Bài viết này của Steven G. Kellman là một sự báo động đối với tình hình của ngành nghiên cứu văn học đang diễn ra trong đời sống học thuật ở Mỹ. Nhưng nó có lẽ câu chuyện ở Việt Nam cũng bi quan không kém, cho dù sự khủng hoảng của lĩnh vực này, nếu ta thừa nhận nó, có những khác biệt rất lớn về bản chất hay có những nguyên do lịch sử chưa bao giờ được phân tích rốt ráo. Cái mà tôi thu nhận được nhiều nhất ở bài viết này lại là khía cạnh khác. Đó chính là hoàn toàn có thể nghiên cứu sự căm ghét đối với văn chương trong ngữ cảnh Việt Nam, dù thực ra đây sẽ là đề tài mạo hiểm. Hay việc nghiên cứu cái goi là “bad reading” được hình thành qua các triết lý về phương pháp giảng dạy ngữ văn, trong đó có cả những thứ đang được gọi là kỹ năng đọc hiểu được áp dụng một cách thời thượng mà không có sự suy tư, ảnh hưởng tai hại thế nào đến sự phát triển văn học.
Cứ theo bản dịch tiếng Latin Vulgate, phiên bản quyền uy của Kinh Thánh trong hơn một ngàn năm qua, các khoa văn học hàn lâm đóng cửa từ lâu cũng được rồi. Thánh vịnh khúc 70, đoạn 15 ngợi ca sự công bình và cứu rỗi của Chúa trời, “quia non cognovi litteraturas” – bởi vì tôi đã không biết văn chương. Theo bản dịch của Wycliffe ở thế kỷ XIV, người soạn thánh thi có thể vinh danh Chúa trời vì “Tôi hiểu biết được, không phải bằng văn chương, bằng những răn dạy của con người, mà nhờ sự khải thị của Chúa.” Do đó, một nền giáo dục bằng văn chương thế tục chỉ làm ta xao lãng khỏi những vấn đề trọng đại.
Trong bản tiếng Hebrew, thì ban đầu, từ được nhắc đến ở lời thánh thi này là sifrut, vốn thường được dịch là literature (văn chương), từ nguyên của nó, sfr, đồng thời cũng sinh ra động từ chỉ sự đếm. Hầu hết các dịch giả ở thời hiện đại đều hiểu câu thơ này không phải là sự tấn công vào văn chương mà xem nó là câu tôn vinh sự vĩ đại của Chúa trời vượt khỏi mọi khả năng đo đếm được của con người. Phiên bản vua James, chẳng hạn, dịch thành: “Miệng tôi sẽ ca ngâm để tạ ơn sự công bình và cứu rỗi của Người suốt ngày, vì tôi không biết phải dùng con số nào để biểu thị.” Trong những bản dịch phổ biến nhất, văn chương không phải đối tượng để đả kích nữa.
Tuy nhiên, cho dù việc đọc John Donne và Kafka có tạo nên chướng ngại vật cho sự hiệp thông với Chúa hay không thì việc nghiên cứu văn học ở các trường đại học Mỹ đã và vẫn đang phải chịu những sự tấn công dai dẳng, và có lẽ chí mạng, từ nhiều nguồn khác. Vào thời của Calvin Coolidge, người đã dành thời gian trong tuần trăng mật của mình để dịch Dante, một sinh viên đại học được kỳ vọng là phải quen thuộc với các tác giả như Homer, Virgil và Shakespeare. Đến cuối thế kỷ XX, Lyndon Johnson tuyên bố: “Tôi chẳng muốn bất kỳ việc gì dính dáng đến các nhà thơ,” và George H.W.Bush thì dứt khoát: “Tôi không biết làm thơ.”
Hiện nay, tổng thống Hoa Kỳ không đọc sách và nhiều sinh viên chuyên ngành Ngữ văn Anh không biết đến sự khác nhau giữa Keats và Yeats. Mặc dù sách vở thì đầy rẫy, đến mức một kẻ hoài nghi yếm thế có thể kết luận: con số nhà văn còn vượt cả con số độc giả. Ngành nghiên cứu văn chương hàn lâm đang gặp khủng hoảng.
Các khoa văn học ở các đại học Mỹ thường xuyên bị thiếu đầu tư, thiếu nhân lực, và bị đẩy vào tình thế dễ nản lòng. Những chuyên ngành tập trung vào ngữ văn Pháp, Đức, Nga và những ngôn ngữ khác đã phải đóng và những trường đại học còn cố gắng duy trì ngành học này cũng phải cắt xén những khoản đầu tư vào văn chương. Trong một bài báo gần đây trên The Chronicle, “Facing My Own Extinction” ([Đối diện với sự tuyệt chủng của chính mình]), Nina Handler thông báo học viện của cô, Đại học Holy Names, thậm chí còn xóa bỏ cả ngành Ngữ văn Anh.
“Tại sao tôi lại nhất thiết nên đọc Ralph Ellison hay Margaret Atwood?”, sinh viên vào trường đại học để được đào tạo thành một chuyên gia về X-quang, một kế toán viên hay huấn luyện viên bóng chuyền sẽ đặt câu hỏi ấy. “Em không cần,” những người làm ở trường đại học sẽ trả lời vậy, trong nỗi lo lắng về nguồn tuyển, đầu vào và tình trạng bấp bênh của họ. Trong khi những chuyên gia trong lĩnh vực STEM được thiên vị thì những nhà nghiên cứu văn học đang đương nhiệm – cùng với những phụ tá được trả lương rất thấp, công việc phập phù – không chỉ phải đối mặt với tình trạng nguồn lợi bị giảm, sinh viên thì bất mãn mà còn cả với những áp lực căng thẳng trong chuyên môn của mình, Mệt mỏi bởi sự bất lực của thiết chế, họ quay sang thù ghét lẫn nhau.
Văn chương đã bị thay thế bởi phim ảnh, ti vi, comics, nhạc pop và truyền thông xã hội như là tâm điểm của “nghiên cứu văn học.” Bị thôi miên bởi sự bộn bề của hiện tại, các học giả đã rũ bỏ vai trò của mình như là người chăm sóc cho những di sản văn chương. Chương trình học của sinh viên dường như dung nạp cả 50 Sắc thái xám lẫn thơ của Thomas Gray. Nói như Yeats (chứ không phải Keats nhé), “Bị mắc kẹt trong khoảnh khắc đầy dục cảm ấy/ Tất cả đều bẵng quên những tượng đài tri thức muôn năm.” Nhưng khoảnh khắc đáng buồn hôm nay mang tính chất liên ứng hơn dục cảm. Những quyết định tập thể của chúng ta đã dẫn đến thực trạng này.
Trong cuốn The Hatred of Literature (Sự thù địch đối với văn học, Harvard University Press, 2018, bản dịch của Nicholas Elliot), William Marx, giáo sư chuyên ngành văn học so sánh tại Đại học Paris Nanterre, đã khảo sát lịch sử lâu đời của thái độ ác cảm đối với văn chương, khởi từ Plato đến ngày nay. Xem xét lại hiện tượng mà Socrates, trong tác phẩm Cộng hòa, đã gọi là “cuộc tranh cãi từ xa xưa giữa triết học và thơ ca,” Marx nhận thấy không phải chỉ có triết học mới có thái độ thù địch đối với sáng tác tưởng tượng. Theo dõi lịch sử văn học, ông đã phác họa một truyền thống song hành và ký sinh của việc chống lại văn học, những nhận định và hành động khước từ thẩm quyền của tác giả.
Trong số những nền móng chồng chất lên nhau mà ông quan sát được, Marx phát hiện ra, ở những giai đoạn sớm nhất của lịch sử chống văn học, “nó là vấn đề đấu tranh giành quyền lực.” Plato cảm thấy cần thiết phải trục xuất các thi sĩ ra khỏi nước Cộng hòa lý tưởng của ông vì ông muốn những công dân của mình không phải chịu ảnh hưởng nguy hại từ các bản sử thi của Homer mà đến khi đó vẫn còn tiếp tục tác động đến đời sống của người dân Athen. Nếu các thi sĩ, nói như Percy Bysshe Shelley, là “những nhà lập pháp không được thừa nhận của thế giới” thì có rất nhiều người muốn từ chối trao cho họ quyền lập pháp.
Việc chống lại văn học cũng liên quan đến vấn đề sự thật. Plato coi thường thơ ca vì nó chỉ đơn thuần là sự mô phỏng một sự mô phỏng những hình thức vĩnh hằng. Một bài thơ về cái giường chỉ thuần túy là sự tái trình hiện một cái giường vật chất, mà bản thân cái giường này lại chỉ là một phiên bản bất toàn của một Cái Giường lý tưởng, kiểu mẫu. Vào thế kỷ XVI, trong An Apology for Poetry [Một lời biện hộ cho thơ], Sir Philip Sidney đã tóm lược truyền thống phủ định văn chương theo tinh thần Plato, theo đó, truyền thống này xuất phát từ niềm tin rằng nó “mẹ của những lời nói dối,” cứ như thể hư cấu đồng nghĩa với sự lừa dối. Trong trường đại học ở thời hiện đại, hình mẫu của người tìm kiếm sự thật/chân lý được ưu ái dành cho những học giả ở các Đại học Khoa học, chứ không phải cho dân văn chương vốn bị xem là đám tài tử.
Năm 1959, C.P.Snow đã trình bày bài giảng nổi tiếng của mình “Two Cultures” [Hai văn hóa], trong đó, ông khẳng định giá trị nhận thức của khoa học cao hơn trí tưởng tượng trong lĩnh vực nhân văn. Bất chấp những khuyết điểm rành rành trong lập luận của Snow mà Marx đã chỉ ra, – “tính phiến diện, giản đơn, mâu thuẫn và không chân thực” – nó vẫn cứ thống trị những người làm quản trị, những người cắt giảm ngân sách cho nghiên cứu văn học, và những chính trị gia, những người coi khinh ngành nghiên cứu văn học, xem nó chẳng khác gì thứ “tin giả” (fake news), như cách nói đương thời.
Trên thực tế, bản thân các thi sĩ thường xuyên từ chối bất kỳ đòi hỏi nào về sự thật đối với nghệ thuật của mình: nếu công việc của thơ không phải là xác nhận sự thật nữa thì không thể kết án nó như một hành vi xuyên tạc. Cách Sidney biện hộ cho thơ là cho rằng nhà thơ – một hoán dụ để chỉ tất cả những người viết văn – “không xác nhận cái gì, và do đó, không bao giờ nói dối.” Tuy nhiên, khẳng định văn cương chẳng nói gì cả khó lòng thuyết phục được các nhà phê bình muốn xua đuổi nó khỏi trường đại học. Nếu, nói như định nghĩa nổi tiếng của Archibald MacLeish, “Một bài nên không nên biểu thị ý nghĩa nào/Mà chỉ hiện hữu” (A poem should not mean/But be”, thì cũng dễ hiểu thôi khi bài thơ là một thứ vô nghĩa.
Luân lý là một khía cạnh lịch sử khác của truyền thống chống văn học theo quan sát của Marx. Plato, bởi vốn không tin vào nhiệt hứng, nên đã phủ nhận những huyễn tưởng văn chương khuấy động nó. Không những nhà thơ chỉ được xếp ngang hàng với những kẻ say khướt, những kẻ nghiện ngập, những tên phản bội, trộm cắp, sát nhân và những kẻ vốn bị xem là tà ác, mà như cảnh báo từ những người nhiệt thành nhất trong truyền thống chống lại văn học, thơ ca còn có thể làm độc giả lây nhiễm những thú trụy lạc, suy đồi. Những nhà đạo đức nghiêm ngặt ở những thời đại khác nhau định nghĩa về sự trụy lạc theo những cách khác nhau, song điểm chung giữa hai nhân vật đốt sách tàn bạo nhất – Savonarola và Hitler là nỗi sợ những cuốn sách có thể dẫn đến những thứ kỳ quái, dị thường. Trong các lớp học thời bây giờ, nỗi sợ sách vở có thể khuấy động, gây bất an đã dẫn đến việc người ta phải đưa ra những cảnh báo, những cấm kỵ thẳng thừng: Rút tác phẩm Metamorphoses của Ovid khỏi giáo trình vì nó có vẻ như đã bỏ qua cho việc cưỡng hiếp, loại Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn vì nó sử dụng những từ ngữ miệt thị chỉ người da đen, khai trừ Thần khúc của Dante vì cuốn sách đó đã đẩy Muhamad xuống tầng thứ tám của Địa ngục.
Các tác phẩm theo khuynh hướng tiền vệ, xét về mặt từ nguyên và theo định nghĩa phổ biến, là sự tấn công trực diện vào các giá trị quy phạm. Và nếu phần lớn văn chương hiện đại đều nhắm vào việc gây sốc, khiêu khích, phá vỡ sự ổn định thì dường như rất khó để biện hộ cho việc nghiên cứu chúng ở một thiết chế được ủng hộ bởi nhà nước hay các nhà tài trợ có quyền lực lớn vốn chỉ quan tâm vào việc duy trì hiện trạng. Có thể rằng các tác phẩm văn chương vĩ đại nhất đều mang giá trị đạo đức sâu sắc, rằng màu sắc dục tính công khai trong những bài Thánh thi của vua Solomon thực chất là dụ ngôn nói về tình yêu dành cho Chúa, rằng gợi ý của Jonathan Swift ăn thịt trẻ con Ai-len để giải quyết nạn đói thực ra là một phép châm biếm sâu cay chống lại thái độ kỳ thị người Ai-len ở người Anh. Dẫu vậy, vẫn rất khó để sử dụng những tác phẩm của Marquis de Sade, William S. Burrough và Kathy Acker trong những chuyên đề đòi hỏi có sự sàng lọc về mặt luân lý.
Lập luận cuối cùng để chống lại ngành nghiên cứu văn học dựa trên tính ích dụng về mặt xã hội. Liệu một chuyên luận về Edmund Spenser có đem lại lợi ích cho ai khác ngoài những kẻ lắm chữ, thích dẫn các điển cố, điển tích? Làm thế nào để một nghiên cứu về Emily Dickson có thể giúp cho những người đọc nó chuẩn bị để trở thành những công dân tích cực? Thực tình, sẽ là một sự tự phụ kiểu sách vở Tàu khi tin rằng một sự giáo dục đặc tuyển qua các văn bản kinh điển sẽ giúp người ta hình thành những phẩm chất cần thiết của người lãnh đạo.
Marx trích dẫn một phép so sánh mà thi sĩ Pháp ở thế kỷ XVII, Francois de Malherbe, đã dùng để phủ định trách nhiệm xã hội: “Một thi sĩ tài hoa còn có ích đối với chính quyền ít hơn cả một tay chơi ky thành thục.” (Un bon poète n’est pas plus utile à l’Etat qu’un bon jouer de quilles.) Nếu môn chơi ky là một môn thể thao Olympic, những người chơi trò này giỏi nhất ít ra còn đem đến vinh quanh cho đất nước của mình; trong khi đó những người chống lại văn học không cho rằng đây là điều mà các nhà thơ có thể làm được.
Làm cho vấn đề thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn đối với những người muốn bảo vệ văn học, rất nhiều nhà văn hiện đại chủ nghĩa khước từ bất cứ đòi hỏi nào về tính có ích xã hội. “Mọi nghệ thuật đều vô dụng,” Oscar Wilde khẳng định. Sau Wilde, dường như chẳng có tác dụng gì khi biện hộ cho việc nghiên cứu hàn lâm một đối tượng vô dụng như thế.
Việc chống lại văn học, tuy thế, lại hàm ẩn sự tôn trọng mà những kẻ theo đuổi chủ trương này dành cho văn học. Giả định để định kiến chống lại văn học được duy trì chính là niềm tin rằng văn học sở hữu quyền năng và do đó, đáng để tấn công. Thơ ca sẽ thôi bị căm ghét khi nó thôi có vẻ đe dọa, nhưng theo Ben Lerner trong cuốn sách ra mắt năm 2016 của ông – The Hatred of Poetry [Sự căm ghét thơ ca], mối ác cảm ấy vẫn còn tồn tại dai dẳng và gay gắt. Song, tệ hơn cả ác cảm, đối với những người muốn biện hộ cho văn học, đó là sự dửng dưng. Marx kết luận cuốn sách của mình bằng một khả năng gây bất an, rằng đến một ngày nào đó, văn chương sẽ bị phớt lờ và thật tâm mong ước “thượng đế sẽ ngăn để ngày đó không bao giờ đến.”
Nhưng có lẽ ngày đó đã đến. Vào năm 1870, khi cuốn tiểu thuyết cuối cùng và chưa hoàn thành của Charles Dickens, The Mystery of Edwin Drood [Bí mật của Edwin Drood] được xuất bản, 20% người Mỹ không thể đọc nổi nó vì mù chữ. Năm 2016, khi việc xóa mù chữ đã diễn ra rộng khắp ở nước Mỹ, 26% người Mỹ, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Pew, chưa từng đọc một phần của một cuốn sách – dù là sách in, sách điện tử, hay sách nói – trong năm qua.
Mặc dù thể loại hư cấu vẫn bán chạy hơn các thể loại văn học khác, nhưng ngay cả loại “tiểu thuyết giàu tính nghệ thuật”, vốn được nghiên cứu ở các trường đại học, cũng đang trở thành một thứ nghệ thuật cắm hoa tinh vi, giống như nghệ thuật ikebana, một thú tiêu khiển dành cho số ít sành sỏi nhàn tản. Trước khi ngừng sáng tác tiểu thuyết, ở tuổi 79, Philip Roth đã đưa ra tiên đoán về tương lai của thể loại này. “Tôi cho rằng nó sẽ trở thành cái gì đó để chiêm bái. Tôi nghĩ luôn có người sẽ đọc nó song sẽ chỉ là một nhóm nhỏ. Có thể số người đọc ấy sẽ nhiều hơn những người bây giờ còn đọc thơ viết bằng tiếng Latin, nhưng cũng chỉ ở mức độ đó mà thôi.”
Thế nhưng dân Mỹ thì vẫn đọc các thông báo thuế, các nhãn dán trên các hộp ngũ cốc và các tin nhắn trên Twitter. Một số thậm chí còn đọc cả Danielle Steel, dù hầu như chưa bao giờ đọc Richard Steele. Merve Emre gọi những chất liệu này là “cận văn học” (paraliterary) và những chuyên gia về hoạt động đọc cho rằng đó có thể là một liều thuốc hiệu quả để phát triển thói quen đọc. Bắt đầu từ một thực đơn đồ ăn mang về, nó sẽ dẫn ta tới Proust. Trong cuốn Paraliterary: The Making of Bad Readers in Postwar America [Cận văn học: Sự hình thành kiểu người đọc tầm thường ở nước Mỹ thời hậu chiến, NXB Đại học Chicago, 2017], Emre quan tâm không chỉ đến việc tiêu dùng các văn bản phi kinh điển mà còn vào những phương thức tiêu dùng theo kiểu khác.
Dựa vào sự phân biệt được bảo đảm bởi thẩm quyền của Nabokov giữa “người đọc tinh hoa” (những người có khả năng áp dụng những kỹ thuật đọc sâu vốn đã được các nhà Phê bình mới đề cao) với “người đọc tầm thường” (mà đối với Emre, đó là những “cá nhân vốn thích ứng với những hoạt động nhận dạng, cảm xúc, hành động và sự tương tác mang tính khả độc (readerly), những thứ mà Nabokov cực kỳ coi thường”), Emre đã nghiên cứu lối đọc tầm thường thịnh hành hồi giữa thế kỷ XX. Cùng vào thời điểm ấy, các trường đại học cũng thúc đẩy rèn luyện cho sinh viên những kỹ thuật đọc văn bản như là các đơn vị ngôn từ tự trị, phong phú sắc thái, những “người đọc tầm thường” đọc sâu các thể loại như hồi ký, nhật ký, báo cáo ủy ban và các loại văn bản cận văn học khác. Họ cũng sử dụng những kỹ năng đọc văn bản để giải mã các ô chữ, giải mã các công thức và theo những cách khác mà giới hàn lâm chưa phê chuẩn.
Emre đặc biệt chú ý đến cách mà các hoạt động đọc bên ngoài trường đại học đã góp phần ấn định Hoa Kỳ như một quyền lực trên thế giới trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Bà đã nghiên cứu quá trình quốc tế hóa ngành Hoa Kỳ học thông qua việc sáng tạo một điển phạm văn học, mà thông qua các chương trình học thuật, hoạt động xuất bản và sáng kiến ngoại giao, đã thiêng hóa Melville, Whitman và James và được xuất khẩu qua những người du lịch đầy đam mê. Tại quê nhà, những học giả như Alfred Kazin, F.O.Mathiessen và Robert Spiller gia nhập vào cộng đồng hàn lâm để cao một lối đọc sâu, khách quan nhưng qua các chương trình du học, học bổng Fulbright, tổ chức Hòa bình Mỹ, cũng chính những học giả này lại khuyến khich những phản ứng thiên về cảm xúc đối với những văn bản được lựa chọn không phải vì giá trị về mặt phong cách của chúng, mà vì mục đích lan tỏa những lý tưởng và ảnh hưởng Mỹ.
Emre đã nghiên cứu “lối đọc hoang tưởng” được thể hiện qua sự đọc của những người theo chủ nghĩa dân tộc da đen như John A. Williams, Richard Wright và James Baldwin, những người tìm cách kêu gọi hành động chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Bà cũng khảo sát một hiện tượng rất thú vị về sự thất bại của lối đọc tầm thường – một ủy ban của tổng thống do Dwight Eisenhower sáng lập để xây dựng một bức tranh truyền cảm hứng về những tác giả hàng đầu của văn chương Mỹ. Được gọi là chương trình People to People Initiative, nó đã tan rã trong cãi vã bất đồng giữa những nhà văn tham gia, bao gồm Saul Bellow, Edna Ferber, Donald Hall, John Steinbeck và William Carlos Williams và tình trạng tửu lượng xuống sức của chủ tich chương trình này, William Faulkner.
Để tránh nguy cơ tuyệt chủng, các chuyên ngành buộc phải tìm cách thích nghi và tiến hóa. Khoa chiêm tinh học mà Giáo hoàng Leo X thành lập ở Đại học Rome hồi đầu thế kỷ XVI từ lâu đã không còn tồn tại nữa, song ngành chiêm tinh thì đã sống sót bằng cách vượt khỏi mô hình địa tâm luận hay nhật tâm luận. Nữ quyền luận, các lý thuyết phê bình chủng tộc, phê bình sinh thái, lý thuyết hồi ứng từ độc giả, Tân duy sử luận, lý thuyết queer, và nhiều cách tiếp cận khác đã làm cho các khoa Ngữ văn Anh ở thế kỷ XXI khác biệt rất rõ so với thời kỳ mà các cách tiếp cận hình thức chủ nghĩa thống trị. Số liệu thống kê những người hướng dẫn và sinh viên theo học cũng thay đổi một cách ngoạn mục. Việc mở các chuyên đề về văn chương du ký, tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, sách nấu ăn và các thể loại cận văn học khác là hiện tượng phổ biến. Các chủ đề như điện ảnh Bollywood, Đời sống dân da đen, Thức ăn như là thủ đô văn hóa có thể làm cho nhà lý thuyết của chủ nghĩa hình thức trường phái Yale William K. Wimsatt phải rùng mình.
Chứng ái tử thi, các nàng tiên cá hay điện ảnh Australia chắc chắn cũng xứng đáng trở thành chủ đề học thuật nhưng vì đời người thì ngắn, thời gian làm học thuật không đủ dài, có phải vì thế mà nên thay thế Chaucer, Shakespeare và Milton chăng? Khó mà tin rằng Trò chơi vương quyền, hay thậm chí các tiểu thuyết fantasy của George. R.R.Martin mà các series phim truyền hình được chuyển thể từ chúng có thể đóng vai trò như một liều thuốc dẫn hiệu quả để người ta rồi sẽ say mê tiểu thuyết thời Victoria. Kể từ khởi nguồn trong những mô tả của Aristotle về kịch Hy Lạp cổ đại, nghiên cứu văn học đã chứng tỏ sự kiên cường đáng nể của nó, nhưng nó còn có thể bám trụ được đến đâu khi nó thôi không còn là nghiên cứu văn học?
Steven G. Kellman là giáo sư chuyên ngành Văn học so sánh tại Đại học Texas tại San Atonio. Ông là tác giả của cuốn sách The Translingual Imagination (U. of Nebraska Press) và Redemption: The Life of Henry Roth (Norton)
Hải Ngọc dịch
Nguồn: Steven G. Kellman, “The End of Literary Studies”, https://www.chronicle.com/article/The-End-of-Literary-Studies-/242610?key=XeqTswECpgTjA7dsam5xGZ22zagdTDHW2ce-_IDiCz87motw_9feum-M0rtM2w0beTRYQ3Q0UmZLbU52ZFFPbEdvZEVucHNfUXd3OENmTzNZdUx0dWp3OS1RNA