Monthly Archives: Tháng Mười Hai 2022

mây bay là bay rồi – Trưng bày của Linh San tại Á Space Hà Nội (12/2022)

Trưng bày của Linh San nằm trong chuỗi dự án “Vật chất nhiễu” (Maternal Dispersal) do Hoàng Châu làm giám tuyển. Chất liệu chính mà Linh San làm việc là sứ – thứ tưởng như chỉ có thể làm ra những đồ vật thiết thực hoặc mang tính trang trí. Trưng bày của Linh San thể hiện được phẩm chất mơ mộng đầy quyết liệt của một nghệ sĩ khi tư duy về chất liệu: thực hành nghệ thuật là cách mở ra các khả thể cho chất liệu, để tạo tác nên những gì ta vốn ngỡ người ta không thể làm với nó. Như cách Linh San biến sứ thành giấy, thành những tấm chăn hay cổ áo, tay áo của mẹ. Quá trình giải phóng chất liệu ấy cũng là quá trình người nghệ sĩ soi ngắm lại bản ngã, suy tưởng lại những gì đã cấu thành nên mình, nói ra những điều cần phải nói nhưng lại không thể nói bằng bất cứ cách thức nào đã sẵn có. Chất liệu sứ, tại trưng bày này, trở nên mềm, mỏng, gần với da thịt vốn cũng nhạy cảm, dễ tổn thương, dễ vỡ nhưng đồng thời cũng rất thanh thoát, nhẹ nhõm. Như tên gọi của triển lãm này: “Mây bay là bay rồi”.

Tên gọi của triển lãm này làm tôi không khỏi nhớ đến bài thơ của Joseph Brodsky, “Mây bay qua”, trong đó, nhân vật trữ tình trong bài thơ say mê ngắm nhìn những đám mây trên trời, ngưỡng vọng sự nhẹ nhõm, cao cả cứ như thể bông đùa với bao nặng nề của kiếp người, để rồi “chỉ biết khóc và chỉ biết hát”. Nó cũng làm tôi nhớ đến “Những đám mây” của Wislawa Szymborska, một bài thơ cũng gợi nhắc về sự nhẹ nhõm đáng thèm khát trong sự làm người của con người. Tôi đã nhìn những tác phẩm bằng sứ của Linh San trên gác thượng của Á Space trong buổi chiều mùa đông đẹp đẽ, đọc những ghi chú của cô về ý tưởng của mình: “Ngói xi măng làm từ đất, xếp chồng lên nhau. Mưa nắng sẽ làm rữa chống ngói một cách tự nhiên trong suốt thời gian triển lãm”. Sự bình thản như một đứa trẻ nghĩ ra một trò chơi mới, chẳng để lưu lại cái gì, chỉ để mọi thứ tan ra… làm tôi thật sự xúc động bởi điều tôi vốn thấy ít ỏi trong các thực hành nghệ thuật ở Việt Nam chính là sự điềm tĩnh, trầm lắng mà vẫn cứ trong trẻo thế này. Không cần phải tỏ ra là một thiền sư, một triết gia, chỉ cần là một người lắng nghe nội tâm mình một cách ân cần, thấu đáo, nghệ thuật như vậy sẽ có sự kết nối tự nhiên với công chúng.

Tôi đã mường tượng Linh San nghĩ gì trong suốt hơn một năm ngồi làm những tờ giấy sứ mỏng, trắng tinh, gửi cho người cha đã qua đời cách đây hơn 12 năm của cô – những tờ thư không chữ, không mảnh nào giống nhau. Tôi nhìn thấy nhiều điều dồn nén được trải ra dẫu vô ngôn nhưng có sức lay động. Linh San vốn bắt đầu đến với nghệ thuật từ thơ ca; triển lãm này tưởng như là một thể nghiệm, rằng liệu cô có thể biểu đạt mình bằng những gì ngoài ngôn từ hay không. Nhưng ngay cả khi không có chữ nào trên giấy sứ thì đó vẫn cứ là một thứ ngôn từ đặc biệt, một thứ ngôn từ ở phần thẳm sâu nhất của nó: im lặng.

Những tác phẩm mô phỏng lại chiếc áo bay của mẹ, nơi những vệt mồ hôi còn đọng lại nơi cổ áo hay 12 chiếc chăn từng bao bọc lấy Linh San từ lúc sơ sinh… làm tôi nghĩ đến ý nghĩa của nghệ thuật như là sự cưu mang những gì nhỏ nhặt đến nỗi chúng thường xuyên bị bỏ lại, lãng quên đi như thể đấy là thứ cần bị quên đi. Điều đáng nói là Linh San không trình hiện những gì gắn bó với cô theo cách trưng bày hiện vật. Tất cả các phần trưng bày này đặt trong bố cục của triển lãm giống như một tác phẩm tự thuật nhiều khoảng lặng. Tôi đã không khỏi nghĩ đến tác phẩm Trắng của Han Kang – một tiểu thuyết sắp đặt (nếu có thể dùng sự cộng hưởng giữa các loại hình nghệ thuật này làm tên gọi tiểu thuyết này): một tác phẩm mỏng, đầy những khoảng lặng, gợi ra những điều khó nói hơn sau những gì buộc phải hiện lên bằng lời nói.

Là người biết đến con người đam mê nghệ thuật của Linh San khá sớm, với triển lãm này, tôi thật sự tin rằng nghệ thuật đương đại chính là hành trình mà cô có thể tự tin dấn thân. Dù trên con đường này, người nghệ sĩ không phải chỉ làm việc với những chất liệu vật chất mà còn cả với chính cõi tinh thần của mình, nơi người ta sẽ phải đối diện với sự thật của bản ngã, nơi thường trực xảy ra những khủng hoảng. Và thứ người nghệ sĩ làm ra thì nếu thiếu sự tinh tế, người ta rất dễ làm vỡ nó. Linh là người có đời sống nội tâm dồi dào để làm chất liệu và tôi tin, sự lặng lẽ, thâm trầm của cô là biểu hiện của một bản lĩnh cần thiết để đi xa trên hành trình nghệ thuật này.

Nguồn ảnh: https://www.facebook.com/a.experimental.art