Monthly Archives: Tháng Năm 2018

Nghĩ cùng, nghĩ tiếp, nghĩ khác với Nhã Thuyên

Any human power can be resisted and changed by human beings. Resistance and change often begin in art, and very often in our art, the art of words.

(Bất cứ quyền lực nào của con người cũng đều có thể bị con người kháng cự và thay đổi. Sự kháng cự và thay đổi thường bắt đầu trong nghệ thuật, và rất thường xuyên trong nghệ thuật của chúng ta, nghệ thuật ngôn từ.)

  • Ursula K.Le Guin

the-great-war

1. Nhan đề của tập tiểu luận này gồm những kết hợp từ bất thường, hầu như chưa bắt gặp trong tiếng Việt. Không hẳn phép chơi chữ ấy là một thủ pháp mà Nhã Thuyên khai thác để thơ hóa ngôn ngữ của thể loại tiểu luận ngay từ tên cuốn sách. Nhã Thuyên có nhu cầu phát kiến những lối diễn đạt thoạt nghe có phần nghịch nhĩ hay phóng túng khi biểu đạt những suy tưởng và cảm nhận của mình về những chuyển động trong mạch ngầm đời sống văn chương Việt Nam đương đại, và xa hơn, của chính xã hội Việt Nam ở giai đoạn này. Chị muốn tránh những vùng từ vựng đã sẵn có, những thuật ngữ đã được thiết định để mô tả những chuyển động ấy bởi những thứ có vẻ như “rất tiện dùng” đều có thể không tương hợp với trải nghiệm cá nhân của chị khi quan sát, nắm bắt chúng. Thứ mà Nhã Thuyên nhấn mạnh ngay trong lời mở của tập tiểu luận chính là tính cá nhân, sự riêng tư của mình trong góc nhìn, trong đánh giá và dự cảm. Sự kiên định là phẩm chất đáng ghi nhận đầu tiên của cuốn sách này: người viết vừa ý thức được trách nhiệm của bản thân như một kẻ can dự vào đời sống dưới ngầm của thơ ca, bên lề của xã hội đương đại lại vừa định vị bản thân trong khoảng gián cách cần thiết với đối tượng của mình; các trang viết bởi thế tha thiết, nhiệt thành nhưng đồng thời cũng điềm tĩnh, thẳng thắn, thậm chí sòng phẳng.

2. Lựa chọn và bảo vệ cái nhìn cá nhân luôn đòi hỏi can đảm, nhất là trong bối cảnh xã hội Việt Nam, nơi quyền tự do biểu đạt hãy còn gặp nhiều thử thách. Tác giả tập tiểu luận này khiêm nhường trong cách xác định trường nhìn của mình: không tham vọng bao quát toàn cảnh, lắng nghe được mọi vọng âm, từ góc nhìn của một cá nhân, những gì được trình bày ở đây chỉ như những chấm phá về một thực tại (trong nhiều thực tại) cần nhiều cách tiếp cận đa dạng hơn nữa. Cuốn sách là một tiểu tự sự của Nhã Thuyên về thơ ca, về xã hội Việt Nam đương đại. Song cũng chính từ cách tiếp cận đời sống qua lăng kính tiểu tự sự này, tập tiểu luận lại có thể nhìn ra những xê dịch, nứt rạn, những mầm mống manh nha nơi sâu khuất của thực tại. Từ đó, cuốn sách có thể thử thách nhiều hình dung về văn học và xã hội Việt Nam vốn đã bị đóng khung.

Chẳng hạn, thế nào là văn học Việt Nam? Trong cuốn sách này, Nhã Thuyên cho thấy cần phải hiểu ý niệm này trong tính đa nguyên. Sự xuất hiện của internet đã làm lung lay một định nghĩa về văn học dân tộc đóng khung trong biên giới địa lý, làm mờ đi sự phân biệt giữa “văn học trong nước”- “văn học hải ngoại”, để hình thành nên một ý niệm dường như có sức dung chứa lớn hơn – “văn học Việt ngữ”. Nhưng “văn học Việt ngữ”, qua những gì mà ta có thể rút ra từ tập tiểu luận này, lại cần phải được hiểu như là một thực thể đa ngữ, nơi có nhiều tiếng nói vang lên, nhiều thứ tiếng Việt mang trong mình những ký ức, những lịch sử khác nhau.

Một quan sát nữa mà Nhã Thuyên trình bày, cho thấy cần thiết phải xem “văn học Việt Nam” như một thực thể tồn tại ở dạng số nhiều chính là sự hiện diện những bộ phận ngoại biên, hầu như cho đến giờ vẫn chưa được chú ý nhận diện trong những mô tả văn học sử đang giới thiệu ở các giảng đường đại học tại Việt Nam. Ngoại biên ở đây là không gian của những tiếng nói thiểu số, những lựa chọn ngược dòng chính, hay cách nói của Nhã Thuyên, những hiện diện [tự-] vắng. Đó là tiếng nói của thơ nữ, những hiện tượng samizdat thời đại số, hay một gương mặt gần như không được phép nhắc đến trong những phê bình thơ ca đương đại theo dòng chính thống – Nguyễn Quốc Chánh. Nhìn vào những hiện tượng ngoại biên này, tập tiểu luận cho thấy một Việt Nam đương đại có thể được hình dung rất khác so với những tái trình hiện đã trở thành clichés, thí dụ: đất nước của chiến tranh, đất nước nơi ý thức hệ cộng sản vẫn thống lĩnh, đất nước – một điểm du lịch exotique… Việt Nam đương đại, từ góc nhìn cá nhân của Nhã Thuyên, cần được hình dung sinh động hơn, phức tạp hơn, bớt định kiến hơn: nó có những câu chuyện của riêng mình nhưng đồng thời cũng nằm trong câu chuyện chung về tự do biểu đạt và những cuộc đấu tranh tìm tiếng nói của con người ở nhiều nơi trên thế giới, như câu chuyện nữ quyền hay văn hóa trẻ. Thơ, đối với Nhã Thuyên, là một không gian để nhận diện những tiếng nói cần được cất lên, đòi được lắng nghe, nếu quan niệm tính đối thoại trong văn hóa là một phẩm chất phải được tôn trọng.

3. Thơ vốn dĩ thường phải chấp nhận địa vị ngoại biên. Từ thời Plato, thi sĩ vốn đã là cái gai trong mắt của triết gia muốn thiết kế mô hình nước cộng hòa lý tưởng. Ngay ở thời lãng mạn, tưởng như thơ ca chiếm lĩnh vai trò quan trọng trong diễn cảnh văn hóa, thì hình ảnh nhà thơ cũng chỉ được định nghĩa như là “nhà lập pháp không được thừa nhận của thế giới” (Percy Bysshe Shelley). Các nhà thơ bên lề ở Việt Nam mà Nhã Thuyên đọc có lẽ tương thích với hình dung của George Oppen về thiên chức của thi sĩ: “Thi sĩ là những kẻ lập pháp của thế giới không được thừa nhận.” Trong tập tiểu luận này, có hơn một thế giới ở trong tình trạng ấy: thế giới của những kẻ bị các đại tự sự nén chặt lại tiếng nói của mình. Thơ, khi ấy, dường như là cách duy nhất để cất tiếng, là thứ mà những kẻ bên lề có thể tin vịn vào nó để đứng – mượn ý của Phùng Quán.

Tập tiểu luận của Nhã Thuyên, trước hết, đã trình bày một hiện trường ngổn ngang mà dòng thơ ca bên lề tạo ra chủ yếu trong thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, khi cảnh quan văn hóa Việt Nam có những biến động quan trọng, mà hệ quả lớn nhất là xu hướng giải trung tâm diễn ra trên các bình diện đời sống – điều Nhã Thuyên ghi nhận như một cơ hội hơn là một mất mát. Năng lượng của dòng thơ ca bên lề ấy tập trung vào những hành động có thể thâu tóm trong những từ dễ gợi liên tưởng đến trạng thái hưng phấn cách mạng: “khiêu khích”, “nổi loạn”, “phản kháng”, “khước từ”… Nói một cách hình ảnh hơn, để dùng lại một ý thơ của Đinh Linh, công cuộc “cải tạo vành tai tiếng Việt” này, về cơ bản, là nỗ lực phủ định mọi quy phạm, mọi điển phạm, mọi mặc định vốn đã được chấp nhận về thơ. Cứ như những gì mà Nhã Thuyên mô tả trong cuốn tiểu luận này, hoàn toàn có thể nói, kể từ sau Thơ Mới khởi đầu những năm 1930, sau những tuyên ngôn và cách tân nhóm Sáng Tạo ở miền Nam cuối những năm 1950, sau những tìm tòi âm thầm của các nhà thơ trong phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm mà phải đợi gần 40 năm sau mới được giới thiệu chính thức trở lại, mới có một cơn bão điên cuồng như vậy nổi lên trong cõi thơ Việt. Rác rưởi tràn vào thơ, tục tĩu nạp trong thơ, cái vô nghĩa trở thành nơi thơ muốn đi đến. Đùa cợt, bông lơn, báng bổ… hoàn toàn có thể là cách cất giọng của thơ.

Có thể là may, mà cũng là không may, tùy góc nhìn, khi cơn bão ấy, như mọi cơn bão, rồi cũng lắng xuống. Nhưng hiện trường tổn thất mà cơn bão ấy gây ra vẫn cứ là thứ không được đo lường | không đo lường được bởi hầu hết phê bình văn học theo dòng chính ở Việt Nam đến tận gần một thập niên sau đó. Mô tả nó là cảnh báo khả năng bị lung lay của những gì kiên cố nhất, quyền lực nhất được duy trì bằng những cấm kỵ hay luật lệ. Phơi bày nó đồng nghĩa với việc thừa nhận thơ có thể không là những gì người ta muốn gán, muốn định danh, muốn quy ước, từ đó, chấp nhận rằng thơ luôn tự do hơn những gì đã được quan niệm. Và nói về nó cũng có nghĩa là nhìn thấy những khả năng khác mọc lên từ những chỗ mà cơn bão kia bứt rễ, nhìn thấy sự sinh mới nảy nở trên nền những gì bị hủy diệt. Năng lượng của nó không bị cạn kiệt mà ít nhiều còn chuyển hóa phần nào sang nhiều hiện tượng thuộc văn hóa indie/ underground vẫn tiếp tục xuất hiện, lan tỏa trong đời sống Việt Nam đương đại.

4. Những vấn đề mà Nhã Thuyên chia sẻ quan điểm trong cuốn sách này, trên thực tế, hoàn toàn là những chủ đề học thuật quan trọng khi nghiên cứu những chuyển biến của văn học và xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XXI, dù bản thân tác giả đã lựa chọn một lối viết làm mờ đi tối đa tính kinh viện cùng lúc tô đậm nhiều hơn những trải nghiệm cá nhân. Nhưng hoàn toàn có thể nhìn ra những khía cạnh cần thảo luận sâu hơn nữa từ những phát hiện của Nhã Thuyên. Chẳng hạn, nghiên cứu về mối quan hệ giữa không gian công và các hoạt động sáng tạo của nghệ sĩ trong lịch sử Việt Nam hiện đại là cả một đề tài lớn còn bỏ ngỏ. Một cái nhìn so sánh để thấy sự tiếp nối và không tiếp nối giữa những thực hành thơ ca ngoại biên được mô tả trong tập tiểu luận này với những cuộc cách mạng, hay những tham vọng cách mạng, thi ca ở thời hiện đại, từ Thơ Mới, qua Sáng Tạo, Nhân Văn – Giai Phẩm, qua những hiện tượng gây tranh luận ở thập niên cuối thế kỷ XX cũng có thể đã là vấn đề thảo luận hứa hẹn sự cọ xát của nhiều quan điểm. Xa hơn nữa, hoàn toàn có thể đặt những hiện tượng thơ ca ngoại biên này trong mối liên hệ với những thực hành thơ ca gắn với văn hóa đại chúng, không tách rời những đòi hỏi dân chủ và tự do biểu đạt ở nhiều nơi trên thế giới, để thấy thơ ca, dù có thể gắn với những truyền thống ngôn ngữ và văn hóa khác nhau, nhưng đều đang phải đối mặt với những thách thức và nhà thơ vẫn đang nỗ lực bảo vệ cho những “thế giới không được thừa nhận” – một công việc đòi hỏi ở hắn một tinh thần Don Quixote. Tập tiểu luận này cũng có thể bổ sung vào lịch sử của hiện tượng samizdat – một hiện tượng hóa ra vẫn chưa hề chỉ là di sản của quá khứ – ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Hứa hẹn rõ nhất mà cuốn sách này thể hiện là lời mời gọi ta nghĩ tiếp và nghĩ khác những gì tác giả đã trình bày. Theo nghĩa này, tập tiểu luận mang một tinh thần dân chủ đáng trân trọng.

5. Quá trình thành hình cuốn tiểu luận này, tự nó, đã là một tự sự xứng đáng được kể lại, dù Nhã Thuyên đã không nhắc đến ở đây những trải nghiệm qua những thử thách cực kỳ nghiệt ngã để bảo vệ cái nhìn cá nhân của mình. Có thể bản thân tác giả cũng không muốn tôi nhắc lại ở đây những gì chị phải chịu đựng khi theo đuổi dự án này trong sáu năm qua, bắt đầu từ một đề tài nghiên cứu mà chị thực hiện ở trường đại học, cũng là nơi đầu tiên chị lĩnh nhận những công kích trấn áp tự do học thuật. Nhưng “bất| |tuẫn” – đó không chỉ là đặc trưng tinh thần ở các hiện tượng thơ ca mà Nhã Thuyên quan sát; nó còn là thái độ ứng xử của chị sau những hệ lụy vẫn còn dai dẳng ấy. Cuốn sách không thỏa mãn những người chờ đợi đọc nó như một scandal văn chương, thậm chí trong dự đoán của tôi, nó có thể làm nản lòng những ai muốn khai thác hình ảnh tác giả như một biểu tượng phản kháng. Nhã Thuyên từ chối trở thành tiếng nói đại diện cho bất kỳ ai: dù viết về những hiện tượng thơ ca từng gây khiêu khích, từng dám thách thức, nhưng cả cuốn sách là một tiếng nói trầm, nhỏ, bình tĩnh đồng thời cũng rất thẳng thắn, quả cảm. Tôi cảm nhận được sự nhẫn nại trong lao động câu chữ của Nhã Thuyên để duy trì giọng điệu ấy xuyên suốt cuốn sách.

Xét đến cùng, văn chương trước hết không nhất thiết phải là nơi xác nhận lịch sử; nó là nơi xác nhận sự tồn tại của cá nhân qua tiếng nói riêng của mình. Tiếng nói của Nhã Thuyên trong tập tiểu luận này có sức vang vọng đến đâu, có thể nhận được những hồi đáp nào? Tôi không dám quyết ở đây. Nhưng khi vẫn còn một tiếng nói như thế được cất lên có nghĩa là những gì ồn ã nhất vẫn không át đi được một cá nhân tự do. Con người tự do thường bướng bỉnh, thường khước từ nhiều kỳ vọng từ bên ngoài trao cho mình, và hành động theo những thôi thúc tự thân. Con người ấy có thể làm chúng ta không chấp nhận dễ dàng ngay được, nhưng nếu nhẫn nại hơn để lắng nghe hắn, ta sẽ thấy chỉ có những người như thế mới kể được những câu chuyện khác về thế giới này. Như những câu chuyện về Việt Nam mà tôi tin nhiều người sẽ ngạc nhiên khi đọc cuốn sách: một Việt Nam rất riêng tư của Nhã Thuyên, một Việt Nam rộng hơn định danh địa lý, một Việt Nam nhìn từ những “phản thơ ca”, một Việt Nam của những bất an và những khát vọng, của những bế tắc và những rạn vỡ… Nhưng đó là một Việt Nam mà những chuyển động hiện tại của nó đồng thời cũng là nhịp điệu tâm thức của con người đương đại nói chung.

Trần Ngọc Hiếu

(Lời giới thiệu cho tập tiểu luận (chưa xuất bản) bất\ \tuẫn: những hiện diện [tự-] vắng trong thơ Việt của Nhã Thuyên. Bài viết đăng tải trên blog này với sự đồng ý của tác giả Nhã Thuyên)