Monthly Archives: Tháng Mười Hai 2019

Sandy Grant – Trò chơi ngôn ngữ của Wittgenstein có thể giải phóng chúng ta như thế nào?

Sandy Grant là nữ giáo sư triết học tại Đại học Cambridge. Tôi dịch bài viết ngắn này của bà như một khởi động cho một số việc mình muốn làm trong năm tới. Mong rằng là mình có thể biến những ý nghĩ ấp ủ thành một cái gì đó có hình hài…

la-danza-1910-1140x762

*

Chúng ta sống đời mình trong một thế giới của ngôn ngữ, ở đó, chúng ta dùng ngôn ngữ để làm các thứ. Thông thường, chúng ta không để ý điều này; chỉ là chúng ta đã quen với nó. Nhưng cách chúng ta sử dụng ngôn ngữ ảnh hưởng đến cách chúng ta sống như thế nào và con người mà chúng ta có thể trở thành. Chúng ta cứ như thể bị bỏ bùa bởi các hoạt động nói năng cấu thành nên những cách chúng ta can dự vào thế giới này. Nếu chúng ta muốn thay đổi tình trạng của mọi thứ thì việc chúng ta cần làm là thay đổi cách sử dụng ngôn ngữ. Song liệu trò chơi ngôn ngữ có thể giải phóng chúng ta?

Chính Ludwig Wittgenstein, triết gia không thuộc trường phái nào, là người đặt ra thuật ngữ “trò chơi ngôn ngữ”. Ông cho rằng ngôn ngữ thụ nghĩa thông qua cách sử dụng chúng và ông muốn tìm hiểu làm thế nào cách sử dụng ngôn ngữ lại ràng buộc với những hoạt động xã hội mà chúng là một phần trong đó. Vì vậy, ông sử dụng “trò chơi ngôn ngữ” để thu hút sự chú ý không chỉ vào bản thân ngôn ngữ mà còn vào những hành động mà ngôn ngữ được đan dệt vào. Hãy thử xét những câu cảm thán sau: “Giúp tôi với!”, “Cháy!”, “Không!” Những câu này đều gắn với hành động: khẩn cầu, cảnh báo, cấm cản. Nhưng Wittgenstein muốn cho thấy “ngôn ngữ là hành động” như thế nào, rằng mỗi lần chúng ta sử dụng từ ngữ là mỗi lần chúng ta làm gì đó. Mà hơn nữa, những gì ta làm, ta làm trong thế giới với những người khác.

Đây không phải là sự ám ảnh thái quá về ngôn từ. Điều mà Wittgenstein muốn làm rõ là làm thế nào mà “nói” một ngôn ngữ là một phần của hành động, hay hình thức của đời sống”. Trong Philosophical Investigations [Những nghiên cứu triết học, 1953], ông đã lấy thí dụ về hai người thợ xây. Một anh thợ nề kêu: “Cho một viên gạch!” và người phụ việc sẽ đem đến cho anh ta. Chuyện gì xảy ra ở đây? Người phụ việc không phản ứng lại giống như một con chó nghe theo lệnh. Chúng ta là con người, là những kẻ sống cùng nhau trong ngôn ngữ theo cách đặc thù, hàm chứa trong đó những hoạt động xã hội đặc thù.

Khi nhấn mạnh vào trò chơi ngôn ngữ, Wittgenstein muốn người đọc cố gắng nhận ra mình đang làm gì. Nhưng nếu ta bị mê hoặc bởi những hoạt động ngôn ngữ của mình, liệu ta thậm chí có thể nhận thức mình đang làm gì không? Nỗ lực muốn nhìn thấy của Wittgenstein vấp phải phê phán, rằng ông đã ngăn chúng ta nhìn thấy bất cứ cái gì khác, nhìn thấy những khả thể mới: ám ảnh ngôn ngữ của ông là sự xao lãng khỏi những vấn đề chính trị thực sự. Người đưa ra cáo buộc quan trọng này là Herbert Marcuse, người trong tác phẩm trụ cột của mình One-Dimensional Man (Con người một chiều kích, 1964) đã kết luận tác phẩm của Wittgenstein là giản lược và hạn chế. Nó không mang tính khai phóng, vì việc chú mục vào cách chúng ta sử dụng ngôn ngữ sẽ làm ta quên mất chuyện gì đã thật sự diễn ra.

Những phản đối này rất nghiêm túc. Song chúng có thành công?

Marcuse khẳng định Wittgenstein đã quá đơn giản hóa vấn đề, chỉ nhìn vào ngôn ngữ, và cái nhìn ấy cũng tệ hại. Wittgenstein thì cố gắng làm rõ cái gọi là trò chơi-ngôn ngữ: Marcuse nói đó là việc làm ngớ ngẩn. Phải thế chăng? Đúng và không. Trong Culture and Value [Văn hóa và giá trị, 1987], Wittgenstein thừa nhận: “Tôi thấy thật khó biết bao để nhìn thấy cái gì ngay trước mắt mình.” Chúng ta thường xuyên – ông nói – bỏ lỡ cái hiển nhiên. Cái gần gũi hóa ra là cái khó nhìn thấy hơn cả. Khi sử dụng ngôn ngữ tức là chúng ta đã tham gia vào những sự thông hiểu hàng ngày và những hành vi chưa được ý thức. Wittgenstein chú ý đến những cách sử dụng ngôn ngữ trong đời sống thường nhật và phân tích chúng.

Một phân tích mà Marcuse châm biếm là thí dụ của Wittgenstein, “Cây chổi của tôi ở góc nhà…”. Marcus hết sức mai mỉa về nó và kết án nó là “sự quy giản lời nói theo phương thức gần giống như khổ dâm về cái thông thường và xoàng xĩnh.” Thế nhưng trong khi phô trương sự chế nhạo, Marcuse đã nhầm lẫn. Cái ví dụ tầm thường lại cho thấy những thực hành hàng ngày có vấn đề. Hơn nữa, nếu quan sát kỹ, thậm chí một phát ngôn tầm thường cũng không hẳn là như vậy. Có nhiều ví dụ khác của Wittgenstein mà Marcuse không để ý, chẳng hạn những ví dụ về sự đọc hay mùi hương cà phê.

Tất cả những sự ngớ ngẩn rất đỗi con người này lại là những thứ cắm rễ rất sâu. Wittgenstein muốn kêu gọi sự chú ý đến những cách mà chúng ta tự đẩy bản thân vào bẫy bằng trò chơi ngôn ngữ hàng ngày của mình. Vì vậy, ông chú mục vào những gì mình làm và mình nói. Ông coi triết học như một phương thức trị liệu, tức như “một lao động trên chính bản thân mình”.  Trong Philosophical Investigations, có cảm giác về một sự tự săm soi chính mình một cách tỉ mẩn. Thực sự rất có ý nghĩa khi chất vấn cách chúng ta dùng ngôn ngữ để làm những việc nhỏ nhặt như thông báo giờ giấc, làm tính, thể hiện hy vọng ai đó sẽ đến. Đây không phải là những việc đã thành thói quen của ta. Chúng ta có thể kháng cự, không muốn nhìn mọi sự vật như thể chúng vốn dĩ vậy. Có phải đấy là một trạng thái “khổ dâm” không? Đấy là sự tự buộc bản thân vào hành động soi xét chính mình, một hành động chỉ đau đớn hay xấu hổ đối với những ai không thừa nhận sự thật rằng mình không hề thông minh. Bởi thế, nếu ta muốn thay đổi, trước hết, ta phải sẵn sàng đón nhận mệnh lệnh: “Hãy trở nên khờ khạo!” và “Hãy biết chính mình.” Marcuse hẳn sẽ thích tinh thần này, vì ông đã chứng minh chính trong những sinh hoạt thường nhật, chúng ta bị phụ thuộc một cách không chủ ý như thế nào: “các pháp thuật, phép phù thủy, những sự buông xuôi đầy khoái cảm được thực hành trong những sinh hoạt thường nhật ở gia đình, cửa hàng, cơ quan.” Tóm lại, Marcuse đã cãi cố mà thôi.

Nhưng phản bác thứ hai của Marcuse có khá hơn không? Đó chính là luận điểm cho rằng Wittgenstein đang nhìn vấn đề hẹp, chỉ cho phép ta loanh quanh trong địa hạt ngôn ngữ. Marcuse cho rằng quan điểm của Wittgenstein về ngôn ngữ là quan điểm một chiều. Song đây không phải là điều rút ra được từ việc đọc tác phẩm của Wittgenstein, nơi ta thấy một quan điểm về tính đa chiều kích không thể giản lược được của ngôn ngữ. Wittgenstein rất chịu khó cho thấy nền tảng cho những gì mà chúng ta sử dụng như là ngôn ngữ được cung cấp theo những mô thức dịch chuyển của hoạt động công cộng như thế nào. Ngôn ngữ mang tính ngẫu nhiên và ngẫu hứng, vì vậy, trò chơi ngôn ngữ không còn cách nào khác là phải mở ra cho sự biến đổi theo vô số cách. Một cách nảy sinh từ việc nhận ra chúng ta có thể chọn nhìn một sự vật hiện tượng nào đó theo cách này hay theo cách khác. Một trong những đoạn nổi tiếng nhất của Wittgenstein liên quan đến bức tranh đố này.

Duck-Rabbit_illusion

Nhìn vào hình, bạn có thể thấy đó là một con vịt. Nhìn lại lần nữa, bạn thấy nó là con thỏ. Bởi trò chơi ngôn ngữ do con người chơi nên chúng ta có thể để ý chuyện gì diễn ra khi ta nhìn sự vậy thế này hay thế khác. Một ví dụ đương đại khác là tranh cãi xung quanh các sự kiện mà diễn giả toàn nam giới. Bạn có thể nhìn vào đội hình này mà bảo “một tiểu ban gồm toàn các chuyên gia”; hoặc bạn cũng có thể nhận xét, “một hội đàn ông ngồi họp với nhau”. Nhưng đó có phải chỉ là một “hội đàn ông” nếu bạn chọn nhìn hiện tượng này theo cách ấy? Những thí dụ này khơi dậy câu hỏi cái gì chúng ta được cho sẵn trong cách hàng ngày ta sử dụng ngôn ngữ. Nhưng Marcuse đã không đề cập đến bức tranh vịt-thỏ hay thảo luận về những ngụ ý cả nó.

Vì thế, cách sử dụng ngôn ngữ cho phép sự thách thức và thay đổi bởi đó là bản chất của nó. Marcuse, ngược lại, từ chối nhìn nhận điều này, thậm chí còn nói rằng các quá trình xã hội đã đóng lại thế giới của diễn ngôn. Chúng ta không rút ra được từ ông một nhận định nào như gợi mở của Wittgenstein, rằng trong bản thân cách sử dụng ngôn ngữ luôn có một cái gì đó muốn cãi lại tính cố định.

Thực chất, lập trường của Wittgenstein cực đoan hơn những gì Marcuse nhận ra. Ông nói rằng “một cái gì đó mới mẻ (bộc phát, “đặc trưng”) luôn là một trò chơi ngôn ngữ.” Nhận định bí hiểm này có thể gợi ý rằng chúng ta cần phải chơi trò chơi ngôn ngữ khác đi nếu ta muốn thay đổi bất kỳ cái gì. Triển vọng của điều này là gì? Đáng lưu ý, theo Wittgenstein, chúng ta không chơi trò chơi ngôn ngữ một mình. Các trò chơi ngôn ngữ được nảy sinh từ những cách sử dụng ngôn ngữ mà nhiều người cùng chia sẻ. Một trò chơi là polari, thứ ngôn ngữ bí mật được dân đồng tính nam sử dụng vào thời của Wittgenstein. Các trò chơi ngôn ngữ, với những cạm bẫy tinh vi của chúng, buộc ta phải nghĩ đến vấn đề hành động tập thể. Chúng ta không thể gỡ mình ra khỏi chúng nếu hành động một mình. Nhưng điều này dẫn đến câu hỏi xa hơn, trên cơ sở ý thức được mình đã bị kẹt trong bẫy tinh vi thế nào. Đó là một điều mà Wittgenstein đã dự đoán:

[T]hứ ngôn ngữ này lớn lên theo cách vốn dĩ của nó bởi vì con người đã và vẫn có xu hướng suy nghĩ theo cách này. Vì thế ta chỉ có thể thành công trong việc gỡ con người ra khỏi cái bẫy ngôn ngữ nếu người ấy có một sự nổi loạn mang tính bản năng chống lại ngôn ngữ; ta không thể nào giúp được những người mà toàn bộ bản năng của họ là sống trong bầy đàn, những người đã tạo nên thứ ngôn ngữ này như là phương thức biểu đạt hợp thức của riêng họ.

Những kẻ nổi loạn sống trong trạng thái bất mãn với ngôn ngữ. Họ cảm thấy sự xa lạ của mình, họ cắt rời mình khỏi những kẻ khác và với chính bản thân bên trong ngôn ngữ. Song những kẻ hài lòng thì không bị phiền não, và con người thì có xu hướng suy nghĩ như thế. Đọc Wittgenstein đem đến cho chúng ta những câu hỏi như thế.

Do đó, những phản bác của Marcuse là thiếu cơ sở. Ông không chứng minh được việc Wittgenstein săm soi đến kinh ngạc vào các trò chơi ngôn ngữ hoặc là ngu ngốc vô mục đích hoặc mang tính ràng buộc, nô dịch. Thực chất, những cố gắng phản bác của ông chỉ càng làm nổi bật sự thích đáng của Wittgenstein trong thời đại tăm tối này.

Sử dụng ngôn ngữ là một phần tất yếu của việc làm người. Ta sống bên trong ngôn ngữ, nhưng đời sống chúng ta lại là thứ mà ta khó thấy. Wittgenstein không đi bán dạo những câu trả lời có sẵn cho tình thế khó khăn này. Thực ra, chừng nào còn ngôn ngữ, nó sẽ còn bỏ bùa mê ta, ta luôn có nguy cơ hiểu nhầm. Và không có lợi thế nào bên ngoài nó cả. Không có sự trốn thoát khỏi các trò chơi ngôn ngữ, nhưng ta có thể “chế tác” được một kiểu tự do nào đó từ bên trong nó. Mà muốn thế, trước hết, chúng ta cần “khờ khạo” cái đã!

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Sandy Grant,”How Playing Wittgensteinian Language-Games Can Set Us Free?”,  https://aeon.co/ideas/how-playing-wittgensteinian-language-games-can-set-us-fr