Tag Archives: tiểu luận

Costica Bradatan – Cách để bơi ngược dòng. Về Diogenes

Diogène
Họa sỹ Junes Bastein-Lepage (1848-1884)
Sơn dầu trên vải (1873) (lưu giữ tại Musée Marmottan Monet, Paris)

Một lần, Diogenes[1], nhà tư tưởng theo chủ nghĩa yếm thế[2], đến nhà hát lúc một vở diễn đã hạ màn, thậm chí mọi người khác còn đang ra về. Khi có người, bởi khó hiểu vì hành động này, hỏi ông tại sao làm vậy, Diogenes đã đáp: “Đây là việc mà cả đời tôi đã làm.” (Câu chuyện này là một trong số nhiều giai thoại mà Diogenes, nhà Khuyển nho, đóng vai chính, được kể lại bởi Laertius[3] trong tác phẩm Cuộc đời của các triết gia lỗi lạc.)

Như mọi “giai thoại” (trong tiếng Hy Lạp cổ là chreia) về các triết gia yếm thế, có nhiều lớp nghĩa dồn nén trong đó.

Trước hết, đó là quan điểm về việc làm triết học như một màn trình diễn sống mà Diogenes là đại diện tiêu biểu, bên cạnh một số ít các nhà tư tưởng cổ đại và hiện đại. Theo quan điểm này, triết học không phải là một công việc lý thuyết thuần túy, một công việc suy tư và biểu hiện ra bằng những biệt ngữ khó hiểu, mà đúng hơn là một cách nhập vai hay tồn tại.

Khi muốn chứng minh một luận điểm triết học nào đó, Diogenes không chỉ sử dụng lời nói mà cả toàn bộ cơ thể của ông, sự hiện diện cảm tính của ông trong thế giới này. Để đưa ra một luận điểm, bạn cần phải thực hiện một bước đi- đôi khi theo nghĩa đen của từ này.

Một câu chuyện khác kể lại, khi có một triết gia cố gắng chứng minh trước một công chúng dễ bị đánh lừa, rằng “chuyển động không hề tồn tại,” Diogenes không nói không rằng mà “đứng lên và đi quanh” – đấy là phản đề tốt nhất có thể có được trình bày theo cách tiết kiệm nhất.

Rồi một dịp khác, ông ngang nhiên xin bố thí từ một pho tượng. Khi được hỏi tại sao làm vậy, ông đáp: “Để thực hành việc bị bác bỏ.” Khi đồng loại của chúng ta lạnh lẽo như những pho tượng ở Athens vào mùa đông, bạn có thể cho họ biết điều gì đó về lòng hảo tâm bằng cách giả vờ mong đợi nhận được nó từ đá.

Một phần quan trọng trong sự trình diễn của Diogenes chính là việc vứt bỏ nỗi ngượng ngùng một cách có tính toán. Ông làm những việc mà phần lớn người ta phải tìm mọi cách để giữ riêng tư ngay giữa nơi công cộng, một cách hân hoan, gây hiệu quả mạnh về phương diện tu từ, chẳng hạn như: khạc nhổ, gãi, đại tiện, tiểu tiện, thủ dâm. Không phải Diogenes là kẻ mắc chứng phô dâm nhưng hẳn là ông đã thấy đó là một chiến lược hiệu quả để nhạo báng những tập tục, quy ước của xã hội và phô bày tính chất phản tự nhiên của chúng (một nguyên lý trung tâm của triết học Yếm thế luận).

Tại một bữa tối mà Diogenes tham dự, “một vài vị khách đã quẳng vào chỗ ông mấy khúc xương, như cách người ta cho chó ăn.” Các quý ngài lịch lãm hẳn đã có dịp hả hê khi làm bẽ mặt nhà Khuyển nho. Tối ấy, khi đã muộn, “theo cách của một con chó,” chuyện kể lại, vị triết gia này “đã đái vào đám khách khứa lúc ông ta ra về.” Hãy cẩn trọng với những ẩn dụ mà bạn sử dụng vì chúng có thể ám quẻ bạn.

Việc chúng ta còn bàn về ý nghĩa của những hành động gây scandal của ông sau 23 thế kỷ cho thấy Diogenes có nhiều điều nghiêm túc đáng để suy nghĩ hơn là chỉ đơn thuần có mục đích gây sốc. Động cơ của Diogenes ban đầu có thể là tạo ra scandal, nhưng hóa ra nó lại dẫn đến những hệ quả sâu xa hơn.

Về phương diện này, Diogenes, dù không cố ý, đáng được coi là người sáng lập nên một trường phái vĩ đại về sự ngu ngốc hiền minh với những tên tuổi lừng lẫy đi theo gồm các ẩn sĩ Cơ đốc giáo, các sheikh trong Sufi giáo, và các thiền sư. Khi một kẻ “khờ ngu thần thánh” người Sufi, Nasreddin Hoja[4], một lần ngồi xoay lưng trên thân lừa, mọi người thắc mắc, lời đáp của ông như thể lặp lại lời của Diogenes: “Không phải tôi đang ngồi xoay lưng trên thân lừa mà con lừa đang nhìn nhầm đường đó mà thôi.”

Bằng cách thực hành triết học một cách đầy nhiệt hứng như vậy, Diogenes đã xác lập vị trí của mình trong dòng mạch mà Pierre Hadot[5] gọi là “triết học như cách sống.” Triết học cổ đại, theo Hadot, không phải là hoạt động tạo lập và truyền bá các văn bản mà đúng hơn là một quá trình chuyển hóa bên trong mà người học triết sẽ nếm trải khi họ cam kết với các ý tưởng.

Khi Hegesias[6] hỏi xin Diogenes một trong số ghi chép của ông, nhà Khuyển nho đã đáp: “Cậu đúng là con lừa, Hegesias! Vì cậu đã không chọn những trái vả được vẽ ra mà đòi trái thật; thế nhưng cậu lại quên đi cách rèn luyện thật sự, thay vào đó, lại đi đòi đọc sách vở này nọ.”

Không còn một văn bản viết nào của Diogenes (giả định là có thứ như vậy), điều dường như lại hợp lý. Quả thực, một Diogenes không để lại sách vở gì đã tỏa ra cùng một thứ hào quang và vẻ đẹp u sầu của những pho tượng cổ đại mất đầu hoặc các chi vốn vẫn luôn hấp dẫn chúng ta. Có gì đó đáng ngờ, nếu không muốn nói rõ ràng là giả dối, nếu ta nhìn một pho tượng cổ được bảo tồn hoàn hảo. Một Diogenes mà sách vở có thể lấp đầy kệ sách cũng có thể đáng ngờ như thế. Chính phần vắng mặt mới là thứ tạo ta cảm giác trọn vẹn ở đây.

Ở một cấp độ sâu hơn, những gì mà ta nhận thấy ở giai thoại Diogenes đi xem kịch chính là hình tượng một triết gia chuyên làm điều trái khoáy. Socrates sinh thời vốn nổi tiếng là người hay phản đối nhưng Diogenes thì có đi xa hơn thế. Không có gì làm ông có nhiều khoái cảm hơn là làm ngược lại tất cả những gì mà mọi người khác đều làm. Không có gì ngạc nhiên khi một lần được hỏi, “Thứ gì là tuyệt vời nhất trên thế giới này,” Diogenes đã trả lời: “Tự do ngôn luận.”

Trong thời đại của chúng ta, một thời đại của chủ nghĩa tuân thủ không có gì phải day dứt và xu hướng bầy đàn trở nên phổ biến, một ý thức dám làm những chuyện ngược đời như thế có thể chính là điều có thể cứu rỗi đời sống của chúng ta – về chính trị, văn hóa, tri thức và tinh thần. Thứ chủ nghĩa ngược đời này cho thấy còn có nhiều cách khác để hành động và sống trong thế giới này. Trong bất cứ xã hội nào, cũng phải có một vài người dám đi ngược dòng chảy của những lời đạo đức giả.

Chúng ta cũng có thể thấy ở vị triết gia Yếm thế luận này hình ảnh của một con người phi quyền lực. Đó là Diogenes, kẻ chịu lưu đày – một con người không quê hương, không có bất cứ quyền lợi và sự bảo vệ nào. Sau một vụ scandal liên quan đến tiền nong mà gia đình ông có lẽ đã dính líu, Diogenes bị trục xuất khỏi xứ Sinope-quê hương của ông và sống cả đời về sau tại Athens và Corinth. Ông luôn ứng xứ cứ như thể ông chẳng muốn bận tâm gì nữa. Khi có người nhắc ông về vụ scandal đó, ông bảo: “Nhưng nhờ vậy, anh bạn khờ khạo ạ, tôi mới trở thành triết gia!”

Khi người ta hỏi ông từ đâu đến, ông đáp lại hãnh diện: “Cosmopolites” (“Tôi là công dân của thế giới này”). Ông ta đã tạo ra từ ấy bằng cách trả lời như vậy.

Tuy nhiên, một câu chuyện khác kể với chúng ta nhiều hơn. Bất kể bao nhiêu chuyện oái oăm nực cười của ông, Laertius viết, người dân Athen vẫn dành một sự ngưỡng mộ đối với vị triết gia chuyên làm những điều trái khoáy ngụ cư tại thành bang của mình. Đó là lý do vì sao, “khi một cậu bé đập vỡ chậu rửa của Diogenes, họ đã cho cậu nhóc vài roi và tặng Diogenes chiếc chậu mới.” Không khó để hình dung vị triết gia này đã trở thành đối tượng của sự giễu cợt, tâm điểm của những chuyện đùa ngớ ngẩn, mục tiêu của những kẻ say sưa lúc đêm muộn – và ngay cả những cậu nhóc thành Athens cũng làm trò ác ý vô cớ đối với ông. Ông lúc nào cũng ở trong tình trạng của một kẻ đã sẵn sàng bị hiến tế. Bất chấp tất cả những gây hấn mà ông tạo ra, Diogenes là một kẻ không có gì để hộ thân.

Sự dễ tổn thương của Diogenes cũng là sự dễ tổn thương của bản thân triết học, khi nó được thực hiện một cách đúng đắn. Nó có thể trưng ra một diện mạo bướng bỉnh và hành động như thể chẳng bận tâm đến việc gì cả, nhưng về sâu xa, triết học cũng dễ vỡ như chiếc chậu của Diogenes. Và nếu tình trạng không có gì để hộ thân của Diogenes đã không ngăn ông dấn mình vào những hành động mạo hiểm để giáo dục công chúng thì cấu tạo mong manh của triết học cũng chẳng phải là lý do để nó ngừng châm chích đời sống này.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Costica Bradatan, “How to Swim against the Stream. On Diogenes, https://lareviewofbooks.org/article/how-to-swim-against-the-stream-on-diogenes/


[1] Diogenes (412 [404] – 323 trước Công nguyên), người được coi là triết gia sáng lập trường phái triết học Yếm thế.

[2] Cynic: Ở Việt Nam, “Cynic” có thể được dịch là nhà tư tưởng theo chủ nghĩa yếm thế (Yếm thế luận) hoặc các nhà khuyển nho. Trong bài dịch này, tôi sử dụng cả hai cách dịch để tạo sự sinh động cho hành văn. Yếm thế luận có thể được hiểu một cách cơ bản là một trường phái trong triết học cổ đại Hy Lạp. Các nhà tư tưởng theo trường phái này (Các nhà Khuyển nho) chủ trương mục đích của đời sống là đức hạnh, hướng tới sự hòa thuận với tự nhiên. Họ cho rằng con người có thể đạt được hành phục bằng hình thức trau dồi bản ngã một cách nghiêm khắc, dũng cảm vứt bỏ các khao khát thông thường của người đời về sự giàu có, quyền lực, danh tiếng, thậm chí công khai chế nhạo các quy phạm xã hội ấy. Đời sống mà họ hướng đến là một đời sống đơn giản, phi sở hữu.

[3] Laertius (chưa xác định năm sinh, năm mất), người ghi ghép tiểu sử của các nhà triết học Hy Lạp cổ đại.

[4] Nasreddin Hoja được biết đến như một sáng tạo của văn hóa folklore Hồi giáo từ vùng Balkan đến Trung Hoa, người nổi tiếng với những mẩu chuyện khôi hài, châm biếm. Mặc dù vậy, vẫn có ý kiến cho rằng ông là một nhân vật có thật trong lịch sử, sinh năm 1208, mất năm 1285, hiện còn di tích bia mộ ở Thổ Nhĩ Kỳ.

[5] Pierre Hadot (1922-2010), triết gia người Pháp, chuyên gia về triết học cổ đại.

[6] Hegesias (không rõ năm sinh, năm mất), tương truyền là một học trò của Diogenes.

Có chăng sự tiến bộ trong nghệ thuật? (suy nghĩ từ thực hành nghệ thuật của Ly Hoàng Ly)

Bài viết dưới đây thực chất là bài điều kiện của bạn Nguyễn Thanh Nguyệt, sinh viên K6, khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội trong học phần “Tiến trình văn học” mà tôi giảng dạy. Bài điều kiện yêu cầu sinh viên tự chọn một hiện tượng nghệ thuật để thảo luận quanh nhận định “Trong nghệ thuật không có sự tiến bộ”.

Điều làm tôi thấy công việc của mình ở trường đại học đôi khi còn chút ý nghĩa là mình vẫn còn có thể khuyến khích các em tò mò tìm hiểu về những cái mới, về những gì ở bên ngoài khuôn khổ giảng đường và có thể chẳng liên quan gì nhiều đến công việc giảng dạy phổ thông sau này. Người giáo viên, xưa nay, chưa ai đòi hỏi sự nhạy cảm với cái mới trong nghệ thuật như một tiêu chí cần thiết để làm nghề.

Bài viết của Nguyệt không phải không có những điểm chưa thuyết phục tôi. Nhưng tôi đọc được sự nhiệt tình, đọc được cả ý thức muốn thể hiện quan điểm và cả sự mẫn cảm cần thiết đối với cái mới trong nghệ thuật. Thiếu sự mẫn cảm này của công chúng, nghệ thuật đương đại ở Việt Nam hẳn sẽ thiếu đi một động lực nào đó trong môi trường hình như sáng tạo, tự do…đều có thể là những từ cần bị canh chừng.

Thầy trò chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý và chia sẻ từ mọi người để chúng tôi có thể hoàn thiện hơn những suy nghĩ của mình.

 

*

“Khi có người nhắc đến sự tiến hoá của một nghệ sĩ, tôi hay mường tượng rằng người đó coi anh nghệ sĩ kia như đang đứng giữa hai tâm gương quay mặt vào nhau, tạo nên vô vàn hình bóng của chính mình; và cho rằng tấm gương này phản ánh quá khứ, tấm kia là tương lai, còn anh chàng nghệ sĩ thật thì đang ở thời hiện tại. Chả ai thấy rằng tất cả đó chỉ là một hình ảnh, ở những bình diện khác nhau” (Picasso) [1]
—–
1. (Ảo tưởng) Về tương lai của nghệ thuật

Chúng ta đang sống ở thời đại mà nếu muốn tìm kiếm một niềm tin lạc quan vào tương lai và sự vươn lên mạnh mẽ, hãy nhìn vào sự phát triển của công nghệ: 10 đời máy Iphone được sản xuất và tung ra thị trường trong 8 năm khiến mọi chiếc điện thoại mới đều có nguy cơ trở thành lỗi thời sau vài tháng; và chắc chắn rằng những người kinh doanh hàng điện tự sẽ thật khó khăn để nhớ tên chiếc TV nào đang là đời mới nhất…Mỗi một phát minh của ngày hôm nay dường như đang tiến lên nhanh hơn cả con người, như một cuộc tháo chạy, những thứ đồ công nghệ mà con người sở hữu sẽ trượt khỏi lời ca tụng tân tiến ngay tức khắc. Tan vỡ và choáng váng trước những cái hiện đại không ngừng lấp lên cái cũ, nay chúng ta lại điềm tĩnh và có đôi chút buồn cười, khi ngồi lại giữa những mũi tên lao đi với tốc độ chóng mặt của đời sống, để nói về một câu chuyện trừu tượng và tưởng chừng phù phiếm hơn công nghệ rất nhiều, đó là sự tiến bộ của nghệ thuật.

Nếu tiếp tục đặt câu hỏi Nghệ thuật là gì?, hẳn chuỗi vòng luẩn quẩn truy tìm định nghĩa cho nghệ thuật sẽ lại tiếp tục được vẽ ra mà không bao giờ khép lại. Điều khiến chúng ta quan tâm ở đây là sự phát triển và tiệm tiến của nghệ thuật – và cái mà chúng ta đang gọi là tiến trình/quá trình (của nghệ thuật) liệu có phải là một chuỗi đi lên mang tên tiến bộ hay không? Mỗi một trào lưu, mỗi một phương pháp sáng tác, một cái tên, một thể nghiệm liệu có góp phần vào sự tiến bộ chung của nghệ thuật?

Tiến bộ (progress) là sự vận động đi về phía trước – nó gắn với ý niệm về sự đi lên, mới mẻ (so với trước đó) và tiên tiến. “Khái niệm tiến bộ nghệ thuật cần dược hiểu theo nghĩa là sự nâng cao, hoàn thiện loại hình và trình độ tư duy hình tượng, mở ra cho văn nghệ những khả năng to lớn trong việc nhận thức, khám phá, chiếm lĩnh thế giới hiện thực” [49;7]. Như vậy, sự tiến bộ – dù chưa thể giới hạn ở một mức độ cụ thể nào nhưng khi nói tiến bộ nghệ thuật là khi đó nghệ thuật phải có sự nâng cao, hoàn thiện và đi lên theo hướng tích cực xét trong lịch sử phát triển của nó.

Tôi sẽ làm một vài phép thử, hay đúng hơn là giới hạn lại ở một vài phương diện, để xem xét nghệ thuật đã “tiến bộ” như thế nào trong hành trình phát triển của nó. Trước hết, nghệ thuật có sự tiến bộ phải chăng chính là khi nó nắm trong tay khả năng tác động tích cực tới các lĩnh vực khác? Đừng quên một Lev Tolstoy đã nhẫn nại viết lên bản anh hùng ca hàng ngàn trang giấy trong “Chiến tranh và hoà bình”, để bất kì một chế độ, hay một nền chính trị nào cũng phải thừa nhận vị trí to lớn và sức mạnh của nhân dân, của con người trong lịch sử. Cũng không ai nói rằng nghệ thuật thờ ơ với chức năng giáo dục của nó bởi vẫn còn đó những lời răn của Rousseaus. Và “tiến bộ” nhất phải nói rằng, nghệ thuật từ điểm khởi sinh của nó cho đến hiện tại, vẫn không ngừng bền bỉ tác động đến nhận thức con người – khiến cho con người trở nên văn minh, hiểu biết và nhân văn hơn. Thậm chí, sự tiến bộ của nghệ thuật còn được quy chiếu ở phương diện chính trị: Ở thời điểm mà chủ nghĩa hiện đại ra đời và sự tồn tại của nó chảy tràn như một làn sóng khắp Tây Âu, chính nó lại bị quy kết là phản nhân đạo, đi ngược với lí tính và truyền thống. Khi đó, đối với các nước như Nga thì hiện thực xã hội chủ nghĩa đang được coi đỉnh cao, và chỉ có nó mới nhân đạo, chỉ có nó mới tôn vinh con người và cho con người niềm tin vào tương lai.

Chúng ta vẫn không ngừng nói về những khả thể của nghệ thuật, cùng với đó là những ước vọng biến nghệ thuật trở thành cái nôi đẩy đưa đời sống con người tới gần tới tương lai và sự tiến bộ hơn. Có nên dừng tại đây để ngợi ca nghệ thuật, rằng nghệ thuật không những tiến bộ mà nó còn có khả năng tác động tới tất cả các phương diện của đời sống, góp phần đưa nhân loại tới gần hơn với sự văn minh và tiến bộ?

Tôi cũng muốn xét sự tiến bộ của nghệ thuật trong chính sự phát triển của nó. Hãy lần theo bước chân của nghệ thuật, xem sự dịch chuyển của nó khởi sinh cho tới thời kì cổ điển, đến lãng mạn – hiện thực, đến hiện đại chủ nghĩa và cả những câu chuyện của chủ nghĩa hậu hiện đại, đương đại còn đang dang dở. Sự vận động không ngừng ấy khiến cho hành trình của nghệ thuật dường như trở nên ồ ạt với nhiều dáng vẻ và tiệm tiến không ngừng. Không những thế, nghệ thuật bao hàm trong nó nhiều lĩnh vực: từ thơ ca, điện ảnh, âm nhạc, hội hoạ…tất thảy đều đang “đi lên” khi càng ngày, càng có nhiều phương thức sáng tác, càng có nhiều công cụ hỗ trợ khiến cho các nghệ sĩ tự do sáng tạo và dễ dàng hơn trong việc hiện thực hoá sự sáng tạo của mình; đó là chưa kể tới những thành tựu, những cái tên, những điểm mốc, những đỉnh cao trong tiến trình nghệ thuật. Có thể nói, vận động nghệ thuật là sự chuyển biến, thay thế từ trạng thái này sang một trạng thái khác: bề ngoài là các giai đoạn, các trào lưu nhưng về bản chất là các kiểu tư duy nghệ thuật. Ở mỗi thời điểm lại có nhiều khuynh hướng nghệ thuật đa tuyến, thậm chí là những đối cực. Không thể phủ nhận nghệ thuật đã phải trải qua một lịch sử không yên ả, không thuận chiều và đôi khi nhạt nhẽo, thoái trào nhưng đâu đó trên hành trình của nghệ thuật, vượt qua tất cả, ta vẫn lạc quan khẳng định rằng “tư duy nghệ thuật của nhân loại ngày càng hoàn thiện, nâng cao”. [50;6]

Phải thừa nhận rằng nghệ thuật và sự phát triển của nó ngày càng sinh động, trong suốt quá trình ấy, người đọc/ người xem không thể ôm ấp tham vọng mình biết đích xác bộ mặt của nghệ thuật sẽ thay đổi ra sao, sẽ có những lớp hoá trang gì? Nhưng, việc thay đổi nhiều lớp lang cho bộ mặt ấy không phản ánh một quá trình tiến hoá. Mở đầu tiểu luận này, tôi đã mượn lời của Picasso, như một sự khích lệ cho quan điểm của mình, rằng trong nghệ thuật không có sự tiến bộ. Nếu buộc phải biến nghệ thuật thành một phần tử trong thuyết tiến hoá của Darwin, và tin rằng như lịch sử vĩ đại của nhân loại – trong nghệ thuật, cái ra đời sau sẽ cải thiện, sẽ tích cực, sẽ tu bổ cho cái trước nó, mỗi một bước đi trên tiến trình nghệ thuật sẽ là một đường nối cho sự phát triển hướng thượng – thì tôi cho rằng, đó sẽ là ảo tưởng. Bởi lẽ, không có quá khứ hay tương lai trong nghệ thuật, xét đến cùng, nghệ thuật thời Cổ đại, hay cái chưa định hình của nghệ thuật đương đại ở thời điểm hiện tại, “tất cả đó chỉ là một hình ảnh, ở những bình diện khác nhau”.

2. Don’t grow up… ( Đừng lớn…)

Quay trở lại với câu chuyện người nghệ sĩ của Picasso, tôi cứ nghĩ hẳn anh ta đang bị lừa chơi một trò chơi với những chiếc gương. Người nghệ sĩ cứ mải miết tìm một hình ảnh trưởng thành của mình để theo đuổi nó: “Tôi phải phải lớn lên, tác phẩm của tôi phải lớn lên”; “Kia, đây là tôi hoàn thiện, hoàn thiện hơn hết thảy tôi của cũ mèm trước kia và cả những nghệ sĩ nay đã chậm tiến hơn tôi”. Không ai nói với anh ta rằng anh ta chỉ có một, và những ảo ảnh kia chỉ là ảo vọng. Không ai nói với anh ta rằng: “Đừng lớn”, nghệ thuật xét cho cùng chỉ là một trò chơi, hãy tự do nhìn ngắm những hình ảnh khác nhau của mình đi.

Vì thế mà Picasso tỉnh táo phàn nàn trước những câu hỏi/lời khen về sự tiến bộ trong chính thực hành nghệ thuật của ông. “Tôi còn thường nghe thấy hai chữ “tiến hóa”. Lúc nào cũng có người hỏi về quá trình tiến hóa của các tác phẩm của tôi. […] Nghệ thuật không tự nó tiến hóa. Chỉ có ý tưởng của con người thì thay đổi, và cách diễn đạt của họ cũng thay đổi theo.” [1]

Picasso không cho rằng tự ông có thể làm nên sự ưu việt tiệm tiến trong các tác phẩm của mình. Vậy Như thể đôi mắt to đặc trưng của nhà danh hoạ thế kỉ 20 – Salvador Dalivẫn đang không ngừng vọng ngưỡng Pablo Picasso. Tài năng của ông cho phép ông được quyền kiêu ngạo trước Picasso: “Kỳ công của tôi quả là tuyệt diệu. Tôi còn có thể đi xa tới mức nói rằng bức tranh đó một ngàn lần đẹp hơn tất cả các tranh của Picasso cộng lại” (S.D đang nói tới bức “Lễ thánh của bữa tối cuối cùng”) [6]. Dali đã thực hành hội hoạ cả trong Lập thể, Dada và Siêu thực, nhưng rồi chính ông cũng không thể phủ nhận rằng, trước khi phong cách riêng được định hình, Dali đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Picasso. Vậy cuối cùng, liệu có thể nói rằng tiến bộ hơn Picasso như lời ông tự mãn?

Dali 1

Salvador Dalí; Lễ thánh của bữa tối cuối cùng (1955)
Nguồn: http://www.all-art.org

Không lớn lên, vì còn nương nhờ quá khứ.

Tôi cho rằng dù Dali từng muốn phủ định Picasso, thì cuộc đối thoại giữa họ cũng không thể là sự đứt đoạn một cách hoàn toàn. Nghệ thuật bất khả trong việc tạo ra cái ưu việt hơn theo thời gian, một lẽ chính bởi sự đứt đoạn không hoàn toàn ấy. Ngay cả các nhà hiện đại chủ nghĩa từng tuyên ngôn muốn đập vỡ cái đã có, thì tôi cho rằng chính sự khiêu khích ấy cũng là họ đang đứng trên lập trường của cái đối lập để phủ định, cũng có nghĩa, làm gì có sự thoát ly hoàn toàn, ngay cả khi cái mới và cái cũ vẻ như tuyên chiến với nhau. Xét cho cùng, mỗi bước đi của nghệ thuật, dù ôm ấp khát vọng phủ định hay thoát ly, vẫn phải nương nhờ quá khứ, nếu không muốn nói rằng trong bất kì một tác phẩm nghệ thuật nào, cũng có sự lặp lại và kết hợp từ những cái đã có.

Năm 1944, Dali vẽ bức “Sentimental Colloquy” như một nghiên cứu cho các vở Ballet thời đó. Bức vẽ mở đầu thời kỉ cổ điển trong sáng tác của Dalí: hàng tá những người (mà trông họ như những người-đầu lâu) đi trên những chiếc xe đạp, họ đang chuyển động, đồng thời giữ thăng bằng một tảng đá kéo theo một lớp vải voan. Bức vẽ được ví như sự ghê tởm của Dali trước sự quan liêu của chế độ, như thể việc cân bẳng sức nặng của hòn đá đồng nghĩa với việc lơ là việc lái chiếc xe đạp. Giữa bức tranh là một chiếc đàn piano, và những hình ảnh nhân bản trong bức tranh như đang tham gia một bản nhạc cùng với những chiếc xe.

Dali 2

S.D, Sentimentl Colloquy (Study for a Ballet,1944)
Nguồn: http://www.all-art.org

Năm 2015, Ly Hoàng Ly (LY HOÀNG LY) – nhà thơ, nghệ sĩ thể nghiệm của nghệ thuật đương đại Việt Nam, hoá trang thành nhân vật trong bức vẽ của Dali trong tác phẩm trình diễn công cộng (public-performance) “XIN CHỮ CHO CHỮ”. Chị bận áo dài truyền thống, đeo mặt nạ đầu lâu, đội bánh mì (làm tôi nghĩ ngay tới “Retrospective Bust of a Woman” của Dali); sử dụng xe đạp, di chuyển từ một điểm định sẵn – tới điểm kết thúc và thực hiện công việc xin chữ (hãy nghĩ tới tục xin chữ – cho chữ trong phong tục người Việt) trong suốt 9 tiếng của buổi trình diễn. Hình ảnh của LY HOÀNG LY lập tức trở thành chủ đề công kích và đàm tiếu trên các trang mạng online của ngày hôm đó bởi chính sự kì dị trong trang phục, phụ kiện. Có thể nói, LY HOÀNG LY đã lựa chọn sự “hâm, dở” của Dali cách chị gần một thế kỉ khi chọn cách hoá trang đó để trình diễn. Thế nhưng, nhận ra bóng dáng các tác phẩm của Dali hay hình ảnh của một thói quen/ tập tục của người Việt trong XIN CHỮ CHO CHỮ để thấy rằng, nghệ thuật thể nghiệm – thứ nghệ thuật mà người ta vẫn cho là kì dị của ngày hôm nay, vẫn có bóng dáng của quá khứ trong đó. Sự kết hợp của bánh mì – xe đạp – mặt nạ hay sự kết hợp của những hình ảnh đã có ở Dali?

Dali 3Retrospective Bust of a Woman, S.D; 1933
Kinetic-art (NT sử dụng bộ phận di động); vẽ trên sứ
Nguồn: all-art.org

Dali 4XIN CHỮ CHO CHỮ, LY HOÀNG LY; 2015
Trình diễn công cộng [Từ.tới.]
Nguồn: soi.today

Tôi cho rằng nghệ thuật không tiến bộ là vì thế. Ngày hôm nay chúng ta có thể say sưa với cái mới và cho rằng nó là chưa từng có, nhưng sẽ có lúc chúng ta nhận ra, lịch sử nghệ thuật phải chăng là sự lặp lại. Không phải là sao chép, là chậm tiến trong sáng tạo, mà lặp lại chính những kí ức được đinh ghim trong quá khứ để kể một câu chuyện khác. Tôi không nói rằng không có quá khứ của nghệ thuật thì các nghệ sĩ không thể sáng tạo. Nhưng không phải cứ cái gì đã qua thì sẽ thành điêu tàn và lạc hậu. Không có gì là ưu việt và hoàn thiện hơn trong chuyện này, khi mà nghệ thuật luôn có khả năng tái sinh trong chính những cái chưa – và sắp sửa diễn ra.

Thay vì tìm cách lớn lên, hãy tìm giá trị ở sự thay đổi.

Tôi chắc rằng khi LY HOÀNG LY lên ý tưởng cho tác phẩm trình diễn của mình, chị nghĩ về Dali nhưng không hề màng đến chuyện tuyên bố với ông rằng: ngày hôm nay tôi có các thiết bị media và công chúng, tôi không vẽ mà trình diễn – vì thế mà tôi sẽ tiến bộ hơn ông.

Trong “Ý thức của sự liên tục”, Milan Kundera dẫn lời Jan Mukarosky, cha đẻ của mĩ học cấu trúc: “Chỉ có sự giả định của giá trị mĩ học khách quan mới đem lại ý nghĩa cho sự tiến hoá lịch sử của nghệ thuật”, cũng có nghĩa chỉ trong ngữ cảnh của sự tiến hoá lịch sử nơi nghệ thuật người ta mới nhìn ra giá trị mĩ học đó và biện giải thêm: “Nhưng giá trị mĩ học khách quan nào chúng ta có thể nói đến nếu mỗi quốc gia, mỗi thời kì lịch sử, mỗi khu nhóm đều có những phẩm vị riêng” [2].

Có thể nói rằng, nghệ thuật về bản chất chẳng liên quan gì đến sự tiến bộ. Hoạt động nghệ thuật không nhằm mục đích cải thiện, tu bổ mà đơn giản, đó là cuộc hành trình đi tìm giá trị trong việc khai phá cái mới. LY HOÀNG LY lựa chọn hình thức trình diễn công cộng – một hình thức thể nghiệm chưa từng có trong nghệ thuật trình diễn tại Việt Nam. Toàn bộ quá trình performance của nghệ sĩ cùng nhóm hỗ trợ được livestream online – một hình thức như là truyền hình trực tiếp. Điều này dựa trên chủ ý của nghệ sĩ, chị muốn sẻ chia mọi nguyên liệu và chi tiết thô sống, các tình tiết không được tiên liệu, các tình huống buộc phải xử lí và sự can thiệp của nhóm hỗ trợ trong quá trình làm tác phẩm. Tính độc lập trong thực hành nghệ thuật trước nay đã bị phá vỡ khi XIN CHỮ CHO CHỮ của LY HOÀNG LY không chỉ đòi hỏi trình diễn của cá nhân chị, mà còn là nhiệm vụ quay – phát của nhóm hỗ trợ, và hơn hết là nhóm người xem online. Không thể thiếu vai trò của những con người bất kì mà nghệ sĩ gặp và xin chữ trong buổi trình diễn, chị xin/đề nghị họ viết những chữ mà họ thích/nhớ được sau khi nghe chị đọc Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi.

Dali 5

XIN CHỮ CHO CHỮ, Ảnh từ Triển lãm [Từ.tới.], phần tác phẩm trưng bày
Nguồn: soi.today

Những vấn đề mà LY HOÀNG LY đặt ra trong tác phẩm trình diễn của chị là gì? – Những mảng bám lỏng lẻo và rời rạc của lịch sử/kí ức, nhớ/quên, hồi nhớ/hình thành trí nhớ mới hoặc những khoảng trắng/mất tích của lịch sử. Con người ta có nhất thiết phải nhớ hết lịch sử? Lịch sử mà chúng ta đã biết, cho rằng nó chính xác và tuyệt đối, nhưng như vậy có nghĩa là nó phải tồn tại một cách chính xác trong trí nhớ của con người? Một tác phẩm văn học thuộc hàng kinh điển liệu có bao nhiêu phiên bản lời, và một khi nó được tái cấu trúc (như phần còn lại sau buổi trình diễn), nó sẽ hé mở những gì? Lịch sử – đứt gãy – tái cấu trúc,…hay bất kì vấn đề nào được tìm thấy XIN CHỮ CHO CHỮ của LY HOÀNG LY, tôi cho rằng không phải lần đầu tiên chúng được đặt ra trong nghệ thuật. “Giá trị mĩ học” – điều mà chúng ta cho rằng nó sẽ cho thấy sự tiến hoá của nghệ thuật – ở đây lại không phải là điều gì quá mới mẻ. LY HOÀNG LY hẳn cũng không có tham vọng thực hiện cái gì tốt đẹp hơn những gì đã có, hoặc ưu việt hơn các nghệ sĩ đương đại cùng thời. Điều mà hình thức livestream cô lựa chọn cho buổi trình diễn mang lại, chính là sự thay đổi. Sự thay đổi không đồng nghĩa với tiến bộ, nó giống như những tấm gương được đặt xung quanh người nghệ sĩ – anh lựa chọn nó, và anh chấp nhận sự lựa chọn ấy có thể tốt hơn hoặc dở hơn, sẽ tiến hoặc đi thụt lùi. Điều quan trọng, đó là bản thân sự thay đổi và lựa chọn việc thay đổi đã mang trong nó giá trị. Bởi lẽ, đó là tác nhân, là cảm hứng cho mọi sáng tạo.

Có thể nói, hình thức mà LY HOÀNG LY lựa chọn là một lối biến tấu. Lối biến tấu ấy phù hợp với lối nghĩ và tư tưởng của chị trong tác phẩm: một trình diễn không cắt gọt hay chỉnh sửa – cuộc sống được phơi bày, trần trụi và nhiều khả thể. Hình thức livestream không đưa đến một thử nghiệm tiên tiến như một phát minh, mà nó là lựa chọn để có thể nói đúng điều nghệ sĩ muốn. Mỗi một ý niệm đều cần được diễn đạt theo những cách khác nhau. Nó sẽ không liên quan gì đến tiến bộ, mà chỉ đơn giản là thay đổi làm sao cho phù hợp, cho đúng với cái ý tưởng cần diễn đạt.

Lớn lên = tốt hơn?

Tôi đang cố ví nghệ thuật như một đứa trẻ, mải mê trong trò chơi của nó nhưng không quên tham vọng tiến hoá. Phải lớn lên, để đến với những gì văn minh, tiên tiến, phải nắm trong tay nhiều chiều kích của đời sống này và cả khả năng thâu tóm chúng. Nhưng một đứa trẻ thì luôn vội vã, chúng sẽ quên rằng lớn lên không đồng nghĩa với tốt hơn, và nghệ thuật – nếu cho rằng nó có sự tiến bộ – thì có khi nào, càng phát triển, nghệ thuật càng đối mặt với nhiều nguy cơ hơn.

Quay trở lại với XIN CHỮ CHO CHỮ của LY HOÀNG LY, rõ ràng nếu xét tiến bộ là tiến bộ về tư duy nghệ thuật thì tác phẩm trình diễn này hẳn là một cú đột phá về tư duy. Những người làm nghệ thuật ngày nay có quá khứ, có bài học, và có cả sự hỗ trợ của media hay những công cụ siêu việt khác để hiện thực hoá ý tưởng của mình. Không chỉ thế, người ta sẽ có quyền nói nó “tiến bộ” hơn vì bên cạnh những tác phẩm trình diễn đương đại khác, nó đã cho con người cái nhìn khác về nghệ thuật. Nghệ thuật không còn là những gì quá kĩ thuật, quá công thức, quá tinh tuyển như thời kì cổ điển. Đối với nghệ thuật đương đại, người ta có quyền không cần hiểu/ hoặc hiểu nó ở bất kì ý nghĩa nào họ muốn, hay ít nhất, họ có thể xem nó ở đường phố, qua laptop, thay vì bước vào một gallery hay một bảo tàng. Đến gần hơn với công chúng, có thể nói đây cũng là một bước tiến của nghệ thuật đương đại so với các gian đoạn trước đó.

Thế nhưng, tất cả những điều ấy chỉ là ưu thế, thay vì coi đó là sự tiến bộ trong nghệ thuật để có thể tạo ra một cái gì đó ưu việt hơn ở thời điểm hiện tại hay trong tương lai. Phải chấp nhận một sự thật rằng, càng có nhiều ưu thế và lựa chọn, nghệ thuật càng phải đối mặt nhiều hơn với những rủi ro. Ngưỡng nào sẽ biến trình diễn của LY HOÀNG LY thành một sản phẩm truyền thông có tính khiêu khích? Đưa nghệ thuật xuống đường phố ư – bao nhiêu phần trăm “con người-ở-đường-phố” sẽ hiểu ý tưởng tác phẩm; bao nhiêu phần trăm xua đuổi và kì thị; bao nhiêu phần trăm sẽ biến thực hành nghiêm túc của nghệ sĩ thành trò đùa và hiện tượng mạng? Không chỉ với XIN CHỮ CHO CHỮ, không chỉ với nghệ thuật đương đại mà với nghệ thuật nói chung. Bất kì một cái gì mới mẻ, bất kì cái gì chưa được ổn định hoá đều có thể trở thành mục tiêu công kích, và như vậy cũng đồng nghĩa với việc, nghệ thuật hoàn toàn có khả năng trở thành vô nghĩa. Hãy nhớ tới “Dadaism” của thế kỉ XX, tuyên ngôn khinh rẻ mọi thứ của họ thay vì được chấp thuận, nó lập tức trở thành thứ bị khinh rẻ. Có thể công chúng sẽ nói rằng: hãy làm một cái gì đó bình thường đi, đừng kì dị, đừng bất thường thì nghệ thuật sẽ được thấu hiểu. Thế nhưng dù lựa chọn của nghệ sĩ có an toàn hay không thì nghệ thuật vẫn luôn là những gì bất ổn, giống như quá trình/tiến trình mà chúng ta vẫn đang xem xét sự tiến bộ liệu có tồn tại trong đó. Chính vì sự bất ổn ấy, nghệ thuật luôn phải đối mặt với sự khủng hoảng, với khả năng trở nên vô nghĩa và bị huỷ diệt tiềm tàng một khi vấp phải sự chối bỏ của công chúng. Vì thế, có lẽ phải thôi lạc quan rằng càng tiến về phía trước, thì nghệ thuật sẽ càng tiến bộ. Xét cho cùng, chẳng có sự hơn-kém nào trong nghệ thuật.

3. It’s trap! (…bẫy đấy!)

Để kết lại bài tiểu luận này, tôi sẽ dùng nốt vế còn lại trong Peter Pan: “(Don’t grow up), it’s a trap”. Sự tiến bộ trong nghệ thuật cũng giống như sự lớn lên/tiến hoá của một con người, đó luôn là một cái bẫy. Vẫn sẽ tồn tại những quan điểm tin vào tương lai và những khả thể của nghệ thuật trong việc làm ưu việt hơn chính nó. Thế nhưng, liệu có khi nào cứ ngước nhìn lên thì chúng ta sẽ sập bẫy hay không?

Tôi sẽ khép lại một cách hiền hoà, rằng tại sao cứ ép nghệ thuật phải toả ra ánh sáng của văn minh và tiến bộ. Bởi xét cho cùng, nghệ thuật được sản sinh và tiếp tục hành trình bền bỉ của nó cho tới nay, chỉ để nói điều gì đó về con người, và đôi khi là đặt ra những câu hỏi dành cho các giá trị; nó có thể đẹp đẽ, có thể nhơ nhuốc, có thể tiên tiến và cũng có thể là lạc hậu. Vì thế, tiến bộ hay không, tân tiến hay không thì bản chất nghệ thuật vẫn là như vậy. Thay vì tìm kiếm một thứ nghệ thuật có thể đối thay nhân loại, hãy đặt thêm những tấm gương xung quanh, chỉ đơn giản nhìn ra những phản chiếu khác của chính nghệ thuật mà thôi.

Nguyễn Thanh Nguyệt

_________________________________________________________________¬¬¬¬¬-______
(1) Pablo Picasso, Statement – 1923 (từ cuộc phỏng vấn với Marius de Zayas, đăng trên The Arts (NY), với nhan đề “Picasso Speaks”); Trịnh Lữ dịch; nguồn: m.fb.com/trinhlu
(2) Ý thức của sự liên tục, Milan Kundera; Trịnh Y Thư dịch; nguồn: https://trinhythu.wordpress.com
(3) Có (không) khởi đầu và có (không) kết thúc, Ly Hoàng Ly; nguồn: http://www.tiasang.com.vn
(4) XIN CHỮ CHO CHỮ – Ly Hoàng Ly và tác phẩm trình diễn kéo dài; nguồn: soi.today
(5) History of Art: Salvador Dali, nguồn: http://www.all-art.org/art_20th_century/dali-4-4.html
(6) Trò chuyện với Salvador Dali (Conservation with S.D), Alain Bosquet; bản Anh ngữ: Joachim Neugroschel/bản Việt Ngữ: Nguyễn Đình Đăng; nguồn: nguyendinhdang.wordpress.com
(7) Giáo trình Lý luận văn học, Phương Lựu (chủ biên), La Khắc Hoà, Trần Mạnh Tiến; NXB.ĐHSP

Eugen Fink – Ốc đảo của hạnh phúc: Về bản thể của sự Chơi.

children

I

Mặc dù con người ý thức được mức độ và cường độ của hoạt động chơi, cũng như có mối quan tâm sâu sắc đối với nó nhưng chơi vẫn thường được định nghĩa như là hoạt động “nghỉ ngơi” hay “giải trí”… đối lập với những hoạt động nghiêm túc và có trách nhiệm. Người ta cho rằng sống ở đời, con người luôn phải cố gắng miệt mài để có được tri thức, sự ưu việt, phẩm hạnh, để đạt được danh vọng và địa vị, quyền lực và giàu sang. Chơi, ngược lại, được xem là có chức năng như một sự gián đoạn nhất thời, một sự tạm ngừng… Theo quan niệm này, dường như hoạt động chơi có một vị trí hợp thức, tuy bị hạn chế, trong nhịp điệu đời sống con người… Sự chơi thường ít nhiều bị xem là một sự vô nghĩa phù phiếm và thú vị, một sự tạm trú thảnh thơi nơi vương quốc vui vẻ của cái hoang đường và của những tiềm năng thuần túy, một sự giải thoát từ cái hiện thực cứng rắn đến thế giới không tưởng trong mơ… Chừng nào chúng ta vẫn còn tiếp tục sử dụng một cách ngây thơ những cặp phản đề phổ biến “làm” – “chơi”, “phù phiếm – nghiêm túc”, và những cặp tương tự khác, chúng ta sẽ không bao giờ nắm bắt được ý nghĩa bản thể của sự chơi…

Chơi là một thành tố thiết yếu của cấu trúc bản thể con người, một hiện tượng hiện sinh cơ bản – không phải là hiện tượng duy nhất như vậy nhưng rõ ràng nó mang tính đặc thù và tự trị, không thể chỉ lý giải nó như là sự phái sinh từ những hiện tượng hiện sinh khác. Sự đối lập một cách giản đơn giữa chơi với những hiện tượng như vậy không giúp ta có được một cái nhìn thấu thị vào bản chất của nó. Các hiện tượng hiện sinh không tồn tại cô lập, đúng hơn chúng tương tác và thẩm thấu lẫn nhau…

Khi Schiller nói, “con người chỉ toàn vẹn khi y chơi”, thì cũng đúng nếu nói rằng con người chỉ trở nên toàn vẹn khi y làm việc, đấu tranh, đối mặt với cái chết, yêu đương. Phạm vi của bài này không cho phép ta đưa ra một sự diễn giải sâu sắc về sự sống của con người dựa trên những hiện tượng căn bản.. Tuy nhiên, cũng nên thấy rằng tất cả những hiện tượng này đều hiện diện trước chúng ta trong vẻ mơ hồ và bí ẩn. Lý do chủ yếu của điều này chính là ở chỗ con người chúng ta bị bóc trần, thế nhưng cùng lúc đó, cũng lại bị che chắn. Con người, không như động vật, bị giam giữ trong lòng Tự Nhiên, tuy nhiên, cũng chưa được tự do như các thiên thần – con người là một tồn thể tự do, nhưng vẫn bị ràng buộc với Tự Nhiên…

Phương thức chơi là phương thức của một hành động tự tại, của một xung lực sinh tồn. Chơi, nhìn chung, là sự hiện sinh đặt trọng tâm ở chính nó. Động cơ của sự chơi không trùng khớp với động cơ của những hoạt động khác ở con người. Tất cả các hoạt động khác, dù là nhắm vào chính bản thân nó, hay có mục tiêu là làm ra một tạo tác nào đó, đều là phương tiện để đi đến một cứu cánh, đó chính là hạnh phúc tối hậu của con người… Chúng ta quan niệm đời là một “nhiệm vụ”. Nói chung, không lúc nào chúng ta tự cho phép mình dừng lại. Bao giờ chúng ta cũng “ở trên đường”… Đây chính là một trong những nghịch lý sâu sắc nhất trong sự hiện sinh của con người, rằng trong hành trình vô tận để truy cầu hạnh phúc, ta không bao giờ đạt được nó và nói đúng ra, không ai có thể được xem là kẻ hạnh phúc trước cái chết của mình… Chúng ta sống trong sự đề phòng tương lai và trải nghiệm cái hiện tại như là sự chuẩn bị, như một ga xép, như một trạng thái quá độ. Chính thứ “chủ nghĩa vị lai” lạ lùng của đời sống nhân sinh này có mối liên hệ sâu kín với một trong những đặc điểm bản chất của chúng ta. Chúng ta không bằng lòng với phương thức tồn tại đơn giản, theo một mạch thẳng tắp như ở cỏ cây, muông thú; chúng ta muốn tìm kiếm ý nghĩa của chính sự hiện hữu của chúng ta trên cõi đời- chúng ta muốn hiểu vì sao chúng ta lại có mặt trong thế giới này. Chính nỗi đam mê tìm kiếm hết sức lớn lao ấy đã thúc đẩy con người nỗ lực diễn giải sự hiện sinh của y – đó là một niềm đam mê của tâm linh. Và khởi nguồn của sự kỳ vĩ cũng như nỗi thống khổ của chúng ta đều nằm ở đây. Không một tạo vật nào mà đời sống của nó lại bị phá vỡ bởi sự truy tìm ý nghĩa ẩn giấu của sự hiện sinh của nó. Con vật không thể biến nó trở thành đối tượng của ý nghĩ của nó và thần thánh thì lại chẳng cần làm vậy. Mỗi con người khi trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời đều thừa nhận sự tồn tại của một “mục tiêu cuối cùng”…

Không giống như các hoạt động khác, sự chơi không vừa khuôn với kiểu sống này. Nó tương phản rõ nét với phương thức sinh tồn theo tinh thần vị lai chủ nghĩa và cũng không thể đem nhét nó vừa vặn vào cơ cấu phức tạp của những mục tiêu. Chơi không nhằm đến một “mục tiêu cuối cùng” và cũng không thể bị làm hư tổn bởi sự bất định sâu sắc của tính đúng đắn trong cách chúng ta quan niệm về hạnh phúc. Đối lập với chủ nghĩa động lực (dynamism) không ngừng nghỉ, sự mơ hồ mông lung và nghiệt ngã của chủ nghĩa vị lai trong đời sống của chúng ta, sự chơi được đặc trưng bởi “sự hiện hữu” bình thản, phi thời gian, tự trị và tự đủ của nó – sự chơi giống như một ốc đảo mà chúng ta bất ngờ phát hiện ra trên sa mạc của cuộc hành trình tìm kiếm và truy cầu hạnh phúc chẳng khác nào thân phận chàng Tantalus… Người ta thường nói rằng chơi là hoạt động phi mục đích hay không được định hướng. Thực ra không hẳn vậy. Xem xét nó trong tính chỉnh thể, chơi mang tính mục đích và từng phương diện của hành động chơi ở từng cá nhân đều có mục đích đặc thù của nó; mỗi mục đích này là một bộ phận không thể thiếu của chỉnh thế. Nhưng mục đích nội tại của sự chơi không phải là sự bổ sung cho cái mục đich chung cuộc mà tất cả các hoạt động khác của con người đều nhằm đến. Chơi chỉ có mục đích nội tại, không liên can đến bất cứ cái gì bên ngoài nó. Hễ khi nào chúng ta chơi “nhằm mục đích” để có cơ thể cân đối, huấn luyện quân sự hay vì sức khỏe thì khi đó sự chơi đã bị xuyên tạc, trở thành một phương tiện thuần túy để đạt đến một mục đích… Trong tính tự trị của hành động chơi, dường như hiện hữu một khả năng về sự tồn tại phi thời gian của con người trong thời gian. Khi đó, thời gian được trải nghiệm không phải như những chuỗi thời khắc hối hả xô đẩy nhau trôi đi, mà đúng hơn như một khoảnh khắc trọn vẹn, nghĩa là, nói khác đi, như một khoảnh khắc của vĩnh cửu. Trẻ thơ vẫn giữ được sự cảm nghiệm về thời gian như thế này nhiều hơn những người khác, khi nó nhập hết mình vào cuộc chơi, như Rilke đã viết:

Ôi những giờ khắc tuổi thơ, khi mà đằng sau những hình bóng của nó

Không đơn thuần chỉ là quá khứ

Và trước mắt ta

Cũng chưa hẳn tương lai

Dĩ nhiên, rồi chúng ta sẽ lớn lên, và đôi khi ta háo hức lớn lên nhanh

Phần là để làm vui lòng những người

chẳng còn gì ngoài chính sự trưởng thành của họ

Thế nhưng khi còn lại một mình

Chúng ta sướng vui với những món đồ chơi vĩnh cửu và đứng ngây ra

ở khoảng giữa thế giới của trò chơi và thế gian này:

Một nơi đã được chuẩn bị từ khởi thủy

Cho một sự hiện hữu tinh khôi

(Bi ca Duino – bài số 4)

Song đối với người lớn, sự chơi là một ốc đảo lạ lẫm, như một chốn nghỉ ngơi đầy hấp dẫn trong cuộc hành trình ngược xuôi long đong và chuyến bay bất tận của mình. Sự chơi đem đến cho ta một hình thái của thời hiện tại mang tính trần thế. Chắc chắn đó không phải là cái hiện tại mà trong sự thanh lặng nơi sâu thẳm tâm hồn, chúng ta cảm thấy xung động vĩnh cửu của thế giới và hình dung ra những ý niệm vĩnh cửu thuần khiết giữa những biến thể không ngừng biến dạng của chúng. Chơi là hoạt động mà cũng đồng thời là sự sáng tạo – thế nhưng nó cũng gần với những gì vĩnh cửu. Chơi làm gián đoạn tính liên tục và cấu trúc mang tính mục đích của đời sống chúng ta; nó gián cách với những phương thức tồn tại thông thường của chúng ta. Nhưng trong khi tưởng như không có quan hệ gì với đời sống thường nhật của chúng ta thì kỳ thực chơi vẫn có một sự liên đới sâu kín hết sức có ý nghĩa với chính đời sống ấy, thể hiện ở chính phương thức biểu hiện của nó. Nếu ta định nghĩa chơi theo cách thông thường là đối lập nó với công việc, hiện thực, tính nghiêm túc, tính chân thật, chúng ta đã nhầm lẫn khi đặt nó bên cạnh những hiện tượng hiện sinh khác. Chơi là một hiện tượng hiện sinh cơ bản, cũng mang tính nguyên sơ và tự trị như cái chết, tình yêu, việc làm và tranh giành quyền lực, nhưng nó không bị ràng buộc với những hiện tượng này ở cái mục đích chung tối hậu. Chơi, nói khác đi, đương đầu với tất cả những hiện tượng đó – nó thẩm thấu tất cả những hiện tượng đó bằng việc biểu diễn chúng. Chúng ta chơi với cái nghiêm trọng, chúng ta chơi chân lý, chúng ta chơi hiện thực, chúng ta chơi công việc và tranh đấu, chúng ta chơi tình yêu và sự chết – và thậm chí chúng ta chơi sự chơi…

II
[Fink tiếp tục phân tích những thành tố chính trong cấu trúc của sự chơi, cụ thể là không khí chơi – dựa trên ham muốn hay dục vọng chơi, ý nghĩa nội tại của sự chơi, cộng đồng chơi, dù thụ động hay chủ động, vật chơi và những biến dạng tượng trưng tiếp nối của nó, người chơi và cuối cùng là thế giới chơi – thành tố bao trùm tất cả những thành tố khác. Điểm thú vị và độc đáo hơn cả, xét cả trong ngữ cảnh của tiểu luận và đối với những ai đã quen với những cách phân tích trước đó về hiện tượng chơi, là những kết luận của Fink về bản chất kép của vật chơi và người chơi và quan niệm của ông về thế giới chơi. Khái niệm thế giới chơi như một sự biểu hiện mang tính tượng trưng và như sự tái nhập vai của Tồn thể mà Fink phát triển trong tiểu luận này đã được ông sử dụng lại và mở rộng trong cuốn sách gần đây của ông “Chơi như là biểu tượng của Vũ trụ” (1960), một công trình nghiên cứu mang tính hệ thống ráo riết và phức tạp về sự chơi trong những hình thức đa dạng của nó (nghi lễ, thần thoại, xã hội) và vị trí của nó trong triết học.]

Mỗi vật chơi đều biểu hiện tính toàn thể của đối tượng: chơi luôn là một sự đối chọi với Tồn thể. Ở vật chơi, cái toàn thể được tập trung trong một đối tượng duy nhất. Mỗi trò chơi là nỗ lực hiện sinh, một trải nghiệm của sự sống mà ở vật chơi, ta có thể thấy được sự đối đầu của nó với bản chất khắc nghiệt của hiện thực. Nhưng sự chơi của con người không chỉ hàm chứa những yếu tố diệu kỳ liên quan đến vật chơi. Rất cần những cố gắng bước đầu để xác định một quan niệm về người chơi chính xác và chặt chẽ hơn, vì ở đây, chúng ta tìm thấy một ca “tâm thần phân liệt” kỳ cục, một sự bổ tách nhân cách không được nhầm với biểu hiện của một ca bệnh lý về tâm thần. Người tham gia vào một trò chơi điều khiển thế giới thực bằng một dạng thức hành động quen thuộc. Tuy nhiên, trong ngữ cảnh của ý nghĩa nội tại của sự chơi, anh ta đang sắm vai. Ở đây, chúng ta phải phân biệt giữa con người thực đang chơi và con người được tạo ra bởi vai của anh ta trong cuộc chơi. Kẻ chơi giấu bản ngã thật của mình sau vai mà y sắm và bị nhấn chìm trong đó. Y sống trong vai của mình với một sự căng thẳng đặc biệt, tuy nhiên không phải như kẻ mắc chứng tâm thần phân liệt, kẻ không phân biệt được “hiện thực” và “ảo ảnh”. Người chơi có thể hồi lại chính mình từ vai của y; trong khi chơi, con người có thể giữ lại ý thức về sự hiện hữu kép của mình, cho dù ý thức đó có thể bị giảm thiểu đáng kể thế nào đi nữa. Con người đồng thời tồn tại ở hai khu vực, không phải do thiếu tập trung hay do quên, mà vì chính nhân cách kép này gắn liền một cách tất yếu với sự chơi.

Tất cả những thành tố cấu trúc của sự chơi mà chúng ta vừa bàn đến cuối cùng đồng quy lại trong ý niệm cốt lõi: thế giới chơi. Tất cả sự chơi đều tạo ra một thế giới chơi một cách huyền nhiệm… Thế giới chơi là một thế giới tưởng tượng mà ý nghĩa bản thể của nó mông lung và khó nắm bắt. Chúng ta chơi trong một thế giới tạm gọi là thế giới thực nhưng khi chơi, một lãnh địa bí ẩn – không phải là hư vô tuy nhiên cũng không có gì là thật- nảy sinh. Trong thế giới chơi, chúng ta hành động theo vai của chúng ta; nhưng trong thế giới chơi cũng có những thực thể tưởng tượng, chẳng hạn như “đứa trẻ” – trong khi chơi thì rất sống động, chắc chắn là vậy – nhưng “trong hiện thực”, nó chỉ là một con búp bê mà thôi, thậm chí chỉ là một mẩu gỗ. Trong mô hình của thế giới chơi, không có chỗ cho người chơi với năng lực riêng biệt của y trong tư cách người kiến tạo thế giới đó – y không ở đâu cả đồng thời cũng lại ở khắp nơi trong cấu trúc của thế giới này; y sắm vai trong thế giới đó và đối phó với những khách thể và con người của thế giới chơi. Điểm rắc rối ở đây chính là cái thực tế rằng, trong trí tưởng tượng của mình, chúng ta coi những khách thể kia, tự chúng là những “ khách thể thật” và ở trong thế giới này, sự lưỡng phân giữa hiện thực và ảo ảnh có thể xuất hiện trên nhiều cấp độ khác nhau.

Tuy nhiên vấn đề không phải ở chỗ, rằng có thể xem những khách thể đích thực là thật trong thế giới thường nhật của chúng ta bị che giấu bởi những tồn thể trong thế giới chơi và do đó không còn có thể nhận ra được nữa. Thế giới chơi không buông một tấm màn che hay dựng lên một tường chắn giữa ta và những gì xung quanh; nó không làm mờ đi hay giấu che thế giới thực. Nói đúng ra, thế giới chơi không hề có nơi chốn và thời lượng trong cái phức thể hiện thực được định vị bởi cặp phạm trù không- thời gian – nhưng nó sở hữu một thứ không gian và thời gian nội tại. Thế nhưng, trong khi chơi, chúng ta lại sử dụng cái thời gian thực và cần đến không gian thực. Nhưng không gian của thế giới chơi không bao giờ nhập vào cái không gian mang tính liên tục mà chúng ta cư ngụ trong cuộc đời thực. Cũng đúng như vậy khi nói về thời gian. Sự tương tác đặc biệt giữa cái hiện thực và thế giới chơi không thể được biểu hiện bằng bất cứ mô thức quan hệ không gian- thời gian nào đã được biết đến. Thế giới chơi không tồn tại lơ lửng trong một cõi lý tưởng thuần khiết. Nó luôn có một bối cảnh thật song lại chưa bao giờ là một thứ có thật giữa những thứ có thật khác, mặc dù nó nhất thiết phải cần đến những thứ có thật đề làm xuất phát điểm. Có nghĩa là, tính chất tưởng tượng của thế giới chơi không thể chỉ được giải thích như là một hiện tượng ảo giác chủ quan đơn thuần; không thể định nghĩa nó như là một sự huyễn hoặc, điều chỉ tồn tại nơi sâu kín của nội giới mà không có quan hệ gì với hiện thực. Khi người ta bắt đầu nghĩ nhiều hơn về sự chơi, thì dường như nó lại càng trở nên khó nắm bắt, mơ hồ…

Trong quá trình chơi, con người có thể nhận ra hai cực của sự hiện sinh. Một mặt, sự chơi có thể được xem như là cực điểm của sự toàn quyền độc lập ở con người. Ở đây, con người được trải nghiệm sự sáng tạo vô bờ bến, y trở thành một chủ thể năng sản và không chịu sự cấm đoán nào bởi y không sáng tạo trong lãnh địa của hiện thực. Người chơi có thể tự cảm thấy mình như là chúa tể của những gì mà trí tưởng tượng của y tạo nên – bởi gần như không bị giới hạn, chơi trở thành sự biểu hiện nổi bật cho sự tự do của con người. Nhưng vẫn còn đó một câu hỏi hóc búa, rằng có thể hiểu sự chơi về bản chất chỉ như một biểu hiện của nỗi thôi thúc hiện sinh về tự do mà thôi hay còn có những nhân tố hiện sinh hoàn toàn khác biệt khác cũng tự bộc lộ nó trong và thông qua sự chơi. Trên thực tế, đôi khi chúng ta tìm thấy trong trò chơi đối cực của tự do, nói rõ hơn, đó là sự rút lui khỏi thế giới hiện thực, một sự trốn chạy có thể đi đến mức trở thành một sự mê muội, mụ mị và khiến người ta có thể trở thành nô lệ cho một thứ sức mạnh quỷ ám của tấm mặt nạ. Trò chơi có thể chứa đựng trong bản thân nó không chí sự điều hòa, cân bằng của một chủ thể tự do tự chủ mà còn cả sự phóng túng của một chủ thể buông thả không kiểm soát được.

Quan hệ giữa con người với ảo giác huyền nhiệm của thế giới chơi, với chiều kích của cái tưởng tượng, rất mơ hồ. Chơi là một hiện tượng không có sẵn những tiêu chí đầy đủ cho nó. Có lẽ cách tiếp cận dễ nhất đối với tính đa nghĩa nội tại của nó là dùng những công cụ của một phép biện chứng không làm xóa nhòa đi những nghịch lý. Các triết gia vĩ đại đều luôn thấy được tính chất thiết yếu đặc biệt của sự chơi, điều mà nhận thức thông thường lại không thấy được, vì theo đó, sự chơi chỉ có nghĩa là phù phiếm, giả tạo, phi thực, vô mục đích. Do đó, Hegel đã nói đại ý, sự chơi, chính bởi bản chất phi vụ lợi và cực kỳ vô tư, lại là cái cao cả nhất và là hình thức đích thực duy nhất của cái nghiêm túc. Và Nietzsche thì đã phát biểu trong “Ecce Homo” rằng : “Tôi không biết còn có phương thức nào để đương đầu với những nhiệm vụ lớn lao tốt hơn là chơi?”

Đến đây, chúng ta đứng trước câu hỏi: liệu có thể làm sáng tỏ bán chất của sự chơi nếu chỉ xem nó như một hiện tượng nhân học? Phải chăng chúng ta không thể đẩy tư duy đi quá địa hạt con người? Nói thế không có nghĩa chúng ra phải đi phân tích hành vi chơi ở những tạo vật khác nữa. Nhưng cũng đáng băn khoăn rằng liệu có thể hiểu bản thể của sự chơi mà không cần phải xác định gần hơn nữa chiều kích lạ lùng của cái tưởng tượng. Nếu chúng ta thừa nhận chơi là một năng lực chỉ con người mới có thì chúng ta vẫn phải hỏi rằng liệu khi chơi, con người có còn thuộc về cõi nhân gian không, mà ngay cả nếu không, chúng ta cũng buộc phải thừa nhận y có quan hệ với một cái gì đó bên ngoài bản thân mình.

III

Ở trên, khi cố gắng làm sáng tỏ cấu trúc của sự chơi bằng một số khái niệm hình thức như không khí chơi, cộng đồng chơi, luật chơi, vật chơi và thế giới chơi, chúng tôi đã nhiều lần sử dụng cụm từ “cái tưởng tượng”. Cũng có thể thay cụm từ này bằng các từ như “cái bề ngoài”, “ảo ảnh”, nhưng khi làm như vậy, chúng tôi phải thừa nhận rằng mình đang vướng vào một sự lúng túng rất lớn về tri thức. Phải thừa nhận khái niệm “ảo ảnh” chỉ có thể được hiểu một cách tương đối, nhất là trong những tình huống cụ thể. Nhưng thật sự cũng rất khó để nói rõ chúng ta muốn biểu đạt điều gì với từ này. Những câu hỏi lớn nhất và những vấn đề triết học đều có thể bắt gặp trong những từ và những sự vật/sự việc bình thường nhất. Khái niệm “ảo ảnh” ở đây cũng mông lung và bí ẩn như khái niệm “Tồn thể” – cả hai khái niệm này đều phụ thuộc lẫn nhau theo một cách khó hiểu, không thể giải thích, thậm chí cực kỳ rối rắm; chúng chồng chéo và tương tác lẫn nhau. Càng nghĩ về những khái niệm này, chúng ta càng bị dẫn sâu hơn vào trạng thái bùng nhùng của tư duy.

Với câu hỏi về ảo ảnh liên quan đến sự chơi của con người, chúng ta đã chạm đến một vấn đề mang tính triết học. Chơi là một hành vi sáng tạo, một sự tạo tác. Sản phẩm của hành vi đó là thế giới chơi, là một cõi ảo ảnh, một lãnh địa mà tính hiện thực của nó trở nên đáng ngờ… Với từ “ảo ảnh” [Schein], về cơ bản, chúng ta muốn nói đến phần ngoại hiện của sự vật, phần bề mặt của sự vật, cái bề ngoài thuần tuý và những gì đại loại như thế. “Ảo ảnh” là một phần của khách thể – cũng như vỏ thuộc về nhân bên trong, cái bề ngoài thuộc về cái bản chất. Đôi khi chúng ta dùng từ “ảo ảnh” [ảo tưởng] đển nói đến một ấn tượng chủ quan dễ nhầm lẫn, một quan điểm sai lầm hay một ý niệm mơ hồ về một điều gì đó. Trong trường hợp này, “ảo ảnh” là cái nằm sâu trong chúng ta, trong một “chủ thể” ngộ nhận. Thế nhưng vẫn còn một loại ảo ảnh chủ quan khác, một loại ảo ảnh không phải là hệ quả của một mối quan hệ đúng –sai của chủ thể đối với khách thể – mà thật ra nó lại có một vị trí hợp thức trong thế giới nội cảm của chúng ta, thứ ảo ảnh là sản phẩm của trí tưởng tượng. Chúng ta cần đến những sự phân biệt trừu tượng này để xác lập vấn đề. Vậy cái thế giới chơi thuộc dạng ảo ảnh nào? Bề mặt của các khách thể? Ấn tượng đánh lừa? Ảo tưởng của tâm hồn? Không ai có thể phủ nhận được trong mỗi trò chơi, sự tưởng tượng đều mang tính sáng tạo và năng sản đặc biệt. Nhưng có phải thế giới chơi chỉ là sáng tạo bởi sự tưởng tượng không? Sẽ là quá đơn giản nếu như đơn thuần nói rằng lãnh địa ảo của thế giới chơi chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của con người, có nghĩa là cho rằng nó chỉ là một chuỗi những ảo giác cá nhân tương hợp với một chuỗi những ảo giác khác, hay đó là một chuỗi những hoạt động tưởng tượng của cá nhân cuối cùng sẽ đạt đến đỉnh cao nhất trong một hoạt động tưởng tượng mang tính tập thể. Sự chơi luôn luôn có quan hệ với các khách thể chơi. Chỉ riêng vật chơi thôi cũng đã đủ đảm bảo với ta rằng sự chơi không diễn ra trong cõi chủ quan thuần tuý, không có bất cứ sự quy chiếu nào với thế giới cụ thể xung quanh. Thế giới chơi bao hàm cả những thành tố tưởng tượng chủ quan và cả những thành tố thực tế khách quan. Chúng ta vẫn thường coi trí tưởng tượng như một năng lực của tâm hồn, chúng ta quen với những giấc mơ, những ảo tưởng và những điều hoang đường. Thế nhưng thế nào là một ảo ảnh thực tế khách quan? Trong thế giới thực, chúng ta thấy những hiện tượng đặc biệt, khó có thể nói là chúng là thực nhưng đồng thời lại chưa sở hữu thành tố cần thiết để trở thành cái phi thực. Nghe như nghịch lý, nhưng chúng ta ai cũng quen với những thứ như thế, chỉ có điều ta thuờng không mô tả nó theo một cách thức phức tạp và trừu tượng như vậy. Chẳng hạn, một cái cây ven hồ được phản chiếu trên mặt nước. Hình ảnh phản chiếu cũng phụ thuộc vào điều kiện các sự vật thực tồn tại trong môi trường đầy ánh sáng. Những vật thể hát bóng trước ánh sáng, những cái cây soi mình trên mặt hồ, những mẫu kim loại nhẵn bóng phản chiếu hình ảnh của sự vật xung quanh. Hình ảnh trong gương là gì? Là một hình ảnh, nó là cái hiện hữu thật – nó là hình ảnh phản chiếu thật của cái cây vốn đã có trước trong thực tế. Thế nhưng cái cây cũng được phản ánh qua hình ảnh; cái cây xuất hiện trên mặt nước, tuy nhiên cái hình ảnh đó chỉ tồn tại thông qua phương tiện phản ánh chứ không phải trong thực tế. Đây là loại ảo ảnh theo sự phân loại tự động của Tồn thể và chứa đựng một điều gì đó rất đỗi “phi thực” như một thành tố cơ bản cấu thành tính hiện thực của nó. Hơn thế, vẫn còn thêm một hình thức của Tồn thể xếp chồng lên đó nữa, một trật tự khá đơn giản của hiện thực. Hình ảnh của cái cây không che lấp mặt hồ mà nó in hình trên đó. Hình ảnh phản chiếu của cái cây lại có tính chất của một sự phản chiếu, nghĩa là, giống như một hiện tượng quang học, một sự vật có thật và chứa trong nó một cái cây “phi thực” trong thế giới gương. Điều này nghe có vẻ rối rắm – và minh họa của tôi có vẻ còn gượng ép nhưng nó là hiện tượng phổ biến, chúng ta có thể quan sát thấy hàng ngày. Toàn bộ bản thể luận của Platon – vốn đã thúc đẩy triết học phương Tây đạt đến một trình độ cao như ta thấy – đã liên tục phải dùng đến khái niệm về bản sao như là cái bóng và hình ảnh phản chiếu để diễn giải cấu trúc của thế giới.

Ảo ảnh thực tế (hình ảnh trong gương và những thứ tương tự) có ý nghĩa hơn là một sự tương ứng đơn giản của thế giới chơi – trên thực tế, nó thường xuyên xuất hiện như một nhân tố cấu trúc của bản thân thế giới chơi. Chơi là một phương thức ứng xử thật sự, có nghĩa là, nó chứa đựng một hình ảnh trong gương khởi phát từ hành vi của con người trong thế giới thực: hành vi chơi được cấu trúc bởi vai trong cuộc chơi. Khả năng sáng tạo những ảo ảnh chơi của con người phụ thuộc rất lớn vào điều kiện rằng có một ảo ảnh thực sự tồn tại trong tự nhiên. Con người không chỉ có năng lực tạo tác, y còn có thể cấp hình thức cho những vật nhân tạo sở hữu một thành tố nào đó của “ảo ảnh” thực. Anh ta thiết kế một thế giới chơi tưởng tượng. Một cô bé, nhờ sức mạnh của sự tưởng tượng, có thể biến con búp bê vải của mình thành một đứa bé sống động và tự đặt mình vào vai một bà mẹ…

Chơi là một sự sáng tạo có giới hạn trong vùng huyền hoặc của ảo ảnh.

Đưa ra sự phân tích chính xác cách thức theo đó cái hiện thực và cái phi hiện thực kết hợp và đan xuyên trong sự chơi của con người là một việc hết sức cần thiết nhưng cũng rất đỗi khó khăn. Việc phân tích bản thể của sự chơi dẫn ta trở lại với những vấn đề căn cốt của triết học: những suy nghiệm về Tồn thể và Hư vô, cái Hiện tướng (Appearance) và cái Triển diễn (Becoming). Ở đây chúng ta chưa thể đi theo mạch tư tưởng này nhưng dù sao, ta cũng thấy rằng những sáo ngữ thường thấy khi nói về tính phi thực của sự chơi vẫn là những quan niệm rất hời hợt, nếu như người ta không xem xét kỹ phương diện huyền hoặc của cái tưởng tượng. Vậy con người là gì, đâu là ý nghĩa phổ quát của cái tưởng tượng? Đó có phải là một lãnh địa bị cô lập với những tạo tác còn lại? Có phải miền đất lạ này là một nơi đã được thiêng hóa nhằm phát lộ và biểu hiện bản chất của tất cả sự vật tồn tại ở đó? Trong hình ảnh phản chiếu đầy ma lực mà thế giới chơi tạo nên, một khách thể được chọn lựa ngẫu nhiên (chẳng hạn, vật chơi) trở thành một biểu tượng. Nó có tính chất tượng trưng. Thậm chí ngay cả khi điều này từ lâu đã bị quên lãng thì hành động chơi của con người vẫn là một hành động tượng trưng nhằm biểu hiện ý nghĩa của thế giới và cuộc đời…

Trong lịch sử triết học, các nhà tư tưởng đã không chỉ cố gắng xác định bản thể của sự chơi – một số người còn lật lại vấn đề và định nghĩa ý nghĩa sự hiện sinh của con người thông qua sự chơi. Quan niệm về sự chơi như vậy có thể xem là một quan niệm tư biện. Nói ngắn gọn, tư biện là phương thức mô tả bản chất của Tồn thể bằng cách lấy ví dụ về một dạng thức của Tồn thể: đó là cách xác lập ý niệm về thế giới từ một bộ phận của nó, được xem như là vật mẫu cho cái toàn thể. Các triết gia đã dùng nhiều vật mẫu như vậy: dòng nước trong triết học của Thales, ánh sáng trong hệ thống tư tưởng của Plato, cái tinh thần trong trước tác của Hegel, v.v… Nhưng một vật mẫu như vậy có khả năng soi rọi cho toàn thể vũ trụ hay không lại không phụ thuộc vào sự lựa chọn chủ quan của mỗi triết gia – yếu tố tiên quyết ở đây lại là: liệu trên thực tế, tính toàn vẹn của Tồn thể có thể được phản ánh mà không cần phải tạo ra một sự gò ép đầy chủ quan đối một bộ phận nào đó của Tồn thể chăng? Hễ ở đâu ta thấy những luật lệ, cấu trúc, dự đồ của vũ trụ lặp lại chính bản thân chúng với hàm ý tượng trưng bên trong khung khổ của thế giới, thì đấy chính là một hiện tượng then chốt của triết học đóng vai trò như là nền tảng của một phương thức tư biện về vũ trụ.

Chơi là một hiện tượng mà ngay từ trong bản chất đã mang tính chất của một hành động biểu hiện tượng trưng. Nói như thế phải chăng ta có thể xem chơi là sự nhập vai trên một sân khấu tượng trưng của vũ trụ, một ẩn dụ mang màu sắc tư biện về thế giới? Tư tưởng táo bạo này thực ra trước đây cũng đã được phát biểu. Từ buổi bình mình của triết học châu Âu, Heraclitus đã nói: “Tiến trình của thế giới là một đứa trẻ đang chơi thực hiện những nước đi của nó trên bàn chơi – đứa trẻ là người thống trị tuyệt đối của vũ trụ.” (Diels, Những phiến đoạn). Và sau 25 thế kỷ triết học, Nietzsche đã viết: “Tạo sinh và tan rã, dựng xây và phá hủy mà không mang hàm ý luân lý, trong trạng thái ngây thơ vĩnh cửu, động thái ấy chỉ có thể tìm thấy ở sự chơi của nghệ sĩ và trẻ nhỏ trong thế giới này” – “ thế giới trò chơi của Zeus) (trích “Triết học trong Thời đại Bi kịch Hy Lạp”).

Ở đây, ta chưa có điều kiện để bàn kỹ về ý nghĩa sâu xa của một quan niệm như vậy, cũng như sư nguy hiểm và sức mạnh quyến rũ của nó – cái đã thúc đẩy sự diễn dịch thẩm mỹ về vũ trụ. Nhưng ý niệm phức tạp về thế giới này, theo đó, Tồn thể trong tính toàn vẹn của mình vận hành như là đang chơi, có lẽ khiến ta phải lưu tâm rằng chơi không hề vô hại, mang tính ngoại biên, thậm chí “trẻ con” – rằng thực sự thì với sức mạnh và hào quang của sự sáng tạo đầy ma lực ở trong mình, chúng ta, những thân phận hữu tử, chúng ta đang “đặt cược” mình theo một cách mạo hiểm không dễ giải thích. Một khi bản chất của thế giới được quan niệm như trò chơi, thì hệ quả logic đối với con người là y là tạo vật duy nhất trong vũ trụ này có thể hiểu và mô phỏng lại hoạt động của toàn bộ Tồn thể. Và nếu như thế, con người chỉ có thể tìm thấy bản chất đích thực của mình trong mối quan hệ với cái gì cao hơn chính bản thân y…

Khi các thi sĩ và triết gia chỉ ra tầm quan trọng hết sức lớn lao của sự chơi ở hình thức sâu sắc nhất mà con người có thể thực hiện được, thì chúng ta cũng lại nhớ đến những nhận định khác, theo đó chúng ta không thể bước vào thiên đường được nếu như trước hết chúng ta chưa trở thành trẻ thơ.

(Dịch xong tháng 6-2008. Đăng lại trong những ngày mỏi mệt. Và để nhớ đến một người bạn đã chia sẻ với mình rất nhiều về tư tưởng của Fink ở thời điểm ấy)

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Eugen Fink , “The Oasis of Happiness: Toward an Ontology of Happiness, bản dịch tiếng Anh của Ute Saine và Thomas Saine, The Yale French Studies, No.41 (1968), Game, Play and Literature, p19-30.

Ý NIỆM VỀ CÁI NHẸ TRONG BỘ PHIM HONOR DE CAVALLERIA CỦA ALBERT SERRA

Bài viết dưới thực chất là bài tập của bạn Đặng Hương Giang, sinh viên năm thứ hai, K63 Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội thực hiện trong khuôn khổ học phần Lý luận văn học. Nhưng tôi nghĩ bài viết đã thoát khỏi tính chất của một bài tập trường quy. Nó thể hiện một nỗ lực theo đuổi một suy tưởng, một cảm thức mà nói như Giang, việc suy tưởng về nó có ý nghĩa trước hết với cá nhân em.

Một suy nghĩ đẹp thì nên được chia sẻ. Tôi nghĩ thế và xin phép Giang giới thiệu bài viết này. Và bộ phim Giang tìm hiểu cũng là một tác phẩm điện ảnh lạ, rất đáng xem.

 

Honor

 

 

Albert Serra có trong tay một nghìn trang tiểu thuyết viết về cuộc phiêu lưu của hiệp sĩ Don Quixote và giám mã Sancho Panza, một dàn diễn viên không chuyên, một ekip sẵn sàng cho những cuộc thử nghiệm điện ảnh không hoàn hảo, và Honor de Cavalleria ra đời như minh chứng cho đích đến của cuộc chơi phóng túng, đầy khinh khoái, một cú nổ tung của niềm thỏa mãn cảm xúc bằng những khuôn hình không thể tối giản hơn. Milan Kundera từng đặt ra niềm băn khoăn, chúng ta đã tìm đến ý nghĩa cuốn tiểu thuyết vĩ đại của Cervantes bằng một câu trả lời hay là sự khẳng định đạo lý1? Với bộ phim chuyển thể đầu tay, Albert Serra đã tìm thấy, đích xác là, câu trả lời cho những ý niệm tưởng rõ ràng mà mơ hồ Cervantes đưa ra, về ngôi làng không tên ở xứ Mancha, có một chàng hiệp sĩ hiên ngang chinh phục những điều viển vông, một bác giám mã cưỡi lừa cả tin vào phần thưởng không có thực, cùng muôn vàn các nhân vật ngơ ngác khác, với những xung đột buồn cười, những bài học đắt giá. Chúng ta hẳn sẽ bỡ ngỡ khi phải bước vào câu trả lời của Albert Serra, vì không thể tìm thấy một ngôi làng nào, chẳng có trận đánh nào, thiếu luôn cả cối xay gió, cả sự ăn năn mà Don Quixote rốt cuộc trước khi chết cũng nhận ra. Tất cả các không gian trong nhà, những rào cản của một ngôi làng đã biến mất, Don Quixote và Sancho Panza của Albert Serra đi cùng nhau trên những cánh đồng mênh mang, dưới những cơn gió hào sảng, những tia nắng huyền diệu, và tiếng dế kêu rả rích của trời hè thoáng đãng; cùng trò chuyện về Chúa Trời và đức tin, về nỗi tuyệt vọng, về những ước nguyện gia cố cho thân thể đương tàn mà tinh thần hiệp sĩ thì ngày thêm mạnh mẽ. Sức nặng của không gian, của bộ áo giáp, hay ý niệm về thân thể và sự tồn tại đã bị trượt nghĩa để hướng đến niềm xác tín phi trọng lượng. Điều duy nhất còn lại là tinh thần hiệp sĩ, hiện hữu nhưng không hiện hình, nhẹ nhõm mà chi phối toàn thể hành động. Albert Serra tìm đến câu trả lời cho ý nghĩa của di sản mà Cervantes để lại, bằng ý niệm vững chãi về cái nhẹ hiện diện như một phương thức giải trừ trọng lượng, nhưng đồng thời chứa đựng nhiều ẩn dụ của những dự phóng suy tư. Liệu rằng câu trả lời của Serra qua 108 phút chuyển thể điện ảnh này có mang đến cho chúng ta chân dung tinh thần trọn vẹn của Don Quixote và Sancho Panza, của Cervantes? Albert Serra còn tiến xa hơn thế, bởi lẽ rằng, như đạo diễn đã nói: “Tôi không kể lại một câu chuyện phiên lưu, tôi chỉ đang phiêu lưu theo một câu chuyện kể”.

I/ Thế nào là nhẹ?

Chúng ta hẳn sẽ vẫn còn nhớ đến Cosimo, chàng nam tước xứ BóngRâm đã sống một cuộc đời không chạm chân xuống đất kể từ khi mười hai tuổi. Tôi sẽ bắt đầu tiểu luận này bằng một hình ảnh, với niềm tin tưởng nó sẽ gieo lấy hình dung tốt hơn cả cho ý niệm về cái nhẹ tồn tại như một đặc tính và phẩm chất cần có của nghệ thuật và của đời sống.

Cosimo, kẻ đang hấp hối, ngay tại cái khoảnh khắc sợi dây mỏ neo tạt ngang gần mình, liền bật ra một trong những cú phóng thông lệ của thời trai trẻ, chộp lấy sợi dây, chân trụ trên cái mỏ neo, thân bẻ gập, chúng tôi nhìn thấy anh bay đi như thế, theo chiều gió, tuyến bay của quả cầu hơi chậm lại một chút, rồi khuất về phía biển…

Quả khí cầu, băng qua vịnh, đáp xuống được lên bờ bên kia. Trên sợi dây thừng chỉ còn cái mỏ neo. Các nhà lái khí cầu, mệt đứt hơi để tìm cách giữ vững lối đáp, không biết gì cả. Người ta giả định rằng cái ông lão hấp hối ấy có lẽ đã biến mất trong lúc đang bay trên vịnh. [2;360-361]

Cú phóng thông lệ của thời trai trẻ, một lần nữa đánh dấu sự ra đi của Cosimo, kết thúc cuộc đời trên cây như một lời thề nguyền sẽ nhìn mặt đất bằng khoảng cách chàng tạo ra. Trong cơn hấp hối, mọi sinh lực đã dồn nén lại để thể hiện cú nhảy theo chiều gió cuối cùng, hoàn thành ước muốn được nhấc mình ra khỏi sự nặng nề của khế ước xã hội. Những cuộc tình ái, những mối suy tư và các quan hệ đời sống không tài nào kéo chàng ra khỏi sự quyến rũ mê hoặc của những tán cây chằng chịt như mạng nhện. Như thể rằng, cú phóng lên mấu cây sồi xanh sau món ốc sên đầy tử khí chàng không chịu nổi là phép ứng xử huyền thoại của thế kỉ XVIII, được tái hiện dưới ngòi bút nhẹ nhõm của nhà văn Ý thế kỉ XX Italo Calvino.

1/ Cái nhẹ như là sự giải trừ trọng lượng

Bài giảng đầu tiên trong Những bài giảng Mỹ – sáu điểm ghi nhớ cho thiên kỷ tới đã được Italo Calvino ưu ái dành cho việc thể hiện những quan điểm về cái nhẹ, như một triển vọng dành cho văn chương của thiên kỷ mới, thông qua việc khẳng định tính nhẹ không phải là một khiếm khuyết mà là một giá trị. Trong bốn mươi năm cầm bút, Italo Calvino chưa từng rời bỏ tuyên ngôn “sự hiện diện của tôi đồng nghĩa với một sự giảm bớt trọng lượng, tôi đã cố sức bỏ đi gánh nặng khỏi những khuôn mặt người, hoặc khỏi những thiên thể, hoặc khỏi các thành phố, nhất là tôi đã cố công nhấc bỏ trọng lượng khỏi cấu trúc truyện và ngôn ngữ”. Sự nhấc bỏ trọng lượng ấy có ý nghĩa gì? Tại sao chúng ta lại cần đến tính nhẹ như một phương ngôn, đồng thời là lối giải thoát tốt nhất? Italo Calvino kiếm tìm những biểu hiện của tính nhẹ trong văn học cổ kim, và say sưa khám phá giá trị của chúng. Đó là lối nhẹ nhõm giàu chất suy tư, khác hẳn với sự nhẹ nhõm phù phiếm. Trong khi các nhà văn muốn tái hiện thời kỳ mình đang sống bằng những chất liệu tích lũy được, nghĩa là tất thảy cái nặng nề và trơ ì mà sự kiện mang lại, đều gặp cản trở khi xử lí hình ảnh và ngôn ngữ, Italo Calvino nhận ra thế giới này là một tảng đá. Thật vô ích nếu chúng ta dùng trọng lượng để đọ cuộc với trọng lượng. Chính vì vậy, để tránh đi những va chạm có nguy cơ gây thương tích, hay tránh việc bị hóa đá trước sự lạnh lẽo và nặng nề của tảng đá khổng lồ, không còn cách nào khác, chúng ta phải khiến cơ thể và suy tư của mình bay lên, đạt tới ngưỡng phi trọng lượng.

Ý niệm về phạm trù nặng – nhẹ hình thành từ đâu? Minh họa sau đây sẽ giúp chúng ta nhận ra câu trả lời:

Honor 2Honor 3

Ý thức về trọng lượng của vật và lực hấp dẫn của Trái Đất đã đưa chúng ta đến cách nhìn giản đơn nhất về sức nặng – nhẹ. Trọng lực là thứ vô hình nhưng có khả năng tạo nên hình dung cụ thể về trọng lượng, khiến cho vạn vật được níu giữ trên mặt đất và tương tác với các chiều kích không – thời gian. Về điều này, nghệ thuật nhạy cảm hơn trong việc phát hiện ảo giác về lực hấp dẫn, trước khi Einstein đưa ra ý niệm mới về “gravity” theo thuyết tương đối rộng. Thực tế cho thấy, “các nghệ sĩ nhào lộn là nhóm người chuyên biệt nhất thường xuyên cưỡng lại các định luật của lực hấp dẫn”[5;425].

Honor 4

Edgar Degas, La La ở rạp xiếc Fernado, Paris (1867)

Honor 5

Georges Seurat, Rạp xiếc (1891)        

Honor 6

Pablo Picasso, Chú bé nhào lộn trên quả bóng (1905)

Bằng cách chơi đùa với trọng lực, những nghệ sĩ xiếc dường như đánh mất khái niệm về trọng lượng. Ngay khi điều này xảy ra, phạm trù nặng – nhẹ dường như không còn tồn tại. Tôi cho rằng, để đạt tới ngưỡng nhẹ, chúng ta buộc phải ý thức triệt để về tính nặng, mặt khác, để hướng tới trạng thái thăng hoa đầy khinh khoái, chúng ta phải tạm quên đi trọng lực đang níu giữ trọng lượng của mình. Ba bức tranh về chủ đề nhào lộn thể hiện cảm giác chênh vênh về sự níu giữ của trọng lực. Những nghệ sĩ khéo léo thể hiện sức mạnh của thân thể, ở đây ý niệm về trọng lượng cơ thể đã hoàn toàn bị xóa bỏ, nhằm thể hiện sự linh hoạt và khả năng bay bổng. Miễn là không bị ngã nhào, sức nặng của cơ thể hoàn toàn có thể chơi đùa và giễu nhại quyền năng của trọng lực. Chính tại thời điểm này, chúng ta nhận thấy rõ ràng sự khoái lạc mà cảm giác khinh khoái mang lại.

Nhưng tôi luôn nghĩ rằng, giải trừ sức nặng của trọng lượng thông qua nỗ lực tạo ra thế giới phản hấp dẫn vẫn chưa thể khai thác hết giá trị của cái nhẹ. Lực hấp dẫn của những sự kiện đời sống tác động lên tâm trí con người, chứ không phải trọng lượng của họ, đã minh chứng suy tư mới là một tảng đá nặng nề, và sức đè nén của nó thì biến chuyển huyền bí như ma thuật.

2/ Cái nhẹ như là một tiết lộ về ý niệm mới của sức nặng

Giá trị của cái nhẹ không đơn thuần dừng lại ở việc ý thức về trọng lượng để giải trừ nó, nghĩa là tìm mọi cách vượt lên trên trọng lực nhằm tìm kiếm một không gian khác. Tôi muốn đi đến việc khẳng định giá trị này được tạo tác dựa trên việc xuyên qua những khối đá khổng lồ, nỗ lực chống lại sự hóa đá mà đôi mắt của Medusa gây ra. Điều đó có nghĩa, cái nhẹ không tồn tại như lớp bọt nổi được vớt vát từ những thứ mang sức nặng, mà nó đảm nhiệm vai trò đối cực và hoàn toàn có khả năng kháng cự. Về tính chất này, tôi cho rằng sức nặng không còn mang ý nghĩa đè nén và trấn áp của trọng lượng. Ngay cả sức nặng cũng cần phi trọng lượng thì cái nhẹ mới đạt tới ngưỡng toàn trị quyền năng.

Tôi sẽ tiếp tục dẫn ra hai ví dụ minh họa của Leonard Shlain để dễ dàng hơn trong việc nhìn nhận luận điểm này.

Honor 7

René Magritte, Lâu đài ở dãy Pyrénées (1959)

Honor 8

Salvador Dali, Biểu tượng bất khả tri (1932)

 Bức tranh của René Magritte là sự kết hợp cùng lúc sức nặng của tảng đá và lâu đài, song chúng nhẹ nhàng lửng lơ. Khi chúng ta tưởng như thế giới này không còn gì nặng nề bằng khối đá và tòa lâu đài ấy, chúng dường như hóa thành một đám mây phiêu bồng. Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây không phải là việc đánh đổ sự tồn tại lực hấp dẫn của Magritte. Chúng ta hãy nhìn bức tranh ấy, trong sự hài hòa của hình khối và màu sắc, khối trọng lượng khổng lồ ấy chẳng phải đang được bao bọc và nâng đỡ bởi sự vi tế và nhẹ bẫng của những luồng không khí và ánh sáng hay sao? Biểu tượng bất khả tri của Dali là một hình dung khác về sức mạnh của ánh sáng.

Dali đã thể hiện chính xác đến kì lạ hình ảnh một chùm sáng sẽ như thế nào khi đi qua không gian bị uốn cong ở gần một đối tượng có khối lượng lớn. Trong tác phẩm này, một chiếc thìa bạc bị kéo dài ra đến hết mức, trông không khác gì một luồng ánh sáng, đi vào tranh từ góc trên bên phải. Chiếc thìa, với tư cách là một chùm ánh sáng, sau đó vượt qua khoảng không gian tối và kín như bưng chỉ chứa một vật nhỏ có khố lượng với hình thù không rõ ràng; chiếc cán thìa mỏng mảnh uốn vòng quanh vật rồi lại duỗi thẳng ra. Miệng thìa nhỏ chứa một chiếc đồng hồ bé xíu được vẽ như thật, có kim dừng lại vĩnh viễn vào lúc 6 giờ 4 phút. Chỉ với một bức họa siêu thực như thế, Dali đã diễn tả cùng một lúc tất cả các ý niệm về ánh sáng bị lệch hướng, không gian bị uốn cong và thời gian bị dừng lại. Trong toàn bộ nghệ thuật, thật khó mà tìm thất một tác phẩm nào khác có thể miêu tả sáng tạo hơn về tác động của khối lượng lên không – thời gian ở gần nó, như là bức Biểu tượng bất khả tri.[5;438]

Chỉ vài dòng ngắn ngủi phân tích bức họa, vật lí đã giúp L.Shlain nhìn nhận rõ nét bản chất của luồng ánh sáng bị bẻ cong khi tiếp xúc với một vật, nhưng đồng thời, trực cảm nghệ thuật của Dali buộc Shlain dành sự ngưỡng mộ cho danh họa Siêu thực này. Và chúng ta nhận ra, những thứ tưởng chừng phi trọng lượng như ánh sáng, lại ẩn chứa trong nó sức mạnh đối kháng với vật có trọng lượng, tuy không thể xuyên thấu nhưng bằng mọi cách lách qua và tiếp tục lộ trình của mình.

Cái nhẹ tự thân đã mang một sức mạnh, trong sự tương tác với sức nặng. Song, tôi muốn hướng đến một sức mạnh lớn lao hơn, đó là khả năng cấu thành sức nặng của nó. Vật lý lượng tử sẽ giúp chúng ta giải đáp khả năng này của cái nhẹ, cụ thể hơn là ở chương Các hạt cơ bản và các lực trong tự nhiên trong cuốn sách nổi tiếng của Stephen Hawking, Lược sử thời gian. Hawking bắt đầu diễn giải bằng việc đưa ra quan điểm của Aristotle, toàn bộ vật chất trong vũ trụ này được tạo thành từ bốn yếu tố cơ bản: đất, không khí, nước và lửa. Đến thế kỉ XIX, vật lý hiện đại đã phá vỡ niềm xác tín rằng nguyên tử là thứ không thể phân chia và cho ra đời sự tồn tại của hạt cơ bản, nhưng chưa thỏa mãn, các nhà khoa học hứa hẹn sẽ phát minh những loại hạt nhỏ hơn cấu thành nên vật chất. Italo Calvino trong bài giảng về cái nhẹ cũng đã đưa ra những ví dụ thuyết phục, rằng thế giới được đặt trên những thực thể tế vi, chúng có vai trò kiến tạo nên những thực thể mang trọng lượng lớn, như thông tin DNA, như các loại hạt quark, như dòng bit thông tin.

Cuộc cách mạng công nghiệp thứ hai, khác với lần đầu tiên, không cung cấp hình ảnh đè bẹp của những máy cán hay những dòng thép nguội, mà hiện ra như là những bit của một dòng thác thông tin chạy qua những dòng mạch dưới hình thức những xung điện. Máy móc bằng kim loại vẫn tồn tại, nhưng chúng tuân theo lệnh những bit không thể đo đếm3.

Nguồn gốc sự sống của chúng ta được thực thi theo mệnh lệnh của các vì sao. Các ngôi sao là tổ tiên nguyên thủy của tất cả mọi dạng thức sống. Các ngôi sao chết đi, tro bụi của chúng bắn tung vào vũ trụ tối tăm và trở thành hạt giống tạo nên tôi và anh. [5;446]

Quay lại với ý niệm về cái nhẹ trong sáng tác nghệ thuật, chính xác là cách thức phản ánh thế giới thực, tôi tin rằng Milan Kundera đã có thể khái quát nó bằng nhận định sau: “Với Proust, vũ trụ bên trong của con người là huyền diệu, là một cõi vô tận không ngừng khiến ta kinh ngạc. Nhưng đấy chẳng phải là điều ngạc nhiên của Kafka. Ông không tự hỏi đâu là những động cơ bên trong quyết định ứng xử của con người. Ông đặt một câu hỏi khác về căn bản: đâu là những khả năng còn lại của con người trong một thế giới mà những quyết định từ bên ngoài trở thành nặng trĩu đến nỗi những động cơ bên trong chẳng còn chút trọng lượng nào nữa?”2 Khả năng còn lại ấy là con đường dẫn dắt chúng ta tìm hiểu ý niệm về cái nhẹ trong nghệ thuật, qua những đúc kết hình tượng và ngôn ngữ trong các tác phẩm, để minh chứng đấy là một sức mạnh không thể lường trước, và dường như, chúng đang hé lộ một sức nặng khác mà ta chẳng tài nào hình dung nổi.

Một tiểu thuyết gia có thể tái hiện được, một cách khó khăn, tư tưởng của anh ta về cái nhẹ, minh họa nó bằng những ví dụ rút ra từ cuộc sống đương đại, mà không đặt nó ra thành một đối tượng không thể nắm bắt của một cuộc truy tầm bất tận. Milan Kundera đã làm điều đó một cách sáng sủa và trực tiếp. Tiểu thuyết Đời nhẹ khôn kham của ông, trên thực tế, là một nhận định cay đắng về tính nặng không thể tránh khỏi của đời sống, tác giả không chỉ lên tiếng về sự áp bức và tuyệt vọng tràn ngập thuộc về số phận đất nước bất hạnh của ông, mà đúng hơn là về một thân phận con người, cũng chính là thân phận của chúng ta, mặc cho chúng ta có một số phận đáng thèm muốn hơn rất nhiều. Trọng lượng của đời sống, với Kundera, hiển lộ trong tất cả các hình thức của bó buộc: cả công cộng lẫn riêng tư, những bó buộc cuối cùng tóm được mọi tồn tại trong những cái mắt lưới ngày càng ken sát hơn của một mạng lưới dày đặc. Cuốn tiểu thuyết cho chúng ta thấy, bằng cách nào, trong cuộc sống, tất cả những gì chúng ta lựa chọn và thích thú vì tính nhẹ của chúng đều nhanh chóng tiết lộ hóa ra chúng lại mang một sức nặng không thể chịu đựng.4

Trở lại với ví dụ về chàng Cosimo và cú phóng cuối cùng của cuộc đời mà tôi đã đưa ra, có thể nói nỗ lực này minh chứng cho khả năng còn lại đã tiết lộ sự thật về một cú nhảy, tưởng chừng nhẹ nhõm nhưng là kết quả của toàn bộ năng lượng còn lại, nhằm hướng đến hóa giải sức nén mà suốt đời mình, Cosimo treo thân thể lơ lửng trên những trụ đỡ mỏng manh của các cành cây.

Tôi sẽ kết thúc luận điểm này bằng việc đưa ra một tứ thơ của Kyorai, mà tôi cho rằng đã thể hiện được sức nặng hữu hình cũng như vô hình đè nén chúng ta:

Ôi, giá lạnh!

Tôi chẳng thể ngẩng đầu

Ngắm nhìn vầng trăng khuyết.

Luôn luôn tồn tại một khoảng cách bất di bất dịch giữa thế giới đau thương – ta – khát vọng hóa giải, cũng như việc luôn phải đối mặt với mâu thuẫn giữa sức nặng tưởng chừng không thể chịu đựng với ý niệm về cái nhẹ như một phương thức kháng cự. Tuy nhiên, nói như Italo Calvino, đây sẽ là thiên niên kỷ chúng ta cần đến đôi dép gắn cánh của Perseus để bay lên một không gian khác, cần đến cú nhảy khéo léo và không thể đoán trước của Cavalcanti, cần bước vọt thoát của Mercutio, hay chiếc xô rỗng của Kafka mà người kỵ sĩ dùng để tìm than, cũng như những chiếc thảm bay, ngựa bay và sự nâng đỡ của các vị thần chui ra từ những cây đèn trong Nghìn lẻ một đêm. Chúng ta cần hơn hết một ý thức tuyệt đối về trọng lượng, cũng như niềm tin tưởng hoàn toàn vào việc ta không những có thể giải trừ sức nặng của cơ thể và suy tư của chính mình mà còn đủ đầy tự tin đối chọi với sức nặng thế giới này đè nén.

II/ Albert Serra và cuộc thử nghiệm chuyển thể Honor de Cavalleria

Với những đặc tính nhẹ tồn tại như phẩm chất cần thiết đối với nghệ thuật và đời sống, tôi sẽ quy chiếu chúng vào chuyển thể điện ảnh cuốn tiểu thuyết vĩ đại bậc nhất của nhân loại, Don Quixote, nhà hiệp sĩ quý tộc tài ba xứ Mancha của Miguel de Cervantes. Honor de Cavalleria, như tôi đã nói, là câu trả lời thể hiện khả năng nắm bắt tinh thần Cervantes của Albert Serra. Điều ấy không chỉ biểu hiện qua sự đồng điệu tinh thần giữa Cervantes và Serra, vì cùng chung dòng máu Tây Ban Nha, mà còn ở việc nhận thấy tín hiệu thẩm mỹ Cervantes khéo léo che chắn. Serra đón nhận tín hiệu Cervantes phát ra từ 400 năm về trước, đồng thời biến tấu chúng trên nền văn hóa mang đậm hơi thở đương đại nhưng vẫn phát huy được cái nhìn hồn nhiên và nghịch dị của thầy trò Don Quixote – Sancho Panza qua những hành trình phiêu lưu không mỏi mệt, với khát vọng vươn đến tinh thần hiệp sĩ toàn diện. Ở câu trả lời của Serra, không gì nằm ngoài ý niệm về cái nhẹ là một sự hiển lộ đầy thành công và táo bạo. Thành phố biến mất, bộ áo giáp biến mất, nàng Dulcinea chạy trốn ở nơi nào, và cối xay gió cũng chẳng còn vết tích của sự tồn tại, Don Quixote chết không nước mắt, không ăn năn, hối cãi, và cuộc đời Sancho Panza là một sự nối dài sau cái chết của người bạn đồng hành. Cuộc phiêu lưu của Serra với điện ảnh song hành với cuộc phiêu lưu của Don Quixote với lí tưởng hiệp sĩ đã ngưng đọng như một vật thể trôi nổi trong chân không, hướng đến sự hóa giải mọi trọng lượng vốn tồn tại.

PV: Hãy miêu tả một chút về Honor de Cavalleria?

AS: Đây là một chuyển thể tinh thần Don Quixote. Bộ phim hướng đến việc phác họa tinh thần của hai nhân vật chính. Thực tế đó là phép ẩn dụ của tiểu thuyết và buộc chúng ta kiếm tìm. Thông qua các mảnh ghép đơn giản, tôi đã tạo ra bầu không khí cụ thể, rõ ràng. Do đó, những đoạn thoại có vẻ nhàm tẻ. Tất cả mọi thứ hiển lộ tự nhiên mà không có dấu vết của cấu trúc tường thuật. Điều này khiến tôi đặt ra câu hỏi cho cách xử lí những tiểu tiết, nhằm thể hiện mục đích trên, ví dụ như, một người luôn nhìn lên bầu trời, còn người kia luôn nhìn xuống mặt đất.
PV: Bạn đã có một quyết định táo bạo, đó là làm việc với dàn diễn viên không chuyên.

AS: Diễn viên chuyên nghiệp không khiến tôi hứng thú. Vì họ rất dễ đoán trước. Sẽ vui thích hơn nếu ta tìm kiếm cảm hứng mới. Tôi rút kinh nghiệm từ khoa học, và luôn thôi thúc mình tìm đến những gương mặt, những cảm giác mới. Điều đó lí giải tại sao tôi sử dụng một bộ máy làm việc rất trực quan. Trong lúc quay, có một số cảnh, một số chuyển động ống kính tôi vận dụng đã xác định các chủ đề đối thoại, mà ở đấy, diễn viên có thể gia giảm sự phóng túng của mình. Sự thật là điều này tôi học hỏi từ Passolini. Phim của tôi không có diễn tập. Hơn thế nữa, các cảnh quay luôn theo đúng diễn tiến. Những cảnh quay bạn xem được cũng chính là cảnh quay đầu tiên.

PV: Điều gì khiến cho bạn thành công?

AS: Tôi chọn ra một chủ đề khác thường, và tôi cố gắng tái hiện chúng càng nguyên sơ càng tốt để tạo ra những chấn động đối với người xem. Tôi hướng mình theo phong cách làm phim giàu chất thơ. Kể chuyện khiến tôi thấy thật buồn tẻ. Thay vì miêu tả, tôi phản ánh thế giới này.

PV: Ông chịu ảnh hưởng từ vở kịch “Trong khi chờ Godot” của Samuel Beckett?

AS: Quả nhiên rồi. Don Quixote và Sancho Panza cũng đang chờ đợi.

PV: Bộ phim này là một thách thức với người xem.

AS: Khán giả hiện nay thường bảo thủ trong việc xem phim. Nhưng tôi vẫn muốn tiếp cận nhiều đối tượng, có thể chỉ là ở rạp. Cha tôi đã xem bộ phim này. Tuy không hiểu nhưng ông vẫn ngồi xem. Giống như thăm thú bảo tàng, ông không đi chỉ vì thích thú mà vì phải làm việc. Trong một bộ phim, có thể bạn không hoàn toàn thích, nhưng hãy thưởng thức nó. Điện ảnh bây giờ vẫn tuân theo cấu trúc truyện kể, ngay cả với phim thể nghiệm. Tôi muốn phá vỡ điều này trong Honor de Cavalleria. Tôi muốn khơi gợi cảm xúc ở người xem.

Nếu như dấu hiệu cơ bản của việc chuyển thể một tác phẩm văn học gắn liền với biểu hiện chuyển dịch kết cấu tự sự từ văn bản này đến một hình thức nghệ thuật khác5 thì ở Honor de Cavalleria, Albert Serra tiến tới phủ định triệt để quan niệm này. Với phong cách làm phim phá vỡ sự tồn tại của một cấu trúc tự sự, Serra chú trọng vào việc tạo nên những tiểu tiết cũng như lặp lại chúng thường xuyên nhằm gợi nên ở người xem một sự thôi thúc tự giải nghĩa. Điều đó cũng tương ứng với việc bộ phim đã phá đi những giới hạn của không – thời gian, đồng thời giản lược triệt để những biến cố. Bộ phim chuyển tải những khoảng lặng trong tác phẩm, nhưng là một sự chuyển tải ẩn dụ mạnh mẽ. Chẳng hạn như nghi thức trao vòng nguyệt quế rất chậm rãi nhưng đầy cảm xúc. Ngay khi tình huống được đẩy lên cao trào, lập tức chúng đã tự hủy tính chất tồn tại như một sự kiện. Và đơn thuần chỉ còn lại những rời rạc của hình ảnh và âm thanh. Sự hiện diện độc lập và không có tương tác chủ đề của các khuôn hình khiến ta nhớ đến thủ pháp kinh điển của điện ảnh, montage. Thực tế duy nhất tồn tại trong bộ phim về Don Quixote là thực tế tinh thần chứ không phải là sự kiện. Điều đó khiến cho sự căng thẳng giữa thực tại tinh thần và cuộc sống thường nhật của hai nhân vật chính là chủ đề xuyên suốt bộ phim, khiến cấu trúc tự sự bị lu mờ. Chính bởi điều này, tôi sẽ tiến hành nối kết những khuôn hình có cùng trường liên tưởng để tạo ra một hình dung về sự khinh khoái mà Serra đặt vào nhân vật của mình, thông qua các diễn viên nghiệp dư chỉ được phép “đóng vai” một lần duy nhất trước ống kính.

1/ Ý thức về thân thể

DQ: Sancho, nó được sửa rồi chứ?

SP: Đã xong rồi thưa ngài.

DQ: Thật à? Ta có thấy anh làm gì đâu.

Nó được sửa rồi chứ hả?

SP: Đã xong thưa ngài.

DQ: Nó sẽ không làm ta đau chứ?

Ta muốn anh giúp ta một việc.

DQ: Nó sẽ không làm ta đau chứ?

SP: Không phải lúc này đâu ngài.

DQ: Ta cần nhờ anh một việc. Hãy đi và tìm giúp ta một vòng nguyệt quế! Đi và tìm giúp ta một vòng nguyệt quế. Anh làm được không?

SP: Được, thưa ngài.

DQ: Hãy tìm một vòng nguyệt quế. Đi và kiếm lấy một cái. (SP ngại ngần) Anh có thể chứ hả?

Tôi vừa dẫn ra đoạn thoại mở đầu bộ phim, và phải mất một khoảng thời gian đủ dài để chờ đợi tiếng nói của Don Quixote và Sancho Panza, chúng ta nhận thấy phần mở đầu này đã phảng phất không khí nặng nề của sự mỏi mệt. Trong khi Don Quixote rên lên những tiếng khẽ khàng và não nề, đồng thời xoa bóp cơ thể mỏi nhừ sau một ngày dài, Sancho Panza lặng lẽ sửa lại bộ áo giáp cho ông chủ. Khuôn hình được quét rộng, nhưng khoảng cách hai nhân vật từ đầu phim đã thể hiện giữa họ luôn có một tường thành không thể vượt qua. Tiếng dế kêu rả rích, ánh sáng dần tàn lụi. Những thanh âm và hình ảnh hòa quyện vào nhau tự nhiên rồi xuất hiện lặng lẽ, không cao trào như một cảnh huống lặp lại đều đặn của những ngày trước đó.

Theo diễn giải của Auerbach, chuyến đi đầu tiên của Don Quixote đã giúp chàng thoát khỏi tình thế không chịu nổi mà chàng phải chịu đựng quá lâu [1;197], tôi cho rằng, việc giải phóng thân thể khỏi một không gian tù túng đã khiến cho ý chí được phóng thích. Hai thầy trò lang thang qua các đồng cỏ, Quixote mặc áo giáp và đội vòng lá khô Panza làm cho. Nhịp điệu uể oải, trễ nải của ánh nắng gắt gao mùa hè là một thước đo xác định tốc độ của bộ phim. Máy quay đôi khi tiếp cận các nhân vật ở góc độ tiệm cận, dõi theo việc họ ngủ, có khi chỉ ngồi nhìn xa xăm mà không nói năng gì. Khi họ đang ở xa, tiếng nói của họ cũng nhỏ dần và mất hút. Khi hoàng hôn buông xuống, chúng ta cảm thấy mình bị cản trở tầm nhìn, ánh sáng yếu dần, chỉ còn ánh trăng chếch trên cao soi xuống những hình hài lờ mờ và yếu ớt. Âm thanh được gia tăng, tiếng côn trùng kêu rả rích xen lẫn với những tiếng thở dài mệt nhọc của thầy trò hiệp sĩ sau một hành trình dài chẳng biết khi nào sẽ kết thúc. Khi Quixote rút kiếm vung vẩy những đường chém trong gió ở rừng ô liu, hay lúc ông ở trong không gian đậm màu sắc dystopia, ta nhận ra ông đang chiến đấu với những thứ chẳng những không hiện hữu mà còn không hiện hình. Serra khai thác triệt để sự chân thật của không gian, của bối cảnh thực tế. Không nhằm tạo nên một không gian đặc quánh mùi hiệp sĩ và những trận đánh, Serra tạo nên một không gian tự nhiên, và không gian đó sinh ra chỉ để dành cho Don Quixote và Panza thực hiện chuyến phiêu lưu của mình. Don Quixote và Panza hoàn toàn thuộc về không gian ấy, ở họ có một sự gắn kết tuyệt đối với không gian. Màu sắc hiệp sĩ thể hiện qua từng khuôn hình, là không gian sống chết của Sancho Panza và Don Quioxte, một không gian máu thịt. Không gian ấy gắn liền với ý thức về thân thể và sự tồn tại. Chúng ta đều nhận thấy rằng, bản thân không gian không mang nghĩa, chúng chỉ có ý nghĩa khi có sự tồn tại của con người, chính xác là chủ thể tự ý thức có kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, Quixote còn ý thức về sự tồn tại của thân thể thông qua việc nhận thấy những dấu hiệu mỏi mệt của bộ máy sinh học có hạn sử dụng. Don Quixote hoài niệm về xã hội utopia, về thời đại Vàng, một nơi quỷ dữ không tồn tại, và chẳng có vấn đề gì xảy ra cả. Con người rất yêu thương nhau. Thật ra thời Adam và Eva cũng không có biến động gì. Không ai giận dữ, không ai gây gổ, mọi người rất yêu thương nhau. Đó là thời của hòa bình và yên ổn. Nhưng tiếc thay, thời đại Don Quixote lại nhuốm màu sắc dystopia.

DQ: Ta không biết nhiều về các loài chim. Anh biết chứ, Sancho?

[Sancho Panza đưa cho Don Quixote một cuốn sách về loài chim và nói chuyện phiếm. Mặt trăng dần lên cao, đỏ ối]

DQ: Những chú chim bay ngang qua nhưng ta không thể nhìn thấy chúng.

Một viễn cảnh tận thế bao trùm phân cảnh này, trời sập xuống tối đen như mực, ở phía xa, bầu trời như sáp nhập với mặt đất, có bốn kỵ sĩ cưỡi ngựa chiến tiến về Don Quixote, gợi lên màn Khải huyền. Chúa gọi Don Quixote về với Người. Không rõ đây là thực, hay là mơ. Nhưng rõ ràng, ngay lúc ấy, Sancho Panza bị bỏ mặc và cô độc trong hành trình còn lại. Chúng ta băn khoăn liệu có phải ngay sau đêm trăng đỏ ối ấy, bộ phim chỉ đang lượm lặt và hồi cố những kí ức của Sancho Panza về người thầy, người bạn đồng hành? Ở một không gian khác, Don Quixote bước đi trong sự kháng cự sức gió kinh hoàng. Ông dùng thân thể mình hình dung ra kẻ thù, gọi tên kẻ thù, gọi tên Sancho. Bắt đầu từ lúc này, ý thức về thân thể, về cái chết trở nên mãnh liệt và lặp lại như một chủ đề. Bộ phim tạo dựng kết cấu bằng việc thiết lập những ý thức xâu chuỗi và xuyên suốt này.

2/ Bộ áo giáp biến mất

Chúng ta vẫn thường có thói quen nhận diện bản chất sự vật thông qua trang phục của nó. Vì thế, việc cho rằng phẩm chất người hiệp sĩ được thể hiện qua bộ áo giáp không phải là điều khó hiểu. Về điều này, tôi cho rằng hình ảnh hiệp sĩ không hiện hữu của Italo Calvino, chàng Agilulfo sẽ trở thành một dẫn chứng thuyết phục. Agilulfo không hiện hình bằng một thân thể, mà hiện hữu bằng sức mạnh của ý chí. Agilulfo hiện diện trong doanh trại của Hoàng đế Charlemagne bằng trang phục áo giáp. Khoác lên bộ áo giáp nặng nề nhưng đầy đủ khả năng che chắn cho khối ý chí vô hình bên trong là cách thức tối ưu để Agilulfo tìm kiếm cho mình một danh nghĩa. Điều đó thể hiện cảm thức gắn sự tồn tại của mình vào vật ngoài thân, đồng thời biểu lộ lớp nghĩa mỉa mai trước một thời đại phán xét con người qua đồng phục.

Không hiếm khi người ta bắt gặp danh nghĩa, tư tưởng, hình thái, cơ chế không tương ứng gì với tính hiện hữu. Mặt khác, thế gian đã đầy ắp sự vật, năng lực, và những con người không danh hiệu cũng chẳng kỳ tích xuất chúng. Đó là cái thời khi ý chí và lòng kiên gan trong việc hiện hữu, để lại dấu ấn, cọ xát với tất cả những gì hiện diện đã không được vận dụng trọn vẹn, bởi vì nhiều người đã không phản ứng gì – do khốn khó, do u minh, hoặc do dù có thế nào họ cũng không sao – thế nên một số tính cách ấy đã bị mai một vào hư không. Rồi cũng có thể tới một lúc nào đó, cái ý chí, cái ý thức tự thân ấy, vốn hết sức tan loãng, đã tụ lại, kết đóng với nhau, như thể các hạt bụi nước không thể nhận thấy tụ lại thành các cụm mây, và cái mối tụ đóng ấy, do tình cờ hay do bản năng, bắt gặp một danh hiệu, một dòng tộc – như hồi đó thường còn để trống – một cấp bậc trong quân ngũ, một tổng thể các nhiệm vụ để tiến hành với các quy tắc đã xác lập – và nhất là – một bộ áo giáp trống rỗng, không có nó, với thời gian như nước chảy qua cầu, ngay cả một kẻ hiện hữu cũng có nguy cơ bị biến mất, huống chi một kẻ không hiện hữu…Thế nên Agilulfo nhà Guildiverni đã khởi sự hoạt động và săn tìm vinh quang. [3;53-54]

Don Quixote trong hình dung của Serra, cũng như hiệp sĩ Agilulfo tìm kiếm những hạt bụi ý chí và danh dự có nguy cơ tụ lại và kết đóng mà ngay cả bộ áo giáp cũng không tài nào ngăn cản được. Ý thức được điều này, Don Quixote nhanh chóng nhận ra việc trú ngụ thân thể, chính xác là sự tồn tại của mình vào bộ áo giáp nặng nề có khả năng trở thành nguy cơ. Không còn cách nào khác, Don Quixote di dời đến nơi trú ngụ khác, náu ẩn mình trong tinh thần hiệp sĩ.

Nếu như ở đầu phim, Sancho Panza đều đặn thực hiện việc khoác lên người Don Quixote bộ áo giáp và thanh kiếm, chậm rãi như một nghi lễ thì càng về cuối phim, công việc ấy không còn xuất hiện.

DQ: Đưa giúp ta thanh kiếm, Sancho!

Đeo vào giúp ta.

Anh làm sai rồi. Anh cứ như đang ngái ngủ. Đêm qua anh ngáy nhiều lắm.

SP: Tôi ngáy thế nào cơ?

Don Quixote cẩn trọng tiến đến nghi lễ khoác phục trang trong một thái độ nghiêm túc và đầy quyền uy. Don Quixote xem bộ áo giáp là một công cụ biểu hiện quyền lực, ít nhất là đối với Sancho Panza. Sự hiện hữu của bộ áo giáp mang lại cho Don Quixote một sức mạnh. Và đương nhiên, tiềm thức của Quixote sản sinh ra sức mạnh trao cho bộ áo giáp chứ bản thân chiếc áo không chứa đựng ý niệm này. Cũng như việc ý thức về trọng lượng của thân thể sẽ mang đến một nhu cầu giải thoát chúng dựa trên sự nhẹ nhõm của ý chí, ở đây, việc giải trừ sức nặng của bộ áo giáp sẽ khiến cho Quixote hoàn toàn tin tưởng vào tinh thần hiệp sĩ được tích lũy từ đức tin và kinh nghiệm.

DQ: Trông anh thật mỏi mệt, Sancho.

Rất mỏi mệt.

Anh sẽ cảm thấy khá hơn nhanh thôi.

Phấn chấn lên đi, Sancho.

[Sancho lắc đầu]

DQ: Hãy nhìn lên bầu trời. Nói điều gì đấy với Chúa Trời và Ngài sẽ nghe thấy. Hãy cầu xin Ngài ban cho sức mạnh. Chúa dõi theo chúng ta.

Thật đấy, Sancho, hãy nghe lời ta bảo và chúng ta sẽ có sức mạnh.

Anh có thấy khá hơn chưa?

Nhìn lên trời cao một lát thôi và thư thái nào!

[Sancho làm theo lời Don Quixote]

DQ: Nói với Chúa: “Chúa ơi, đừng bỏ mặc chúng con”

SP: Chúa ơi, đừng bỏ mặc chúng con.

DQ: Hãy ban cho chúng con sức mạnh, thật nhiều sức mạnh.

Thả lỏng đi Sancho, Chúa sẽ ban cho anh sức mạnh.

Anh có thấy khá hơn chưa?

[Sancho khẽ lắc đầu]

DQ: Sẽ khá hơn mà Sancho.

Cố lên Sancho, đừng ủ ê như thế nữa.

Nhìn kìa, trông anh đầy năng lượng. Anh chẳng thấy thế sao?

Phải không nào?

SP: Đúng thế.

DQ: Nhìn lên trời cao đi.

Don Quixote đặt niềm tin tuyệt đối vào Chúa Trời. Nếu như trong tiểu thuyết, Quixote của Cervantes luôn nghĩ về Dulcinea trước khi nhớ đến Chúa, vì chàng cho rằng đó là tục lệ của giới hiệp sĩ giang hồ, thì Serra đã đẩy đức tin của Quixote lên đến tuyệt đối. Trong suốt bộ phim, khi cần đến một lời hùng biện, Quixote nghĩ ngay đến Chúa, nghĩ đến con đường mà Chúa khổ công tạo ra để giúp con người thoát khỏi sự đày ải. Quixote nhân danh cho Chúa Trời, chứ không phải là bộ áo giáp để thực hiện những cuộc chạm trán đòi hỏi công lý. Tất cả những phép xử lí chuyển thể của Serra đều hướng đến cảm quan về cái mơ hồ, không có thực. Chúng nhẹ nhõm như những cơn gió nhưng cũng thật nặng nề khi Quixote buộc phải hình dung ra một kẻ thù hiện diện trước mắt. Chúng trong trẻo như bầu trời trên cao nhưng cũng đầy hoài nghi khi buông xuống những ý niệm không rõ ràng về Chúa. Khi cần Chúa, Quixote dạy Sancho ngước lên trời và cầu cứu. Chúa là cả bầu trời, Chúa cũng có thể chỉ là một chấm nhỏ xíu hiện hữu đâu đó giữa các vì tinh tú. Hướng đến Chúa, hướng đến tinh thần hiệp sĩ mạnh mẽ và tuyệt đối này, Quixote không cần bộ áo giáp như một thứ phục trang hay tuyên ngôn.

3/ Don Quixote trở lại

Ý thức về thân thể hay bộ áo giáp như một thứ có giới hạn và bị ràng buộc, Don Quixote kết thúc hành trình phiêu lưu của mình bằng cái chết về mặt sinh học. Thực tế tiểu thuyết cho thấy, Don Quixote đã đau đớn đến chết vì nhận ra tác hại ghê gớm của sự điên rồ bấy lâu. Điều đó có nghĩa là, Don Quixote chết đi ngay khi ý thức được việc mình biến thành “kẻ khác” là điều vô lí. Và hơn thế nữa, Quixote cảm thấy những lí lẽ của mình sẽ tiềm tàng nguy cơ hủy diệt trật tự thế giới vốn có. Độc giả cảm thấy thỏa mãn với cái kết này, vì cho rằng Cervantes tỉnh táo đã sớm giúp Quixote thoát khỏi sự đày đọa điên rồ mà chàng tự tạo ra. Nhưng không phải ai cũng nhất trí với sự hối cãi này, Serra nhận ra, Don Quixote buộc phải chết, vì đó là lẽ tự nhiên, là “ngày hết date” của thân xác. Don Quixote phải về với Chúa vì chàng đã mỏi mệt với kiếp nhân sinh, nhưng cũng là lúc chàng hoàn thành sứ mệnh mà Chùa Trời phó thác. Chàng đã dẫn dắt Sancho đến với Chúa, để phụng sự Chúa, nhưng cũng chính là phụng sự niềm yêu thích của Sancho. Chúng ta hãy đọc lại đoạn thoại giữa Sancho và một kỵ sĩ lạ mặt khác:

KS: Hãy nói với tôi đi. Hẳn là anh có thứ để nói!

SP: Ừ thì có rất nhiều cuộc phiêu lưu.

KS: Cuộc phiêu lưu ư?

SP: Những cuộc phiêu lưu mang tinh thần hiệp sĩ.

KS: Hồi còn bé, anh có thích những món đồ gắn với những cuộc phiêu lưu và hiệp sĩ không?

SP: Tôi chưa bao giờ.

KS: Anh đã bao giờ sát hại ai chưa?

SP: Tôi chưa. Nhưng Quixote thì có đấy.

KS: Thật sao?

Bao nhiêu mạng?

SP: Hai.

KS: Hai sao?

Ông ấy đã giết họ ra sao? Anh có chứng kiến không?

SP: Với lưỡi kiếm của ông ta.

KS: Quixote có phải là tay kiếm cừ không?

SP: Quixote biết nhiều thứ.

KS: Kể tôi nghe Quixote đã sát hại hai mạng người bằng thanh kiếm ra làm sao.

SP: Như thế này.

[SP làm một động tác rất nhẹ nhõm và chẳng màng tiếp tục]

KS: Sao anh lại chu du cùng Quixote?

SP: Vì tôi thích.

KS: Với Quixote sao?

[SP gật đầu]

KS: Anh có còn là Sancho nếu Quixote chẳng có trên cõi đời này?

SP: Ai biết nhỉ?

KS: Anh có nghĩ Quixote hiểu anh không?

SP: Tôi nghĩ có đấy.

KS: Quixote bây giờ ở đâu?

Anh sẽ đợi chờ Quixote chứ?

SP: Đúng vậy.

KS: Liệu có lâu không?

Quixote có bao giờ để anh phải đợi lâu không?

SP: Cũng đôi khi đấy.

KS: Quixote là một hiệp sĩ.

SP: Đúng vậy.

KS: Quixote có vợ không?

SP: Có.

KS: Sao anh không trở về nhà và lấy vợ nhỉ?

SP: Chắc là thế.

KS: Anh có nghĩ mình sẽ làm gì sau khi kết thúc mọi thứ thế này?

SP: Tôi chưa biết.

KS: Thế lúc trước anh làm nghề gì?

SP: Tôi làm việc chân tay.

KS: Anh đã xây nên nhiều ngôi nhà chứ?

Anh có thể xây một ngôi nhà cho riêng mình mà.

SP: Tôi không đủ sức xây cho mình một ngôi nhà đâu.

Sancho yêu thích việc được trải nghiệm cùng Quixote. Và chàng mơ hồ nhận ra dường như ý nghĩa tồn tại của mình gắn liền với sự tồn tại của Don Quixote. Nhưng đồng thời hãy nhớ lại cảnh quay này:

DQ: Sancho! Ta đang đợi anh đấy? Anh đang giận sao? Anh không nghe ta gọi anh sao.

SP: Tôi đi đây.

DQ: Đừng để ta phải hét lớn. Quay lại đây ngay. Anh sẽ đi đâu chứ? Anh luôn lạc đường.

Quay lại ngay, Sancho.

Sancho, quay lại ngay.

[SP vẫn tiếp tục đi không ngoái đầu lại]

Tạm biệt Sancho.

Đồ hèn.

Sau tất cả những gì ta làm cho anh, anh chẳng xứng đáng đi cùng ta nữa.

Tạm biệt Sancho.

Anh đi cùng ta chứ? Nói có đi nào.

Tạm biệt Sancho.

DQ: Nghĩ mà xem anh đã lạc lối thế nào? Nếu ta không lên tiếng, anh sẽ chẳng quay lại. Anh có nghĩ về những gì ta đã nói không đấy? Nghĩ đi Sancho. Nghĩ về những điều ta nói. Nó tốt cho anh và cho cả Chúa. Bởi lẽ rằng anh đã lạc lối. Ta sẽ dẫn dắt anh vì ta cũng từng lạc lối. Ta đã lạc đường nhưng ta tìm thấy lối ra. Anh có còn muốn đi cùng ta không, Sancho? Chúng ta sẽ tìm thấy lối đi. Nhưng trước hết hãy đưa tay anh cho ta. Chúa bảo chúng ta là anh em. Ta là anh, còn Sancho là em.

[SP đưa tay cho DQ]

Hãy nhìn lên trời cao và nói: “Mãi mãi như thế”

Chúng ta hãy nhìn lên trời cao và nói: “Chúa ơi, ngài thật vĩ đại”

SP: Chúa ơi, ngài thật vĩ đại.

DQ: Ngài thật vĩ đại, Chúa ơi!

Mãi là như thế.

Chúa nghe chúng ta nói gì đấy, Sancho ạ.

SP: Vâng.

DQ: Chúa nghe cả đấy. Tuy ở trên cao kia nhưng Chúa là lối đi khả tín.

SP: Vâng.

DQ: Xin Chúa hãy nâng đỡ Sancho. Anh ấy nguyện đi theo con đường của Người. Hãy nâng đỡ Sancho. Chúa lên tiếng gọi con, con sẽ có mặt. Thưa Chúa, con sẽ có mặt, nhưng giờ con phải giúp Sancho nhận thấy lối đi của Người. Con cần thời gian trước khi đến với Người. Con phải ở bên Sancho.

Nếu Don Quixote giữ khoảng cách với Sancho Panza vì cho rằng anh ta chẳng hiểu gì về Chúa, thì Chúa Trời sẽ khiến Don Quixote gục ngã trong niềm tuyệt vọng đau đớn, Sancho cũng không hiểu được ngài. Điều này giải thích cho việc Serra lặp đi lặp lại hình ảnh Don Quixote nhìn lên bầu trời, rằng ta chỉ có thể tìm thấy niềm sẻ chia bởi một con người chứ không phải là Chúa Trời. Sancho là một lời nhắc nhở, thậm chí là sự kìm hãm tinh thần của Quixote trong những lúc ông quá phấn khích với tư tưởng hiệp sĩ của mình. Erich Auerbach đã đặt ra câu hỏi, liệu Sancho có coi thường hay giễu cợt Quixote không? Ngay lập tức, ông cho rằng, Sancho yêu và tôn sùng chàng, dù lắm khi nhận ra Quixote có vẻ điên rồ. Auerbach cho rằng, xã hội kiểu Don Quixote làm Sancho tốt hơn và thông minh hơn vốn có và sự thông tuệ của chàng không phải là sự thông tuệ của một người điên mà đó là phẩm cách của một kẻ khiêm nhường, có ý thức. Sancho Panza không phải là đầy tớ tháo vát như trong tiểu thuyết của Cervantes, ở anh là một sự hoài nghi ẩn sau vẻ chậm chạp nhút nhát nhưng hơn ai hết, Sancho hiểu rõ ý nghĩa công việc của mình, và anh nuôi dưỡng niềm tin từ con số không tròn trĩnh.

Don Quixote và Sancho không đặt ra một điểm dừng nào cho cuộc phiêu lưu. Trong suốt hành trình, họ nói với nhau những mẩu truyện nhỏ về đức tin, về việc nuôi một đàn chó, hay việc hiểu về những loài chim, và tình bạn của họ gắn kết từ đấy. Họ sẽ nghỉ ngơi khi thấy mệt mỏi, khi ánh sáng lụi tàn. Họ sẽ xa nhau khi cảm thấy ngột ngạt và cần khoảng cách. Nhưng họ cũng sẽ phải cách xa mãi mãi khi tâm hồn Sancho hiểu ra những điều mà Quixote gửi gắm. Ngay khi Sancho nhận thấy được điều này, Don Quixote đã quay trở lại, bằng một hình dung tinh thần và ý chí không mỏi mệt. Điều này khiến cho tôi nhận ra mối dây ràng buộc càng tình tiết đứt đoạn và các đoạn thoại nứt rạn trong bộ phim, đó chính là sự trở về của cái nhẹ như một tiết lộ về ý niệm mới của sức nặng. Sự trở về của Quixote không hiện hình nhưng hiện hữu trong tâm trí của Sancho có sức mạnh hơn bất kì một lời thuyết phục hay trách cứ nào. Lẽ đương nhiên, niềm tin mà Sancho có được là kết quả của một quá trình trải nghiệm cùng Don Quixote, nhưng ở khía cạnh khác, chẳng phải hình dung về những hồi cố có sức mạnh lớn hơn bất kì một hiện diện nào của ngôn từ sao?

DQ: Anh biết đấy Sancho, chúng ta đã cùng nhau trải qua nhiều cuộc phiêu lưu. Và tuy chúng ta thắng trận nhưng ta vẫn buồn rầu. Cuộc sống là lộ trình của những ủ dột. Ủ dột là bởi trên đời này toàn những kẻ kém cỏi. Chúa cho ta thấy con đường dẫn đến sự chết chóc. Người bảo rằng, “Lại đây nào, Quixote, lại đây”. Ta mỏi mệt lắm Sancho. Nhưng anh phải tiếp tục công việc ta giao phó. Ta biết Chúa đã gọi tên ta rồi. Và ta cảm thấy uể oải vì nhận thấy mùi chết chóc. Nhưng ta đặt niềm tin vào anh, Sancho. Chúa nói rằng, anh phải đảm đương công việc mà Chúa đã bắt đầu, Chúa gửi gắm vào anh. Anh phải thề rằng anh sẽ gánh lấy trách nhiệm này. Ta cũng phải chết thôi, Sancho. Quixote yêu mến Sancho, và Chúa cũng thế. Anh không thấy ta hư hao sao? Chúa gọi ta lên thiên đường. Chúa gọi thế đấy, Sancho. Nhưng từ thiên đường, ta sẽ dõi theo anh như việc anh theo đuổi con đường của ta. Sancho, anh làm được điều đó chứ? Nói là có thể đi Sancho?

SP: Tôi có thể.

DQ: Ta muốn rơi nước mắt rồi này. Anh biết tại sao không? Vì ta nhận thấy mình đang bỏ rơi anh.

Càng về cuối phim, SP ngẩng nhìn trời nhiều hơn bao giờ hết. Vì ngay chính lúc này, anh thấy nhớ DQ, như thể nhớ những lời dặn dò, nhớ những câu chuyện, nhớ sự điên rồ của DQ mà anh rất mực yêu mến.

DQ: Anh thấy không, Sancho? Tinh thần hiệp sĩ là điều văn minh. Nó đền đáp cho những người dám nói sự thật, và trừng trị những kẻ dối trá. Tinh thần hiệp sĩ là ngọn nguồn của mọi hành động. Hiểu không Sancho? Từ những tia sáng trong mắt anh, ta biết là anh hiểu.

Cảnh quay cuối thâu nhận sự vật như một thấu kính lồi, tạo cảm giác lùi xa về không – thời gian, khiến cho câu chuyện này như là một hồi ức. Nhịp điệu cuối phim là một bản nhạc trầm tĩnh, yên ắng, gợi cảm thức hoài nhớ thế giới utopia từ thực trạng dystopia, nghĩa là con người phải vận động tâm trí để kháng cự thế giới, buộc phải khai thác những niềm khả tín còn sót lại.

Albert Serra giữ lại linh hồn sầu muộn đáng thương của Don Quixote, đồng thời kích hoạt những ẩn ức tâm hồn của Sancho Panza. Panza không còn là một anh giám mã hồn nhiên và vô ưu trong tiểu thuyết, Panza không hân hoan khi nhận được món lợi tức Quixote trao trả trước khi chết, Panza nhận thấy việc hướng tầm mắt lên phía xa xăm của bầu trời là một điều cần thiết để đón nhận nguồn sức mạnh mà Chúa Trời và Don Quixote gửi gắm.

Tôi sẽ kết thúc tiểu luận này bằng một huyền thoại Hy Lạp. Đó là câu chuyện về hoàng tử Cadmus xứ Phoenicia, chàng giết con rồng khổng lồ và ném những chiếc răng nhọn sắc của nó xuống đất. Không lâu sau đó, những chiếc răng nảy vọt lên một đội quân dũng mãnh. Và hình ảnh này dễ làm chúng ta liên tưởng đến những thiết chế, trật tự được xác lập trong quân sự, trong xã hội, trong những hàng chữ cái. Sự trật tự ấy là một đè nén không thể chịu đựng được, nảy sinh từ những chiếc răng nhỏ bé. Cái nhẹ tồn tại trong vũ trụ nhờ một sự tích lũy những nguồn năng lượng không hề ít ỏi, và chúng được giải phóng trong một sự hiện hình phi trọng lượng nhưng là sự hiện hữu đầy kìm nén. Như thể Italo Calvino đề ra cái nhẹ là một ý niệm trong sáng tác văn chương, một phép ửng xử của đời sống hiện đại, tôi cho rằng đây là một ý niệm hứa hẹn sẽ tạo nên nguồn cảm hứng màu mỡ cho những thể nghiệm suy tư đời thường và sáng tạo nghệ thuật.

Đặng Hương Giang

­­­­­­­­­­­CHÚ THÍCH:

  • Đọc thêm: Milan Kundera, Di sản bị mất giá của Cervantes
  • Đọc thêm: Milan Kundera, Trò chuyện về tiểu thuyết

(3), (4) Đọc thêm: Italo Calvino, Những bài giảng Mỹ – Sáu điểm ghi nhớ cho thiên niên kỷ tới, Cao Việt Dũng dịch, tạp chí Văn học nước ngoài, số 1, 2 năm 2007

(5) Đọc thêm: Kathleen Murray, To Have and Have Not: An Adaptive System, in trong True to the spirit, Colin MacCabe, Katheleen Murray, and Rick Warner biên tập, Oxford University Press, 2011

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  • Erich Auerbach, Mimésis – Phương thức biểu hiện thực tại trong văn học phương Tây, Phùng Kiên dịch, NXB Tri thức, 2014
  • Italo Calvino, Nam tước trên cây, NXB Văn học, 2009
  • Italo Calvino, Hiệp sĩ không hiện hữu, NXB Văn học, 2012
  • Stephen Hawking, Lược sử thời gian, Cao Chi, Phạm Văn Thiều dịch, NXB Trẻ, 2012
  • Leonard Shlain, Nghệ thuật và vật lí, Trần Mạnh Hà, Phạm Văn Thiều dịch, NXB Tri thức, 2014

Octavio Paz – Phá vỡ và hội tụ (Phần 3)

Phần 1

Phần 2

tumblr_kzuutoLlBH1qzov26

Thơ ca của sự hội tụ

Dần dần, thường xuyên hơn, người ta nghe thấy những giọng nói cất lên cảnh báo: đã cận kề đoạn kết. Dường như tính hiện đại đã tự nuôi dưỡng chính nó bằng những phủ định liên tiếp mà nó sinh ra, từ Chateaubriand đến Nietzsche, từ Nietzsche đến Valéry. Trong vòng 25 năm qua, những giọng nói đầy bi quan và mang cảm thức bi kịch đã được nhân bội đáng kể. Đó không phải là tiếng kêu thống khổ của một con người cô đơn tuyệt vọng hay của một nhóm nhỏ những kẻ lập dị mà giờ đây, tiếng nói đã lan tỏa, trở thành một ý kiến phổ biến, tiếng nói của tinh thần tập thể. Bầu không khí của thế kỷ này, đôi khi, gợi nhớ đến những nỗi kinh hoàng ở năm 1000 hay nhãn quan u ám của người Aztecs, những người sống trong mối đe dọa về sự tận thế của vũ trụ theo chu kỳ. Tính hiện đại được khai sinh khi tương lai được khẳng định là một miền đất hứa; hôm nay, chúng đang chứng kiến sự suy tàn của ý niệm đó. Không ai chắc chắn những gì đang đợi chúng ta và nhiều người còn băn khoăn liệu nhân loại ngày mai còn thấy mặt trời? Tương lai đã bị ngờ vực theo nhiều cách, không thể liệt kê ra hết. Sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, tình trạng ô nhiễm của hành tinh, nạn đói, sự tàn nhẫn của lịch sử bởi sự khôi phục những ý thức độc tài trên toàn thế giới và bom nguyên tử. Nỗ lực ngăn ngừa vũ khí hạt nhân giúp chúng ta tránh được nguy cơ Thế chiến thứ ba, đúng, nhưng thử hỏi được bao lâu? Và thậm chí nếu chúng ta tránh được thảm họa này đi nữa thì sự tồn tại của những vũ khí nguyên tử đã phá tung ý niệm của chúng ta về tiến bộ, dù đó là sự tiến bộ tiệm tiến hay tiến bộ nhảy vọt. Nếu quả bom chưa hủy diệt thế giới này thì nó đã hủy diệt ý niệm về thế giới của chúng ta. Tính hiện đại là vết thương chí tử: mặt trời của sự tiến bộ đã lặn nơi đường chân trời và chúng ta vẫn chưa nhìn thấy ngôi sao mới nào mọc lên chỉ lối cho ta. Chúng ta không thể nói liệu ta đang sống ở buổi hoàng hôn hay buổi bình minh.

Tính hiện đại tự đồng nhất với sự biến đổi, nó xem phê phán như là tác nhân tạo ra sự biến đổi, đánh đồng biến đổi với tiến bộ. Đối với Marx, cách mạng chính là sự phê phán biến thành hành động. Trong lãnh vực văn chương và nghệ thuật, mỹ học của tính hiện đại từ chủ nghĩa lãng mạn đến thời đại chúng ta đã luôn là mỹ học của sự biến đổi. Việc khám phá nghệ thuật của những nền văn minh khác – Ấn Độ và vùng Viễn Đông, châu Phi và châu Đại dương, châu Mỹ thời kỳ tiền Columbus – cũng được trải nghiệm như một nỗ lực đột phá khỏi những truyền thống phương Tây. Hôm nay, ta đang chứng kiến buổi hoàng hôn của thứ mỹ học của sự đổi thay và phá vỡ này. Văn chương và nghệ thuật những năm cuối thế kỷ này đã từ từ đánh mất quyền năng phủ định của mình. Một thời gian dài, sự phủ định này được nghi thức hóa như là sự tái diễn, sự nổi loạn của nghệ thuật được xem như một công thức, sự vượt ngưỡng, vi phạm của chúng được coi như một nghi lễ. Đó không phải là sự kết thúc của nghệ thuật; đó là sự kết thúc của ý niệm về nghệ thuật hiện đại.

Sự phê phán, sau khi chững lại nhất định, cuối cùng đã thông báo trong một phần tư thế kỷ qua, chúng ta đã bước vào một thời kỳ lịch sử và nghệ thuật mới. Có rất nhiều lời bàn luận về sự khủng hoảng của nghệ thuật tiền phong và để biểu thị một thời kỳ mới, cụm từ “thời hậu hiện đại” đã được sử dụng rộng rãi. Một tên gọi cũng nhập nhằng và hàm chứa nhiều mâu thuẫn như chính cái tên chủ nghĩa hiện đại vậy. Thứ đến sau cái hiện đại chẳng thể là gì khác hơn cái cực hiện đại (ultramodernism): một tính hiện đại thậm chí còn hiện đại hơn cái của ngày hôm qua. Người ta chẳng bao giờ biết tên của thời đại mà mình đang sống cả, chúng ta không là ngoại lệ. Tự gọi chúng ta là những kẻ ở thời“hậu hiện đại” chỉ đơn thuần là một cách gọi ngây thơ rằng chúng ta là những kẻ cực kỳ hiện đại. Tuy nhiên, điều chưa từng bao giờ bị chất vấn là khái niệm tuyến tính về thời gian và sự đồng nhất của nó với ý thức phê phán, biến đổi và ý niệm tiến bộ – một thứ thời gian mở về phía tương lai như một miền đất hứa. Tự gọi chúng ta là hậu hiện đại tức là tự làm ta tiếp tục trở thành tù nhân của thứ thời gian nối tiếp, tuyến tính, tịnh tiến.

Nếu thuật ngữ hậu hiện đại là một mặt nạ hơn là một cái tên, cái có thể nói gì về cụm từ mà mà các nhà phê bình Anh-Mỹ sử dụng để nói về nghệ thuật đương đại: chủ nghĩa hậu hiện đại? Đối với các nhà phê bình, từ chủ nghĩa hiện đại biểu thị một cộng đồng các tác giả, tác phẩm, các khuynh hướng được hình thành bởi những tên tuổi như Joyce, Pound, Eliot, William Carlos Williams, Hemingway và những người khác. Song hầu như ai cũng biết (có lẽ trừ các nhà phê bình và những người điểm sách, điểm tin nghệ thuật Anh-Mỹ) rằng trong tiếng Tây Ban Nha, cái chúng ta gọi là modernismo (chủ nghĩa hiện đại) là trào lưu văn học đầu tiên ở châu Mỹ Latin và Tây Ban Nha. Rubén Darío và Valle-Inclán, Juan Ramón Jiménez và Leopoldo Lugones, José Martí và Antonio Machado đều là những tác giả hiện đại chủ nghĩa (modernistas): cùng với họ, truyền thống hiện đại của chúng ta bắt đầu, và không có họ, nền văn chương đương đại của chúng ta sẽ không thể tồn tại. Sự thật là những hiện tượng mà các nhà phê bình Anh-Mỹ gộp vào cái tên chủ nghĩa hiện đại thì luôn được biết đến ở Pháp – và phần còn lại của châu Âu, châu Mỹ Latin – với cái tên cũng mơ hồ không kém: chủ nghĩa tiền phong. Không để ý đến điều này, việc sử dụng từ “chủ nghĩa hiện đại” chỉ riêng cho một trào lưu văn học trong ngôn ngữ Anh xuất hiện 30 năm sau cho thấy một thái độ tự phụ về văn hóa, một chủ nghĩa vị chủng và thiếu nhạy cảm về lịch sử. Hiện tượng tương tự của xảy ra với thuật ngữ “chủ nghĩa hậu hiện đại”, vốn được xem như là danh hiệu dành riêng nghệ thuật và văn chương Hoa Kỳ và những nước khác. Điều buồn nhất – nhưng cũng thú vị nhất – là những thuật ngữ này, với ý nghĩa đặc thù được các nhà phê bình Anh-Mỹ gán cho chúng- lại đang bắt đầu được sử dụng ở nhiều nước châu Âu, và không chỉ thế, ngay cả ở châu Mỹ Latin và Tây Ban Nha. Tôi nói điều này không phải để tạo ra những cuộc bút chiến vô ích hay để tỏ một thái độ ngạo mạn, theo tinh thần của chủ nghĩa sô-vanh vốn đã trở nên nhàm: vấn đề chủ nghĩa hiện đại không phải là cuộc tranh cãi về chữ nghĩa mà là về những ý nghĩa, khái niệm, tư tưởng về lịch sử. Thế giới này là thế giới của những tên gọi. Nếu những tên gọi bị tước đi khỏi chúng ta cũng có nghĩa là thế giới bị tước đi khỏi chúng ta.

Đối với con người cổ đại, những thời đại vĩ đại của quá khứ là thời Hoàng Kim, là khu vườn Eden mà chúng ta rời bỏ; đối với con người hiện đại, đất hứa là tương lai; nhưng chính hiện tại mới luôn là thời gian của các thi sĩ và tình nhân, những tín đồ của chủ nghĩa hành lạc và chủ nghĩa thần bí. Hiện tại là khoảnh khắc của khoái lạc và cũng là khoảnh khắc của sự chết, là thời gian của những cảm giác và thời gian của những khải thị về cái ở bên kia thế giới hiện hữu này. Tôi tin ngôi sao mới – thứ vẫn chưa xuất hiện trên đường chân trời lịch sử nhưng đã luôn được dự báo theo nhiều cách gián tiếp – sẽ là ngôi sao của hiện tại, ngôi sao của cái bây giờ. Những người đàn ông và đàn bà sẽ sớm xây dựng một thứ Đạo đức mới, một Chính trị mới, một Dục tính mới, và một Thi pháp mới của cái bây giờ. Đường đến cái hiện tại phải trải qua thân thể, nhưng không cần, và cũng không nên, nhầm nó với thứ khoái lạc mang tính máy móc và buông tuồng của xã hội phương Tây hiện đại. Hiện tại là kết quả mà ở đó sự sống và cái chết hòa làm một.

Thơ ca vốn luôn là hình ảnh của sự hiện hữu hòa giải hai nửa địa cầu. Một hiện hữu đa nguyên: trong quá trình lịch sử, nó đã thay đổi diện mạo và tên gọi nhiều lần thế nhưng, qua tất cả những thay đổi ấy, nó vẫn chỉ là một. Nó chưa từng bị hủy hoại bởi sự đa dạng của những hình thức biểu hiện của nó. Kể cả khi nó bị đồng nhất với cái hư không (void), như trong truyền thống Phật giáo và trong ý thức nghệ thuật của một số thi sĩ phương Tây hiện đại, nó, nghịch lý làm sao, vẫn cứ là một sự hiện hữu. Nó không phải là một ý niệm; nó là thời gian thuần khiết. Thời gian không đo đếm. Thứ thời gian cụ thể, đơn nhất, độc nhất, nó đang trôi qua cái ngay bây giờ, và nó không ngừng trôi qua từ thoạt kỳ thủy. Hiện hữu chính là hiện thân của hiện tại.

Một đôi lần, tôi đã từng gọi thơ ca của cái thời đại đang bắt đầu này là thơ ca của sự hội tụ. Và tôi đối lập nó với truyền thống của sự phá vỡ. “Các nhà thơ của thời hiện đại tìm kiếm những nguyên tắc của sự biên đổi; chúng ta, những nhà thơ hôm nay, đang tìm kiếm nguyên lý của sự bất biến vốn là cội rễ của mọi biến đổi. Chúng ta băn khoăn liệu có phải giữa OdysseyĐi tìm thời gian đã mất chẳng có điểm chung nào? Mỹ học của sự biến đổi nhấn mạnh đến đặc thù lịch sử của bài thơ. Giờ đây, chúng ta đặt câu hỏi: liệu có chăng một điểm nào đấy nơi nguyên lý biến đổi hợp nhất với nguyên lý về sự vĩnh cửu?…Thứ thơ ca bắt đầu từ sự kết thúc của thế kỷ này chưa thực sự khởi sinh; nhưng nó cũng không quay lại xuất phát điểm của mình; nó là sự tái khởi sinh vĩnh viễn và một trở về liên tục. Thứ thơ ca giờ đây đang khởi sinh, mà không có mốc bắt đầu, tìm kiếm sự giao cắt giữa các thời gian, nó tìm điểm hội tụ. Nó xác nhận giữa quá khứ bề bộn với tương lai chưa có bóng người, thơ ca là hiện tại.” Tôi đã viết những lời đó cách đây 15 năm. Hôm nay, tôi muốn bổ sung: hiện tại hiện thân trong hiện hữu, và hiện hữu là sự hòa giải của ba thứ thời gian. Ta muốn hướng đến một thứ thơ ca của sự hòa giải: trí tưởng tượng hóa thành thân xác trong một cái bây giờ không có ngày tháng.

Mexico City, 12-8-1986.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Octavio Paz, “Breach and Convergence”, The Other Voices  – Essays on Modern Poetry, bản dịch Anh ngữ từ tiếng Tây Ban Nha của Helen Lane, A Harvest/HBJ Book: 1990, p 31-59.