và khuất phục với số đông bỗng nhiên nó trở thành “chuẩn mực”. Nói như vậy, “chuẩn mực” có vẻ như thật khó ưa vì nó thật thiếu tự nhiên nhưng nó lại cũng dễ ưa vì thực tế, nhờ có những người dang tay vun đắp “chuẩn mực nghệ thuật” mà bao nhiêu người chúng ta có cái để víu vào mà biết đâu là cái đẹp để thấy vui, đâu là cái xấu để phê bình. Nhờ thế mà cuộc sống trở nên “văn minh” hơn.

Vậy thì lại chấp nhận là cần có một chuẩn mực để ta còn có công việc là thưởng thức và phê bình nghệ thuật như đang làm. Robert Florzack so sánh sự cần thiết của “tiêu chuẩn nghệ thuật” như với luật trong thể thao, nếu anh ngã sóng xoài trên sân trượt băng thì không ai cho anh điểm. So sánh là tương đối, nghệ thuật và thể thao thật sự có những sự “lệch pha” nhất định. Trong thể thao, người ta đo lường bằng những giới hạn có tính chất lí tính, sự đúng luật hay phạm quy trên một sân bóng có thể được quan sát bằng mắt thường hoặc camera. Nghệ thuật chơi trên một cái sân khác, xa lạ hơn, nó bắt đầu từ tưởng tượng của người nghệ sĩ và đích đến là tưởng tượng của người thưởng thức. Đó là sân chơi của cảm xúc. Ban đầu chưa có cái gọi là nghệ thuật, người săn bắt hái lượm bắt đầu sáng tác thần thoại với nhu cầu được giải thích về thế giới xung quanh, dần dà, con người nhận ra có thể sử dụng những câu chuyện để đào sâu vào tìm hiểu bản ngã hay bộc lộ cái tôi, hoặc là bán ra thị trường để kiếm thêm tiền ăn ngon vào cuối tuần. Dù một tác phẩm văn học được sử dụng theo mục đích trấn tục hay thiêng liêng, về cơ bản cũng là để thỏa mãn một “dục tính” nào đó của con người. Trước kia, “dục tính” đó có thể là mong muốn được nhìn thấy những thứ giống y như thật hoặc đẹp hơn thật. Người ta từng sững sờ khi người nghệ sĩ có thể tạc ra một bức tượng người mà tỉ lệ đúng tới từng mi-li-mét, các đường nét trên cơ thể đều hoàn hảo và gương mặt của tượng thì hài hòa và đẹp theo đúng chuẩn hiện hành. Bây giờ, khi những sự “giống như thật” đã đạt tới đỉnh, “dục tính” thay đổi, họ mong muốn những thứ có khả năng khơi gợi ở một khía cạnh khác, chúng có thể méo mó, có thể cồng kềnh, có thể xô lệch, nhưng đọng lại được một ấn tượng cá biệt. Nhiều người từng nói Chipu làm thương mại, không làm nghệ thuật. Nhưng nếu nhìn vào những con số lượt xem trên Youtube thì Chipu về cơ bản là đáp ứng được một thứ gần với “chuẩn toàn cầu”. Robert Florzack cho rằng cần một tiêu chuẩn khách quan phân định chất lượng nghệ thuật. Nhưng “khách quan” đến bao nhiêu là đủ, khách quan đến từ giới phê bình nghệ thuật ngồi trong này hay lớp công chúng đông đảo đi lại nói cười ngoài kia?

Vậy thì có thể sẽ không có cái gọi là “rác rưởi” như Robert Florzack phân loại, chỉ có “nghệ thuật” với một nền dân chủ tự do vô tận. Điều này chắc chắn sẽ đem lại sự bất an cho chúng ta, những người vốn “rịt hơi” những chuẩn mực để dễ sống, vừa muốn mà vừa sợ tự do. Rác xịn sẽ lần với rác dởm (trong trường hợp chúng ta muốn giữ mã gen “phân loại”). Trong thời buổi khó khăn này, tôi mới chỉ tìm ra một cách “vượt khó” là cứ để mặc cho thời gian kiến tạo mọi thứ. Lịch sử là một quá trình sáng tạo và đào thải. Một cái mới trồi lên bao giờ cũng khó khăn và chật vật, nếu nó đủ khỏe mạnh và đề kháng cao, nó sẽ tồn tại hoặc cũng có thể “ba trăm năm lẻ nữa” mới có người biết nó đẹp và muốn phục sinh nó. Đứng trước “nghệ thuật” giờ đây tôi chỉ biết cảm nhận bằng cảm tính đã được nhúng trong một thùng thuốc nhuộm pha chế bằng rất nhiều diễn ngôn.

*

Bài viết của Đặng Thanh Hiền – lớp B-k65

Có hay không sự tiến bộ trong nghệ thuật? Để trả lời câu hỏi này, trước hết cần phải định nghĩa: Thế nào là nghệ thuật? Có nhiều quan điểm về cái gọi là nghệ thuật nhưng chung quy đều gặp gỡ nhau ở mệnh đề: “Nghệ thuật là vật thể có tính thẩm mỹ (hay nghệ thuật là cái đẹp)[1]. Hàng thế kỉ trôi qua nhưng cuộc tranh luận này vẫn chưa ngã ngũ bởi lẽ nghệ thuật không hoàn toàn là một phạm trù vật chất hay tinh thần. Tác phẩm nghệ thuật không chỉ tác động trực tiếp đến các giác quan của chúng ta bằng đường nét, hình khối, màu sắc, chất liệu,… mà còn khơi gợi suy tư trong tâm trí ta. Nói vậy tức là, tính thẩm mỹ (cái đẹp) trong nghệ thuật là một đặc trưng cảm tính và biến thiên.

Để đối thoại với quan điểm của GS. Robert Florczak, tôi sẽ đặt nghệ thuật trong sự đối sánh với khoa học.

Nghệ thuật Khoa học
Mục tiêu Tạo ra cái khác

(Art makes different things)

Tạo ra cái tốt hơn

(Science makes better things)

Nhu cầu Thưởng thức Sử dụng
Tính chất Cảm tính Lý tính

Khái niệm “tiến bộ” (progress) thường được sử dụng trong lĩnh vực khoa học, để chỉ sự phát triển đi lên hay cụ thể hơn, là nỗ lực cải tiến các sản phẩm khoa học sao cho ngày càng thuận tiện đối với người sử dụng. Trong khi đó, tham vọng của nghệ thuật là tìm ra các cách diễn đạt khác về thế giới (cả vật chất lẫn tinh thần) nhằm thỏa mãn nhu cầu thưởng thức của con người. Không thể đặt hai bức tranh phản ánh cùng một chủ đề nhưng ra đời trong hai giai đoạn lịch sử khác nhau lên bàn cân xem bức nào TỐT hơn. Sự đánh giá ở đây, nếu có, hẳn chỉ là “Tôi thấy bức tranh này ĐẸP hơn” mà cái đẹp, như đã nêu trên, thuộc về phần cảm tính. Vậy, thay vì dùng cụm từ “tiến bộ trong nghệ thuật”, tôi ưa cách diễn đạt “thay đổi trong tư duy nghệ thuật” hơn. Chẳng hạn, ta có hai bức tranh cùng miêu tả người nữ khỏa thân:

Kết quả hình ảnh cho bathsheba rembrandt

Bathsheba (1654), Rembrandt van Rijn

Seated Kết quả hình ảnh cho Seated Bather (1930), Pablo PicassoBather (1930), Pablo Picasso

 

Bằng trực quan, có thể nhận thấy sự tương đồng giữa hai bức tranh là tư thế ngồi khỏa thân của người nữ. Tuy nhiên, sự khác biệt trong tư duy nghệ thuật dẫn đến cách tạo hình của hai nghệ sĩ không giống nhau. Rembrandt theo phong cách Baroque – đặc trưng là “ánh sáng phóng đại, cảm xúc mãnh liệt, thoát khỏi sự kiềm chế”[2]. Vì thế trong Bathsheba, người nữ hiện lên gần như chân thực qua những đường nét tròn trịa, tông màu trắng sáng tương phản rõ rệt với nền tối sẫm của không gian phòng tắm. Trái lại, Picasso – một đại diện của trường phái Lập thể – lại miêu tả người nữ khỏa thân trong Seated Bather bằng những hình khối phân mảnh khác nhau nhằm đồng thời tái hiện nhiều góc nhìn khác nhau và vì thế, sản sinh vô số phiên bản người nữ trong tâm trí người xem.

Mỗi nghệ sĩ có tư duy nghệ thuật riêng xuất phát từ những nguyên cớ riêng và cho ra đời các tác phẩm nghệ thuật riêng. Vậy phải chăng quan điểm của giáo sư: “Cần phải khôi phục các tiêu chuẩn thẩm mỹ cổ điển” là sự đóng khung nghệ thuật? Tôi không cho là vậy nhưng cũng không hoàn toàn đồng tình với nhận xét rằng nghệ thuật đương đại thể hiện sự xuống cấp của các tiêu chuẩn thẩm mỹ. Tôi nghĩ nghệ sĩ ở bất cứ thời đại nào cũng khát khao diễn giải thế giới bằng nhiều dạng thức. Bởi lẽ những thể nghiệm độc đáo trong nghệ thuật góp phần nới rộng các chiều kích nhận thức của con người cả về mặt vật chất lẫn tinh thần.

[1] all-art.org, Art through the ages

[2] Wikipedia

Văn học có thể nói gì với chúng ta về kẻ khác?

snow

Ở Werhoneshire nơi tôi sống trời lạnh và nhiều sương, nhưng không đủ lạnh và đủ nhiều sương để ôm ấp mãi nỗi buồn trong tôi. Đêm qua tôi nằm cuộn mình trong tấm chăn cũ ở trước bếp củi, ấm vì rượu và than, nghĩ về những ngày tôi ở viện tâm thần, đêm đọc thơ cho các bạn cùng phòng, thơ của John Clare, thơ của Ezra Pound, thơ của Theodore Roethke, thơ của Robert Lowell, độc là những người điên, và đôi khi cho y tá của tôi, người có bàn tay đẹp và đeo nhẫn cưới, khi cô chịu nghe. Bàn tay đẹp là một chi tiết để kể, nhưng tôi không thích bàn tay đẹp. Tôi thích bàn chân đẹp. Rồi tôi nhắm mắt và trong mơ tôi thấy mình giết một trong những người yêu cũ của tôi và thả xác trôi sông. Tôi biết ở đây không có xác thì không có tội phạm, và người ta không tìm thấy cô. Trong giấc mơ tôi không thấy có lỗi—mơ là cách duy nhất để thở. Ở một thế giới khác tôi sẽ là một cô gái bị cưỡng hiếp bởi người cô yêu, và ở thế giới này tôi là kẻ mang trong mình một kiểu tội lỗi như của người đàn ông ấy. Có lẽ một lần ngồi chờ tàu đến để lao mình xuống đường ray, thay vì quăng xác thân này, tôi đã đẩy một người khác xuống. Tôi tỉnh dậy tự hỏi mình đã nằm bao lâu. Người tôi bị cắt làm đôi bởi một dải nắng rọi vào qua khe nứt trên tấm ván mà tôi dùng để bịt cửa sổ. Nó làm tôi hoảng loạn. Tôi mở cửa nhà và tim tôi đau nhói. Màu xám không còn và sương đã tan, bầu trời mở ra và không gian quá rộng. Tôi đọc Annie Proulx và nghĩ rằng mình sẽ là một nhân vật hoàn hảo trong những câu chuyện Wyoming của bà. Nhưng tôi không thể nào bơi qua một đại dương để bước vào khung cảnh ấy. Tôi sẽ đi về phương Bắc, đến một nơi nào đó có đường vĩ cao hơn, và bởi vì tôi không biết thế nào là đủ, tôi sẽ bước đi mãi cho đến khi thấy mình ngập trong tuyết và đêm. Trong cái lạnh, bộ não của con người sẽ không còn hoạt động bình thường. Một số người, trong cơn ảo giác, vì rối loạn chức năng ở vùng dưới đồi, sẽ tưởng rằng họ đang nóng và cởi áo quần ra, làm họ thêm mất nhiệt và tiến nhanh hơn đến giai đoạn cuối cùng. Họ sẽ bới bằng tay một cái hố tuyết và chui vào trong đó, họ sẽ tự chôn mình như thế, và họ sẽ ra đi trong niềm an ủi không thật của riêng mình.

“Werhoneshire” – Nguyễn Huy Hoàng

*

Tôi đã sử dụng văn bản trên của Nguyễn Huy Hoàng, một người tôi chưa từng gặp, từng biết ngoài đời nhưng ngày nào cũng theo dõi facebook của anh, nơi tôi đọc được nhiều những bản dịch và những bài viết rất thú vị của anh, làm bài tập cho sinh viên lớp mình dạy. Yêu cầu đầu tiên của bài tập: xác định thể loại cho văn bản ấy, một yêu cầu có thể làm cho bản thân tác giả không thoải mái, vì sáng tác luôn là hành vi thách thức mọi sự phân loại theo những khuôn khổ đã sẵn có. Yêu cầu thứ hai – và đây là điều tôi mong đợi được đọc nhất từ bài làm của sinh viên: Bạn có thể cảm nhận điều gì từ văn bản này? Văn bản của một tác giả xa lạ, và nhất là nó lại biểu đạt một thế giới nội tâm mà sự khó hiểu của nó dễ làm nản lòng sinh viên.

*

Cá nhân tôi cho rằng Hoàng chính là một người viết thơ cực kỳ đáng đọc. Và có lẽ anh cũng không thích người ta phải chú ý nhiều đến những gì mình viết. Rất có thể hành động của tôi, khi dùng bài thơ của anh làm đề bài cho sinh viên, và ngay cả lúc này, khi viết về nó, sẽ làm cho thế giới vốn yên tính của anh bị xáo trộn. Là người yêu sự yên tĩnh, tôi hình dung về khả năng gây thương tổn của mình cho một người lạ.

Nhưng chẳng hiểu sao văn bản mà Hoàng viết ám ảnh tôi rất mạnh, và thực sự tôi muốn nói về nó với những bạn trẻ theo học. Rằng qua đó, chúng ta cùng xác nhận một ý nghĩa của văn chương: Đó là một kênh để ta có ý niệm với kẻ khác, và không chỉ dừng lại ở ý niệm, nó còn khơi gợi một khao khát được lắng nghe, được chia sẻ tiếng nói của người khác. Con người có thể sống vắng Thượng đế, nhưng không thể thiếu được Kẻ khác – nhà nghiên cứu Tzevtan Todorov đã nói đại ý vậy.

Ý niệm về “kẻ khác” không chỉ là một ý niệm dễ loại hình hóa: đó là một kẻ thuộc nhóm thiểu số, đó là một người dưới đáy xã hội, đó là một thân phận là nạn nhân của hoàn cảnh nào đó… Văn học, cố nhiên, luôn trổ cánh cửa để ta nhìn ra được những thân phận, những đời sống dễ bị vô hình hóa, dễ bị làm cho câm tiếng. Nhưng quan trọng hơn, văn học không ngừng cho ta thấy mỗi cá nhân là một thế giới tinh thần phức tạp. Sự đối diện của con người với những vực thẳm nội tâm luôn là một chiều kích gai góc nhất, nhức nhối nhất nhưng rất cần được kẻ khác đồng cảm. Tôi tin là thế.

Bài thơ của Hoàng, với tôi, là một kinh nghiệm vực thẳm. Nhân vật trong bài thơ đối diện với sự phân mảnh của bản ngã, cùng lúc anh ta thấy được bóng tối của bản thân, thấy mình muốn hủy hoại, muốn bạo hành bản thân và kẻ khác mà cũng vừa thấy mình yếu đuối, đau đớn, muốn được bao bọc, cho dù là trong tuyết lạnh. Sự khủng hoảng nội tâm ấy khó cắt nghĩa thấu đáo bằng bất kỳ một kinh nghiệm duy lý nào, ngay cả những kinh nghiệm tâm lý học. Và cũng vì vậy, nó hoàn toàn nằm ngoài những kết luận về mặt đạo đức. Mà đúng hơn, nó chối từ những kết luận dễ dàng. Toàn bộ những trải nghiệm không thể nói được bằng ngôn ngữ thông thường này chính là phần sâu thẳm nhất, bộn bề nhất của tinh thần con người. Sẽ khó có thể nói “tôi yêu con người” nếu như ta ngoảnh mặt trước cái phần sâu thẳm, bộn bề, khước từ thẩm quyền phán xét, khước từ tư duy phân loại đánh giá ở mỗi chúng ta. Mỗi kẻ khác đều làm ta cần nhẫn nại hơn. Mỗi kẻ khác đồng thời là cơ hội để ta nhìn vào họ mà thấy thêm ta.

*

Không có nhiều bài làm của sinh viên cảm thấy hứng thú trước câu hỏi của tôi. Tôi lường trước được điều đó. Có một số bài viết mà tôi đọc ra ngay sự đối phó của sinh viên, như thể ông thầy đúng là rỗi hơi, bắt mình đi cảm nhận mấy dòng của một kẻ tự nhận mình là điên. Mà rồi hiểu một kẻ tự thấy mình là điên để làm gì? Giá như anh ta là một nạn nhân xã hội nào đó, rất có thể mọi thứ trở nên dễ hiểu hơn.

Không, kẻ khác trong văn học luôn thách thức nhu cầu thu hẹp con người lại, giản đơn hóa con người đi, để dễ nắm bắt, thâu tóm. Hàm ẩn đằng sau hành động đơn giản hóa con người rất có thể là nhu cầu muốn thống lĩnh con người. Văn học, xa lạ với khát vọng thống lĩnh ấy, bởi thống lĩnh cần đến một vị thế đứng bên trên con người.

Thật may, trong những gì tôi nhận được về, tôi đã đọc được những nỗ lực của các em, và hơn hết, ở các bài viết ấy, tôi đọc ra được một suy nghĩ: kẻ lạ kia mang đến cho chúng ta một điều bí ẩn, và điều bí ẩn có thể giúp ta hiểu chính ta hơn. Ta ở trong kẻ lạ ấy. Kẻ lạ ấy làm phong phú thêm những gì ta tưởng như đã biết về con người. Và tôi xin giới thiệu một vài cảm nhận của sinh viên ở đây và tôi tin các em đã có một trải nghiệm ý nghĩa khi tìm hiểu nội tâm của một người lạ

*

Bài viết của Vũ Thị Kiều Chinh

Bài viết ban đầu đem đến cho tôi hai câu hỏi: Sao lại muốn giết người yêu? Sao lại phải chết nhọc công như vậy? Hai ý nghĩ được ngăn ra bởi sự tỉnh giấc của nhân vật, như một cái đập chia đôi dòng suy tưởng: mơ và thực, hệt như cách “tôi” miêu tả: “bị cắt làm đôi bởi một dải nắng.” Hai câu hỏi đó, với tôi, cũng giống như việc bị cắt đôi nhưng vẫn là trên một cơ thể, có thể tựu chung lại ở một câu hỏi lớn hơn: Như thế nào để sống?

Ở một phân mảnh trong ý thức, nhân vật muốn làm những điều “ác”. Giấc mơ là sự phản ảnh của những thứ trong hiện thực. Thậm chí, mơ còn thực hơn cả thực, vì trong mơ, người ta không bị kiềm tỏa bởi những thứ gọi chung là “trật tự xã hội.”, như chính “tôi” thừa nhận: “mơ là cách duy nhất được thở.” Và biểu hiện “được thở” rõ ràng nhất là “tự do”. Trong mơ, “tôi” được tự do bơi mình trong những suy nghĩ có vẻ méo mó, bệnh hoạn: giết người yêu cũ, cưỡng hiếp, đẩy một kẻ xuống đường ray; tôi được bộc lộ bản năng của tính tư hữu, nhục dục, lòng căm thù, … hay đơn giản là mong muốn tự nhiên: được làm điều ác hay những chuyện li kì. Ban ngày, người ta đã rào và quy định thế nào là chuẩn mực, … và đẩy những kẻ chạm vào ranh giới ra rìa. Và vì những lo âu “chạm vạch” nên thường thì ta cố thu mình lại, càng nhỏ càng tốt, nhưng ý nghĩ thì không mất đi, đêm đêm, chúng chồm lên kéo tay ta đi ra khỏi lằn ranh. Hoặc lí giải đơn giản hơn, cái ác quyến rũ ghê gớm, mà bản chất con người lại là hiếu kì, nên càng cấm thì càng muốn làm. Như vậy, có một cách để sống: dùng cái ác như một công cụ để khẳng định sự tự do.

Phân mảnh còn lại, nhân vật muốn đi về phương Bắc cho đến khi “ngập trong tuyết và đêm.” Các nhân vật trong những câu chuyện Wyoming của Annie Proulx sống cô lập trong cái lạnh nhưng ấm nóng với những lí tưởng, tình cảm. “Tôi” muốn sống như vậy, tức là sống một đời ý nghĩa. Và tính từ “ý nghĩa” còn gì rõ ràng hơn khi được minh họa bằng một hành trình đi tới một điểm nào đó hoàn bích đến khôn cùng. Sở thích của con người là chinh phục. Cho dù ý nghĩ đi tới nơi lạnh nhất và chôn mình nghe thật ngu xuẩn, nhưng nó vẫn là một ý nghĩ cao cả: tìm kiếm một thứ gì đó hoàn hảo theo nghĩa nào đó. Xưa nay có vĩ nhân nào lại không từ đam mê một cái gì đó vừa hoàn hảo vừa huyễn hoặc? Chạm được một thứ tuyệt đẹp có lẽ là niềm an ủi lớn nhất cho một đời sống cho dù nó không hề thật. Và có một cách sống: ôm một hoài bão, một giấc mơ thậm chí điên rồ.

Cách một khó ưa, nên để trong mơ. Cách hai dễ được thông cảm hơn, nên để trong tỉnh.

*

Bài của Phạm Thị Thái Phương

Có vài điều tôi chia sẻ cùng “Werhoneshire”, dẫu rằng tôi chưa bao giờ ở vào tình trạng phải nằm viện tâm thần. Thứ nhất là những giấc mơ đáng sợ. Những tình huống trong mơ của “tôi” rất bạo lực: khi thì giết người, cưỡng hiếp, khi thì tự sát, khi là hung thủ, khi là nạn nhân. Nếu nói giấc mơ là sự phản chiếu đời thực ta đang sống, thì cái thế giới thực của “tôi” quả là khủng khiếp. Cá nhân tôi thấy đây cũng là những vấn đề người trẻ tuổi quan tâm đặc biệt hiện nay, họ ít để tâm đến chính trị. Chính trị thì trừu tượng và có vẻ xa xôi quá, trong khi cá nhân đã quá nhiều bất trắc và lo âu phải đương đầu. Thứ hai là những cuốn sách mà “tôi” đọc. Thú thực là có nhiều cái tên tôi không biết, chúng kết chuỗi với nhau thành một thế giới tinh thần rất xa lạ. Không biết “tôi” đã đọc ở đó những gì, có giúp gì cho “tôi” hay cho những bệnh nhân cùng phòng với “tôi” hay không? Nhưng với cá nhân mình, tôi thấy sách vở đôi khi là một lực treo, treo người ta lên lơ lửng khỏi cuộc đời, rồi nhìn xuống: đôi khi là quá hời hợt tới ngu ngốc, có khi lại quá sâu vào bản chất đến nghiệt ngã, tóm lại là đọc xong một cuốn sách thì khó mà sống như cái tôi trước đó nữa, đọc càng nhiều sự thay đổi càng chồng chất, khiến sự sống không còn bình an. Sách, nhất là văn học, dù giả trang thế nào cũng không phải cuộc đời, nó chỉ là “những niềm an ủi không thật”. Thứ ba là đôi bàn tay đẹp mà “tôi” không muốn kể. Cảm nhận về cái đẹp của con người, là chủ quan hay khách quan thật khó nói, công việc ấy dành cho các triết gia ; còn “tôi”, chủ quan anh ta chọn chân đẹp mà chẳng có lí do gì – dù rằng về khách quan, anh ta có nhận ra vẻ đẹp của bàn tay cô y tá. Tiêu chí của cái đẹp có khi cũng vô lý y như bản chất của ngôn ngữ vậy: chẳng ai biết vì sao quả đu đủ lại gọi là quả đu đủ, như việc ai mà biết được vì sao “tôi” lại không thích tay bằng chân. Cố tình tìm một lí do thì có thể vì bàn tay ấy đeo nhẫn nên nó không đẹp nữa chăng? Như hoa trong chậu sao đẹp bằng hoa đại ngàn – cũng vô căn cứ nốt. “Werhoneshire” kể về một nhân vật có hoàn cảnh khá đặc biệt, nhưng những trải nghiệm tinh thần của anh ta thì lại khá gần gũi với đời sống tinh thần của giới trẻ đương đại, hay ít ra là với tôi.

 

Vũ Thị Kiều Chinh – Tinh thần tiểu thuyết trong truyện ngắn “Nguyễn Thị Lộ” của Nguyễn Huy Thiệp

Bài viết dưới đây là một phần từ bài điều kiện học phần “Tác phẩm và thể loại văn học” của bạn Vũ Thị Kiều Chinh, sinh viên K65, khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Khi chọn tác phẩm “Nguyễn Thị Lộ” như một case study để các bạn sinh viên tìm hiểu về tiểu thuyết như một mô hình thế giới quan, thực sự tôi đã không nghĩ xa và nghĩ sâu như những gì mà sinh viên của mình cảm nhận được. Và với tôi, đọc một bài văn mà trước hết, thấy ngay được sự suy nghĩ nghiêm túc, sự chăm chút cho câu chữ, sự mạnh dạn nêu lên quan điểm (cho dù có thể cảm tính, cực đoan chỗ này chỗ khác) luôn là điều làm tôi thấy ý nghĩa nhất của công việc dạy văn.

*

 

tranh-son-dau-hoa-dao (9)

Phẩm chất dễ thấy nhất của “tinh thần tiểu thuyết” mà Nguyễn Huy Thiệp đã trao cho truyện ngắn này của mình có lẽ là chất ngôn tình của nó. Còn có đề tài nào đời thường, trần thế và thực tại hơn một câu chuyện tình yêu với những cung bậc của nó từ lúc gặp gỡ, tìm hiểu, tìm hiểu sâu rồi về với nhau một nhà. Còn có nhân vật nào sống hiện tại hơn kiểu nhân vật trong khi yêu. Và vấn đề nhân vật hay sự kiện có được “thi vị hóa, lãng mạn hóa” lên không, nó chẳng còn nằm ở vấn đề thể loại nữa, vì bản thân, một câu chuyện tình yêu thì cái “thật” nhất của nó đã là cái “thi vị” rồi.

Đành rằng lựa chọn nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp đã mang cho mình ý niệm của “tiểu thuyết”, lấy những nhân vật lịch sử tưởng đã đóng băng trong quá khứ thành những tượng đài mà đập ra cho vỡ vụn, cho tan chảy để hòa với dòng chảy hiện thực, quyện vào nó. Ý đồ này bản thân nó đã thể hiện phương diện “tiểu thuyết hóa” lịch sử của tác phẩm, không nhìn nhận lịch sử như một cái gì bất động, đã xong xuôi mà sinh động, chảy trôi như cách vận động của mọi vật. Nhưng cá nhân tôi cho rằng, khi nhà văn đã quyết đưa cái huyền thoại ra làm chất liệu cho cái đời thường thì công chúng bạn đọc cần đọc nó trong mối tương quan với những cái đời thường khác, những thứ “tiểu thuyết” khác. Tức là không nhìn nhận cái hay, cái đặc sắc của tác phẩm nằm ở việc lựa chọn nhân vật và khía cạnh khai thách của tác giả, cho dù việc so sánh ông Nguyễn Trãi khi yêu với ông Nguyễn Trãi trong triều đình là một đề tài rất thú vị. Những thứ đó chỉ là bước đầu, cái khoảng không ở phía vành ngoài của một tác phẩm, còn khi bước vào tác phẩm, tôi mong muốn nói về Nguyễn Trãi đơn thuần như xét một con người bình thường, một hàng xóm hay một người bạn mang tên Nguyễn X. Và tác phẩm này, nếu có gì thú vị vượt lên trên cái vỏ thể loại “truyện ngắn” của nó, thì đó là thứ xuất phát từ những dị biệt cụ thể thật sự của một con người cá nhân Nguyễn X, chứ không phải vì đó là Nguyễn Trãi nên những suy tưởng đó tự nhiên trở nên hay ho, khác biệt.

Hơn một truyện ngắn với đặc trưng “sít sao”, “trùng khít” giữa nội dung và sự vận động của cốt truyện và tính cách, tác phẩm “Nguyễn Thị Lộ” trải ra nhiều hơn là những dòng suy tưởng của nhân vật, thứ đặc điểm tiêu biểu nhất của “con người nếm trải” trong tiểu thuyết. Những dòng suy tưởng có lúc là tâm trạng khi yêu của các nhân vật, nhưng rộng hơn việc trình bày, kể lể để biểu đạt những cảm xúc như vậy, thứ mà ta dễ dàng bắt được trong các tác phẩm ngôn tình thông thường, việc trình đó còn đem đến nhiều hơn về những quan điểm sống, những triết lí cá nhân về ý thức hệ riêng mình theo đuổi. Những cuộc đối thoại giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ được kể lại từ điểm nhìn của một ngôi thứ ba, lồng trong đó là những đối thoại của từng nhân vật từ điểm nhìn của mình với nhân sinh, với cuộc đời. Những đối thoại này mang nhiều những kinh nghiệm cá nhân của chính tác giả, hơn là những quan niệm có sẵn mang tính lịch sử, thời đại. Tôi thì bị hút vào những nội dung bên trong của cuộc trò chuyện hơn là cảm động bởi bởi cái bên ngoài rằng, đây là hai kẻ tri kỉ tâm ý tương thông.

Những cái bên trong đó trước hết là cảm quan về những lầm lẫn ở đời. Rằng những thứ đang có, đang hiện hữu như một cái nghiễm nhiên quanh ta đều là nhầm, đều là sai hết. Tất cả do bàn tay sắp đặt của một ai đó, một kẻ có quyền lực phía trên nào đó hoặc do một thứ trừu tượng như thể chế nói chung chẳng hạn, quy định ra. Những thứ đang tồn tại này phục vụ cho một mục đích thực dụng nào đó, nhưng thực dụng vẫn còn là có ý nghĩa hiểu theo một nghĩa nào đó, nhưng còn có những thứ còn vô nghĩa, trái khoáy, tệ hại nhưng vẫn ngông nghênh, nhâng nháo góp mặt. Những thứ đó tự dán cho mình những cái nhãn như “thành kiến xã hội”, “quy ước xã giao thông tục”, như “trật tự bầy đoàn”, như “đạo đức duy lý”. Những thứ đó bản thân chúng phần nhiều thuần túy là vật chất, đối lập với đời sống nội tâm cả hai nhân vật. Một kẻ như Nguyễn Trãi, xem trọng cái đẹp, cái nhân, trân trọng lý tưởng kết tinh lại trong quan điểm “đạo đức duy mĩ”. Một kẻ như Nguyễn Thị Lộ sống vô tư, không bị ràng buộc bởi những sợi dây tròng cổ mà xã hội đã chăng ra. Những cái lầm lần đó là tổng kết chung của cả nhân loại, không riêng gì một thời đại, rằng càng ngày, con người ta càng thích sống sao cho có lý nhiều hơn có nghĩa. Tức là cố gắng sao cho thật vừa khuôn, thật hợp lý với khung cảnh hơn là vượt ranh để chạm đến những cái đẹp, những cái cao cả. Vì sự thật là, làm cái gì vừa vặn bao giờ cũng dễ làm và dễ được thông cảm hơn làm những cái to lớn, đồ sộ.

Bên trong những câu chuyện đó, khi phát hiện ra cuộc đời là một mớ bùng nhùng với những lầm lẫn và lộn xộn, con người dễ lâm vào trạng thái tự thấy mình cô độc. Nguyễn Trãi tự ý thức được cái lạc loài của bản thân mình, ông ý thức được vị trí của mình nằm ở bên ngoài của cái vòng tròn vừa khít và trật tự kia. Nhưng con ốc nếu cứ yên tâm an phận trong một vỏ ốc của chính mình thì có lẽ nó sẽ chẳng bao giờ bị xâm phạm. Bi kịch của con người nằm ở chỗ, người ta biết mình đứng ngoài cuộc chơi, nhưng người ta lại khát khao đến hung hãn cái ước vọng được nhập vào cái vòng đó, không phải để hòa trộn, để sống vui vẻ, hòa đồng, mà là để phá tung nó ra, đảo lộn, thay đổi mọi thứ. Khi không đổi thay được, những lí tưởng tốt đẹp bị đánh trả, vùi dập không thương tiếc, tất yếu dẫn đến những tuyệt vọng. Và Nguyễn Trãi là phần trình bày cho bi kịch này. Càng đi xa, càng muốn hòa nhập tất cả, con người càng cảm thấy cô độc, lạnh lẽo. “Nàng biết ông đang chạy tế lên những hệ tư tưởng đương thời, vừa hung hãn, vừa tuyệt vọng.”

Những cái bên trong của câu chuyện chỉ ra nguyên nhân của bi kịch là từ bản chất nghiệt ngã của cuộc đời này, những xã hội mà thuyết vị lợi được coi như tôn giáo chính thống nhất. Khi những thứ gọi là “bi kịch cá nhân”, theo Lê Lợi, mãi mãi nó chỉ là của cá nhân, là những thứ nhỏ bé, không có giá trị. Không cần để mắt. Nguyễn Trãi nhìn ra, những cá nhân làm nên bản chất của quần chúng, từng cá nhân suy đồi có thể dẫn dụ quần chúng đi đến một bi kịch tập thể. Nhưng Lê Lợi chỉ sử dụng cá nhân như những miếng mồi ngon nhử một bầy đoàn khác, cá nhân đó không có giá trị hơn là một công cụ. Ở bất cứ xã hội nào không coi trọng sự tồn tại riêng biệt của từng cá nhân, thì khi anh có một hệ tư tưởng dị biệt, anh nhất định sẽ bị giam mình hoặc phải tự giam mình trong những căn phòng vàng vàng và ngập tối, thậm chí anh còn phải gói ghém nó lại ở một góc nào đó thật sâu, thật tối, và đừng mong có cơ hội thực hành lí tưởng.

Đối diện với những bi kịch đó, bên trong đối thoại giữa hai nhân vật hàm ẩn những giải pháp tạm thời. Khi rơi vào bi kịch của kẻ lạc loại và bị cự tuyệt, con người đơn giản cần tìm đến một người có thể ngây thơ, vô tư để được sống toàn vẹn với tất cả những tử tế và đạo đức của riêng mình. Cả hai nhân vật đều hiểu, nếu những suy nghĩ của Nguyễn Trãi không được “thở” ở một nơi nào đó, có có thể sẽ ngạt hơi, sẽ phân hủy, thối rữa trong tâm thức. Để bớt bi kịch bị tự phân hủy, con người cần ít nhất một kẻ đồng hành hiểu và lắng nghe mình. Ban đầu, Nguyễn Thị Lộ có thể không hiểu mục đích của Nguyễn Trãi khi đến với mình, nhưng việc chỉ cần trên đời còn sót lại tồn tại của một người, có thể là người cuối cùng hiểu được mình, đồng cảm cùng mình thì đời sống đó còn có chỗ để sống, những tư tưởng đó còn một tia hi vọng để thở.

Còn một thứ bên trong nữa tôi muốn nói cuối cùng: quan niệm về cái chết. Người chết nằm dưới nhiều lớp đất, không nói, hoàn toàn lặng im hoặc bị bắt phải lặng im. Nhưng có một thứ vẫn còn sống và chảy: những dòng hồi tưởng. Nguyễn Trãi có thể sinh nhầm thời đại, trên thực tế nếu coi quan điểm cuộc đời bản chất là sai thì việc sinh nhầm thời vẫn là đúng theo cái luật chơi này. Đúng ở chỗ cuộc đời phải đa diện, phải phức tạp nó mới làm nên được hình dạng của những con người tư tưởng, trăn trở. Và vẻ đẹp trong một thế giới hỗn độn có lẽ chính nằm ở việc người ta cứ buồn phiền mãi về những cái bất toàn trong đời sống này. Cơ thể vật lý của những suy tưởng có thể chết đi, nằm sâu dưới đất, nhưng cái linh hồn của những hồi tưởng thì vẫn âm ỉ chảy trôi như một mã gen ngầm, từ đời này qua đời khác, từ những con người này sang những con người khác.

Chính những cái đó mới làm nên một thứ “tinh thần tiểu thuyết” cho một tác phẩm.