Bài viết dưới đây vốn là bài điều kiện của sinh viên Bùi Đào Quỳnh Hương, K67 – Khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đây là bài viết được tôi đánh giá tốt nhất trong các bài tập của sinh viên khi học học phần “Tác phẩm và thể loại”. Một số phát hiện của em trong bài viết này, theo tôi, khá độc đáo và bất ngờ (nhưng có nhiều sức thuyết phục). Xin được chia sẻ lại bài viết này:
*

Kết cấu tác phẩm văn học là mạch liên kết tinh vi tất cả các mối quan hệ của mọi thành tố nghệ thuật. Nó không chỉ là xương sống mà còn là toàn bộ tổ chức sống động của tác phẩm, làm cho tác phẩm trở thành một chỉnh thể có ý nghĩa. Đọc kết cấu, trên cả lớp bề mặt và bề sâu, là phương thức để độc giả khám phá tầng ý nghĩa của tác phẩm.“Chút thoáng sông Hương” của Nguyễn Huy Thiệp là một truyện ngắn được dụng công về mặt kết cấu và tư tưởng nghệ thuật của nhà văn được “nói” lên bằng chính kết cấu tinh vi này.
Ở lớp kết cấu bề mặt, dễ dàng phát hiện ra mạch liên kết toàn bộ nhan đề, lời đề từ và cả ba mẩu truyện trong tác phẩm chính là cái tên Hương, hay Xuân Hương. Hình tượng này là sợi chỉ xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, gắn kết chùm ba truyện nhỏ ở một điểm: Xuân Hương. Đây cũng là kiểu kết cấu tác phẩm theo cấu trúc liên hoàn dựa theo chủ đề, truyện ngắn trong truyện ngắn, gọi là “kĩ thuật mắc song song” (theo Bùi Việt Thắng) [1].
Trong mỗi truyện ngắn, Xuân Hương hay hình bóng của Xuân Hương lại hiện lên qua mỗi điểm nhìn khác nhau. Đó là cái nhìn của Tổng Cóc, một người “chẳng bao giờ có được phong độ lịch lãm như người”, “Trời sinh ra ông thô vụng xấu xí” nhưng kì thực lại là một người luôn dám sống là mình, có lương tri, dám khinh thường tiền bạc, biết sợ bọn nhiều chữ nho đạo nói triết lí, “ông có cái lố cái hiệp của ông, dễ gì ai có?”. Với ông, Xuân Hương là hình bóng của cái Đẹp vượt thoát khỏi đời thường, vừa thanh sạch tinh khiết, vừa dũng cảm lớn lao. Bóng dáng Xuân Hương xuất hiện ba lần, gắn với những rượu Kinh Bắc, những đa hoa trà, bàn thờ, nải chuối, bánh trôi,… Những hình ảnh gợi ý niệm về nét đẹp truyền thống của dân gian, giản dị nhỏ bé nhưng lúc nào cũng làm Tổng Cóc ngẩn ngơ, như nhẹ nhàng ve vuốt những tâm sự, nỗi trầm tư của ông bằng nét thanh khiết trong ngần. Xuân Hương không xuất hiện với hình hài cụ thể mà chỉ là những bóng, những nét nhưng lần nào xuất hiện cũng tạo ra điểm dừng, điểm khựng lại trong dòng suy tưởng của Tổng Cóc. Có lẽ bởi vậy mà, “Ông ngờ ngợ bà to lớn hơn ông, bà mạnh mẽ hơn, sống có dũng hơn”.
Với Ấm Huy, một kẻ sĩ luôn tin vào những điều thanh cao, những đạo lí, có lẽ đã sống trong không khí vô trùng và được bao bọc bởi chữ nghĩa, sách vở, chưa hề va vấp với cái khắc nghiệt của cuộc đời, Xuân Hương là tượng đài của sự sáng suốt, khiến cậu nể phục và kính sợ. Lời đối thoại duy nhất của Xuân Hương cũng như thức tỉnh Ấm Huy, để cậu thoát khỏi bong bóng của “thanh cao hoang tưởng”: “Điều ấy vẫn thế, – Xuân Hương tham gia câu chuyện. – Tôi không ngờ ông tri huyện tiên tri cho cả cuộc thế thời nay điều ấy”. Nhưng chính từ lúc thức tỉnh ấy, Ấm Huy còn thấy ở Xuân Hương nỗi cô đơn của một người sáng suốt, một con người vì đã nhìn thấu thực tại nên bình thản chấp nhận nó, để rồi phải khóc cho “nỗi cô đơn mênh mông của cõi người”, khi những người đục khoét dân lành lại trị vì yên ổn, còn người ngay thẳng, chính trực như ông phủ Vĩnh Tường đến khi chết đi lại phải thuê người đến khóc,… Vì sáng suốt, Xuân Hương trở nên một tượng đài. Cũng vì sáng suốt, Xuân Hương lại trở về với nỗi cô đơn, nỗi đau của một con người bằng xương bằng thịt, một con người với tròn vẹn ý nghĩa đủ đầy nhất của nó: “Chàng hiểu cả tri huyện Thặng, cả chàng, cả ngay ông phủ Vĩnh Tường cũng sẽ chẳng là gì cả, tất cả chỉ là nhân chứng cho sự tồn tại của một CON NGƯỜI: nàng Hồ Xuân Hương mặc áo xô gai đang nức nở khóc,…”. Cái khóc của Xuân Hương đã cụ thể hóa nhân dạng và nhân tính của nàng, đến đây, Xuân Hương không còn là bóng dáng, biểu tượng, Xuân Hương trở thành CON NGƯỜI.
Điều đặc biệt trong ý đồ nghệ thuật của Nguyễn Huy Thiệp khi xây dựng kết cấu chùm ba truyện ngắn nhỏ trong một truyện ngắn lớn hơn phải chăng là làm hình tượng Xuân Hương ngày càng trở nên thực hơn. Đến với cái nhìn của người diễn viên đóng vai Chiêu Hổ, Xuân Hương đã là Hương của hôm nay, của đời sống thực tại. Không còn là nhân vật trong lịch sử đã khép, không còn là nữ sĩ kì tài, đó là nàng Hương dung dị, tự nhiên chèo thuyền, chăn lợn,… Nhưng nét Xuân Hương vẫn ẩn hiện trong vẻ đẹp không ra ngây thơ, không ra từng trải, trong sự thông tuệ, sắc sảo và cũng vô cùng bao dung. Người ta chưa bao giờ dám khẳng định chắc chắn về sự tồn tại của một Xuân Hương cụ thể trong lịch sử, nhưng ý niệm và những giá trị mà hình tượng Xuân Hương mang lại được cụ thể hóa, hữu hình hóa trong dáng hình của một thiếu phụ sống động giữa đời thường, và không phải ngẫu nhiên, nàng cũng tên là Hương! Điều này khiến ta thêm tin vào giá trị Xuân Hương, ta hiểu rằng, riêng giá trị đó thôi cũng là một hình tượng, một con người tròn vẹn, vẫn luôn sống giản dị mà mãnh liệt ngay trong đời thường, như nàng Hương trên sông với những bao ngô mua về cho lợn ăn…
Nàng Hương không chỉ hiện lên như một “chút thoáng” mà đến đây sống dậy như một con người với hơi thở tràn trề của sự sống. Điều này khẳng định hiệu quả trong việc sắp xếp và lắp ghép các mẩu truyện như những mảnh để hoàn thiện bức tranh ngày một rực rỡ, sống động về Xuân Hương. Tưởng như ba câu chuyện chỉ đơn giản có chung những ý niệm về một hình tượng Xuân Hương (Hương) nhưng không chỉ vậy, chúng còn được sắp xếp như những nấc thang lôi kéo độc giả đi từ ý niệm Xuân Hương đến con người Xuân Hương trong đời thực. Trong suốt quá trình đó, duy chỉ nét đẹp thanh khiết và phồn thực, trí tuệ sắc sảo và cô đơn với tấm lòng vị tha, hiểu đời luôn hiển hiện, như nối kết và khẳng định giá trị Xuân Hương trong quan niệm của tác giả.
Giá trị đó không đứng một mình mà được đặt trong mối quan hệ đối lập, đối chiếu với các hình tượng khác để nổi lên như một chiêm nghiệm của các nhân vật, hay của chính tác giả. Không phải ngẫu nhiên, Tổng Cóc được miêu tả có phần thô tục, không thanh cao lại ngẩn ngơ khi nhìn thấy những điều thanh khiết gợi hình bóng Xuân Hương. Không phải ngẫu nhiên, Ấm Huy, tri huyện Thặng và cả ông phủ Vĩnh Tường với những quan niệm và lí tưởng khác nhau lại chỉ là nhân chứng cho sự tồn tại của CON NGƯỜI Xuân Hương. Xuân Hương đã vượt thoát thực tại để nhìn thấu và soi chiếu tất cả những nhân vật khác kể cả trong suy nghĩ, tư tưởng, để ai cũng có cảm thức về sự sáng suốt, cao lớn của nàng. Ngay cả những giọt nước mắt trong đám tang, chúng cũng lớn hơn nhiều so với ý nghĩa khóc thương chồng mất, mà như Ấm Huy cảm nhận: đó là cái khóc “cho nỗi cô đơn mênh mông của cõi đời…”. Nàng Hương giữa đời thực được đặt trong cuộc gặp gỡ và trò chuyện với chàng diễn viên sắp sắm vai Chiêu Hổ, bị thu hút bởi vẻ đẹp lôi cuốn của nàng. Sự cao cả, vị tha của một thiếu phụ ở trại lợn được đặt cạnh những khoảnh khắc đầy nhục cảm của một chàng thi sĩ- diễn viên như là phép đối sánh để khẳng định sức sống của vẻ đẹp phồn thể cùng với tâm hồn bao dung. Cái đẹp mà Xuân Hương biểu tượng đến đây càng được nhấn mạnh.
Lớp kết cấu bề mặt được Nguyễn Huy Thiệp sắp xếp và thể hiện đầy dụng công khiến một trong những ý tưởng của tác giả được bộc lộ rõ ràng: ý niệm về giá trị Xuân Hương, vẻ đẹp thoát tục mà vẫn vô cùng trần thế của Xuân Hương. Tuy nhiên, bên cạnh đó, lớp kết cấu bề sâu còn gợi ra nhiều hơn thế, nhiều hơn hình tượng Xuân Hương với cái đẹp lí tưởng. Nếu kết cấu bề mặt từng bước dẫn dắt độc giả đến chỗ khẳng định giá trị và tầm vượt thoát của vẻ đẹp Xuân Hương thì kết cấu bề sâu liên tục thể hiện những đường phân giới, phân mảnh và có khi là sự phá hủy mọi giá trị mà bề mặt gợi ra.
Trong xuyên suốt hai truyện nhỏ đầu tiên, ở điểm nhìn của các nhân vật khác, Xuân Hương liên tục được gắn với những giá trị thanh cao, lớn lao để người ta phải ngưỡng vọng. Nhưng lần xuất hiện và đối thoại trực tiếp duy nhất của nhân vật lại là câu nói đồng tình với tri huyện Thặng, phủ định cái thanh cao ảo tưởng trong đời sống dung tục. Phải chăng đó không chỉ là sự thông tuệ của Xuân Hương mà còn là dấu hiệu phủ nhận mọi giá trị thanh cao mà cái nhìn của mọi người gán cho Xuân Hương? Đời sống thực tại mở ra trong câu chuyện thứ ba, khi chàng diễn viên đóng vai Chiêu Hổ thấy xót xa vì “Hình ảnh trong phim Xuân Hương nhợt nhạt, bị hiểu sai lệch nhố nhăng. Người ta đắp điếm cho nhiều nhân vật những thứ tư tưởng cao siêu đáng ngờ. Đối thoại đầy rẫy ngôn ngữ hoa mỹ. Diễn viên rất đẹp. Cảnh quay rất khéo. Anh biết chắc chắn sẽ có nhiều đoạn thành công. Cảnh hội làng… Cảnh đám ma… Có khi cả cảnh Xuân Hương “sáng tác”… Một thứ hiện thực huyền ảo mung lung”. Nếu để ý kĩ, “cảnh hội làng”, “cảnh đám ma” đều là những cảnh xuất hiện ở hai truyện nhỏ phía trên.Vậy thì điều anh đang phủ nhận và phê phán liệu có phải toàn bộ những giá trị mà hai truyện ngắn trước đó đã khẳng định? Những tư tưởng cao siêu “đáng ngờ”, những cảnh quay, diễn viên đẹp, những lí tưởng mà Xuân Hương bị đắp điếm cho,… hóa ra chỉ là sản phẩm của hư cấu, của kĩ thuật,…? Hay cả chính anh, người lúc đầu coi việc mình đóng vai Chiêu Hổ như một trò đùa, một sự xấu hổ, tái mặt khi mình bị ví như “thằng trai điếm” hợp tuyệt vời để đóng Chiêu Hổ với phân cảnh “bóp vú các cô thôn nữ”, chính anh cũng rơi vào những phút giây “không dằn lòng được” mà trót sàm sỡ người thiếu phụ. Hóa ra kẻ sĩ như anh cũng không khác gì Chiêu Hổ? Còn người thiếu phụ lôi cuốn và vị tha kia, chị òa khóc vì anh chàng nói đúng quá về người chồng tệ bạc? Chị mong chờ điều gì khi hỏi “bao giờ anh lại đến thăm tôi”? Xuân Hương tưởng như hiện ra sống động, thật đến là vậy, hóa ra cũng mới chỉ là “chút thoáng” mà thôi.
Ở bề sâu, những giá trị và ý nghĩa được xây dựng tưởng như vững chắc ban đầu lại đứng trước một dấu hỏi lớn. Các nhân vật được đặt trong mối quan hệ để khẳng định giá trị, đến đây lại phô ra những nét biểu hiện phi giá trị. Mối quan hệ giá trị- phi giá trị, ranh giới cái Đẹp- cái xấu bị nhòe mờ. Nhân vật bị chia nửa trước những mờ nhòe đó: nhân vật không hẳn cao cả, lớn lao mà quay trở về cái “cô đơn mênh mông” giữa trần thế, thậm chí có dục vọng đời thường, như trở thành nhân vật “lưỡng phân đa diện”. Hình tượng nhân vật Xuân Hương lấy nguyên mẫu là nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã được gợi ra từ lời đề từ “Chành ra ba góc da còn thiếu…” như một cách khai thác nhân vật lịch sử. Nhưng sự tồn tại của Hồ Xuân Hương có thật trong lịch sử hay không cũng là điều chưa thể khẳng định. Vậy tất cả những ý nghĩa kết cấu bề mặt gợi nên hóa ra cũng chỉ gợi ra một trong những khả thể, một trong những cách hiểu và cảm nhận về Xuân Hương. Khai thác một nhân vật không chắc có thực sự tồn tại trong lịch sử, lại đặt nhân vật trong cuộc sống đời thường với nhiều hỗn loạn, với nguy cơ phá hủy giá trị rất lớn, Nguyễn Huy Thiệp gửi gắm vào tác phẩm của mình không chỉ là ý niệm về cái đẹp lớn lao mà còn là nỗi trăn trở, “day đi dứt lại” về sự thoái hóa, mất đi những giá trị đó trong đời sống dung tục. (Nhưng chính vì dung tục, chính vì không vô trùng, nó mới là đời sống thật nhất, nhiều va chạm nhất khiến con người có cơ hội nhìn rõ mình hơn để tiếp tục băn khoăn, tiếp tục day dứt).
Vì suy cho cùng, văn chương có thể làm gì hơn ngoài việc khiến ta không ngừng “day đi dứt lại” về cuộc đời?
Xem xét kết cấu tác phẩm trong mối quan hệ với đặc trưng thể loại, có thể nói “Chút thoáng Xuân Hương” là truyện ngắn bị tiểu thuyết hóa bởi lẽ, tất cả những đặc điểm khuôn cứng trên của truyện ngắn đều trở nên tự do và mềm mại hơn, mang tính “dở dang” và chưa hoàn tất của hiện thực đang diễn ra. Theo Bakhtin trong “Lí luận và thi pháp tiểu thuyết”, đây chính là những dấu hiệu của sự tiểu thuyết hóa [2].
“Chút thoáng Xuân Hương” được Nguyễn Huy Thiệp phân chia và xếp thứ tự thành chùm ba truyện nhỏ: “Truyện thứ nhất”, “Truyện thứ hai”, “Truyện thứ ba”. Chính kết cấu này làm giới hạn không- thời gian trong truyện ngắn bị phá vỡ, mở rộng ra từ quá khứ đến hiện tại, từ không gian văn hóa- lịch sử đến không gian đời thường đương đại. Nhờ đó, toàn bộ truyện ngắn lại được phân chia thành các lớp, cảnh, đoạn như một vở kịch lớn, như một tiểu thuyết với thời gian- không gian kéo dài, bao chứa nhiều cuộc đời của nhiều con người. Kết cấu bề mặt bên ngoài của tác phẩm như được chia ra thành các chương nhỏ, giống kết cấu của những tiểu thuyết thường thấy. Hình tượng xuyên suốt và nối kết chùm ba truyện này là Xuân Hương, nhưng đó cũng là Xuân Hương đặt trong những không- thời gian khác nhau, với những mối quan hệ xã hội khác nhau, như là một Xuân Hương, cũng như là ba Xuân Hương. Xuân Hương gắn với các nhân vật lấy tên từ nhân vật trong lịch sử: Tổng Cóc, ông phủ Vĩnh Tường. Nàng Hương mang dáng dấp Xuân Hương lại gắn với chàng thi sĩ- diễn viễn của đời sống hiện tại. Trong mỗi truyện nhỏ của chùm ba truyện, yếu tố sự kiện dường như không được tác giả chú trọng tô đậm. Sự phân tách và lắp ghép làm phá vỡ tuyến nhân quả của sự kiện, làm cho sự liên kết về ý nghĩa bề mặt của chúng không còn chặt chẽ, đồng thời trở nên phong phú như một thế giới thu nhỏ, vẫn đang vận hành, diễn tiến không ngừng. Các câu chuyện không quan hệ với nhau theo tuyến nhân quả, điều này vô hình trung khiến cho việc sắp xếp chúng trở nên có ý nghĩa quan trọng, thể hiện dụng ý nghệ thuật công phu của tác giả.
Tính chất phản ánh hiện thực chưa hoàn tất, đang dở dang của tiểu thuyết cũng được tác phẩm thể hiện rất rõ ràng. Điều này được minh chứng qua những kết mở của mỗi truyện nhỏ trong tổng thể truyện ngắn. Chính bởi kĩ thuật lắp ghép, tổng thể tác phẩm không có một cái kết chung, mỗi truyện ngắn bên trong lại có những cái kết mở, điều này gợi ra một hiện thực bao trùm toàn tác phẩm, một hiện thực dở dang vẫn đang không ngừng diễn tiến. Không thể có một cái kết chung cho những câu chuyện mang khoảng cách về không- thời gian quá rộng lớn như vậy. Những kết mở thường dừng lại ở những hành động chưa hoàn tất hoặc dòng suy tư của nhân vật: Tổng Cóc thấy mâm bánh trôi bốc khói, ngơ ngác nhìn quanh tìm bóng dáng Xuân Hương; Ấm Huy nghĩ về Xuân Hương với hai chữ “con người” viết hoa, trong đám tang vẫn chưa kết thúc của ông Vĩnh Tường; chàng diễn viên vừa chia tay người thiếu phụ trên sông, nghĩ mình vừa thu được vừa đánh mất một buổi chiều và nghĩ về thời gian, về Xuân Hương thời xưa,… Đó là những mặt khác nhau của thế giới rộng lớn mà hình bóng Xuân Hương luôn ẩn hiện. Tác phẩm không có kết thúc lớn nhưng lại có ba kết thúc nhỏ như ba cánh cửa mở ra những chiều kích của suy tưởng.
Không có một đáp số nào cho những băn khoăn. Xuân Hương trong những truyện ngắn đó có phải là một hay là nhiều, là thực hay là ảo tưởng? Những giá trị Xuân Hương mà bao đời nay người ta vẫn ngợi ca có chăng hay chỉ là sản phẩm của vài nét thêu dệt đầy hoa mỹ, màu mè? Và nếu có thật một Xuân Hương đẹp như vậy, thì trong biến chuyển xoay vần của thực tại, cái đẹp đó có vững vàng như tượng đài hay cũng dễ lung lay, nhòe mờ đi mất? Các kết thúc mở mà Nguyễn Huy Thiệp xây dựng đã thực hiện được sức mạnh của “cú đấm nghệ thuật” (D. Furmanov):“hãy để cho ai đó tới giờ nói và suy nghĩ tùy ý, vì đã đến lúc kết thúc lời lẽ của tôi”.
Cụ thể hóa một nhân vật thường được quan niệm và nhận thức trong lịch sử vào gần hơn với thực tại, Nguyễn Huy Thiệp đã đưa những giá trị được đóng khung ra ngoài, tiếp xúc với không khí sống động của hiện thực, đặt nó trong thì hiện tại tiếp diễn để lôi kéo sự nghĩ cùng của độc giả. Chính điều này làm “Chút thoáng Xuân Hương” hay rất nhiều sáng tác khác của ông mang dáng dấp của tiểu thuyết dù được biểu hiện trong hình thức một truyện ngắn, như cách Nguyễn Đăng Điệp đã nhận định: “Gia tài văn chương Nguyễn Huy Thiệp chủ yếu là truyện ngắn. Nhưng điều đáng chú ý là mỗi một truyện ngắn của ông lại mang sức nén của một tiểu thuyết trường thiên. Diễn đạt gọn hơn, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp được viết bằng tư duy tiểu thuyết” (“Cuốn theo chiều văn Nguyễn Huy Thiệp”) [3]
Tài liệu tham khảo:
[1] Bùi Việt Thắng, Truyện ngắn – Những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại, NXB Đại học quốc gia, Hà Nội, 2007.
[2] Mikhai Bakhtin, Lí luận và thi pháp tiểu thuyết, Phạm Vĩnh Cư dịch, Trường Việt văn Nguyễn Du, Hà Nội, 1992.
[3] Nguyễn Đăng Điệp, Vọng từ con chữ, NXB Hội nhà văn, 2002.