Eric Weiner là tác giả của những cuốn sách như The Geography of Genius (2016), The Socrates Express: In Search of Life Lessons from Dead Philosophers (2020)

*
Nhờ cơn đại dịch và hậu quả về kinh tế mà nó gây ra, giờ đây tất cả chúng ta đều trở thành triết gia cả. “Phương thuốc chậm” này, như cách người ta gọi triết học, chính là thứ mà chúng ta cần. Triết học ở đây không phải là một hình thức đăm chiêu siêu hình mà như là thứ mà người Hy Lạp cổ đại ban đầu đã hình dung: một thứ thuốc thực tế, có tác dụng trị liệu cho tâm hồn.
Triết học giúp chúng ta tháo gỡ những câu hỏi khúc mắc về đạo đức mà trận đại dịch này đặt ra, nhưng nó cũng có thể giúp chúng ta đáp lại những tình thế khó khăn vừa rất đỗi cá nhân mà đồng thời cũng hết sức cấp thiết. Làm thế nào để chịu đựng những gì không thể chịu đựng? Làm thế nào để tìm được sự chắc chắn trong một thế giới bất định? Triết học không đem đến những câu trả lời dễ dãi, nhưng nó định hình lại cách chúng ta đặt câu hỏi và điều chỉnh góc nhìn của chúng ta – một kỹ năng hữu ích trong những thời đại tốt đẹp và lại càng quý giá trong những thời đại tồi tệ.
Triết học vốn rất thân thuộc với những thời kỳ u ám. Nhiều nhà tư tưởng vĩ đại nhất trong lịch sử đã làm nên những công trình có ảnh hưởng dài lâu nhất trong những thời xảy ra bệnh dịch, kinh tế xuống dốc, xã hội loạn lạc. Công trình của họ là một thứ minh triết mang tính dự báo – và là thứ mà người ta có thể mang theo được. Không giống như thông tin hay công nghệ, minh triết chưa bao giờ là thứ lỗi thời. Những sự thấu thị của triết học giờ đây còn thích đáng hơn bao giờ.
Covid-19 đã giáng cấp loài người, đã bỏ neo chúng ta. Chẳng còn gì có thể chắc chắn nữa. Tốt, Socrates hẳn sẽ nói vậy. Nhà tử đạo đầu tiên, thần hộ mệnh của triết học phương Tây này chắc sẽ hiểu được tình thế khốn đốn của chúng ta bây giờ. Ông từng sống vào thời đế chế Athen suy thoái, mất đi địa vị một cường quốc, lao nhanh xuống dốc bởi những tham vọng phiêu lưu quân sự và sự hoành hành của dịch bệnh.
Thế nhưng Socrates lại nhìn thấy cơ hội trong chính thời đại bất ổn của ông. Ông níu những người Athen tôn kính, từ các thi sĩ đến các tướng lĩnh, để đặt câu hỏi cho họ và rồi sớm nhận ra họ chẳng phải là những kẻ hiền minh như họ cứ tưởng. Vị tướng không thể trả lời ông thế nào là can đảm; thi sĩ thì không định nghĩa được thơ là gì. Ở bất cứ chỗ nào mà ông đi quanh, ông đều gặp những người “không biết những gì họ không biết.”
Tương tự, việc phong tỏa (một phần hay toàn bộ) hiện nay buộc chúng ta phải ngừng lại và chất vấn những giả định đã hằn sâu đến nỗi chính ta cũng không biết là mình có chúng. Socrates nói, đấy chính là cách mà minh triết bắt rễ. Chúng ta khao khát quay về trạng thái “bình thường”, song chúng ta đã dừng lại để định nghĩa sự bình thường hay chưa? Chúng ta biết thời đại này đòi hỏi sự can đảm, nhưng lòng can đảm trông như thế nào? Và rồi chúng ta đã mở rộng quan niệm của mình về người anh hùng để ghi nhận không chỉ những bác sĩ, y tá mà còn cả những những nhân viên bán hàng thực phẩm và những nhân viên chuyển vận của Grubhub- một nền tảng phục vụ việc đặt và giao đồ ăn qua mạng. Tốt, Socrates sẽ bảo: Hãy chất vấn những thứ “đã được định sẵn” khác.
Vào thế kỷ XIX ở Mỹ, Henry David Thoreau đã thôi thúc thời đại đầy phiền nhiễu của mình khi đất nước của ông đang cận kề nội chiến để tìm kiếm cái đẹp trong sự bất toàn. Khi ngắm nhìn hồ Walden trong một chiều tháng Chín tĩnh lặng, ông để ý mặt nước bị làm vẩn bởi những lớp bụi trên bề mặt. Trong khi những người khác có thể chỉ thấy đó là những váng bẩn, Thoreau nhìn thấy một cái gì đó “thuần khiết và đẹp đẽ như những sự bất toàn trong gương.”
Ông quan sát Walden từ nhiều điểm nhìn khác nhau: từ đỉnh đồi, trên bờ hồ, dưới mặt nước, trong ánh ngày và dưới ánh trăng. Ông thậm chí còn cúi mình xuống, nhìn qua chân mình, ngạc nhiên khi phát hiện cái đẹp của cảnh quan lộn ngược. Nếu bạn không thể thay đổi thế giới, Thoreau đưa ra lời khuyên, hãy thay đổi cách bạn nhìn nó – kể cả điều này có nghĩa là phải tự vặn vẹo cái nhìn của mình. Các bảo tàng và nhà hát có thể đóng cửa song cái đẹp không bỏ trốn loài người. Nhìn ở đúng góc, Thoreau nói, “mọi trận bão và mọi hạt mưa trong bão đều là một dải cầu vồng.”
Michel de Montaigne là một chuyên gia vặn vẹo, chỉ có điều chính bản thân ông, chứ không phải những ao hồ, mới là thứ ông khao khát nhìn rõ hơn. Ông sống ở nước Pháp hồi thế kỷ XVI, khi cái chết lơ lửng trong không khí – “nó muốn siết lấy họng chúng tôi,” ông tả. Đại dịch đã giết chết một nửa dân số vùng Bordeaux, nơi ông giữ chức thị trưởng vào thập niên 1580. Nỗi đau khổ vì cái chết của người bạn thân nhất đã thôi thúc Montaigne leo ba tầng cầu thang ngoằn ngoèo lên tầng trên cùng của tòa tháp mái đỏ nằm trên một ngọn đồi cao đón gió, nơi ông viết những tiểu luận tuyệt vời. Từ nỗi đau khổ lớn, vẻ đẹp lớn trỗi dậy.
Một mình trong tòa tháp, Montaigne đã tự biệt lập bản thân với thế giới bên ngoài và theo một cách nào đó, ông tự gián cách với chính mình nữa. Ông lùi lại để nhìn mình sáng rõ hơn, như cách người ta lùi nửa bước trước một tấm gương. Ông hẳn sẽ khuyên ta làm tương tự: Hãy tận dụng trận đại dịch này như một cơ hội để nhìn thế giới và nhìn chính mình khác đi một chút. Thí dụ, có thể bạn luôn xem mình là một kẻ hướng ngoại nhưng thật ra bạn có thể tận hưởng tình trạng buộc phải cô đơn. Hãy chào đón phiên bản khác này của chính bạn, Montaigne thúc giục.
Chủ nghĩa khắc kỷ được sinh ra trong thảm họa – Zeno, người đặt nền tảng cho nó, đã lập nên trường phái tư tưởng này vào năm 301 sau Công nguyên, sau khi ông bị đắm tàu gần Atjhens – kể từ đó nó đã cung cấp lời khuyên để con người làm sao thích ứng được với nghịch cảnh. Không có gì ngạc nhiên khi nó đang tận hưởng sự hồi sinh ngay trước đại dịch này.
Triết học khắc kỷ được tóm lược một cách cô đọng bởi Epictetus, một người vốn xuất thân nô lên sau đó trở thành thầy giáo: “Cái làm con người khổ sở không phải là bản thân các sự việc mà cách họ phán xét về các sự việc.” Thay đổi thứ bạn có thể thay đổi, chấp nhận những gì bạn không thể, đó là công thức về sau này được Tổ chức tương trợ lẫn nhau giữa những người nghiện rượu – Alcoholics Anonymous và những người bán rong áo T-shirt giỏi nắm bắt xu hướng đón nhận.
Một nhà khắc kỷ tốt sẽ chuẩn bị cho đại dịch bằng việc thực hành premeditatio malorum, hay “chuẩn bị trước cho tình thế nghịch cảnh.” Hãy hình dung một cảnh tượng tồi tệ nhất, thượng nghị sĩ La Mã kiêm triết gia khắc kỷ Seneca đã khuyên vậy, “và hãy tập dượt trong tâm trí: lưu đày, tra tấn, chiến tranh, đắm tàu.” Danh sách của một nhà khắc kỷ thời hiện đại đưa ra có thể khác một chút – một đứa trẻ đang gào khóc, đống hóa đơn chưa thanh toán, một cơn sốt rã rời – nhưng ý tưởng thì tương tự. Bằng việc suy tư về tai họa, chúng ta làm cho những khổ nhọc trong tương lai mất đi khả năng hăm dọa của nó và biết trân trọng những gì ta đang có bây giờ. Nghịch cảnh khi được dự cảm trước là nghịch cảnh bị giảm thiểu.
Albert Camus đã nếm trải quá đủ nghịch cảnh: lớn lên trong nghèo khó ở Algeria, trải qua một cuộc chiến tranh thế giới, và sau này, lại có những xung đột trí thức với những triết gia từng là bạn bè của mình, trước khi tử nạn trong một tai nạn ô tô vào năm 1960 khi 46 tuổi. Camus là triết gia lý tưởng cho thời đại dịch, dù không phải vì những lý do người ta hay nghĩ đến. Không phải tiểu thuyết thường được dẫn ra của ông – Dịch hạch – mới đưa ra kiến giải đầy đủ nhất về tình thế khó khăn của chúng ta mà là tiểu luận ít được biết đến hơn của ông – “Huyền thoại Sisyphus”. Tiểu luận xoay quanh một hình tượng buồn bã bắt nguồn từ thần thoại Hy Lạp, một kẻ bị các thần linh kết án phải lăn một tảng đá nặng nề lên đồi để rồi chỉ để nhìn thấy nó lại lăn xuống, cứ thế, cứ thế mãi.
Trận đại dịch lần này đã cười khẩy vào tất cả những kế hoạch lớn của chúng ta. Nào lễ tốt nghiệp, đám cưới, triển vọng nghề nghiệp- đùng một cái, mọi thứ lăn xuống đồi như tảng đá của Sisyphus. Tuy nhiên, chúng ta nhất định phải nhẫn nại, Camus nói. Nhiệm vụ của con người, ông bảo, không phải là tìm hiểu ý nghĩa của các thảm họa như Covid-19 (bởi chẳng có ý nghĩa nào cả) mà là phải “tưởng tượng rằng Sisyphus hạnh phúc.” Làm thế nào ư? Hãy sở hữu một tảng đá của riêng mình. Bằng việc quăng mình vào nhiệm vụ, bất chấp tính vô ích của nó, vì chính tính vô ích của nó. “Định mệnh của Sisyphus thuộc về chính ông,” Camus viết. “Tảng đá chính là thứ thuộc về ông.”
Bạn có đang dấn mình vào dự án tưởng chứng vô vọng, một luận án hay một chiến lược tiếp thị, bị đình trệ mãi mãi, gặp trở ngại bởi những biến cố khôn lường? Tốt, hẳn Camus sẽ nói với bạn, rằng bạn vừa bắt đầu hiểu được sự phi lý của cuộc đời. Hãy quan tâm đến sự cố gắng, chứ không phải kết quả, bạn sẽ ngủ ngon hơn. Đơn thuốc của ông chính là thách thức của chúng ta trong thời đại Covid-19: hãy nhìn chăm chú xuống tính phi lý của tình thế khốn khó của chúng ta, nhưng hãy bướng bỉnh kiên trì thay vì nhượng bộ cho niềm tuyệt vọng. Như một triết gia chân chính.
Hải Ngọc dịch
Nguồn: Eric Weiner, “Philosophy for a Time of Crisis”, https://www.wsj.com/articles/philosophy-for-a-time-of-crisis-11598543519?mod=e2fb&fbclid=IwAR1lQq32140x5PBj07rkhCzP7Xx7YZvMzFKqtMoIHQh09H2fkr0M1qc0RgI