Bài viết của Trần Nguyễn Lan Nhi, sinh viên lớp CLC K65 là bài viết thứ hai tôi muốn giới thiệu trong chủ đề “Dấu ấn của chủ nghĩa lãng mạn trong văn hóa trẻ đương đại.” Sau khi đăng bài viết đầu tiên của bạn Vũ Thị Kiều Chinh, chúng tôi đã nhận được những phản hồi rất thú vị. Mới đây, tạp chí “Văn nghệ quân đội” đã giới thiệu bài viết của Chinh. Nhờ đó, những suy nghĩ, những cách đặt vấn đề của Chinh có thể tiếp cận với công chúng rộng hơn nữa. Tôi hy vọng, đúng hơn, tôi tin rằng, bài viết dưới đây của Lan Nhi cũng có thể nhận được nhiều chia sẻ.
*
1. Không biết có phải do đọc thơ Xuân Diệu suốt những năm 17, cho nên, có một điều lạ, tôi luôn cho rằng từ “trẻ” thực chất là cách viết giản quy của sự lãng mạn. Ngày mẹ tôi cầm đàn ghita và hát ở tuổi 47 (điều mà tôi chưa từng nhìn thấy ở bà bao giờ), tôi đã nói “Mẹ trẻ quá!”. Ý tôi là, với tư cách một đứa con, tôi nghĩ tâm hồn mẹ theo thời gian đã khô cằn đi nhiều bởi sự khó tính quá mức với đời sống gia đình cũng như bộn bề của công việc mưu sinh, nhưng, hóa ra cô sinh viên của 27 năm về trước vẫn còn: lãng mạn, sôi nổi và cũng điên rồ lắm. Thế nên, có lý gì mà không thể kết luận chủ nghĩa lãng mạn vẫn còn để lại những ảnh hưởng về cảm quan và thẩm mỹ trong văn hóa trẻ đương đại? Tôi hai mươi mốt và tôi trả lời “Có. Lúc nào cũng có.”
Chủ nghĩa lãng mạn bắt rễ vào nhiều khía cạnh của đời sống hiện đại. Những quán tính của văn học đôi khi trong những va đập của lịch sử không dủ khả năng để ngăn lại. Đến chừng nào, con người vẫn còn cần đến xúc cảm như một năng lực nhân tính, lãng mạn sẽ không mất đi. Nhất là ở thời kì này, cảm quan lãng mạn thực sự là một thứ sức mạnh tinh thần lớn. Nó trao cho con người một chiều kích để dám bình thường và một chiều kích để vĩ đại mà “dấn thân.”
“Một bài thơ cũ” của Lu hay “Đưa nhau đi đốn” của Đen được xem như là những tuyên ngôn, là mã hóa của đời sống giới trẻ đương đại. Tại sao những bài nhạc và phong cách thơ theo kiểu như thế lại trở thành trào lưu cho những tự sự của tuổi trẻ? Mà kiểu như thế là kiểu thế nào?
2. Mỹ học của thời đại mới trước hết là mỹ học nảy sinh từ đô thị. Đô thị lấp lánh thơm tho với cấu trúc bên trong như một cái máy say sinh tố vừa cắm điện, nuốt chửng và nhào nát từng cá thể bởi vô vàn những guồng quay của trách nhiệm, của mặc định xã hội, của tham vọng và của ước mơ “đầy tạm bợ”. Trong bước chân đầu tiên “gia nhập” vào cộng đồng ấy, những “gã trẻ” thấy lạc lõng và cô đơn khủng khiếp. Nó nhận ra thứ mình muốn và thứ người ta cần là sự vênh lệch quá lớn. Trong những đoạn dốc treo leo hướng đến lý tưởng của mình, nó bỗng chùn chân và muốn được “bình thường”. Nó ngại vội vã. Nó sợ ganh đua. Nó muốn được lắng nghe. Nhưng “ai cũng” là một lý do thỏa đáng. Thế giới đầy tính tự trị và quân chủ của một cá thể khiến cho phần còn lại của thế giới vẫn mãi là những “người lạ” không thể đồng điệu. Chính lúc này, nó tìm đến những hình thức biểu hiện khác nhau để giải phóng. Và viết, luôn là một sự an ủi lớn.
Chính nhà thơ Lu cũng chia sẻ anh chỉ viết khi cảm xúc đẩy anh phải viết. Anh viết rất tự nhiên. Anh viết về những gì anh cảm thấy, anh nhìn thấy. Anh viết về những người quanh anh, về anh, về Hà Nội. Những câu thơ bài hát trở thành lời tự thuật. Hiện thực mang tính phê phán bị dư thừa. Con người cần đến một sự lãng mạn để nhịp sống chậm hơn, để lắng nghe những cảm xúc và cảm giác bị xã hội tốc độ tua đi quá nhanh. “Anh về giữa Bùi Thị Xuân/ uống hai mươi cốc nhân trần cho say/thế thôi là hết một ngày”. Hai mươi cốc cơ mà. Ấy là những tự sự đầy mộc mạc, chân thật và “phản” đời thường khiến bài thơ tạo ra một sức hấp dẫn rất kì lạ. Như thể nó mở đường cho cái tinh thần “chống đối” đang nhen nhóm trong nhiều tâm hồn trẻ đang bị kìm chặt đến bí bách, ngột ngạt: “Bố anh thì đi lại/ Còn mẹ anh gọi điện thoại đến từng nhà/ Nhiều ngày rồi mình không về/ không liên lạc được gì cả/ chỉ vỏn vẹn lại mảnh giấy/ đừng lo đêm nay con đi chơi xa.”
Xã hội đương đại đem đến cho người ta cảm nhận về một sự không ổn không thể gọi tên.Và văn hóa của giới trẻ là cách họ đối thoại lại với những sự không ổn ấy. “Ôi những thứ chán chường/ Không tẹo nào háo hức/ Mình rời thành phố chật chội náo nức/ Nơi mà việc thở cũng làm ta lao lực”; “đời cuốn xô ta/cả khi ta trống trong phòng ngủ/ âu lo theo về/ dù ta đã khóa ba lần cửa”. Họ không hề ổn với những bổn phận, ngay cả khi họ lựa chọn nó. Sự nâng đỡ về mặt đạo đức nay trở thành những gánh nặng.
3. Nếu như chủ nghĩa lãng mạn ghi dấu vào lối tư duy của người trẻ theo cách như thế thì cũng thật thú vị khi một vài những nguyên tắc mỹ học của nó cũng đi vào kết cấu nghệ thuật của các loại hình văn hóa giới trẻ.
Nếu trong chủ nghĩa lãng mạn cổ điển, con người đi vào thế giới của tôn giáo để thể hiện suy tư và niềm tin của mình, thì nay giới trẻ tạo lập cho mình một thế giới riêng – một thế giới có anh và em, một thế giới song song. Ngọt vẽ ra thế giới màu xanh: “Con đường màu xanh/ xanh màu lá, xanh đại dương/ không còn nhớ không còn thương/ em là nắng, anh là sương/ thiên đườngmàu xanh”. Với Vũ: “và xin đưa tôi về một nơi rất xa loài người, về một nơi phía sau mặt trời”. Ấy là thế giới lý tưởng đối với họ – nơi họ được sống là mình.
Hoặc thảng khi, họ quay về tìm lại quá khứ để trốn chạy hiện thực bất toàn và thiếu chắc chắn. “Ngày mai vẫn đến gió hát ngang trời/Còn mình nhắm mắt không nói một lời / lại được thấy mùa hè ta gặp nhau, lại được sống mùa hè ta gặp nhau”. Giống như Huy Cận cô đơn, lạc lõng tìm về với vần thơ Đường cổ kính, “Nhắm mắt thấy mùa hè” hình như cũng mượn giai điệu nhạc Hoa cổ để hoài niệm về những thứ xa xăm đã đi qua.
Nếu như ngày trước, Nguyễn Tuân – một cây bút lãng mạn được xem là nhà văn của chủ nghĩa xê dịch; thì nay, giới trẻ cũng “ngả mũ” học hỏi lối sống ấy. Xê dịch, quả thực, đem lại cho người ta những cảm giác thuộc về trải nghiệm cá nhân. Cảm giác bạn thuộc về nó nhưng cũng chẳng thuộc về nó; cảm giác về những tri nhận với mây trời, thiên nhiên thay vì là tòa nhà cao trọc trời, cảm giác được buông bỏ những bổn phẩn để “một lần được sống như những đứa nhóc không nhà/ sớm thức dậy ở một nơi xa”,… chưa bao giờ lại đáng đến thế.
Đặc biệt, vận dụng và quay về với các chất liệu dân gian “Em đừng xanh quá khổ anh/ khổ thân con cáo hóa thành cây si” hay ngôn ngữ bình dân, kiểu thơ con cóc “anh đứng đầu Hồ Đắc Di/ ngóng Lương Đình Của lầm lì gọi em/ em đừng lạnh lùng giống que kem/ để trong ngăn đá bỏ quên một tuần” cũng là một trong những biểu hiện của chủ nghĩa lãng mạn. Hay thậm chí cách phối nhạc với những làn điệu dân ca như trong “Ai chờ ai” (Linh Cáo) hay kết cấu tự sự kiểu Bolero trong “Ừ thì” khiến cho âm nhạc giới trẻ ngày nay bàng bạc những dấu vết của một thời ông cha. Nhiều người của thế hệ đi trước hay đánh giá tuổi trẻ bây giờ không sâu sắc, nông cạn. Bắt từ một mạch cũ để tạo ra một thứ riêng như thế có gọi là nông cạn được nữa không?
4. Những nghệ sĩ trẻ đem tâm trạng rất đời của mình để làm chất liệu cho những sản phẩm nghệ thuật. Và đúng như quan điểm của chủ nghĩa lãng mạn: “Khờ khạo thay nếu cho rằng tôi không phải là anh” (Victor Hugo). Mỗi tự sự của họ, tôi thấy mình trong đó. Và mỗi đêm về tôi vẫn lải nhải: “Vì sao lại khóc. Vì sao lại buồn? Vì sao mưa không về. Tôi nằm giữa mênh mông tôi thẫn thờ. Tôi nằm giữa căn nhà nhìn lên nắng.” dẫu rằng đông đã sang và chẳng còn nắng. Nhưng giống như thời cha mẹ tôi thích nghe nhạc Bolero vì họ tìm thấy mình trong ấy thì tôi cũng thế. Tôi nghe trong những loại hình văn hóa của thế hệ tôi những câu chuyện của mình. Tôi thích nó vì tôi tìm thấy một sự lắng nghe trong ấy – thứ mà đời thực không cho tôi quá nhiều. Tôi cảm giác mình được hiểu. Và thế là “ngày nắng đẹp rạng ngời hay gió về hay bão táp mưa rơi”, tuổi trẻ vẫn tiến lên một cách thật điên rồ và huy hoàng. Cái lý tưởng đẹp đẽ và sự vươn lên của con người trước hoàn cảnh như thế, phải chăng chính là điều còn lại của chủ nghĩa lãng mạn?
Trần Nguyễn Lan Nhi
SV lớp CLC K65, Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội
Loạt bài viết mà tôi sẽ đăng trên blog này là những bài viết tôi nhận được từ các sinh viên năm cuối khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm. Chủ đề mà tôi muốn các em bàn là có chăng cái gọi là xu hướng quay về với tinh thần của chủ nghĩa lãng mạn trong văn hóa trẻ? Đề bài cụ thể thì thế này:
Từ những hiện tượng dưới đây, theo anh/chị, có thể kết luận: chủ nghĩa lãng mạn vẫn còn tiếp tục để lại những ảnh hưởng về cảm quan và thẩm mỹ trong văn hóa trẻ đương đại hay không? Tại sao? (Các anh/chị có thể mở rộng thêm phạm vi khảo sát ngoài hai dẫn chứng của đề bài)
MỘT BÀI THƠ CŨ – Lu –
em đừng xanh quá khổ anh khổ thân con cáo hóa thành cây si anh đứng đầu Hồ Đắc Di ngóng Lương Định Của lầm lì gọi em
em đừng lạnh giống que kem để trong ngăn đá bỏ quên một tuần anh về giữa Bùi Thị Xuân uống hai mươi cốc nhân trần cho say
thế thôi là hết một ngày.
2012
(In trong Lu, “Sự đã rồi anh ngồi anh anh hát”, Nhã Nam & NXB Hội nhà văn, Hà Nội, 2017)
ĐƯA NHAU ĐI TRỐN – Đen ft Linh Cáo
Điều tôi thực sự xúc động khi đọc một số bài viết của sinh viên là các em không chỉ cố gắng trình bày kiến thức về chủ nghĩa lãng mạn mà đã cố gắng nhận diện đời sống xung quanh mình. Và nhất là nhận diện chính mình.
Bài viết của Vũ Thị Kiều Chinh là một bài viết đẹp đẽ mà tôi luôn mong được đọc từ sinh viên mỗi khóa.
*
Người trẻ thời này còn lãng mạn không?
Câu trả lời của tôi: đã là tuổi trẻ thì thời nào cũng lãng mạn. “Lãng mạn” còn là gì nếu không phải là thứ cảm xúc đặc sản của tuổi trẻ. Nếu không phải tuổi trẻ thì còn tuổi nào cho người ta lượng thời gian đủ vội vàng, đủ gấp gáp để vừa bất an, vừa háo hức với chính cái thời của mình? Nếu không phải tuổi trẻ, những người mới chập chững, nôn nao dấn vào cơn bão cuộc đời thì còn ai đủ non nớt, nhạy cảm để bị sóng gió kia dễ dàng làm cho tổn thương và làm cho rầu muộn? Và nếu không là tuổi trẻ còn căng tràn một bầu ngực nóng hổi thì còn ai sống đủ kiêu hãnh để phiêu lưu và thử thách với chính cái tôi của mình? “Chủ nghĩa lãng mạn” từ trước khi sinh ra tới khi hóa kiếp và vương lại đời sống hiện đại này chỉ còn bằng những “cảm hứng lãng mạn” luôn là mảnh vườn màu mỡ cho những người trẻ tuổi ở bất cứ thời nào gieo trồng và chăm bón mầm cảm xúc và mầm khát vọng. Bởi thế mà khi chủ nghĩa lãng mạn trong văn chương mới bắt đầu được thai nghén những phôi bào đầu tiên tại Anh, những năm 1790, William Wordsworth 20 tuổi. Những năm đó, chàng đang ôm mối tình đầu và viết tập thơ đầu tiên, “Những bản Ballad trữ tình” với bài thơ đầu tiên tựa đề “The Tables turned, an Evening Scene, on the same subject” mà một bản tiếng Việt dịch thoát lại thành “Hãy bỏ bàn học đấy”:
Đứng dậy bạn ơi, bỏ sách ra một xó
Nếu không bạn hẳn sẽ lưng gù
Đứng dậy bạn ơi, phóng tầm nhìn đây đó
Sao lúc nào cũng vất vả, ưu tư ? […]
Lời bài thơ là lời một người nói với bạn mình rằng: hãy cất sách đi và ra ngoài để thiên nhiên dạy bạn. Chủ đề bài thơ của Wordsworth, đại diện đầu tiên của chủ nghĩa lãng mạn Anh thế kỉ 18, về cơ bản là gặp gỡ, tiếp tuyến tại rất nhiều điểm với lyrics ca khúc “Đưa nhau đi trốn” của Đen Vâu, ca sĩ dòng Indie gốc Việt vào năm 2015 của thế kỉ 21. Năm đó Đen 25 tuổi:
Em ơi đi trốn với anh
Mình đi đến nơi có biển bạc núi xanh
Chạy con xe anh chở em tròng trành
Mình phóng tầm mắt ngắm chân trời mới toanh. […]
Tôi không chắc về thời của Wordsworth, người ta đã tiếp nhận bài thơ “Hãy bỏ bàn học đấy” theo hướng đồng tình hay phản đối, hay nửa đồng tình nửa phản đối. Thời của Wordsworth là thời các nhà chủ nghĩa phải gồng gánh định danh, tuyên ngôn cho nghệ thuật của mình, là thời đại mà một quyết định đi theo con đường này có khi phải là sự phủ nhận hoàn toàn những ngã rẽ khác. Một bài thơ thúc người ta lật cái bàn, tung sách vở trong bối cảnh đó, cũng có thể được hiểu như một cú “lật bàn” lại tất cả những khuôn vàng, mực thước của một chủ nghĩa đã thành hình, thành dạng, đầy nghiêm trang, bệ vệ trước đó. Đó là công cuộc đập đi xây mới của lịch sử. Còn thời của chúng tôi, “Đưa nhau đi trốn” không thực hiện vai trò một lời tuyên bố, đó chỉ là nỗ lực của một kẻ 25 tuổi kể lại những trải nghiệm của mình. Thời của chúng tôi, “lật cái bàn” là sự kiện không còn nhiều bất ngờ, một ngày “đưa nhau đi trốn” chỉ là một cuộc chơi mà người chơi có thể để lại vỏn vẹn một mảnh giấy cho mẹ cha “Đừng lo đêm nay con đi chơi xa.” Thời của chúng tôi là thời mà “phượt thủ” hội ngộ ở mọi nơi, đi xa, đi trốn như một nhu cầu thiết yếu của đời sống quá ư chật chội. Sự chật chội ấy mãi thành quen. Sự đi xa để trốn cũng chẳng còn lạ, như một phản xạ có điều kiện: đói phải ăn, mệt phải ngủ, cô đơn phải yêu, xô bồ phải trốn. Như cái cách Nguyễn Bỉnh Khiêm, một đại diện Việt Nam thế kỉ 16 “khiêm tốn” nói về sự dại của mình từ thời của ông: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/Người khôn người đến chỗ lao xao.” Như Wordsworth, như Đen Vâu, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng từ chối lao xao, nhưng ông không được gọi là nhà lãng mạn. Phải tới sự cộp mác, đóng dấu từ phương Tây, vào một lịch sử phù hợp, với một hệ thống lí luận dày dặn đính kèm, lãng mạn mới vươn lên tầm một “chủ nghĩa”. Vậy để nói, vậy thì chúng tôi có gì lãng mạn trong thế kỉ này khác gì người thế kỉ xưa, thì có lẽ là chúng tôi đã ít phải trình bày đi, chúng tôi thực hành “lãng mạn” thường xuyên, tự nhiên và tự do hơn nhiều.
Cái tự do và tự nhiên hơn ấy, tôi lại cũng không chắc về những không gian khác nhau sẽ mang biểu đồ lãng mạn theo biến thiên khác nhau thế nào. Tôi chỉ hay biết về sự lãng mạn ở tuổi trẻ trú ngụ trong đô thị. Có lẽ thứ chất kích thích hiệu quả nhất để nuôi lớn một mầm lãng mạn trong khoảng thời gian ngắn ngày nhất chính là sự chật của đô thị, sự tỉ lệ nghịch giữa diện tích không gian để thở và dân số của phố phường. Ở đất nước tôi, khi người ta trẻ, người ta lũ lượt rủ nhau lên thành phố, để học, để làm, để mưu cầu một nhịp sống mới, hoặc không để làm gì cả. Thành phố chật, là sự chật mang gương mặt một thanh niên. Và rồi khi người ta quyết định dấn thân vào những kẹt xe, tắc đường (hoặc là do bị buộc vào không thời gian ấy), lại sẵn trong mình một tâm hồn còn quá trống, trong và sạch, thừa chỗ để nghĩ, thì sự hỗn độn, ngập ngụa từ bên ngoài kia ập tới, choán hết tâm trí họ. Những tiếng động của thành phố chảy vào từng mạch neuron, lan ra. Thành phố ngập trong những mảnh âm thanh, những khung sự vật, những tên biển hiệu, tên biển đường, tên biển số xe nhưng kì lạ thay, lại cấp cho con người cái khoảng không để suy tư, để biết buồn:
Tôi dắt chính mình đi
những buổi chiều thủng lốp
anh sửa xe không vá được nỗi buồn
phố dài buồn chật cười thưa […]
(Tiếng động màu xanh – Miên Di)
Và Hà Nội tuy nhỏ bé này thì đủ chỗ cho tất cả chúng tôi chứa nỗi buồn và buồn đủ để lãng mạn. Thơ, nhạc, nhìn chung là ca từ của người trẻ thời đương đại rặt những câu chuyện xung quanh thành phố, biến thành phố giờ đây như một tín hiệu nghệ thuật. Tôi biết về một dự án điện ảnh quy tụ được rất nhiều đạo diễn, diễn viên gạo cội trên thế giới: làm phim về những mảnh ghép tình yêu trong bối cảnh năm thành phố lớn. Năm thành phố biểu tượng đó, có Paris, có New York, có Thượng Hải, tất nhiên hai thành phố còn lại không phải Hà Nội, cũng chẳng thể là Sài Gòn, thậm chí buồn kinh niên như Huế cũng chưa được lọt vào bảng xếp hạng. Vậy thì cái công danh lớn của thế hệ trẻ này là gì nếu không phải biến những chiếc tên trên thành hệ thống thi liệu, nhạc liệu, ảnh liệu dồi dào? Từ bao giờ một hashtag #hanoi #saigon lại đủ làm cho người ta dấy lên một nỗi hồi cố, nhớ nhung? Từ bao giờ người ta quen phủ một lớp filter vintage lên màu một bức ảnh chụp đường phố, những quán hàng? Đô thị nhào nặn ra một nỗi buồn tuổi trẻ, và chính tuổi trẻ lại nhào nặn ra một đô thị buồn, vừa đáng chán, vừa đáng sống:
“1 chiều, tôi ngồi cà phê, ôm đàn tha thẩn tôi tìm được 1 vòng hợp âm hay hay tôi quyết định viết nhưng tôi bị bí ý tưởng tôi quay ra hỏi mọi người ai cũng lắc đầu
tôi chán nản nhìn quanh, tôi thấy ai cũng ủ rũ, dài thượt trên ghế, mỗi người một cái điện thoại, chẳng ai nhìn ai, nói với ai câu gì.
tôi mới tự hỏi: sao cái thời này nhiều người buồn và buồn nhiều đến thế?”
(Lời tựa ca khúc: Thế kỉ 21 buồn – Kiên)
Những người trẻ, gia đình nhỏ thì chưa có, gia đình lớn thì đang dần cởi ra, họ chỉ còn chính họ để suy tư về. Trong quỹ thời gian của đời người, có lẽ đây là lúc họ hay chúng tôi “rảnh” nhất để nghiệm cho bản thân mình.
Rảnh nhất là những người “không làm gì”:
Tôi phóng ra xe, hôm nay đi học
Nếu tôi còn bé thì tôi sẽ khóc
Nhưng đã hai mươi, hai mươi, hai mươi
Lên xe đi học, lại ngồi lên ghế không làm gì. […]
(Không làm gì – Ngọt)
Trạng thái “không khóc được” là trạng thái tổn thương hơn trạng thái “khóc được” rất nhiều. Trạng thái “không làm gì” là trạng thái mệt hơn mọi trạng thái “đang làm gi”. “Không làm gì” có thể là không biết làm gì, không muốn làm gì, hoặc muốn không làm gì. Dù là tiền tố nào thì đây cũng là câu trả lời cho một đời sống dường như đang kiến tạo nên những sinh vật nhất định phải “làm một cái gì”. “Bất phục tùng đối với thực tại” nói như M.Gorky là một ý tưởng lớn của chủ nghĩa lãng mạn. “Không làm gì” là một cách. Bài hát của Ngọt lặp lại nhiều lần cụm “không làm gì” nhưng lặp lại vô số lần cụm “để không làm gì”. Đây có thể là mong muốn, là lời thỉnh cầu ráo riết một trạng thái mà tôi nghi ngờ nó rất gần với không tưởng chủ nghĩa. Nghĩ mà xem, “không làm gì” tưởng là dễ nhưng trót sinh ra giữa một cuộc đời sống động thì mấy ai giữ được cho riêng mình một tình trạng bất động. Nên mới có hình tượng “thằng Nam ngồi khóc” “cho vui cuộc đời”, nhưng lại nhớ ra “quần áo đang phơi vẫn còn chưa khô”:
“Nam tính đứng dậy, nhưng lại ngồi. […]”
(Thằng Nam ngồi khóc – Thái Vũ)
Nếu Nam đứng dậy, Nam sẽ đi đâu?
Câu trả lời thứ hai của những nhân vật lãng mạn thời này là đi lang thang. Đi lang thang thời này nổi tiếng nhất là Đen Vâu, như đã nói ở trên. Nhưng không phải đến Đen Vâu người ta mới nghĩ chuyện cần phải đi trốn. Tôi đã nói, thời chúng tôi không có gì nhiều ngoài “phượt thủ”. Một hình thức “lãng mạn tập thể” trước khi chúng tôi có thể tìm ra một phương cách khác. Phần rap trong “Cho tôi lang thang” của Đen có đoạn “Cho riêng ta lang thang thôi /Để nhạc đời không lạc điệu” nhưng buồn cho anh Đen một nỗi, nhạc đời này đang ám ảnh bởi sự có mặt tới mức giờ này lạc điệu có khi là những kẻ chưa lang thang. Và dù việc chạy trốn hiện tại bằng hình thức lật bàn, về với thiên nhiên hay đi đâu thật xa đã cũ và được tập thể hóa, vẫn không thể phủ nhận được công dụng sau mỗi chuyến đi giúp xoa dịu và chữa lành những vết thương nhỏ to do sự vận hành khô khan của đời sống này gây ra. Thời đại nào ngưởi trẻ chúng tôi vẫn phải ở lại thành phố để sân si thêm tri thức thì thời đại đó vẫn còn cần những chuyến đi để tạm “rời thành phố chật chội, náo nức” cho chúng tôi một cơ hội khác để thở, kiểu khác.
Ngày nào còn khát
Thì ngày đó ta còn lang thang. [..]
(Cho tôi lang thang – Đen Vâu, Ngọt)
Để thở kiểu khác, nếu không phán xét, thì còn một cách, đó là vịn vào làn khói của những điếu cần:
Cánh cửa phòng là đường phân cách,
ngoài là đời bên trong là rừng xanh
Những âu lo bỗng nhiên bé xíu như thằng nhóc thám tử lừng danh
Tôi không biết về những ngưởi trẻ trong qua khứ họ nhảy lên chuyến xe nào để chạy trốn những hiện tại không tương thích nào. Nhưng ở đây, không thể không thừa nhận sự có mặt của các chất kích thích trong đời sống những người trẻ trong mình là nghệ sĩ hoặc không. Văn hóa trẻ đương đại phải thừa nhận một tồn tại này. Tôi biết những người trẻ tìm đến cần như mưu cầu tới một trạng thái vượt xa khỏi những giới hạn của bộ não. Bộ não con người rộng, với những người còn trẻ, nó còn rộng hơn. Nhưng vì những chật chội, những lo toan về việc định dạng mình giữa cộng đồng, giữa thành phố, giữa gia đình, giữa bè bạn mà bộ não người ngột ngạt, ì trệ. Não không thể thở được. Cần sa có thể tạm làm loãng nó, để hở ra một vùng trống mới mà những suy nghĩ mới được quyền phát sinh. Đóng cửa phòng, với một làn khói là đã có thể phiêu lưu. Thời gian chậm lại đủ dùng cho con người kịp cảm nhận được đời sống từ từ và cẩn thận. Và những người trẻ, họ cần gì hơn là khoảnh khắc thấy mình được đứng bên lề thế giới, nhìn ngắm mọi thứ và quan sát chính mình. Có một bộ phận những nghệ sĩ thời này, họ tìm đến cần như tìm đến nơi có thể khơi nguồn cảm hứng. Cần sa không kì diệu đến thế, nhưng nó là kẽ hở để con người có thể lọt vào để tìm những thứ chưa đủ không-thời gian để tìm trong đời sống thật. Nỗ lực vượt thoát khỏi thực tại như thế này, dù bị đánh giá là đúng hay sai, dù là tích cực hay tiêu cực, cũng cần được ghi nhận như một động thái của “lãng mạn”. Nhưng chính họ, những nghệ sĩ trẻ (hoặc đơn giản là người trẻ) không có thì giờ để phân biệt lãng mạn thế nào là tiêu cực, lãng mạn thế nào là tiêu cực nữa. Họ thậm chí còn từ chối được gọi tên là anh lãng mạn hay cô lãng mạn. Sống ở thời nay, chúng tôi chẳng thiếu gì tự do, chỉ thiếu điểm tựa. Muốn chạy về đâu cũng có cách, chỉ là chưa biết chạy về đâu.
Trong những cung đường mà chú hươu vị thành niên có thể chạy, vẫn còn có một đường lùi về quá khứ. Thực tại thì chưa định hình, tương lai thì không tồn tại, chỉ có quá khứ là một căn hầm trú ẩn an toàn để con người có thể núp. Thế hệ trẻ vốn thường được gắn nhãn với cái mới, cái nổi loạn, nhưng khi những mầm sống đang lên quyết định đình trưởng trong bầu không khí hoài cổ thì đó lại là một câu hỏi đang để nghĩ về. Ở thành phố của tôi ngập những quán cà phê theo lối cổ từ thời kì Bao cấp, cái thời mà người già có thể kêu khổ, nhưng người trẻ thì vui sướng khi được đắp trên mình một tấm chăn con công. Có thể chúng tôi là những kẻ ham vui, ham lạ. Có thể những biểu hiện này cũng như sự vận hành của quy luật thời trang, chục năm lại tái sinh một xu hướng cũ. Không sao, đó có thể không phải là “lãng mạn thuần túy” nhưng nó đúng là đang diễn ra giữa nhịp sống mới này. Cái cảm thức mong đợi sự quay trở về nuôi dưỡng trong những tâm hồn trẻ sự nhạy cảm với mọi sự. Nó đôi khi giúp chúng tôi nhận ra những điều mới đôi khi ẩn chứa những bất thường và tiềm tàng nguy cơ phá vỡ một nền tảng nào đó. Và khi người trẻ chọn retro cả tình yêu, thì ắt hẳn đó phải là “lãng mạn.”
Ôi tình yêu thời nay mệt quá ai ơi!
Giận nhau không nói một lời
Chỉ vì không rep inbox thôi.
Và em ơi, thời nay mệt quá đi thôi
Anh muốn tình yêu tuyệt vời
Như ông bà anh.
(Ông bà anh – Lê Thiện Hiếu)
Vậy người trẻ thời này còn biết yêu không? Có chứ. Nếu có một điều kiện khả thể nào khiến cho chủ nghĩa lãng mạn dù đã đi hết vòng đời của nó vẫn còn rơi lại cuộc đời này biết bao nhiêu cảm thức, thì đó chính là nhờ mảnh đất màu nhiệm của tình yêu. Con người đang làm gì trên hành tinh này nếu không phải để học cách yêu một điều gì đó. Chủ nghĩa hiện sinh có thể phản bác lại là không, cuộc đời này toàn điều phi lý, thì nó cũng nuôi trong con người một tình yêu đối với sự không có nghĩa của cuộc đời. Tình yêu “lãng mạn” của tuổi trẻ sống trong lòng của cảm thức về hiện sinh. Xưa nay đều thế, như Xuân Diệu vẫn thắc mắc “đố ai định nghĩa được tình yêu”:
em đừng xanh quá khổ anh khổ thân con cáo hóa thành cây si anh đứng đầu Hồ Đắc Di ngóng Lương Định Của lầm lì gọi em
em đừng lạnh giống que kem để trong ngăn đá bỏ quên một tuần anh về giữa Bùi Thị Xuân uống hai mươi cốc nhân trần cho say
thế thôi là hết một ngày.
(Một bài thơ cũ – Lu)
Bài thơ của Lu vẫn loanh quanh loanh quanh giữa những tên biển phố của Hà Nội. Nhưng tình yêu ấy có chật chội không? Tất nhiên không. Thành phố này dù chật nhưng chưa đủ khắc nghiệt đề bóp nghẹt tình yêu. Vẫn là thứ tình yêu lãng mạn có ngây thơ, có bất cần của thời còn chủ nghĩa, vẫn là thứ tình yêu được nâng lên thành tầm biểu tượng, chỉ là cách diễn đạt khác đi. Nó phù hợp với không khí của thời này. Tuổi trẻ thì vẫn luôn là táo bạo, là dũng cảm. Sự dũng cảm đôi khi chỉ nằm ở chuyện dám dành cả một ngày loanh quanh chỉ để yêu. Đâu phải ai cũng “cần gì ngoài em.”
Có phải tôi chỉ đang chỉ đang dùng dẫn chứng của một loạt những người trẻ có vẻ lười và nuông chiều bản thân. Tất nhiên, trong thế giới những người trẻ đang sống, không phải ai cũng buồn buồn và không làm gì. Có vô số những người trẻ mà lịch sử sẽ gọi họ là những người lãng mạn theo hướng tích cực. Họ sống, họ nhận ra những vấn đề của đời sống, họ cố gắng cải thiện, bằng các chiến dịch, các dự án cộng đồng. Họ hừng hực khí thế đấu tranh. Họ quyết liệt. Họ lãng mạn. Họ rất lãng mạn. Vì họ cũng đang tin vào một trật tự tưởng tượng nào khác vượt xa khỏi những lằn ranh của trật tự hiện thời này. Nhưng họ có buồn không. Họ cũng buồn. Những người không làm gì có quyết liệt không. Họ còn quyết liệt và mạnh mẽ hơn thế. Vì dù là ở lại với thực tại hay chạy trốn nó, họ có cả ở hai cực. Và cực nào cũng thịnh. Hoặc là không có cực nào. Chúng trộn vào nhau. Không có gì phức tạp hơn việc cố gắng phân tách người trẻ thành các loại. Vì đó là những thực thể kì bí nhất của loài người.
Những người trẻ giờ đây có lẽ bình tĩnh và hiểu họ hơn nhiều. Họ “ngồi đây chờ cơn bão tới.”
Vũ Thị Kiều Chinh
(Sinh viên lớp A – K65, khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội)
Cho đến cuốn sách mới nhất này, văn chương của Nguyễn Trương Quý vẫn tiếp tục ruổi rong trên những nẻo đường Hà Nội. Thành phố này, dù đã trở thành đề tài của bao nhiêu nghệ sĩ, dù đã được tác giả khai thác đến từng chi tiết tỉ mẩn ở những cuốn sách trước đó, vẫn tiềm tàng những bí ẩn – yếu tố quan trọng làm nên sức cảm dỗ của đô thị. Hay để dùng lại một thuật ngữ được Nguyễn Trương Quý nhắc đến như là đối tượng khám phá của cuốn sách, Hà Nội vẫn dồi dào những “vi lịch sử”, những tự sự nhỏ nằm bên dưới những sự kiện của đời sống thường nhật.
Về mặt thể loại, Một thời Hà Nội hát(Tim cũng không ngờ làm nên lời ca) được tác giả gọi là một cuốn du khảo. Nhưng thực ra từ những tác phẩm trước, Nguyễn Trương Quý đã định hướng tản văn của mình theo tinh thần du khảo. Văn chương du khảo cần sự hòa quyện giữa sự miêu tả, ghi chép vừa chính xác, cẩn thận đồng thời lại vừa đậm tính hình tượng và dấu ấn chủ quan với những phân tích, biện luận từ một quan điểm nghiên cứu. Nguyễn Trương Quý đã thực hiện được một việc không dễ là thống nhất được lối viết sống động, nhiều khi không giấu đi sự hài hước hay duy cảm trong cái nhìn đời sống của mình mà thể loại tản văn dung nhận với một số thao tác gần gũi với khảo cứu nhân văn như chọn điểm tựa về lý thuyết, tìm lai lịch của hiện tượng, trích dẫn nguồn tham khảo… Có thể nói tản văn của anh là một thực hành phê bình văn hóa mà ở đó, người viết bằng cả sự nhạy cảm lẫn chiều sâu tư duy đã phát lộ chiều kích huyền thoại của đô thị không chỉ qua những sản phẩm tinh thần mà còn trong kiến trúc cảnh quan hay những đồ vật gắn liền với nó.
Một thời Hà Nội hát có lẽ là tác phẩm đi xa hơn cả trong ý thức khảo cứu của Nguyễn Trương Quý. Ngay trong lời mở đầu, tác giả đã có sự lưu ý đối với độc giả về tinh thần của cuốn sách. Hà Nội, theo cách tiếp cận của Nguyễn Trương Quý, là một “cộng đồng được tưởng tượng”, nói như Benedict Anderson, người mà tác giả đã tiếp thu ý tưởng để hình thành nên khung tư duy của mình. Nghĩa là, với anh, Hà Nội được hiểu như một diễn ngôn, tức như là kết quả của quá trình tạo nghĩa thông qua các hoạt động văn hóa. Những bài hát và người hát về Hà Nội nằm trong những yếu tố tham gia vào quá trình ấy. Chúng đan dệt hình dung của nhiều người về thành phố, từ đó tạo nên những hoài niệm tập thể về nó.
Từ cách tiếp cận ấy, Đoàn Chuẩn – nhân vật chính của cuốn sách cũng là một diễn ngôn. Cho dù Nguyễn Trương Quý đã cất công tìm hiểu tiểu sử, thực hiện nhiều phỏng vấn, trò chuyện với những người liên quan đến người nhạc sĩ này thì cuốn sách cũng khó có thể được coi là một cuốn chân dung văn học theo định nghĩa chặt chẽ về thể loại. Người viết hướng mối quan tâm của mình vào việc phát hiện cơ chế nào để đưa Đoàn Chuẩn trở thành một giai thoại, giai thoại đó được cấu tạo theo những hình mẫu có sức hấp dẫn như thế nào và vì sao giai thoại – vốn là tiểu tự sự bên lề lịch sử chính thống – được trưng dụng trở lại, đi vào diễn ngôn trung tâm về Hà Nội. Nói một cách khác, Hà Nội cần đến Đoàn Chuẩn để thêm một biểu tượng mới cho mình, để phái tính hóa thành phố (sexing the city), làm cho thành phố mang diện mạo có nét quyến rũ của một lãng tử hào hoa. Nhưng ở phía ngược lại, cũng chính ở trong lòng thành phố mà tính cách đô thị của nó trong lịch sử nhiều khi buộc phải bị kìm nén, tiết chế và trở nên mất mát ít nhiều, Đoàn Chuẩn mới trở thành một biểu tượng đủ để khiến người ta ngưỡng vọng và hoài nhớ như một mẫu nhân cách một đi không trở lại. Cuốn sách, vì thế, là lịch sử về một biểu tượng hơn là một tiểu sử về một nghệ sĩ.
Cuốn sách của Nguyễn Trương Quý tập trung vào một lát cắt lịch sử của Hà Nội mà hình dung về nó còn bỏ ngỏ nhiều khoảng trống – giai đoạn thành phố bị tạm chiếm trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Không có tham vọng lấp đầy những khoảng trống ấy, cuốn sách chỉ cố gắng phác thảo lại một mảng hiện thực mà sử học thường ít chú ý: đời sống giải trí. Nhưng chính phương diện này lại có thể phát lộ nhiều điểm thú vị, độc đáo về văn hóa thị dân của thành phố. Nguyễn Trương Quý đã chọn được một kênh dẫn thích hợp để có thể đi vào tâm thức của thị dân Hà Nội trong nửa đầu thế kỷ XX: tân nhạc – loại hình nghệ thuật mới, chịu ảnh hưởng từ âm nhạc phương Tây, được sinh thành và nuôi dưỡng trong lòng thành phố. Anh có một cách làm việc cẩn trọng trên những tư liệu của quá khứ, không chỉ chú ý đến những sự kiện nổi lên trên bề mặt mà quan tâm đến cả những gì có thể ẩn giấu trong những chi tiết có vẻ như vặt vãnh như danh mục của các bài hát được trình bày, các thông tin quảng cáo cho những sinh hoạt giải trí in trên mặt báo, cách các bài hát được thu thanh và biểu diễn… Nói một cách khác, anh quan tâm đến hầu hết các phương diện tạo nên đời sống truyền thông của tân nhạc. Từ đó, cuốn sách không chỉ làm người đọc hình dung được thị hiếu, mỹ cảm một thời của thị dân Hà Nội. Có lẽ thú vị hơn, nó cho thấy luôn có những câu chuyện ẩn khuất sau những hình ảnh, giai điệu mà những mô tả lịch sử trên bình diện vĩ mô không nắm bắt được. Mà những câu chuyện khuất lấp ấy mới là nơi ta cảm nhận được rõ hơn những kinh nghiệm tinh thần của con người trong quá khứ. Những nghiên cứu tư liệu của Nguyễn Trương Quý, đặc biệt là về lời ca khúc Đoàn Chuẩn, cho thấy ngôn từ có những ký ức riêng của mình và chúng có thể tồn tại dai dẳng bất kể những biến thiên lớn của thời cuộc. Tinh thần lãng mạn ở những hình ảnh, motif trong ca khúc của Đoàn Chuẩn, dẫu có thể từng bị gán cho định kiến trong một thời gian dài, thậm chí trở thành những cấm kỵ, thì vẫn cứ là một cái gì ám ảnh, ăn sâu vào hoài niệm và mơ tưởng của một lớp người, vượt khỏi cả những ranh giới ý thức hệ từng ngăn cách hai miền đất nước, để tạo thành một ký ức thống nhất về Hà Nội. Một Hà Nội tiền chiến, sang trọng và u uẩn, lịch lãm và phóng khoáng. Một Hà Nội như một cộng đồng tưởng tượng của một lớp người, có nhiều khác biệt với một Hà Nội được kiến tạo bởi những nhạc sĩ từng sống ở miền Bắc sau 1954. Hà Nội, trong ca từ của lứa nhạc sĩ sau Đoàn Chuẩn, là một vùng hoài niệm đạm bạc hơn, thương khó hơn và chịu đựng hơn.
Những suy nghĩ trên đây của tôi có thể khiến nhiều người nghĩ rằng cuốn sách của Nguyễn Trương Quý nặng về tính học thuật. Song không hẳn vậy, dù rằng đây là khía cạnh khiến tôi nể phục nhất ở anh từ khi đọc nó lúc còn là dạng bản thảo. Một thời Hà Nội hát cũng là một cuốn sách mang nhiều trải nghiệm riêng tư của tác giả. Dễ thấy nó là sự nối tiếp chủ đề mà Nguyễn Trương Quý đã khai thác trong Còn ai hát về Hà Nội? (2013), nhưng lần này tác giả muốn tập trung hơn vào một hình tượng nhạc sĩ gắn với giai đoạn âm nhạc thường được gọi tên là nhạc tiền chiến. Tuy nhiên, tính cá nhân của cuốn sách này không chỉ nằm ở chỗ nó phản ánh một hứng thú của tác giả mà còn ở một khía cạnh đáng lưu ý khác. Nguyễn Trương Quý thuộc thế hệ lớn lên vào lúc văn học nghệ thuật lãng mạn, sau một thời kỳ dài trong lịch sử bị xem như một vùng cấm, quay trở lại, được thừa nhận giá trị, đi vào sách giáo khoa và hòa cả vào văn hóa đại chúng từ cuối thập niên 1980. Thơ Mới, âm nhạc tiền chiến, khi ấy, dường như cung cấp cả một vùng ngữ vựng để thế hệ ấy biểu đạt bản thân. Họ dùng tên một tác phẩm của Xuân Diệu để gọi lứa tuổi của mình – “hoa học trò”; họ tạo hình cho mình theo khuôn mẫu lãng tử mà văn chương hay ca khúc lãng mạn khắc họa; họ vu vơ, sầu muộn, bất cần, phong tình – những trạng thái mà tuổi trẻ trong những năm chiến tranh phải nén lại, không được phép biểu hiện – có nghĩa là, họ gần với thế hệ thanh niên tiền chiến hơn là thế hệ thanh niên thời cha mẹ mình. Tuổi hoa niên của thế hệ của Nguyễn Trương Quý, dẫu vậy, cũng không phải là bản sao của thế hệ tiền chiến và có lẽ nó cũng là vẻ đẹp đang một đi không trở lại. Những người trẻ mười tám, đôi mươi giờ đây có thể tìm thấy những điểm tựa khác để tạo hình cho mình. Với cuốn sách này, Nguyễn Trương Quý không chỉ muốn phục dựng những vi lịch sử của một giai đoạn quá khứ. Nó có lẽ còn là cuốn sách hoài niệm những gì đã từng bước vào thế giới tinh thần của anh ở những năm tháng thanh xuân ấy. Và những gì bước vào đời ta ở quãng thời gian ấy chính là những giá trị quan trọng định hình nên ta bây giờ. Bởi vậy, người đọc có thể cảm nhận được tình cảm chân thành của Nguyễn Trương Quý đối với Hà Nội, với âm nhạc và đặc biệt là sự trân trọng đối với Đoàn Chuẩn – người nghệ sĩ đã dành những “bản nhạc đời còn ghi những nét thương yêu” không chỉ cho riêng ông.
Trần Ngọc Hiếu
(Lời giới thiệu cho cuốn sách Một thời Hà Nội hát – Tim cũng không ngờ làm nên lời ca của Nguyễn Trương Quý, NXB Trẻ, 2018)
Bài viết này lấy lại nhan đề buổi nói chuyện với nhạc sĩ Kim Ngọc về âm nhạc đương đại tại Cà phê thứ 7 chiều nay. Một buổi nói chuyện có nhiều thông tin gợi mở suy nghĩ đối với cá nhân mình. Mình sẽ ghi chép lại những ý nghĩ tản mản của mình về những sự kiện văn hóa, nghệ thuật mà mình có điều kiện tham dự, thưởng thức như một thứ nhật ký.
Âm nhạc mà Kim Ngọc đang thể nghiệm là “noise music”, một thứ âm nhạc dựa trên sự khai thác tiếng động, tiếng ồn, những thứ tưởng chừng như đối lập nhất với âm nhạc theo cách hiểu thông thường. Nếu như âm nhạc khó định nghĩa bao nhiêu thì tiếng ồn cũng khó định nghĩa bấy nhiêu. Trong số nhiều định nghĩa về nó, có một định nghĩa này có lẽ giàu sức kích thích nhất đối với những người làm nghệ thuật tiền phong: tiếng ồn là âm thanh gây khó chịu. Con đường của nghệ thuật tiền phong là như thế: nó đổi mới nghệ thuật bằng cách chất vấn lại về “sự khó chịu” của chất liệu, bằng cách đưa những gì khó chịu nhất, những gì phản thơ, phản hội họa, phản nhạc, phản tiểu thuyết nhất vào nghệ thuật, và bởi thế, đương nhiên nó “khó chịu” với đại đa số công chúng. Âm nhạc, khi mở rộng chất liệu như vậy, luôn thách thức sự nghe ở chúng ta, nó đòi hỏi chúng ta phải suy tư lại về khả năng khơi dậy xúc cảm, liên tưởng của âm thanh. Ở mức độ nào đó, nghệ thuật đương đại là hình thức giải định kiến ở con người. Tại sao ta lại khó chịu bởi tiếng ồn? Một bản nhạc giao hưởng có phải là tiếng ồn với một số người hay không? Một giai điệu nhạc pop đại chúng dễ dãi được phát hoài trên xe bus có làm ta nhức đầu như tiếng ồn không? Những câu hỏi như thế khi được đặt ra và ý thức trả lời ráo riết, thành thật sẽ cởi mở tư duy và cảm nhận của con người rất nhiều.
Trong những ý kiến phát biểu tại buổi nói chuyện, nhạc sĩ Dương Thụ đưa ra một ý kiến thú vị. Những tiếng động, tiếng ồn khi nó gắn với những ký ức nhất định của con người, đến một khoảnh khắc nào đó, nó sẽ trở thành những âm thanh gây xúc động. Mà những âm thanh gây xúc động – đó chính là âm nhạc. Một tiếng còi tàu có thể là âm thanh rất gắt, rất inh tai, nhưng nó có thể khơi dậy những ký ức về văn minh hiện đại thời kỳ đầu, những liên tưởng văn hóa từ đó…Thế nhưng không phải những người làm nhạc thể nghiệm nào cũng khai thác khía cạnh nostalgia này. Sự hoài nhớ của con người thường là một nhân tố trì níu khả năng đổi mới trong nghệ thuật, nó làm người ta luyến lưu quá vãng hơn là nhận ra các giá trị của hiện tại. Bởi vậy mới có xu hướng phi biểu hiện của âm nhạc, đưa âm nhạc trở về với vẻ đẹp thuần túy khách quan của những chuỗi âm thanh. Cảm nhận được vẻ đẹp thuần túy đó, thú thực, với mình, giống như một kinh nghiệm Thiền.
Bản Etude dựa trên âm thanh của tàu hỏa này của Pierre Schaefer chẳng hạn. Schaefer chỉ làm công việc mix lại âm thanh ông thu được từ tiếng tàu hỏa chạy trên đường ray. Có thể gọi đây là một bản nhạc được không? Các chuỗi âm thanh được sắp xếp lại có tiết tấu, có kịch tính ở mức độ nào đó, nhưng khó mà gán cho nó một tình cảm chủ quan nào. Chỉ có điều, với ai còn nhiều ngây thơ, đó không còn là những âm thanh đều đều, khô khốc, inh tai, nó làm ta ngạc nhiên, làm ta phát hiện ra những âm thanh đó có chất thơ riêng của nó.
Vậy làm thế nào để ta có thể cảm nhận được nghệ thuật đương đại? Cần rất nhiều sự ngây thơ. Ngây thơ thì ta mới chăm chú lắng nghe, quan sát. Sự ngây thơ ấy mới khiến ta còn năng lượng để mà ngạc nhiên, bất ngờ. Sự ngây thơ ấy khiến ta dễ dàng thoải mái trước cái quyền được điên rồ của nghệ thuật.
Với cá nhân mình thôi, để hiểu những thứ nghệ thuật mới không khó. Tìm ra được lý do tồn tại của những phá cách, những sự khó chịu mà chúng quyết tâm đem đến cho công chúng không khó. Cách đây 5-6 năm, khi bắt đầu nhận dạy một học phần về nghệ thuật ở trường, mình phải soạn một phần dạy liên quan đến mỹ học. Khi đó, mình lò mò trên mạng, tìm được rất nhiều trang cho download những trang nghe nhạc, xem phim thể nghiệm, mà điển hình nhất là trang ubu.com. Khi lần đầu thử thưởng thức cái tác phẩm 4’33 của John Cage, mình cũng đã đi từ chỗ tháy tác giả điên, rồi đến mình điên, và cuối cùng thì mình bật cười. Cái cười đó vô cùng nhẹ nhõm. Hình như đó là tác phẩm nghiêm túc nhất mà cũng bông đùa nhất, khiêu khích nhất mà cũng độ lượng nhất mà mình biết.
Nhưng nghệ thuật không chỉ là nơi mà ta cần giải thích nó bằng lý trí là xong xuôi. Nó không phải là tri thức, hay chí ít, đó không phải là cái có ý nghĩa nhất của nghệ thuật. Nghệ thuật, quan trọng nhất, là lĩnh vực của sự cảm nhận. Mà đã cảm nhận thì phải ra ngoài trời, phải nghe, phải nhìn, phải trò chuyện nhiều hơn. Nên lúc nãy nói với bạn, mình sợ mọi suy nghĩ của mình về nghệ thuật, về đời sống đang bị trừu tượng. Mình sẽ phải đi đâu đó thôi…
Cuối cùng, chia sẻ với các bạn một album mà mình nghĩ nó là dẫn nhập tốt cho bạn nào muốn tìm hiểu về âm nhạc avant-garde. Chỉ cần google một chút, các bạn có thể tìm được cách leech link để tải album này về:
Bài phỏng vấn nhà văn Nguyễn Trương Quý dưới đây do hai bạn sinh viên Nghiêm Tố Minh và Nguyễn Hà My thực hiện. Bài phỏng vấn ban đầu chỉ nằm trong khuôn khổ của một bài tập ở trường đại học nhưng tôi đã xin phép hai bạn sinh viên và anh Trương Quý để chia sẻ trên blog này. Bởi lẽ qua câu chuyện của anh Trương Quý – một người mà tôi xem như cùng thế hệ với mình, thì âm nhạc Trịnh Công Sơn chính là một trong những nguồn đầu tiên nói với chúng tôi – những đứa trẻ lớn lên ở miền Bắc sau 1975 – về những gì sách giáo khoa đã không nói về lịch sử.
Xin cảm ơn hai bạn sinh viên và anh Trương Quý đã chia sẻ cuộc trò chuyện này:
*
Trước tiên, xin cảm ơn anh đã đồng ý đến với buổi phỏng vấn ngày hôm nay. Thưa anh, được biết anh là một người vô cùng yêu mến và am hiểu về nhạc Trịnh. Vậy điều gì khiến anh yêu thích dòng nhạc này đến vậy?
Trương Quý: Mình nghe nhạc Trịnh Công Sơn ở thời điểm là một cậu thanh niên – không khí miền Bắc nghèo khổ, bao cấp, ám ảnh. Những bài hát ấy nó có yếu tố như chất gây nghiện, ta nhìn thấy ở đấy một chất liệu đời sống khác lạ, chưa kể đến việc Trịnh Công Sơn may mắn có một giọng ca rất ấn tượng là Khánh Ly, làm cho người nghe cảm nhận được trọn vẹn những gì ông muốn truyền đạt.
Vậy anh có ấn tượng gì với dòng nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn?
Trương Quý: Nhạc phản chiến mãi sau này mình mới biết. Đầu tiên, mình chỉ biết đến nhạc tình ca như là khúc dạo đầu để đến với âm nhạc Trịnh Công Sơn, về sau biết được nhạc phản chiến là nhờ một cuốn băng, nhưng lúc ấy mình chưa thấy thích lắm vì bản phối. Thế rồi cho đến một lần, mình ra chợ Giời và tìm được một cuốn băng có tất cả những bài phản chiến ấy, bảo họ bật thử, nghe đúng cái giọng ngày xưa hát, ấn tượng kinh khủng. Về nhà, mình nghe đi nghe lại cuốn băng ấy vì giọng ca có sự truyền cảm. Sau đấy, mình mới thấy các cái bài nhạc phản chiến thực sự là một gia tài rất quý báu của Trịnh Công Sơn, thậm chí có những chất liệu vượt ra khỏi mô tip đơn điệu của nhạc tình. Trịnh Công Sơn đôi khi có những bài hát bị lặp lại cái nốt nhạc: giọng la thứ, quanh đi quẩn lại mấy cái đăng đối ấy, A, B, A#, nó dễ đoán, nó không phải là cái hay độc đáo về mặt âm nhạc. Cái hay của nhạc phản chiến là câu chuyện của cả một thời đại, nó đem đến cho mình những bỡ ngỡ, lạ lẫm, băn khoăn về một không gian, một thời gian mà mình chưa có nhiều ý niệm. Những năm tháng ấy, tuổi trẻ miền Nam đã ra sao, họ cảm thấy gì, xã hội miền Nam như thế nào. Nhạc phản chiếu của Trịnh Công Sơn, với mình, trước hết đem đến những khám phá sinh động về quá khứ mà vẫn rất tình cảm, rất lôi cuốn bởi ca từ, bởi các cấu trúc biểu đạt gây ấn tượng mạnh. Cũng có các nhạc sĩ khác viết nhạc phản chiến nhưng không thành công bằng, nghe vẫn có gì đấy sống sượng, thiên truyền đạt ý tưởng để tuyên truyền. Với mình, những ca khúc phản chiến ấy không có được sự gần gũi, thuyết phục nếu so với những ca khúc da vàng của Trịnh Công Sơn.
Được biết anh là người biên tập cho cuốn sách Trịnh Công Sơn – Bob Dylan, Như Trăng và Nguyệt” của John C. Schafer, vậy có những câu chuyện nào xoay quanh cuốn sách này không?
Trương Quý: Đây là cuốn sách của một giáo sư đại học, nó có những phẩm chất về mặt văn bản; nền tảng về văn hóa học và ngôn ngữ học của tác giả rất tốt… Cuốn sách cho thấy một đề tài có vẻ như đã nói nhiều rồi và dễ nói hay, nói hoa mĩ nhưng tác giả vẫn rút ra được những cách thức truyền đạt khoa học, không sa vào diễn cảm vì rất nhiều người viết về Trịnh Công Sơn bị bí từ, bị cái mĩ lệ trong nhạc Trịnh Công Sơn ảnh hưởng mạnh. Có thể vì tác giả là người nước ngoài, nên cái nhìn của họ không bị phiến diện
Tuy nhiên, phải nói John C. Schafer là người mà mình rất có thiện cảm, một phần vì hoàn cảnh tác giả là người có vợ người Việt Nam, xứ Huế, vậy nên có lúc tác giả còn đề cao Trịnh Công Sơn hơn là Bob Dylan, đó cũng là một cái hay.
Là người quan tâm đến âm nhạc Trịnh Công Sơn, anh có nhận xét gì về các tạo hình lạ thường trong nhạc phản chiến của ông?
Trương Quý: Mình luôn có một thắc mắc, tò mò: Trịnh Công Sơn hồi trẻ học ở một trường tiếng Pháp, hệ thống tác phẩm văn học Việt Nam trong nhà trường trước đây như nào để mà một người học sinh (lúc Trịnh Công Sơn mới viết ca khúc là lúc vừa ra khỏi thời học sinh), lại có được kho từ vừng rất tốt,trau chuốt, diễn tả các ý thức tâm lí rất tinh vi. Mình cũng rất nể khả năng diễn đạt các khái niệm triết học, tôn giáo già đời như một triết nhân thực sự ở Trịnh Công Sơn.
Có thể trong thời gian về sau càng ngày càng trưởng thành, ông càng ngày càng tích lũy được nhiều kiến thức hơn. Về cái nghịch dị trong nhạc phản chiến, mình nghĩ rằng một phần Trịnh Công Sơn chịu ảnh hưởng của những kiến thức về triết học phương Tây, họ đi tìm cách giải thích những sự mâu thuẫn trong đời sống xã hội. Ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn cũng ra đời khi bối cảnh xã hội Việt Nam chìm trong những mâu thuẫn, xung đột gay gắt.
Cuộc đời Trịnh Công Sơn trải qua những năm tháng bình yên, trước khi đất nước chia cắt hai miền cho đến khi chiến tranh leo thang ở miền Nam, con người luôn phải sống trong căng thẳng, giữa hòa bình và chiến tranh. Ông nhìn thấy ở đấy một cái gì đó như là sự hư vô, bất toàn của cuộc đời này. Trịnh Công Sơn luôn nhìn thấy tình trạng dễ thương tổn của đời sống lúc đó, như là ““mẹ vỗ tay reo mừng xác con”,“mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh”, nhưng ở góc độ nào đấy, mình còn cảm thấy đó là sự lộn nhào của thế giới, giống như đạn bom đã cày xới lên tất cả. Ca từ của ông khiến người ta có cảm giác như khi xem tranh của Picasso: những bức tranh với những hình hài méo mó, cảnh tượng hoang tàn, một không khí hủy hoại bao trùm.
Nói về mặt ý nghĩa lớp lang, những hình ảnh nghịch dị này không phải là lạ vì văn nghệ sĩ châu Âu giữa 2 thập niên đại chiến thứ nhất và thứ hai đã rất ám ảnh bởi cái chết, sự đổ vỡ, sự vỡ mộng trước cuộc sống. Họ nhìn hiện thực ở khía cạnh bóp méo, những hình ảnh như zombie, như ma như quỷ tràn ngập ở các trường phái Dada hay các trường phái nghệ thuật tiên phong của châu Âu. Có lẽ Trịnh Công Sơn cũng phần nào thâu nhận hưởng từ cảm thức và mỹ học của giai đoạn như thế. Nhưng có một hệ biểu tượng nổi bật hơn ở âm nhạc của ông, đó là quê hương. Ông không phân ca khúc của mình thành tình ca và nhạc phản chiến mà thành tình yêu, quê hương và thân phận.
Nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn nhìn quê hương với một giá trị nhân bản đối lập nó với chiến tranh, cái đó trở đi trở lại. Mối liên hệ giữa nhạc phản chiến với nhạc tình ca của Trịnh Công Sơn chính là độ nhân hậu. Nhạc của ông khác với nhạc tuyên truyền lên gân lên cốt, Trịnh Công Sơn có một cách diễn đạt thuyết phục hơn, có những điều mình thấy độc đáo: “người con gái Việt Nam da vàng, yêu quê hương nên yêu người yêu kém”. Tức là ông Sơn có một cái giỏi, lời đó nói bình thường nghe vụng, nhưng đưa vào âm nhạc thì nghe vẫn hấp dẫn: “đại bác qua đây đánh thức mẹ dậy, đại bác qua đây con thơ giật mình”. Trịnh Công Sơn rất tài tình trong việc chế biến các nguyên liệu sần sùi thô ráp, những cái mà nghe có vẻ như không có chất thơ, tạo thành ca từ có sức mạnh biểu đạt.
Theo anh, dư âm của nhạc phản chiến đối với ngày hôm nay như thế nào?
Trương Quý: Mình nghĩ nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn vẫn là một kho tang chưa được khai thác hết trong hệ thống âm nhạc đại chúng Việt Nam hiện đại. Trong mấy chục ca khúc da vàng của Trịnh Công Sơn vẫn có nhiều thông điệp vĩnh cửu về đời sống của con người, về tự do, về hạnh phúc, về những giá trị rất cốt lõi của đời sống. Điểm đáng trân trọng nhất là Trịnh Công Sơn vẫn giữ được một tâm thế an nhiên, một sự vô nhiễm, kể cả khi có sự ảnh hưởng của kinh tế hay chính trị. Nó như những cái mộng ước về thế giới, nơi chúng ta có thể sống cùng nhau. Mộng ước ấy ta có thể tìm thấy trong bất kì bài hát nào của Trịnh Công Sơn liên quan đến chủ đề phản chiến. Những hệ thống, mạng lưới, trường liên tưởng trong ca từ của ông rất phong phú. Những hình ảnh, thủ pháp văn học trong lời ca Trịnh Công Sơn vẫn có ý nghĩa quy chiếu nhất định đối với ngày hôm nay. Với mình, nhạc khúc da vàng có một phẩm chất gần với nhạc rock, nó có một tâm thế gì đó muốn bứt phá, nổi loạn, một chút gì đấy muốn thể hiện mình của giới trẻ, nó rất khác với tâm thế “một đời về không, hai tay quyhàng”. Đó là những ca khúc có giá trị nhân văn nhân bản mạnh mẽ.