(Nguồn ảnh: http://mannup.vn/nhung-dua-con-cua-nua-dem/)
1. Làm thế nào để nói rằng mình đã đọc một cuốn sách? Là mình đã đủ kiên nhẫn để đi đến trang cuối cùng của nó và có thể nhớ được một vài ý tứ (nếu là sách học thuật), hay nắm bắt được cốt truyện (nếu đó là tiểu thuyết)? Là mình có thể đúc kết cho bản thân một thông điệp, một bài học nào rút ra từ đó, có thể đưa ra đánh giá nó hay – dở, thú vị – nhạt nhẽo? Là khi đóng lại sách rồi, vẫn chưa thể dứt ra khỏi nó với hàng loạt các câu hỏi không chỉ chất vấn những điều mình từng tin về thế giới, mà chất vấn ngay chính sự đọc của mình? Làm thế nào để sự đọc không chỉ là sự “giả vờ đọc” – một căn bệnh mà một blogger quyền lực về sách vở trên mạng mỉa mai (và có lý khi mỉa mai điều ấy)?
2. Những đứa con của nửa đêm (Salman Rushdie) là cuốn tiểu thuyết chất vấn chính sự đọc của tôi. Tôi biết về nó, nghe về nó nhiều hơn việc đọc nó – bởi chỉ đến mùa hè năm nay, từ một lựa chọn ngẫu nhiên khi tìm một cuốn sách nào đó còn im lìm trên giá sách nhà mình, tôi mới đọc nó liền mạch trong suốt mấy ngày. Cho dù đây là một kiệt tác về nghệ thuật kể chuyện nhưng đúng như là giới thiệu trên bìa 4 cuốn sách (Nhã Nam & NXB Hội nhà văn, 2014), tiểu thuyết này của Rushdie vẫn cứ là một thách đố đối với ngay cả những độc giả dày dạn. Bởi lẽ ngay từ những trang đầu tiên, Những đứa con của nửa đêm đã cuốn người đọc vào một mạch tự sự cuồn cuộn, hầu như không có khoảng nghỉ: đầy “âm thanh và cuồng nộ”, đầy những hoạt cảnh nổi tiếp nhau, đầy những sự dị kỳ, nghịch lý không cần biện giải cứ hiển lộ ngồn ngộn, đầy những chi tiết nhỏ nếu chỉ vô tình lướt qua sẽ khó tìm được sự kết nối của nó với những chi tiết khác… Tiểu thuyết của Rushdie là một cái gì đó rất hỗn độn song đồng thời lại cũng rất mạch lạc, phóng túng quá đỗi mà cũng nghiêm ngặt quá đỗi. Bản dịch của Nham Hoa đã rất kỳ công khi tái tạo trong tiếng Việt một thứ văn chương đầy chất sống của khẩu ngữ, của nghệ thuật kể chuyện rong mà Rushdie đã kế thừa từ truyền thống tự sự dân gian Ấn Độ lai ghép với nhiều mạch nguồn tiểu thuyết khác – Dickens, Rabelais, Austen…
3. Tôi tìm thấy gì khi đã không bỏ cuộc với cuốn sách không khỏi có lúc làm mình hoa mắt hay thấy ù tai bởi cái rậm rạp và náo động của nó?
Tôi cho rằng sẽ là đơn giản nếu nghĩ cuốn tiểu thuyết này là một hình thức dụ ngôn để nói về một giai đoạn lịch sử của Ấn Độ hiện đại, với những trang bi thảm và đen tối. Chỉ đến khi đọc cuốn này, tôi mới thực sự phải tra cứu về sự kiện chia cắt Ấn Độ và bàng hoàng bởi những sự kiện từng bị so sánh như một phiên bản tồi tệ , tàn bạo không kém Thế chiến II. Thú thực, dù được học về văn học Ấn Độ thời đại học, nhưng Ấn Độ mà tôi được biết đến (thậm chí từng say mê) luôn luôn là một xứ sở lung linh, kỳ ảo, ngay cả sự phức tạp của nó cũng không gợi lên điều gì nhức nhối. Những đứa con của nửa đêm ở phương diện này có thể so sánh với Cái trống thiếc của Gunter Grass trong việc ghi lại những kinh nghiệm lịch sử tàn khốc mà chỉ ngôn ngữ nghệ thuật mới nêu được. Bởi với nghệ thuật, những kinh nghiệm lịch sử luôn là cái gì đó sâu xa hơn các thông tin, luôn là cái gì đó cụ thể hơn những gì bị trừu tượng hóa thành các con số hay dữ kiện… Nó là những thứ có khi cần phải cảm nhận bằng mùi hay bằng da thịt, như cách của Saleem Sinai – nhân vật trung tâm của tiểu thuyết này.
Quá khứ chia cắt của Ấn Độ, những di sản hậu thực dân mà đất nước này trải qua không khỏi làm ta liên hệ với chính lịch sử hiện đại của Việt Nam mà có lẽ văn chương chúng ta còn thiếu sòng phẳng để nhìn lại nó. Lịch sử, trong văn chương của Rushdie, với tất cả sự ngẫu nhiên, khôn lường của nó, thực sự là trò chơi, là ảo thuật và vì thế, một thứ ngôn ngữ giàu tính trò chơi theo phong cách hiện thực thần kỳ là phương thức phù hợp hơn cả để bóc mẽ nó. Tính tượng trưng, ẩn dụ đậm đặc của văn chương hiện thực thần kỳ gia tăng bề dày của nhiều trường đoạn trong tiểu thuyết, nhân bội sức gợi của chúng, làm chúng đa nghĩa không kém gì văn bản thánh kinh. Có lẽ gây ấn tượng mạnh nhất với tôi là chương “Trong rừng Sundarbans”, khi Saleem cùng ba người đồng đội trong tiểu đội biệt kích của mình, đột nhiên bị cuốn vào một hành trình bất định, lạc mất mục tiêu và bị vây hãm trong khu rừng già. Phải là một thứ ngôn ngữ tượng trưng mới có thể đồng hiện được cái bi thảm, cái kinh dị, cái thống khổ… của con người khi bị cái gọi là lịch sử cuốn phăng mình đi để rồi đến một lúc nào đó, đột nhiên thấy toàn bộ sự tồn tại của mình trở nên phi lý, trở nên vô nghĩa đến cùng cực.
4. Nhưng Những đứa con của nửa đêm thực ra có nói được một điều gì đó rất riêng tư với tôi? Đây là kỳ vọng của tôi khi đọc một tác phẩm văn chương: tôi chờ đợi cuốn sách nói với tôi một điều gì đó thật đúng lúc.
Những đứa con của nửa đêm làm tôi nhớ đến bộ phim Bá Vương biệt Cơ của Trần Khải Ca hay Phải sống của Trương Nghệ Mưu – những bộ phim cũng nói về những thân phận bé nhỏ trong lịch sử, chẳng nuôi một mộng tưởng nào khác hơn việc chỉ muốn sống một cuộc đời bình thường. Nhưng những con người chỉ mong được sống cái thân phận nhỏ bé của mình một cách bình thường ấy lại thường là những con người mà chính trị, lịch sử dễ nghiền nát hơn bao giờ. Và nó thường có những cái cớ rất vĩ mô, đôi khi rất đẹp, để biện minh cho việc nghiền nát ấy. Sau tất cả những màn hí kịch báng bổ, giễu cợt, châm biếm rất Rabelais, Những đứa con của nửa đêm vẫn lắng lại trong những nỗi đau đáu về cái riêng tư bị nghiền nát bởi chính trị này: “Chính trị, hỡi những đứa trẻ: khi đẹp trời nhất vẫn là điều bẩn thỉu. Đáng lẽ ta nên tránh xa nó, đáng lẽ tôi không nên mơ tưởng về mục đích; tôi đi đến kết luận rắng sự riêng tư, cuộc sống cá nhân nhỏ bé của mỗi con người, quan trọng hơn tất cả cái hoạt động vĩ mô bị thổi phồng này.”
Cuốn tiểu thuyết của Rushdie kết lại bằng những suy tư u ám song vẫn là một hiện thực đang diễn ra toàn cầu nơi cái cá nhân vẫn bị xoay vần và bị nghiền nát trong nhiều ngữ cảnh chính trị và văn hóa khác nhau. Điều đáng nói hơn nữa là sức đề kháng của nhân loại với những sự phi nhân trong lịch sử có thể sẽ ngày càng yếu khi cùng với virus lạc quan chưa bao giờ không bị phát tán trong xã hội, còn có một thứ hội chứng nữa cũng lây lan không vấp phải cản trở nào: quên lãng. Quá khứ dẫu có đau thương thì cũng chỉ cần nhớ về nó như một giai thoại, một hình ảnh được du lịch hóa như Wislawa Szymborska từng viết trong bài thơ “Trại đói ở Jaslo“: ta chỉ có thể nói về nó như những gì người ta muốn ta nói, ta chỉ có thể nhớ về nó như những gì người ta muốn mình nhớ. Nhớ, thực chất, là quên.
Tiểu thuyết của Salman Rushdie, vì thế, như một tuyên ngôn của nhà văn: Tôi chống lại sự quên lãng con người, quên lãng cái riêng tư, cái nhỏ bé của con người mà lịch sử hay chính trị cho phép. Và có lẽ thái độ đó của ông làm tôi thấy ông, dù sắc sảo đến khắc nghiệt, vẫn cứ là người gần gũi với mình.