Cúi xuống, cúi xuống, hãy chỉ nên cúi xuống…[1]
Quán gió được Ngọc Giao hoàn thành vào mùa thu năm 1948. Có một số lý do để cuốn tiểu thuyết này hãy còn ít được biết đến, và vì thế, còn chưa được chưa nhìn nhận đúng về giá trị, trong đó, hẳn phải nói đến bối cảnh ra đời của nó. Quán gió được viết bởi một nhà văn hồi cư, nó thuộc về một không gian văn học vẫn thường được định danh là “văn học trong vùng bị tạm chiếm”. Mảng văn học ấy, cho đến giờ, vẫn còn bị bỏ khuyết: chưa có nhiều nỗ lực phục dựng tư liệu, mô tả lại diện mạo cũng như đánh giá thỏa đáng về nó trong nghiên cứu lịch sử văn học Việt Nam hiện đại.
Nhưng lý do sâu xa hơn khiến cuốn sách nằm lại trong bóng tối khá lâu có lẽ chính là bởi tinh thần tiểu thuyết của nó. Tinh thần tiểu thuyết, thay vì tiếp cận đời sống theo lập trường giai cấp, theo tinh thần dân tộc chủ nghĩa, lại cúi xuống số phận cá nhân của con người, lại muốn từ góc nhìn đời tư để nghĩ và cảm về cuộc đời. Cũng chính bởi vậy, tinh thần của tiểu thuyết lại gần hơn cả với tinh thần nhân bản. Quán gió của Ngọc Giao ghi lại bức tranh hiện thực li loạn của thời chiến với những phận người nổi trôi, lênh đênh, không biết bám víu vào đâu. Mảng hiện thực ấy của chiến tranh phần nào đã cũng đã đi vào một số tác phẩm thơ ca, âm nhạc thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp: trong “Đôi mắt người Sơn Tây” của Quang Dũng, trong “Về miền Trung”, “Quê nghèo”, “Bà mẹ Gio Linh”… của Phạm Duy. Tính chất của tiểu thuyết cho phép Ngọc Giao đi xa hơn những nét chấm phá, để miêu tả cận cảnh với niềm thông cảm sâu sắc những nỗi khốn khổ, điêu linh của những con người bé nhỏ thời loạn: từ cái lạnh buốt căm căm của mùa đông xứ Bắc đến cảnh mưu sinh cơ cực, lầm lụi trên đất tản cư; từ cảm giác lắt lay, bơ vơ của những con người trên đường chạy loạn đến nỗi bất an, hoang mang khi sống giữa thời bạo lực khôn lường… Chiến tranh, cho dù thế nào, vẫn luôn là một tình thế khắc nghiệt mà con người buộc phải chịu đựng; không những thế, sự chịu đựng ấy còn bị khuất lấp, bị biến thành vô hình để rồi không được nhận ra trong lịch sử. Giá trị của cuốn tiểu thuyết này, trước hết, chính là ở chỗ nó cố gắng nhìn thấu những gì mà lịch sử thường dễ làm mờ.
Hiện thực li loạn thời chiến chinh trong cuốn tiểu thuyết này chủ yếu được nhìn từ điểm nhìn của Trâm. Từ điểm nhìn của cô gái trực tiếp chứng kiến những cảnh tượng kinh hoàng ập xuống gia đình và đời mình trong cơn biến động của thời cuộc, một góc khác của lịch sử hiện ra với sắc thái u uẩn, với những nỗi niềm tê tái mà con người phải cố gắng nén chặt lại để sống. Ở cái thời người ta tin có thể nhân danh những điều vĩ đại, lớn lao để cải biến thế giới, vào do đó có quyền phá hủy hết tất cả, xóa sạch những gì được cho là quá khứ, cái cá nhân, riêng tư của con người trở thành đối tượng phải chịu đựng nhiều trấn áp hơn cả. Trâm ái ngại cái nhìn của người dân nơi tản cư khi cô mặc áo dài trắng đi chợ đến nỗi chua chát “bây giờ nhất định là phải nhúng bùn đi hết. cho có vẻ là mình đã biết đời, biết thân”. Trâm sợ hãi khi thấy Khải – người anh trai cùng mẹ khác cha với mình, người của cách mạng – muốn mẹ con cô phải ghê tởm chính xuất thân của mình, căm hận người chồng, người cha của mình như một kẻ thù của nhân dân, giấu giếm, vứt bỏ tất cả những kỷ vật thuộc về một quá khứ bị xem là xấu xa, đồi bại. Trâm xa lạ trước viễn cảnh về xã hội lý tưởng mà người anh đi theo cách mạng của cô vẽ ra. Đó là một viễn cảnh được hình dung bởi một kẻ có cái nhìn đơn giản về con người nhưng lại thừa cao ngạo về sức mạnh và ý chí để biến cải thế giới: “… theo anh thì cách mạng phải đạp đổ tất cả chứ gì. Rất phải và rất đẹp. Nhưng cách mạng đã như cơn nước lũ, người ta vui say quá để không cần nhận thấy rằng: giúp cho cách mạng thành công, đã có bao nhiêu máu, bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu hơi thở thoi thóp, bao nhiêu tấm lòng giẫy dụa chịu chìm khuất, chịu nhục nhã, chịu khinh bỉ… No ấm chưa chắc hẳn là hạnh phúc con người. Còn bảo rằng con người thỏa mãn thì em nghĩ con người không bao giờ thỏa mãn. Tại sao lại nghĩ rằng dăm ba bàn tay yếu sẽ có thể kiêu căng xây dựng một thiên đường…” Qua cảm nhận của nhân vật, có thể thấy Ngọc Giao đã rất sớm nhận ra nguy cơ lớn của những tham vọng cải tạo, lập lại trật tự cho thế giới nhưng lại xa rời những giá trị nhân bản nền tảng, những lý tưởng cách mạng bắt đầu bằng sự khơi dậy hận thù. Sự trắc ẩn với số phận cá nhân con người đã khiến Ngọc Giao nhạy cảm và sâu xa hơn trong cái nhìn về thời cuộc. Dù có thể chính khả năng thấu thị này là điều khiến văn chương và cuộc đời của ông ít được chia sẻ và hiểu đúng trong một thời gian dài.
Những điều Trâm nói bị người anh của mình chặn lại vì cho rằng đó là “chuyện đàn bà”, là những suy nghĩ không cần đếm xỉa. Trong Quán gió, Trâm và mẹ cô – bà Hường không chỉ phải chịu đựng những nhọc nhằn, khổ ải của thời loạn, mà quan trọng hơn, họ còn bị đè nặng bởi những trấn áp kiểu gia trưởng từ những người đàn ông trong gia đình mình. Thời cuộc có biến chuyển thế nào thì những trấn áp gia trưởng ấy vẫn không gì lung lay, xê dịch. Trên phương diện này, cuốn tiểu thuyết của Ngọc Giao đã khơi gợi nỗi băn khoăn về lý tưởng xã hội mà những người cách mạng như Khải tin tưởng và đang thực thi. Đó có hẳn là một thứ lý tưởng không tì vết khi người ta muốn cải tạo mọi thứ theo nó, bất chấp phương tiện, chỉ trừ việc xóa bỏ những độc đoán gia trưởng đối với phụ nữ? Sự khơi gợi băn khoăn này tự nó đã thể hiện sự can đảm của nhà tiểu thuyết, người luôn muốn chất vấn những đại tự sự.
Trâm và mẹ cô coi những tội nợ của cha, chồng, anh em trai của mình như một thứ nghiệp chướng mà mình phải chịu. Cả hai người phụ nữ đều cảm thấy hình ảnh của Kiều trong cuộc đời mình, thấy sự cay đắng của kiếp hồng nhan, sự tủi cực khi rơi vào tình cảnh thất thế, lưu lạc. Nhưng sẽ là một cách đọc đơn giản nếu chỉ thấy cuốn tiểu thuyết này khắc họa sự chịu đựng, cam phận, nhẫn nhục của người phụ nữ, đặc biệt là nhân vật Trâm. Trâm không phải là người chỉ biết nín nhịn, quy hàng định mệnh, mặc đời đẩy đưa; cô muốn kháng cự lại những gì được bày đặt ra như là số phận dành cho mình. Hành động của Trâm ở đoạn kết cuốn tiểu thuyết khi cô muốn cầm súng để giết Tiến, người mà anh trai cô đã ép cô kết hôn, cũng là người đã xử bắn cha cô như một kẻ thù của cách mạng và đặc biệt việc cô chủ động phá bỏ cái thai trong bụng mình có thể được xem như là những hành động mang tính kháng cự số phận. Một cách đọc theo phê bình nữ quyền có thể tìm thấy vấn đề của mình ở hành động phá thai của nhân vật: Trâm đã chấp nhận phạm tội để dứt bỏ những mối oan nghiệt mà những người đàn ông đã gây ra đối với mình hay bản thân cảm giác có tội cho thấy cô vẫn chưa thoát ra khỏi những trấn áp của đạo đức gia trưởng? Trâm kháng cự nhưng không thắng được số phận. Song điều chủ yếu làm nên giá trị của con người nói chung vốn không hẳn nằm ở sự vượt thắng số phận mà chính là ở nỗ lực khước từ việc khuất phục nó ngay từ đầu.
Đến đoạn kết của cuốn tiểu thuyết, Trâm muốn trở về với mẹ, về với cái quán gió tiêu điều, mong manh. Quán hàng bé nhỏ, nghèo nàn, hút gió ấy không chỉ là biểu trưng cho những cảnh đời bấp bênh, tạm bợ trong buổi loạn li; nó còn là biểu trưng cho những nỗi thống khổ vô hình con người phải chịu đựng mà phải “cúi xuống” thật gần, thật thấp, chứ không thể từ trên cao để thấu cảm. Tính chất cảm thương của Quán gió có thể xem là sự nối tiếp truyền thống nhân đạo kiểu Đỗ Phủ, Nguyễn Du, những người coi văn chương là tiếng kêu đứt ruột về nỗi đau con người, nhất là trong những cơn biến loạn. Nhưng thứ văn chương “cúi xuống” những con người nhỏ bé, lẻ loi, cất lên tiếng nói cho họ giữa những náo động lịch sử, thực chất, là thứ văn chương mạnh mẽ bậc nhất. Quán gió làm người đọc một lần nữa nhận ra văn chương luôn có thể bổ khuyết những gì mà lịch sử đã không nói. Nó, vì thế, thực sự là một cuốn tiểu thuyết trắc ẩn và can đảm.
TRẦN NGỌC HIẾU
[1] Trích bài tựa Quán gió, bản in của Nhà xuất bản Ngày mai, 1949.
Bài viết được sử dụng làm lời giới thiệu tiểu thuyết Quán Gió của Ngọc Giao, Nhã Nam & NXB Hội nhà văn, 2017.