Monthly Archives: Tháng Ba 2020

Martin Hägglund – Tại sao sự hữu tử làm chúng ta tự do?

Martin Hagglund (sinh năm 1976) hiện đang là giáo sư Ngành Nhân văn và Văn học so sánh tại Đại học Yale. Năm 2019, ông là chủ nhân của giải thưởng René Wellek do Hiệp hội nghiên cứu văn học so sánh Hoa Kỳ trao tặng cho chuyên luận: This Life: Secular Faith and Spiritual Freedom.

Đọc bài viết ngắn này của ông trong những ngày đại dịch hoành hành, tôi như cảm nhận được sự cộng hưởng mang tính thời sự của nó và cả sự an ủi mà triết học có thể đem đến cho con người trong những khoảnh khắc khủng hoảng.

Trong số tất cả các tôn giáo trên thế giới, Phật giáo nhận được sự kính trọng và mến mộ từ những người đang tìm kiếm một hình mẫu cho “đời sống tâm linh” nằm ngoài tôn giáo truyền thống. Thậm chí nhà vô thần học nổi tiếng Sam Harris cũng hướng tới hình thức thực hành Thiền trong cuốn sách bán chạy của ông Waking Up: A Guide to Spirituality Without Religion (Tỉnh thức: Một chỉ dẫn cho tâm linh không cần tôn giáo). Điều này dễ hiểu vì các phương pháp thực hành Thiền có thể đem đến những hiệu quả lớn cho những mục đích thế tục. Đặc biệt, đã có những thành công trong việc cải biên và ứng dụng những hình thức đa dạng của phương pháp thiền vào hoạt động trị liệu nhận thức (cognitive therapy) cũng như cho những hình thức thực tế  của việc giáo dục lòng cảm thông. Nếu ta học các phương pháp Thiền cho những mục đích trị liệu như vậy – hay đơn giản là để nhằm có thêm sức mạnh và năng lượng, thì đó là ta đang cải biên và vận dụng chúng cho một dự án thế tục. Ta thực hành thiền như một phương tiện để đạt tới mục đích là đào sâu năng lực của mình trong việc chăm sóc người khác và cải thiện chất lượng cuộc sống của bản thân.

Tuy nhiên, mục đích cứu rỗi của Phật giáo là giải thoát khỏi bản thân đời sống hữu hạn. Một ý niệm về cứu rỗi như thế cũng trở đi trở lại trong nhiều tôn giáo trên thế giới, nhưng trong nhiều nhánh Phật giáo, có thể thấy rõ một sự thành thực trong những ẩn ý về sự cứu rỗi. Thay vì hứa hẹn rằng đời sống ta sẽ được tiếp nối, hay ta có thể gặp lại người mình yêu quý, sự cứu rỗi của niết bàn (nirvana) lại đòi hỏi sự biến mất của chính ta. Mục đích này không phải hướng đến một đời sống tự do, với những đau đớn và chịu đựng mà một đời sống như thế đòi hỏi, mà là để hướng đến một sự “đốn ngộ” rằng “ngã” của ta chỉ là ảo ảnh và tan rã trong tính phi thời gian của niết bàn. Điều rốt cục quan trọng hơn cả ở đây là đạt đến một trạng thái ý thức nơi mọi thứ không còn gì là quan trọng, vì thế người ta có nghỉ ngơi thanh thản.

Kết luận của Phật giáo như có phần cực đoan khi nó được phát biểu theo cách này, song trên thực tế nó làm rõ những gì hàm ẩn trong tất cả những ý tưởng về sự cứu rỗi vĩnh cửu. Thay vì làm cho đời sống của chúng ta có ý nghĩa, cái vĩnh cửu sẽ làm nó trở nên vô nghĩa, vì hành động của chúng ta sẽ không mang mục đích gì. Vấn đề này có thể thấy ngay cả bên trong những truyền thống tôn giáo chủ trương đức tin vào đời sống vĩnh cửu. Một bài báo trên U.S. Catholic đặt câu hỏi: “Thiên đường: Liệu nó có buồn tẻ?” Bài báo trả lời”Không”, vì trên thiên đường, không phải các linh hồn “được triệu hồi về trạng thái nghỉ ngơi vĩnh viễn mà ở trong trạng thái hoạt động mãi mãi – bận tâm về xã hội mãi mãi.” Tuy nhiên câu trả lời này chỉ làm vấn đề nổi lên, vì ở thiên đường thì có gì để mà bận tâm.

Sự bận tâm tiền giả định phải có cái gì đó có thể sai lạc hoặc có thể mất mát; nếu không chúng ta sẽ chẳng để ý làm gì. Một trạng thái hoạt động vĩnh cửu – cũng như một trạng thái nghỉ ngơi vĩnh cửu – chẳng làm ai bận tâm vì nó không thể ngừng lại và cũng chẳng cần ai duy trì nó. Vấn đề không phải nằm ở chỗ trạng thái hoạt động vĩnh cửu sẽ “buồn tẻ” mà là vì sẽ không được hiểu là hoạt động của chính tôi. Bất cứ hoạt động nào của tôi (dù nó là hoạt động buồn tẻ đi nữa) đều cần tôi để duy trì nó. Trong trạng thái hoạt động vĩnh cửu, không thể có một cá nhân buồn chán – hay dính líu đến nó theo bất kỳ cách nào khác – vì một hoạt động vĩnh cửu không phụ thuộc vào việc nó được duy trì bởi ai.

Một sự cứu rỗi vĩnh cửu, do đó, không những là thứ không thể đạt đến mà còn là thứ không thể khao khát (undesirable), vì nó sẽ loại bỏ sự bận tâm và đam mê – những gì làm cho đời sống chúng ta có sinh khí. Những gì chúng ta làm và những gì chúng ta yêu chỉ quan trọng đối với chúng ta mà thôi vì chúng ta hiểu rằng mình là kẻ hữu tử. Sự tự nhận thức ấy hàm ẩn trong mọi cam kết và mối ưu tiên của chúng ta. Câu hỏi chúng ta nên làm gì với thời gian của mình – một câu hỏi được đặt ra trong mọi việc chúng ta làm – tiền giả định chúng ta hiểu thời gian của mình là hữu hạn.

Vì thế, hữu tử là điều kiện của tác lực (agency) và tự do. Tự do không có nghĩa là trở nên toàn quyền và được giải phóng ra khỏi mọi câu thúc. Đúng hơn, chúng ta tự do vì chúng ta có thể tự hỏi mình: mình nên làm gì với thời gian của mình. Mọi hình thức của tự do – tự do hành động, tự do ngôn luận, tự do yêu đương – đều có thể được hiểu là tự do chỉ khi chúng ta đều được quyền đặt câu hỏi: mình nên làm gì với thời gian của mình. Nếu như chúng ta việc chúng ta làm gì, nói gì, yêu gì đều là thứ được cho sẵn – nói tóm lại: nếu việc chúng ta nên làm gì với thời gian của ta là việc cho sẵn, việc đã được mặc định, chúng ta không tự do.

Khả năng đặt câu hỏi mình nên làm gì với thời gian của mình là điều kiện cơ bản cho thứ mà tôi gọi là tự do tinh thần. Để sống một đời sống tự do, mang ý nghĩa tinh thần (hơn là một đời sống chịu sự chi phối đơn thuần của những bản năng tự nhiên, tôi phải chịu trách nhiệm cho những gì mình làm. Điều này không có nghĩa là tôi thoát khỏi những câu thúc của tự nhiên và xã hội. Tôi không lựa chọn để được sinh ra với những giới hạn và khả năng mà mình có. Hơn nữa, tôi không thể kiểm soát ai sẽ để tâm đến mình, việc họ làm gì đối với tôi và cho tôi. Gia đình tôi – và ngữ cảnh lịch sử rộng hơn mà tôi được sinh ra – đã nhào nặn nên tôi trước khi tôi có thể làm điều gì đối với nó.

Tương tự, các chuẩn mực xã hội tiếp tục nói với tôi, rằng tôi có thể định hình bản thân mình là ai và tôi có thể làm gì với đời mình. Không có các chuẩn mực xã hội – những thứ tôi không thể phát minh và chính chúng nhào nặn nên thế giới mà ở đó tôi tìm thấy mình, tôi không thể biết mình là ai và mình phải làm gì. Tuy nhiên, tôi chịu trách nhiệm cho việc duy trì, thách thức hay cải biến những chuẩn mực này. Tôi không đơn thuần bị quyết định một cách ngẫu nhiên bởi tự nhiên hay các chuẩn mực mà bởi tôi hành động trong tương quan với các chuẩn mực mà tôi có thể thách thức hay cải biến. Thậm chí với cái giá phải trả là chính sự sống sinh học của mình, cuộc sống yên ổn hay chỗ đứng xã hội của mình, tôi có thể trao đời sống của bản thân cho một nguyên tắc mà mình cam kết hay một lý tưởng mà tôi đặt niềm tin. Đó là những gì mà việc nuôi dưỡng một đời sống tinh thần cần theo đuổi. Tôi phải luôn sống trong mối liên hệ với sự chết không thể thay đổi được của mình – nếu không sẽ chẳng có gì bị lâm nguy khi tôi dành đời sống của mình cho một điều gì đó.

Bất kỳ một hình thức của đời sống tinh thần nào, bởi thế, phải được truyền sinh khi bởi nỗi lo âu hữu tử, thậm chí ở trong việc hiện thực hóa những khát vọng sâu xa nhất của mình. Không thể giản quy nỗi lo lắng trước cái chết về một tình trạng tâm lý mà người ta có thể hay nên vượt qua. Đúng hơn, âu lo là một điều kiện để việc sống một đời sống tự do và cam kết với nỗi đam mê trở thành việc có thể hiểu được. Chừng nào đời sống còn quan trọng với ta, chúng ta cần phải được kích hoạt bởi nỗi âu lo rằng thời gian của mình là hữu hạn, vì nếu không sẽ chẳng có gì thúc hối để làm việc gì đó và trở thành một ai đó.

Ngay cả nếu dự phóng của bạn là sống một đời sống không có những lo lắng về mặt tâm lý trước cái chết – thí dụ, bằng việc toàn tâm toàn ý thực hành Thiền – thì dự phóng này chỉ có thể được hiểu khi  bạn lo lắng làm sao để phí đời mình cho việc âu lo trước cái chết. Chỉ trong nhận thức rằng mình sẽ chết – đời sống của ta vô hạn mà hữu hạn – ta mới có thể băn khoăn mình nên làm gì với đời mình, đánh cược đời mình trong những hành động. Đó là lý do tại sao tất cả nhãn quan tôn giáo về sự vĩnh cửu, cuối cùng, vẫn cứ là nhãn quan về sự không tự do (unfreedom). Khi đạt tới vĩnh cửu, ta chẳng còn câu hỏi mình biết làm gì với đời mình. Chúng ta sẽ đắm mình trong nỗi hân hoan vĩnh viễn và do vậy, tước đi bất kỳ tác lực khả dĩ nào. Thay vì thiết lập mối quan hệ tự do với việc mình làm và điều mình yêu, chúng ta bị thôi thúc bởi việc cần thiết hưởng thụ nó.

Ngược lại, ta nên nhận thức được rằng ta phải bị tổn thương – ta phải bị đánh dấu bằng sự chịu đựng đau đớn, mất mát và âu lo trước cái chết – để sống đời sống của mình và quan tâm đến người khác. Nhờ đó, chúng ta mới hiểu được đời sống bên nhau là mục đích tối hậu của chúng ta. Thứ chúng ta đang đánh mất không phải là niềm hân hoan vĩnh viễn mà những hình thức xã hội và thiết chế cho phép chúng ta sống một đời sống mạnh mẽ. Đó là lý do vì sao phê bình tôn giáo phải đi cùng với phê bình những hình thức hiện đang tồn tại của đời sống giữa chúng ta với nhau. Nếu ta chỉ phê phán quan điểm cứu rỗi của tôn giáo mà không tìm cách vượt lên những bất công xã hội mà tôn giáo đã phản ứng – sự phê phán sẽ trở nên trống rỗng và trịch thượng. Nhiệm vụ của chúng ta là thay đổi các điều kiện xã hội theo cách nào đó để ta có thể buông bỏ lời hứa hẹn về sự cứu rỗi và nhận ra mọi thứ phụ thuộc vào việc chúng ta sẽ làm gì bên nhau trong thời gian hữu hạn của mình. Trung tâm của đời sống tinh thần không phải là sự tĩnh lặng rỗng không của trạng bình thản vĩnh cửu mà là sự tri nhận cùng lúc cả sự mong manh lẫn tự do của chúng ta.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Martin Hagglund, “Why Mortality Makes Us Free?”, https://www.nytimes.com/2019/03/11/opinion/why-mortality-makes-us-free.html

Stephen Greenblatt – Những viên đạn vô hình: Những gì mà Lucretius dạy chúng ta về đại dịch

Trong đại dịch thì có gì khỏe mạnh? Có – đó là tư tưởng. Tai họa bất ngờ giáng xuống nhân loại trong những tháng đầu tiên của năm 2020 là một thách thức hiện sinh mời gọi con người không chỉ hành động mà còn phải hành động đi cùng với suy tư. Đây là thời điểm mà hầu hết các nhà nhân văn quan trọng trong thế giới đương đại đều cất tiếng nói thúc đẩy sự phản tỉnh của con người về những giá trị, về những hình thái tổ chức xã hội, và về ý nghĩa của chính mình.

Stephen Greenblatt (1943) là nhà nghiên cứu ngữ văn có ảnh hưởng lớn bậc nhất hiện nay. Ông là một đại diện xuất sắc của trường phải Tân Duy Sử luận, một học giả hàng đầu về Shakespeare, là tác giả của những công trình được cả giải thưởng Pulitzer và National Book Award của Mỹ. Bài viết này của ông, với tôi, là một góc nhìn điềm tĩnh và mang nhiều hy vọng cho tình thế của nhân loại.

800px-Start_of_Lucretius_DRN_manuscript

*

Năm 1585, nhà khoa học vĩ đại nhất thời Elizabeth, Thomas Harriot, được nhà bảo trợ của mình, Sir Walter Raleigh cử đến vùng thuộc địa mới lập của Anh ở Virginia để đánh giá các nguồn tài nguyên thiên nhiên, quan sát cư dân Algonquian và xem xét khả năng sinh sống của những người Anh đi khai hóa ở đây. Harriot, người đã rất tích cực để học ít nhất một chút ngôn ngữ của người Algonquin ở Carolina và để thiết lập cái mà ông gọi là “sự thân mật cần thiết với một số tu sĩ trong cộng đồng của họ”, đã bị ấn tượng bởi phần lớn những gì mà mình quan sát được. Ông ngưỡng mộ những kỹ thuật của người bản xứ trong nông nghiệp, săn bắn, chài lưới, những vị lãnh đạo có sức ảnh hưởng và được tôn kính trong cộng đồng; những mối liên kết bền vững trong gia đình và thị tộc của họ.

Người Anh đến khai hóa chỉ là một nhóm nhỏ đàn ông lam lũ – Raleigh không đưa phụ nữ đến vùng đất ở mới ở giai đoạn đầu khai phá này – sống giữa một vùng đất rộng lớn, còn chưa có tên trên bản đồ vốn lại nơi định cư của những người dân được tổ chức tốt, làm ăn thịnh vượng và kiêu hãnh. Harriot thấy họ không phải là những người dễ dàng chịu khuất phục. Song, như những gì ông viết trong “Một báo cáo ngắn gọn và chân thực về vùng đất mới lập ở Virginia” từ năm 1588, ông tự tin rằng những người Anh khai phá thuộc địa sẽ thu hoạch được nhiều kết quả tốt ở đây nhờ ưu thế thượng phong về kỹ thuật của mình: “súng, sách vở, chữ viết và khả năng đọc, đồng hồ lò xo dường như đi cùng với họ,” v.v… Và những người mới đế, dẫu số lượng còn nhỏ, lại còn có thêm lợi thế. Hễ người Anh đi đến đâu, Harriot thuật lại, nếu bất cứ người bản địa nào định chống lại họ, thì “chỉ trog vài ngày sau khi chúng tôi xuất phát,  từ mọi thị trấn, người dân bắt đầu chết rất nhanh và nhiều trong một khoảng cách ngắn về không gian; ở một số thị trấn là 20 người, có nơi là 40 người, có nơi là 60, có nơi đến 1/6 số dân tử vong, có nghĩa là, tỉ lệ người chết là rất lớn… Bệnh dịch cũng lạ kỳ, nghĩa là họ chẳng biết đó là bệnh gì, cũng như làm sao để chữa trị, những bậc lão niên trong cộng đồng cho hay chuyện như thế xưa nay chưa từng xảy ra trên xứ của mình.”

Harriot, cố nhiên, chứng kiến những hậu quả hãi hùng của virus – đậu mùa, sởi, cúm, và nhiều thứ bệnh tương tự – đối với một cộng đồng mà trước đó chưa hề phải hứng chịu những thảm họa như thế, nhưng ông lại diễn dịch những hậu quả này là sự trừng phạt do trời giáng đối với những người bản địa “đã tìm cách để chống lại chúng ta.” Về phần mình, những người Algonquian cũng nghĩ rằng có một mối liên hệ giữa dịch bệnh và những người mới đến, nhưng, như Harriot ghi chép, họ có cách giải thích rất khác về những gì đang xảy ra khi đó. Họ suy diễn rằng một nhóm những kẻ thực dân đi khai thá thuộc địa chỉ mới chỉ là những gì khởi đầu. Họ sợ rằng cò có những thứ khủng khiếp hơn nữa sẽ xảy đến “giết họ và lấy đất của họ.” “Những thứ đấy đến ngay sau chúng ta [những người Anh đầu tiên], “ Harriot viết, “họ tưởng tượng rằng nó ở trong không khí, tuy nhiên vô hình và không có cơ thể, rằng, nhờ những lời khẩn cầu và tình yêu của chúng ta, chúng sẽ khiến người dân của họ chết… bằng việc bắn những viên đạn vô hình vào họ.”

“Những viên đạn vô hình”: người Algonquian đã biến thứ kỹ thuật giết người mà người Anh mang vào xứ sở của họ thành một ẩn dụ xuất sắc về bệnh dịch mà chính thực dân cũng đã đem đến nơi này, một thứ bệnh dịch mà họ đã hoàn toàn đúng khi sợ rằng nó sẽ tạo đà cho sự phá hủy xã hội của họ. Việc Harriot cố công ghi lại ẩn dụ này là một dấu hiệu thể hiện tài năng đặc biệt của ông trong tư cách một nhà dân tộc chí, nhưng nó cũng có thể phản ánh những hứng thú suy tư của cá nhân ông. Thực ra mà nói, chính ông là người đã sáng tạo nên ý niệm ấy, để củng cố niềm tin cho độc giả Anh rằng thứ dịch bệnh ấy đã giáng xuống những kẻ âm thầm chống lại những người đi khai phá thuộc địa, do đó, nó là “một công việc đặc biệt của Thượng đế.” (Theo một logic vòng tròn vốn luôn là đặc trưng của những lối kiến giải như vậy, bằng chứng cho sự tồn tại của những âm mưu như thế chính là cái chết của những kẻ được coi là chủ mưu.) Nhưng trong suốt sự nghiệp của mình, Harriot vẫn luôn bị nghi ngờ là một kẻ vô thần, đặc biệt hơn nữa là một môn đồ của triết gia cổ đại theo trường phái Epicureanism[1] – Lucretius. Và Lucretius[2], như ta đã biết, dành sự chú ý đặc biệt đến các dịch bệnh.

Trong kiệt tác triết học của mình, “On the Nature of Things” (Bàn về bản chất của các sự vật) được viết vào khoảng năm 50 trước Công nguyên, Lucretius đã trình bày những luận điểm để biện hộ cho một tư tưởng duy vật chủ nghĩa triệt để. Con người, theo đó, không nên co rúm lại trong nỗi sợ hãi sự trừng phạt của thần linh, ông viết, hay thực hiện những nghi lễ hiến sinh mang tính chất nô lệ với hy vọng nhận được sự ban thưởng của thần thánh. Vũ trụ không phải thứ đồ chơi bí ẩn của các vị thần hay các quỷ dữ: nó được cấu tạo bởi các nguyên tử và sự trống rỗng, ngoài ra thì chẳng có gì cả. Nguyên tử – Lucretius gọi chúng là semina rerum, “những hạt giống của sự vật” – luôn ở trong trạng thái chuyển động, không ngừng đổi hưởng, va đụng, kết hợp, chia tách và tái kết hợp trong những khuôn mẫu mới, chưa từng thấy trước đó. Trong tất cả sự chuyển động này, không có một khuôn mẫu cố định, không có một chủ ý bao quát toàn bộ, cũng chẳng có dấu vết của một thiết kế thông minh, Thay vào đó, trong sự mở rộng không biên giới của thời gian và không gian, chỉ có những sự hoán chuyển không ngừng, ngẫu nhiên. Những hình thức cũ liên tục chết đi; những hình thức mới không ngừng xuất hiện.

Đối với Lucretius, nhãn quan này mang đến niềm an ủi lớn: thay vi khổ sở bởi các vị thần hay âu lo về kiếp sau, ta nên chú mục vào chính thế giới này, cái thế giới duy nhất mà ta thực sự nếm trải, và  bình tâm tìm cách nâng cao những hoan lạc cho mình và cho mọi người quanh mình. Nhưng ông biết rằng nhận thức mới mà ông đem đến này không được bảo đảm chắc chắn. Nếu các bệnh tật không phải do các vị thần nổi giận gây ra cho chúng ta thế thì chúng phải đến từ đâu đó, nói thẳng ra là chúng bắt nguồn từ những vòng xoáy không ngừng của các nguyên tử vốn sinh ra mọi thứ khác. Những hạt giống của sự vật, như ông viết (theo bản dịch của Rolfe Humphries):

Cần thiết để nâng đỡ sự sống của chúng ta

Cũng tương tự như vậy, điều hiển nhiên là

Mọi thứ xung quanh ta, những hạt độc hại

Cũng đang bay, những hạt bụi của ốm đau và chết chóc

Khi những hạt độc hại đối với chúng ta bắt đầu chuyển động,  sự hỗn loạn được khuấy động theo, “và những đổi thay phát huy hiệu lực/ trong những góc thân quen của chúng ta.” Ở những thời điểm như thế,  có điều gì đó rất lạ lùng xảy ra đối với thê giới mà ta vốn nghĩ mình biết rõ về nó. Bầu trời trên đầu ta dường như cùng lúc vừa là nó, vừa không phải là nó, tất cả sự vật tồn tại dường như đều trở nên dáng sợ. Bệnh dịch, như Lucretius viết,

Rơi xuống nước hay xuống cánh đồng

Rơi xuống những nguồn nuôi dưỡng cả quỹ dữ lẫn con người

Hay lơ lửng trong chính không khí

Mà ta hít vào theo hơi thở của mình, rồi đưa nó xuống

Khắp cơ thể của ta

Chẳng có gì ngạc nhiên khi  sự ảm đạm toát lên trên khuôn mặt người và tâm trí thì xáo động bởi nỗi sầu muộn và sợ hãi. Trong “Bàn về bản chất của các sự vật”, Lucretius kết thúc bằng những mô tả đau lòng về trận đại dịch có sức tàn phá khủng khiếp đã giáng xuống người Athen trong cuộc chiến Peloponnesian. Việc bài khép lại đột ngột với những dòng u ám như thế đã khiến nhiều học giả kết luận hẳn Lucretius đã chưa hoàn tất tác phẩm này. Thậm chí còn có cả một giai thoại cho rằng ông chết bất ngờ vì một loại chất độc mà vợ ông đưa cho ông.

Có lẽ là thế thật. Nhưng cuộc chiến đấu hiện giờ của chúng ta với đại dịch COVID-19 đã khiến ta có thể đọc lại đoạn kết bài thơ này trong một thứ ánh sáng mới. Một trận dịch, sau cùng, đã kiểm tra chúng ta theo những cách thức độc đáo. Nó lạnh lùng đánh giá lại các giá trị của chúng ta, chất vấn những giả định quen thuộc của chúng ta, rọi một thứ ánh sáng vô cảm vào trật tự xã hội, chính trị và tôn giáo của chúng ta. Khi tôi đang ngôi đây trong tình trạng “tự cách ly tự giác” – vì tôi vừa mới từ nước Ý trở về Hoa Kỳ, tôi đã băn khoăn rằng liệu đoạn kết của bài thơ với hình ảnh của trận đại dịch được vẽ ra bằng ngôn từ này có thật sự hoàn toàn nằm trong chủ định của tác giả? Đây chính xác là một thách thức hiện sinh, Lucretius nghĩ thế, mà bất cứ xã hội nào đáng sống và bất cứ thứ triết học nào đáng giá phải hướng đến. Khi mọi thứ vận hành tốt đẹp, rất dễ để suy tư về vị trí của chúng ta trong thế giới vật chất. Song nếu mọi thứ không vận hành tốt đẹp – nếu sự chuyển động của những hạt mầm sự vật đem đến bệnh tất và chết chóc thì sao? Chỉ khi ta có thể đối mặt với những viên đạt vô hình lúc nào cũng có xung quanh ta mà vẫn giữ được sự bình tâm, tỉnh táo và theo cách nào đó, tìm thấy hoan lạc trong đời sống, ta mới thật sự nhận thức được bài học mà bài thơ của Lucretius muốn dạy.

Nếu nhìn vào tin tức, hầu hết chúng ta dường như đang ở rất xa kinh nghiệm này của chủ nghĩa Epicurus. Nhưng những tường thuật mới đây từ Ý,  mô tả chi tiết cảnh nhiều người đồng bào của Lucretius hiện đang sống trong các khu vực cách ly đứng ở ngoài ban công ca hát giữa bệnh dịch trao cho tôi hy vọng. Họ nhắc chúng ta, cùng với khoa học, một lãnh địa khác nơi sự kiên cường và sáng tạo của con người đạt đến đỉnh cao là nghệ thuật. Ở Lucretius, hai lĩnh vực này khớp nối với nhau: những luận bàn triết học của ông về các nguyên tử, về lạc thú, về bệnh dịch mang hình thức của một bài thơ, một bài ca để hát lên.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Stephen Greenblatt, “Invisble Bulltes: What Lucretius Taught Us about Pandemics?”,  https://www.newyorker.com/culture/culture-desk/invisible-bullets-what-lucretius-taught-us-about-pandemics?utm_medium=social&utm_brand=tny&utm_source=facebook&utm_social-type=owned&mbid=social_facebook&fbclid=IwAR225NXmW4oK00m3hfmG7ow4e5DE9y_SvTcL9CDs7GemNrNc7MUpvanMBSU

[1] Epicurus (341-270 trước Công nguyên), triết gia cổ đại Hy Lạp. Ông là người sáng lập nên trường phái Epicureanism có sức ảnh hưởng lớn trong lịch sử triết học. Đối lập với truyền thống triết học Plato trước đó và các nhà khắc kỷ sau đó, triết học của trường phái Epicureanism theo khuynh hướng duy vật và đề cao khoái lạc trong đời sống trần thế của con người.

[2] Lucretius (99-55 trước Công nguyên), nhà thơ và triết gia người La Mã. Tác phẩm “Bàn vế bản chất của các sự vật” của ông là một bài thơ, đồng thời là công trình diễn giải tư tưởng triết học của trường phái Epicureanism cho công chúng La Mã đương thời.

Michael Marder – Coronavirus là chính chúng ta

Michael Marder là giáo sư triết học tại Đại học xứ Basque. Tôi chú ý đến ông khi quan tâm đến những động hướng phát triển của phê bình sinh thái. Ông là một học giả được nhắc đến nhiều trong nhánh nghiên cứu Critical Plant Studies với các chuyên luận như Plant-Thinking: A Philosophy of Vegetal Life (2013), The Philosopher’s Plant: An Intellectual Herbarium (2014), Through Vegetal Being: Two Philosophical Perspectives (đồng tác giả với Luce Irrigaray). Bài viết này của ông có lẽ mới là một phác thảo ý tưởng nhưng tôi cho rằng ông có tiếp thu tư tưởng của Gilles Deleuze về tồn tại: tồn tại tức là đang trở thành. Marder nhận thấy xã hội loài người trên thực tế đang ở trong quá trình trở thành virus. Và nhận thức này đòi hỏi con người trước hết phải nghĩ khác đi về chính mình và xã hội loài người.

ary3d-post-apocalyptic-cit-1-a618068b-1a58

 

*

Sự bùng phát của virus corona chủng mới (COVID-19), giờ đang có nguy cơ trở thành đại dịch chính thức, đã bắt đầu gây ra hỗn loạn trên phạm vi toàn cầu, khiến một số quốc gia phải ban bố tình trạng báo động. Nó đã gieo rắc nỗi hoảng sợ, bóp thắt các thị trường tài chính, và đau đớn hơn cả, dẫn đến những tổn thất về sinh mạng. Cho đến lúc này, hầu như chúng ta chẳng có thời gian để suy tư và rất ít người dừng lại băn khoăn, rằng khủng hoảng này có thể nói điều gì về chính chúng ta – về thân thể, cộng đồng, hệ thống chính trị của chúng ta, về bản chất của tính kết nối tương thuộc giữa chúng ta vốn ngày càng tăng cường và vượt qua các biên giới. Nhưng tôi tin thứ virus này có những điều rất quan trọng để nói với chúng ta.

Ngay trước khi bệnh dịch này bùng phát, việc dựng nên những bức tường, phong tỏa các biên giới – giữa Hoa Kỳ và Mexico, Israel và Palestine, Hungary và Serbia cùng với Croatia, và ở nhiều nơi khác nữa – đang trở thành một xu thế toàn cầu. Sự hồi sinh của chủ nghĩa dân tộc vốn kích động xu thế này đã nuôi dưỡng chính mình trên nỗi sợ những kẻ di dân và định kiến xã hội, trong khi lại xưng tụng những lý tưởng bất khả về sự thuần khiến bên trong những tổ chức xã hội được xây thành đắp lũy bao quanh.

Việc đóng biên giới, hạn chế du lịch và các phương thức cách ly đang được áp dụng để đối phó với virus, trên bề mặt, là những biện pháp y tế, nhưng đồng thời chúng cũng mang ý nghĩa tượng trưng, theo cùng một logic cơ bản với việc dựng nên những bức tường vật chất vì những lý do chính trị. Cả hai kiểu hành động này đều nhằm đảm bảo an toàn cho công dân, trao cho họ một cảm giác về sự an toàn “giả”.  Cùng lúc đó, chúng không quan tâm đến vấn đề chính yếu – tình trạng tệ hại của việc quản trị và đưa ra các quyết định trên phạm vi xuyên quốc gia, điều cực kỳ quan trọng để giải quyết vấn đề như biến đổi khí hậu, khủng hoảng nhập cư, bệnh dịch lan tràn và tội phạm kinh tế như trốn thuế.

Thuyết sinh tồn lúc nào cũng đi theo một quỹ đạo song song với chủ nghĩa dân tộc virus (virulent nationalism). Cốt lõi của nó là sự hư cấu về con người cá nhân tự lực, hoàn toàn độc lập và tự trị giống như Robinson Crusoe, một gã đủ thông minh và mạnh mẽ để có thể tự cứu mình và có lẽ gia đình của anh ta (việc dùng đại từ chỉ nam giới ở đây hoàn toàn không ngẫu nhiên). Theo lối mòn của học thuyết thần học về sự cứu rỗi vốn chỉ dành cho số ít được lựa chọn, ý hướng này trừu tượng hóa loài người, tách biệt loài người khỏi môi trường, cộng đồng, kinh tế và những bối cảnh khác của đời sống của họ.

Khi hoảng loạn bắt đầu phát sinh ở một chốn nào đó, việc đóng cửa biên giới của bản thân giống như một động thái chính trị bảo thủ: thực phẩm và thuốc men dược tích trữ trong khi đó một số ít những kẻ giàu có nhất thì chuẩn bị cho mình boong-ke xa xỉ chờ ngày tận thế. Song những gì mà chủng virus mới này cho thấy, trái ngược với những hư cấu về khả năng sinh tồn, các biên giới theo định nghĩa thông thường đều bị xốp, dù có được kiên cố hóa thế nào đi nữa, chúng vẫn giống như những màng sống hơn là những bức tường vô cơ. Cá nhân hay nhà nước nào càng cố gắng tìm cách cắt đứt mình với bên ngoài thì lại càng khốn đốn.

Còn hơn cả những sự bùng phát thi thoảng đe dọa chân trời toàn cầu tưởng như bình lặng, virus chính là sự hình tượng hóa thế giới chính trị và xã hội đương đại. (Ta có thể nói đùa theo kiểu dân lập trình rằng: virus không phải là virus mà là một tính năng.) Và trong trường hợp này, một biểu tượng mới, tinh tế hơn bức tường đã xuất hiện – vương miện.

COVID-19 thuộc nhóm virus RNA có thể truyền giữa người và động vật. Như thế, nó không tuân theo hệ thống phân loại tự nhiên và ranh giới giữa các loài. Con virus có bề mặt hình cầu, đầu nhọn giống như cây trùy này được đặt tên là corona, vốn xuất phát từ chữ Latin có nghĩa là “crown” (vương miện), còn trong tiếng Hy Lạp, korōnē, thì có nghĩa là “vành hoa”, “vòng hoa”. Đó hoàn toàn là một hình ảnh hoàn hảo về quyền uy tối thượng: một chiếc vương miện được trao cho một thực thể vi mô, xóa nhòa sự phân định giữa các lớp sinh thể khác nhau cũng như phạm vi của sự sống và cái chết. Vượt qua những biên giới cũ, thứ virus này trở thành hình tượng về quyền uy tối thượng trong thời đại của sự phân tán quyền lực. Để hiểu được nó hoạt động thế nào, ta phải nhìn vào cơ chế mà quyền lực hiện nay đang vận hành.

Một khía cạnh trong hoạt động của virus là nó có thể thâm nhập vào và sao chép lại các tế bào chủ và các chương trình máy tính. Một khía cạnh khác là nó có thể tự nhân mình lên càng rộng càng tốt. Trong thế giới của truyền thông xã hội, cả hai khía cạnh này đều thực sự gây thèm muốn: Khi một bức ảnh, một đoạn video, một chuyện cười hay một câu chuyện được chia sẻ và nhanh chóng lan tỏa giữa những người dùng internet và điện thoại di động, người ta nói nó đang trở thành “viral” (tính từ của virus). Một nội dung mang tính viral cao không chỉ cần đến sự nhân rộng với tỉ lệ cao, nó còn cần phải gây ra một tác động, có thể hình dung như khả năng nó sao chép văn bản xã hội mà nó đã thâm nhập vào được. Mục tiêu cuối cùng là phải khẳng định được ảnh hưởng của ai đó thông qua một hình ảnh hay câu chuyện được phát tán rộng khắp và chiếm lĩnh quyền lực ấy. Việc trở thành viral phản ánh một mức độ đáng kể của sự phức tạp trong mối quan hệ gần gũi giữa chúng ta với virus: nó là thứ vừa làm chúng ta sợ hãi khi có thể trở thành mục tiêu và vật chủ của nó; nó làm chúng ta thèm khát khi trở thành công cụ để khiến chúng ta có thể nhắm đến công chúng với quy mô lớn. Đem so sánh việc trở thành viral trên Internet với dịch bệnh do virus corona đang gây ra không phải là phép tu từ cường điệu. Quy mô toàn cầu của những dịch bệnh gần đây là hệ quả từ sự di chuyển ngày càng gia tăng và các mối liên kết tương thuộc theo ý nghĩa rất vật chất giữa các bộ phận của nhân loại khi tham gia vào các hoạt động như du lịch đại trà, trao đổi giáo dục và lao động, các mối quan hệ đường dài, các sự kiện văn hóa, thể thao quốc tế… Chính trên những du thuyền như trường hợp tàu Diamond Princess, trên máy bay, tàu xe, khách sạn, virus mới phát tán bên ngoài điểm nóng của nơi phát sinh – nói khác đi, trong những trường hợp như thế, virus lan tỏa khi chúng ta tự gửi chính mình đi, chứ không chỉ là hình ảnh hay thông điệp, ra đâu đó.

Dù thích nó hay không, tất cả chúng ta đều là vật chủ của những yếu tố vốn xa lạ với mình trên mọi cấp độ của tồn tại. Hơn nữa, vật chủ luôn nguy cơ bị làm hại bởi những gì mà nó chứa. Nguy cơ này là thứ không loại bỏ được. Thay vì dựa vào bóng ma của những nhà nước-quốc gia toàn quyền và những cá nhân tự trị, chúng ta phải học để sống trong một thế giới nơi tính chất kết nối của nó không chỉ mang tính chất “ảo” hay lý tưởng thông qua các công nghệ truyền thông mà còn mang tính vật chất, thông qua những tiếp xúc hiện thân. Nói tóm lại, chúng ta phải sống trong một thực tại mà ở bất cứ khoảnh khắc nào, nó cũng có thể trở thành viral.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Michael Marder, “The Coronavirus is Us”, https://www.nytimes.com/2020/03/03/opinion/the-coronavirus-is-us.html