Monthly Archives: Tháng Mười Một 2020

Randy Rosenthal – “Không phải ‘Dịch Hạch’ mà là ‘Hồi ký viết dưới hầm”

Randy Rosenthal dạy Viết văn tại Đại học Harvard. Các bài viết của ông đã được công bố trên The New York Times, the Washington Post và nhiều ấn phẩm khác

*

Trong những tháng đầu tiên của năm nay, khi đại dịch coronavirus bùng phát, người đọc quay về với văn chương viết về bệnh dịch: Mười ngày của Boccacio, Nhật ký năm dịch hạch của Defoe và hơn hết là Dịch hạch của Albert Camus. Song cuốn tiểu thuyết nói về thời khắc của chúng ta một cách thấu suốt hơn cả thì phải là Hồi ký viết dưới hầm của Dostoyevsky. Tại sao? Vì cuốn tiểu thuyết của Dostoyevsky biện luận rằng con người là một thực thể phi lý trí, và khi được trao cho quyền lựa chọn, chúng ta sẽ hành động đi ngược với những lợi ích tốt nhất của mình. Và tại sao lại vậy? Vì chúng ta coi tự do cao hơn lý trí.

Được xuất bản vào năm 1864, Hồi ký viết dưới hầm được xem là tác phẩm đầu tiên của văn chương hiện sinh. Phần hai của cuốn tiểu thuyết là một tự sự kịch tính, nhưng phần đầu là những chuỗi độc thoại cay nghiệt – những lời bộc bạch cao ngạo và chua chát của một gã 40 tuổi, một cựu viên chức được biết đến như là Người Dưới Hầm. Trọng tâm công kích trong chuỗi độc thoại đó của nhân vật là ý tưởng được trình bày trong cuốn tiểu thuyết Làm gì của Nikolay Chernyshevsky xuất bản trước đó một năm. Cuốn tiểu thuyết này cho rằng con người sẽ hành động theo đạo đức và lý lẽ vì làm như thế sẽ có lợi cho chính họ. Người Dưới Hầm lập luận rằng, không, có một cái gì đó còn đắt giá đối với con người hơn chính lợi ích lớn nhất của họ, và vì nó, con người sẵn sàng vứt bỏ lý trí, danh dự, sự yên bình và thịnh vượng. Và thứ đắt giá nhất là “ý chí tự do, không có bất cứ cái gì ràng buộc, là thói đồng bóng, mặc dù hoang dại, là huyễn tưởng của y, đôi khi được bốc lên đến mức điên cuồng.”

Để minh họa cho luận điểm của mình, Người Dưới Hầm sử dụng ẩn dụ hai lần hai là bốn. Y căm ghét ẩn dụ ấy. Tại sao? Vì dữ kiện thực tế và công thức toán học không có chỗ cho ý chí tự do. Chúng ta chẳng thể làm gì để chống lại phép tính hai lần hai là bốn. “Tự nhiên không hỏi ta về nó,” y lý giải, “tự nhiên chẳng bận tâm đến mong ước của ta hay liệu ta có thích luật lệ của nó hay không.” Và do đó y muốn sỉ nhục nó. Với y, “hai lần hai là năm cũng là một thứ rất ổn.”

Giống như các nhà kỹ nghệ và theo chủ nghĩa vị lai ngày nay, các trí thức giữa thế kỷ XIX tin rằng xã hội có thể được cải thiện bằng lý tính, thậm chí theo cách thức của toán học. Rằng chúng ta có thể “suy diễn toàn bộ sự thỏa mãn của con người thành phép trung bình cộng của các con số thống kê và những công thức khoa học-kinh tế.” Nó đơn giản là một vấn đề logic, liên quan đến các con số và công nghệ ứng dụng. Song Dostoyevsky không cho rằng hành vi của con người lại có thể được lập thành một bản niên giám. Ông nhận ra một điều mà những người cùng thời với ông không thấy: sự bướng bỉnh, ngang ngạnh ở chúng ta quan trọng hơn bất cứ thứ gì khác. Và rằng từ nỗi oán giận đối với các luật lệ của tự nhiên, chúng ta sẽ quẳng lý trí cho gió bay. Hay như cách diễn đạt của ông: “Dù tốt hay xấu đi nữa, việc nghiền nát mọi thứ đôi khi rất sướng.”

Ở một chỗ trong cuốn sách, Người Dưới Hầm khẳng định ngay cả việc nhức răng cũng có khoái thú. Thực chất, gã lập luận, rằng chúng ta còn muốn có một nỗi đau nhỏ nào đó giống như việc nhức răng. Bởi khi đó, chúng ta có thể than phiền về nó. “Người ta không chịu đựng nỗi đau ấy trong im lặng, dĩ nhiên là thế,” Người Dưới Hầm nhận xét, “họ rền rĩ, nhưng những tiếng rền rĩ ấy lại không trực tiếp và thật thà, họ hằn học và nỗi hằn học là toàn bộ vấn đề của họ.” Nói khác đi, chúng ta không chỉ thấy khoái thú trong đau đớn mà còn trong cả việc hằn học. Khi được bảo phải làm gì, chúng ta liền làm điều ngược lại, chỉ đơn giản vì hằn học.

Giờ đây, ta có thể thấy rõ Hồi ký viết dưới hầm đã trả lời những câu hỏi gây bối rối nhất của thời ta đang sống. Tại sao có người từ chối việc đeo khẩu trang khi sự bất tiện nhỏ này lại giúp họ bảo vệ bản thân và xã hội? Tại sao lại những cử tri ở những vùng nông thôn nghèo lại ủng hộ một đảng chính trị nhất quyết bãi bỏ chính sách phúc lợi y tế giúp họ đảm bảo sự sống? Tại sao những người biểu tình ở thành thị lại hăng hái bạo động, do vậy, khiến việc phản kháng của họ bị coi là hành vi gây rối trị an? Ở mọi phương diện, chúng ta đều nhìn thấy những hành vi phản tác dụng đối với mục tiêu của chính con người. Và những lời độc thoại của Người Dưới Hầm đã giải thích tại sao.

Trong một tiểu luận về Dịch hạch đăng trên mục “Quan điểm” của tờ The New York Times, Alain de Botton viết, “Camus đã nói với chúng ta ngay ở thời điểm chúng ta đang sống không phải vì ông là một nhà tiên tri siêu phàm, người có thể thấy trước những gì mà những nhà nghiên cứu bệnh dịch không thể thấy được.” Nhưng có phải vậy chăng? Camus có thể đã thâu tóm được tình thế hiện sinh của con người, hiểu theo nghĩa “mỗi chúng ta đều có một trận dịch hạch bên trong mình.” Tuy nhiên, trong Hồi ký viết dưới hầm, Dostoevsky đã viết rằng định nghĩa đúng nhất về loài người là: “Đó là một tạo vật có hai chân và không có lòng biết ơn.”

Thật vây. Cả Dịch hạch Mười ngày đều miêu tả những trận đại dịch tương ứng một cách kinh ngạc với trải nghiệm của chính chúng ta. Nhưng có một đoạn đậm chất tiên tri trong Hồi ký viết dưới hầm cho thấy đây mới là cuốn sách nắm bắt tốt nhất thời đại của chúng ta. Người Dưới Hầm nói rằng anh ta sẽ chẳng ngạc nhiên nếu trong một tương lai tốt đẹp, “ở đâu ra một quý ngài mất hết diện mạo chỉn chu, lộ rõ vẻ phản động, chống nạnh ngang ngược và nói với chúng ta: “Này các ngài, tại sao chúng ta không đá phăng cái lý trí tĩnh lặng này, tống khứ tất cả những tính toán cho quỷ dữ để sống đời mình tùy theo mình muốn?”

Điều đáng sợ là, Dostoyevsky nói thêm, kẻ đó thế nào cũng tìm được người hưởng ứng.

Và thế là hết.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Randy Rosenthal, “Not The Plague but Notes from Underground“, https://lareviewofbooks.org/short-takes/not-plague-notes-underground/