Monthly Archives: Tháng Tư 2020

Agnes Callard – Ngành nhân văn làm gì trong thời khủng hoảng?

Bài viết này của Agnes Callard đến đúng lúc với tôi, trong thời gian chính tôi cũng rơi vào khủng hoảng của thời kỳ dịch bệnh. Rất nhiều những suy nghĩ về việc mình chẳng thể làm được điều gì đã làm tôi rơi vào trạng thái trầm uất mà tôi khó có thể chia sẻ với những người thân nhất. Đọc và quyết định dịch bài này như là một sự giải tỏa cần thiết đối với bản thân tôi lúc này.

*

Các trường đại học là những khu vườn ẩn dật. Lớp học là chốn thiêng liêng sâu thẳm nhất của không gian ẩn dật ấy, nơi những đòi hỏi thế tục có thể bị gạt ra đủ lâu để một nhóm người – một vài người trong đó không có mối quan tâm nào trước đó – cùng chia sẻ một bài thơ của Horace, hay một luận điểm của Aristotle. Trong mấy tuần qua, khi các trường cho sinh viên về nhà, không gian thiêng ấy bị phá vỡ. Chuyển sang hình thức học trực tuyến cũng có nghĩa là thay thế không gian sạch sẽ, nơi mọi người cùng chia sẻ của lớp học bằng những căn phòng riêng lộn xộn, nhiều tạp âm. Cho dù chúng ta không thể nhìn thấy những chồng bát đĩa, những đống quần áo hay nghe thấy tiếng trẻ con la hét, song những mối bận tâm ẩn ở hậu cảnh đã làm chúng ta phân tán, bận tâm. Nhiều trường đại học đã phải mở rộng tiêu chí đánh giá đạt/không đạt vì hiểu rằng thật khó để bắt coronavirus đứng ngoài lớp học – cũng như để giữ Horace và Aristotle trong đó.

Đối với một số người, những vấn đề này dường như thật phù phiếm. Chẳng phải chúng ta có những mối bận tâm khác ở thời điểm này quan trọng hơn chuyện các nhà thơ, các triết gia thời cổ đại hay sự khác biệt giữa điểm B + và A – hay sao? Thậm chí ở trong những thời điểm tốt đẹp, các trường nhân văn cũng đã bị chế giễu như là một chiếc bánh xe cứ quay mà chẳng đi đến đâu; trong tình thế khẩn cấp, khi các bác sĩ, các nhân viên làm công việc giao hàng, hay những công nhân làm những nhiệm vụ thiết yếu đang mệt nhoài lao động để giữ cho sự vận hành xã hội không bị ảnh hưởng, không ai đủ kiên nhẫn với đòi hỏi của cái bánh xe cứ muốn quay. Vai trò của Aristotle, và của người nghiên cứu ông là gì, trong một cuộc khủng hoảng?

Có lẽ câu trả lời bi quan nhất cho câu hỏi này có thể nằm trong những tiểu luận của Jean Améry, một người Áo gốc Do thái, tên khai sinh là Hanns Mayer, người đã viết thật cảm động về việc học hành ngành nhân văn đã không thể giúp được ông điều gì trong thời kỳ Thế chiến II. Đối mặt với sự tàn bạo mang tính vật chất thuần túy của các trại tập trung, Améry đi đến chỗ nhận thấy đời sống trí thức là một trò chơi, và các trí thức “chẳng là gì khác hơn những homines ludentes,” những người chơi. Ông so sánh mình, với thái độ tự nghiệt ngã với bản thân, và những tù nhân khác, những người có một lý tưởng chính trị hay tôn giáo để gắn bó – những người Marxist, những tín đồ của dòng Chứng nhân Jehovah hay của Công giáo, những người trung thành với bản sắc và lý tưởng Do Thái. Trở thành một phần của cuộc đấu tranh rộng lớn hơn ấy khiến họ “vững vàng, bình tĩnh, mạnh mẽ,” ông viết. Lý tưởng của họ đóng vai trò như một nền tảng khiến đời sống trong trại vẫn tiếp nối với đời sống trước và sau khi ở trại, trong khi đó, những người như ông – những nhà nhân văn, những triết gia, những người theo chủ nghĩa hoài nghi – rơi vào tuyệt vọng, và trong khi đối mặt với sự tàn bạo, họ “không còn tin được nữa vào hiện thực của thế giới tinh thần.”

Améry sẵn sàng công nhận những trí thức với nhiệm vụ thực tế, những người biện hộ cho lý tưởng đạo đức, là những người mang phẩm chất anh hùng. Chúng ta có thể nói đến những Frederick Douglass và Martin Luther King, Jr.; Marx và Gandhi; Jesus và Muhammad, Mary Wollstonecraft và Susan B. Anthony là những tên tuổi thuộc nhóm này. Những trí thức này đã chiến đấu cho công bằng, phẩm giá và sự cao cả của đời sống con người. Jean Améry không tự nhận mình là một trong số đó.

Améry cũng bị Gestapo tra tấn: ông thú nhận ông sẵn sàng phản bội những đồng chí của mình nếu như ông có bất kỳ một thông tin nào để tiết lộ. Bởi vậy, ông phân biệt mình với những anh hùng trí thức khác – những người có đủ sự kiên cường để từ chối nói khi bị tra tấn, hoặc cứ nhất định lên tiếng bất kể những trấn áp buộc họ phải im lặng. Galileo là một ví dụ kinh điển về một trí thức tử đạo. Người ta cũng có thể dẫn ra những tên tuổi khác nữa như Socrates, Giordano Bruno, Thomas More và Spinoza. Hai hình mẫu anh hùng trí thức này hoàn toàn có thể giao nhau: có những người vừa bị buộc phải im lặng vừa phụng sự cho lý tưởng. Nhưng nhiều trí thức trong ngành nhân văn thì không thuộc về hình mẫu nào cả – họ không có lý tưởng nào để chiến đấu cho nó, cũng chẳng có kẻ thù nào để chiến đấu chống lại nó. Những trí thức không lý tưởng, không tử vì dạo này là những người mà Améry cảm thấy không làm được việc. Ông không chỉ mô tả sự yếu đuối về thể chất của họ – họ không biết vặn tay kẻ móc túi, họ không chịu đựng được một cú đấm móc, thậm chí dọn giường cũng không xong – mà còn cho thấy họ yếu kém như thế nào trong các mối quan hệ xã hội, họ không thể giao tiếp với những người đồng chí không phải giới trí thức. Améry đặt hy vọng vào những người như thế, bao gồm cả những người bị lấy đi phần lớn sức mạnh thể chất, rằng họ có thể chứng tỏ sự quá cảm của mình trong mọi thảm họa. Nếu chúng ta, thay cho định kiến phổ biến, đặt câu hỏi liệu họ có làm được thế trong bất kỳ thảm họa nào, có lẽ quan điểm của chúng ta về trí thức ngành nhân văn sẽ thay đổi. Trên thực tế, nếu như có một khủng hoảng nào chứng tỏ được giá trị của trí thức ngành nhân văn, thì đó chính là tình thế đặc biệt mà chúng ta đối mặt hôm nay.

Đối với phần lớn chúng ta, coronavirus là một lời kêu gọi tất cả hãy ngừng hoạt động. Nó đặt đời sống vào chế độ tạm ngưng, thu nhỏ nơi chốn của chúng ta trong thế giới và buộc chúng ta phải hướng vào bên trong.  Để đáp lại, chúng ta chia sẻ một số cách thức đối phó với tình huống. Những người không đóng vai trò thực tế trong việc cải thiện tình hình khủng hoảng, nếu họ được tự do – không có con cái làm phiền hay có thể kiếm tiền được từ nhà – sẽ vùi mình vào công việc. Còn sức mà làm việc – ấy là một điều may mắn, là dấu hiệu của khả năng thích nghi. Người ta cũng có thể đắm mình vào trong những thú tiêu khiển: trò chơi điện tử đội lốt những việc ta không thể làm, phim ảnh đem đến một thế giới hư cấu thay cho cái thế giới dường như đang sụp đổ quanh ta, rượu còn thể làm tê lịm những nỗi đau và sợ hãi. Sức làm việc làm ta quên đi thực tại theo cách này, sự tiêu khiển làm ta ngoảnh mặt khỏi thực tại ấy theo cách khác, và khi cả hai con đường đều không thể đem đến những hệ quả mong muốn, ta lại trở về lo âu dõi theo dòng tin tức.

Trạng thái tê lịm hay lo âu: đó có phải là lựa chọn của chúng ta? Chủ nghĩa nhân văn chỉ ra một khả thể khác. Aristotle từng phân biệt giữa xả hơi/thả lỏng (anapausis), tức sự nghỉ ngơi, ngừng hoạt động để rồi sau đó hoạt động trở lại, và nghỉ ngơi/thư giãn thực sự (scholē), theo đó, ngừng hoạt động để hướng tới một mục đích cao hơn – theoria, hay suy tưởng. Trường học tồn tại vì mục đích nuôi dưỡng sự suy tưởng này. (Trên thực tế, trong tiếng Anh, từ “school” [trường học] bắt nguồn từ từ scholē.) Suy tưởng không được xem là một niềm tin để người ta chiến đấu cho nó, và những nỗ lực vắt kiệt giá trị của nó thành ngôn ngữ của sự công bằng hay phẩm giá hay quyền cơ bản của con người sẽ hoàn toàn vô nghĩa. Tốt hơn nên hình dung nó như một đối tượng của tình yêu và sự sùng kính, là nguồn cội tạo nên sự mãn nguyện. Đối với các nhà nhân văn, suy tưởng không phải là một lý tưởng. Nó là một tiếng gọi.

Ở thời điểm này, nếu ai đó có thể dành những khoảng thời gian rỗng để hướng tới một tiếng gọi cao hơn, người ấy thực ra đang biến rơm thành vàng. Theo đó, người ta cho rằng các nhà nhân văn sẽ thấy mình được chuẩn bị tốt để trở nên mạnh mẽ trong những tình huống như thế này. Giờ là lúc thích hợp để suy tư về thực tế, rằng làm người là sống dưới bóng tử thần. Giờ là lúc thích hợp để định vị hiện tại trong tầm nhìn rộng lớn của lịch sử. Khi bị lấy đi mối kết nối giữa con người với con người, ít nhất chúng ta ở trong vị thế có thể hiểu sâu sắc ý niệm về điều này. Và đối với giáo viên chúng ta, vốn được coi là những người có khả năng giao tiếp với những người khác, chúng ta được kỳ vọng có thể đem đến cho họ một lối thoát khỏi tình trạng tê liệt và lo lắng. Bởi có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một thảm họa toàn cầu đã buộc một số lượng lớn những người có học, thạo internet phải ngồi trong nhà. Tuy nhiên, nếu đây là bài kiểm tra mà chúng tôi, những nhà nghiên cứu ngành nhân văn chờ đợi thì cá nhân tôi cảm thấy mình khó lòng mà thi qua bài kiểm tra này.

Trong mấy tuần qua, tôi thường có một huyễn tưởng trở đi trở lại. Tôi thiếp đi và tỉnh dậy thì thấy đại dịch đã qua. Để làm dịu đi nỗi hối hận khi không giúp đỡ được người khác, tâm trí tôi muốn giấc ngủ cứ mở rộng mãi ra, bao khắp xứ sở, như trong truyện cổ tích. Ai nấy đều mạnh khỏe và không cần phải lo ốm đau bệnh tật, họ chỉ cần nằm đó, bình yên, hết năm này sang tháng khác. Rồi họ tỉnh dậy hạnh phúc, mọi thứ lại trở về như trước đây.

Trên thực tế, tôi không mơ ngủ. Tôi đang thức, theo dõi tin tức không ngừng, cảm thấy khó chịu bởi những bất tiện và những cản trở nhỏ nhất. Jean Améry bị Gestapo tra tấn; Tôi rơi vào hoảng loạn khi không thể vào văn phòng của mình trong trường. Người ngoài kia đang thở hổn hển vì thiếu không khí, họ đang chết dần; trong khi đó phòng ngủ bừa bãi khiến tôi không thể nào làm việc. Thứ làm tôi trầm uất nhất chính là sự uể oải, trì trệ của chính mình. Rồi đột nhiên, mọi thứ O.K, thôi thì để con chơi điện tử, mặc lại bộ quần áo của hôm qua, làm bữa tối một cách tối giản, hàng đêm thì đọc, viết, nghĩ ít hơn bình thường. Việc tôi tha thứ cho chính mình giống như hình thức của nỗi tuyệt vọng – nó đối lập hoàn toàn với tâm thế đối mặt thử thách vốn đòi hỏi con người ta phải tuân theo những chuẩn mực cao hơn. Chưa bao giờ tôi thấy mình thiếu can đảm như thế này.

Biết rằng có thể có những nhà nghiên cứu nhân văn khác đang xoay sở tốt hơn thế nhưng tôi phải thú nhận những gì mình học ở ngành nhân văn đã không thể chứng minh được giá trị của nó trong một cuộc khủng hoảng dường như được thiết kế để nó phô diễn được sức mạnh của mình. Nó không sinh ra ý nghĩa, mục đích, sự mạnh mẽ về tâm lý, cho tôi và cho người khác.

Có phải đây là đòn đánh vào chủ nghĩa nhân văn? Tôi không nghĩ vậy. Tôi cho rằng đây là đòn đánh vào những khủng hoảng. Jean Améry từng nghĩ chính Holocaust đã phơi bày bản ngã đích thực của ông: “không ở đâu trên thế giới này mà hiện thực là có quyền năng lớn như ở trong trại tập trung, không ở đâu khác hiện thực lại thực đến thế.” Sự bạo tàn và hãi hùng mà Améry chịu đựng mang tính thuyết phục. Nó thuyết phục ông về đời sống trước đó của mình, khi còn là một sinh viên theo ngành văn chương và triết học ở Vienna, khi cuốn tiểu thuyết ông viết được đón nhận tích cực, khi ông tin vào đời sống của tâm trí – tất cả những thứ đó là ảo ảnh, là giả vờ, là trò chơi ngôn từ. Nhưng không phải thế. Sự bạo tàn không phải là một luận đề, và thật bi kịch khi việc cảm giác bị tổn thương, bị hành hạ bởi cái ác, đối với những người trải qua kinh nghiệm tàn bạo này, lại giống như sự bừng thức để nhận ra bản chất đúng nghĩa của hiện thực.

Chịu đựng một cuộc khủng hoảng nhẹ nhàng hơn nhiều, thế giới quan của tôi ít bị xô lệch hơn Améry. Tôi chưa bao giờ chắc chắn về giá trị của scholē – về uy lực của việc dành thời gian để hướng đến một tiếng gọi cao hơn – hơn lúc này, lúc tôi không thể làm được việc ấy và ao ước có thể. Một vài thứ tốt đẹp nhất vốn dĩ mong manh. Việc chúng có thể bị nghiến nát không phải là một luận đề chống lại giá trị của chúng mà thực tế ấy nhắc ta cần phải bảo vệ chúng trong sự rào chắn. Phải, có thể biến một cọng rơm thời gian trống rỗng thành vàng, nhưng một mong muốn như thế đòi hỏi nhiều hỗ trợ. Tôi có thể dạy để bạn thấy được điều gì đó trong những luận điểm khó hiểu chống lại thuyết nguyên tử luận mà Aristotle trình bày trong “On Generation and Corruption” (“Về thế hệ và sự tha hóa”) – khiến bạn phấn khích bởi chúng, bị cuốn hút bởi các nhà vật lý cổ đại – nhưng mọi thứ cần phải đặt đúng chỗ. Tôi cần một lớp học vật chất, có bảng đen, có một nhóm sinh viên mà tôi đã có ba tháng để quen thân. Tôi cần thế giới bên ngoài yên tĩnh. Việc hoàn cảnh hiện thời phá vỡ bối cảnh ấy không phải là một sự bác bỏ đối với triết học. Nó là bằng chứng cho thấy chúng ta cần phải cố gắng nhiều thế nào để mọi thứ trở lại bình thường, khiến mọi người lại có thể giúp nhau để nhìn thấy thế giới tinh thần ở nơi đẹp đẽ, diệu kỳ mà nó thuộc về.

Có lẽ nguy hiểm đặc biệt của một cuộc khủng hoảng khiến người ta phải mất nhiều thời gian để nghĩ là ở chỗ người ta phải cố gắng để học quá nhiều bài học khi ở trong đó. Các khủng hoảng, ít nhất lúc chúng xảy ra, không phải là những cơ hội giáo dục. Đó là những sự kiện rơi xuống đầu ta, gây tổn hại cho chúng ta. Chúng nhắm tới mọi thứ thuộc về ta, trong đó có năng lực học tập.

Ta có nên tin vào chủ nghĩa anh hùng trí thức – thậm chí ở cả những người không mục đích, không tử đạo? Dĩ nhiên. Nhưng thay vì tìm kiếm nó giữa thời điểm khủng hoảng, chúng ta có thể hướng chú ý của mình vào thế giới bên trong khu vườn và nhớ lại lần gần nhất trong lớp học, một sinh viên vốn chất chứa trong đầu bao ý nghĩ sâu sắc chưa nói ra thành lời cuối cùng đến một ngày giơ tay phát biểu. Chúng ta thử hình dung xem chuyện gì xảy ra sau đó: từ ngữ tuôn chảy từ cô sinh viên ấy thế nào, cô ấy đã thoát khỏi vỏ bọc của nỗi sợ hãi và tự ngờ vực bản thân ra sao, cả lớp đã lắng nghe, chăm chú và học hỏi từ người bạn của mình thế nào… Tất cả giáo viên đều biết rằng những người hùng trí thức là có thật. Chúng ta cũng biết đôi điều về họ: biết truyền đạt, có khả năng sư phạm và thường vô hình với người say mê họ. Và bài học này đưa ta trở lại với câu chuyện về Jean Améry.

Améry viết một cuốn sách về tự sát và vài năm sau khi viết nó, ông cũng tự kết liễu cuộc đời mình. Ông hiẻu những trải nghiệm thời chiến là một bài kiểm tra đối với tất cả những gì làm nên con người ông – một nhà tư tưởng, một nhà duy mỹ, một người đọc, một cá nhân – và ông tự phán xét chính mình như một kẻ thất bại. Ông viết về việc bị Gestapo tra tấn: “Nó vẫn chưa xong xuôi. Hai mươi năm sau, tôi vẫn ở trong tư thế lủng lẳng trên mặt đất với hai cánh tay trật khớp, thở hổn hển và tự kết án chính mình.” Nhưng điều mà Améry không thể thấy trước là hiệu ứng của những trang viết của ông, vốn nhạy cảm sâu sắc với đau đớn, với tình trạng bị nhục mạ, bị tước đoạt và mất mát. Ông nói về sự thống khổ bằng giọng điệu của một người không thể tự bảo vệ được mình trước bất kỳ điều gì và ông đem trải nghiệm về khả năng bị tổn thương này tới độc giả bằng lối phân tích cẩn thận, điềm tĩnh và chính xác. Giọng điệu của ông chừng mực, uyên bác và thấu suốt. Ông là một con người, một người phàm như bao người.

Tiểu luận của Améry nói sự thật, nhưng không phải toàn bộ sự thật. Chúng kể câu chuyện về sự thất bại của những tri thức nhân văn khi chúng không giúp được ông điều gì ở trong trại tập trung, nhưng chúng đã không kể câu chuyện của chính chúng  – rằng làm thế nào mà người ta có thể truyền đạt một kinh nghiệm dường như bất khả truyền đạt. Câu trả lời là: chính nhờ vào những tri thức nhân văn. Không tự buông tha mình khỏi nỗi dằn vặt hổ thẹn, Améry cho chúng ta nhìn vào con người bị hủy hoại của ông, từ đó chúng ta có thể biết về một sự thật mà chúng ta từ chối muốn biết: “ai từng bị tra tấn sẽ luôn bị tra tấn.” Trong tay ông, những từ ngữ như “trại tập trung”, “tàn bạo”, “lưu đày” – phơi bày đúng những gì đã diễn ra; từ miệng người khác, chúng là những ký hiệu cho một tri thức mà chúng ta luôn hy vọng sẽ không cần đến nó. Tôi nói điều này trong tư cách của một đứa cháu trong gia đình có bốn người từng sống sót qua trại tâọ trung. Ông bà tôi không bao giờ có thể – mà có lẽ không bao giờ muốn – truyền đạt cho tôi những gì mà Améry đã tái hiện trên trang viết. Nếu tôi từng nói về “sự tra tấn” trước khi đọc Améry thì tôi chỉ là một homo ludens, một người chơi, đang chơi trò chơi ngôn ngữ mà thôi.

Ông, người muốn nói về sự phá hủy thế giới tinh thần của con người, không thể kỳ vọng sẽ có công chúng đón nhận dễ dàng. Ông hiểu độc giả của mình; ông biết mình đang đối mặt với điều gì. Ngôn ngữ của ông dong buồm qua biển thời gian, không gian và văn hóa – và vùng vịnh sâu thẳm nhất, giữa những người đã từng bị tra tấn và những người chưa trải qua nó – để tìm đến độc giả, kẻ đọc ông bằng ngôn ngữ tinh thần của chính mình. Cuối cùng, độc giả ấy không có cách nào khác hơn là để ông thâm nhập vào tâm trí. Đây chính là thắng lợi kinh ngạc về phương diện giao tiếp: người ta không nghĩ là tri thức nhân văn làm được bài kiểm tra này. Nhưng Jean Améry đã chứng minh điều đó. Ông là một anh hùng. Ông là một thầy giáo.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Agnes Callard, “What Do the Humanities Do in a Crisis?”, https://www.newyorker.com/culture/annals-of-inquiry/what-do-the-humanities-do-in-a-crisis

Nhật ký đọc sách – “Pedro Páramo” (Juan Rulfo)

Tôi luôn nghĩ rằng sự hiện diện của văn học Mỹ Latin ở Việt Nam những năm 1980, với vai trò tiên phong của dịch giả Nguyễn Trung Đức, luôn là một sự kiện thú vị và quan trọng mà cho đến giờ vẫn chưa có những nghiên cứu học thuật xứng đáng dành cho nó. Thông qua dịch thuật, một không khí văn chương rất khác phả vào đời sống văn chương Việt Nam mà ở thời điểm ấy có lẽ vẫn đang loay hoay thoát ra khỏi mỹ học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Thứ mỹ học ấy khiến những thứ đọc được nhất của văn học Việt Nam cùng lắm là nằm trong mạch chảy của chủ nghĩa trữ tình, với một lối tự sự đặt trọng tâm vào câu chuyện hơn là lối viết.

Pedro Paramo của Juan Rulfo được dịch và xuất bản ở Việt Nam lần đầu vào năm 1987. Trong ấn bản của nhà xuất bản Mũi Cà Mau, tên của tác phẩm, tác giả và nhân vật vẫn được phiên âm theo lối Việt hóa: Pêdrô Paramô (Hoan Runphô). Ở thời điểm ấy, lối phiên âm Việt hóa này có thể được hiểu là nỗ lực gần gũi hóa, bản địa hóa các hiện tượng văn hóa ngoại lai. Cần phải nhắc lại trước đó, năm 1986, Nguyễn Trung Đức đem đến cho độc giả Việt Nam bản dịch Trăm năm cô đơn của Gabriel Garcia Marquez. Cuốn tiểu thuyết của Marquez là một cú sốc đối với kinh nghiệm thẩm mỹ của công chúng đương thời. Trong một truyện ngắn của Khôi Vũ đăng trên báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh năm 1988 có một chi tiết khá thú vị liên quan đến sự tiếp nhận tiểu thuyết này của Marquez: một ông giám đốc nhờ nhân viên của mình kiếm hộ cuốn tiểu thuyết mà ai cũng đang bàn tán xôn xao. Anh trưởng phòng kế toán muốn nịnh sếp nên đáp ứng ngay mong muốn của ông, kèm theo lời giới thiệu bỏ nhỏ: “sách này thuộc loại siêu tác phẩm, in số lượng ít nên khó tìm lại đắt.” Ông giám đốc đọc được vài trang thì bỏ vì không thấy hay. Mấy ngày sau, anh kế toán hỏi thăm, vẫn cái giọng bỏ nhỏ rất đặc trưng của người giỏi nịnh: “Thế anh đã đọc mấy đoạn ấy chưa… mấy đoạn gà trống đạp gà mái chưa ạ… Em cho rằng đây chính là đoạn đáng đồng tiền bát gạo nhất.” Ông giám đốc về đọc lại, rồi bình phẩm, “có mất công tìm kiếm nhưng đúng là đáng đồng tiền bát gạo! Nhà văn tư bản có khác, họ tả thực đến kinh khủng” (“Đứa bé gọi cửa lúc mười hai giờ trưa”). Cả đoạn này là chất liệu vàng cho những ai muốn phân tích nhận thức về tính dục của người Việt Nam giai đoạn hậu chiến. Đứng ở góc độ của người nghiên cứu văn học dịch, đây là dẫn chứng cho thấy việc dịch Trăm năm cô đơn đã góp phần giải phóng nhiều ẩn ức, cấm kỵ trong văn hóa Việt Nam lúc đó. Nó là một nứt rạn nghiêm trọng để văn học Việt Nam nhìn ra nhiều khả thể khác cho nó.

Nhưng Pedro Paramo lại có một số phận im ắng hơn khi đến Việt Nam, dù nó xuất hiện chỉ sau Trăm năm cô đơn một năm và trong lời giới thiệu tiểu thuyết này của Rulfo, Nguyễn Trung Đức cũng dẫn lại lời tán dương của Marquez: “Nếu tôi viết được một cuốn tiểu thuyết như cuốn Pedro Paramo của Juan Rulfo thì tôi cũng sẽ bẻ bút không viết nữa.” Bản thân tôi cũng phải đợi đến khi cuốn sách được Phanbook tái bản vào năm ngoái mới biết đến nó. Dù vẫn chưa có nghiên cứu học thuật đáng tin cậy nào về tiếp nhận tiểu thuyết Mỹ Latin ở Việt Nam, nhưng tôi tin rằng cuốn tiểu thuyết của Rulfo lệch rất xa khỏi tầm đón nhận của công chúng Việt Nam không chỉ ở thập niên 1980. Nếu tiểu thuyết của Marquez có thể rơi cả vào tầm đón nhận của công chúng bình dân bởi đó là một truyện kể không thách đố việc kể lại và những trường đoạn gợi tả đủ kích thích sự hiếu kỳ của công chúng thì Pedro Paramo mang tính thách thức hơn hẳn. Nó, trước hết, là cuốn tiểu thuyết của sự viết. Nó là cuốn tiểu thuyết ngay lập tức đã phá vỡ tính tuyến tính của mạch kể. Nó đòi hỏi một hành động đọc như là sự tái thiết những phân mảnh được đặt cận kề nhau và thiếu những chỉ dấu rõ nét về thời gian và không gian, hư cấu và thực tại. Dù dịch giả đã làm một công việc mà ngày càng hiếm những tác phẩm dịch ở Việt Nam bây giờ làm – giới thiệu về cuốn sách, mô tả về kết cấu của nó để định hướng người đọc, thì tôi tin không chỉ tôi, nhiều người khác cũng ngỡ ngàng khi người kể chuyện ngôi thứ nhất đã chết ở giữa truyện. Và câu chuyện thì vẫn cứ tiếp tục đi… Pedro Paramo buộc ta phải làm quen với một lối tự sự mà ở đây yếu tố vốn được xem là đặc trưng cơ bản của thơ lại được duy trì như một dụng ý bí ẩn: nhịp điệu. Nhịp điệu không có gì gấp gáp, kịch tính dù nếu sắp xếp lại cốt truyện theo tuyến sự kiện, có thể viết lại nó thành một câu chuyện đủ li kỳ với những quan hệ móc nối nhân quả. Nhịp điệu được tạo nên bởi sự láy lại và đối ứng giữa cái nóng ngột ngạt và tiếng mưa dầm như làm nhão mọi thứ, gợi ra một trạng thái thời gian chết, không có tương lai. Nhịp điệu được nhấn mạnh qua hàng loạt những trùng điệp của các motif liên quan đến cái chết hay điềm báo… Đọc một cuốn tiểu thuyết của sự viết là một trải nghiệm rất khác, thậm chí đến giờ vẫn cứ là thách đố đối với ngay cả những người được đào tạo về văn học trong nước, khi việc dạy và học văn vẫn chú trọng vào việc diễn giải câu chuyện hơn là quan tâm xem cái câu chuyện thực ra vẫn chỉ là chất liệu kia được tổ chức thế nào.

Cá nhân tôi khi đọc xong cuốn sách này phải vào Wikipedia để xem lại cốt truyện. Thực vậy, nói cho vui, đọc cuốn tiểu thuyết này cần có một cuốn sổ để ghi lại tên nhân vật, các biến cố chính. Trong khi câu chuyện khó nắm bắt thì vẫn có lực kéo những người đọc kiên nhẫn đi đến trang sách cuối cùng của cuốn tiểu thuyết mỏng nhưng ngồn ngộn, rậm rạp theo phong cách baroque này: nhịp điệu và không khí. Thế giới mà Rulfo vẽ ra bằng ngôn từ này cho phép người ta liên hệ đến kiệt tác “Đất hoang” của T.S.Eliot: một thế giới bị bỏ lại, ngưng trệ, nơi trạng thái sống của con người là trạng thái trở thành ma. Ma và người thầm thì với nhau, cận kề nhau. Không có sự cứu rỗi nào hứa hẹn, chỉ có sự rệu rã, đi đến tàn cuộc là thứ không mơ hồ ở đó:

Trong lúc trời hừng đông, ngày chậm rãi quay trở lại, hầu như nghe rõ tiếng các bản lề của quả đất đã khô dầu kêu lạo xạo. Quả đất già này rùng mình đang lật xoay bóng tối của nó. (trang 192)

Pedro Paramo là một cuốn tiểu thuyết lịch sử. Nó là một dụ ngôn phê phán những tham vọng quyền lực dẫn đến những mâu thuẫn xã hội nảy sinh trong xã hội Mexico hồi đầu thế kỷ XX. Cũng như khi giới thiệu Trăm năm cô đơn, dịch giả Nguyễn Trung Đức đã cố gắng trích dẫn những diễn giải về tiểu thuyết Pedro Paramo hay đưa ra bình luận của cá nhân ông theo tư tưởng Marxist. Chẳng hạn, ông cho rằng với cuốn tiểu thuyết này, Rulfo đã nêu lên nhu cầu cấp bách của thời đại: ruộng đất về tay dân cày. Có lẽ đó cũng là chiến lược để những tiểu thuyết của Marquez và Rulfo có cơ hội hiện diện ở Việt Nam, lách qua các thiết chế kiểm duyệt. Song với cá nhân tôi, chủ đề ám ảnh hơn cả của cuốn tiểu thuyết này là nỗi cô đơn. Trong Pedro Paramo, người sống/ người chết đều cô đơn. Pedro Paramo tưởng như có tất cả vậy mà cuối cùng, khi chết cũng cô độc và tuyệt vọng. Thứ mà y tưởng như có thể dùng quyền lực để sở hữu bằng được cuối cùng cũng không khỏa lấp được nỗi cô đơn và tuyệt vọng ấy. Hắn, cũng như mọi người ở đây, đáng thương nhưng cũng không thể được cứu rỗi.

Tôi đọc Pedro Paramo vào những ngày cũng rệu rã và tàn tạ. Trong những ngày một thứ virus vô hình bỗng nhiên làm toàn bộ cấu trúc xã hội của con người nứt rạn, đứt gãy, người ta nghĩ nhiều đến việc phải khôi phục tính cộng đồng của nhân loại. Ngôi làng Comala mà Rulfo vẽ ra hơn 60 năm trước đôi khi như là cảnh quan của thế giới ta đang sống. Ai đang sống? Ai đang chết? Hay tất cả chúng ta đều đang đi đến cái chết? Mà ngay cả việc tưởng như tất cả đang đi đến cái chết, đó có phải là sự bình đẳng? Chúng ta đang sống trong một thế giới vô vọng. Liệu có cần phải nuôi hy vọng trong cái thế giới vô vọng này không?

Tôi đã đọc cuốn tiểu thuyết này với vô số những câu hỏi mông lung như thế. Cuốn tiểu thuyết như mô phỏng lại Thần khúc của Dante và cả Khải huyền của Kinh Thánh trộn lẫn với hiện thực lịch sử của Mexico này không gỡ gạc được bao nhiêu những mông lung ấy trong tôi. Nhưng tôi nghĩ trải nghiệm lần bước xuống địa ngục cũng là thứ kinh nghiệm nhân tính quý giá. Và chúng ta có thể nếm trải nó bằng nghệ thuật hư cấu. Hư cấu là tưởng tượng, nhưng nỗi đau nó gây ra cho ta có thể rất thật.

Thanh Viet Nguyen – Những tư tưởng sẽ không qua khỏi đại dịch Coronavirus

Thanh Viet Nguyen (1971), nhà văn, học giả người Mỹ gốc Việt. Ông từng nhận giải thưởng Pulitzer về Văn học cho tiểu thuyết The Sympathizer (2015), giải Rene Wellek của Hiệp hội Nghiên cứu văn học so sánh Hoa Kỳ cho chuyên luận Nothing Ever Dies: Vietnam and The Memory of War (2016).

*

Thỉnh thoảng người ta lại hỏi tôi: cần phải làm gì để trở thành nhà văn? Việc duy nhất bạn phải làm, tôi nói với họ, là đọc liên tục; viết cả nghìn giờ; và có một năng lực – dám chấp nhận ở mức độ rất lớn sự chối từ của người đời cũng như sự cô lập. Hóa ra, những phẩm chất này đã giúp tôi ứng phó rất tốt với cuộc đời trong thời kỳ coronavirus hoành hành.

Sự thật là tôi hầu như tận hưởng thời kỳ cô lập này – ngoại trừ có những lúc tưởng tượng về cái chết chực chờ và phẫn nộ trước sự thiếu năng lực của lãnh đạo đất nước – và điều này làm tôi ý thức sâu sắc về đặc quyền mình có. Chỉ thông qua những tin tức trên mạng xã hội của mình tôi mới có thể thấy những sự tàn phá trút xuống những người đã mất việc và đang lo lắng căng thẳng về tiền thuê nhà. Những câu chuyện đáng sợ nối nhau hiện lên từ những bác sĩ, y tá, từ những người bị nhiễm Covid-19 và những người đã mất đi người thân của mình bởi bệnh dịch này.

Nhiều người trong chúng ta thoáng nhìn thấy một thế giới phản không tưởng. Những người khác thì đang sống trong đó.

Nếu có bất cứ thứ gì tốt đẹp nảy sinh từ thời kỳ này thì có lẽ đó là sự thức tỉnh về những bệnh tật có sẵn trong thân thể của nền chính trị. Chúng ta không khỏe mạnh như mình tưởng. Thứ virus sinh học lây nhiễm đến mỗi cá nhân đồng thời cũng là một thứ virus xã hội. Triệu chứng của nó – sự bất bình đẳng, sự nhẫn tâm, tính ích kỷ và động cơ vụ lợi coi rẻ đời sống con người trong khi đề cao vật chất – từ rất lâu đã bị che đậy bởi niềm lạc quan và kiêu hãnh về chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ, giống như sắc diện hồng hào của một người sắp sửa bị lên cơn đau tim.

Ngay cả khi nước Mỹ mà chúng ta biết vượt qua được đại dịch coronavirus này, nó cũng khó có thể trỗi dậy mà không mang trên mình những tổn thương. Nếu ảo tưởng về sự bất khả chiến bại đã bị vỡ vụn đối bất kỳ bệnh nhân nào nếm trải kinh nghiệm cận tử, vậy thì cái có thể chết sau Covid-19 là huyền thoại về việc chúng ta là đất nước tốt đẹp nhất trên trái đất, một niềm tin phổ biến ngay cả trong những người nghèo, những người bên lề, những người sống trong tình trạng bấp bênh, những người phải tin vào tính cách Mỹ của họ, nếu như không còn gì khác để tin.

Có lẽ cảm giác về sự cầm tù trong thời kỳ cách ly có thể khiến chúng ta hình dung được bị cầm tù thực sự là như thế nào. Dĩ nhiên có những nhà tù thực sự nơi chúng ta giam giữ những người không có bất cứ sự bảo vệ nào trước hiểm họa của coronavirus. Có những trại tị nạn và những trung tâm câu lưu nơi thực chất là những nhà tù. Có những sự cầm tù về kinh tế với đói nghèo và bấp bênh, nơi mất tiền lương cũng có nghĩa là vô gia cư, nơi ốm đau mà không có bảo hiểm thì ắt sẽ chết.

Nhưng đồng thời, nhà tù và trại tập trung lại thường đóng vai trò là những nơi chốn nơi những ý thức mới được khai sinh, nơi các tù nhân trở nên cực đoan, trở thành các nhà hoạt động, thậm chí, nhà cách mạng. Có phải tôi đang hy vọng quá nhiều hay không khi nghĩ rằng tình trạng bị cô lập bắt buộc của nhiều người Mỹ và tình trạng lao động bắt buộc của những người khác có thể thúc đẩy những hành động triệt để của sự tự phản tư, tự nhìn lại mình và cuối cùng là sự đoàn kết?

Một khủng hoảng thường khơi dậy sợ hãi và tâm lý thù địch. Chúng ta đã nhìn thấy những cuộc tấn công xuất phát từ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc nhắm vào những người châu Á và những người Mỹ gốc Á vì thứ được gọi là “virus Tàu” này. Nhưng chúng ta một lựa chọn: Liệu chúng ta sẽ chấp nhận môt thế giới của sự phân chia và khan hiếm, nơi chúng ta phải đánh nhau để tranh giành tài nguyên và cơ hội hay tưởng tượng về một tương lai nơi xã hội của chúng ta được đánh giá theo mức độ nó chăm sóc cho những người ốm đau, những người nghèo, người cao tuổi và đơn độc như thế nào?

Là một nhà văn, tôi biết một lựa chọn như thế sẽ nằm ở giữa một câu chuyện. Đó là điểm bước ngoặt. Một nhân vật – trong trường hợp này là chính trị nước Mỹ, không nói đến tổng thống – sẽ phải đối mặt với một quyết định quan trọng và điều này sẽ phát lộ ông ta/bà ta về bản chất là người thế nào.

Chúng ta vẫn còn chưa đi đến nửa đường tấn kịch của mình. Chúng ta mới chỉ đến đoạn kết của hồi thứ nhất, khi chúng ta dần nhận ra hiểm họa đang trên đường tấn công và hiểu rằng chúng ta cần thiết phải hành động. Hành động này, giờ đây, đơn giản là chúng ta phải chiến thằng Covid-19 và sống sót như một đất nước, dù yếu đi nhưng phải sống.

Điểm giữa của tấn kịch chỉ xuất hiện khi nhân vật giáp mặt với một đối thủ đáng giá – không phải một người ốm yếu, bên lề hay đơn độc mà là một ai đó hay một cái gì đó thật sự tàn bạo. Covid-19, dẫu khủng khiếp, thì vẫn cứ chỉ là một nhân vật phản diện trong phim. Kẻ thù thực sự của chúng ta không đến từ bên ngoài, mà từ bên trong. Kẻ thù thực sự của chúng ta không phải là virus mà là phản ứng của chúng ta đối với virus – một phản ứng đã trở nên thoái hóa và biến chất bởi những bất bình đẳng mang tính cấu trúc của xã hội chúng ta.

Nước Mỹ có một lịch sử của quá trình thuộc địa định cư và của chủ nghĩa tư bản vốn bóc lột nguyên thiên nhiên và con người, điển hình là những người nghèo, dân nhập cư, da màu và da nâu. Lịch sử đó biểu hiện rõ nét ở ngày hôm nay trong động cơ tích trữ của chúng ta, với ý thức rằng chúng ta đang sống trong một nền kinh tế dựa vào nỗ lực của bản thân và sự khan hiếm; trong sự phụ thuộc của chúng ta vào lao động giá rẻ của phụ nữ và của những người thiểu số về chủng tộc; và trong việc chúng ta thiếu những hệ thống chăm sóc sức khỏe, phúc lợi xã hội, thu nhập cơ bản và giáo dục phổ cập đầy đủ để có thể lo cho những người cần đến chúng nhất trong chúng ta.

Điều mà cuộc khủng hoảng này phát lộ là, dù hầu như tất cả chúng ta đều có thể bị tổn thương – ngay kể cả các tập đoàn và những người giàu có – thì chính quyền chúng ta đang ưu tiên bảo vệ những người ít bị tổn thương nhất.

Nếu đây là một bộ phim Hollywood cổ điển thì người anh hùng Mỹ ngoại lệ, vốn miễn cưỡng và do dự trong hồi đầu tiên, sẽ đưa ra lựa chọn đúng đắn tại bước ngoặt này. Con virus Covid-19 quái ác sẽ bị tiêu diệt, trật tự sẽ lại được phục nguyên về một xã hội giống như trước lúc thế lực tà ác xuất hiện.

Song nếu xã hội của chúng ta vẫn cứ như thế sau khi đánh bại Covid-19, đó sẽ là một chiến thắng thật chẳng bõ. Chúng ta có thể mong đợi tập tiếp theo, không chỉ một tập, mà nhiều tập, cho đến khi chúng ta tới đoạn kết: thảm họa khí hậu. Nếu cách đối phó vụng về với coronavirus này lại là cảnh xem trước cho thấy Hoa Kỳ ứng biến như thế nào với thảm họa ấy thì coi như chúng ta tận số.

Nhưng giữa những sự vụng về này, cũng có những dấu hiệu của sự hy vọng và lòng can đảm: những người lao động bãi công phản đối việc bị bóc lột; những người tặng khẩu trang, tiền bạc, thời gian; nhũng nhân viên y tế và bệnh nhân bày tỏ sự bức xúc đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe bất cập của chúng ta; một đại tá Hải quân hy sinh sự nghiệp của mình để bảo vệ những thủy thủ của mình; thậm chí những người lạ nói chào nhau với những người lạ trên đường ở thành phố tôi sống, Los Angeles, tạo nên một hành động đoàn kết đang đi đến cao độ.

Tôi biết mình không phải là người duy nhất có những ý nghĩ như thế này. Có lẽ việc bị cô lập cuối cùng cũng đem cho mọi người cơ hội để làm những gì mà các nhà văn làm: tưởng tượng, cảm thông, mơ mộng. Có thời gian và sự xa xỉ để làm những việc này tức là đã sống bên bờ của thế giới không tưởng, cho dù việc mà các nhà văn thường làm ở đó lại là tưởng tượng về thế giới phản không tưởng. Tôi viết không chỉ vì nó đem đến cho tôi niềm vui mà còn từ nỗi sợ hãi – rằng nếu tôi không kể một câu chuyện mới, tôi không thể sống đúng nghĩa được.

Nước Mỹ cuối cùng sẽ qua khỏi thời kỳ này và kiểm điểm lại những gì đã mất, cả về con người và những tư tưởng đã không sống qua được cuộc khủng hoảng này. Và rồi chúng ta sẽ quyết định câu chuyện nào sẽ để cho những người sống sót được sống đúng nghĩa.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Thanh Viet Nguyen, “The Ideas That Won’t Survive the Coronavirus”, https://www.nytimes.com/2020/04/10/opinion/coronavirus-america.html

Olga Tokarczuk – Một thế giới mới qua cửa sổ nhà tôi

Olga Tokarczuk (1962), nhà văn Ba Lan, chủ nhân giải thưởng Nobel Văn học 2018 là một tiếng nói quan trọng nữa của văn chương thế giới hôm nay nói về một thế giới không thể còn như cũ sau đại dịch COVID-19. Có lẽ đó cũng là điều chắc chắn duy nhất chúng ta có thể nói được về biến cố này.

*

Từ cửa sổ nhà mình, tôi có thể nhìn thấy một cây dâu trắng, thứ cây mà tôi mê đắm – đó là một trong những lý do khiến tôi quyết định chọn nơi này để sống. Cây dâu là một loài cây hào phóng – suốt cả mùa xuân và mùa hạ, nó tặng cho hàng chục gia đình chim chóc những trái cây ngọt ngào và tốt lành. Ngay lúc này, cây dâu vẫn chưa trổ lá trở lại, vì thế, tôi nhìn thấy trước mắt mình một con phố tĩnh lặng, hiếm hoi lắm mới có người trên đường đi đến công viên. Thời tiết ở Wroclaw gần như đang sang hè: mặt trời sáng lóa, bầu trời xanh ngắt, không khí sạch trong. Hôm nay, khi đang dắt chó đi dạo, tôi nhìn thấy hai con ác là đang xua đuổi một con cú khỏi tổ của nó. Chỉ cách đôi ba bước chân, con cú và tôi nhìn chằm chằm vào mắt nhau. Có lẽ các con vật cũng vậy, dường như đang chờ đợi một cách hy vọng, băn khoăn không biết chuyện gì xảy ra tiếp theo.

Đã từ rất lâu rồi, tôi luôn có cảm giác thế giới có quá nhiều thứ. Quá nhiều, quá nhanh, quá ồn. Vì vậy mà tôi không nếm trải cảm giác “chấn thương trong tình trạng cô lập” và với tôi, chẳng có gì khó khăn khi không được thấy con người. Tôi chẳng lấy làm buồn vì rạp chiếu phim không được mở; tôi hoàn toàn thờ ơ với việc các trung tâm mua sắm cũng phải đóng cửa. Tất nhiên, tôi có lo lắng khi nghĩ đến tất cả những người bị mất việc. Nhưng khi tôi nghe tin về tình trạng cách ly vì dịch bệnh đang diễn ra, tôi lại có cảm giác như tìm thấy một sự nhẹ nhõm. Tôi biết nhiều người cũng cảm thấy tương tự, kể cả khi họ đồng thời cũng cảm thấy ngượng ngùng vì điều ấy. Lối sống thu mình lại của tôi, vốn từ lâu bị đè nén và lạm dụng bởi những kẻ hướng ngoại thái quá, giờ đây đã có thể bước ra phòng kín và chải chuốt cho mình.

Tôi quan sát người hàng xóm của mình qua cửa sổ, một luật sư miệt mài, mẫn cán mà mới trước đó thôi, tôi còn thấy anh cắm đầu đi làm vào buổi sáng với tấm áo choàng của luật sư vắt vội qua vai. Giờ thì trong bộ đồ thể thao thùng thình, anh đánh vật với cây chổi trên sân; dường như anh đang cố gắng sắp đặt mọi thứ theo trật tự. Tôi nhìn thấy một đôi trẻ đưa một con chó già mà từ mùa đông trước hầu như không thể lê bước đi dạo ngoài trời. Con chó bước đi nhọc nhằn trong khi đôi bạn thì kiên nhẫn đi cùng với nó, bước đi với tốc độ chậm nhất có thể. Gây ra tiếng ồn lớn là chiếc xe chở rác đang làm công việc của nó.

Cuộc sống vẫn tiếp diễn, mà còn hơn thế nữa chứ, nhưng với một nhịp điệu hoàn toàn khác. Tôi dọn dẹp phòng riêng của mình, soạn ra những tờ báo mà chúng tôi đã đọc, đặt chúng vào thùng rác. Tôi thay chậu cho những chậu hoa. Tôi nhận lại xe đạp của mình từ tiệm sửa xe nơi tôi đã gửi nó lại. Tôi bắt đầu thích thú việc nấu nướng.

Những hình ảnh thời thơ ấu cứ trở về với tôi. Thời ấy, thật nhiều thời gian và hoàn toàn có thể để “lãng phí” hay “giết” nó, khi ta có thể ngồi hàng giờ đăm đăm nhìn ra cửa sổ, quan sát bầy kiến hay nắm dưới bàn ăn mà tưởng tưởng đó là con thuyền lánh nạn của Noah. Rồi đọc bách khoa toàn thư.

Đó chẳng phải là việc ta được trở lại với nhịp điệu bình thường của đời sống sao? Rằng không phải virus là một sự phá vỡ cái bình thường mà chính xác hơn là ngược lại – cái thế giới náo động trước khi virus xuất hiện mới là bất bình thường?

Sau cùng thì virus nhắc chúng ta về những gì mình đã phủ định nhiệt thành: rằng chúng ta là những tạo vật mong manh, được tạo nên bởi những chất liệu mong manh bậc nhất. Rằng chúng ta sẽ chết – chúng ta là những thân phận tất tử. Rằng chúng ta không tách biệt với phần còn lại của thế giới bởi cái gọi là “nhân tính”của chúng ta, bởi bất kỳ sự biệt lệ nào, mà thế giới, thay vào đó, là một mạng lưới vĩ đại trong đó chúng ta dính líu, kết nối với những tồn tại khác theo những đường dây vô hình của sự liên thuộc và ảnh hưởng lẫn nhau. Rằng bất kể chúng ta đến từ những xử sở cách xa nhau thế nào, ngôn ngữ nào mà chúng ta nói, hay màu da của chúng ta là gì thì chúng ta đều cùng có nguy cơ mắc một thứ bệnh giống nhau, mang những nỗi sợ hãi giống nhau và chết cũng giống nhau.

Nó làm chúng ta nhận ra bất kể chúng ta cảm thấy yếu đuối hay dễ tổn thương như thế nào khi đối mặt với nguy hiểm thì xung quanh ta vẫn còn những người còn dễ bị tổn thương hơn, những người mà sự giúp đỡ của ta là cực kỳ cần thiết đối với họ. Nó nhắc chúng ta rằng cha mẹ, ông bà của mình mong manh như thế nào và họ cần sự chăm sóc của chúng ta đến mức nào. Nó cho chúng ta thấy những phong trào điên rồ của chúng ta đã đẩy thế giới đi đến lụi tàn. Nó khơi dậy câu hỏi mà chúng ta hiếm khi có can đảm để chất vấn chính mình: thực sự thì chúng ta đang kiếm tìm điều gì vậy?

Nỗi sợ bị ốm nhắc chúng ta về những tổ ấm mà ta sinh ra từ đó và cảm thấy an toàn khi ở đó. Trong một tình huống như vậy, ngay cả những lữ khách miệt mài nhất cũng sẽ tha thiết muốn về một nơi gọi là nhà. Đồng thời, những sự thật buồn bã cũng phát lộ trước ta – rằng khi rơi một khoảnh khắc nguy hiểm, ý nghĩ của chúng ta một lần nữa lại phải nương vào những phạm trù mang tính giới hạn và độc quyền: ý niệm về các quốc gia và biên giới. Trong thời điểm khó khăn này, chúng ta đã thấy trên thực tế, ý niệm về một cộng đồng châu Âu thực ra mới yếu làm sao. E.U đã để mất mình trong cuộc chiến đấu này, phó mặc cho các nhà nước quốc gia ra quyết định trong tình thế khủng hoảng. Chủ nghĩa sô vanh cũ đã quay lại, mang theo sự phân chia giữa “chúng ta” và “ngoại quốc” – nói cách khác, nó đem về lại chính những gì chúng ta đã chiến đấu trong suốt ba thập niên qua với hy vọng nó sẽ không bao giờ có thể định dạng đầu óc chúng ta được nữa. Nỗi sợ hãi virus đã làm nảy sinh một niềm tin được “lại giống”, rằng phải có những kẻ ngoại quốc để đổ lỗi, chính những kẻ đó gây ra hiểm họa. Ở châu Âu, virus được xem là “đến từ một nơi nào đó.” Tại Ba Lan, mọi người trở về từ nước ngoài đều bị nghi ngờ. Virus nhắc chúng ta: các biên giới tồn tại và chúng đang làm tốt chức năng của nó.

Tôi cũng sợ rằng thứ virus này sẽ cảnh báo chúng ta về sự thật cũ nữa: rằng chúng ta rất không bình đẳng. Trong khi một vài người có thể bay trên những máy bay riêng đến những ngôi nhà trên đảo hay trong rừng để cách ly, những người khác vẫn phải ở lại thành phố, làm công việc liên quan đến điện nước. Và vẫn có những người phải chấp nhận rủi ro về sức khỏe khi làm việc ở các cửa hàng hay trong các bệnh viện. Một số sẽ kiếm được tiền từ đại dịch trong khi những người khác sẽ mất tất cả những gì mình có. Cuộc khủng hoảng đang đến sẽ làm xói mòn tất cả những nguyên lý mà chúng ta dường như đều cảm thấy đúng đắn, nhiều quốc gia không thể xoay sở nổi và đối mặt với sự suy sụp, những trật tự mới sẽ được dựng lên, như thường thấy sau nhiều cuộc khủng hoảng.

Chúng ta nghĩ rằng mình đang ở nhà, đọc sách, xem ti vi nhưng trên thực tế, chúng ta đang chuẩn bị cho một cuộc chiến với một thực tại mới mà chúng ta thậm chí không thể hình dung nổi, chúng ta đang từ từ hiểu ra mọi thứ không thể còn như cũ. Hoàn cảnh cách ly bắt buộc đòi hỏi chúng ta phải ở yên trong nhà có thể làm chúng ta nhận thức được những gì mà mình không mong phải thừa nhận: rằng gia đình đã vắt kiệt chúng ta, rằng những mối dây ràng buộc hôn nhân của chúng ta từ lâu đã buông chùng. Những đứa trẻ sẽ ra khỏi thời kỳ cách ly trong tình trạng nghiện Internet và nhiều người trong chúng ta sẽ tự ý thức được sự vô nghĩa và vô dụng của những điều kiện mà chúng ta, theo quan tính, gắn mình vào chúng một cách cơ giới. Và sẽ thế nào nếu con số của những vụ giết người, tự tử và những chứng bệnh tinh thần gia tăng?

Trước mắt chúng ta, hệ hình của nền văn minh đã nhào nặn nên chúng ta hơn hai trăm năm qua đang bốc khói, hệ hình đã trao cho chúng ta niềm tin rằng con người là những bậc thầy tạo tác, có thể làm bất cứ thứ gì, và thế giới thuộc về con người. Một thời đại mới đang đến gần.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Olga Tokarczuk, “A New World Through My Window”, bản dịch từ tiếng Ba Lan của Jennifer Croft. https://www.newyorker.com/books/page-turner/a-new-world-through-my-window

Agnes Callard – Tại sao lúc này tôi lại đọc tiểu thuyết về đề tài tận thế?

Agnes Callard là phó giáo sư ngành Triết học tại Đại học Chicago. Cuốn tiểu thuyết “The Road” của Cormac McCarthy được nhắc đến trên bài từng được dịch sang tiếng Việt với nhan đề “Cha và con”. Tác phẩm này cũng đã được chuyển thể thành bộ phim cùng tên do John Hillcoat đạo diễn vào năm 2009. Hình minh họa trong bài được lấy từ bộ phim này.

Một người đàn ông cùng con trai của mình lê bước qua vùng đất hoang vốn đã từng là nền văn minh của nhân loại. Hàng đêm, họ cùng run rẩy trong đói khát, giá lạnh và sợ hãi. Nếu gặp ai đó yếu hơn hạn – một người đàn ông bị thương, một đứa trẻ bị bỏ rơi – họ không biết làm gì để giúp, còn nếu gặp kẻ nào mạnh hơn, bạo lực chắc chắn xảy ra. Người đàn ông sống cho đứa bé, còn đứa bé thì thường xuyên thể hiện sự muốn chết.

Tôi đang nói đến tiểu thuyết The Road [Con đường] của Cormac McCarthy. Lần cuối cùng tôi nhớ mình bị chấn động bởi một tác phẩm hư cấu cách đây đã nhiều thập niên, khi tôi đọc Anh em nhà Karamazov lúc mình đang sốt cao: Tôi như cảm thấy sự hiện hữu của các nhân vật. Tôi vẫn còn nhớ Ivan và Alyosha dường như bồng bềnh trong không gian bên cạnh gường mình. Tuy nhiên, lần này tôi không ốm, cũng như không ảo giác.

Như nhiều người khác, tôi tìm thấy hứng thú trong những cuốn sách và bộ phim về đề tài tận thế. Tôi cũng thấy mình thường khó để giữ sự gián cách an toàn giữa những câu chuyện hư cấu ấy với bản thân hơn. Người cha kia là tôi. Đứa bé kia là cậu con trai 11 tuổi của tôi. Câu chuyện của họ như xuyên thấu qua lớp vỏ mà người ta vẫn bảo “chuyện tưởng tượng ấy mà”, thôi thúc tôi dặt câu hỏi, “Đây có là sự bắt đầu của cảnh tượng rồi sẽ trông giống thế hay không?”. Tôi cảm giác hoang mang. Và không thể nào ngủ được.

Tại sao lại tự tra tấn bằng những cuốn sách như thế cơ chứ? Tại sao lại dùng văn chương hư cấu để làm trầm trọng hơn những vết thương của ta, thay vì xoa dịu chúng hay, nếu không thể, thì để chúng yên? Người ta cũng có thể đặt câu hỏi tương tự về những thực hành phi hư cấu của tưởng tượng: Giả sử tôi ngẫm về một điều gì đó tôi đã làm sai và sau đó trải qua những dằn vặt tội lỗi về nó. Triết gia Spinoza nghĩ rằng hình thức hoạt động này là một sai lầm: “Sự hối hận không phải là một đức hạnh, nghĩa là, nó không trỗi dậy từ lý trí. Đúng hơn, kẻ hối hận cho những gì y làm phải trải qua hai lần khốn khổ.”

Nghe thế thì còn có vẻ điên rồ hơn cả việc phạm lỗi. Chúng ta, những kẻ đang đắm mình trong một nền văn hóa mà công luận luôn đòi hỏi sự xin lỗi, cần phải thận trọng để hiểu rằng Spinoza chỉ đưa ra một mệnh đề đơn giản về nền kinh tế tâm lý, rằng chẳng có lý gì để thêm một trạng thái tâm lý tiêu cực vào bất kể những gì tệ hại đã xảy ra. Khổ sở nhiều hơn không làm cho thế giới trở thành nơi tốt đẹp hơn. Hành động tinh thần khơi dậy sự hối hận hay tiếc nuối – hay đơn giản là nỗi buồn – là một hình thức tự trừng phạt trong tưởng tượng, và Spinoza muốn chúng ta phải tránh “những nỗi đau nảy sinh từ nỗi giày vò khôn khuây của con người về sự yếu đuối của y.”

Người ta có nên đọc những tiểu thuyết về đề tài tận thế giữa thời tận thế chăng? Còn có thể nói gì để nói cho việc ta bắt ta chịu đựng những khổ đau về cảm xúc không cần thiết? Tôi nghĩ là có.

Chúng ta không lựa chọn một cách tự ý thức về việc giằng xé lương tâm hay tiếc nuối ân hận, theo cách chúng ta chủ động chọn cuốn tiểu thuyết nào để động. Tuy nhiên, chúng ta có thể đánh đồng hai trường hợp này nếu ta thử xét giả thiết này: Tưởng tượng có người đưa cho ta một viên thuốc có thể làm ta miễn nhiễm với những suy nghĩ tiếc nuối hay dằn vặt. Bạn có chọn nó không? Nếu bạn nghĩ những suy tư đó là cần thiết để giúp bạn không sai lầm trong tương lai, thì bạn hãy yên tâm,  tôi đã tích hợp chức năng đó vào viên thuốc ấy. Bạn sẽ không ứng xử tệ hơn nếu đã dùng nó. Bạn sẽ chấm dứt những suy nghĩ tiêu cực.

Tôi có thể tưởng tượng những tình huống mà mọi thứ tồi tệ đến mức tôi sẽ sẵn sàng dùng viên thuốc trong giả thiết trên ấy. Thực tình phần lớn chúng đã đều đã dùng những phiên bản của viên thuốc này, với rượu, với chất kích thích hay đơn giản là xao lãng mọi sự. Nhưng không phải lúc nào và ngay lập tức, chúng ta sẽ chọn một viên thuốc như thế, nghĩa là chúng ta sẽ lựa chọn, một cách đầy ý thức và phản tỉnh, nuôi giữ nỗi khổ sở của mình, ít nhất là trong một khoảng thời gian nào đó. Và điều này thú vị. Tôi nghĩ “sự đáng khao khát” của những cảm xúc tiêu cực sẽ góp phần lý giải vì sao chúng ta lại đọc những cuốn tiểu thuyết mang đến nỗi hoang mang và niềm tuyệt vọng.

Nếu tôi có điều gì để dằn vặt, tôi muốn được dằn vặt. Nếu có chuyện gì đó đáng sợ xảy ra, tôi muốn được sợ hãi. Nghĩa là: khi mọi thứ tệ hại, tôi muốn đau khổ, lựa chọn sự đau khổ, thậm chí kiếm tìm sự đau khổ. Tại sao? Bởi vì đôi khi thứ lựa chọn khác duy nhất đối với sự khổ đau lại là một sự xa lạ và tê liệt, điều mà trên thực tế, còn tệ hơn cả việc cảm thấy tồi tệ – ngay cả khi sự xa lạ và tê liệt ấy đem đến cảm giác tốt hơn là việc cảm thấy tồi tệ.

Có thể hiểu điều này trong mối liên hệ với những điều tốt lành trong đời sống chúng ta, như một đứa con chào đời, dự đám cưới một người bạn, kỷ niệm một thành tựu. Những dịp như thế, ta đều muốn có mặt ở đó để trải nghiệm trực tiếp và rồi trải nghiệm lại chúng thông qua ký ức tưởng tượng. Việc biết một đứa bé chào đời không thể thay thế cho việc ta được trực tiếp nhìn ngắm và chạm vào đứa bé, và việc nhớ lại rằng  đứa bé đã được chào đời không thay thế được những cảm giác cụ thể khi ta ẵm đứa bé lần đầu trên tay. Chúng ta muốn trải nghiệm những gì được coi là tốt – song chúng ta cũng khát khao được nếm trải những gì là tệ hại nữa.

Khi chúng ta trong tình trạng bị cách ly, chúng ta muốn được giải trí, tiêu khiển hay quên mọi sự đời. Chúng ta nên biết ơn những người giúp ta làm được điều ấy; họ sẽ khiến tình trạng bị cô lập, sợ hãi và bất an của ta trở nên dễ chịu đựng hơn. Nhưng khi tình thế của ta không thể chịu đựng hơn được nữa, chúng ta cũng muốn đối mặt với nó, muốn can dự trọn vẹn vào những gì đang xảy đến với ta. Chúng ta sử dụng những tưởng tượng của mình về những sự tồi tệ để tạo nên một tấm gương bên trong của những sự dữ bên ngoài: chỉ khi những sự dữ ấy thâm nhập vào sân khấu tâm trí của chúng ta, chúng ta mới thật sự “thấy” chúng.

Nỗi đau mà ta có thể chấp nhận hầu như không phải là nỗi đau; nỗi đau mà ta không thể chấp nhận – ta gọi nó là sự chịu đựng hay nỗi thống khổ. Trong The Road, người đàn ông và con trai của mình đã trải qua quá nhiều mất mát và đau đớn đến nỗi họ đã quen với trạng thái buồn bã thẳm sâu của đời sống; họ hoàn toàn chấp nhận sự sụp đổ của nền văn minh đến mức, theo những cách nào đó, họ dường như rời khỏi tấn bi kịch đang bao vây và muốn nhấn chìm họ xuống. Nhưng độc giả thì chưa quen được – ta có thể nói, người đọc cảm nhận tình trạng ấy qua nhân vật. The Road là một cuốn tiểu thuyết mời gọi sự tham dự của người đọc: Các nhân vật trong đó lê bước qua vùng đất hoang trong sự tê liệt và lãnh đạm với toàn bộ thế giới; còn chúng ta, những người đọc, có nhiệm vụ cảm nhận nỗi đau của họ.  Cuộc khủng hoảng do đại dịch corona đã trang bị cho độc giả những tiền đề tốt để có thể thấu cảm với những nỗi đau không dễ cảm thấy ấy. Chúng ta hoang mang với những gì xảy ra cho người cha và đứa con vì ta e sợ rằng điều đó có thể cũng xảy ra đối với mình. Nỗi sợ ấy lửng lơ trong không khí quanh ta, chúng ta dùng những cuốn sách hay bộ phim mang nó vào nhà, hít thở nỗi thống khổ thật sâu vào ta nhiều nhất có thể.

Tại sao chúng ta lại đọc những tiểu thuyết về đề tài tận thế? Xem những bộ phim về đề tài tận thế?

Vì chúng ta không muốn chạy trốn. Chúng ta muốn ở đây, bây giờ. Ngay cả khi điều này gây đau đớn.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Agnes Callard, “Why am I Reading Apocalyptic Novels Now?”, https://www.nytimes.com/2020/03/31/opinion/coronavirus-apocalyptic-novels.html