Monthly Archives: Tháng Mười Hai 2018

Nguyễn Trương Quý và những vi lịch sử của Hà Nội

48087401_10205478323033075_1809882335017959424_n

Cho đến cuốn sách mới nhất này, văn chương của Nguyễn Trương Quý vẫn tiếp tục ruổi rong trên những nẻo đường Hà Nội. Thành phố này, dù đã trở thành đề tài của bao nhiêu nghệ sĩ, dù đã được tác giả khai thác đến từng chi tiết tỉ mẩn ở những cuốn sách trước đó, vẫn tiềm tàng những bí ẩn – yếu tố quan trọng làm nên sức cảm dỗ của đô thị. Hay để dùng lại một thuật ngữ được Nguyễn Trương Quý nhắc đến như là đối tượng khám phá của cuốn sách, Hà Nội vẫn dồi dào những “vi lịch sử”, những tự sự nhỏ nằm bên dưới những sự kiện của đời sống thường nhật.

Về mặt thể loại, Một thời Hà Nội hát (Tim cũng không ngờ làm nên lời ca) được tác giả gọi là một cuốn du khảo. Nhưng thực ra từ những tác phẩm trước, Nguyễn Trương Quý đã định hướng tản văn của mình theo tinh thần du khảo. Văn chương du khảo cần sự hòa quyện giữa sự miêu tả, ghi chép vừa chính xác, cẩn thận đồng thời lại vừa đậm tính hình tượng và dấu ấn chủ quan với những phân tích, biện luận từ một quan điểm nghiên cứu. Nguyễn Trương Quý đã thực hiện được một việc không dễ là thống nhất được lối viết sống động, nhiều khi không giấu đi sự hài hước hay duy cảm trong cái nhìn đời sống của mình mà thể loại tản văn dung nhận với một số thao tác gần gũi với khảo cứu nhân văn như chọn điểm tựa về lý thuyết, tìm lai lịch của hiện tượng, trích dẫn nguồn tham khảo… Có thể nói tản văn của anh là một thực hành phê bình văn hóa mà ở đó, người viết bằng cả sự nhạy cảm lẫn chiều sâu tư duy đã phát lộ chiều kích huyền thoại của đô thị không chỉ qua những sản phẩm tinh thần mà còn trong kiến trúc cảnh quan hay những đồ vật gắn liền với nó.

Một thời Hà Nội hát có lẽ là tác phẩm đi xa hơn cả trong ý thức khảo cứu của Nguyễn Trương Quý. Ngay trong lời mở đầu, tác giả đã có sự lưu ý đối với độc giả về tinh thần của cuốn sách. Hà Nội, theo cách tiếp cận của Nguyễn Trương Quý, là một “cộng đồng được tưởng tượng”, nói như Benedict Anderson, người mà tác giả đã tiếp thu ý tưởng để hình thành nên khung tư duy của mình. Nghĩa là, với anh, Hà Nội được hiểu như một diễn ngôn, tức như là kết quả của quá trình tạo nghĩa thông qua các hoạt động văn hóa. Những bài hát và người hát về Hà Nội nằm trong những yếu tố tham gia vào quá trình ấy. Chúng đan dệt hình dung của nhiều người về thành phố, từ đó tạo nên những hoài niệm tập thể về nó.

Từ cách tiếp cận ấy, Đoàn Chuẩn – nhân vật chính của cuốn sách cũng là một diễn ngôn. Cho dù Nguyễn Trương Quý đã cất công tìm hiểu tiểu sử, thực hiện nhiều phỏng vấn, trò chuyện với những người liên quan đến người nhạc sĩ này thì cuốn sách cũng khó có thể được coi là một cuốn chân dung văn học theo định nghĩa chặt chẽ về thể loại. Người viết hướng mối quan tâm của mình vào việc phát hiện cơ chế nào để đưa Đoàn Chuẩn trở thành một giai thoại, giai thoại đó được cấu tạo theo những hình mẫu có sức hấp dẫn như thế nào và vì sao giai thoại – vốn là tiểu tự sự bên lề lịch sử chính thống – được trưng dụng trở lại, đi vào diễn ngôn trung tâm về Hà Nội. Nói một cách khác, Hà Nội cần đến Đoàn Chuẩn để thêm một biểu tượng mới cho mình, để phái tính hóa thành phố (sexing the city), làm cho thành phố mang diện mạo có nét quyến rũ của một lãng tử hào hoa. Nhưng ở phía ngược lại, cũng chính ở trong lòng thành phố mà tính cách đô thị của nó trong lịch sử nhiều khi buộc phải bị kìm nén, tiết chế và trở nên mất mát ít nhiều, Đoàn Chuẩn mới trở thành một biểu tượng đủ để khiến người ta ngưỡng vọng và hoài nhớ như một mẫu nhân cách một đi không trở lại. Cuốn sách, vì thế, là lịch sử về một biểu tượng hơn là một tiểu sử về một nghệ sĩ.

Cuốn sách của Nguyễn Trương Quý tập trung vào một lát cắt lịch sử của Hà Nội mà hình dung về nó còn bỏ ngỏ nhiều khoảng trống – giai đoạn thành phố bị tạm chiếm trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Không có tham vọng lấp đầy những khoảng trống ấy, cuốn sách chỉ cố gắng phác thảo lại một mảng hiện thực mà sử học thường ít chú ý: đời sống giải trí. Nhưng chính phương diện này lại có thể phát lộ nhiều điểm thú vị, độc đáo về văn hóa thị dân của thành phố. Nguyễn Trương Quý đã chọn được một kênh dẫn thích hợp để có thể đi vào tâm thức của thị dân Hà Nội trong nửa đầu thế kỷ XX: tân nhạc – loại hình nghệ thuật mới, chịu ảnh hưởng từ âm nhạc phương Tây, được sinh thành và nuôi dưỡng trong lòng thành phố. Anh có một cách làm việc cẩn trọng trên những tư liệu của quá khứ, không chỉ chú ý đến những sự kiện nổi lên trên bề mặt mà quan tâm đến cả những gì có thể ẩn giấu trong những chi tiết có vẻ như vặt vãnh như danh mục của các bài hát được trình bày, các thông tin quảng cáo cho những sinh hoạt giải trí in trên mặt báo, cách các bài hát được thu thanh và biểu diễn… Nói một cách khác, anh quan tâm đến hầu hết các phương diện tạo nên đời sống truyền thông của tân nhạc. Từ đó, cuốn sách không chỉ làm người đọc hình dung được thị hiếu, mỹ cảm một thời của thị dân Hà Nội. Có lẽ thú vị hơn, nó cho thấy luôn có những câu chuyện ẩn khuất sau những hình ảnh, giai điệu mà những mô tả lịch sử trên bình diện vĩ mô không nắm bắt được. Mà những câu chuyện khuất lấp ấy mới là nơi ta cảm nhận được rõ hơn những kinh nghiệm tinh thần của con người trong quá khứ. Những nghiên cứu tư liệu của Nguyễn Trương Quý, đặc biệt là về lời ca khúc Đoàn Chuẩn, cho thấy ngôn từ có những ký ức riêng của mình và chúng có thể tồn tại dai dẳng bất kể những biến thiên lớn của thời cuộc. Tinh thần lãng mạn ở những hình ảnh, motif trong ca khúc của Đoàn Chuẩn, dẫu có thể từng bị gán cho định kiến trong một thời gian dài, thậm chí trở thành những cấm kỵ, thì vẫn cứ là một cái gì ám ảnh, ăn sâu vào hoài niệm và mơ tưởng của một lớp người, vượt khỏi cả những ranh giới ý thức hệ từng ngăn cách hai miền đất nước, để tạo thành một ký ức thống nhất về Hà Nội. Một Hà Nội tiền chiến, sang trọng và u uẩn, lịch lãm và phóng khoáng. Một Hà Nội như một cộng đồng tưởng tượng của một lớp người, có nhiều khác biệt với một Hà Nội được kiến tạo bởi những nhạc sĩ từng sống ở miền Bắc sau 1954. Hà Nội, trong ca từ của lứa nhạc sĩ sau Đoàn Chuẩn, là một vùng hoài niệm đạm bạc hơn, thương khó hơn và chịu đựng hơn.

Những suy nghĩ trên đây của tôi có thể khiến nhiều người nghĩ rằng cuốn sách của Nguyễn Trương Quý nặng về tính học thuật. Song không hẳn vậy, dù rằng đây là khía cạnh khiến tôi nể phục nhất ở anh từ khi đọc nó lúc còn là dạng bản thảo. Một thời Hà Nội hát cũng là một cuốn sách mang nhiều trải nghiệm riêng tư của tác giả. Dễ thấy nó là sự nối tiếp chủ đề mà Nguyễn Trương Quý đã khai thác trong Còn ai hát về Hà Nội? (2013), nhưng lần này tác giả muốn tập trung hơn vào một hình tượng nhạc sĩ gắn với giai đoạn âm nhạc thường được gọi tên là nhạc tiền chiến. Tuy nhiên, tính cá nhân của cuốn sách này không chỉ nằm ở chỗ nó phản ánh một hứng thú của tác giả mà còn ở một khía cạnh đáng lưu ý khác. Nguyễn Trương Quý thuộc thế hệ lớn lên vào lúc văn học nghệ thuật lãng mạn, sau một thời kỳ dài trong lịch sử bị xem như một vùng cấm, quay trở lại, được thừa nhận giá trị, đi vào sách giáo khoa và hòa cả vào văn hóa đại chúng từ cuối thập niên 1980. Thơ Mới, âm nhạc tiền chiến, khi ấy, dường như cung cấp cả một vùng ngữ vựng để thế hệ ấy biểu đạt bản thân. Họ dùng tên một tác phẩm của Xuân Diệu để gọi lứa tuổi của mình – “hoa học trò”; họ tạo hình cho mình theo khuôn mẫu lãng tử mà văn chương hay ca khúc lãng mạn khắc họa; họ vu vơ, sầu muộn, bất cần, phong tình – những trạng thái mà tuổi trẻ trong những năm chiến tranh phải nén lại, không được phép biểu hiện – có nghĩa là, họ gần với thế hệ thanh niên tiền chiến hơn là thế hệ thanh niên thời cha mẹ mình. Tuổi hoa niên của thế hệ của Nguyễn Trương Quý, dẫu vậy, cũng không phải là bản sao của thế hệ tiền chiến và có lẽ nó cũng là vẻ đẹp đang một đi không trở lại. Những người trẻ mười tám, đôi mươi giờ đây có thể tìm thấy những điểm tựa khác để tạo hình cho mình. Với cuốn sách này, Nguyễn Trương Quý không chỉ muốn phục dựng những vi lịch sử của một giai đoạn quá khứ. Nó có lẽ còn là cuốn sách hoài niệm những gì đã từng bước vào thế giới tinh thần của anh ở những năm tháng thanh xuân ấy. Và những gì bước vào đời ta ở quãng thời gian ấy chính là những giá trị  quan trọng định hình nên ta bây giờ. Bởi vậy, người đọc có thể cảm nhận được tình cảm chân thành của Nguyễn Trương Quý đối với Hà Nội, với âm nhạc và đặc biệt là sự trân trọng đối với Đoàn Chuẩn – người nghệ sĩ đã dành những “bản nhạc đời còn ghi những nét thương yêu” không chỉ cho riêng ông.

Trần Ngọc Hiếu

(Lời giới thiệu cho cuốn sách Một thời Hà Nội hát – Tim cũng không ngờ làm nên lời ca của Nguyễn Trương Quý, NXB Trẻ, 2018)

Andrew Bowie – Nghệ thuật của nỗi buồn chán

Andrew Bowie (1952), tác giả của tiểu luận ngắn này, là giáo sư triết học và văn chương Đức tại Royal Holloway, University of London. Ông là tác giả của nhiều chuyên khảo triết học có uy tín, trong đó có thể nhắc đến các cuốn From Romanticism to Critical Theory (1997), Aesthetics and Subjectivity: From Kant to Nietzsche (2nd edition, 2003), Philosophical Variations: Music as ‘philosophical Language’ (2010), Adorno and the Ends of Philosophy (2013)… Ngoài ra ông còn được biết đến như một người chơi saxophone.

Tôi dịch tiểu luận này trong nỗ lực đọc về tính hiện đại cùng với các bạn trong Nhóm thứ 6 (hoạt động do các bạn Sakedemy tổ chức). Bài viết ngắn nhưng không dễ lĩnh hội và truyền tải vì nó đòi hỏi sự nắm vững một nền tảng triết học phức tạp. Tôi rất mong nhận được sự chỉ giáo của mọi người để có thể thông hiểu vấn đề hơn.

death-helm-16_35873

“Death at Helm” – tranh của Edvard Munch, họa sĩ Na Uy (1863 -1944)

*

Khó có thể coi ba từ – “boredom” trong tiếng Anh, “ennui” trong tiếng Pháp và “Langeweile”– là những từ đồng nghĩa: từ thứ nhất có thể xuất phát từ hoạt động khoan gỗ, từ kế tiếp có liên quan đến cảm giác muộn phiền, trong khi đó, từ cuối cùng có nghĩa “một khoảng thời gian dài”. Do đó, nếu ta nghĩ ai đó đang buồn chán thì có lẽ họ đang thấy phiền muộn và thời gian họ phải chịu đựng trạng thái ấy trở nên dài đến mức khó chịu, vì thế, các từ này mang những nét nghĩa liên đới nhau. Mối quan hệ với thế giới hàm chứa trong mỗi từ trên rõ ràng mang tính tiêu cực. Chẳng hạn, “Langeweile” ngụ ý rằng ý nghĩa của thời gian, vốn được cấu trúc bởi ham muốn, chủ đích, hy vọng, phòng bị, v.v, đã bị quy giản thành sự trống rỗng bởi nó thiếu những phẩm chất mang tính dự phóng này. Tuy nhiên, buồn chán cũng không hẳn chỉ mang nét nghĩa tiêu cực. Nietzsche, chẳng hạn, cho rằng buồn chán có một đối tác gắn bó khăng khít với nó: “Đối với nhà tư tưởng và tất cả những ai mang tinh thần sáng tạo, nỗi buồn chán là một trạng thái chẳng dễ chịu chút nào của tâm hồn, nó có trước hành trình hạnh phúc và những phương trời may mắn; y phải chịu đựng nó, phải đợi để nó tạo ra những tác động lên mình.” Buồn chán, bởi thế, có thể được xem là điều kiện cần thiết để khai sinh ý nghĩa mới.

Nhưng buồn chán là loại hiện tượng gì? Giả sử một trận bóng đá kết thúc mà không có bàn thắng nào được ghi, thì đối với một nhà bình luận thể thao, anh ta có thể thấy thú vị khi phân tích chiến thuật của mỗi bên để ghìm sức mạnh của nhau nhưng đối với ai khác vốn coi trọng bàn thắng và những hành động cụ thể tạo nên ấn tượng của trận đấu ấy, họ sẽ thấy nó buồn tẻ. Vậy buồn chán phải chăng là cái gì đó thuần “chủ quan”?

Thực chất, câu hỏi này rất giống với những tranh cãi kéo dài từ bao nhiêu năm xoay quanh việc liệu những phán đoán về nghệ thuật – trong đó bao gồm cả phán đoán về việc một cái gì đó bị coi là chán – có thuần túy “chủ quan” chăng? Người ta đã luôn đưa ra những phán đoán trái ngược nhau để xem cái gì là đáng chán và cái gì mang giá trị thẩm mỹ. Điểm chung ở những phán đoán này là chúng đều xuất phát từ ý tưởng rằng có một số kết nối với các sự vật trong thế giới này sở hữu hoặc thiếu vắng những kiểu giá trị nhất định. Quan điểm cho rằng đây là những phán đoán thuần túy chủ quan bắt nguồn từ việc chúng rất dễ bị thách thức. Song, hiểu “chủ quan” theo nghĩa này cũng gây băn khoăn. Những phán đoán kiểu như thế này đều có những tiêu chí nào đó, thí dụ một trận đá bóng buồn tẻ vì nó không có bàn thắng. Đây không hẳn là một phán đoán cảm tính, bởi vì người ta có thể đưa ra lý do tại sao tiêu chí này có thể quan trọng hơn hứng thú phân tích chiến thuật. Hơn nữa, những phán đoán được xã hội chấp nhận rộng rãi không chỉ do hứng thú cá nhân quyết định mà còn bởi những nhân tố khác nữa. Đó có thể là những áp lực về văn hóa và xã hội mà người ta không ý thức được và do đó đóng vai trò như là nhân tố khách quan, do xã hội tạo ra. Sự tương tác giữa tính chủ quan và khách quan, mỗi bên đều có thể đổi địa vị cho nhau theo thời gian, mới thực sự là vấn đề quan trọng ở đây. Nếu một nhân tố nào đó đóng vai trò quyết định chi phối cách con người ta tác động, thì sẽ sai lầm nếu ta bảo đó là nhân tố hoàn toàn chủ quan. Thí dụ, những chuẩn mực để xem xét cái gì là đúng hay sai trong âm nhạc thường thay đổi khi một cách chơi hay một lối soạn nhạc bị xem là nhàm chán, từ đó những chuẩn mực mới có được sức hấp dẫn. Song tại sao các sự vật, sự việc lại trở nên nhàm chán?

Buồn chán hẳn có mối liên quan với sự thiếu “ý nghĩa”. Không nên hiểu ý nghĩa ở đây theo góc độ ngữ nghĩa học hay thậm chí triết học. Điều đáng tranh cãi ở đây, đúng hơn, là những mối đầu tư của chúng ta vào thế giới và việc chúng có thể thất bại như thế nào – điều có thể xảy ra cả ở cấp độ cá nhân và xã hội. Mọi thứ, chẳng hạn, đều có thể trở nên buồn chán qua sự lặp lại. Mà cùng lúc, sự lặp lại lại là điều kiện của ý nghĩa theo nghĩa rộng được chủ định ở đây. Trong những bài giảng vào năm 1802-03 mà sau này sẽ phát triển thành công trình Triết học nghệ thuật (Philosophy of Art), Schelling đã nói: “bị thôi thúc bởi bản tính, con người tìm các thiết lập nên sự đa bội và đa dạng qua nhịp điệu. Chúng ta không thể chịu đựng nổi trạng thái đều đều trong một thời gian kéo dài, ở tất cả những gì tự thân chưa mang ý nghĩa, thí dụ như việc đếm, chúng ta phải phân đoạn.” Những yếu tố này có liên quan đến mối quan hệ giữa sự buồn chán với thời gian, chúng khơi dậy suy tư cần thiết về cách mà ý nghĩa và thời gian liên kết với nhau. Tính có ý nghĩa hay sự thiếu ý nghĩa của thời gian trong nỗi chán chường, ở góc độ này, một lần nữa, có lẽ lại khiến vấn đề đang bàn được hình dung như một dự phóng chủ quan vào thế giới vật lý khách quan. Song chính cách tiếp cận này lại là thứ ta ngộ ra trong nỗ lực tìm hiểu giá trị của nỗi buồn chán, vì “thế giới” không chỉ là những gì mà vật lý nói với chúng ta, mà đó chính là ngữ cảnh để trong đó các sự vật mang ý nghĩa nào đó, cố nhiên bao hàm cả bản thân vật lý.

Ý tưởng này về thế giới bắt nguồn từ Martin Heidegger và không phải ngẫu nhiên ông là người đã đưa ra những suy tư độc đáo, gây ảnh hưởng sâu sắc về nỗi buồn chán qua những bài thuyết giảng của mình được tập hợp lại trong Những khái niệm cơ bản của siêu hình học (The Basic Concepts of Metaphysics), công bố năm 1929-30, ngay sau khi xuất bản Tồn tại và thời gian (Being and Time) vào năm 1927. Heidegger ở đây muốn nắm bắt “tâm trạng (Stimmung) cơ bản của triết học” và ông đã trích dẫn lại nhận định của Novalis – thi sĩ lãng mạn Đức thời kỳ đầu, rằng triết học chính là “nỗi nhớ nhà”. “Stimmung” có nét nghĩa ngầm, chỉ sự điều chỉnh dây đàn trong âm nhạc và có thể được dịch là “so dây”, gợi liên hệ rõ hơn đến cách chúng ta tri nhận về thế giới. “Tâm trạng”, đối với Heidegger, không phải là những trạng thái tinh thần chủ quan vốn được xem là đối tượng của ngành tâm lý học mà là những cách thức cơ bản của tồn tại trong thế giới. Bởi vậy, ông khẳng định người ta lúc nào cũng sống trong một tâm trạng bởi bản chất của chính cách ta tồn tại. Hệ quả là tâm trạng luôn tồn tại trước bất kỳ một khả năng khách quan hóa các sự vật hiện tượng, bao gồm cả bản thân tâm trạng. Tâm trạng “không phải chỉ như một hình thức hay một phương thức, mà như là một “điệu” trong âm nhạc [từ trong tiếng Đức có cả hai nét nghĩa này], và nó trao giọng cho sự tồn tại của con người. Tâm trạng là “cách cơ bản mà theo đó, chúng ta tìm thấy mình trong tình trạng như thế nào đó, và điều này cho thấy âm nhạc có một vai trò quan trọng đối với những khám phá triết học như vậy, dù bản thân Heidegger không giải thích nhiều về điều này.

Heidegger tìm cách khơi gợi một “tâm trạng cơ bản” của sự tồn tại của con người và ông làm việc này bằng sự tập trung vào nỗi buồn chán. Triết học của ông quan tâm làm thế nào mà mọi thứ mang ý nghĩa, vì thế nỗi buồn chá vốn làm rỗng những thứ mang ý nghĩa, dường như là xuất phát điểm thích hợp cho sự suy tư này. Nỗi buồn chán sở dĩ đáng kể vì nó thể hủy bỏ cái ý nghĩa được xem có từ trước của các sự vật, hiện tượng. do đó, nó thách thức suy tư của chúng ta về cái gì còn lại khi ý nghĩa kia bị tước đi. Thay vì là một trạng thái bên trong, “nỗi buồn chán an tọa trong những thứ tẻ nhạt và lén lút xâm nhập vào bên trong ta từ bên ngoài.” Những thứ như sách vở, ca kịch, nghi lễ hay con người đều có thể buồn tẻ và hiện tượng này không thể cứ quy cho nó là mang tính chủ quan được. Cũng như không nên xem sự vật như là “nguyên nhân tác động, mà đúng hơn như một thứ gì đó được lên dây đúng điệu với chúng ta.” Sự lên dây này là “một phương thức cơ bản của sự tồn tại của chúng ta” mà theo đó, thế giới mang một ý nghĩa nào đó đối với ta, hoặc mất đi ý nghĩa ấy. Nỗi chán có trước những phương tiện ta sử dụng để nghiên cứu nó: “Chúng ta có thể không tạo ra sự buồn chán, như một tình trạng tự xảy ra, một đối tượng để quan sát, nhưng chúng ta nhất định phải vượt qua nó như cách mà mình vận động trong nó, nghĩa là, ngay lúc đó, ta phải tìm cách “xua đuổi nó” bằng cách “giết thời gian”.  Theo cách hiểu thông thường, nỗi buồn chán là chìa khóa mở ý nghĩa của sự hiện sinh của chúng ta, vì nó với chúng ta một điều gì đó cốt yếu về bản chất thời tính của sự tồn tại ấy.

Heidegger, do đó, đã thổi phồng ý niệm về nỗi buồn chán trong nỗ lực đưa ra sự chẩn đoán trên quy mô lớn về tình trạng của nền văn hóa hiện đại, mà ở đó, “có lẽ nỗi buồn chán đã xác định sự tồn tại của chúng ta ở đây và lúc này”. Nhận định đó đã dẫn dắt đến quan điểm cực đoan về một nền văn hóa dựa trên khoa học mà ông đã gọi là nền văn hóa “cơ giới hóa”. Trong “Những sổ ghi chép đen” (“Black Notebooks”) những năm 1930, “cơ giới hóa” có nghĩa rằng “chân lý sẽ trở thành sự chính xác của tái trình hiện”, thay vì là một sự khải thị ý nghĩa, một “sự khai mở thế giới”. Ông nhìn thấy những “tiến bộ” của khóa học trong quá trình cơ giới hóa này như là sự “bóc lột và tận dụng trái đất, nuôi dưỡng và làm con người rơi vào tình trạng mà đến bây giờ vẫn không thể hiểu nổi.” “Mục tiêu ẩn giấu” của quá trình “cơ giới hóa” là “tình trạng buồn chán toàn phần”, một quá trình vật hóa toàn diện thế giới này đi kèm với sự thống trị của những hình thức thuần túy định lượng của thời gian. Mối quan hệ chính trị tai tiếng giữa Heidegger và chủ nghĩa Nazism xuất phát từ việc ông đã nhầm trong cách phản ứng với nó. Song điều ấy không có nghĩa coi nỗi buồn chán như là đặc điểm bản chất của tính hiện đại chỉ là một nhầm lẫn. Trong Lý luận mỹ học (“Aesthetic Theory”), Adorno đã nói, theo một lối diễn đạt tương tự với Heidegger về “màu xám của sự buồn chán được sinh ra bởi thế giới vật phẩm”, vốn quy giản các vật thể về một tình trạng có thể lượng hóa một cách đồng phục mà nghệ thuật hiện đại chủ nghĩa chính là một phản ứng đối với tình trạng ấy. Tuy nhiên, nhận định này có thể gợi mở một cách tiếp cận đầy đủ hơn về ý nghĩa văn hóa rộng rãi hơn của nỗi buồn chán so với cách tiếp cận của Heidegger. Trong tính hiện đại, những giả định siêu hình học cho rằng ý nghĩa vốn mang tính cố hữu trong thế giới – chẳng hạn, thời gian được xem như là một vận động hướng tới một tiêu nào đó – đã mất đi hiệu lực khi đối mặt với những hệ hình mới mà kinh tế, khoa học, công nghệ dựa vào để sắp đặt thế giới. Tầm quan trọng của những hình thức hiện đại của nghệ thuật, đối với triết học, chính là ở cách nó phản ứng với một thế giới bị thống trị bởi những tiềm năng vô tận cho sự lặp lại trống rỗng. Theo cách này, nỗi buồn chán, vốn được nghĩ như là một hiện tượng tâm lý cá nhân, có thể là một chìa khóa triết học để khám phá những khía cạnh cơ bản của văn hóa hiện đại.

Hải Ngọc dịch

Nguồn: Andrew Bowie, “The Art of Boredom”, https://iainews.iai.tv/articles/the-art-of-boredom-auid-1171