Monthly Archives: Tháng Tám 2016

John Clellon Holmes – Triết học của thế hệ Beat

Tôi vẫn nghĩ nếu có điều gì thú vị nhất trong công việc chữ nghĩa mà tôi đã cố gắng theo đuổi nó một cách bền bỉ trên blog (kể từ thời Yahoo 360) thì đó là ngoài việc được chia sẻ, tôi đã có cơ hội để gặp gỡ, để kết nối và học hỏi. Tôi đã gặp dịch giả của bài viết này, dù trước đó, tôi đã đọc thơ, nghe ca từ của ông, đọc các tiểu thuyết mà ông dịch và rồi gần đây được trò chuyện với ông. Một cuộc trò chuyện mà nỗi xúc động vẫn còn trở lại trong suy nghĩ của tôi. Bài dịch này, ông gửi cho tôi và tôi nghĩ nó như một món quà đầy ý nghĩa. Tôi muốn chia sẻ món quà ấy với mọi người qua blog này.

 

on_the_road.cover_by_kerouac

*

Tháng Chín năm 1957, người ta cho xuất bản một cuốn tiểu thuyết mà tờ New York Times đã gọi là “lời tỏ bày quan trọng nhất, rõ ràng nhất và được xử lý điệu nghệ nhất” nhưng lại do một nhà văn rất trẻ viết ra; một cuốn sách dường như đại diện cho cả thế hệ lúc bấy giờ, như cuốn Mặt trời vẫn mọc đã đại diện cho thế hệ những năm Hai Mươi. Cuốn sách mang tựa đề On the Road (Trên đường) của Jack Kerouac, mô tả những kinh nghiệm và thái độ của một nhóm thanh niên Mỹ hiếu động, “Cuồng lên vì sống, cuồng lên vì nói, và cuồng lên vì cứu rỗi”, những kẻ mà dường như sự quan tâm chủ yếu của họ là xe hơi tốc độ cao, những bữa tiệc điên rồ, nhạc jazz hiện đại, tình dục, ma túy, và những “thú vui” linh tinh khác. Kerouac nói rằng họ là những thành viên của Thế hệ Beat. Là người phát ngôn của thế hệ mình, Kerouac bỗng kinh ngạc thấy mình đứng giữa một cuộc tranh luận nảy lửa. Báo chí lần theo dấu vết của anh; giới phê bình, tiếp theo bài bình luận tóm tắt đầu tiên, bắt đầu nhạo báng những lời của anh hoặc ca tụng anh; và trên một cuộc phỏng vấn truyền hình, đám khán giả mê mẩn của New York được nghe những mẩu đối thoại không đầu không đuôi, gần như không thể hiểu nổi, đại loại như sau:

Phóng viên : “Anh đã nói – nửa đùa nửa thật – rằng anh say xỉn đã hai ngày nay”.
Kerouac : “Ồ, không phải tôi đã say xỉn hai ngày nay mà là tôi đã uống rượu suốt hai ngày”.
Và một đoạn nữa :
Phóng viên : “Thế hệ Beat được mô tả như một thế hệ kiếm tìm. Vậy anh đang tìm cái gì ?
Kerouac : “Thượng đế. Tôi muốn Thượng đế cho tôi gặp Ngài”.

Có lẽ không ai thực sự hiểu Kerouac định nói gì, và thực tế, một số nhà phê bình còn khẳng định rằng những kẻ theo chủ nghĩa khoái lạc này không đại diện cho cái gì cả, ngoài “tính đồng bóng”, đó là “những gã khùng cả về tinh thần lẫn đạo đức” và là “những cuộc khởi nghĩa tư sản”. Dù sao đi nữa, có những điều về cuốn sách đó, về những ngôn từ đó, không thể bị gạt bỏ dễ dàng. Cuốn sách đã trở thành đề tài của một cuộc tranh luận nóng bỏng, hệ quả đương nhiên là bán rất chạy, và những lời nói bị tắc nghẹn, ít nhất là trong cổ họng những kẻ chối rằng không có gì đáng lưu tâm.

Những gì mà Kerouac đã tặng cho chúng ta có lẽ là một cái nhìn thấu vào bên trong thái độ của cả một thế hệ đã khiến cho cha anh của họ phải kinh ngạc. Nhạc rock and roll, ma túy, tội phạm vị thành niên, thái độ phi luân lý về tình dục và tất cả những hiện tượng tương tự đã phác họa những đặc điểm riêng ở những thái cực của thanh niên Mỹ hiện đại dường như là mối bận tâm chủ yếu của các nhân vật của Kerouac.

Đưa ra một từ ngữ có thể kết tinh tính cách của cả một thế hệ luôn luôn là một công việc bạc bẽo. Nếu thế hệ sau chiến tranh dường như đòi hỏi một cái gì đó hơn những kẻ khác, có lẽ đó là vì những thành viên của thế hệ sau chiến tranh có chung một kinh nghiệm sống thống nhất đến mức khác thường được chia sẻ trong một thời kỳ đầy ấn tượng. Nhưng để tìm được một từ có thể mô tả nhóm người từ 18 đến 28 tuổi của Thế hệ Beat (có thể xê dịch hai giới hạn này thêm 1 tuổi nữa) còn khó hơn nhiều, vì nhóm này bao gồm những cựu chiến binh của ba loại chiến tranh hiện đại khác nhau : chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh, và một cuộc chiến mà người ta ngoan cố không gọi là chiến tranh, mà là hoạt động của cảnh sát.

Vài năm trước, tờ tạp chí Time đã gọi họ là Thế hệ Câm lặng (Silent Generation), nhưng có lẽ đó là vì Time đã không chịu lắng nghe. Một số người khác thử gọi họ là Thế hệ Chờ đợi (Waiting Generation), một số khác là Thế hệ Ra đi (Go Generation) nhưng dường như tất cả đều không thỏa đáng. Giờ đây, với từ “Beat”, cuối cùng chúng ta có thể có biệt hiệu của họ. Bất cứ ai đã từng sống qua một cuộc chiến, bất kỳ loại chiến tranh nào, đều biết rằng từ “Beat” không hàm nghĩa “sự mỏi mệt” bằng nghĩa “sự non nớt về nghị lực”, không hàm nghĩa “đầy ứ đến tận cổ” mà là “trống rỗng từ bên trong”. Nó mô tả một trạng thái tinh thần mà mọi vấn đề không thiết yếu đều bị tước bỏ, khiến cho nó có thể tiếp nhận mọi thứ xung quanh, nhưng lại thiếu kiên nhẫn trước những trở ngại tầm thường. To be Beat – bị đánh bại – nghĩa là xuống đến đáy nhân cách của chính mình và nhìn lên; nghĩa là tồn tại theo Kierkegaard, chứ không phải theo Jean-Paul Sartre.

Cái đã khiến những nhân vật của On the Road trở thành khác biệt, từ những tên tội phạm ở khu ổ chuột đến những người Digan du cư đập tan mọi biểu tượng thần thánh, tất cả đều là thứ nguyên liệu thô chủ yếu của tiểu thuyết Mỹ hiện đại – cái đã khiến họ trở thành Beat – đó là điều chọc tức các phê bình gia nhiều nhất. Chính Kerouac nhất quyết khẳng định rằng thực ra họ đang tìm kiếm, và mục tiêu cụ thể của cuộc săn lùng ấy thuộc về tâm linh. Mặc dù họ chạy tới chạy lui khắp nước Mỹ với những cớ nhỏ nhất, sưu tập mọi thú vui trên đường đi, cuộc hành trình thật sự của họ là ở trong tâm hồn; và nếu như họ có xâm phạm gần như tất cả mọi ranh giới cấm, cả luật pháp cũng như đạo đức, thì cũng là vì họ hy vọng tìm thấy đức tin ở phía bên kia ranh giới ấy. Kerouac nói: “Thế hệ Beat cơ bản là một thế hệ tín ngưỡng”. Và sau đó trong một cuộc phỏng vấn, Kerouac bình luận thêm: “ Thế hệ đó bao gồm tất cả những kẻ từ 15 đến 55 tuổi thích đào bới mọi thứ. Hãy nhớ rằng chúng ta không phải dân Digan. Beat có nghĩa là Điều Phúc Lớn (Beatitude) chứ không phải Bị Đánh Bại (Beat up). Bạn cảm nhận được điều đó, cảm nhận trong một tiết tấu nhạu jazz – thứ jazz đích thực và buồn bã – hay một số bản nhạc rock chân chính”.

Mặt ngoài của vấn đề, thật kỳ lạ khi thấy rằng các bậc cha mẹ, các nhà lãnh đạo, các nhân viên chính phủ và thậm chí cả các nhà phê bình văn học cũng phải phì cười, nổi giận, hoặc nhảy dựng lên kinh ngạc trước những hành vi ứng xử của thế hệ này. Trong những năm sau đó, họ nhận thấy có nhiều kẻ tội phạm, nhiều sự thái quá và vô trách nhiệm về mặt xã hội họ ở thế hệ này hơn bất cứ thế hệ nào khác; đồng thời họ cũng ít thấy sự quan tâm đến chính trị, hoạt động cộng đồng và những tín điều chính thống hơn. Họ cảm thấy bị xúc phạm vì sự suy đồi của James Dean, thấy trong đó dấu hiệu của một tinh thần ốm yếu. Họ cũng bị xúc phạm không kém vì sự suy đồi của Elvis Presley, thấy trong đó dấu hiệu của nhục dục đầy nguy hiểm. Họ đọc những con số thống kê về nạn tiêm chích ma túy, tình trạng lộn xộn về tình dục và con số tổng kết nạn nghiện rượu của thanh niên – rồi tái mặt đi. Họ than thở cho sự kiện là “tác phẩm (văn học) trinh nguyên nhất của đất nước này đã đi đến chỗ dựa vào cái dị thường và kỳ quặc để có được những kích thích sáng tạo”, và họ bày tỏ nỗi kinh sợ trước loại tội phạm vị thành niên – đầy bạo lực và không có đối tượng – đã bùng nổ ở hấu hết các thành phố lớn nước Mỹ.

Họ đã không thấy những dấu hiệu của một cuộc tìm kiếm các giá trị tinh thần trong một thế hệ mà những anh hùng của họ hoàn toàn là sự đảo ngược của truyền thống cổ điển bao gồm nhạc sĩ jazz Charlie Parket, diễn viên điện ảnh James Dean và nhà thơ Dylan Thomas; một thế hệ mà sự quan tâm trải rộng từ nhạc bebop đến rock and roll, từ phép thôi miên đến Thiền của Phật giáo, từ dược phẩm gây ảo giác đến xảo thuật điện ảnh. Người ta nói rằng đó là một thế hệ có mối quan tâm gần như độc nhất là việc khám phá ra một điều gì đó mà để tin tưởng, dường như họ phải công khai chống đối những bằng chứng của chính điều đó.
Nhưng dù rằng, bất cứ ai đọc báo, xem ti-vi hay xem phim, cũng có thể trở nên quá quen thuộc với hành vi của Thế hệBeat, hầu như không người nào quan tâm đến thái độ ẩn giấu sau những hành vi đó, bất chấp sự thật là không chỉ những gì họ làm, mà cả những gì họ nghĩ, cũng cho ta một cái nhìn vào bên trong con người họ.

Có lẽ mọi thế hệ đều cho rằng mình được kế thừa “thế giới tồi tệ nhất trong mọi thế giới”, nhưng chỉ có Thế hệ Beat là những kẻ gào lên nhất cái cảm giác đó so với mọi thế hệ trước. Hoàn cảnh lịch sử đã hình thành thái độ đó đầy bạo lực, và nó cũng tạo ra vô số bạo lực trong các ý tưởng cũng như trong những con người tin vào các ý tưởng ấy. Người ta không cần phải nhận thức rõ ràng sự hủy hoại này mới cảm thấy nó. Những tín điều chính thống về cái xấu và cái tốt ngày càng không thoải đáng để giải thích một thế giới mà khoa học viễn tưởng trở thành hiện thực, kẻ thù trong quá khứ trở thành bạn tri kỷ, và những hoạt động ngoại giao đầy thân thiện bỗng trở thành bờ vực của chiến tranh. Những thế hệ trước có thể đau buồn, mỉa mai cay độc hay thờ ơ với thế giới, hoặc có thể điều chỉnh quan niệm của mình về thế giới, nhưng Thế hệ Beat chính là sản phẩm của thế giới này, và đây chính là thế giới duy nhất mà họ được biết.

Đó là thế hệ đầu tiên trong lịch sự nước Mỹ đã lớn lên với chương trình huấn luyện quân sự được chấp nhận như một nền tảng của cuộc sống. Đó là thế hệ đầu tiên mà đối với họ, những lý luận suông của môn tâm lý học đã trở thành món ăn tinh thần quen thuộc đến nỗi họ dám cho rằng chúng chưa phải là thước đo cuối cùng của tâm hồn con người. Đó là thế hệ đầu tiên, mà tội diệt chủng, phương pháp tẩy não, điều khiển học, nghiên cứu hành vi – và giới hạn khái niệm về ước muốn của con người – cũng trở nên quen thuộc như khuôn mặt của chính họ. Đó là thế hệ đầu tiên mà khả năng một cuộc hủy diệt thế giới bằng vũ khí nguyên tử trở thành câu trả lời cuối cùng cho mọi câu hỏi.

Nhưng thay vì sự cay độc hay thờ ơ thường đến cùng với kết cục của những thần tượng, và đã đem cho Thế hệ Lạc lõng một bản tính hơi già cỗi nhưng thơ mộng, thế hệ Beat lại quá mãnh liệt, quá căng thẳng, quá cường tráng và quá tò mò để có thể đi theo cha anh. Không có gì có thể thỏa mãn hay hấp dẫn họ ngoài những thái cực. Ở bất cứ đâu, thế hệ Beat cũng bị chiếm lĩnh bởi việc đưa ra những lời giải đáp – đôi khi gây kinh hoàng, đôi khi ngu ngốc – cho một câu hỏi duy nhất: Chúng ta phải sống như thế nào? Và nếu như điều đó không dễ dàng nhận ra trong những tay đua mô-tô mặc áo khoác da, hay những thanh niên hippie đang “đào bới phố phường”, là vì chúng ta cho rằng chỉ có những lời giải đáp có thể nhận diện một con người – là một sinh vật sống cộng đồng – mới có giá trị, mà chúng ta không chịu nhận ra rằng thế hệ này không thể hiểu được câu hỏi đó bằng cách nào khác ngoài cách diễn giải của riêng mỗi người, và họ chỉ biết rằng câu trả lời duy nhất được chấp nhận sẽ nảy sinh từ đêm tối của tâm hồn mỗi cá thể.

Nếu Hemingway và Fitzgerald viết sách về Thế hệ Lạc lõng, họ cũng đã sống cuộc sống của thế hệ họ (cuộc sống lưu vong nghiện ngập, của những trò vui nhộn tuyệt vọng và sự cay độc khắc nghiệt) thì Kerouac cũng đã từng trải không ít với thế hệ mình. Nhiều năm trước, khi cuốn sách đầu tiên của anh được xuất bản và trước khi anh hội nhập vào đời sống văn học ở New York một thời gian, anh đã nói với vẻ ghê tởm : “tôi phải quyết định chọn lựa giữa cái này và những chiếc xe tải xộc xệch trên các xa lộ nước Mỹ. Và tôi nghĩ rằng tôi sẽ chọn những chiếc xe tải, nơi tôi không phải giải thích gì cả, và nơi không có gì phải giải thích thì chỉ có sự thật”. Anh đã bám chặt vào quyết định đó. Tiếp theo là một kiểu tồn tại nay đây mai đó – nhảy tàu xe, những công việc lặt vặt, vài đoạn văn viết ở San Francisco, Denver, New York và Mexico (“Enest Hemingway viết đúng hay sai làm sao chúng ta biết được, nếu chưa bao giờ tận mắt xem một trận đấu bò?”). Tiếp theo đó là khám phá về một thái độ sống mới mà giới trẻ mọi nơi cùng chia sẻ ở một mức độ nào đó.

Vào khoảng thời gian cuốn On the Road được xuất bản, anh đã hiểu thấu cái nửa chìm khuất của nước Mỹ (những xa lộ và đám trẻ hippie), trong khi có lẽ không nhà văn nào trước anh từng biết điều đó, và bây giờ anh không còn bận tâm vào việc “giải thích” thế hệ mình bằng những ngôn ngữ tâm lý học và xã hội học lạnh lùng nữa. Anh biết rằng sự thật về nó nằm ở một nơi khác. Anh đã nghe những câu chuyện nóng bỏng trong những chiếc xe chạy hết tốc lực, đã thấy những khuôn mặt non choẹt đỏ bừng căng thẳng hướng về phía tay kèn saxophone tenor và anh có thể nói về thái độ của giới văn chương đàn anh: “Cuộc sống vẫn tiếp diễn… Trong những ngõ sau ở Philadelphia, đàn ông lắng nghe những ngón tay của Phillies rồi về nhà giết vợ mình. Trên các con phố Baltimore, rất cả đều giống nhau, người ta hấp hối một cách nghiêm chỉnh và chân thành… Và những trò viết lách của chúng ta đang khuấy động bão táp trong một tách trà, chứ không phải trên thế giới”.

Trên đường lang thang, anh đã gặp những kẻ chuyên đi nhờ xe đang viết “những cuốn tiểu thuyết điên rồ”, và những nhà thơ đeo ba lô lao đầu đến “một bờ biển khác” để đọc cho bạn bè nghe những bài thơ của họ, và anh cảm thấy rằng, văn học, nằm ngoài sự nhận thức của họ, cuối cùng sẽ đến. Và khi nó đến, đó sẽ là nền văn học của Thế hệ Beat.

Trước khi xem xét một số lời giải đáp mà văn học đã cố gắng đưa ra, tốt nhất chúng ta hãy nhớ lại điều Norman Mailer đã nói trong một bài báo về giới hippie, về ngôn ngữ của họ : “Cái gì đã khiến cho nó trở thành một ngôn ngữ đặc biệt là ở chỗ nó không thể được truyền thụ – nếu người ta không chia sẻ một chút kinh nghiệm về sự phấn chấn và sự kiệt quệ mà nó được dùng để diễn tả, thì dường như nó chỉ có vẻ tinh quái thô tục và chọc tức người khác”. Điều đó cũng đúng với phần lớn mảng thực tế mà trong đó thế hệ Beat đã lớn lên. Nếu bạn không thể nhìn nó theo cách của họ, bạn cũng không thể hiểu được hành động của họ. Một cách nhìn có thể là cách dễ nhất, đó là nghiên cứu hình ảnh mà họ hình dung về chính bản thân họ.

Một tỷ lệ lớn trong thế hệ này sống tiếp cho quãng đời ngắn ngủi và sôi động của diễn viên điện ảnh James Dean. Anh ta là thần tượng của họ theo kiểu mà Valentino đã từng là thần tượng của thế hệ những năm 20, và Clark Gable trong những năm 30. Nhưng có một sự khác biệt, và đó là tất cả sự khác biệt. Ở Dean, họ nhìn thấy không phải một Lothario mơ mộng và hấp dẫn hơn, bí ẩn và giàu có hơn họ, cũng không phải một người hùng hành động mà họ có thể đồng nhất hóa trong trí tưởng tượng để xóa bỏ cảm giác bất lực của mình, mà chính là một gã trai trẻ thầm lặng khôn ngoan, nhìn qua vực thẳm ngăn cách anh ta với những người lớn với đôi mắt buồn bã ngang tàng: sống căng thẳng giữa những bùng nổ luân phiên của bạo lực và sự dịu dàng; khao khát tình yêu và cảm giác có mục đích, nhưng chỉ có thể chấp nhận chúng theo điều kiện thực tế như anh ta quan niệm : bản thân chúng cũng ngắn ngủi.

Đối với nhiều người, kiểu nói nhát gừng, những phút im lặng kéo dài, và những điệu bộ kịch tính của Dean có vẻ như là những điểm cơ bản của thói kiểu cách rởm rỗng tuếch, nhưng thế hệ trẻ cho rằng không phải do anh ta không biết ăn nói hay bị ức chế mà là do anh ta không thể tin vào một số điều mà kịch bản phim đòi hỏi anh ta phải nói. Anh ta nói với họ qua những sản phẩm hàng triệu đôla đầy tính thuyết phục, nói bằng những tiếng thở dài, và kiểu đứng chuyển trọng tâm từ chân nọ sang chân kia một cách chậm rãi : “Phải, tôi cho rằng không có cách nào thoát khỏi những rắc rối này, nhưng chúng ta đều biết nó thực sự như thế nào…” Họ biết rằng anh ta cô độc, họ biết rằng anh ta không hoàn thiện, họ biết rằng anh ta lúng túng. Nhưng họ cũng biết rằng anh ta đã “đào bới” và thế là họ sung sướng trước bộ đồ luộm thuộm, mái tóc không cắt tỉa, cả sự thờ ơ với công danh của anh ta. Anh ta không phải là người mà họ muốn trở thành; anh ta là chính họ. Anh ta sống khó khăn và không hề ta thán; và anh ta chết như anh ta đã từng sống, rất nhanh. Hay như Kerouac diễn đạt: “Chúng ta phải đi và không bao giờ ngừng đi cho đến khi chúng ta tới”.
“ Chúng ta đi đâu, anh bạn?”
“Tôi không biết, nhưng chúng ta phải đi”.

Đối với tôi, chỉ có kẻ cận thị nhất mới thấy được nhu cầu chuyển dịch đó (và đây là một đặc tính để phân biệt Thế hệ Beat) như một cuộc dạo chơi chứ không phải một cuộc kiếm tìm.
Dean là sản phẩm của một cung cách đóng phim được dạy ở New York. Nó có sức hấp dẫn không cưỡng được đối với các diễn viên trẻ, và nó từng lấp đầy các màn ảnh và sân khấu Mỹ bằng hình ảnh các chàng trai ít nói và có vẻ lừng khừng, bỗng nhiên nổ bùng với những năng lực cảm xúc tuôn ra như suối, khiến cho đám khán giả ngây ngất xúc động như đang nghe một lời xưng tội. Điều quan tâm chủ yếu của cung cách này là tìm ra cái “lõi” của nhân vật, và diễn viên được khuyến khích làm điều đó bằng cách sử dụng những cảm xúc chính mình đã trải qua phù hợp với kịch bản. Những diễn viên không theo cung cách này chỉ trích rằng những môn đồ của nó chỉ dạo chơi trong phần lớn vai diễn và để dành nguồn xúc cảm cho những cảnh cao trào. Để đáp lại, những diễn viên tuân thủ cung cách thì nói rằng, chỉ có những cảnh cao trào mới chứa đựng những sự thật sâu sắc về con người, còn lại là những đối thoại trống rỗng dàn trải chờ đến khi nhân vật bộc lộ mình.

Một ví dụ về điều này có thể là bộ phim On the Waterfront (Trên bến cảng) mà tác giả kịch bản Budd Schulberg và đạo diễn Elia Kazan cùng cho rằng đó là một màn trình diễn đặc sắc của xã hội vùng duyên hải nước Mỹ, tập trung vào hình ảnh một cựu võ sĩ quyền Anh đấu tranh với một công đoàn tham nhũng. Diễn xuất đầy kích thích của Marlon Brando trong vai này đã tập trung mô tả nội tâm nhân vật đến nỗi bối cảnh xã hội dường như vô nghĩa bên cạnh luồng ánh sáng từ một con người bị kẹt giữa những mâu thuẫn nội tâm và sự phi lý của cuộc sống hiện đại. Như thể Brando đã nói trong từng cảnh một: “Con người không chỉ là một sinh vật sống cộng đồng, một nạn nhân, hay một sản phẩm. Tự đáy sâu, con người là một linh hồn”. Đó là lý thuyết chủ đạo cho cung cách điện ảnh, đồng thời cũng là phong cách hành động của Thế hệ Beat.

Các nhà phê bình liên tục biểu lộ kinh ngạc trước sự tự nguyện, thậm chí sung sướng mà thế hệBeat bày tỏ khi chấp nhận những gì là hình ảnh không tâng bốc của chính mình. Ví dụ, người ta nhận thấy rằng những kẻ ca ngợi lớn tiếng nhất của phim The Wild Ones (Những kẻ hoang dã), bộ phim đã thống kê những con số tàn bạo về các vụ cướp phá ở California do một băng đua môtô cầm đầu, chính là những tay đua môtô đó. Đa số các tội phạm thiếu niên xem và công nhận hình ảnh của chính mình thể hiện trong Rebel Without a Cause (Cuộc nổi loạn vô nguyên cớ) mặc dù chúng cười vào những động cơ xã hội mà kịch bản gán cho chúng. Người ta chỉ có thể đi đến kết luận rằng cái chúng thấy và cái người lớn thấy ở bộ phim đó là hai thứ hoàn toàn khác nhau.

Người lớn luôn luôn phạm sai lầm khi kết luận rằng, đằng sau tất cả những cái đó là sự thờ ơ với mọi giá trị bất kể loại nào, trong khi điều ngược lại mới là sự thật. Ngay cả thành viên vô chính phủ và ngạo ngược nhất của Thế hệ Beat, một gã du thủ du thực ở khu ổ chuột, cũng có mối quan tâm mạnh mẽ đến vấn đề đức tin, dù là vô thức : Điều kỳ lạ là dường như không ai thấy rằng cách duy nhất để liên hệ những tội phạm giết người vị thành niên với nhau là hiểu rõ rằng, đó là loại tội ác đặc biệt. Cậu thiếu niên đã đâm một thiếu niên khác mùa hè trước đã nói với nạn nhân rằng: ”Cảm ơn nhiều, tôi chỉ muốn biết cảm giác đó như thế nào”, không điên cũng không thật sự đồi bại. Không có lời bào chữa nào cho tội ác đó dù là hy vọng vào cái thiện hay trong cơn thù hận điên cuồng, hay thói tự cao tự đại. Tội ác đó là loại đã được Marquis de Sade chỉ rõ chân tướng từ 150 năm trước – một tội ác mà sự vắng mặt của Thượng đế đã bắt buộc một con người phải chứng minh rằng anh ta là một con người chứ không phải một mớ vật chất đơn giản. Loại tội ác đó, giờ đây không phải hiếm và đều do những kẻ dưới hai mươi lăm tuổi thực hiện. Sẽ không thể hiểu nổi nếu chúng ta cứ tiếp tục nêu lên các nguyên nhân cũ rích được lặp lại mãi, nào là gia đình tan vỡ, môi trường nghèo đói, nào là bạn bè xấu lôi kéo… Bởi vì đó là tội ác về tinh thần, tội ác để chống lại sự đồng hóa với kẻ khác, loại tội ác đã để lộ, với sự rõ ràng đến mức kinh hoàng, quãng đường mà nhu cầu tuyệt vọng về những giá trị cuộc sống có thể đẩy một thanh niên bước vào. Bởi vì trong thực tế, chính lòng khao khát những giá trị được thể hiện trong tội ác đó, chứ không phải sự căm thù những giá trị. Đó là lòng khao khát được làm hay cảm thấy một điều gì đó có ý nghĩa, và nó đem lại một ý niệm về việc những biến cố của thế kỷ XX đã quét sạch đến mức nào quan điểm nhân văn và hợp lý về Con người mà trên đó xã hội hiện đại được dựng lên.

Phản ứng trước vấn đề này của giới trẻ, ngay cả trong những bè đãng vị thành niên, không phải là thói vô đạo đức có tính toán, mà là sự trở về với một bộ luật đạo đức cổ xưa hơn, con người hơn, nhưng không kém phần khắc nghiệt – bao gồm sự bất khả xâm phạm của tình đồng đội, sự kính trọng đối với đức tự tin và sự quan tâm gần như bí ẩn đến lòng dũng cảm – tất cả đều là đạo đức của các bộ lạc; bộ luật của một nhóm liên kết nhỏ sống trong một môi trường thù nghịch hoặc lạnh lùng, mà nó tìm kiếm không phải để chinh phục hay thay đổi, mà chỉ để tránh né.

Ở độ tuổi lớn hơn một chút, nguyện vọng gần như thời nguyên thủy này đã gây ra phong trào hippie, kẻ lang thang qua các thành phố như những thành viên bí ẩn và chối bỏ bạo lực của Thế giới ngầm, không âm mưu gì cả, chỉ nuôi dưỡng một triết lý không được phổ biến, giống như những môn đồ Thiên Chúa giáo ở thế kỷ thứ Nhất. Anh ta tìm thấy trong một loại ma túy nhẹ, thứ ngôn ngữ bí ẩn của mình. Chính đêm tối và sự khẳng định chủ nghĩa cá nhân (càng ngày càng bị vây hãm bởi sự tuân thủ cuộc sống) đôi khi chỉ được biển hiện bằng thói lập dị bề ngoài. Nhưng mục đích của anh ta là được hòa đồng vào xã hội, chứ không phải chống đối xã hội; kiểu “đào bới” như mộng du của anh ta trong nhạc jazz, tình dục và ma túy là một nỗ lực để giải phóng bản thân anh ta, chứ không phải để sử dụng quyền lực với kẻ khác. Trong tâm trạng phấn khích nhất, chàng hippie cảm thấy rằng: gây hấn, bạo lực và sự tính toán cạnh tranh là những sai lầm về cơ bản, và anh ta nói:” Ngay cả các nguyên lý của đạo Phật cũng nói rằng mọi nỗi thống khổ của con người đều đến từ những xúc cảm đó”. Tôi đã có lần nghe một chàng hippie trẻ tự bảo mình một cách mệt mỏi, sau một cuộc cãi cọ ầm ĩ: “Ồ, anh bạn, anh đâu có liên quan gì đến ông ta?”.

Ở mức độ này, những hippie này tỏ sự kháng cự một cách thụ động với xã hội tiền trao cháo múc mà anh ta chung sống, và chương trình vĩ đại anh ta đưa ra chỉ là thay thế mọi sự gò bó tri thức và xã hội bằng sự biểu lộ và hưởng thụ cái chủ nghĩa cá nhân duy nhất của anh ta, và những “thú vui” của việc “đào bới” cuộc sống với nó. Và như Norman Mailer đã nói :” Sự khẳng định ẩn trong đều nghị đó là: con người phải sáng tạo chứ không phải chém giết, và như thế sẽ không tự hủy hoại mình”. Sau hết, đó chính là một quan niệm mang nhiều tính tôn giáo, thậm chí đạo lý hơn, về bản chất của con người, so với quan niệm của nhiều kẻ nhìn vào Thế hệ Beat này chỉ thấy những sự thái quá của họ.

Sức thuyết phục của năng lực sáng tạo của những tâm hồn tự do đứng sau bất cứ điều gì mà các thành viên của thế hệ này cảm thấy thích thú. Ví dụ, nếu họ quan tâm đến ma túy, lý do đầu tiên có thể là mong ước được khám phá thế giới chưa biết đến bên trong họ cũng như thoát khỏi thế giới không sao chịu nổi bên ngoài. Họ sẽ nói: “Đêm qua tôi đã bay lên cao đến nỗi tôi biết tất cả. Ý tôi muốn nói là tôi biết rõ tại sao”.

Về nghệ thuật, nhạc Jazz gần như là thứ âm nhạc riêng của Thế hệ Beat, cũng như thơ là văn học của họ (ít ra cũng cho đến khi Kerouac xuất bản tiểu thuyết). Nếu những thành viên này lắng nghe một cây kèn sax than thở theo cung cách người ta đã lắng nghe những lời nói và cử chỉ của bậc hiền triết, đó là vì nhạc jazz trước hết là thứ âm nhạc của tự do nội tâm, của khả năng ứng tác, của một cá nhân sáng tạo hơn là của một tập thể thông hiểu nhau. Đó là âm nhạc của những con người ở đáy xã hội, những kẻ cảm thấy tự do, và đó chính là những gì lớp thanh niên đang cảm thấy. Vì lý do đó, cuộc đời ngắn ngủi mãnh liệt của nhạc sĩ kèn sax-alto Charlie Parker (cùng với Dean và Dylan Thomas) tạo ra một sức hút mạnh mẽ đối với thế hệ này, bởi vì cả ba người đều có cung cách không thỏa hiệp của riêng mình, luôn lắng nghe con người bên trong của họ, tưởng niệm bất cứ thứ gì họ có thể tìm thấy để tưởng niệm, và rồi vui lòng trả giá bằng sự tự hủy hoại. Nhưng nếu thế hệ trẻ tôn họ làm thần tượng, họ cũng không ảo tưởng mình là những thánh tử đạo, vì họ biết (và chấp nhận một cách kiên cường) rằng một trong những mạo hiểm khi đi quá nhanh, và quá xa, là cái chết.

Nhưng có lẽ chính trong thơ ca, thái độ của Thế hệ Beat và khát khao cháy bỏng của họ là được thể hiện rõ nhất, ở San Francisco (nơi được coi là Paris của Thế hệ Beat theo nhiều nghĩa) cả một trường phái các nhà thơ trẻ đã đoạn tuyệt với những bậc tiền bối sang trọng bị giam cầm trong các trường Đại học. Một số người theo học phép tu Thiền của Phật giáo, một kiểu tụ tập bí ẩn cho đến lúc đạt được satori (giác ngộ). Một số khác là tín đồ Thiên Chúa giáo, thậm chí là tu sĩ và luôn cầu nguyện cho thế giới được cứu rỗi. Nhiều người trong số họ giống như những thầy tu khất thực, hay những người kể truyện thơ thời Trung cổ, mang theo mọi tài sản của mình trên lưng, kể cả bản đánh máy những bài thơ của họ, bỏ chúng vào các phòng trưng bày mỹ thuật hay nhà xí, như một người đã từng làm. Tất cả bọn họ đều tin rằng chỉ những gì kêu gào đòi được tốt lên, bất kể nó “không thi vị” đến mức nào, chỉ những gì là sự thật bất di bất dịch đối với người nói, và bật ra từ miệng anh ta như thác lũ, tự tìm thấy hình dạng khi trào vọt, là đáng được nói ra. Những quan điểm văn chương, ngữ pháp và vần luật, tất cả những giả tạo đã chia rẽ văn học và đời sống (họ nói vậy) phải cuốn gói ra đi. Và kết quả là những buổi đọc thơ trước công chúng của họ giống như những cuộc tụ họp ngạt thở với áo ngắn tay, các nhạc công kèn sax, rượu và những tiếng gào thét từ phía thính giả. Một trong bọn họ, Allen Ginsberg, người mà tạp chí Life gọi là nhà thơ trẻ đặc sắc nhất của nước Mỹ, đã viết một bài thơ dài, rực rỡ và lộn xộn tựa đề: Howl (Tiếng hú). Nó chứa đựng rất nhiều kinh nghiệm sống và cách diễn tả chưa từng xuất hiện ở bất cứ nhà thơ nào trước đó. Tuy vậy mục đích của bài thơ rõ ràng là sự tự vệ của tinh thần con người trước nền văn minh có ý định hủy diệt nó, và âm hưởng của bài thơ hoàn toàn tinh khiết. “Howl là một lời xác nhận kinh nghiệm của một cá nhân về Thượng đế, tình dục, ma túy và sự vô lý”, Ginsberg tuyên bố.

Cũng có thể nói như thế về cuốn On the Road. Đa số các nhà phê bình đã bỏ ra quá nhiều thời gian để thể hiện nỗi căm ghét lịch sự của họ đối với sự bẩn thỉu trong một số đoạn văn, đến nỗi họ hoàn toàn không nhắc đến việc Kerouac đã tìm thấy trong thế giới này, thế giới của Thế hệ Beat, sự dịu dàng, tính khiêm nhường, niềm vui và cả sự tôn kính, và mặc dù sống trong một thế giới mà các nhà phê bình gọi là khu rừng hoang trong ác mộng của cảm giác trống rỗng, những nhân vật của anh vẫn có thể lặp đi lặp lại rằng :

“Không ai có thể bảo chúng ta là không có Thượng đế. Chúng ta đã trải qua mọi hình thái đời sống. Tất cả đều tốt đẹp. Thượng đế vẫn tồn tại, chúng ta hiểu rõ thời đại này. Hơn nữa chúng ta hiểu rõ nước Mỹ, chúng ta đang ở nhà mình. Chúng ta cho đi và lấy lại, và ra đi trong sự ngọt ngào phong phú đến kỳ lạ…”

Bất kể họ là con người thế nào, đây cũng không phải là lời nói của một thế hệ đang héo hon vì tủi thân trước sự đổ vỡ những ảo tưởng của mình; cũng không phải lời nói của một thế hệ tiều tụy vì lòng căm thù đối với một thế giới mà họ không tạo dựng. Có lẽ đúng hơn đó là lời nói của một thế hệ đang dò dẫm tìm niềm tin trong nỗi tuyệt vọng về tinh thần và sự hỗn loạn về đạo đức mà họ đã từ chối đánh mất mình. Họ sẽ làm kinh ngạc nhiều người khi những lời nói bật ra, một cách tự nhiên như nó phải thế, từ đôi môi một thanh niên ngồi sau tay lái chiếc xe chạy hết tốc lực, vun vút lao qua màn đêm nước Mỹ, như câu trả lời có vẻ lạ lùng của Kerouac với phóng viên John Wingate của tờ Nightbeat khi được hỏi anh cầu khấn ai. “Tôi cầu khấn em trai nhỏ của tôi đã qua đời, cha tôi, Đức Phật, Jesus Christ và Maria Đồng trinh”. Rồi anh nói thêm : “Tôi cầu khấn năm người đó…”

Nhưng nếu việc gộp một vị thánh, một nhà hiền triết, và những người thân có vẻ lạ lùng đối với người Mỹ ở thế kỷ Hai mươi, đó chính là vì nhiều người trong chúng ta đã quên (hoặc chưa bao giờ biết) rằng kinh nghiệm về tâm linh có thể trở nên gần với sự thực đến mức nào khi những kinh nghiệm khác không thỏa mãn. Một gợi ý, ít ra cũng là theo cuốn sách của Kerouac, là ngoài bạo lực, ma túy, nhạc jazz và nhiều “thú vui” khác mà trong đó thế hệ này điên cuồng tìm kiếm nhân dạng của mình, họ còn đang tìm đức tin và họ sẽ trở thành, một cách có ý thức – Kerouac tin rằng hiện nay còn trong vô thức – một thế hệ tín ngưỡng.
Cũng có thể là như thế, và có những dấu hiệu chỉ rằng Thế hệ Beat không chỉ là một hiện tượng Mỹ. Nước Anh có các chàng Teddy, nước Nhật có các Bộ lạc Mặt trời, và ở các nước khác cũng có những hippie theo kiểu nào đó. Khắp nơi, thanh niên phản ứng lại những hiểm họa của đời sống hiện đại đang lớn dần và sự đe dọa liên tục của các chết tập thể với bước đường cùng đầy nhiễu nhương của chủ nghĩa cá nhân. Khắp nơi, dường như họ đang nói với lớp người lớn hơn : “Chúng tôi khác với các người, và chúng tôi không thể tin vào những gì các người tin – nếu chỉ vì đây là thế giới mà các người đã tạo dựng”. Khắp nơi, họ đang đi tìm lời giải đáp cho riêng mình.

Đối với nhiều người trong số họ, câu trả lời có thể là tù đày, sự điên loạn hay cái chết. Họ có thể không bao giờ tìm thấy niềm tin mà Kerouac tin rằng nó nằm ở cuối con đường. Nhưng có một điều tất cả bọn họ đều đồng tình: cái vực thẳm vô giá trị của cuộc sống hiện đại là không thể chịu đựng nổi. Và nếu các thế hệ khác đã than khóc rằng thế giới của họ “tồi tệ nhất trong tất cả các thế giới”, thì lớp trẻ ngày nay dường như hiểu rõ đây là thế giới duy nhất mà họ có và chính là con người ta sống như thế nào chứ không phải vì sao, là cái tạo nên mọi sự khác biệt. Sự thừa nhận của họ – rằng nền tảng của mọi hệ thống đạo đức hay xã hội chính là cái đơn vị cá thể không thể bị hủy hoại – có thể không là gì cả ngoài một cuộc nổi loạn chống lại một thế kỷ trong đó ý tưởng này bị phủ nhận. Nhưng nhận thức của họ rằng cái chống đỡ cho mỗi cá nhân chính là đức tin – và họ càng ngày càng bị thuyết phục rằng chỉ có những đức tin thuộc về tâm hồn mới có giá trị vĩnh cửu trong một thế giới như thế giới của chúng ta – sẽ đặt những hành vi điên rồ của họ trong một ánh sáng mới, và chắc chắn đức tin ấy sẽ có chỗ đứng trong tương lai, bất kể nó như thế nào đối với họ.

Phan Linh Lan dịch
Nguồn: The Philosophy of The Beat Generation – “THE BEATS” GoldMedal Books – Fawcett Publications Inc.