Tag Archives: amadeus

Phạm Thế Hưng – Quan niệm về thiên tài qua vở kịch Mozart & Salieri (Pushkin) và phim Amadeus (Milos Forman)

 

Bài viết dưới đây là tiểu luận của Phạm Thế Hưng – sinh viên K64, khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội I. Bài viết được thực hiện trong khuôn khổ chuyên đề “Văn học và các loại hình nghệ thuật khác”. Tôi đã tận dụng cơ hội giảng dạy chuyên đề này để giới thiệu với sinh viên một số bộ phim lấy cảm hứng từ các nghệ sĩ và các tác phẩm nghệ thuật, từ đó, cùng thảo luận với các bạn những khía cạnh về nghệ thuật mà ở các học phần chính, do nhiều áp lực của chương trình, tôi đã chưa thể đào sâu.

Bài viết của Hưng khiến tôi tâm đắc không chỉ vì cách trình bày vấn đề rất mạch lạc và có chủ kiến của em. Quan trọng hơn, ở bài viết này, có những suy nghĩ rất gai góc, chẳng hạn sự “nguy hiểm” của các thiên tài đối với những kẻ lựa chọn đời sống tầm thường – như đại bộ phận chúng ta hay sự tự do vượt mọi ranh giới như là đặc quyền của thiên tài. Tôi thích đọc những bài viết mà ở đó, tôi thấy sinh viên của mình bắt đầu hình thành những nhận thức phức tạp hơn về cuộc đời và điềm tĩnh đối diện với sự phức tạp ấy.

Cảm ơn Hưng đã đồng ý để tôi chia sẻ bài viết của em một cách rộng rãi.

1718_Amadeus_3240x1256

Hình ảnh từ phim Amadeus (1984) của đạo diễn Milos Forman (1932-2018). Diễn viên Tom Hulce, người thủ vai Mozart trong bộ phim.

Antonio Salieri (1750-1825) là một nhạc sĩ, nhạc trưởng người Italia, một nhân vật quan trọng trong sự phát triển của opera trong thế kỉ XVIII. Nhưng ngày nay ông được biết đến nhiều hơn trong mối quan hệ với thiên tài âm nhạc cùng thời Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791). Những giai thoại về “sự đố kị thiên tài” của ông với nhà soạn nhạc người Áo đã trở thành đề tài khai thác cho nhiều thế hệ nghệ sĩ về sau. Trong đó nổi bật là vở kịch Mozart & Salieri của đại văn hào Nga A. X. Pushkin và bộ phim Amadeus của đạo diễn người Mỹ Milos Forman.

Mặc dù chưa có bằng chứng xác thực, nhưng giả thuyết cho rằng chính Salieri là người gây ra cái chết của Mozart đã trở nên phổ biến vô cùng rộng rãi, thông qua uy tín của Pushkin và bộ phim giành giải Oscar của Forman. Quan trọng hơn, mối quan hệ giữa hai nhà soạn nhạc nổi tiếng này đã trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều sáng tác khi đề cập đến quan niệm về thiên tài. Bởi vì sự đố kị ở đó không nhằm vào mục tiêu tiền bạc hay danh vọng, mà là lòng ghen với tài năng đỉnh cao. Cũng vì thế mà chính nó lại bắt nguồn từ sự ngưỡng mộ thiên tài, nó song hành cùng những cảm nhận sâu sắc nhất, những thấu cảm mãnh liệt nhất với vẻ đẹp của tài năng.

Điểm gặp gỡ trong quan niệm về thiên tài qua vở kịch của Pushkin và phim của Milos Forman

Cùng tiếp cận mối quan hệ giữa Mozart và Salieri, cả Pushkin và Milos Forman đều thể hiện quan niệm của mình về thiên tài thông qua cả hai nhân vật: Mozart – thiên tài, bằng cách tiếp cận trực tiếp khẳng định, Salieri – phi thiên tài, tiếp cận gián tiếp, thông qua phủ định. (Phủ định trên thang giá trị thiên tài, không phải phủ định trên thang giá trị của nghệ thuật âm nhạc).

Quan niệm thiên tài của Pushkin và Forman cùng có thể khu biệt về hai vấn đề cơ bản: Định nghĩa thiên tài và giá trị của thiên tài. Hay nói cách khác là cả hai cùng tham gia trả lời những câu hỏi cơ bản: Thiên tài là gì? Và Thiên tài có thể làm gì? Bản thân câu trả lời của Pushkin và Forman có những điểm khác biệt, cũng như mỗi người – bên cạnh đi vào hai câu hỏi này – còn đề cập đến những vấn đề khác về thiên tài hay nghệ thuật. Nhưng trước tiên chúng ta hãy đi vào những điểm tương đồng.

Đầu tiên, với câu hỏi: Thiên tài là gì?

Điểm thứ nhất tương đồng là cả Pushkin và Forman đều khẳng định thiên tài là cái thiên phú, trời cho, không phải thứ có thể đạt được thông qua nỗ lực.

Quan điểm này được thể hiện qua cả Mozart – thiên tài – và Salieri – phi thiên tài. Trong đó, nổi bật là thể hiện qua Salieri, chứ không phải ở chính Mozart. Việc thể hiện một Salieri đầy khát khao và nỗ lực, nhưng lại không thể đạt được đỉnh cao của vinh quang, được cả Pushkin và Forman dụng công. Bằng chính thất bại của Salieri cũng như sự tự phủ nhận tài năng của mình ở nhân vật này, hai tác giả lại cùng khẳng định cái thiên tài của Mozart là không thể tích lũy hay rèn luyện được.

Salieri của Pushkin “sớm từ bỏ những trò chơi vô ích… để dành riêng tất cả cho âm nhạc” có thể mài dũa những kỹ năng của mình, phát triển năng lực mà “cuối cùng, trong bộ môn nghệ thuật vô biên vô tận này, ta đã đạt trình độ cao”. Nỗ lực chắc chắn không phải là thứ vô ích. Nhưng rất tiếc nó lại không phải là cái quyết định tài năng. Salieri của Forman cũng vậy. Nhà soạn nhạc Italia đã phải vượt qua định kiến của chính cha mình, người coi âm nhạc chỉ là một thứ diễn trò không hơn. Sau đó, Salieri lấy công việc là toàn bộ cuộc sống của mình, không bao giờ đụng đến một thú vui nào khác ngoài đam mê duy nhất. Không thể phủ nhận rằng nhờ khao khát và nỗ lực mà Salieri đã trở thành nhà soạn nhạc riêng của Vua nước Áo nói chung và thành viên Hội đồng Âm nhạc Hoàng gia. Thậm chí Salieri của Forman còn được khẳng định, tôn vinh một cách rõ nét hơn Salieri của Pushkin với những danh hiệu – chức vụ. Cả nhà văn Nga và đạo diễn Mỹ đều thừa nhận vai trò quan trọng của nỗ lực trong lao động nghệ thuật. Nhưng đồng thời cả hai đều cho rằng “quan trọng” không có nghĩa là “quyết định”. Bởi vì sau cùng, danh hiệu cao nhất mà nghệ thuật có thể mang lại – sự bất tử – vẫn chỉ có Mozart đạt được. Danh hiệu quyết định nhất, đỉnh cao vinh quang nhất mà Salieri khao khát, cuối cùng vẫn thuộc về riêng Mozart.

Chúng ta lại thấy rằng, những công sức, nỗ lực của “cả hai” Salieri đều được trao cho chính nhân vật tự kể lại, tự tái hiện, hồi tưởng trước mắt những cảm xúc, suy nghĩ của mình. Salieri – Pushkin thì nhớ lại “suốt hai ba ngày liền, quên ăn quên ngủ, rồi tận hưởng giây phút ngất ngây và những giọt nước mắt cảm hứng”, trong khi Salieri – Forman “sẽ dâng hiến sự trong sạch của con, sự chăm chỉ, lòng khiêm tốn sâu sắc nhất, mỗi giờ trong cuộc đời con. Amen!”. Làm sống lại những cảm xúc, những ước vọng đó, cả Pushkin và Forman đều cho thấy sự đồng cảm sâu sắc của mình với nhân vật, ủng hộ niềm tin đó như những gì chính đáng nhất. Chỉ có điều ủng hộ không có nghĩa là thay đổi chân lý về sự thật khách quan. Sự thật mà ta đã khái quát ở trên: thiên tài không được quyết định bằng khao khát hay ý chí. Nó như món quá của Thượng Đế và, phần nào đó, định đoạt số phận của người được nhận.

Điểm thứ hai, quan trọng hơn, cả nhà văn Nga và đạo diễn người Mỹ thống nhất rằng thiên tài là cái không nhất thiết phải tương ứng với cái thiện hay cái cao thượng. Và cả hai cũng cùng suy rộng ra về hệ giá trị của nghệ thuật: để đạt tới sự sáng tạo đỉnh cao của mình, nghệ thuật không nhất thiết và không cần đi theo hệ giá trị xã hội – những thứ vốn dĩ là các lối mòn hoặc hình thành từ các lối mòn.

Một lần nữa, mối quan hệ của cặp hình tượng Mozart – Salieri lại được khai thác như mối quan hệ giữa hai màu trắng và đen trong tranh thủy mặc. Tạo hình màu đen được vẽ thật chi tiết, và những chỗ không có mực – những khoảng màu trắng – sẽ hiện hình để làm nên sức hút của tác phẩm. Để khẳng định rằng cái thiện hay cái cao cả không phải là thứ quyết định thiên tài, cả Pushkin và Forman đều đưa Salieri thành biểu tượng của những giá trị đó. “Con là mô hình của sự đức hạnh” Salieri – Forman tuyên bố. “Con không động đến phụ nữ. Con đã làm việc hàng giờ mỗi ngày, dạy cho những sinh viên của con, nhiều người còn miễn phí! Con ngồi trên những ủy ban để giúp đỡ các nhạc sĩ nghèo”. Không chỉ hết lòng tu dưỡng những đức hạnh của mình, theo những lời răn dạy của Chúa, Salieri còn cống hiến cả công sức của mình cho nền âm nhạc thông qua dạy nhạc và giúp đỡ các nhạc sĩ, đem đến giá trị cộng đồng và xã hội. Điều đó, thêm một lần nữa, thể hiện sự tôn vinh của Forman với nhân vật của mình. Thậm chí không chỉ trong lời nói. Một trong những chi tiết tương phản đáng chú ý về cặp nhạc sĩ lừng danh được xây dựng trong phim Amadeus chính là điệu cười. Trong khi Mozart có điệu cười khúc khích, thì Salieri, ngay cả trong lúc cười cũng cố gắng tạo ra sự chừng mực, cười một cách đầy quý tộc và sang trọng. Khi ông gặp cô ca sĩ Cavalieri trong trang phục Thổ Nhĩ Kỳ, Salieri đã bật cười đầy hào hứng, nhưng rồi lại lập tức dừng lại và lấy tay che miệng. Sự nô đùa của ông cũng hết sức “đạo đức” – hoàn toàn trái ngược với Mozart của Forman, người đùa cợt theo những cách đôi khi là tục tĩu.

Thế nhưng chính những gì tưởng như suồng sã, thô lỗ mới lại chính là một phần làm nên tài năng bất tử. Nó chính là khoảng tự do cho nhà nghệ sĩ vượt thoát khỏi hệ giá trị xã hội, hay bất cứ định kiến nào chi phối sáng tạo nghệ thuật. Nó đem đến sự phóng khoáng, mạnh mẽ, đầy sức sống cho các sáng tác của Mozart, để từ đó làm choáng ngợp toàn thế giới và chính Salieri. Thiếu đi nó chính là sự khác biệt quan trọng để Salieri vươn tới tầm vóc như Mozart. Thiếu đi sự phóng khoáng ấy, Salieri – Pushkin “lấy kỹ thuật làm nền cho nghệ thuật và cuối cùng, trở thành một người thợ, không hơn”. Việc viết nhạc với Salieri là một quá trình chế tác của người thợ với chất liệu là các âm thanh, chứ không phải sự sáng tác đích thực có sức sống. Chính vì thế nên Salieri lại phải thừa nhận: “Làm chết các âm thanh, ta mổ xẻ âm nhạc như mổ xẻ xác chết. Ta nghe các hòa âm bằng đôi tai toán học”. Thiếu đi cảm hứng sáng tác nghệ thuật đầy phóng khoáng và mạnh mẽ như Mozart, Salieri – Forman phải cầu nguyện để có được giây phút xuất thần: “Hỡi Chúa, hãy nhập vào con ngay lúc này. Hãy lấp đầy con bằng một khúc nhạc thực sự. Một khúc nhạc mang hơi thở của người, để con biết rằng người cũng yêu quý con. Hãy cho con một đặc ân và con sẽ trình diễn cho Mozart thấy”. Salieri không hiểu được rằng, cảm hứng sáng tạo không đến từ sự ban phát của Chúa, mà đến từ chính cách Mozart sống: say mê với tình yêu, với cuộc đời và âm nhạc. Sự phóng túng của Mozart là thứ mà Salieri vừa khinh bỉ nhưng lại vừa khao khát, nó được Forman biểu tưởng hóa thành tiếng cười khúc khích “vô duyên” của chàng trai trẻ người Áo. Và điệu cười khúc khích ấy còn ám ánh Salieri hay toàn bộ khán giả của bộ phim đến tận giây phút cuối cùng.

Cái thiện và cái cao thượng làm nên một nhạc sĩ được kính trọng, nhưng không làm nên một nhạc sĩ thiên tài. Thiện tâm và cao thượng không phải thang giá trị quyết định trong nghệ thuật. Trong phim của Forman, Mozart được xây dựng với tính cách khá “lăng nhăng”. Mặc dù đã có vợ sắp cưới nhưng anh vẫn chinh phục được cô ca sĩ Cavalieri, vẫn khiến giọng hát “họa mi” của Salieri say mê. Phong cách đó, đối với một xã hội thế kỉ XVIII, là rất khó chấp nhận. Nhưng cũng chính điều đó lại đồng nghĩa với một cảm xúc về tình yêu bất tận và phong phú mà Mozart liên tục khai thác trong nhiều bản Opera mà anh viết. Chính cảm xúc về tình yêu đó đã đưa Mozart vượt thoát khỏi giới hạn thời đại của mình, thời đại của những vở bi kịch về thần thoại Hy Lạp – La Mã đã trở nên sáo mòn. Mỗi sáng tác của anh trở nên hấp dẫn hơn với sự mới mẻ và  cảm hứng sáng tạo bất tận của nó.

Cả hai Salleri đều không hiểu được nguồn gốc này của cảm hứng, của những cảm xúc nóng hổi và chân thật, hơn nữa, cả hai lại luôn giữ đức tin của mình vào sự phân chia vinh quang của Chúa tới những người xứng đáng, nên luôn miệt thị về tính cách của Mozart. Salieri – Pushkin gọi người đồng nghiệp của mình là “một thằng điên, một thằng lang thang vô công rồi nghề”. Salieri – Forman gọi Wolfgang là “sinh vật” (mặc dù cũng thừa nhận đó là “sinh vật của Chúa”) hay “một tên thích khoe khoang, dâm đãng, bất lịch sự, trẻ con,…” (Tuy điều đó cũng không hẳn là sai).

“Thần là một người khiếm nhã. Nhưng thần đảm bảo với bệ hạ rằng, âm nhạc của thần không như vậy”. Đó là lời Mozart khẳng định về sáng tác của mình nói chung và vở “Đám cưới của Figaro” nói riêng. Nó đồng thời là lời khẳng định về hệ giá trị trong nghệ thuật. Các giá trị xã hội đáng trân trọng và có vị trí quan trọng trong đời sống, chúng là khuôn khổ điều chỉnh hành vi của con người. Nhưng chính bởi vì vẫn chỉ là các khuôn khổ, chúng thường không có lợi cho sáng tạo nghệ thuật. Sáng tạo nghệ thuật không cần và không nhất thiết đi theo các hệ giá trị đó, hay các quan niệm phi nghệ thuật nói chung. Đối với Mozart – Pushkin, một bản vi ô lông chỉ là một bản vi ô lông, bất kể người chơi nó có là một ông già mù nghèo khổ ở quán rượu. Nghệ thuật có sự tự do của nó. Còn đối với Salieri – Pushkin, đó chính là “một gã thợ sơn bẩn thỉu làm bẩn bức tranh Madonna của Raphael; hoặc một thằng hề đáng khinh nhại thơ của Aligeri Dante”. Ông tin rằng một kẻ không đủ tư cách thì không thể là người nắm giữ đỉnh cao hay đạt đến chân lý của nghệ thuật. Nhưng có lẽ nào đó cũng chỉ là một ngụy biện tương tự như: nếu một tên trộm nói rằng 2 cộng 2 bằng 4 thì cũng không đáng tin vì lời nói của tên trộm là không thể tin tưởng được?

Trong câu hỏi thứ hai: Thiên tài có thể làm gì?

Như đã nói ở trên, quyền tự do của nghệ thuật vượt ra ngoài khuôn khổ của các hệ giá trị xã hội. Tiền đề đó dẫn đến Pushkin và Forman đều cho rằng thiên tài là kẻ phá bỏ, vượt qua những giới hạn bằng những sáng tạo của mình.

b1330659-3053-4163-98f6-1ab172fa0e9a

Mozart – Pushkin sẵn sàng cảm nhận tiếng đàn vi ô lông trong quán rượu với một ông già mù trong khi Salieri – người đại diện cho “sự chính thống” cho rằng đó là sự phỉ báng đối với nghệ thuật. Mozart – Forman thực thi sự thách thức của mình một cách quyết liệt hơn. Ngay trong lần đầu tiên được trao cơ hội viết một bản Opera để trình diễn ở nhà hát quốc gia tại Vienna, anh đã xin được viết bằng tiếng Đức. Trong khi, đối với Opera hay với âm nhạc châu Âu bấy giờ nói chung, tiếng Italia mới là chuẩn mực, mới là xứng đáng được sự thừa nhận “của tất cả những người có học”. Tiếng Đức, dù là ngôn ngữ dân tộc gần gũi hơn, bị cho là “quá cục súc để hát”. Nhưng Mozart đã thành công với tiếng Đức. Không chỉ trên phương diện quan điểm, tài năng của Mozart đã thực sự mở ra một sự tiếp nhận mới mẻ cho Opera và cho tiếng Đức. Từ vị thế của ngôn ngữ giản dị, tiếng Đức trong sáng tạo của nhà soạn nhạc người Áo đã vượt ra ngoài giới hạn của nó, và nghệ thuật Opera cũng thế.

Lần thách thức thứ hai của Mozart là với hình tượng nghệ thuật, cấp độ sâu hơn chất liệu ngôn ngữ, khi anh lấy bối cảnh trong tác phẩm của mình là một nhà chứa. Trình diễn cho nhà hát quốc gia, hình tượng nhà chứa và các nhân vật đi theo nó được cho là không thể phù hợp. Một bên là màn trình diễn đầy chính thống, một bên lại là những tầng lớp bị cho là thấp kém, hèn hạ và một không gian hết sức “ngoài lề” xã hội. Nhưng với cảm hứng từ câu chuyện tình yêu, Mozart lại thành công. Giới hạn được thách thức đã nằm ở một mức độ cao hơn, sâu hơn trong nghệ thuật, từ vỏ ngôn ngữ đã đi đến thế giới hình tượng.

Nhưng mọi thứ không hề dừng lại ở đó. Với Đám cưới Figaro, Mozart – Forman tiếp tục nâng tầm cho sự vượt thoát giới hạn của mình. Hai điều luật của Nhà vua bị vượt qua: Cấm tổ chức vở Đám cưới Figaro (vì nội dung có tính chất kích động chính trị) và Cấm biểu diễn ba lê trong các chương trình của nhà hát quốc gia. Nhưng quan trọng hơn, đó là sự đột phá về thể loại. Thể loại mẫu mực, được coi là chính thống, là hiển nhiên, là thể loại của Hoàng gia, cũng chính là thể loại mà Salieri luôn trung thành: Bi kịch. Đề tài mẫu mực dành cho các vở kịch quý tộc là các vị thần và anh hùng Hy La. Mozart gạt bỏ tất cả, để sáng tác hài kịch – thể loại của tầng lớp bình dân, thể loại được coi là thiếu nghiêm túc, không chuẩn mực. Mozart tiếp tục mạch cảm hứng về tình yêu và cuộc sống để đưa vào những nhân vật hết sức bình dân, gần gũi thay vì các vị thần xa xưa mà hình tượng đã được khai thác đến mức sáo mòn khô cứng. Đó chính là Mozart – kẻ thách thức các giới hạn.

Nhưng để thách thức và vượt thoát thành công, thực sự phải kể đến vai trò không nhỏ của tài năng. Khi Mozart mới được nhắc đến, anh đã bị nhận xét là một anh chàng trẻ tuổi thích khoe khoang. Nhưng chính tài năng của mình đã giúp Mozart thuyết phục chính các đối thủ luôn tìm cách làm khó anh. Chính tài năng đã làm cho các sáng tác của anh thực sự có giá trị và không thể cưỡng lại. Đó là quyền năng của thiên tài.

Bên cạnh đó, qua cả hai tác phẩm, Pushkin và Forman đều cho rằng thiên tài và nghệ thuật của mình là bất tử, trường tồn; nhưng cũng đồng thời làm cho những cái “tốt” trở nên tầm thường, lu mờ và bị đào thải, lãng quên.

Trước sự tài năng của Mozart, Salieri – Pushkin thực sự thán phục và nói với người đồng nghiệp: “Anh là thiên thần, Mozart, mà chính anh không biết điều đó. Nhưng tôi thì tôi biết, tôi!”. Nhưng cũng chính sự thừa nhật tuyệt đối đó đã làm Salieri nhận ra một sự thật: “tất cả chúng ta sẽ chết, tất cả các môn đệ và những người phụng sự âm nhạc, chứ không riêng mình ta với thứ vinh quang ít ỏi đang có”. Cái chết mà Salieri – Pushkin nói chắc chắn không phải là cái chết sinh học, mà chính là sự lãng quên của thế giới đối với phần còn lại khi họ đã có Mozart. Đó cũng chính là điều mà Salieri – Forman sợ hãi, đau đớn khi phải đối mặt. Khi ông ta chơi 3 khúc nhạc ở đầu phim, vị cha đạo không thể nhận ra 2 giai điệu “vô cùng phổ biến lúc bấy giờ” của Salieri nhưng lại lập tức nhận ra Alla Turca của Mozart chỉ sau vài nốt đầu và còn có thể hát theo được. Bản nhạc được chơi trong bữa tiệc nơi tòa nhà mà xe cứu thương của Salieri đi qua cũng là của Morzart. Trong giờ phút kết liễu đời mình hay những năm tháng cuối đời, Salieri phải chứng kiến âm nhạc của mình bị quên lãng, phai nhạt trong khi các giai điệu của Mozart thì trở nên bất tử. Sự bất tử mà chính ông đã  cầu Chúa ban cho mình: “Hãy làm cho con trở nên bất tử. Sau khi con chết, để mọi người vinh danh tên con với tình yêu dành cho những gì con đã viết”. Tất cả lời cầu nguyện của Salieri cuối cùng đều đã được Chúa dành cho Mozart. Đồng nghĩa với cái chết nghệ thuật dành cho nhà soạn nhạc người Ý. Cái chết đó còn đau đớn hơn cái chết về thể xác, do đó mà ông ta quyết định tự tử.

Âm nhạc của Mozart sống mãi với thời gian vì sự quyến rũ của nó. Nhưng sự vĩ đại của nó đồng thời cũng làm cho những cái tốt, dù có giá trị, cũng dần trở nên tầm thường, lu mờ và bị quên lãng. Nhân loại sẽ quên đi phần còn lại, khi họ đã có Mozart.

Điểm gặp gỡ thứ ba của Pushkin và Forman khi thể hiện “quyền năng” của thiên tài là khẳng định các sáng tạo của thiên tài mang vẻ đẹp thẩm mỹ kiệt xuất. Hay nói chính xác hơn đây là quan hệ hai chiều. Thiên tài là người có thể tạo ra những tuyệt phẩm. Và chỉ có tuyệt phẩm mới khẳng định ai mới thực sự là thiên tài. Sự thừa nhận đối với những tuyệt phẩm không qua đâu có thể trở nên sâu sắc hơn là thông qua chính kẻ đố kị với thiên tài: Salieri. “Như một thiên thần nào đó, chàng mang đến cho ta một ít bài hát diệu kỳ để đánh thức trong ta, trong những cuộc đời đã lụi tàn, những ước mơ không cánh” là cảm nhận của Salieri – Pushkin. Còn Salieri – Forman thì ngay từ lần đầu nghe nhạc của Mozart đã cảm thấy “dường như con đang nghe thấy Âm thanh của Chúa”. Khi xem vở Đám cưới của Figaro, ông thấy “Chúa đang hát thông qua người đàn ông nhỏ bé này tới toàn thế giới”. Cái đẹp, dù ở loại hình nào, đều đến từ sự hài hòa, sự hoàn chỉnh cân đối. Và các sáng tác của Mozart thực sự “chỉ cần thay một tiết nhạc, và cả cấu trúc sẽ bị đổ vỡ”. Đó là âm nhạc của sự hoàn hảo đến từng chi tiết, ngẫu hứng mà vẫn chỉn chu. Đó chắc chắn là đỉnh cao của nghệ thuật được công nhận bởi người thực sự hiểu nghệ thuật và cũng là người luôn muốn phủ nhận, vượt qua, tranh giành tài nghệ với Mozart.

Chính sự choáng ngợp trước tài năng của nhà soạn nhạc người Áo, những “kẻ tầm thường” như Salieri không thể không nảy sinh lòng đố kị. Hệ quả đó như là một điều tất yếu trong số phận của tài năng thiên phú vĩ đại. Cả hai Salieri đều âm mưu và khao khát cái chết dành cho Mozart. Salieri – Pushkin gọi Mozart là thiên thần nhưng đồng thời cũng muốn thiên thần ấy “bay đi, và càng sớm càng tốt”. Trong khi Salieri – Forman tìm ra cách “chiến thắng” ngay trong chính sự đồng cảm với nỗi đau của Mozart: khai thác phần u tối trong tâm hồn thiên tài và dồn anh ta vào khủng hoảng, vào sự lao lực đến kiệt sức. Tuy không trực tiếp ra tay giết Mozart như Salieri – Pushkin, nhưng vai trò của Salieri – Forman trong việc dồn đối thủ đến đường cùng cũng là không hề nhỏ.

Quyền năng vĩ đại của thiên tài trong việc đưa con người đến với chân lý thẩm mỹ tuyệt đích đã kéo theo số phận bi kịch như một mặt trái không thể tách rời.

Quan niệm về những “kẻ tầm thường”

Salieri

Diễn viên F. Murray Abraham, người được giải Oscar nam diễn viên chính xuất sắc nhất trong vai Salieri của bộ phim này.

Ở trên chúng ta cũng đã nói về những “kẻ tầm thường” (cách gọi của Salieri – Forman)  – những người không thể vươn tới tài năng kiệt xuất, những người ở mức tốt (chứ chưa thể vĩ đại), những người dù nỗ lực và khát khao đến đâu cũng không sánh được với thiên tài. Nhưng trong suốt các phần trên, những “kẻ tầm thường” chỉ được tiếp cận từ góc độ của màn đêm làm nền cho các vì sao, từ vai trò như là phần còn lại của thế giới để làm nổi bật tầm vóc của các thiên tài. Từ đây sẽ là phần riêng về họ. Bởi vì nếu không có họ, thì sẽ không thể nào nhận ra thiên tài đích thực.

Có hai điểm cốt yếu phân biệt những “kẻ tầm thường”, đó là họ không được thiên phú tài năng và cũng vĩnh viễn không thể đạt tới được tài năng kiệt xuất. Họ là những kẻ về nhì, kẻ bị lu mờ, che lấp. Pushkin gọi họ là “các môn đệ và những người phụng sự âm nhạc”. Forman thể hiện họ thông qua hình ảnh những bệnh nhân của trại tâm thần mà Salieri phải ở lúc cuối đời. Những bệnh nhân kỳ dị, ngơ ngác, có kẻ không mảnh vải che thân, phần lớn đều trong trạng thái vô thức, thậm chí có một người nằm trong lồng sắt chỉ thò cánh tay ra ngoài khua khua vô định, không còn được đầy đủ hình hài của một con người. Những “kẻ tầm thường” đã xuất hiện trong cả vở kịch và bộ phim với trạng thái phiếm chỉ, vô định. Đó là các tồn tại vô nghĩa.

Trong hoạt cảnh đó, Salieri tưởng như không thuộc về cộng đồng ấy, bởi nói một cách công bằng, ông mới là kẻ khai sáng cho đối phương trong cuộc gặp ấy, chứ không phải vị cha đạo. Nhưng ở một góc nhìn khác, không phải góc nhìn về một bệnh viện tâm thần, mà là góc nhìn về một thế giới của những kẻ tầm thường, thì quả thật Salieri chính là đại biểu sáng suốt nhất của cộng đồng này – cộng đồng những “kẻ tầm thường”. Những kẻ tầm thường là những kẻ bị lãng quên sau thời gian. Chỉ có thiên tài, với những di sản của mình, mới là bất tử. Và nếu như chắc chắn sẽ bị lãng quên theo thời gian, thì sự tồn tại đó cũng là vô nghĩa. Salieri là người ý thức rõ nhất về trạng thái vô nghĩa đó của tồn tại. Chính vì thế mà ông nỗ lực bằng mọi giá để chống lại Mozart, chống lại sự bất công của Chúa. Chúng ta cho rằng Salieri quá đố kị với tài năng của Mozart, quá tham lam sự bất tử cho riêng mình, nhưng chúng ta quên mất rằng phần lớn chúng ta cũng là những “kẻ tầm thường”. Chỉ là sớm hay muộn, con người mới cảm nhận được sự tồn tại vô nghĩa của mình.

Chính vì vậy, Salieri – Pushkin mới lo “tất cả chúng ta đều chết”; khi đã hạ độc Mozart, Salieri Pushkin đã day dứt với mệnh đề “Thiên tài và kẻ giết người là hai cái không thể dung hòa với nhau”. Sự thực là thiên tài có thể không đem đến cái chết cho bất kỳ ai về mặt sinh học, nhưng có phải thiên tài không hề gây ra bất cứ sự tiêu diệt nào? Không, vĩ đại chính là thứ tiêu diệt tất cả những gì ở mức tốt, thiên tài xuất hiện sẽ là dấu chấm hết cho những kẻ tầm thường.

Còn Salieri – Forman cũng vì thế mới tự nhận mình là “nhà vô địch của những kẻ tầm thường; vị thánh bảo trợ cho họ”. Ông nhận ra mình đã “chiến đấu” không chỉ cho sự tồn tại của riêng mình trước lịch sử, mà còn của tất cả những “kẻ tầm thường” trên đời. (Mặc dù đồng thời nó cũng mang hơi hướng cực đoan).

Những di sản vĩ đại của thiên tài sẽ làm cho phần còn lại của thế giới nhận ra sự vô thường của tồn tại. Ngược lại, những tồn tại vô thường của tất cả những kẻ tầm thường làm cho những di sản vĩ đại của thiên tài trở nên vô giá, đáng được vinh danh tỏa sáng. Phần nào, con người cảm thấy cần phải sống và khao khát một cuộc sống có nghĩa lý hơn khi hiểu được mối quan hệ biện chứng này.

Những khám phá riêng của Pushkin về thiên tài

Quan hệ giữa thiên tài và kẻ giết người

Mặc dù đồng thuận với quan điểm rằng thiên tài là kẻ vượt ra ngoài chuẩn mực, nhưng Pushkin là để chính Mozart đưa ra một nghi vấn về quan hệ giữa cái thiện và cái thiên tài: “Mà thiên tài và kẻ giết người là hai cái không thể đi liền với nhau, có đúng thế không?”. Nó phản ánh một niềm tin của chính Mozart rằng cái thiên tài cần phải đi cùng với cái thiện, mặc dù niềm tin đó cũng không hoàn toàn chắc chắn. Nếu như Mozart – Forman dường như lạc từ một thế giới khác tới thì Mozart – Pushkin vẫn giữ sự “sáng trong” của mình với một niềm tin thánh thiện. Nhưng điều đó cũng không hoàn toàn làm phai nhạt hình tượng một thiên tài nghệ thuật đầy cảm hứng và phóng khoáng.

Mặt khác, câu hỏi đó của Mozart cũng là lời chất vấn dành cho Salieri buộc ông phải đối diện với lương tâm của mình. Nếu như trở thành kẻ giết người thì sẽ vĩnh viễn thừa nhận mình là đại diện của “kẻ tầm thường”, đứng trên lợi ích của cộng đồng đó mà chống lại thiên tài. Nếu như vẫn tin mình là một thiên tài, thì không thể đứng về phía “tất cả các môn đệ và những người phụng sự âm nhạc”. Salieri đã đi trên ranh giới đó và không hề chắc chắn với mục đích của mình. Do đó nên khi Mozart đã uống thuốc độc, Sallieri lại nói: “Khoan! Khoan! Khoan đã!… Anh uống rồi à?… Uống một mình?”. Bởi vì nhà soạn nhạc người Ý vừa muốn đồng nghiệp của mình uống, vừa không muốn. Khi sự thật đã diễn ra, thì ông lại cảm thấy “vừa buồn đau, vừa sung sướng”.

Những khám phá riêng của Milos Forman

Sự thách thức đức tin

Khi mới gặp Salieri, vị cha đạo đã nói một câu theo quán tính: “Tất cả mọi người đều bình đẳng trước Chúa!”. Thật không may cho anh ta là người ngồi trước mặt anh ta lại chính là người đã trải nghiệm sâu sắc nhất về sự bất công của Chúa. Và Salieri được bày ra ngay trước mắt một trò chơi hấp dẫn: thách thức đức tin của kẻ đại diện cho đức tin tuyệt đối vào Thượng đế, thách thức đức tin của chính kẻ đi bồi dưỡng đức tin cho mọi người. Do vậy, khi đó, ánh mắt của Salieri nhìn vị cha đạo là ánh mắt hoài nghi đầy tự tin. Ánh mắt của kẻ tin rằng mình mới là người đem đến sự khai sáng trong căn phòng này. Cho nên từ chỗ thở dài và buông một câu: “Để con ở một mình!”, ông đã chú tâm hơn hẳn, quay hẳn ghế để ngồi hướng về đối phương cùng đôi mắt mở lớn đưa ánh nhìn áp đảo tâm lý.

Câu chuyện về thiên tài của Salieri hay rộng ra là của Milos Forman lúc này không chỉ là câu chuyện về số phận và thành tựu của một thần đồng siêu việt người Áo, mà còn là một đối thoại về  sự sắp đặt của số phận, về đức tin của con người với Chúa. Liệu rằng con người tự quyết định cuộc đời mình, giá trị của mình, hay tất cả đã được sắp xếp bởi Chúa trời?

Bóng dáng thiên tài ở Salieri

Trong bộ phim của mình, Forman đã chú trọng nhấn mạnh những chi tiết về quá trình Salieri thấu cảm âm nhạc của Mozart. Chính sự sợ hãi và đố kị mãnh liệt nhất của Salieri trước Mozart lại phản ánh một sự thật rằng người cảm nhận được đầy đủ nhất sự vĩ đại của Mozart không ai khác chính là Salieri. Công chúng và nhà vua có thể vô cùng yêu thích các buổi trình diễn của Mozart, nhưng chỉ có Salieri là cảm nhận được chiều sâu thực sự cũng như tầm vóc vĩ đại của thiên tài người Áo. Từ những tinh hoa trong màn trình diễn ở lần đầu hai người chạm mặt, đến sự hoản hảo xuất sắc trong những bản nhạc mà Stanzi – vợ Mozart – mang đến cho Salieri xem. Từ khúc thứ 3 rực rỡ và khúc thứ 4 đầy kỳ diệu trong “Đám cưới của Figaro” đến Don Giovani u tối đáng sợ nhưng cũng đáng để thưởng thức. Cảm nhận được những tinh túy đó cho thấy Salieri cũng sở hữu một tâm hồn nghệ sĩ không tầm thường. Tuy không thể sáng tác được như Mozart, nhưng không phải là Salieri không có được một phương diện mà đẳng cấp cũng vươn tới bóng dáng của một thiên tài: Phương diện của nhà phê bình. Nếu như trở thành một nhà phê bình bên cạnh sáng tác, biết đâu Salieri cũng sẽ được nhắc đến như một cái tên kiệt xuất tương xứng với Mozart?

Kết luận

Như vậy, chúng ta đã đi qua hai tác phẩm xuất sắc cùng lấy cảm hứng từ sự đố kị thiên tài trong giai thoại về hai nhà soạn nhạc quan trọng của thế kỉ XVIII. Quan niệm về thiên tài của Pushkin và Milos Forman đã có những điểm gặp gỡ nhau, dù dựa trên những kiến giải và cách thể hiện riêng của hai loại hình nghệ thuật khác biệt là văn học và điện ảnh. Đó là quan niệm xoay quanh hai câu hỏi trọng tâm rằng: Thiên tài là gì? Và thiên tài có thể làm gì?. Những con người dường như là hiện thân của Chúa trời, nắm giữ đỉnh cao mà kẻ khác vĩnh viễn không đạt tới, dù quyết tâm và chăm chỉ đến đâu. Với sự bảo trợ của Thượng đế, họ khai sáng cho con người bằng những sản phẩm phi thường và bằng sức sáng tạo kỳ diệu bẻ gãy những giới hạn tưởng như vững chắc nhất. Họ đem đến cho con người cả niềm ngưỡng mộ sâu sắc lẫn lòng ghen tị khôn nguôi, làm cho con người nhận ra sự tầm thường của mình nhưng cũng thổi bùng lên niềm khao khát một cuộc đời có giá trị.

Những kiến giải và thể hiện đều không chỉ dựa trên cách tiếp cận trực diện, mà thông qua một cặp hình tượng vừa đối lập, vừa bổ sung cho nhau. Đó là hình thức thể hiện về thiên tài thông qua hình tượng về thiên tài thực thụ cũng như thông qua cả một “phản thiên tài”. Sự biện chứng giữa cả hai đem đến ấn tượng đầy ám ảnh cho người đọc, người xem. Để rồi sau cùng, hai văn bản tuy kết thúc nhưng lại đặt ra những câu hỏi không dứt về số phận và ảnh hưởng của những cá nhân xuất chúng được tôn vinh là Thiên tài…