Monthly Archives: Tháng Hai 2019

Dấu ấn của chủ nghĩa lãng mạn trong văn hóa trẻ đương đại (bài 2)

Bài viết của Trần Nguyễn Lan Nhi, sinh viên lớp CLC K65 là bài viết thứ hai tôi muốn giới thiệu trong chủ đề “Dấu ấn của chủ nghĩa lãng mạn trong văn hóa trẻ đương đại.” Sau khi đăng bài viết đầu tiên của bạn Vũ Thị Kiều Chinh, chúng tôi đã nhận được những phản hồi rất thú vị. Mới đây, tạp chí “Văn nghệ quân đội” đã giới thiệu bài viết của Chinh. Nhờ đó, những suy nghĩ, những cách đặt vấn đề của Chinh có thể tiếp cận với công chúng rộng hơn nữa. Tôi hy vọng, đúng hơn, tôi tin rằng, bài viết dưới đây của Lan Nhi cũng có thể nhận được nhiều chia sẻ.

Bouquet with Flying Lovers c.1934-47 by Marc Chagall 1887-1985

*

1. Không biết có phải do đọc thơ Xuân Diệu suốt những năm 17, cho nên, có một điều lạ, tôi luôn cho rằng từ “trẻ” thực chất là cách viết giản quy của sự lãng mạn. Ngày mẹ tôi cầm đàn ghita và hát ở tuổi 47 (điều mà tôi chưa từng nhìn thấy ở bà bao giờ), tôi đã nói “Mẹ trẻ quá!”. Ý tôi là, với tư cách một đứa con, tôi nghĩ tâm hồn mẹ theo thời gian đã khô cằn đi nhiều bởi sự khó tính quá mức với đời sống gia đình cũng như bộn bề của công việc mưu sinh, nhưng, hóa ra cô sinh viên của 27 năm về trước vẫn còn: lãng mạn, sôi nổi và cũng điên rồ lắm. Thế nên, có lý gì mà không thể kết luận chủ nghĩa lãng mạn vẫn còn để lại những ảnh hưởng về cảm quan và thẩm mỹ trong văn hóa trẻ đương đại? Tôi hai mươi mốt và tôi trả lời “Có. Lúc nào cũng có.”

Chủ nghĩa lãng mạn bắt rễ vào nhiều khía cạnh của đời sống hiện đại. Những quán tính của văn học đôi khi trong những va đập của lịch sử không dủ khả năng để ngăn lại. Đến chừng nào, con người vẫn còn cần đến xúc cảm như một năng lực nhân tính, lãng mạn sẽ không mất đi. Nhất là ở thời kì này, cảm quan lãng mạn thực sự là một thứ sức mạnh tinh thần lớn. Nó trao cho con người một chiều kích để dám bình thường và một chiều kích để vĩ đại mà “dấn thân.”

“Một bài thơ cũ” của Lu hay “Đưa nhau đi đốn” của Đen được xem như là những tuyên ngôn, là mã hóa của đời sống giới trẻ đương đại. Tại sao những bài nhạc và phong cách thơ theo kiểu như thế lại trở thành trào lưu cho những tự sự của tuổi trẻ? Mà kiểu như thế là kiểu thế nào?

2. Mỹ học của thời đại mới trước hết là mỹ học nảy sinh từ đô thị. Đô thị lấp lánh thơm tho với cấu trúc bên trong như một cái máy say sinh tố vừa cắm điện, nuốt chửng và nhào nát từng cá thể bởi vô vàn những guồng quay của trách nhiệm, của mặc định xã hội, của tham vọng và của ước mơ “đầy tạm bợ”. Trong bước chân đầu tiên “gia nhập” vào cộng đồng ấy, những “gã trẻ” thấy lạc lõng và cô đơn khủng khiếp. Nó nhận ra thứ mình muốn và thứ người ta cần là sự vênh lệch quá lớn. Trong những đoạn dốc treo leo hướng đến lý tưởng của mình, nó bỗng chùn chân và muốn được “bình thường”. Nó ngại vội vã. Nó sợ ganh đua. Nó muốn được lắng nghe. Nhưng “ai cũng” là một lý do thỏa đáng. Thế giới đầy tính tự trị và quân chủ của một cá thể khiến cho phần còn lại của thế giới vẫn mãi là những “người lạ” không thể đồng điệu. Chính lúc này, nó tìm đến những hình thức biểu hiện khác nhau để giải phóng. Và viết, luôn là một sự an ủi lớn.

Chính nhà thơ Lu cũng chia sẻ anh chỉ viết khi cảm xúc đẩy anh phải viết. Anh viết rất tự nhiên. Anh viết về những gì anh cảm thấy, anh nhìn thấy. Anh viết về những người quanh anh, về anh, về Hà Nội. Những câu thơ bài hát trở thành lời tự thuật. Hiện thực mang tính phê phán bị dư thừa. Con người cần đến một sự lãng mạn để nhịp sống chậm hơn, để lắng nghe những cảm xúc và cảm giác bị xã hội tốc độ tua đi quá nhanh. “Anh về giữa Bùi Thị Xuân/ uống hai mươi cốc nhân trần cho say/thế thôi là hết một ngày”. Hai mươi cốc cơ mà. Ấy là những tự sự đầy mộc mạc, chân thật và “phản” đời thường khiến bài thơ tạo ra một sức hấp dẫn rất kì lạ. Như thể nó mở đường cho cái tinh thần “chống đối” đang nhen nhóm trong nhiều tâm hồn trẻ đang bị kìm chặt đến bí bách, ngột ngạt: “Bố anh thì đi lại/ Còn mẹ anh gọi điện thoại đến từng nhà/ Nhiều ngày rồi mình không về/ không liên lạc được gì cả/ chỉ vỏn vẹn lại mảnh giấy/ đừng lo đêm nay con đi chơi xa.

Xã hội đương đại đem đến cho người ta cảm nhận về một sự không ổn không thể gọi tên.Và văn hóa của giới trẻ là cách họ đối thoại lại với những sự không ổn ấy. “Ôi những thứ chán chường/ Không tẹo nào háo hức/ Mình rời thành phố chật chội náo nức/ Nơi mà việc thở cũng làm ta lao lực”; “đời cuốn xô ta/cả khi ta trống trong phòng ngủ/ âu lo theo về/ dù ta đã khóa ba lần cửa”. Họ không hề ổn với những bổn phận, ngay cả khi họ lựa chọn nó. Sự nâng đỡ về mặt đạo đức nay trở thành những gánh nặng.

3. Nếu như chủ nghĩa lãng mạn ghi dấu vào lối tư duy của người trẻ theo cách như thế thì cũng thật thú vị khi một vài những nguyên tắc mỹ học của nó cũng đi vào kết cấu nghệ thuật của các loại hình văn hóa giới trẻ.

Nếu trong chủ nghĩa lãng mạn cổ điển, con người đi vào thế giới của tôn giáo để thể hiện suy tư và niềm tin của mình, thì nay giới trẻ tạo lập cho mình một thế giới riêng – một thế giới có anh em,  một thế giới song song. Ngọt vẽ ra thế giới màu xanh: “Con đường màu xanh/ xanh màu lá, xanh đại dương/ không còn nhớ không còn thương/ em là nắng, anh là sương/ thiên đường màu xanh”. Với Vũ: “và xin đưa tôi về một nơi rất xa loài người, về một nơi phía sau mặt trời”. Ấy là thế giới lý tưởng đối với họ – nơi họ được sống là mình.

Hoặc thảng khi, họ quay về tìm lại quá khứ để trốn chạy hiện thực bất toàn và thiếu chắc chắn. “Ngày mai vẫn đến gió hát ngang trời/Còn mình nhắm mắt không nói một lời / lại được thấy mùa hè ta gặp nhau, lại được sống mùa hè ta gặp nhau”. Giống như Huy Cận cô đơn, lạc lõng tìm về với vần thơ Đường cổ kính, “Nhắm mắt thấy mùa hè” hình như cũng mượn giai điệu nhạc Hoa cổ để hoài niệm về những thứ xa xăm đã đi qua.

Nếu như ngày trước, Nguyễn Tuân – một cây bút lãng mạn được xem là nhà văn của chủ nghĩa xê dịch; thì nay, giới trẻ cũng “ngả mũ” học hỏi lối sống ấy. Xê dịch, quả thực, đem lại cho người ta những cảm giác thuộc về trải nghiệm cá nhân. Cảm giác bạn thuộc về nó nhưng cũng chẳng thuộc về nó; cảm giác về những tri nhận với mây trời, thiên nhiên thay vì là tòa nhà cao trọc trời, cảm giác được buông bỏ những bổn phẩn để “một lần được sống như những đứa nhóc không nhà/ sớm thức dậy ở một nơi xa”,… chưa bao giờ lại đáng đến thế.

Đặc biệt, vận dụng và quay về với các chất liệu dân gian “Em đừng xanh quá khổ anh/ khổ thân con cáo hóa thành cây si” hay ngôn ngữ bình dân, kiểu thơ con cóc “anh đứng đầu Hồ Đắc Di/ ngóng Lương Đình Của lầm lì gọi em/ em đừng lạnh lùng giống que kem/ để trong ngăn đá bỏ quên một tuần” cũng là một trong những biểu hiện của chủ nghĩa lãng mạn. Hay thậm chí cách phối nhạc với những làn điệu dân ca như trong “Ai chờ ai” (Linh Cáo) hay kết cấu tự sự kiểu Bolero trong “Ừ thì” khiến cho âm nhạc giới trẻ ngày nay bàng bạc những dấu vết của một thời ông cha. Nhiều người của thế hệ đi trước hay đánh giá tuổi trẻ bây giờ không sâu sắc, nông cạn. Bắt từ một mạch cũ để tạo ra một thứ riêng như thế có gọi là nông cạn được nữa không?

4. Những nghệ sĩ trẻ đem tâm trạng rất đời của mình để làm chất liệu cho những sản phẩm nghệ thuật. Và đúng như quan điểm của chủ nghĩa lãng mạn: “Khờ khạo thay nếu cho rằng tôi không phải là anh” (Victor Hugo). Mỗi tự sự của họ, tôi thấy mình trong đó. Và mỗi đêm về tôi vẫn lải nhải: “Vì sao lại khóc. Vì sao lại buồn? Vì sao mưa không về. Tôi nằm giữa mênh mông tôi thẫn thờ. Tôi nằm giữa căn nhà nhìn lên nắng.” dẫu rằng đông đã sang và chẳng còn nắng. Nhưng giống như thời cha mẹ tôi thích nghe nhạc Bolero vì họ tìm thấy mình trong ấy thì tôi cũng thế. Tôi nghe trong những loại hình văn hóa của thế hệ tôi những câu chuyện của mình. Tôi thích nó vì tôi tìm thấy một sự lắng nghe trong ấy – thứ mà đời thực không cho tôi quá nhiều. Tôi cảm giác mình được hiểu. Và thế là “ngày nắng đẹp rạng ngời hay gió về hay bão táp mưa rơi”, tuổi trẻ vẫn tiến lên một cách thật điên rồ và huy hoàng. Cái lý tưởng đẹp đẽ và sự vươn lên của con người trước hoàn cảnh như thế, phải chăng chính là điều còn lại của chủ nghĩa lãng mạn?

Trần Nguyễn Lan Nhi

SV lớp CLC K65, Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội

Costica Bradatan – Những quà tặng của tính khiêm hạ

Jesus_washing_Peters_feet-w

Giả sử tri thức – thứ tri thức đích thực, có giá trị bù đắp – không phải là quyền lực mà lại là thứ đối lập với nó? Giả sử, chẳng hạn, để trở thành người đúng nghĩa, chúng ta phải trốn chạy khỏi quyền lực hết mức có thể? Giả sử nếu thành tựu cao nhất của chúng ta trên thế gian này thực tình lại đến từ việc tự xóa bỏ một cách triệt để bản thân mình – mốc thấp nhất của tình trạng hiện sinh mà chúng ta có thể chạm tới? Vậy sẽ thế nào?

Nếu như có một đặc điểm nào mà tất cả các hình thức của đời sống đều chia sẻ thì đó hẳn phải là sự tự khẳng định. Từ hình thức đơn giản nhất đến phức tạp nhất, mọi thực thể sống đều tìm cách để duy trì trạng thái của mình và tái sinh. Và để làm được điều ấy, chúng cần phải không ngừng lấn át, thậm chí còn thường đi đến chỗ hủy diệt, các thực thể khác. Điều này khiến đời sống như thành một cảnh tượng tàn khốc trên quy mô vũ trụ. Song “tàn khốc” có lẽ là từ sai, vì nó áp một phán xét của con người vào bất cứ cái gì trừ con người, theo cách hiểu thông thường. Tiến trình của đời sống lại mở ra rộng hơn những mối bận tâm của con người – nó bộc phát, mù quáng, độc đoán. Con người cũng bị mắc kẹt trong đó như bao giống loài khác. Không hề có tiếng nói trong tiến trình này, chúng ta bị nó sử dụng và lạm dụng: bị đưa vào hiện hữu, bị công cụ hóa và bị vứt bỏ. Chúng ta nghĩ mình yêu, nhưng đó lại chỉ là một trong những mẹo mực mà đời sống sử dụng để tái sinh chính nó; chúng ta cải tiến để có những công cụ tốt hơn và nghĩ rằng mình thông minh mà vô tri trong hân hoan, không nhận thức được mình chỉ đang bị cuốn vào trò chơi mà sự sống chơi để tự khẳng định nó. Chúng ta sống trong một tấn hài kịch mang tầm vóc vũ trụ mà cứ gọi đó là hạnh phúc.

Khi tiến hóa đến Homo sapiens, sự tự khẳng định mang một hình thức đặc biệt: quyền lực. Trở thành những tạo vật tinh vi một cách đặc biệt, hiếm khi chúng ta hài lòng với việc thỏa mãn những nhu cầu và xung lực nguyên thủy của bản thân. Chúng ta cũng cần những kẻ khác phải phục tùng mình; chúng ta biết mình có quyền lực chỉ khi ta có thể nhìn nó trong ánh mắt cúi xuống của kẻ khác. Có nhiều cách để gia tăng quyền lực, tuy nhiên cách tốt nhất là thiết lập nó bằng cách hạ giá kẻ khác. Một sự linh hiện tàn nhẫn của sự tự khẳng định, quyền lực, thực chất, mang tính chất khêu gợi dục cảm: nó chẳng là gì cho đến khi nó được bộc lộ và được cảm thấy, được phô diễn và được đón nhận. Quyền lực thực sự không tồn tại cho đến khi nó đóng dấu lên tâm trí và thân thể của kẻ khác.

Điều thú vị ở quyền lực chính là ở chỗ sự nhọc nhằn của nó, dù căng thẳng đến đâu, cũng chưa bao giờ vắt kiệt nó – ngược lại, càng sử dụng nó, mình lại càng có thêm nó. Trong cơn đói khát quyền lực kinh niên của mình, chúng ta công cụ hóa kẻ khác, chúng ta thao túng, hạ nhục, khinh miệt kẻ khác, nhưng tất cả chỉ để gia tăng sự thèm muốn của mình. Ta dừng lại không phải vào lúc mình “thấy đủ rồi” (điều hiếm khi xảy ra), mà chỉ vào lúc mình cảm nhận được kẻ khác đã bị nghiền nát hoàn toàn. Đến khi ấy, ta giành chiến thắng: ta đã khẳng định được mình. Và kẻ khác càng bị nghiền nát bao nhiêu thì lại thỏa mãn nhu cầu tự khẳng định của ta bấy nhiêu. Thứ châm mồi lửa cho cuộc truy cầu quyền lực của chúng ta đích thực là dục cảm tinh vi của nó: Làm cho kẻ khác phải quỳ trước ý chí của ta, làm cho họ biết rằng ta có thể xây đắp mà cũng có thể phá hủy họ, rằng ta muốn làm gì họ cũng được, rằng họ có thể đưa ta đến một trạng thái mà những cơn cực khoái mãnh liệt cũng không sánh được. Cơn đói khát này và những thứ ta làm để thỏa mãn nó đã nhào nặn đến từng chi tiết của lịch sử nhân loại. Nó thống trị tất cả những sự việc con người, lớn và nhỏ – bộc phát, mù quáng, độc đoán.

Cơn khát khẳng định mình này chính là một nguyên nhân chủ yếu khiến cho lịch sử nhân loại trông giống như một lò sát sinh, song sẽ là nhầm lẫn nếu cho rằng quyền lực là sân chơi độc quyền của những Caesar, Napoleon, hay Stalin, hay những thực hành quyền lực chỉ giới hạn trong những cuộc chiến, những cuộc cách mạng hay lĩnh vực chính trị. Quyền lực như nước: nó thấm vào bất cứ kẽ nứt nào và một cách âm thầm, làm biến đổi mọi thứ. Từ các văn phòng chính phủ đến các phòng họp công ti, từ lớp học đến các phòng chat trên mạng, không nơi nào quá nhỏ để trở tành một sân khấu của quyền lực. Bất kể mục đích của sự tập hợp này là gì, những cuộc tụ họp của Homo sapiens thường biến thành cuộc truy hoan của ham muốn tự khẳng định. Cuộc tìm kiếm quyền lực đã định hình cách chúng ta hành động và ứng xử, cách chúng ta suy tư và cảm nhận. Và trong quá trình này, nó làm chúng ta tha hóa theo một cách nhẹ nhàng, không dễ nhận thấy, và thậm chí còn dễ chịu. Với bản chất tinh vi của mình thì một cú chạm nhẹ nhất của quyền lực cũng có thể đã là quá lớn đối với một con người. Kết cục là, cũng như bản thân đời sống, quyền lực như một dịch bệnh chết người. Để trở thành người đúng nghĩa, chúng ta cần phải đi ngược dòng với cả đời sống lẫn quyền lực.

Đây hẳn phải là một trong những nghịch lý nổi bật của thân phận chúng ta, rằng để làm người đúng nghĩa – để hiểu được tiến trình của đời sống, để nhìn nó “thấu suốt”, để cảm nhận được sự phù phiếm và phi thực của nó, để vươn lên trên nó – ta lại cần phải chống lại bản thân đời sống. Chúng ta có thể hiện thực hóa nhân tính của mình không phải bằng cách tự khẳng định (điều đó chỉ thắt chặt hơn những trói buộc của chúng ta) mà thông qua cách tự phủ định. Với bản chất của một con thú háu đói, chúng ta chỉ có một cơ hội: chúng ta càng cố gắng làm con thú ấy chết đói, chúng ta lại càng trở nên người hơn. Và điều này không phải diễn ra nay một chút, mai một chút mà nó phải được thực hành trọn đời; đây đúng nghĩa là một dự phóng của đời người. Vì để trở thành người đúng nghĩa là một công việc đòi hỏi cao – không ngạc nhiên khi không mấy chúng ta có thể thành thạo nó. Schopenhauer từng cho rằng chỉ có một nhúm những kẻ hữu tử có thể giữ được mình để không bị nhấn chìm trong dòng chảy đời sống: một vài nghệ sĩ, một vài tâm hồn giàu tình thương yêu, một vài người thực hành chủ nghĩa khổ hạnh một cách cực đoan.

Thế nhưng cách chữa trị dựa trên sự tự phủ định bản thân triệt để mà Schopenhauer, theo chân Đức Phật, đề nghị không dành cho tất cả mọi người. Hành xác là một công việc khó khắn. May thay, còn một giải pháp khác. Nó có thể không quá đặc thù như cách của các thánh nhân hay cách để đạt tới cảnh giới Niết Bàn mà mang tính khả thi và nằm trong tầm với của chúng ta: sự khiêm hạ. Nhờ việc thực hành sự khiêm hạ, chúng ta có thể tháo gỡ cho chính mình, dù chỉ trong tạm thời, khỏi cuộc đua của đời sống và nhìn nó từ một khoảng cách, với sự vô tư và bình thản, thậm chí hài hước nữa. Nó có thể cuối cùng cũng không cứu chúng ta khỏi việc chết chìm, nhưng nó cho chúng ta một chút không gian để thở. Khi sự khiêm hạ đến mức trở thành năng lực bóc trần đời sống, phơi bày bản chất của nó – một sân khấu đẫm máu của quyền lực – nó là thứ đối lập với mặc cảm nhỏ bé, thứ mà quyền lực lúc nào cũng sinh ra. Mặc cảm nhỏ bé là cảm giác ta nhận về mình khi bản thân không đủ man dã để trở thành con quái vật săn mồi nhưng lại chưa đủ khôn ngoan để thấy rằng tất cả chỉ là một trò chơi. Sự khiêm hạ, thay vào đó, lại ngăn ta lao vào cuộc chơi quyền lực ngay từ đầu.

Sự khiêm hạ, tuy nhiên, mang nhiều ý nghĩa hơn chỉ là câu chuyện về phép ứng xử. Nó, hơn hết, là vấn đề vè sự hữu hình và thấu thị. Iris Murdoch đã đưa ra một định nghĩa đáng nhớ về sự khiêm hạ như là “thái độ tôn trọng thực tại một cách vô ngã”. Theo đó, nó đặt người nhìn ở một góc khá thấp – từ này, xét cho cùng, có gốc từ từ humilitas trong tiếng Latin vốn có nghĩa là “thấp”, rồi bản thân humilitas lại khởi nguồn từ humus (“đất”). Tuy nhiên, như trong các bộ phim của Yasujiro Ozu, nơi những góc camera thấp lại đưa đến một cảm quan thấu đáo đầy bất ngờ về đời sống và cái nhìn thấu thị độc đáo có thể rọi vào tâm trí con người, sự khiêm hạ cho ta một đặc quyền để tiệm cận tính thực tại của mọi sự vật hiện tượng. Cái nhìn từ bên trên, khi ta vẫn chỉ là con người, chỉ là một ảo ảnh hào nhoáng, và đôi khi đó là phương thức tốt nhất khiến ta mê lầm.

Món quà lớn nhất của sự khiêm hạ – bởi đôi khi nó cũng tặng quà – chính là thứ trí thức từ lộn từ trong ra ngoài này, thứ mà kẻ có quyền lực thậm chí không thể ngờ rằng nó có thể tồn tại. Đó là thứ hiểu biết về thế giới và những cơ chế hoạt động sâu kín của nó mà Ivan Denisovich lĩnh nhận được khi bị đày ải ở Gulag dưới thời Soviet – một trong những chốn khốn cùng nhất, thấp nhất của đời sống. Trong cuốn tiểu thuyết Một ngày trong đời Ivan Denisovich, Solzhenitsyn miêu tả Denisovich như một kẻ đã thực sự đốn ngộ: anh nhìn thấy hết mọi thứ, anh hiểu hết mọi thứ và cũng tha thứ cho tất thảy. Đặt bên cạnh người tù khiêm nhường này, Stalin – người tưởng như có quyền lực vô biên, tột cùng – chẳng hiểu được bất cứ điều gì đáng giá. Bởi con người, như Simone Weil từng viết, “là những kẻ được tạo tác đến mức kẻ thực hiện việc nghiền nát sẽ không cảm nhận được gì; chỉ kẻ bị nghiền nát mới cảm nhận được cái gì đang diễn ra.”

Chẳng phải vô cớ khi các nhà thần bí và các triết gia thường kết gắn việc thực hành sự khiêm hạ với nhãn quan về chân lý. Thánh Bernard de Clairvaux (1090-1153) viết: “Con đường là sự khiêm hạ, đích đến là chân lý. Cái thứ nhất là lao động, cái thứ hai là phần thưởng. Đối với Vladimir Jankélévitch – triết gia người Pháp (1903-1985), “sự khiêm hạ tương đương với chân lý” và André Comte-Sponville thì định nghĩa một cách hùng hồn: kẻ khiêm hạ là “kẻ yêu chân lý hơn cả yêu chính mình.” Trong cuốn Gravity and Grace (Trọng lượng và Ân sủng), Simone Weil, người mà cả tác phẩm lẫn cuộc đời đều thể hiện đức khiêm hạ mang tính bản thể luận sâu sắc, đã viết Thượng đế “yêu sự sáng tạo mà chỉ có thể nhìn thấy được từ vị trí mà tôi đang ở.” Nhưng bà cảm thấy bà đang cản trở con đường của Thượng đế: “Tôi hành động như một tấm bình phong,” bà viết, “Tôi phải kéo ra để Người có thể nhìn thấy mình.” Tạm thời chưa bàn đến hình tượng Thượng đế trong triết học của Weil, chúng ta có thể mở rộng tư tưởng của bà: chúng ta luôn hành động như “một tấm bình phong”, thậm chí đối với ngay cả bản thân mình, chúng ta đang che chắn chính mình. Để có thể nhìn mình trọn vẹn và có thể hiểu về mình tốt hơn, chúng ta phải “kéo” tấm bình phong đó ra. Đây chính là việc mà sự khiêm hạ làm: nó đưa chúng ra rời khỏi bức tranh để cho mọi thứ có thể tự phơi lộ. Chỉ khi ấy ta mới có thể thưởng lãm thế giới.

Không mấy ngạc nhiên khi các tôn giáo lớn, từ Phật giáo đến Ki-tô giáo, Hồi giáo, đều nhấn mạnh đức khiêm hạ. Và vô số các quan điểm đạo đức thế tục cũng vậy. Quả thực, bất kỳ nền văn minh xứng đáng nào cũng đều tìm cách để kiềm chế sự kiêu mạn và tham vọng khẳng định bản thân thái quá của con người. (Hãy nghĩ đến hình ảnh người dân Nhật Bản vẫn cúi gập người, thể hiện sự khiêm cung trong đời sống thường nhật như một ví dụ.) Tuy nhiên, bất chấp tất cả những cố gắng của chúng ta, cuối cùng, đây vẫn là một cuộc chiến thất bại. Văn minh thì vốn yếu và bấp bênh, còn đời sống, luôn mạnh hơn, man dã hơn, lúc nào cũng trỗi lên trên. Tự khẳng định là một thiên hướng tự nhiên, gây hưng phấn, mang sức hấp dẫn của dục cảm, trong khi đó tự phủ định thì hoàn toàn không. Trong số các loài động vật, loài người, với tất cả sự đa dạng của mình, vốn khó thuần phục hơn cả. Đó chính là vì sao sự khiêm hạ này lại quan trọng như thế. Nhờ nó, chúng ta có thể học để khoan dung với bản thân và người khác, làm cho mình bớt gây ác cảm hơn trong tiếp xúc. Dù thế nào đi nữa, đó vẫn cứ là công cụ tốt nhất chúng ta có để thuần hóa những con quái vật trong mình.

Chẳng có gì ngạc nhiên về điều này. Nếu có, thì đây là một trong những ý tưởng triết học bình thường bậc nhất – hay tôi nên dùng chữ “xoàng xĩnh”? Từ Đức Phật đến các bậc thầy Sufi tới Schopenhauer, Bergson và Weil, các nhà thần bí và triết gia phương Đông lẫn phương Tây, xét đến cùng, đâu có nói điều gì khác về bản chất? Nếu việc nghe lại ý tưởng này có làm chúng ta ngỡ ngàng thì chỉ vì chúng ta đã trở nên mù lòa, bị cuốn vào cuộc đua của đời sống với một thứ hưng phấn dục cảm đến mức ta quên rằng mình có mắt để nhìn.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Costica Bradatan, “The Gifts of Humility”, https://lareviewofbooks.org/article/the-gifts-of-humility/