Tag Archives: ngành nhân văn

Vẻ đẹp của trí tuệ

 (Nhân xem triển lãm ảnh “Những người giải mã, khám phá toán học” – Espace Hà Nội)

 

les_dechiffreurs_ihes12

1. “Sợ sai và sợ sự thật đều là một và giống nhau hết. Ai sợ sai có nghĩa là người đó không có khả năng khám phá. Chính khi chúng ta sợ nhầm lẫn là khi cái sai lầm ngự trị trong chúng ta lại lớn như một tảng đá không gì lay chuyển được. Bởi khi chúng ta sợ, chúng ta thường bám vào những gì chúng ta cho là “đúng” trước kia, hay vào những điều mà từ lâu đã được cho là vậy. Khi chúng ta muốn thay đổi suy nghĩ đó, không phải vì sợ rằng cái vỏ bọc an toàn nhưng không đúng đó sẽ biến mất mà bởi chúng ta khao khát được hiểu biết, thì khi đó sự sai lầm, cũng như những đau khổ hay buồn phiền trong cuộc sống sẽ luôn luân chuyển trong chúng ta và dấu vết của nó để lại chính là sự hiểu biết ngày càng hoàn thiện”.

Đó là một trích đoạn mà nhà toán học Alain Connes đặc biệt yêu thích. Tôi đã ghi nó lại (có thể không chính xác 100% vì viết khá vội trên một mảnh giấy nhỏ) khi xem triển lãm ảnh về hoạt động của các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu khoa học cấp cao IHES. Một trong những thông điệp nhiều ý nghĩa mà tôi ghi nhận được khi xem hơn một chục bức hình đen trắng chụp được trưng bày ở triển lãm này.

2. Các nhà nhiếp ảnh khi thực hiện dự án này quả thật phải đối mặt với một thách thức không nhỏ: Nghiên cứu khoa học cơ bản là hoạt động của tư duy, những lao động, nỗ lực của tư duy thường là thứ vô hình, là những căng thẳng, vận động diễn ra ở chiều sâu, nhiếp ảnh lại là nghệ thuật của cái hữu hình, của cái bề mặt. Rõ ràng, đối tượng và chủ đề của dự án nhiếp ảnh này là một đề bài khó.

Nhiều bức ảnh chụp các nhà khoa học trong những hoạt động đặc trưng cho lao động của họ: ở những buổi hội nghị, khi giảng bài cho học trò, trao đổi với đồng nghiệp, làm việc bên máy tính. Cũng có những bức ảnh chụp họ ở bên ngoài môi trường hàn lâm ấy: một giáo sư trẻ mải miết đi trên con đường xào xạc lá, một nhà khoa học nữ đăm chiêu trong nắng nhạt. Nhưng ngay cả những khoảnh khắc ấy, ta vẫn thấy họ hiện lên như là những con người đang mải mê suy nghĩ, đang theo đuổi một cuộc phiêu lưu nào đó trong tư tưởng. Ở các nhà khoa học ấy, có sự chia sẻ chân tình giữa những đồng nghiệp: hai vị giáo sư già vừa tản bộ vừa như đang tiếp tục câu chuyện khoa học, ông thầy chăm chú nghe nhà khoa học trẻ diễn giải ý tưởng khoa học của mình trên bảng đen. Những ký hiệu toán học giống như một hành tinh xa lạ, bí ẩn, đầy sức hút đang thách thức tư duy con người… Cái mà tôi cảm nhận được từ đây là một điều khó diễn tả rạch ròi nhưng nó là một cảm giác rất thực: tất cả các bức ảnh đều toát lên cái gọi là vẻ đẹp trí tuệ. Các nhà khoa học có thể hào hứng nhưng không hớn hở; họ có vẻ đang đăm chiêu, đang tập trung cao độ trong suy nghĩ nhưng họ không dằn vặt, nhàu nhĩ, mặc cảm. Không phải giáo sư nào cũng hiện lên với trang phục sang trọng, họ giản dị, đủ lịch lãm và đặc biệt ở ai cũng toát lên tác phong nhanh nhẹn và một thần thái hiền từ. Trí tuệ ở đây chính là một thứ trí tuệ ấm áp, hướng đến sự chia sẻ và lan tỏa, không phải là một thứ trí tuệ muốn vươn lên chiếm lấy quyền lực, hiểu theo nghĩa thô sơ nhất của khái niệm này, một thứ trí tuệ kiêu hãnh và độc tôn.

Với tôi, vẻ đẹp ấy có một sức hấp dẫn đặc biệt. Môi trường làm việc của tôi cũng là một môi trường hàn lâm và tôi không tiếp xúc đủ nhiều với giới học giả Việt Nam nên có lẽ cái cảm giác sau đây của tôi là một định kiến, một cái nhìn phiến diện. Nhưng đó cũng là cảm giác rất thật. Rằng vẻ đẹp của trí tuệ ấy là điều tôi khó bắt gặp ở chân dung các trí thức VN bây giờ. Họ hoặc phấn khích thái quá khi truyền bá một tư tưởng nào đấy, hoặc lại quá nghiêm nghị, khắc kỷ đến độ xa lạ. Họ gần với những viên chức trong những bộ trang phục thanh lịch, trong những câu chuyện tán gẫu về đời thường hơn là những trí thức. Họ gần với những quan chức ở phong thái bệ vệ, uy nghi, hay ra lệnh hơn là người có thể kiên nhẫn và hào hứng lắng nghe người ở thế hệ sau nói lên chính kiến của mình. Họ có thể rất quyền lực, nhưng họ thiếu cái sáng sủa và nhẹ nhõm ở thần thái, cái khiến nét mặt của họ toát lên khí chất của một người hiền. Những cái đó là thứ không thể diễn mà có được. Vẻ đẹp của trí tuệ không phải cứ có tấm bằng, có danh hiệu là ngời lên.

3. Trong số chân dung các nhà khoa học được giới thiệu ở triển lãm này, có một nhà khoa học được nhiều người biết đến nhất: Ngô Bảo Châu. Tôi rất nhớ tâm sự Ngô Bảo Châu chia sẻ dưới bức ảnh chụp ông. Bức ảnh chụp ông vào thời điểm mà ông nhớ lại: Đó là những ngày ông phải đánh vật để hiểu một bài toán của Falting và rồi sau đó, ông bắt tay vào viết bổ đề, chỉ khoảng 10 dòng. Cảm giác khi hoàn thành bổ đề ấy là gì? Nó không phải là một trạng thái ngất ngây, tự sướng mà lại là một nỗi hoang mang. Ngô Bảo Châu chỉ có một cảm giác: 10 dòng đấy hình như trước đó chưa ai viết. Cái nỗi hoang mang ấy đeo đẳng ông. Ông giải tỏa bằng cách chia sẻ cái cảm giác không mấy dễ chịu ấy với một nhà khoa học đồng nghiệp. Người bạn ấy nói với Ngô Bảo Châu một câu: “Nhưng đó là việc chúng ta phải làm!”. Câu nói đó, đối với Ngô Bảo Châu, có một ý nghĩa quyết định. Hơn cả sự chia sẻ, nó củng cố cho ông niềm tin vào ý nghĩa của công việc khoa học.

Tôi không dám tự nhận mình là người làm khoa học (mà thật thế, trường tôi giờ chỉ là trường dạy nghề), lại càng không ảo tưởng lao động học thuật của mình có cái gì đó tương tự như Ngô Bảo Châu. Nhưng cứ cho là tôi đang ảo tưởng đi, bất cứ ai khi nghiên cứu cơ bản, dù ở lĩnh vực nào, dù chỉ làm một cái gì đó thật nhỏ nhưng thật nghiêm túc, sẽ có khoảnh khắc nào đó rơi vào nỗi trống rỗng của Ngô Bảo Châu. Nỗi trống rỗng khi thấy ý nghĩa nghiên cứu của mình thật nhỏ, thật xa vời, hình như nó không có điểm tựa nào trên mặt đất cả. Nói như Chế Lan Viên, đó là nỗi trống rỗng của kẻ cố hái hoa trên trời, một thứ hoa không thật mà quên đi “nước mắt dưới xa kia” mới là điều cần quan tâm hơn cả. Nỗi mặc cảm của kẻ hái hoa trên trời ấy làm họ nhàu nhĩ, khiến họ có một thứ cô đơn thật không dễ bày tỏ cùng ai. Tôi chưa làm nên công trạng gì nhưng đến giờ, tôi chưa bao giờ tha thứ cho bản thân mình khi bỏ môi trường phổ thông – nơi đáng ra tôi đã có thể có một cuộc sống ổn hơn về nhiều mặt – để bám trụ lại môi trường đại học, nơi mà tôi đã cho rằng mình lựa chọn vì “háo danh”.

Những ngày này, khi bắt đầu đọc những nghiên cứu mới về bản chất của ngành nhân văn, tôi lại có cảm giác mình điên rồ đi theo đuổi một thứ nhọc nhằn. Ngành nhân văn vốn dĩ đã là cái ngành chẳng ai thấy thiết thực ở đâu nhất là trong bối cảnh sự chụp giật trở thành một lối sống hiện sinh tầm thường và thời thượng. Giờ nó còn là cái ngành không tìm kiếm những câu trả lời tất định, nó chỉ thắc mắc, chất vấn, làm bất an bản thân, chối từ những mặc định của xã hội. Nó giờ còn là cái ngành mang bản chất nổi loạn đúng nghĩa. Nghiên cứu nhân văn là tiêng nói rất nhỏ, may mắn lắm, nó vọng được vào một hai cá nhân nào đó. Mình có đủ mạnh mẽ để sống băng thứ hy vọng nhỏ bé ấy?

Như một kẻ yếu đuối điển hình, tôi chỉ biết mong chờ vào thế hệ sau, dẫu biết rằng xung quanh ta, vẻ đẹp của trí tuệ, của tri thức đang khan hiếm, quyền năng của quan chức, sự nhàn hạ của đời sống viên chức mới là cái giàu sức hấp dẫn hơn. Nhưng biết làm sao?

4. Bài viết này còn là một câu trả lời cho những dằn vặt của một người đồng nghiệp trẻ. Mà không, nó chẳng phải là câu trả lời vì thực tế, tôi không thể trả lời, càng không thể nói với cậu bạn đó: dở hơi à, nghĩ nhiều làm gì. Không, cứ dằn vặt đi, cứ cảm thấy bất ổn đi vì chừng đó bạn còn đang là người mạnh mẽ đấy. Vì bất ổn hay dằn vặt đều là một biểu hiện kháng cự.